Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

Con người cô đơn trong tiểu thuyết trăm năm cô đơn của gabriel garcía márquez

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (885.91 KB, 97 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

PHẠM THỊ MINH PHƯƠNG

CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU
THUYẾT “TRĂM NĂM CÔ ĐƠN” CỦA
GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TRƯƠNG ĐĂNG DUNG

HÀ NỘI, 2015


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa học thạc sỹ cũng như đề tài luận văn này là nhờ sự
giảng dạy giúp đỡ tận tình của các thầy cô trong tổ Lý luận văn học Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội II, các thầy cô trong Viện văn học. Vì vậy, từ đáy
lòng mình, tôi muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô.
Tôi xin được gửi lời biết ơn sâu sắc tới PGS.TS Trương Đăng Dung,
người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết hướng dẫn tôi trong suốt quá trình
tìm tài liệu, nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Thầy cô trong trường Đại học Sư phạm Hà
Nội II, những người thân trong gia đình, bạn bè đã luôn bên tôi chia sẻ với tôi
những khó khăn và giúp đỡ tôi để tôi có thành quả như ngày hôm nay.
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2015
Tác giả



Phạm Thị Minh Phương


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng, số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn
này là trung thực và không trùng lặp với các tài liệu khác. Tôi cũng xin cảm
đoan rằng mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn này đã được cảm ơn và
thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Hà Nội, ngày 6 tháng 7 năm 2014
Tác giả

Phạm Thị Minh Phương


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ............................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ........................................................................................ 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ......................................................................... 3
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu................................................. 8
4. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................... 9
5. Cấu trúc luận văn ....................................................................................... 9
6. Dự kiến đóng góp mới ............................................................................. 10
Chương 1. TÂM THỨC HẬU HIỆN ĐẠI VÀ TIỂU THUYẾT “TRĂM
NĂM CÔ ĐƠN”.............................................................................................. 11
1.1. Cơ sở xã hội của lý thuyết hậu hiện đại ................................................ 11
1.2. Tư tưởng triết học hậu hiện đại ............................................................ 15
1.3. G.G.Márquez và “Trăm năm cô đơn” .................................................. 21
Chương 2. CẢM THỨC CÔ ĐƠN HẬU HIỆN ĐẠI BẢN ĐỊA TRONG
“TRĂM NĂM CÔ ĐƠN” ............................................................................... 31

2.1. “Trăm năm cô đơn” và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ......................... 32
2.2. Con người cô đơn trong dòng chảy lịch sử .......................................... 41
2.3. Con người cô đơn trong cộng đồng ...................................................... 52
2.4. Con người cô đơn bản mệnh ................................................................. 62
Chương 3. NGHỆ THUẬT MÔ TẢ CÁI CÔ ĐƠN TRONG “TRĂM
NĂM CÔ ĐƠN”.............................................................................................. 71
3.1. Tự sự mê lộ ........................................................................................... 71
3.2. Xây dựng ngôn ngữ nhân vật................................................................ 80
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 87
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................ 90


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Từ đầu thế kỷ XX đến nay, nền Lí luận văn học thế giới đã xuất hiện
không ít những lý thuyết phê bình có sức ảnh hưởng lớn tới quá trình sáng tác
và phê bình văn học trên toàn cầu. Tác giả Nguyễn Hưng Quốc trong bài giới
thiệu “Các lý thuyết phê bình văn học” đăng trên trang web Tienve.org đã vẽ
sơ lược “tấm bản đồ” về một số lý thuyết chính, có ảnh hưởng nhiều nhất,
trong đó ông đề cập tới lý thuyết hậu hiện đại. Lý thuyết văn học hậu hiện đại
được đánh giá là một thành tựu quan trọng của khoa nghiên cứu Lí luận văn
học thế giới, đến nay vẫn đang vận động và phát triển. Bởi là một gương mặt
trẻ nên lý thuyết văn học hậu hiện đại luôn mời gọi những khả thể sáng tạo
mới. Nhân loại đang sống trong thời hậu hiện đại, do đó, việc áp dụng lý
thuyết hậu hiện đại vào khoa nghiên cứu văn học ngày càng trở nên phổ biến
trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Khác với chủ nghĩa hiện đại, lý thuyết hậu hiện đại gắn liền với chủ
nghĩa hậu cấu trúc, đề cao tính bất định, tính đứt đoạn, tính đa dạng và tính

phần mảnh. Được đánh giá là lý thuyết giàu tính nhân văn, lý thuyết hậu hiện
đại nỗ lực xóa nhòa mọi sự phân biệt, xóa nhòa ranh giới giữa bình dân và cấp
cao, tính đặc tuyển và tính đại chúng. Lý thuyết hậu hiện đại chủ trương phi
trung tâm hóa. Đó là sự sụp đổ của cái đơn nhất và toàn trị để nhường chỗ cho
những phần mảnh và ngoại biên.
Trong cuốn “Hoàn cảnh hậu hiện đại”, F.Lyotard đi sâu vào nghiên
cứu hai điều: một là, “hoàn cảnh tri thức trong các xã hội phát triển nhất”; hai
là, “sự hoài nghi đối với các siêu tự sự”. Nếu như chủ nghĩa hiện đại được coi
là “Thời đại lý tính” dựa trên những phát kiến khoa học của Galileo, Newton;
thuyết “nhận thức luận” của Michel de Montaigne và René Descartes hướng


2

con người tin vào tri thức, chân lý, niềm tin… thì đến chủ nghĩa hậu hiện đại,
con người hoàn toàn mang trạng thức hoài nghi, mất niềm tin trước những
định đề mà chủ nghĩa hiện đại coi nó là chân lý vĩnh cửu. Như thế, chủ nghĩa
hậu hiện đại đã bóc tách cho con người thấy sự bơ vơ, lạc loài của chính
mình. Con người trở nên cô đơn khi mất niềm tin vào những tường thành
chân lý tưởng chừng như vĩnh hằng.
Thực ra, nghiên cứu về tâm thức cô đơn không phải vấn đề mới trong
văn học. Bởi, trên những chặng đường của mình, không thời đại nào gương
mặt văn học lại thiếu vắng cái cô đơn. Cô đơn như một nỗi niềm khắc khoải
đeo bám nghệ sĩ của mọi thời đại. Và như thế, khoa nghiên cứu văn học coi
nỗi cô đơn như một đối tượng của sự khám phá. Nhìn lại văn học nhân loại,
cái cô đơn luôn chiếm vị trí trọng yếu trong sáng tạo nghệ thuật. Hầu hết các
tác phẩm văn học thành công đều ít nhiều đều có sự gắn bó với cái cô đơn.
Giống như một quy luật lạ kỳ, các tác phẩm hay đa phần gắn với nỗi buồn, mà
nỗi buồn nào không mang chứa cái cô đơn? Nỗi cô đơn là trạng huống tinh
thần đặc thù của thời hậu hiện đại khi các đại tự sự, những chân lý bị dỡ bỏ

