Tải bản đầy đủ (.pdf) (284 trang)

Nghiên cứu kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.74 MB, 284 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRẦN QUANG HUY

NGHIÊN CỨU KINH GIÁNG BÚT CỦA THIỆN ĐÀN
CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
Chuyên ngành: Hán Nôm
Mã số: 62 22 01 04

LUẬN ÁN TIẾN SĨ HÁN NÔM

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Văn Khoái

HÀ NỘI - 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi.
Các nguồn tư liệu, thông tin có liên quan đến đề tài do các nhà khoa học
trước đây nghiên cứu, thực hiện, khi trích dẫn, tôi đều trích nguồn một cách
trung thực, rõ ràng.
Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính trung thực của luận án.

Hà Nội, ngày

tháng 8 năm 2016

Tác giả luận án


Trần Quang Huy


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
- HV:

Hán văn.

- QA:

quốc âm.

- TVQGVN:

Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- VNCHN:

Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ HƯỚNG TRIỂN KHAI CỦA LUẬN ÁN ............................... 6
1.1. Giới thuyết một số từ ngữ và khái niệm được sử dụng trong luận án ................. 6
1.2. Các bình diện có liên quan đến đề tài đã được nghiên cứu .............................. 17
1.3. Hướng nghiên cứu của đề tài .......................................................................... 24
Tiểu kết chương 1 .................................................................................................. 25
CHƯƠNG 2: KHẢO SÁT VĂN BẢN KINH GIÁNG BÚT CỦA THIỆN ĐÀN

CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX ............................................................ 27
2.1. Danh mục kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ....... 27
2.2. Các bộ phận cấu thành kinh giáng bút............................................................. 40
2.3. Phân loại kinh theo cấu trúc sắp đặt ................................................................ 54
Tiểu kết chương 2 .................................................................................................. 68
CHƯƠNG 3: CHỦ THỂ, CHỦ ĐỀ VÀ THỂ LOẠI TRONG KINH GIÁNG
BÚT CỦA THIỆN ĐÀN ...................................................................................... 70
3.1. Chủ thể của kinh giáng bút ............................................................................. 70
3.2. Tính chủ đề và các chủ điểm nội dung của kinh giáng bút .............................. 83
3.3. Thể loại có trong kinh giáng bút ..................................................................... 90
3.4. Tương ứng Quần Chân với thể loại, chủ đề và ngôn ngữ giáng bút ....................... 98
Tiểu kết chương 3 ................................................................................................ 102
CHƯƠNG 4: GIÁ TRỊ CƠ BẢN TRONG KINH GIÁNG BÚT CỦA THIỆN
ĐÀN CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX ................................................. 104
4.1. Giá trị tư liệu kinh giáng bút của Thiện đàn .................................................. 104
4.2. Giá trị nội dung trong kinh giáng bút của Thiện đàn ..................................... 107
4.3. Quốc văn Nôm trong kinh giáng bút của Thiện đàn ...................................... 136
Tiểu kết chương 4 ................................................................................................ 144
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 146
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ..................... 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................. 152


PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Các bảng thống kê .................................................................................. 1
Phụ lục 1.1: Bảng thống kê 117 Thiện đàn............................................................... 2
Phụ lục 1.2: Danh mục 158 văn bản kinh giáng bút lưu tại Viện Nghiên cứu Hán
Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam (có niên đại từ năm 1884 đến năm 1945)...... 6
Phụ lục 1.3: Danh sách 162 Quần Chân thuộc Đạo giáo ........................................ 65
Phụ lục 1.4: Danh sách 55 Quần Chân thuộc Phật giáo .......................................... 69

Phụ lục 1.5: Danh sách 16 Quần Chân thuộc Nho giáo .......................................... 71
Phụ lục 1.6: Danh sách 99 Quần Chân thuộc đạo Mẫu........................................... 72
Phụ lục 1.7: Danh sách 22 Quần Chân có tính huyền thoại và truyền thuyết. ......... 76
Phụ lục 1.8: Danh sách 45 Quần Chân thuộc Thành hoàng .................................... 77
Phụ lục 1.9: Danh sách 212 Quần Chân là các nhân vật lịch sử, văn hóa................ 79
Phụ lục 2: Phụ lục chữ Nôm (ảnh chụp)................................................................. 84


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn là một trong những minh chứng
cho các hoạt động của Thiện đàn, một hiện tượng xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng
cuốn hút nhiều tầng lớp xã hội cũng như đông đảo dân chúng vào những năm
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Hoạt động của Thiện đàn bao gồm trong mình nhiều phương diện như
hướng mọi thiện nam tín nữ nói chung đến với điều thiện; hướng họ đến
những vấn đề cấp bách của xã hội đương thời; thầm kín và bằng cách của
mình thể hiện những vấn đề về số phận và hoàn cảnh quốc gia dân tộc…
Những điều đó được phản ánh khá rõ trong các tài liệu có tính minh chứng là
kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn.
Với số lượng 158 văn bản, tác phẩm kinh giáng bút của Thiện đàn trong
giai đoạn những thập niên nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hiện còn được
lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam, đó
thực sự là một trong những chứng tích có tính minh chứng cao. Tìm hiểu
chúng không chỉ nhằm làm rõ các đặc điểm chủ yếu của nhóm văn bản, tác
phẩm này mà còn cung cấp một nguồn tư liệu thư tịch cho các công trình
nghiên cứu về xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, giai đoạn giao
thời Âu - Á, giai đoạn có nhiều hiện tượng xã hội mang tính chuyển đổi từ xã hội
phong kiến sang xã hội cận hiện đại dưới ách của chế độ thực dân phong kiến.
Do vậy, chúng tôi chọn vấn đề Nghiên cứu kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế

kỷ XIX đầu thế kỷ XX làm đề tài nghiên cứu cho luận án tiến sĩ Hán Nôm của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Lập danh mục kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ
XX hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia
1


