Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (694.48 KB, 14 trang )

TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA
(Nghiên cứu trường hợp xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Lê Duy Mai Phương
Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế
Email:

TÓM TẮT
Bài viết phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động tại xã Quảng Phú, huyện Quảng
Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (cụ thể là giai
đoạn từ 2004 đến 2013) theo hai hướng: Theo ngành và theo vùng địa lý. Ngoài việc làm rõ
xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động nói chung, quá trình chuyển dịch này cũng được
phân tích trên hai yếu tố nhân khẩu liên quan mật thiết đến người lao động gồm: Giới tính
và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần thúc đẩy
quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn bền vững, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ khóa: Cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, nông thôn..

1. Đặt vấn đề
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam(1986), cùng với
đường lối đổi mới của đất nước, Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện
đại hóa (CNH, HĐH). Theo đó, Đảng ta quyết định và chỉ đạo phải luôn luôn coi trọng, đẩy mạnh
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, coi đây là nội dung quan trọng có tính chất quyết định đến
thành công của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nhiều chính sách đã được ban hành và thực thi
nhằm thúc đẩy sự phát triển bộ mặt kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, trong đó bao gồm đẩy mạnh
quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH.
Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một địa bàn có nhiều lợi thế


về vị trí địa lý, là cửa ngõ của huyện Quảng Điền, tiếp giáp với các khu công nghiệp của thị xã
Hương Trà, huyện Phong Điền và thành phố Huế, thuận lợi cho việc buôn bán, kinh doanh, trao
đổi hàng hóa. Được lựa chọn là xã điểm của chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm
2010, chuyển dịch cơ cấu lao động trở thành một trong những tiêu chí quan trọng được chính
quyền địa phương các cấp quan tâm. Giai đoạn 2004 - 2013 đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể
trong bộ mặt kinh tế-xã hội ở địa phương, trong đó có sự góp phần rất lớn của sự chuyển dịch
cơ cấu lao động thời gian qua. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này vẫn chưa đạt yêu cầu so với chủ
trương đề ra, theo đó tỷ lệ lao động trong nông nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, tỷ lệ
179


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

lao động trong công nghiệp và dịch vụ chênh lệch quá lớn, chưa phát huy được tiềm năng dịch
vụ của địa phương.
Bài viết dựa trên kết quả khảo sát tại 4 thôn: Hạ Lang, Hạ Cảng, Phú Lễ, Bao La với các
thông tin được thu thập từ nhiều phương pháp khác nhau gồm: Phương pháp phân tích tài liệu,
phỏng vấn bán cấu trúc (8 trường hợp), phỏng vấn cấu trúc (237 trường hợp, chọn mẫu xác suất,
cách lấy mẫu phân tầng ngẫu nhiên).

2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa
Thiên Huế
Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chính là quá trình phân bố lại nguồn
lực lao động xã hội ở nông thôn theo xu hướng tiến bộ hơn nhằm sử dụng có hiệu quả hơn
nguồn lao động nông thôn. Quá trình phân bổ lại nguồn lực lao động nông thôn diễn ra trên quy
mô toàn bộ khu vực nông thôn, trong phạm vi từng khu vực, từng ngành, từng thành phần kinh
tế… Trong giới hạn bài viết, tác giả phân tích sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn trong
phạm vi ngành kinh tế và khu vực địa lý.
2.1. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành
2.1.1. Tình hình chung về sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một nội dung quan trọng của quá trình CNH,
HĐH đất nước. Sự chuyển dịch này được biểu thị thông qua số lượng/tỷ lệ lao động phân bổ trong
các ngành kinh tế khác nhau, bao gồm nông nghiệp (nông-lâm-ngư nghiệp), công nghiệp (công
nghiệp và xây dựng) và dịch vụ.
Theo số liệu niên giám thống kê từ 2004-2013 của huyện Quảng Điền, tỷ lệ lao động
nông nghiệp đã giảm từ 58,7% xuống còn 41,5%, lao động công nghiệp tăng từ 12,5% - 20,9% và
lao động dịch vụ tăng từ 28,8% - 37,6% [5]. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động tại xã
Quảng Phú 10 năm qua nằm trong xu hướng chung của huyện. Kết quả khảo sát cho thấy, cơ
cấu lao động ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và tăng tỷ lệ lao
động công nghiệp, dịch vụ. Cụ thể, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 51,4% (2004) xuống
còn 39,7% (2013), lao động công nghiệp tăng từ 25% (2004) lên 28,4% (2013), lao động dịch
vụ tăng từ 23,6% (2004) lên 31,9% (2013).
Như vậy, tính đến thời điểm 2013, nông nghiệp vẫn là ngành chiếm tỷ lệ lao động cao
nhất, tiếp đến là dịch vụ và cuối cùng là công nghiệp. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng tỷ
lệ lao động nông nghiệp có sự biến động lớn nhất so với các ngành còn lại, giảm đến 11,8%.
Đối với một vùng thuần nông như xã Quảng Phú, mức giảm này khẳng định sự chuyển biến tích
cực trong cơ cấu lao động thời gian qua.

