Tải bản đầy đủ (.pdf) (266 trang)

luận án vận dụng quan điểm thẩm mĩ và tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe phụ nữ hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.34 MB, 266 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRƯƠNG THỊ CẨM VÂN

VẬN DỤNG QUAN NIỆM THẨM MĨ
VÀ TRI THỨC DÂN GIAN TRONG VIỆC LÀM ĐẸP
VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE PHỤ NỮ HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

HÀ NỘI - 2016


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRƯƠNG THỊ CẨM VÂN

VẬN DỤNG QUAN NIỆM THẨM MĨ
VÀ TRI THỨC DÂN GIAN TRONG VIỆC LÀM ĐẸP
VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE PHỤ NỮ HIỆN NAY

Chuyên ngành: VĂN HÓA DÂN GIAN
Mã số: 62 22 01 30

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Người hướng dẫn khoa học:


GS.TS. NGUYỄN XUÂN KÍNH

HÀ NỘI - 2016


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi và công trình này
đảm bảo các nguyên tắc đạo đức trong việc trích dẫn tài liệu.
Nghiên cứu sinh

TRƯƠNG THỊ CẨM VÂN

i


MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT.................................................................................... iv
DANH MỤC BẢNG, HỘP .................................................................................................. v
MỞ ĐẦU ............................................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1 LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG VÀ
TỔNG QUAN VỀ BẮC BỘ, CHÂU THỔ BẮC BỘ ...................................................... 11
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................ 11
1.2. Lý thuyết vận dụng và khái niệm.................................................................................. 14
1.3. Tổng quan về Bắc Bộ và châu thổ Bắc Bộ ................................................................... 34
CHƯƠNG 2 TRI THỨC DÂN GIAN TRONG CHĂM SÓC SẮC ĐẸP CỦA NGƯỜI
PHỤ NỮ VÙNG BẮC BỘ HIỆN NAY ............................................................................ 50
2.1. Những quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ ............................................................ 50
2.2. Thực tế làm đẹp của phụ nữ Việt Nam hiện nay .......................................................... 62
2.3. Tri thức dân gian trong việc làm đẹp cho phụ nữ hiện nay .......................................... 79

CHƯƠNG 3: TRI THỨC DÂN GIAN TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA
NGƯỜI PHỤ NỮ VÙNG BẮC BỘ HIỆN NAY ............................................................. 93
3.1. Quan niệm dân gian về sức khỏe của phụ nữ và việc chữa bệnh ................................. 93
3.2. Thực tế chăm sóc sức khỏe hiện nay ở phụ nữ Việt Nam ............................................ 95
3.3. Tri thức dân gian trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ hiện nay ....................... 100
CHƯƠNG 4: NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN ............................................................... 117
4.1. Mối quan hệ giữa sắc đẹp và sức khỏe ....................................................................... 117
4.2. Sự khác nhau giữa tác giả dân gian và tác giả của dòng văn học viết trong quan niệm
về vẻ đẹp của người phụ nữ ............................................................................................... 121
4.3. Sức mạnh, giá trị và những số phận nổi chìm của những người phụ nữ đẹp thời trước ..... 125
4.4. Sự mở rộng trong cách nhìn nhận và điều kiện xã hội tiến bộ của khoa học, kỹ thuật,
bảo vệ, cổ súy cho cái đẹp của người phụ nữ .................................................................... 131
4.5. Đánh giá tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ ..... 138
KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN. 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................... 152
PHỤ LỤC.......................................................................................................................... 164

ii


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BMI

Body Mass Index

ĐHKHXH&NV

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn


ĐH

Đại học

HN

Hà Nội

Nxb

Nhà xuất bản

NCS

Nghiên cứu sinh

PVS

Phỏng vấn sâu

TLN

Thảo luận nhóm

Tp

Thành phố

tr


Trang

Tr. CN

Trước Công nguyên

iv


DANH MỤC BẢNG, HỘP
CÁC BẢNG
Bảng 1: Số lượng mẫu khảo sát tại các tỉnh........................................................................... 6
Bảng 2. Phân biệt tri thức bản địa và kiến thức khoa học ....................................................... 28
Bảng 3: Xu hướng quan tâm đến hoạt động chăm sóc sắc đẹp ........................................... 62
Bảng 4: Các nguyên liệu tự nhiên trong làm đẹp ................................................................ 79
Bảng 5: Phương pháp chăm sóc sắc đẹp dân gian được phụ nữ sử dụng hiện nay(%) ....... 86
Bảng 6: Một số nguyên liệu thường dùng để chăm sóc sức khỏe .................................... 100
Bảng 7: Những hình thức “kiêng cữ” sau khi sinh của phụ nữ ......................................... 108

CÁC HỘP
Hộp 1: Tác dụng làm đẹp của một số loại lá, hoa, củ, quả ................................................. 82
Hộp 2: Làm đẹp tóc bằng bồ kết .......................................................................................... 83
Hộp 3: Làm son dưỡng môi từ sáp ong ............................................................................... 83
Hộp 4: Tác dụng chữa bệnh của một số loại cây ............................................................... 101

