Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG đào tạo GIÁO VIÊN mĩ THUẬT ở các TRƯỜNG, các KHOA sư PHẠM NHẰM đáp ỨNG yêu cầu đổi mới GIÁO dục HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (495.91 KB, 9 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MĨ THUẬT
Ở CÁC TRƯỜNG, CÁC KHOA SƯ PHẠM
NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY

TS. Nguyễn Thu Tuấn
Trường ĐHSP Hà Nội
Tóm tắt: Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đã và đang
đặt ra những yêu cầu mới đối với các cơ sở đào tạo giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu đó,
việc nghiên cứu cải cách sư phạm về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mĩ thuật là một đòi
hỏi cần thiết và cấp bách. Nội dung bài viết trình bày về thực trạng và đề xuất một số
giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Mĩ thuật ở các trường/ khoa sư phạm
nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Từ khóa: Phương pháp dạy học; Đào tạo; Giáo viên Mĩ thuật; Giảng viên Mĩ
thuật.
Abstract: Basic renovation work, comprehensive education - training has been
set out new requyrements for teacher training institutions. To meet that requyrement,
the study reform of pedagogical training and retraining of teachers Art Design is a
necessary requyrement and urgency. Contents of the article presents the current status
and propose some solutions to improve the quality of teacher training at the Fine Arts
School / pedagogy to meet the requyrements of the current education reform.
Key words: Teaching methods; Train; Fine Arts teacher; Fine Arts faculty.
1. Đặt vấn đề
Chất lượng giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đóng góp thiết
thực và có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự
nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục là phải đổi mới
phương pháp dạy học (PPDH). Quan điểm này được nhấn mạnh trong Nghị quyết


Trung ương Đảng lần thứ 2 (khóa 8):“Đổi mới và hiện đại hóa PPDH ở các trường sư
phạm là chuyển từ việc truyền đạt tri thức thụ động một chiều sang hướng dẫn người
học chủ động tiếp cận tri thức, dạy cho người học phương pháp tự học, tự thu nhận
thông tin một cách hệ thống và có tư duy phân tích, tổng hợp, phát triển được năng lực
của mỗi cá nhân, tăng cường tính chủ động, tính tự chủ của sinh viên”. Vì thế, nhiệm

610


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

vụ và vai trò của các trường sư phạm trong việc đổi mới phương pháp dạy và học là rất
quan trọng.
Các trường/ khoa sư phạm Mĩ thuật (MT) có mục tiêu là đào tạo giáo viên (GV)
MT cho các trường phổ thông. Được sự quan tâm của các cấp quản lí cùng với sự nỗ
lực vươn lên của đội ngũ cán bộ giảng viên MT ở các trường/ khoa sư phạm MT, từng
bước đã khẳng định được chất lượng đào tạo của mình: hầu hết sinh viên MT tốt
nghiệp ra trường được các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao về sự thích ứng có hiệu quả
của thực tiễn giáo dục đề ra. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo GV MT đã đáp ứng
được yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội đối với chuyên ngành đặc biệt này.
2.Những tồn tại trong công tác đào tạo giáo viên mĩ thuật hiện nay
Để nâng cao chất lượng đào tạo GV MT nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới
của thực tiễn giáo dục ở trường phổ thông hiện nay, bên cạnh những thành tựu rất đáng
tự hào thì việc phân tích và khắc phục những mặt hạn chế trong công tác đào tạo GV
MT là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi một trường/ khoa sư phạm MT.
2.1. Về đội ngũ giảng viên MT
- Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, không ít giảng viên MT ở nhiều trường sư
phạm chưa được đào tạo nghiệp vụ sư phạm (NVSP) một cách bài bản, chính thống về
lí luận và PPDH. Nhiều giảng viên MT có quan niệm rằng: “Không có PPDH ở bậc
đại học/cao đẳng, mà mỗi giảng viên tự làm việc trên lớp theo kiểu riêng của mình,