thì con người bị bỏ rơi và trở nên bơ vơ trước thế giới.
Trước G.Márquez, nỗi cô đơn từng hiện hữu từ thời Hy Lạp cổ đại
trong hình tượng của Herakles, Ulysses trong sử thi Homer hay ngay cả
Hamlet và Don Quixote cũng vậy… Mỗi cá thể họ đều là những con người cô
đơn trên bước đường khẳng định cái bản thể. Họ có những lý do riêng để
hành động nhưng sự khẳng định mình ấy lại biến họ thành một cá nhân dũng
cảm đơn lẻ, biến thành một ai đó đặc biệt, ai đó khác đi. Ngay cùng thời đại
với Márquez, F.Kafka khắc khoải trước cái phi lý, Ernest Hemingway trăn trở
trong cái hư vô… Và suy cho cùng, cả phi lý và hư vô đều dung chứa trong
nó trạng thức về nỗi cô đơn. Dù không phải là người đầu tiên, duy nhất nói về
nỗi cô đơn nhưng có lẽ trong văn học ông là người tạc được bức chân dung
ám ảnh nhất về nỗi cô đơn.


3

Về đề tài cô đơn, “Trăm năm cô đơn” có thể coi là “cuốn sách cô đơn”
bởi bản thân nó đã vượt lên trở thành đặc biệt, trở thành ám ảnh nhất trong số
những tác phẩm cùng khắc khoải về nỗi cô đơn của loài người. Đó là nỗi cô
đơn không chỉ của cá thể mà của cả một tập thể; không chỉ là nỗi cô đơn bản
thể mà nó có căn tính từ cội nguồn lịch sử ngàn đời của nhân dân Colombia,
của con người Mỹ Latin và ám ảnh cả tâm thức nhân loại. Nghiên cứu về nỗi
cô đơn, chúng tôi không chỉ nhằm mục đích diễn giải trạng thức cô đơn trong
tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của G.Márquez, tâm thức cô đơn thời chúng
ta đang sống mà thú vị hơn, đây như một lần khoan sâu vào cái bản thể chất
chứa đầy những nỗi cô đơn mông muội của mỗi cá thể.
Nỗi cô đơn không còn là đề tài mới, “Trăm năm cô đơn” không phải là
một mảnh đất mới, hậu hiện đại đã trở thành một lý thuyết quen thuộc nhưng
khám phá tâm thức cô đơn trong “Trăm năm cô đơn” nhìn từ lý thuyết hậu
hiện đại là một hướng đi thú vị hứa hẹn nhiều khả thể sáng tạo.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, G.Márquez đã khẳng định vị trí
của mình trong nền văn học nhân loại. “Trăm năm cô đơn” là cuốn tiểu thuyết
lớn của Márquez đã trở thành đối tượng nghiên cứu của giới kinh viện trên
toàn thế giới. Những công trình nghiên cứu ở mức độ nông sâu khác nhau đã
phần nào soi chiếu được những giá trị của tác phẩm và nhà văn đại tài
G.Márquez.
2.1. Tình hình nghiên cứu “Trăm năm cô đơn” trên thế giới
Trên thế giới có rất nhiều công trình nghiên cứu về G.Márquez và
“Trăm năm cô đơn” nhưng ở đây chúng tôi chỉ điểm qua những công trình
cơ bản.
Có thể nói, “Trăm năm cô đơn” là một hiện tượng của văn học thế
giới. Tác phẩm đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng khác nhau. Con số độc giả


4

đón đọc tác phẩm này lên đến hàng tỉ người và có “nguy cơ” chưa dừng lại
(nói theo cách của tác giả). Không những vậy, tác phẩm này đã thu hút sự
nghiên cứu của nhiều nhà khoa học văn chương. Giới nghiên cứu phê bình
văn học Âu – Mỹ đánh giá cuốn tiểu thuyết này: “có thể là một tác phẩm vĩ
đại nhất của văn học Mĩ Latin và văn học thế giới và chắc chắn là một tác
phẩm được nhiều người biết đến nhất”. Một nhà nghiên cứu văn học Nga và
là một trong hai người dịch tác phẩm này sang tiếng Nga, V.Stolbov đánh giá:
“Ông (Marquez) đã sáng tạo ra một tác phẩm không những duy nhất trong
văn học Mĩ Latin mà cả văn học thế giới hiện đại : một cuốn tiểu thuyết sử thi
độc đáo với một sự bao quát hùng vĩ các sự kiện với những tính cách anh
hùng đồ sộ, một cuốn tiểu thuyết chứa đựng trong một dòng duy nhất cả sự
thật lẫn tưởng tượng, vừa cái bi vừa cái hài, tính kịch với chất thơ, nhưng vẫn
thường xảy ra trong cuộc sống”. Pablo Neruda – một nhà thơ vĩ đại của Chile,

người được tặng giải thưởng Nobel văn học năm 1971, đánh giá: “tác phẩm
này là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất trong nền văn học Mĩ Latin hiện đại”.
Có nhiều xu hướng nghiên cứu tiểu thuyết của Márquez trong đó xu
hướng dựa theo các phân tích xã hội học và tiểu sử học, xem tiểu thuyết của
Márquez là sự phản ánh thực tại hậu hiện đại Mỹ Latin chiếm ưu thế hơn cả.
Các vấn đề hậu hiện đại được nghiên cứu trong tiểu thuyết Márquez chủ yếu
nhằm giải thích điều kiện hậu hiện đại đã sản sinh ra chúng như: hậu thực
dân, bạo lực, hỗn chủng…
Có thể kể tới các công trình nghiên cứu tiêu biểu theo hướng này của
G.Martin, I.Stavans, J.L.Anderson, K.J.Hampares… trong đó công trình
nghiên cứu của I.Stavans và tiểu luận của J.L.Anderson là hai đóng góp tiêu
biểu. Trong hai công trình ấy, cái huyền ảo trong tác phẩm của Márquez đều
được phân tích như là hệ quả của sự phản ánh thực tại Mỹ Latin với những
cuộc chiến đẫm máu, những băng nhóm ma túy, quyền lực của những nhà độc