180


TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

Biểu đồ 1. Cơ cấu lao động theo ngành từ 2004-2013 (%)
100%
80%
60%


Dịch vụ

40%

Công nghiệp

20%

Nông nghiệp

0%
2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013

Trong nội bộ ngành nông nghiệp, có sự chuyển dịch từ hoạt động thuần nông, giản đơn,
năng suất thấp sang các mô hình sản xuất có quy mô lớn. Theo đó, ngoài các cây trồng truyền
thống như lúa, lạc, sắn, nhiều nông dân đã tự học hỏi nhau, chuyển đổi sang trồng mía hoặc làm
nấm sò, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hay hoạt động chăn nuôi trâu bò thay vì lấy sức kéo như
trước thì nay người dân lại tập trung nuôi trâu vỗ béo bán thịt. Nuôi trồng thủy hải sản với sự
giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng phát triển hơn với mô hình thử nghiệm nuôi cá lồng
trên sông Bồ. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày
càng phổ biến đã giảm công lao động trên đồng ruộng, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu
lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Ở ngành công nghiệp, quá trình chuyển dịch diễn ra khá khiêm tốn. Từ 2004-2013, tỷ lệ
lao động trong công nghiệp chỉ tăng thêm 3,4%. Địa bàn xã Quảng Phú không những được biết là
một vùng đất thuần nông mà còn là nơi có nghề tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng mây tre đan, chằm
nón, làm hương. Không ít lao động tại địa phương tham gia vào nhiều khâu sản xuất các mặt hàng
thủ công truyền thống từ xa xưa. Tuy nhiên, với sự phát triển và cạnh tranh ngày càng khốc liệt
của nền kinh tế thị trường, ngành tiểu thủ công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khiến nhiều người
phải bỏ nghề. Do đó, tỷ lệ lao động công nghiệp có xu hướng giảm xuống. Đến năm 2008, nhờ sự
xuất hiện của các khu công nghiệp Hương Trà, Phong Điền và các xí nghiệp may mặc tư nhân khu

vực lân cận đã thu hút sự tham gia một lượng lớn lao động từ địa phương, đặc biệt là lao động
nông nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ lao động trong công nghiệp năm 2013 dần có xu hướng tăng nhẹ trở lại
so với thời điểm 2004.
Khác với công nghiệp, tỷ lệ lao động ngành dịch vụ tăng lên đáng kể trong 10 năm qua,
đến 8,3%. Thực trạng này xuất phát từ các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, trước hết phải kể
đến công trình cầu Tứ Phú được xây dựng vào năm 2006 tạo thuận lợi cho hoạt động giao
thương, buôn bán; bên cạnh đó xã còn thành lập khu thương mại - dịch vụ Hạ Lang, chợ Quảng
Phú, thu hút nhiều lao động mở cửa hàng buôn bán. Không những vậy, nhiều người cũng tự học
nghề và hình thành các dịch vụ mới ngay trên quê hương mình như cắt tóc, sửa xe máy, cho thuê
dàn nhạc… tạo nên không gian sầm uất ngay cửa ngõ huyện Quảng Điền.
Tóm lại, từ 2004-2013 đã có sự suy giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và gia tăng số
lượng lao động công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là đối với lĩnh vực dịch vụ. Sự chuyển dịch này
diễn ra mạnh mẽ nhất từ năm 2006. Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành tại địa
181


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

phương vẫn chưa đáp ứng được chỉ tiêu đề ra nhưng cũng phản ánh được sự biến chuyển cơ cấu
lao động đúng hướng ở xã Quảng Phú trong thời gian qua. Với xu hướng này, dự báo trong những
năm tới, lực lượng lao động nơi đây sẽ tiếp tục chuyển dịch tích cực, trong đó dịch vụ sẽ là lĩnh
vực có nhiều tiềm năng phát triển hơn cả, giúp địa phương đạt được các tiêu chí theo yêu cầu của
công cuộc CNH, HĐH.
2.1.2. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ giới tính
Theo Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp
Quốc (FAO), ở Việt Nam, nông nghiệp là một phương tiện sinh kế quan trọng, do đó tỷ lệ phụ nữ
làm việc trong ngành nông nghiệp luôn ở mức cao hơn so với thế giới và phụ nữ cũng làm nông
nhiều hơn nam giới. Tại các khu vực nông thôn, khoảng cách giới còn lớn hơn do có tới 63,4%
phụ nữ so với với 7,5% nam giới đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp [12]. Tại Quảng
Phú, thực trạng này cũng không là ngoại lệ.

