Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (332.15 KB, 24 trang )

1

Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc
Tử và Huy Cận : / Nguyễn Thị Yến ; Nghd. :
PGS.TS. Trần Khánh Thành . - H. : ĐHKHXH &
NV, 2009 . - 71 tr. + CD-ROM
1. Lý do chọn đề tài
Tôn giáo là một một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, ra đời sớm và có
ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân loại. Đã từ lâu, tôn giáo và
nghệ thuật có mối quan hệ gắn bó và thâm nhập lẫn nhau, đôi khi thật khó phân
biệt đâu là tác phẩm văn học và đâu là giáo lý của tôn giáo. Tôn giáo là đề tài hấp
dẫn và là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ, nhà văn. Nhiều kiệt tác nghệ
thuật thế giới hướng về đề tài tôn giáo. Tôn giáo là vùng lãnh địa hấp dẫn để các
nhà thơ, nhà văn thể hiện khao khát tột cùng của mình về cái đẹp và về miền bí ẩn
khuất lấp trong tâm hồn con người, góp phần hướng con người vươn tới cái thiện.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo
khá mật thiết. Thời kì trung đại, văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng khá đậm
của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Đặc biệt thời Lý -Trần, Phật giáo chi phối
rất sâu rộng đề tài, cảm hứng văn học, tạo nên dấu ấn đặc sắc trong tiến trình
văn học Việt Nam.
Bước sang thời kỳ hiện đại, cùng với sự giao lưu văn hóa Đông – Tây,
mối quan hệ giữa văn học và tôn giáo có thêm nhiều sắc thái mới. Bên cạnh
sự ảnh hưởng qua lại giữa văn học và các tôn giáo truyền thống phương
Đông, lại có thêm sự ảnh hưởng không kém phần mạnh mẽ của Thiên Chúa
giáo được truyền bá từ phương Tây trong thế kỷ XIX vào đầu thế kỷ XX.
Những nguồn ảnh hưởng qua lại đó được thể hiện khá tập trung ở thơ Hàn
Mặc Tử và Huy Cận. Dù màu sắc và mức độ khác nhau nhưng Hàn Mặc Tử
và Huy Cận đều sử dụng khá nhiều chất liệu tôn giáo và lấy cảm hứng tôn
giáo để sáng tạo những thi phẩm độc đáo, tạo nên một thế giới nghệ thuật hấp



2
dẫn, đầy không khí thiêng liêng. Đó chính là lý do thôi thúc chúng tôi chọn
Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận làm đề tài
luận văn thạc sĩ, xem đó như là một hướng để khám phá và nghiên cứu thế
giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử và Huy Cận.
2. Lịch sử vấn đề
2.1 Hàn Mặc Tử
Năm 1987, khi Nhà xuất bản Văn học ấn hành Tuyển tập Hàn Mặc Tử
nhà thơ Chế Lan Viên viết lời giới thiệu có cái nhan đề khá độc đáo: Hàn Mặc
Tử, anh là ai? Cho đến bây giờ giới nghiên cứu dù tốn biết bao giấy mực
cũng chưa thể trả lời cho thật thấu đáo câu hỏi “Hàn Mặc Tử, anh là ai?”. Hàn
Mặc Tử là một tài năng lớn, độc đáo với một hồn thơ mãnh liệt mà kì dị. Thơ
ông có cảnh quê, tình quê nồng nàn, rạo rực và có cả cảnh máu cuồng, hồn
điên rất kinh dị. Hàn Mặc Tử tự nhận mình là “thi sĩ của đội quân thánh giá”,
khơi mạch thơ ở Đức Chúa trời. Chính cảm hứng và chất liệu tôn giáo đã góp
phần tạo nên một thế giới thơ độc đáo nhưng cho đến nay vẫn chưa có công
trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về cảm hứng và chất liệu tôn giáo
trong thơ Hàn Mặc Tử.
Nhìn tổng quan, lịch sử nghiên cứu Hàn Mặc Tử có ba giai đoạn lớn
với những mốc thời gian tương đối xác định: Một là trước 1945, hai là từ
1945-1987, ba là từ 1987 đến nay.
Trước 1945, hầu hết là những ý kiến thiên về khẳng định, đề cao tài
năng Hàn Mặc Tử ở những công trình như Thi nhân Viêt Nam của Hoài
Thanh - Hoài Chân, Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, nhất là công trình
Hàn Mặc Tử, thân thế và thi văn của Trần Thanh Mại và những bài báo khác
đều ca ngợi tên tuổi của Hàn Mặc Tử như một vì sao chổi lạ xoẹt ngang bầu
trời thi ca Việt Nam.


3

Từ 1945-1987, việc nghiên cứu Hàn Mặc Tử hình thành hai khu vực
phía Bắc và phía Nam. Phía Bắc do điều kiện chiến tranh và quan điểm nhìn
nhận còn khắt khe nên việc khẳng định còn dè dặt và chật hẹp. Trong khi đó ở
phía Nam lại có phần thái quá trong việc đề cao thơ Hàn Mặc Tử.
Từ 1987 đến nay, không khí đổi mới đã giải phóng tư duy, khơi nguồn
sáng tạo cho các nhà phê bình nghiên cứu văn học, việc đánh giá các hiện
tượng văn học trong quá khứ cởi mở và khách quan hơn. Nhiều nhà Thơ mới
đã được nhìn nhận theo một tinh thần mới. Lần đầu tiên Tuyển tập thơ Hàn
Mặc Tử được ấn hành trên toàn quốc. Nhà thơ Chế Lan Viên đánh giá rất cao
người bạn thơ cùng trường phái với mình. Từ đây, việc nghiên cứu Hàn Mặc
Tử lại trở nên hưng thịnh hơn bao giờ hết. Thơ Hàn Mặc Tử được đưa vào
giảng dạy ở trường phổ thông như một trong những gương mặt sáng giá nhất
của phong trào Thơ mới, được đưa vào giảng dạy ở Đại học như một tác gia
của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ văn Hàn Mặc Tử được tái bản nhiều lần.
Những công trình nghiên cứu, sưu tầm, hồi ký, chuyên khảo, chuyên luận,
bình giảng về tác phẩm của Hàn Mặc Tử lần lượt ra đời. Các nhà nghiên cứu
đã tìm tòi, khám phá ngày càng sâu sắc hơn về những di sản tinh thần của
Hàn Mặc Tử, có một số nhà nghiên cứu đã tìm đến miền linh thiêng, bí ẩn
trong thơ ông. Tiêu biểu là các bài: Ảnh hưởng Đạo phật trong thơ Hàn Mặc
Tử (Quách Tấn), Hàn Mặc Tử với đức tin, Đạo và đời trong thơ Hàn Mặc Tử
(Yến Lan). Những bài viết này bước đầu đã phân tích mối quan hệ giữa tôn
giáo và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử, tạo những điểm
tựa quan trọng để tác giả thực hiện luận văn này. Yếu tố tôn giáo trong thơ
Hàn Mặc Tử là điều dễ nhận thấy. Nhưng ảnh hưởng của nó thuộc những
phương diện nào trong thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử? Thuộc phạm trù
tình cảm (Đức tin tôn giáo?) hay tư duy nghệ thuật (Tư duy tôn giáo)? Và tôn
giáo ở Hàn Mặc Tử chỉ thuần là Công giáo hay gồm cả Phật giáo? Từ những