v


MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của đề tài
Vẻ đẹp cơ thể là một yêu cầu quan trọng đầu tiên của người phụ nữ
hiện đại vì nó tăng sự quyến rũ của nữ tính. Vẻ đẹp mà người phụ nữ thu hút
người khác có được là nhờ sự bộc lộ những nét đẹp thiên phú, nhờ việc biết
cách giữ gìn và chủ động làm đẹp. Ngày nay, cuộc sống đã khác trước với
nhịp độ ngày càng gia tăng, người phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào đời
sống xã hội và dần dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và nhất là cách biểu lộ
tình cảm, cách làm đẹp. Do nhu cầu làm đẹp của phái nữ, xã hội đã hình
thành và phát triển dịch vụ làm đẹp (Spa). Ở Việt Nam, công nghệ này đã
phát triển, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và đang lan rộng ra các vùng
nông thôn.
Trong một cuộc điều tra xã hội học, người ta thấy 80% số người được
hỏi đều cho rằng người phụ nữ Việt Nam hiện đại có tính năng động, tự tin,
cởi mở, ham thích hoạt động xã hội, có khả năng lãnh đạo với tinh thần trách
nhiệm cao. Một số người Việt Nam vẫn giữ một thái độ cố hữu: "Cái nết đánh
chết cái đẹp". Trên thực tế, nhu cầu làm đẹp để tôn tạo những nét đẹp trên sắc
mặt, cơ thể lại phát triển khá mạnh. Tiếc rằng nhu cầu và việc làm này chưa
được sự hướng dẫn một cách khoa học trên quan điểm thẩm mỹ của văn hóa
học. Có không ít người, vì thiếu hiểu biết đã chạy theo mốt mới, theo cái hiện
đại, làm đẹp theo kiểu phản thẩm mỹ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Dù rất quan tâm đến cái đẹp hay chỉ thừa nhận nó ở mức độ vừa phải, mọi
người đều cho rằng người phụ nữ đẹp cũng còn là người phụ nữ khỏe mạnh.
Thực hiện đề tài khoa học Vận dụng quan niệm thẩm mĩ và tri thức dân
gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ phụ nữ hiện nay, chúng tôi sẽ
trình bày những hiểu biết và thực hành của người dân xưa trong việc chăm
1


sóc sắc đẹp và sức khỏe cho người phụ nữ Việt, từ đó rút ra những ưu điểm

của cách làm đẹp và chăm sóc sức khỏe dân gian còn phù hợp mà phụ nữ hiện
đại cần học tập.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trong việc làm đẹp và giữ gìn sức khỏe của người phụ nữ Bắc Bộ hiện
nay, có những quan niệm và phương pháp dân gian nào được vận dụng? Vị
trí, vai trò của tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm sóc sức khỏe của
phái đẹp hiện nay như thế nào?
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ khái niệm tri thức dân gian, quan niệm dân gian về cái đẹp,
thẩm mỹ, sức khỏe, những bài thuốc và cách thức sử dụng của nhân dân ta
ngày xưa.
- Trình bày quan niệm và những phương thức làm đẹp của người phụ
nữ hiện đại, đánh giá vai trò và tác dụng của tri thức dân gian trong vấn đề
này.
- Trình bày những phương thức chăm sóc sức khỏe của phụ nữ hiện
đại, nhận diện vai trò của tri thức dân gian trong vấn đề này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi nghiên cứu việc làm đẹp, giữ gìn, rèn luyện sức khỏe của
phụ nữ hiện nay ở Bắc Bộ, tìm hiểu trong số những phương thức, những bài
thuốc làm đẹp và tăng cường sức khỏe hiện nay có những phương thức nào,
bài thuốc nào sử dụng từ tri thức dân gian.
Đối với người phụ nữ hiện nay, chúng tôi điều tra và phỏng vấn những

2


phụ nữ từ 16 đến dưới 70 tuổi (nhóm chưa có chồng, nhóm có chồng và nhóm
người có tuổi). Những người này đại diện cho các thế hệ khác nhau, thể hiện

việc chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe trước và sau khi có con và sự khác biệt giữa
các thế hệ.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong điều kiện thời gian có hạn, chúng tôi không thể nghiên cứu việc
vận dụng quan điểm thẩm mĩ và tri thức dân gian trong việc làm đẹp và chăm
sóc sức khỏe phụ nữ của tất cả các dân tộc ở mọi vùng trên đất nước ta.
Chúng tôi xin được giới hạn nghiên cứu tri thức dân gian trong việc làm đẹp
và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Khi điều kiện
cho phép, chúng tôi so sánh, liên hệ vấn đề này ở một số dân tộc thiểu số cư
trú tại Bắc Bộ. Việc giới hạn không gian nghiên cứu này là phù hợp với tính
chất của tri thức dân gian. Tri thức dân gian (hay tri thức địa phương, hay
kiến thức bản địa) có tính chất vùng, miền (địa phương) rất rõ. Các nhà
nghiên cứu có nhiều phương án phân vùng văn hóa Việt Nam, trong đó có
cách phân chia nước ta thành ba vùng lớn: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Trong
luận án, chúng tôi quan niệm: Bắc Bộ là khu vực tính từ các tỉnh từ biên giới
phía Bắc kéo đến hết Ninh Bình (chúng tôi sẽ xin trở lại vấn đề này trong tiểu
mục lý thuyết vận dụng). Trong Bắc Bộ, chúng tôi tập trung khảo sát vùng
châu thổ Bắc Bộ. Trong châu thổ Bắc Bộ, chúng tôi khảo sát ở tám tỉnh và
thành phố: Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng
Yên, Thái Bình, Hà Nội. Đây là những nơi vừa bảo lưu nhiều nét truyền
thống văn hóa, đồng thời cũng là nơi biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa,
xã hội.
Luận án nghiên cứu tri thức dân gian trong chăm sóc sắc đẹp và sức
khỏe của phụ nữ Việt và đánh giá sự tồn tại của các tri thức này trong xã hội
ngày nay. Tuy chủ yếu viết về người Việt, trong một số trường hợp, chúng tôi

