VIỆN HẦN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
Trương Thị Cẩm Vân
VẬN DỤNG QUAN NIỆM THẨM MĨ
VÀ TRI THỨC DÂN GIAN TRONG VIỆC LÀM ĐẸP VÀ
CHĂM SÓC SỨC KHỎE PHỤ NỮ HIỆN NAY
Chuyên ngành: Văn hóa dân gian
Mã số: 62 22 01 30
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
HÀ NỘI - Năm 2016
Công trình được hoàn thành tại :
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
Người hướng dẫn khoa học :
GS.TS. Nguyễn Xuân Kính
Phản biện 1 : PGS.TS. Trần Đức Ngôn
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Phản biện 2: PGS.TS. Lê Thị Hoài Phương
Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Phản biện 3: PGS.TS Ngô Văn Doanh
Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp
Học viện họp tại Học viện Khoa học xã hội vào
hồi……..….giờ……phút, ngày……tháng……….năm 2016
Có thể tìm hiểu tại :
- Thư viện Học viện Khoa học xã hội.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH
ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1. Trương Thị Cẩm Vân (2013), "Quan niệm làm đẹp của phụ
nữ Vệt truyền thống đến hiện đại qua cách tiếp cận nhân học văn
hóa", Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 4, (tr. 18 - 22).
2. Trương Thị Cẩm Vân (2013), "Bàn thêm về tri thức dân
gian", Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (148), (tr. 66 - 68).
3. Trương Thị Cẩm Vân (2015), “Bàn luận xung quanh vẻ đẹp
của người phụ nữ và người phụ nữ đẹp thời xưa”, Tạp chí Văn hóa
dân gian, số 5 (161), tr.30-35.
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Vẻ đẹp cơ thể là một yêu cầu quan trọng đầu tiên của người phụ
nữ hiện đại vì nó tăng sự quyến rũ của nữ tính. Vẻ đẹp mà người phụ nữ
thu hút người khác có được là nhờ sự bộc lộ những nét đẹp thiên phú,
nhờ việc biết cách giữ gìn và chủ động làm đẹp. Ngày nay, cuộc sống
đã khác trước với nhịp độ ngày càng gia tăng, người phụ nữ tham gia
ngày càng nhiều vào đời sống xã hội và dần dần thay đổi cách nghĩ,
cách làm và nhất là cách biểu lộ tình cảm, cách làm đẹp. Do nhu cầu
làm đẹp của phái nữ, xã hội đã hình thành và phát triển dịch vụ làm đẹp
(Spa). Ở Việt Nam, công nghệ này đã phát triển, tập trung chủ yếu ở các
thành phố lớn và đang lan rộng ra các vùng nông thôn.
Trong một cuộc điều tra xã hội học, người ta thấy 80% số người
được hỏi đều cho rằng người phụ nữ Việt Nam hiện đại có tính năng
động, tự tin, cởi mở, ham thích hoạt động xã hội, có khả năng lãnh đạo
với tinh thần trách nhiệm cao. Một số người Việt Nam vẫn giữ một
thái độ cố hữu: "Cái nết đánh chết cái đẹp". Trên thực tế, nhu cầu làm
đẹp để tôn tạo những nét đẹp trên sắc mặt, cơ thể lại phát triển khá
mạnh. Tiếc rằng nhu cầu và việc làm này chưa được sự hướng dẫn
một cách khoa học trên quan điểm thẩm mỹ của văn hóa học. Có
không ít người, vì thiếu hiểu biết đã chạy theo mốt mới, theo cái hiện
đại, làm đẹp theo kiểu phản thẩm mỹ dẫn đến những hậu quả nghiêm
trọng. Dù rất quan tâm đến cái đẹp hay chỉ thừa nhận nó ở mức độ vừa
phải, mọi người đều cho rằng người phụ nữ đẹp cũng còn là người phụ
nữ khỏe mạnh. Thực hiện đề tài khoa học Vận dụng quan niệm thẩm
mĩ và tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ
phụ nữ hiện nay, chúng tôi sẽ trình bày những hiểu biết và thực hành
của người dân xưa trong việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho người
phụ nữ Việt, từ đó rút ra những ưu điểm của cách làm đẹp và chăm
sóc sức khỏe dân gian còn phù hợp mà phụ nữ hiện đại cần học tập.
2
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trong việc làm đẹp và giữ gìn sức khỏe của người phụ nữ Bắc
Bộ hiện nay, có những quan niệm và phương pháp dân gian nào được
vận dụng? Vị trí, vai trò của tri thức dân gian trong việc làm đẹp và
chăm sóc sức khỏe của phái đẹp hiện nay như thế nào?
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ khái niệm tri thức dân gian, quan niệm dân gian về cái
đẹp, thẩm mỹ, sức khỏe, những bài thuốc và cách thức sử dụng của
nhân dân ta ngày xưa.
- Trình bày quan niệm và những phương thức làm đẹp của người
phụ nữ hiện đại, đánh giá vai trò và tác dụng của tri thức dân gian trong
vấn đề này.
- Trình bày những phương thức chăm sóc sức khỏe của phụ nữ
hiện đại, nhận diện vai trò của tri thức dân gian trong vấn đề này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi nghiên cứu việc làm đẹp, giữ gìn, rèn luyện sức khỏe
của phụ nữ hiện nay ở Bắc Bộ, tìm hiểu trong số những phương thức,
những bài thuốc làm đẹp và tăng cường sức khỏe hiện nay có những
phương thức nào, bài thuốc nào sử dụng từ tri thức dân gian.
