Tải bản đầy đủ (.doc) (101 trang)

Luận văn: triết lý trong thơ Hữu Thỉnh ĐH Hồng Đức Thanh Hóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (491.32 KB, 101 trang )

UBND TỈNH THANH HOÁ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC
______________________________

HOÀNG THỊ THU HÀ

TÍNH TRIẾT LÝ TRONG THƠ
HỮU THỈNH
Chuyên ngành : VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60. 22. 01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
TS.LÊ THỊ HỒ QUANG

THANH HOÁ, THÁNG 10/2015


2

LỜI CẢM ƠN

Để hoàn thành luận văn: “Tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh”, tôi xin
chân thành cảm ơn tập thể quý thầy cô giáo khoa Ngữ văn, phòng Sau đại
học trường Đại học Hồng Đức cùng đơn vị công tác, bạn bè đồng nghiệp,
người thân đã động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong thời gian
học tập và nghiên cứu.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc tới TS.
Lê Thị Hồ Quang, người đã tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá
trình làm luận văn.
Tuy đã cố gắng rất nhiều, nhưng chắc chắn luận văn không tránh khỏi


những thiếu sót. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự thông cảm, đóng góp ý
kiến từ phía các nhà khoa học, quý thầy cô giáo và bạn bè đồng nghiệp.
Trân trọng cảm ơn!
Hồng Đức , tháng 10 năm 2015
Tác giả

Hoàng Thị Thu Hà


3

NHÀ THƠ HỮU THỈNH


4

QUY ƯỚC VIẾT TẮT

Nxb: Nhà xuất bản
TP: Thành phố
Tr: Trang
Cách chú thích tài liệu trích dẫn: số thứ tự tài liệu đứng trước, số trang
đứng sau. Ví dụ: [57, 14] nghĩa là số thứ tự của tài liệu trong mục Tài liệu
tham khảo là 57, nhận định trích dẫn nằm ở trang 14 của tài liệu này.


5

MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN

MỞ ĐẦU......................................................................................................1
1. Lí do chọn đề tài........................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu........................................................................2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và văn bản khảo sát................................6
4. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu................................................................7
5. Phương pháp nghiên cứu...........................................................................7
6. Đóng góp của luận văn..............................................................................7
7. Cấu trúc của luận văn................................................................................7
Chương 1: HỮU THỈNH TRONG THẾ HỆ NHÀ THƠ CHỐNG
MỸ.........................................................................................8
1.1. Khái lược đặc điểm của thế hệ nhà thơ chống Mỹ.................................8
1.1.1. Hoàn cảnh sống và cầm bút...............................................................8
1.1.2. Lứa tuổi, quan niệm sáng tạo..............................................................9
1.1.3. Những tác giả nổi bật........................................................................11
1.2. Hữu Thỉnh - một gương mặt xuất sắc của thế hệ thơ chống Mỹ.........15
1.2.1. Cuộc đời, con người..........................................................................15
1.2.2. Hành trình và thành tựu thơ Hữu Thỉnh...........................................16
1.3. Cơ sở tạo nên tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh..................................18
1.3.1. Bối cảnh xã hội, thời đại...................................................................18
1.3.2. Tạng chất tâm hồn và cá tính sáng tạo của nhà thơ.........................20
Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ NHẬN THỨC VÀ HÌNH TƯỢNG CÁI
TÔI TRIẾT LÝ TRONG THƠ HỮU THỈNH.......................................22
2.1. Những vấn đề nhận thức, triết lý trong thơ Hữu Thỉnh........................22
2.1.1. Về hoạt động sáng tạo thơ và vai trò người nghệ sỹ.........................22
2.1.2. Về chủ đề Chiến tranh, Đất nước, Nhân dân....................................28
2.1.3. Về chủ đề đời sống nhân sinh thế sự.................................................35


6


2.1.4. Về chủ đề tình yêu............................................................................41


2.2. Cái tôi triết lý - một hình tượng nổi bật trong thơ Hữu Thỉnh.............46
2.2.1. Cái tôi tự ý thức cao độ.....................................................................47
2.2.2. Cái tôi luôn tìm kiếm ý nghĩa của đời sống.......................................51
2.2.3. Cái tôi ưa phân tích, lý giải và khái quát hóa vấn đề.......................55
Chương 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TÍNH TRIẾT LÝ TRONG
THƠ HỮU THỈNH...................................................................................59
3.1. Tính triết lý thể hiện qua ngôn ngữ......................................................59
3.1.1. Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ nhằm gia tăng tính triết lý.....59
3.1.2. Gia tăng hình thức phân tích, lập luận trong ngôn ngữ, hình ảnh. .72
3.1.3. Xây dựng những biểu tượng thơ giàu tính khái quát........................75
3.2. Tính triết lý thể hiện qua cách tổ chức văn bản...................................80
3.2.1. Cách đặt nhan đề bài thơ.................................................................80
3.2.2. Cách mở đầu và kết thúc bài thơ.......................................................82
3.3. Tính triết lý thể hiện qua giọng điệu................................................84
3.3.1. Giọng suy ngẫm, ưu tư......................................................................84
3.3.2. Giọng khái quát, triết lý....................................................................88
KẾT LUẬN................................................................................................90
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................92


8

MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
1.1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã sản sinh ra một thế hệ nhà thơ tài hoa:
Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lưu

Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn
Duy…. Trong thế hệ ấy, dẫu không phải là người xuất hiện và gây được ấn
tượng sớm nhất, song bằng tài năng thực sự của mình, Hữu Thỉnh đã mạnh mẽ
khẳng định được vị trí riêng trên thi đàn. Với một tiếng thơ mới mẻ, có trường
độ cảm xúc mãnh liệt, có tính trí tuệ và tính khái quát cao, thơ Hữu Thỉnh đã đi
sâu vào những vấn đề trung tâm của một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Thơ
ông vì thế không bị hoà lẫn hay nhoè mờ đi trong dàn đồng ca chung của thế hệ.
Cho đến nay Hữu Thỉnh vẫn hiện diện như một cây bút tiêu biểu nhất của thế hệ
mình, một thế hệ nhà thơ bước ra từ chiến tranh, đã từng “làm thơ ghi lấy cuộc
đời mình”, ghi lấy cả một thời hào hùng, bi tráng của dân tộc.
1.2. Tài năng của Hữu Thỉnh được khẳng định bởi một loạt các giải thưởng
thơ. Đó là giải ba cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ (1972 - 1973), với bài Mùa
xuân đi đón; giải A cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ với Chuyến đò đêm giáp
ranh và trường ca Sức bền của đất (năm 1975-1976). Sau đó bốn năm (1980),
ông lại giành giải Nhất cuộc thi thơ của Hội nhà văn cho trường ca Đường tới
thành phố. Năm 1991, với bài Thưa thầy, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi thơ do
Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh tổ chức. Năm 1994, tập Trường ca biển đã mang lại cho ông
giải thưởng xuất sắc của Bộ Quốc phòng. Tiếp đó, phải kể đến tập thơ Thư mùa
đông, ông đã giành được vòng nguyệt quế Hồng Đức quang với giải A của Hội
Nhà văn Việt Nam năm 1995 và giải thơ ASEAN của Hoàng gia Thái Lan năm


9

1999. Những giải thưởng ấy đã ghi nhận sức sáng tạo và những đóng góp của
hồn thơ Hữu Thỉnh trong nền thi ca hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng
hơn mọi ánh hào quang của các cuộc thi là sức sống lâu bền của tác phẩm trong lòng
người đọc. Trong những năm gần đây, thơ Hữu Thỉnh đã được đưa vào học trong
chương trình Ngữ văn phổ thông, giới thiệu ra nước ngoài và được rất nhiều nhà

nghiên cứu phê bình văn học đánh giá, công bố trên các báo chuyên ngành, được
đông đảo công chúng yêu thơ đón đọc và thẩm bình.
1.3. Một trong những đặc điểm nổi bật trong thơ Hữu Thỉnh là tính triết lí.
Tìm hiểu tính triết lí trong thơ Hữu Thỉnh, vì vậy không những có thể giúp ta
hiểu sâu thêm về tài năng và cá tính sáng tạo của một nhà thơ xuất sắc mà còn
gợi mở nhiều vấn đề lí luận về xu hướng vận động của cái tôi trữ tình trong thơ
Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này chưa được giới nghiên
cứu, phê bình đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu.
Với tất cả những lý do trên, chúng tôi quyết định chọn vấn đề Tính triết lí
trong thơ Hữu Thỉnh làm đề tài nghiên cứu của luận văn.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Được biết đến lần đầu qua những vần thơ đăng ở báo Người giáo viên nhân
dân năm 1962, nhưng mãi đến khi đạt giải thưởng thơ của Hội nhà Văn năm
1979 với trường ca Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh mới thực sự thu hút được
sự quan tâm của bạn đọc và giới phê bình văn học. Cho đến nay số lượng bài
viết về thơ Hữu Thỉnh đã lên tới con số hàng trăm. Ở đây, chúng tôi sẽ điểm qua
nội dung cơ bản của một số bài viết có liên quan đến đề tài nghiên cứu.
Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết Hữu Thỉnh và quá trình tự đổi mới thơ
đã bàn về tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh như sau: “Triết lý trong thơ Hữu
Thỉnh nhiều khi xuất phát từ những chi tiết rất nhỏ nhoi bình dị và nó được nảy
sinh từ những suy ngẫm không ngừng về lẽ sống, về cách xử thế, về quan hệ


10

người, về cái cao cả mong manh đang bị bủa vây bởi cái thấp hèn, hung bạo” [7,
21].
Lý Hoài Thu, trong Một hướng tìm tòi và sáng tạo từ dân tộc đến hiện đại
(Tạp chí Sông Hương, số 142, tháng 12/2010) đã khẳng định: “Thơ Hữu Thỉnh
có sự kết hợp giữa phẩm chất dân tộc và tính hiện đại, giữa chiều sâu triết lý và