5

tài, sự xâm lược của nước Mỹ…Các nhà nghiên cứu theo đường hướng này
có thói quen đi tìm nguyên mẫu hiện thực của các hình tượng huyền ảo trong
tiểu sử đời tư của tác giả mà ít quan tâm đến giá trị mỹ học và quan niệm
nghệ thuật của nhà văn khi viết nên các hình tượng huyền ảo đó.
2.2. Tình hình nghiên cứu “Trăm năm cô đơn” ở Việt Nam
Với “Trăm năm cô đơn”, Márquez đã lập được kỷ lục ở Việt Nam với
số lần tái bản (trên 10 lần) kể từ bản in đầu tiên năm 1986. Trong một khoảng
thời gian tương đối dài, giới nghiên cứu văn học trong nước đã có nhiều
những công trình, bài viết về Márquez và đặc biệt là tiểu thuyết “Trăm năm
cô đơn”. Nghiên cứu về tác phẩm này vẫn chưa có những chuyên luận riêng
biệt đào sâu. Tuy nhiên, cần phải kể đến:
Dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Đức trong “Lời giới thiệu” về

bản dịch tác phẩm “Trăm năm cô đơn” (Nxb Văn học, HN, 2000) đã đưa ra
các kiến giải rất đích đáng về các vấn đề như: cốt truyện và đề tài, kết cấu và
thời gian nghệ thuật, nhân vật và thông điệp. Tuy nhiên, với một tác phẩm đồ
sộ trên nhiều phương diện thẩm mỹ, bài viết chỉ với nhiệm vụ đúng như tên
gọi của nó là “giới thiệu” nên sự tìm tòi chỉ dừng lại ở mức khái quát, chưa đi
sâu vào nội dung cũng như hình thức tác phẩm.
Trong cuốn “Văn học Mĩ Latin” do Lại Văn Toàn chủ biên (Nxb Thông
tin Khoa học xã hội – chuyên đề, HN, 1999) đã tổng hợp một số bài dịch của
Nguyễn Thị Khánh, Lê Sơn, Thi Nguyên, Đinh Công Bắc, Đinh Quang Trung
từ các bài viết của cac tác giả nước ngoài. Cuốn sách đã giới thiệu cho ta một
cách rõ nét về tình hình phát triển của nền văn học Mĩ Latin, trong đó cũng
giới thiệu một cách khái quát về tác giả G.Márquez và tiểu thuyết “Trăm năm
cô đơn”.
Đào Thị Thu Hằng trong bài viết Yếu tố huyền ảo trong tác phẩm
Kawabata và Márquez trong cuốn “Văn học so sánh – nghiên cứu và triển


6

vọng” (Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh tuyển chọn; Nxb Đại học
Sư phạm, 2005). Tác giả đã so sánh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong sáng
tác của hai nhà văn nói trên và qua đó đã khám phá đặc sắc về không gian và
thời gian trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Tuy nhiên, bài viết vẫn chưa
đi sâu vào nghiên cứu cụ thể về tác phẩm.
Đỗ Xuân Hà trong bài viết Tiểu thuyết hiện thực huyền ảo: “Trăm năm
cô đơn” của Gabriel García Marquez trong cuốn Văn học thế giới thế kỷ XX
(Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, 2006) đã thông qua những nét tiêu biểu nhất về
con người cũng như những sáng tác của G.Márquez, nêu lên một số thành tựu
của Márquez trong “Trăm năm cô đơn” trên các mặt nội dung và nghệ thuật.
Đồng thời, tác giả chỉ ra phương pháp sáng tác trong “Trăm năm cô đơn” là

chủ nghĩa huyền ảo kết hợp với chủ nghĩa hiện thực và các yếu tố hoang
đường. Bên cạnh những cái có thực trong đời sống xã hội Mĩ Latin thời bấy
giờ tác giả cũng đã phân tích những yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm và chỉ ra
những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu như: sự kết hợp nhiều loại thời gian
trong quá trình kể chuyện của tác giả, nghệ thuật cá tính hóa nhân vật làm cho
người đọc không bị nhầm lẫn giữa các nhân vật có tên gần giống nhau. Thông
qua đó, tác giả khẳng định những thành công của Márquez trong việc thể hiện
nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Gần đây, tác giả Phan Tuấn Anh đã bảo vệ thành công luận án với đề
tài “Nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết G.G.Márquez” tại Viện hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam. Trong suốt những trang dài của luận án, người
nghiên cứu có quan tâm tới tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” nhưng tác phẩm
được nhắc đến như một cứ liệu phục vụ cho việc khai thác “nghệ thuật hậu
hiện đại”. Bởi đối tượng hướng tới là toàn bộ tiểu thuyết của G.Márquez nên
tác giả không có đủ không – thời gian đi sâu vào “Trăm năm cô đơn”. Luận
án đã chỉ ra được cội nguồn nỗi cô đơn trong tiểu thuyết của Márquez: thứ


7

nhất, nỗi cô đơn như là thân phận và bản mệnh cá nhân; thứ hai, nỗi cô đơn
như là không gian văn hóa và đặc tính lịch sử. Nhưng như chúng tôi đã nói,
bởi đối tượng của luận án là tiểu thuyết của Márquez nên việc nghiên cứu tâm
thức cô đơn như một cái nhìn khái quát, mới chỉ ở mức độ tổng thể. Phan
Tuấn Anh cũng là tác giả của khoảng 20 bài nghiên cứu có liên quan tới
G.G.Márquez được đăng trên các sách, tạp chí nghiên cứu khoa học trong số
đó có bài viết “Hình tượng Macondo trong Trăm năm cô đơn – từ góc nhìn
văn hóa Mĩ Latin” (Tạp chí Sông Hương, 2010, số 259 tr.78-82). Trong bài
viết, Phan Tuấn Anh đã chỉ ra cội nguồn và lý giải hình tượng ngôi làng
Macondo trong tác phẩm. Bởi thế, bài viết dừng lại ở một hình ảnh trong tổng

thể bức tranh đa sắc, đa tầng mà Márquez đã kì công kiến tạo.
Và phải kể đến cuốn chuyên luận “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và
Gabriel García Márquez” của nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc (Nxb Giáo dục
Việt Nam, 2009). Đây là cuốn sách nghiên cứu sâu về G.Márquez và chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo. Người viết đã cho thấy một tư duy khoa học mạch
lạc kết hợp với óc suy luận sâu sắc trong từng nhận định, những phát hiện về
Marquez và “Trăm năm cô đơn”. Trong cuốn chuyên luận này, tác giả đã
dành một chương để nói về cuốn tiểu thuyết của nổi tiếng của Márquez. Cuốn
sách đã tóm lược được nội dung của tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” một cách
cụ thể và khái quát nhất qua từng chương để người đọc có thể hình dung được
diễn biến của cốt truyện. Tiếp đó, tác giả đi sâu vào nghiên cứu tác phẩm ở
một số mặt về nội dung và nghệ thuật để người đọc có thể hiểu sâu sắc hơn về
tác phẩm. Tuy nhiên, đây là một chuyên luận lấy “chủ nghĩa hiện thực huyền
ảo” và G.G.Márquez làm đối tượng nghiên cứu chính nên việc đi sâu vào cá
thể tiểu thuyết vẫn còn là những điều ấp ủ.
Những chuyên luận và bài nghiên cứu kể trên là nguồn tư liệu quý giá
để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về cuốn tiểu thuyết từ nhiều góc nhìn. Về cơ