Năm 2004, tỷ lệ lao động nông nghiệp ở nam giới là 48,6% và nữ giới là 54,5%; năm
2013 giảm xuống các mức tương ứng là 35,5% và 44,8%. Nhìn chung, tỷ lệ lao động nông
nghiệp ở cả nam giới và nữ giới trong 10 năm đều có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao
nhất so với toàn ngành. Ngoài ra, mức giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp ở nam (13,1%) cao hơn
so với nữ (9,7%). Như vậy, nam giới không những làm nông ít hơn mà còn dễ dàng tách khỏi
hoạt động nông nghiệp hơn nhiều so với nữ giới.
Trái ngược với bức tranh ngành nông nghiệp, lực lượng lao động gia tăng ở cả hai lĩnh
vực công nghiệp và dịch vụ, trong đó nam chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ. Cụ thể, cơ cấu lao động
trong công nghiệp giai đoạn 2004-2013 ở nam giới là 26,1% và 31,8% thì ở nữ giới là 23,8% và
25%. Đối với dịch vụ, tỷ lệ lao động ở nam giới là 25,2% và 32,7% thì ở nữ giới là 21,8% và
30,2%. Không những tỷ lệ lao động hai ngành trên có sự khác nhau phân theo giới tính mà mức
tăng tỷ lệ này ở cả hai nhóm nam và nữ cũng không giống nhau. Theo đó, cơ cấu lao động công
nghiệp tăng 5,7% đối với nam và tăng 1,2% đối với nữ, cơ cấu lao động dịch vụ tăng 7,5% đối với
nam và 8,4% đối với nữ.
Số liệu phân tích trên đây cho thấy, nam giới có xu hướng tiếp tục duy trì lực lượng lao
động ở lĩnh vực công nghiệp trong khi nữ giới lại có xu hướng tham gia mạnh mẽ hơn trong
dịch vụ. Kết quả nghiên cứu định tính cũng ghi nhận xu hướng này: “Có nhiều người chuyển từ
nông nghiệp sang làm thợ mộc, thợ xây dựng có tay nghề cao càng lúc càng đông, hơn hẳn so
với trước kia. Mấy nghề ni chủ yếu là đàn ông làm vì họ làm từ xưa chừ rồi. Ngoài ra, người
dân còn chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ như bán hàng tạp hóa, mở quán ăn, làm hương…
Mấy nghề ni thì chủ yếu lại là đàn bà. Đàn bà ở nhà vừa làm ruộng, vừa buôn bán như rứa (thế
này) bữa ni ở đây là đa số” [Nam, 56 tuổi, phó trưởng thôn, xã Quảng Phú].
Qua đây có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về ngành kinh tế mà mỗi lao động đảm
nhận phân theo giới tính. Nam giới có xu hướng bỏ nghề nông và chuyển hẳn sang các ngành
liên quan đến kỹ thuật hoặc cần đến sức vóc, trong khi đó nữ giới lại kết hợp làm nông và mở
182


TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế


Tập 4, Số 2 (2016)

rộng các hoạt động kinh doanh, buôn bán dựa trên các lợi thế từ quá trình nâng cấp cơ sở hạ
tầng tại địa phương. Nhìn chung, nam giới có xu hướng chuyên môn hóa vào lĩnh vực phi nông
nghiệp trong khi nữ giới lại đa dạng hóa hoạt động sản xuất của mình khi kết hợp cả nông
nghiệp và phi nông nghiệp.
Tóm lại, giai đoạn 2004-2013 chứng kiến sự thay đổi cơ cấu lao động mạnh mẽ trong ba
lĩnh vực ngành kinh tế phân theo giới tính. Tỷ lệ lao động nam và lao động nữ trong nông
nghiệp có xu hướng giảm, trong đó nam giảm nhiều hơn so với nữ. Đó cũng chính là lý do mà
tỷ lệ lao động tham gia vào hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ở nam giới lại cao hơn. Tuy
nhiên, nếu nam giới có xu hướng tiếp tục đóng góp nguồn lực mạnh mẽ trong công nghiệp, thì
nữ giới lại chú trọng và tham gia nhiều hơn đối với dịch vụ.
2.1.3. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật
Chuyên môn kỹ thuật (CMKT) là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đo lường chất
lượng nguồn lao động, là yếu tố tác động trực tiếp đến năng suất, hiệu quả lao động và sự tăng
trưởng của các ngành kinh tế.
Khi người lao động được đào tạo nghề, họ sẽ có thiên hướng tìm kiếm và làm việc trong
các lĩnh vực nghề nghiệp đã được học. Chính vì vậy, phần lớn lao động tham gia vào ngành
nông nghiệp chỉ thực sự tập trung ở các nhóm không có bằng cấp hoặc bằng cấp thấp. Cụ thể,
trong 10 năm qua, nhóm không có CMKT giảm từ 56,8% xuống còn 45,7%, nhóm sơ cấp giảm
từ 14,3% - 0%, nhóm trung cấp giảm từ 30% - 25% và nhóm trên CĐ, ĐH giảm từ 60% - 0%.
Như vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp đều có xu hướng giảm ở các nhóm CMKT, trong đó lao
động ở hai nhóm sơ cấp và trên CĐ, ĐH đã hoàn toàn tách khỏi nông nghiệp, tham gia chủ lực
vào ngành công nghiệp và dịch vụ.
Đối với ngành công nghiệp, tỷ lệ lao động ở hai nhóm sơ cấp và trung cấp luôn đạt mức
cao hơn so với hai nhóm còn lại. Cụ thể, tỷ lệ lao động công nghiệp vào năm 2004 của các
nhóm không có CMKT là 20,5%, nhóm sơ cấp là 51,7%, nhóm trung cấp là 60% và nhóm trên
CĐ, ĐH là 40% thì đến thời điểm 2013 chạm mốc lần lượt là 23,7%, 51,7%, 50% và 50%.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động trong công nghiệp ở các nhóm cũng có sự biến động khác nhau. Theo
đó, tỷ lệ lao động nhóm sơ cấp có xu hướng chững lại (0%), nhóm trung cấp giảm xuống (10%)

và hai nhóm không có CMKT và nhóm trên CĐ, ĐH lại tăng lên với mức tương ứng 3,2% và
10%. Điều này cho thấy, trong ngành công nghiệp đã xuất hiện tình trạng bão hòa trong cầu lao
động đối với nhóm có trình độ CMKT sơ cấp, trung cấp và tăng nguồn cung lao động từ hai nhóm
không có CMKT và nhóm trên CĐ, ĐH.
Đối với ngành dịch vụ, xu hướng lao động tăng đều ở các nhóm CMKT. Theo đó, tỷ lệ
lao động trong lĩnh vực dịch vụ giai đoạn 2004-2013 của các nhóm không có CMKT là 22,7% 30,6%, nhóm sơ cấp là 28,6% - 42,9%, nhóm trung cấp là 10% - 25% và nhóm trên CĐ, ĐH là
0% - 50%. Như vậy, nhóm lao động có trình độ CMKT trên CĐ, ĐH là đối tượng tham gia

