Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2000 2009

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (959.01 KB, 8 trang )

CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC LÃNH THỔ NÔNG NGHIỆP TIỂU BIỂU
CỦA TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2000 - 2009
ThS. Tòng Thị Quỳnh Hương
Trường Đại học Tây Bắc
1. TÓM TẮT
Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp có nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến
phức tạp. Trong các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp hiện đang tồn tại ở Việt Nam,
một số hình thức hiện đang phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao như kinh tế trang trại, các
vùng chuyên canh; một số hình thức mới hình thành và phát triển như khu nông nghiệp
công nghệ cao, vùng nông nghiệp; một số hình thức đang trong quá trình chuyển đổi để
phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường như hợp tác xã, nông trường.
Áp dụng vào lãnh thổ nghiên cứu, mà cụ thể là tỉnh Sơn La, có thể thấy nổi lên 3 hình
thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tiêu biểu và đang dần phát huy lợi thế so sánh của tỉnh
là kinh tế trang trại, vùng chuyên canh và tiểu vùng nông nghiệp. Hiện tại, ngành nông
nghiệp của tỉnh đang phát triển trên 3 tiểu vùng nông nghiệp: tiểu vùng dọc quốc lộ 6, dọc
sông Đà và vùng cao biên giới. Điều này cho thấy sự phân bố của ngành nông nghiệp Sơn
La ngày càng hợp lí hơn theo hướng khai thác tối đa lợi thế so sánh của từng địa phương
trong việc sản xuất các sản phẩm chuyên môn hoá.
2. NỘI DUNG
2.1. Khái quát chung về hiện trạng phát triển nông nghiệp (nghĩa rộng) tỉnh Sơn La
giai đoạn 2000 - 2009
Trong quá trình phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã đạt được những thành
tựu đáng kể và khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế.
a) Về quy mô và cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản
- Giá trị sản xuất (GTSX) nông, lâm, thủy sản ngày càng tăng cao. Năm 2009 đạt
7183,7 tỉ đồng (giá thực tế), gấp 5 lần năm 2000 (1427,5 tỉ đồng), chiếm 33,3% trong cơ
cấu GTSX của tỉnh, so với 41,0 % của ngành công nghiệp và 25,7% của ngành dịch vụ.
Tuy tỉ trọng GTSX của ngành nông - lâm - thủy sản đang giảm dần về cơ cấu song giá trị
tuyệt đối vẫn không ngừng tăng lên.
- Trong cơ cấu GTSX nông - lâm - thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần
tỷ trọng lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.


Bảng 1: Giá trị sản xuất và cơ cấu giá trị sản xuất
nông - lâm - thuỷ sản giai đoạn 2000 – 2009 (giá thực tế)
2000
2005
2009
Chỉ tiêu
Tỉ đồng
%
Tỉ đồng % Tỉ đồng %
Tổng số
1427,5 100 2268,1 100 7183,7 100
Nông nghiệp 1073,4 75,2 2178,3 81,6 6294,9 87,6
Lâm nghiệp
322,2 22,6
410,5 15,4 717,3
10
Thuỷ sản
32,0
2,2
79,3
3,0
171,5
2,4
(Nguồn: Xử lí theo niên giám thống kê và niên giám tỉnh Sơn La)


Ngành nông nghiệp Sơn La có tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu GTSX nông, lâm,
thủy sản, từ 75,2 % (năm 2000) lên 87,6 % (năm 2009), điều này có được là do tỉnh đã
khai thác có hiệu quả các tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, đồng thời có sự chuyển
dịch hợp lí cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tập trung vào sản xuất các loại cây trồng hàng

