Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Ảnh hưởng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo từ văn học Mỹ La TInh đến văn học VIệt Nam hiện đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (172.05 KB, 21 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA NGỮ VĂN

TIỂU LUẬN

VĂN HỌC MỸ LA TINH

ẢNH HƯỞNG CHỦ NGHĨA HIỆN
THỰC HUYỀN ẢO TỪ VĂN HỌC
MỸ LATINH ĐẾN VĂN HỌC
VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
GVHD: Th.s Nguyễn Thành Trung
SVTH: Lâm Minh Trí
MSSV: K40.606.045

Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2016


Mục lục

2


1. Khái niệm
Theo như cuốn “Đại từ điển Tiếng Việt” do Nguyễn Như Ý (chủ biên)
(NXB Đại học quốc gia Tp.HCM, năm 2007), thì “huyền ảo” nghĩa là: “có vẻ đẹp
kỳ lạ như vừa thực vừa ảo” (tr.754). Và theo ý kiến chủ quan cá nhân của tôi thì
nghĩ “huyền ảo” là một phần trong “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” Mỹ Latinh. Và
cũng theo như cuốn từ điển nói trên thì “chủ nghĩa” là: “quan điểm, ý thức, tư
tưởng làm thành cơ sở lý thuyết chi phối, hướng dẫn hành động của con người


theo định hướng nào đó” (tr.294). Trên thực tế chưa có một tài liệu nào nói tới
khái niệm “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo”. Vậy thì đó là hệ thống lý luận đề cập
đến những vấn đề cuộc sống trong văn học, nhưng vừa thật lại vừa hư tạo nên sự
hấp dẫn, lôi cuốn, nhằm phục vụ cho mục đích văn chương mà tác giả đề cập, xét
cho cùng đây cũng là một cách phản ánh hiện thực của nhà văn.
“ Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo cũng không phải là văn học huyền ảo. Mục
tiêu của nó, không phải là ma thuật, mà là để diễn tả cảm xúc chứ không khơi gợi
chúng. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hơn bất kì một khuynh hướng nào khác, là
một thái độ đối với hiện thực mà có thể được diễn tả bằng những hình thức đại
chúng hoặc hình thức bác học, bằng phong cách tinh tế hoặc thô mộc, bằng cấu
trúc mở hoặc cấu trúc đóng.” (Luis Leal, Magical Realism in Spanish American
Literature, in Magical Realism: Theory, History, Community, Ibid, p.121)
2. Đôi nét về sự hình thành chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ở Mỹ Latinh và
Việt Nam.
Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một trường phái quan trọng trong văn học
đương đại Mỹ Latinh, và cũng là một trong những trường phái chủ yếu của văn
học hiện đại phương Tây. Trường phái này hình thành và phát triển trong những
năm 40 đến những năm 50 của thế kỉ XX . Đây là thế kỷ liên tục nổ ra hai cuộc
3


chiến tranh thế giới. Những sự kiện này không chỉ tác động đến thế giới phương
Tây mà còn thức tỉnh nhân dân Mỹ Latinh. Họ nhận thấy lợi ích trước mắt của các
nước Mỹ Latinh là thống nhất trong cuộc đấu tranh, chống áp bức, bóc lột của
nước ngoài để bảo vệ lợi ích dân tộc. Chính sự bắt đầu hình thành “ý thức châu
Mỹ Latinh” đã kích thích sự nhiệt tình sáng tác của nhà văn ở châu lục này. Khu
vực này là sự tổng hòa của nhiều dân tộc, bao gồm người Anh-điêng, người da đen
Châu Phi và dân tộc các nước Châu Âu di cư sang. Sự hòa nhập của những tộc
người này tạo điều kiện cho nền văn hóa các dân tộc giao thoa, và tạo nền tảng
một hiện thực mới giữa cái hiện đại và hoang sơ mang tính chất bộ tộc, bộ lạc.

Cũng từ đây đô thị hiện đại xuất hiện ở Mỹ Latinh, cùng tồn tại với bộ lạc nguyên
thủy tạo nên sắc thái kỳ dị bao trùm cả châu lục này. Sự giao thoa văn hóa này
cũng là một trong những điều kiện làm nảy sinh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Bất
kỳ một nền văn học nào cũng lấy cái đẹp làm trung tâm thẩm mỹ và do văn hóa mà
các tác phẩm của nhà văn và các nhà tư duy hình tượng Mỹ Latinh đều mang đặc
thù của thơ ca đầy phóng túng lãng mạn. Điều này xuất phát từ đặc trưng ngôn ngữ
và sự đề cao ngôn ngữ, ở Mỹ Latinh luôn coi ngôn ngữ là hiện thực duy nhất của
tác phẩm. Bất kỳ một tác phẩm văn chương nào cũng chính là kết quả của một quá
trình sáng tạo của nhà văn. Ở Mỹ Latinh điều kiện về lịch sử cho phép các nhà văn
có nhiều cơ hội sáng tác về cuộc sống hiện đại, nhưng cũng đồng thời cho phép
các nhà văn khám phá những nền văn hóa của các dân tộc, các bộ lạc xa xưa mà
không mấy ai có cơ hội tiếp cận. Tiểu thuyết Mỹ Latinh vừa phản ánh hiện thực
cuộc sống vừa mang vẻ huyền bí của người dân nơi đây. Tiêu biểu cho dòng văn
học “huyền ảo” là sự xuất hiện của một số nhà văn lớn ,tiêu biểu như Asturias với
tác phẩm “Ngài tổng thống”, G.Maquez với “Trăm năm cô đơn”, Moacyr Scliar
với “Con nhân mã ở trong vườn” hay Borges với nhiều truyện ngắn mang tính chất
huyền ảo... Trong đó tác phẩm “Trăm năm cô đơn” được coi là kinh điển nhất và là
đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh.
4


