Tải bản đầy đủ (.pdf) (19 trang)

Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết nguyễn bình phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (426.29 KB, 19 trang )

Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu
thuyết Nguyễn Bình Phương


Nguyễn Thị Thu Huyền


Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Luận văn Thạc sĩ ngành: Văn học Việt Nam; Mã số: 60 22 34
Người hướng dẫn: TS. Phạm Xuân Thạch
Năm bảo vệ: 2012


Abstract. Trình bày cơ sở thực tiễn và lý thuyết của luận văn: khái quát những thay
đổi của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 ở các mặt đề tài, phương thức phản ánh, kỹ
thuật viết và chỉ ra những thay đổi ấy đều xuất phát từ sự đổi mới quan niệm về hiện
thực – một tiền đề quan trọng cho sự xuất hiện yếu tố huyền ảo trong văn chương và
giới thiệu về khuynh hướng hiện thực huyền ảo trên thế giới và ở Việt Nam, cùng
với việc khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Nghiên cứu bút
pháp hiện thực huyền ảo trong tổ chức tác phẩm của Nguyễn Bình Phương: luận văn
chủ yếu khảo sát những đặc điểm của khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu
thuyết Nguyễn Bình Phương ở cách tổ chức không - thời gian và xây dựng kết cấu
tiểu thuyết với sự đan xen, hòa quyện không thể tách rời của hai yếu tố hiện thực –
huyền ảo. Nghiên cứu bút pháp hiện thực huyền ảo trong xây dựng nhân vật tiểu
thuyết Nguyễn Bình Phương, chúng tôi tập trung làm rõ sự chi phối của bút pháp
hiện thực huyền ảo vào việc xây dựng các dạng thức nhân vật tiêu biểu trong tiểu
thuyết Nguyễn Bình Phương, để từ đó làm bật lên các vấn đề của đời sống đương đại
được ngầm ẩn đằng sau những hình tượng này.

Keywords. Văn học Việt Nam; Nghiên cứu văn học; Tiểu thuyết


Content

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Bình Phương được coi là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt
Nam đương đại với những trăn trở, nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo không ngừng trên con đường
cách tân tiểu thuyết.
Xung quanh sáng tác của Nguyễn Bình Phương, đã có nhiều bài viết, ý kiến đánh giá trái
chiều. Mỗi bài viết khơi mở một khía cạnh khác nhau của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương,
nhưng riêng khuynh hướng hiện thực huyền ảo thì có rất ít ý kiến đề cập đến và hầu như chưa có
một công trình nghiên cứu chuyên biệt nào. Trong khi đây lại được coi là khuynh hướng chủ đạo
trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, không riêng gì tiểu thuyết – Một khuynh hướng ghi
nhận những thành tựu đáng kể, những đóng góp không nhỏ của nhà văn vào tiến trình đổi mới
tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Chọn đề tài luận văn: Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong
tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, chúng tôi hy vọng có điều kiện đi sâu nghiên cứu về một trong
những nét nổi bật nhất của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương mà chưa có ai nói đến một cách triệt
để. Thông qua đó, chúng tôi cũng hy vọng có thể tìm hiểu khái quát về diện mạo tiểu thuyết Việt
Nam đương đại và tìm hiểu sâu sắc về một trong những khuynh hướng quan trọng của văn học
Việt Nam sau đổi mới: Khuynh hướng hiện thực huyền ảo.
2. Lịch sử vấn đề:
Nhìn lại lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng tôi nhận thấy:
1. Tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thu hút được sự quan tâm của giới phê bình. Các
công trình, bài viết chủ yếu tập trung vào khía cạnh nghệ thuật trong tiểu thuyết của anh.
Có một số lượng khá lớn các bài bình luận về Nguyễn Bình Phương trên các trang web.
Trong đó, Đoàn Cầm Thi là người sớm có những bài viết tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương từ góc độ tâm lý học hiện đại, dưới cái nhìn phân tâm học: Sáng tạo văn học: giữa mơ và
điên; Người đàn bà nằm: từ Thiếu nữ ngủ ngày đọc Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương.
Nguyễn Chí Hoan quan tâm nhiều đến kỹ thuật viết trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương qua
các bài: Cấp độ hiện thực và sự hão huyền của ý thức trong Thoạt kỳ thủy; Những hành trình qua
trống rỗng. Trương Thị Ngọc Hân đã đưa ra được một cái nhìn khái quát về tiểu thuyết Nguyễn

Bình Phương qua các bài Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương. Song
tiêu biểu nhất phải kể đến tập hợp các bài nghiên cứu có tính chuyên sâu của Thụy Khuê về
từng tác phẩm của Nguyễn Bình Phương như: Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu
thuyết Những đứa trẻ chết già; Tính chất hiện thực linh ảo âm dương trong tiểu thuyết Người
đi vắng; Yếu tố tiểu thuyết mới trong tác phẩm Trí nhớ suy tàn; Thoạt kỳ thủy trong vùng đất
Cậm cam hoang vu của Nguyễn Bình Phương…
Trên các báo và tạp chí chuyên ngành có một số bài viết đặc sắc về Nguyễn Bình Phương.
Tiêu biểu phải kể đến Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống của tác giả
Phạm Xuân Thạch đăng trên báo Văn nghệ số 45/2006, Đoàn Ánh Dương với bài Nguyễn Bình
Phương, “Lục đầu giang” tiểu thuyết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4/2008 và
Phùng Minh Khai với bài Tản mạn về Nguyễn Bình Phương in trong tập Phác hoạ mấy chân
dung văn học.
Trong 5 năm trở lại đây, có một số lượng khá lớn các công trình khoa học nghiên cứu
chuyên sâu về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương thông qua các báo cáo khoa học, khóa luận
tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ…
2. Tuy nhiên riêng khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương lại chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt và hệ thống. Hầu hết các tác giả
chỉ đề cập đến vấn đề này trong một phần mục nhỏ của một chương trong khóa luận, luận văn
hoặc trong những bài viết có tính khái quát chung và thường chỉ xem xét nó dưới góc độ của
cái kỳ ảo hay phương thức huyền thoại chứ không đề cập đến hiện thực huyền ảo như một
khuynh hướng sáng tác đặc trưng của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Nổi bật trong số đó là
khóa luận tốt nghiệp Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị Phương
Diệp). Trong luận án tiến sĩ Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, tác giả Bùi Thanh
Truyền cũng tiến hành khảo sát một số tác phẩm của Nguyễn Bình Phương trên phương diện
cái kỳ ảo như là những minh họa tiêu biểu cho đặc điểm sáng tác của một giai đoạn văn học.
Trong bài Nguyễn Bình Phương, “Lục đầu giang” tiểu thuyết, Đoàn Ánh Dương khẳng định
phương thức huyền thoại là thành công nổi bật và là nhân tố khu biệt tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương. Còn Đoàn Minh Tâm trong bài Những đặc trưng của bút pháp huyền ảo trong tiểu
thuyết Ngồi đã chỉ ra rằng chất huyền ảo trong Ngồi là sự pha trộn của ba dòng bút pháp huyền
ảo: đó là bút pháp huyền ảo phi lý của Kafka, bút pháp huyền ảo siêu nhiên và bút pháp huyền

ảo tâm lý. Thụy Khuê có lẽ là tác giả sớm nhất và đi sâu nhất trong việc nghiên cứu các sáng
tác của Nguyễn Bình Phương từ góc độ hiện thực huyền ảo qua các bài viết: Khuynh hướng
hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, Tính chất hiện thực linh ảo âm
dương trong tiểu thuyết Người đi vắng…
Như vậy, qua khảo sát các tư liệu, bài viết, công trình nghiên cứu về Nguyễn Bình
Phương, chúng tôi nhận thấy vấn đề hiện thực huyền ảo chưa được nhìn nhận một cách cụ thể
và có hệ thống. Luận văn hy vọng sẽ có điều kiện đi sâu nghiên cứu về khuynh hướng hiện
thực huyền ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trên cơ sở tiếp thu, kế thừa các nghiên
cứu của người đi trước, hướng tới một cái nhìn toàn diện và khách quan về một phương diện
đóng góp nổi bật của Nguyễn Bình Phương vào hành trình cách tân chung của tiểu thuyết
Việt Nam đương đại.
3. Phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu chính: bảy tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương xuất bản từ 1991
đến 2006: Bả giời, Vào cõi, Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ
thủy và Ngồi.
- Đối tượng tham khảo: thơ và một số truyện ngắn.
- Đối tượng đối chiếu so sánh: tiểu thuyết của một số nhà văn cùng thời, cùng khuynh
hướng hiện thực huyền ảo.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu:
- Phương pháp nghiên cứu chính: phương pháp thi pháp học kết hợp với lý thuyết tự sự
học. Bên cạnh đó luận văn còn sử dụng kết hợp các thao tác như so sánh, phân tích, tổng
hợp…
5. Cấu trúc luận văn:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn gồm ba
chương:
Chương 1: Cơ sở thực tiễn và lý thuyết của luận văn
Chương 2: Bút pháp hiện thực huyền ảo trong tổ chức tác phẩm của Nguyễn Bình
Phương
Chương 3: Bút pháp hiện thực huyền ảo trong xây dựng nhân vật tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương


