Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

“TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN” – MỘT VĂN KIỆN MANG TÍNH CƯƠNG LĨNH, CÓ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ SỨC SỐNG THỰC TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.49 KB, 13 trang )

“TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN” – MỘT VĂN KIỆN MANG
TÍNH CƯƠNG LĨNH, CÓ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ SỨC SỐNG THỰC
TIỄN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC
ĐẶNG HỮU TOÀN (*)
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại 160 năm qua, kể từ lần xuất bản đầu
tiên đến nay, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã được thừa nhận không chỉ
là tác phẩm lý luận bất hủ, một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của C.Mác
và Ph.Ăngghen, nó còn là một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử
và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác. Phân tích và luận giải
những tư tưởng cơ bản, những nguyên lý nền tảng mà C.Mác và Ph.Ăngghen
đã đưa ra, trong bài viết này, một lần nữa, tác giả khẳng định ý nghĩa đó của
“Tuyên ngôn”. Và, bằng những thực tiễn sinh động trong phong trào cách
mạng thế giới 160 năm qua, nhất là trong những thập niên gần đây, tác giả đã
khẳng định, ánh sáng và tinh thần của những tư tưởng cơ bản, những nguyên
lý nền tảng trong “Tuyên ngôn” vẫn sống mãi với thời gian.
Đúng vào ngày này, cách đây 160 năm, ngày 24 tháng 2 năm 1848, Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản – một văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch
sử và tràn đầy sức sống thực tiễn của chủ nghĩa Mác, một tác phẩm lý luận bất
hủ do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo theo sự ủy nhiệm của Liên đoàn những
người cộng sản – một tổ chức công nhân quốc tế - đã, lần đầu tiên, được xuất
bản tại Luân Đôn (thủ đô nước Anh).
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ rưỡi, Tuyên ngôn vẫn luôn tồn tại
với tư cách một tác phẩm lý luận đỉnh cao, có vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí
mà không một tác phẩm nào, kể cả bộ Tư bản, có thể thay thế được, trong sự
nghiệp sáng tạo của C.Mác và Ph.Ăngghen, trong kho tàng lý luận của chủ
nghĩa Mác – Lênin. Không chỉ thế, trong suốt chiều dài lịch sử đó, Tuyên ngôn
vẫn luôn tồn tại không chỉ với tư cách “khúc ca tuyệt tác của chủ nghĩa Mác”,
mà còn với tư cách cương lĩnh “có đầy đủ chi tiết, vừa về mặt lý luận, vừa về
mặt thực tiễn”(1) của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân toàn thế giới và chính
đảng cách mạng của nó. Bởi lẽ, sự ra đời của Tuyên ngôn không chỉ “đánh dấu
một bước tiến trong khoa học lịch sử” và mở ra một giai đoạn mới về chất


trong lịch sử hình thành và phát triển tri thức của nhân loại, mà còn “giống như
học thuyết của Đácuyn trong sinh vật học, nó đã tạo ra một bước ngoặt trong


tiến trình phát triển tư tưởng của nhân loại về sự cải biến xã hội bằng cách
mạng. Hơn nữa, Tuyên ngôn không chỉ là “tác phẩm phổ biến hơn cả, có tính
chất quốc tế hơn cả trong tất cả các văn phẩm xã hội chủ nghĩa”, mà còn đã
thực sự trở thành “cương lĩnh được thừa nhận bởi hàng triệu công nhân từ
Xibia đến Caliphoócnia”(2), thành cơ sở lý luận khoa học, ngọn cờ tư tưởng,
ngôi sao dẫn đường và kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và
công nhân quốc tế. Trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ rưỡi vừa qua, lịch sử
nhân loại đã diễn ra với biết bao biến đổi thăng trầm, song Tuyên ngôn vẫn
luôn tồn tại với tư cách văn kiện mang tính cương lĩnh, có giá trị lịch sử và tràn
đầy sức sống thực tiễn đó. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng
chắc chắn rằng, Tuyên ngôn sẽ còn tồn tại mãi với thời gian trong lịch sử phát
triển tư tưởng nhân loại nói chung, trong lịch sử phát triển lý luận Mác – Lênin
nói riêng.
Cái làm nên ý nghĩa, giá trị và sức sống đó của Tuyên ngôn, trước hết là ở bản
chất cách mạng và nội dung khoa học sâu sắc của nó. Trong Tuyên ngôn,
những “luận điểm chủ yếu”, “tư tưởng cơ bản và chủ đạo”, nền tảng vững chắc
của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch
sử – quan niệm duy vật về lịch sử, lần đầu tiên đã được C.Mác và Ph.Ăngghen
trình bày dưới dạng hoàn chỉnh, cô đọng, súc tích và có hệ thống. Đúng như
Ph.Ăngghen đã chỉ rõ trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883
tác phẩm bất hủ này: “Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của “Tuyên ngôn” là: trong
mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải
do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị
và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất
nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu
tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những

giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển
xã hội của họ; nhưng cuộc đấu tranh ấy hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai
cấp bị bóc lột và bị áp bức (tức là giai cấp vô sản) không còn có thể tự giải
phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được
nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc
lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp”(3).
Với “tư tưởng cơ bản và chủ đạo” này – quan niệm duy vật về lịch sử, trong
Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận giải một cách khoa học về quy luật
phát triển khách quan của lịch sử nhân loại, lịch sử xã hội loài người; về vị trí
hàng đầu, ý nghĩa có tầm quan trọng bậc nhất và vai trò quyết định của sản


xuất vật chất đối với sự phát triển của xã hội nói chung, đối với sự thay đổi của
kiến trúc thượng tầng nói riêng; về quá trình phát sinh, phát triển và sự tất yếu
diệt vong của chủ nghĩa tư bản cũng như sự ra đời và phát triển như một tất yếu
khách quan của chủ nghĩa xã hội; về vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử và phương
pháp đấu tranh của giai cấp vô sản trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội
mới; v.v.. Nói cách khác, trong Tuyên ngôn, với phương pháp duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch ra và luận chứng một
cách có cơ sở lý luận, có luận cứ khoa học sâu sắc về những nguyên lý nền
tảng của chủ nghĩa cộng sản khoa học. Không chỉ thế, với phương pháp khoa
học này, trong Tuyên ngôn, các ông còn đề xuất hàng loạt luận điểm mang tính
chất xuất phát điểm cho học thuyết kinh tế của mình. Khi khẳng định toàn bộ
nội dung của Tuyên ngôn đã nói lên mối liên hệ khăng khít, sự thống nhất hữu
cơ giữa ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác - triết học, kinh tế chính trị
học và chủ nghĩa xã hội khoa học, V.I.Lênin đã đặc biệt nhấn mạnh rằng,
Tuyên ngôn là tác phẩm mà ở đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã “trình bày một
cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội, - phép biện chứng
với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận
đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng – trong lịch sử toàn thế giới – của giai

cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”(4).
Thật vậy, trong phần mở đầu, khi nói về bối cảnh ra đời của văn kiện lịch sử
này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ nỗi sợ hãi và sự căm thù của các thế lực
trong thế giới tư bản chủ nghĩa đối với phong trào cộng sản đang hình thành và
ngày một phát triển sâu rộng. Các ông đã khẳng định rằng, sự xuất hiện và
ngày càng phát triển của chủ nghĩa cộng sản mà khi đó, “tất cả các thế lực ở
châu Âu thừa nhận là một thế lực”, “một bóng ma đang ám ảnh châu Âu”, đã
khiến cho chúng phải “liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử”.
Chính vì vậy, “hiện nay, - các ông nhấn mạnh, - đã đến lúc những người cộng
sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý
đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu
chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”(5).
Trong bối cảnh đó, để giúp cho giai cấp vô sản toàn thế giới và các chính đảng
của nó nhận thức rõ vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử và mục đích cao cả của
mình trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản,
đồng thời thiết lập địa vị thống trị của mình và xây dựng thành công chủ nghĩa
xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phác họa nên một bức tranh sinh động về quá


trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, bóc trần những mâu thuẫn
nội tại, vốn có của nó, chỉ rõ mức độ đối kháng giai cấp ngày càng sâu sắc giữa
giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cho đến nay, dẫu lịch sử nhân loại đã trải
qua cả một quãng thời gian dài đến 160 năm với biết bao sự thay đổi thăng
trầm và dẫu hiện thời, “chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu thế về vốn,
khoa học và công nghệ, thị trường”, song những mâu thuẫn vốn có ấy của nó,
như C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch rõ trong Tuyên ngôn, không những không
mất đi mà thậm chí, “vẫn tồn tại và phát triển, có mặt sâu sắc hơn” đến mức độ
“không thể khắc phục nổi”, “đặc biệt là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa
ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa về tư liệu sản xuất”(6).

Không chỉ vạch rõ những mâu thuẫn nội tại, vốn có của chủ nghĩa tư bản, với
cái nhìn khách quan và tầm hiểu biết sâu sắc, trong Tuyên ngôn, C.Mác và
Ph.Ăngghen còn thẳng thắn thừa nhận rằng, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản và
việc giai cấp tư sản thiết lập được địa vị thống trị của mình đã dẫn đến một sự
phát triển chung chưa từng thấy của các lực lượng sản xuất, một sự tiến bộ về
kinh tế, phát triển về khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Các ông khẳng định: “Giai
cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử”; ở bất cứ nơi
nào mà giai cấp tư sản thiết lập được quyền thống trị chính trị của mình, thì nó
đều “đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên”, làm tiêu tan
“tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm
và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn xưa đi kèm những quan hệ ấy”. Nó
“làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới”,
những thành quả hoạt động tinh thần của một dân tộc thì “trở thành tài sản
chung của tất cả các dân tộc” và “lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất
vào trào lưu văn minh”. Rằng, giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp
chưa đầy một thế kỷ, “đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ
hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”(7).
Đánh giá cao những thành tựu và cống hiến ấy của chủ nghĩa tư bản và giai cấp
tư sản, song với cái nhìn biện chứng khách quan và tầm nhận thức sâu sắc về
tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, trong Tuyên ngôn, C.Mác và
Ph.Ăngghen cũng đã khẳng định rằng, giờ đây, giống như những gì đã xảy ra
với các phương thức sản xuất trước kia, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã
không còn phù hợp với lực lượng sản xuất hùng mạnh do nó tạo ra nữa, nó bắt
đầu kìm hãm sự phát triển hơn nữa của lực lượng sản xuất này. Rằng, “xã hội
tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với


những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết
sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thủy không còn đủ
sức trị những âm binh mà y đã triệu lên”(8). Và, giai cấp tư sản, từ một giai cấp

tiến bộ, cách mạng khi còn đang đấu tranh chống lại chế độ phong kiến, đã trở
thành một giai cấp phản động, một trở ngại trên con đường tiến bộ xã hội, trở
thành lực cản cản trở tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.
Với những khẳng định đó, trong một văn kiện mang tính cương lĩnh, C.Mác và
Ph.Ăngghen đã cho thấy, việc thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa
và cùng với nó là xóa bỏ toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa đã được chuẩn bị một
cách khách quan bởi sự tác động của chính ngay các quy luật của nền kinh tế tư
bản chủ nghĩa. Trong quan niệm của các ông, mặc dù giai cấp tư sản đã mang
lại tính chất xã hội cho sản xuất và tạo ra một loại hình phân công lao động xã
hội mới, một mối quan hệ chặt chẽ giữa các lĩnh vực sản xuất khác nhau, song
với việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và
sự chiếm hữu tư nhân đối với sản phẩm lao động được làm ra, giai cấp tư sản
đã tạo ra mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa chế độ sở hữu đó với tính
chất xã hội hóa của sản xuất. Do vậy, “những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn
có, không thúc dẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng đã trở
thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản
trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc
phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng
rối loạn và đe dọa sự sống còn của sở hữu tư sản. Những quan hệ tư sản đã trở
thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải đã được tạo ra trong lòng
nó nữa… Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong
kiến thì ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản”(9). Việc thủ tiêu
chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất đã trở thành một tất
yếu khách quan dưới sự tác dộng của các quy luật của nền kinh tế tư bản chủ
nghĩa, nên theo các ông, “đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa
bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản” – “biểu hiện
cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm
dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những
người kia”, và theo nghĩa đó, “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của
mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(10).

