Tải bản đầy đủ (.pdf) (264 trang)

Tài liệu khảo cổ học tiền sử và sơ sử khánh hòa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.24 MB, 264 trang )

1

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi có phần lãnh thổ
trên đất liền vươn xa nhất về phía biển Đông, nằm gần đường hàng hải quốc tế, có
huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ của Tây Nguyên thông ra biển
Đông, Khánh Hòa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về các mặt chính trị, kinh
tế, văn hóa và quốc phòng an ninh của đất nước.
Chính vì nằm ở vị trí thuận lợi như vậy nên ngay sau khi vùng đồng bằng
duyên hải Nam Trung bộ thành tạo ổn định, trên dải đất Khánh Hòa đã có dấu tích
cư trú của con người khá đông đúc. Việc nghiên cứu khảo cổ học Khánh Hòa nhằm
tìm hiểu những nền văn hóa cổ xưa nhất, góp phần làm rõ ràng hơn bức tranh lịch
sử văn hóa Khánh Hòa là một hành động thiết thực và cũng chính là trách nhiệm
của chúng ta góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững
quốc phòng an ninh ở một vùng đất có vị trí chiến lược của đất nước.
1.2. Trong những năm qua, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, khảo cổ học
giai đoạn tiền sử và sơ sử Khánh Hoà đã đạt được những thành tích đáng khích lệ cả
về số lượng và chất lượng công việc. Nếu đến trước năm 2005, số lượng di tích giai
đoạn tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa phát hiện được mới chỉ khoảng gần một chục
địa điểm, thì chỉ từ năm 2005 đến nay, số lượng di tích đã lên đến con số gần 40 địa
điểm. Trên cơ sở những phát hiện mới về các di tích, nhiều cuộc khai quật nghiên
cứu đã được thực hiện, trong đó có những cuộc khai quật rất lớn, như cuộc khai
quật di dời di chỉ Vĩnh Yên (Vạn Ninh) năm 2009, thể hiện tinh thần bảo vệ di sản
văn hóa cao. Kết quả của những đợt điều tra, thám sát và khai quật đó đã đóng góp
thêm nhiều tư liệu mới và từ đó không ngừng gia tăng sự hiểu biết về lịch sử văn
hóa Khánh Hoà thời Tiền sử và Sơ sử.
Do công tác khảo cổ trên đất Khánh Hòa được thực hiện bởi nhiều cơ quan
nghiên cứu, ở những thời điểm khác nhau, nên việc hệ thống hóa khối tư liệu đó là
một yêu cầu cần thiết. Hơn nữa, nghiên cứu các vấn đề khảo cổ tiền sử và sơ sử ở



2

tỉnh Khánh Hòa không thể tiến hành riêng rẽ ở từng địa điểm, mà phải tiến hành
tổng thể và cần phải đặt trong không gian khu vực để có thể thấy được sự hình
thành và phát triển và đặc trưng của các nền văn hóa cổ ở đây.
1.3. Vì yêu cầu công tác, nghiên cứu sinh có cơ may được kế thừa những thành
tựu nghiên cứu của những người đi trước, cùng với kinh nghiệm và tư liệu tích lũy
được qua các mùa điền dã khảo cổ từ năm 2005 đến nay. Nghiên cứu sinh đã tham
gia khai quật nghiên cứu và biên soạn hồ sơ báo cáo khoa học kết quả khai quật
nhiều di tích: khai quật di tích Văn Tứ Đông hai lần vào các năm 2006 và 2012,
khai quật Cù Hin năm 2008, khai quật Vĩnh Yên năm 2009, khai quật Trảng Cháy
năm 2010, khai quật Hòa Do 5A năm 2011... Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh cũng
tham gia điều tra tổng thể tất cả các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
và góp phần phát hiện thêm hơn 20 di tích khảo cổ giai đoạn tiền sơ sử phân bố trên
vùng đất Khánh Hòa mà trước đây chưa được biết tới.
Để góp phần tìm hiểu đặc trưng di tích và di vật khảo cổ giai đoạn tiền sử và
sơ sử ở Khánh Hòa, xác định những giá trị văn hóa và những đóng góp của nó đối
với thời đại kim khí miền Trung Việt Nam, nghiên cứu sinh đã mạnh dạn chọn đề
tài “Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử Khánh Hòa” làm đề tài luận án của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài luận án đặt ra 4 mục đích nghiên cứu:
- Hệ thống hóa toàn bộ khối tư liệu khảo cổ thời tiền sơ sử Khánh Hòa hiện
biết cho đến nay qua các đợt điều tra, thám sát và khai quật của các nhà khảo cổ
học, qua những sưu tập hiện vật được phát hiện, sưu tầm trong nhân dân và đang
được lưu giữ ở BT Khánh Hòa; Hệ thống cơ bản các kết quả nghiên cứu về khảo cổ
học tiền sơ sử ở Khánh Hòa từ trước đến nay nhằm cung cấp cho các nhà nghiên
cứu một cái nhìn tổng quan về tư liệu khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa.
- Trên cơ sở hệ thống hóa di tích và di vật, tìm hiểu đặc trưng của từng di tích,

từng loại hình và từng cụm (hay nhóm) di tích, cũng như mối quan hệ giữa chúng
với nhau.


3

- Nghiên cứu so sánh các di tích, các nhóm di tích ở Khánh Hòa với nhau
nhằm làm rõ mối quan hệ văn hóa và sự phát triển theo trật tự thời gian, từ đó có thể
phác thảo nên diện mạo văn hóa thời tiền sơ sử ở Khánh Hòa.
- Tìm hiểu vị trí của hệ thống di tích khảo cổ học Khánh Hòa trong bối cảnh
thời tiền sơ sử khu vực Nam Trung bộ và xa hơn.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, cần thực hiện những nhiệm vụ:
- Điền dã, khảo sát lại hiện trạng toàn bộ những di tích đã được phát hiện
nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu nghiên cứu đã có để xác định và hệ thống hóa đặc
điểm cơ bản của tiền sơ sử Khánh Hòa.
- Nghiên cứu, phân tích tư liệu và xây dựng các bảng biểu thống kê, nghiên
cứu kỹ thuật tạo hình và so sánh loại hình di tích, di vật theo các chiều đồng đại và
lịch đại nhằm xây dựng được một hệ thống các bước phát triển của các nhóm di
tích, di vật khảo cổ qua từng giai đoạn lịch sử.
- Điền dã, khảo sát, thu thập thông tin và tổng hợp tư liệu khảo cổ học giai
đoạn tiền sơ sử ở các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình
Thuận... làm cơ sở dữ liệu đối sánh nhằm làm rõ sự phân bố các di tích khảo cổ ở
Khánh Hòa.
- Tổng hợp những kết quả nghiên cứu đã công bố về văn hóa Sa Huỳnh, về
giai đoạn tiền sơ sử Tây Nguyên, về văn hóa Đồng Nai ở Nam Trung Bộ, về tiền sơ
sử ở vùng Đông Nam Á hải đảo làm tư liệu nghiên cứu so sánh.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài luận án là các di tích, di vật khảo cổ

giai đoạn tiền sơ sử ở Khánh Hòa. Bao gồm tư liệu của hệ thống gần 40 địa điểm
khảo cổ đã phát hiện điều tra, thám sát và khai quật ở Khánh Hòa. Trong đó, đặc
biệt chú trọng đến khối tư liệu từ 10 địa điểm đã được khai quật nghiên cứu gồm:
Vĩnh Yên, Văn Tứ Đông, Trảng Cháy, Cù Hin, Hòa Do 5A, Xóm Cồn, Bình Hưng,
Bích Đầm, Hòa Diêm, Gò Duối. Cùng những sưu tập hiện vật đã thu thập được ở


4

Khánh Hòa từ trước đến nay.
Đề tài còn tham khảo thêm các di tích, di vật khảo cổ thuộc giai đoạn tiền sơ
sử ở các tỉnh lân cận trong khu vực Nam Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Bộ, Tây
Nguyên Việt Nam. Và ở một mức độ nhất định là một số di tích tiền sơ sử ở khu
vực Đông Nam Á hải đảo.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian, giới hạn chính của đề tài nằm ở địa bàn hành chính của tỉnh
Khánh Hòa hiện tại. Đồng thời không gian khu vực cũng được đề cập sơ lược nhằm
làm rõ vị trí và mối quan hệ giữa các di tích, di vật thời tiền sơ sử ở Khánh Hòa trên
bình diện khu vực.
Về thời gian, đề tài tập trung nghiên cứu hệ thống di tích, di vật giai đoạn tiền
sơ sử, nằm trong khung niên đại từ 3.500 năm đến trên dưới 2.000 năm BP.
Về nội dung, đề tài tập trung nghiên cứu các nhóm vấn đề chính gồm: Xác
định đặc trưng cơ bản của nhóm di tích, di vật thời tiền sơ sử ở Khánh Hòa; trên cơ
sở đó xác định đặc trưng văn hóa, xã hội và môi trường sống của các nhóm cư dân
cổ nơi đây và bước đầu tìm hiểu vị trí của khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa trong
mối quan hệ với khu vực.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Đề tài Luận án vận dụng quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu và khái quát giá trị đặc trưng về văn hóa lịch sử của hệ thống di tích, di vật khảo cổ tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa trong hoàn

cảnh, điều kiện cụ thể, trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, môi trường kinh
tế - lịch sử - xã hội; cũng như trong quá trình phát triển và giao lưu, tiếp biến văn
hóa với khu vực.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Điền dã khảo cổ học: bao gồm nghiên cứu hiện trường từ khảo sát đánh giá
sơ bộ di tích, điều tra, đào thám sát, cho đến khai quật khảo cổ được sử dụng với
mục đích thu thập tư liệu khảo cổ tại tất cả các di tích tiền sơ sử ở Khánh Hòa. Khảo