Đối với người phụ nữ hiện nay, chúng tôi điều tra và phỏng vấn
những phụ nữ từ 16 đến dưới 70 tuổi (nhóm chưa có chồng, nhóm có
chồng và nhóm người có tuổi). Những người này đại diện cho các thế
hệ khác nhau, thể hiện việc chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe trước và sau
khi có con và sự khác biệt giữa các thế hệ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong điều kiện thời gian có hạn, chúng tôi không thể nghiên
cứu việc vận dụng quan điểm thẩm mĩ và tri thức dân gian trong việc
làm đẹp và chăm sóc sức khỏe phụ nữ của tất cả các dân tộc ở mọi
3
vùng trên đất nước ta. Chúng tôi xin được giới hạn nghiên cứu tri thức
dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ Việt ở
vùng châu thổ Bắc Bộ. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi so sánh, liên
hệ vấn đề này ở một số dân tộc thiểu số cư trú tại Bắc Bộ. Việc giới
hạn không gian nghiên cứu này là phù hợp với tính chất của tri thức
dân gian. Tri thức dân gian (hay tri thức địa phương, hay kiến thức
bản địa) có tính chất vùng, miền (địa phương) rất rõ. Các nhà nghiên
cứu có nhiều phương án phân vùng văn hóa Việt Nam, trong đó có
cách phân chia nước ta thành ba vùng lớn: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam
Bộ. Trong luận án, chúng tôi quan niệm: Bắc Bộ là khu vực tính từ
các tỉnh từ biên giới phía Bắc kéo đến hết Ninh Bình. Trong Bắc Bộ,
chúng tôi tập trung khảo sát vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong châu thổ
Bắc Bộ, chúng tôi khảo sát ở tám tỉnh và thành phố: Nam Định, Ninh
Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà
Nội. Đây là những nơi vừa bảo lưu nhiều nét truyền thống văn hóa,
đồng thời cũng là nơi biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Luận án nghiên cứu tri thức dân gian trong chăm sóc sắc đẹp và
sức khỏe của phụ nữ Việt và đánh giá sự tồn tại của các tri thức này
trong xã hội ngày nay. Tuy chủ yếu viết về người Việt, trong một số
trường hợp, chúng tôi có mở rộng đến những dân tộc khác nhằm làm rõ
hơn vấn đề của người phụ nữ Việt.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Chúng tôi vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa
duy vật lịch sử để xem xét đối tượng nghiên cứu trong sự vận động và
trong mối liên hệ giữa sự vật này với sự vật khác. Thí dụ, trong việc
làm đẹp, ở xã hội cũ, trong thời con gái, phụ nữ rất chú ý đến việc làm
đẹp và chăm sóc sắc đẹp, nhưng sau khi lập gia đình, họ ít chú ý đến
việc làm đẹp cho bản thân (tuy vẫn ăn trầu cho môi đỏ, ra đường mặc
quần áo đẹp hoặc chí ít cũng tươm tất hơn lúc ở nhà, đeo đồ trang
4
sức,…). Trong xã hội ngày nay, không chỉ ở thời con gái mà sau khi
đã lập gia đình hay khi tuổi đã cao, người phụ nữ vẫn quan tâm chăm
sóc sức khỏe và sắc đẹp cho bản thân. Sự giao lưu với thế giới, điều
kiện sống, những quan niệm mới về bình đẳng giới đã đem đến sự
thay đổi đó. Đó chính là hoàn cảnh cụ thể đã giúp NCS giải thích về
một hiện tượng hiện nay khác với truyền thống.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian
Theo tác giả Đinh Gia Khánh, trong khoa nghiên cứu văn hóa
dân gian, phương pháp tổng hợp có tầm quan trọng đặc biệt, đó là
phương pháp tiếp cận thẩm mỹ kết hợp với phương pháp tiếp cận
chỉnh thể. Để nghiên cứu một tác phẩm, một hiện tượng văn hóa dân
gian thì cần phải phân tích chủ thể nguyên hợp ấy ra các thành tố, hơn
nữa cần phải phân tích các thành tố ra các yếu tố nhỏ hơn để có thể đi
sâu tìm hiểu nội dung cũng như cấu trúc của từng thành tố nói riêng,
của chỉnh thể nguyên hợp nói chung. Trong nghiên cứu văn hóa dân
gian, khởi đầu bằng việc phân tích là một điều tất yếu. Nhưng quá
trình phân tích ấy lại được bổ sung và nâng cao bằng quá trình tổng
hợp bởi vì dẫu có tiến hành thao tác khoa học nào đi chăng nữa thì
cuối cùng cũng phải đạt mục tiêu là nhận thức được sâu sắc và toàn
diện tác phẩm, hiện tượng với tư cách là một chủ thể nguyên hợp
[133, tr. 10-11].
4.2.2. Phương pháp liên ngành
Theo tác giả Đinh Gia Khánh, phương pháp liên ngành hay nói
cho đúng hơn tổ chức nghiên cứu liên ngành thường cần thiết mỗi khi
xử lý những đề tài khoa học rộng lớn, tức là mỗi khi phải đề cập đến
nhiều thực thể khác nhau và nhiều đối tượng khoa học khác nhau. Tổ
chức nghiên cứu liên ngành huy động nhiều ngành khoa học khác
nhau, nhưng quá trình nghiên cứu thì mỗi ngành khoa học vẫn giữ tính
chất độc lập của mình, vẫn tuân theo phương pháp tiếp cận của mình,
5
vẫn sử dụng những phương pháp mà nhà khoa học cho là thích hợp
hơn là với phương hướng tiếp cận của ngành khoa học khác. Trong tổ
chức nghiên cứu liên ngành, có một ngành khoa học giữ vai trò trung
tâm, nói cho đúng hơn là giữ vai trò tổ chức. Vai trò ấy được quy định
bởi những điều kiện khác nhau như mục tiêu cuối cùng của đề tài
nghiên cứu hoặc tính chất của tư liệu nghiên cứu. Theo tác giả Đinh
Gia Khánh, đề tài Hùng Vương dựng nước đã được xử lý theo tổ chức
nghiên cứu liên ngành. Nhiều ngành khoa học xã hội và cả một số
ngành khoa học tự nhiên đã được huy động vào việc nghiên cứu đề tài
này.
Thời đại Hùng Vương không ghi lại những tư liệu thành văn,
những văn bản, nhưng còn lưu lại khá nhiều hiện vật khảo cổ học. Vì
vậy khoa học khảo cổ đã giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức của việc
nghiên cứu liên ngành. Khi nghiên cứu về Tây Nguyên là một vùng
trong đó các tộc người còn giữ được nhiều hơn các nơi khác những nét
đặc thù của xã hội thời kỳ tiền giai cấp. Bởi vậy trong việc xử lý đề tài
này theo tổ chức liên ngành thì dân tộc học đóng vai trò trung tâm, vai
trò tổ chức. Trong đề tài quy hoạch đồng bằng sông Hồng hoặc quy
hoạch đồng bằng sông Cửu Long thì dù ngành khảo cổ học, dân tộc
học, xã hội học, nông học, văn hóa dân gian…có thể tùy theo hoàn
cảnh mà có đóng góp nhiều hoặc ít vào kết quả nghiên cứu nhưng
ngành kinh tế học phải giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức, bởi vì
mục tiêu của việc nghiên cứu liên ngành này trước hết là mục tiêu
kinh tế [133, tr.12-14].
Từ những gợi ý của tác giả Đinh Gia Khánh, để thực hiện đề tài
này chúng tôi vận dụng những quy phạm của khoa nghiên cứu văn hóa
dân gian bên cạnh việc tiếp thu phương pháp nghiên cứu và thụ hưởng
kết quả nghiên cứu của mỹ học, y học và xã hội học, trong đó khoa
nghiên cứu văn hóa dân gian đóng vai trò trung tâm.