độ xúc cảm tràn trào, giữa sự hiền hòa lắng đọng và mãnh liệt sục sôi, giữa khả
năng viết những tác phẩm trường ca dài và thơ trữ tình ngắn...” [63, 51].
Trong Đường đời, đường thơ Hữu Thỉnh (Tạp chí Hội Nhà văn Hải Phòng
7/11/2013), Anh Chi đánh giá về thơ Hữu Thỉnh: “Thơ ấy, tất có được những
xúc cảm lớn về Tổ quốc, về nhân dân, về biết bao người con đi suốt qua lửa máu
và hi sinh. Thơ ấy, tất có được những suy tư về quê hương, đất nước, về tình yêu
và lẽ sống. Thơ ấy viết về những giá trị lớn hơn cả thơ ca” [4, 21].
Thanh Thảo cũng chỉ ra được cái mạch ngầm thao túng hồn thơ Hữu Thỉnh
và âm thầm chảy suốt trong đời thơ ông: “Mỗi nhà thơ đi qua cuộc đời này theo
một lối riêng, và trong khi hướng về phía trước những nhà thơ cũng hướng về
phía sau, về nơi từ đó mình ra đi. Hữu Thỉnh đã không quên nhìn về cái làng
nghèo, mái tranh nghèo nhà mình, đã không quên cái gốc gác nông dân của
mình. Và bây giờ, anh cũng không quên cái gốc lính của mình” [40, 32].
Trong chuyên luận Phong cách nghệ thuật thơ Hữu Thỉnh của Nguyễn Thị
Thanh Trà, tác giả đã chỉ rõ được mối quan hệ giữa chiều sâu triết lý và độ cảm
xúc tràn đầy trong thơ Hữu Thỉnh: “Là người có vốn tri thức văn hóa dồi dào,
được nhào luyện trong thực tế nóng bỏng của cuộc chiến đấu, được bồi dưỡng
sâu sắc về mặt lý tưởng, Hữu Thỉnh bước vào cuộc chiến vừa có cái trẻ trung,
hồn nhiên của tuổi trẻ lại vừa có cái già dặn, sâu lắng, suy tư của thế hệ đi sau,
được thừa hưởng phẩm chất cách mạng của thế hệ đi trước. Điều này phần nào
đã tạo nên một mạch thơ giàu trải nghiệm trong nhiều sáng tác”. Bên cạnh đó,


11

tác giả cũng chỉ ra được những thay đổi tế vi về những biểu hiện chất triết lý
trong thơ Hữu Thỉnh: “Ở chặng sau chất triết lý trong thơ Hữu Thỉnh lại có sự thay
đổi rõ rệt từ lối triết lý hóm hỉnh, bình dị hôm nào nay pha chút đắng đau, day dứt…
chúng ta bắt gặp những suy tư, trầm lắng về thân phận con người”. Và quan trọng
hơn tác giả đã tựa vào sự thay đổi đó để làm đòn bẩy cho một nhận xét mang tính

khái quát: “Thơ Hữu Thỉnh luôn ẩn chứa giá trị mang tính hướng nội thể hiện cái
nhìn sâu lắng trước cuộc đời dâu bể. Hữu Thỉnh luôn thành thật với chính mình để
tạo nên những vần thơ tinh khôi vẹn nguyên cảm xúc, toát lên một thứ triết lý giàu
mĩ cảm” [ 65, 50].
Ngoài chuyên luận nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Trà còn có những bài
viết khác đề cập tới chất triết lý trong các tập thơ cụ thể của Hữu Thỉnh.
Thiếu Mai, khi đọc Đường tới thành phố, đã cho rằng: “Thành công chủ yếu
của Hữu Thỉnh cũng chính là thể hiện vừa sâu, vừa tinh, vừa khái quát, vừa tỉ mỉ
chi li những tình cảm, những suy nghẫm của người chiến sỹ trong cuộc chiến đấu
chống Mỹ. Cái vững của ngòi bút Hữu Thỉnh… miêu tả trực diện những tổn thất
mà tác phẩm vẫn không chìm xuống trong không khí bi đát, trái lại vẫn thấy được
xu thế tiến lên của cuộc chiến đấu… Hữu Thỉnh rất chú ý đến từng câu, chữ. Anh
không bằng lòng với lối nói sáo mòn” [30, 12].
Cũng đọc Đường tới thành phố, Hoàng Điệp cho rằng “Trường ca Sức bền
của đất đọng lại trong tâm trí của người đọc bởi những tâm sự, suy nghĩ, những
trải nghiệm sâu sắc của chính tác giả [6, 3].
Trịnh Thanh Sơn đưa ra những cách hiểu của mình về tập Thư mùa đông
như sau: “Có thể nói, cả 36 bài thơ trong Thư mùa đông là sự tiếp nối của một
cô đơn dằng dặc”; “Thơ Hữu Thỉnh luôn tự dằn vặt và toàn những dấu hỏi. Anh
khai thác tâm trạng bơ vơ ở nhiều cung bậc và nhiều khía cạnh có lúc làm người
đọc phải rưng rưng nghẹn ngào”; và “Đằng sau nỗi chán chường và ngờ vực ấy,


12

ta nhận ra tấm lòng nhân hậu, đằm thắm yêu thương của người thi sĩ muốn níu
kéo để được sẻ chia, đôi khi mất bình tĩnh đến thành hốt hoảng” [36, 26].
Đọc Thương lượng với thời gian, Trần Đăng có những khám phá bổ ích qua
bài viết Nghe Hữu Thỉnh thương lượng với thơ. Tác giả cho rằng dòng chảy
xuyên suốt tập thơ không gì khác hơn “sự tiếc nuối thời gian đã mất, hay đúng

