Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

MỘT vài bài LUẬN về THIÊN NHIÊN TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (52.29 KB, 7 trang )

MỘT VÀI BÀI LUẬN VỀ THIÊN NHIÊN TRONG THƠ NGUYỄN BỈNH KHIÊM

1. Chí ở nhàn dật, thơ đậm sắc thái trữ tình

Trong lời Tựa Bạch Vân am thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết: "lúc già chí thích ở nhàn
dật". Ðiều này ông thể hiện khá tập trung trong cả hai tập thơ Nôm và Hán, khiến trước
đây ấn tượng đậm nét về Nguyễn Bỉnh Khiêm là một "ông nhàn" và một nhà đạo lý. Tuy
nhiên, nội dung quan niệm nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như cách hiểu còn chưa
nhất trí, và không hẳn là dễ tiếp cận. Song thơ nhàn của ông, nhất là thơ Nôm, lại có
những nét độc đáo, những câu thơ hay ít ai sánh nổi. Nguyễn Bỉnh Khiêm tự nhận là "ông
tiên giữa cõi đời", và cõi đời đó có thể nói chính là làng Trung Am quê hương ông.
Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thật đã sống "thích chí" giữa trăng nước, cỏ hoa, chim muông,
làng xóm. Khó có thể tìm được trong kho tàng thơ Nôm nước nhà những câu thơ hay,
giàu hình tượng mà độc đáo viết về sự hòa hợp, hài lòng một cách hồn nhiên vui vẻ giữa
nhà thơ và thiên nhiên quê hương đến như những câu sau:

Nép mình qua trước chốn xôn xao,
Mấy sự bên tai, gió thổi phào.
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích,
Hiên mai vắt cẳng hát nghêu ngao.

(Thơ Nôm, bài 83)

Cày mây, cuốc nguyệt, gánh yên hà,
Nào của nào chăng phải của ta.
Ðêm đợi trăng cài bóng trúc,
Ngày chờ gió thổi tin hoa.

(Thơ Nôm, bài 17)



Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

(Thơ Nôm, bài 73)

Có những tứ thơ tinh tế diễn tả cảm xúc vừa hư vừa thực của mối giao hòa giữa nhà thơ
và thiên nhiên:

Hiểu lâm thái phố sương niêm lý,
Dạ phiếm ngư cơ nguyệt mãn thuyền.

(Ngụ hứng, bài 4)

(Vườn rau sáng dạo, sương vương dép,
Bến cá đêm về, trăng đầy thuyền)

Tứ thơ này còn gặp lại một vài lần trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Dường như Nguyễn
Bỉnh Khiêm không "biếng nhác", ông hay dậy sớm ra vườn như một lão nông siêng năng
và ông tìm được sự ấm áp, vẻ thơ mộng của thiên nhiên khiến cho cuộc sống nhàn dật nơi
thôn dã đầy lạc thú:

Làng xóm ở phía tây nam quán,
Sông ngòi ở mạn tây bắc quán.
Giữa có nửa mẫu vườn,
Cạnh vườn có Vân am.
Bụi xe chẳng bén tới,
Trúc hoa tay tự trồng.
Gậy chống vương hương hoa,



Chén rơi đẫm sắc hoa.
Chim phun khói pha trà,
Cá nuốt mực rửa nghiên.

(Trung tân ngụ hứng)

Cũng như những "ông nhàn" khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến rượu và thơ, nhưng
dường như Cư sĩ am Bạch Vân không ham rượu, không say và không tìm quên trong say.
Trong hơn 160 bài thơ Nôm, có 16 bài Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến rượu, nhưng chỉ có
13 lần rượu thực sự liên quan đến ông. Song ngay trong 13 lần ấy, ít nhất cũng đã có bốn
lần ông không uống hoặc chưa uống:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống

(Thơ Nôm, bài 73)

Nối chén, đêm âu bóng quế tan

(Thơ Nôm, bài 23)

Rượu chuốc han thầm ngõ Hạnh Hoa

(Thơ Nôm, bài 120)

Cơm một lưng, rượu một bầu

(Thơ Nôm, bài 122)


Có một lần ông nói đến cảm nhận của ông về vị rượu thì lại là một cảm giác không mấy

thích thú:

Vếu váo câu thơ cũ rích,
Khề khà chén rượu hăng xì.