Việt Nam. Đồng thời, phân tích các thành tố có trong danh mục đó theo một
số chỉ số có tính cấu trúc như: cấu trúc tên gọi, cấu trúc sắp đặt các bộ phận
của kinh. Qua đó, làm cơ sở cho việc tìm hiểu những đặc điểm của loại hình
văn bản, tác phẩm kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ
XX như: chủ thể, chủ đề, thể loại của loại hình văn bản, tác phẩm kinh giáng
bút; từ đó đề cập đến một số giá trị của nhóm văn bản, tác phẩm này.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Thống kê, hệ thống hóa và lập danh mục các kinh giáng bút của Thiện
đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam theo các chỉ số thông tin phục vụ
cho việc nắm bắt văn bản, tác phẩm;
- Khảo sát, giám định và xử lý văn bản kinh giáng bút của Thiện đàn cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm
và Thư viện Quốc gia Việt Nam;
- Phân tích danh mục, phân tích cấu trúc tên, cấu trúc có tính sắp đặt trên
các phương diện như cách thức trình bày, cấu trúc mục lục để tạo nên một sự
hình dung tổng quát về các bộ phận cấu thành một kinh giáng bút;
- Phân tích các đặc điểm của kinh giáng bút trên các phương diện: chủ thể
văn bản, đối tượng mà văn bản hướng vào, các vấn đề được văn bản hóa hay
các chủ đề nội dung của kinh giáng bút, các thể loại được sử dụng trong kinh
giáng bút;
- Khai thác giá trị kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ

XX hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt
Nam trên một số phương diện chủ yếu như: giá trị tư liệu, giá trị nội dung và giá
trị tư liệu cho sự tìm hiểu về quốc văn Nôm trong kinh giáng bút của Thiện đàn;
- Biên dịch một số văn bản, tác phẩm kinh giáng bút của Thiện đàn cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

2


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các văn bản, tác phẩm kinh giáng bút
Hán Nôm của Thiện đàn hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và
Thư viện Quốc gia Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu được giới hạn ở hai phương diện sau đây:
- Phạm vi về thời gian: cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà theo đó, luận
án chỉ đề cập đến những văn bản và tác phẩm kinh giáng bút Hán Nôm của
Thiện đàn có niên đại từ năm 1884 đến năm 1945.
- Phạm vi về tư liệu: kinh giáng bút của Thiện đàn từ hai nguồn: Viện
Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Luận án quán triệt các nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử cũng như vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng và
Nhà nước Việt Nam trong việc sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu khai thác và phát
huy vốn thư tịch cổ, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc
dân tộc.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình tiến hành nghiên cứu, luận án vận dụng một số phương

pháp nghiên cứu cơ bản sau:
- Phương pháp văn bản học Hán Nôm nhằm sưu tập kinh giáng bút Hán
Nôm của Thiện đàn, giám định văn bản và công bố tư liệu.
- Phương pháp nghiên cứu ngữ văn Hán Nôm nhằm phiên âm và dịch
nghĩa, phiên Nôm, cũng như các nguyên tắc phân tích văn bản, tác phẩm từ
góc nhìn của soạn thảo văn bản.

3


- Phương pháp nghiên cứu trường hợp có tính đại diện.
- Cách tiếp cận liên ngành nhằm khai thác và phát huy giá trị nội dung
nguồn tư liệu Hán Nôm về kinh giáng bút.
5. Những đóng góp mới của luận án
Luận án có những đóng góp mới sau đây:
- Lập danh mục văn bản, tác phẩm kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn
hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt
Nam có ghi niên đại in ấn từ sau năm 1884 đến năm 1945 theo các chỉ số
mang tính thông tin, phục vụ cho việc nắm bắt nguồn tư liệu trên cơ sở đã làm
rõ các khái niệm có liên quan đến đối tượng của đề tài.
- Phân tích danh mục theo các chỉ số, làm nổi bật kết cấu tên kinh, cấu trúc
sắp xếp và các bộ phận cấu thành của kinh qua phân tích kết cấu mục lục.
- Nêu lên một số đặc điểm cơ bản của văn bản kinh giáng bút trên các
phương diện như: xác định chủ thể của giáng bút; xác lập các vấn đề được
văn bản hóa trong kinh giáng bút trong mối quan hệ: chủ thể văn bản, đối
tượng văn bản hướng vào cũng như các vấn đề về phương diện thể loại của
kinh giáng bút.
- Nghiên cứu giá trị kinh giáng bút trên một số bình diện chủ yếu như: giá
trị tư liệu, giá trị nội dung, quốc văn Nôm trong kinh giáng bút của Thiện đàn
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án góp phần làm nâng cao nhận thức về giá trị kinh giáng bút Hán
Nôm của Thiện đàn trong vai trò như là một nguồn tư liệu cho việc nghiên
cứu các vấn đề về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng giai đoạn cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX.
Góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của người Việt Nam trong việc
vận dụng các nhân tố vốn có trong các điều kiện lịch sử, xã hội cụ thể cho

4


các hoạt động phát triển giáo dục, văn hóa và nâng cao lòng yêu nước cho
người dân.
Đề tài đã cung cấp một trải nghiệm lịch sử, thực tiễn giáo dục khuyến
thiện, vận động xã hội và tuyên truyền yêu nước mà người Việt đã làm vào
những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX qua văn bản kinh giáng bút Hán
Nôm của Thiện đàn.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của
luận án được chia làm 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài và
hướng triển khai của luận án
Chương 2: Khảo sát văn bản kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX
Chương 3: Chủ thể, chủ đề và thể loại trong kinh giáng bút của Thiện đàn
Chương 4: Giá trị cơ bản trong kinh giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX

5



CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI VÀ HƯỚNG TRIỂN KHAI CỦA LUẬN ÁN

Chương này nhằm giới thuyết một số từ ngữ và khái niệm mà luận án sử
dụng, cũng như tổng quan những thành tựu mà các giới nghiên cứu đã đạt
được trong nghiên cứu về kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn giai đoạn
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để từ đó đưa ra hướng triển khai của luận án.
1.1. Giới thuyết một số từ ngữ và khái niệm được sử dụng trong luận án
Để tiến hành tổng quan những nghiên cứu có liên quan đến đề tài, cần phải
giới thuyết một số từ ngữ và khái niệm có tính then chốt của đề tài mà trọng tâm
là Thiện đàn, kinh giáng bút của Thiện đàn cũng như giới hạn thời gian kinh
giáng bút của Thiện đàn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cho đề tài luận án.
1.1.1. Thiện đàn
Thiện đàn 善壇 là khái niệm hay cách gọi được dùng để trỏ các đàn được
lập ra nhằm hướng con người đến với điều thiện, làm điều thiện theo cách tự
trách, cảnh báo, giới trừng con người về đường họa phúc. “積善之家必有餘慶.
積不善之家必有餘殃. Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia

tất hữu dư ương. Nhà tích thiện ắt thừa phúc lớn. Nhà tích điều chẳng thiện ắt có
thừa tai họa”.
Đền Ngọc Sơn là trụ sở của Hội Hướng Thiện, hội của những người thờ
Văn Xương Đế Quân có thể được xem là một trong những đàn khuyến thiện
có quy mô tổ chức sớm nhất. Nhiều câu đối ở đền Ngọc Sơn thể hiện tinh
thần này: “天上主司有眼單看心田. 人間文字無權全憑陰德. Thiên thượng chủ
tư hữu nhãn đan khán tâm điền. Nhân gian văn tự vô quyền toàn bằng âm
đức. Chuyện chữ nghĩa ở chốn nhân gian chẳng có sức mạnh quyền hành gì

