Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả văn bản quy phạm pháp
luật hành chính trong quản lý xã hội ở nước ta hiện nay.
LỜI MỞ ĐẦU
Pháp luật là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội và đời sống cộng
đồng, là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa mang tính khách quan, vừa
mang tính chủ quan. Chính vì vậy, pháp luật có một ý nghĩa và vai trò đặc
biệt quan trọng. Trong bối cảnh xã hội Việt nam hiện nay, Pháp luật là vũ
khí chính trị sắc bén để nhân dân đấu tranh chống lại các lực lượng thù địch,
giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; là cơ sở pháp lý để bộ
máy Nhà nước Việt Nam tổ chức và hoạt động; là công cụ để Nhà nước
quản lý hữu hiệu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; là phương tiện
thiết lập và bảo đảm công bằng, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; là cơ sở
bảo vệ hữu hiệu quyền công dân; đồng thời, pháp luật tạo điều kiện cho
những công cụ quản lý xã hội khác phát triển vì một xã hội công bằng, văn
minh, tốt đẹp hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Nhà nước ta luôn coi xây dựng
pháp luật là một hoạt động cơ bản và quan trọng hàng đầu. Những năm qua,
đặc biệt là khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 ra đời, hoạt
động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan
Nhà nước đã gặt hái được những kết quả đáng kích lệ. Góp phần to lớn vào
sự thành công chung đó, phải kể tới hoạt động ban hành văn bản quy phạm
pháp luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh
những thành công đã đạt được, hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của các cơ quan Nhà nước ở trung ương cũng bộc lộ những hạn chế và
bất cập, nhất là vào giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang trong quá trình
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số
quan hệ xã hội quan trọng vẫn chưa được điều chỉnh; quy trình xây dựng văn
bản quy phạm pháp luật còn chưa được thực hiện nghiêm túc; nội dung
nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, không thống
nhất, thiếu tính khả thi; văn bản quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành còn
“nợ đọng”; Xuất phát từ thực trạng đó, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và
thực tiễn về hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của
các cơ quan Nhà nước ở trung ương là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Do vậy, em đã mạnh dạn chọn đề tài: “Thực trạng và giải pháp nâng cao
hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật hành chính trong quản lý xã hội
ở nước ta hiện nay” với hy vọng sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận và
thực tiễn cho việc nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động xây dựng và ban
hành văn bản quy phạm pháp luật. Song, trong phạm vi của một đề tài tiểu
luận, em chỉ dừng lại xem xét, tìm hiểu khái niệm, đặc điểm, đánh giá thực
trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước, từ
đó đưa ra những giải pháp cho việc hoàn thiện hoạt động này.
NỘI DUNG
I. Tìm hiểu về văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật.
Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban
hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục
được quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được
Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành
không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong Luật ban hành văn
bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì không
phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:
1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
4. Nghị định của Chính phủ.
5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao,
Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa
Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội.
11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện
kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
bộ.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân. (1)
2. Quy phạm Pháp luật hành chính
2.1 Khái niệm
Trước hết, quy phạm được hiểu là những quy định chặt chẽ bắt buộc
phải tuân theo, trong đó quy phạm pháp luật được ban hành bởi Nhà nước và
mang tính cưỡng chế. Để thực hiện chức năng quản lí nhà nước các cơ quan
có thẩm quyền ban hành các văn bản quy pham pháp luật (QPPL) để điều
chỉnh hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Vậy những QPPL được dùng
để điều chỉnh các quan hệ quản lí hành chính Nhà nước là các QPPL hành
chính. Như vậy, “Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của
quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát
sinh trong quá trình quản lí hành chính theo phương pháp mệnh lệnh - đơn
phương”.
2.2 Đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính
Qua khái niệm trên cho thấy QPPL hành chính là một trong những
dạng quy phạm pháp luật nên cũng có đầy đủ những đặc điểm chung của
QPPL như: là quy tắc xử chung thể hiện ý chí Nhà nước được Nhà nước
đảm bảo thực hiện; là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi
của con người về tính hợp pháp. Bên cạnh đó, QPPL hành chính còn có
những đặc điểm sau:
a. Các QPPL hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính Nhà nước ban
hành. Ở nhà nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan
nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật hành
chính có thể là chủ thể lập pháp hoặc chủ thể quản lí hành chính nhà nước vì
những lí do sau đây:
- Hoạt động lập pháp của Quốc Hội, UBTVQH theo cơ chế thảo luận tập
thể, quyết định theo đa số không đủ đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ
các quản lí hành chính nhà nước một cách năng động, kịp thời.
- Quốc Hội, UBTVQH không có chức năng quản lí hành chính nhà nước do
đó khó có thể ban hành các quy phạm pháp luật hành chính một cách cụ thể
và phù hợp với thực tiễn quản lí từng nghành, lĩnh vực và địa phận.
