ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA NGỮ VĂN
---------CHÂU HỒNG THẢO
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP
MÔN: VĂN HỌC NHẬT BẢN
KHUYNH HƯỚNG HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA HARUKI MURAKAMI
Thành phố Hồ Chí Minh – 5/2016
ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA NGỮ VĂN
---------CHÂU HỒNG THẢO
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP
MÔN: VĂN HỌC NHẬT BẢN
KHUYNH HƯỚNG HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA HARUKI MURAKAMI
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
THS. NGUYỄN BÍCH NHÃ TRÚC
Thành phố Hồ Chí Minh – 5/2016
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin chân thành cảm ơn:
Giảng viên hướng dẫn, Thạc sĩ Nguyễn Bích Nhã Trúc
Quý thầy cô công tác tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
Gia đình và bạn bè
đã ủng hộ và tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và
hoàn thành luận văn tốt nghiệp này.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 5 năm 2016
Người viết luận văn
Châu Hồng Thảo
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................... 1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................. 2
a. Về ấn phẩm............................................................................................... 2
b. Về phương diện nghiên cứu .................................................................... 3
3. Lịch sử vấn đề ............................................................................................. 4
a. Ở Việt Nam ............................................................................................... 4
b. Ở trên thế giới ........................................................................................ 10
4. Phương pháp nghiên cứu ......................................................................... 14
5. Mục đích nghiên cứu và đóng góp của luận văn.................................... 16
6. Cấu trúc luận văn ..................................................................................... 16
CHƯƠNG 1: HARUKI MURAKAMI VÀ KHUYNH HƯỚNG HIỆN
THỰC HUYỀN ẢO TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN .................................. 18
1.1. Haruki Murakami và hành trình sáng tạo.......................................... 18
1.2. Khái lược về cái huyền ảo và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ............ 24
1.2.1. Cái huyền ảo .................................................................................... 24
1.2.2. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ....................................................... 30
1.3. Khuynh hướng hiện thực huyền ảo Nhật Bản .................................... 36
1.3.1. Tiền đề hình thành và phát triển văn học huyền ảo Nhật Bản ... 36
1.3.1.1. Yếu tố truyền thống Nhật Bản ................................................. 36
1.3.1.2. Sự tiếp biến văn học, khoa học thế giới .................................. 42
1.3.2. Khái lược văn học hiện thực huyền ảo Nhật Bản hiện đại .......... 46
CHƯƠNG 2: HỆ THỐNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU
THUYẾT HIỆN THỰC HUYỀN ẢO CỦA HARUKI MURAKAMI .......... 54
2.1. Khái quát về hình tượng nghệ thuật .................................................... 54
2.2. Hình tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Haruki Murakami ........... 56
2.2.1. Hình tượng nhân vật ....................................................................... 56
2.2.1.1. Người dị biệt .............................................................................. 57
2.2.1.2. Người thú ................................................................................... 61
2.2.1.3. Thần ma, linh hồn ..................................................................... 65
2.2.2. Không gian nghệ thuật.................................................................... 71
2.2.2.1. Không gian thực ........................................................................ 72
2.2.2.2. Không gian ảo ............................................................................ 75
2.2.3. Thời gian nghệ thuật ....................................................................... 88
2.2.3.1. Thời gian thực ........................................................................... 89
2.2.3.2. Thời gian ảo ............................................................................... 94
CHƯƠNG 3: BIỂU TƯỢNG NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
HIỆN THỰC HUYỀN ẢO CỦA HARUKI MURAKAMI ............................ 99
3.1. Khái quát về biểu tượng nghệ thuật .................................................... 99
3.2. Biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Haruki Murakami .......... 104
3.2.1. Biểu tượng giếng ............................................................................ 104
3.2.2. Biểu tượng bóng ............................................................................ 109
3.2.3. Biểu tượng giấc mơ ....................................................................... 115
KẾT LUẬN ....................................................................................................... 122
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 126
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1 Những năm gần đây, Nhật Bản đã quan tâm, xúc tiến nhiều hoạt động
giao lưu quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người
Nhật Bản. Điều này thúc đẩy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Nhật trên thế
giới, đặc biệt là đối với các nước nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, trong đó có
Việt Nam. Trong bối cảnh trên, việc tìm hiểu văn học Nhật Bản đương đại cũng
là điều cần thiết cho sự hội nhập văn hóa khu vực Đông Á nói riêng và thế giới
nói chung.
1.2 Murakami nổi lên như một hiện tượng văn học toàn cầu mặc dù văn
chương của ông không dễ để lĩnh hội. Có thể khẳng định rằng, Murakami là một
trong những tác giả nổi tiếng và có ảnh hưởng đến văn học Nhật Bản và thế giới.
Tiểu thuyết gia người Mỹ, Richard Powers, cho biết rằng Murakami được xem là
một trong số hiếm hoi những nhà văn quốc tế có tầm ảnh hưởng quan trọng ở
Mỹ và nhiều nước khác: "Làm thế nào cùng một tác gia ấy mà lại vừa là tác gia
ăn khách vượt bực ở Ý và Hàn Quốc, vừa là hiện tượng văn hoá ở Thổ Nhĩ Kỳ,
vừa là tác giả văn học được kính nể nhất ở những nơi khác biệt hẳn nhau như
Nga và Trung Quốc!" [72] Ở Việt Nam, Murakami là một trong số ít nhà văn
Nhật Bản có tác phẩm được dịch gần như là đầy đủ và được giới nghiên cứu, phê
bình quan tâm, đánh giá cao. Vì vậy, việc tìm hiểu về Murakami và tác phẩm của
ông là điều cần thiết cho việc tiếp cận với thành tựu văn học Nhật Bản đương
đại. Từ đó có được cái nhìn chung về xã hội, văn hóa và con người Nhật Bản từ
hậu chiến đến thời điểm hiện tại.