hóa có lợi thế so sánh cho giá trị cao (như ngô, chè), chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Bên
cạnh đó, việc hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ
thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Ngành lâm nghiệp tuy có sự giảm mạnh về tỉ trọng trong cơ cấu GTSX nông, lâm,
thủy sản song giá trị tuyệt đối vẫn tăng khá nhanh, năm 2009 đạt 717,3 tỉ đồng, gấp 2,2 lần
so với năm 2000. Tuy vậy, ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm
năng, tỉ lệ che phủ rừng còn thấp (trên 40% năm 2009), chưa đáp ứng được vai trò rừng
phòng hộ đầu nguồn cho vùng đồng bằng.
Ngành thủy sản Sơn La nhỏ bé và không ổn định, chỉ chiếm 2-3% trong cơ cấu GTSX
nông, lâm, thủy sản; đó là do tỉnh không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy
sản, diện tích mặt nước nhỏ hẹp, sông suối nhiều thác ghềnh. Trong tương lai, khi thủy
điện Sơn La đi vào hoạt động, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ được mở rộng
đáng kể, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản Sơn La đi lên.
b) Về giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản trên một ha đất canh tác
Giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác nông – lâm – thuỷ sản ngày một tăng, từ 2,9
triệu/ha năm 2000 lên gần 10 triệu/ha năm 2009 (gấp 3,4 lần so với năm 2000). Đó là kết
quả của việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật, thâm canh trong sản xuất.
Bảng 2: Giá trị sản xuất nông – lâm – thuỷ sản trên một ha đất canh tác
(Đơn vị: Triệu đồng/ha) (giá thực tế)
Năm
2000
2009
Nông – lâm – thuỷ sản
2,9
9,8
Nông nghiệp
6,7
25,4
Lâm nghiệp
1,0

1,6
Thuỷ sản
32,3
67,3
(Nguồn: Xử lí theo niên giám thống kê tỉnh Sơn La 2000 và 2009)
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La vẫn còn phải đối
mặt với nhiều những khó khăn, thách thức. Đó là sự manh mún và nhỏ lẻ trong sản xuất
nông nghiệp, diện tích đất hoang hóa còn nhiều trong khi khả năng khai hoang còn hạn
chế; các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều; trình độ lao động nông nghiệp nhìn
chung còn thấp; tập quá canh tác của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu; cơ sở hạ
tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật thiếu và chưa đồng bộ; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định dẫn
đến sự bấp bênh về giá cả hàng hoá nông phẩm…
2.2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh
2.2.1. Trang trại
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng sản
xuất hàng hoá phù hợp với kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế đã tự vươn lên tìm
hướng đi cho chính mình, làm giàu ngay trên mảnh đất của mình, đó chính là việc phát


triển các trang trại sản xuất. Các trang trại chủ yếu theo quy mô hộ gia đình. Ngoài ra còn
có nhiều các trang trại của các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động đã và đang đem lại
hiệu quả kinh tế. Hình thức tổ chức sản xuất trang trại quy mô nhỏ chủ yếu sử dụng lao
động chính trong gia đình, cũng có khi phải thuê thêm lao động theo mùa vụ, theo từng
khâu công việc với giá cả thoả thuận. Nguồn vốn phát triển trang trại là vốn tự có, vốn
vay, vốn đầu tư hỗ trợ các trương trình dự án...
Phương thức kinh doanh: Chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Cây
trồng chính là cây công nghiệp (cà phê, chè...), cây ăn quả (mận, hồng, nhãn...). Một số
trang trại đã kết hợp giữa cây công nghiệp với cây ăn quả làm đa dạng hoá sản phẩm kinh
doanh. Một số trang trại sản xuất kinh doanh kết hợp nông lâm, chăn nuôi gia súc dưới tán
rừng. Một số trang trại trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò thịt.