6



mà chỉ toàn dựa vào âm đức. Quan chủ tư trên trời có mắt, chỉ nhìn xét cõi
lòng mà thôi”.
Quan chủ tư ở đây là Văn Xương Đế Quân, chủ quản sĩ nhân lộc mệnh.
Lúc đầu, hoạt động cầu phúc ở các đàn có phần mê tín, chỉ gắn liền với các
hoạt động của Đạo giáo. Tại các cung quán của Đạo giáo thường diễn ra các
cuộc cầu phúc trừ tai, mong muốn mọi điều may mắn mang sắc thái thần linh,
ảo diệu và có những bản kinh của Đạo giáo (Kinh Âm chất, Kinh Văn Xương
Đế Quân, Kinh Quan Thánh Đế Quân…) đọc giảng cho mọi thiện nam, tín nữ.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các cuộc giáng bút, giảng thiện
không còn giới hạn ở các đền của Đạo giáo nữa mà nó được tổ chức ở các
Thiện đàn. Thiện đàn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác nhau như: Hà Nội,
Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình v.v.. với
nhiều tên gọi cụ thể như: Chính Tâm đàn 正心壇, Lạc Đạo đàn 樂道壇, Hội
Thiện đồng 會善仝, Phổ Thiện đường 普善堂, Khuyến Thiện đàn 勸善壇, Thất
Diệu đàn 七妙壇, Vi Thiện đàn 爲善壇, Lạc Thiện đường 樂善堂, Công Thiện
đường 公善堂… Theo thống kê bước đầu của chúng tôi qua các tập kinh
giáng bút hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) và Thư
viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN), vào thời điểm bấy giờ có 117 Thiện
đàn có ấn loát kinh giáng bút (xin xem phụ lục 1.1).
Theo Thiên thu kim giám chân kinh 千秋金鑑真經, AB.250 của đường
Hướng Lạc Hợp Thiện đường, phố Phù Liên, tỉnh Thái Nguyên thì Văn
Xương Đế Quân có chỉ thị về cách tổ chức đàn này như sau: “Nay ta đưa ra
quy thức truyền lại, các ngươi hãy kính cẩn mà làm theo. Phía trên điện, kính
cẩn mà bố trí tôn vị Ngọc Hoàng rồi đến tôn vị đức Thánh. Lư hương có thắp
hai ngọn nến. Hương, hoa quả, vật phẩm mọi đồ cúng lễ phải thật tinh khiết,
thanh tịnh. Lấy sự thành kính để mong được hồng ân. Ngoài Cấm môn, đặt
một hương án để thờ các vị thần ở điện Thống Minh và các bộ Tam cung phối
7



theo. Bên tả, ở ban trên thờ Trần vương (Trần Hưng Đạo đại vương), Đổng
vương (Phù Đổng Thiên Vương); Ban giữa thờ Tản Viên thần, Lý Tôn thần
(Lý Phục Man); Ban dưới thờ Nhị thập bát tú (dùng 28 ngọn đèn). Bên hữu, ở
ban trên thờ Dao Trì Vương Mẫu; Ban giữa thờ Quán Âm Bồ Tát và Vân
Hương Thánh Mẫu; Ban dưới thờ các công chúa nước Nam (các nữ thần phối
theo Thánh Mẫu trời Nam). Ngoài sân có bày một hương án thờ các thần
trung nghĩa âm dương (cả nam lẫn nữ). Kê bút, dùng một cành đào mọc ở
phương Đông dài 3 thước, chu vi 3 tấc, đầu lấy 3 vuông vải sô màu vàng bọc
lại. Phía trên có xuyên một lỗ, lấy tơ ngũ sắc bện dây, xâu qua đầu ra 2 bên.
Mỗi bên tả hữu cho một tiểu đồng cầm đầu dây. Ở dưới kê bút đặt cái long kỷ
cao 3 thước. Trên kỷ đặt bàn gỗ bọc vải đỏ, duy trước mặt chừa một lỗ nhỏ.
Bên kê bút, có Quan Thánh đế cầm thanh long đao đứng hầu để nhận chữ
(chữ được viết trên gạo hoặc trên cát đặt trên mâm). Văn, Lã nhị vị đứng hầu
hai bên tả và hữu. Bên hữu cấm môn có sự xuất hiện của Đổng vương cầm
gươm dài đứng hầu. Ngoài đàn, có thiên khu giám sát. Ngoài đàn, Trấn quan
giám sát. Phàm từ Ngọc giá đến các liệt thần đều dùng trang phục khăn mũ
mang dải chỉnh tề. Mọi người không được tùy tiện qua lại, to nhỏ. Lời nói của
các tả hầu giá liệt thần, tất cả đều phải nghe1”.
Từ sự trình bày ở trên, có thể mô hình hóa cách tổ chức Thiện đàn này như
sau:
 Phía trên hết chính giữa (chính giữa cao trên hết) đặt tôn vị Ngọc Hoàng

1

文昌帝君示:“….玆將规式傳示生等敬而.咱之一臺之上殿敬設玉皇尊位至聖尊位.爐香二黄臘
,二香花菓,品務潯清潔.以彰敬意以沐鸿恩.通明殿列神,三宮列部從配之.一左院上班奉陳王董王.中
班奉,傘大王李尊神.下班奉二十八宿.(灯用二十八板).一右院上班奉瑤宮王母.中班奉觀音佛祖,雲
鄕聖母.下班奉南邦諸公主配之.一庭外設一香案,一爐香以奉陰陽(忠義列神).一乩筆用東方桃枝長

三尺,周圍三寸,管首以黄縐三方色之上穿一孔以五色絲結懸屋上去一寸下穿一孔.亦用五色絲貫之穿
出園外左右一小童捧絲頭筆下置.關聖帝,認字刀用黄縐三方包之.文呂二帝侍立左右,皆用新捐红絹
長袖衣帯各一.一禁門之左陳王推長劍侍立.一禁門之右董王樞長劍侍立.一外壇天樞檢察.外壇鎮官
檢察.凡代玊駕臨辰各司其聴不潯往来嘈雜右侯駕列神一一欽此.

