Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

ĐÀO tạo đội NGŨ GIÁO VIÊN CHẤT LƯỢNG CAO THỰC TRẠNG và GIẢI PHÁP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (470.87 KB, 6 trang )

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN CHẤT LƯỢNG CAO
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
ThS. Nguyễn Thị Tĩnh
Trường Đại học Tây Nguyên
Tóm tắt: Trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện
nay, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo;
đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập
của nhân dân thì việc đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao trong các trường đại
học có ý nghĩa chiến lược, trở thành một mục tiêu dạy học.
Từ khóa: Đào tạo giáo viên chất lượng cao
Abstract: Nowdays, in the innovation of basic, comprehensive education and
training, to create fundamental change, strong in quality and efficiency of education
and training; better meet the construction, national defense and the learning needs of
the people, the training of high-quality teachers in the universities has strategic
significance, becoming a teaching target.
Key words: Training high-quality teachers
1. Mở đầu
Giáo dục và đào tạo giữ vai trò cốt tử đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy
giáo dục và đào tạo luôn được xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển
kinh tế -xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành
công chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, khi trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện
quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì các nước trên thế giới đều ý thức được
rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát
triển kinh tế, phát triển xã hội. Theo hiệp định GATS của Tổ chức thương mại thế giới
thì giáo dục đại học được coi là một loại dịch vụ. Các nước chậm phát triển muốn phát
triển nhanh phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư
cho phát triển. Chỉ có một chiến lược phát triển con người đúng đắn mới giúp các
nước phát triển hưng thịnh và bền vững.
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 trong xu


thế toàn cầu hóa hiện nay đồng nghĩa với việc phải đào tạo được nguồn nhân lực chất
lượng cao nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng đáp ứng các điều khoản của Hiệp

497


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

ước quốc tế. Trách nhiệm này thuộc về hệ thống giáo dục và đặc biệt là giáo dục đại
học, cao đẳng.
2. Nội dung
2.1. Vai trò của giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Câu thành ngữ “Không thầy đố
mày làm nên” và “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...
đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội và đức tính hiếu học của nhân
dân ta. Trong thời đại xây dựng xã hội học tập ngày nay, vai trò của người thầy lại
càng không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và phương
pháp, là tấm gương sáng đối với các thế hệ người học.
Bàn về người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, Lênin nhiều lần nhấn mạnh tất cả
nhiệm vụ nặng nề của nhà trường Xô viết chỉ có thể thực hiện tốt nếu có sự tham gia
của đội ngũ giáo viên. Người đánh giá cao vị trí xã hội, vai trò của người thầy giáo
trong sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Phải thay đổi vị trí xã hội của người giáo viên,
phải có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người thầy giáo thực hiện nhiệm
vụ của họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên trong xã
hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, vì nếu không có thầy giáo thì không
có giáo dục. Từ đó, Người chỉ rõ: vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là
phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu

nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh … Tổng bí thư Lê
Duẩn cũng cho rằng Đảng và nhân dân ta giao phó việc dạy dỗ con em mình cho các
giáo viên, cũng là phó thác cho họ sứ mệnh đào tạo thế hệ tương lai cho cả dân tộc ta.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh nghề dạy học là một nghề cao quí, là một nghề
sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo vì nó sáng tạo ra những con người sáng
tạo. Nhà thơ Ấn Độ Tago cũng đã khẳng định giáo dục một người thầy được cả một xã
hội.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí cao cả của người thầy,
Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII khẳng
định đội ngũ giáo viên giữ vai trò quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn
vinh. Những kinh nghiệm và lý luận trên cần được quán triệt sâu sắc trong công tác
đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Điều đó là thực sự cần thiết để có một định
hướng, một cách nhìn mới đối với việc đào đào và bồi dưỡng người thầy giáo trong xã
hội hiện nay.

498


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

2.2. Thực trạng và biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
2.2.1. Thực trạng của công tác đào tạo giáo viên phổ thông
Chất lượng đào tạo giáo viên phổ thông trong các trường đại học và cao đẳng đã
đạt được những thành quả bước đầu. Tuy vậy, chất lượng thực cũng là một vấn đề thực
sự cần quan tâm để có những định hướng chỉ đạo, những giải pháp cụ thể và kịp thời
nhằm thực hiện một cách có hiệu quả sự nghiệp giáo dục, đào tạo nói chung và hiệu
quả của công tác đào tạo giáo viên phổ thông nói riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, chương trình đào
tạo của các trường sư phạm hiện nay còn lạc hậu, cần phải bổ sung, thay đổi. Đặc biệt,
trong cấu trúc chương trình đào tạo ở các trường sư phạm chưa coi trọng việc rèn