5

sát đánh giá sơ bộ được áp dụng với những di tích được phát hiện lần đầu. Điều tra,
đào thám sát nhằm đánh giá trữ lượng và giá trị nghiên cứu của từng di tích để phục
vụ công tác khai quật nghiên cứu tiến hành sau đó. Khai quật khảo cổ nhằm thu
thập toàn bộ những thông tin cần thiết về từng di tích cụ thể phục vụ cho công tác
nghiên cứu chuyên ngành.
- Nghiên cứu chỉnh lý khảo cổ trong phòng: mục đích nghiên cứu phân loại
loại hình di tích, di vật; về các mặt kỹ thuật chế tạo các loại hiện vật chất liệu khác
nhau… bằng các kỹ thuật thống kê, mô tả, chụp ảnh, dập hoa văn, đo vẽ…
- Phân tích tư liệu: Bên cạnh những tư liệu do Nghiên cứu sinh trực tiếp tham
gia, còn có một khối lượng lớn tư liệu nghiên cứu do những nhà khảo cổ khác thực
hiện. Trong đó có những cuộc khai quật đã được thực hiện nhiều năm trước khi
Nghiên cứu sinh bước vào nghề, do vậy, thu thập và phân tích khối tư liệu này là
nhiệm vụ bắt buộc. Bên cạnh đó những tài liệu nghiên cứu ở dạng khái quát về khảo
cổ học trên bình diện khu vực cũng được thu thập và phân tích, nhằm đưa ra những
đánh giá về đặc trưng và giá trị lịch sử - văn hóa của tiền sử và sơ sử Khánh Hòa.
- Nghiên cứu so sánh: là phương pháp được sử dụng phổ biến để phát hiện ra
những điểm giống và khác nhau giữa các di tích, các nhóm di tích hay giữa các nền
văn hoá khảo cổ. Trong quá trình thực hiện đề tài luận án, phương pháp nghiên cứu
so sánh được sử dụng nhằm để thấy được những nét tương đồng và khác biệt giữa

các nhóm di tích Xóm Cồn - Hòa Diêm - Diên Sơn và rộng hơn là giữa tiền sơ sử
Khánh Hòa với các khu vực khác nhằm làm rõ vai trò và vị trí của nó trong tiến
trình lịch sử khu vực.
- Phỏng vấn: được thực hiện đan xen trong quá trình nghiên cứu, với cách thức
chủ yếu là thảo luận và chắt lọc các ý kiến của những chuyên gia nghiên cứu đi
trước về khảo cổ học và ở các lĩnh vực liên quan về các phương diện thuộc lý thuyết
nghiên cứu hoặc về các vấn đề cụ thể liên quan đến đề tài luận án.
- Nghiên cứu liên ngành và đa ngành: được áp dụng để khai thác từng lĩnh vực
cụ thể bổ khuyết cho đề tài luận án: các phương pháp phân tích mẫu bằng khoa học
tự nhiên như 14C nhằm tìm kiếm niên đại tuyệt đối cho các di tích khảo cổ; cổ sinh


6

học và phân tích mẫu bào tử phấn hoa nhằm tìm hiểu về môi trường tự nhiên của
khu vực nghiên cứu; cổ nhân học nghiên cứu về di cốt và nhân chủng…
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án góp thêm một nguồn tư liệu nghiên cứu làm rõ hơn bức tranh văn hóa
Khánh Hòa thời tiền sử và sơ sử thể hiện qua các điểm sau:
- Hệ thống toàn bộ tư liệu về di tích và di vật giai đoạn tiền sơ sử ở Khánh Hòa
từ trước đến nay. Cung cấp cho các nhà nghiên cứu những thông tin đầy đủ, cập
nhật về khảo cổ học Khánh Hòa.
- Xác định đặc trưng chung và riêng của các nhóm di tích và di vật thời tiền sử
và sơ sử trên đất Khánh Hòa. Từ đó phác thảo nên bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội
của các nhóm cư dân giai đoạn tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa.
- Bước đầu xác định vị trí của văn hóa tiền sử và sơ sử Khánh Hòa trong
không gian khu vực và trong quá trình phát triển văn hóa, văn minh Việt Nam.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho cơ
quan quản lý văn hóa các cấp xây dựng các phương án quy hoạch bảo tồn và phát

huy giá trị các di tích tiền sơ sử ở Khánh Hòa.
Những tư liệu được hệ thống hóa và kết quả nghiên cứu từ luận án cung cấp
thêm một nguồn tư liệu giúp các nhà khoa học, các bạn bè trong và ngoài nước quan
tâm đến lịch sử văn hóa Khánh Hòa có thể nghiên cứu, tìm hiểu.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung luận án gồm 3 chương:
- Chương 1: Tổng quan tư liệu
- Chương 2: Đặc trưng hệ thống di tích
- Chương 3: Đặc trưng hệ thống di vật
- Chương 4: Vị trí của tiền sử và sơ sử Khánh Hòa trong mối quan hệ khu vực
Ngoài ra, trong luận án còn các mục: Tài liệu tham khảo và Phụ lục minh hoạ.
Phần đầu của luận án có Lời cam đoan, Bảng các chữ viết tắt, Danh mục các bảng
biểu sử dụng trong chính văn, Danh mục phụ lục minh hoạ.


7

CHƯƠNG 1:
TỔNG QUAN TƯ LIỆU
1.1. Vài nét về vùng đất Khánh Hòa
Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có phần lãnh thổ
trên đất liền nhô ra xa nhất về phía biển Đông. Tỉnh Khánh Hòa gồm: 2 thành phố
trực thuộc tỉnh (Nha Trang, Cam Ranh), 1 thị xã (Ninh Hòa), 5 huyện (Vạn Ninh,
Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm) và 1 huyện đảo (Trường Sa).
Phía bắc giáp tỉnh Phú Yên, phía nam giáp tỉnh Ninh Thuận, phía tây giáp tỉnh Đăk
Lắk, Lâm Đồng, phía đông giáp biển Đông. Ngoài phần lãnh thổ trên đất liền,
Khánh Hòa còn có vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo ven bờ và huyện đảo
Trường Sa. Phần đất liền của tỉnh nằm kéo dài từ tọa độ địa lý 12°52’15" đến
11°42’50" vĩ Bắc và từ 108°40’33" đến 109°27’55" kinh Đông. Điểm cực Đông
trên đất liền là Mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh và cũng là điểm

cực Đông trên đất liền của Việt Nam (Bản đồ 1).
Khánh Hòa là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài và đẹp nhất Việt
Nam. Đường bờ biển kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, độ dài
khoảng 385km với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh, cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ
và các đảo san hô của quần đảo Trường Sa. Khánh Hòa có sáu đầm và vịnh lớn, đó
là Đại Lãnh, Vân Phong, Hòn Khói, Nha Phu, Nha Trang (Cù Huân) và Cam Ranh.
Trong đó có nổi bật nhất vịnh Cam Ranh với chiều dài 16km, chiều rộng 32km,
thông với biển qua eo biển rộng 1,6km, có độ sâu từ 18m - 20m và được xem là
cảng biển có điều kiện tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á.
Khánh Hòa nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Song khí hậu Khánh
Hòa có những nét biến dạng độc đáo với các đặc điểm riêng biệt. So với các tỉnh,
thành phía Bắc từ Đèo Cả trở ra và phía Nam từ Ghềnh Đá Bạc trở vào, khí hậu ở
Khánh Hòa ôn hòa hơn. Thường chỉ có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa
mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2
tháng 10 và tháng 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm.


8

Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng. Nhiệt
độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa cao khoảng 26,7°C, riêng trên đỉnh
núi Hòn Bà (cách Nha Trang 30km) có khí hậu như Đà Lạt và Sa Pa. Độ ẩm tương
đối khoảng 80,5%. Từ tháng 1 đến tháng 8, có thể coi là mùa khô, thời tiết thay đổi
dần. Những tháng đầu mùa, trời mát, nhiệt độ từ 17-25°C, nhưng từ tháng 5 đến
tháng 8 trời nóng nực, nhiệt độ có thể lên tới 34°C (ở Nha Trang) và 37-38°C (ở
Cam Ranh). Tháng 9 đến tháng 12, được xem như mùa mưa, nhiệt độ thay đổi từ
20-27°C (ở Nha Trang) và 20-26°C (ở Cam Ranh). Khánh Hòa là vùng ít gió bão,
tần số bão đổ bộ vào đất liền thấp chỉ khoảng 0,82 cơn bão/năm so với 3,74 cơn
bão/năm đổ bộ vào bờ biển nước ta. Tuy vậy, do địa hình sông suối có độ dốc cao
nên khi có bão kèm theo mưa lớn, làm nước dâng cao nhanh chóng, trong khi đó