Năm 2007 toàn tỉnh có 89 trang trại, trong đó có 62 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại
kinh doanh tổng hợp, 1 trang trại lâm nghiệp, còn lại là các trang trại trồng cây hàng năm
và lâu năm. Năm 2010 toàn tỉnh có 114 trang trại trong đó có 5 trang trại trồng cây hàng
năm; 17 trang trại trồng cây lâu năm; 87 trang trại chăn nuôi; 5 trang trại kinh doanh tổng
hợp.
Với sự đổi mới về cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tạo điều kiện phát
triển kinh tế, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều trang
trại đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, tạo
ra các mô hình chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông - lâm nghiệp. Việc phát triển các
trang trại đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, sản phẩm hàng hoá từ các trang trại giữ vị trí
ngày càng quan trọng trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp. Thu nhập từ các trang trại cao
hơn nhiều so với kinh tế hộ nhỏ lẻ sản xuất manh mún. Bình quân 1ha đất canh tác theo
mô hình trang trại mang lại lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/năm. Nhiều trang trại kinh
doanh tốt cho thu nhập cao hơn nữa. Kinh tế trang trại còn góp phần thu hút, giải quyết
việc làm, cho nhiều lao động nông thôn, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế biến
phát triển.
Mặc dù kinh tế trang trại đem lại hiệu quả song vẫn còn một số tồn tại:
- Trình độ sản xuất và tổ chức quản lý của nhiều trang trại còn hạn chế. Các tiến bộ
khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất chưa được chú trọng nhiều.
- Tình hình tiêu thụ các sản phẩm gặp khó khăn do giao thông đi lại, thị trường nông
thôn phát triển chậm, sức tiêu thụ kém, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp
ứng được yêu cầu ngày càng cao trên thị trường.
- Sự liên doanh liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh
nghiệp còn hạn chế, làm giảm khả năng phát triển trang trại theo chiều sâu.
- Còn thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Trong những năm tới, phát triển kinh tế trang trại vẫn là một xu thế tích cực, vì vậy
cần được áp dụng và nhân rộng ra do mang lại nhiều hiệu quả. Có thể nói nền nông nghiệp
trang trại là hình thức tổ chức sản xuất ổn định, cho hiệu quả cao, làm ra nhiều sản phẩm
hàng hoá. Sản xuất theo yêu cầu thị trường.



2.2.2. Vùng chuyên canh
Hình thức vùng chuyên canh phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Sơn
La. Về đại thể, trong tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh ngô, lúa, chè, cây ăn quả,
chăn nuôi trâu bò.
Bảng 3: Các vùng chuyên canh tỉnh Sơn La giai đoạn 2000 – 2009
Vùng
Năm 2000
Năm 2009
Sản
Phân bố Diện tích
Sản
Phân bố
chuyê Diện tích
(Số
lượng
(Số lượng)
lượng
n canh
lượng)
26,1 nghìn
79,1
Mộc
90,8 nghìn
374,7
Mộc Châu,
ha (chiếm nghìn tấn
Châu,
ha (chiếm nghìn tấn
Mai Sơn,

Ngô
50,6%
(chiếm
Yên
68,7%
(chiếm
Sông Mã,
toàn tỉnh)
58,2%
Châu,
toàn tỉnh)
72,9%
Phù Yên,
toàn tỉnh) Mai Sơn
toàn tỉnh)
Yên Châu
20,5 nghìn
46,7
Sông
24,6 nghìn
84,6
Sông Mã,
ha (chiếm nghìn tấn
Mã,
ha (chiếm nghìn tấn
Phù Yên,
Lúa
49,4%
(chiếm
Thuận

53,5%
(chiếm
Thuận Châu,
toàn tỉnh)
43,2%
Châu,
toàn tỉnh)
55,4%
Mộc Châu
toàn tỉnh) Bắc Yên
toàn tỉnh)
1,6 nghìn
9,6
Mộc
3,5 nghìn
21,6
Mộc Châu,
ha (chiếm nghìn tấn
Châu,
ha (chiếm nghìn tấn Thuận Châu,
Chè
71,6%
(chiếm
Mai Sơn
84,9%
(chiếm
Yên Châu
toàn tỉnh)
89,3%
toàn tỉnh)

93,1%
toàn tỉnh)
toàn tỉnh)
12,0 nghìn
Sông
Sông Mã,
Cây
ha (chiếm
Mã, Mộc 16,3 nghìn
Mộc Châu,
ăn quả
64,2%
Châu,
ha (chiếm
Phù Yên,
toàn tỉnh)
Mường
72,9%
Mường La,
La, Phù toàn tỉnh)
Mai Sơn
Yên
Chăn
108,2
Sông
207,4
Mộc Châu,
nuôi
nghìn con
Mã, Mộc nghìn con

Sông Mã,
trâu,
(chiếm
Châu,
(chiếm
Thuận Châu,

50,4%
Thuận
61,2%
Mai Sơn,
toàn tỉnh)
Châu
toàn tỉnh)
Phù Yên
(Xử lí từ Niên giám thống kê Sơn La năm 2000 và 2009)
Qua bảng trên ta thấy: các cùng chuyên canh đều chiếm trên 50% về diện tích và sản
lượng cây trồng vật nuôi so với toàn tỉnh. Trong các vùng chuyên canh thì Mộc Châu có
quy mô lớn nhất, đồng thời là vùng đa canh với cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng, nổi
bật là chăn nuôi bò sữa, trồng chè, ngô, lúa. Trong vùng đã đẩy mạnh công nghiệp chế
biến nông sản như các cơ sở: Công ty chè Mộc Châu, công ty giống bò sữa Mộc Châu để


nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo được thương hiệu trên thị
trường.
2.2.3. Tiểu vùng nông nghiệp
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cạnh tranh hàng
hóa và thực tế phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua đã xác định được 3
tiểu vùng nông nghiệp như sau:
a) Tiểu vùng nông nghiệp dọc quốc lộ 6