8


 Ngoài cấm môn đặt hương án thờ các vị thần ở điện Thống Minh và
các bộ Tam cung phối theo.
 Bên tả: Ở ban trên thờ Trần Hưng Đạo đại vương (Trần Vương), Phù
Đổng Thiên Vương (Đổng Vương); Ban giữa thờ Tản Viên thần, Lý Tôn thần
(hay còn gọi là Lý Phục Man); Ban dưới thờ Nhị thập bát tú.
 Bên hữu: Ở ban trên thờ Dao Trì Vương Mẫu; Ban giữa thờ Quán Âm
Bồ Tát và Vân Hương Thánh Mẫu; Ban dưới thờ các công chúa nước Nam
(các nữ thần phối theo Thánh Mẫu trời Nam).
 Ngoài sân có bày một hương án thờ các thần trung nghĩa âm dương (cả
nam lẫn nữ).
 Kê bút: dùng một cành đào mọc ở phương Đông dài 3 thước, chu vi 3
tấc, đầu lấy 3 vuông vải sô màu vàng bọc lại. Phía trên có xuyên một lỗ, lấy tơ
ngũ sắc bện dây, xâu qua đầu ra 2 bên. Mỗi bên tả hữu cho một tiểu đồng cầm
đầu dây. Ở dưới kê bút, đặt cái long kỷ cao 3 thước. Trên kỷ đặt bàn gỗ bọc
vải đỏ, duy trước mặt chừa một lỗ nhỏ. Bên kê bút, có Quan Thánh đế cầm
thanh long đao đứng hầu để nhận chữ (chữ được viết trên gạo hoặc trên cát
đặt trên mâm). Văn, Lã nhị vị đứng hầu hai bên tả và hữu. Bên hữu cấm môn
có sự xuất hiện của Đổng vương cầm gươm dài đứng hầu.
Sự bài trí như thế đã tạo nên vẻ thành kính, trang nghiêm, thần bí của
Thiện đàn. Đấy là ở một Thiện đàn có tầm cỡ quy mô. Còn ở các nơi khác, có
thể có cách bài trí khác, nhưng tất cả đều có những sự trần thiết cần để tạo nên
sự linh thiêng huyền bí.

Đến với đàn là những thiện nam, tín nữ được gọi chung là chư sinh 諸生.
Chư sinh là thiện nam thì được gọi là đàn sinh 壇生. Chư sinh là tín nữ thì
được gọi là viên sinh 媛生. Họ như là những tín đồ của đạo Thiện.
Các đấng quyền linh giáng bút thì được gọi là: Quần Chân 群真, Chư Tôn
諸尊, Liệt Thánh 列聖, Quần Tiên 群仙 v.v...
9


Bên cạnh thuật ngữ Thiện đàn, là Thiện thư là khái niệm nhằm trỏ các
sách mà nội dung của nó hướng vào việc khuyến thiện, trừng ác, cảnh báo
con người về họa phúc. Các sách thuộc phạm trù Thiện thư, chẳng hạn như:
Âm chất văn chú chứng2 陰騭文註證; Âm chất thi văn tiên3 陰騭詩文箋 mà
nội dung chủ yếu đề cập đến các vấn đề thần hóa và nhân hóa dưới màu sắc
quả báo.
Có thể nói, Thiện đàn và Thiện thư là hai nhân tố chủ chốt làm phương
tiện quảng bá cho đạo Thiện. Các tín đồ Thiện thư, các đàn sinh, viên sinh và
mọi thiện nam, tín nữ nói chung đến Thiện đàn, nghe giảng Thiện thư để mà
làm các điều thiện. Vì vậy, Bảo xích tục biên chân kinh 保赤续编真經,
AB.503 có lời kêu gọi hướng đến chư sinh của mình hãy đến Thiện đàn, đọc
Thiện thư như sau: “Thiện đàn chiếu mát, Thiện thư võng đào”.
Cũng với tinh thần đó, điều này đã được diễn tả trong một câu của Hồi
xuân Nam âm chân kinh 回春南音真經, AB.237 như sau:
“Nay vui tới chốn Thiện đài,
Bút đào4 tay viết một vài câu chơi”.
1.1.2. Kinh giáng bút
Kinh giáng bút là khái niệm nhằm trỏ hệ thống các văn bản, tác phẩm có
tính ngôn từ được hình thành theo quy trình cầu cơ giáng bút mang tính tâm
linh, siêu việt do các Quần Chân ban giáng ở các Thiện đàn.
Giáng bút 降筆 vốn khởi nguồn là một hoạt động có tính chất thần bí gắn
liền với Đạo giáo, được gọi là phù cơ 扶箕, phù loan 扶鸞, phù tiên 扶仙, phù

kê 扶乩... Theo như Trung Hoa Đạo giáo đại từ điển 中華道教大辭典 [98] thì

2

Sách do Cần Tư Đường biên tập, Tây Hà Đôn Mục Đường hiệu chú, in năm Thanh Đạo Quang (Trung
Quốc) thứ 10 (1863).
3
Sách do Trình Quốc Nhân, đốc học Quảng Đông biên chú, in năm Thanh Quang Tự (Trung Quốc) thứ 11
(1885).
4
Bút đào: là một loại bút làm từ cành đào dùng để chép kinh giáng bút trong những buổi xin các thánh,
thần giáng bút.