sóng bão và triều dâng lại cản đường nước rút ra biển, nên thường gây ra lũ lụt.
Nằm ở phần cuối của dải Trường Sơn Nam, Khánh Hoà là vùng chuyển tiếp
từ núi xuống biển nên địa hình bị chia cắt mạnh mẽ. Địa hình núi và bán sơn địa
chiến ¾ diện tích. Miền đồng bằng lại bị chia thành từng ô, cách ngăn bởi những
dãy núi ăn ra biển. Do đó để đi dọc tỉnh, phải đi qua rất nhiều đèo như đèo Cả, đèo
Cổ Mã, đèo Chín Cụm, đèo Bánh Ít, đèo Rọ Tượng, đèo Rù Rì. Hệ thống sông ngòi
ngắn và dốc, các đồng bằng nhỏ hẹp, bờ biển bị chia cắt nhiều vũng, vịnh lớn nhỏ từ
vũng Rô, Ô Loan tới vịnh Cam Ranh. Nhìn chung, do điều kiện tự nhiên quy định
nên ở Khánh Hoà tồn tại đầy đủ các hệ sinh thái tự nhiên - nhân văn của Việt Nam:
núi rừng - đồng bằng - biển (gồm cả vùng cồn bàu, đầm phá ven biển) và hải đảo.
Hệ thống sông ngòi dày đặc, ngắn và dốc, chảy theo hướng tây - đông chia cắt vùng
đất Khánh Hoà nhưng cũng chính là cầu nối giữa núi rừng với biển đảo.
Có thể chia địa hình Khánh Hòa thành ba vùng chính: Vùng núi và bán sơn
địa; Vùng đồng bằng; Vùng ven biển và hải đảo.
Vùng núi và bán sơn địa: Khánh Hòa là một tỉnh có địa hình tương đối cao ở
Việt Nam, độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 60m. Núi ở Khánh Hòa
hiếm những đỉnh cao chót vót, phần lớn chỉ trên dưới một ngàn mét nhưng gắn với
dải Trường Sơn, lại là phần cuối phía cực Nam nên địa hình núi khá đa dạng. Phía


9

Bắc và Tây Bắc tỉnh là vùng núi cao thuộc dãy Vọng Phu cao hơn 1000m, trong đó
có dãy Tam Phong gồm ba đỉnh núi cao là Hòn Giữ (cao 1264m), Hòn Ngang
(1128m) và Hòn Giúp (1127m). Các núi thuộc đoạn giữa của tỉnh thường có độ cao
kém hơn, có nhiều nhánh đâm ra sát biển tạo nên nhiều cảnh đẹp nổi tiếng, gắn với
những huyền thoại dân gian, di tích lịch sử như Hòn Giữ, núi Chúa với chùa Suối
Ngỗ, Hòn Ngang - Suối Phèn có miếu thờ Thái tử Bắc Hải, hòn Bà (tức bà Thiên
Yana), hòn Cù Lao có tháp Po Nagar, và các cảnh đẹp thiên nhiên như Thác Ba Hồ,
suối Ồ Ồ, eo Gió... Đến phía Nam và Tây Nam, lại xuất hiện một vùng núi rộng, với

nhiều đỉnh núi cao trên 1500m đến trên 2000m, trong đó có Đỉnh Hòn Giao
(2062m) thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh, là đỉnh núi cao nhất Khánh Hòa. Do có
nhiều núi cao, mật độ chia cắt lớn bởi khe, suối, sông tạo thành nhiều hẻm, vực,
thung lũng sâu, gây khó khăn cho giao thông.
Đồng bằng ở Khánh Hòa nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ra biển.
Chẳng những thế, địa hình rừng núi của tỉnh không thuận lợi cho quá trình lắng
đọng phù sa, nên nhìn chung Khánh Hòa không phải là nơi thuận lợi để phát triển
nông nghiệp. Các đồng bằng lớn ở Khánh Hòa gồm có đồng bằng Nha Trang - Diên
Khánh nằm ở hai bên sông Cái với diện tích 135km²; đồng bằng Ninh Hòa do sông
Dinh bồi đắp, có diện tích 100km². Cả hai đồng bằng này đều được cấu tạo từ đất
phù sa cũ và mới, nhiều nơi pha lẫn sỏi cát hoặc đất cát ven biển. Ngoài ra, Khánh
Hòa còn có hai vùng đồng bằng hẹp là đồng bằng Vạn Ninh và đồng bằng Cam
Ranh ở ven biển. Các đồng bằng ở Khánh Hòa được hình thành rất muộn. Phần lớn
diện mạo đồng bằng hiện tại chỉ được hình thành trong vài thiên niên kỷ gần đây,
đặc biệt là sau cực đại biển tiến Holocene trung.
Thềm lục địa tỉnh Khánh Hòa rất hẹp, đường đẳng sâu chạy sát bờ biển. Địa
hình vùng thềm lục địa phản ánh sự tiếp nối của cấu trúc địa hình trên đất liền. Các
nhánh núi Trường Sơn đâm ra biển trong quá khứ địa chất như dãy Phước Hà Sơn,
núi Hòn Khô, dãy Hoàng Ngưu không chỉ dừng lại ở bờ biển để tạo thành các mũi
Hòn Thị, mũi Khe Gà (Con Rùa), mũi Đông Ba... mà còn tiếp tục phát triển rất xa
về phía biển mà ngày nay đã bị nước biển phủ kín. Vì vậy, dưới đáy biển phần thềm


10

lục địa cũng có những dãy núi ngầm mà các đỉnh cao của nó nhô lên khỏi mặt nước
hình thành các hòn đảo như hòn Tre, hòn Miếu, hòn Mun ... Xen giữa các đảo nổi,
đảo ngầm là những vùng trũng tương đối bằng phẳng gọi là các đồng bằng biển
(đồng bằng mài mòn, đồng bằng bồi tụ...), đó chính là đáy các vũng, vịnh như vịnh
Vân Phong, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh. Địa hình này rất thuận lợi cho việc cư

trú của con người với phương thức kinh tế khai thác tự nhiên, chủ yếu là đánh bắt
các loại hải sản sinh sống trong các đầm phá. Tuy nhiên do những khu vực cồn cát
chỉ được hình thành sau đợt biển tiến cực đại Holocene trung nên những làng cư trú
cổ ở Khánh Hòa cũng chỉ có thể hình thành vào khoảng cuối Holocene [141].
Ngoài các đảo đá, Khánh Hoà còn có các đảo san hô ở huyện đảo Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa nằm ở phía nam biển Đông, cách Cam Ranh 250 hải lý
(khoảng 450km), với khoảng 100 đảo bãi cạn, bãi ngầm rải rác trên một diện tích từ
160 đến 180.000km2, trong đó có từ 23 đến 25 đảo, bãi cạn nổi thường xuyên, với
tổng diện tích 10km2. Đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa chỉ rộng 0,65km2.
Bãi lớn nhất là bãi Thuyền Chài, dài 30km, rộng 5km (ngập nước khi triều lên). Về
khí hậu, nhiệt độ không khí cao, ít biến động theo thời gian, gió mạnh, nhiều bão
(trung bình 0,6 cơn/năm); nhiều mưa, mùa mưa kéo dài 8 tháng, mùa khô 4 tháng.
Địa hình trên bề mặt các đảo rất đơn giản, chỉ là những mõm đá, vách đá vôi san hô,
cao vài ba mét. Đất trên các đảo là đất đá vôi bị phong hóa, kết hợp với các thành
phần hữu cơ như: phân chim, xác sinh vật biển, cây cỏ và nước khí quyển. Các loại
thực vật có bàng biển, mù u... cây thân thảo. Động vật trên cạn có rắn mối. Động
vật biển phong phú với nhiều loại: đồi mồi, ốc tai tượng, rùa biển, hải sâm, bào
ngư... và rất nhiều chim biển [18]. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên
tạp lục: ''Các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu quanh không
tránh. Thứ chim từng đàn che kín mặt đất, mặt trời tiếng kêu át tiếng sóng. Chim
Yến, chim Nhạn biển đẻ trứng trong các hốc đá nhiều vô kể. Nhiều người đi biển bị
nạn trôi dạt lên đảo nhờ trứng chim, thịt chim mà khỏi chết đói'' [41, tr 154].
Biển Khánh Hoà là đoạn bờ biển cao và khúc khuỷu nhất Việt Nam, thuộc
dạng bờ biển trẻ, quá trình xâm thực, mài mòn và bồi đắp tự nhiên phát triển mạnh.


11

Bờ biển có nhiều dạng khác nhau: bờ biển cát, bờ biển đá, bờ biển vùng vịnh và
quanh các đảo. Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, bãi triều, bãi cát trắng.