hơn là sự tự ý thức về cái hữu hạn của chính mình”. Qua tập thơ này, “Hữu
Thỉnh gửi gắm cả một đời chiêm nghiệm của mình. Ở đó có sự tắc nghẹn với
bao nỗi khổ tâm (…). Đó là quãng thời gian không phải sau chiến tranh, con
người vừa thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của đạn bom chết chóc nên ùa vỡ mừng vui,
sống tử tế với nhau hơn, nhân hậu với nhau hơn, mà là quãng thời gian của mấy
mươi năm vật lộn với gian khó, trong đó có biết bao sự "phản thùng, thớ lợ",
biết bao cặn lắng của những oan khuất.
Cũng bàn về tập thơ ấy, Nguyễn Vũ Phượng Hoàng trong bài viết Gặp nhà
thơ trong tập thương lượng với thời gian đã có những kiến giải riêng hết sức
tinh tế: “Đối với nhà thơ Hữu Thỉnh, nhân loại và thời gian đang trở về trong thơ
hiện đại, không phải bằng con đường xưa của vĩnh cửu, mà là từ những giá trị và
những dự cảm - cao thượng và đau khổ, kỳ vĩ và không hoàn hảo, đúng như
nhân loại của thời mà chúng ta đang sống”. Tập thơ đã “phác thảo một tình trạng
đáng buồn của hiện thực, thay vì tiếng thét, Thương lượng với thời gian đã đóng
lên thập giá những miếng vá sống, với tinh thần và thanh điệu hiện đại” [20].
Điểm lại những bài viết về thơ Hữu Thỉnh, có thể thấy chủ yếu là những
nhận xét đánh giá về một tập thơ hoặc một phương diện cụ thể nào đó trong
sáng tác của ông. Cho đến nay, chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu,
khảo sát vấn đề Tính triết lí trong thơ Hữu Thỉnh.


13

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và văn bản khảo sát
3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh.
3.2. Là một phẩm chất nghệ thuật, tính triết lí thể hiện ở nhiều phương diện
trong thế giới nghệ thuật thơ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một luận văn Thạc sĩ,
chúng tôi giới hạn khảo sát ở hai phương diện cơ bản là tính triết lý nhìn trên
phương diện nội dung (nhãn quan nghệ thuật, đề tài, chủ đề và hình tượng thơ)
và tính triết lý nhìn trên phương diện hình thức (ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu).

3.3. Về văn bản khảo sát, chúng tôi tập trung vào các tác phẩm sau của tác
giả Hữu Thỉnh:
- Sức bền của đất (1977)
- Đường tới thành phố (1980)
- Thư mùa đông (1994)
- Trường ca biển (1994)
- Thương lượng với thời gian (2005)
4. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Như tên đề tài đã xác định, mục đích của đề tài là khảo sát, nghiên cứu
một cách có hệ thống một phẩm chất nghệ thuật nổi bật trong thơ Hữu Thỉnh là
tính triết lí.
4.2. Với mục đích đó, luận văn hướng tới những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Tìm hiểu vị trí của Hữu Thỉnh trong thế hệ nhà thơ chống Mỹ
- Tìm hiểu những vấn đề nhận thức và hình tượng triết lý trong thơ Hữu Thỉnh
- Tìm hiểu nghệ thuật thể hiện tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh


14

5. Phương pháp nghiên cứu
Để giải quyết các nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi lựa chọn một số phương
pháp nghiên cứu như: khảo sát, thống kê, phân loại; cấu trúc, hệ thống; phân
tích, tổng hợp; so sánh đối chiếu.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình tập trung tìm hiểu Tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh
với tư cách một phẩm chất nghệ thuật tiêu biểu, góp phần làm sáng tỏ những giá
trị độc đáo và dấu ấn tài năng, cá tính sáng tạo của Hữu Thỉnh trong thơ.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn được triển khai trong ba chương:

Chương 1: Hữu Thỉnh trong thế hệ nhà thơ chống Mỹ
Chương 2: Những vấn đề nhận thức và hình tượng triết lý trong thơ Hữu
Thỉnh
Chương 3: Nghệ thuật thể hiện tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh

Chương 1
HỮU THỈNH TRONG THẾ HỆ NHÀ THƠ CHỐNG MỸ

1.1. Khái lược đặc điểm của thế hệ nhà thơ chống Mỹ
1.1.1. Hoàn cảnh sống và cầm bút
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam là một trong những giai
đoạn lịch sử cam go, căng thẳng, ác liệt đồng thời cũng ghi lại những trang hào
hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Cuộc chiến đặt dân tộc trước những
tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của đất nước đứng trước nguy cơ
một mất một còn. Đây là cuộc kháng chiến mà các nhà văn vừa cầm súng chiến
đấu vừa cầm bút ghi lại tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, ý chí kiên cường và


15

sự hi sinh vô bờ bến của một dân tộc trên tuyến đầu chống Mỹ. Nhanh nhạy và
kịp thời, thơ nóng bỏng tính thời sự, hừng hực tinh thần chiến đấu. Thơ ca, như
một thứ vũ khí đã tham gia vào cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc. Các
thế hệ làm thơ cùng có mặt bên nhau trong trận tuyến đánh Mỹ. Hàng trăm nhà
thơ, nhà văn trẻ trực tiếp cầm súng ra chiến trường và sáng tác như Nguyễn Thi,
Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Lê Anh Xuân… và từ trong khói lửa,
nhiều tác phẩm tiêu biểu đã ra đời: Những bức thư từ tuyến đầu Tổ Quốc của
Anh Đức, Vầng trăng quầng lửa của nhà thơ Phạm Tiến Duật, Những đứa con
trong gia đình của Nguyễn Thi…
Từ sau 30/4/1975, đất nước thống nhất trong niềm vui khôn xiết của đôi bờ

