Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG đào tạo GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG THEO HƯỚNG TIẾP cận NĂNG lực bất cập và GIẢI PHÁP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (476.43 KB, 7 trang )

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG
THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC: BẤT CẬP VÀ GIẢI PHÁP

ThS. Đinh Thị Thảo
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
Tóm tắt: Hiện nay chất lượng giáo dục đại học nước ta còn tồn tại nhiều vấn đề
bất cập, đặc biệt là chất lượng giáo dục của các trường sư phạm. Bài viết này nêu lên
những hạn chế trong đào tạo giáo viên phổ thông, một trong những nguyên nhân quan
trọng nhất dẫn đến chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, qua đó
phân tích những năng lực cần thiết của người giáo viên phổ thông trong thời kỳ mới,
đồng thời đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên phổ thông
theo hướng phát triển năng lực.
Từ khóa: đổi mới giáo dục, chất lượng đào tạo, giáo viên phổ thông, phát triển
năng lực, năng lực sư phạm
Abstract: Nowadays, the quality of higher education still contains
shortcomings, especially in the quality of several schools of education. This paper
indicated the limitations of primary and secondary teacher training, which is one of the
most important causes, leads to the quality of education does not meet the high
demand of the society. Through the limitations, this paper will discuss the necessary
qualities should be owned by teachers in the modern society. Besides, this paper also
recommends a certain number of solutions for improving the quality of teacher
training through upgrading personal ability.
Key words: education innovation, the quality of training, primary – secondary
teachers, improving personal ability, education ability.
1. Đặt vấn đề
Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có một nguồn
nhân lực trình độ cao phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội. Giáo dục đại học là bộ phận
chủ yếu tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao này, vì vậy chất lượng giáo dục nói chung


và chất lượng giáo dục đại học nói riêng đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân
dân ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên hiện nay chất lượng giáo dục đại học còn tồn tại

639


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là chất lượng giáo dục của các trường sư phạm, nơi đào
tạo giáo viên cho nhiều cấp học khác nhau.
Quán triệt quan điểm mới của UNESCO: “thầy giáo phải được đào tạo để trở
thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức” (điểm
18). Quan điểm chung là quan tâm đến sự thay đổi có tính chất bản chất trong phương
án đào tạo giáo viên, trong đó có sự thay đổi từ đào tạo trang bị kiến thức sang trọng
tâm đào tạo năng lực sư phạm.
2. Những hạn chế trong đào tạo giáo viên phổ thông ở các trường sư phạm
Hiện nay các trường sư phạm hầu như chưa xác định chính xác sứ mạng, mục
tiêu giáo dục của mình là phải đi trước, đón đầu, tạo động lực cho sự đổi mới giáo dục
phổ thông mà chỉ chạy theo yêu cầu từ thực tiễn giáo dục đã lạc hậu lâu nay. Do đó
giáo viên đào tạo ra không đáp ứng cả yêu cầu thực tiễn hiện nay và sự phát triển giáo
dục phổ thông, dễ dàng trở thành trở lực lớn và lâu dài cho công cuộc đổi mới giáo dục
phổ thông.
Sự kết nối giữa trường phổ thông và các trường sư phạm, cũng như mối liên hệ
giữa các sở GD-ĐT với trường cao đẳng sư phạm của địa phương chưa chặt chẽ. Sở
GD-ĐT đơn thuần chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn Sở Kế hoạch - Đầu tư và
UBND tỉnh, thành phố phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm. Bên
cạnh đó các trường hầu hết đều không có đơn vị chuyên nghiên cứu giáo dục các cấp
học, không dự báo được nhu cầu tuyển dụng của các trường phổ thông. Do đó các