4.2.3. Phương pháp điều tra xã hội học
6
Cơ cấu mẫu nghiên cứu của chúng tôi như sau: Phỏng vấn bảng
hỏi được thiết kế sẵn với 300 phụ nữ từ 16 đến dưới 70 tuổi tại 8 tỉnh,
thành ở khu vực châu thổ Bắc Bộ, cụ thể là: Nam Định, Ninh Bình,
Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội. Ở
mỗi tỉnh, thành trên, chúng tôi khảo sát hai địa điểm: một là thành
phố/thị xã/ thị trấn/ thị tứ và một địa điểm ở một xã trong tỉnh.
- Về độ tuổi: Nhóm tuổi từ 16-25 chiếm 35%, nhóm từ 25-35
tuổi chiếm 15%, nhóm từ 36-55 tuổi chiếm 25% và nhóm trên 55 tuổi
chiếm 25%.
- Về nơi sinh sống: Tỷ lệ sống ở khu vực nông thôn chiếm gần
một nửa (46,7%), tỷ lệ ở khu vực thị trấn/thị tứ chiếm 22,8% và ở
thành phố chiếm 30,4%.
- Về nghề nghiệp: Làm nông nghiệp thuần túy chiếm 27,3%,
buôn bán, dịch vụ: 12,1%, cán bộ viên chức 19,0%, làm tự do 3,5%,
nội trợ, nghỉ hưu 2,1%, lĩnh vực nghệ thuật 2,4%, nhân viên trong các
công ty, doanh nghiệp 5,2%, học sinh, sinh viên 20,7%, thất nghiệp
1,4%.
- Về thu nhập bình quân/tháng: Tỷ lệ dưới 1 triệu/tháng chiếm
28,7%, từ 1- dưới 3 triệu chiếm 31,7%, từ 3- dưới 5 triệu chiếm 26%,
trên 5- dưới 7 triệu chiếm 8,3% và trên 7 triệu chiếm 5,3%.
- Về tình trạng hôn nhân: Tỷ lệ phụ nữ được khảo sát đang ở
cùng chồng chiếm 46,4%, đã ly hôn/ly thân chiếm 4,8%, chưa lập gia
đình 48,8%.
- Về học vấn: Tỷ lệ phụ nữ có trình độ tiểu học chỉ chiếm 3,8%,
trung học cơ sở 33,1%, trung học phổ thông 36,2%, trung cấp nghề
16,3%, cao đẳng, đại học 10,1% và trên đại học 0,5%.
- Về tôn giáo: 95,2% không theo tôn giáo nào, 4,8% theo các
tôn giáo khác như Tin Lành, Cao Đài…
Các đặc điểm về đối tượng được khảo sát sẽ được phân tích
nhằm giải thích sự khác biệt trong nhận thức, thực hành việc vận dụng
7
tri thức dân gian trong chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe của phụ nữ.
4.2.4. Phương pháp phỏng vấn sâu
Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện với nhiều đối tượng:
+ Phỏng vấn phụ nữ trong cộng đồng:
- Phỏng vấn phụ nữ cao niên (nông thôn, thành thị)
- Phỏng vấn phụ nữ trung tuổi (nông thôn, thành thị)
- Phỏng vấn phụ nữ chưa lập gia đình (nông thôn, thành thị)
+ Phỏng vấn chủ/đại diện các trung tâm chăm sóc sắc đẹp/thẩm
mỹ tại mỗi tỉnh.
+ Phỏng vấn kỹ thuật viên trong các trung tâm chăm sóc sắc đẹp
có sử dụng các phương pháp trị liệu (nguyên liệu truyền thống): bác sĩ,
dược sỹ, chuyên gia làm đẹp…
+ Phỏng vấn chuyên gia về nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ
thuật làm đẹp, chuyên gia về phụ nữ… ở các cơ quan quản lý, nghiên
cứu về văn hóa, nghệ thuật.
4.2.5. Phương pháp thu thập, xử lý các tài liệu thứ cấp
Luận án tổng hợp và phân tích một lượng lớn các tài liệu đã công
bố có thể phân chia số tài liệu này thành năm loại.
Loại thứ nhất là những công trình bàn về vẻ đẹp và làm đẹp của
phụ nữ thời xưa. Loại thứ hai là những công trình bàn về việc làm đẹp
của phụ nữ thời nay. Loại thứ ba là những công trình viết về việc chăm
sóc sức khỏe của phụ nữ ngày xưa. Loại thứ tư là những công trình
quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ hiện nay. Loại thứ
năm là những công trình sưu tầm, biên soạn văn học dân gian trong đó
chủ yếu là những công trình sưu tầm, biên soạn ca dao tục ngữ. Trong
quá trình nghiên cứu, tác giả sắp xếp các tài liệu như trên, trong mỗi
loại lại được chia nhỏ hơn nữa. Thí dụ, trong việc chăm sóc sức khỏe
của phụ nữ ngày xưa gồm có những công trình viết về việc chăm sóc
sức khỏe của phụ nữ Việt (Kinh), những công trình viết về việc chăm
sóc sức khỏe của phụ nữ các dân tộc thiểu số.
8
Trên cơ sở khối tư liệu đã công bố, xuất bản khá phong phú, chúng
tôi tiến hành phân tích theo các vấn đề mà nội dung luận án quy định.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Bản luận án đã phân tích và chứng minh các thuật ngữ tri thức
bản địa, tri thức dân gian, kiến thức bản địa, về cơ bản chỉ là những
cách gọi khác nhau của một sự vật, trình bày có hệ thống quan niệm
dân gian và tri thức dân gian về cái đẹp của người phụ nữ và việc
chăm sóc sức khỏe của họ trong xã hội xưa và nay, khẳng định vai trò
của tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe phụ nữ
hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Về mặt lý thuyết: Luận án làm sáng tỏ vai trò của tri thức dân
gian trong việc làm đẹp và giữ gìn sức khỏe của người phụ nữ hiện
đại, đánh giá đúng mức tầm quan trọng của tri thức này (không hạ
mức, không cường điệu). Qua kết quả nghiên cứu của luận án, người
đọc thấy rõ sự đa dạng trong quan niệm về cái đẹp, mối liên hệ hữu cơ
giữa cái đẹp và sức khỏe.
- Về mặt thực tiễn: Kết quả của luận án sẽ làm tài liệu tham
khảo hữu ích cho các chị em phụ nữ và các cơ sở làm đẹp hiện nay.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận
án được trình bày theo bốn chương như sau:
Chương 1: Lịch sử nghiên cứu vấn đề, lý thuyết vận dụng và
tổng quan về Bắc Bộ, châu thổ Bắc Bộ;
Chương 2: Tri thức dân gian trong chăm sóc sắc đẹp của người
phụ nữ vùng Bắc Bộ hiện nay;
Chương 3: Tri thức dân gian trong chăm sóc sức khỏe của
người phụ nữ vùng Bắc Bộ hiện nay;
Chương 4: Những vấn đề bàn luận.