Sông ngòi ở Khánh Hòa ngắn và dốc, cả tỉnh có khoảng 40 con sông dài từ
10km trở lên, tạo thành một mạng lưới sông phân bố khá dày. Hai dòng sông lớn
nhất tỉnh là Sông Cái (Nha Trang) và sông Dinh (Ninh Hòa). Hầu hết, các con sông
đều bắt nguồn tại vùng núi phía Tây trong tỉnh và chảy xuống biển phía Đông. Dọc
bờ biển, cứ khoảng 5 - 7km có một cửa sông. Hướng chảy cơ bản của các sông là
hướng Tây - Đông, uốn lượn tùy theo hướng của mạch núi kiến tạo hoặc do địa hình
cục bộ và đổ ra biển Đông. Đặc biệt là sông Tô Hạp, bắt nguồn từ dãy núi phía Tây
của huyện Khánh Sơn là con sông duy nhất của tỉnh chảy ngược dòng về phía Tây.
Cấu tạo địa chất của Khánh Hòa chủ yếu là đá granit và Riônit, đaxit có nguồn
gốc mắc-ma xâm nhập hoặc phún xuất kiểu mới. Ngoài ra còn có các loại đá cát, đá
trầm tích ở một số nơi. Về địa hình kiến tạo, phần đất Khánh Hòa đã được hình
thành từ rất sớm, là một bộ phận thuộc rìa phía Đông-Nam của địa khối cổ Kom
Tom, được nổi lên khỏi mặt nước biển từ đại cổ sinh, cách đây khoảng 570 triệu
năm. Ở đại trung sinh có 2 chu kỳ tạo sản inđôxi và kimêri có ảnh hưởng một phần
đến Khánh Hòa. Do quá trình phong hóa vật lý, hóa học diễn ra trên nền đá granit,
riônit đã tạo thành những hình dáng độc đáo, rất đa dạng, phong phú, góp phần làm
cho thiên nhiên Khánh Hòa có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng. Các loại đá, khi phong hóa
thường tạo ra các loại đất feralit tầng mỏng, cấu tượng kém, đất chua, độ phì kém.
Với những đặc điểm như trên, hệ đất trồng của tỉnh rất đa dạng, với những nhóm
chính: đất feralit đỏ vàng, đất phù sa, đất phù sa, đất mặn, đất cát...
Về chế độ hải vân: Sóng ở biển Khánh Hòa chủ yếu do gió mùa và bão gây
nên. Về mùa đông, gió mùa đông bắc thổi mạnh nên sóng phát triển cực đại và có
hướng ổn định. Độ cao sóng có khi đạt đến 2m - 3m. Về mùa hạ, do ảnh hưởng của
gió mùa tây nam nên cường độ sóng yếu hơn, độ cao sóng ít khi vượt quá 0,9m.
Chế độ thủy triều của vùng biển Khánh Hòa được xếp vào loại thủy triều hỗn
hợp (kết hợp giữa nhật triều và bán nhật triều), thiên về nhật triều hơn. Biển Khánh
Hòa chịu ảnh hưởng của 2 dòng hải lưu chính. Dòng hải lưu nóng chảy từ xích đạo


12


lên ; và dòng hải lưu lạnh chảy từ Đài Loan xuống. Hai dòng hải lưu này chảy gần
bờ, chảy ngược chiều nhau và đều do gió mùa tạo nên.
Rừng Khánh Hòa là kiểu rừng nhiệt đới - gió mùa Đông Nam Á, ngoài ra cũng
có kiểu rừng á đới, ôn đới núi cao, nhưng không nhiều. Rừng phát triển trên đất
feralit hình thành từ đá gốc mắc ma xít: granit, riôlit hoặc phiến thạch, sa diệp
thạch, tầng phong hóa mỏng, đất chua. Mặc dù mùa khô ở Khánh Hòa kéo dài từ 7
đến 8 tháng, mùa mưa ngắn, cường độ mưa cao, thiếu ẩm, nhưng thời tiết có nền
nhiệt độ cao, lượng mưa cả năm vượt quá 1.200mm (từ 1.200 đến 1.800mm/năm)
và có một ''mùa mưa nhỏ'' giữa mùa khô. Vì vậy, rừng kín lá rộng thường xanh vẫn
có đủ điều kiện nhiệt - ẩm để phát triển.
Cũng như các tỉnh miền Nam Trung Bộ khác, trên vùng đất Khánh Hoà có
nhiều tộc người cùng sinh sống. Cư dân chủ yếu thuộc về hai ngữ hệ: Mã Lai - Đa
Đảo hay Nam Đảo gốc biển và Nam Á gốc đồi núi. Hiện nay, dân số Khánh Hoà
xấp xỉ 1 triệu người, gồm người Kinh và các dân tộc thiểu số Raglai, Êđê… cùng
chung sống. Riêng ở khu vực Cam Lâm và Cam Ranh thì chỉ có hai tộc người Việt
và Raglai sinh sống là chủ yếu.
Tóm lại, Khánh Hoà là vùng đất có địa hình đa dạng, điều kiện tự nhiên phong
phú thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và đặc biệt là các hoạt động
về ngư nghiệp như chế biến hải sản. Cho nên trong lịch sử phát triển vùng đất
Khánh Hòa, các nhóm người cổ đã sớm có mặt và sinh sống ở đây. Điều đó đã tạo
cho Khánh Hoà những nét văn hoá mang sắc thái riêng, đặc sắc trong diễn trình lịch
sử - văn hoá dân tộc [141].
1.2. Lịch sử nghiên cứu
1.2.1. Tình hình phát hiện và nghiên cứu
* Giai đoạn trước năm 1975:
Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Khánh Hòa được đánh dấu mốc đầu tiên năm
1925 với sự kiện H.Mansuy, một nhà địa chất người Pháp công bố phát hiện 2 công
cụ bằng đá mài ở làng Bích Đầm, đảo Hòn Tre trong vịnh biển Nha Trang trên Tập
san của Sở Địa chất Đông Dương vào năm 1925. Ông cho rằng, đây là hai nông cụ



13

lao động thích hợp cho việc làm đất, song cũng không loại trừ là vật dụng dùng
trong nghi lễ thờ cúng, có niên đại hậu kỳ thời đại đá mới [153, tr 18-19].
Gần 50 năm sau, năm 1973, một học giả người Pháp khác là E.Saurin, trong
khi công bố về những phát hiện mộ chum Sa Huỳnh ở Hàng Gòn, gần Xuân Lộc
(Đồng Nai) trong Tạp chí của Viện Viễn Đông bác cổ có nhắc đến một số rìu đá và
mành gốm giống Sa Huỳnh tìm thấy ở cạnh nhà thờ Mỹ Ca, vịnh Cam Ranh [156,
pg 352].
Nhìn chung, ở giai đoạn trước năm 1975, khảo cổ học tiền sử và sơ sử Khánh
Hòa cơ bản đều là những phát hiện ngẫu nhiên, mang tính báo dẫn rằng ở Khánh
Hòa có một giai đoạn văn hóa tiền sơ sử vẫn đang nằm ngủ yên trong lòng đất.
Khác hẳn với tình hình nghiên cứu sôi động về kiến trúc, mỹ thuật Tháp Bà và bi ký
Chămpa ở Khánh Hòa trong bối cảnh chung nghiên cứu về lịch sử, nghệ thuật
Chămpa thời đó của các học giả người Pháp như: E.Aymonier, A.Bergaigne,
J.Claeys, G.Goedes, L.Pinot, G.Maspero, H.Parmentier, P.Stern, J.Boisselier…
* Giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay:
Sau ngày thống nhất đất nước, công tác nghiên cứu khảo cổ học ở miền Nam
nói chung và ở Khánh Hòa nói riêng, tiếp tục được thực hiện bởi các nhà khảo cổ
học Việt Nam. Đến nay, kết quả nghiên cứu tiền sử và sơ sử Khánh Hòa đã phân lập
ba nhóm văn hóa gồm: văn hóa Xóm Cồn, cụm di tích Hòa Diêm, văn hóa Sa
Huỳnh ở Diên Sơn, nhóm cư dân sử dụng trống đồng Đông Sơn ở Khánh Hòa và
một số phát hiện đơn lẻ khác.
- Lịch sử nghiên cứu văn hóa Xóm Cồn bắt đầu từ những thông tin của người
dân phường Cam Linh (Cam Ranh) về những hiện vật khảo cổ phát hiện ở địa điểm
Xóm Cồn (Bản ảnh 3.1-2). Tháng 8/1979, Trịnh Sinh và Nguyễn Trọng Hiền đã
khảo sát Di chỉ Xóm Cồn (Phú Khánh) [103, tr 150-151]. Đây là phát hiện cực kỳ
quan trọng, khẳng định trong lòng đất Khánh Hòa ẩn chứa một những dấu tích của

một giai đoạn tiền sơ sử mà chúng ta chưa từng biết tới. Phát hiện này cũng thu hút
các nhà nghiên cứu khảo cổ học đến với Khánh Hòa và là tiền đề cho nhiều phát
hiện mới và những công trình nghiên cứu về khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa ra