Bao gồm các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố Sơn
La với diện tích 6217 km2 (chiếm 43,9 %), dân số 606,5 nghìn người (chiếm 55,5 %), mật
độ trung bình 98 người/ km2.
Đây là vùng bao gồm 2 cao nguyên lớn chạy dài theo hướng Tây bắc – Đông nam, là
cao nguyên Mộc Châu, Sơn La - Nà Sản và vùng núi ven 2 cao nguyên này. Cả 2 cao
nguyên đều có bề mặt tương đối bằng phẳng, đó là điều kiện rất thuận lợi cho phát triển
nông nghiệp, đặc biệt là phát triển tập đoàn cây công nghiệp, cây ăn quả theo hướng sản
xuất hàng hóa. So với 2 vùng còn lại thì tiểu vùng này có khả năng thích ứng tốt nhất đối
với nền kinh tế thị trường hiện nay cũng như trong tương lai.
Cơ cấu kinh tế của tiểu vùng hiện nay vẫn là nông - công nghiệp - dịch vụ. Trong
nông nghiệp, bên cạnh việc đầu tư thâm canh lúa nước ở những nơi có điều kiện thuận lợi
thì ngô là loại cây được chú ý phát triển và đang trở thành mặt hàng sản xuất có giá trị cao
nên diện tích ngô không ngừng mở rộng, từ 32,9 nghìn ha (2000) lên 69,8 nghìn ha (2009)
và ước đạt 73,2 nghìn ha năm 2010. Ngô được trồng chủ yếu ở cao nguyên Mộc Châu và
Mai Sơn, Yên Châu, việc phát triển cây ngô đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là
ngô giống.
Đối với sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng này còn phải nói đến việc phát triển tập
đoàn cây công nghiệp như chè, cà phê, mía, cây ăn quả. Chè được trồng chủ yếu ở cao
nguyên Mộc Châu (2953 ha); ở cao nguyên Sơn La – Nà Sản thì cây chè được trồng tập
trung ở Mai Sơn (307 ha), Yên Châu (279 ha), riêng diện tích chè ở tiểu vùng này đã
chiếm 92,1% diện tích chè của cả tỉnh năm 2009. Hiện nay, việc phát triển cây chè thành
mặt hàng sản xuất hàng hóa xuất khẩu mang lại doanh thu lớn cho tỉnh Sơn La. Cây cà phê
được trồng chủ yếu ở TP. Sơn La và Mai Sơn, Thuận Châu, diện tích cà phê liên tục tăng
từ 3120 ha (2000) lên 3482 ha (2009) và ước đạt 4637 ha năm 2010, cà phê là cây công
nghiệp đứng thứ hai sau chè được tỉnh Sơn La chú ý đầu tư và mở rộng diện tích. Cây mía
cũng là cây chủ lực của vùng, được trồng chủ yếu ở Mai Sơn, Yên Châu và TP. Sơn La,
đây chính là vùng mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đường Mai Sơn.
Trong chăn nuôi, tiểu vùng này có điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò và
bò sữa. Riêng ở đây đã chiếm tới 54,3 % tổng số đàn bò của tỉnh năm 2009. Chăn nuôi bò
theo quy mô lớn trên cao nguyên Mộc Châu, ngoài ra bò còn được nuôi ở các hộ gia đình,

đây sẽ là điều kiện cho các hộ nông dân ở vùng sâu, vùng xa phát triển sản xuất.
Ở vùng này, ngoài điều kiện thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi trên
các cao nguyên thì ven các cao nguyên và vùng núi có điều kiện cho phát triển diện tích
cây ăn quả như xoài (Yên Châu), mận mơ (Mộc Châu), nhãn (Mai Sơn, TP. Sơn La). Bên


cạnh đó, còn phát triển ngành lâm nghiệp với hoạt động chủ yếu là trồng và chăm sóc
rừng, bởi hiện nay diện tích rừng với độ che phủ thấp do đó việc phủ xanh đất trống đồi
trọc đã và đang đặt ra rất cấp thiết trong vùng.