4

câu hỏi đó người viết có thể tìm câu trả lời trong khi đến với thế giới nghệ
thuật thơ Hàn Mặc Tử
2.2 Huy Cận
Huy Cận đã đi qua một chặng đường thơ dài hơn nửa thế kỷ. Thời kỳ
nào thơ Huy Cận cũng thu hút được sự chú ý của giới phê bình, nghiên cứu
và đông đảo bạn đọc. Đến nay đã có hơn 100 bài tiểu luận, chuyên luận về thơ
Huy Cận ở nhiều góc độ khác nhau, từ một bài thơ, một chặng đường sáng tác
hay một đặc điểm nổi trội, một nguồn cảm hứng lớn cho đến những công trình
có tính chất hệ thống và khái quát hơn trên góc độ thi pháp, thế giới nghệ
thuật thơ Huy Cận.
Các nhà thơ, các nhà phê bình nghiên cứu văn học như Xuân Diệu, Vũ
Ngọc Phan, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Trương Chính, Lê Đình Kỵ, Trinh
Đường, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn
Văn Long, Trần Khánh Thành, Trần Đình Sử, Vũ Quần Phương, Đỗ Lai
Thúy...đều có những bài tiểu luận, chuyên luận sâu sắc về Huy Cận. Các tác
giả đều trân trọng những đóng góp của Huy Cận trên cả hai chặng đường thơ,
trước và sau cách mạng. Nhiều ý kiến đã lý giải được quá trình vận động cảm
hứng sáng tạo của Huy Cận qua các tập thơ, phác thảo được những nét đặc
sắc phong cách thơ Huy Cận về tình yêu sự sống, nỗi khắc khoải không gian,
giọng điệu trầm lắng,… những tiểu luận đánh giá phê bình này được tập hợp
lại khá đầy đủ trong hai công trình: Huy Cận đời và thơ - Trần Khánh Thành
tuyển chọn và giới thiệu [31]; Huy Cận về tác gia và tác phẩm - Trần Khánh
Thành, Lê Dục Tú tuyển chọn và giới thiệu [32].
Nhìn chung lịch sử nghiên cứu thơ Huy Cận có thể thấy chia làm hai
giai đoạn, trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám: Năm 1940, tập thơ Lửa thiêng
của Huy Cận ra mắt bạn đọc cùng với lời giới thiệu hết sức nhiệt thành của


5

nhà thơ Xuân Diệu. Với tâm hồn nhạy cảm, với sự thấu hiểu của một tri âm tri
kỉ, Xuân Diệu đã chỉ ra được những nỗi niềm của Huy Cận trong thơ. Nỗi
buồn nhân thế, tình cảm yêu đời tha thiết, khả năng lắng nghe linh hồn trời đất
của Huy Cận đã được Xuân Diệu lý giải thuyết phục. Trong Thi Nhân Việt
Nam, Hoài Thanh đã chỉ ra một nét nổi trội trong hồn thơ Huy Cận: “Có lẽ thi
nhân trong cuộc viễn du đã có lần nhác thấy cái xa thẳm của thời gian và
không gian, có lẽ người đã nghe trong hồn hơi gió lạnh buốt từ vô cùng đưa
đến” [30]. Như vậy, bên cạnh việc đánh giá Huy Cận như một tiếng thơ tiêu
biểu, đặc sắc của phong trào Thơ mới, các nhà phê bình nghiên đã chỉ ra được
một số đặc điểm trong cảm quan nghệ thuật của Huy Cận, bước đầu đã nhận
ra cõi thiêng liêng, cổ kính, thanh cao trong Lửa thiêng
Sau Cách mạng Tháng Tám, Huy Cận cho ra đời nhiều tập thơ: Trời
mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Hai bàn tay em, Những năm
60, Chiến trường gần đến chiến trường xa, Ngày hằng sống ngày hằng thơ,…
đã thu hút được sự chú ý của đông đảo giới phê bình nghiên cứu. Hàng loạt
các bài báo, tiểu luận đã kịp thời khẳng định những thành quả mới của Huy
Cận. Các tác giả đều chủ yếu tâp trung đi sâu vào những đổi mới cơ bản, tích
cực trong hồn và trong thơ Huy Cận sau cách mạng. Có hai chuyên luận khá
công phu về toàn bộ sự nghiệp thơ của Huy Cận. Đó là Thế giới thơ Huy Cận
(1987) của Xuân Diệu và Thi pháp thơ Huy Cận (2002) của Trần Khánh
Thành. Trong Thi pháp thơ Huy Cận, Trần Khánh Thành đã phân tích quan
niệm của Huy Cận về phần hồn của con người trong cuộc sống và trong cõi
trời xưa cõi biếc. Trong nhiều tiểu luận viết về thơ Huy Cận, chúng tôi đặc
biệt lưu tâm đến hai tiểu luận: Ngọn lửa thiêng trong đời và trong thơ của Hà
Minh Đức và Huy Cận, sự khắc khoải không gian của Đỗ Lai Thúy. Giáo sư
Hà Minh Đức tuy còn dè dặt nhưng bước đầu đã đặt vấn đề “Phải chăng Huy


6
Cận đã chịu ảnh hưởng của một tôn giáo nào để rồi hình dung ra bên cạnh cõi

đời là một địa ngục hay thiên đường?’’ Còn Đỗ Lai Thúy cắt nghĩa nỗi khắc
khoải không gian trong Lửa thiêng là niềm tâm sự của kẻ mất Thiên đường.
Ông đã chỉ ra ảnh hưởng của Thiên chúa giáo trong nhiều bài thơ của Huy
Cận. Đây cũng là những gợi mở cần thiết để tác giả tìm hiểu cảm hứng và
chất liệu tôn giáo trong thơ Huy Cận.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là cảm hứng và chất liệu tôn
giáo được thể hiện trong thơ Hàn Mặc Tử và thơ Huy Cận.
* Phạm vi nghiên cứu: Tất cả các tác phẩm thơ viết về tôn giáo và có
liên quan đến tôn giáo trong thơ của Hàn Mặc Tử và Huy Cận.
4 .Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp hệ thống
Để chỉ ra những nét đặc trưng, khác lạ về Tôn giáo trong thơ Hàn Mặc
Tử và thơ Huy Cận. Coi thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử và thơ
Huy Cận như một chỉnh thể thống nhất, là một thế giới tinh thần của thi sĩ.
Trong đó tôn giáo đóng vai trò như thế nào trong sáng tạo nghệ thuật?
4.2. Phương pháp khảo sát thống kê
Nhằm chứng minh thế giới thơ Hàn Mặc Tử dày đặc những cảm hứng
và niềm tin tôn giáo chúng tôi tiến hành thống kê những bài thơ có liên quan
đến tôn giáo để tiến hành khảo sát tìm ra những đặc điểm riêng trong thế giới
nghệ thuật của hai tác giả.
4.3. Phương pháp phân tích, so sánh