3


có mở rộng đến những dân tộc khác nhằm làm rõ hơn vấn đề của người phụ

nữ Việt.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Chúng tôi vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật
lịch sử để xem xét đối tượng nghiên cứu trong sự vận động và trong mối liên
hệ giữa sự vật này với sự vật khác. Thí dụ, trong việc làm đẹp, ở xã hội cũ,
trong thời con gái, phụ nữ rất chú ý đến việc làm đẹp và chăm sóc sắc đẹp,
nhưng sau khi lập gia đình, họ ít chú ý đến việc làm đẹp cho bản thân (tuy vẫn
ăn trầu cho môi đỏ, ra đường mặc quần áo đẹp hoặc chí ít cũng tươm tất hơn
lúc ở nhà, đeo đồ trang sức,…). Trong xã hội ngày nay, không chỉ ở thời con
gái mà sau khi đã lập gia đình hay khi tuổi đã cao, người phụ nữ vẫn quan tâm
chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho bản thân. Sự giao lưu với thế giới, điều
kiện sống, những quan niệm mới về bình đẳng giới đã đem đến sự thay đổi
đó. Đó chính là hoàn cảnh cụ thể đã giúp NCS giải thích về một hiện tượng
hiện nay khác với truyền thống.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp tổng hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian
Theo tác giả Đinh Gia Khánh, trong khoa nghiên cứu văn hóa dân gian,
phương pháp tổng hợp có tầm quan trọng đặc biệt. Vậy phương pháp tổng
hợp là gì? Cũng theo tác giả Đinh Gia Khánh, đó là phương pháp tiếp cận
thẩm mỹ kết hợp với phương pháp tiếp cận chỉnh thể. Để nghiên cứu một tác
phẩm, một hiện tượng văn hóa dân gian thì cần phải phân tích chủ thể nguyên
hợp ấy ra các thành tố, hơn nữa cần phải phân tích các thành tố ra các yếu tố
nhỏ hơn để có thể đi sâu tìm hiểu nội dung cũng như cấu trúc của từng thành
tố nói riêng, của chỉnh thể nguyên hợp nói chung. Trong nghiên cứu văn hóa

4


dân gian, khởi đầu bằng việc phân tích là một điều tất yếu. Nhưng quá trình

phân tích ấy lại được bổ sung và nâng cao bằng quá trình tổng hợp bởi vì dẫu
có tiến hành thao tác khoa học nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải đạt
mục tiêu là nhận thức được sâu sắc và toàn diện tác phẩm, hiện tượng với tư
cách là một chủ thể nguyên hợp [133, tr. 10-11].
4.2.2. Phương pháp liên ngành
Theo tác giả Đinh Gia Khánh, phương pháp liên ngành hay nói cho
đúng hơn tổ chức nghiên cứu liên ngành thường cần thiết mỗi khi xử lý những
đề tài khoa học rộng lớn, tức là mỗi khi phải đề cập đến nhiều thực thể khác
nhau và nhiều đối tượng khoa học khác nhau. Tổ chức nghiên cứu liên ngành
huy động nhiều ngành khoa học khác nhau, nhưng quá trình nghiên cứu thì
mỗi ngành khoa học vẫn giữ tính chất độc lập của mình, vẫn tuân theo
phương pháp tiếp cận của mình, vẫn sử dụng những phương pháp mà nhà
khoa học cho là thích hợp hơn là với phương hướng tiếp cận của ngành khoa
học khác. Trong tổ chức nghiên cứu liên ngành, có một ngành khoa học giữ
vai trò trung tâm, nói cho đúng hơn là giữ vai trò tổ chức. Vai trò ấy được quy
định bởi những điều kiện khác nhau như mục tiêu cuối cùng của đề tài nghiên
cứu hoặc tính chất của tư liệu nghiên cứu. Theo tác giả Đinh Gia Khánh, đề
tài Hùng Vương dựng nước (được Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức
vào nửa cuối những năm 60 – đầu những năm 70 của thế kỷ XX) đã được xử
lý theo tổ chức nghiên cứu liên ngành. Nhiều ngành khoa học xã hội và cả
một số ngành khoa học tự nhiên đã được huy động vào việc nghiên cứu đề tài
này.
Thời đại Hùng Vương không ghi lại những tư liệu thành văn, những
văn bản, nhưng còn lưu lại khá nhiều hiện vật khảo cổ học. Vì vậy khoa học
khảo cổ đã giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức của việc nghiên cứu liên
ngành. Khi nghiên cứu về Tây Nguyên là một vùng trong đó các tộc người

5



còn giữ được nhiều hơn các nơi khác những nét đặc thù của xã hội thời kỳ
tiền giai cấp. Bởi vậy trong việc xử lý đề tài này theo tổ chức liên ngành thì
dân tộc học đóng vai trò trung tâm, vai trò tổ chức. Trong đề tài quy hoạch
đồng bằng sông Hồng hoặc quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long thì dù
ngành khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, nông học, văn hóa dân gian…có
thể tùy theo hoàn cảnh mà có đóng góp nhiều hoặc ít vào kết quả nghiên cứu
nhưng ngành kinh tế học phải giữ vai trò trung tâm, vai trò tổ chức, bởi vì
mục tiêu của việc nghiên cứu liên ngành này trước hết là mục tiêu kinh tế
[133, tr.12-14].
Từ những gợi ý của tác giả Đinh Gia Khánh, để thực hiện đề tài này
chúng tôi vận dụng những quy phạm của khoa nghiên cứu văn hóa dân gian
bên cạnh việc tiếp thu phương pháp nghiên cứu và thụ hưởng kết quả nghiên
cứu của mỹ học, y học và xã hội học, trong đó khoa nghiên cứu văn hóa dân
gian đóng vai trò trung tâm.
4.2.3. Phương pháp điều tra xã hội học
Cơ cấu mẫu nghiên cứu của chúng tôi như sau: Phỏng vấn bảng hỏi
được thiết kế sẵn với 300 phụ nữ từ 16 đến dưới 70 tuổi tại 8 tỉnh, thành ở
khu vực châu thổ Bắc Bộ, cụ thể là: Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh
Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội. Ở mỗi tỉnh, thành trên,
chúng tôi khảo sát hai địa điểm: một là thành phố/thị xã/ thị trấn/ thị tứ và một
địa điểm ở một xã trong tỉnh.
Bảng 1: Số lượng mẫu khảo sát tại các tỉnh
Tỉnh