Vậy tiểu thuyết mang tính “huyền ảo” của Việt Nam hiện đại thì sao? Phải
khẳng định rằng đây là một vấn đề khá mới mẻ. Nhưng với tiến trình phát triển của
văn học Việt Nam thì chúng ta đã được tiếp xúc với các yếu tố kì ảo, hoang đường
qua một số truyện cổ và ca dao dân gian. Trong văn học viết người ta đã tìm thấy
sự kì ảo ở “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Lĩnh nam chích quái” do Trần
Thế Pháp biên soạn. Nhưng trong văn học cổ phần lớn là thể loại thơ, còn thơ ca
cận đại chịu ảnh hưởng nhiều của văn học Trung Quốc như tiểu thuyết chương hồi,
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du , “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn... Ở giai
đoạn kháng chiến văn học phục vụ đấu tranh cách mạng là chủ yếu, nên không phù

hợp với văn học mang tính huyền ảo. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự khu
biệt của văn học Việt Nam và cũng vì vậy mà văn chương của chúng ta không có
nhiều điều kiện để tiếp thu và phát triển văn học nước ngoài mà đặc biệt là văn học
Mỹ Latinh. “Văn học hiện thực huyền ảo gắn liền với địa danh Mỹ Latinh. Nhưng
không phải bất kì nhà văn nào ở đó cũng sáng tác theo khuynh hướng này. Thậm
chí ngay trong chính một nhà văn, thì chỉ có một vài tác phẩm mang tính huyền ảo
mà thôi. Từ tiêu chí này ta thấy văn học Mỹ LaTinh xuất hiện khá sớm ở Viêt
Nam” (Theo Châu mỹ ngày nay, số 04-2008, tr.56). Trong hai thập kỉ 1980 và
1990 ở Việt Nam tình hình nghiên cứu về nền văn học này diễn ra rầm rộ. Nhiều
dịch giả, nhà nghiên cứu sử dụng thành thạo tiếng Tây Ban Nha như Mạnh Tứ,
Đoàn Đình Ca, Nguyễn Trung Đức,...Các tác phẩm được dịch và in liên tục tương
đối thành hệ thống đã cho thấy sự khác lạ, độc đáo bậc nhất của nền văn học non
trẻ này. Nhiều tác phẩm văn học huyền ảo tiêu biểu được giới thiệu như: Ngài đại
tá chờ thư của Marquez (Mạnh Tứ dịch, NXB Văn học, 1983), Ngôi nhà của
những hồn ma của Isabel Alenda (Đoàn Đình Ca dịch, NXB Văn học, 1987) và
Tình yêu thời thổ tả của Marquez (Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn học,
1995),... Và cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của tiểu thuyết huyền ảo Mỹ Latinh ở
Việt Nam rõ rệch nhất là khi cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” được dịch giả
5


Nguyễn Trung Đức giới thiệu tới bạn đọc, đã tạo nên một làn gió mới, đưa văn hóa
Mỹ Latinh đến gần với chúng ta. Và cũng từ cái nền tảng này mà một số tác phẩm
của Việt Nam mang tính huyền ảo của Mỹ Latinh ra đời, đi đầu với trào lưu này
phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp. Ông đã bước đầu sử dụng một số biện pháp huyền
ảo của chủ nghĩa hiện thưc huyền ảo Mỹ Latinh vào sáng tác, thể hiện trong các
tác phẩm như “Giọt máu”, “Kiếm sắc”, “Phẩm tiết”... Tiếp đến một số tác giả khác
như Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”, Khôi Vũ “Lời nguyền hai trăm năm” ,
Nguyễn Minh Châu với “Phiên chợ giát” ...
3. Một số vấn đề trong nội hàm tiểu thuyết huyền ảo.

Để làm rõ vấn đề trong đề tài này tôi xin được giới hạn trong một số tác
phẩm mà tôi cho là tiêu biểu nhất như sau: đối với tác phẩm huyền ảo Mỹ Latinh
tôi chọn tác phẩm “Trăm năm cô đơn” của nhà văn Gabriel Garcia Marquez
(Nguyễn Trung Đức dịch, NXB Văn Học, năm 2015) và “Con nhân mã ở trong
vườn” của Moacyr Scliar (Trịnh Lữ dịch, NXB Văn học, năm 2013) còn đối với
tác phẩm huyền ảo Việt Nam thì tôi chọn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh
(NXB Trẻ, năm 2013).
3.1. Cái thực và cái ảo trong tác phẩm tồn tại cùng một thế giới.
Trong tác phẩm huyền ảo Mỹ Latinh cái thực và cái ảo có phải là hai thế
giới? Theo tôi chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh chỉ có một thế giới của
cái thực tại mang tính siêu thực, nơi cái huyền ảo và cái bình thường cùng tồn tại
hài hòa với nhau. Trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, hiện thực là một mạch
liền, không có thế giới của thiên đàng, của địa ngục, của những ảo giác hay giấc
mơ. “Tôi đã nói rằng anh ta không sáng tạo ra một thế giới tưởng tượng mà
chúng ta có thể ẩn trốn hiện thực hằng ngày. Trong chủ nghĩa hiện thực huyền ảo
nhà văn đối diện với hiện thực và cố gỡ rối cho nó để khám phá ra những điều bí
mật trong sự vật, trong cuộc sống và trong hành động của con người”.( Luis Leal,
6


Magical Realism in Spanish American Literature, in Magical Realism: Theory,
History, Community, Ibid, p.121). Để thấy rõ điều này tôi xin lấy một số dẫn
chứng cụ thể trong tác phẩm “Trăm năm cô đơn”, ở đây chỉ có một hiện thực mà
thôi đó là ngôi làng Macondo mà ở đó con người sống, chết, con người bay lên
trời, những bóng ma ẩn hiện chuyện trò, người ăn đất, người có đuôi lợn, người
có bướm vàng bay quanh, những cơn mưa nặng hạt và hạn hán kéo dài hàng chục
năm, những cơn mưa hoa vàng hoàn toàn không ở một nơi nào khác. Bởi không
có ai bị lưu đày xuống địa ngục, không ai được lên thiên đàng và cũng chẳng ai
sống trong giấc mơ. Đối với Marquez “Trăm năm cô đơn” chính là một thực tại,
một hiện thực xã hội đương thời, nó phản ánh toàn bộ những gì xã hội có và