7
Để thấy được cái riêng, cái nổi bật, đặc trưng trong thơ Hàn Mặc Tử so
với Huy Cận và so với các tác giả khác cùng thời (1930-1945). Từ đó thấy
được giá trị, chỗ đứng của niêm tin tôn giáo trong cuộc sống và trong sáng
tạo nghệ thuật của nhà thơ.
5. Kết cấu của luận văn

Gồm phần mở đầu, ba chương, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo.
Chương 1: Tôn giáo và mối quan hệ giữa tôn giáo và nghệ thuật
Chương 2: Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử
Chương 3: Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Huy Cận


8

Chương 1

TÔN GIÁO VÀ CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG VĂN HỌC
1.1. Giới thuyết chung về tôn giáo
1.1.1. Tôn giáo và nguồn gốc của tôn giáo
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, nguồn gốc
nhận thức chỉ là tiền đề làm nảy sinh hiện tượng tôn giáo, chính nguồn gốc xã
hội, sự bất lực của con người trong các hoạt động thực tiễn cải tạo xã hội mới là
nguồn gốc cơ bản, chủ yếu nhất tạo nên tôn giáo.
Trong thực tế, những nguồn gốc dẫn đến sự ra đời, tồn tại của tôn giáo
luôn quan hệ chặt chẽ, thành một thể thống nhất không tách rời nhau. Song vai
trò của chúng không ngang bằng nhau. Vai trò đó phụ thuộc vào điều kiện lịch
sử cụ thể. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào, nguồn gốc xã hội,
vẫn là cơ bản, chủ yếu nhất. Nó quyết định xu hướng, nội dung, hình thức, tồn
tại phát triển của nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc tâm lý; quyết định sự ra đời
của tôn giáo. Ngược lại, nguồn gốc nhận thức, nguồn gốc tâm lý cũng tác động
trở lại rất to lớn đến sự hình thành, phát triển của tôn giáo và góp phần làm sâu
sắc, phong phú hơn nguồn gốc xã hội.
1.1.2. Bản chất của tôn giáo
Từ tư tưởng của các nhà kinh điển có thể khẳng định, bản chất tôn giáo là
sự phản ánh hư ảo thế giới khách quan vào trong đầu óc những con người chưa
tìm thấy mình, hoặc tự đánh mất mình một lần nữa.

Như vậy, nội dung phản ánh của tôn giáo luôn luôn là sự thống nhất giữa
cái hư và cái thực, trong đó cái hư ảo, cái bịa đặt chiếm tỉ trọng tuyệt đối, giữ vai
trò chủ đạo, lấn át, che lấp hầu như toàn bộ cái thực. Cái thực, được hiện ra như
một nhu cầu được bù đắp tình cảm, lý trí và sức mạnh để vươn tới cuộc sống ấm
no, hạnh phúc; một khát vọng thoát ra và phản kháng lại cái xã hội buộc con


9
người sinh ra tôn giáo, cần đến tôn giáo. Tuy bị suy biến, bị phủ định và chiếm
một tỉ lệ vô cùng nhỏ, song không bao giờ cái thực mất đi hoàn toàn, nó vẫn là
điều kiện, tiền đề cho sự tồn tại của cái ảo, của tôn giáo. Đúng như Phoiơbắc đã
viết: "Trong tôn giáo, ngoài ảo tưởng ra, mặt thực tế tìm tòi cái tốt hơn tìm sự che
chở, sự giúp đỡ là cực kỳ quan trọng" [20, tr. 63] . Hơn nữa, toàn bộ quá trình ra
đời, tồn tại, vận động, phát triển của tôn giáo cũng như các hoạt động tôn giáo
vừa là sự biểu hiện, vừa là quá trình giải quyết mâu thuẫn giữa cái hư và cái thực.
1.2. Cảm hứng tôn giáo trong văn học
Không phải ngẫu nhiên, không phải chỉ kinh thánh mà kinh Coran, kinh
veda đều là những kiệt tác văn học. Đạo đức, triết học, tôn giáo và nghệ thuật
là những đối tượng thuộc thượng tầng kiến trúc, từ lâu đã có mối quan hệ mật
thiết và qua lại. Đạo đức, nhất là triết học tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật,
nhưng Tôn giáo lại gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật theo một con đường riêng.
Triết học dù có sâu sắc bao nhiêu, đạo đức dù có cao cả đến đâu, cũng là
nhằm giải thích thế giới hoặc hướng đạo cuộc sống thực tại. Còn tôn giáo bao
giờ cũng hướng về một thế giới khác, cho nên nó dễ bắt gặp tính chất lý tưởng
vươn lên trên thực tế của nghệ thuật. Feurerbach đã có một nhận xét khá sâu
sắc: Tôn giáo là thơ, người ta có thể nói như vậy bởi vì lòng tin bằng sản
phẩm của tưởng tượng.
Văn học chân chính bao giờ cũng hướng con người vươn tới cái đẹp,
cái thiện, làm cho con người càng ngày càng hoàn thiện hơn. Nghệ thuật ra
đời trong thời kỳ bình minh của lịch sử nhân loại. Xuất phát từ nhu cầu lao

động và nhận thức thế giới, xuất phát từ nhu cầu giao tiếp tư tưởng tình cảm,
nghệ thuật đã hình thành và phát triển không ngừng. Khi tư duy của con
người phát triển, nền nghệ thuật phát triển đến trình độ cao thì tác phẩm nghệ
thuật trở thành món ăn tinh thần cho con người.