1
1.3 Bút pháp hiện thực huyền ảo cùng những trò chơi giải mã biểu tượng
chính là yếu tố quan trọng thu hút độc giả. Tuy nhiên, việc vận dụng bút pháp
hiện thực huyền ảo hay yếu tố huyền ảo trong tiểu thuyết Murakami không chỉ
thu hút độc giả bởi tính giải trí đơn thuần mà còn bởi những ý nghĩa khác nhau
về cuộc sống và con người Nhật Bản đương đại được chuyển tải trong mỗi tác
phẩm. Vì vậy, việc tìm hiểu về đề tài này góp phần lý giải sức hút của tiểu thuyết
Murakami cũng như làm rõ quan điểm nghệ thuật của tác giả.
1.4 Chúng tôi nhận thấy rằng, tuy có nhiều ý kiến đề cập đến khuynh
hướng hiện thực huyền ảo trong sáng tác của Murakami nhưng hầu như chưa có
một công trình nghiên cứu nào chuyên biệt (trong nước) viết về đề tài này. Trong
khi đây được coi là khuynh hướng chủ đạo trong sáng tác tiểu thuyết và cả
truyện ngắn của Murakami. Vì vậy, thông qua bài viết này, chúng tôi muốn làm
rõ một số nét đặc trưng trong phong cách viết tiểu thuyết của nhà văn.
Từ những lý do trên, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài luận văn là
Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Haruki Murakami.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
a. Về ấn phẩm
Haruki Murakami thành công ở cả thể loại truyện ngắn lẫn tiểu thuyết.
Song, nhiều độc giả trên thế giới cũng như Việt Nam lại biết đến ông chủ yếu
qua tiểu thuyết. Đó là những tác phẩm ẩn chứa nhiều tầng giá trị phía sau bức
màn bí ẩn và huyền ảo. Và với dung lượng của một tiểu thuyết, chúng tôi khả dĩ
có cái nhìn toàn diện hơn về khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong sáng tác
của Murakami. Vì vậy, đối tượng được khảo sát trong luận văn sẽ là tiểu thuyết
2
của Murakami và trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ kết hợp tham
khảo thêm một số truyện ngắn mang khuynh hướng hiện thực huyền ảo của ông.
Tính đến thời điểm hiện tại, Murakami có 14 tiểu thuyết. Với tiêu chí
khuynh hướng hiện thực huyền ảo, chúng tôi lọc ra được 8 tiểu thuyết phù hợp
và những tiểu thuyết này đều đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Một số tiểu
thuyết khác của Murakami có sử dụng yếu tố huyền ảo nhưng chưa rõ nét nên
chúng tôi chỉ sử dụng để so sánh, đối chiếu như Tsukuru không màu và những
năm tháng hành hương; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời. 8 tiểu thuyết
chúng tôi tập trung để khảo sát trong luận văn bao gồm:
Kafka bên bờ biển: Dương Tường dịch, Nxb Văn học, năm 2013.
Biên niên ký chim vặn dây cót: Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nxb Hội Nhà
văn, năm 2008.
Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới: Lê Quang dịch, Nxb Hội
Nhà văn, năm 2014.
1Q84 (tập 1, 2, 3): Lục Hương dịch, Nxb Hội Nhà văn, năm 2014.
Người tình Sputnik: Ngân Xuyên dịch, Nxb Hội Nhà văn, năm 2008.
Cuộc săn cừu hoang: Minh Hạnh dịch, Nxb Văn học, năm 2015.
Nhảy nhảy nhảy: Trần Vân Anh dịch, Nxb Hội Nhà văn, năm 2014.
Sau nửa đêm: Huỳnh Thanh Xuân dịch, Nxb Công an nhân dân, năm
2008.
b. Về phương diện nghiên cứu
Chúng tôi tập trung vào bút pháp hiện thực huyền ảo thông qua việc xây
dựng hệ thống hình tượng, biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết của
Murakami, đặt trong mối liên hệ với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và bối cảnh
3
sáng tác, cũng như quan niệm sáng tác của Murakami. Vì vậy, chúng tôi thống
nhất tên đề tài là Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Haruki
Murakami.
3. Lịch sử vấn đề
Vài thập niên gần đây, Haruki Murakami và tác phẩm của ông nổi lên như
một hiện tượng văn học, thu hút sự quan tâm, đánh giá từ đông đảo độc giả và
giới nghiên cứu, phê bình văn học với nhiều bài viết, công trình nghiên cứu khoa
học cũng như nhiều hội thảo lớn nhỏ diễn ra không chỉ trong phạm vi Nhật Bản
mà còn mở rộng trên toàn thế giới. Các tờ báo trong nước và quốc tế đã dành
không ít lời ca ngợi cho các sáng tác của Murakami. Tuy nhiên, với đề tài
Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết của Haruki Murakami,
chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số công trình khoa học thật sự nổi bật và có liên
quan đến đề tài của luận văn.
a. Ở Việt Nam
Murakami là cái tên quen thuộc đối với độc giả, học giả có quan tâm đến
văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong khoảng mười năm trở lại đây. Có thể nói,
với sự hỗ trợ, xúc tiến từ Quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation)
trong việc dịch, xuất bản, nghiên cứu về văn học Nhật Bản nói chung và tác
phẩm của Haruki Murakami nói riêng ở Việt Nam, nhiều tác phẩm đã được dịch
sang tiếng Việt, nhiều cuộc thi nghiên cứu cũng như nhiều hội thảo văn học Nhật
được tổ chức, đưa tác phẩm văn học Nhật đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là hội thảo về tác phẩm của Haruki Murakami và Banana
Yoshimoto được tổ chức ở Hà Nội vào ngày 17/3/2007, với đề tài Thế giới của
Haruki Murakami và Yoshimoto Banana. Hội thảo này đã quy tụ nhiều dịch giả,
4
nhà nghiên cứu và chuyên gia văn học Nhật Bản có uy tín trong và ngoài nước.
Trong phạm vi đề tài luận văn, chúng tôi quan tâm đến một số bài viết như sau:
bài viết Thực tại trong ma ảo của Nhật Chiêu, bài viết Cuộc tìm kiếm bản thể
của con người hiện đại của Nguyễn Hoài Nam và bài cảm nhận của Dương
Tường sau khi dịch tác phẩm Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami.