luyện nghiệp vụ sư phạm, điều đó thể hiện qua số lượng tín chỉ thực hành chiếm tỉ lệ
thấp (chỉ 4,76%) trong tổng số tín chỉ toàn khóa [2]. Điều đáng nói là, các môn học
nghiệp vụ sư phạm rất thiên về lí thuyết, có phần tách rời với thực tế. Hiện nay, các
trường sư phạm cũng bắt đầu thay đổi thời lượng đào tạo chuyên về sư phạm từ 10%
đến 15% lên 25% đến 30% nhằm tăng cường năng lực giáo dục, phương pháp giảng
dạy, trải nghiệm thực tế cho sinh viên [4].
Một thực tế chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy là hiện nay phương pháp dạy học
được tập trung cho bộ môn phương pháp, còn các thầy cô dạy Sử dạy Sinh thì chỉ dạy
Sử dạy Sinh. Giảng viên ít tổ chức cho sinh viên seminar, ít nghiên cứu khoa học, ít
thực hành thực tập. Các thầy không có hồ sơ đánh giá sinh viên mà chỉ căn cứ vào bài
thi, bài kiểm tra thì làm sao phát triển năng lực sinh viên sư phạm. Đặc biệt là làm sao
để sinh viên sư phạm có hình mẫu để tổ chức những hoạt động đó cho học sinh trong
trường phổ thông.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban
chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và đào tạo, đáp
ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang chỉ đạo các
đề án, dự án trong giáo dục phổ thông từng bước tổng kết rút kinh nghiệm các cải tiến,
các giải pháp mới để bổ sung vào chương trình đào tạo sinh viên mới của trường sư
phạm. Các trường sư phạm cũng đã bắt đầu vào cuộc, tìm hiểu chương trình, sách giáo
khoa, tập huấn về yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thông qua quá
trình tiếp cận, các trường hiểu hơn và bắt đầu quan tâm chuyển mục tiêu đào tạo chủ yếu
từ cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực của sinh viên. Các trường sư phạm phải

499


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI


tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tăng cường năng lực đào tạo; khuyến khích hoạt động
theo tinh thần sinh viên tự học, sinh viên và giảng viên nghiên cứu khoa học giáo dục.
2.2.2. Biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
2.2.2.1. Phát triển đội ngũ giảng viên đại học đạt chuẩn hóa
Việc đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì giảng viên là nhân tố quyết
định đến chất lượng của giáo dục. Ở đây vấn đề giảng viên được đặt ra dưới góc độ
năng lực, phẩm chất, điều kiện sống, điều kiện làm việc, quan niệm của xã hội đối với
nghề dạy học. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới khẳng định như Mỹ,
Anh, Nhật Bản, Singapore, New Zealand. Ở Việt Nam còn tương đối mới mẻ, cần
được nghiên cứu về lý luận và thực tiễn để có cơ sở định hướng “Xây dựng đội ngũ
giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức
và lương tâm nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn cao, phong cách giảng dạy và quản
lý tiên tiến; đến năm 2020 có ít nhất 60% giảng viên đạt trình độ thạc sĩ và 35% đạt
trình độ tiến sĩ” [5].
Để có thể phát triển được đội ngũ giảng viên, điều cần được xác định là xây dựng
một bộ năng lực tối thiểu cần thiết cho giảng viên. Ngoài những tiêu chuẩn về mặt đạo
đức và chính trị, một giảng viên giỏi là một giảng viên có năng lực chuyên môn cao nắm
bắt được những phát triển mới nhất trong học thuật cũng như trong thực tiễn chuyên
môn của mình; có năng lực giảng dạy phù hợp với lĩnh vực chuyên môn sâu của mình;
có năng lực nghiên cứu sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Trên cơ sở bộ năng
lực này, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ của mình bằng
cách kết hợp các loại hình đào tạo khác nhau để phát triển đội ngũ của mình.
Có những chính sách đặc biệt để khuyến khích nghề dạy học. Nghiên cứu, đề
xuất chính sách tiền lương nhằm khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
trong ngành giáo dục và đào tạo: mức lương nhà giáo được hưởng trong hệ thống
thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng;
phụ cấp thâm niên nghề nghiệp tính cho thời gian trực tiếp giảng dạy. Xây dựng cơ
chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên,
giảng viên trẻ.

2.2.2.2.

