Nêu cảm nhận về hai đoạn thơ sau:
… Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Và
… Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…
(Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Bài làm
Nguyễn Du được coi là bậc thầy trong khắc họa tạo hình nhân vật cũng như
miêu tả cảnh sắc thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng của các nhân vật trữ tình. Và
“truyện Kiều” là một trong những tuyệt bút thành công nhất của ông khi vận dụng
nghệ thuật miêu tả thiên nhiên độc đáo. Đặc biệt, qua hai đoạn trích miêu tả thiên
nhiên trong “truyện Kiều”, ta cảm nhận sâu sắc hơn phong cảnh rộng mênh mông
và tâm trạng con người ẩn sâu trong đó.
Cả hai đoạn trích đều mở ra trước mắt người đọc một bức tranh phong cảnh
rộng mênh mông trải từ mặt đất tới chân mây. Ở đó đều ngập tràn màu sắc và
nhuốm màu tâm trạng con người.
Tuy nhiên, ở mỗi đoạn trích lại hiện lên một cảnh với vẻ đẹp, phong thái
riêng. Và tâm trạng, tình cảm của Thúy Kiều ở mỗi đoạn trích là khác nhau.
Ở đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, tác giả viết:
… Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Đây được coi là hai câu thơ tuyệt bút trong đoạn trích cũng như trong tác
phẩm. Hai câu thơ vẽ lên trước mắt người đọc bức tranh màu sắc tươi đẹp, trong
sang, hài hòa và đầy sức sống bởi những gam màu xanh và trắng. Màu xanh của cỏ
non trải ra mênh mông “tận chân trời”, gợi sức sống tràn trề, tươi mát của mùa
xuân. Trên nền cỏ xanh ấy là hình ảnh điểm xuyết của những bông hoa lê trắng
1
ngần, gợi sự trong sáng, tinh khôi. Trong không gian mùa xuân rộng mở của đất
trời, chỉ “một vài” nụ hoa e ấp đầu mùa mới hé nở trên nền cỏ xanh mênh mông.
Chữ “điểm” có tác dụng gợi vẻ sinh động, hài hòa với bút pháp nghệ thuật phương
Đông chấm phá, lấy tĩnh tả động. Khung cảnh rạo rực sức sống ấy chắc hẳn được
nhìn dưới đôi mắt của những chang trai, cô gái yêu đời, đang ở độ tuổi xuân sắc,
yêu đời. Và đặc biệt là Thúy Kiều, một tiểu thư đang ở độ tuổi mười tấm, đôi mươi
như hoa, như ngọc, đi hội với tâm trạng háo hức, phấn khởi trong tiết Thanh minh.
Hai câu thơ là sự kết hợp tinh tế giữa ngòi bút chấm phá kế thừa tinh hoa văn học
cổ với những từ ngữ giàu chất tạo hình.
Nếu ở đoạn trích “cảnh ngày xuân” miêu tả cảnh sắc mùa xuân đầy sức sống
với tâm trạng háo hức, phấn khởi của người đi hội thì ở đoạn trích “Kiều ở lầu
Ngưng Bích”, tác giả lại viết:
… Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh…
Hai câu thơ không chỉ đơn thuần là một bức tranh mà nó còn là một bức
tranh tâm trạng. Tâm trạng con người nhuốm lên cảnh vật và ngược lại, cảnh vật
thể hiện tâm trạng con người. Lúc này, Kiều không còn được tự do nữa mà đã bị
hoàn cảnh đẩy đưa, bị bán vào lầu Ngưng Bích, sống kiếp người phôi pha. Hai câu
thơ là một bức tranh thiên nhiên rộng mênh mang, héo úa, đơn điệu. Điều đó được
thể hiện rõ nét qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, từ ngữ giàu sức gợi hình, gợi cảm.
Cụm từ láy “rầu rầu” thể hiện sự héo úa của cảnh, cũng là sự buồn rầu trong tâm
trạng của nhân vật trữ tình, “xanh xanh” thể hiện sự mênh mang, mờ mịt khiến bức
tranh không có điểm nhấn nổi bật. Sự chuếnh choáng, mờ mịt “một màu” của cảnh
vật trải dài từ mặt đất đến chân mây. Trước cảnh sắc thiên nhiên ấy, tâm hồn con
người cũng nhuốm màu tâm trạng. Kiều “buồn trông” trải tầm nhìn ra xa, nhưng là
cái nhìn trong vô vọng, nàng không nhìn cảnh vật mà như đang tưởng tượng về
một điều gì đó mơ hồ, một tương lai đang gần kề. Nhìn cảnh vật trước mắt, Kiều
lại mang tâm trạng cô đơn, hoảng loạn, bẽ bàng. Đặc biệt, “nội cỏ rầu rầu” đã thể
hiện một cách sâu sắc sự lo lắng về cuộc đời héo úa, phôi pha của nàng. Đó cũng là
tâm trạng cô đơn, buồn bã, hoảng loạn, chán nản với chuỗi ngày tẻ nhạt chốn lầu
xanh. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đã tạo nên thành công lớn trong hai câu thơ.
2
Hai đợn trích là hai bức tranh phong cảnh thiên nhiên khác nhau. Mà lí do
chính tạo nên sự khác biệt đó là cảnh vật được nhìn dưới con mắt của Kiều trong
những hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau. Ở hai câu thơ đầu, thiên nhiên là đối tượng
miêu tả và thiên nhiên được nhìn qua con mắt của một người con gái “tài sắc vẹn
toàn” đang sống cuộc đời tự do trong cảnh “ềm đềm trướng rủ màn che” cùng
những người thân yêu. Hai câu thơ sau, thiên nhiên là phương tiện, là cách thức
diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt
của một người cô đơn, một kẻ tha phương. Nhất là khi nàng bị lừa bán, cầm tù nơi
lầu xanh.
Có thể nói, chỉ qua bốn câu thơ được trích trong hai trích đoạn khác nhau
của “truyện Kiều”, tác giả Nguyễn Du đã làm cho người đọc cảm nhân được nghệ
thuật tinh tế của ông cũng như đặc tả được tâm trạng của Thúy Kiều qua từng giai
đoạn, biến cố của cuộc đời. Người đọc cũng như dõi theo từng bước đi, trải nghiệm
cùng những thăng trầm cuộc đời của giai nhân.
3