14

đời ở giai đoạn sau.
Phát hiện di tích Xóm Cồn được công bố trong Hội nghị KCH năm 1979 và
được những người khảo sát xếp vào văn hóa Sa Huỳnh [103, tr 151]. Tháng 3/1980,
Trương Hoàng Châu khảo sát lại và cho rằng niên đại Xóm Cồn sớm hơn, thuộc
giai đoạn sớm của văn hóa Sa Huỳnh [21]. Tháng 5/1980, Nguyễn Duy Tỳ và Bùi
Chí Hoàng tiến hành khảo sát lần thứ ba và mở một hố đào rộng 30,25m2. Nhóm
khảo sát nhận định tính chất di tích giống với các di tích cồn sò điệp thuộc văn hóa
Quỳnh Văn ở Nghệ An - Hà Tĩnh, có niên đại chuyển tiếp từ Hậu kỳ Đá mới sang
Sơ kỳ Kim khí, khoảng 3.500 - 4.000 năm BP [139, tr 147-151].
Căn cứ vào các kết quả khảo sát trên, cuối năm 1980, Viện BTLS Việt Nam
(nay là BTLSQG Việt Nam) phối hợp với Sở VHTT Phú Khánh tiến hành khai quật
79m2 tại di tích Xóm Cồn. Đây là cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên ở Khánh Hòa.
Dựa vào tư liệu mới, Vũ Quốc Hiền đã nhận định Xóm Cồn là di tích thuộc Sơ kỳ
thời đại đồng thau, tồn tại trong khoảng thiên niên kỷ II trước CN và cho rằng Xóm
Cồn là một di tích nằm ngoài hệ thống văn hóa Sa Huỳnh [50, tr 34-44].
Hơn 10 năm sau, di tích Xóm Cồn tiếp tục được đào sâu nghiên cứu với đợt
khai quật lần thứ hai, tháng 11/1991 của Viện BTLS Việt Nam và BT Khánh Hòa.
Di tích được được khai quật tổng diện tích 92,75m2. Tầng văn hóa dày 0,8m - 1,1m
đất cát đen tơi xốp, màu đất lớp dưới nhạt hơn lớp trên, ở lớp trên xuất lộ một vài
đống vỏ sò nằm tập trung, các lớp dưới chứa nhiều mảnh gốm nằm thành từng
đống. Trong tầng văn hóa thu được vỏ nhuyễn thể, xương thú, xương cá, đồ đá và
nhiều mảnh gốm vụn. Từ kết quả khai quật, nhóm công tác nhận định Xóm Cồn là
một di chỉ lớn, có tính chất tương đồng với các địa điểm khảo cổ ở vùng ven biển

hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên mới được phát hiện và nghiên cứu trong khoảng
thời gian từ năm 1988 - 1992 như: di tích Bình Hưng, Bình Ba (Cam Ranh), Đầm
Già, Bãi Trủ, Bích Đầm (Hòn Tre, Khánh Hoà) và Gò Ốc, Giồng Đồn (Sông Cầu,
Phú Yên)… Chúng là một cụm di tích thuộc về một văn hóa khảo cổ tiêu biểu cho
khu vực Nam Trung Bộ thời tiền sử, là một nền văn hoá trước Sa Huỳnh, khác Sa
Huỳnh và là một trong những nguồn tham góp vào sự hình thành văn hoá Sa Huỳnh


15

[16], [17], [20, tr 95-100], [51], [139, tr 147-150]. Chính trên cơ sở các lần khai
quật Xóm Cồn vùng những tư liệu mới thu thập được, Nguyễn Công Bằng và các
cộng sự đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Văn hóa Xóm Cồn” vào năm 1993. Khái
niệm này được Vũ Quốc Hiền khẳng định vững chắc vào năm 1996 trong Luận án
Phó Tiến sĩ khoa học Lịch sử Văn hoá Xóm Cồn và vị trí của nó trong thời đại kim
khí ven biển Miền Trung của ông [51].
Năm 1988, Viện BTLS Việt Nam và BT Phú Khánh triển khai một đợt điều tra
khảo cổ, kết quả đã phát hiện một số địa điểm khảo cổ [15, tr 57-58]. Trong đó, hai
địa điểm Bình Ba, Bình Hưng được xếp vào nhóm di tích văn hóa Xóm Cồn [17],
[51]. Tháng 5/1990 Viện BTLS Việt Nam khai quật di tích Bình Hưng diện tích
25m2 [19, tr 30-36] và đào thám sát đào thám sát 4m2 ở Hòn Cò - một gò cát bên
dưới chân núi Bình Ba [16, tr 103-104].
Di tích Bình Hưng nằm trên một cồn cát ven biển ở phía tây nam đảo Bình
Hưng, xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh. Kết quả khai quật năm 1990 cho biết
tầng văn hoá di tích chỉ có một lớp dày 0,35m - 0,4m, đất cát pha lẫn đất mùn thực
vật từ trên núi chảy xuống, trong chứa mảnh gốm, vỏ ốc và hòn ghè. Vỏ ốc chủ yếu
là loại ốc xà cừ, hầu hết đều bị đập vỡ để lấy thức ăn [19, tr 30-36].
Di tích Bình Ba nằm trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình, thị xã Cam Ranh, toạ
độ 11053’20” vĩ Bắc và 109015’30” kinh Đông. Năm 1988 tại sườn phía Tây núi
Một - nằm ở giữa đảo Bình Ba, phát hiện dấu tích của di tích khảo cổ tiền sử. Tháng

5/1990 di tích được đào thám sát 4m2 ở Hòn Cò - một gò cát bên dưới chân núi.
Trong hố phát lộ 1 ngôi mộ của một cá thể ở độ sâu 0,7m, được chôn thẳng xuống
đất, tình trạng di cốt mủn nát, hộp sọ vỡ vụn, còn lại mấy chiếc răng và hai đoạn
xương chi trên. Đồ tuỳ táng là 1 đồ đựng có chân bằng đất nung, 3 hạt chuỗi hình
ống bằng đá và một khuyên tai làm từ phần miệng của một con ốc. Di tích có cùng
khung niên đại với di tích Bình Hưng và di tích Xóm Cồn [16, tr 103-105], [51].
Tháng 3/1990, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội điều tra khảo cổ ở
Khánh Hòa đã phát hiện và khảo sát hai di tích Bãi Trủ và Đầm Già, trên đảo Hòn
Tre, phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang). Ở cả hai địa điểm này, đều phát hiện di chỉ


16

cồn sò điệp, nằm cùng với những mảnh gốm sứ, sành. Những người khảo sát ghi
nhận đây là di chỉ phức hợp văn hóa qua nhiều thời đại [144, tr 209-211].
Tại Bích Đầm - một làng chài nhỏ trên đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên,
thành phố Nha Trang. Di tích phân bố trên mũi đất rộng khoảng 10.000m2 - một
phần gắn liền với Hòn Lớn, xung quanh là biển bao bọc (Bản ảnh 9.1). Từ năm
1925, H.Mansuy đã công bố hai chiếc cuốc có vai bằng đá kích thước rất lớn tìm
được tại đây [153, p 18-19]. Năm 1991, di tích Bích Đầm được các nhà khảo cổ học
Việt Nam khảo sát trong lúc đang khai quật di tích Xóm Cồn lần thứ hai. Tháng
10/1993, di tích được khai quật nghiên cứu với tổng diện tích 86m2. Tầng văn hóa
dày 0,5m - 0,6m, là lớp cát, phù sa biển màu nâu sẫm lẫn nhiều vỏ ốc, sò, hến biển
và hiện vật khảo cổ như công cụ chặt, rìu, bôn đá, công cụ vảy ốc và đồ gốm. Đặc
biệt, ở Bích Đầm đã tìm thấy một mảnh khuôn đúc giáo đồng. Những người khai
quật nhận định Bích Đầm nằm ở giai đoạn muộn của văn hóa Xóm Cồn [56, tr 128130], [51].
Bước sang thế kỷ 21, khảo cổ học Khánh Hòa tiếp tục có nhiều phát hiện và
nghiên cứu mới, cung cấp nhiều thông tin có giá trị góp phần hoàn thiện và làm
sáng tỏ dần những mảng tối trong bức tranh văn hóa - lịch sử Khánh Hòa ở thời tiền
sử và sơ sử, nổi bật nên là những thành tựu trong nghiên cứu về văn hóa Xóm Cồn.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2015, công tác khảo cổ ở
Khánh Hòa diễn ra rất sôi động, công tác nghiên cứu được đẩy mạnh, nhiều cuộc
khai quật được tiến hành, trong đó có những cuộc điều tra và khai quật trên quy mô
lớn, đã đưa ra ánh sáng một khối lượng tư liệu khảo cổ đồ sộ.
Liên tiếp trong hai mùa điền dã năm 2005 và 2006, các cán bộ BT Khánh Hoà
và Viện KCH đã tiến hành điều tra trên các khu vực vũng, vịnh, cồn cát ven biển từ
Cam Lâm đến Vạn Ninh. Kết quả đã phát hiện thêm nhiều di tích mới, trong đó, giai
đoạn tiền sơ sử gồm các di tích: Văn Tứ Đông, Cù Hin ở Cam Lâm; Vĩnh Yên, Đồi
Cô Đơn (Bản ảnh 9.6), Hồ Suối Lớn, Trản Bà Vải, Sơn Đừng ở Vạn Ninh [6], [7].
Tháng 3/2009 trong đợt Khảo sát biển đảo Cam Ranh (Khánh Hòa), các cán bộ
chuyên môn BT Khánh Hòa đã phát hiện mới 4 di tích Rừng Cấm (đảo Cam Bình),