TT

Số lượng

Tỷ lệ (%)


1

Hải Dương

38

12.7

2

Hưng Yên

39

13.0

3

Thái Bình

38

12.7

4

Hà Nội

39


13.0

6


5

Nam Định

37

12.3

6

Ninh Bình

38

12.7

7

Phú Thọ

36

12.0

8


Vĩnh Phúc

35

11.7

300

100

Tổng

(Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả, 2013)
- Về độ tuổi: Nhóm tuổi từ 16-25 chiếm 35%, nhóm từ 25-35 tuổi
chiếm 15%, nhóm từ 36-55 tuổi chiếm 25% và nhóm trên 55 tuổi chiếm 25%.
- Về nơi sinh sống: Tỷ lệ sống ở khu vực nông thôn chiếm gần một nửa
(46,7%), tỷ lệ ở khu vực thị trấn/thị tứ chiếm 22,8% và ở thành phố chiếm
30,4%.
- Về nghề nghiệp: Làm nông nghiệp thuần túy chiếm 27,3%, buôn bán,
dịch vụ: 12,1%, cán bộ viên chức 19,0%, làm tự do 3,5%, nội trợ, nghỉ hưu
2,1%, lĩnh vực nghệ thuật 2,4%, nhân viên trong các công ty, doanh nghiệp
5,2%, học sinh, sinh viên 20,7%, thất nghiệp 1,4%.
- Về thu nhập bình quân/tháng: Tỷ lệ dưới 1 triệu/tháng chiếm 28,7%,
từ 1- dưới 3 triệu chiếm 31,7%, từ 3- dưới 5 triệu chiếm 26%, trên 5- dưới 7
triệu chiếm 8,3% và trên 7 triệu chiếm 5,3%.
- Về tình trạng hôn nhân: Tỷ lệ phụ nữ được khảo sát đang ở cùng
chồng chiếm 46,4%, đã ly hôn/ly thân chiếm 4,8%, chưa lập gia đình 48,8%.
- Về học vấn: Tỷ lệ phụ nữ có trình độ tiểu học chỉ chiếm 3,8%, trung
học cơ sở 33,1%, trung học phổ thông 36,2%, trung cấp nghề 16,3%, cao

đẳng, đại học 10,1% và trên đại học 0,5%.
- Về tôn giáo: 95,2% không theo tôn giáo nào, 4,8% theo các tôn giáo
khác như Tin Lành, Cao Đài…
Các đặc điểm về đối tượng được khảo sát sẽ được phân tích nhằm giải
7


thích sự khác biệt trong nhận thức, thực hành việc vận dụng tri thức dân gian
trong chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe của phụ nữ.
4.2.4. Phương pháp phỏng vấn sâu
Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện với nhiều đối tượng:
+ Phỏng vấn phụ nữ trong cộng đồng:
- Phỏng vấn phụ nữ cao niên (nông thôn, thành thị)
- Phỏng vấn phụ nữ trung tuổi (nông thôn, thành thị)
- Phỏng vấn phụ nữ chưa lập gia đình (nông thôn, thành thị)
+ Phỏng vấn chủ/đại diện các trung tâm chăm sóc sắc đẹp/thẩm mỹ tại
mỗi tỉnh.
+ Phỏng vấn kỹ thuật viên trong các trung tâm chăm sóc sắc đẹp có sử
dụng các phương pháp trị liệu (nguyên liệu truyền thống): bác sĩ, dược sỹ,
chuyên gia làm đẹp…
+ Phỏng vấn chuyên gia về nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ thuật
làm đẹp, chuyên gia về phụ nữ… ở các cơ quan quản lý, nghiên cứu về văn
hóa, nghệ thuật.
4.2.5. Phương pháp thu thập, xử lý các tài liệu thứ cấp
Luận án tổng hợp và phân tích một lượng lớn các tài liệu đã công bố có
thể phân chia số tài liệu này thành năm loại.
Loại thứ nhất là những công trình bàn về vẻ đẹp và làm đẹp của phụ nữ
thời xưa. Loại thứ hai là những công trình bàn về việc làm đẹp của phụ nữ
thời nay. Loại thứ ba là những công trình viết về việc chăm sóc sức khỏe của
phụ nữ ngày xưa. Loại thứ tư là những công trình quan tâm đến việc chăm sóc

sức khỏe của phụ nữ hiện nay. Loại thứ năm là những công trình sưu tầm,
biên soạn văn học dân gian trong đó chủ yếu là những công trình sưu tầm,
8


biên soạn ca dao tục ngữ. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sắp xếp các tài
liệu như trên, trong mỗi loại lại được chia nhỏ hơn nữa. Thí dụ, trong việc
chăm sóc sức khỏe của phụ nữ ngày xưa gồm có những công trình viết về
việc chăm sóc sức khỏe của phụ nữ Việt (Kinh), những công trình viết về việc
chăm sóc sức khỏe của phụ nữ các dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở khối tư liệu đã công bố, xuất bản khá phong phú, chúng tôi
tiến hành phân tích theo các vấn đề mà nội dung luận án quy định.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Bản luận án đã phân tích và chứng minh các thuật ngữ tri thức bản địa,
tri thức dân gian, kiến thức bản địa, về cơ bản chỉ là những cách gọi khác
nhau của một sự vật, trình bày có hệ thống quan niệm dân gian và tri thức dân
gian về cái đẹp của người phụ nữ và việc chăm sóc sức khỏe của họ trong xã
hội xưa và nay, khẳng định vai trò của tri thức dân gian trong việc làm đẹp và
chăm sóc sức khỏe phụ nữ hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Về mặt lý thuyết: Luận án làm sáng tỏ vai trò của tri thức dân gian
trong việc làm đẹp và giữ gìn sức khỏe của người phụ nữ hiện đại, đánh giá
đúng mức tầm quan trọng của tri thức này (không hạ mức, không cường
điệu). Qua kết quả nghiên cứu của luận án, người đọc thấy rõ sự đa dạng
trong quan niệm về cái đẹp, mối liên hệ hữu cơ giữa cái đẹp và sức khỏe.
- Về mặt thực tiễn: Kết quả của luận án sẽ làm tài liệu tham khảo hữu
ích cho các chị em phụ nữ và các cơ sở làm đẹp hiện nay.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được
trình bày theo bốn chương như sau:


