Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Nghị luận về vấn nạn bạo lực học đường

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (53.17 KB, 2 trang )

Trường học là nơi không những cung cấp cho chúng ta những tri thức về khoa học mà
còn là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thanh cao hơn,
trong sáng hơn, trang bị cho chúng ta một quan niệm đúng đắn về cuộc sống, một lẽ sống cao
đẹp... Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến nhiều người làm
công tác giáo dục nói riêng, các cấp chính quyền và toàn xã hội nói chung đang lo lắng trước
sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.
Chỉ cần lên Google đánh cụm từ "Học sinh đánh nhau" thì chỉ cần 0,08 giây sẽ thấy
3.140.000 cụm từ liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc.
Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy
những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những
thước phim quay cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm
đá, xé áo, lột quần, túm tóc… gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau về một thế hệ tuổi trẻ với
những nhân cách đang bị băng hoại nghiêm trọng. Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp
giáo viên dùng những biện pháp mạnh với học sinh, và đôi khi những biện pháp đó vượt khỏi
tầm kiểm soát trở thành bạo lực với học sinh.
Nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu? Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận
thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo. Nhiều học sinh chẳng còn coi kỉ
luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị đuổi
học. Một nguyên nhân nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con
em mình. Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết
con cái mình học hành như thế nào, quan hệ với thầy cô, bạn bè tốt xấu ra sao? Cha mẹ không
quan tâm, chăm sóc, theo dõi con cái thì làm sao hiểu được tâm tư tình cảm của con cái, làm
sao kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những suy nghĩ, những hành động lệch lạc sai trái của con cái
để hướng chúng đi trên con đường tốt đẹp được. Những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực
còn là do: học sinh cá biệt thành lập băng nhóm để ức hiếp bạn bè; do ảnh hưởng từ phim ảnh
bạo lực; do ghen tị về thành tích học tập; do mâu thuẫn nhỏ trong bạn bè dẫn đến xích mích,
nổi nóng thiếu kiềm chế; bên cạnh đó là những nguyên nhân cỏn con như "thích thì đánh cho
nó chừa", "nhìn đểu"…
Người VIệt có truyền thống “tiên học lễ, hậu học văn”. Người ta học lễ nghĩa, học văn
hóa, học làm người trước rồi mới đến những kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Người Việt
Nam tôn trọng đạo đức hơn tất cả. Ấy thế mà chỉ vì những lý do không đáng, một số học sinh


sẵn sàng ra tay đánh bạn giữa chốn đông người, chà đạp nặng nề lên nhân phẩm người khác.
Đó là bản thân họ đã có lỗi, họ đã không nhìn ra cái sai để sửa chữa. Một phần nữa ta cũng
nên nhìn nhận rằng xã hội bây giờ quá thờ ơ. Thế nên mới có cảnh nhiều người ngồi thản
nhiên trên ghế đá xem bạn cùng trường của mình bị một bạn khác đánh mà vẫn làm ngơ như
kiểu: “đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Hay có nhiều người khác lại quan tâm bằng
cách quay hình lại truyền mạng.
Bạo lực học đường để lại những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Bạo lực học đường
không chỉ mang tới nỗi đau về thể xác mà nó còn để lại những rạn nứt trong tâm hồn và cả
những tiếc nuối xót xa đối với gia đình, nhà trường, xã hội. Một số vụ bạo lực học đường xảy
ra, tuy chỉ bị xô xát nhẹ nhưng đều để lại trên thân thê đôi khi là những vết sẹo không thể xoá
bỏ, còn có một số trận đánh mà những người tham gia bị thương nặng và có cả trường hợp tử
vong. Nhưng nỗi đau về thể xác đó chỉ là bề nổi, hễ chìm chính là sâu thẳm trong tâm hồn
mỗi bạn học sinh đó có những vết rạn nứt mãi mãi không thể liền lại. Khi đánh nhau, có thể
chúng ta thấy họ không hề có chút nhân tính hay không biết suy nghĩ, nhưng trong lòng họ lại
là những vết thương, không ai nhìn thấy. Họ đánh nhau, họ không hề vui hay hả hê như mọi
người vẫn nghĩ mà trong lòng chỉ tràn ngập một nỗi buồn bực cô đơn như đang sống trong
một căn phòng với bốn bức tường bóng tối vây quanh. Nhưng bạo lực học đường không chỉ
gây hậu quả cho bản thân, gia đình mà nó còn trở thành vấn đề nhức nhối cho nhà trường, cho
ngành giáo dục và cho toàn xã hội. Có thầy cô nào muốn học sinh của mình ngồi trong lớp thì
ngoan ngoãn, ra khỏi cổng trường thì xách dao chém bạn? Có nhà trường nào muốn trường
học trở thành nơi sát phạt nhau của học trò? Câu trả lời là không ai cả. Bạn đánh nhau, không


chỉ bố mẹ mà thầy cô, bạn bè cũng đau xót và nhà trường phải vào cuộc. Toàn ngành giáo dục
và cả xã hội cũng không thể để cho những mầm non của đất nước ngày ngày giải quyết xô xát
bằng vũ lực. Bạo lực học đường, nếu nhìn một cách bao quát và rộng ra, nó có rất nhiều hậu
quả và là cả vấn nạn với mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi trường học và cả xã hội.
Làm thế nào để xóa bỏ bạo lực học đường? Đây là câu hỏi làm nhức nhối toàn ngành
giáo dục hiện nay. Tất nhiên, muốn cả tập thể cố gắng thì trước tiên, mỗi cá nhân cũng phải
cố gắng. Vậy trước tiên, ngay từ khi trẻ em biết nhận thức, hãy giáo dục cho các em biết về

tác hại của bạo lực học đường, để không có những hành động lầm đường lạc lối xảy ra. Và sự
giáo dục đó phải đến từ nhiều phía như nhà trường, gia đình và xã hội thì mới đạt hiệu quả
như mong mưốn. một cách khác để ngăn chặn bạo lực học đường, đó là mỗi cá nhân phải có
tinh thần phê bình, phải biết lên tiếng trước những hành động xấu.
Là công dân Việt Nam, là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi luôn nỗ lực
học tập, phấn đấu, rèn luyện đạo đức, chính trị, học tập văn hóa xã hội để có kiến thức bền
vững, để trở thành một công dân tốt, để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn sánh vai cùng năm
châu.
Nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn và đẩy lùi sớm thì đó là một cái
họa của đất nước và dân tộc. Không biết xã hội sẽ đi về đâu khi bộ phận không nhỏ của tuổi
trẻ hôm nay sống không có lí tưởng, đi ngược lại truyền thống đạo lí có tự nghìn xưa của dân
tộc, sống theo lối sống cá nhân, ăn chơi hưởng lạc,.. chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, tuy
đau xót nhưng đó vẫn là một sự thật mà chúng ta phải thừa nhận và nỗ lực xóa bỏ.



×