Trong Tuyên ngôn, khi chứng minh sự tất yếu phải diệt vong của chủ nghĩa tư
bản và khẳng định “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô
sản đều là tất yếu như nhau”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh rằng, điều


đó sẽ không tự động diễn ra. Vai trò kẻ đào huyệt chôn chế độ tư bản đã trở
nên lỗi thời đó sẽ phải do một giai cấp nhất định thực hiện - giai cấp vô sản,
giai cấp do chính xã hội tư bản sản sinh ra: “Giai cấp tư sản không những đã
rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy
chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”(11). Theo
các ông, không một giai cấp thống trị đã lỗi thời nào lại tự nguyện rút lui khỏi
vũ đài lịch sử và do vậy, việc lật đổ giai cấp tư sản với tư cách một giai cấp
thống trị đã hết vai trò lịch sử chỉ có thể thành công bởi một cuộc đấu tranh
giai cấp quyết liệt – cuộc cách mạng vô sản do chính giai cấp vô sản cách
mạng và chính đảng của nó thực hiện.
Nhấn mạnh vấn đề đấu tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp là “động lực trực
tiếp của lịch sử” trong xã hội có giai cấp đối kháng và khẳng định cuộc đấu
tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản là “đòn bẩy vĩ đại của
cuộc cách mạng xã hội hiện đại”, trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã
tiến hành luận chứng cho sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản.
Theo các ông, trong thời đại ngày nay, với tư cách “sản phẩm của bản thân nền
đại công nghiệp”, giai cấp vô sản không chỉ trở thành “giai cấp đang nắm
tương lai trong tay”, mà còn là “giai cấp thực sự cách mạng” nhất và chính nền
sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đưa họ lên địa vị đó, lên vũ đài lịch sử với tư cách
lực lượng cách mạng hùng hậu và không điều hòa với toàn bộ chế độ lao động
làm thuê. Rằng, chính địa vị của người lao động làm thuê, của giai cấp bị áp
bức, bóc lột nặng nề nhất trong xã hội tư bản khi đó đã biến giai cấp vô sản
thành nhân tố cách mạng, thành lực lượng triệt để chống lại chủ nghĩa tư bản.
Sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản phải do chính giai cấp vô sản thực hiện.
Song, giai cấp vô sản tiến hành cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ

nghĩa tư bản không chỉ vì sự nghiệp giải phóng mình, mà còn thực hiện một sứ
mệnh cao cả nữa, mang đậm tính nhân văn cộng sản chủ nghĩa là giải phóng
toàn thể nhân loại cần lao vĩnh viễn thoát khỏi mọi ách áp bức, bóc lột. Với tư
tưởng này, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định: “Phong trào vô sản là phong
trào độc lập của khối đại đa số. Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của
xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung
toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội
quan phương”(12).
Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh cách mạng nhằm lật đổ giai cấp tư sản
và chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản cần phải có phương pháp cách mạng đúng
đắn và thực thi những giải pháp tình thế một cách hợp lý, đúng đắn. Nhận thức


rõ vấn đề này, trong Tuyên ngôn, khi phân tích tiến trình phát triển hiện thực
của cuộc đấu trang giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản khi đó và chỉ
ra những quy luật chủ yếu của cách mạng vô sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã
khẳng định rằng, “bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp
vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”(13). Với quyền
thống trị chính trị của mình, giai cấp vô sản, theo các ông, cần phải từng bước
giành lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, tập trung tất cả các công cụ
sản xuất chủ yếu vào tay nhà nước vô sản để nhanh chóng phát triển lực lượng
sản xuất và xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Không chỉ thế, các ông
còn cho rằng, thông qua con đường đấu tranh cách mạng, việc giai cấp vô sản
“tự tổ chức thành giai cấp”, “trở thành giai cấp thống trị” và thiết lập chính
quyền vô sản – một chính quyền dân chủ do chính ngay bản chất của nó, thể
hiện lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân và dựa vào sự ủng hộ của nhân dân –
phải được coi là vấn đề đầu tiên, then chốt và mang ý nghĩa quyết định trong
cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành
công chế độ xã hội mới.
Để giúp cho giai cấp vô sản toàn thế giới có được sự định hướng đúng đắn

trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, với tầm nhận thức lý luận và sự
am hiểu thực tiễn của mình khi đó, trong văn kiện mang tính cương lĩnh này Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra một phác thảo về xã hội mới đó
trên những nét chủ yếu và đồng thời chỉ rõ, xã hội mới này không phải đã được
xác lập ngay lập tức, mà sẽ chỉ được xác lập trong tiến trình cải tạo dần dần xã
hội cũ. Không chỉ thế, khi vạch ra những biện pháp mà nhà nước vô sản cần
phải thực hiện để chuẩn bị cơ sở cho công cuộc cải tạo cách mạng đó, các ông
đã không coi những biện pháp ấy là tuyệt đối, đầy đủ, không thể thay thế, mà
cho rằng, bản thân thực tiễn xây dựng xã hội mới và những điều kiện lịch sử –
cụ thể của thực tiễn ấy sẽ mang lại những sửa đổi tương ứng, thích hợp cho
những biện pháp ấy và “trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ
nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”(14). Với quan điểm lịch sử – cụ thể này, với thái
độ khoa học nghiêm túc, sau 25 năm xuất bản văn kiện lịch sử này, trong Lời
tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1872, chính Ph.Ăngghen đã khẳng
định: “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua,
nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong
“Tuyên ngôn” này vẫn còn hoàn toàn đúng. Ở đôi chỗ, có một vài chi tiết cần
phải xem lại. Chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu
và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn


cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp
cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về
nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những bước tiến
hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được
những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những
kinh nghiệm thực tiễn… Tuy nhiên, “Tuyên ngôn” là một tài liệu lịch sử mà
chúng tôi không có quyền sửa lại. Có lẽ là trong một lần xuất bản, sẽ có một lời
tựa để bổ sung vào khoảng trống từ năm 1847 đến nay”(15). Không chỉ một lần
đòi hỏi những người cộng sản khi vận dụng những nguyên lý, những biện pháp
cách mạng mà Tuyên ngôn đã đưa ra, cần phải tính đến những điều kiện lịch sử

– cụ thể, phải bổ sung và phát triển sáng tạo, trong Sự phát triển của chủ nghĩa
xã hội từ không tưởng đến khoa học (1880), cũng chính Ph.Ăngghen đã một
lần nữa khẳng định: “Muốn làm cho chủ nghĩa xã hội thành một khoa học thì
trước hết phải đặt chủ nghĩa xã hội trên một cơ sở hiện thực” và “ngày nay, vấn
đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của
nó”(16).
Trong Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định, cuộc cách mạng xã
hội do giai cấp vô sản và chính đảng cách mạng của nó thực hiện, khi đã giành
được thắng lợi hoàn toàn, sẽ vĩnh viễn chấm dứt tình trạng người bóc lột
người, chấm dứt mọi hình thức nô dịch xã hội và tình trạng “những người lao
động thì không được hưởng, mà những kẻ được hưởng lại không lao động”. Nó
cũng sẽ thủ tiêu hoàn toàn ách áp bức dân tộc, nô dịch thuộc địa và những cuộc
chiến tranh đẫm máu. Do vậy, xã hội mới do giai cấp vô sản xây dựng sẽ tạo ra
sự phồn vinh thực sự của nền sản xuất vật chất, sự phát triển không ngừng của
lực lượng sản xuất, có khả năng đáp ứng đầy đủ và toàn diện những nhu cầu
vật chất và tinh thần cho mọi thành viên trong xã hội. Xã hội mới đó làm cho
lao động tích lũy chỉ còn là “một phương tiện để mở rộng, làm phong phú và
làm giảm nhẹ cho quá trình sống của những người lao động”, thủ tiêu sự đối
lập giữa lao động trí óc và lao động chân tay bằng cách “kết hợp giáo dục với
sản xuất vật chất”; làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn. Xã
hội mới đó còn thiết lập quyền bình đẳng và sự tự do thực sự của cá nhân, sự
hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, v.v.. Chính vì vậy mà, xã hội mới
đó sẽ trở thành một hiệp hội anh em của những người lao động bình đẳng,
trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do
của tất cả mọi người”(17) và tạo ra “bước nhảy” cho con người “từ vương quốc
của tất yếu sang vương quốc của tự do”(18), như sau này, Ph.Ăngghen bổ sung