b) Tiểu vùng nông nghiệp dọc sông Đà
Bao gồm các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên với diện tích 4830,7
2
km (chiếm 31%), dân số 318,5 nghìn người (chiếm 29,2%), mật độ trung bình 66
người/km2.
Vùng này đặc trưng bởi điều kiện địa hình dốc, độ dốc phổ biến trên 25 o, trừ một vài
thung lũng như các suối Tấc, suối Nậm Giôn… có độ dốc nhỏ hơn. Đất ở tiểu vùng này có
sự phân hóa theo đai cao, gồm có đất mùi trên núi và đất feralit vàng đỏ ở các vùng thấp,
còn ở thung lũng Phù Yên chủ yếu là đất tích tụ, bồi tụ, rất thích hợp cho phát triển nông
nghiệp.
Trong tiểu vùng có 4 trung tâm hành chính huyện, đó là các thị trấn Quỳnh Nhai,
Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, các trung tâm này mới chỉ mang tính chất quản lí hành
chính là chủ yếu chứ chưa thực sự là đô thị phát triển kinh tế có sức hút đối với các vùng
lân cận trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cơ cấu kinh tế của vùng phần lớn là nông nghiệp, hoạt động kinh tế chủ yếu trong sản
xuất nông nghiệp là trồng các cây lương thực, tạo nên nhiều cánh đồng chuyên canh lương
thực, đặc biệt là lúa nước như các cánh đồng Quang Huy (Phù Yên), Bắc Yên, Quỳnh
Nhai. Riêng diện tích trồng lúa ở đây là 16,5 nghìn ha, chiếm 35,9 % (2009). Bên cạnh đó,
diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp không ngừng tăng lên nhờ việc chuyển đổi cơ cấu
cây trồng trong thời gian qua, cụ thể như: chè từ 88 ha (2000) lên 328 ha (2009), diện tích



cây ăn quả không ngừng được mở rộng ở vùng này, từ 6281 ha (2000) lên 7666 ha (2009)
trong đó nhãn được trồng chủ yếu ở Mường La, Phù Yên; xoài, táo ở Mường La; mơ ở
Phù Yên. Trong việc mở rộng diện tích cây công nghiệp thì chè được đặc biệt chú ý đầu tư
phát triển ở vùng Tà Xùa (Bắc Yên), Phù Yên, Mường La, bên cạnh đó cà phê cũng được
mở rộng diện tích ở Phù Yên, Quỳnh Nhai. Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng
từ chỗ chuyển một phần diện tích lúa nương sang phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả
đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng này.
Là vùng nằm dọc sông Đà nên việc khoanh nuôi và phát triển rừng phòng hộ cho sông
Đà là hết sức cần thiết, ngoài ra việc bảo vệ 2 khu rừng là Mường Giôn (Quỳnh Nhai) và
Tà Xùa (Bắc Yên) đến phát triển nguồn gen sinh vật quý hiếm của vùng này rất cần thiết.
Trong quá trình phát triển rừng phòng hộ thì việc đầu tư cho vùng rừng nguyên liệu giấy
hiện nay đã có và đang phát triển. Việc đầu tư phát triển lâm nghiệp ở đây không chỉ có ý
nghĩa đối với phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái ở khu vực ven hồ thủy
điện Hòa Bình và Sơn La.
Đối với ngành thủy sản, hiện tại ở đây mới phát triển quy mô nhỏ trên các ao và vùng
ven hồ Hòa Bình, trong tương lai, khi công trình thủy điện Sơn La hoàn thành thì với một
diện tích mặt nước lớn như vậy sẽ là điều kiện để tiểu vùng phát triển nuôi trồng và đánh
bắt thủy sản.
c) Tiểu vùng nông nghiệp vùng cao biên giới
Bao gồm huyện Sông Mã và Sốp Cộp, với diện tích 3127,04 km 2 (chiếm 22,1%), dân
số 167,7 nghìn người (chiếm 15,3%) và mật độ trung bình 54 người/km2.
Vùng này chủ yếu là núi cao, hoạt động sản xuất chủ yếu là canh tác nông nghiệp, cây
công nghiệp và cây ăn quả ở khu vực thung lũng sông Mã và vùng ven sông. Là địa bàn
cư trú của các dân tộc có trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, chủ yếu là
sản xuất quảng canh, mang nặng tính tự cấp, tự túc.
Do địa hình hiểm trở nên vùng này giao thông đi lại khó khăn, vào mùa mưa ách tắc
giao thông thường xuyên xảy ra vì chất lượng đường quá xấu. Cơ sở hạ tầng ở đây yếu
kém nhất trong các vùng, nhưng lại là vùng có vị trí địa lí chính trị quan trọng bởi có