CHƯƠNG 1
9
LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG
VÀ TỔNG QUAN VỀ BẮC BỘ, CHÂU THỔ BẮC BỘ
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt
theo quan niệm dân gian
Đề cập đến vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, đã có một số tác giả
quan tâm đến như Phạm Thị Nhung, Trần Ngọc Thêm, Phạm Anh
Trang, Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh. Đáng chú ý có hai nữ tác giả
dành số trang đáng kể, viết một cách có hệ thống về chủ đề đang bàn
đó là tác giả Lê Thị Nguyệt với Nét đẹp của người phụ nữ trong ca
dao cổ truyền người Việt và Nguyễn Thị Thúy Loan với Vấn đề miêu
tả ngoại hình con người trong “Kho tàng ca dao người Việt”. Hai tác
giả, bằng phương pháp thống kê đã phân tích vẻ đẹp bộ phận và vẻ
đẹp tổng thể ngoại hình của người phụ nữ Việt trong thơ ca dân gian.
Các kết quả nghiên cứu của Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Thúy Loan
đã giúp ích rất nhiều cho NCS trong quá trình thực hiện đề tài luận án.
1.1.2. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe
của người phụ nữ bằng phương pháp dân gian
1.1.2.1. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe
của người phụ nữ Việt bằng phương pháp dân gian
Ở mục này, chúng tôi giới thiệu những công trình đề cập đến
phương thức làm đẹp và cách chữa bệnh từ những cây thuốc và
nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên được đúc kết từ kinh nghiệm trong
dân gian. Cho đến nay, còn thiếu các nghiên cứu từ cách tiếp cận văn
hóa, xã hội để đánh giá, tìm hiểu nhu cầu thẩm mỹ, xu hướng về chăm
sóc sắc đẹp, sử dụng lựa chọn các phương pháp làm đẹp (truyền thống
và hiện đại) để từ đó có những khuyến nghị phù hợp nhằm duy trì và
phát huy văn hóa truyền thống (qua hệ thống tri thức dân gian), đồng
thời giúp phụ nữ Việt Nam tiếp cận lựa chọn các phương pháp làm
đẹp an toàn, tiết kiệm và hiệu quả bên cạnh các công nghệ làm đẹp
10
hiện đại.
1.1.2.2. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sức khỏe của người
phụ nữ các dân tộc thiểu số bằng phương pháp dân gian
Ở mục này chúng tôi giới thiệu các công trình viết về chăm sóc
sức khỏe của người phụ nữ trong khi mang thai và sau khi sinh của
các dân tộc Sán Dìu, Dao, Phù Lá, Mường.
1.2. Lý thuyết vận dụng và khái niệm
1.2.1. Lý thuyết vận dụng
Trong luận án, chúng tôi vận dụng bốn lý thuyết chính. Đó là lý
thuyết về thẩm mĩ và cái đẹp, lý thuyết về tri thức dân gian, lý thuyết
về văn hóa vùng, lý thuyết sinh thái học văn hóa.
1.2.2. Một số khái niệm
Trong luận án, chúng tôi trình bày một số khái niệm của những lý
thuyết ở trên và một số khái niệm trong tên đề tài luận án: Quan niệm
thẩm mĩ và cái đẹp (quan niệm thẩm mĩ, cái đẹp, tính nhân loại của cái
đẹp, tính khu vực của cái đẹp, tính dân tộc của cái đẹp, tính thời đại của
cái đẹp, tính giai cấp của cái đẹp), tri thức dân gian, vùng và tiểu vùng
văn hóa, phụ nữ, làm đẹp, sức khỏe và chăm sóc sức khỏe.
1.3. Tổng quan về Bắc Bộ và châu thổ Bắc Bộ
1.3.1. Bắc Bộ trong sự so sánh với Trung Bộ và Nam Bộ
Bắc Bộ bao gồm từ các tỉnh biên giới phía Bắc đến hết tỉnh
Ninh Bình. Phần lãnh thổ này nằm trọn trong không gian văn hóa
Đông Sơn; trong khi đó chỉ có một phần lãnh thổ của vùng Trung Bộ
hiện nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nằm
trong lãnh thổ của cư dân Đông Sơn. Điều đó có nghĩa là so với Trung
Bộ và Nam Bộ, Bắc Bộ là nơi tụ cư sớm nhất của người Việt cổ, cũng
là nơi có lịch sử lâu dài hơn cả. Dân tộc chủ thể chiếm đa số ở Bắc Bộ
là người Việt. Bên cạnh đó, còn có nhiều tộc người thiểu số như Tày,
Nùng, Thái, Mường, Dao, H’mông, Cống, Sán Chay,…
1.3.2. Tiểu vùng châu thổ Bắc Bộ
11
Vùng châu thổ Bắc Bộ là tâm điểm của con đường giao lưu
quốc tế theo hai trục chính: Tây - Đông và Bắc - Nam. Chính vị trí địa
lí này đã tạo điều kiện cho cư dân thuận lợi về giao lưu và tiếp thu tinh
hoa văn hóa nhân loại, tạo ra sắc thái riêng biệt trong tập quán canh
tác, cư trú, tâm lí ứng xử cũng như sinh hoạt cộng đồng của cư dân
trong khu vực, tạo nên nền văn minh lúa nước, vừa có cái chung của
văn minh khu vực, vừa có cái riêng độc đáo của mình.
Bắc Bộ là vùng đất lịch sử lâu đời của người Việt. Đây là cái
nôi hình thành văn hóa, văn minh Việt từ buổi ban đầu và hiện tại
cũng là vùng văn hóa bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống. Trong
tư cách ấy, văn hóa châu thổ vùng Bắc Bộ có những nét đặc trưng
chung của văn hóa Việt và có cả những nét riêng của vùng này.
Trong những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp
hóa và phát triển kinh tế trong vùng tăng nên đã có những tác động
làm thay đổi không gian, điều kiện tự nhiên và môi trường sống của
khu vực. Điều này liên quan đến vấn đề sức khỏe cũng như cách thức
ứng xử với môi trường tự nhiên – xã hội của người dân. Đây cũng là
yếu tố cần quan tâm đến khi xem xét khía cạnh chăm sóc sức khỏe và
sắc đẹp của người phụ nữ sinh sống trong khu vực này hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Trong nhiều cách phân chia các vùng văn hóa Việt Nam, có
cách phân thành ba vùng: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Trong luận án,
NCS theo cách phân vùng này. Bắc Bộ bao gồm từ các tỉnh biên giới
phía Bắc đến hết tỉnh Ninh Bình. Người phụ nữ châu thổ Bắc Bộ đảm
đang, chiều chồng, thương con. Từ lúc còn con gái cho đến khi lập gia
đình, họ vẫn biết chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe bản thân. Các công
trình viết về quan niệm dân gian về sắc đẹp không nhiều, chỉ tập trung
ở hai bản luận văn cao học của Lê Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Thúy
Loan. Không hiếm những cuốn sách viết về việc làm đẹp da, giữ dáng,
12
giữ gìn sức khỏe, nhưng ở đây các tác giả ít khai thác kinh nghiệm dân
gian. Trong quá trình thực hiện đề tài luận án, chúng tôi vận dụng lí
luận về tri thức dân gian, về thẩm mĩ và cái đẹp, về văn hóa vùng, về
sinh thái học văn hóa trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.