trường sư phạm chỉ đào tạo theo khả năng hiện có của trường và theo nguyện vọng của
người học, chưa đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực thực tế của ngành học tại
địa phương, tạo ra khoảng cách lớn giữa việc đào tạo giáo viên phổ thông và nhu cầu
giáo viên của các trường phổ thông. Số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm
ngày càng đông nhưng đang có sự bão hòa, thâm chí dư thừa giáo viên ở các trường
phổ thông. Số lượng sinh viên sư phạm ra trường được tuyển dụng vào các trường phổ
thông là rất ít, và nếu có được tuyển dụng thì năng lực sư phạm của họ vẫn còn những
bất cập, chưa đáp ứng được những yêu cầu mới ở trường phổ thông.
Chương trình đào tạo giáo viên hiện hành ở các trường sư phạm hiện nay chỉ
nhằm đào tạo giáo viên dạy một môn, không có khả năng dạy tích hợp cho một số môn
cùng lĩnh vực. Hơn nữa chương trình đào tạo giáo viên quá chú trọng vào kiến thức và
kỹ năng cụ thể là kỹ thuật dạy học, chưa coi trọng đào tạo năng lực sư phạm, làm giảm
khả năng phát triển nhanh của giáo viên trong thực tiễn hoạt động dạy học.

640


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

3. Những năng lực sư phạm cần có của giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi
mới giáo dục hiện nay
Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật ở thế kỷ XXI, nền kinh tế thế
giới chuyển từ giai đoạn công nghiệp sang giai đoạn kinh tế tri thức với cốt lõi là các
loại hình công nghệ cao. Hệ thống giáo dục ngày nay không chỉ có nhiệm vụ làm cho
học sinh lĩnh hội và phát triển những tri thức, kinh nghiệm mà nhân loại đã tích lũy
được, mà còn có nhiệm vụ dạy cho các em biết cách giải quyết vấn đề, có khả năng
làm việc theo nhóm, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Người giáo viên với nhiệm
vụ hình thành nhân cách sáng tạo của thế hệ trẻ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh
tế - xã hội, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, năng lực sư
phạm và các phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp phù hợp với nền giáo dục sáng tạo.

Năng lực là khả năng thực hiện thành công một hoạt động nào đó hay năng lực thực
hiện. Năng lực mang tính cá nhân hóa, năng lực có thể được hình thành và phát triển
thông qua đào tạo, bồi dưỡng và tự trải nghiệm qua thực tiễn. Năng lực sư phạm là
một năng lực chuyên biệt đặc trưng của nghề dạy học nói chung. Theo quan điểm của
GS Phạm Minh Hạc: “Năng lực sư phạm là tổ hợp những đặc điểm tâm lí của nhân
cách nhằm đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sư phạm và quyết định sự thành công
của hoạt động ấy”.
Hoạt động của giáo viên, với tư cách là nhà giáo dục gồm 2 dạng hoạt động cơ
bản: dạy học và giáo dục. Do vậy, chúng tôi chia năng lực sư phạm cần thiết của giáo
viên phổ thông làm 2 nhóm: Nhóm năng lực dạy học, nhóm năng lực giáo dục.
3.1 Nhóm năng lực dạy học: bao gồm các năng lực:
- Năng lực hiểu học sinh: Năng lực này được hình thành ở nhà trường sư phạm qua
sự nắm vững các môn học Tâm lý học lứa tuổi, Tâm lý học sư phạm, cùng với lòng
yêu nghề, yêu trẻ, các phẩm chất tâm lý như nắm bắt tâm lý học sinh, khả năng phân
tích và tổng hợp, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu… Việc đào tạo các năng lực này cho
sinh viên sư phạm còn rất hạn chế do giáo trình các môn học quá lỗi thời, không được
cập nhật, các giảng viên ở các trường sư phạm cũng không chú trọng việc bồi dưỡng
hình thành năng lực này cho sinh viên. Do đó một số không ít sinh viên sư phạm
không nhận thấy được đây là năng lực cốt lõi của nghề dạy học. Chính vì vậy để đào
tạo năng lực hiểu học sinh cho sinh viên sư phạm thì ngoài việc đổi mới giáo trình đào
tạo, chính giảng viên ở các trường sư phạm phải thể hiện được năng lực này đối với
sinh viên của mình, qua đó rèn luyện bồi dưỡng hình thành năng lực này ở sinh viên.