8

bản, khi nghiên cứu kiệt tác này, hầu hết các tác giả đã chú ý tới nỗi cô đơn
nhưng chưa nhìn nhận nó như một tâm thức thời hậu hiện đại. Vậy nên,
những khoảng còn để mở trên lại là hướng tiếp cận cho luận văn để tiếp tục
khám phá tâm thức cô đơn trong “Trăm năm cô đơn” được soi sáng bởi lý
thuyết hậu hiện đại.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích
Với luận văn “Con người cô đơn trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn
của Gabriel García Márquez”, người viết mong muốn tìm được căn tính của

nỗi cô đơn trong tác phẩm cũng là cảm thức cô đơn bản địa Mĩ Latin. Trong
sự đối sánh tương tác với các tác phẩm cùng viết về nỗi cô đơn thời hậu hiện
đại ở các quốc gia và châu lục khác, người viết còn mong muốn tìm thấy sự
độc đáo trong nghệ thuật thể hiện và nội dung tư tưởng của nhà văn vĩ đại xứ
Colombia.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Đi sâu vào tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” dưới sự soi chiếu của lý
thuyết hậu hiện đại để tiếp cận, phân tích, khái quát. Từ đó, người viết tìm
thấy con người cô đơn - cảm thức hậu hiện đại trong “Trăm năm cô đơn” của
G.Márquez được thể hiện qua con người cô đơn trong dòng chảy lịch sử, con
người cô đơn giữa cộng đồng và con người cô đơn bản mệnh. Đồng thời còn
thấy được tâm thức và nghệ thuật lý thuyết hậu hiện đại phần nào biểu hiện
qua quá trình thực hiện đề tài.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Số lượng những tác phẩm có giá trị của G.Márquez là không nhỏ. Đặc
biệt, những tác phẩm viết về nỗi cô đơn gần như bao trùm toàn bộ sáng tác
của ông. Ông từng tuyên bố, cuốn sách mà cả đời ông dành để viết đó là cuốn
sách về cái cô đơn. Chính bởi vậy, đi tìm cái cô đơn trong sáng tác của


9

G.Márquez là một công việc dài hơi đòi hỏi sự kiên trì và dày công trong
những công trình nghiên cứu lớn. Với quy mô của một luận văn, chúng tôi chỉ
có thể khảo sát và nghiên cứu trọng tâm trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”
(Nxb văn học, 2003, Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu). Ngoài ra, để đảm
bảo cho việc phân tích, so sánh chúng tôi còn tìm cứ liệu trong một số tác
phẩm khác của G.Márquez như:
- Tình yêu thời thổ tả (Nguyễn Trung Đức dịch)
- Cụ già có đôi cánh khổng lồ (Nguyễn Trung Đức dịch)

Thêm vào đó, chúng tôi khảo sát trong các sáng tác viết về nỗi cô đơn
thời hậu hiện đại của các tác giả khác như: F.Kafka, Kwabata, Haruki
Murakami, Bảo Ninh… để cho luận văn thêm sâu sắc.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn kết hợp vận dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận từ lý thuyết văn học hậu hiện đại.
- Phương pháp lịch sử - loại hình
- Phương pháp cấu trúc - hệ thống
- Phương pháp phân tích tổng hợp
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn bao gồm ba chương:
Chương 1: Tâm thức hậu hiện đại và tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”
Chương 2: Cảm thức cô đơn hậu hiện đại bản địa đặc thù trong “Trăm
năm cô đơn” của G.Márquez
Chương 3: Nghệ thuật mô tả cái cô đơn trong tiểu thuyết “Trăm năm cô
đơn”
Cuối cùng là thư mục tài liệu tham khảo.


10

6. Dự kiến đóng góp mới
- Lý giải tâm thức cô đơn hậu hiện đại trong “Trăm năm cô đơn”
- Khái quát nỗi cô đơn trong “Trăm năm cô đơn” như là căn tính bản
địa trong sự đối sánh với tâm thức cô đơn cùng thời trên những quốc gia, châu
lục khác nhau.


11


Chương 1
TÂM THỨC HẬU HIỆN ĐẠI VÀ TIỂU THUYẾT
“TRĂM NĂM CÔ ĐƠN”
Chủ nghĩa hậu hiện đại là một hiện tượng văn hóa tinh thần phức tạp,
có nguyên nhân sâu xa từ cơ sở xã hội và ý thức thời đại. Việc nghiên cứu chủ
nghĩa hậu hiện đại được thực hiện từ sự nhận thức về mặt lịch sử của chính
nó. Theo các nhà nghiên cứu, sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại xuất phát
từ những tiền đề căn bản sau:
1.1. Cơ sở xã hội của lý thuyết hậu hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại là khái niệm lần đầu tiên được biết đến vào năm
1870 khi họa sĩ người Anh Watkins Chapman dùng chữ “hội họa hậu hiện
đại” để chỉ phong cách sáng tác theo khuynh hướng hiện đại hơn, tiên phong
hơn Trường phái Ấn tượng của Pháp. Sau đó, khái niệm này đi vào nghệ thuật
không chỉ trong lĩnh vực hội họa mà cả âm nhạc, văn học, kiến trúc…Theo
cách hiểu thông dụng, khái niệm “hậu hiện đại” mang tính tiến trình chỉ giai
đoạn “sau thời hiện đại” mà lịch sử trải qua. Tuy nhiên, theo J.F.Lyotard –
ông tổ của lý thuyết hậu hiện đại, chữ “hậu” là nhấn mạnh “tính chất” chứ
không phải “tiến trình”: “Hậu – hiện đại là một từ không chặt chẽ, và chính vì
thế mà được tôi chọn để chỉ muốn nói lên một báo hiệu rằng: có điều gì đó
đang suy tàn ở trong tính hiện đại”. Như vậy, theo Lyotard, Hậu - hiện đại
không phải là một thời kỳ mới mà nó là việc xử lý lại những đặc điểm của
Hiện đại khi mang tham vọng giải phóng nhân loại bằng khoa học và kỹ thuật.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, hiểu một cách đơn giản, nó chỉ một tâm trạng hay
đúng hơn nó chỉ một trạng thái tâm thức của loài người.
Khi nghiên cứu, chúng tôi thống nhất việc xem chủ nghĩa tư bản hậu kỳ
là điều kiện trực tiếp cho ra đời chủ nghĩa hậu hiện đại. Đây được coi là thời