CHƯƠNG 2
TRI THỨC DÂN GIAN TRONG CHĂM SÓC SẮC ĐẸP CỦA
NGƯỜI PHỤ NỮ VÙNG BẮC BỘ HIỆN NAY
2.1. Những quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ
2.1.1. Quan niệm dân gian về vẻ đẹp của người phụ nữ
Nhìn chung quan niệm của người Việt và các dân tộc thiểu số về
người phụ nữ đẹp giống nhau về cơ bản. Đó là người phụ nữ phải có vẻ
đẹp tổng thể, có dáng hình cân đối không cao, không béo, không gầy,
dáng người xinh, thắt đáy lưng ong. Điểm khác nhau là ở người Việt thì
quan niệm ấy phong phú hơn, cụ thể hơn. Điều này được đề cập rất rõ
trong ca dao, tục ngữ. Đồng thời quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ
Việt còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
2.1.2. Quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ từ góc độ y học/sinh
học
Dưới góc độ y học/sinh học, ngoài vẻ đẹp của khuôn mặt,
đường nét cấu trúc của cơ thể là một thông số quan trọng để thẩm định
sắc đẹp của người phụ nữ. Đó là một người đẹp lí tưởng được tính tỉ số
eo/mông (waist-to-hip ratio) mật độ trọng lượng trên một mét vuông
của cơ thể. Ngoài các chỉ số về hình thể, họ còn căn cứ vào các chỉ số
nhân trắc học khác như hình thái răng, vòng cung răng, độ dài và hình
thái ngón tay, màu sắc của mắt, vị trí, kích thước của hai ngực, kích thước
của rốn, tỷ lệ giữa độ dài đầu so với chiều dài toàn thân.
2.1.3. Quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ hiện nay
Người phụ nữ đẹp hiện nay là người phụ nữ vừa đẹp về hình thể
vừa đẹp về tâm hồn. Vì thế các quan niệm như “cái nết đánh chết cái
13
đẹp” hoặc “tốt gỗ còn hơn tốt nước sơn” trong giai đoạn hiện nay
nhiều lúc vẫn đúng và mang tính giáo dục cho thế hệ trẻ với ý nghĩa
coi trọng phẩm giá con người. Với quan niệm như vậy, những người
phụ nữ hiện nay luôn trau dồi, chăm sóc vẻ đẹp tâm hồn, qua đó tôn
thêm vẻ đẹp hình thức lên nhiều lần.
2.2. Thực tế làm đẹp của phụ nữ Việt Nam hiện nay
2.2.1. Xu hướng chăm sóc sắc đẹp
Từ kết quả khảo sát thực địa cho thấy, xu hướng phụ nữ ngày
nay chú trọng đến việc chăm sóc sắc đẹp của mình nhiều hơn. Đại đa
số phụ nữ từ trẻ tuổi đến trung tuổi thường xuyên đến các cơ sở làm
đẹp, chi tiêu nhiều hơn cho mỹ phẩm, quần áo và các vật dụng làm
đẹp khác. Nguyên nhân họ coi trọng đến việc chăm sóc, làm đẹp bản
thân mình bởi nó thể hiện nét đẹp văn hóa, đồng thời cảm thấy tự tin
và thành công hơn trong sự nghiệp.
2.2.2. Thời gian làm đẹp
Trong các phỏng vấn phụ nữ ở khu vực Bắc Bộ cho thấy, họ
dành thời gian cho việc chăm sóc sắc đẹp vào buổi sáng, buổi trưa,
buổi tối, trước khi đi ra ngoài, đặc biệt là dịp tham gia các lễ hội, các
sự kiện, dự tiệc, dự đám cưới hoặc khi gia đình có khách.
2.2.3. Chi phí chăm sóc sắc đẹp
Thống kê về chi phí chăm sóc sắc đẹp đối với 300 phụ nữ Việt
Bắc Bộ cho thấy, trung bình một năm đã chi ra khoảng
350.000đ/người cho việc mua nguyên liệu, làm đẹp và khoảng gần
400.000đ cho việc đến các trung tâm dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.
Những phụ nữ có thu nhập cao có xu hướng đến các cơ sở chăm sóc
sắc đẹp nhiều hơn những phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ làm các
ngành nghề phi nông nghiệp chi phí cho chăm sóc sắc đẹp nhiều hơn
so với phụ nữ làm nông nghiệp thuần túy.
2.2.4. Địa điểm chăm sóc sắc đẹp
14
Đối với phụ nữ Việt Bắc Bộ, qua khảo sát cho thấy, họ chủ yếu
vẫn chăm sóc sắc đẹp tại nhà là chính (74,8%), tuy nhiên, vẫn có 9,9%
số được hỏi thường chăm sóc tại các tiệm/spa/trung tâm thẩm mỹ/cửa
hàng chuyên chăm sóc sắc đẹp và 15,2% chăm sóc ở cả hai nơi như
nhau.
2.2.5. Phương pháp chăm sóc sắc đẹp
Qua khảo sát, chúng tôi thấy có hai phương pháp: phương pháp
hiện đại (làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ và công nghệ hiện đại, chủ
yếu được thực hiện ở các cơ sở chăm sóc sắc đẹp), phương pháp thủ
công/dân gian (việc chăm sóc sắc đẹp được thực hiện tại các cơ sở
chăm sóc sắc đẹp hay tại nhà). Khi nghiên cứu sinh phỏng vấn một số
trung tâm làm đẹp cho phụ nữ, họ cho biết xu hướng kết hợp phương
pháp làm đẹp dân gian với phương pháp hiện đại khá phổ biến.
2.3. Tri thức dân gian trong việc làm đẹp cho phụ nữ hiện nay
2.3.1. Những tri thức dân gian trong việc làm đẹp
Tri thức dân gian trong việc làm đẹp cho phụ nữ là những hiểu
biết, kinh nghiệm làm đẹp cổ xưa lưu truyền lại. Đó là những tri thức
sử dụng sản phẩm, nguyên liệu và phương pháp dân gian trong việc
làm đẹp. Nguyên liệu làm đẹp là các loại lá, hoa, củ, quả có trong
thiên nhiên như: bạc hà, ngải cứu, lô hội, nha đam, bồ kết, chanh,
dưa chuột, bí đao, khoai tây,… Các phương pháp làm đẹp dân gian
hiện nay vẫn được duy trì, nhất là ở các vùng nông thôn. Để đáp ứng
nhu cầu về chăm sóc sắc đẹp của phụ nữ, hiện nay một số cơ sở sản
xuất mỹ phẩm đã tung ra các sản phẩm được chế xuất từ nguyên liệu
tự nhiên như nghệ, sâm, bí đao, sả, bồ kết,... Các sản phẩm này đã
được khách hàng quan tâm và sử dụng ngày càng nhiều.