cường điệu hóa cái xã hội đó qua các ảo giác, qua các điều kì diệu mà chính con
người đã tự chủ động suy nghĩ và sáng tạo ra. Marquez nhấn mạnh tới cái hiện
thực không giới hạn trong sáng tác của ông khi trò chuyện với Plinio Apuleyo
Mendoza “ điều đó chắc chắn tại chủ nghĩa duy lý ngăn họ nhìn thấy cái hiện
thực không giới hạn ở cái giá của cà chua và trứng”. Hay trong tác phẩm “Con
nhân mã ở trong vườn” hiện thực đó là một nông trại nhỏ cũng với những con
người bình thường sống và lao động như bao người khác, cùng với nỗi ám ảnh, sợ
hãi trước sự ra đời của một con nhân mã. Con nhân mã ra đời và trưởng thành
trong cuộc đời thực chứ không phải trong huyền thoại Hy Lạp hay thiên đàng nào
khác, nó không chỉ có một mình mà còn có cả đồng loại nữa (Tita- một nàng nhân
mã cái). Trở lại với tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đó là căn cứ địa trong rừng
sâu với những người lính, họ sống gian khổ và hy sinh vì chiến tranh, những ảo
giác, giấc mơ, hồi ức của nhân vật Kiên, bóng ma nữ trong rừng núi, tất cả nằm
ngay tại cuộc sống hiện thực, cũng như hai tác phẩm trên không có thiên đàng hay
địa ngục nào ở đây. Như vậy ta thấy được rằng so với văn hoc huyền ảo Mỹ
Latinh, tiểu thuyết của Bảo Ninh đã thành công trong việc lồng ghép yêu tố thực
và ảo, cho chúng hòa quyện với nhau làm cho người đọc không còn nhận ra đâu là
7


thực và đâu là ảo nữa. Như vậy thực và ảo tồn tại trong một thế giới mà thôi, thế
giới của chúng chính là cuộc sống đời thường.
3.2. Chi tiết huyền ảo xuất hiện trong tiểu thuyết.
Trong mỗi tác phẩm có tính huyền ảo thì chi tiết không có thực thường có
ấn tượng mạnh mẽ hơn chi tiết có thực. Đó chính là cái mà nhà văn dựa theo cảm
quan trước thực tại xã hội mà tưởng tượng theo nguyên tắc huyền thoại hóa. Chi
tiết huyền ảo được sử dụng kết hợp đầy ngẫu hứng các chi tiết rút từ thần thoại,
truyền thuyết,...Xen vào đó là những chi tiết được lấy từ đời sống hiện thực bao
gồm các chi tiết của giấc mơ, của thế giới tưởng tượng, của tình cảm, cảm xúc, từ
vô thức và thậm chí từ cả tín ngưỡng tôn giáo,... Tất cả chúng được sử dụng mà

không hề có sự phân biệt ranh giới giữa hài hước và kinh tởm, giữa phi lý và nực
cười, giữa nghịch lý và khủng khiếp,... Ta thấy trong “Trăm năm cô đơn” những
chi tiết huyền ảo xuất hiện một cách rất tự nhiên hệt như một sự việc hiển nhiên
đó là các chi tiết như: trận mưa hoa vàng rơi trong đám tang của José Arcadio
Buendía “người ta thấy trời đổ xuống trận mưa hoa li ti màu vàng [...] rơi xuống
một cái làng đang trong nỗi âm thầm đau khổ” (tr.197), hình ảnh Rebeca - người
ăn đất “cô bé cứ lấy những mảnh đất dấu đi để ăn khi không có ai nhìn thấy”
(tr.71). Con người bay lên trời “Amaranta cảm thấy lạnh xương sống và cố bám
lấy chiếc chăn cho khỏi ngã , đúng vào lúc Remediot- Người đẹp bay lên. Úrsula,
lúc ấy gần như đã lòa mắt, là người duy nhất bình tĩnh nhận ra thực chất của làn
gió không gì cưỡng lại kia và cứ để mặc cho những chiếc chăn bay như vậy mà
nhìn Remediot - Người đẹp đang vẫy tay vĩnh biệt mình” (tr.316). Hình ảnh bóng
ma trong tác phẩm xuất hiện nhiều lần “rất nhiều lần bọn họ bị những bóng ma đi
lại đánh thức dậy” (tr.527), những cơn mưa nặng hạt và hạn hán kéo dài hàng
chục năm “mưa suốt bốn năm mười một tháng hai ngày. Có dạo mưa phùn rả rích
đến nỗi hết thảy mọi người ai ai cũng mặc đồ tế lễ và làm ra mật nghiêm trang để
cầu khẩn cho trời tạnh, nhưng chẳng bao lâu sau người ta đã quen với cảnh tạnh
8


ráo tạm bợ” (tr.409). Đặc biệt với người có cái đuôi lợn đó là người đầu tiên và
cuối cùng của dòng họ Buendía “bà cô của Úrsula lấy ông chú của José Arcadio
Buendía sinh ra một đứa con suốt đời mặc quần rộng thùng thình và chết vì bệnh
chảy máu sau khi đã sống một cuộc sống hơn bốn mươi hai tuổi luôn luôn là trai
tân, bởi vì y sinh ra và lớn lên với cái đuôi xoắn hình mở nút chai ở cuối có một
túm lông. Đó là cái đuôi lợn mà y không bao giờ cho bất kì người đàn bà nào nom
thấy. Và y đã phải trả giá bằng cuộc đời mình khi một người bạn làm nghề đồ tể
dùng con dao phay chặt phặt cái đuôi lợn ấy đi cho y” (tr.44). Bên cạnh đó còn
những chi tiết về dịch mất ngủ của làng Macondo, người có bướm bay quanh hay
cái chết kì lạ của đứa trẻ cuối cùng có cái đuôi lơn và bị kiến ăn “thứ văn tự viết