10
Văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống của con người nơi
trần thế, nơi con người sống với ngổn ngang những suy tư dằn vặt, với
những niềm vui, nỗi buồn, nơi con người có sinh thành, phát triển và có già
cỗi, mất đi, nơi những kiếp người có sinh có diệt. Văn học nghệ thuật
không bao giờ thoát li đời sống. Nó lấy chất liệu từ đời sống phong phú
phức tạp rồi sàng lọc qua quá trình sáng tạo của nhà văn để xây nên những
hình tượng nghệ thuật.
Khác với nghệ thuật, Tôn giáo là hình thức phủ nhận thực tại, là cuộc
trốn chạy hiện thực đời sống trần thế. Tôn giáo hướng con người đến thế giới
thiêng liêng cao cả, nơi trú ngụ của thần thánh cao sang, bất diệt. Thế giới của
Tôn giáo là thế giới được xây bằng trí tưởng tượng, xây bằng niềm mơ ước
thánh thiện. Đó là thế giới có sự sống vĩnh cửu, nơi đó là tâm hồn con người
sẽ được thanh thản, bình yên trong sự cưu mang của Đấng tối cao.
Nghệ thuật và Tôn giáo là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau. Bản
chất của Tôn giáo và nghệ thuật không giống nhau, nhưng hai hình thái ý thức
ấy lại có những điểm gặp gỡ, giao thoa nhất định. Điểm hội tụ ấy chính là
những miền bí ẩn nơi tâm hồn con người, là khao khát đền bù những hạn chế,
thiếu hụt trong đời sống con người ở thực tại.
Chính vì thế mà đã từ lâu Tôn giáo đã trở thành để tài hấp dẫn cho nghệ
thuật. Không riêng gì văn học, ở lĩnh vực nhạc, họa, điêu khắc cũng có khá
nhiều tác phẩm nổi tiếng hướng vào đề tài Tôn giáo. Không chỉ là đề tài mà
Tôn giáo còn trở thành nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ….
Thơ là hiện thực cuộc sống được kết tinh, là sự thể hiện con người và

thời đại một cách cao đẹp. Thơ không nói chuyện đời mà còn nói đến chuyện
đạo, thơ không chỉ phản ánh các mối quan hệ tình cảm giữa người và người
mà còn phản ánh ý thức của con người và giới tự nhiên. Thơ phản ánh biểu


11
hiện con người xã hội nhưng cũng phản ánh con người tâm linh.Tôn giáo đã
mượn hình thức nghệ thuật để chuyển tải nội dung giáo lý, đức tin của mình.
Vì vậy ở một số nhà thơ cảm hứng Tôn giáo thâm nhập vào nội dung
cảm hứng thơ ca, trong đó có thi sỹ Hàn Mặc Tử và Huy Cận.
Thơ của 2 thi sỹ này vừa phản ánh cuộc đời nơi trần thế vừa phản ánh thế
giới tâm linh con người ở miền cực lạc. Có điểm giao thoa giữa tôn giáo và nghệ
thuật trong hai nhà thơ này, có điều mức độ đậm nhạt khác nhau. Một người là
con chiên ngoan đạo, được mệnh danh là “thi sỹ của đạo quân thánh giá” nói thứ
tiếng của Tôn giáo mình, còn người kia là kẻ ngoại đạo (Huy Cận) có cái nhìn
của người ngoài cuộc.Nhưng nếu như Tôn giáo là nguồn cảm hứng vô tận đối
với Hàn Mặc Tử để tác giả trải niềm đau thì nó lại là chất liệu sống động và hữu
hiệu nhất để Huy Cận từ tôn giáo nói đên cuộc đời.
Tôn giáo mà hai nhà thơ này hướng tới không phải là giáo phái nào
khác mà chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Đây là hai trong số những
Tôn giáo lớn nhất trên thế giới và có hệ thống tín đồ đông đảo.
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công
nguyên với truyện cổ tích Chử Đồng Tử học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Luy
Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trị sở của quận Giao Chỉ sớm trở thành trung
tâm Phật giáo quan trọng. Các truyền thuyết về Thạch Quang Phật và Man
Nương Phật Mẫu xuất hiện cùng với sự giảng đạo của Khâu Đà La (Ksudra)
trong khoảng các năm 168-189.
Do tiếp thu Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ nên từ Buddha (bậc giác ngộ)
được phiên âm trực tiếp thành "Bụt", từ "Bụt" được dùng nhiều trong các truyện
dân gian. Phật giáo Việt Nam lúc ấy mang màu sắc của Tiểu thừa, Bụt được coi

như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Sau này, vào thế
kỷ thứ 4-5, do ảnh hưởng của Đại thừa đến từ Trung Quốc mà từ "Bụt" bị mất đi


12
và được thay thế bởi từ "Phật". Trong tiếng Hán, từ Buddha được phiên âm
thành "Phật đà", "Phật đồ" rồi được rút gọn thành "Phật".
Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lý, nhà
Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất
cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là
quốc giáo và Phật giáo đi vào giai đoạn suy thoái. Đến đầu thế kỷ 17, vua
Quang Trung cố gắng chấn hưng đạo Phật, chỉnh đốn xây chùa, nhưng vì mất
sớm nên việc này không có nhiều kết quả. Đến thế kỷ 20, mặc dù ảnh hưởng
mạnh của quá trình Âu hóa, Phật giáo Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ khởi
đầu từ các đô thị miền Nam với các đóng góp quan trọng của các nhà sư
Khánh Hòa và Thiện Chiếu.
Thành tựu lớn nhất của Phật giáo là đã tìm ra Tứ diệu đế: Đạo Phật
quan niệm cuộc đời là bể khổ(Khổ đế), tất cả mọi ham muốn của con người
không đạt được đều khổ. Nguyên nhân sinh ra khổ là ái dục và vô minh (Tập
đế). Đạo Phật còn chỉ ra con đường để thoát khỏi khổ đau đấy chính là Diệt
đế. Họ cho rằng sở dĩ con người rơi vào vòng đau khổ chính là có nhiều ham
muốn. Do vậy phải tìm cách diệt mọi ham muốn thì con người mới thoát khỏi
vòng luân hồi của bể khổ. Đạo đế chính là con đường tu luyện để thoát khỏi
vòng luân hồi ấy.
Ngày nay, nhìn vào đời sống văn hoá của xã hội Việt Nam ta có thể thấy
các tôn giáo, nhất là hai tôn giáo lớn là Phật giao và Thiên chúa giáo đã và đang
để lại những dấu ấn văn hóa sâu sắc không chỉ trong thơ văn mà còn cả trong
hội hoạ, điêu khắc…. Ngày nay, bên cạnh sự phát triển ngày một lớn mạnh của
kiến trúc hiện đại, Việt Nam vẫn phục hồi kiến trúc cổ xưa, qua việc tu sửa lại
nhàthờ, đền, chùa, miếu mạo, những danh lam thắng cảnh.