thêm.
Trong văn kiện mang tính cương lĩnh cho giai cấp vô sản toàn thế giới không

chỉ về phương diện lý luận, mà còn về cả phương diện thực tiễn này, C.Mác và
Ph.Ăngghen còn xác định rõ cơ sở khoa học cho học thuyết về chính đảng vô
sản – đội tiền phong của giai cấp vô sản, người tổ chức và lãnh đạo giai cấp vô
sản. Các ông cho rằng, việc thành lập một chính đảng cách mạng với tư cách
này là điều kiện tiên quyết để giai cấp vô sản giành lấy chính quyền và xây
dựng chế độ xã hội mới. Chính đảng của giai cấp vô sản này “tuyệt nhiên
không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản”, nó
“đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và
chung cho toàn thể giai cấp vô sản” và trong các giai đoạn khác nhau của cuộc
đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, nó “luôn luôn đại biểu cho lợi
ích của toàn bộ phong trào”. Nó cũng “không đặt ra những nguyên tắc riêng
biệt nhằm khuôn phong trào vô sản theo những nguyên tắc ấy”. Nó “không
phải là một đảng riêng biệt, đối lập với các đảng công nhân khác”, mà là “bộ
phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước”, “luôn luôn
thúc đẩy phong trào tiến lên” và về mặt lý luận, luôn “hiểu rõ những điều kiện,
tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản”(19).
Trong Tuyên ngôn, khi khẳng định vai trò tiên phong của chính đảng vô sản,
C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đồng thời chỉ rõ đường lối chiến lược, sách lược
của nó và nhấn mạnh rằng, chính đảng vô sản này cần phải và luôn luôn phải
hành động tùy theo những điều kiện lịch sử – cụ thể, chứ không phải theo một
khuôn mẫu cứng nhắc nào đó. Còn khi đề xuất một đường lối cụ thể nào đó thì
bất cứ chính đảng vô sản nước nào cũng đều cũng phải tính đến cả những
nguyên lý, nguyên tắc chiến lược, sách lược chung, nhất loạt có tính chất phổ
biến, bất kể những đặc điểm nước mình là như thế nào, nghĩa là phải biết làm
cho những mục tiêu trước mắt của giai cấp vô sản nước mình phục tùng những
mục đích cuối cùng của giai cấp vô sản toàn thế giới, tuân thủ sự nhất trí giữa
những nhiệm vụ quốc tế và nhiệm vụ dân tộc, ủng hộ mọi phong trào cách
mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị đã trở nên lỗi thời và phải tỏ rõ thái
độ phê phán đối với những ảo tưởng, sai lầm trong đường lối cách mạng của
những đồng minh của mình. Khẳng định tính chất toàn thế giới của cuộc cách

mạng vô sản do giai cấp vô sản thực hiện và những nguyên tắc của chủ nghĩa
quốc tế vô sản mà mọi chính đảng vô sản đều phải tuân thủ. C.Mác và
Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của việc xác lập
sự nhất trí, sự thống nhất trong quan điểm và hành động của giai cấp vô sản các