PHẦN NỘI DUNG
Chƣơng 1
CƠ SỞ THỰC TIỄN VÀ LÝ THUYẾT CỦA LUẬN VĂN
1.1. Những thay đổi của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
Những chuyển biến sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam từ nửa sau thập kỷ 80 là tiền
đề quan trọng cho quá trình đổi mới quan niệm nghệ thuật, đổi mới tư duy sáng tác để tạo
thành một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Với tiểu
thuyết, những thay đổi đó diễn ra toàn diện, sâu sắc cả về nội dung khám phá, phương thức
phản ánh lẫn kỹ thuật biểu hiện.
1.1.1. Thay đổi tư duy nghệ thuật
1.1.1.1. Đổi mới tư duy tiểu thuyết
Có thể thấy văn học thời kỳ đổi mới đã có bước chuyển đổi quan trọng về tư duy: tư duy sử thi
từng chi phối các sáng tác văn chương thời kỳ trước dần thay thế bằng tư duy tiểu thuyết, cùng với nó
là sự chuyển đổi cảm hứng sáng tác: từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. Tư duy
tiểu thuyết đã trả lại cho văn học bộ mặt chân xác của đời sống. Cùng với sự thay đổi ấy, hiện thực
được khám phá dưới nhiều góc nhìn mới mẻ và số phận con người đã trở thành vấn đề trung tâm luận
của tiểu thuyết, nhất là con người cá thể, con người đời thường.
1.1.1.2. Khám phá hiện thực đa chiều
Sự chuyển đổi tư duy tiểu thuyết đã mở ra khả năng khám phá hiện thực đa dạng, đa chiều.
Có thể thấy ba xu hướng khám phá hiện thực nổi bật. Thứ nhất là khuynh hướng nhận thức lại
hiện thực. Các vấn đề tưởng như quá cũ mòn của đời sống như chiến tranh, người lính, người
nông dân, đời sống nông thôn… được khai thác dưới một trường nhìn mới, đem lại những nhận
thức mới: khách quan và đúng như nó vốn có. Khuynh hướng thứ hai là mở rộng biên độ hiện
thực, khai thác những mảng hiện thực mà xưa nay vẫn xem là “nhạy cảm” của văn học như:
các biến cố và nhân vật lịch sử, vấn đề bản năng và tình dục… Khuynh hướng thứ ba là khuynh
hướng sáng tạo hiện thực, tăng cường chiều hướng khai thác, chiếm lĩnh cả những hiện thực
giấc mơ, vô thức, hiện thực tâm lý, tâm linh… Tác phẩm tiêu biểu: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo
Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu), Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng
ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ (Nguyễn

Bình Phương)…
Khám phá hiện thực đa chiều, tiểu thuyết không xây dựng các cực đối lập, các trị tuyệt
đối, bên cạnh cái tốt đẹp cao cả, tiểu thuyết phản ánh cả những mặt xấu xa, thấp hèn, phi
nhân tính, đôi khi hiện hữu đầy đủ ngay trong một hình tượng nghệ thuật. Cuộc sống hiện lên
trong những trạng thái phức tạp, các khuynh hướng trái ngược cùng đấu tranh và cùng tồn tại.
1.1.1.3. Khai thác số phận cá nhân
Tiểu thuyết cũ với cảm quan sử thi chủ yếu khai thác các hình tượng tập thể, khắc hoạ hình
tượng con người cộng đồng, con người mang tính đại diện cho chân lý thời đại. Tiểu thuyết mới
đi sâu khám phá con người cá nhân trong tính đa dạng, phức tạp của nó. Con người với tư cách là
đối tượng của văn học, phải được nhìn nhận trong tính tổng thể và toàn vẹn, phải được soi chiếu
từ mọi góc độ và được nhìn nhận ở mọi giá trị. Tiểu thuyết đương đại, vì thế, đã vừa mở rộng
biên độ khai thác, vừa tăng cường chiều sâu khám phá, tiếp cận con người trên nhiều bình diện:
con người đời tư, con người tự nhiên, con người tâm lý, tâm linh… Tiêu biểu là: Thời xa vắng (Lê
Lựu), Bến không chồng (Dương Hướng), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Lão
Khổ (Tạ Duy Anh), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Cõi người
rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái)…
1.1.1.4. Gia tăng tính chất triết luận
Khuynh hướng triết lý hay triết luận trong tiểu thuyết xuất hiện gắn liền với sự thay đổi mô
hình cấu trúc tiểu thuyết từ cấu trúc lịch sử - sự kiện sang cấu trúc lịch sử - tâm hồn. Khuynh
hướng này được khơi mở trong văn học từ sau 1975 với sáng tác của các nhà văn như Nguyễn
Khải, Nguyễn Minh Châu. Song yếu tố triết luận thực sự được tăng cường và trở thành một đặc
điểm quan trọng trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986, khi mà “tính chất bất trắc của đời
sống và sự bất ổn của tinh thần con người” ngày một gia tăng. Các tác phẩm không chỉ chứa
đựng những chiêm nghiệm, đúc kết sâu sắc của nhà văn về cuộc đời và con người mà còn thể
hiện những suy tư, trăn trở không ngừng của người cầm bút trước các vấn đề phức tạp, nhức
nhối của đời sống đương đại, đặc biệt là vấn đề đạo đức nhân sinh và thân phận con người.
Tiêu biểu là: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Mùa lá rụng trong
vườn (Ma Văn Kháng), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường), Bên kia bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn
(Nguyễn Việt Hà), Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh…

1.1.2. Thay đổi đề tài
Tính đa diện, đa tầng của hiện thực đời sống, tính đa dạng phức tạp của tính cách con
người đã phá vỡ thế ngự trị của kiểu, loại đề tài đơn nhất để làm nên sự phong phú vô tận các
đề tài sáng tác. Có thể khái quát thành ba nhóm đề tài tiêu biểu:
1. Đề tài “vết thương”: Xuất hiện gắn với nhu cầu nhìn nhận lại và phản ánh chân xác những
vấn đề của lịch sử đương đại, dòng văn học “vết thương” đáp ứng đúng khát vọng của thời đại:
nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện và miêu tả đúng sự thật lịch sử, sự thật tâm hồn con người. Các
vấn đề nhức nhối một thời mà vì lý do hoàn cảnh lịch sử, do cơ chế xã hội hay ấu trĩ trong nhận
thức đã khiến cho các vấn đề đó bị né tránh hoặc chưa có điều kiện đề cập đến nay được các nhà
văn mổ xẻ không thương tiếc và trả về đúng vị trí, đúng bản chất như nó vốn có. Đó là các vấn đề
như cải cách ruộng đất, cơ chế bao cấp, sự thật chiến tranh, tâm lý hậu chiến… Tiêu biểu phải kể
đến: Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) Thời xa vắng (Lê Lựu) Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai) Bên kia
bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Nỗi buồn chiến
tranh (Bảo Ninh), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường)…
2. Đề tài lịch sử: Cùng với khuynh hướng nhận thức lại quá khứ, văn học chuyển từ xu
hướng lấy lịch sử làm trọng tâm sang xu hướng lấy “con người làm trung tâm, làm đích quy
chiếu của lịch sử”. Đề tài lịch sử phát triển gắn với sự ra đời của hàng loạt tiểu thuyết lịch sử kiểu
mới. Không chịu sự chi phối của quan niệm cộng đồng, sự phán xét của lịch sử, các nhà văn
đương đại tiếp cận lịch sử và nhân vật lịch sử từ một góc độ mới, mang màu sắc cá nhân và tính
chất hư cấu đậm nét. Tiêu biểu là: Thăng Long ký (Nguyễn Khắc Phục), Hội thề (Nguyễn Quang
Thân), Giàn Thiêu (Võ Thị Hảo), Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp cung đình (Hoàng
Quốc Hải)
3. Đề tài đời sống đương đại: Bối cảnh xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX, đầu
thế kỷ XXI với nhiều biến động đổi thay từ đời sống vật chất cho đến các giá trị tinh thần đã
làm nên một mảnh đất phì nhiêu cho các sáng tác văn chương khai phá. Các vấn đề nhân
sinh, những bi kịch, những mảnh vỡ, những số phận con người trong đời sống đương đại
được tiểu thuyết phơi bày dưới cái nhìn trung thực, nghiêm khắc nhưng cũng đầy nhân ái bao
dung. Tiêu biểu là: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Đám cưới không có
giấy giá thú, (Ma Văn Kháng), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Thoạt kỳ thủy, Ngồi (Nguyễn Bình