13
Chương 2

CẢM HỨNG TÔN GIÁO TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ
2.1. Hàn Mặc Tử - Một con chiên ngoan đạo mà bất hạnh
(Thuýêt trình)
2.2. Từ cảm hứng thơ đến cảm hứng tôn giáo trong thơ là sự khao
khát vươn đến cái tột cùng của Hàn Mặc Tử
2.2.1. Cảm hứng trong thơ
Cảm hứng trong thơ là cảm hứng sáng tạo nghệ thuật ở giây phút hứng
khởi mãnh liệt nhất, đó là thời điểm mà Hoàng Trung Thông nói: “ Sức sống
bên trong đã tích tụ, ấp ủ lên men sáng tạo, thời điểm mà ngọn lửa thơ ca
bùng cháy” [24, tr.49]. Nghĩa là tác phẩm thường ra đời một cách tức thì, bất
ngờ, không định trước, khi cảm hứng xuất hiện. Tuy vậy, vẫn có những bài
thơ được viết bằng ý chí, bằng suy tư trí tuệ thuần tuý mà không có, không
cần cảm hứng, nhưng ít khi thành công và càng không thể trở thành kiệt tác.
Sự xuất hiện của cảm hứng thơ tưởng như là ngẫu nhiên, nhưng thực
ra, sự

ngẫu nhiên đó lại hàm ẩn một lý do tất yếu bên trong. Nicôlai

Ôxtơrôpxki, người viết Thép đã tôi thế đấy nói: “Tôi chỉ tin một điều rằng
cảm hứng được sản sinh ra từ trong lao động. Nhà văn cũng nên như kiến
nghị của tôi: thành thực công tác, vô luận thời tiết như thế nào, vì lao động đó
là thầy thuốc tốt nhất cho mọi cảm hứng” [24, tr.49].
2.2.2. Cảm hứng tôn giáo trong thơ
Cảm hứng nghệ thuật là cảm hứng gắn với cái đẹp. Còn cảm hứng tôn
giáo là tiếng nói của một vùng tâm hồn dành một đức tin trung thành với sự

tồn tại của một lực lượng siêu nhiên tới sự hiện sinh của con người. Những
nguồn cảm hứng luôn được hình thành và phát triển trong tâm hồn đan xen
lẫn nhau và tất nhiên có sự tác động lẫn nhau. Tôn giáo và văn học nghệ thuật


14
là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau nhưng đều có nguồn gốc xã hội rất
lâu đời và đều có sự tác động lớn đến con người.
Tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Không biết tự bao giờ, con người đã đi vào cái thế giới khác lạ với cõi trần
gian này bằng cả một cuộc hành trình đầy bí ẩn của cõi tâm linh. Nơi ấy có sự
vĩnh hằng, có sự uy nghiêm của đấng tối cao, nơi ấy có ánh sáng lung linh
huyền ảo, nơi ấy có sự linh thiêng huyền bí có thể cứu rỗi tâm hồn con người.
Con người đến với tôn giáo cũng là quá trình tự cắt nghĩa về bản thân mình,
kiếp người với sự sống và cái chết, giữa quá khứ và tương lai, giữa hữu hạn
và vô hạn, giữa sự bất biến và khả biến luôn luôn làm cho con người phải trăn
trở và suy nghĩ. Tôn giáo tồn tại trong đời sống tâm linh của con người, nó
như một dòng chảy, một luồng suy tưởng, nó là cái gì đó vừa mơ hồ, vừa hiện
hữu. Nó có sự “thiên biến vạn hoá” và cần vươn lên một cái đích, không phải
là sự ngự trị, chiếm hữu tâm hồn mà nâng tâm hồn con người lên cao.
Tôn giáo cũng được xây dựng bằng những cảm xúc mãnh liệt và bay
bổng. Nếu không có sự tưởng tượng phong phú thì không thể có tích hay đến
thế. Vì vậy, ở một số nhà thơ, cảm hứng tôn giáo đã thâm nhập vào nội dung
cảm hứng thơ ca. Tago ở Ấnn Độ là một ví dụ, và còn nhiều nhà thơ khác đã
thành công trong việc lồng ghép, giao thoa cảm hứng tôn giáo và cảm hứng
thơ để cho ra đời những tác phẩm sẽ còn sống mãi với thời gian, tất nhiên,
trong số đó có Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử trước khi là thi sỹ đã là một con
chiên ngoan đạo của Chúa. Thơ Hàn Mặc Tử vừa phản ánh cuộc đời trần thế,
vừa phản ánh thế giới vô biên cực lạc, vừa phản ánh cái hữu hình của cuộc
sống con người, vừa phản ánh cái vô hình của cuộc sống tâm linh và Đấng

siêu linh, ở thơ ông có sự giao thoa giữa tôn giáo và nghệ thuật. Hay nói cách
khác, cảm hứng tôn giáo và cảm hứng nghệ thuật đã gặp gỡ nhau trong tâm
hồn Hàn Mặc Tử.


15
2.2.3. Sự khao khát đến cái tột cùng của Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử là thi sĩ luôn khao khát tột cùng, tột độ. Điều đấy thể hiện
trước hết ở quan niệm thơ. “Nguyện suốt đời đi tìm sự lạ”, đó là chí hướng
bao trùm của Hàn Mặc Tử khi dấn thân vào con đường nghệ thuật. Chí hướng
này được bộc lộ trong bài Nghệ thuật là gì. Chí hướng như một động lực
ngầm ẩn mà kiên trinh ấy cứ khiến Hàn suốt đời mải miết đi theo tiếng gọi ở
chốn xa xăm, thiêng liêng, huyền bí làm rung động cõi lòng. Suốt đời cứ nhất
định đòi hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa, nghĩa là tìm đến thứ thơ cao siêu
hơn hết thảy - thứ thơ tuyệt đối. Và suốt đời quyết đi đến cõi ước mơ hoàn
toàn, nghĩa là một cõi giới lý tưởng tuyệt đối. Mà bao trùm lên tất cả chí
hướng ấy đã quyết định quan niệm của Hàn Mặc tử về người thi sĩ: Thi sĩ là
người khao khát vô tận, khao khát tột cùng. Như thế, đối với Hàn Mặc Tử, từ
trong nguyên bản, một thi sĩ chân chính phải là: Thứ nhất, kẻ mang trong
mình niềm khao khát vô giới hạn; thứ hai, người say mê cái lạ, săn tìm cái lạ.
Tựu chung cả hai đều hướng tới cái tột cùng.
Ở Hàn Mặc Tử, mọi thứ đều có thể được đẩy lên đến tột cùng: Từ quan niệm
thơ, việc làm thơ, hình tượng thơ cho đến cảm xúc thơ. Thơ là phương thức giải
thoát, là hình thái thăng hoa của thi sĩ. Thơ là lời nguyện cầu cứu chuộc, thơ cũng là
hy vọng cứu rỗi. Thơ là vẻ đẹp, thơ cũng là vẻ thiêng. Hàn Mặc Tử đã sống cho thơ
và cũng chết cho thơ. Đối với thi sĩ, thơ thực sự là là một lẽ huyền nhiệm tột cùng
của tồn tại, của sáng tạo và của giải thoát. Do đó, khao khát cái tột cùng vừa là quan
niệm mỹ học nhưng cũng vừa là tín niệm tôn giáo của Hàn Mặc Tử.
2.3. Thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới tôn giáo sống động nhiều màu sắc
Yếu tố tôn giáo có mặt rất đậm nét trong thơ Hàn Mặc Tử là thực tế

không thể bác bỏ. Đọc Hàn Mặc Tử, người ta “vấp” ngay phải vấn đề tôn
giáo. Tuy nhiên việc nhận diện thì hết sức phân hoá. Dựa hẳn vào con người
công giáo của thi sĩ, nhiều người đã mặc nhiên coi Hàn Mặc Tử là “nhà thơ