10


phù kê được nói đến như sau: “Phù kê 扶乩 là một loại hình chiêm bốc thời cổ
đại, còn gọi là phù loan 扶鸞. Đến thời nhà Đường, giáng bút xuất hiện ngày
một rộng rãi hơn. Đến triều Minh Thanh, thì rất được thịnh hành trong giới sĩ
đại phu”. Như vậy, ta thấy rằng hiện tượng giáng bút xuất hiện từ khá lâu, còn
niên đại của nó thì hiện vẫn chưa ai xác định được cả. Cầu cơ 求箕 xuất phát
từ một truyền thuyết vào thời Nam Triều ở Trung Quốc, có một cô gái tên là
Tử Cô làm thiếp trong một gia đình, bị bà vợ cả đố kỵ ghen ghét thường bắt
cô phải làm những việc nặng nhọc liên quan đến thứ nhơ nhớp, bẩn thỉu. Vì
quá uất ức, ngày rằm tháng giêng, Tử Cô quyết định tìm đến cái chết để tự
giải phóng mình. Cho nên về sau cứ vào ngày này (tức 15 tháng giêng),
người trong dân gian thường nặn tượng có dáng dấp của cô đặt ở bên cạnh
chuồng lợn, nhà vệ sinh để mong muốn cô nhập vào tượng đó rồi cho hay
những điều dữ lành. Lúc chuẩn bị thỉnh cô về nhập vào tượng, hoa quả rượu
ngon được những người cầu cơ sắp xếp bày biện một cách chỉnh tề. Khi cô

giáng trần nhập vào tượng thì cũng là lúc tượng nặn đó sẽ lung lay không
ngừng. Và theo ghi chép của học giả Lưu Kính Uyển 劉敬宛 trong quyển thứ
5 của bộ sách Uyển dị 宛异 thì vào thời đại trước đời Đường, dân gian không
dùng đến cầu cơ mà chỉ dùng đến tượng nặn để khấn xin nữ thần Tử Cô
giáng nhập mà thôi.
Sau khi bị ảnh hưởng bởi trào lưu cầu cơ giáng bút của thời nhà Đường,
chuyện cầu cơ dưới thời đại nhà Tống trị vì cũng được lưu hành rộng khắp
trong dân gian. Thần được người dân thỉnh về bao gồm tất cả các vị thần tiên,
quỷ thần như: Ngọc Hư chân nhân 玉虚真人, Quan Vũ 關羽, Văn Xương Đế
Quân 文昌帝君 v.v… Rồi từ đó, những lời giảng dụ của các thần tiên thông
qua phù kê sẽ được tập hợp lại thành Đạo thư 道書 truyền thụ cho Đạo giáo.
Nội dung các tác phẩm phù kê trong Đạo giáo thường là những vấn đề xoay
quanh thuốc men, sự nghi hoặc, vấn đề cát hung v.v…
11


Công cụ của phép bốc tức giáng bút này chủ yếu gồm có kê giá5 乩架 được
làm bằng gỗ, kê bút6 乩笔 được làm từ cây gỗ thẳng dùng để treo lên kê giá
nhằm viết chữ, kê bàn7 乩盘 là một mâm cát để kê bút viết chữ lên trên.
Đồng nhân 僮人: Đồng nhân là người ngồi đồng trùm khăn che kín mặt,
trực tiếp cầm kê để thánh thần nhập vào giáng bút. Vị đồng nhân không phân
biệt nam hay nữ, trẻ hay già. Tuy nhiên trong các buổi giáng bút, vị đồng
nhân này thường là người có trình độ học vấn không phải cao, song không
phải là người không biết chữ.
Thông thường tại các Thiện đàn, kê bàn thường được bày ngay chính giữa,
kê bút hoặc được treo lên kê giá, hoặc được người cầm kê hay còn gọi là đồng
nhân trực tiếp cầm để viết.
Trong các cuộc giáng bút thường có sự xuất hiện của án hương đốt hương
trầm nghi ngút khói cùng điệu văn cầu du dương. Đáng chú ý, một mâm ngũ quả
được bày biện chỉnh chu là việc không thể không có trong các cuộc giáng bút.

Sau khi kê bút, kê bàn, kê giá vào các vị trí cố định của mình, chọn hai
loan sinh đứng hầu giữ hai đầu dây kê giá. Việc đứng giữ hai đầu kê giá này
5

Kê giá 乩架: là một dụng cụ có hình chữ Y được làm từ thân cây liễu dùng để treo kê bút, giúp cho
người cầm kê được thoải mái viết chữ hơn. Song chỉ có một số nơi là dùng đến kê giá, còn đâu những buổi
cầu cơ giáng bút ở Việt Nam kê giá thường được thay bằng 2 đồng tử giữ hai đầu dây, hoặc đầu dây buộc kê
bút sẽ treo trực tiếp lên xà nhà.
6
Kê bút 乩笔: là dụng cụ để các đồng nhân cầm viết chữ lên trên mâm gạo (mâm cát) sau khi đã được
nhập thần. Kê bút thường được làm từ cành đào mọc ở phía đông. Việc những buổi giáng bút thường dùng cành
đào mọc ở phía Đông làm kê bút là vì người dân trong dân gian quan niệm rằng cây đào là loại cây được trồng
trong các vườn tiên. Cho nên người ta coi việc sử dụng cành đào làm kê bút để giúp cho việc cầu tiên diễn ra thuận
tiện và linh ứng hơn.
Kê bút đa phần dài 3 thước, chu vi 3 tấc, đầu được vót nhọn tựa như đầu ngòi bút chì bây giờ. Có kê bút
thì được sơn son thếp vàng ở thân. Phía cuối kê được đục một lỗ để luồn đầu dây qua để cho 2 đồng tử mỗi
người cầm một đầu. Cũng có kê bút ở đầu đẽo hình giống như mỏ con hạc, biểu tượng của sự trường sinh cho
nên cũng có lúc người ta gọi kê bút là hạc bút. Phía cuối của kê bút cũng có lỗ nhưng là để luồn dây treo lên
cột xà của nhà hoặc treo lên kê giá. Cũng có buổi giáng bút, kê bút được dùng một cành đào mọc ở phương
đông, ở dưới bút đặt cái long kỳ cao 3 thước, trên kỳ đặt bàn gỗ đào được bọc vải có màu đỏ đồng thời có
khoét một lỗ nhỏ.
7
Kê bàn 乩盤: hay còn gọi là mâm kê, một dụng cụ để đựng cát hoặc gạo giúp cho chữ mà người cầm kê
viết ra sẽ được hình thành, để từ đó người thị độc đọc cho người thị tả chép lại. Trước khi cho gạo (cát) vào,
mâm kê này thường được phủ một lớp vải đỏ ở dưới đáy, và khi bắt đầu cầu cơ, mâm kê này luôn đặt trước
một án thờ có khói hương trầm nghi ngút.