Phương), Cơ hội của Chúa, Thiên thần sám hối, (Tạ Duy Anh), Sự trở lại của vết xước (Trần
Nhã Thụy)…
1.1.3. Thay đổi kỹ thuật viết
1.1.3.1. Phá vỡ cốt truyện truyền thống
Với tiểu thuyết truyền thống, cốt truyện được coi là “xương sống”, có cấu trúc toàn vẹn,
khép kín và quy tắc, trình bày theo trình tự: khai đoạn, phát triển đỉnh điểm và kết thúc, tuân
theo trật tự thời gian tuyến tính. Cốt truyện tiểu thuyết từ thời kỳ đổi mới đã có những đổi thay
mang tính bước ngoặt. Ngày càng xuất hiện nhiều tiểu thuyết có cấu trúc lỏng lẻo, phá vỡ kết
cấu cốt truyện truyền thống, nhiều khi không có mở đầu và kết thúc thường bỏ lửng, để ngỏ.
Xu hướng dồn nén dung lượng, giản lược nhân vật và tối giản hoá cốt truyện đến mức tối đa là
xu hướng nổi bật của tiểu thuyết hiện đại. Thêm nữa, các cốt truyện lại chủ yếu được xây dựng
xung quanh những cái bình thường, nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày.
Nhìn chung, cốt truyện hiện đại dường như bị phân rã trở nên lỏng lẻo, mơ hồ, co giãn,
khó nắm bắt. Cốt truyện tâm lý xuất hiện khá phổ biến nhằm triển khai những vận động bên
trong nhân vật, tổ chức cấu trúc tác phẩm theo diễn biến tâm lý, dòng ý thức nhân vật. Có
những tiểu thuyết dường như không có cốt truyện, bị phân mảnh, rời rạc, phi logic. Thi pháp
cốt truyện tiểu thuyết hiện đại nói nhiều đến xu hướng lắp ghép liên văn bản. Các tiểu thuyết
phần lớn có kết cấu đa tuyến với nhiều mạch truyện xoắn kép, kết cấu đồng hiện song hành…
Tiêu biểu là: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Hồ Quý Ly, Mẫu
thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà),
Người đi vắng, Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi (Nguyễn Bình Phương)… Bên cạnh đó, sự sáng tạo cốt
truyện còn được biểu hiện ở sự thâm nhập của các thể loại khác vào tiểu thuyết. Tiểu thuyết
đưa vào trong nó cả hình thức thơ, nhật ký, thư từ, điện ảnh, âm nhạc…
1.1.3.2. Đa dạng điểm nhìn, giọng điệu trần thuật
Tiểu thuyết truyền thống thường sử dụng ngôi kể thứ ba với một giọng điệu, một điểm nhìn
duy nhất. Tiểu thuyết đương đại trên cơ sở học tập và tìm tòi kỹ thuật viết hiện đại, đã tăng
thêm nhiều điểm nhìn trên các trục thời gian, không gian khác nhau. Vai trò người kể chuyện
đơn nhất, đóng vai “đấng toàn năng” bị phá bỏ. Tiểu thuyết xuất hiện nhiều truyện kể ngôi thứ
nhất, ngôi thứ hai. Ngôi kể thứ ba vẫn được sử dụng nhưng tăng thêm nhiều điểm nhìn, trao
điểm nhìn cho nhiều nhân vật và di chuyển liên tục các tiêu điểm. Sự sáng tạo còn được đẩy lên

mức độ cao hơn khi các nhà văn không đơn thuần sử dụng một dạng ngôi kể nhất định nào. Tính
phức hợp trong tổ chức điểm nhìn được biểu hiện qua sự đan chéo các điểm nhìn và sự luân
chuyển thường xuyên giữa các ngôi trần thuật. Tiêu biểu là: Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Đi
tìm nhân vật (Tạ Duy Anh), Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn (Nguyễn Việt Hà), Người đi
vắng (Nguyễn Bình Phương)…
Sự thay đổi trong điểm nhìn trần thuật sẽ dẫn đến sự biến đổi về giọng điệu trần thuật.
Phá vỡ vai trò độc tôn của “giọng chủ âm”, tiểu thuyết đương đại thiết lập giọng đa âm,
khách quan, đa dạng hoá giọng điệu trần thuật… Càng về sau sự phức hợp của giọng điệu
trần thuật càng được đẩy cao tạo thành tính chất đa âm, rối bời, tương tác nhiều giọng điệu
trên một dòng tự sự xáo trộn. Các tác phẩm không chỉ có lời người trần thuật, lời nhân vật, lời
gián tiếp, nửa trực tiếp… mà còn có lời của người phát ngôn ngoài chủ thể tạo thành những
hình thức trần thuật độc đáo, đa sắc điệu. Tiêu biểu: Tấm ván phóng dao (Mạc Can),
Chinatown, Pari 11 tháng 8 (Thuận), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), Trí nhớ suy tàn,
Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi (Nguyễn Bình Phương)…
1.1.3.3. Khai thác phong phú các kỹ thuật phân tích nội tâm
Chuyển từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử sang cảm hứng thế sự,
đời tư, tiểu thuyết đương đại hướng đến khám phá con người cá nhân và đi sâu vào phân tích thế
giới nội tâm phong phú, phức tạp bí ẩn của con người. Kỹ thuật phân tích nội tâm giờ đây không
đơn thuần dừng ở phân tích tâm trạng, tâm lý qua những đoạn đối thoại, độc thoại, miêu tả cảm
xúc mà sáng tạo nhiều kỹ thuật mới trên cơ sở vận dụng những lý thuyết tâm lý học hiện đại và
học tập, tiếp thu những sáng tạo nghệ thuật của tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Hai thủ pháp
quan trọng giúp khai thác hiệu quả thế giới tâm lý, tâm linh của con người đó chính là độc thoại
nội tâm và kỹ thuật “dòng ý thức”. Các kỹ thuật phân tích nội tâm ngày càng phong phú nhằm
khám phá một cách tinh vi, tinh tế thế giới bí ẩn bên trong con người, thông qua cả việc thăm dò,
giải mã thế giới vô thức, tiềm thức, giấc mơ Các tác phẩm tiêu biểu: Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai),
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh),
Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn (Nguyễn Bình Phương)…
Trên đây là phần trình bày khái quát về những thay đổi của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986.
Có thể nói, toàn bộ những thay đổi ấy xuất phát từ sự đổi mới quan niệm hiện thực: hiện thực
ngày càng phức tạp và con người cũng vô cùng phong phú, phức tạp. Đây cũng chính là tiền đề

quan trọng cho việc đưa yếu tố huyền ảo vào văn chương.
1.2. Khuynh hƣớng hiện thực huyền ảo trong văn học thế giới và Việt Nam
1.2.1. Trên thế giới
Đã có nhiều định nghĩa về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (magic realism), đa số đều gặp
nhau ở quan niệm coi đây là một khuynh hướng tự sự được đặc trưng bởi sự kết hợp giữa
những sự kiện có thật với những yếu tố kỳ ảo hoặc huyền thoại một cách tự nhiên, khó phân
định nhằm phản ánh trạng thái bản thể thời đại – những trạng thái bất an của hiện thực và bất
ổn của con người.
Có thể nói, sự khủng hoảng của chủ nghĩa duy lý trong cả đời sống xã hội lẫn văn học
châu Âu chính là tiền đề cho sự xuất hiện trở lại của cái huyền ảo trong sáng tác văn học vào
đầu thế kỉ XX. Song, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chỉ thật sự trở thành một xu hướng sáng
tác nổi bật trong văn học Mỹ Latinh vào những năm 60 của thế kỷ XX với hàng loạt các cây
bút tiêu biểu: Alejo Carpentier, Miguel Angle Asturias, Jorge Louis Borge… và đặc biệt là
Gabriel Garcia Marquez với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Trăm năm cô đơn. Trên cơ sở vừa kế
thừa các truyền thống văn học cổ điển của người Anh-điêng, vừa dung hợp các phương pháp
biểu hiện của huyền thoại và những khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa của nghệ thuật phương
Tây, các nhà văn Mỹ La tinh đã sáng tạo một khuynh hướng sáng tác mới được định danh là
chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Khuynh hướng này đã nhanh chóng lan rộng trong văn học thế
kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
1.2.2. Ở Việt Nam
Văn học kỳ ảo đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm. Ngay từ đầu thế kỷ XX, văn học
hiện đại đã ghi nhận tên tuổi một số cây bút đã sử dụng thành công yếu tố kỳ ảo trong sáng
tác của mình như Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Nhất Linh, Thế Lữ, Nam Cao… Song, do
hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước nên có một thời gian dài hình thức này bị gián
đoạn. Không khí cởi mở và sự đổi mới toàn diện của đời sống xã hội cũng như văn học
những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX đã tạo điều kiện cho sự tái xuất hiện của yếu tố
huyền ảo trong trong văn chương và đã thật sự bùng phát thành một khuynh hướng sáng tác
nổi bật: khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Khuynh hướng này được mở đầu bằng những
cây bút truyện ngắn xuất sắc như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp. Tiếp theo đó
xuất hiện rất nhiều tiểu thuyết viết theo khuynh hướng này: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh),