- Việc quy định thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật cho một số chủ
thể quản lí hành chính nhà nước mà trước hết và chủ yếu là cơ quan hành
chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước
còn phù hợp với yêu cầu về tính chủ động, sáng tạo trong quản lí hành chính
nhà nước.
b. Các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lí
khác nhau. Do phạm vi điều chỉnh các quy phạm pháp luật hành chính rất
rộng và tính chất đa dạng về chủ thể ban hành nên các quy phạm pháp luật
hành chính có số lượng lớn. Trong đó có những quy phạm có hiệu lực pháp
lí trên phạm vi cả nước và chung cho các nghành, lĩnh vực quản lí nhưng
cũng có những quy phạm chỉ có hiệu lực trong phạm vi một nghành, một
lĩnh vực quản lí hay trong một địa phương nhất định. Theo thống kê từ cơ sở
dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, năm 2009 chỉ riêng chính phủ đã ban
hành đến 3740 văn bản quy phạm pháp luật. Chưa kể đến các bộ, các cơ
quan ngang bộ rồi đến Hội đồng nhân dân, UBND các cấp trên toàn quốc
ban hành.
c. Các quy phạm pháp luật hành chính hợp thành một hệ thống trên cơ sở
các nguyên tắc pháp lí nhất định. Do yêu cầu điều chỉnh thống nhất pháp
luật trong quản lí hành chính nhà nước, các quy phạm phạm pháp luật tuy có
số lượng lớn và hiệu lực pháp lí khác nhau khác nhau song cần hợp thành
một hệ thống.
- Các phạm pháp luật hành chính do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành
phải phù hợp với nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật do cơ quan
nhà nước cấp trên ban hành. Ví dụ (VD): UBNH thành phố Hà Nội ban hành
quyết định số 23/QĐ-UB về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải
căn cứ vào luật đất đai năm 2003, nghị định số 88/2009/NĐ-CP của chính
phủ. Nếu không có sự phù hợp sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong giải
quyết vụ việc.
- Các quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước, Chủ
Tịch Nước, Tòa Án nhân dân, viện Kiểm Sát nhân dân ban hành phải phù
hợp với nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực
nhà nước cùng cấp ban hành. VD: chính phủ ban hành nghị định số
34/2010/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường
bộ phải căn cứ vào pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính của UBTVQH và
luật giao thông đường bộ của Quốc Hội.
- Các quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước có
thẩm quyền chuyên môn ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích
của quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước có
thẩm quyền chung cùng cấp ban hành. VD: Thông tư số 12/2011/TT-BTP
của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử
dụng biểu mẫu nuôi con nuôi phải căn cứ vào Căn cứ nghị định số
19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi và nghị định số 93/2008/NĐCP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
- Các quy phạm pháp luật hành chính do người có thẩm quyền trong các cơ
quan nhà nước ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của quy
phạm pháp luật do tập thể cơ quan đó ban hành. VD: Thủ Tướng chính phủ
khi ban hành quyết định số 181/2003/QĐ-TTG về ban hành quy chế thực
hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương phải
Căn cứ vào Nghị quyết số 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ
về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của
công dân và tổ chức.
- Bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các quy phạm pháp luật hành chính
do các chủ thể có thẩm quyền ngang cấp, cùng địa vị ban hành. VD: Bộ
trưởng kinh tế đối ngoại không được ban hành những văn bản trái với các
quy định của Bộ Tài chính.
- Các quy phạm pháp luật hành chính phải được ban hành theo đúng trình tự,
thủ tục và dưới hình thức nhất định do pháp luật quy định.
II. Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật hành chính
Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật là kết quả của sự tác động
của văn bản quy phạm pháp luật đến các quan hệ xã hội so với các yêu cầu,
mục tiêu khi ban hành văn bản đó. Nếu như hiệu lực của văn bản quy phạm
pháp luật thể hiện thuộc tính của các quy phạm pháp luật, thì hiệu quả của
một văn bản quy phạm pháp luật lại là những gì mà văn bản đó có thể đem
lại trong cuộc sống, là kết quả của sự tương tác giữa pháp luật và xã hội, bởi
chức năng chính của pháp luật là điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật
hướng cho các chủ thể sống và làm việc một cách hợp tác với nhau, để cùng
nhau đạt được những gì họ muốn, vì lợi ích của tất cả thành viên trong xã
hội.
1. Tính thực tiễn
Việc xem xét, đánh giá một văn bản quy phạm pháp luật không còn
dừng lại ở việc đánh giá nó theo các tiêu chí nội tại. Ý nghĩa của sự tồn tại
một văn bản quy phạm pháp luật còn được xem xét ở một góc độ khác, đó là
tính thực tiễn và hiệu quả của nó, đó là kết quả của sự tác động của các quy
phạm pháp luật đến các quan hệ xã hội được điều chỉnh, đến các đối tượng
được áp dụng. Ở trên thế giới, hiệu quả của một luật được đánh giá căn cứ
vào mục tiêu mà các nhà làm luật đặt ra. Cụ thể là: một luật có hiệu quả khi
luật đó đạt được các mục tiêu đặt ra. Ở Việt Nam, một khái niệm tương đồng
có thể được tìm thấy trong Từ điển Luật học, đó là “hiệu quả của pháp luật”.
Theo Từ điển Luật học, hiệu quả của pháp luật được hiểu là kết quả cụ thể
của sự tác động pháp luật đến các quan hệ xã hội so với mục tiêu, yêu cầu
đặt ra khi ban hành pháp luật. Hiệu quả của pháp luật có thể được đánh giá
theo từng cấp độ khác nhau: hiệu quả của quy phạm pháp luật, của chế định
pháp luật, của ngành luật, của toàn bộ hệ thống pháp luật hoặc nếu phân chia
theo hình thức, chúng ta xét đến hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật.
Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến mối quan hệ
giữa pháp luật và xã hội. Đây không đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà bao
trùm cả vấn đề xã hội có liên quan. Pháp luật thuộc phạm trù lý thuyết và xã
hội thuộc phạm trù thực tiễn. Pháp luật được hình thành từ nhu cầu thực tiễn,
nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thực tiễn. Giữa lý thuyết và
thực tiễn luôn tồn tại khoảng cách. Khoảng cách này sẽ ngày càng rộng nếu
pháp luật không xuất phát từ nhu cầu của xã hội, không phản ánh đúng các
giá trị của cuộc sống. Pháp luật cần phải được đánh giá trong mối quan hệ
với hành vi, xử sự của các chủ thể, cũng như trong sự chuyển động và phát
triển của xã hội. Sự hình thành, phát triển của pháp luật phải được đánh giá
trong một xã hội nhất định, xã hội này quyết định sự tồn tại trong không gian
cũng như về thời gian của pháp luật. Chính vì vậy, hiện nay ở các nước có
các môn xã hội học pháp luật, kinh tế học pháp luật. Những môn này có mục
đích là đề cao các yếu tố kinh tế, xã hội trong việc thực hiện pháp luật, đánh
giá sự hình thành và phát triển của pháp luật trong sự phát triển của các hiện
tượng xã hội, đặc biệt là của các quan hệ kinh tế, dân sự, chính trị. Do vậy,
có thể nói, thực tế chính là thước đo kiểm nghiệm hiệu quả của pháp luật.
Hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật thể hiện sự phản ánh
của dư luận xã hội về văn bản đó. Thực tế, tác động của dư luận xã hội có
ảnh hưởng rất lớn đến ý thức pháp luật, đến tâm lý pháp luật của người dân,
từ đó tác động đến hiệu quả của quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm
pháp luật không hiệu quả sẽ tạo ra khoảng cách giữa pháp luật và người dân.
Nếu khoảng cách này càng lớn, thì nguy cơ không tôn trọng pháp luật càng
cao, bởi vì một phần họ mất lòng tin vào pháp luật, một phần khác là vì pháp
luật không phù hợp với tâm lý pháp lý trực cảm của đa phần dân chúng.
2. Tính khả thi
Một văn bản quy phạm pháp luật không hiệu quả có thể biểu hiện ở
những khía cạnh sau:
Thứ nhất, văn bản quy phạm pháp luật không thực hiện được mục tiêu
mà các nhà làm luật đặt ra khi soạn thảo và ban hành. Ví dụ như mục tiêu
của Luật Bảo vệ môi trường là nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường, khắc
phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Tuy nhiên, Luật
này có thể được xem là chưa hiệu quả khi hiện nay ở Việt Nam, tình trạng ô
nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng nghiêm
trọng.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra những tác động không
mong muốn đối với xã hội. Thực tế cho thấy, có những văn bản quy phạm
pháp luật được ban hành không đạt được mục tiêu được các nhà làm luật đề
ra, mà lại dẫn đến một kết quả không mong đợi khác. Ví dụ về quy định cấm
họp chợ ở vỉa hè, lòng đường, cấm họp chợ cóc (Nghị định 34/NĐ-CP ngày
2/4/2010 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ). Quy định này có thể được coi là không hiệu quả
khi vẫn xuất hiện tình trạng bán hàng rong. Đấy là những kết quả không
mong muốn. Hay trong thời gian gần đây, hiệu quả của pháp luật được quan
tâm hơn lúc nào hết qua vụ việc một lái xe tải cố ý cán chết người. Sự việc
xảy ra khi lái xe đâm bị thương một cô gái. Sau đó, lái xe đó đã quyết định
cán chết cô gái đó. Bởi căn cứ vào quy định của pháp luật, cụ thể là của Bộ
luật Dân sự, lái xe gây tai nạn sẽ phải chịu các chi phí bồi thường rất lớn cho
nạn nhận bị thương. Do vậy, người lái xe đã cán chết người bị thương để có
thể giảm thiểu chi phí đền bù cho gia đình nạn nhân (xem Điều 609, 610 Bộ
luật Dân sự).
Từ dẫn chứng trên, có thể thấy rằng, chính các quy định của pháp luật
đã khiến cho người lái xe thay đổi cách xử sự, từ một vụ vô ý gây thương
tích dẫn đến cố ý giết người, bởi trách nhiệm dân sự do gây tai nạn chết
người lại nhỏ hơn nhiều so với trách nhiệm dân sự do gây thương tích.
Trong trường hợp này, hiệu quả của pháp luật dường như đã không được
bảo đảm.
Như vậy, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật, hay tính khả thi
chính là tiêu chí cần thiết để đánh giá ý nghĩa của sự tồn tại hay giá trị của
văn bản đó. Giá trị của một văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá qua
những tác động cụ thể của nó vào thực tiễn các quan hệ xã hội mà nó điều
chỉnh và những tác động này được xem xét trong mối tương quan với các
mục tiêu đặt ra cho văn bản. Đây là một xu hướng mới trong việc đánh giá
và cải cách hệ thống pháp luật.