Trong bài cảm nhận Thực tại trong ma ảo sau khi đọc Kafka bên bờ biển
của Haruki Murakami, Nhật Chiêu đánh giá cao sáng tác của Murakami bởi
những yếu tố ma ảo (magic), giấc mơ và tưởng tượng, bởi nghệ thuật là “thế giới
của Nghìn lẻ một đêm”, là “thế giới của chơi đùa và tự do, không thể nhốt vào
một cái chai nào” [5, 5]. Nhật Chiêu đã khẳng định rằng, yếu tố ma ảo (magic)
của Murakami có nguồn gốc từ phương Đông, từ chính trong văn hóa, văn học
cổ điển Nhật Bản, cụ thể là “linh hồn sống” đã sớm xuất hiện trong Truyện Genji
(Genji monogatari). Nhờ những giấc mơ và tưởng tượng đầy ma ảo ấy mà thế
giới trong tiểu thuyết Murakami lại rất chân thực. “Giấc mơ là cái gì đó rất chân
thực. Trái lại, có bao nhiêu thứ giả tưởng và ngụy tạo trong xã hội” [5, 6].
Nguyễn Hoài Nam trong bài viết Cuộc tìm kiếm bản thể của con người
hiện đại đã đi vào tìm hiểu tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót, từ đó
chứng minh nỗ lực của Murakami trong việc truy tầm “bản lai diện mục của con
người” [48, 30]. Ở bài viết trên, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phần phân tích
không gian, thời gian trong tác phẩm của Nguyễn Hoài Nam. Ông cho rằng, thời
gian trong tác phẩm có sự xáo trộn, chồng chéo lên nhau. Đó là sự liên thông
giữa thời gian biên niên của Okada với thời gian dòng tự sự của trung úy
Mamiya và Nhục Đậu Khấu. Qua đó cho thấy được sự dấn thân theo thuyết hiện
sinh của con người hiện đại, những việc xảy ra trong quá khứ đã gợi ý cho những
sự việc xảy ra ở hiện tại. Nhận xét về yếu tố hiện thực và huyền ảo trong sáng tác
5
của Murakami, Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Murakami đã đan cài trong Biên
niên ký chim vặn dây cót những yếu tố thực tại và yếu tố phi thực tại, nhưng với
tôi, phi thực tại chính là một hiện thực khác, khác với cách chúng ta thường
quan niệm về thực tại mà thôi” [48, 34]. Vì vậy, khi xuyên tường, Okada không
đứng bên kia thực tại mà anh đang ở một thực tại khác, thực tại bên kia. Tức là
cả hai bên đều có giá trị xác thực ngang nhau. Có thể nói, bài viết đã bao quát
được hầu hết các vấn đề cơ bản của tác phẩm Biên niên ký chim vặn dây cót của
Murakami, từ xây dựng kết cấu thời gian, thế giới nhân vật, đến yếu tố hiện thực
và huyễn tưởng trong tác phẩm. Qua đó, người viết đã làm nổi bật thông điệp
của Murakami về vấn đề của con người thời hậu hiện đại. Đó là ý nghĩa đích
thực của sự tồn tại.
Dương Tường trong khi dịch Kafka bên bờ biển đã “ghi vụn” lại cảm
tưởng của mình về những cái tên, các tuyến truyện kể, việc đối chiếu các bản
dịch và đặc biệt là phần “lẩu thập cẩm và Schegerazade” [57, 50]. Dương Tường
cho rằng, Murakami đã sử dụng ca từ “đầy chất trừu tượng – siêu thực”, “hàm
chứa những đầu mối quy chiếu nhiều bí ấn... và thiết lập tương quan bề sâu giữa
hai tuyến truyện kể” [57, 50]. Với việc sử dụng nhiều yếu tố từ siêu thực, bi kịch
Hy Lạp, chất hài hước đen, ảo giác, chiêm bao, hiện thực của Nhật Bản trong thế
chiến II,... đến những triết luận về âm nhạc, phân tâm học, Kafka bên bờ biển
được Dương Tường ví như món “Lẩu thập cẩm để lại nhiều dư vị hỗn hợp khó
phân tích cho thực khách” [57, 51] và với tài kể chuyện của Scheherazade,
Murakami đã tạo nên một tác phẩm hấp dẫn đến trang cuối cùng.
Trong công trình nghiên cứu Những cây bút kiệt xuất trong văn học Nhật
Bản, Nguyễn Tuấn Khanh giới thiệu Murakami dưới góc độ nhà văn và nhà dịch
thuật. Đặc biệt trên lĩnh vực sáng tác, Murakami được Nguyễn Tuấn Khanh đánh
6
giá là “tác giả nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản cũng như ở nước
ngoài” [46, 400]. Người viết đã chia hành trình sáng tác của Murakami thành ba
chặng: từ lúc đăng đàn đến năm 1985; từ lúc nhận giải thưởng Tanizaki
Junichiro đến khi xảy ra trận động đất Hanshin năm 1995 và giai đoạn từ trận
động đất năm 1995 đến nay. Ở mỗi chặng, tác giả đã giới thiệu những tác phẩm
chính cũng như trích dẫn một số ý kiến, nhận định của một số nhà nghiên cứu
xoay quanh các vấn đề trong tác phẩm đó và đưa ra kết luận của mình. Nguyễn
Tuấn Khanh cho rằng, tác phẩm của Murakami “có cái gì đó rất gần với chủ
nghĩa siêu thực (realism) của nhà văn Kobo Abe” [46, 401] và ngay từ tác phẩm
đầu tay Nghe gió reo ca, Murakami đã xác định cho mình một “phong cách viết
siêu thực” [46, 410] với “vô số tính phức tạp, điều kỳ diệu bao gồm cả những ẩn
dụ như một câu đố” [46, 410]. Tóm lại, bài giới thiệu của Nguyễn Tuấn Khanh
về Murakami đã cho người đọc cái nhìn khái quát về hành trình sáng tạo của
Murakami và cuộc đời của nhà văn từ lúc đăng đàn đến thời điểm trở thành một
hiện tượng toàn cầu như hiện tại, cũng như hệ thống lại những sáng tác của
Murakami và đưa ra nhận xét chung về một số vấn đề chính trong mỗi tác phẩm.