nhiều xã giáp biên giới, và cũng là vùng có nhiều xã đặc biệt khó khăn, Vì vậy việc
chuyển hướng sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa và các cây công nghiệp dài
ngày, chăn nuôi đại gia súc, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây dược liệu, thâm canh lúa
nước là hướng đi thích hợp cho vùng. Tiểu vùng này có diện tích lúa tương đối lớn (12,4
nghìn ha, chiếm 27,0% năm 2009), được trồng chủ yếu ở thung lũng sông Mã và vùng núi,
nhưng hiện nay một diện tích lớn lúa nương được chuyển sang trồng cây ăn quả, diện tích
cây ăn quả tăng từ 3849 ha (2000) lên 5629 ha (2009). Bên cạnh đó, việc phát triển diện
tích trồng sắn cũng được giữ ổn định, đạt 2,1 nghìn ha (2009) và ước đạt 2,8 nghìn ha năm
2010, chủ yếu là diện tích sắn công nghiệp phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại
trung tâm thị trấn Sông Mã.
3. KẾT LUẬN
Sự phân bố và tổ chức nông nghiệp của Sơn La ngày càng hợp lí hơn theo hướng khai
thác tối đa lợi thế so sánh của từng tiểu vùng trong việc sản xuất các sản phẩm chuyên


môn hoá. Hiện tại, trong tỉnh đang nổi lên 3 hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp tiêu
biểu và đang dần phát huy lợi thế so sánh là kinh tế trang trại, vùng chuyên canh và tiểu
vùng nông nghiệp. Trên phương diện tiểu vùng, ngành nông nghiệp của tỉnh đang phát
triển trên 3 tiểu vùng nông nghiệp: tiểu vùng dọc quốc lộ 6, dọc sông Đà và vùng cao biên
giới; trong đó, tiểu vùng dọc quốc lộ 6 có ưu thế hơn hẳn 2 tiểu vùng còn lại về các điều
kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong từng phân ngành cụ thể đã bước đầu hình
thành các vùng sản xuất nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến, tạo nguồn hàng
hóa xuất khẩu như: bò sữa, chè, cây ăn quả ở Mộc Châu; vùng cây ăn quả Yên Châu, vùng
ngô và bông ở Mai Sơn; vùng trồng lúa nước ở Bắc Yên, Phù Yên… nhằm khắc phục
những hạn chế do tính chất nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết, tổ
hợp tác, hợp tác xã, trang trại có hiệu quả cao trong sản xuất ngày càng được nhân rộng
góp phần huy động tốt các nguồn lực và tăng cường tính kế hoạch trong sản xuất nông
nghiệp, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Cục thống kê Sơn La, Niên giám thống kê Sơn La các năm, Sơn La.

[2]. Tòng Thị Quỳnh Hương, 2011, Phát triển nông, lâm, thủy sản Sơn La giai đoạn
2000 - 2009, Luận văn Thạc sĩ Địa lí - Trường ĐHSP Hà Nội.
[3]. Đặng Thị Nhuần, 2003, Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh Sơn La trong
quá trình CNH-HĐH, Luận văn Thạc sĩ Địa lí - Trường ĐHSP Hà Nội.
[4]. Tổng cục thống kê (2007), Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy
sản 2006, NXB Thống kê, Hà Nội.
[5]. Tổng cục thống kê (2010), Niên giám thống kê 2009, NXB Thống kê, Hà Nội.
[6]. PGS.TS Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên), 2009, Địa lí các vùng kinh tế Việt Nam,
NXB Giáo dục.



×