183


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

nhiều nhất vào lĩnh vực dịch vụ và cũng là nhóm có mức tăng cao hơn hẳn so với các nhóm còn
lại.
Với những phân tích trên đây, có thể thấy rằng không có sự khác biệt quá lớn trong quá
trình chuyển dịch cơ cấu lao động xét từ góc độ CMKT. Theo đó, nếu lao động ở các nhóm sơ cấp
và trung cấp giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp và công nghiệp để chuyển dịch sang ngành dịch vụ
thì lao động ở các nhóm không có CMKT và trên CĐ, ĐH lại có xu hướng thoát khỏi nông nghiệp
và đóng góp lực lượng lao động vào cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ. Kết quả này càng minh
chứng rằng, tỷ lệ lao động dịch vụ ngày càng gia tăng, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu
lao động đúng hướng ở khu vực nông thôn.
Trên thực tế, lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp thường có định hướng
rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo. Phần lớn họ có thể xin vào làm việc ở các nhà
máy, xí nghiệp, trở thành công nhân may, công nhân sửa chữa máy móc hoặc thợ xây dựng.
Phần khác có thể tham gia vào lĩnh vực dịch vụ như mở tiệm sửa xe máy, điện lạnh, cắt tóc,
may mặc… Tuy nhiên, có một vấn đề đáng bàn là ngay bản thân những lao động có trình độ
trên CĐ, ĐH cũng không thể tìm được việc làm từ chính ngành nghề mình được đào tạo, nhất là
tìm việc tại quê hương lại càng không thể. Một cán bộ địa phương cho biết: “Con em học Đại
học ra không có việc làm lại phải xin làm những việc khác dù không đúng ngành nghề được học.

Chẳng hạn mấy con bé nhà tôi khi ra trường, không xin được việc phải đi phụ bán cà phê, con lớn
đã vô trong Nam xin làm tạm ở các nhà máy trong khi chờ việc khác. Thôn đây, một số em học
xong Đại học, Cao đẳng phải chấp nhận đi may. Những nghề thợ may, thợ mộc, thợ hồ rất dễ
kiếm. Nhưng nghề đối với các em ra có bằng cấp thì khó, nhất là các em học Đại học, Cao đẳng”
[Nam, 45 tuổi, trưởng thôn Hạ Lang 1, xã Quảng Phú]. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều
khu vực nông thôn trên cả nước.
Tóm lại, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành phân theo trình độ CMKT biểu hiện
rõ sự suy giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và gia tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ.
Trong đó, nhóm CMKT cao nhất có mức giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp lớn nhất. Không có sự
khác biệt quá lớn về quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở các nhóm CMKT, hầu hết lao động
ở các nhóm trên đều có xu hướng tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ hơn so với công nghiệp.
2.2. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng
2.2.1. Tình hình chung về sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng địa lý là sự thay đổi nơi làm việc của người lao
động trong một khoảng thời gian xác định. Với đặc thù của địa bàn nghiên cứu, sự chuyển dịch
được xem xét theo 5 hình thức: (1) làm việc ở các nơi khác trong tỉnh (thôn, xã, huyện, thành
phố), (2) làm việc ở các tỉnh khác trong khu vực miền Trung, (3) làm việc ở khu vực miền Bắc,
(4) làm việc ở khu vực miền Nam, (5) làm việc ở nước ngoài.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, xu hướng đi làm ăn ngoài địa phương ngày càng phổ
biến trong 10 năm qua. Có đến 83,4% người được hỏi đồng tình với nhận định ngày càng có
184


TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

nhiều lao động rời khỏi địa phương làm ăn. Chỉ rất ít trong số đó quay trở lại quê hương lập
nghiệp.
Từ 2006-2007 là thời điểm bùng nổ của quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo

vùng. Số lượng lao động rời khỏi địa phương trên 6 tháng đạt mức 550 người vào năm 2006 và
786 người vào năm 2007, trong khi con số này ở hai thời điểm 2004 và 2013 là 44 người và 73
người [4]. Thực tế cho thấy, để đáp ứng công tác xây dựng cơ sở hạ tầng vào năm 2006, nhiều
diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi khiến người nông dân bị mất việc làm. Hơn nữa,
bản thân họ gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm một công việc mới tại địa phương do không có
tay nghề, thiếu vốn, thiếu nhân lực, khan hiếm việc làm. Điều này cũng lý giải vì sao có đến
70,9% người được hỏi cho biết nhiều lao động phải đi làm ăn xa do không thể tìm được việc
làm tại địa phương.
Khi quyết định tìm kiếm việc làm ở một nơi khác, có nhiều lựa chọn cho người lao
động có thể tìm đến để liên hệ cho công việc của mình. Các tỉnh phía Nam là nơi đến của đại đa
số lao động từng làm ăn ngoài địa phương, đạt 53%. Tiếp theo đó là làm việc trong tỉnh hoặc
các tỉnh khác ở khu vực miền Trung với các tỷ lệ tương ứng 26,7% và 25,3%. Chỉ 7,2% lựa
chọn các tỉnh phía Bắc và 3% lựa chọn nước ngoài. Điều này có nghĩa, di cư lao động nước ngoài
không phải là hình thức chuyển dịch cơ cấu lao động điển hình của địa phương, thay vào đó, miền
Nam và miền Trung Việt Nam là hai địa chỉ được nhiều lao động nơi đây lựa chọn nhằm tìm cho
mình một công việc phù hợp.
Biểu đồ 2. Nơi đến của lao động từng làm ăn ngoài địa phương giai đoạn 2004-2013 (%)
60
40
20
0