(Thơ Nôm, bài 84)

Tuy nhiên "ông nhàn" am Bạch Vân rất thích trà, yêu trăng, yêu hoa, ưa thích các món
ăn măng, giá, cá, tôm, dưa muối thanh bạch, thả hồn quyến luyến với bến nước, thuyền
câu, mây chiều, gió sớm... Những bài thơ về đề tài này một mặt nói lên tình yêu thiên
nhiên trong sáng và khỏe khoắn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một mặt cũng khắc họa tâm
hồn cao khiết, không ham danh lợi, vui cuộc sống thôn dã đạm bạc, mang phong thái triết
nhân của ông. Nhiều bài đã đạt đến tính trữ tình trong sáng và sâu sắc. Nguyễn Trãi đã có
những câu thơ có thể xem là loại hay nhất trong mười thế kỷ thơ chữ Hán:

- Bình sinh độc bão tiên ưu chí,
Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm)

(Suốt đời mang cái chí lo trước thiên hạ,
Ngồi ôm chiếc chăn lạnh thâu đêm không ngủ).

- Dã kính hoang lương hành khách thiểu,
Cô chậu trấn nhật các sa miên.

(Trại đầu xuân độ)


(Ðường nội vắng teo ít người qua lại,

Chiếc thuyền lẻ loi gối lên bãi cát ngủ thâu ngày).

Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có những câu thơ rất hay gợi liên tưởng đến những câu thơ
đã dẫn trên đây của Nguyễn Trãi:

- Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả,
Duy hữu hàn san bán dạ chung.

(Tân quán ngụ hứng)

(Nỗi lòng lo đời biết nói cùng ai,
Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi vắng lúc nửa đêm san sẻ)

- Công danh bất hệ nhất hư chu,
Liêu hướng điền viên mịch thắng du.
Tài cúc đình tiền vô tục khách,
Cán y khê ngoại hữu thanh lưu.

(Ngụ hứng, bài 3)

(Công danh như con thuyền trống trải không neo buộc,
Hãy quay về ruộng vườn tìm cuộc chơi lý thú.

Trồng cúc ở trước sân, không có khách tục bén mảng,


Giặt áo ở ngoài khe, sẵn có dòng nước trong).

Và cũng như Nguyễn Trãi, dù đã vui với ruộng vườn, trong lòng Nguyễn Bỉnh Khiêm
vẫn canh cánh nỗi lo dân lo nước, nỗi lo từng khiến ông bạc đầu:


Bần tiện trùng phùng thử loạn ly,
Khu khu ưu quốc mấn thành ti.

(Trung tâm quán ngụ hứng, bài 10)

(Nghèo hèn lại gặp thời loạn lạc này,
Khăng khăng một lòng lo nước, tóc bạc như tơ).

Thơ triết lý Nguyễn Bỉnh Khiêm sắc sảo, thơ giáo huấn của ông cũng sâu sắc và giàu
ấn tượng. Về phương diện này Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thi gia tài năng. Bên cạnh đó,
ông còn một mảng thơ trữ tình, dù có thể không thuần nhất nhưng đã đạt đến giá trị thẩm
mỹ cao. Ðiều này cũng là một nét tài hoa riêng làm phong phú bản sắc thơ Nguyễn Bỉnh
Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thơ vào thời điểm thơ Việt Nam - Hán và Nôm - đã có một
hành trình năm thế kỷ. Các hình thức thể loại có gốc gác từ Trung Hoa đã được tiếp thụ
và vận dụng thành thạo. Thơ Nôm đã phát triển và có đỉnh cao Nguyễn Trãi; thể thơ
"trường đoản"(5) xem ra cũng đã hình thành được một số quy tắc khả dĩ tạo được sự khu
biệt với thể thơ luật của Trung Quốc(6). Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác thơ trong điều kiện
thực tiễn văn học như vậy cũng có thể xem là thuận lợi. Nhưng văn học cũng như mọi sự
vật trong cuộc sống, khi đã đạt đến độ viên mãn thì bản thân nó lại nảy sinh yêu cầu cải
tiến, đổi thay để có bước phát triển mới. Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể chưa hẳn đã "tự
giác" đi tìm những đổi thay cho nghệ thuật thơ nhưng để thực hiện được quan điểm, ý đồ
nghệ thuật của mình, bút pháp thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm quả thực đã có những nét độc
đáo riêng, tạo thành một phong cách Nguyễn Bỉnh Khiêm. Về vấn đề này xin được đề
cập đến trong một dịp khác.


Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà thơ lớn của văn học Trung đại Việt Nam. Và điều này

góp một phần quan trọng để tạo nên danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phó giáo sư, Tiến sĩ trần thị băng thanh



×