Bến không chồng (Dương Hướng), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Mẫu thượng ngàn (Nguyễn
Xuân Khánh), Người sông mê (Châu Diên), Thiên sứ (Phạm Thị Hoài)…
Bút pháp hiện thực huyền ảo được sử dụng ngày càng biến ảo, khó nắm bắt trong sáng tác
của những cây bút tiểu thuyết được định danh là làn sóng thứ ba như Tạ Duy Anh với Đi tìm
nhân vật, Thiên thần sám hối, Hồ Anh Thái với Cõi người rung chuông tận thế, Trần Nhã Thuỵ
với Sự trở lại của vết xước, Nguyễn Việt Hà với Cơ hội của Chúa, Thuận với T. mất tích… Trong
đó không thể không kể đến Nguyễn Bình Phương - người có ý thức rõ rệt trong việc sử dụng
yếu tố huyền ảo với mật độ dày đặc và xuyên suốt trong các tác phẩm của mình.
1.3. Hành trình sáng tác tiểu thuyết Nguyễn Bình Phƣơng
Nguyễn Bình Phương sáng tác từ rất trẻ. Năm 1986 anh đã xuất bản trường ca Khách của
trần gian, sau đó là các tập thơ Xa thân, Lam chướng cùng một số tiểu luận và truyện ngắn.
Song tên tuổi Nguyễn Bình Phương thật sự được biết đến khi anh bước sang sáng tác tiểu
thuyết. Trong khoảng 15 năm (từ 1991 đến 2006) anh đã cho ra đời 7 tiểu thuyết: Bả giời
(1991), Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994), Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ
(2004) và Ngồi (2006).
Dù có nhiều luồng đánh giá trái chiều, song về cơ bản các ý kiến đều thống nhất cho
rằng: tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có nhiều nỗ lực tìm tòi đổi mới, tạo được một sắc diện
riêng từ lối viết lạ và độc đáo. Sự kết hợp hoà quyện hai yếu tố hiện thực và huyền ảo là một
đặc điểm nổi bật trong bút pháp của Nguyễn Bình Phương. Tìm hiểu bút pháp Nguyễn Bình
Phương, luận văn chủ yếu tìm hiểu về cách viết, lối viết, những đặc điểm nổi bật tạo
thành phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Tuy có nhiều ý kiến đánh giá, nhận
định khác nhau về đặc điểm bút pháp, phong cách nghệ thuật Nguyễn Bình Phương, song
không thể không nhận thấy ở cả 7 tiểu thuyết của anh đều sử dụng đan quyện không thể
tách rời hai yếu tố hiện thực và huyền ảo ở các mức độ đậm nhạt khác nhau. Vì vậy có thể
thấy khuynh hướng hiện thực huyền ảo là đặc trưng cơ bản nhất trong các tiểu thuyết của
tác giả này.

Chƣơng 2
BÚT PHÁP HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
TRONG TỔ CHỨC TÁC PHẨM CỦA NGUYỄN BÌNH PHƢƠNG

2.1. Tổ chức không – thời gian tác phẩm
Nghệ thuật tổ chức không – thời gian tác phẩm của Nguyễn Bình Phương mang đặc trưng
rõ rệt của khuynh hướng hiện thực huyền ảo với những đặc điểm tương đồng trong mô hình
cấu trúc. Ở đó người ta nhận thấy dấu ấn đậm nét của nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện
đại, sự ảnh hưởng không nhỏ của những nhà văn lớn như F.Kafka, G.Marquez…, nhưng
người ta cũng nhận ra sự chi phối của văn hóa, triết học, mĩ học phương Đông và một không
khí sinh hoạt cộng đồng đậm bản sắc Việt.
2.1.1. Tổ chức không gian
2.1.1.1. Không gian hiện thực
Các không gian được lựa chọn làm bối cảnh triển khai cốt truyện trong tiểu thuyết của anh
đều rất thực với những địa danh cụ thể, hầu hết gắn liền với mảnh đất Thái Nguyên quê hương
anh như: Làng Phan, Linh Nham, Linh Sơn, Núi Rùng, núi Hột, bãi Nghiền Sàng, chùa Hang,
chùa Phù Liễn… Trong sáng tác của mình, Nguyễn Bình Phương kiến tạo hai loại hình không
gian cơ bản là làng và phố, trong đó không gian làng chiếm tỷ lệ đa số.
Mô hình làng Phan được xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết của Nguyễn Bình
Phương và thấm đẫm màu sắc phương Đông với cấu trúc không gian được kiến tạo dưới sự chi
phối của triết lý âm dương ngũ hành với đầy đủ các thành tố cơ bản của cấu trúc không gian vũ
trụ: kim – thủy – mộc – hỏa – thổ. Đó cũng là một hình ảnh làng xã đủ đầy các thành tố sông,
núi, chùa, miếu, ao, nhà, vườn… tạo nên một hình thái không gian trọn vẹn cả vật chất lẫn tinh
thần, cả nhận thức lẫn tâm linh. Hình ảnh ấy, vì thế vô cùng thân thuộc, gần gũi trong tâm thức
người Việt. Làng xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm: Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ chết già,
Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy.
Bên cạnh không gian làng, không gian phố cũng xuất hiện, tuy không nhiều, trong tiểu
thuyết của Nguyễn Bình Phương. Đó là những không gian phố huyện buồn vắng hay phố nhỏ
nơi thị xã, thị trấn trong Bả giời, Vào cõi, Người đi vắng. Nhưng rõ nhất là không gian phố
phường Hà Nội được khắc hoạ trong Trí nhớ suy tàn và Ngồi. Để tạo ấn tượng chân thực,
không gian phố cũng được gắn với những cái tên cụ thể, có thật ở Hà Nội, đó là Hàng Giầy,
Hàng Bông, Bà Triệu, Lý Thái Tổ… cùng với đó là Hồ Tây, Hồ Gươm, Núi Nùng, Bát
Tràng…
2.1.1.2. Sự đan quyện giữa không gian thực - ảo

Một trong những đặc trưng của nghệ thuật xây dựng không gian trong chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo là tạo ra sự đan quyện giữa không gian thực và ảo, đan xen giữa cái bình thường và
phi lý nhằm kiến tạo nên một thế giới nằm đâu đó giữa hiện thực và huyền ảo. Tương đồng với
cấu trúc ấy, sự hòa quyện giữa thực và ảo cũng là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật tổ chức
không – thời gian tác phẩm của Nguyễn Bình Phương. Nhà văn cũng lựa chọn điểm xuất phát
của bối cảnh truyện từ những không gian hiện thực rất gần gũi của cuộc sống, song điều đáng
nói chính là tính chất kì bí, huyền hoặc đã xâm nhập, thấm đẫm không gian hiện thực ấy. Tính
chất huyền ảo của không gian được tạo nên từ sự phá vỡ giới hạn không gian thông thường, mở
rộng chiều kích, biên độ không gian về phía phi thực hay mộng ảo.
Không gian cõi âm mang màu sắc huyền thoại đậm nét thông qua cấu trúc song hành thực -
ảo, âm - dương cùng thủ pháp đồng hiện được sử dụng xuyên suốt hầu hết các tác phẩm. Không
gian cõi âm gắn nhiều hơn với không gian làng ở các tiểu thuyết Bả giời, Vào cõi, Những đứa trẻ
chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy. Làng được xuất hiện trở lại nhiều lần trong các tác phẩm,
tạo nên tính chất huyền thoại cho truyện kể. Không gian làng gắn liền với một kho huyền sử
chứa đựng bao điều kì bí được tích tụ qua lời kể lưu truyền ngàn đời. Màu sắc huyền ảo của tác
phẩm được gợi lên từ những biểu tượng không gian mang ý nghĩa đạo giáo, tâm linh, hay triết
học phương Đông cổ điển. Không gian cõi âm luôn hiện diện song hành với không gian hiện thực
tạo thành tính chất mơ hồ, khó xác định cho các sự kiện và diễn biến câu chuyện.
Bên cạnh kiểu không gian hiện thực – tâm linh được tạo dựng từ sự giao hòa hai cõi âm –
dương ở trên, kiến trúc không gian của Nguyễn Bình Phương còn hướng đến kiểu không gian
hiện thực – tâm lý, với sự đan xen, xâm nhập thường xuyên của không gian hồi ức, giấc mơ vào
thế giới hiện thực. Không gian vì thế bị kéo giãn, mở rộng biên độ về phía vô thức. Nhân vật
thường xuyên đi về giữa hai không gian quá khứ - hiện tại. Nghệ thuật làm mờ, ảo hóa không
gian, cùng việc khơi sâu vào vùng không gian vô thức đã phủ lên không gian truyện một màu
sắc huyền ảo bàng bạc. Kiểu không gian này có mặt trong cả 7 tiểu thuyết và gắn liền với sự trở
lại của hồi ức, của quá khứ.
Cấu trúc không gian đa tầng, đa diện, phức tạp chồng chéo biểu hiện cách nhìn, quan niệm
của nhà văn về hiện thực và con người. Một thế giới hiện thực cả phần đời sống bên ngoài lẫn đời
sống tâm lý – tâm linh đều bộn bề, phức tạp, chất chứa dồn nén nhiều tầng, nhiều cõi, nhiều kiếp
với cả những điều khả tri lẫn bất khả tri không dễ gì nắm bắt.