Nguyễn Anh Dân là một trong những học giả trẻ có nhiều bài viết, công
trình khoa học về văn học Nhật Bản, đặc biệt là về Haruki Murakami và tác
phẩm của ông. Có thể kể đến một số bài viết gần đây như Cấu trúc của cốt
truyện trong Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami Haruki; Phong cách
nghệ thuật Murakami Haruki từ góc độ yếu tố huyền ảo (Tạp chí Khoa học các
trường đại học năm 2009, 2010); Cách tổ chức không – thời gian nghệ thuật
trong Biên niên kí chim văn dây cót của Murakami Haruki (Kỷ yếu Hội nghị
Khoa học trẻ 2010, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, 2010); Tìm kiếm bản thể đích
thực và giải phẫu tinh thần Nhật Bản hậu hiện đại trong tác phẩm của
7
Murakami Haruki (Kỷ yếu Hội thảo Văn học Hậu hiện đại - Lý luận và Tiếp
nhận, Đại học Khoa học Huế, 2011); Tiếp nhận Murakami Haruki ở Việt Nam
(Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ Văn, NXB Đại học Huế, 2012),... Trong phạm vi
luận văn này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hai bài viết là Yếu tố huyền ảo
trong tác phẩm của Murakami Haruki và Hệ thống biểu tượng trong Biên niên
ký chim vặn dây cót của Nguyễn Anh Dân.
Trong bài tóm tắt luận văn Yếu tố huyền ảo trong tác phẩm của Murakami
Haruki, Nguyễn Anh Dân đã phân tích biểu hiện của yếu tố huyền ảo trong một
số truyện ngắn và tiểu thuyết của Murakami thành bốn nhóm cơ bản: giấc mơ –
vô thức huyễn hoặc; thế giới khác lạ; nhân vật kì ảo và chi tiết, sự vật, hiện
tượng dị thường. Nguyễn Anh Dân đặc biệt chú ý đến yếu tố giấc mơ trong sáng
tác của Murakami. Theo tác giả: “Giấc mơ – vô thức huyễn hoặc là một kênh
biểu hiện có tần số lớn và chiếm lĩnh vai trò khá quan trọng trong kỹ thuật xử lý
cái huyền ảo của Murakami. Nó cũng đồng thời là một trong những chìa khóa
cốt yếu để mở ra nhiều vấn đề trong tác phẩm của tiểu thuyết gia người Nhật
này” [64]. Với phạm vi khảo sát khá rộng (một số tiểu thuyết, truyện ngắn của
Murakami), Nguyễn Anh Dân đã khái quát bốn biểu hiện trên một cách có hệ
thống với dẫn chứng đa dạng và thuyết phục.
Trong bài viết Hệ thống biểu tượng trong Biên niên ký chim vặn dây cót,
Nguyễn Anh Dân đã giải mã một số biểu tượng quan trọng trong tiểu thuyết Biên
niên ký chim vặn dây cót của Murakami như con mèo Wataya Noburu, chiếc
giếng cạn ở sa mạc Ngoại Mông và trong căn nhà hoang, vết nám trên mặt Toru
Okada, cây gậy bóng chày, chim vặn dây cót. Nguyễn Anh Dân cho rằng, không
chỉ đồ vật, con vật, hiện tượng mang tính biểu tượng mà “mỗi nhân vật là một
biểu tượng - trước hết là biểu tượng cho chính mình. Trong thế giới nhân vật ấy,
8
có những con người biểu tượng cho quyền lực, cho nhục dục như Wataya
Noburu, có những con người biểu tượng cho nỗi nhục quá khứ như Mamiya…
Mỗi người trong số họ đều chứa những mâu thuẫn nhất định” [65]. Đây là một
bài viết phân tích khá kỹ lưỡng, có tính chất gợi mở trong việc tìm hiểu sâu hơn
về hệ thống biểu tượng trong sáng tác của Murakami, vì một số biểu tượng trên
(như con mèo, chiếc giếng) được nhắc đến rất nhiều trong các tiểu thuyết khác
của Murakami với ý nghĩa tương tự nhau.
Trần Thị Tố Loan với bài viết Thực tại và con người trong sáng tác của
Haruki Murakami đã chỉ ra những quan niệm mới về thế giới và con người để
thấy được những vấn đề mang tính phổ quát mà Murakami đã đặt ra. Tác giả bài
viết đã khẳng định rằng thực tại trong sáng tác của Murakami bao gồm thực tại
đa diện với không gian đời sống nước Nhật hiện đại, không gian kì ảo mà Trần
Thị Tố Loan gọi là “thực tại kì ảo của giấc mơ và trí tưởng tượng” [41, 698] và
không gian thứ ba là “thực tại phi thực” [41, 699]. Ngoài ra, tác giả đã liệt kê
một số kiểu nhân vật trong thực tại đa diện đó và đặc biệt quan tâm đến kiểu
nhân vật đa ngã với nhiều cái tôi tồn tại song hành ở các thực tại khác nhau. Bên
cạnh đó, bài viết còn đi vào giới thiệu về sự đổi mới về thực tại và con người
trong văn học Việt Nam, chủ yếu là lớp nhà văn sau năm 1975.
Trong bài viết Những biểu hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong
văn học Nhật Bản đương đại, Lê Ngọc Phương cho rằng: “Thủ pháp Hiện thực
huyền ảo đã trở thành một kinh nghiệm thẩm mỹ” [52, 671] của văn học Nhật
Bản và các nhà văn sử dụng yếu tố hiện thực, huyền ảo như một thủ pháp làm
mới văn chương, chống lại cái khô cứng của đời sống. Lê Ngọc Phương cũng
như Nhật Chiêu đều thống nhất cho rằng chất huyền ảo đã sớm xuất hiện trong
văn hóa, văn học cổ - trung đại Nhật Bản. Đó là cái kì ảo trong kịch Nō, sân
9
khấu rối Bunraku, cảm thức thẩm mỹ của Nhật Bản: “Nhìn chung, văn chương
Nhật pha lẫn cái huyền ảo vào cảm thức đặc biệt của dân tộc mình:
mononoaware và okashi. Chính cái phong vị Nhật Bản – nỗi buồn cô độc, sự bi
cảm tĩnh lặng và sự hài hước thanh nhã đã khiến văn học Phù Tang góp một
kiểu Hiện thực huyền ảo mới” [52, 673]. Bài viết đã cho thấy quá trình phát triển
của văn chương huyền ảo Nhật Bản từ Truyện Genji trong văn học cổ điển đến
những cây bút tài hoa thế kỷ XX, XXI như Akutagawa Ryunosuke, Kawabata
Yasunari, Abe Kobo, Kenzaburo Oe, Yoshimoto Banana, Ikezawa Natsuki,
Ogawa Yoko, Masatsugu Ono và đặc biệt là Haruki Murakami. Chất huyền ảo
của ông gắn với những chấn thương tâm lý, với cuộc tìm kiếm bản ngã và sự
thực của con người đương đại. Bài viết này đã cung cấp cho người đọc có một
cái nhìn tương đối toàn diện về nhân tố hình thành cũng như một số biểu hiện
của văn học huyền ảo Nhật Bản hiện đại.