2.3.2. Đánh giá vị trí, vai trò của tri thức dân gian trong việc làm
đẹp hiện nay
Trong cuộc sống hiện đại, phương pháp làm đẹp dân gian vẫn
được phụ nữ ngày nay ưa chuộng. Điều đó cho thấy, các tri thức dân
15
gian về chăm sóc sắc đẹp vẫn tiếp tục tồn tại và được phổ biến. Các tri
thức này được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau: thông qua
các sản phẩm, nguyên liệu và phương pháp chăm sóc sắc đẹp, phương
pháp dân gian thuần túy, phương pháp có sự kết hợp giữa dân gian và
hiện đại, yếu tố dân gian trong các phương pháp hiện đại. Như vậy, có
thể khẳng định những tri thức dân gian về chăm sóc sắc đẹp vẫn tồn
tại, duy trì và phát triển bởi nó có vị trí, vai trò nhất định đối với đời
sống xã hội hiện nay.
Tiểu kết chương 2
Người Việt Bắc Bộ có một quan niệm khá thống nhất và phong
phú về vẻ đẹp của người phụ nữ. Đó là vẻ đẹp tổng thể, hài hòa, trong
đó nổi lên những vẻ đẹp bộ phận của đôi mắt, mái tóc, bộ ngực, làn
da… Các dân tộc thiểu số ở Bắc Bộ nhìn chung cũng có quan niệm
tương tự, nhưng không phong phú bằng người Việt. Cả người Việt và
các dân tộc vừa nêu đều quan niệm cái đẹp gắn với cái đạo đức. Trong
thời đại hiện nay, nhiều tiêu chí của người đẹp ngày xưa vẫn được áp
dụng như dáng người, làn da, đôi mắt, mũi,…Về điểm khác, tác giả
dân gian nói nhiều đến người xinh hơn là người đẹp. Trong việc chăm
sóc sắc đẹp, bên cạnh việc sử dụng các tri thức dân gian truyền thống,
phụ nữ hiện nay còn đến các spa chăm sóc sắc đẹp, được sự hỗ trợ của
các phương tiện khoa học hiện đại với xu hướng kết hợp các phương
pháp làm đẹp theo dân gian và hiện đại ngày càng diễn ra phổ biến.
CHƯƠNG 3
TRI THỨC DÂN GIAN TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE
CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VÙNG BẮC BỘ HIỆN NAY
3.1. Quan niệm dân gian về sức khỏe của phụ nữ và việc chữa bệnh
Quan niệm và việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ Việt ở châu
thổ Bắc Bộ có nhiều điểm giống với quan niệm và việc chăm sóc sức
khỏe của phụ nữ các dân tộc thiểu số trong vùng. Họ đều sử dụng các
16
loại hoa, lá, quả, củ... trong tự nhiên để tạo ra các bài thuốc hoặc các
liệu pháp khác như đánh gió, bấm huyệt, mát - xa... để chăm sóc sức
khỏe và điều trị ốm đau (trừ cấp cứu). Bên cạnh đó, xu hướng kết hợp
với y học hiện đại dần dần phổ biến hơn. Việc phổ biến, bảo tồn các
tri thức dân gian về chăm sóc sức khỏe chủ yếu thông qua truyền
miệng giữa các thế hệ và qua kinh nghiệm là chính, ngoại trừ một số
cá nhân (thầy thuốc, thầy lang) có am hiểu và ghi chép để hành nghề.
So với người phụ nữ Việt, đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc
cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe đối với
người phụ trước và sau khi sinh nở; đặc biệt việc tắm nước lá của
người Dao Tuyển, người Mường là một nét riêng độc đáo.
3.2. Thực tế chăm sóc sức khỏe hiện nay ở phụ nữ Việt Nam
Có thể nhận thấy, hầu hết phụ nữ đều quan tâm đến chăm sóc
sắc đẹp và sức khỏe ở các mức độ khác nhau phụ thuộc vào điều kiện,
hoàn cảnh của mỗi người, là xu hướng chung của phụ nữ ở cả xã hội
truyền thống và hiện đại. Qua khảo sát chúng tôi thấy: Xu hướng mà
phụ nữ quan tâm là chăm sóc sức khỏe trong lao động; chăm sóc sức
khỏe khi ốm đau, bệnh tật và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra,
họ cũng áp dụng nhiều phương pháp để giữ gìn sức khỏe cho mình
như ăn uống đủ chất, thể dục thể thao và tham gia diễn đàn về sức
khỏe, đọc sách báo.v.v...Phụ nữ phụ nữ ở đô thị và công sở được chăm
sóc sức khỏe thường xuyên hơn, đầy đủ hơn phụ nữ ở khu vực lao
động tự do và nông thôn.
Trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, khi được trả lời phỏng
vấn, 72,2% số chị em cho rằng các tri thức dân gian vẫn còn phù hợp,
23,7% cho rằng còn phù hợp một phần, 1,8% đánh giá không còn phù
hợp và 2,2% không có ý kiến.
3.3. Tri thức dân gian trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ
hiện nay
3.3.1. Những tri thức dân gian của người Việt trong việc chăm sóc
17
sức khỏe
Trong kho tàng tri thức dân gian, những bài thuốc chữa bệnh
dân gian chủ yếu dựa vào tác dụng của các loại nguyên liệu tự nhiên
có sẵn. Có nhiều bài thuốc liên quan đến chăm sóc sức khỏe phụ nữ như
vấn đề sức khỏe trước, trong và sau sinh, các bài thuốc về phụ khoa,
chăm sóc sức khỏe sắc đẹp của phụ nữ bên cạnh các bài thuốc chung về
xương khớp, thần kinh, tim mạch,… Điều này cho thấy sự gần gũi và
tầm quan trọng của các bài thuốc dân gian đối với sức khỏe của phụ nữ
và họ cũng chính là đối tượng sử dụng nhiều nhất các bài thuốc này.
Đối với phụ nữ mang thai, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, còn phải
chú ý đến vấn đề dinh dưỡng và cả tâm linh.
Hiện nay, nhiều kinh nghiệm dân gian của người xưa vẫn chưa
thể khẳng định về mặt khoa học là tốt hay không tốt nhưng cho đến
nay còn rất nhiều người vận dụng.
