Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG tác KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO HƯỚNG TIẾP cận NĂNG lực

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.75 KB, 5 trang )

NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ THEO HƯỚNG TIẾP
CẬN NĂNG LỰC

I. Đặt vấn đề
Kiểm tra, đánh giá kết quả người học là khâu quan trọng trong quá trình
dạy học và giáo dục. Xu hướng đánh giá mới trong giáo dục là đánh giá dựa
theo năng lực người học, tức là đánh giá khả năng tiềm ẩn của người học dựa
trên kết quả đầu ra cuối một giai đoạn học tập, là quá trình tìm kiếm minh
chứng về việc người học đã thực hiện thành công các sản phẩm đó. Đánh giá
năng lực nhằm giúp giáo viên có thông tin kết quả học tập của người học để
điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp người học điều chỉnh hoạt động học tập,
giúp giáo viên và nhà trường xác nhận, xếp hạng kết quả học tập. Đáp ứng yêu
cầu đổi mới trong giáo dục, ngành ĐHSP Toán trường Đại học Hùng Vương
đã điều chỉnh và thay đổi để người học sau khi ra trường có thể đáp ứng được
những yêu cầu đổi mới giáo dục và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy vậy trong
quá trình giảng dạy thực tế, giáo viên còn gặp phải một số khó khăn trong
công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học. Trong nội
dung báo cáo này tôi xin trao đổi về một số khó khăn của giáo viên trong quá
trình kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học ở các năng lực
cụ thể sau:
+ Năng lực hiểu biết tốt về môn học, bao gồm: am hiểu chương trình môn
Toán ở trường phổ thông, có thể giải các bài toán ở mức độ phổ thông.
+ Năng lực chuẩn đoán, đo trình độ học sinh trong học tập môn Toán (nhằm
nắm được mức độ hiểu biết toán học của học sinh tại thời điểm bắt đầu nội
dung bài học và sự tiến bộ của học sinh sau khi học nội dung đó).
+ Năng lực mô hình hóa toán học từ những tình huống thực tiễn giả định hoặc
tình huống thực trong cuộc sống.
+ Năng lực tự học toán với phương pháp phù hợp, đồng thời hợp tác được với
người khác một cách hiệu quả trong quá trình học tập toán.
II. Những khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận
năng lực người học




1. Khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực
hiểu biết tốt về môn học.
Năng lực hiểu biết tốt về môn học, bao gồm: am hiểu chương trình môn
Toán ở trường phổ thông, có thể giải các bài toán ở mức độ phổ thông. Trong
chương trình Toán phổ thông, hệ thống kiến thức toán được trình bày khoa
học, logic và chính xác. Tuy nhiên người học chưa có cái nhìn tổng quát về
chương trình toán phổ thông nên chưa thực sự hiểu rõ sự liên hệ giữa các kiến
thức trong SGK. Trong quá trình đào tạo, người học chưa thấy được mối quan
hệ giữa các học phần toán cao cấp với toán phổ thông nên còn chưa đào sâu
tìm hiểu kiến thức và đôi khi học các học phần toán chuyên ngành một cách
chống đối. Đối với các học phần như: Đại số sơ cấp, Hình học sơ cấp, Rèn
luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên khá gần gũi với toán phổ thông đã
giúp người học rèn luyện nhiều kiến thức, kĩ năng giải toán phổ thông. Tuy
vậy, chẳng hạn học phần Rèn luyện NVSP thường xuyên, một số sinh viên chỉ
soạn các bài được giao mà ngại tìm hiểu toàn bộ chương trình toán phổ thông
cũng như tìm hiểu mối liên hệ giữa nội dung được giao với các nội dung khác
trong chương trình. Học phần Đại số sơ cấp và THGT, Hình học sơ cấp và
THGT, một số sinh viên còn làm dụng sách giáo viên hoặc các sách giải bài
tập mà chưa chịu khó suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để có được bài giảng hay
cũng như các cách giải bài tập hay và thú vị. Chính vì vậy đã gây khó khăn
trong quá trình kiểm tra đánh giá năng lực hiểu biết tốt môn học của sinh viên.
Bên cạnh đó, việc chưa chịu khó đào sâu kiến thức của môn học sẽ làm
cho người học có cái nhìn hạn chế trong mối quan hệ liên môn giữa các môn
học trong chương trình.
2. Khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực
chuẩn đoán, đo trình độ người học trong học tập môn Toán.
Trong quá trình dạy học, việc kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn đoán, đo
trình độ người học trong học tập môn toán còn gặp một số khó khăn như: Làm

thế nào để thiết kế kiểm tra, để đo được mức độ hiểu biết toán học của 1 học
phần nào đó tại thời điểm bắt đầu một nội dung và sau khi kết thúc một nội
dung để thấy được sự tiến bộ của người học một cách tương đối chính xác.