2.1.2. Tổ chức thời gian
2.1.2.1. Thời gian hiện thực
Cấu trúc thời gian trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn song hành hai trục thời gian
thực và thời gian tâm lý, tâm linh. Các câu chuyện thường được bắt đầu bằng những mốc thời gian
chính xác. Và để tạo tính chân thực, tin cậy cho truyện kể, nhà văn đã sử dụng lối ghi chép thời gian
chính xác đến từng phút, giờ, ngày, tháng, năm. Cách khắc họa thời gian này có mặt ở hầu hết
các tác phẩm và càng về sau nhà văn càng có ý thức ghi chép thời gian chính xác, tỉ mỉ nhưng
không gợi ấn tượng hiện thực mà ngược lại càng tạo cảm giác mơ hồ bởi sự xóa nhòa các
đường viền lịch sử. Để tạo ấn tượng chân thực, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng hình thức
ghi chép theo lối nhật ký, (Trí nhớ suy tàn), hay nhại cách chép sử biên niên (Người đi vắng,
Những đứa trẻ chết già), nhưng lại phá vỡ cảm giác hiện thực của người đọc bằng nội dung
ghi chép có tính chất dị thường, kỳ ảo:
Bên cạnh đó, Nguyễn Bình Phương còn sử dụng rất nhiều các thời điểm, các khoảng thời
gian hiện thực như: sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày… nhiều nhất là thời điểm đêm.
2.1.2.2. Sự xâm nhập của thời gian huyền ảo vào thực tại
Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bình Phương xây dựng thời gian hiện thực huyền ảo
thông qua những thủ pháp phong phú như: mơ hồ hóa, ảo hóa thời gian hiện thực; mở rộng
chiều kích thời gian về phía phi thực, đồng hiện thời gian thực - ảo, âm – dương, vô thức – hữu
thức, hiện thực – giấc mơ; tẩy trắng hoặc chồng tầng nhiều lớp thời gian, tạo độ lệch lớn giữa
thời gian văn bản và thời gian truyện kể. Tương ứng với kiến tạo không gian, bên cạnh thời
gian hiện thực, Nguyễn Bình Phương còn sáng tạo thời gian cõi âm, thời gian giấc mơ, thời
gian ký ức, vô thức, tiềm thức, tâm lý, tâm linh…
Thời gian cõi âm trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương luôn song hành cùng thời gian
dương thế tạo thành hai lộ trình song song: hiện thực người sống và hiện thực người chết.
Thủ pháp đồng hiện thường xuyên được khai thác nhằm khắc họa những lớp thời gian chồng
chéo lên nhau trong một dòng thực tại mơ hồ, đầy dấu vết trầm tích thời gian. Dấu mốc thời
gian không quan trọng bởi thời gian dường như là sự tái điệp vĩnh viễn thông qua đồng hiện
đa kiếp.
Cấu trúc thời gian này thể hiện rõ đặc trưng của phương thức kết cấu thời gian trong chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo với việc xây dựng thời gian huyền thoại thông qua mô hình cấu trúc

không đầu không cuối, quay vòng để phát triển đến điểm tiếp tục quay vòng (Lê Huy Bắc),
tạo nên sự tái điệp, luân hồi vĩnh viễn. Cấu trúc này biểu hiện trong hầu hết các tiểu thuyết
như Bả giời, Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Ngồi.
Bên cạnh thời gian tâm linh được khắc họa gắn với cõi âm, tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương còn khắc họa thời gian tâm lý được tạo nên từ những giấc mơ, từ dòng chảy ý thức,
từ màn sương mờ ảo của vô thức, tiềm thức. Kiểu thời gian này gắn liền với ký ức, hoài niệm,
quá khứ. Các sự kiện không tiếp diễn tuyến tính theo trục thời gian biên niên mà thường
xuyên bị xáo trộn, chia cắt, ngoái lại. Thời gian không trôi chảy bên ngoài mà vận động bên
trong tâm lý, hồi ức nhân vật. Khắc họa tâm lý nhân vật, nhà văn thường xuyên sử dụng các
thủ pháp phân mảnh, cắt ghép, đồng hiện, quay ngược, sai trật niên biểu, sai lệch thời gian kể
với thời gian được kể… Kiểu thời gian tâm lý có mặt trong tất cả các tác phẩm nhưng rõ nét
hơn cả là trong Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy và Ngồi.
Bút pháp hiện thực huyền ảo trong tổ chức không – thời gian tác phẩm đã giúp nhà văn
xây dựng được một bức tranh hiện thực đa tầng diện.
2.2. Xây dựng kết cấu tiểu thuyết
2.2.1. Tính chất đa tuyến
Kết cấu tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương khước từ cấu trúc tuyến tính bằng việc bố trí
nhiều mạch truyện vừa song song, vừa xoắn kép, tạo thành kết cấu đa tuyến phức tạp, chồng
chéo. Tính đa tuyến là một đặc trưng nổi bật trong kết cấu của Nguyễn Bình Phương biểu
hiện trong cả 7 tiểu thuyết. Ở đó có thể khu biệt thành mô hình hai thế giới: Một tuyến kể về
những câu chuyện trong thế giới hiện thực và một tuyến là câu chuyện về thế giới phi thực,
huyền ảo, thế giới của cõi âm, cõi mơ, cõi điên, của vô thức, tiềm thức, ký ức… Tất nhiên sự
phân định chỉ có tính chất tương đối, bởi lẽ cái thế giới này tồn tại vừa song song, vừa đan
xen vào nhau và các nhân vật thì hiện diện ở nhiều cõi, kiếp. Vì thế, xây dựng kiểu kết cấu
này nhà văn cũng khai thác tối đa thủ pháp đồng hiện ở mọi cấp độ với sự đan xen hòa quyện
của hai yếu tố thực - ảo ở mọi góc độ.
Kết cấu đa tuyến đồng thời cũng đem đến tính chất đa giọng điệu, đa góc độ trần thuật.
Bằng việc xây dựng nhiều mạch truyện, Nguyễn Bình Phương đã tạo ra nhiều điểm nhìn soi
chiếu, nhiều cách kiến giải nhằm cung cấp cái nhìn đa chiều về cuộc sống.
2.2.2. Tính chất phân rã

2.2.2.1. Sự phân rã cốt truyện
Kết cấu phân rã là một đặc trưng của tiểu thuyết đương đại trên đường tìm tòi lối đi mới
nhằm hướng tới phá vỡ tính tuyến tính và cấu trúc đại tự sự trong tiểu thuyết truyền thống. Kết
cấu này được biểu hiện bằng việc đập vỡ các mảng văn bản trần thuật, thủ tiêu trật tự nhân quả,
xáo trộn và lắp ghép chồng chéo các mảnh vụn, phân mảnh và xé lẻ hiện thực, nhằm biểu đạt một
hiện thực hỗn độn, đổ nát. Cấu trúc phân mảnh tất yếu sẽ dẫn đến sự phân rã cốt truyện, khiến
cho cốt truyện trở nên lỏng lẻo, mơ hồ, khó tóm tắt, khó kể lại.
Sự phân rã cốt truyện được biểu hiện ở chỗ nhà văn không bao giờ đẩy câu chuyện đi đến
tận cùng và hoàn toàn để ngỏ hướng phát triển của cốt truyện. Tác phẩm thường có mở đầu mơ
hồ, hư ảo và kết thúc lửng lơ, thực chất là có khơi mào mà không có kết thúc. Nguyễn Bình
Phương không đi cắt nghĩa, lý giải đời sống mà chỉ muốn khắc họa những trạng thái, đưa ra
những đầu mối, những gợi mở về cuộc sống. Các tác phẩm biểu hiện rõ tính chất phân rã trong
cốt truyện: Vào cõi, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi…
2.2.2.2. Sự xâm nhập các thể loại vào kết cấu tiểu thuyết
Một xu hướng nổi bật trong tiểu thuyết đương đại, đó là nhằm đem lại nhiều tiếng nói khác
nhau trong tác phẩm, các nhà văn đã mở rộng trường nhìn bằng việc mở rộng cấu trúc thể loại,
dung nạp các thể loại khác nhau vào tiểu thuyết tạo ra sự co giãn cấu trúc. Điều này khiến cho
tiểu thuyết có thể chứa đựng trong nó các hình thức đa dạng: thư từ, nhật ký, thơ, âm nhạc, lịch
sử, báo chí…
Trong sáng tạo cấu trúc tiểu thuyết, hướng đầu tiên Nguyễn Bình Phương tìm đến là kết
cấu tiểu thuyết trong tiểu thuyết và đã tạo được dấu ấn riêng từ sự đan cài hai yếu tố hiện thực –
huyền ảo lồng trong cấu trúc từng tiểu thuyết. Các tác phẩm như Bả giời, Vào cõi, Những đứa
trẻ chết già, Người đi vắng biểu hiện rất rõ kiểu kết cấu này. Trong cả 7 tiểu thuyết của
Nguyễn Bình Phương, người ta đều nhận thấy sự xâm nhập của yếu tố thơ ca vào tác phẩm để
tạo thành kết cấu tiểu thuyết – thơ. Ngoài ra, người ta còn nói đến sự xâm nhập của yếu tố
lịch sử mang màu sắc huyền thoại để tạo thành kết cấu tiểu thuyết – huyền – sử trong Người
đi vắng; cấu trúc tiểu thuyết – nhật ký trong Trí nhớ suy tàn; Tiểu thuyết – kịch, tiểu thuyết –
điện ảnh trong Thoạt kỳ thủy hay tiểu thuyết – âm nhạc trong Ngồi…