12


kỳ bùng nổ của sản xuất hàng hóa và tri thức, làm xuất hiện trạng huống toàn
cầu hóa – một trật tự thế giới mới. Toàn cầu hóa đã xóa bỏ rào cản, khắc phục
ngăn trở về không gian, thời gian, vật chất, lãnh thổ để thực hiện quá trình
siêu chu chuyển văn hóa, tiền tệ, tri thức… mà thế giới internet là một minh
chứng rõ ràng.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II (1939 – 1945), thế giới không những
không ổn định mà còn rơi vào một tình trạng bất ổn mới: chiến tranh lạnh,
chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân, đối kháng thế hệ năm 1968, sự đàn áp trí
thức, chủ nghĩa độc tài, quân phiệt tồn tại ở nhiều quốc gia… tạo tâm thế
hoang mang, bi quan, bất tín vào chân lý khoa học và lý tính. Hoàn cảnh đó
đã trực tiếp tạo ra những diễn ngôn chấn thương hậu thế chiến thứ hai. Chính
trạng huống tinh thần này chứ không phải toàn cầu hóa đã trực tiếp thúc đẩy
sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trong lĩnh vực khoa học, ngay từ cuối thế kỷ XIX, những kết quả
nghiên cứu về sóng điện từ của Heinrich Hertz (1982), sự phát minh ra tia X
của Wilhelm Conrad Rontgen (1895), việc phát hiện ra hạt electeron trong
cấu trúc nguyên tử của J.Thomson (1897)…đã buộc con người phải suy nghĩ
lại về cái nhìn của mình với thế giới. Sang thế kỷ XX, các nhà khoa học tiếp
tục có những phát minh đột phá, tác động mạnh đến nhận thức và tư duy con
người như thuyết tương đối, cơ học lượng tử, định lý bất toàn… Rồi tiếp đến
là sự ra đời của cac lý thuyết mới như: lý thuyết tai biến (R.Thom, 1972), lý
thuyết hỗn độn (E.Lorentz, 1960), lý thuyết phức hợp, điều khiển học (1946),
lý thuyết về “cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học” (T.Klun, 1970). Đặc
biệt, sự thức nhận mới về khái niệm “hệ hình” đã tạo ra những tiền đề mới
cho cách nhìn nhận và tiếp cận thế giới: hệ hình mới không nhất thiết phải hay
hơn mà quan trọng hơn là đưa ra một cách nhìn mới về thực tại dưới hình
thức tự sự như một cách tiếp cận riêng, không chứa đựng chân lý tuyệt đối…



13

Cùng với nó, sự phát triển ở tốc độ và trình độ rất cao của khoa học kỹ thuật
cũng góp phần hình thành nên kiểu “chủ nghĩa kỹ trị”. Các phương tiện
truyền thông, công nghệ tinh vi khiến thông tin và tri thức được vi tính hóa.
Theo đó, cái gì không số hóa, vi tính hóa được dường như bị loại khỏi cuộc
chơi. Sự thống trị của chủ nghĩa kỹ trị kéo theo hệ quả là, trong đời sống văn
hóa, yếu tố nhân văn phai nhạt. Văn hóa trở nên đại chúng, sản phẩm văn hóa
được thương phẩm hóa. Con người nhận ra, không phải mình đang làm chủ
ngôn ngữ, mà ngôn ngữ, các kiểu quyền lực diễn ngôn đang trở thành ngục tù
khống chế mình… Nói về hiện trạng này, nhà triết học người Mỹ I.Hassan
nhận xét: “chúng ta đang giết chết thần thánh của mình… không cái gì là
không tạm thời… chúng ta xây dựng phát ngôn của mình trên cõi hư vô”.
Không phải ngẫu nhiên, Barry Lewis đã gọi đây là thời kỳ mà “thế giới bứt
rứt trước những thay đổi khoa học kỹ thuật nhanh chóng và những sự bất ổn
về ý thức hệ”.
Về nghệ thuật, vào năm 1967, nhà văn Mỹ John Bath cho rằng: “Trong
suốt thập niên 60, danh từ postmodernism được nhiều giới nghệ sĩ, nhà văn,
nhà phê bình như Rauschenberg, Cage, Burroughs, Barthelme, Fielder,
Hassan và Sontag sử dụng để chỉ trích sự cạn kiệt của chủ nghĩa hiện đại và
để mô tả những khuynh hướng nghệ thuật muốn vượt qua những phạm vi giới
hạn của chủ nghĩa đó”. Như vậy, thời điểm này, các văn nghệ sĩ bắt đầu chỉa
trích sự cạn kiệt ý tưởng của chủ nghĩa hiện đại đồng thời cổ vũ những nỗ lực
vượt qua giới hạn của chủ nghĩa hiện đại.
Đây cũng là thời kỳ bùng nổ của sản xuất hàng hóa và tri thức làm xuất
hiện trạng huống toàn cầu hóa – một trật tự thế giới mới. Toàn cầu hóa biến
thế giới thành ngôi làng toàn cầu hay thế giới phẳng. Sự lạm dụng kỹ thuật
bậc cao khiến cho thông tin lẽ ra được bảo mật lại bị rò rỉ. Các thế lực tội
phạm, Hồi giáo cực đoan và khủng bố đã triệt để khai thác công nghệ bậc cao