16
công giáo” tức là chỉ thừa nhận yếu tố Kitô giáo mà thôi. Một số khác khách
quan hơn, khoa học hơn đã dựa vào các chất liệu Kitô giáo đã từng phổ biến
trong Kinh thánh, từ Đức bà Maria đến đấng chí tôn để kết luận Hàn Mặc Tử
là “nhà thơ Công giáo”. Rõ ràng, ảnh hưởng rất đậm của Thiên Chúa giáo
trong thơ Hàn Mặc Tử cũng là thực tế khó bác bỏ.
Như vậy, trong thơ Hàn Mặc Tử, Đạo chính là nguồn cảm hứng bất tận để
làm giàu thêm cho thơ anh. Không chỉ Đạo thiên chúa mà ngay cả đạo Phật đều
là nguồn an ủi vô bờ mỗi khi tác giả bị đau về thể xác và tinh thần. Như phần
trên đã nói, phần độc đáo, sáng láng nhất của tâm hồn Ông chính là anh đã đưa
thơ lên đỉnh cao mới - Một tôn giáo riêng mình để rồi tôn sùng chiêm bái như
một con chiên ngoan đạo. Chính vì vậy mà đã có thứ thơ cầu nguyện ra dời. Hàn
Mặc Tử đi vào tôn giáo chính là ham muốn làm giàu đẹp thêm cho thơ mình chứ
không phải để truyền bá giáo lý tôn giáo. Quách Tấn đã có lý khi viết: “Tử là
một nhà thơ – ông viết – đi vào vườn hoa tôn giáo chỉ để tìm hương phấn về
ướp cùng hương thơ đó thôi” [11, tr.41]. Như thế, có thể thấy những vang bóng
của thế giới Phục sinh Khải huyền, thế giới cực lạc Quốc độ, nhữg thế giới
Huyền diệu mà Hàn Mặc Tử dày công xây cất ở đây chỉ là “cõi thanh tịnh của
lòng” mà thôi. Khác với “chốn nước non thanh tú” và “trời sâu” là sự phản ánh
thế giới thực tại, là ý thức về một thực tại hiện hữu, “Thế giới Huyền diệu” là thế
giới của “Mơ ước hoàn toàn”, cho nên Hàn Mặc tử phải chưng cất những gì là
tinh tuý, tinh anh của thực tại để sáng tạo, và nếu không đủ dùng, ông phải vay
mượn những vật liệu có sẵn của Đạo giáo, Phật giáo, đặc biệt là của Thiên chúa
giáo – giáo phái mà ông vốn là một con chiên, là điều dễ hiểu. Hàn Mặc Tử như
một vườn hoa đậm sắc thơm hương của tôn giáo cùng chung tiếng nói hướng về

cõi đẹp, cõi thanh tịnh của lòng, của tâm vô lượng.


17
2.4. Đức tin là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và sáng tạo
nghệ thuật của Hàn Mặc Tử
Hẳn những ai đã từng được đọc thơ Hàn Mặc Tử sẽ thấy rằng đức tin là
yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật của nhà
thơ. Nó như nguồn sống, nguồn đạo hạnh, là hơi thở mãnh liệt luôn chảy
trong huyết mạch của tác giả. Trần Thanh Mai đã nói, đức tin “đã có ảnh
hưởng tốt đẹp đối với chàng”. Quách Tấn lại nói: Tử tìm được niềm an ủi lớn
nhất trong nguồn Đạo. Khi đã sống cùng Đạo thì tâm hồn Tử hết bị day dứt
giày vò. Chính nhà thơ đã kể lại một ngày bênh tật của mình: Lại đọc kinh, lại
ngâm thơ, lại làm thơ, lại nhớ, lại nằm. Buổi tối khi ăn xong, cũng vừa đi
bách bộ vừa ngâm thơ một cách xung xướng nhất đời. Cả ngày chỉ ngâm thơ
và đọc kinh là nhiều hơn cả. Ngày nào cũng như ngày ấy, không thấy buồn
lắm, và ngày nào cũng mong mỏi một cái gì…
Đối với Hàn Mặc Tử, thơ là Đạo và Đạo là thơ. Thơ đã đạt tới Đạo và
Đạo để đi tới thơ. Hoặc, như Hoài Thanh đã nhận xét chí lý: “Thơ chẳng những
để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng đế” [30, tr.211].
Không thể nghĩ giản đơn rằng khi Hàn Mặc Tử mắc bạo bệnh, nhận thấy tình thế
của mình không còn cơ hội quay về trần giới nữa, thi sĩ đã dồn toàn bộ tình yêu
của mình về phía tôn giáo, hướng thơ ca về phía Đạo. Bệnh trạng có một ảnh
hưởng không thể chối cãi được đối với tâm lý và sáng tác Hàn Mặc Tử. Những
lúc bi quan, Tử có tìm đến nguồn Đạo của mình mong kiếm tìm một sự cứu rỗi.
Tình cảm tôn giáo khi ấy thật mãnh liệt. Nếu klhông có niềm tin thhiêng liêng
vào Đức mẹ Maria, vào đấng cứu thế, có lẽ Hàn Mặc Tử đã không thể tiếp tục
sáng tác trong lúc cơn bệnh hành hạ đau xé ruột gan. Càng đau đớn, càng nghĩ
đến việc chia lìa trần giới, Tử vẫn thiết tha với cuộc sống, với tình yêu, với hạnh
phúc trần thế. Niềm thiết tha rất nhân văn này cũng là một phương cách cứu rỗi