Chƣơng 3

BÚT PHÁP HIỆN THỰC HUYỀN ẢO
TRONG XÂY DỰNG NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT
NGUYỄN BÌNH PHƢƠNG
Tiểu thuyết Việt Nam đương đại quan tâm đến số phận cá nhân, thân phận con người,
chú ý đi sâu khám phá đời sống tâm lý – tâm linh phức tạp bí ẩn của con người. Đó là tiền đề
để ngày càng xuất hiện nhiều chất liệu kỳ ảo tham gia vào quá trình xây dựng nhân vật.
Trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, bút pháp huyền ảo chi phối xây dựng nhân vật
thông qua các thủ pháp nghịch dị, lạ hóa, ảo hóa, sử dụng biểu tượng huyền thoại, xóa trắng
nhân vật… tạo thành một hệ thống nhân vật phong phú, độc đáo nhằm chuyển tải sâu sắc
những thông điệp đời sống.
3.1. Hệ thống nhân vật
3.1.1. Nhân vật huyễn hoặc
Đây là kiểu nhân vật đặc trưng của văn học hiện thực huyền ảo, từng được khắc họa rất
thành công trong sáng tác của các cây bút như Alejo Carpentier, Isabel Allende, Gabriel Garcia
Marquez, Toni Morrison.
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương có mặt những nhân vật hoang
đường ở các dạng như hồn ma, tiền kiếp, hậu kiếp, sự tái sinh của linh hồn chết… và càng
được làm dầy thêm bởi sự chồng chéo tầng tầng lớp lớp các kiếp, các giới trên cùng một trục
không - thời gian. Nhân vật huyễn hoặc có khi xuất hiện dưới dạng hồn ma, có khi hóa thân
trong con người bình thường, có lúc được mang tên gọi cụ thể rõ ràng, nhưng nhiều khi thì
chỉ là những hồi âm, vang vọng, những cái bóng hay những tiếng nói mơ hồ không xác định,
thậm chí nó ẩn hiện trong vô vàn cỏ cây, vật giới quanh ta. Tất cả tạo nên một không khí
huyễn hoặc vừa đậm đặc, vừa bàng bạc bao phủ lên câu chuyện. Kiểu nhân vật này xuất hiện
ngay từ tiểu thuyết đầu tay là Bả giời và có mặt nhiều nhất trong Những đứa trẻ chết già và
Người đi vắng.
3.1.2. Nhân vật dị thường
Tính chất nghịch dị, kỳ ảo là những yếu tố thường thấy trong thủ pháp xây dựng nhân vật
của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Song cái fantastic ở đây không phải được gợi lên từ những
yếu tố phi thường siêu nhiên, mà nó nằm ngay trong những cái đời thường, bình thường
nhưng đầy ắp những điều bất thường, kỳ ảo. Xây dựng kiểu nhân vật này, Nguyễn Bình

Phương một mặt phần nào chịu ảnh hưởng của những nhà văn phi lý như F.Kafka, A.Camus,
mặt khác lại rất gần với nhà văn hiện thực huyền ảo G.Marquez.
Kiểu nhân vật dị thường được nhà văn khai thác ở hai khía cạnh là dị thường ngoại hình và
dị thường tâm lý, nhằm hướng tới biểu đạt những nghịch lý của đời sống.
3.1.2.1. Dị thường về ngoại hình
Khắc họa ngoại hình nhân vật, Nguyễn Bình Phương thường cố tình tạo ra sự ám ảnh từ những
chi tiết dị hình có phần ma quái, được biểu hiện lặp đi lặp lại trong một tác phẩm, thậm chí trong
nhiều tác phẩm. Đây là một kiểu ảo hóa nhân vật, khiến nhân vật trở nên bí hiểm, kỳ ảo đối với
người đọc. Đó là Tượng với khả năng vẫy tai di truyền trong Bả giời, là Đông điên trong Vào cõi
với ngoại hình đến tâm lý đều dị thường, ma quái. Tập trung nhiều nhất kiểu nhân vật này là trong
Những đứa trẻ chết già bao gồm cả những nhân vật dị tật như Bào mù, Bồi què, những nhân vật
biến dạng ma quái khi chết như lão Hạng, lão Biền hay những đứa con của bà giáo mới sinh ra đã
mọc râu bạc trắng
3.1.2.2. Dị thường về tâm lý
Dị thường về tâm lý dẫn đến những biểu hiện bất thường, khó lý giải, thường được nhà
văn miêu tả như là sự chi phối của những thế lực huyền bí, mơ hồ. Dường như qua kiểu nhân
vật này, nhà văn muốn hướng tới phản ánh trạng thái bất an của bản thể, cái bất ổn của thời
đại với một hiện thực còn nhiều góc khuất tăm tối, u mê.
Ở kiểu nhân vật này Nguyễn Bình Phương khắc họa hai dạng: dạng dị thường có tính chất
bệnh lý với trạng thái điên vô thức và dạng dị thường tâm lý với nỗi ám ảnh sợ hãi đầy bí ẩn. Các
tác phẩm xuất hiện kiểu nhân vật này nhiều nhất là: Vào cõi, Những đứa trẻ chết già, Người đi
vắng, Thoạt kỳ thủy
3.1.3. Nhân vật đi vắng
Xây dựng kiểu nhân vật đi vắng, Nguyễn Bình Phương sử dụng những thủ pháp như xóa
trắng, mờ hóa nhân vật. Trong các tác phẩm, những nhân vật dị thường, huyền ảo, đi vắng,
biến mất là điều thường xuyên xuất hiện và không làm ai ngạc nhiên, băn khoăn. Cái phi lý,
bất thường được chấp nhận như là điều bình thường, hiển nhiên. Nhân vật đi vắng là kiểu
nhân vật thiếu hụt, vắng khuyết một phần nào đó, nhân vật không hoàn thiện, mơ hồ, khó xác
định. Nguyễn Bình Phương xây dựng hai loại nhân vật đi vắng với bản thân và nhân vật đi
vắng với cốt truyện.

3.1.3.1. Nhân vật đi vắng với bản thân
Đây là kiểu nhân vật trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm nhưng đi vắng với bản thân do sự
thiếu hụt về trạng thái tinh thần, cảm xúc hoặc nhân cách khiến nhân vật tồn tại mà như xa cách,
xa lạ với cuộc đời và với ngay chính bản thân mình. Kiểu nhân vật này phổ biến trong các sáng
tác của Nguyễn Bình Phương, nhất là trong những tiểu thuyết sau này như Người đi vắng, Trí
nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi. Có thể thấy những ảnh hưởng của các nhà văn phi lý, hiện sinh
tới cách xây dựng kiểu nhân vật này của Nguyễn Bình Phương, đặc biệt là F.Kafka và A.Camus.
Dường như Nguyễn Bình Phương đã sử dụng cả một motif Người xa lạ vào xây dựng kiểu nhân
vật đi vắng của mình.
3.1.3.2. Nhân vật đi vắng với cốt truyện
Loại nhân vật đi vắng với cốt truyện chiếm số lượng ít hơn so với loại thứ nhất và thường
xuất hiện thông qua lời kể hoặc ký ức của nhân vật khác, tham gia vào cốt truyện nhưng
không trực tiếp có mặt. Nhằm biểu đạt nỗi cô đơn, sự xa lạ hay thái độ không nhập cuộc của
con người, nhà văn thường sử dụng motif “biến mất”. Các tiểu thuyết của Phương thường
xuất hiện các hiện tượng mất tên, mất tiếng, mất tích… và nhiều nhất là hiện tượng những
nhân vật có mặt trong lời kể nhưng hoàn toàn đi vắng với cốt truyện. Kiểu nhân vật này phủ
lên tác phẩm một không khí huyền ảo, mơ hồ và đầy bí ẩn.
3.2. Những vấn đề của hiện thực
Nhân vật trong tác phẩm thực chất là sự khúc xạ hình ảnh con người và cuộc sống. Vì
vậy các nhân vật được xây dựng để chuyên chở các vấn đề của hiện thực. Tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương ám ảnh và day dứt không nguôi đối với người đọc về những vấn đề nhức nhối
của đời sống đương đại, trong đó nổi lên hàng đầu ba vấn đề lớn đó là: tha hóa, bạo lực và
đánh mất lòng tin.
3.2.1. Vấn đề tha hóa
Một trong những vấn đề nổi bật trong xã hội hiện đại đó là vấn đề tha hóa, đặc biệt là tha
hóa đạo đức. Sự tha hóa không chỉ diễn ra ở cấp độ cá nhân mà còn được khái quát bằng hình
tượng tập thể, như tha hóa gia đình, dòng họ, tha hóa cộng đồng.
Nói đến tha hóa đạo đức trước hết phải nói đến nhân vật trí thức, công chức thành thị -
những người chịu tác động trực tiếp và sâu sắc nhất từ mặt trái của đời sống hiện đại. Có thể
tìm thấy kiểu nhân vật này trong các tiểu thuyết Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Ngồi… Một