trên những tấm da thuộc kia đã được sắp đặt một cách chính xác trong thời gian
và không gian của những con người: Người đầu tiên của dòng họ bị trói vào một
gốc cây và kiến đang ăn người cuối cùng của dòng họ.” (tr.532). Như vậy đến
phần cuối vẫn có sự xuất hiện của cái kì lạ, huyền ảo. Nó đã thực sự để lại những
dấu ấn mạnh mẽ làm cho câu chuyện mà tác giả kể trở nên huyền ảo, mơ hồ trong
một cuộc đời thật. Cũng như vậy ta tìm thấy những hình ảnh mang tính không
thực trong tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” làm nên sự hấp dẫn và lôi cuốn. Mở
đầu cho cái kì lạ là hình ảnh rất buồn cười đó là mụ đàn bà bị bắn chết vì tưởng là
con vượn “khi ngả nó ra cạo sạch được bộ lông thì ôi giời đất ôi, con vật hiện
nguyên hình một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám nửa trắng hếu, cặp mắt trợn
ngược” (tr.14). Hay là “người ta đã trông thấy nhiều quái vật lông lá có cả cánh
lẫn vú với cái đuôi kỳ nhông kéo lết và họ ngửi thấy mùi tanh của máu từ chúng,
nghe thấy chúng gào rú và ca hát trong các hang động tối om ở chân đèo Thiên
Lăng bên kia truông Gọi Hồn” (tr.20). Đến những hình ảnh ma núi khỏa thân
“Kiên nhìn thấy lồ lộ trong nháy mắt một cô gái đi chệch qua trước mắt anh cô ta
cởi trần...” (tr.35), những tiếng hú của ma núi mà Kiên nghe thấy. Và đến cuối tác
phẩm vẫn xuất hiện hình ảnh của hồn ma “tác giả biến họ thành những hồn ma
9


những âm binh ảo não trôi dạt trong bụi bờ”, “những hồn ma những bộ hài cốt
moi từ đáy rừng lên” (tr.317). Những yếu tố kì lạ này đã làm tăng sự bí hiểm khác
thường của khu rừng nơi trận địa hệt như khu rừng trong huyền thoại. Ta thấy
trong hai tác phẩm trên cái huyền ảo đều được tác giả kể với một giọng điệu và
sắc thái rất thản nhiên, hệt như nó là cái bình thường nhưng lại rất huyền ảo rất
hấp dẫn, lôi cuốn và khi nhìn lại tác phẩm thì cái đầu tiên xuất hiện là cái lạ lùng,
khác thường đến phút chót. Tác phẩm văn học Mỹ Latinh rất thành công trong
việc xây dựng những chi tiết huyền ảo xuyên suốt chiều dài, tạo nên sự huyền ảo
bao trùm cả tác phẩm. Ở Bảo Ninh cũng vậy, cái hiện tại và quá khứ vẫn tiếp diễn
cho tới cuối tác phẩm. Qua trên cho ta thấy cả hai tác phẩm đều đã sử dụng yếu tố

kì lạ suốt tác phẩm.
3.3. Thời gian và không gian trong trong văn học huyền ảo.
Tác phẩm hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh thường có xu hướng xóa nhòa
không gian và thời gian, bởi vì không có sự phân biệt giữa các thế giới, cũng như
không có sự do dự hay lưỡng lự. Theo nhà văn Miguel Angel Asturias thì đó là
“sự hủy bỏ hiện thực thông qua trí tưởng tượng và tái tạo một hiện thực được kết
hợp với việc hủy bỏ thời gian”. Không gian và thời gian của tiểu thuyết huyền ảo
mang tính huyền thoại, không đầu không cuối, quay vòng để tiếp tục đến điểm
quay vòng. Thời gian luôn gợi nhớ về lịch sử, nhưng đấy là kiểu lịch sử nửa có
nửa không, như thể là sản phẩm thuần túy của trí tưởng tượng nhưng lại không
thể phủ nhận là không có dấu ấn hiện thực trong đó. Chiếu vào “Trăm năm cô
đơn’’ ta thấy trong tác phẩm này tác giả đã sử dụng phương thức đồng hiện với
một kết cấu phức tạp và chặt chẽ. Tác phẩm có hai loại thời gian. Thứ nhất là thời
gian tâm tưởng, tương ứng với văn bản một, người kể chuyện là tác giả, chính là
khi mà tác giả giới thiệu về nhân vật mở đầu tác phẩm. Chẳng hạn miêu tả đại tá
Aureliano thế hệ thứ hai của dòng họ Buendía hồi tưởng về thời gian quá khứ, rồi
lại tiến tới một quá khứ gần hơn “rất nhiều năm sau này đứng trước đội hành hình
10


đại tá nhớ lại cái buổi chiều xa xưa ấy, cái buồi chiều cha chàng dẫn chàng đi xem
nước đá”(tr.21). Nhưng sự kiện đứng trước đội hành hình lại thực sự xảy ra ở
chương thứ bảy, còn sư kiện cha chàng dẫn chàng đi xem nước đá lại được kể ở
chương một, chương một kể lại các sự kiện ở giữa và cuối đời nhân vật. Như vậy
là trong suốt bảy chương đầu tác giả nói về cuộc đời niên thiếu và trưởng thành
cho đến khi ra trận của đại tá Aureliano. Tiếp đó thời gian của người kể chuyện
thứ nhất mới vận động tiếp để kể cho chúng ta biết về những hành động, những
thất bại cay đắng của đại tá. Cuộc đời các nhân vật khác, câu văn trên đã chỉ ra ba
thời điểm khác nhau và cách xa nhau. Điều đó làm cho người đọc rất dễ bị nhầm
lẫn và lạc lối trong cái kết cấu thời gian phức tạp như thế. Như vậy tác giả đã dẫn

nhân vật đi ngược chiều thời gian là có chủ đích, đó là miêu tả nỗi hoài nhớ về
quá khứ và quê hương hoặc thể hiện cái sự vô ý thức về thời gian của nhân vật.
Vậy thời gian thứ hai ở đây là gì? Đó chính là thời gian của văn bản thứ hai và
đây chính là thời gian của cuốn gia phả dòng họ Buendía từ khi mới ra đời đến
khi thịnh vượng nhất và bị diệt vong. Nhưng do dòng họ này đã được khẳng định
nên không phát triển đến một tương lai nào cho nên thời gian người kể chuyện
thứ hai chuyển động vòng tròn, và là thời gian của cốt truyện mang tính biên niên
sử rộng lớn, nó là thời gian thực tại và độc lập với thời gian thứ nhất. Tuy nhiên
hai loại thời gian này hòa quyện với nhau, và thời gian kể chuyện thứ hai là thời
gian thực tại giữ vai trò then chốt. Thời gian nghệ thuật của tác phẩm gợi nhớ quá
khứ vĩnh hằng của dân tộc bản nguyên, đồng thời phản ánh được đặc trưng trì
động, chậm phát triển của Mỹ Latinh. Làng Macondo là sản phẩm tuyệt diệu của
hư cấu nghệ thuật. Người đọc có thể nhận ra làng quê Acatarata, quê quán của
nhà văn Marquez được làm nguyên mẫu cho tiểu thuyết. Macondo là bức tranh
thu nhỏ của Mỹ Latinh bởi nó chứa đựng những gì mà châu lục này có. Mảnh đất
với những ngày đầu hoang sơ, con người mới đặt chân đến khai hoang, mảnh đất
của sự lạc hậu. Lạc hậu đến nỗi nam châm, la bàn, nước đá...cũng trở thành những
11