9


Chương 1: Lịch sử nghiên cứu vấn đề, lý thuyết vận dụng và tổng quan
về Bắc Bộ, châu thổ Bắc Bộ;
Chương 2: Tri thức dân gian trong chăm sóc sắc đẹp của người phụ nữ
vùng Bắc Bộ hiện nay;
Chương 3: Tri thức dân gian trong chăm sóc sức khỏe của người phụ
nữ vùng Bắc Bộ hiện nay;
Chương 4: Những vấn đề bàn luận.

10


CHƯƠNG 1
LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG VÀ
TỔNG QUAN VỀ BẮC BỘ, CHÂU THỔ BẮC BỘ

1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt theo
quan niệm dân gian
Các tác giả thường dành một bài viết hoặc một số trang sách đề cập đến
cái đẹp của người phụ nữ cổ truyền. Trong bài thuyết trình năm 1990, tác giả
Phạm Thị Nhung cho rằng, người phụ nữ Việt Nam xưa có hai giai đoạn quan
trọng trong cuộc đời, đó là khi còn con gái và khi đã lập gia đình. Tác giả
nhận xét, nhìn chung quan niệm về dung nhan người đẹp thời trước qua ca
dao không thấy khác ngày nay bao nhiêu. Ở thời đại hiện nay, người ta thích
răng trắng và chuộng những người có vóc dáng cao. Nhưng ở thời nào thì đa
phần người phụ nữ cũng thích trang điểm và có ý ăn mặc điệu đà đôi chút

nhằm tôn thêm nhan sắc.
Tác giả Trần Ngọc Thêm nhận thấy, chiếc yếm ngày xưa tạo nên nét
đẹp duyên dáng và sức quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam [102, tr.382383]. Cũng quan tâm đến vấn đề này, tác giả Phạm Anh Trang nhận xét, cách
ăn mặc của người phụ nữ luôn thể hiện sự linh hoạt, phù hợp với từng thời
đại, chẳng hạn như sự thay đổi của chiếc yếm và chiếc áo dài [122].
Theo tác giả Vũ Ngọc Khánh, trang phục còn thể hiện địa vị xã hội,
phẩm chất của người phụ nữ [55]. Cũng quan tâm đến trang phục của người
phụ nữ xưa, tác giả Ngô Đức Thịnh viết khá kỹ về chiếc áo dài của người phụ
nữ thuở trước. Ngoài ra ông cũng viết về cách thức chải tóc rẽ ngôi của người
phụ nữ ngày trước và cách chít khăn vuông, khăn mỏ quạ của phụ nữ Bắc Bộ

11


và việc phụ nữ Nghệ Tĩnh đội khăn đầu rìu [108].
Đáng chú ý có hai nữ tác giả dành số trang đáng kể, viết một cách có
hệ thống về chủ đề đang bàn. Năm 2008, tác giả Lê Thị Nguyệt hoàn thành
luận văn thạc sĩ Nét đẹp của người phụ nữ trong ca dao cổ truyền người Việt
[84]. Năm 2012, nhà giáo Nguyễn Thị Thúy Loan bảo vệ luận văn thạc sĩ Vấn
đề miêu tả ngoại hình con người trong “Kho tàng ca dao người Việt” [71].
Hai tác giả, bằng phương pháp thống kê đã phân tích vẻ đẹp bộ phận và vẻ
đẹp tổng thể ngoại hình của người phụ nữ Việt trong thơ ca dân gian. Các kết
quả nghiên cứu của Lê Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Thúy Loan đã giúp ích rất
nhiều cho NCS trong quá trình thực hiện đề tài luận án.
1.1.2. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe của
người phụ nữ bằng phương pháp dân gian
1.1.2.1. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe của
người phụ nữ Việt bằng phương pháp dân gian
Năm 2000, trong cuốn sách Những phương thuốc làm đẹp từ cây thuốc
nam, tác giả Thiên Kim đề cập đến đặc điểm, thành phần cấu tạo, cách sử

dụng và phòng tránh cũng như những công dụng làm đẹp từ cây thuốc nam.
Các phương thuốc này rất dễ tìm kiếm và rất hiệu quả trong sử dụng [58].
Năm 2007, trong cuốn Cây nhà lá vườn vị thuốc chữa bệnh và làm đẹp, tác
giả Công Anh sưu tầm và giới thiệu nguyên liệu rau, củ, quả và cách chế biến
để có công dụng chữa bệnh, làm đẹp, dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe [6].
Năm 2008, cuốn sách đồ sộ Almanach người mẹ và phái đẹp của nhiều
tác giả được xuất bản. Trong sách này, có mục “Bí quyết làm đẹp”. Mục này
gồm nhiều bài, trong đó có những bài như “Bí quyết kéo dài tuổi thanh xuân
và sắc đẹp”, “Một số thực phẩm giúp con người kéo dài tuổi thanh xuân”,
“Dưỡng da bằng tỏi”, “Day huyệt, xoa bóp giữ gìn sức khỏe và nhan sắc”,…