cảm nhận chung ở họ là cuộc sống và công việc tẻ nhạt, nhàm chán, đơn điệu. Họ sống dường
như không có mục đích, lý tưởng, không ý nghĩa. Ở cơ quan hầu như không thấy họ làm việc,
trong khi sôi sục và chiếm thời gian chủ yếu trong cuộc đời họ là những câu chuyện bên ngoài
công việc như: tán gẫu, nói xấu đồng nghiệp, đấu đá, chia bè lập phái, tranh quyền đoạt chức,
chơi bời phóng đãng…
Sự tha hóa ở nhân vật nông dân được khắc họa trong môi trường mà ở đó toát lên một không
khí tù đọng, u mê với những con người phần đông thất học, tăm tối, sống bản năng và đầy ham
muốn u tối. Qua những không gian làng nhỏ bé, những con người nhỏ bé này, người đọc thấy hiện
lên cả một hiện trạng xã hội đầy những nhức nhối, những vùng đau. Nguyễn Bình Phương đã dùng
những huyền thoại, yếu tố huyền ảo để diễn tả sự tha hóa bao trùm bầu khí quyển sống của con
người.
3.2.2. Vấn đề bạo lực
Bạo lực là vấn đề phổ biến trong hầu hết các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương: bạo
lực gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực giữa người với người, giữa con người với loài vật, thiên
nhiên môi trường… Tất cả được khắc họa trong những thế giới kỳ quái, đầy màu sắc huyền
ảo: khi thì đầy âm tính, ám ảnh chết chóc như trong Thoạt kỳ thủy, khi thì u mê, đầy ảo giác
như Vào cõi, lúc lại kỳ bí, phi lý như trong Những đứa trẻ chết già. Con người hiện lên với
phần bản năng, tội ác, phi nhân tính. Đề cập đến vấn đề bạo lực, tác phẩm gửi gắm những
thông điệp sâu sắc và đầy nhân văn: hãy cứu lấy phần người, cứu lấy con người bằng tình
người.
3.2.3. Vấn đề đánh mất lòng tin
Có một điều tưởng như là nghịch lý: con người càng hiện đại dường như càng quên mất
cách ứng xử và giao tiếp văn minh, con người càng ngày càng cô đơn trong một xã hội dư thừa
phương tiện vật chất. Sự phát triển hiện đại của khoa học công nghệ và mọi mặt đời sống không
tỷ lệ thuận với tình người. Xã hội càng hiện đại, sự hoài nghi và tâm trạng cô đơn của con
người càng lớn. Sự đổ vỡ những trật tự đời sống, sự thay đổi lệch chuẩn của hàng loạt giá trị,
guồng quay gấp gáp của cuộc sống hiện đại… tất cả đã đẩy con người rơi vào trạng thái căng
thẳng, mệt mỏi và hoang mang trong nỗi cô đơn cùng tận. Con người mất lòng tin vào cuộc
đời, mất liên lạc với đồng loại, bơ vơ trong chính ngôi nhà của mình, ngay giữa cộng đồng
mình. Hoài nghi tất cả, phủ nhận tất cả, mất lòng tin vào tất cả, con người loay hoay mỏi mệt

trên hành trình đi tìm ý nghĩa đời sống, ý nghĩa tồn tại của chính mình. Liệu con người có có
tìm thấy? Câu trả lời nhà văn vẫn còn bỏ ngỏ. Những cuộc hành trình của những nhân vật trong
tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương chắc chắn vẫn còn tiếp tục. Bởi nhân vật của anh “luôn
tiềm tàng một niềm tin đứng dậy”.
.
PHẦN KẾT LUẬN
Mặc dù xung quanh hiện tượng Nguyễn Bình Phương còn nhiều ý kiến, quan điểm đánh
giá khen, chê khác nhau và mặc dù tác phẩm của anh vẫn còn những điểm hạn chế (việc sử
dụng ngôn ngữ đôi khi có phần tục tằn, cách miêu tả tình dục đôi chỗ còn thái quá, các sử
dụng biểu tượng đôi lúc còn khiên cưỡng); nhưng sự kiên trì bền bỉ trong lối viết, sự thống
nhất trong khuynh hướng sáng tác cùng nhưunxg nỗ lực tìm tòi, cách tân tiểu thuyết của anh
thật sự đáng trân trọng. Mỗi tác phẩm của anh là một bức thông điệp đầy nhân văn về con
người và đời sống. Ở đó thể hiện một cái nhìn đa diện về hiện thực và tiếng nói đa âm về con
người.
Nguyễn Bình Phương, với một nội lực mạnh mẽ, một cảm quan nhạy bén, lại thêm bắt
gặp đúng dòng mạch đổi mới của thời đại, đã khẳng định được tên tuổi của mình bằng một
lối đi riêng, một phong cách nghệ thuật độc đáo trong nền văn học Việt Nam đương đại.
Nguyễn Bình Phương đã dũng cảm làm “người mở đường”, dám chấp nhận việc mình có thể
trở thành “vật hy sinh cho cái mới” để góp cho tiểu thuyết Việt Nam một hướng đi mới. Với
ý thức rõ rệt trong việc đưa yếu tố huyền ảo vào văn chương, Nguyễn Bình Phương đã khẳng
định khuynh hướng sáng tác mà mình lựa chọn: khuynh hướng hiện thực huyền ảo và trở
thành một gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng cho khuynh hướng này.


References

A. SÁCH TÁC PHẨM

1. Tạ Duy Anh (2004), Đi tìm nhân vật, Nxb Hội Nhà văn.
2. Tạ Duy Anh (2004), Thiên thần sám hối, Nxb Đà Nẵng.

3. Franz Kafka (2003), Tuyển tập tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn
(nhiều người dịch)
4. Gabriel Garcia Marquez (2004), Trăm năm cô đơn, Nxb Văn học.
(Nguyễn Trung Đức dịch)
5. Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, Nxb Hội Nhà văn.
6. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, Nxb Hội Nhà văn.
7. Haruki Murakami (2006), Kafka bên bờ biển, Nxb Hội Nhà văn
8. Haruki Murakami (2007), Rừng Nauy, Nxb Hội Nhà văn
9. Haruki Murakami (2008), Sau nửa đêm, Nxb Hội Nhà văn
10. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu Nxb Phụ nữ.
11. Phạm Thị Hoài (1995), Thiên sứ, Nxb Hội Nhà văn.
12. Nguyễn Xuân Khánh (2000), Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ.
13. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu Thượng ngàn, Nxb Phụ nữ.
14. Nguyễn Xuân Khánh (2012), Đội gạo lên chùa, Nxb Phụ nữ.
15. Bảo Ninh (2006), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn học
16. Nguyễn Bình Phương (2004), Bả giời, Nxb Quân đội nhân dân
17. Nguyễn Bình Phương (1996), Khách của trần gian, Nxb Văn học
18. Nguyễn Bình Phương (2006), Ngồi, Nxb Đà Nẵng
19. Nguyễn Bình Phương (2006), Người đi vắng, Nxb Phụ nữ
20. Nguyễn Bình Phương (2002), Những đứa trẻ chết già, Nxb Hội Nhà văn
21. Nguyễn Bình Phương (2005), Thoạt kỳ thủy, Nxb Văn học
22. Nguyễn Bình Phương (2004), Thơ, Nxb Thanh niên
23. Nguyễn Bình Phương (2006), Trí nhớ suy tàn, Nxb Văn học
24. Nguyễn Bình Phương (2001), Vào cõi, Nxb Thanh niên
25. Hồ Anh Thái (2004), Cõi người rung chuông tận thế, Nxb Đà Nẵng
26. Nguyễn Huy Thiệp (2007), Truyện ngắn, Nxb Văn hóa Sài Gòn
27. Thuận (2004), Chinatown, Nxb Đà Nẵng
28. Thuận (2005), Pari 11 tháng 8, Nxb Đà Nẵng
29. Thuận (2006), T mất tích, Nxb Hội Nhà văn
30. Trần Nhã Thụy (2007), Sự trở lại của vết xước, Nxb Thphố Hồ Chí Minh.