14

này nhằm khơi dậy mâu thuẫn chủng tộc và tôn giáo. Và khi thế giới xích lại
gần nhau hơn, sự cọ xát của các nền văn hóa và xung đột sắc tộc là điều
không tránh khỏi… Nhân loại đang thật sự sống trong một thế giới mất an
toàn với nguy cơ khủng bố và chiến tranh, ô nhiễm môi trường và bệnh dịch.
Theo Lyotard trong cuốn “Hoàn cảnh hậu hiện đại” cho rằng: hậu hiện
đại là trạng huống tri thức trong bối cảnh tin học hóa. Chúng ta đang sống
trong một nền tảng văn hóa mới – nền tảng văn hóa được kiến tạo từ mạng
internet và máy tính. Trong diễn ngôn hậu hiện đại, nền văn hóa ấy được kiến
tạo từ chính ngôn ngữ nhị phân – một thuật ngữ được vay mượn từ lập trình
mạng. Nền văn hóa mới mẻ này có hai đặc tính cơ bản: chu chuyển , lưu trữ
thông tin siêu hạng và kiến tạo thế giới một cách vạn năng. Nó là cơ sở cho sự
xuất hiện một nền tảng nghệ thuật mới – nền nghệ thuật tương tác. Nghĩa là,
nghệ thuật hình thành trên cơ sở sáng tạo của tác giả và độc giả. Độc giả trở
thành nhân tố quan trọng trong quá trình tạo nghĩa cho nghệ thuật. Người đọc
tham dự vào quá trình sáng tác thông qua những comment, sử dụng những
incon như hình thức ngôn ngữ mới, các đường link kết nối, các văn bản âm
thanh, hình ảnh… Chính văn học mạng cũng đã tác động lên văn học viết
truyền thống. Cấu trúc văn bản không còn khép kín như trước mà mang tính
mở tạo điều kiện cho những khả thể sáng tạo mới tham gia vào quá trình thiết
lập văn bản. Cảm quan đa trị xuất hiện trong văn học tạo nên tính đa/đối
người kể, đa/đối điểm nhìn, đa/đối giọng điệu cùng hệ thống ngôn ngữ nghịch
dị… Đó là thời đại sụp đổ của những đại tự sự, sự tan rã những tượng đài
tưởng chừng vĩnh cửu thay vào đó là trạng huống mất niềm tin, trống rỗng, đổ
vỡ, tâm lý lo âu, hoang mang. Nền tảng ngôn ngữ nhị phân chính là điều kiện
quan trọng cho sự phát triển của lý thuyết hậu hiện đại.
Nhìn chung, những biến đổi trong tình hình chính trị, xã hội, văn hóa
nghệ thuật là cơ sở tiền đề cho sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện



15

đại. Với cái nhìn nhân văn hơn, chủ nghĩa hậu hiện đại đánh thức con người
trong xã hội tư bản hậu kỳ trong ước muốn phi trung tâm hóa chấp nhận
những “cái khác” như: không hợp lý, không văn minh, không da trắng, không
đàn ông, đồng tính luyến ái, văn hóa thiểu số… Đồng thời, nó chỉ ra cho con
người thấy trạng huống tinh thần của thế giới bản thể: tính phi lý, tan vỡ,
trống rỗng, vô nghĩa của đời sống; tâm thức cô đơn, lạc loài mang tính bản thể
của con người… khi đối mặt với những nguy cơ chiến tranh, bệnh dịch, ô
nhiễm môi trường như căn nguyên hủy diệt đời sống. Và, ngoài cơ sở xã hội,
văn hóa nghệ thuật, văn học hậu hiện đại còn bắt nguồn từ những cơ sở triết
học hậu hiện đại – như một nền tảng vững chắc cho sự ra đời của lý thuyết
văn học đương đại.
1.2. Tư tưởng triết học hậu hiện đại
Cho tới thời điểm hiện tại, triết học hậu hiện đại được coi là một khái
niệm hết sức phức tạp bởi sự trải rộng trên nhiều lĩnh vực, sự tham gia của
nhiều triết gia, nhưng tất cả họ đều có chung một nền tảng và mối quan tâm
trong tư tưởng, đó chính là triết học ngôn ngữ. Khái niệm này được khởi nguồn
từ triết học ngôn ngữ của L.Wittgenstein. Thông qua “Luận thuyết mô phỏng
về ý nghĩa”, Wittgenstein trình bày quan điểm về mối quan hệ giữa thế giới
(thực tại), tư tưởng và ngôn ngữ. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối đời, ông đã đưa
ra quan niệm về trò chơi ngôn ngữ. Ông cho rằng, hoàn toàn không có sự tương
ứng logic nào giữa ngôn ngữ và thế giới. Triết học ngôn ngữ có thể chia làm
hai diễn trình chính: diễn trình tư tưởng của những nhà Hiện tượng luận, Tường
giải học và diễn trình tư tưởng của những nhà Cấu trúc, Giải cấu trúc.
Sáng lập ra triết học Hiện tượng luận, E.Husserl dù thừa nhận tính tồn
tại khách quan của đời sống hiện thực nhưng ông luôn đề cao tính chủ ý của ý
thức hướng tới khách thể, chính ý thức tạo ra khách thể. Ông bắt đầu với ý

tưởng cho rằng, mọi hành vi ý thức của con người đều có một đối tượng để


16

hướng tới. Husserl cho rằng, tính ý hướng không chỉ đơn giản là sự định
hướng của ý thức về phía các sự vật tồn tại bên ngoài, mà nó còn có nghĩa là,
ý thức “dựng” nên các sự vật. Khi thừa nhận tính ý hướng là ý thức “tạo
dựng” nên các sự vật, Husserl đặt vấn đề: Ý thức của con người hướng tới
một đối tượng xác định, nhưng tại sao có những đối tượng giống nhau mà ý
nghĩa có nó đối với mỗi người lại khác nhau. Husserl lý giải hiện tượng này là
do hành vi ý hướng trong ý thức của con người tạo ra đối tượng, chứ không
phải đối tượng bên ngoài quy định ý thức của con người về bản thân đối
tượng đó. Như vậy, chúng ta thấy rằng, Hiện tượng học của Husserl chính là
sự nghiên cứu và các quan điểm khác nhau từ góc độ chủ thể tính. Hiện tượng
học tập trung vào chủ thể tính và dựa trên sự khác biệt về kinh nghiệm, về nền
tảng văn hóa, mỗi chủ thể tự cấu trúc hay tạo lập thế giới theo những cách
khác nhau, đồng thời cũng dựa trên sự chấp nhận cách thức tạo lập của những
chủ thế khác trong quá trình tương tác và giao tiếp. Như vậy, theo thuyết của
Husserl, tác phẩm văn học là vật có chủ ý chứ không phải là thứ hoàn toàn
khách quan, tiên nghiệm. Tuy nhiên, Husserl mới chỉ chú ý đến chủ ý của tác
giả mà chưa chú trọng đến vai trò của ngôn ngữ.
Tiếp sau Husserl là những nhà Tường giải học – học trò của ông, như:
Heidegger, Ingarden, Gadamer, Ricoeur, trường phái Mỹ học tiếp nhận
Konstanz… đã bổ sung thêm chủ ý của người đọc vào tác phẩm văn học, đề
cao vai trò của người tiếp nhận đồng thời biến tác phẩm thành vật hai lần có
chủ ý. Ngôn ngữ được các nhà triết học Tường giải học quan tâm. Nó không
còn bị coi là phụ phẩm của quá trình sáng tạo mà là “ngôi nhà của hữu thể”.
Nghĩa là, ngôn ngữ được đưa lên vị trí trung tâm trong đời sống văn học,
chính ngôn ngữ đã sáng tạo ra con người, lịch sử văn học chính là lịch sử tiếp