phát minh vĩ đại. Macondo còn là những gì mà Mỹ Latinh chỉ còn là ẩn ức, gắn
liền với những huyền thoại Mỹ Latinh đã trở thành biểu tượng. Đó là chuyện làm
cho người ta chóng quên những tội ác của công ty chuối, mà tác giả có giải thích
lịch sử các công ty chuối là hoàn toàn có thật. Thế nhưng hiện thực Mỹ Latinh chỉ
cần một sắc lệnh chính thức là có thể buộc người ta quên mất một sự việc như cái
chết của ba ngàn người. Vì thế trận mưa lụt hơn bốn năm là cảm quan của nhà văn
trước thực tại trì đọng của Mỹ Latinh sắp đến ngày tận thế. Và cái đuôi lợn của
thằng bé cuối cùng của dòng họ Buendía là cảm quan về một con người chưa
thành người, hoặc bị hạ cấp thành con vật, đó là loại người sống ích kỉ trong cô
đơn. Mạch thời gian trong “Con nhân mã ở trong vườn” là thời gian quay ngược

về quá khứ quá dòng hồi tưởng của nhân vật Gudali ở hiện tại xuất hiện từ đầu tác
phẩm. Nhân vật kể về từ lúc ra đời tới khi trưởng thành, trải qua những trải niệm
đầy gian khổ thú vị để trút bỏ phần ngưạ của mình để hòa nhập vào xã hội. Cái
nhìn về quá khứ ở đây nhằm muốn nói tới người Do Thái nhìn lại quá khứ của
mình, và cái quá trình hoàn thiện bản thân hòa để nhập với cộng đồng. với kết
cấu vòng tròn đầu đuôi tương ứng với sự mở đầu bằng Sao Paolo - một quán ăn
Tunisia và cuộc trò chuyện của vợ chồng Gudali với những người bạn tại nhà
mình và kết thúc cũng như vậy, tác giả đã xóa nhòa cái ranh giới của thời gian quá
khứ và hiện tại qua ký ức của nhân vật chính. Không gian trong tác phẩm là cái
không gian mà nhân vật đã sống trong đó, qua sự hồi tưởng của nhân vật chính thì
đó là cái không gian rộng lớn bao quát của cả Mỹ Latinh từ nông thôn với trang
trại hay thành phố với cao ốc, công sở, ô tô...Mỗi nhà văn có một cách viết riêng
cho mình và đối với Bảo Ninh, bằng sự cách tân mới mẻ đã phá vỡ thời gian
tuyến tính với bút pháp “thời gian đồng hiện và ngược chiều”, tác giả đã thay đổi
trật tự thời gian, chắp nối đứt đoạn sự kiện lồng truyện trong truyện. Đó là thời
gian của mười năm chiến tranh và mười năm hòa bình. Ta có thể thấy sự đồng
hiện trong tác phẩm thể hiện rất rõ, đó là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại.
12


Nhờ kết cấu truyện trong truyện và phương pháp đồng hiện mà tác giả có thể kết
nối những khoảng thời gian khác nhau và rút ngắn thời gian mà tác giả kể. Thời
gian tâm tưởng phi tuyến tính và ở trong tác phẩm thông qua hồi ức của nhân vật
Kiên. Nhân vật Kiên - một cựu chiến binh, trở về sau ngày hòa bình kể lại cuộc
chiến đã qua “một cuộc chiến chưa từng được biết tới như thể cuộc chiến của
riêng anh”, nhân vật Kiên thuật lại những gì đã qua từ cái điểm nhìn ở hiện tại.
Đó là những kỉ niệm thời thơ ấu về cha rất rõ và rất mơ hồ về mẹ, về ông bố
dượng trong căn nhà nhỏ ven sông Hồng, về người yêu “ hồi ức về đồng đội về ba
cô gái nơi chiến trường” hay ảo giác “Kiên nghe thấy tiếng hú mà người ta bảo là
tiếng hú của loài ma núi”, giấc mơ “anh mơ thấy Phương đang cùng ở trên thuyền

thoi với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung xinh đẹp, không một nét sầu thương”
(tr.19). Thông qua đó người đọc thấy được sự ám ảnh và mất mát mà chiến tranh
để lại cho Kiên và đồng đội “khổ nhiều vì đói, sốt rét triền miên, thối hết cả máu,
áo quần bục nát tả tơi và những lở loét của những người phong hủi, cả trung đội
chẳng còn ai ra hồn trinh sát nữa, mặt mày ai nấy lên rêu”. Sự kiện được đẩy lùi
về quá khứ nhưng mạch cảm xúc thì lan tỏa từ quá khứ đến hôm nay, không hề
khép lại mà tiếp tục sống cùng nhân nhật trong đời sống hiện tại. Quá khứ gian
khổ qua đi nhưng với cuộc sống của bản thân Kiên ở hòa bình thì bi đát hơn “kí
ức về tình yêu kí ức về chiến tranh giúp anh kết thành sinh lực và thành thi hứng,
giúp anh thoát khỏi cái tầm thường bi đát của số phận sau chiến tranh .Nhưng
đúng là chỉ toàn trong mơ,chỉ trong mơ mà thôi. Khi đã bước rời khỏi cõi chiêm
bao thì thế là thôi hết tất cả, lập tức lại nội cô đơn rã rời tan tác, tất cả lai trôi trượt
ra xa; và con người anh lại về với hình hài một gã đàn ông tật nguyền dị mọ, đã
luống tuổi và đã hết thời, trống rống và đại bại”. Thời gian quá khứ và hiện tại cứ
đan xen chồng chéo hòa vào nhau. Không gian đầu tiên trong tác phẩm đó là
không gian huyền thoại “khu rừng ma” gắn với những hình tượng kỳ dị với linh
hồn, với bóng ma với cuộc sống khắc nghiệt, với truông Gọi Hồn. Không gian
13