3. Các yếu tố tạo nên hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật hành
chính
Để có thể đánh giá được hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật,
trước tiên chúng ta cần phải xác định rõ các căn cứ để đánh giá.
Một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả khi đạt được những mục
tiêu mà các nhà làm luật mong đợi, yêu cầu. Nhưng để có thể đạt được
những mục tiêu này, văn bản quy phạm pháp luật đó phải có hiệu lực, có giá
trị bắt buộc đối với các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng của nó.
3.1. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
Để một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả, trước hết nó phải có
hiệu lực. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở nền tảng tạo nên
hiệu quả của văn bản. Ngược lại, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật
phản ánh hiệu lực của văn bản đó. Một văn bản quy phạm pháp luật chỉ có
hiệu quả khi nó được tuân thủ nghiêm túc.
Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là tính bắt buộc
thi hành của văn bản quy phạm pháp luật ở một giai đoạn nhất định, trong
một không gian nhất định và đối với những chủ thể pháp luật nhất định (cá
nhân, cơ quan, tổ chức). Như vậy, hiệu lực là thuộc tính của văn bản quy
phạm pháp luật. Đã là văn bản quy phạm pháp luật thì phải có tính bắt buộc
thi hành. Nếu không, văn bản quy phạm pháp luật đó sẽ không còn giá trị
tồn tại. Tuy nhiên, trên thực tế, xảy ra tình trạng có những văn bản quy phạm
pháp luật, nhưng lại không được các chủ thể tuân thủ. Tình trạng trên xảy ra
do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân này có thể được chia thành hai
nhóm sau:
- Nhóm thứ nhất xuất phát từ chính các yếu tố nội tại của văn bản quy phạm
pháp luật. Đó là các yếu tố liên quan đến chất lượng của các quy phạm pháp
luật. Để văn bản quy phạm pháp luật phát huy được hiệu lực, các quy phạm
pháp luật phải đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức cũng như nội dung.
Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng việc phân biệt giữa mặt nội dung
và mặt hình thức chỉ là tương đối, mang giá trị học thuật. Về mặt hình thức,
một quy phạm pháp luật dù được soạn thảo đúng quy trình, thủ tục, nhưng
không bảo đảm kỹ thuật soạn thảo, (ví dụ: không đảm bảo đúng cấu trúc của
quy phạm pháp luật, hoặc không rõ ràng về mặt ngữ nghĩa), sẽ khó có thể
đem lại hiệu lực mong muốn. Ngược lại, những quy phạm được soạn thảo
tốt về mặt kỹ thuật nhưng không được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì
cũng sẽ không có hiệu lực. Do vậy, văn bản quy phạm pháp luật phải đáp
ứng được tính hợp pháp.
Những yêu cầu về mặt nội dung cần phải được hiểu theo nghĩa rộng,
không chỉ là những yêu cầu thuần túy về mặt câu từ, ngữ nghĩa, mà cần phải
hiểu ở việc tiếp nhận văn bản này từ đối tượng mà nó hướng tới, cũng như
tác động của nó đến xã hội. Văn bản quy phạm pháp luật đó cần phải đáp
ứng yêu cầu quản lý nhà nước; phải hợp lòng dân, thể hiện ý chí, lợi ích
chung của người dân. Đó là tính hợp lý của văn bản quy phạm pháp luật (2).
Tính hợp lý của một văn bản quy phạm pháp luật thể hiện ở mức độ phù hợp
với thực tiễn hoặc ở mức độ phát sinh các chi phí bất hợp lý cho các đối
tượng áp dụng của văn bản đó. Nếu như tính hợp pháp của văn bản quy
phạm pháp luật là điều kiện quyết định sự tồn tại của văn bản quy phạm
pháp luật, thì tính hợp lý mang lại cho văn bản khả năng thực thi cao. Một
văn bản quy phạm pháp luật có tính hợp lý sẽ giúp cho các chủ thể tuân thủ
một cách nghiêm túc và tự nguyện, bởi nó không chỉ mang lại lợi ích cho
chủ thể mà còn mang lại lợi ích chung cho cả xã hội. Tính hợp lý của văn
bản quy phạm pháp luật tuy không phải là yếu tố quyết định việc tuân thủ
pháp luật của các chủ thể, nhưng không phải vì thế mà mất đi ý nghĩa quan
trọng của nó trong việc đảm bảo tính pháp chế của pháp luật. Trong một đất
nước mà nền pháp chế ngày càng được đề cao, thì tính hợp lý của luật ngày
càng được coi trọng (3). Văn bản quy phạm pháp luật có tính hợp lý khi nó
đáp ứng được các yêu cầu sau:
Thứ nhất, nó phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của xã hội, mà cụ thể
là của người dân. Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là nhằm để
giải quyết các vấn đề mà xã hội đặt ra. Do đó, việc ban hành một văn bản
quy phạm pháp luật cần phải phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội,
và lấy lợi ích của người dân, của xã hội, của nhà nước làm nền tảng. Một
văn bản quy phạm pháp luật không hợp lý có thể do nhiều nguyên nhân. Một
trong những nguyên nhân thường gặp là do kỹ thuật lập pháp còn yếu kém
làm cho luật pháp không còn phù hợp với các quan hệ xã hội, với thực tiễn
sinh động. Hậu quả là các quy phạm pháp luật đó khó có thể thực hiện trong
cuộc sống.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với đối tượng,
phải điều chỉnh đúng đối tượng. Nếu văn bản đó luật đó không điều chỉnh
đúng đối tượng, sẽ không làm cho đối tượng đó tuân thủ luật một cách tự
nguyện. Điều đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả của văn bản quy phạm pháp
luật. Về mặt lý thuyết, một văn bản quy phạm pháp luật sẽ vẫn luôn tồn tại
dù nó không được tuân thủ. Về mặt pháp lý, việc không tuân thủ một quy
phạm không thể đưa đến việc hủy bỏ một quy phạm pháp luật. Các quy
phạm pháp luật này sau một thời gian dài không được áp dụng trong thực
tiễn, vẫn có thể được các chủ thể nhận biết. Tuy nhiên, trong nhiều trường
hợp, văn bản quy phạm pháp luật đó sẽ không phát huy hiệu lực. Một văn
bản quy phạm không có hiệu lực trong một thời gian dài sẽ bị coi như không
có giá trị (4). Chỉ khi đối tượng của nó chấp nhận và áp dụng nó trong thực
tế, văn bản quy phạm pháp luật mới thực sự phát huy hiệu lực và có giá trị.