nhận, mỹ học sáng tạo hay chính là lịch sử tiếp nhận và mỹ học tác động…


17

Đầu thế kỷ XX, nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ Ferdinard de
Saussure là người đầu tiên đưa phân tích đồng đại [analyse synchronique] vào
ngôn ngữ học. Ông đã làm một cuộc cách mạng phương pháp thực sự ở đây,
và từ những thành tựu đáng kể của khoa này đã mở đường cho sự thâm nhập
của cấu trúc luận vào hầu hết các ngành khoa học xã hội trong đó có văn học.
Với vị trí khai mở cho chủ nghĩa cấu trúc, triết học ngôn ngữ cấu trúc của
Saussure đã đặt ra mệnh đề tương ứng nổi tiếng giữa cái biểu đạt trong ngôn
ngữ và cái được biểu đạt có tính chất một khái niệm trong thực tại. Mối quan
hệ giữa chúng là võ đoán, nhưng sự tồn tại tương ứng giữa chúng là khách
quan, chính xác và được quy định sẵn trong các hệ thống ngôn ngữ.
Tiếp đó, IU.M.Lottman – nhà kí hiệu học nghệ thuật lớn, người chủ
xướng Trường phái kí hiệu học Tartu nổi tiếng của Liên Xô quan tâm tới cấu
trúc văn bản nghệ thuật. Trong cuốn “Cấu trúc văn bản nghệ thuật” (NXB
Đại học Quốc gia) – một trong những công trình mang tính nền tảng trong sự
nghiệp khoa học của mình, Lottman đã phân tích những mã nghệ thuật thông
qua hệ thống ngôn ngữ của văn bản, tìm hiểu vấn đề nghĩa trong văn bản, khái
niệm văn bản, văn bản đặt trong hệ thống, những nguyên tắc kết cấu văn bản,
trục cú đoạn của cấu trúc, kết cấu tác phẩm… Ngoài ra, các nhà cấu trúc khác
như Jakovson, Lesvi-Strauss, Genette… có những mối quan tâm khác nhau
trong triết học, nhưng họ thường có chung mô thức trong tư duy. Họ luôn nỗ
lực đi tìm một mô thức bề sâu, hệ thống cấu trúc trong đối tượng mà họ quan
tâm; họ luôn tin rằng mô hình cấu trúc đó là khách quan, phổ quát và tiên
nghiệm; họ có xu hướng sử dụng mô hình cấu trúc đó để giải thích thế giới và
văn bản văn học.
Ngược lại với những nhà Cấu trúc luận, những nhà triết học Giải cấu

trúc ra sức phê phán sự tương ứng giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt. Có
nguồn gốc từ các lý thuyết của nhà ngôn ngữ học Ferdinard de Saussure, lý


18

thuyết ký hiệu học của Jacques Derrida phủ định tính bất biến của cấu trúc,
khẳng định sự vắng mặt (sự biến đổi liên tục) của cấu trúc, của hạt nhân và
những ngữ nghĩa đơn trị trong các diễn ngôn. Ông chỉ rõ, cái biểu đạt (hình
thức của kí hiệu) không quy chiếu/dẫn dắt về những cái được biểu đạt mang
tính xác định. Đúng hơn là sẽ dẫn đến những cái biểu đạt khác. Bằng lập luận
đó, Derrida đã bác bỏ quan điểm cho rằng tính cấu trúc là một thuộc tính “cố
hữu/bản thể” của mọi cấu trúc – quan điểm nền tảng của Cấu trúc luận và
Claude Lévi – Strauss là một người đại diện. Thực tế, nhà tư tưởng Nga
M.Bakhtin (1926 – 1963) trong chủ nghĩa đối thoại cũng đã từng dẫn lối tới tư
tưởng Giải cấu trúc khi cho rằng: trong tiểu thuyết tồn tại tính đa thanh (phức
điệu), tác giả không phải là người quyết định tư tưởng của tác phẩm mà chỉ
tồn tại như người tổ chức những đối thoại, bởi vì, mỗi nhân vật tồn tại như
một nhà tư tưởng. Nhưng chỉ đến Derrida thì giải cấu trúc mới trở thành một
xu thế trong tư tưởng khoa học nhân văn. Như vậy, với việc khởi xướng
thuyết Giải Kiến Tạo (Déconstrucsion), Derrida đã thủ tiêu mối quan hệ (trực
tiếp) giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, chúng ta chỉ còn thấy một chuỗi
vô tận các kết nối, sự “trôi tuột” từ cái biểu đạt này sang cái biểu đạt khác.
Cùng quan điểm với Derrida, Kristeva và Foucoult cũng như Barthes
cùng nhiều nhà triết học Giải cấu trúc khác quan niệm rằng, thực ra, cái biểu
đạt chỉ biểu đạt cho những cái biểu đạt khác, ngôn ngữ là tự do phiêu dạt đến
vô tận, là một trò chơi bất tận của những cái biểu đạt. Từ đó, người viết được
“tạo điều kiện” để biến mất, mọi văn bản đều là liên văn bản, ngôn ngữ và
văn bản được phi trung tâm hóa triệt để, vấn đề chủ thể của triết học truyền
thống trở nên có vấn đề. Việc giải chủ thể dẫn đến quan niệm cái chết của chủ

thể, cái chết của tác giả, cái chết của nhân vật…đó không phải là sự phủ nhận
tồn tại của con người hay sự đánh mất nhân tính mà là chối từ một chủ thể trở
thành trung tâm của văn bản, vì trung tâm chính là đại tự sự. Các nhà triết học