tiếp theo là căn gác xếp cũ cũng là phòng tranh của cha kiên – một họa sĩ lạc thời,
không khí mang đậm màu tối om trống rỗng. Và nếu như ngôi làng Macondo,
mưa hoa vàng, cái đuôi lợn,... trong “Trăm năm cô đơn” là cái không gian của
những biểu tượng cho Mỹ Latinh thì trong “ Nỗi buồn chiến tranh” đó là mưa, là
bóng đêm biểu tượng của chiến tranh. Như vậy trong văn học Việt Nam mà tiêu
biểu là Bảo Ninh đã vận dụng thành công bút pháp thời gian và không gian huyền
ảo của văn học Mỹ Latinh ở một góc độ nhất định, đã tạo ra hiệu quả thẩm mỹ
cho cái hiện thực cái nỗi buồn chiến tranh mà tác giả đề cập.
3.4. Tính dục trong tác phẩm là một nét đặc trưng và hấp dẫn của chủ nghĩa
“hiện thực huyền ảo”.

Trong văn học “huyền ảo” Mỹ Latinh cái nhục thể được đề cao và miêu tả
trực diện không phải bằng cái huyền ảo mà bằng cái hiện thực, hoặc cái huyền ảo
nếu có thì cũng chỉ là sự cường đệu của cái hiện thực mà thôi. Không chỉ đề cập
nhiều đến tình dục mà trong tác phẩm huyền ảo, yếu tố tính dục còn là sự ảnh
hưởng về mặt tâm lý của các nhân vật. Trong “Trăm năm cô đơn” bà tổ của
Úrsula vì “những vết sẹo cháy đã làm cho cụ trở thành một người vợ ăn bám suốt
đời. Cụ chỉ có thể ngồi nghiêng một phía dựa lưng lên những chiếc gối đệm và đi
đứng kì dị, bởi thế chẳng bao giờ cụ đi ra ngoài trước con mắt của mọi người”
(tr.43), hay trường hợp của Rebeca “cô bé ngồi trên ghế xích đu, mút tay chùn
chụt ở trong xó nhà vắng vẻ nhất” (tr.71), chỉ cái mút tay nhưng cô bé đã đạt
khoái cảm tình dục và tự thỏa mãn chính cơn thèm khát dục tình của mình. Như
trường hợp Aurelanio Segundo nói với vợ mình khi ở nhà người tình về “càng
làm tình thì gia súc càng nảy nở”. Và những đoạn miêu tả Petra Cotet và
Aureliano Segundo làm tình với nhau “dục tình khơi gợi lại mạnh mẹ đến nỗi đã
hơn một lần họ nhìn vào mắt nhau, và họ chẳng nói chẳng rằng, chụp lồng bàn lên
mâm cơm kéo nhau vào buồng ngủ mà lịm đi trong cái đói và ái tình” (tr.336). Sự
ham muốn đầy nhục tính của Aureliano và Amaranta “nửa đêm anh đã thức dậy
14


để khóc với sự cô đơn và thèm khát điên cuồng trên những chiếc quần áo lót mà
cô phơi trong nhà tắm như thế nào” (tr.505) . Hay những cuộc mây mưa giữa José
Arcađiô với Rebeca “cô chỉ còn kịp cảm ơn Thượng đế đã sinh ra mình, trong khi
lương tri bị chìm nghỉm trong niềm khoái lạc đê mê át cả cái đau đớn để giãy giụa
ở trong lòng chiếc võng bốc hơi nghi ngút. Cái võng như một tờ giấy thấm đã hút
ráo ngay máu trinh của cô chảy ra.” (tr.137), Aureliano với Pilar Tecnera và với
17 người khác... Nói tới tính dục không thể không nhắc đến nhân vật Gudali trong
“Con nhân mã ở trong vườn”, tất cả đều được phơi trần dưới ngòi bút của Moacyr
Scliar, không chút giấu diếm. Tính dục thể được thể hiện mạnh mẽ qua những
khao khát thể xác khi Gudali bước vào tuổi trưởng thành mỗi lần nó lên cơn hứng

tình thì nó thường bi ám ảnh về việc làm tình “hình ảnh một con nhân mã nữa,
một con ngựa hoặc tồ tệ hơn nữa là một con quái vật mình ngựa đầu người, hoặc
một cặp môi người, hoặc cặp tai người hoặc một con ngựa cái với cặp vú người,
hoặc một con ngựa với cặp chân người - những hình ảnh ấy không để cho Gudali
yên” (tr.20). Hay giữa lúc ân ái người đàn bà dạy sư tử, tình yêu say đắm với Tita
đưa Gudali vào biển trời của những khát khao “nỗi thèm muốn ấy lúc nào cũng
tràn đầy trong chúng tôi đêm, ngày, sáng sớm, bất kể khi chúng tôi làm việc, ăn
uống hay ngủ nghê. Chúng tôi ôm lấy nhau, run lên vì thèm muốn .Và việc tình ái
của chúng tôi lúc nào cũng tuyệt vời”. Tiếp đến với cuộc ngoại tình của anh với
Fernanda và của vợ anh Tita với chàng nhân mã trẻ. Qua đó ta thấy sự táo bạo của
nhà văn khi khai thác vấn đề này - một nét đặc trưng của văn học Mỹ Latinh đầy
phóng khoáng, tự do thể hiện cái tôi đồng thời người đọc thấy được văn hóa của
miền đất này tạo nên sự khác biệt với văn học hiện thực huyền ảo thế giới. Ở Việt
Nam vấn đề này không phải là mới mẻ, do truyền thống văn hóa mang đậm chất
phương Đông kín đáo nên sự thể hiện tính dục trong tác phẩm bị hạn chế và dừng
lại ở một chừng mực nào đó mới đạt được giá trị thẩm mỹ và dễ đi vào lòng công
chúng. Do đó đặc trưng của văn học mang tính dân tộc, quyết định quá trình miêu
15