miễn sao cung cấp được tri thức cho sinh viên”. Vì vậy, đa số giờ dạy lí thuyết trên lớp
hiện nay vẫn theo kiểu thầy đọc - trò chép, giờ lên lớp được biến thành giờ phát và
nhận thông tin một cách máy móc; Giờ dạy các môn thực hành đang tồn tại theo kiểu
“cầm tay chỉ việc”, thiên về kiểu “truyền nghề”, “truyền kinh nghiệm”, có sao giảng
vậy, chưa lưu tâm nhiều tới việc truyền đạt giáo dục thẩm mĩ cho người học thông qua
bài dạy, chưa lưu tâm đến nhu cầu và yêu cầu của người học xem họ cần gì, xã hội cần
gì, cơ sở tiếp nhận sau này cần gì… để khi ra trường, sinh viên MT có thể thích ứng
được ngay với sự đổi mới của thực tế trường phổ thông. Với cách dạy như thế, một bộ
phận lớn sinh viên MT vẫn học theo kiểu thụ động. Chính vì vậy, trong những năm
qua, hậu quả của đào tạo sinh viên MT của một số trường đại học/cao đẳng đã tạo ra
nhiều sản phẩm thiếu khả năng độc lập sáng tạo, kém thích ứng với môi trường thực tế
của trường phổ thông.
- Một số ít giảng viên MT vẫn chưa xác định được rằng (hoặc quên rằng):
Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành sư phạm MT là nhằm đào tạo ra những GV dạy
môn MT cho các trường phổ thông. Vì thế, việc trang bị kiến thức về NVSP và rèn

611


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

luyện kĩ năng sư phạm cho sinh viên MT chưa được các giảng viên này quan tâm chú
trọng so với việc dạy thực hành chuyên môn. Chính suy nghĩ đó đã ít nhiều có sự lan
tỏa sang người học, làm cho một số sinh viên MT có quan niệm sai lầm là cứ học tốt
chuyên môn là ra trường sẽ dạy tốt ! Vẫn biết rằng: vẽ nhiều, vẽ giỏi là rất cần, là rất
tốt, là quá cần thiết và rất đáng khích lệ - nhưng chỉ có thế thôi thì chưa thể là yếu tố
cần và đủ đối với một GV dạy môn MT ở trường phổ thông. Đối với nghề dạy vẽ (nói
chung) và đối với GV dạy MT ở trường phổ thông (nói riêng) thì: Nếu chỉ vẽ giỏi,

chưa chắc đã dạy giỏi (trừ một số người có năng khiếu dạy học). Nhưng để dạy
được giỏi thì ngoài năng lực NVSP, không thể không có kiến thức và trình độ
chuyên môn vững vàng.
- Qua số liệu thống kê những năm gần đây của Bộ GD-ĐT, cho thấy: Hầu hết
các cơ sở giáo dục đại học/cao đẳng chưa có kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ
giảng viên MT; tỉ lệ đội ngũ giảng viên MT có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ thấp (đặc biệt
là ở các trường cao đẳng), dẫn đến chất lượng đội ngũ chưa đảm bảo; tải trọng giảng
dạy của giảng viên MT quá lớn, cản trở hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và
bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn. Tâm lí thụ động, trình độ
ngoại ngữ và trình độ tin học còn hạn chế ở nhiều giảng viên MT - đây là một trong
những thách thức rất lớn của đội ngũ giảng viên MT. Vì vậy, tình trạng kém năng
động, giảm tính cầu tiến, không chịu đổi mới PPDH… ở nhiều giảng viên MT là một
hệ quả tất yếu.
2.2. Về chương trình, giáo trình
- Về chương trình: Do sự chậm trễ từ các cấp quản lí của Bộ GD-ĐT chưa
thống nhất được một chương trình khung chuẩn mực cho ngành sư phạm MT nên mỗi
trường/khoa sư phạm MT đều có chương trình đào tạo riêng của mình. Mặc dù đã qua
nhiều lần điều chỉnh, nhưng đến nay nội dung chương trình đào tạo MT của không ít
trường vẫn bộc lộ nhiều điều bất cập, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của trường
phổ thông và của xã hội.
- Về giáo trình: Hiện nay đào tạo chuyên ngành sư phạm MT chưa có một bộ
giáo trình chuẩn chính thức trên toàn quốc cho các môn chuyên ngành MT ở bậc đại
học. Thiết nghĩ, việc biên soạn giáo trình cho các môn học chuyên ngành là rất cấp
thiết. Sự chậm trễ (từ phía các cấp quản lí của Bộ GD-ĐT) sẽ làm cho việc dạy và học
MT ở các trường đại học/cao đẳng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn cho người
học.
2.3. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học