b. Ở trên thế giới
Haruki Murakami và tác phẩm của ông được rất nhiều báo chí trong nước
cũng như quốc tế quan tâm và ca ngợi. Nhận xét về chất huyền ảo trong các sáng
tác của Murakami, tờ The New York Times so sánh ông với một nhà ảo thuật sở
hữu một sức mạnh siêu nhiên: “Trong khi bất cứ ai cũng có thể kể một câu
chuyện giống như một giấc mơ, ông là một trong số ít nghệ sĩ có thể khiến chúng
ta thấy mình thực sự đang mơ, giống như với tiểu thuyết này” [24]. Với sự kết
hợp tinh tế giữa hiện thực và huyền ảo, bút pháp Murakami như luồng gió mới
thổi vào nền văn học Nhật Bản hiện đại, khiến độc giả bị lôi cuốn mãnh liệt.
Theo Jay Rubin – dịch giả, nhà nghiên cứu Murakami có uy tín ở phương Tây:
“Sau nhiều năm tập trung vào văn chương hiện thực lặng lẽ và xám ngắt của
Nhật Bản, tôi không thể tin lại có một nhà văn Nhật mạnh bạo, có trí tưởng
10
tượng hoang dại đến như Murakami” [36, 41]. John Updike trong một bài phê
bình năm 2005, trên tờ New Yorker cho rằng, lối kể chuyện của Murakami: “gần
với tính chất siêu thực mềm dẻo, linh hoạt của Kobo Abe hơn là tính chất cứng
nhắc, mãnh liệt của Yukio Mishima và Junichiro Tanizaki” [52].
Ở bài viết Thế giới thơ và tiểu thuyết Nhật Bản – Từ “Truyện Genji” đến
Murakami Haruki, giáo sư Mitsuyoshi Numano, một trong những nhà nghiên
cứu hàng đầu về văn học Nhật Bản, cho rằng việc cân đối khi đan xen chất hiện
thực và kỳ ảo trong tác phẩm là một vấn đề rất quan trọng, cần được cân nhắc kỹ
lưỡng. Vì nếu “tính hiện thực quá nhiều sẽ nhàm chán, tính kỳ ảo quá nhiều sẽ
trở thành hoang đường và khó đồng cảm” [47, 24]. Qua đó, nhà nghiên cứu
khẳng định sự thành công của Murakami ở là nhờ sự khéo léo trong việc “duy trì
một khoảng cách thích hợp với hiện thực, tức là không quá bám vào hiện thực
cũng không quá xa rời hiện thực” [47, 24].
Trong bài viết Magical Realism and the Search for Identity in the Fiction
of Murakami Haruki (Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và cuộc tìm kiếm bản thể
trong văn xuôi hư cấu của Murakami Haruki), Matthew Carl Stretcher cho rằng,
Murakami “giống như Rushdie hay Toni Morrison (ví dụ trong tiểu thuyết
‘Người yêu dấu’), sử dụng kỹ thuật hiện thực huyền ảo nhằm đề xuất những kế
hoạch của riêng mình, thuộc chính trị, văn hóa hoặc những phương diện khác” –
“Murakami, like Rushdie or Toni Morrison (in, for instance, Beloved), uses
magical realist technique in order to advance his own agenda, political, cultural,
or otherwise” [89, 269 – 270]. Stretcher chủ yếu phân tích, khám phá khái niệm
“bản thể cá nhân” (individual identity) của thế hệ thanh niên Nhật Bản được sinh
ra sau thế chiến thứ hai và các thế hệ tiếp sau đó. Bài báo được viết năm 1999,
nên phạm vi khảo sát là một số tiểu thuyết được xuất bản ở Mỹ trước năm 1999,
11
tập trung ở bảy tiểu thuyết: Kaze no uta o kike (Lắng nghe gió hát), 1973 – nen
no pinbōru (Pinball – 1973), Hitsuji o meguru bōken (Cuộc săn cừu hoang),
Sekai no owari to hādoboirudo wandārando (Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận
cùng thế giới), Dansu dansu dansu (Nhảy nhảy nhảy), Kokkyō no minami, taiyō
no nishi (Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời), Nejimaki-dori kuronikuru (Biên
niên ký chim vặn dây cót). Bên cạnh đó, Stretcher nhấn mạnh đến vấn đề ý thức
(conscious) và vô thức (unconscious) của con người, một số biểu tượng (con
mèo, con chó, con cừu, chim vặn dây cót, hộp đen, cái bóng..), chủ đề (tình yêu,
tình dục, bạo lực, lịch sử, hệ thống xã hội), việc đặt tên nhân vật... Thông qua
việc phân tích các dẫn chứng và trích dẫn nhiều quan điểm khác nhau của một số
nhà phê bình văn học chuyên nghiên cứu về Murakami, Stretcher đã tranh luận
và chứng minh một cách thuyết phục về mối quan hệ giữa những vấn đề trên với
vấn đề “bản chất cốt lõi” (core identity) của nhân vật. Vì vậy, theo Stretcher,
điều mà Murakami muốn bộc lộ sau khi kết thúc mỗi quyển tiểu thuyết là cách
thức “nhìn vào bản thể cốt lõi của cá nhân và nhận thức rõ điều gì dẫn nhân vật,
hoặc trở thành một phần của “hệ thống” xã hội Nhật Bản, hoặc theo một hướng
khác là bị cho ra rìa” – “looking at the ‘core identity’ of the individual and
discerning what leads it either to become part of the “system” of Japanese
society, or, alternatively, to fall through the cracks” [89, 271]. Tóm lại, có thể
nói, tính đến thời điểm hiện tại, bài báo của Stretcher là một trong những công
trình khoa học công phu nhất nghiên cứu về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong
tiểu thuyết của Murakami, cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn cảnh không chỉ
về mặt kỹ thuật mà còn về mặt nội dung, tư tưởng trong mỗi tác phẩm.