17

Hòn Lao (Cam Ranh) (Bản ảnh 9.4-5), Tân Hải, Trảng Cháy (Cam Lâm) đều thuộc
giai đoạn tiền sơ sử, có niên đại khoảng 3.000 năm BP [6], [7].
Tháng 8/2010, BT Khánh Hòa tổ chức Hội thảo quốc tế Khảo cổ học Khánh
Hòa. Hội thảo đã bước đầu tổng kết, đánh giá những kết quả nghiên cứu, những tư
liệu khai quật khảo cổ giai đoạn tiền sơ sử Khánh Hòa từ trước đến nay và đưa ra
những định hướng nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian 2010 - 2011, công tác điều tra Quy hoạch Khảo cổ Khánh Hòa
tiếp tục mở rộng diện khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh, đến cả các vùng núi, vùng sâu,
vùng xa và hải đảo của Khánh Hòa. Đợt công tác đã phát hiện và nghiên cứu thêm
các di tích mới thuộc giai đoạn tiền sơ sử như Vĩnh Hải, Gò Điệp (Cam Lâm), Hòa
Do 5A (Cam Ranh) và nhiều vết tích cư trú ở các địa điểm Suối Cam, Vĩnh Phú,
Vĩnh Nam, Tân An (Cam Lâm) (Bản ảnh 1.6), Cam Nghĩa 1 (Bản ảnh 9.2), Cam
Nghĩa 2 (Bản ảnh 9.3), Lợi Thịnh, Nghĩa trang Công giáo Cam Phúc Bắc, Sông Cạn
(Cam Ranh) (Bản ảnh 1.5), Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn) (Bản ảnh 1.1-2) và Gò Cát
(Vạn Ninh). Trong đó, quan trọng nhất là việc phát hiện những dấu tích cư trú ở

vùng núi và bán sơn địa cho biết mặc dù cư trú tập chung chủ yếu ở vùng cồn bàu
ven biển nhưng các nhóm cư dân cổ Khánh Hòa đã triển khai kinh tế khai thác trên
một không gian khá rộng [6].
Trên cơ sở các phát hiện ở trên, nhiều cuộc khai quật nghiên cứu về văn hóa
Xóm Cồn đã liên tục được tiến hành: Di tích Văn Tứ Đông (Cam Lâm) được khai
quật hai lần vào các năm 2006 và 2011; Di tích Vĩnh Yên (Vạn Ninh) được khai
quật hai lần vào các năm 2007 và 2009, trong đó đợt khai quật năm 2009 đã khai
quật nghiên cứu và di dời toàn bộ di tích về lưu giữ tại BT Khánh Hòa. Khai quật di
tích Cù Hin (Cam Lâm) năm 2008. Khai quật di tích Trảng Cháy (Cam Lâm) năm
2010. Khai quật di tích Hòa Do 5A (Cam Ranh) năm 2012…
Tại di tích Văn Tứ Đông, tháng 6 - 7/2006 BT Khánh Hoà đã phối hợp với
Viện KCH tiến hành khai quật lần thứ nhất diện tích 79m2 và tháng 9-11/2011, khai
quật lần thứ hai với diện tích 100m2. Di tích nằm ở thôn Văn Tứ Đông, xã Cam
Hòa, huyện Cam Lâm. Tọa độ 12007’199" vĩ Bắc và 109009’567” kinh Đông, độ


18

cao khoảng 5 - 7m so với mặt nước biển (Bản ảnh 3.4-5; 4; Bản vẽ 1). Đây là di
tích “đống rác bếp” có tầng văn hóa dày từ 0,5m đến 1,7m, hình thành từ các loại vỏ
nhuyễn thể ken dày đặc, trong có chứa các loại đồ đá, gốm và xương động vật. Đặc
trưng nổi bật của nhóm hiện vật Văn Tứ Đông là sự phong phú về số lượng nhưng
lại nghèo nàn về loại hình. Đồ đá phổ biến nhóm rìu hình bầu dục chuôi thuôn nhỏ,
ít chú trọng vẻ bề ngoài. Đồ trang sức chỉ thấy duy nhất loại vòng đá mặt cắt ngang
hình tam giác và hình chữ D. Chất liệu đá sử dụng chế tạo rìu và vòng tay là loại đá
xấu, được khai thác tại chỗ. Cùng với một số lượng tương đối lớn bàn mài cho thấy,
cư dân ở đây có khả năng tự chế tạo các loại công cụ lao động và đồ trang sức, tuy
nhiên nó mang tính chất nhỏ lẻ chứ không tập trung thành dạng công xưởng chế tác.
Đồ xương và nhuyễn thể Văn Tứ Đông đại đa số công cụ làm từ các mảnh xương
ống động vật, được mài chau chuốt, có thể được sử dụng làm suốt đan, vá lưới. Một

vài chiếc lại có tác dụng như dạng mũi kim hay mũi dùi để khâu vá. Đồ gốm Văn
Tứ Đông có mật độ phân bố rất cao, đại đa số là loại văn chải mang chức năng kỹ
thuật là chính, hiếm văn mỹ thuật kiểu khắc vạch, in ấn. Xuất hiện loại gốm phủ lớp
áo mỏng, mịn và tô thổ hoàng tương tự đồ gốm tô màu trong văn hoá Xóm Cồn.
Trong cả hai lần khai quật đều thấy sự khác biệt mang tính diễn biến sớm muộn thể
hiện ở đồ gốm [133]. Từ những tư liệu thu được, lúc đầu những người khai quật
nhận định Văn Tứ Đông thuộc loại hình di tích cồn sò điệp giống các di tích cồn sò
điệp ở văn hoá Quỳnh Văn, có đặc trưng văn hóa của di tích khác Xóm Cồn và
trước Xóm Cồn. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu so sánh đặc trưng của nhóm hiện
vật thu được, họ đã thay đổi ý kiến và nhận định Văn Tứ Đông là di tích nằm trong
không gian văn hoá Xóm Cồn, có niên đại dự đoán khoảng 3500 - 3000 năm BP
[125, tr 3-18].
Tại di tích Vĩnh Yên nằm phía sau ngôi Đình thôn Vĩnh Yên, xã Vạn Thạnh,
huyện Vạn Ninh, toạ độ 12042’525” vĩ Bắc và 109022’823” kinh Đông (Bản ảnh
5.3-4), vào tháng 7/2007 BT Khánh Hòa và Viện KCH tiến hành khai quật lần thứ
nhất, diện tích 50m2. Tầng văn hóa di tích dày trung bình 1m, đất cát biển mịn, màu
xám đen, chứa công cụ đá, đồ gốm mịn, mộ táng, bếp, cụm gốm và đá tập trung. Di


19

tích gồm 2 cụm rác bếp, 10 cụm gốm và đá tập trung, 8 mộ nồi hình cầu, hầu hết
đều chôn theo đồ tuỳ táng rìu đồng, công cụ, vòng tay bằng đá hoặc nồi gốm. Di vật
363 đồ đá, 3 đồ đồng, 45 viên thổ hoàng, 31 đồ đất nung, 62 mảnh tước… và
127.067 mảnh gốm. Ngoài ra còn có xương động vật và vỏ nhuyễn thể. Từ kết quả
thu được, những người khai quật nhận định Vĩnh Yên là di chỉ cư trú - mộ táng và
là nơi phát triển các ngành nghề thủ công đúc đồng, làm gốm. Cư dân Vĩnh Yên đã
bước vào thời đại đồng thau có niên đại khoảng 3000 năm BP. Đồng thời, qua
nghiên cứu so sánh Vĩnh Yên với các di tích tiền sơ sử khác đã được khai quật
nghiên cứu, họ cho rằng, dấu ấn văn hoá cổ nhất ở Khánh Hoà là Văn Tứ Đông, tiếp

theo là giai đoạn văn hoá Xóm Cồn, giai đoạn phát triển cao của tiền sử Khánh Hoà
là giai đoạn Vĩnh Yên và tiếp nối là giai đoạn đỉnh cao với di chỉ Hoà Diêm [110, tr
12-24].
Phục vụ yêu cầu giải phóng mặt bằng xây dựng cảng biển trung chuyển quốc
tế Vân Phong, trong thời gian tháng 7-12/2009, BT Khánh Hoà và Viện KCH đã
tiến hành khai quật nghiên cứu, di dời toàn bộ 2.200m2 di tích Vĩnh Yên. Kết quả
ghi nhận, tầng văn hoá di tích ổn định mang diễn biến của một giai đoạn văn hoá.
Tính chất di tích là di chỉ cư trú - mộ táng, trong đó nổi bật là tính chất di chỉ cư trú
(Bản ảnh 5.5-6; 6; Bản vẽ 4). Di tích: 6 mộ nồi vò, 13 mộ huyệt đất giai đoạn tiền
sơ sử, nhiều dải gốm, cụm gốm đá là dấu tích của khu cư trú. Di vật gồm 1460 hiện
vật thuộc các nhóm chất liệu: đồ đá, đồ kim loại, đồ xương, nhuyễn thể, đồ gốm và
trên 10 tấn gốm mảnh. Vĩnh Yên là di chỉ khảo cổ học đầu tiên ở Khánh Hòa được
khai quật nghiên cứu toàn bộ. Kết quả khai quật ghi nhận đây là một ngôi làng cổ
của cư dân văn hóa Xóm Cồn thuộc giai đoạn muộn, có niên đại cách ngày nay
khoảng 2500 - 2000 năm BP [131, tr 22-32].
Ở di tích Cù Hin, sau khi phát hiện và đào thám sát vào tháng 7/2006. Tháng
5/2008, BT Khánh Hoà phối hợp với Viện KCH khai quật diện tích 50m2. Di tích
nằm ở thôn Cù Hin, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Toạ độ 12007'127" vĩ Bắc
và 109011'347" kinh Đông. Di tích có tầng văn hoá mỏng, độ dày trung bình 0,4m,
đất cát màu trắng xám ngả đen nhạt, trong chứa ít di vật gốm đá. Những người khai