12



nhằm góp phần giúp người cầm kê viết được chữ lên mâm không bị rung, bị
hỏng nét chữ. Người được chọn làm người cầm kê sẽ tiến lại gần chỗ treo kê
bút, đồng thời ngồi trước kê bàn. Người cầm kê này sẽ được phủ một lớp
khăn (thường có màu đỏ) lên đầu. Hương trầm được đốt, thần chú được niệm
để mời thần về giáng bút. Thần nhập vào người cầm kê để giáng bút rồi thì kê
bút bắt đầu chuyển động viết thành chữ trên mâm cát.
Lúc này, hai người ngồi hai bên người cầm kê, hay còn gọi là người hầu
bút sẽ bắt đầu làm công việc của mình. Người thị độc – tức người nhìn vào
nét chữ in trên mâm gạo (mâm cát) do người cầm kê vạch ra sẽ đọc to chữ đó
cho người hầu bút còn lại hay còn gọi là thị tả nghe và ghi lại từng câu, từng
chữ đó lên trên nền giấy dó. Sau công đoạn này là việc của người chính tả
chuẩn lại cho đúng. Khi đã thấy đúng chữ, đúng ngữ nghĩa rồi thì sẽ hoàn tất
khâu viết rõ chữ đồng thời chuyển sang cho đám thợ khắc in ngay. Tuy nhiên,
trong trường hợp, nếu người chính tả thấy chữ, câu do thị tả đọc chưa đúng,
chưa phù hợp, người cầm kê sẽ gõ nhẹ vào mâm gạo (mâm cát) nhằm mục đích
xin thần giáng lại câu, chữ đó rồi mới cho khắc in.
Sau khi thần lui, điệu văn du dương hết, lúc này kê bút trên tay người cầm
kê sẽ ngừng chuyển động. Mọi người tham gia cuộc giáng bút thu dọn dụng
cụ, chờ các bản kinh hoàn tất công đoạn khắc in sau đó phân phát ngay.
Các buổi giáng bút này còn được tổ chức đúng vào các ngày sóc, vọng (tức
ngày mùng một, ngày rằm của tháng). Theo như những người tiến hành giáng
bút cho biết thì nguyên nhân của việc chọn thời điểm trên để tổ chức giáng
bút, in ấn các bản kinh là do lúc này tiên thánh sẽ dễ hiển linh, theo tiếng
nhạc, hương trầm nghi ngút khói mà nhập vào đồng nhân cầm kê để giáng
bút. Nhưng nói thế không phải các bản kinh giáng bút lúc nào cũng được các
vị nữ thần tiên thánh giáng trong một đêm, vào đúng thời điểm ngày sóc,

13



vọng, vì trong kho tàng kinh giáng bút hiện còn cho thấy vẫn có những bản
kinh hoàn thiện sau nhiều ngày, nhiều giờ khác nhau.
Do đặc thù muốn mời chư vị tiên nữ, thánh thần hiển linh để nhập thần vào
đồng nhân cầm kê, nên ngoài thời gian là các ngày sóc, vọng, giờ đẹp trong
ngày ra, các buổi giáng bút luôn được tổ chức, tiến hành tại các chốn Thiện
đàn đã được lập nên.
Từ những trình bày ở trên cho thấy, kinh giáng bút Thiện đàn là hệ thống
các văn bản và tác phẩm được các vị trong giới Quần Chân vâng mệnh Ngọc
Hoàng Thượng đế ban cho người cầu kinh qua người đồng nhân, sau đó
người đồng nhân viết ra; được những người thị độc đọc; được những người
thị tả ghi lại; được những người chính tả hiệu chỉnh; được tổ chức khắc in và
lưu hành ngay. Ngôn từ đó có thể là Hán văn (HV), có thể là quốc âm
(QA)/Nam âm. Nếu là HV thì được ghi bằng chữ Hán. Nếu là QA thì được
ghi bằng chữ Nôm. Với một chu trình tạo văn bản và tác phẩm như thế, có thể
xác lập các nhân tố cho sự tạo thành văn bản kinh giáng bút như sau: chủ thể
theo nghĩa hẹp của các văn bản là các vị trong giới Quần Chân. Chủ thể văn
bản theo nghĩa rộng nhất của các văn bản kinh được giáng xuống là Ngọc
Hoàng Thượng đế vì các vị trong giới Quần Chân phụng mệnh và nhân danh
Ngọc Hoàng Thượng đế mà giáng bút. Chính điều này làm nên tính linh
thiêng tín ngưỡng của kinh giáng bút. Đối tượng mà văn bản hướng vào là các
đàn sinh, viên sinh, họ là các thiện nam, tín nữ nói chung. Những vấn đề được
văn bản hóa trong kinh giáng bút là những cái mà chủ thể muốn truyền cho
người xin kinh và chúng làm nên bình diện nội dung của kinh giáng bút. Bình
diện nội dung của kinh giáng bút lại có thể phân tách thành các chủ đề hay
nhóm chủ đề, chúng phản ánh một phần nào đó có tính lịch sử của cuộc sống
xã hội lúc bấy giờ. Thể thức văn bản của kinh giáng bút chính là các thể loại
văn học được Quần Chân sử dụng như: thi, ca, tán, dụ, ngâm, tự v.v..

14



Theo quy chế đó, sau mỗi một cuộc giáng bút có thể có một bộ kinh được
ấn tống. Chúng ta không thể hình dung nổi con số kinh được ấn tống vì số
lượng Thiện đàn lên tới hàng trăm và mỗi một Thiện đàn cũng đã có không
biết bao nhiêu lần tổ chức cầu cơ giáng bút. Số lượng kinh còn được lưu trữ ở
VNCHN và TVQGVN chỉ là một phần trong số hàng trăm ngàn phần kinh
giáng bút của Thiện đàn nói chung. Từ sự hình dung trên về cơ chế giáng bút
và in tống kinh giáng bút của Thiện đàn như thế, dưới đây chúng tôi sẽ đề cập
đến giới hạn thời gian của kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn.
1.1.3. Giới hạn thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Việc xác định đối tượng nghiên cứu là kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện
đàn trong luận án này vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng
đòi hỏi một sự giới thuyết cần thiết. Theo đó, giới hạn những năm cuối thế kỷ
XIX được tính từ năm 1884. Ngày 6-6-1884, thực dân Pháp đã ép triều đình
Huế ký hòa ước Pa tơ nốt (Patenôtre), đặt cơ sở lâu dài và chủ yếu cho quyền
đô hộ của Pháp ở Việt Nam, chia Việt Nam thành ba miền với ba chế độ khác
nhau. Với việc ký điều ước này, nhà nước phong kiến Việt Nam với tư cách là
một nhà nước độc lập có chủ quyền đã hoàn toàn sụp đổ [56].
Sau cuộc biến kinh thành năm 1885, vua Hàm Nghi rút lui khỏi Huế,
phong trào “Cần Vương - lo cho việc của nhà vua” rộng khắp trên các miền
của đất nước đã nổ ra từ 4-7-1885. Lực lượng lãnh đạo Cần Vương là các văn
thân yêu nước. Cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ Cần Vương quy mô nhất là
cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895), chủ soái là Phan Đình Phùng.
Nhưng sau cái chết của Phan Đình Phùng vào năm 1897, thực dân Pháp đã cơ
bản ổn định được tình hình và bước vào cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất
(1897 – 1914).
Cái cũ dần bị phá, cái mới chưa hình thành. Giá trị cương thường truyền
thống ít nhiều đã bị đảo lộn. Đó là lúc mà nói theo thi sĩ Tản Đà: “Văn minh