3.3.2. Đánh giá vị trí, vai trò của tri thức dân gian trong việc chăm
sóc sức khỏe hiện nay
Tri thức dân gian rất có tiềm năng trong việc vận dụng và kết hợp
với tri thức hiện đại giúp cho người phụ nữ thêm sự lựa chọn trong
chăm sóc sức khỏe. Có được tiềm năng đó là do các quan niệm, các bài
thuốc xuất phát từ kinh nghiệm lâu đời trên cơ sở tận dụng cây cỏ và
phù hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam.
Tiểu kết chương 3
Sức khỏe là một trong những vốn quý nhất của con người và
cộng đồng. Bên cạnh những quan niệm chung, người Việt có một số
quan niệm riêng về sức khỏe của phụ nữ và việc chữa bệnh đối với họ.
Tuổi 17 là tuổi người phụ nữ khỏe mạnh nhất, đẹp đẽ nhất. Không chỉ
có người Việt, nhiều dân tộc khác như người Mường, người Thái cũng
đúc kết như vậy. Người phụ nữ Việt và những người phụ nữ các dân tộc
thiểu số Bắc Bộ đều có những kinh nghiệm dân gian, bài thuốc dân
18
gian, kiêng kị dân gian trong việc chăm sóc sức khỏe khi ốm đau, đặc
biệt khi mang thai, khi sinh nở và sau khi sinh nở. Đa số phụ nữ vẫn sử
dụng phương pháp dân gian để điều trị khi người thân bị ốm bởi các
nguyên vật liệu dễ kiếm, giá không đắt; cá biệt có nơi chị em sử dụng
các bài thuốc dân gian chỉ vì nơi họ sống không có cơ sở y tế ở gần để
điều trị. Ngày nay, xu hướng chăm sóc sức khỏe, kết hợp giữa y học
dân gian và y học hiện đại tương đối phổ biến. Đấy chính là lý do mà
các tri thức dân gian của người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số
cần được bảo tồn và nghiên cứu.
CHƯƠNG 4
NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN
4.1. Mối quan hệ giữa sắc đẹp và sức khỏe
Sức khỏe và sắc đẹp là hai vấn đề khác nhau, nhưng chúng lại
hay đi với nhau, có ảnh hưởng lẫn nhau. Thông thường người ta hay nói
đến người đẹp trước hết là phải thể hiện ở nước da, thần thái, sự sung
mãn…Điều đó cũng có ý nghĩa là có sức khỏe thì mới có vẻ đẹp bền
vững và ổn định. Trong quan niệm dân gian cũng như trong quan niệm
bác học, người phụ nữ đẹp là người phụ nữ khỏe, trong sức khỏe của
người phụ nữ có sức khỏe sinh sản và năng lực làm tình.
4.2. Sự khác nhau giữa tác giả dân gian và tác giả của dòng văn học
viết trong quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ
Khi miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ, tác giả dân gian không để
lại dấu ấn cá nhân của cái tôi sáng tạo. Còn ở dòng văn học viết, ở
những tác phẩm thành công, trong vấn đề này, cái riêng của từng tác giả
được bộc lộ, làm phong phú vẻ đẹp tinh thần, đồng thời minh chứng cho
chân lý cái đẹp là sự kết hợp giữa khách quan và chủ quan. Khi nêu
quan niệm hoặc miêu tả vẻ đẹp, sức khỏe của người phụ nữ, các tác giả
dân gian không có sự né tránh, không kiêng kị một ngôn từ nào. Điều
này rất hiếm gặp ở văn học viết thời trước.
19
4.3. Sức mạnh, giá trị và những số phận nổi chìm của những
người phụ nữ đẹp thời trước
Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc trước đây, nhiều người
đẹp đã làm say đắm vua chúa dẫn đến việc họ tan tành sự nghiệp.
Trong lịch sử nước ta, không ít lần những thiếu nữ mảnh mai, yếu
đuối đã vì việc nước mà dấn thân như công chúa An Tư được gả cho
Thoát Hoan nhằm trì hoãn bước hành quân của giặc đang ở thế chẻ
tre. Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chăm để đất đai Đại Việt
mở rộng thêm về phía Nam và giữ quan hệ hữu hảo giữa hai nước.
Việc chung thì như vậy, nhưng đời tư của hai nàng lại bất hạnh. Công
chúa An Tư phải lưu lạc xứ người. Công chúa Huyền Trân lấy vua
Chăm được một năm thì chồng chết, may nhờ có Trần Khắc Chung
cứu thoát khỏi cảnh lên giàn thiêu chết theo chồng và đi tu đến cuối
đời ở chùa Long Đọi (nay thuộc tỉnh Hà Nam).
4.4. Sự mở rộng trong cách nhìn nhận và điều kiện xã hội tiến bộ của
khoa học, kỹ thuật, bảo vệ, cổ súy cho cái đẹp của người phụ nữ
Trong quan niệm dân gian, người con gái ngày trước chỉ xinh
đẹp cho đến khi lấy chồng và ăn mặc giản dị hơn sau khi lấy chồng.
Hiện nay, phụ nữ sau khi lập gia đình, sau khi sinh con vẫn tiếp tục
đến các cơ sở làm đẹp, rồi mua máy móc luyện tập ở nhà, theo chế độ
ăn kiêng khoa học, dùng các mĩ phẩm dưỡng da, các biện pháp phẫu
thuật thẩm mĩ... để chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe cho mình và những
người thân trong gia đình.
Trong xã hội hiện đại, những cuộc thi hoa hậu trong nước và thế
giới đã chứng tỏ một cuộc cách mạng trong cách đánh giá, nhìn nhận
về cái đẹp. Những người đẹp sau khi đoạt giải trong các cuộc thi sắc
đẹp đã nhận được những phần thưởng hậu hĩnh và trở thành những
nhà hoạt động xã hội, những đại diện thiện chí. Họ được giới truyền
thông săn đón, các nhà doanh nghiệp chào mời.
4.5. Đánh giá tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức
20
khỏe của phụ nữ
Hiện nay để làm đẹp với một tốc độ nhanh, để khắc phục những
hạn chế của cơ thể, người ta thường sử dụng những công nghệ kỹ
thuật làm đẹp trên thế giới. Bên cạnh đó, tri thức dân gian cổ xưa cũng
được sử dụng. Chẳng hạn để khắc phục những vết nám trên da, có
những trung tâm làm đẹp vẫn sử dụng cả phương pháp xông da bằng
hơi nghệ, sả.. Tuy nhiên, số lần sử dụng những biện pháp dân gian làm
đẹp thường là những khách hàng có thu nhập trung bình, thấp và có
nhiều quỹ thời gian rảnh. Như vậy, nếu như trước đây trong dân gian,
trong nhân dân, tri thức dân gian là biện pháp chủ yếu để phụ nữ làm
đẹp và giữ gìn sức khỏe và làm đẹp thì ngày nay, tri thức dân gian
chiếm vị trí không chủ yếu. Song ở các cuộc thi hoa hậu, người ta
không chấp nhận thí sinh đã phẫu thuật thẩm mĩ. Điều này cho thấy sự
hòa điệu với tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên trong tri thức dân gian là
một giá trị vững bền.