612



HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Ngoài một vài trường có các phòng học đạt chuẩn (về diện tích, về tiện nghi, về
trang thiết bị dạy học hiện đại) thì ở hầu hết các trường, việc thiếu phòng học là “bài
ca muôn thuở”. Thiếu phòng học dành cho dạy và học MT lại càng trầm trọng hơn (vì
lãnh đạo của một số trường coi việc đào tạo chuyên ngành MT không quan trọng bằng
đào tạo các chuyên ngành khác, do vậy họ chưa quan tâm). Ở một số trường, do không
đủ phòng học, nhà trường bố trí cho các lớp MT học ở những phòng tạm, kho chứa đồ
của trường - không đủ ánh sáng tiêu chuẩn khi vẽ Hình họa. Hiện tượng ghép phòng
học cho 2-3 nhóm khi học các môn thực hành (Hình họa, Điêu khắc…) là khá phổ
biến. Chính sự chật chội, chen chúc nhau của sinh viên khi làm bài trong một phòng
học nhỏ hẹp như vậy ít nhiều làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập của các em.
Việc đầu tư các trang thiết bị dạy học phục vụ cho đào tạo chuyên ngành MT
của nhiều trường chưa đầy đủ, chưa đồng bộ (chủ yếu là do kinh phí của các trường
còn hạn hẹp). Phòng học phục vụ cho dạy môn Lịch sử MT không có máy chiếu đa
năng; Học môn Đồ họa vi tính thì không có phòng máy tính chuyên dụng; Kinh phí
nhà trường cấp để dành cho việc thuê người mẫu quá thấp, không phù hợp với giá biểu
hiện tại nên việc mời người mẫu là rất khó khăn v.v…
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mĩ thuật
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của các tồn tại trên đây, chúng tôi xin đưa ra
một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo GV MT cho các trường/khoa sư
phạm MT hiện nay như sau:
3.1. Cần nhận thức đúng quan niệm khoa học về đổi mới PPDH
- Đổi mới PPDH không phải là sự thay đổi cái cũ bằng cái mới. Nhiều nhà
khoa học thống nhất rằng: Đổi mới không phải là xóa bỏ phương pháp cũ, mà đổi mới
chính là sự tinh lọc, giữ lại các yếu tố tinh hoa trong các PPDH vốn có và chuyển vào
đó các yếu tố tích cực, hiện đại để tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng nhuần nhuyễn
các phương pháp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế.
- Đổi mới PPDH phải bắt đầu từ những công việc của người thầy. Trong mỗi

bài giảng, tuy nội dung, chương trình là “phần cứng”, nhưng người dạy luôn cần đổi
mới trong cách dạy để tạo sự hấp dẫn cho người học. Muốn đổi mới PPDH cho hiệu
quả, cần đổi mới toàn bộ các khâu của quy trình dạy học từ nhận thức của giảng viên
và sinh viên đến quy trình chuẩn bị bài giảng - cách tổ chức dạy học - cách giảng bài
của thầy - cách học của trò - cách kiểm tra đánh giá; Tăng cường giáo dục kĩ năng thực
hành nghiệp vụ giảng dạy tương tác giữa giảng viên, sinh viên và môi trường, giảng
dạy kích thích sáng tạo và rèn luyện kĩ năng tự học cho sinh viên v.v…

613


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

3.2. Công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên MT
Theo quan điểm của chúng tôi, muốn cho sự nghiệp giáo dục phát triển một
cách bền vững trong thời kì hội nhập quốc tế, phải tìm cho ra được lời giải của bài toán
về nâng cao chất lượng giáo dục. Để giải bài toán đó, cần nhiều biện pháp đồng bộ,
quyết liệt, có tính hệ thống. Một trong những biện pháp quan trọng nhất, căn bản nhất
là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Có thể nói, đây là khâu mở đầu cho tất cả
các khâu, là yếu tố cực kì quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường
sư phạm trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên giữ một vai trò hết sức quan
trọng, đảm bảo cho việc xây dựng được đội ngũ giảng viên MT đủ về số lượng và có
chất lượng cao, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự kết nối nhuần nhuyễn giữa các thế hệ
và xây dựng được đội ngũ giảng viên MT đầu ngành. Theo chúng tôi, để tuyển chọn
được những giảng viên MT có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực chuyên
môn giỏi về trường làm công tác giảng dạy thì có thể thu nạp những sinh viên MT thực
sự giỏi và xuất sắc về chuyên môn, có đạo đức, có phẩm chất yêu nghề dạy học, sau đó