15



Đông Á trời thu sạch. Rày lúc cương thường đảo ngược ru”. Đó cũng là lúc
có những đảo lộn giá trị trong lối đối nhân xử thế mà nhà thơ Trần Tế Xương
đã nói: “Nhà kia lỗi phép con khinh bố. Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”.
Phản ứng lại trước tình hình đó, một bộ phận khá đông đảo nhà Nho đã
lập Thiện đàn, giảng kinh khuyến thiện ở nhiều nơi, nhất là ở miền Bắc. Hà
Nội, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định,
Hà Nam, Hải Phòng… là những tỉnh, thành xuất hiện nhiều Thiện đàn vào
thời kỳ này.
Cũng chính trong thời gian này, những người yêu nước Việt Nam nhận ra
rằng, con đường cứu nước theo lối Cần Vương đã không còn hợp với thời
cuộc nữa. Gương Nhật Bản sau hơn 30 năm duy tân mà đánh bại nước Nga
trong cuộc chiến ở eo biển Đối Mã8 đã thúc đẩy sĩ phu Việt Nam dấy lên một
cuộc duy tân, đòi mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, vun đắp dân tài, đòi
bãi bỏ khoa cử hủ lậu. Năm 1906, chính quyền thực dân phong kiến phải tiến
hành cuộc cải lương giáo dục khoa cử chữ Hán, thực hiện bước quá độ
chuyển từ giáo dục khoa cử chữ Hán sang giáo dục phổ thông. Chính điều này
cũng là một trong những nhân tố tạo điều kiện cho sự nảy sinh nhiều Thiện
đàn mới vào những năm đầu thế kỷ XX mà học giả Đào Duy Anh đã từng gọi
đó là phong trào Thiện đàn. Đó là sự xuất hiện có tính đột biến về phương
diện số lượng và chất lượng của Thiện đàn cũng như kinh giáng bút.
Do vậy, giới hạn trên cho việc nghiên cứu là năm 1884. Giới hạn dưới cho
sự nghiên cứu qua sự có mặt của những bản kinh cuối cùng trong danh sách
của chúng tôi. Tuy giới hạn trên tương đối rộng nhưng từ sau năm 1920, số
Thiện đàn ít dần, kinh được ấn tống cũng ít đi. Do vậy, trên thực tế chỉ những
năm cuối thế kỷ XIX và khoảng 20 năm đầu thế kỷ XX là có nhiều kinh nhất.
Mốc chia đôi của nó là khoảng những năm 1908, 1909, 1910. Từ sự khái quát
8


Thuộc nước Nhật Bản

16


có tính chất nhận thức về Thiện đàn và dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập đến lịch
sử nghiên cứu vấn đề kinh giáng bút Hán Nôm của Thiện đàn.
1.2. Các bình diện có liên quan đến đề tài đã được nghiên cứu
Cơ chế giáng kinh và số lượng Thiện đàn đến hàng trăm đã làm cho số
lượng văn bản, tác phẩm kinh giáng bút còn lại khá nhiều. Tuy vậy, do nhiều
nguyên nhân, việc nghiên cứu cũng như thành tựu nghiên cứu chỉ dừng lại ở
mấy cấp độ và lĩnh vực dưới đây:
1.2.1. Giới thiệu khái quát có tính điểm tin hay lập danh mục tư liệu
Hán Nôm về Thiện đàn
Có thể thấy rằng, một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên có tính
giới thiệu khái quát đến kinh giáng bút và Thiện đàn đó chính là tác phẩm Tục
thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, in tại Nhà in Viễn Đông, Hà Nội năm 1944
của tác giả Nguyễn Văn Huyên và được in lại trong sách Góp phần nghiên
cứu văn hóa Việt Nam (tập 2) của Nxb. KHXH, Hà Nội, năm 1996 [43].
Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Văn Huyên đã giới thiệu về cầu tiên giáng bút, hình thức giáng bút của Thiện đàn.
Đến năm 1989, bài viết “Tìm hiểu phong trào Thiện đàn đối với cuộc vận
động ái quốc – Kinh đạo Nam” in trong cuốn hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm
(Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 1989) [4, 217-218] của tác giả Đào Duy Anh tiếp
tục đề cập những điểm cơ bản về kinh giáng bút và Thiện đàn khi nêu lên việc
Đặng Xuân Bảng, Tiến sĩ quê ở làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, vốn là tuần
phủ tỉnh Hải Dương, song sau khi tỉnh Hải Dương bị quân Pháp chiếm mất,
rồi vua Tự Đức cách chức, ông đã trở về quê cùng với Đặng Ngọc Toản
nguyên làm giáo thụ Kiến Xương cho xây dựng Thiện đàn ở đền Văn Xương
trong làng. Kế đó cho dịch kinh Âm chất 陰隲 ra tiếng Việt, soạn bài Thái
Thượng cảm ứng thiên quốc âm ca 太上感應篇國音歌, tu chỉnh bài Huấn tử