Morten Oddvik đến từ đại học Waseda đã nghiên cứu về chủ nghĩa hiện
thực huyền ảo trong một vài truyện ngắn và tiểu thuyết của Murakami qua bài
12
viết Murakami Haruki & Magical Realism – A Look at the Psyche of Modern
Japan (Murakami Haruki và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo – Cái nhìn vào tinh
thần Nhật Bản hiện đại). Cùng quan điểm với M.C.Stretcher, Morten Oddvik cho
rằng: “Việc sử dụng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Murakami được liên kết
chặt chẽ với vấn đề bản thể; nó là một công cụ để tìm kiếm sự cá biệt hóa, ý thức
cá nhân của bản thể trong mỗi con người.” – “Murakami's use of magical
realism is closely linked to the quest for identity; it is a tool to seek an
individualized, personal sense of identity in every person” [87, 5]. Trong bài viết
trên, Morten Oddvik chủ yếu đi sâu vào phân tích biểu tượng, tình tiết và những
thực tại khác nhau trong tác phẩm Murakami. Tuy nhiên, phạm vi khảo sát trong
bài viết khá hẹp, chỉ giới hạn ở ba tiểu thuyết là Biên niên ký chim vặn dây cót,
Cuộc săn cừu hoang, Ngầm, cùng với hai truyện ngắn là Người Ti Vi và Con voi
biến mất của Murakami. Với số lượng tác phẩm khảo sát không nhiều nên bài
viết chỉ giới thiệu về biểu tượng là chiếc giếng, mê lộ và tập trung vào phân tích
những thực tại khác nhau trong thế giới truyện kể của Murakami. Cũng ở bài viết
này, tác giả đã đi sâu vào vấn đề tinh thần của con người Nhật Bản hiện đại
thông qua việc phân tích một số chi tiết, hình ảnh ẩn dụ như thảm họa kép được
Murakami nhắc đến trong Ngầm (Underground), nhân vật ẩn dụ Wataya Noboru
và lý giải một số nguyên nhân dẫn con người đến khủng hoảng tinh thần. Từ đó,
Morten Oddvik đi đến kết luận: “Thông qua kỹ thuật của chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo và chủ nghĩa tượng trưng, Murakami đã tập trung vào những sai lầm
và yếu kém của một nền văn hóa tư bản khi phát triển ở mức độ cao và cho thấy
rằng, làm thế nào mà một cá nhân kết thúc việc đối mặt với cơn khủng hoảng
bản thể không thể tránh khỏi, điều mà nhân vật chính bắt buộc phải giải quyết
để có thể tiếp tục sống và đương đầu với xã hội này” – “Through techniques of
magical realism and symbolism, Murakami focuses on the flaws and ills of a
13
highly developed capitalist culture and shows how the individual ends up facing
an inevitable identity crisis, which the protagonist is forced to deal with in order
to be able to continue to live and cope with this society” [87, 2]. Tóm lại, tiểu
luận của Morten Oddvik đã phân tích được một số kỹ thuật xây dựng không gian
và biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo của Murakami,
đồng thời chỉ ra được ý nghĩa của nó trong việc khái quát các vấn đề về con
người và xã hội Nhật bản hậu hiện đại. Đó là vấn đề về sự trống rỗng trong lòng
thịnh vượng, về áp lực của một cá nhân khi sống trong một xã hội phát triển thần
tốc, phải chịu sức ép, sự thao túng của những ông chủ đứng phía sau.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng, vấn đề khuynh hướng hiện thực
huyền ảo trong tiểu thuyết Murakami được nghiên cứu một cách tương đối khái
quát và hệ thống hơn bởi các học giả phương Tây. Trong khi đó, các công trình
trong nước thường tập trung nghiên cứu khuynh hướng hiện thực huyền ảo ở
phạm vi một hoặc một nhóm tác phẩm cụ thể. Nhưng nhìn chung, với hai hướng
tiếp cận trên, các học giả đi trước đã ít nhiều làm rõ được một số phương diện
trong bút pháp hiện thực huyền ảo của Murakami ở thể loại tiểu thuyết như hình
tượng nhân vật, hình tượng không gian – thời gian huyền ảo cũng như biểu
tượng nghệ thuật,... Những công trình này chính là nguồn tài liệu tham khảo cần
thiết, gợi mở nhiều vấn đề giúp chúng tôi thực hiện đề tài của mình.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi vận dụng tổng hợp các phương pháp sau:
phương pháp so sánh – đối chiếu, phương pháp văn hóa – văn học, phương pháp
lịch sử xã hội.
14
Phương pháp so sánh - đối chiếu được sử dụng trong luận văn nhằm so
sánh các khái niệm huyền ảo (magic) với huyền thoại (myth), kì ảo (fantasy) và
so sánh các loại hình nhân vật, không – thời gian trong tiểu thuyết Murakami. Từ
đó thấy được nét tương đồng và dị biệt cũng như hướng vận động của các đối
tượng này. Chúng tôi còn vận dụng phương pháp này trong việc so sánh khuynh
hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Murakami với các nhà văn trước và
sau ông và mở rộng hơn là so với một số nhà văn mà ông ít nhiều chịu ảnh
hưởng.