Nam Bắc, trong hạnh phúc của giấc mơ giải phóng miền Nam nay đã thành hiện
thực. Giấc mơ ấy vẫn hằn in trong từng giấc ngủ của người dân nước Việt, để rồi
ngày cả dân tộc bắt tay vào xây dựng lại đất nước tràn đầy tự hào. Tuy nhiên,
thách thức đến với đất nước còn nhiều. Trải qua 10 năm thực hiện hai kế hoạch
5 năm (1976 - 1980 và 1981 - 1985), Việt Nam đạt được những thành quả nhất
định trên cả hai phương diện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song cũng gặp nhiều
khó khăn do mắc sai lầm trong chủ trương, chính sách chỉ đạo chiến lược phát
triển đất nước. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng về kinh tế xã hội. Nhưng sức sống của một dân tộc bền bỉ lại một lần nữa đưa ta thoát khỏi
khó khăn. Để khắc phục sai lầm, khuyết điểm, đưa đất nước vượt qua khủng
hoảng, Đảng và Nhà nước đã tiến hành công cuộc đổi mới. Công cuộc ấy là
bước ngoặt lịch sử vĩ đại, làm thay da đổi thịt cả đất nước. Đó không chỉ là đổi
mới trên đời sống xã hội, kinh tế mà còn đổi mới trên cả tư tưởng, văn hóa, văn
nghệ. Nhiều vị lãnh đạo của đất nước như thủ tướng Phạm Văn Đồng, tổng bí
thư Nguyễn Văn Linh,… đã tuyên bố “cởi trói”, “đổi mới tư duy” cho văn nghệ.


16

Lúc đầu văn nghệ chỉ là những tiếng nói chung về sự hào hùng của một thời kì
cách mạng, nay văn nghệ còn là tiếng nói về cuộc đời, về kiếp người.
1.1.2. Lứa tuổi, quan niệm sáng tạo
Trong đội ngũ đông đảo hàng vạn thanh niên cầm súng đi vào chiến trường
miền Nam, nhiều tài năng thơ trẻ đã được phát hiện. Đội ngũ này được tiếp tục
bổ sung từ quần chúng yêu thơ. Quả thực, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
đã khơi nguồn cảm hứng lớn cho thơ, lôi cuốn một lực lượng sáng tác đông đảo.
Cũng giống như thế hệ các nhà thơ mới 30-45, thế hệ nhà thơ chống Mĩ cũng
xuất hiện với lực lượng trẻ đầy nhiệt huyết. Lực lượng ấy đông đảo nhất từ đầu
những năm 60, đem lại cho thơ sức sáng tạo mới, trẻ trung, trong sáng, gợi cảm,
mà trong đó không ít tài năng đã sớm được chú ý và khẳng định. Họ mang đến
cho nền thơ những tiếng nói sôi nổi, mới mẻ, duyên dáng. Tiếng thơ của họ trẻ

trung mà luôn trăn trở, nghĩ suy đầy trách nhiệm về Tổ quốc, về dân tộc. Thơ họ
đã ghi lại chân thực hình ảnh cuộc chiến và người lính với cảm hứng sử thi lãng
mạn đầy hào hùng. Đáng quý hơn, thế hệ nhà thơ này đã nhận thức sâu sắc sứ
mệnh lịch sử lớn lao của thế hệ mình, họ đã chọn con đường đi cho mình trong
nhịp sống cuồn cuộn của dân tộc thời đánh Mỹ.
Những nhà thơ chống Mĩ nhận thức một cách đúng đắn con đường đi của
mình. Đó là vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút viết về đất nước. Làm thơ và
đánh giặc là hai hành động đồng thời, trùng hợp, có liên quan đến nhau như một
phản ứng “dây chuyền”, cái này thúc đẩy cái kia, cái kia tạo đà cho cái này thể
hiện. Bằng quan niệm ấy, họ đã để lại những vần thơ đầy trân trọng, tự hào.
Sau 1975, hiện thực đất nước bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ từ chiến
tranh chuyển sang hòa bình. Có những chuyện hôm qua, các nhà thơ chống Mĩ
chưa kịp nói đến, còn phải nhìn một cách phiến diện thì nay có điều kiện đề cập,


17

để nhìn lại, như mất mát của con người trong chiến tranh, quy luật nhân sinh
trong xã hội,… Những điều này đòi hỏi các nhà thơ không thể mang những quan
niệm cũ như trong thời chiến tranh, họ phải chuyển kịp với thời đại, phù hợp với
hiện thực mới. Quan niệm sáng tạo từ ca ngợi xuôi chiều trong chiến tranh trở
thành những quan niệm hết sức phức tạp, đa diện trong cuộc sống hiện tại. Tuy
nhiên, cái chung nhất vẫn là: nhìn thẳng vào hiện thực với tinh thần phê phán và
cái nhìn đầy nhân văn.
1.1.3. Những tác giả nổi bật
Thơ chống Mỹ thực sự là vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn trong việc
khơi dậy lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi của mỗi người
dân nước Việt. Thơ nhanh chóng nhập cuộc vào cuộc kháng chiến, có mặt ở vị
trí chiến đấu của mình và thực hiện sứ mệnh cao cả trên mặt trận văn nghệ, là
một vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Thơ trở thành tiếng nói chung của cả

cộng đồng, phát ngôn cho ý chí, khát vọng, tình cảm chung rộng lớn và thống
nhất của mọi người, của toàn dân tộc. Qua đó, hiện thực đời sống chiến trường
được tái hiện với tính chất ác liệt, dữ dội, với những gian khổ, hi sinh của cuộc
kháng chiến. Trên khung cảnh ấy, nổi bật hình ảnh của những người lính trẻ
dũng cảm, lạc quan.
Thơ chống Mỹ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, mà còn là
một hiện tượng nghệ thuật lớn, đặc sắc, là một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có
nhiều thành tựu xuất sắc trong tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Nó hàm chứa
tính chất sử thi và cũng không thiếu chất trữ tình lãng mạn. Về ngôn ngữ, các nhà
thơ trẻ có xu hướng đưa ngôn ngữ đời sống, đưa khẩu ngữ vào thơ, làm cho
ngôn ngữ thơ có được cái nồng nàn của đời sống. Trong thơ trẻ thời kỳ chống
Mỹ, ta bắt gặp những thủ pháp tu từ truyền thống được sử dụng theo kiểu tư duy