17


quốc âm ca 訓子國音歌 của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị… Đây là một bài viết
đã đánh giá sơ bộ về Thiện đàn và hoạt động của Thiện đàn ở Việt Nam.
Năm 1993, tác giả Trần Nghĩa và F.Gros đã đồng chủ biên bộ sách có tính
thư mục mang tên Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH,
Hà Nội, 3 tập [67] đã thu thập nhiều tài liệu về kinh giáng bút Thiện đàn.
Đến năm 2000, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (42), thông qua bài viết “Danh
mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn - Hà Nội” [45, 89-96], tác giả Vương
Thị Hường cho chúng ta biết danh mục sách Hán Nôm in tại đền Ngọc Sơn
với 246 tên sách thuộc nhiều thể loại khác nhau như: văn học, sử học, tôn
giáo… trong đó cũng đã liệt kê một số tác phẩm kinh giáng bút lưu trữ ở nơi
đây như: Cảm ứng thiên giải âm 感應篇解音, Cứu kiếp chân kinh 救劫真經,
Ngọc cục tâm sám 玉局心懺, Phản tính đồ 返性圖, Quan thánh thùy huấn bảo
văn 關聖垂訓寳文 v.v…
Năm 2001, tác giả Nguyễn Xuân Diện có bài viết “Về các tác phẩm thơ
văn giáng bút hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm in trong Thông báo
Hán Nôm học 2000, Nxb KHXH, Hà Nội [18, 96-104] đã đề cập đến số lượng
cũng như nội dung, hình thức thể hiện chính (về mặt văn tự và thể loại, minh
họa) của các tác phẩm kinh giáng bút đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm.
Năm 2003, trong Thông báo Hán Nôm học 2002, Nxb. KHXH, Hà Nội,
tác giả Mai Hồng đã có bài viết “Đôi nét về văn Thiện đàn (kinh giáng bút)”
[34, 210-218], qua đó, lược điểm các tên gọi khác nhau của Thiện đàn như: Lạc
đạo đàn, Chính tâm đàn, Hội Thiện đồng, Khuyến Thiện đàn, v.v... và tác giả
của văn Thiện đàn - kinh giáng bút là thánh, thần, tiên, phật…Cũng trong bài
viết này, tác giả đã dẫn dụ thời gian, địa điểm xuất hiện của kinh giáng bút và
nhận định phong trào Thiện đàn, ấn loát kinh giáng bút là một phong trào đấu

tranh yêu nước chống ngoại xâm dưới hình thức rất đặc biệt mang màu sắc tín
18


ngưỡng tôn giáo của dân tộc ta trong những năm giáp lai cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX.
1.2.2. Nghiên cứu, phân tích sơ bộ giá trị kinh giáng bút về văn hóa, tư tưởng
Trên Tạp chí Hán Nôm, số 2 (19) năm 1994, qua bài viết “Mượn việc
“giáng bút” để lưu hành thơ văn yêu nước” [64, 65-66], tác giả Vũ Đình Ngạn
và Triệu Triệu đã sơ bộ đề cập đến bối cảnh ra đời của Thiện đàn và kinh
giáng bút. Tác giả cho biết, để hợp pháp hóa việc tuyên truyền kêu gọi ái
quốc, chống cường quyền áp bức, chống mê tín dị đoan v.v... bằng thơ văn,
các nhà nho yêu nước đã mượn thần quyền giáng bút để lập ra các Thiện đàn.
Cũng trong bài viết này, tác giả đề cập đến Thiện đàn tiêu biểu ở phủ Kiến
Xương (Thái Bình) là Bảo Thiện đàn và phiên âm, dịch nghĩa một số bài thơ,
văn giáng bút trong tác phẩm Chấp trung kinh 执忠經.
Tại Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm năm 2006, tác giả Nguyễn Xuân Diện
tiếp tục trình bày một số nội dung tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm kinh
giáng bút như: kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, chấn hưng văn hóa dân tộc,
xây dựng nếp sống mới…cũng như bước đầu đưa ra danh sách những Thiện
đàn có in ấn kinh giáng bút trong giai đoạn này thông qua tham luận “Văn thơ
Nôm giáng bút với việc kêu gọi lòng yêu nước và chấn hưng văn hóa dân tộc
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” [17, 218-230].
Năm 2011, nghiên cứu sinh cũng bước đầu đánh giá khái quát về quốc
văn Nôm trong kinh giáng bút thông qua Luận văn Thạc sĩ với tên đề tài:
Quốc văn Nôm trong kinh giáng bút của phong trào Thiện đàn đầu thế kỷ
XX [41].
1.2.3. Phân tích và phiên dịch kinh giáng bút của Thiện đàn
Thuộc vào nhóm các công trình này là những nghiên cứu đề cập đến các
hiện tượng cụ thể về từng bộ kinh hay các sự kiện, nhân tố lịch sử liên quan

đến các hoạt động cụ thể của Thiện đàn. Năm 1996, tác giả Vũ Thế Khôi đã

19


có bài nghiên cứu, giới thiệu về đặc điểm, hoạt động của Hội Hướng Thiện
đền Ngọc Sơn - một trong những địa điểm tiêu biểu về hoạt động giảng thiện,
in ấn kinh giáng bút với số lượng lớn và sự nghiệp chấn hưng văn hóa tại
Thăng Long với tiêu đề “Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với sự nghiệp chấn
hưng văn hóa Thăng Long” trên Tạp chí Xưa và Nay (số 30) [52, 28-29].
Theo tác giả Vũ Thế Khôi, Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn đã bắt đầu công
cuộc chấn hưng văn hóa từ việc hướng dẫn cho mọi người tu dưỡng chính bản
thân mình, dựng “cột trụ ngăn sóng lớn văn hóa giả” trước hết trong tâm tính
của mình, chính tâm bằng cái thiện.
Thông báo Hán Nôm học năm 1996, in bài viết “Văn giáng bút của Trạng
Trình ở đền thờ các vua Trần tại xã Tức Mặc”, Nxb. KHXH. 1997 [68, 297304] của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt. Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Thị
Nguyệt đã phiên âm, dịch nghĩa, giới thiệu qua bài văn giáng bút của Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được khắc trên tấm bia ở đền thờ các vua Trần tại
xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định về đặc điểm, cách thức thể hiện
và nội dung tư tưởng đi kèm.
Đền Ngọc Sơn và Hội Hướng Thiện vào năm 1997 một lần nữa được nhắc
đến với bài viết “Hội Hướng Thiện và đền Ngọc Sơn” đăng trên Tạp chí Hán
Nôm, số 4 (33) [86, 55-65] của tác giả Tảo Trang. Theo đó, tác giả Tảo Trang
đã giới thiệu qua các đặc trưng của Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn thời kỳ
bấy giờ (người sáng lập, cách thức – nội dung hoạt động, tầm ảnh hưởng
trước thời cuộc…).
Trong Thông báo Hán Nôm học năm 1997 đã in bài “Thơ ca giáng bút và
Hồi thuần chân kinh hạ tập”, Nxb, KHXH, 1998, [19, 85-90] của tác giả
Phạm Đức Duật. Bài viết này, tác giả đã giới thiệu cặn kẽ bản kinh Hồi thuần
chân kinh hạ tập cả về mặt nội dung tư tưởng lẫn các thể loại thể hiện, các vị

thần – thánh giáng bút.

20


×