Trong thực tế giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá còn nghèo nàn,
thiếu tính thực tiễn và sáng tạo. Phần lớn phương pháp kiểm tra đánh giá
người học chủ yếu là làm bài kiểm tra trên giấy, với các hình thức: tự luận,
trắc nghiệm khách quan và hiện tại đang tăng cường hình thức: vấn đáp, thực
hành. Các hình thức này chủ yếu là chứng minh người học nắm vững kiến
thức để giải một số bài tập hoặc giải thích một số hiện tượng liên quan đến
những kiến thức đã học. Năng lực mà người học thể hiện qua các hình thức
kiểm tra đánh giá này chủ yếu là năng lực trình bày, diễn đạt, lập luận, kĩ năng
làm bài tập,…Một số kỹ năng mềm như thuyết trình, xử lý tình huống, làm
việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo,… rất cần trong cuộc sống nhưng khó xác
định với cách kiểm tra, đánh giá như trên. Các phương pháp như người học tự
đánh giá, đánh giá theo dự án,… mới chỉ được thực hiện trong một vài học
phần hoặc trong các đề tài nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, kiểm tra đánh giá tập trung nhiều vào mục tiêu dạy kiến
thức mà chưa chú trọng đến mục tiêu kỹ năng của người học. Việc đo lường
năng lực người học chủ yếu dựa vào điểm số các bài thi, trong khi những tiêu
chí rất quan trọng như sức khỏe, kĩ năng sống, lý tưởng của người học chưa
được quan tâm đúng mức. Kiểm tra đánh giá hiện nay chưa chú trọng đến kỹ
năng, thái độ của người học, đôi khi còn mang tính áp đặt. Việc kiểm tra đánh
giá hiện nay chưa làm tăng cường một số kỹ năng ở người học.
Chẳng hạn trong học phần Giải tích toán học 1, Phương pháp dạy học đại
cương môn Toán việc kiểm tra vấn đáp – thực hành đã đem lại nhiều kết quả
tốt trong việc đánh giá quá trình học tập của người học. Tuy nhiên, người học
thường học tủ và học thuộc lòng mà chưa chú ý đến ý nghĩa, ứng dụng của các
kiến thức. Khi hỏi các vấn đề lý thuyết, người học rất thuộc và trả lời trôi chảy

nhưng khi đưa ra một vấn đề toán học và yêu cầu người học vận dụng thì
người học rất lúng túng và khó khăn để hoàn thành. Do đó việc đo lường được
tương đối chính xác trình độ của người học là một vấn đề khó khăn, cần đến
nhiều kĩ năng cũng như phương pháp để đánh giá đúng.
3. Khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực
mô hình hóa toán học từ các tình huống thực tiễn giả định hoặc tình huống
thực trong cuộc sống


Trong quá trình học tập, người học còn chưa thực sự quan tâm tới mối
liên hệ giữa toán học và thực tiễn cuộc sống nên chỉ chăm chú vào việc học lý
thuyết và giải các bài tập được giao. Người học cũng chưa có thói quen hoặc
chưa biết mô hình hóa các bài toán thực tiễn giả định hoặc tình huống thực
trong cuộc sống thành các bài toán hoặc các mô hình toán học. Người học
nhiều khi chỉ học một cách thụ động, thiếu sự linh hoạt và sáng tạo. Do đó
nhiều em chưa thể tự giải được bài tập, hoặc nếu giải bài tập thì là các bài toán
truyền thống, ít quan tâm đến việc liên hệ kiến thức toán học với thực tiễn đời
sống, vận dụng kiến thức, kĩ năng toán vào các môn học khác hoặc các tình
huống thực tế. Do đó gây ra sự khó khăn trong quá trình kiểm tra đánh giá.
Bên cạnh đó, các đề thi môn toán hiện nay rất ít các bài toán có nội dung
thực tiễn. Điều này dẫn đến một hậu quả là giáo viên không chú trọng dạy cho
người học cách giải quyết các bài toán thực tiễn, người học chưa thấy rõ ứng
dụng của toán học. Mỗi một học phần có 3-4 bài kiểm tra định kì, việc kiểm
tra theo hình thức này đôi khi còn chưa đạt được hiệu quả cao, chưa đánh giá
đúng thực chất cả quá trình học tập của người học và chưa thể hiện được
những năng lực người học có và cần có trong học tập và cuộc sống.
Cụ thể trong học phần Toán cao cấp C có rất nhiều mảng kiến thức liên quan
và ứng dụng trong kinh tế, song khi giảng dạy nhiều sinh viên chưa nhận thức
được mối liên hệ và tầm quan trọng của kiến thức nên còn ít quan tâm. Học
phần Xác suất và thống kê có rất nhiều ứng dụng và liên hệ thực tế, song khi