Tính hợp lý chính là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả của văn bản quy
phạm pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật hợp lý sẽ được người dân
tuân thủ nghiêm túc và có hiệu lực lâu dài. Có thể lấy ví dụ về Thông tư
33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ
sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng
làm thực phẩm. Thông tư này chưa kịp có hiệu lực đã bị thu hồi lại do không
đạt được tính hợp lý. Theo quy định của Thông tư 33, thịt tươi sống chỉ được
bày bán trong vòng 8 giờ đồng hồ kể từ khi giết mổ nếu được bảo quản ở
nhiệt độ thường. Thông tư này bị chỉ trích vì thiếu thực tế, chưa sát với điều
kiện thực tế, cũng như chưa chặt chẽ (không nêu rõ được đơn vị nào sẽ chịu
trách nhiệm kiểm tra, chế tài xử phạt ra sao,...).
Ngoài ra, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật sẽ được nâng cao
nếu như có nội dung thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác
trong hệ thống pháp luật. Thực tế cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp
luật dù đảm bảo tính hợp pháp trong mối quan hệ dọc với Hiến pháp và các
văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn nhưng lại có những
quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác trong mối
quan hệ ngang. Những mâu thuẫn thậm chí những quy định trái ngược nhau
giữa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tạo nên những xung đột pháp luật
gây cản trở cho việc thực thi văn bản luật. Những xung đột pháp luật này sẽ
làm ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, việc
bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ giúp cho
các văn bản này đạt được hiệu lực cao.
- Nhóm nguyên nhân thứ hai xuất phát từ các yếu tố bên ngoài của văn bản
quy phạm pháp luật: khả năng tổ chức thực thi của các cơ quan thi hành
pháp luật, khả năng tiếp cận pháp luật của các chủ thể, tình trạng tuân thủ
pháp luật của các chủ thể, khả năng được xã hội chấp nhận…. Có thể thấy
rằng, nghiên cứu mặt bên ngoài của một văn bản quy phạm pháp luật là
nghiên cứu ảnh hưởng của văn bản đó đến thái độ của các chủ thể. Một văn
bản quy phạm pháp luật có hiệu lực khi văn bản đó có giá trị bắt buộc thi
hành đối với chủ thể. Sự tuân thủ các quy định của văn bản quy phạm pháp
luật được coi là biểu hiện của một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực.
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể là
khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của các chủ thể. Đó là khả năng nhận
thức để có thể viện dẫn các quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của chủ thể. Đó còn là khả năng thực hiện các hành vi đúng
pháp luật của các chủ thể. Một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực phải
là một văn bản có thể tiếp cận được. Như vậy, khả năng tiếp cận pháp luật
của các chủ thể sẽ là một trong những yếu tố quyết định hiệu lực của pháp
luật, bởi nó quyết định thái độ của các chủ thể đối với văn bản quy phạm
pháp luật, từ đó quyết định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Việc một văn bản quy phạm pháp luật không tiếp cận được có thể
được phân tích dưới hai góc độ: Thứ nhất, văn bản đó khó hoặc ít có khả
năng tiếp cận. Nói một cách khác, các chủ thể khó có thể thực hiện các quy
định pháp luật bởi họ không hiểu, không thấy hợp lý hoặc cho rằng các quy
định này đi ngược lại những quy tắc xử sự được thừa nhận rộng rãi trong xã
hội; Thứ hai, có thể do những điều kiện khách quan bên ngoài cản trở khả
năng tiếp cận của các chủ thể. hay nói một cách khác cản trở công dân thực
hiện quyền tiếp cận pháp luật. Quyền tiếp cận pháp luật, hay nói rộng ra là
quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người.
Quyền này được hiểu theo hai khía cạnh: Thứ nhất, đó là quyền mà công dân
được chủ động tiếp cận, thu thập thông tin; Thứ hai, đó là quyền được cung
cấp thông tin từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quyền này đi liền với
trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân.
Ngoài ra, nói đến yếu tố ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy
phạm pháp luật không thể không kể đến những cơ quan thực thi pháp luật.