B. SÁCH LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH
31. Vũ Tuấn Anh (2001), Văn học Việt Nam – Nhận thức và thẩm định, Nxb Khoa
học Xã hội.
32. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
33. M.Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn
34. Lê Huy Bắc (2009), Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và Gabriel Garcia Marquez, Nxb
Giáo dục.
35. Lê Huy Bắc (2006), Nghệ thuật F.Kafka, Nxb Giáo dục
36. Lê Nguyên Cẩn(1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Banzac, Nxb Giáo dục
37. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học
Xã hội
38. Đặng Anh Đào, (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb
Đại học quốc gia Hà Nội
39. Phan Cự Đệ (chủ biên) (2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX – Những vấn đề lý luận và
lịch sử, Nxb Giáo dục
40. Phan Cự Đệ, (2001), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục
41. Hà Minh Đức (chủ biên) (2008), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục
42. E.M.Meletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch),
Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
43. E.N.Pospelov (2002), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục
44. Đào Duy Hiệp (2007), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục
45. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn
46. Nguyễn Thái Hòa (2000), Vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục
47. IU.M.Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá
Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
48. Phong Lê (1997), Văn học trên hành trình thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia
Hà Nội
49. Milan Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Đà Nẵng
50. Nhiều tác giả (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học Tây
Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

51. Nhiều tác giả (2002), Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn
52. Nhiều tác giả (1995), Những bậc thầy văn chương thế giới – tư tưởng và quan
niệm, Nxb Văn học.
53. Nhiều tác giả (1993), Số phận của tiểu thuyết, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh
54. Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục
55. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới
56. Nhiều tác giả (2004), Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội
57. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxh Văn hóa Thông tin
58. Bùi Việt Thắng (2005), Tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Nxb Quân đội nhân dân
59. Tzretan Todorov (2008), Dẫn luận văn chương kỳ ảo (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm
dịch), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội
60. Nguyễn Văn Tùng (2008), Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX,
Nxb Giáo dục
61. Phùng Văn Tửu (2010), Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, Nxb Tri thức
62. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết thi pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới, Nxb
Khoa học Xã hội.
C. TƯ LIỆU BÀI VIẾT
63. Tạ Duy Anh (1999), Tiểu thuyết – cái nhìn cuối thế kỷ, Báo Văn hóa, số 496.
64. Lại Nguyên Ân (1992), Thần thoại, văn học, văn học huyền thoại, Tạp chí Nghiên
cứu Văn học, số 53.
65. Lê Huy Bắc (2006), Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8.
66. Nguyễn Thị Bình (2007), Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 – Một cái nhìn khái quát, Tạp
chí Nghiên cứu Văn học, số 2.
67. Nguyễn Thị Bình(2005), Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam gần đây,
Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11.
68. Nguyễn Minh Châu(1987), Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa,
Báo Văn nghệm số 49-50.
69. Nguyễn Thị Phương Diệp (2007), Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương,
Khóa luận tốt nghiệp, Trường đại học KHXH&NV.
70. Nguyễn Thị Phương Diệp (2010), Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, Luận văn

thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
71. Đoàn Ánh Dương(2008), Nguyễn Bình Phương, “Lục đầu giang” tiểu thuyết, Tạp chí
Nghiên cứu Văn học, số 4.
72. Đặng Anh Đào (2006), Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện ngắn và tiểu thuyết Việt
Nam, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8.
73. Hoàng Cẩm Giang (2007), Cấu trúc thể loại tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI, Luận
văn thạc sĩ, Trường đại học KHXH&NV.
74. Nguyễn Thị Hảo (2010), Thời gian và không gian huyền thoại trong Trăm năm cô đơn
của Gabriel Garcia Marquez, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn.
75. Nguyễn Thị Thu Hiền (2007), Tiểu thuyết Việt Nam 5 năm đầu thế kỷ XXI, Luận văn
thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
76. Đào Duy Hiệp (2006), Cấu trúc cái kỳ ảo trong truyện ngắn Maupassant, Tạp chí
Văn học, số 9.
77. Nguyễn Kim Hoàn (2010), Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi
mới, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học KHXH&NV.
78. Nguyễn Phương Khánh (2008), Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết “Người
yêu dấu” của Toni Morrison, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn.
79. Lê Nguyên Long (2006), Về khái niệm cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo, Tạp chí Nghiên cứu
Văn học, số 9.
80. Lã Nguyên (2007), Văn học kỳ ảo: Nhìn từ hệ hình thế giới quan, Tạp chí Văn học
nước ngoài, số 6.
81. Trần Thị Mai Nhân (2007), Quan niệm về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam giai đoạn
1986 – 2000, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7.
82. Hồ Phương (1987), Đổi mới tư duy là yêu cầu tự thân, Tạp chí Văn nghệ, số 2.
83. Vũ Thị Phương (2008), Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
84. Nguyễn Ngọc Quân (2009), Đến Ngồi – một hành trình bền bỉ cách tân tiểu thuyết của
Nguyễn Bình Phương, Khóa luận tốt nghiệp, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân

văn.
85. Phạm Xuân Thạch (2008), Sự hình thành hệ thống thể loại tự sự nghệ thuật trong tiến
trình hiện đại hóa văn nghệ những năm đầu thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ, Trường đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn.
86. Tống Thị Thanh (2010), Những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh vào tiến trình đổi
mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn.
87. Bùi Việt Thắng (2006), Dòng tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam thời kỳ đổi
mới, Tạp chí Nhà văn, số 10.
88. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Thời của tiểu thuyết, Tạp chí Ngày nay, số 19.
89. Phạm Thị Trang (2007), Bước đầu tìm hiểu đặc trưng thể loại tiểu thuyết (qua hai tác
giả Tạ Duy Anh và Nguyễn Bình Phương), Khoá luận tốt nghiệp, Trường Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn.
90. Lê Dục Tú (2007), Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương đại, Tạp chí
Nghiên cứu Văn học, số 6.
91. Nguyễn Văn Tùng (2005), M.Kundera và quan niệm về tiểu thuyết, Tạp chí Nghiên cứu
Văn học, số 6.
92. Nguyễn Văn Tùng (2011), Quá trình vận động của lý luận về tiểu thuyết ở Việt Nam,
Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 7.
93. Phùng Văn Tửu (2006), Những đổi mới của văn học kỳ ảo thế kỷ XX, Tạp chí Văn học,
số 5.

D. TƯ LIỆU BÁO MẠNG
94. Nguyễn Thị Bình, Lại Nguyên Ân (Sưu tầm và biên soạn), Đời sống văn nghệ đầu thời
đổi mới, t/studies.info/
95. Nguyễn Thị Bình, Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại,

96. Chuyên đề, Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ, http:// www.tienve.org/
97. Ngô Thị Kim Cúc, Bay lên hay là chết?, http:// www.evan.com.vn/
98. Văn Giá, Thử nhận diện loại tiểu thuyết ngắn ở Việt Nam những năm gần đây,


99. Thu Hà, Nguyễn Bình Phương với thói quen quan sát người điên,
100. Trương Thị Ngọc Hân, Một số điểm nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương,

101. Nguyễn Chí Hoan, Những hành trình qua trống rỗng,
102. Nguyễn Chí Hoan, Cấp độ hiện thực và sự hão huyền của ý thức trong Thoạt kỳ thuỷ,

103. Nguyễn Mạnh Hùng, Người đi vắng, ai đọc Nguyễn Bình Phương hay nỗi cô đơn của
tiểu thuyết cuối thế kỷ,
104. Nguyễn Khải, Gặp gỡ cuối năm, .
105. Thuỵ Khuê, (Sóng từ trường II), Khuynh hướng hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết
Những đứa trẻ chết già,
106. Thuỵ Khuê, Những yếu tố của tiểu thuyết mới trong tác phẩm Trí nhớ suy tàn,

107. Thuỵ Khuê, Thế tĩnh toạ trong tác phẩm Ngồi của Nguyễn Bình Phương,

108. Thuỵ Khuê, Thoạt kỳ thuỷ trong vùng đất Cậm Cam hoang vu của Nguyễn Bình
Phương,
109. Thuỵ Khuê, Tính chất linh ảo âm dương trong tiểu thuyết Người đi vắng,

110. Nguyễn Ngà, Giới thiệu Ngồi,
111. Nguyễn Bình Phương, Giá như tiểu thuyết có những bước mạo hiểm, .
112. Đoàn Minh Tâm, Đặc trưng của bút pháp huyền ảo trong tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn
Bình Phương, htpp://www.talawas.org
113. Phạm Xuân Thạch, Tiểu thuyết như là trạng thái tìm kiếm ý nghĩa của đời sống,
o/PXThach_doc_NBPhuong.htm
114. Phạm Xuân Thach, Tiểu thuyết Việt Nam đương đại, suy nghĩ từ những tác phẩm mang
chủ đề lịch sử, .
115. Đoàn Cầm Thi, Người đàn bà nằm: từ Thiếu nữ ngủ ngày đọc Người đi vắng của
Nguyễn Bình Phương,

116. Đoàn Cầm Thi, Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên,
117. Bùi Thanh Truyền, Sự đổi mới của truyện có yếu tố kỳ ảo sau 1986,

118. Nguyễn Bích Thu, Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới,

119. Hoàng Nguyên Vũ, Một lối đi riêng của Nguyễn Bình Phương, .
120. Võ Văn, Về sự cách tân của tiểu thuyết,



×