641


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI


- Vốn tri thức và tầm hiểu biết: Đây là năng lực trụ cột của nghề dạy học. Người thầy
giáo chỉ có được năng lực này khi nắm vững và hiểu biết sâu rộng môn mình phụ trách
và có năng lực tự học, tự nghiên cứu. Trong thực tế, số lượng các công trình nghiên
cứu khoa học được công bố và đạt giải của sinh viên sư phạm còn rất hạn chế so với
sinh viên các chuyên ngành khác. Điều này cho thấy sinh viên sư phạm về kiến thức
chuyên môn còn chưa nắm chắc, chưa thấu đáo bằng các sinh viên được đào tạo từ các
trường cao đẳng, đại học khác. Đó là do các trường sư phạm thường quá quan tâm vào
việc giảng dạy phương pháp dạy học mà ít quan tâm đến giảng dạy khoa học cơ bản,
nhiều giảng viên dạy phương pháp nhưng không thực sự nắm vững một cách sâu sắc
và chính xác về các lĩnh vực khoa học chuyên ngành. Để sinh viên sư phạm có được
tri thức và vốn hiểu biết cần thiết, các trường sư phạm cần kích thích sinh viên tích cực
hơn trong việc trau dồi kiến thức, tầm hiểu biết của bản thân, dạy cho sinh viên cách
học, cách tìm kiếm, sử dụng thông tin và nghiên cứu khoa học.
- Năng lực thực hiện quá trình dạy học: Đây là năng lực đặc trưng, năng lực nghiệp
vụ của nghề dạy học, bao gồm các năng lực: thiết kế bài giảng, sử dụng các phương
pháp và kĩ thuật dạy học, đánh giá kết quả học tập của người học... Mặc dù các trường
sư phạm đã có nhiều cải tiến trong việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm nhưng do việc
phân bổ thời gian đào tạo lý thuyết và thực hành, tổ chức kiến tập và thực tập chưa hợp
lý nên việc hình thành loại năng lực này còn nhiều hạn chế. Các trường sư phạm ngoài
việc nên bồi dưỡng cho sinh viên Lý luận dạy học, Phương pháp giảng dạy hiện đại
còn phải cải tiến quy trình, cách tổ chức kiến tập, thực tập. Bắt đầu từ việc yêu cầu
chính các giảng viên ở trường cao đẳng, đại học phải đổi mới và sử dụng phương pháp
dạy học tích cực…
3.2 Nhóm năng lực giáo dục, bao gồm các năng lực:
- Năng lực tổ chức quá trình giáo dục: Năng lực này được tạo nên bởi nhiều yếu tố
như tính lạc quan sư phạm, niềm tin vào sức mạnh giáo dục và óc quan sát sư phạm,
sự sáng tạo. Để hình thành năng lực này cho sinh viên, ngoài việc đưa các môn Tâm lý
- Giáo dục vào chương trình học, các trường sư phạm và đội ngũ giảng viên cần tổ
chức tốt quá trình giáo dục để qua đó sinh viên sư phạm tự đúc kết kinh nghiệm cho
bản thân.

- Năng lực giao tiếp sư phạm: Trong năng lực giao tiếp sư phạm khả năng hiểu học
sinh, làm chủ trạng thái xúc cảm của bản thân và sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ cử chỉ là
những yếu tố quyết định. Để hình thành năng lực này cho sinh viên sư phạm, ngoài các
giờ lý thuyết trên lớp, các giảng viên cần tạo điều kiện để sinh viên được rèn luyện,