Một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực hay không, không chỉ phụ
thuộc vào chính văn bản quy phạm pháp luật đó mà còn phụ thuộc vào việc
tổ chức thi hành, giám sát việc thực hiện của các cơ quan thực thi. Vì vậy,
vai trò của các cơ quan thực thi pháp luật là rất quan trọng. văn bản quy
phạm pháp luật sẽ có hiệu lực cao khi được các cơ quan thực thi thực hiện
một cách nghiêm túc và triệt để. Việc xử lý vi phạm pháp luật được thực
hiện theo ba bước: Phát hiện vi phạm; xem xét, đánh giá; đưa ra phương
hướng xử lý. Mỗi bước trên đều có khả năng làm ảnh hưởng đến hiệu lực
văn bản quy phạm pháp luật. Những hạn chế, trở ngại trong việc thực hiện
pháp luật thường có nguồn gốc, hoặc ít nhất chịu tác động từ phía cơ quan
thực thi pháp luật. Nếu như các cơ quan này không hành động, không triển
khai việc áp dụng; không giám sát việc thi hành, tuân thủ pháp luật thì hiệu
lực của văn bản quy phạm pháp luật sẽ không được bảo đảm. Bên cạnh đó,
những quy định không rõ ràng, chồng chéo về thẩm quyền giữa các cơ quan
thực thi cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật. Ví dụ,
liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm trong Luật An toàn thực phẩm, có
tới ba Bộ có trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện các quy định của
Luật. Đó là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công
thương. Thực trạng việc quản lý các thực phẩm trên thị trường hiện nay cho
thấy, việc quy định thẩm quyền cho nhiều cơ quan cùng lúc và không nêu rõ
cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này sẽ dẫn đến khó có thể đưa đến sự
thống nhất giữa các quy định được ban hành, cũng như cơ chế thực thi
chúng.
3.2. Mục tiêu của văn bản quy phạm pháp luật
Hiệu quả của một văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được đánh
giá khi so sánh với mục tiêu mà văn bản đó đề ra. Văn bản quy phạm pháp
luật sẽ có hiệu quả khi thực hiện được các mục tiêu của mình. Mục tiêu là
một loạt các hoạt động, kết quả cụ thể cần phải thực hiện được theo kế hoạch
đã đặt ra trong nghiên cứu. Mục tiêu có thể đo lường hay định lượng được.
Mục tiêu là nền tảng hoạt động của nghiên cứu, là cơ sở cho việc đánh giá
kế hoạch nghiên cứu đã đưa ra.
Văn bản quy phạm pháp luật được soạn thảo và ban hành ra luôn
nhằm để thực hiện một hoặc những mục tiêu nhất định. Ví dụ, Luật Cạnh
tranh của các quốc gia trên thế giới đều có những mục tiêu riêng của mình,
nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của quốc gia đó. Luật Chống độc quyền
của Mỹ có mục tiêu là bảo vệ tự do cạnh tranh. Mục tiêu của Luật Cạnh
tranh Thụy Điển năm 1993 (Điều 1) là nhằm loại bỏ và vô hiệu hóa những
trở ngại đối với một sự cạnh tranh hiệu quả trong sản xuất và thương mại
hàng hóa, dịch vụ, và các sản phẩm khác. Mục tiêu của Luật Cạnh tranh Ấn
Độ năm 2002 là ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến cạnh tranh, xúc tiến
và bảo trì cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
và bảo đảm tự do thực hiện thương mại cũng như tất cả các hoạt động có
liên quan hoặc gắn liền với, của tất cả các chủ thể trên thị trường ở Ấn Độ
(Điều 1). Các mục tiêu này chính là kim chỉ nam cho việc soạn thảo các quy
phạm pháp luật trong luật. Các quy phạm pháp luật chính là sự cụ thể hóa
các mục tiêu được đề ra. Các quy phạm pháp luật chính là công cụ để thực
hiện mục tiêu đặt ra. Mục tiêu càng rõ ràng thì các quy phạm pháp luật càng
đảm bảo được tính thống nhất, chặt chẽ về mặt nội dung. Từ đó văn bản quy
phạm pháp luật càng dễ được thực hiện, đi vào cuộc sống. Việc nêu rõ mục
tiêu lại càng cần thiết đối với các văn bản quy phạm pháp luật có hình thức
là luật. Đây là loại văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, rất ít các văn bản luật hiện nay nêu rõ mục tiêu
của mình. Ở một số văn bản luật, mục tiêu được ghi ở phần đầu, trước phần
các quy định, ví dụ như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động. Ở một số văn
bản khác, mục tiêu của luật được ngầm hiểu trong phần về nhiệm vụ của
luật, ví dụ như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự,… Còn đa số các văn bản
luật khác, mục tiêu của luật không được nêu rõ, và thường được ngầm hiểu
qua các quy định trong văn bản luật. Nếu mục tiêu của văn bản quy phạm
pháp luật không được nêu rõ sẽ gây ra tình trạng văn bản quy phạm pháp
luật bị phản ánh sai lệch trong quá trình thực hiện. Để có thể đánh giá xem
văn bản quy phạm pháp luật có được thực hiện đúng với ý muốn của các nhà
làm luật hay không, chúng ta lại phải làm công việc ngược lại là xác định
mục tiêu của văn bản luật đó căn cứ vào việc xem xét tổng thể các quy phạm
pháp luật được thể hiện trong đó. Tình trạng có thể xảy đến là việc hiểu và
giải thích các quy định của luật sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, có thể xảy ra
tình trạng mâu thuẫn giữa mục tiêu và các quy định trong luật, làm ảnh
hưởng đến hiệu quả của luật. Thực tế hoạt động lập pháp ở Việt Nam cho
thấy, rất nhiều văn bản luật không nêu rõ mục tiêu của mình gây nên tình
trạng các văn bản này bị khúc xạ bởi những văn bản hướng dẫn thuộc quyền
lập quy (5). Tình trạng này xảy ra khi các văn bản lập quy không phản ánh
đúng tinh thần, nội dung của luật, hoặc trái luật. Cụ thể, đó là khi các văn
bản pháp quy vượt quá hoặc thu hẹp phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh.