12


Tất cả gồm 36 bài với 32 trang khổ lớn. Sách này còn có mục “Phái đẹp với y
học” gồm 69 bài với 89 trang khổ lớn. Những bài trong tập sách là những bài
viết ngắn, chưa phải là những công trình khoa học chuyên sâu [87].
Ngoài ra còn có các cuốn sách của Hoa Phượng, Nguyễn Thúy Ngà,
Nam Việt, Thanh Hải và Thanh Minh, Hà Hương, Nguyễn Trúc Chi,… Các
phương pháp làm đẹp (qua ăn uống, luyện tập, trang điểm) của người phụ nữ
chủ yếu được đúc kết từ kinh nghiệm trong dân gian. Các tài liệu đề cập cụ
thể đến các bài thuốc, công thức, cách chế biến ra sản phẩm làm đẹp từ các
sản phẩm tự nhiên, cách sử dụng để làm đẹp cho phụ nữ ở các lứa tuổi khác
nhau. Riêng về việc chăm sóc sức khỏe dưới cái nhìn dân gian, năm 2002,
nhóm tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thúy Loan, Phan Lan Hương,
Nguyễn Luân giới thiệu 54 câu tục ngữ (có chú giải) nói về ốm đau, chữa
bệnh [63, tr.82-88].
Cho đến nay, còn thiếu các nghiên cứu từ cách tiếp cận văn hóa, xã hội
để đánh giá, tìm hiểu nhu cầu thẩm mỹ, xu hướng về chăm sóc sắc đẹp, sử
dụng lựa chọn các phương pháp làm đẹp (truyền thống và hiện đại) để từ đó

có những khuyến nghị phù hợp nhằm duy trì và phát huy văn hóa truyền
thống (qua hệ thống tri thức dân gian), đồng thời giúp phụ nữ Việt Nam tiếp
cận lựa chọn các phương pháp làm đẹp an toàn, tiết kiệm và hiệu quả bên
cạnh các công nghệ làm đẹp hiện đại.
1.1.2.2. Các công trình đề cập đến việc chăm sóc sức khỏe của người phụ nữ
các dân tộc thiểu số bằng phương pháp dân gian
Những năm gần đây, một số lượng đáng kể những cuốn sách có nội
dung bàn về việc chăm sóc sức khỏe của người phụ nữ các dân tộc thiểu số.
Các tác giả chủ yếu viết về việc chăm sóc sức khỏe của người phụ nữ trong
khi mang thai và sau khi sinh: Tri thức dân gian liên quan đến tập quán sinh
đẻ và chăm sóc trẻ em của dân tộc Sán Dìu ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên
13


Quang của Đinh Thị Hồng Thơm [113], Phong tục sinh đẻ và chăm sóc trẻ sơ
sinh của người Dao Tuyển do Lê Thành Nam chủ biên [78], Tri thức dân gian
về cúng chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em của người Dao Tuyển ở Lào Cai của
Nguyễn Thị Minh Tú và Triệu Văn Quẩy [128], Tri thức dân gian chăm sóc
sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em người Phù Lá, Bắc Hà, Lào Cai của
Chảo Chử Chấn [17],…Đáng chú ý là sức khỏe của những phụ nữ thuộc các
dân tộc thiểu số đã được quan tâm. Điều này chứng tỏ cái nhìn tiến bộ và
đúng đắn đối với phụ nữ và các dân tộc thiểu số ngày một phổ biến.
Nhìn chung, các tài liệu viết về tri thức dân gian trong việc làm đẹp và
chăm sóc sức khỏe của phụ nữ còn khá hiếm. Các tài liệu viết về việc làm đẹp
hiện nay của phụ nữ chủ yếu là các bài thuốc, các phương pháp có tính chất kĩ
thuật, ít có những tổng kết lí luận. Tuy nhiên, những gì của các tác giả đi
trước đã được công bố sẽ là những gợi ý bổ ích đối với NCS.
1.2. Lý thuyết vận dụng và khái niệm
1.2.1. Lý thuyết vận dụng
Trong luận án, chúng tôi vận dụng bốn lý thuyết chính. Đó là lý thuyết

về thẩm mĩ và cái đẹp, lý thuyết về tri thức dân gian, lý thuyết về văn hóa
vùng, lý thuyết sinh thái học văn hóa.
Có nhiều quan niệm thẩm mĩ và cái đẹp. Ở đây, NCS tiếp thu quan
niệm của các tác giả Đỗ Huy, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Ngọc Long, Lại
Nguyên Ân [48], [8]. Đây chính là quan niệm vận dụng mỹ học mác xít.
Lý thuyết về tri thức bản địa được khởi xướng bởi các nhà nghiên cứu
quốc tế. Ở ta, các tác giả Hoàng Xuân Tý, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Ngọc
Thanh, Vương Xuân Tình,… đã vận dụng nó và tác giả Ngô Đức Thịnh còn
gọi nó là tri thức dân gian [132], [107]. Nội dung chủ yếu của lý thuyết này
chỉ ra các đặc điểm của tri thức dân gian, vai trò và tác dụng của nó trong xã

14


hội trước đây, vai trò và hạn chế của nó trong cuộc sống ngày nay.
Lý thuyết về vùng văn hóa cũng do các nhà khoa học nước ngoài khởi
xướng. Áp dụng lý thuyết này và vận dụng để nghiên cứu văn hóa Việt Nam
có các tác giả Ngô Đức Thịnh, Đinh Gia Khánh, Trần Quốc Vượng, Chu
Xuân Diên, Huỳnh Khái Vinh,…[108], [142]. Các tác giả quan niệm một
vùng văn hóa được tạo thành trong quá trình lịch sử lâu dài, được quy định
bởi điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, lịch sử cư dân, cách thức canh tác và
các sinh hoạt văn hóa xã hội. Bên cạnh tính chất chung, mỗi vùng văn hóa lại
có sắc thái riêng, thậm chí nét riêng. Phương án phân vùng văn hóa Việt Nam
của Ngô Đức Thịnh khác với phương án phân vùng cùng tên của Đinh Gia
Khánh và các tác giả khác. Ở đây, NCS theo cách phân vùng Việt Nam có ba
vùng văn hóa.
Trong các truyền thống nghiên cứu văn hóa, nhất là đối với nhân học
và xã hội học văn hóa, người ta cũng thường nhắc đến cách tiếp cận dựa trên
sinh thái học. Là một khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa các cơ thể sống
với môi trường tự nhiên, sinh thái học được nhà tự nhiên học người Đức là