26.7

25.3

53
7.2

Trong tỉnh Tỉnh khác Các tỉnh Các tỉnh

ở miền phía Bắc phía Nam
Trung

3
Nước
ngoài

Cùng với các chính sách phát triển kinh tế, nhiều vùng kinh tế trọng điểm được đầu tư
xây dựng tạo nên thị trường lao động rộng lớn, thu hút nhiều người đến làm việc và chuyển đổi
nghề nghiệp. Theo Tổng điều tra Dân số năm 2009 cho thấy, Đông Nam Bộ là điểm đến của đa
số người lao động di cư ra khỏi vùng. Hơn 61% người xuất cư từ các vùng đã đến đây, riêng tỷ
lệ lao động đến từ Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 74% [7, tr. 56]. Như vậy, nơi đến của
người lao động ở xã Quảng Phú cũng nằm trong xu thế chung của cả nước, các tỉnh phía Nam luôn
là nơi được nhiều lao động lựa chọn chuyển đến tìm kiếm việc làm. Đây cũng là một quy luật tất yếu
bởi khu vực phía Nam là nơi có nhiều tiềm lực về kinh tế, cơ hội việc làm mở tạo nên sức hút hấp
dẫn với người lao động.
Ngoài xu hướng đi vào các tỉnh phía Nam thì xu hướng làm việc trong tỉnh Thừa Thiên
Huế cũng là một lựa chọn của nhiều người dân ở Quảng Phú. Làm việc trong tỉnh diễn ra dưới
185


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

các hình thức sau: (1) Làm việc ở thôn khác trong cùng xã Quảng Phú, (2) làm việc ở xã khác
trong cùng huyện Quảng Điền, (3) làm việc ở huyện khác trong cùng thành phố Huế và (4) làm
việc tại thành phố Huế. Kết quả điều tra chỉ ra rằng, xu hướng chuyển dịch cấp thôn, xã không
phải sự chuyển dịch phổ biến ở địa phương. Người lao động ở các thôn, xã đều tham gia vào
những nghề nghiệp đặc thù của mỗi vùng, riêng tỷ lệ lao động về các huyện lân cận hoặc
thành phố Huế lại đông đảo hơn. Lý do là bởi ở các vùng lân cận như huyện Phong Điền, thị
xã Hương Trà có khu công nghiệp, cùng với đó là sự phát triển rầm rộ của rất nhiều cơ sở

kinh doanh tư nhân, Nhà nước. Thành phố Huế cũng là địa bàn thu hút nhiều lao động lên làm
thuê với sự phong phú và đa dạng của các loại hình nghề nghiệp như cán bộ viên chức, người
giúp việc, buôn bán ở chợ, thợ nề, thợ hàn… Ngoài ra người lao động cũng có xu hướng đi ra
ngoài các tỉnh khác ở khu vực miền Trung như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng…
tìm kiếm việc làm theo sự giới thiệu của người quen trong gia đình hoặc trong làng. Tuy
nhiên, xu hướng chuyển dịch về các tỉnh này không mạnh mẽ như các tỉnh phía Nam và trong
tỉnh.
Tóm lại, từ 2004-2013 có sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng địa lý ở địa bàn xã
Quảng Phú. Xu hướng chuyển dịch nông thôn-thành thị diễn ra mạnh mẽ hơn nông thôn-nông
thôn. Theo đó, số lượng lao động rời khỏi địa phương làm ăn ngày càng đông, rất ít trong số đó
lựa chọn quay trở về quê nhà lập nghiệp. Nguyên nhân chính buộc họ phải tìm việc nơi khác là
do bản thân không thể tìm được việc làm ngay trên quê hương mình. Thay vào đó, đại đa số lao
động đi đến các tỉnh phía Nam, tiếp đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và nước ngoài. Nghề
nghiệp của người lao động cũng rất đa dạng tùy vào đặc trưng của từng vùng miền.
2.2.2. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng xét về góc độ giới tính
Quá trình CNH, HĐH khiến nhiều lao động ở nông thôn rời khỏi quê hương tìm kiếm
việc làm. Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định, số lượng lao động nữ giới rời khỏi địa
phương làm ăn có xu hướng tăng lên và xấp xỉ tương tương so với nam giới, thậm chí ở một số
nước phát triển, lao động nữ di cư nhiều hơn nam giới [8, tr. 233]. Đây cũng là tình hình chung
của lao động nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả khảo sát tại xã Quảng Phú lại hoàn toàn
khác khi xem xét sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng từ góc độ giới tính.
Với 237 mẫu phỏng vấn, có đến 49,6% nam giới cho biết họ đã từng làm ăn ở nơi khác,
trong khi đó tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là 17,3%. Kết quả khảo sát ý kiến của người dân về sự biến
động nguồn lực lao động 10 năm qua cũng cho thấy, có đến 67,3% đồng tình với nhận định nam
chuyển ra ngoài địa phương nhiều hơn nữ. Như vậy, tỷ lệ lao động nam đi làm ăn ngoài địa
phương cao hơn và cao hơn nhiều so với nữ giới ở Quảng Phú trong 10 năm qua.
Thực tế cho thấy, cả nam giới và nữ giới đều có những đặc điểm riêng về sức vóc cũng
như đóng những vị thế, vai trò khác nhau trong gia đình. Phụ nữ thường gắn liền với hình ảnh
chịu thương, chịu khó, gắn với gia đình và có phần cam chịu so với nam giới. Họ giữ vai trò
quan trọng trong việc chăm sóc các thành viên trong gia đình cho dù họ đang làm ở lĩnh vực

nào. Những quan niệm này đặc biệt phổ biến rộng rãi ở khu vực nông thôn và ăn sâu vào tiềm
186


TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

thức của con người như một điều hiển nhiên. Bởi vậy, phụ nữ thường gặp khó khăn hơn nam
giới nếu phải đưa ra quyết định rời khỏi địa phương, rời khỏi gia đình để tìm kiếm việc làm.
Hay nói cách khác, cơ hội ra ngoài địa phương làm ăn của nữ giới có phần thiệt thòi hơn so với
nam giới. Một cán bộ thôn cho hay: “Nam đi nhiều hơn vì nam có tính bươn chải hơn, ham
muốn, đòi hỏi hơn, cha mẹ yên tâm hơn. Con gái lại có ý thủ phận hơn. Thanh niên ở đây mà
nói ở nhà làm 2 triệu/tháng là không chịu vì không đủ tiêu, con gái thì 2 triệu cũng coi như tạm
ổn đỏ (đó).” [Nam, 45 tuổi, trưởng thôn, xã Quảng Phú].
Đối với địa điểm đã và đang làm việc, kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác
biệt về giới khi xem xét nơi đến của người lao động. Khu vực có số lượng lao động chuyển đến
đông nhất là các tỉnh phía Nam, tiếp đó là làm việc trong tỉnh, các tỉnh khác ở miền Trung, các
tỉnh phía Bắc và cuối cùng là nước ngoài. Kết quả này tương đồng với thực trạng chung của lao
động tại địa phương. Mặc dù vậy, nơi đến của nữ giới hạn chế hơn so với nam giới. Theo đó,
nếu điểm đến của nam giới là các tỉnh phía Nam (41%), trong tỉnh (29,7%), các tỉnh miền Trung
(28,6%), các tỉnh phía Bắc (9,5%) và nước ngoài (4,8%) thì điểm đến của nữ giới là các tỉnh
phía Nam (60%), các tỉnh miền Trung (20%) và trong tỉnh (18,2%).
Khi được hỏi về nghề nghiệp chủ yếu của người lao động khi làm việc ngoài phương,
phần lớn cả nam giới và nữ giới đều trở thành công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp.
Thực trạng này cũng tái hiện ở các khu vực khác trong cả nước. Hiện nay, trên địa bàn thành phố
Huế đã xuất hiện một số khu công nghiệp Hương Trà, Phong Điền, khu vực 17… với công việc
chủ yếu là may gia công đã thu hút nhiều lao động của địa phương. Rất nhiều phụ nữ vừa làm
ruộng, vừa tham gia may tại đây để có thêm thu nhập. Họ cho biết, may mặc đã trở thành nghề
chính trong nhiều năm qua và cuộc sống của họ không hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp như

trước nữa.
Tóm lại, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng phân theo giới tính có sự
khác biệt về số lượng. Theo đó, nam đi nhiều hơn nữ nhưng không chắc và bền bằng nữ. Mặc
dù nơi đến của nữ giới hạn chế có phần hạn chế hơn nhưng không có sự khác biệt về nơi đến
chủ yếu của người lao động, đó là phần lớn cả nam và nữ đều di chuyển về phía Nam để tìm
kiếm việc làm. Mong muốn của họ là làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
2.2.3. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng xét về góc độ chuyên môn kỹ thuật
Theo báo cáo Điều tra lao động-việc làm năm 2012, nguồn nhân lực của nước ta tuy trẻ,
dồi dào nhưng trình độ tay nghề và CMKT còn thấp. Có hơn 43,4 triệu lao động (chiếm 83,2%)
chưa được đào tạo để đạt một trình độ CMKT. Trong đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo
chỉ chiếm 10,3% lực lượng lao động và lao động đang làm việc đã qua đào tạo là 10,1% [11].
Rõ ràng, bài toán về chất lượng nguồn lao động luôn là thực trạng chung của nhiều khu vực
nông thôn trên cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 90,1% người được hỏi đồng cho rằng người địa
phương đi làm ăn ngoài địa phương không có CMKT. Con số này chỉ ra một bức tranh khá ảm
187


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

đảm về chất lượng nguồn lao động tại đây. Nhìn chung, đại đa số người lao động đều không
được đào tạo nghề trước khi đi. Một cán bộ thôn đã chia sẻ: “Hiện nay người dân chưa qua đào
tạo là khá nhiều. Nhiều em là công nhân kĩ thuật không bằng. Có nghĩa là họ không qua một
trường lớp mô (nào) hết mà họ đến học nghề chỗ mô (nào) đó, họ ra và xin làm việc ở một cơ sở
thì được coi là công nhân kỹ thuật không bằng. Thực tế những người ở đây đi làm không ai có
bằng cấp” [Nam, 65 tuổi, trưởng thôn, xã Quảng Phú].
CMKT thấp hay không có CMKT trở thành lực đẩy khiến xu hướng đi làm ăn xa ngày
càng diễn ra mạnh mẽ. Kết quả khảo sát tại xã Quảng Phú ghi nhận, các tỉnh phía Nam thu hút
lao động đông nhất ở hai nhóm không có CMKT (63,5%) và nhóm trung cấp (57,1%), nhóm sơ
cấp chủ yếu tập trung tại các tỉnh khác ở miền Trung với tỷ lệ 46,7%. Chỉ duy nhất nhóm trên CĐ,