19

Giải cấu trúc thường xuyên nhấn mạnh đến tính trò chơi của văn học. Họ xem
tác phẩm văn học là hình thức đọc đặc trưng, vai trò của người đọc được nhấn
mạnh. Dưới cảm quan của triết học Giải cấu trúc, vấn đề đọc văn hoc đã được
nâng lên tầm triết học. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng “do đó, bước ngoặt
hậu hiện đại là bước ngoặt ngôn ngữ”.
Cùng với lý thuyết liên văn bản mà Kristeva là một trong số những
người từng phát triển – khi coi mọi sáng tác đều là sự lặp lại, lấy lại, mượn
lại…của những người đi trước để tạo ra những sản phẩm mới, thì lý thuyết
diễn ngôn của M.Foucoult là có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự hình thành
tư tưởng chủ nghĩa Giải cấu trúc. Ông chú trọng mối quan hệ giữa chủ thể và
diễn ngôn. Foucoult khẳng định, tác phẩm không phải là vật mang tư tưởng
riêng của nhà văn, bởi vì, con người với tư cách là chủ thể của diễn ngôn, là
do diễn ngôn tạo ra. Tư tưởng của ông khác hoàn toàn so với tư tưởng của
những nhà Cấu trúc luận, cho dù Cấu trúc luận chính là tiền đề cho tư tưởng
Giải cấu trúc. Khi Cấu trúc luận tôn sùng tính khoa học và tư duy duy lý thì
hậu cấu trúc tuyên bố thẳng thừng: đó chỉ là một ảo tưởng; trong khi cấu trúc
luận tin tưởng có một chân lý nào đó đang chờ đợi con người phát hiện thì
hậu cấu trúc cho rằng chân lý ấy có thể thay đổi; trong khi cấu trúc luận đóng
vai những anh hùng, nghiêm túc trong việc khám phá thế giới thì hậu cấu trúc
tiến hành tất cả những công việc đó với thái độ hoài nghi và ít nhiều giễu cợt.
Tuy nhiên, những thay đổi trong thái độ này có căn nguyên từ chính
những thay đổi trong quan niệm và phương pháp luận. Trong cách nhìn về
ngôn ngữ, khi các nhà Cấu trúc luận nhìn ngôn ngữ như một hệ thống khép

kín và tĩnh tại thì những nhà Giải cấu trúc đặt ngôn ngữ trong những cuộc đối
thoại, trong quá trình vận động không ngừng. Foucoult trong khi bác bỏ định
đề: mọi ngôn ngữ đều gắn liền với ý nghĩa, tức là đều biểu đạt một điều gì đó
thì ông đã chứng minh mọi ngôn ngữ đều gắn liền với quyền lực, qua đó, các


20

thiết chế và kỷ cương được hình thành. Tính quyền lực của diễn ngôn mạnh
đến độ, có lúc nào đó, trong lích sử, con người và những hoạt động của con
người từ vị thế chủ nhân sẽ trở thành sản phẩm của diễn ngôn. Từ đó, có thể
hiểu, với các nhà Cấu trúc luận, văn học tồn tại dưới dạng những văn bản
thống nhất, mỗi văn bản có một cấu trúc duy nhất; còn với những nhà Giải
cấu trúc, mỗi văn bản lại có sự liên hệ với những văn bản khác, không có văn
bản nào thực sự độc lập và biệt lập. Văn bản tồn tại trong mối quan hệ chằng
chịt với những văn bản khác, luôn ở trạng thái “sản xuất” liên tục trong quan
hệ với yếu tố người đọc. Vai trò của người đọc còn được đề cao trong khả
năng thống nhất ý nghĩa văn bản, bởi thế, Roland Barthes tuyên bố “tác giả đã
chết”.
Triết học giải cấu trúc được xem chính là triết học hậu hiện đại, tạo tiền
đề trực tiếp cho lý thuyết văn học hậu hiện đại ra đời. Những triết gia Giải cấu
trúc đồng thời cũng là những nhà văn học hậu hiện đại tên tuổi như: J.Derrida,
J.Kristeva, U.Eco, M.Foucault… đã luôn nghiên cứu dựa trên sự kết hợp giữa
văn học và triết học. Họ trực tiếp sáng tác hoặc nghiên cứu văn học hậu hiện
đại, lấy tác phẩm văn học hậu hiện đại để minh chứng cho lý thuyết triết học.
Chính từ đó, văn học hậu hiện đại biết tới những khái niệm như: thân rễ, mê
lộ, liên văn bản, phân mảnh, phi lựa chọn, mã kép…
Sinh ra trong thời đại mất Chúa, thời đại tan rã của những đại tự sự,
triết học hậu hiện đại thông qua hai diễn trình tư tưởng của Hiện tượng học –
Tường giải học và Cấu trúc – Giải cấu trúc, đã đặt ra những quan niệm mới

mẻ về bản chất của văn bản, về sự bất ổn của nghĩa, tính bấp bênh, phi tương
xứng giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, về tính cộng đồng và tính quá
trình của văn bản văn học… để từ đó đề cao người đọc trong quá trình tạo
nghĩa cho văn bản và đưa lại nhiều khám phá mới về bản chất của ngôn ngữ.
Tất cả những nền tảng triết – mỹ học đó đã chứng minh cho sự tồn tại khách


21

quan, có nguyên do, có nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại trong
văn học. Đó đồng thời cũng là những điểm cách tân mới mẻ, mang tính nhân
văn của hệ hình ký thuyết này.
1.3. G.G.Márquez và “Trăm năm cô đơn”
Là nhà văn người Colombia, viết văn bằng tiếng Tây Ban Nha,
Márquez đã thực sự ghim những giá trị văn học vững chắc trên tấm bản đồ
văn chương nhân loại. Dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chính trị và văn
chương, Márquez trở thành tên tuổi hàng đầu trong nền văn học Mĩ Latin nói
riêng và văn chương nhân loại thế kỷ XX nói chung. Làm nên thành công đó,
xứ sở Colombia nhỏ bé và thân phận Mỹ Latin đau thương chính là môi
trường lý tưởng để Márquez nếm trải về bạo lực, nạn độc tài, nỗi cô đơn về
bản chất của con người, sự tha hóa… Đồng thời, những tên tuổi như F.Kafka,
E.Hemingway, Faulkner là những “người thầy” khơi gợi sáng tạo đầu tiên cho
thiên tài văn học. Quan trọng hơn cả, thành công của ông có được nhờ vào tài
năng và sự nỗ lực lao động không ngừng của chính mình.
Nằm ở khu vực bắc Mỹ Latin, Colombia là một trong số những nước
từng trải qua những cuộc chiến tranh đau thương dưới sự xâm lược của thực
dân Tây Ban Nha, sự tranh giành, xâu xé của người Anh… mãi cho tới năm
1810 mới giành được độc lập. Sự kiện này khiến cho Colombia trở thành một
trong những quốc gia có nền dân chủ sớm nhất Mỹ Latin. Nhưng điều đáng
buồn là nền “dân chủ” ấy hiếm khi được thấy hòa bình và sự công bằng. Sau

5 năm tự do ngắn ngủi, do những lục đục nội bộ, quốc gia non trẻ này bị chế
ngự bởi chiến dịch quân sự đẫm máu và tàn khốc dưới lưỡi gươm của tướng
Murillo vào năm 1815. Vào năm 1820, cuối cùng nền độc lập cũng được trao
vào tay đất nước này nhưng do sự bất đồng chính trị nên dù có độc lập thì
Colombia cũng không có được một ngày bình yên. Sự bất đồng chính trị hình
thành nên hai đảng đối lập: đảng Tự do và đảng Bảo thủ. Sống giữa xứ sở


×