642


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

thực thành kĩ năng giao tiếp như tổ chức cho sinh viên thảo luận, làm việc theo nhóm,
thuyết trình các chủ đề liên quan. Bên cạnh đó thời gian kiến tập, thực tập sư phạm cần
dài hơn và được tổ chức có hiệu quả hơn. Quá trình kiến tập, thực tập có thể tổ chức
trong tất cả các năm học, bắt đầu từ năm thứ nhất với yêu cầu và nội dung phù hợp
thay vì chỉ tổ chức kiến tập, thực tập vào những năm cuối. Sinh viên cần được làm
quen và tham gia vào các hoạt động giáo dục thực tế ở các trường phổ thông từ sớm để
giúp sinh viên có cơ hội trau dồi kinh nghiệm và tự tin hơn trong giao tiếp sư phạm.
- Năng lực “cảm hoá” học sinh: Là năng lực được tích luỹ từ một tổ hợp các yếu tố
như tinh thần trách nhiệm đối với công việc, lòng tôn trọng học sinh, lòng vị tha, sự
khéo léo và các phẩm chất của ý chí. Xây dựng năng lực này cho sinh viên sư phạm
cần phải giáo dưỡng các em để các em có một nếp sống văn hoá cao, lý tưởng nghề
nghiệp cao đẹp, tác phong mẫu mực từ lời nói đến cử chỉ. Chính nhân cách và tài nghệ
sư phạm của các giảng viên trong việc “cảm hoá” sinh viên sư phạm là nguồn tài
nguyên để đào tạo năng lực “cảm hoá” học sinh cho sinh viên sư phạm.
4. Một số đề xuất
Để góp phần khắc phục những hạn chế trong đào tạo giáo viên phổ thông trong các
trường sư phạm, hướng tới mô hình đào tạo giáo viên theo tiếp cận năng lực, chúng tôi
đề xuất một số giải pháp sau:
4.1 Đối với cấp quản lý các trường sư phạm
4.1.1 Giải pháp chiến lược và có tính quyết định đối với việc cải tổ quá trình đào tạo

sư phạm hiện nay chính là đổi mới tư duy giáo dục sư phạm. Triết lý của hệ thống giáo
dục sư phạm hiện nay đang là sự phân phát các dịch vụ phúc lợi giáo dục, theo lối tư
duy tập trung, bao cấp. Cần chấm dứt ngay lối tư duy này, hướng tới tư duy lấy người
học làm trung tâm, chú trọng cung cấp cho sinh viên sư phạm các năng lực cần thiết
đáp ứng được yêu cầu của xã hội bùng nổ thông tin, có xu hướng toàn cầu hóa.
4.1.2 Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo theo hướng phục vụ người học.
Các trường sư phạm cần nhanh chóng xây dựng các mục tiêu, sớm đạt các tiêu chuẩn
trong Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT. Xác lập quy trình và định
kỳ đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường qua phản hồi của sinh viên.
4.1.3 Cam kết dành một phần kinh phí thích đáng cho việc học tập nâng cao chuyên
môn, nghiệp vụ của cán bộ giảng viên, người sẽ đào tạo ra đội ngũ giáo viên tương lai.
Xây dựng cơ chế quản lý chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các chỉ số như:
công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, sự giao lưu trong nước và quốc tế, sự phản
hồi từ phía sinh viên. Thường xuyên tiến hành khảo sát đội ngũ giảng viên, sẵn sàng

643


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

thay thế những người không đủ tiêu chuẩn. Đảm bảo mỗi giảng viên không những là
một nhà giáo mẫu mực mà còn phải là một chuyên gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực
mình giảng dạy.
4.1.4 Nghiên cứu đổi mới chương trình đào tạo, đảm bảo đi trước đón đầu trong công
cuộc đổi mới giáo dục. Các trường sư phạm cần chủ động hơn trong đào tạo giáo viên
liên môn. Ngoài việc rèn luyện, bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp cần
chú trọng hình thành năng lực sư phạm cần thiết cho sinh viên. Không chỉ chuyên sâu
trong đào tạo kỹ năng dạy học mà còn ưu tiên đào tạo kiến thức chuyên môn sâu, giúp