Haeckel đề xướng vào năm 1866. Về sau, khi nội dung khái niệm được mở
rộng, sinh thái học đồng thời trở thành một bộ phận của khoa học xã hội, mà
theo đó, môi trường tự nhiên khách quan có ảnh hưởng quan trọng đến việc tổ
chức xã hội, lối sống và tư tưởng của con người. Mối quan hệ tương tác giữa
tự nhiên, xã hội và văn hóa cũng gắn liền với những nghiên cứu của J. Stuard
(1902 - 1972). Hướng cơ bản trong các công trình của tác giả này là tìm hiểu
sự thích nghi của con người xã hội với môi trường chung quanh, hay nói đầy
đủ hơn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm của các hệ thống xã hội tổng thể
(như dân số, thể chế xã hội, khoa học, kỹ thuật, phong tục, tập quán, đạo đức,
lối sống, v.v…) dưới sự tác động của các hệ sinh thái. Như vậy, sinh thái học
văn hóa được coi như một mô hình lý thuyết để tìm hiểu mối quan hệ qua lại

15


giữa con người và môi trường tự nhiên bao quanh, cũng như tìm hiểu về văn
hóa với tư cách là sản phẩm của mối quan hệ đó. Những người theo thuyết
sinh thái học văn hóa khẳng định rằng, kiểu văn hóa của mỗi tộc người được
tạo ra là do những nguồn tài nguyên và những giới hạn của môi trường xung
quanh, kể cả những thay đổi trong môi trường đó. Ở đây, khái niệm “kiểu văn
hóa” đóng vai trò căn bản, nó được hiểu như một tập hợp những nét khu biệt
cho một lối sống do kết quả thích nghi với môi trường xung quanh. Tiếp cận
lý thuyết này để giải thích các tri thức dân gian được hình thành trong quá
trình con người tương tác với môi trường tự nhiên, tìm kiếm những giá trị mà
tự nhiên có thể phục vụ cuộc sống con người như các sản phẩm dùng làm
thuốc, điều trị bệnh tật, chăm sóc sắc đẹp hoặc các món ăn, kiến trúc xây
dựng.v.v…
1.2.2. Một số khái niệm
Các lý thuyết được xây dựng trên những khái niệm cơ bản. Dưới đây
chúng tôi xin trình bày một số khái niệm của những lý thuyết vừa nêu và một

số khái niệm trong tên đề tài luận án.
1.2.2.1. Quan niệm thẩm mĩ và cái đẹp
Quan niệm thẩm mĩ
Mĩ học Mác – Lênin phân tích các quan hệ thẩm mĩ trong cuộc sống
cũng như nghệ thuật. Theo lý thuyết này, cái thẩm mĩ là mối quan hệ gồm ba
mặt hợp thành. Mặt thứ nhất là đối tượng trong quan hệ thẩm mĩ. Đó là những
cái đẹp, cái bi, cái hài, cái cao cả tồn tại khắp mọi nơi trong xã hội loài người.
Mặt thứ hai là mặt chủ thể trong quan hệ thẩm mĩ. Đó là các hoạt động của
chủ thể thẩm mĩ, bao gồm các hoạt động về nhu cầu thẩm mĩ, về thị hiếu thẩm
mĩ, về lý tưởng thẩm mĩ của con người trong xã hội. Mặt thứ ba là mặt nghệ
thuật trong quan hệ thẩm mĩ. Đó là các hoạt động hưởng thụ nghệ thuật, phê

16


bình nghệ thuật, sáng tạo nghệ thuật bao gồm các đặc trưng của nghệ thuật,
bản chất xã hội của nghệ thuật và chức năng của nghệ thuật [48, tr.32-33].
Trong quan niệm thẩm mĩ của một cộng đồng người không chỉ có quan
niệm về cái đẹp, mà còn có quan niệm về cái cao cả, cái bi, cái hài; tuy nhiên
quan niệm về cái đẹp thường đứng ở vị trí trung tâm. Trong luận án này, khi
nói đến quan niệm thẩm mĩ của dân gian, chúng tôi chủ yếu nói đến quan
niệm về cái đẹp của dân gian.
Cái đẹp
Cái đẹp là một phạm trù mĩ học xác định giá trị thẩm mỹ của các hiện
tượng theo quan điểm về sự hoàn thiện, xem chúng như là các hiện tượng có
giá trị thẩm mĩ cao nhất. Các hiện tượng có thể được coi là đẹp khi với tính
toàn vẹn cụ thể cảm tính của mình, chúng hiện diện như những giá trị xã hội nhân bản, tức là những giá trị thể hiện sự khẳng định của con người trong thế
giới, chứng tỏ sự mở rộng giới hạn tự do của cộng đồng về con người, thúc
đẩy sự phát triển hài hòa của nhân cách, sự nảy sinh và bộc lộ ngày càng đầy
đủ những sức mạnh và năng lực của con người. Bởi vậy, việc tiếp nhận cái

đẹp gây nên trạng thái vui sướng, tình yêu vô tư, cảm giác tự do, xác nhận và
làm giàu lý tưởng thẩm mỹ. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, trong lịch
sử mĩ học, cái đẹp và sự tiếp nhận cái đẹp được nghiên cứu ở bình diện quan
hệ giữa cái tinh thần và cái vật chất, cái khách quan và chủ quan, cái tự nhiên
và cái xã hội, giữa nội dung và hình thức. Đặc trưng của cái đẹp được xác
định thông qua mối quan hệ của nó với các loại hình giá trị khác: giá trị thực
dụng (lợi ích), giá trị nhận thức (chân lý), giá trị đạo đức (cái thiện). Tùy theo
những quan niệm triết học khác nhau, các tác giả có những cách giải quyết
khác nhau về vấn đề cái đẹp có thuộc tính khách quan hoặc chủ quan. Mĩ học
duy tâm khách quan giải thích tác động của cái đẹp đến con người bằng quan
niệm cho rằng ở cái đẹp biểu lộ những sức mạnh tâm linh khách quan, siêu