Hậu quả là ý chí chung của nhân dân, lợi ích chung của xã hội không được
đảm bảo.
Ý muốn của các nhà làm luật, mục tiêu mà văn bản quy phạm pháp
luật phải thực hiện, không chỉ cần được nêu rõ, mà còn cần phải thống nhất.
Một văn bản quy phạm pháp luật có thể được soạn thảo và ban hành nhằm
thực hiện nhiều mục tiêu nhưng các mục tiêu này cần phải thống nhất với
nhau. Thực tế cho thấy, một luật đa mục tiêu thường có thể dẫn đến tình
trạng xung đột giữa các mục tiêu. Lấy ví dụ về pháp luật cạnh tranh. Pháp
luật cạnh tranh là một ngành luật có mục đích cụ thể, được xây dựng để bảo
vệ và phát triển nền kinh tế thị trường. Mỗi quốc gia sẽ xây dựng hệ thống
pháp luật cạnh tranh phù hợp với những nhu cầu riêng của nước mình, tùy
thuộc vào sự phát triển, hoàn cảnh kinh tế xã hội, nền văn hóa pháp lý và các
ưu tiên của các quốc gia đó. Các quốc gia phát triển trên thế giới cho rằng,
pháp luật cạnh tranh đa mục tiêu có thể dẫn tới xung đột giữa các mục tiêu.
Việc dung hoà các mục tiêu có thể tác động tiêu cực đến nguyên tắc cạnh
tranh và tính độc lập của cơ quan cạnh tranh. Do vậy, các nước này thường
giảm mạnh việc sử dụng pháp luật cạnh tranh để đạt các mục tiêu chung về
xã hội, trong khi điều này vẫn phổ biến ở các nước đang phát triển và
chuyển đổi. Quay trở lại Luật Cạnh tranh của Việt Nam. Trong toàn bộ các
quy định của Luật, không có quy định nào nêu lên mục tiêu cụ thể mà các
nhà làm luật đặt ra cho Luật. Thông qua các quy định của Luật, có thể hiểu
mục tiêu chính của Luật là tạo lập và duy trì cạnh tranh bình đẳng giữa các
chủ thể trên thị trường bằng việc kiểm soát các hành vi gây hạn chế cạnh
tranh hoặc có thể gây hạn chế cạnh tranh, chống lại các hành vi cạnh tranh
không lành mạnh. Tuy nhiên, thông qua các quy định của Luật Cạnh tranh,
mà cụ thể là các điều khoản liên quan quyền miễn trừ đối với các trường hợp
tập trung kinh tế bị cấm, có thể thấy rằng, Luật Cạnh tranh còn hướng tới
mục tiêu là mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến
bộ kỹ thuật, công nghệ, hoặc nhằm duy trì việc làm cho người lao động
(Điều 19 của Luật Cạnh tranh). Như vậy, một Luật Cạnh tranh đa mục tiêu
có thể dẫn đến sự mâu thuẫn giữa các mục tiêu này nếu không có sự sắp xếp
thứ tự ưu tiên áp dụng giữa các mục tiêu được đặt ra.
III. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của văn bản quy
phạm pháp luật hành chính của Việt Nam hiện nay
Để văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đạt được hiệu quả
mong muốn, cần phải coi trọng thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải chú ý đến là tính hợp pháp, tính thống nhất, tính hợp lý
của các văn bản quy phạm pháp luật. Tính hợp pháp, hợp lý và thống nhất
của các văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được đảm bảo khi công tác
xây dựng, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn
thiện. Việt Nam cần phải có một cơ quan lập pháp làm việc chuyên nghiệp
hơn để có thể cho ra những văn bản luật có hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống
các văn bản lập quy cũng cần được nâng cao về mặt chất lượng. Để làm
được việc này, bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, bộ
phận pháp chế của các Bộ, ngành cần phải chủ động phối hợp với nhau và có
sự tham khảo ý kiến của đa số quần chúng nhân dân trước khi ban hành một
văn bản dưới luật cụ thể.
Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật cần phải đảm bảo được khả năng tiếp
cận của quần chúng nhân dân. Để đảm bảo cho công dân được chủ động tiếp
cận thông tin, cơ quan nhà nước phải chủ động công bố công khai những
trình tự thủ tục rõ ràng thuận tiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận được
thông tin khi có nhu cầu. Ngoài ra, người dân có thể tiếp cận được thông tin
ngay cả khi không có nhu cầu bằng việc cơ quan nhà nước chủ động công
khai thông tin trên các trang thông tin điện tử của cơ quan hoặc thông qua
các kênh phổ biến kiến thức khác để đông đảo quần chúng được biết mà
không cần phải yêu cầu.