20

quật ghi nhận đây là loại hình di chỉ cư trú ngắn hạn, có niên đại tương đương và có
mối quan hệ khá mật thiết với di chỉ Văn Tứ Đông [94, tr 169-170], [135].
Di tích Trảng Cháy phát hiện vào cuối năm 2009, thẩm tra vào cuối tháng
1/2010. Tháng 7 - 8/2010 khai quật với tổng diện tích 40m2. Di tích nằm ở thôn Tân
Hải, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm. Toạ độ 12005’120” vĩ Bắc và 109010’178”
kinh Đông. Tầng văn hoá di tích chỗ dày nhất 120cm, lớp trên dày 0,45m đất pha

cát màu đen và lớp dưới dày 0,75m là lớp vỏ nhuyễn thể dày đặc ken lẫn gốm mảnh
dạng tàn tích sinh hoạt hàng ngày (Bản ảnh 7; Bản vẽ 8). Di vật gồm 38 đồ đá, 8072
mảnh gốm vụn và khoảng 450kg vỏ nhuyễn thể các loại. Trảng Cháy là di chỉ cư trú
có mối liên hệ rất khăng khít với các cư dân thuộc văn hoá Xóm Cồn. Niên đại
tương đối của di tích nằm trong khoảng trên dưới 3.000 năm BP [96, tr 182-183],
[99].
Di tích Hoà Do 5A nằm ở tổ dân phố Hoà Do 5A, phường Cam Phúc Bắc,
thành phố Cam Ranh. Toạ độ 11057’51.51” vĩ Bắc và 109011’34.74” kinh Đông. Di
tích được phát hiện trong đợt điều tra Quy khoạch khảo cổ vào tháng 10/2010. Đầu
năm 2012 được BT Khánh Hòa và Viện KCH khai quật với diện tích 27m2. Tầng
văn hóa cư trú dày trung bình 0,50m, đất cát mịn màu đen thẫm, nằm bên dưới lớp
đất mặt dày 20cm, chứa hiện vật chủ yếu là gốm mảnh (Bản ảnh 8.1-4). Hiện vật
gồm 6 đồ đá và gần 7000 mảnh gốm vụn có phong cách tương tự gốm Xóm Cồn.
Hoà Do 5A là di chỉ cư trú có niên đại nằm trong khoảng trên dưới 2.500 năm BP,
thuộc văn hóa Xóm Cồn [98].
Bên cạnh những cuộc khai quật, cuối tháng 2/2014, BT Khánh Hòa và Viện
KCH còn tiến hành đào thám sát ở 4 địa điểm: Vĩnh Hải, Gò Điệp, Suối Cam, Gò
Rừng (Cam Lâm) thuộc văn hóa Xóm Cồn. Kết quả ghi nhận đây đều là những di
chỉ cư trú có tầng văn hóa dày và có khả năng nghiên cứu ở giai đoạn tiếp theo.
Di tích Vĩnh Hải phân bố ở nghĩa địa cũ của người dân thôn Vĩnh Hải, xã Cam
Hải Tây, huyện Cam Lâm. Tọa độ 12005’358” vĩ Bắc 109009’474” kinh Đông. Diện
phân bố di tích rộng trên 10.000m2. Di tích được phát hiện năm 2010 và đào thám
sát diện tích 4m2 đầu năm 2014. Tầng văn hóa di tích dày trung bình 0,8cm đất cát


21

mịn màu xám đen, chứa gốm cổ, ít đồ đá và xỉ sắt (Bản ảnh 8.5-6). Di tích nằm
trong hệ thống di chỉ cư trú thời tiền sử và sơ sử phân bố quanh bờ vịnh Cam Ranh
như Văn Tứ Đông, Cù Hin, Trảng Cháy...

Di tích Suối Cam nằm ở khuôn viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Hiền,
thôn Suối Cam, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm. Tọa độ 12002’20.17” vĩ Bắc
và 109010’17.71” kinh Đông. Địa điểm được phát hiện năm 2010, đào thám sát hai
lần vào các năm 2010 và 2014, mỗi lần thám sát diện tích 4m2, tầng văn hóa dày
trung bình 0,6cm, cát màu xám đen, chứa nhiều mảnh gốm vụn và ít đồ đá tiền sử
(Bản ảnh 9.7).
Di tích Gò Điệp nằm ở thôn 2, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Tọa độ
12005’19.44” vĩ Bắc và 109044’46.21” kinh Đông. Di tích được phát hiện và khảo
sát vào các năm 2009, 2010 và đào thám sát 4m2 đầu năm 2014. Đặc điểm của di
tích là dạng tích tụ “đống rác bếp” hình thành từ các loại vỏ nhuyễn thể và đồ gốm,
đá… bị người xưa loại bỏ trong quá trình sinh hoạt hàng ngày được đổ thành đống
lớn ở ven sườn phía tây của gò cát, chỗ dày nhất tích tụ dày tới gần 2m (Bản ảnh
5.1-2). Di tích có sự tương đồng đặc biệt với di tích Văn Tứ Đông.
Di tích Gò Rừng thôn Tân Hải, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, phát hiện
năm 2009 và đào thám sát năm 2010 diện tích 1m2. Tọa độ 12004’546” vĩ Bắc và
109010’110” kinh Đông. Tầng văn hóa dày 0,5m, là cát mịn màu đen, chứa di vật
đá, gốm mảnh, vỏ nhuyễn thể. Dạng di chỉ cư trú thuộc văn hóa Xóm Cồn.
Dấu tích cư trú thuộc văn hóa Xóm Cồn còn phát hiện ở 11 địa điểm khác: Tân
Hải (Cam Lâm), Lợi Thịnh, Cam Phúc Bắc, Cam Nghĩa 1, Cam Nghĩa 2, Hòn Lao
(Cam Ranh), Hồ Suối Lớn, Đồi Cô Đơn, Trản Bà Vải, Sơn Đừng, Gò Cát (Vạn
Ninh). Những địa điểm này đều có tầng văn hóa mỏng, xuất hiện ít mảnh gốm tiền
sử nằm rải rác, dấu tích cư trú mờ nhạt không rõ ràng [6].
- Nghiên cứu về cụm di tích Hòa Diêm được bắt đầu kể từ khi phát hiện di tích
Hòa Diêm phân bố trên một cồn cát ven biển ở Đội 5, thôn Hòa Diêm, xã Cam
Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, phía nam tỉnh Khánh Hòa. Những năm sau đó, ở
khu vực này tiếp tục phát hiện thêm 3 địa điểm Hòa Diêm 2, Gò Miếu và Gò Duối


22


phân bố liền khoảnh. Tên gọi Hòa Diêm, vì vậy, được lấy để gọi chung cho một
cụm gồm 4 di tích đều phân bố ở khu vực Đội 5, thôn Hòa Diêm. Đây là một cụm di
tích cư trú - mộ táng rất quan trọng trong công tác nghiên cứu về lịch sử - văn hóa
Khánh Hoà giai đoạn tiền sơ sử, là nơi rất nhiều cuộc khai quật nghiên cứu được
tiến hành, thu hút rất nhiều nhà khoa học thuộc nhiều ngành: khảo cổ học, nhân học,
cổ nhân học, cổ sinh học… trong nước và quốc tế tham gia.
Di tích Hoà Diêm (còn gọi là Hòa Diêm 1 hay Hòa Diêm Đình có toạ độ
11053’14.77” vĩ Bắc và 109006’35.14” kinh Đông, là di tích cư trú - mộ táng, trong
đó nổi bật lên là khu mộ táng có niên đại vài thế kỷ trước sau Công nguyên. Sau khi
được phát hiện vào tháng 2/1998, tại đây đã triển khai nhiều cuộc khai quật nghiên
cứu vào các năm 1999, 2002, 2007, 2008, 2010 và 2011 (Bản ảnh 10; Bản vẽ 10;
12.1; 13.1).
Tháng 4/1999 BT Khánh Hoà đã phối hợp với Viện KCH đào thám sát tổng
diện tích 50m2, thu được nhiều mộ vò, mộ đất, xương cốt còn khá nguyên vẹn, chôn
nằm ngửa. Di vật có một số mảnh bàn mài, 7 vòng tay làm từ ốc tai tượng, 20 lõi
vòng làm từ vỏ nhuyễn thể, 1 vòng gốm và gần 3000 mảnh gốm nằm trong tầng văn
hóa cư trú. Những người thám sát xác định Hòa Diêm có niên đại muộn hơn Xóm
Cồn [8, tr 724-725], [27, tr 708-710], [81, tr 72-80].
Tháng 3 - 4/2002, BT Khánh Hoà và Viện KCH tiến hành đào thám sát với
tổng diện tích 15m2 tại di tích Hòa Diêm, đã phát hiện 2 ngôi mộ, 16 đồ đá, gần
1500 mảnh gốm, cùng các loại xương động vật và vỏ nhuyễn thể [24, tr 15-18].
Tháng 7 - 8/2002 Viện KCH và BT Khánh Hoà tiến hành khai quật lần thứ
nhất 100m2 di tích Hòa Diêm. Tầng văn hoá dày trung bình 0,5m, đất màu xám đen.
Di tích phát hiện phát hiện 24 mộ chum vò, 2 mộ đất cùng di tích bếp và hố đất đen.
Mộ chum chủ yếu là chum hình cầu với bốn dạng thức: mộ chôn lần đầu, mộ cải
táng, mộ hoả táng, mộ chôn biểu tượng. Đồ tuỳ táng thu được nhiều loại công cụ và
đồ trang sức có chất liệu khác nhau: đá, gốm, đồng, sắt, xương, vỏ nhuyễn thể, đá
quý… Hiện vật trong tầng văn hoá bao gồm 1 rìu tứ giác, 3 phác vật rìu, 14 chày
nghiền - hòn nghiền, 41 bàn mài, 3 mũi nhọn xương, 2 công cụ bằng vỏ nhuyễn thể,