không kém đối với sự sống của Người. Có một điểm gặp nhau rất màu nhiệm


18
trong Hàn Mặc Tử để rồi sản sinh ra những bông hoa sáng tạo tuyệt vơi. Cùng
lúc tác giả vừa khao khát cái đẹp vĩnh cữu của thơ ca vừa khao khát chốn thiêng
đầy quyền uy của Đức Chúa:
Hàn Mặc Tử đã có niềm tin tuyệt đối vào thơ và Đức Mẹ Maria. Niềm
tin ấy vừa là điều kiện vừa là bản chất sống và sáng tạo trong Hàn Mặc Tử.
Nếu không có đức tin ấy, Hàn Mặc Tử không thể chống lại sự đau đớn về thể
xác, suy sụp về tinh thần mỗi khi lâm trọng bệnh. Chả thế mà càng giai đoạn
cuối đời, Hàn Mặc tử sáng tác càng mãnh liệt. Tiếng thơ giai đoạn cuối đời là
tiếng thơ trong trẻo, bí ẩn và khao khát hướng về cõi sống nhất:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
(Đây thôn Vĩ dạ)
“Tối nay” là một hiện tại ngắn ngủi. Trăng nếu về kịp sẽ giải thoát nỗi đau
thương trong Hàn Mặc Tử. “Có chở trăng về kịp tối nay” là một câu hỏi lớn, cũng
là khao khát mãnh liệt hướng về cõi sống, cõi sáng của Hàn Mặc Tử. “Thuyền ai
đậu bến sông trăng đó” vừa là câu hỏi nhân tình nhưng cũng vừa là câu hỏi nhân
sinh gọi về sự sống. “Tối nay” thôi, có thể về “kịp” không? Chữ “kịp” là tiếng nói
của sự khẩn cầu, khẩn cấp. Đây là tiếng gọi sự sống tối thiểu trong hiện tại ngắn
ngủi, tối nay chứ không phải một tối bất kỳ nào khác. Ngay trong lúc sự sống còn
tối thiểu thì Hàn Mặc Tử vẫn còn đức tin và hy vọng tối đa vào cõi sống, vầng
sáng thanh khiết. Như vậy, thêm một lần nữa có thể khẳng định đức tin vừa là
điều kiện vừa là bản chất của sự sống trong Hàn Mặc Tử. Đây là yếu tố không thể
thiếu trong cuộc sống và trong sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ.


19

Chương 3

CẢM HỨNG VÀ CHẤT LIỆU TÔN GIÁO
TRONG THƠ HUY CẬN
3.1. Huy Cận nhà thơ của tình đời và niềm khát vọng sự sống vĩnh hằng
3.1.1. Vài nét về cuộc đời Huy Cận
3.1.2. Hành trình sáng tạo thơ của Huy Cận
Bài thơ đầu tiên, Chiều xa của Huy Cận được đăng trên báo Ngày nay,
số Tết năm 1938. Từ đó thơ Huy Cận liên tục được đăng tải trên các báo và
đến cuối năm 1940 tập thơ Lửa thiêng ra đời. Với Lửa thiêng, vị trí của Huy
Cận được khẳng định một cách chắc chắn trên thi đàn, ông trở thành một
trong những nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ mới. Bên cạnh mạch sầu
vạn kỷ chảy man mác trong suốt tập thơ, người đọc vẫn nhận ra ngọn lửa
thiêng của tâm linh huyền diệu soi sáng, hướng con người vươn tới chốn
thanh cao. Sau Lửa thiêng, Huy Cận viết tiếp Vũ trụ ca. Những thi phẩm
trong tập thơ này mang một mục đích tinh thần rõ nét: Vui chung vũ trụ/
Nguôi sầu nhân gian. (Triều nhạc). Để vượt thoát cuộc đời buồn bã và tù túng
Huy Cận đã đến với vũ trụ để tiêu dao. Có lẽ tư tưởng của Trang Tử có ảnh
hưởng không nhỏ đến Huy Cận trong hành trình sáng tác Vũ trụ ca.
Sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua chín năm kháng chiến chống Pháp,
khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, hồn thơ Huy Cận lại tái sinh mãnh liệt.
Cảm quan vũ trụ và tình người tình đời lại được khơi nguồn trong hiện thực cuộc
đời mới. Lần lượt nhiều tập thơ của Huy Cận ra đời đều đặn: Trời mỗi ngày lại
sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Những năm 60 (1968),
Chiến trờng gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ
(1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978), Hạt lại gieo (1984). Chim làm ra gió (1991),
Ta về với biển (1997).


20

3.2. Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Huy Cận trước Cách
mạng Tháng Tám
3.2.1. Niềm tâm sự của kẻ mất thiên đường
Quan niệm về con người cá nhân trong thế giới nghệ thuật thơ Huy
Cận trước Cách mạng Tháng Tám là con người bị mất thiên đường, bị cắt ra
khỏi vũ trụ, bị đày xuống “Xứ hờ” và từ đó bơ vơ lạc lõng giữa chốn trần
gian. Con người trong thế giới nghệ thuật Lửa thiêng được hình dung như một
sinh linh gồm 3 thực thể vừa thống nhất, vừa phân hoá: Linh hồn, tấm lòng và
thân thể. Thân thể là thực thể hữu hạn trong không gian, thời gian, chỉ tồn tại
nơi trần thế, là “Bình thịt xương để chứa đựng linh hồn”. Tấm lòng là thực
thể vô hình luôn gắn liền với thân thể, tồn tại cùng thân thể, là tâm tư tình
cảm của con người. Trong khi thân thể và tấm lòng là hữu hạn, chỉ tồn tại ở
cõi trần thì linh hồn lại trường tồn, bất tử, linh hồn có thể tồn tại trong cả ba
thế giới: Thiên đường, địa ngục, trần gian.
Trong thơ Huy Cận trước Cách mạng Tháng Tám không chỉ có tấm
lòng tuyệt giao với cuộc đời mà còn có cả linh hồn cũng lạc lõng bơ vơ giữa
chốn trần gian. Đấy chính là tình trạng bi đát của con người, kẻ mất Thiên
đường, cô đơn nơi trần thế. Nhà thơ Huy Cận đã dùng tri thức và triết lý của
Thiên Chúa giáo để cắt nghĩa tình trạng cô đơn của con người. Đó chính là
truyền thuyết về Adam và Eva ăn trái cấm (Quả Tri thức) vì vậy họ bị đuổi ra
khỏi Vườn Địa đàng, bị đày ải ở chốn trần gian và chịu cảnh:
Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán,
Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh
3.2.2.Triết lý Đạo gia và khát vọng tiêu dao trong vũ trụ
Nếu như ở Lửa thiêng là niềm tâm sự của kẻ mất thiên đường luôn
khát khao trở về với Thượng đế , thì ở Vũ trụ ca là hành trình siêu thoát theo
quan niệm tiêu dao của Trang tử. Đó là hành trình của con người rời bỏ mặt
đất, cưỡi nhật nguyệt để đến trời xa:



21
Đi trong đêm rộng nghìn xa vắng
Ta đã theo sao đến đỉnh trời
Ta tạm nguôi quên buồn thế hệ
Tâm tư bè bạn gió trăng ơi!
Ta đã đi trong lòng vũ trụ
Nhìn Đất yêu thương xứ sở Người
Ta đã buồn, vui như sóng bể
Nghìn năm mặn đắng trải xa khơi.
(Tao phùng)
Cái cảm giác chật chội trong Lửa thiêng nhường chỗ cho cảm giác
thoải mái bay lượn trong không gian rộng lớn của Vũ trụ ca. Âm hưởng bao
trùm của Lửa thiêng là buồn thì âm hưởng bao trùm trong Vũ trụ ca là những
“lượng vui” vô bờ bến, đâu đâu cũng thấy vui say hân hoan ngây ngất:
Lượng xuân trời đất vui chưa hết
Sông Nhị dòng hăng nước chảy ào
(Xuân Hành)
Lượng vui muôn kiếp cân đầu sóng
Biển rủ rê lòng nhập cuộc say
(Lợng vui)
Đây là niềm vui của con người vừa được siêu thoát khỏi trần giới.
Từ đây vũ trụ không còn là khát vọng muốn được chiếm lĩnh nữa mà con người đã siêu thoát để sống trong lòng vũ trụ:
3.3. Cảm hứng và chất liệu tôn giáo trong thơ Huy Cận sau Cách
mạng Tháng Tám
Albert Einhtein nhà bác học lừng danh đã phát biểu cảm xúc sâu xa
nhất của con người là cảm xúc trước sự huyền bí. Thơ Huy Cận không chỉ có
chiều sâu về cảm xúc mà còn là chiều sâu về tầm tư tưởng rộng lớn. Trước


22

Cách mạng Tháng Tám, với Huy cận, tôn giáo chính là lẽ huyền vi cao nhất,
là nơi cảm xúc dễ thăng hoa nhất để cắt nghĩa về cuộc đời. Chính vì vậy, tôn
giáo không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là chất liệu để nhà thơ xây dựng
hình tượng nghệ thuật. Trong Lửa thiêng, Huy Cận sử dụng những chất liệu
và triết lý tôn giáo để cắt nghĩa tình trạng bế tắc của con người trong cuộc đời.
Đến Vũ trụ ca, nhà thơ đã đến với cảm hứng và chất liệu tôn giáo để thể hiện
nhu cầu giải thoát. Sau Cách mạng Tháng Tám, cùng với sự đổi thay của cuộc
sống dân tộc, tư tưởng của Huy Cận cũng thay đổi và cách nhìn nhận về tôn
giáo cũng thay đổi theo. Nhà thơ chủ yếu sử dụng chất liệu tôn giáo như
những phương tiện nghệ thuật để biểu hiện cách nhìn của mình về cuộc sống
con người trong quá khứ. Đây là cách nhìn tự tin, tỉnh táo, thấu hiểu được nỗi
khổ, sự bế tắc của con người để từ đó cảm thông chia sẻ. Cách cảm nhận đó
thể hiện nhất quán trong những bài thơ có liên quan đến đề tài tôn giáo mà
Huy Cận viết sau cách mạng. Tiêu biểu nhất là các bài thơ Chùa Trăm gian,
Trò chuyện với Kim Tự tháp, Các vị La Hán chùa Tây Phương.


23

KẾT LUẬN
Tôn giáo và thơ ca có mối quan hệ khá chặt chẽ trong tiến trình lịch
sử của nhân loại. Thế giới tinh thần của con người rất phong phú phức tạp và
kỳ diệu, có phần sáng tỏ, có phần linh thiêng huyền bí. Con người ở thời đại
nào cũng có đời sống tâm linh. Đó là thế giới thiêng liêng, cao cả mà con
người hướng tới, là niềm tin thiêng liêng mà con người tìm đến để làm điểm
tựa tinh thần vươn tới cái cao cả. Thơ ca là tiếng nói tinh thần của con người,
là khát vọng của con người vươn tới cái đẹp, cái cao cả nên có sự tác động
qua lại giữa thơ và tôn giáo là điều dễ hiểu. Qua thơ Hàn Mặc Tử và Huy
Cận, chúng tôi đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Huy Cận đến với tôn giáo với tâm thế và cách nhìn của một thi sĩ, một

công dân không theo một tôn giáo cụ thể nào. Ông hiểu biết về tôn giáo nh
một văn hóa tâm linh nên trân trọng và ông đã sử dụng tri thức và chất liệu
tôn giáo như một phương tiện để cắt nghĩa về cuộc đời.
Trước Cách mạng Tháng Tám, với sự bế tắc quẩn quanh của những
cá nhân trong cuộc đời cũ Huy Cận coi đó là tình trạng cô đơn của những kẻ
bị mất thiên đường, bơ vơ giữa chốn trần gian. Sau Cách mạng Tháng Tám
Huy Cận đã lý giải và cắt nghĩa được nỗi khổ đau bế tắc của con người trong
cuộc đời cũ. Ông nhận thấy rằng, hướng giải thoát cho nỗi đau khổ của kiếp
người phải từ sự đổi thay của xã hội. Con người phải tự cứu mình và đồng
loại ra khỏi khổ đau chứ không thể trông chờ vào đấng cứu thế nào.
Khác với Huy Cận, Hàn Mặc Tử là một con chiên ngoan đạo, đến với
tôn giáo và thơ ca như một phương tiện cứu rỗi linh hồn. Cảm hứng tôn giáo
trở thành một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo trong thơ Hàn Mặc Tử,
tạo nên thế giới nghệ thuật đặc sắc của ông. Trong các nhà thơ Việt Nam hiện
đại, không ai thể hiện niềm tin tôn giáo mãnh liệt như Hàn Mặc Tử. Ông ca


24
ngợi Chúa, ca ngợi Đức Mẹ rất chân thành, đầy xúc cảm. Điều đó nói lên
niềm tin tôn giáo đã chuyển hóa thành tình cảm tôn giáo trong thơ ông. Bên
cạnh Thiên Chúa giáo, Hàn Mặc Tử cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo ở
mức độ nhạt hơn và chủ yếu nhà thơ sử dụng chất liệu của Phật giáo để thể
hiện khát vọng vươn tới cái tột cùng, vơn tới cái hào quang sáng láng. Là
người theo Đạo Thiên Chúa nhưng Hàn Mặc Tử không hề kì thị tôn giáo
khác. Khi làm thơ, ông biết sử dụng cảm hứng và chất liêu tôn giáo để làm
giàu cho thế giới nghệ thuật của mình. Vì Hàn Mặc Tử coi thơ là cứu cánh,
thơ cũng là tôn giáo của ông và nhờ có thơ mà ông đã xoa dịu lòng đau trong
cuộc đời đầy những khổ đau và bất hạnh. Hiểu thấu điều đó chúng ta mới có
thể cảm thông chia sẻ với một thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh.




×