tiếp tục giúp họ nâng cao về chuyên môn và NVSP (bằng nhiều cách, như: trải nghiệm
thực tế giảng dạy ở trường phổ thông 1-2 năm; tham gia các Hội thảo khoa học; đi học
cao học, nghiên cứu sinh…); hoặc tuyển chọn các giảng viên MT có năng lực chuyên
môn và tư cách đạo đức tốt đang giảng dạy ở các trường đại học/cao đẳng sư phạm.
Với đối tượng cán bộ này, cần sơ tuyển qua hồ sơ, sau đó tổ chức thực hiện thi tuyển
một cách công khai, dân chủ, bình đẳng nhưng phải chặt chẽ, nghiêm ngặt và minh
bạch để đánh giá đúng thực chất năng lực của người thi về nhận thức chính trị, về trình
độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, về khả năng sư phạm (thông qua hình thức giảng
bài hoặc chuyên đề). Đây là cách đánh giá tổng hợp, do đó phải có Hội đồng khoa học
gồm những nhà giáo có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy
của ngành học/môn học để kiểm tra, đối thoại trực tiếp và có đánh giá cụ thể một cách
công minh, khách quan.
3.3. Chuẩn hóa chất lượng giảng viên
- Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên MT có trình độ cao, có NVSP vững
vàng, có đạo đức và tâm huyết với nghề là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan
trọng và cấp thiết. Đây là điều kiện cơ bản nhất (cần được xem là điều kiện tiên quyết)
để nâng cao chất lượng đào tạo GV MT của các trường sư phạm hiện nay.
- Việc chuẩn hóa chất lượng giảng viên MT còn thể hiện ở sự nhất quán về mục
tiêu và quan điểm đào tạo, đó là: phương pháp dạy học đại học/cao đẳng không cho

614


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

phép sự tùy tiện “có gì dạy nấy, có sao dạy vậy ”. Đó cũng là điều kiện và môi trường
tốt nhằm thay đổi quan điểm quá thiên lệch về chuyên môn, quá coi nhẹ việc truyền
thụ kiến thức và rèn luyện kĩ năng sư phạm cho sinh viên của một số giảng viên.
- Mỗi giảng viên MT cần phải xác định rõ mục tiêu của chuyên ngành này là
đào tạo ra những GV dạy môn MT cho các trường phổ thông. Có xác định được

như vậy thì trong quá trình giảng dạy, giảng viên sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình,
không đi chệch hướng, không xa rời thực tiễn, và khi đó họ sẽ quan tâm tới những
kiến thức mà người học cần, xã hội cần, trường phổ thông cần; để khi ra trường,
sinh viên MT có thể thích ứng được ngay với nhiệm vụ của nhà trường phổ thông,
đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện
nay.
- Cần thay đổi hẳn tư duy trong phương pháp đào tạo của một số giảng viên
MT, để họ thấu hiểu rằng dạy học ở đại học/cao đẳng là dạy cho sinh viên cách học,
cách tự học, tự nghiên cứu - chứ không phải dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nói
cách khác, người thầy dạy ở đại học là người “giao chìa khóa mở thông tin, giúp cho
sinh viên có công cụ để xử lí cơ bản những thông tin mà họ tiếp thu được từ nhiều
nguồn khác nhau”.
3.4. Vấn đề bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giảng viên
- Cần tăng cường các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên MT đặc biệt là bồi dưỡng về kiến thức sư phạm và kĩ năng dạy học. Có thể với nhiều hình
thức khác nhau, cần tạo điều kiện để mọi giảng viên MT đều được quan sát, thử
nghiệm và được thực hành các PPDH tiên tiến, hiện đại, cũng như việc học hỏi kinh
nghiệm giảng dạy của các đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
- Nên khuyến khích các hoạt động trao đổi giảng viên, chia sẻ tài liệu với các
cơ sở đào tạo MT ở trong và ngoài nước (ưu tiên các trường đại học có chuyên ngành
này ở các nước Đông nam Á), mời các giảng viên giỏi báo cáo kinh nghiệm.
- Tạo điều kiện tối ưu cho các giảng viên MT đầu ngành, các giảng viên trẻ
được tham quan, giao lưu, học tập và giảng dạy ở các nước tiên tiến trong khu vực
Đông Nam Á và trên thế giới.
- Xây dựng các trung tâm NCKH, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để thúc
đẩy các hoạt động sáng tạo của giảng viên MT.
- Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn; đúc rút những kinh nghiệm dạy
học hay; luôn cập nhật thông tin, cập nhật phương pháp đổi mới dạy học ở phổ thông