sinh viên không chỉ thành thục các phương pháp giảng dạy mà phải vững vàng về kiến
thức chuyên môn, giúp sinh viên có được sự trang bị tốt, đủ khả năng tự học tập,
nghiên cứu đóng góp thành công cho xã hội. Quá trình đào tạo ở trường sư phạm phải
thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo cách dạy phương pháp học.
4.1.5 Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, ưu tiên hỗ trợ cho tất cả các nghiên
cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên. Nghiên cứu khoa học phải là một nội
dung học bắt buộc đối với sinh viên trong thời gian được đào tạo tại trường sư phạm
và là nội dung hoạt động bắt buộc đối với mọi giảng viên.
4.1.6 Có chính sách thu hút giảng viên có trình độ cao, có nghiệp vụ sư phạm vững
vàng để xây dựng đội ngũ dạy giáo học pháp bộ môn thật mạnh, cử đi đào tạo, bồi
dưỡng ở trong hoặc ngoài nước về lý luận và phương pháp dạy học hiện đại. Xây dựng
đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng nhiều.
4.1.7 Thu hút ngày càng nhiều những học sinh xuất sắc và có khả năng trí tuệ nhất ở
bậc phổ thông trung học vào ngành sư phạm, cung cấp đa dạng các cơ hội học tập cho
sinh viên chính quy và không chính quy, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tiềm
năng sáng tạo của họ.
4.1.8 Hợp tác chặt chẽ với các Sở Giáo dục - Đào tạo và các trường phổ thông, các
viện nghiên cứu khoa học cơ bản để đảm bảo rằng các sản phẩm của mình, sinh viên
tốt nghiệp ngành sư phạm sẽ là những giáo viên đạt chất lượng cao trong các trường
phổ thông.
4.2 Đối với giảng viên các trường sư phạm
Để đào tạo được đội ngũ giáo viên phổ thông có chất lượng đáp ứng được yêu
cầu của xã hội, bản thân giảng viên ở các trường sư phạm phải thực hiện tốt vai trò vừa
là nhà sư phạm mẫu mực vừa là nhà giáo dục xuất sắc.
Với vai trò là nhà sư phạm, các giảng viên phải trang bị cho mình đầy đủ các kỹ
năng như: (1) nhóm kỹ năng giảng dạy (Kỹ năng lựa chọn, vận dụng nội dung dạy học,
phương pháp dạy học, các hình thức tổ chức dạy học…; Sử dụng thành thạo các
phương tiện dạy học hiện đại); (2) nhóm kỹ năng giáo dục (xác định mục tiêu, hình

644



HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

thức giáo dục sinh viên theo chức năng nhiệm vụ đã được quy định; thực hiện nhiệm
vụ giáo dục đạo đức nghề nghiệp, các kỹ năng sống cho sinh viên…); (3) nhóm kỹ
năng nghiên cứu khoa học (lựa chọn vấn đề và tổ chức quá trình thực hiện một đề tài
khoa học; hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học); (4) nhóm kỹ năng hoạt động xã
hội (tổ chức các hoạt động xã hội, hướng dẫn sinh viên tích cực tham gia các hoạt
động phong trào …); (5) nhóm kỹ năng tự học (Người giảng viên cần biết lựa chọn
các bước đi cho mình cũng như hướng dẫn sinh viên tự tổ chức hoạt động học tập một
cách có hiệu quả.)
Với vai trò là nhà khoa học, giảng viên phải vạch ra chân lý khoa học cho sinh
viên. Các tri thức khoa học được giảng dạy chính là kết quả nghiên cứu mà giảng viên thu
được. Người giảng viên phải nghiên cứu cả hai lĩnh vực khoa học: lĩnh vực chuyên môn
và khoa học giáo dục. Người giảng viên phải có lòng say mê khoa học, óc quan sát, sự
trung thực và thẳng thắn, dám theo đuổi chân lý khoa học trong những điều kiện khó
khăn …Người giảng viên vừa phải đưa được các tri thức khoa học vào bài giảng, vừa
phải biết cách tác động đến sinh viên, thuyết phục sinh viên thay đổi quan điểm, thái
độ, chấp nhận các tri thức mà giảng viên truyền thụ.
Trên đây là một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên phổ
thông theo định hướng phát triển năng lực. Những giải pháp này cần có sự phối hợp
đồng bộ từ các cấp quản lý đến từng giảng viên cũng như sinh viên ở các trường sư
phạm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đặng Vũ Hoạt - Hà Thị Đức, Lý luận dạy học Đại học, NXB ĐHSP, Hà Nội,
2010.
[2]. Nguyễn Cảnh Toàn - Lê Khánh Bằng, Phương pháp dạy và học đại học, NXB
ĐHSP Hà Nội, 2009.
[3]. Phùng Thị Hằng, Một số vấn đề cơ bản về tâm lý học dạy học đại học, Trường

đại học Sư phạm Thái Nguyên.
[4]. Mai Văn Hưng, Chất lượng người thầy đại học hiện nay thực trạng và giải pháp,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[5]. Trần Thị Thu Mai, Tiêu chuẩn người giáo viên trong nền kinh tế tri thức, Viện
Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐHSP TPHCM.

645



×