ĐH phân bổ lực lượng lao động trong tỉnh với 77,8%. Rõ ràng, có sự phân biệt nơi đến đối với các
nhóm trình độ CMKT khác nhau, theo đó người lao động có CMKT thấp có xu hướng đi làm ăn ở
các khu vực xa trong khi lao động có CMKT cao lại tập trung làm việc trong tỉnh.
Vào giai đoạn 2004-2013, nếu lợi thế của các tỉnh phía Nam, phía Bắc và một số tỉnh
thành khác ở khu vực miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh) là sự hoạt động mạnh mẽ của các khu công
nghiệp, khu chế xuất với thị trường rộng lớn, cơ chế mở thì ở Thừa Thiên Huế lại hạn chế hơn.
Chính vì vậy, các tỉnh thành đó trở thành vùng đất hấp dẫn, thu hút nhiều lao động đến làm việc.
Họ dễ dàng xin vào các cơ sở sản xuất với đủ trình độ CMKT. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng,
phần lớn lao động là công nhân tập trung đông nhất ở các nhóm không có CMKT (67,3%), trung
cấp (57,1%) và nhóm sơ cấp (40%). Điều này lý giải vì sao người lao động ở các nhóm CMKT
trên chủ yếu tập trung làm việc ngoài tỉnh với nghề chính là công nhân. Ngược lại, với CMKT là
trên CĐ, ĐH thì người lao động vẫn ưu tiên làm việc trong tỉnh hơn với nghề chính là công chức
(90%). Như vậy, cùng với trình độ CMKT thì lực hút về thị trường lao động ở các vùng miền khác
nhau cũng trở thành yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn nơi đến của người lao động.
Một vấn đề cần lưu tâm là, những năm trở lại đây, nhiều lao động dù có chuyên môn cao
(tốt nghiệp CĐ, ĐH) vẫn không thể tìm được việc làm đúng ngành nghề, nhất là tại quê hương của
họ. Thay vào đó, nhiều người chấp nhận trở thành công nhân hay làm dịch vụ thuê. Điều đáng bàn
là, ngay tại địa phương đã có cơ sở dạy nghề với rất nhiều ưu đãi dành cho con em xã Quảng
Phú. Tuy nhiên, nhiều lao động tỏ ra không mặn mà với loại hình đào tạo này mà lại lựa chọn đi
xa, tự học nghề để sinh sống. Lý giải cho điều này, tổng hợp các thông tin định tính cho thấy:
Thứ nhất, người dân cảm thấy việc dạy và học không có chất lượng bằng việc đi học ngoài.
Thay thế vào đó, họ chấp nhận tự đào tạo tại các cơ sở tư nhân, như vậy vừa kiếm được thu
nhập vừa đảm bảo tay nghề. Thứ hai, học ra không có việc làm. Nếu người lao động vừa học
vừa làm, nghiễm nhiên họ đã có được một chỗ làm khá ổn định thay vì phải học nghề để lấy
bằng cấp rồi mới xin vào làm việc ở các cơ sở, xí nghiệp. Như vậy, người lao động có xu hướng
chấp nhận không có bằng cấp mà tự đào tạo nghề bằng hình thức vừa học vừa làm như một lựa
chọn tối ưu.

188



TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

Tóm lại, sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng ở xã Quảng Phú có sự khác nhau về
trình độ CMKT. Người lao động có CMKT càng cao thì càng có xu hướng làm việc trong
tỉnh,trong khi nhóm CMKT thấp lại di chuyển ra khỏi địa phương, làm việc ở khu vực phía
Nam, khu vực phía Bắc hoặc một số tỉnh khác ở miền Trung. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn dự
báo xu hướng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở các lao động có CMKT cao, họ không thể tìm được
việc làm đúng ngành đào tạo ở địa phương và cũng phải di chuyển ra các địa bàn khác để làm
nghề.

3. Kết luận
Dưới tác động của quá trình CNH, HĐH, cơ cấu lao động ở xã Quảng Phú, huyện
Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước chuyển dịch khá mạnh mẽ trong vòng 10 năm
qua. Sự chuyển dịch này đã và đang diễn ra theo hai hướng: Chuyển dịch cơ cấu lao động theo
ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng địa lý.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành dù chưa đáp ứng được chỉ tiêu đề ra nhưng
đã cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng và mang tính tích cực. Năm 2006 được xem là điểm
mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ. Nhìn chung, tỷ lệ lao động nông nghiệp
giảm, tỷ lệ lao động công nghiệp và dịch vụ tăng lên, trong đó dịch vụ ngày càng thu hút nhiều
lao động tham gia. Sự phân bổ lao động chủ yếu trong nông nghiệp phần lớn là nữ giới, không
có CMKT; trong công nghiệp là nam giới, trình độ Sơ cấp; trong dịch vụ là nữ giới, trình độ
trên CĐ, ĐH.
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo vùng có nhiều biến đổi qua từng thời kỳ. Số
lượng lao động rời khỏi địa phương làm ăn có xu hướng tăng. Sự chuyển dịch này diễn ra
mạnh mẽ ở các nhóm đối tượng là nam giới, không có CMKT. Đại đa số người lao động đều
lựa chọn các tỉnh phía Nam, các tỉnh khác ở miền Trung tập trung lao động có trình độ Sơ
cấp, trong tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung nhóm trình độ trên CĐ, ĐH.