Đổi mới nội dung chương trình đào tạo giáo viên

Đổi mới chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực. Với nhiệm vụ
này, các trường sẽ phải rà soát, hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới chú
trọng việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục đạo đức, lối
sống và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn

500


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Vinh Hiển đề nghị các trường sư phạm cần tăng lượng đào tạo nghiệp vụ lên khoảng
35-40% chương trình đào tạo như: sinh viên được rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ở
trường phổ thông.
Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng chương trình đào tạo trên cơ
sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sử
dụng thống nhất trong toàn quốc. Đáp ứng yêu cầu về chất lượng đào tạo và nhân lực
của từng ngành, nghề, địa phương, toàn xã hội. Trong xây dựng nội dung chương trình
đào tạo phải đảm bảo được ba khối kiến thức: một là, khối kiến thức đại cương của
ngành; hai là, khối kiến thức có tính hệ thống xuyên suốt của ngành; ba là, khối kiến
thức chuyên ngành có tính chuyên sâu tương ứng với các môn học ở trường phổ thông.
Khối kiến thức thứ ba là quan trọng nhất cần đặc biệt chú trọng để người học có được
những tri thức về ngành một cách chuyên sâu và hệ thống.
Xây dựng một cách tường minh hệ thống kiến thức mà người giáo viên tương lai
cần chiếm lĩnh trong suốt quá trình đào tạo. Tùy theo mục tiêu đào tạo giáo viên cụ thể
của từng ngành học mà xác định được hệ thống kiến thức cơ bản cả về lý thuyết và
thực hành. Hệ thống kiến thức này phải cập nhật được những thành tựu và tiến bộ của

khoa học – công nghệ, văn hoá - xã hội... Đối với nghề dạy học, phải thoát ra khỏi quỹ
đạo quen thuộc là chỉ cần chăm lo đào tạo giáo viên môn học, chỉ tập trung vào việc
trang bị kiến thức và kỹ năng dạy học về một vài môn học trong trường phổ thông.
Phải đảm bảo cho người giáo viên được đào tạo theo quan điểm nhân văn, vừa là
người dạy, vừa là nhà giáo dục.
2.2.2.3.

Giáo viên phổ thông dạy học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Giảng viên cung cấp được cho sinh viên các tri thức về nghiệp vụ sư phạm nhưng
không phải ai cũng có thể dạy mẫu được cho sinh viên. Điều này không khó hiểu bởi
giảng viên các trường sư phạm hầu như chưa tham gia dạy học tại các trường phổ
thông nên họ thiếu kinh nghiệm thực tế phổ thông, không nắm vững môi trường sư
phạm ở trường phổ thông và những đổi mới giáo dục phổ thông, do vậy kiến thức kĩ
năng để trang bị cho sinh viên chưa tương ứng.
Các trường sư phạm cần thực hiện mô hình mời giáo viên phổ thông dạy học
phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Sự tiên phong này sẽ mang đến những hiệu ứng
tích cực cho công tác đào tạo giáo viên. Mô hình này sẽ tạo ra môi trường thi đua, phát
huy tinh thần tự học, sáng tạo và cầu tiến của sinh viên và giảng viên dạy phương
pháp. Giúp giảng viên và sinh viên nhận ra được những sự khác nhau về kiến thức
sách vở với thực tế ở các trường phổ thông như thế nào.

501


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Với vai trò là môn học mũi nhọn của ngành sư phạm. Với những trải nghiệm

thực tế được miêu tả lại thông qua đội ngũ giáo viên phổ thông khi dạy rèn luyện
nghiệp vụ sư phạm chắc chắn sẽ có được những thay đổi, bức phá trong chương trình
đào tạo và phương pháp giảng dạy của các bộ môn, từng bước xóa bỏ lối mòn trong
đào tạo nhằm tạo ra nguồn lực đáp ứng theo nhu cầu thực tiễn của xã hội.
3. Kết luận
Đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao của các trường đại học và cao đẳng
hiện nay có thể gọi là một cuộc cách mạng riêng của ngành giáo dục. Một cuộc cách
mạng không thể đến từ bên ngoài, mà nó phải do ý muốn và quyết tâm thực hiện của
những người trong cuộc. Nhà trường nơi đào tạo ra đội ngũ giáo viên chất lượng cao
phải đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, đây là khâu đầu tiên
trong quy trình thực hiện của công tác đào tạo. Tiếp đến là các cơ quan ban ngành
cùng tham gia trong công tác này chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp cùng thực hiện. Thực hiện
được đồng bộ, liên tục theo đúng quy trình với các giải pháp nêu trên, chúng tôi thiết
nghĩ sẽ phục vụ tích cực cho công tác đào tạo đội ngũ giáo viên chất lượng cao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị Quyết Hội
nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Văn phòng Trung
ương Đảng, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Thị Bình (2013), “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông”, Đề tài khoa học.
[3]. Nguyễn Vinh Hiển (2015), “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý
và giáo viên phổ thông trong các cơ sở đào tạo giáo viên”, Hội thảo khoa học của
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[4]. Nguyễn Vinh Hiển, “Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo”, Báo nhân dân
điện tử, ngày 20/11/2014.
[5]. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về
“đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020”.
[6]. Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ
về “Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam giai đoạn 2011-2020”.


502



×