Thứ ba, liên quan đến các cơ quan thực thi pháp luật. Văn bản quy phạm
pháp luật sẽ có hiệu lực cao khi được các cơ quan thực thi thực hiện một
cách nghiêm túc và triệt để việc áp dụng luật. Các cơ quan này cần phải
được trang bị không chỉ về cơ sở pháp lý, mà còn cả cơ sở vật chất cũng như
nguồn nhân sự để đảm bảo việc thực hiện pháp luật ở mọi cấp độ. Các văn
bản quy phạm pháp luật cần phải nêu rõ thẩm quyền của các cơ quan có liên
quan cũng như nêu rõ các cơ quan đầu mối cùng cơ chế phối hợp giữa các
cơ quan đó. Cơ chế phối hợp này nên được thiết lập theo hướng sắp xếp về
mặt cơ cấu, thủ tục sao cho công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật cạnh tranh được thực hiện một cách thống nhất. Có thể áp
dụng cơ chế theo dõi chung và theo dõi riêng giữa các cơ quan này. Theo đó,
cơ quan đầu mối sẽ được phân thẩm quyền theo dõi chung việc thi hành các
quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó. Các Bộ, ngành được Chính
phủ phân công chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật chuyên ngành có trách
nhiệm theo dõi văn bản đó trong đời sống xã hội. Các cơ quan này có điều
kiện và đủ kiến thức chuyên sâu về ngành, lĩnh vực quản lý của mình và
hiểu rõ nội dung văn bản do mình soạn thảo, do đó dễ phát hiện được những
khiếm khuyết của văn bản khi được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Đó
là cơ chế theo dõi riêng. Giữa cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo dõi chung và
cơ quan thực hiện nhiệm vụ theo dõi riêng cần phải có cơ chế phối hợp trong
việc cung cấp thông tin. Cần quy định trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý
chuyên ngành về việc theo dõi thi hành các văn bản này, định kỳ thông báo
cho các cơ quan đầu mối để tập hợp, phân tích và làm báo cáo tổng hợp về
tình hình thi hành văn bản quy phạm pháp luật đó.
Thứ tư, văn bản quy phạm pháp luật cần phải nêu rõ mục tiêu và có sự thống
nhất giữa các mục tiêu được nêu. Ý muốn của các nhà làm luật cần phải
được thể hiện rõ qua các mục tiêu cụ thể. Đối với trường hợp một văn bản
quy phạm pháp luật được ban hành nhằm thực hiện nhiều mục tiêu cùng một
lúc thì các mục tiêu này cần phải được thống nhất với nhau về nội dung.
Không thể đặt ra những mục tiêu mâu thuẫn nhau, gây ra tình trạng việc thực
hiện mục tiêu này gây khó khăn, cản trở cho việc thực hiện mục tiêu kia.
Chính vì vậy, khi soạn thảo luật, các nhà làm luật cần cân nhắc để thống
nhất các mục tiêu của luật. Ngoài ra, các mục tiêu có thể được xác định theo
thứ tự ưu tiên và tầm quan trọng gắn với từng mục tiêu cụ thể nhằm giảm
thiểu sự không rõ ràng, có thể dẫn đến xung đột giữa các mục tiêu trong quá
trình thực thi.
KẾT LUẬN
Để hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật được xem xét dưới một
góc độ rộng hơn, toàn diện hơn. Văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá
theo các mục tiêu xã hội được đặt ra. Việc phân tích các yếu tố có tác động
trực tiếp đến hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm cơ sở để
chúng ta đi vào phân tích thực trạng và các nguyên nhân tác động đến hiệu
quả của các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đi tìm các giải pháp tương
ứng nhằm nâng cao hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật của Việt
Nam hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1). Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội khóa XII kỳ
họp thứ III ban hành ngày 03/06/2008.
(2) Nguyễn Minh Đoan, “Vấn đề hiệu quả của pháp luật”, Nhà nước và
Pháp luật số 3/2001, tr. 3
(3) Nguyễn Đức Lam, “Tính cạnh tranh của nền pháp luật”, trích dẫn từ
/>
Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-
Phap/Tinh_canh_tranh_cua_nen_phap_luat/, 2005
(5) PGS. TS. Hoàng Thị Kim Quế, “Chế độ pháp chế thống nhất, hợp lý và
áp dụng chung”, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật, Số 9 (162) 2005, trang 11-12.
Xem thêm:
(6) Tham khảo một số tài liệu khác
Mục lục
Tên đề tài: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả văn bản quy
phạm pháp luật hành chính trong quản lý xã hội ở nước ta hiện nay
LỜI MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I. Tìm hiểu về văn bản quy phạm pháp luật
1. Văn bản quy phạm pháp luật là gì.
2. Quy phạm Pháp luật hành chính
2.1 Khái niệm
2.2 Đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính
II. Hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật hành chính
1. Tính thực tiễn
2. Tính khả thi
3. Các yếu tố tạo nên hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật hành
chính
3.1. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật
3.2. Mục tiêu của văn bản quy phạm pháp luật
III. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của văn bản quy
phạm pháp luật hành chính của Việt Nam hiện nay
KẾT LUẬN