nước, của tình hữu nghị và đoàn kết quốc tế: “Hành động chung của giai cấp
vô sản, ít ra là ở những nước văn minh, là một trong những điều kiện đầu tiên
cho sự giải phóng họ”(20). Và, với lời kêu gọi vẫn còn sống mãi với thời gian
– “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”, - các ông đã khẳng định tính chất
cộng đồng của những lợi ích giai cấp và mục đích cao cả của giai cấp vô sản
toàn thế giới.
Giờ đây, trong bối cảnh thế giới đương đại, khi toàn cầu hóa đã trở thành một
xu thế khách quan, khi cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ,
dân sinh, vì tiến bộ và công bằng xã hội đang có những bước tiến mạnh mẽ, trở
thành một phong trào rộng khắp trên quy mô toàn cầu, khẳng định đó, lời kêu
gọi đó mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra Tuyên ngôn càng mang ý nghĩa
thời đại và có giá trị định hướng cho hoạt động của các Đảng Cộng sản và
Công nhân trên phạm vi toàn thế giới, cho những hoạt động quốc tế của các lực
lượng yêu chuộng hòa bình trên hành tinh này. Dưới ánh sáng và tinh thần của
những nguyên lý nền tảng trong Tuyên ngôn, trong những năm gần đây, dẫu
chế độ xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại với tư cách một hệ thống thế giới
sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, song không
phải vì thế mà phong trào đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản
đã bị chặn lại. Trên phạm vi toàn thế giới vẫn có nhiều quốc gia, dân tộc phát
triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo tinh thần của những nguyên lý
nền tảng trong Tuyên ngôn. Bằng chứng chứng minh cho điều này là sự kiện
ngày càng có nhiều quốc gia độc lập tăng cường đấu tranh để tự lựa chọn và
quyết định con đường phát triển của mình, là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ
của trào lưu cánh tả quốc tế, đặc biệt là ở khu vực Mỹ Latinh. Nhiều nước ở

khu vực này, chủ nghĩa xã hội, lý tưởng cộng sản đã trở thành niềm tin công
khai của đông đảo quần chúng nhân dân lao động đang cống hiến sức lực và trí
tuệ cho công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới dưới sự lãnh đạo của các đảng
công nhân, cánh tả, cách mạng. Lý tưởng cộng sản và tinh thần xã hội chủ
nghĩa vẫn không ngừng bừng sáng trong không khí cách mạng ở nhiều nước
thuộc khu vực Tây bán cầu này. Một bằng chứng nữa là, từ năm 1998 đến nay,
tại Aten (thủ đo Hy Lạp), “Cuộc gặp các Đảng Cộng sản, Công nhân quốc tế”
do Đảng Cộng sản Hy Lạp đứng ra đăng cai tổ chức vẫn diễn ra thường niên và
thu hút ngày càng đông các Đảng Cộng sản và Công nhân ở nhiều nước tham
gia, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam chúng ta. Diễn đàn này, trên thực tế,
không chỉ đã trở thành một hình thức phối hợp hoạt động, tập hợp lực lượng
của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới sau chiến tranh lạnh, mà còn là nơi


diễn ra những hội thảo quốc tế về lý tưởng cộng sản, về chủ nghĩa xã hội. Ngay
lần đầu tiên (1998), tại Diễn đàn này, một Hội thảo khoa học quốc tế về Tuyên
ngôn và Lễ kỷ niệm 150 năm Ngày Tuyên ngôn ra đời đã được tổ chức long
trọng. Thêm một bằng chứng nữa, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ
XX đến nay, 140 Đảng Cộng sản, Công nhân và cánh tả từ 46 nước thuộc Mỹ
Latinh, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, Trung Đông đã
tổ chức Diễn đàn Sao Paolô (Braxin) với mục đích đánh giá sự vận động và
phát triển của phong trào cánh tả quốc tế nói chung, ở các nước khu vực nói
riêng và qua đó, tìm biện pháp phối hợp hoạt động giữa các lực lượng cộng sản
và cánh tả mà nòng cốt là giai cấp công nhân cách mạng với các lực lượng
thuộc các tầng lớp, giai cấp theo đường lối cách tả.
Kỷ niệm 160 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – một tác phẩm bất hủ, một
văn kiện có giá trị lịch sử, mang ý nghĩa thời đại và được thừa nhận là cương
lĩnh lý luận và thực tiễn, cương lĩnh hành động của giai cấp vô sản, giai cấp
công nhân toàn thế giới, chúng tôi xin được nhắc lại lời kết thúc tác phẩm đã
được C.Mác và Ph.Ăngghen viết với một khí thế cách mạng sục sôi, một niềm