18

hiện đại. Những trang thơ trẻ mở ra trước mắt người đọc những liên tưởng đằm
thắm mà biết bao thú vị.
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày về một số gương mặt nổi bật của thế hệ nhà
thơ chống Mỹ.
1.1.3.1. Phạm Tiến Duật
Phạm Tiến Duật sinh ngày 14 tháng 01 năm 1941 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú
Thọ. Thơ ông giàu chất hiện thực và tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Sự lạc quan đến
duy ý chí của Phạm Tiến Duật khiến những ai không bước ra từ cuộc chiến đó thấy
rất khó để hình dung và chấp nhận được. Đây có thể là một trong những nguyên
nhân sâu xa khiến thơ của ông trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng
cách mạng, mang cảm hứng sử thi và âm hưởng tráng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ
Tổ quốc. Có thể nói ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là một đặc điểm của thơ Phạm Tiến Duật.
Bằng những tác phẩm nghệ thuật, ông đã nói hộ bao người tình yêu nước. Những

vần thơ của ông thực sự đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ thanh niên nước ta
trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình.
Nhiều bài thơ của Phạm Tiến Duật đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng thế
hệ trẻ thời bấy giờ nói riêng và công chúng yêu thơ nói chung như: Lửa đèn,
Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Trường Sơn đông,
Trường Sơn Tây… Những bài thơ này đã đưa ông lên vị trí hàng đầu của thơ ca
Việt Nam thời kỳ chống Mỹ với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ
thuật, đợt IV, năm 2012.
1.1.3.2. Nguyễn Khoa Điềm


19

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ, nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Ông
là cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch. Ông đã từng nhận giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm, giải
thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (giải B) với tập thơ Cõi lặng - năm 2010
Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ có phong cách rõ nét ngay từ đầu và có
đóng góp quan trọng cho thành tựu của thơ chống Mỹ. Tuy viết không nhiều
nhưng những tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm đều được đánh giá cao. Thơ
ông là sự kết tinh nhuần nhị của xúc cảm và trí tuệ . Chất triết lý trong thơ ông
gây cho độc giả ấn tượng mạnh vì nó bắt nguồn từ những rung động tinh tế,
nồng nàn sâu lắng của nội tâm. Đó là cảm xúc dâng trào về chiến trường Bình
Trị Thiên khói lửa những năm chống Mỹ, và là bức tranh về phong trào đấu
tranh chính trị của học sinh, sinh viên trong những đô thị tạm chiếm miền Nam.
Sự kết hợp đặc sắc này cũng thể hiện rõ trong những sáng tác sau 1975 của
Nguyễn Khoa Điềm, viết về đời sống thế sự và “cõi lặng” nội tâm cá nhân của
ông.
1.1.3.3. Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), sinh tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ

nhưng quê gốc lại ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông là
nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã
từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về
sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với
chồng chất khó khăn, cơ cực.
Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng như:
Hương cây (1968 - in cùng Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa), Mây trắng của
đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993),…Thơ Lưu Quang Vũ không chỉ bay


20

bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, trăn trở, khát khao. Rất nhiều bài thơ của ông
được bạn đọc yêu thích như: Và anh tồn tại, Tiếng Việt, Vườn trong phố, Bầy
ong trong đêm sâu... Ông còn là tác giả của nhiều truyện ngắn và tác phẩm kịch
mang đậm phong cách riêng.
1.1.3.4. Nguyễn Duy
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh tại xã Đông Vệ, huyện
Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn,
Thanh Hóa. Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với
chùm thơ: Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam trong tập Cát trắng.
Ngoài thơ, ông cũng viết tiểu thuyết, bút ký. Năm 1997 ông tuyên bố "gác bút"
để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các
chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Từ năm 2001, ông in nhiều thơ
trên giấy dó. Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ
thuật năm 2007.
Thơ Nguyễn Duy có cái ngang tàng nhưng vẫn trầm tĩnh và giàu chiêm
nghiệm. Thơ ông vì thế cứ ngấm vào người đọc trong nhiều thao thức suy nghĩ.
Rất nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích: Tre Việt Nam, Ánh trăng,

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Sông Thao,... Ông được đánh giá cao trong
thể thơ lục bát, một thể thơ có cảm giác dễ viết nhưng viết được hay thì lại rất
khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ
vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Nguyễn Duy được giới phê bình
đánh giá là người đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này.
1.1.3.5. Thanh Thảo