17


nhiên. Có người cho rằng cái đẹp là ý niệm vĩnh cửu, là tuyệt đối, là thần
thánh. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan phủ nhận tính khách quan của cái đẹp,
loại bỏ nó ra khỏi các năng lực tinh thần của chủ thể. Phái hoài nghi thời cổ
đại Hy Lạp - La Mã bác bỏ sự tồn tại của cái đẹp trong thực tại. Họ cho rằng
cái đẹp không phải là một phẩm chất vốn có trong chính các sự vật; nó chỉ có
trong tinh thần; chỉ tinh thần mới chiêm nghiệm được nó; và tinh thần của
mỗi con người lại thấy một cái đẹp khác. Thuyết trực cảm cho rằng cái đẹp
được tạo ra do vật chất phản chiếu tình cảm con người lên đối tượng. Mỹ học
duy vật tìm ngọn nguồn của tiếp nhận và trải nghiệm cái đẹp ở thực tại vật
chất. Ở đây có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất xem cái đẹp như phẩm chất
của bản thân vật thể, như sự biểu lộ tính quy luật tự nhiên. Xu hướng thứ hai
muốn kết hợp việc thừa nhận tính khách quan của cái đẹp với ý nghĩa của nó
đối với con người. Theo nhà mĩ học Nga Secnưsepxki, “cái đẹp là sự sống”;
“Một vật tồn tại là đẹp khi ở nó ta nhìn thấy cuộc sống như nó phải có theo
cách hiểu của ta”. Mĩ học macxit nêu lên sự liên hệ có tính quy luật giữa cái

đẹp với hoạt động lao động của con người. Mác nhận xét rằng: “Con người
cũng sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”, bởi vì con người tự khẳng định bản
chất nhân loại - xã hội của mình trong thực tiễn sáng tạo thế giới vật chất;
khác với loài vật, con người sản xuất một cách phổ quát, tự do với nhu cầu thể
chất trực tiếp, đối lập một cách tự do với sản phẩm của mình và biết áp dụng
thước đo phù hợp cho đối tượng. Nói cách khác, trong việc tiếp nhận cái đẹp,
con người không chỉ nhận được thông tin về các phẩm chất tự nhiên của hiện
tượng, mà còn nhận được thông tin về mức độ khẳng định con người xã hội
trong thế giới, về mức độ tự do mà nó đạt tới trong thực tại tự nhiên và xã hội,
về mức phát triển các tiềm năng sáng tạo của nó. Cái đẹp là khách quan bởi vì
nó là giá trị nhân bản - xã hội, được tạo ra trong sự tương tác của tự nhiên và
xã hội, trong quan hệ giữa con người với nhau, trong quá tình thực tiễn lịch sử
xã hội khách quan. Sự đánh giá cái đẹp (bộc lộ qua tình cảm thẩm mĩ, thị hiếu
18


thẩm mĩ, lý tưởng thẩm mĩ) lại mang tính chủ quan, và có thể chân thực hay
giả dối tùy theo chỗ tương ứng hay không tương ứng với cái đẹp như là giá trị
khách quan. Mĩ học macxit cũng nhấn mạnh mối liên hệ biện chứng của cái
đẹp và cái có ích, cái đẹp và chân lý. Đặc tính đẹp cũng có ở lao động, vốn là
hoạt động tự do, sáng tạo và có ý nghĩa xã hội, đem lại khoái cảm “bởi trò
chơi của các sức mạnh thể chất và trí tuệ” (Mác); cũng có ở các kết quả lao
động, hiện thân của tài nghệ cao và sự hoàn thiện. Cái đẹp cũng có ở những
hành động nhận thức, ở sự biểu hiện của hành động này trong chân lý. Phẩm
chất đẹp cũng có những biểu hiện cụ thể cảm tính ở các nguyên tắc đạo đức.
Không phải mọi cái đẹp đều có ích lợi thực dụng. Ý nghĩa chủ yếu của cái
đẹp đối với con người và xã hội là ý nghĩa thực tiễn - tinh thần. Bởi vậy sự
tiếp nhận thẩm mỹ đối với cái đẹp là sự tiếp nhận vô tư, tức là xa lạ với óc
thực dụng dung tục và óc vị lợi vị kỷ. Những gì là đẹp trong thực tại đều có
thể được miêu tả trong nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là đẹp, tức là có giá

trị nghệ thuật. Sáng tác nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù của sự tìm tòi và thể
hiện cái cái đẹp, là lĩnh vực biểu hiện sự phát triển phong phú về tinh thần của
cá nhân con người [8, tr.196 - 198].
Chúng tôi nghĩ, một mặt cái đẹp là khách quan, mặt khác nó cũng mang
tính chủ quan. Cái đẹp cũng mang tính lịch sử, tính dân tộc và tính giai cấp,
bên cạnh tính người nói chung.
Tính nhân loại của cái đẹp
Nhân loại có tính chung, bởi thế khi trông một bông hoa ai cũng cho là
đẹp. Không ai trên thế giới lại cho người phụ nữ ngực lép, mắt to mắt bé lại là
đẹp. Quan niệm về người phụ nữ trong thần thoại Hy Lạp tương đồng với
quan niệm của nhiều dân tộc trên thế giới ở chỗ dành những lời đẹp đẽ, kỳ
diệu nhất khi nói về phái đẹp: “Thượng đế đã lấy vẻ đẹp đầy đặn của mặt
trăng, đường uốn cong của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét

19


×