4. Khuyến nghị
Nhằm thúc đẩy tích cực quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở xã Quảng Phú, huyện
Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị sau:
4.1. Đối với chính quyền địa phương huyện Quảng Điền
- Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực địa phương dựa trên cơ sở chủ
trương của Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Có chính sách phân bố, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực hợp lý. Định hướng cơ
cấu kinh tế ở huyện để làm cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở xã Quảng Phú, thúc đẩy quá trình
CNH, HĐH. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải đi cùng với chuyển dịch cơ cấu lao động.

189


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

4.2. Đối với chính quyền địa phương xã Quảng Phú
- Có kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở địa phương. Nâng cao chất
lượng lao động bằng các biện pháp vận động, khuyến khích người dân tham gia các lớp đào tạo
nghề ngắn và trung hạn do địa phương tổ chức.
- Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ.
- Hỗ trợ cho người dân vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp.
Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong giới thiệu việc làm và giúp người
lao động chuyển đổi nghề nghiệp mới, đặc biệt là với lao động thuần nông bị mất đất sản xuất.
Khuyến khích người dân tham gia các phiên giao dịch việc làm để có cơ hội tìm kiếm việc làm
phù hợp.
4.3. Đối với trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm
- Tăng cường chất lượng giảng dạy tại trường trung cấp đào tạo nghề của huyện, tỉnh
nhằm thu hút sự tham gia của người dân ở khu vực nông thôn.
- Gia tăng mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, xí nghiệp trên địa bàn,

tạo cơ hội thực hành kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động sau khi
học xong.
- Các nghề đào tạo phải phù hợp và bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Hơn nữa,
phải đa dạng hóa chương trình đào tạo nghề sao cho phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.
4.4. Đối với người lao động
- Chủ động tìm kiếm thông tin tuyển dụng và tăng cường các mối quan hệ xã hội, sẵn
sàng tham gia thị trường lao động mới.
- Cần trang bị tốt về kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp. Không ngừng học tập và áp
dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp hoặc mở các cửa hàng dịch vụ ở các
cơ sở hạ tầng được xây dựng.
- Bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.

190


TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

Tập 4, Số 2 (2016)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].

Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Mai (2007). Những biến đổi kinh tế-xã hội của hộ gia đình, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2].

Nguyễn Thị Vân Anh (2010). Chuyển dịch cơ cấu lao động vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn
2011 - 2015, Luận văn Thạc sĩ trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.


[3].

Lê Xuân Bá (2009). Nghiên cứu dự báo chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và
các giải pháp giải quyết việc làm trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đô thị nước ta, đề tài cấp
Nhà nước.

[4].

Báo cáo Dân số và biến động dân số từ 2010-2013. chi cục TK Quảng Điền & Trung tâm Dân số
và KHHGĐ huyện Quảng Điền.

[5].

Chi cục Thống kê Quảng Điền. Niên giám thống kê huyện Quảng Điền 2006, 2010, 2011 (lưu
hành nội bộ).

[6].

Chi cục Thống kê Quảng Điền (2013). Báo cáo chính thức: Hệ thống chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ
yếu của huyện Quảng Điền năm 2013.

[7].

Nguyễn Đình Cử và Phạm Đại Đồng (2013). Di cư nông thông-đô thị ở Việt Nam: Đôi điều bàn
lại, Kỷ yếu hội thảo Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị ở các nước tiểu vùng sông Mê Kông,
Thành phố Huế, tr.54-62

[8].


Dân số và phát triển 9 (2006). theo tài liệu UNFPA; Lê Thị Kim Lan (2011), Lao động di cư ở
nông thôn miền Trung Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH, NXB Đại học Huế, Thừa Thiên Huế.

[9].

Bùi Quang Dũng (2009). Một số vấn đề phát triển xã hội nông thôn Việt Nam thời kỳ hiện đại hóa,
công nghiệp hóa, Tạp chí Xã hội học(số 1), tr.26-35.

[10]. Lê Thị Kim Lan (2011). Lao động di cư ở nông thôn miền Trung Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH,
NXB Đại học Huế, Thừa Thiên Huế.
[11]. Tổng cục thống kê, Điều tra lao động việc làm năm 2012, Hà Nội.
Tài liệu internet
[12]. Đài tiếng nói Việt Nam VOV (2014), Việt Nam có số phụ nữ làm nông nghiệp cao, />
191


Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa …

STATUS QUO OF TRANSFER OF RURAL LABOR STRUCTURE
IN THE CONTEXT OF INDUSTRIALIZATION AND MODERNIZATION
(The Case of Quang Phu commune, Quang Dien district, Thua Thien Hue province)
Le Duy Mai Phuong
Department of Sociology, Hue University College of Sciences
Email:
ABSTRACT
The paper analyzes the current status quo of transfer of labor structure in Quang Phu
commune, Quang Dien district, Thua Thien Hue Province in the context of industrialization
and modernization (period 2004-2013) in two directions as follows: transfer of labor
structure by sectors and transfer of labor structure by regions. Along with clarifying the
trend of labor movement in general, the transfer of labor structure is also taken into

account on two demographic factors closely relating to employees: gender and
qualifications. From the bases, I propose solutions to promote the process of transfer of
rural labor structure in a sustainable way, which meet the requirements resulting from the
process of industrialization and modernization.
Keywords: Structure of labor, transfer of labor structure, rural.

192



×