giao bài làm nhóm cần các số liệu thực tế thì người học còn lười, chưa chịu
khó lấy số liệu thực tế cũng như chưa tích cực hoạt động nhóm để tham gia
các quá trình xử lý số liệu nhằm hình thành các kĩ năng làm việc cho mình.
Hoặc khi đưa ra các tình huống giả định để nhằm hình thành các mô hình kinh
doanh hoặc bài toán thống kê, người học lúng túng khi xây dựng mô hình
cũng như chuyển đổi từ ngôn ngữ thực tế sang ngôn ngữ toán học.
4. Khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực
tự học toán với phương pháp phù hợp, đồng thời hợp tác được với người
khác một cách hiệu quả trong quá trình học tập toán
Năng lực tự học toán là một trong những năng lực quan trong và cốt lõi.
Nếu không có khả năng tự học thì người học sẽ bị tụt hậu và không thể đáp
ứng được nhu cầu của một xã hội phát triển. Tuy nhiên, quá trình tự học chưa


được người học nhận thức đúng, người học chưa dành nhiều thời gian cho việc
tự học, tự nghiên cứu. Một số bộ phận người học đến sát kì thi mới học, học
tủ, học lệch, chưa coi trọng các môn học, chỉ học để đối phó với các kỳ thi mà
chưa nhận thức được ý nghĩa của các môn học trong quá trình hình thành kiến
thức cũng như kĩ năng sống cho bản thân. Người học chưa chủ động trong quá
trình kiểm tra đánh giá, còn chưa có ý thức trong việc phát huy các năng lực
của bản thân, còn ỉ lại, không chịu khó học hỏi và ngại tham gia các hoạt động
tập thể cũng như các hoạt động ngoại khóa.
Trong quá trình lên lớp người học còn e ngại trong việc thể hiện bản
thân mình, chưa chủ động và tích cực trao đổi, giao lưu với bạn bè và giáo
viên về các kiến thức chưa hiểu rõ. Khả năng làm việc một cách độc lập của
người học còn chưa tốt, mặt khác việc hợp tác làm việc nhóm cũng chưa đạt
hiệu quả cao. Thực trạng khi giao bài tập nhóm thì chỉ một vài cá nhân học
khá làm bài thay cho cả nhóm và thiếu sự trao đổi chung cũng như sự làm việc
của tất cả các cá nhân trong nhóm. Kĩ năng thuyết trình trước đám đông chưa
được người học quan tâm nhiều. Khi được giao bài trình bày trước tập thể thì

người học thường đùn đẩy nhau mà chưa tự giác và chưa ý thức về nhiệm vụ
của mình. Kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin trong các bài học, bài thảo
luận, bài thuyết trình của người học còn chưa tốt. Điều này dẫn đến kết quả
của bài tập lớn còn chưa phản ánh đúng thực trạng của việc hợp tác nhóm.
III. KẾT LUẬN
Trên đây là một số khó khăn mà giáo viên gặp phải khi thực hiện việc
kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học mà cá nhân tôi
muốn trao đổi, nhằm tìm ra các giải pháp để cải thiện tình trạng kiểm tra đánh
giá hiện nay cũng như để phát huy tốt nhất những năng lực của người học, để
việc kiểm tra đánh giá kết quả sẽ phản ánh đúng những gì người học cố gắng
trong suốt quá trình học tập. Hơn nữa, để người học nhìn vào kết quả kiểm tra
đánh giá để cố gắng hoàn thiện bản thân mình cả về kiến thức và kĩ năng sống.
Để người học có thể phát huy hết những năng lực mà mình có. Và người học
sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội.



×