615



BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

v.v… là điều không thể thiếu ở mỗi giảng viên MT. Nếu bản thân giảng viên MT
không chịu đổi mới, không chịu cập nhật những phương pháp giảng dạy tiên tiến,
không chịu nâng cao trình độ ngoại ngữ, không ứng dụng tốt công nghệ thông tin
(CNTT) vào giảng dạy… thì không thể trang bị cho sinh viên MT những kiến thức
sâu, rộng và hiện đại.
3.5. Chuẩn hóa về chương trình, giáo trình
Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm đưa ra chương trình khung chuẩn cho ngành sư
phạm MT bậc đại học. Trên cơ sở này, các trường/khoa sẽ thiết kế chương trình phù
hợp với mục tiêu đào tạo của chuyên ngành sư phạm MT, từ đó mới có được giáo trình
chuẩn cho từng môn học. Thiết nghĩ, đây là việc cần làm ngay. Có như vậy mới hi
vọng nâng cao chất lượng giảng dạy MT một cách thực sự và có hiệu quả. (Chú ý: khi
thiết kế nội dung chương trình cần tính tới sự cân đối, hợp lí về thời lượng giữa các nội
dung chuyên môn với các nội dung NVSP, để sau khi ra trường, sinh viên MT có thể
tự tin vững bước vào sự nghiệp làm thày của mình với trình độ chuyên môn và NVSP
không bị khập khiễng, các em có thể nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được yêu cầu
đổi mới của trường phổ thông).
Tăng cường dạy tin học ứng dụng trong lĩnh vực MT: Trong thời đại bùng
nổ CNTT hiện nay, việc trang bị kiến thức tin học và hướng dẫn sinh viên thực hành kĩ
năng tin học theo từng lĩnh vực là công việc rất cần thiết. Trong dạy học các bộ môn
nghệ thuật (nói chung) và dạy MT (nói riêng), việc ứng dụng CNTT vào thực tiễn
giảng dạy và học tập là vấn đề khá mới mẻ nhưng nó lại đầy tiện ích - đó là chìa khóa
để giúp người thầy (và cả trò) mở ra một hướng tiếp cận mới trong việc đổi mới
phương pháp dạy và học, nó là cơ sở để phối kết hợp có hiệu quả với các phương
pháp, phương tiện khác trong quá trình dạy học, làm cho môn học trở nên sinh động
hơn, phong phú hơn, có sức thuyết phục và đạt hiệu quả cao hơn. Đối với ngành sư

phạm MT, cần đưa vào chương trình giảng dạy môn Tin học ứng dụng cho sinh viên
MT (cao hơn một chút có thể là Đồ họa vi tính).
3.6. Tăng cường cho sinh viên MT đi thực tế, thực hành NVSP
- Xét đến cùng thì chất lượng đào tạo được đánh giá trước hết ở khả năng đáp
ứng nhu cầu thực tế của cơ sở đào tạo đối với xã hội. Qua các chuyến đi thực tế, không
những trình độ chuyên môn của sinh viên MT được nâng cao, mà còn rèn luyện được
khả năng thích ứng với công việc trong tương lai của các em, từ đó sinh viên MT có ý
thức hơn và say mê hơn với nghề mình đã chọn. Đây còn là cơ hội để các giảng viên

616


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

nắm bắt được nhu cầu đào tạo, từ đó sẽ có điều chỉnh hợp lí hơn về nội dung, về
phương pháp và phương tiện giảng dạy cho từng môn học.
- Việc rèn luyện NVSP phải được tiến hành thường xuyên, theo nhiều hình
thức phong phú khác nhau, cụ thể là:
+ Cần chú trọng hơn nữa tới thời lượng và chất lượng thực sự của việc rèn
luyện NVSP ngay tại trường sư phạm. Việc rèn luyện này cần phải được tiến hành
thường xuyên, liên tục ngay từ năm học thứ nhất.
+ Nội dung rèn luyện NVSP cho sinh viên MT không chỉ mỗi một việc là tập
soạn bài, mà còn là: Tập viết và tập trình bày bảng; Tập vẽ minh họa trên bảng; Khắc
phục lỗi chính tả khi phát âm; Tập nói to, rõ chữ; Tập nói diễn cảm; Tập làm đồ dùng
dạy học và tập cách trình bày đồ dùng đó; Tập nghĩ và đặt câu hỏi sao cho ngắn gọn,
dễ hiểu, sát với đối tượng học sinh; Tập xử lí, giải quyết các tình huống sư phạm v.v…
Nếu được rèn luyện đầy đủ các nội dung này với thời lượng hợp lí, chắc chắn các sinh
viên MT khi xuống trường thực tập sẽ thấy tự tin hơn, sẽ tạo được ấn tượng tốt đối với
học trò, làm cho các em thích thú, phấn khởi, hồ hởi, háo hức chờ đón tiết học MT.
+ Cần dành nhiều thời gian hơn nữa cho sinh viên MT được thực hành NVSP