Murakami thuộc thế hệ thanh niên thời đại Heisei với nhiều biến chuyển
trong xã hội Nhật Bản. Nhiều hiện tượng văn hóa mới xuất hiện, nhất là văn hóa
đại chúng với các loại hình như manga, anime,... Thêm vào đó, Murakami là tác
giả chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi phương Tây. Vì vậy, việc ý thức được những tác
nhân về văn hóa, văn học tác động đến văn chương Murakami là một điều cần
thiết. Tóm lại, trong trường hợp nghiên cứu về Murakami và sáng tác của ông,
chúng tôi đặc biệt chú ý tới phương pháp văn hóa – văn học này để làm rõ cảm
hứng sáng tạo cũng như yếu tố ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật của tác giả.
Phương pháp lịch sử - xã hội là phương pháp nghiên cứu chúng tôi đặc
biệt quan tâm khi nghiên cứu về sáng tác của Murakami. Những vấn đề về lịch
sử, chính trị, xã hội Nhật Bản vào giai đoạn những năm 60 – 70 của thế kỷ XX
trở về sau đã được Murakami khéo léo đưa vào các sáng tác của mình thông qua
các ẩn dụ. Vì vậy, trong việc nghiên cứu tác phẩm của Murakami, việc khơi gợi
được nguồn mạch lịch sử, xã hội sẽ thu được nhiều kết quả khả quan.
Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sử dụng hướng nghiên cứu
phân tâm học, thi pháp học. Dựa vào lý thuyết về phân tâm học, chúng tôi lý giải
15
những vấn đề liên quan đến tính dục, giấc mơ của nhân vật. Trong luận văn này,
hướng nghiên cứu thi pháp học được chúng tôi xác định là hướng nghiên cứu
chính. Với hướng nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ làm rõ bút pháp hiện thực huyền
ảo trong tiểu thuyết Murakami thông qua hình tượng nhân vật, không – thời gian
và các biểu tượng. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng kết hợp với một số thao tác
như: phân tích, tổng hợp, miêu tả, thống kê, phân loại,...
5. Mục đích nghiên cứu và đóng góp của luận văn
Với đề tài Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Haruki
Murakami, luận văn sẽ khảo sát và làm sáng tỏ được đặc điểm về bút pháp nghệ
thuật trong tiểu thuyết của Murakami. Từ đó chỉ ra được nét chung và riêng biệt
trong các sáng tác hiện thực huyền ảo của Murakami đối với một số nhà văn
khác.
Chúng tôi hy vọng luận văn này sẽ là tài liệu tham khảo cho học sinh, sinh
viên thuộc khối, ngành Khoa học Xã hội và những học giả có hứng thú với văn
học Nhật Bản nói chung và tiểu thuyết của Murakami nói riêng.
6. Cấu trúc luận văn
Luận văn được chia làm ba phần: mở đầu, ba chương nội dung và kết luận.
Trong phần mở đầu, chúng tôi giới thiệu những vấn đề như lý do chọn đề
tài, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, lịch sử vấn đề, phương pháp nghiên cứu,
mục đích nghiên cứu và cấu trúc của luận văn. Ở phần dẫn nhập này, chúng tôi
tập trung vào phần quan trọng là lịch sử vấn đề. Trong giới hạn luận văn, chúng
tôi cố gắng bao quát các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài để
16
tổng kết các điểm chính mà học giả trước đã nghiên cứu cũng như gợi mở hướng
để chúng tôi tiếp tục đi sâu vào triển khai bài luận này.
Phần nội dung chính gồm có ba chương: Haruki Murakami và khuynh
hướng hiện thực huyền ảo trong văn học Nhật Bản (chương 1), Hệ thống hình
tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo của Haruki Murakami
(chương 2) và Biểu tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo của
Haruki Murakami (chương 3).
Ở chương 1, luận văn luận giải khái niệm quan trọng là khuynh hướng
hiện thực huyền ảo và hạt nhân của nó – cái huyền ảo. Từ đó, khái quát về văn
học huyền ảo Nhật Bản cũng như lý giải tiền đề của sự hình thành và phát triển
khuynh hướng văn học này ở Nhật Bản. Ngoài ra, luận văn cũng giới thiệu về
cuộc đời và hành trình sáng tạo của tác giả Haruki Murakami.
Ở chương 2 và 3, luận văn tiến hành khảo sát khuynh hướng hiện thực
huyền ảo trong tiểu thuyết của Murakami thông qua hình tượng, biểu tượng nghệ
thuật. Từ đó, làm rõ được điểm chung và điểm độc đáo trong sáng tác của
Murakami trong việc vận dụng khuynh hướng hiện thực trong sáng tác tiểu
thuyết so với các nhà văn Nhật Bản khác cũng như so với các nhà văn Mỹ Latin.
Phần kết luận khái quát lại những nội dung chính của luận văn cũng như
đề xuất hướng nghiên cứu. Ngoài ra, luận văn còn có mục tài liệu tham khảo
nhằm trích dẫn nguồn tài liệu luận văn tham khảo trong và ngoài nước.