Tiểu kết chương 4
Sắc đẹp và sức khỏe của người phụ nữ là hai vấn đề khác nhau
nhưng chúng lại ảnh hưởng đến nhau. Nhìn vào hàm răng, mái tóc và
nước da của người phụ nữ, người ta có thể đánh giá được một phần vẻ
đẹp, đồng thời răng khỏe, tóc dày và mượt, da sáng cũng là biểu hiện
của sức khỏe tốt. Ngoài ra, nói tới sức khỏe của người phụ nữ, người
ta không bỏ quên phương diện sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục.
Trong xã hội cũ (cả Trung Quốc và Việt Nam), có không ít người đẹp
tuy liễu yếu đào tơ mà có sức mạnh nghiêng thành, đã làm cho nhiều
đấng quân vương tan tành sự nghiệp. Trong quan niệm về vẻ đẹp cũng
như trong việc làm đẹp, bên cạnh điểm giống nhau, giữa phụ nữ quý
tộc và phụ nữ bình dân có nhiều điểm khác nhau. Trong xã hội cũ,
những người phụ nữ đẹp thường phải chịu những phận đời bất hạnh.
Trong xã hội cũ, thường người phụ nữ bình dân thường chú ý đến
21
nhan sắc, làm đẹp khi còn con gái. Sau khi lập gia đình, họ ít nghĩ đến
bản thân và điều kiện vật chất lúc đó cũng rất hạn chế khiến cho người
phụ nữ phai tàn nhan sắc rất nhanh. Ngày nay điều kiện khá hơn
trước, khoa học kỹ thuật tiến bộ không ngừng, người phụ nữ kéo dài
tuổi thanh xuân và nhan sắc được giữ gìn hơn trước. Trong việc chăm
sóc sắc đẹp và giữ gìn sức khỏe, một số tri thức dân gian vẫn được sử
dụng. Mặt khác, tri thức dân gian lại có những giới hạn của nó và
trong các trung tâm làm đẹp bây giờ, rất nhiều phương thức làm đẹp,
việc vận dụng tri thức dân gian chỉ đóng một vị trí khiêm tốn. Như
vậy chúng ta không hạ thấp tri thức dân gian những cũng không đề
cao nó một cách quá mức trong cuộc sống hiện nay.
KẾT LUẬN
1. Tri thức dân gian là những tri thức được hình thành chủ yếu
không do các nhà trí thức thông thái, ngày xưa không được tổng kết
trong sách vở. Đó là những kinh nghiệm của người dân, được tích lũy
qua nhiều năm tháng trong lao động sản xuất, trong quan hệ xã hội…
Tri thức dân gian được người dân lưu giữ trong đầu, thể hiện qua hành
động. Cũng có khi tri thức dân gian được đúc kết và thể hiện qua tục
ngữ, ca dao, truyện ngụ ngôn. Trong truyện cổ tích, tri thức dân gian
được thể hiện qua hình tượng nhân vật.
2. Trong giới phụ nữ hiện nay, việc làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp và
tập luyện, bồi bổ sức khỏe càng ngày càng được chú ý. Điều đó thể hiện
sự tiến bộ của xã hội và sự khẳng định quyền sống, quyền được mưu
cầu hạnh phúc của một nửa nhân loại. Con người hiện đại thông minh,
không bao giờ từ bỏ những kinh nghiệm quý báu của tiền nhân trong
quá khứ. Y học hiện đại đã đưa ra tỉ lệ tiêu chuẩn về eo, mông của
người phụ nữ đẹp. Thật thú vị, những người có số đo như vậy rất hiếm
và họ cũng chính là những người “thắt đáy lưng ong”, “lưng con kiến”
như tác giả dân gian ghi nhận. Khoa học cũng chứng minh mối quan hệ
22
giữa sắc đẹp và khả năng tình dục, sức khỏe sinh sản. Từ xa xưa, tác giả
dân gian cũng đã nhận ra mối quan hệ này. Trong việc chăm sóc sắc
đẹp hiện nay, có những kinh nghiệm dân gian vẫn được sử dụng. Những
quan niệm về dáng, về da, về sự hoàn chỉnh của con người và những
quan niệm về các bộ phận khác của con người trong dân gian đến nay
về cơ bản vẫn phù hợp. Tất nhiên có những quan niệm không còn phù
hợp (chẳng hạn quan niệm về răng đen cùng những bộ y phục quá cổ
lỗ). So với trước đây, quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ có phần
khác trước là người ta hướng tới những người có vóc dáng thon dài, da
trắng, hàm răng trắng đều, đẹp. Cái đẹp của họ cũng được thể hiện đa
dạng hơn, có khi kín đáo dịu dàng, có khi phô bày quyến rũ.
3. Nhân loại có tính chung, bởi thế quan niệm về vẻ đẹp của
người phụ nữ cũng mang những sắc thái chung của loài người. Bên
cạnh đó, lại có những nét khác biệt giữa người châu Âu và người châu
Á. Phụ nữ châu Á sẽ vô cùng phật ý nếu như bị người khác nhìn chăm
chú, ngược lại ở phương Tây, phụ nữ lại lấy làm hãnh diện nếu họ
được ngắm nhìn. Người Việt Nam quan niệm phụ nữ đẹp là người có
làn da trắng, trong khi đó ở Ấn Độ, người đẹp phải là người có nước
da như vàng. Ở Mĩ, người ta đánh giá người phụ nữ vai to, phần trên
cơ thể nở nang và tấm lưng mạnh mẽ là những người phụ nữ đẹp. Còn
người Braxin lại quan niệm phụ nữ đẹp nên có một dáng vẻ mềm mại
với mông và hông lớn, vai nhỏ. Tri thức dân gian nói chung, quan
niệm thẩm mỹ bản địa nói riêng là sự phản ánh và lưu giữ, lưu truyền
sắc thái riêng này, bởi “mất dân gian là mất hồn dân tộc” (Trần Quốc
Vượng). Cái đẹp cũng có tính giai cấp và tính thời đại. Một ví dụ tiêu
biểu là ở đời nhà Thanh (Trung Quốc), những phụ nữ lớp trên phải là
người chân nhỏ. Tục bó chân ra đời từ đó. Trong xã hội cũ, người phụ
nữ đẹp thường có cuộc đời bất hạnh, chìm nổi. Người thường dân
thường chăm sóc vẻ đẹp của mình cho đến khi lập gia đình. Ngày nay,
cái đẹp được bảo vệ, được khuyến khích, được cả xã hội cổ vũ tán