23

1 vòng tay và 4 lõi vòng bằng vỏ nhuyễn thể cùng 32.938 mảnh gốm, trong đó có
280 mảnh thuộc nhóm gốm Chăm sớm có niên đại khoảng thế kỷ II - III sau CN.
Ngoài ra còn thu được nhiều xương động vật và các loại vỏ nhuyễn thể. Kết quả
khai quật khẳng định di tích Hòa Diêm là khu cư trú mộ táng có niên đại nằm trong
khoảng thế kỷ I - II trước sau CN [24], [76, tr 167-169].
Tháng 1/2007, di tích Hoà Diêm được BT Khánh Hòa phối hợp với Viện
KHXH vùng Nam Bộ, Đại học Waseda (Nhật Bản) khai lần thứ hai với diện tích
72m2. Tầng văn hóa di tích gồm tầng cư trú và mộ táng nằm đan xen. Di tích gồm
14 mộ chum và 2 mộ đất. Mộ chum chủ yếu là hình cầu, miệng được ghè phẳng có
chủ ý. Hiện vật chôn theo nằm ở bên ngoài và bên trong chum, bao gồm đồ gốm,
hạt chuỗi và số ít đồ sắt. Tổng số hạt chuỗi phát hiện lên đến gần 520 hạt, bao gồm
các loại hình chất liệu đá mã não, đá ngọc (nephrite), christal và thuỷ tinh và 2 hạt
chuỗi bằng vàng. Di cốt trong chum có cả hung táng và cải táng. Một số mộ thấy cả
hiện tượng chôn nhiều cá thể trong một mộ. Về niên đại, khu mộ Hoà Diêm có niên
đại sớm nhất tương đương Hán (Tây và Đông Hán, trong khoảng thế kỷ I sau CN
đến một vài thế kỷ đầu CN). Những người khai quật nhấn mạnh rằng sưu tập hiện
vật gốm chôn theo mộ chum ở Hoà Diêm hoàn toàn giống gốm tìm thấy ở Hang
Kalanay, đảo Masbate (Trung Philippines) và đảo Samui (Thái Lan) ở cả hình dáng
và hoa văn, nhưng không thấy các yếu tố đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh. Trên cơ sở
đó, họ đưa ra gợi ý rằng cư dân ở 3 khu vực này thuộc một nhóm người, họ trao đổi,
đi lại bằng thuyền qua đường biển, hải đảo [64, tr 125-128].
Tháng 7/2007, trong khi phối hợp khai quật di tích Gò Duối, BT Khánh Hòa
và Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội đã khai quật lần ba di tích Hòa Diêm diện
tích 8m2. Kết quả ghi nhận đây là khu rìa của di tích, tầng văn hoá mỏng và vết tích
văn hoá phân bố thưa, hiện vật thu được có nhiều nét tương đồng với hiện vật khai
quật từ tầng cư trú đình Hoà Diêm năm 2002 [37], [38, tr 131].
Tháng 3/2010, BT Khánh Hòa phối hợp với Viện PTBV vùng Nam Bộ, Đại

học Waseda (Nhật Bản) khai quật lần thứ tư Hòa Diêm với tổng diện tích hơn 80m2.
Bình diện khai quật cho thấy vết tích của sự cư trú với những cụm vỏ sò ốc, xương


24

động vật và mảnh gốm nằm rải rác và một nhóm năm mộ chum nằm sát nhau thành
một cụm. Các chum mai táng có đáy nằm ngay trên hoặc đào xuyên nhẹ qua tầng
chứa các vết cư trú, phản ánh mối quan hệ niên đại sớm - muộn giữa di tích cư trú
và mộ táng. Cùng với tục chôn nhiều cá thể trong một chum, việc chôn cất thành
cụm nhiều chum là một trong những nét đặc trưng khác biệt của di tích Hòa Diêm
so với các di tích mộ chum cùng thời khác [32, tr 178-180], [63].
Tháng 8/2011 BT Khánh Hòa phối hợp với BTLS Quốc gia tiến hành khai
quật di tích Hòa Diêm lần thứ năm với tổng diện tích 51,5m2. Trong các hố đào phát
hiện 26 ngôi mộ, gồm 24 mộ chum vò và 2 mộ huyệt đất. Địa tầng di tích khác với
các đợt khai quật trước là không thấy lớp văn hóa cư trú. Mộ táng và các đồ tùy
táng theo mộ về cơ bản tương tự các đợt khai quật trước, ngoại trừ một ngôi mộ
chum có đáy hình trứng. Những người khai quật nhận định Hòa Diêm không có
quan hệ gần với Xóm Cồn, khác Sa Huỳnh và khá gần gũi với nhóm di tích mộ
chum ở Đông Nam Bộ và với Đông Nam Á hải đảo. Niên đại di tích nằm ở khoảng
500 năm trước đến một vài trăm năm sau Công nguyên [22, tr18-32].
Di tích Gò Duối có toạ độ 11053’21.28” vĩ Bắc và 109006’42.23” kinh Đông,
được phát hiện và đào thám sát vào tháng 2/2007. Tháng 7 - 8/2007, BT Khánh Hòa
phối hợp với Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội khai quật diện tích 27m2 (Bản
ảnh 11; Bản vẽ 15). Đặc trưng di tích là khu cư trú có tầng văn hóa dày 0,8m gồm
tích tụ vỏ nhuyễn thể, than tro và đồ gốm bị loại bỏ trong quá trình sinh hoạt hàng
ngày nằm trong lớp cát đen mịn. Phát hiện 1 mộ đất có niên đại muộn hơn chôn
trong khu cư trú. Hiện vật thu được gồm vài mảnh vỡ đồ sắt, 2 đồ đồng, 1 hạt
cườm thủy tinh, đồ xương, đồ đá và gốm mảnh. Những người khai quật cho rằng
Gò Duối có niên đại sơ kỳ Sắt, trong khoảng một vài thế kỷ trước CN đến cận

kề CN, ở các lớp trên có sự hiện diện của đồ gốm sau CN [37], [38, tr 128-131].
Di tích Gò Miếu có toạ độ 11053’00.03” vĩ Bắc và 109006’36.79” kinh Đông,
được phát hiện và đào thám sát vào tháng 10/2005 diện tích 2m2; đào thám sát lần
hai năm 2014 diện tích 4m2 [114]. Cuối tháng 5/2015 BT Khánh Hòa và Viện KCH
khai quật di tích Gò Miếu (Cam Ranh) với tổng diện tích 33m2 (Bản ảnh 12). Tầng


25

văn hoá trong hố khai quật dày 1m, chia làm hai lớp sớm muộn, ngăn cách bởi một
lớp vô sinh dày 0,3m. Lớp văn hóa trên chứa các cụm gốm, vỏ nhuyễn thể thuộc
dạng rác thải sinh hoạt, nhiều mảnh miệng đồ gốm được trang trí văn in mép vỏ sò
tương tự đồ gốm cư trú ở Hòa Diêm và Gò Duối. Lớp văn hóa dưới chỉ có ít mảnh
gốm được tô đỏ thổ hoàng, mang yếu tố của văn hóa Xóm Cồn. Về niên đại, qua so
sánh với các di tích khác ở Khánh Hòa, những người khai quật nhận định khả năng
Gò Miếu có niên đại vào khoảng 2500 năm BP, có thể mở rộng hơn đến 2800 năm
BP đến vài thế kỷ trước CN [115].
Di tích Hoà Diêm 2 có toạ độ 11053’09.16” vĩ Bắc và 109006’37.98” kinh
Đông, được phát hiện và đào 2 hố thám sát vào tháng 3/2010 cùng trong đợt khai
quật lần thứ tư ở Hòa Diêm. Di tích thuộc loại hình cư trú - mộ táng. Tầng văn hoá
là tích tụ gốm và vỏ sò khá dày, đã bị xâm hại nặng bởi các huyệt mộ hiện đại. Bên
dưới lớp cư trú phát hiện 2 mộ đất, một của trẻ em và một của người lớn. Ngôi mộ
người lớn khả năng có niên đại sớm hơn di tích mộ táng của Hòa Diêm 1 [32, tr
178-180], [63].
- Di tích mộ chum Diên Sơn (Diên Khánh) thuộc văn hóa Sa Huỳnh, tình cờ
được phát hiện khi người dân địa phương đào giếng nước vào đầu năm 1988. Tháng
6/1988 Viện BTLS Việt Nam phối hợp với BT Phú Khánh tiến hành khảo sát khảo
cổ các huyện, thị ven biển từ Sông Cầu (Phú Yên hiện nay) đến Cam Ranh (Khánh
Hòa), đã đến Diên Sơn khảo sát và khai quật chữa cháy, thu về 1 chum mộ cùng 4
nồi gốm nhỏ tùy táng [15, tr 57-58]. Đến năm 1994, cũng trong một đợt khảo sát

khu vực này, các cán bộ BT Khánh Hòa đã tìm thêm được một chiếc chum nữa
trong tình trạng bảo quản rất tốt, nằm gần chum mộ năm 1988. Di tích mang những
đặc điểm chung của nhóm di tích mộ táng văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở Quảng
Nam, Quảng Ngãi, có niên đại nằm trong khoảng trên dưới 2000 năm BP [14, tr
250-252], (Bản ảnh 2.1).
- Về nhóm trống đồng Đông Sơn ở Khánh Hòa, tính đến nay đã phát hiện 5
trống, ở 3 địa điểm phường Phước Hải (thành phố Nha Trang), xã Ninh Phụng và
Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa).


×