21

Thanh Thảo, tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở
tỉnh Quảng Ngãi. Từ mấy thập niên trước, Thanh Thảo đã được công chúng chú
ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và
thời hậu chiến: Những người đi tới biển (1977), Dấu chân qua trảng
cỏ (1978), Những ngọn sóng mặt trời (1981), Khối vuông ru-bích (1985), Từ
một đến một trăm (1988),… Thanh Thảo đã nhận giải thưởng của Hội Nhà văn
Việt Nam năm 1979, giải thưởng Ban Văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà
văn Việt Nam năm 1995, giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về văn học nghệ thuật
năm 2001.
Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các
vấn đề xã hội và thời đại. Cùng thế hệ các nhà thơ trẻ, Thanh Thảo đem đến tiếng
thơ đầy ắp trăn trở, những suy ngẫm về các cặp phạm trù đối lập giữa được - mất,
sống - chết, chung - riêng, cá nhân - cộng đồng, gia đình - Tổ quốc... Thơ ông nói
nhiều chiến thắng, nhưng còn nói nhiều hơn mất mát, hy sinh. Ông là một trong
những gương mặt xuất sắc của thơ thời chống Mỹ, cũng là một cây bút có nhiều
cách tân, đổi mới về mặt cảm hứng, bút pháp trong dòng chảy của thơ Việt Nam
đương đại.
1.2. Hữu Thỉnh - một gương mặt xuất sắc của thế hệ
thơ chống Mỹ
1.2.1. Cuộc đời, con người

Hữu Thỉnh (sinh 15/2/1942), tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh
Vũ Hữu. Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống Nho học nhưng
ông đã phải trải qua một tuổi thơ không hề dễ dàng: ở 6 năm với bác ruột, 10
tuổi phải đi phu, làm đủ mọi thứ lao dịch cho các đồn binh Pháp: Vân Tập, chợ
Vàng, Thứa, Thanh Vân. Từ sau hòa bình lập lại, vào năm 1954, ông mới được
đến trường. Năm 1963 ông tốt nghiệp phổ thông và nhập ngũ, trở thành một


22

người lính thuộc trung đoàn 202. Từ đây Hữu Thỉnh đã tham gia một số hoạt
động như học lái xe tăng, làm cán bộ tiểu đội, dạy bổ túc văn hoá, viết báo và
làm cán bộ tuyên huấn. Nhiều năm tham gia chiến đấu tại miền Bắc, ông đã trải
qua hầu khắp các chiến trường máu lửa.
Từ 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn, trở
thành Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn
các khoá 3, 4, 5, Ủy viên Ban Thư ký khoá 3. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh là tổng
thư kí hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, Hữu Thỉnh làm chủ tịch Hội Nhà văn
Việt Nam (3 nhiệm kỳ liên tiếp) đồng thời kiêm nhiệm Tổng biên tập báo Văn
nghệ.
1.2.2. Hành trình và thành tựu thơ Hữu Thỉnh
Nhìn chung, Hữu Thỉnh đã có đóng góp lớn cho thơ ca Việt Nam, cả trong
thời kì kháng chiến chống Mĩ lẫn sau kháng chiến. Ông sáng tác nhiều thể loại
song thành công hơn cả là thơ. Thơ ông có vẻ ngoài dung dị và gần gũi song
cũng hết sức tinh tế và gợi cảm bởi nó bắt nguồn từ cảm nhận bén nhạy của tác
giả về đời sống và con người. Đặc biệt, thơ ông luôn ẩn chứa tính triết lí sâu sắc.
Ông đã xuất bản nhiều tập thơ, cụ thể:
- Âm vang chiến hào ( in chung 1975)
- Đường tới thành phố (1980)
- Từ chiến hào tới thành phố (1979)

- Khi bé Hoa ra đời (in chung 1981)
- Thư mùa đông (1994)
- Trường ca biển (1994)


23

1.2.2.1. Trước 1975
Cũng như lớp nhà thơ chống Mĩ, Hữu Thỉnh đã nhận thức đúng đắn trách
nhiệm nặng nề nhưng Hồng Đức quang của thế hệ mình. Thơ ông thời kì này
thường nói đến sứ mệnh của tuổi trẻ thời chống Mỹ, tình yêu quê hương, tổ
quốc, trách nhiệm với cộng đồng, Nhân dân, lịch sử… Điểm đặc biệt là Hữu
Thỉnh thường nói về tình yêu nước một cách sâu sắc những hết sức giản dị.
Trong bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh và bài thơ dài Sức bền của đất, Hữu
Thỉnh đã viết về bản thân mình, về những người thân yêu cùng đói no, ấm lạnh,
cùng đổ máu, mồ hôi và nước mắt. Đó là một giọng thơ về trận mạc không cao
giọng lên gân mà gần gũi với đời thực.
Trong thơ Hữu Thỉnh, ta luôn thấy hiện lên hình ảnh người lính Cách mạng
với tình yêu nước rất cụ thể. Bên cạnh đó là hình ảnh người mẹ. Trong những
bài thơ xúc động nhất về chiến tranh hình ảnh người mẹ luôn trở đi trở lại như
một điểm sáng, đọng lại nơi những câu thơ hay nhất. Tiếp nữa là hình ảnh
người vợ, người yêu trong trái tim thổn thức người lính gắn liền với những đợi
chờ, chịu đựng, hy sinh cả một thời xuân sắc. Ở chiều sâu tình yêu dành cho
những hình tượng thân gần nhất vừa kể trên, Hữu Thỉnh luôn suy nghĩ, phát
hiện và tổng kết thành những chân lý đắt giá, những bài học đắp bồi cho nhân
cách, cho bản lĩnh sống trước hết là cho chính ông, sau nữa là cho thế hệ trẻ những “người cùng thời”.
1.2.2.2. Sau 1975
Sau 1975, sự nghiệp của Hữu Thỉnh tiếp tục đơm hoa kết trái khi ông liên
tiếp nhận được những giải thưởng quan trọng. Ông hai lần trao giải thưởng
chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam với trường ca Đường tới thành phố