tại các trường phổ thông. Rất nên liên kết, kết nghĩa với một số trường phổ thông để
coi đó làm trường thực hành nghề cho sinh viên MT. Chính ngay tại đó, các sinh viên
MT sẽ được rèn luyện nghề một cách chủ động, thường xuyên và có hiệu quả nhất.
3.7. Tổ chức các Hội thảo khoa học nhằm tổng kết lí luận và thực tiễn
giảng dạy các bộ môn chuyên ngành MT
Những hội thảo khoa học được tổ chức thường xuyên theo các chuyên đề
khác nhau sẽ có ý nghĩa rất lớn trong quá trình xây dựng hệ thống lí luận dạy học cho
chuyên ngành sư phạm MT. Nếu tổ chức tốt các hoạt động này, các kỉ yếu của hội thảo
có thể là những tài liệu tham khảo quý để phát triển các tài liệu chuyên môn sâu; thậm
chí là để bổ sung, điều chỉnh giáo trình, nhằm tạo ra sự gần gũi, gắn kết, phù hợp hơn
với yêu cầu của thực tiễn nhà trường phổ thông.
3.8. Công tác quản lí hoạt động NCKH
Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên trong đó có giảng viên MT. Hoạt động NCKH của giảng viên MT không chỉ giới hạn ở
nội dung nghiên cứu các đề tài, dự án… mà còn phải triển khai công tác biên soạn giáo
trình, tài liệu phục vụ cho dạy và học đạt chất lượng cao.
3.9. Cơ sở vật chất để thúc đẩy quá trình đổi mới PPDH

617


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Thiết bị dạy học là điều kiện hết sức quan trọng làm tăng hiệu quả lao động của
người thầy, đồng thời một số thiết bị còn gây được hứng thú nhất định cho người học.
Các băng/đĩa hình, phần mềm mô phỏng, giáo án điện tử có cấu trúc phần hình động…
có thể sử dụng trong một giờ giảng, giúp bài giảng trở nên sinh động hơn, ấn tượng về
bài giảng tốt hơn, sinh viên dễ hiểu và dễ khắc sâu kiến thức bài học.
Hiện nay, chương trình và quy trình đào tạo mới đòi hỏi người giảng viên MT

phải biết ứng dụng CNTT, biết sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học và
trong NCKH. Nhưng để phát huy được hết tính năng, tác dụng của trang thiết bị thì
giảng viên MT phải được làm quen và nắm vững các thao tác vận hành thiết bị, đồng
thời phải biết cách vận dụng chúng đúng với yêu cầu dạy học và nghiên cứu.
4. Kết luận
Chất lượng đào tạo là mục tiêu trọng yếu của ngành giáo dục (nói chung) và các
trường sư phạm (nói riêng). Chất lượng đó phụ thuộc chủ yếu vào trình độ năng lực
chuyên môn và NVSP cũng như phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Trường sư phạm là nơi đào tạo GV cho các trường phổ thông, có nhiệm vụ
nghiên cứu, hướng dẫn PPDH có hiệu quả. Muốn vậy, phải có được quan niệm đúng
về mục tiêu dạy và học, để từ đó có quan niệm đúng về PPDH ở đại học/cao đẳng;
phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người thầy trong quá trình dạy học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ giáo dục và đào tạo (2002), Chương trình Mĩ thuật THCS, NXB Giáo dục
Việt Nam.
[2]. Nguyễn Thị Kim Dung (2010), Chương trình đào tạo GV có hiệu quả ở một số
nước trên thế giới, Tạp chí Khoa học giáo dục, số 58, tháng 7/2010, tr.61-64.
[3]. Nghị quyết số 29 – NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về
đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
[4]. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Giáo trình phương pháp dạy học Mĩ thuật, NXB
ĐHSP.

618



×