tả trong sáng tác. Ta có thể thấy rõ thông qua sự biểu hiện có tính dục của nhân
vật Kiên ở mức độ chấp nhận được trong “ Nỗi buồn chiến tranh” ở một số chi
tiết: “cả người gai lên, xương thịt chờn rợn, run rẩy, rung động trong nỗi khát
khao thèm muốn được hướng tới độ tột cùng của cảm xúc êm ái, choáng ngợp
đáng kinh hãi với cái hình hài yêu dấu mong manh, mềm mại như cánh hồng ấy”
(tr. 38-39) hay “ Lần đầu tiên cậu cảm thấy không phải bằng mắt mà bằng cả khứu
giác sự sát kề bên mình một tấm thân phụ nữ, mùi da thịt ngây ngây của đôi vai,
của cặp vú mát rượi mồ hôi dưới lần áo mỏng [...] Kiên chụp lấy Hạnh choàng
ôm hung dại lên cổ, lên vai” (tr.81), và “Kiên bế Hiền sang bên võng mình. Và
suốt đêm trong nhịp tàu dồn dập lắc lư, mặc kệ xung quanh lính tráng đùa cợt trêu

chọc, hai người thoải mái ôm nhau mà ngủ, cùng nhau nói mê, thỉnh thoảng thức
dậy càng ôm chặt nhau, thỏa sức hôn hít nhau”(tr.97). Những nhục dục là cái thiết
yếu lôi con người ta thoát khỏi chốn đau buồn trong say mê tình ái “cô bé uống
trà, hút tàn một điếu thuốc rồi lẳng lặng tới bên giường từ từ cởi quần áo, vừa cởi
vừa xo ro, cười gượng gạo, nữa hoang mang nữa thẹn thùng” (tr87) và việc tìm
đến tình dục cũng như đã giả thoát Kiên khỏi những cơn me man về thời chiến
nhưng cũng khơi gợi lên nỗi đau về một thời đã qua mà anh đang muốn quên đi.
Việc sử dụng yếu tố tính dục như vậy làm tăng sự hấp dẫn cho tác phẩm và nói
lên nét đặc trưng trong bản năng của con người và của văn hóa Mỹ Latinh. Dục
tính có thể tạo ra hệ quả tốt về giống nòi về tình yêu bởi tình yêu cũng gắn liền
với tình dục, và ngược lại nó cũng mang hệ quả xấu. Cụ thể như trong “Trăm năm
cô đơn” cái dục tính đã vượt qua cái đạo đức xã hội dẫn đến loạn luân đẩy một
dòng họ vào kiếp cô đơn và hủy diệt với cậu bé cuối cùng có cái đuôi lợn. Và với
Gudali trong “Con nhân mã ở trong vườn” đã phải nhận nhiều bài học với số phận
mình về tình yêu về hạnh phúc gia đình. Với Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh”
nó chỉ là khao khát nhất thời nơi chiến trường xa vắng người yêu, vì tình yêu duy
nhất chế ngự trái tim anh chỉ có Phương mà thôi. Như vậy so với văn học Mỹ
16


Latinh việc sử dụng tính dục vào sáng tác đã tạo một bứt phá mới cho văn học
huyền ảo Việt Nam nhưng phù hợp với yếu tố đạo đức văn hóa xã hội.
3.5. Tôn giáo - yếu tố thường xuất hiện trong văn học “huyền ảo”.
Như trên đã trình bày, Mỹ Latinh là khu vực tổng hòa của nhiều dân tộc,
của nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Bản thân các nhà văn cũng thường mang trong
mình một tôn giáo nào đó, cho nên không lạ lẫm khi trong tác phẩm của họ chứa
màu sắc của tôn giáo. Trong tác phẩm “Trăm năm cô đơn” có sự ảnh hưởng của
Thiên Chúa giáo thể hiện ở chỗ tác giả đã sử dụng cốt truyện tôn giáo “Ađam”
José Arcadio Buendía và “Eva” Úrsula bất chấp lời răn dạy của “Thượng đế” tổ
tông, sự cấm kị của dòng họ, cái chết của đồng loại nhằm tìm kiếm ý nghĩa và thụ

hưởng hạnh phúc của tinh yêu một cách quyết liệt nhất, không khoan nhượng và
vượt qua mọi rào cản của thiết chế. Câu chuyện về tội lỗi của José Arcadio
Buendía và Úrsula là một câu chuyện được lấy cảm hứng từ cuốn kinh thánh
nhưng được viết theo tinh thần hậu hiện đại, nơi chính con người trừng phạt con
người chứ không phải là thượng đế. Ngay khi đến với nhau trong hoan lạc, José
Arcadio Buendía hoàn toàn ý thức được hành vi cũng như kết quả của việc mình
làm chứ không đơn thuần hành động ngây thơ dưới sự xui khiến của con rắn độc
như Adam và Eva. Và khi đọc tác phẩm ta thấy cảnh sinh hoạt tôn giáo của nhân
vật như đi lễ ở nhà thờ đọc kinh thánh, hình ảnh của cha xứ “cha xứ Nicamo
Rayna đi khắp làng với chiếc đũa đồng trên tay quyên góp tiền”... Và đối với
“Con nhân mã ở trong vườn” cũng đã thể hiện đạo Do Thái giáo, đặc biệt với sự
sác tác của một tác giả cùng mang tôn giáo này. Cũng như nhân vật chính của
mình, tác giả Moacyl Scliar sinh ra và lớn lên tại Porto Alegre, thành phố Rio
Grande Do Sul. Cha mẹ của ông giống như ông bà Leon cũng là người Do Thái
di cư qua Brazil từ Bessrabia. Trong tác phẩm thể hiện qua các nghi lễ phong tục
của người Do Thái mà cụ thể là gắn bó với nhân vật Gudali từ khi chào đời cho
tới khi trưởng thành với các nghi lễ như cắt bao quy đầu, lễ trưởng thành, lễ vượt
17