tin vững chắc và hàm chứa sự thúc giục những người cộng sản toàn thế giới
hành động: “Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng
cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất
gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.
VÔ SẢN TẤT CẢ CÁC NƯỚC, ĐOÀN KẾT LẠI!”(21).
Kỷ niệm 160 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, đó cũng là 160 năm những
nguyên lý nền tảng của tác phẩm bất hủ này được thực tiễn phong trào cách
mạng thế giới kiểm nghiệm, chúng ta hoàn toàn có luận cứ khoa học và thực
tiễn để khẳng định rằng, với tác phẩm này, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đem đến
cho cả nhân loại một cống hiến vĩ đại là biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng
trở thành khoa học và biến học thuyết khoa học đó thành thực tiễn đấu tranh
cách mạng của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân toàn thế giới.
160 năm qua, thế giới đã diễn ra biết bao biến cố lịch sử và lịch sử nhân loại
cũng đã chứng kiến nhiều biến đổi thăng trầm, có cả những sự đổi thay đến
không ngờ, không thể tưởng tượng nổi. Song, cho đến nay, về đại thể, những
nguyên lý nền tảng, những tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn “vẫn
còn hoàn toàn đúng” và tinh thần của nó “vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai
cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. Tuyên ngôn
vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vốn có của nó, vẫn xứng đáng
được thừa nhận là cương lĩnh lý luận giàu sức sống thực tiễn, cương lĩnh thúc


đẩy hành động của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân toàn thế giới, và như
V.I.Lênin khẳng định, vẫn là tuyên ngôn của “chủ nghĩa xã hội thế giới”. 160
năm qua, Tuyên ngôn vẫn thực sự là “cuốn sách gối đầu giường cho tất cả
những người công nhân giác ngộ” và những người mácxít chân chính vẫn đi
theo ánh sáng và tinh thần của nó, vẫn lấy những tư tưởng cơ bản, chủ đạo,
những nguyên lý nền tảng của nó làm cơ sở lý luận, khoa học cho việc xây
dựng đường lối chiến lược và sách lược cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng
chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có thể coi là một minh

chứng hùng hồn cho nhận định này - đó là sự kiện giành thắng lợi của công
cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Trung Quốc và
một số nước khác từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, mà một
trong những cái làm nên thắng lợi ấy là ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn.
Dưới ánh sáng và tinh thần của Tuyên ngôn 160 năm qua, giờ đây, chúng ta đã
có được cả cơ sở lý luận lẫn thực tiễn để khẳng định rằng, lịch sử nhân loại,
phong trào cách mạng thế giới đang phải trải qua những bước quanh co, song
cuối cùng, nhân loại nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật
tiến hóa của lịch sử. Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, từ những bài
học thành công và thất bại trong các chặng đường lịch sử tồn tại và phát triển
của nó, cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của nhân dân các dân tộc yêu
chuộng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, tất có điều kiện và
khả năng tạo ra bước phát triển mới.
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT – TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam, Kỷ niệm 160 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, việc chúng ta
cùng nhau nhắc lại giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và tính cương lĩnh của tác
phẩm lý luận giàu sức sống thực tiễn này, thiết nghĩ, là việc làm thiết thực và
bổ ích.r
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó tổng biên tập Tạp chí Triết học, Viện Triết học,
Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.18. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1995, tr.127.
(2) C.Mác và PhĂngghen. Sđd., t.21, tr.522.
(3) C.Mác và PhĂngghen. Sđd., t.21, tr.11-12.
(4) V.I.Lênin. Toàn tập, t.26. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.57.
(5) C.Mác và PhĂngghen. Toàn tập, t.4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,


1995, tr.595.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX.

Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.65.
(7) C.Mác và PhĂngghen. Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
1995, tr.599, 601, 603.
(8) C.Mác và PhĂngghen. Sđd., t.4, tr.604.
(9) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.604-605.
(10) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.615, 616.
(11) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.605.
(12) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.611.
(13) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.626.
(14) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.627.
(15) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.18, tr.128.
(16) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.19, tr.293, 305.
(17) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.628.
(18) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.19, tr.331.
(19) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.614, 615.
(20) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.624.
(21) C.Mác và PhĂngghen, Sđd., t.4, tr.646.



×