(1980) và tập thơ Thư mùa đông (giải A năm 1995). Và cũng với tập thơ Thư


24

mùa đông, Hữu Thỉnh lại đoạt giải thơ ASEAN năm 1999. Đó là sự ghi nhận
đối với một hồn thơ dồi dào, đầy sức sống. Gần đây, ông còn viết những bài thơ
với lối nghĩ khá mới, in trong tập Thương lượng với thời gian. Tất cả những
thành công đó thêm một lần nữa khẳng định con đường sáng tạo nghệ thuật mà
Hữu Thỉnh đã chọn. Nhìn vào chặng đường sáng tác của Hữu Thỉnh, điều dễ
dàng nhận ra ở ông là sức sáng tạo bền bỉ không mệt mỏi. Nhắc đến Hữu Thỉnh
là người ta nhắc đến những bản tình ca và những bản trường ca.
Thơ ông sau 1975 thấm đẫm cả hai nguồn cảm hứng: thứ nhất là nguồn cảm
hứng của một dân tộc và thời đại anh hùng, thứ hai là cảm hứng về hiện thực
còn nhiều bất công ngang trái trong xã hội. Trong đó nổi bật là cảm hứng thứ
hai. Cũng như bao trí thức và văn nghệ sĩ khác, khi cuộc sống bước sang thời kỳ
đổi mới, Hữu Thỉnh đã phải mở rộng nhận thức, nhiều khi phải nhận thức lại
những giá trị đời sống. Cái tôi của tác giả luôn trăn trở về số phận con người và
nỗi đau chiến tranh. Nó cất lên tiếng nói ý thức sâu sắc về bản thân và đời sống
trong một hiện thực mới bộn bề những thực/ giả, xấu/ tốt… không dễ phân định.
Chất triết lý được gia tăng trong thơ ông là bởi vậy.
1.3. Cơ sở tạo nên tính triết lý trong thơ Hữu Thỉnh
1.3.1. Bối cảnh xã hội, thời đại
Hữu Thỉnh là nhà thơ sống cả hai thời: thời chiến với những mất mát đau
thương, thời bình với bao vấn đề trăn trở. Rõ ràng bối cảnh ấy đã ảnh hưởng tới
thơ ông, tạo nên những nghĩ suy sâu sắc về cuộc sống.
Trước 1975, nhà thơ được sống trong không khí hừng hực của cuộc kháng
chiến chống Mĩ. Bối cảnh đó dễ dàng đem lại cho các nhà thơ những cảm xúc
lãng mạn sử thi đầy hào hùng. Qua thơ của Hữu Thỉnh cũng như nhiều tác giả
cùng thế hệ ông, ta thấy hiện lên chân thực mà đầy hào sảng chân dung của



25

Nhân dân, Dân Tộc, Tổ Quốc trong thời kháng chiến. Nhân vật trữ tình trong
các sáng tác trữ tình này luôn suy nghĩ về ý nghĩa, trách nhiệm vô cùng thiêng
liêng, hệ trọng của thế hệ mình. Không phải bằng thuyết lý đại ngôn, ở đây nhà
thơ lọc chắt thơ ra từ những mất còn cụ thể quyết liệt, từ một cuộc chiến tranh
cụ thể không ngừng, dù còn hay đã tắt tiếng súng.
Sau 1975, khi môi trường xã hội có những biến động, cùng với sự đổi mới
về kinh tế, mở rộng tầm nhìn, cởi mở lối sống,... những rạn vỡ, suy đồi nhân
cách cũng được dịp bùng phát. Cuộc sống không còn khói lửa nhưng lại có
những ngọn lửa ngầm trong trái tim, số phận mỗi con người. Cuộc sống thay đổi
chóng mặt. Con người cũng thay đổi theo. Những điều éo le, phức tạp trong số
phận, suy nghĩ của con người được hé lộ. Tất cả những điều này tạo áp lực buộc
người cầm bút phải nghĩ khác và viết khác. Từ đây, xuất hiện khát vọng bức
thiết là văn học nghệ thuật phải quan tâm đến con người, không phải là con
người sử thi, con người anh hùng như trong thời chiến, mà là con người của đời
thường, con người của cá nhân, của số phận, thân phận. Mối quan tâm cộng
đồng đã nhường chỗ cho cá thể. Cái chất ru vỗ, ngọt ngào của thơ ca trước 1975
đã nhường chỗ cho chất giọng ưu tư, chua chát đau đời. Điều này gần như đã
trở thành chủ đề quen thuộc của thơ ca giai đoạn sau 1975: “Trong nỗi buồn
và cô đơn của cái tôi cá nhân đương đại, có thể nhận ra những triết lí về
thân phận và con người. Đồng thời, từ góc độ nhân bản, có thể xem đó như sự
nhạy cảm trước mọi nỗi đau nhân thế, trước sự không hoàn thiện của cuộc
sống. Đó cũng là một biểu hiện ngược, trạng thái “âm bản” của nỗi niềm khao
khát hạnh phúc, sự đồng cảm và tình người” [2, 135]. Đọng lại trong thơ là
nỗi buồn, nỗi đau thế sự. Đó chính là cơ sở để thức tỉnh ý thức cá nhân và tinh
thần nhân bản sẽ trở thành nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo bao trùm của
nền văn học sau năm 1975, trong đó có thơ Hữu Thỉnh.



×