qua, lễ sám hối.. và các sinh hoạt tôn giáo khác. Đối với văn học huyền ảo Việt
Nam thì theo sự tìm hiểu của cá nhân tôi qua một số tác phẩm mà tôi đã đọc thì
tôi không thấy dấu ấn của tôn giáo được thể hiện rõ trong đó. Và với tác phẩm
“Nỗi buồn chiến tranh” cũng như vậy, những chi tiết đề cập về tôn giáo không
được rõ nét và đậm chất giáo lý như trong văn học huyền ảo Mỹ Latinh, trong
cuộc trò chuyện với Kiên thì Can có nhắc “Tôi tự nhũ là tránh giết người bằng
dao và lê, nhưng mà quen tay mất rồi. Thế mà hồi nhỏ tôi suýt thi đỗ vào trường
dòng ấy.” (tr.28). Việc hồi tâm để ngưng giết người của Can có thể xuất phát từ
một thiện tâm trong tôn giáo, nhưng ở đây Bảo Ninh tạo nên một tôn giáo khá mờ
ảo, và không thể xác định rõ nó mang màu sắc của tôn giáo nào. Vì vậy có thể nói

yếu tố tôn giáo hầu như không xuất hiện trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.
Tuy nhiên tôi cũng tìm thấy vài chi tiết khác như việc những người lính tử trận
biến thành những hồn ma lang thang ám ảnh Kiên “vô vàn những hồn ma thân
thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi buồn chiến tranh” (tr.33)
cũng thể hiện một nét văn hóa tâm linh của Việt Nam, một đất nước của làng mạc,
của gia đình tan tác, của nỗi đau người ở lại trong chiến tranh. Như vậy tôn giáo
cũng là một trong những yếu tố tạo nên điểm khác biệt của văn học “huyền ảo”
Mỹ Latinh và Việt Nam hiện đại
Trên đây tôi đã trình bày xong một số vấn đề trong sự ảnh hưởng và đã so
sánh văn học huyền ảo Mỹ Latinh và Việt Nam hiện đại. Bên cạnh những điểm
tương đồng về lối kể chuyện, về bút pháp nghệ thuật, cách vận dụng phương pháp
đồng hiện và ngược chiều rất thành công... thì cũng có những nét khác biệt nhất
định. Từ đó thấy được sự sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong việc vận dụng
một số bút pháp nghệ thuật của văn học huyền ảo Mỹ Latinh. Cung cấp cho văn
học nước nhà một nền văn học phong phú và hoàn thiện hơn. Mở ra một trang

18


mới cho nền văn học Việt Nam hòa nhập với các nền văn học trên thế giới nói
chung và nền văn học Mỹ Latinh nói riêng.
4. Tổng kết
Phải công nhận rằng dân tộc nào có nền văn hóa đó,và nó quyết định đến sự
phát triển và hình thành nên một nền văn học đặc trưng tạo nên sự khu biệt. Cũng
như văn học Mỹ Latinh đã đạt đến một trình độ nghệ thuật đỉnh cao mà thế giới
phải công nhận.Văn học Việt nam của chúng ta cũng đã làm rất tốt ở nhiều thể
loại, nhưng xem ra văn học huyền ảo Việt Nam mới chỉ là một nét đột phá về một
số bút pháp trong phạm vi “huyền ảo” của “ chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” Mỹ
Latinh chứ chưa hình thành nên một trường phái. Điều đó cũng dễ hiểu vì đối với
Mỹ Latinh “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” có một bề dày lịch sử nhiều thế hệ,

còn chúng ta mới chỉ mới tiếp nhận khám phá và vận dụng nó trong sáng tác. Lực
lượng nhà văn theo đuổi trào lưu văn học này còn khá ít. Tôi xin nói thêm một số
vần đề về việc tiếp nhận văn học huyền ảo. Liệu rằng văn học huyền ảo Mỹ
Latinh cùng với văn hoá của nó khi truyền vào Việt Nam có dễ làm bạn đọc chấp
nhận nó không, khi mà bản thân độc giả đã quá quen với cái nếp cũ, cái truyền
thống của dân tộc. Trong khi đó kiến thức đời sống xã hội của bạn đọc còn non trẻ
cho nên trong việc khai thác văn học và cảm thụ văn học việc hiểu hết tác phẩm là
có chừng mực. Và đối với bạn trẻ việc khám phá văn hoc Mỹ Latinh có hình thành
cái tôi nổi loạn bởi cá yếu tố kỳ quái và mang đầy dục tính của văn học Mỹ
Latinh hay không? Bởi theo lý luận văn học bi kịch của số phận là con đường đi
tất yếu của nhân vật trong tác phẩm mà nó chịu sự quy định của hoàn cảnh và tính
cách. Tuy nhiên cho dù dưới dạng thức nào thì tự bản thân tác phẩm cũng mở ra
cho người đọc những cái gì đó gần gũi hình thành nên một nhân cách sống tốt
đẹp.Vì thế để hiểu được văn học huyền ảo thì người đọc phải có lượng kiến thức
nhất định. Và trong việc tiếp nhận văn học từ một tác phẩm thực sự có giá trị khi
19


nó thỏa mãn đời sống tinh thần của con người và khi nó đi vào công chúng sẽ có
chỗ đứng. Hay ngược lại nó chỉ là cuốn sách bị lãng quên hay làm vật trang trí
cho cái tủ sách mà thôi. Phải công nhận rằng sự du nhập của văn học huyền ảo
Mỹ Latinh vào Việt Nam đã tạo nên một làn gió mới cho văn học nước nhà ở thể
loại mới. Và nó cũng đã tạo được nền móng ban đầu góp phần làm trọn vẹn văn
học dân tộc, từ đó phát triển và mang tới bạn đọc những tác phẩm giá trị không
chỉ trong nước mà con vươn ra thế giới.

20


Tài liệu tham khảo

1. Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh, NXB Trẻ, 2013.
2. Gabriel Garcia Marquez, Trăm năm cô đơn (Nguyễn Trung Đức dịch), NXB
Văn học, 2015.
3. Moacyr Scliar, Con nhân mã ở trong vườn (Trịnh Lữ dịch), NXB Văn học,
2013.
4. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển Tiếng Việt, NXB Đại học quốc gia
Tp.HCM, 2007.
5. Nguyễn Thị Khách (chủ biên), Văn học Mỹ Latinh, Viện Thông tin Khoa học
Xã hội, 1999.
6. PGS.TS Lê Huy Bắc ,Chuyên đề “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học
Mỹ Latinh”, Châu mỹ ngày nay , số 04-2008.

21



×