17
CHƯƠNG 1: HARUKI MURAKAMI VÀ KHUYNH HƯỚNG HIỆN
THỰC HUYỀN ẢO TRONG VĂN HỌC NHẬT BẢN
1.1. Haruki Murakami và hành trình sáng tạo
Murakami Haruki sinh năm 1949 tại Kyoto, trong một gia đình có truyền
thống văn chương, có cha mẹ là giáo viên dạy văn học Nhật Bản. Thuở nhỏ,
Murakami đã đọc nhiều tác phẩm nổi danh của văn học cổ điển Nhật Bản
nhưnng “không một lần nào tôi thấy xúc động sâu xa vì một cuốn tiểu thuyết
Nhật Bản” [76]. Thay vào đó, Murakami đắm mình trong văn hóa, văn học
phương Tây như một hình thức chống đối lại sự áp đặt của văn hóa truyền thống
từ người cha: “Bởi cha tôi là một giáo viên văn học Nhật nên tôi muốn làm thứ
gì đó khác” và “tôi nghĩ, việc tôi tìm đến những loại hình văn hóa này là một
biểu hiện nổi loạn chống lại cha tôi và những tư tưởng Nhật Bản chính thống”
[76]. Murakami sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ hậu chiến, khi quân đội Mỹ
vẫn còn chiếm đóng Nhật Bản. Đây là thời kỳ đặc biệt, đánh dấu sự giao lưu văn
hóa sôi nổi, khốc liệt và phức tạp. Cùng với việc trải qua thời thơ ấu và niên
thiếu ở vùng ngoại ô Kobe, nơi bến cảng nhộn nhịp với nhiều ngôn ngữ, đã góp
phần đưa Murakami bước vào thế giới của văn hóa Âu Mỹ mà chủ yếu là văn
hóa pop của Mỹ những năm 50, 60. Có thể nói, âm nhạc và văn học Âu Mỹ là
hai món ăn tinh thần đã nuôi dưỡng tâm hồn một tài năng lớn như Murakami: “Ở
tuổi lên mười hay mười hai, tôi đã chìm ngập trong nền văn hóa phương Tây –
không chỉ có Jazz mà còn cả Elvis và Vonnegut” [68]. Năm 16 tuổi, ông quyết
định dừng đọc văn học Nhật Bản và chỉ đọc các tên tuổi lớn như Kafka, Balzac,
Stendhal, Tolstoy, Dostoievsky và sau bốn năm học tiếng Anh ở trường phổ
thông, ông bắt đầu đọc văn học Mỹ tại các hiệu sách cũ. Có thể nói, Murakami
18
đã trưởng thành cùng với việc nghiền ngẫm những tác phẩm của các tác giả Âu
Mỹ nổi tiếng vào thế kỷ XX như Raymond Chandler, F. Scott Fitzegarld,
Truman Capote, Kurt Vonnegut… Phải chăng chính điều đó đã góp phần tạo nên
một sự giao thoa văn hóa, văn học kỳ lạ trong con người cũng như sáng tác của
Murakami?
Murakami theo học ngành kịch nói và điện ảnh tại đại học Waseda ở
Tokyo và chịu ảnh hưởng từ những cuộc nổi dậy của sinh viên năm 1968, điều
này thể hiện rõ ở nhiều nhân vật trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, cũng như
hầu hết nhân vật chính của mình, Murakami không tham gia vào các hoạt động
sôi nổi ấy mà lựa chọn một cuộc sống khép kín, một mình nghe nhạc, đọc sách
và dịch những tác phẩm yêu thích. Đó là lý do mà Murakami rất thành công
trong việc miêu tả nỗi cô đơn của thế hệ trẻ thời đại hậu công nghiệp mà theo
ông, nó như là “một thứ axit tràn ra khỏi lọ, có thể vô tình ăn dần ăn mòn trái
tim một người và phân hủy nó” [21, 32]. Trước khi tốt nghiệp đại học,
Murakami cùng vợ mở một quán rượu chơi nhạc jazz có tên là Peter Cat tại
Kokubunji, Tokyo. Ông đam mê âm nhạc Âu Mỹ với Elvis, The Beatles, Beach
Boy,... và đặc biệt là nhạc jazz. Có nhiều năm Murakami nghe nhạc jazz đến
mười tiếng một ngày nên khả dĩ ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhịp điệu, sự
ngẫu hứng đến phong cách của nó. Sau này, chính những điều đó tạo nên lối
sáng tác và phong cách rất độc đáo ở Murakami: “Tôi không có thầy giáo trong
nghề văn. Thứ tôi biết duy nhất là âm nhạc: sự ứng biến và những nhịp điệu, tiết
tấu hài hòa của âm thanh. Tôi chỉ biết cách bắt đầu chứ không biết cách kết
thúc, vì tôi không biết chuyện gì sẽ tiếp tục xảy ra. Viết giống như người ta đang
mơ thì tỉnh giấc” [46, 406].
19
Murakami bắt đầu sáng tác khá muộn, khoảng năm ba mươi tuổi ông mới
viết xong tác phẩm đầu tay. Ý tưởng sáng tác đến với Murakami khi ông đang
xem trận đấu bóng chày trên sân vận động Meiji – Jingu ở Tokyo vào một ngày
tháng tư năm 1978. Tối hôm đó, Murakami bắt đầu viết quyển tiểu thuyết đầu
tiên của mình là Lắng nghe gió hát. Tác phẩm này được Murakami viết liên tiếp
trong vòng nửa năm và đạt được giải thưởng “Nhà văn mới Gunzo lần thứ 22”
vào năm 1979. Murakami bắt đầu đăng đàn từ đó. Một năm sau, ông cho ra mắt
cuốn tiểu thuyết thứ hai là Pinball 1973. Với những thành công ban đầu, năm
1981, Murakami quyết định bán quán rượu và chuyên tâm vào sáng tác. Ngay
những sáng tác đầu tiên, Murakami đã cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa, văn
học Âu Mỹ trong sáng tác của mình. Motoyuki Shibata, giáo sư văn học Mỹ tại
đại học Tokyo nhận xét rằng: “Tác phẩm của ông không dính dáng tới văn hóa
cổ Nhật Bản mà có âm sắc của văn hóa đại chúng, chủ yếu là từ Mỹ. Với phong
cách đó, ông có thể sáng tạo nên thứ văn chương giá trị” [46, 406].
Năm 1985, Murakami đánh dấu bước chuyển biến trên hành trình sáng tạo
bằng “Giải thưởng Tanizaki Junichiro lần thứ 21” với tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ
tàn bạo và chốn tận cùng thế giới. Từ vai trò là người gửi gió mới vào văn đàn
Nhật Bản, Murakami dần trở thành hiện tượng nổi tiếng toàn cầu, được gọi là
“Quả bom Murakami” [49, 3], đặc biệt là sau sự xuất hiện đột phá của tiểu
thuyết Rừng Nauy vào năm 1987. Rừng Nauy nhanh chóng trở thành “bestseller” (cuốn sách bán chạy nhất) với hàng triệu bản được bán ra và đưa tên tuổi
Murakami lên hàng “siêu sao”. Năm 1986, Murakami đi du lịch châu Âu và sau
đó định cư ở Boston, Hoa Kỳ. Thời gian này, ông vừa làm giảng viên văn ở đại
học Princeton và đại học Tufts vừa hoàn thành hai tác phẩm là Nhảy, nhảy, nhảy
(1988) và Phía nam biên giới, phía tây mặt trời (1992). Năm 1994, Murakami
20