Tải bản đầy đủ (.pdf) (69 trang)

Nội dung và nghệ thuật cao lương đỏ của mạc ngôn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1020.33 KB, 69 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

LÊ THỊ DIỄM HƯƠNG

NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CAO LƯƠNG ĐỎ
CỦA MẠC NGÔN

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

SƠN LA, NĂM 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

LÊ THỊ DIỄM HƯƠNG

NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CAO LƯƠNG ĐỎ
CỦA MẠC NGÔN

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Người hướng dẫn: ThS. Hà Thị Hải

SƠN LA, NĂM 2016


LỜI CẢM ƠN
Khóa luận hoàn thành dựa trên sự hướng dẫn khoa học của cô giáo, ThS.


Hà Thị Hải. Nhân dịp khóa luận được công bố em xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc
tới cô giáo ThS. Hà Thị Hải - người đã tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, khích lệ
động viên em trong suốt quá trình thực hiện khóa luận.
Em xin chân thành cảm ơn tới phòng Đào tạo, các thầy cô trong Khoa
Ngữ văn, thầy cô trong Trung tâm Thư viện đã tạo điều kiện, giúp đỡ em trong
việc sưu tầm tài liệu suốt thời gian qua.
Em xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè và người thân đã động viên,
quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện tốt nhất cho em trong quá trình thực hiện khóa
luận.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sơn La, tháng 5 năm 2016
Người thực hiện

Lê Thị Diễm Hương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .............................................................................................................. 1
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ................................................................................................... 3
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ................................... 7
3.1. Đối tượng nghiên cứu..................................................................................... 7
3.2. Phạm vi nghiên cứu ........................................................................................ 7
3.3. Mục đích nghiên cứu ...................................................................................... 7
3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu ..................................................................................... 7
4. Phương pháp nghiên cứu ................................................................................... 7
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê .................................................................... 7
4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp, bình giảng ............................................... 8
4.3. Phương pháp so sánh ...................................................................................... 8
5. Đóng góp của khóa luận .................................................................................... 8

6. Cấu trúc của khóa luận ...................................................................................... 8
CHƯƠNG 1: NỘI DUNG CAO LƯƠNG ĐỎ ................................................... 9
1.1. Nội dung của tác phẩm văn học ..................................................................... 9
1.2. Những nội dung cơ bản trong Cao lương đỏ ............................................... 11
1.2.1. Phản ánh cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc ............. 11
1.2.1.1. Tội ác của quân Nhật.............................................................................. 12
1.2.1.2. Cuộc đấu tranh chống Nhật .................................................................... 19
1.2.2. Phản ánh khát vọng tự do trong tình yêu .................................................. 24
1.2.3. Phản ánh những tập tục của nông thôn Trung Quốc đương thời .............. 27
CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT CAO LƯƠNG ĐỎ ........................................... 33
2.1. Khái niệm hình thức tác phẩm văn học........................................................ 33
2.2. Những yếu tố nghệ thuật tiêu biểu trong Cao lương đỏ .............................. 34
2.2.1. Kết cấu....................................................................................................... 34
2.2.1.1. Kết cấu đảo ngược dòng thời gian ......................................................... 34
2.2.1.2. Kết cấu dán ghép điện ảnh ..................................................................... 37
2.2.2. Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật ................................................... 40


2.2.2.1. Qua hành động của nhân vật .................................................................. 41
2.2.2.2. Qua ngôn ngữ của nhân vật .................................................................... 43
a. Qua đối thoại ................................................................................................... 43
b. Qua độc thoại nội tâm ..................................................................................... 44
2.2.2.3. Qua ngoại hình của nhân vật .................................................................. 45
2.2.3. Ngôn ngữ ................................................................................................... 47
2.2.3.1. Ngôn ngữ kết hợp giữa thanh và tục ...................................................... 47
2.2.3.2. Ngôn ngữ kết hợp giữa thành ngữ và câu hát ........................................ 50
2.2.4. Một số biện pháp nghệ thuật khác ............................................................ 52
2.2.4.1. So sánh ................................................................................................... 52
2.2.4.2. Nhân hóa ................................................................................................ 55
KẾT LUẬN ........................................................................................................ 59

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................... 62


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nền văn học Trung Hoa nổi tiếng với bề dày lịch sử, văn hóa - văn
học, đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực và thể tài sáng tác, song một
trong những thể loại phát triển rực rỡ hơn cả phải nói đến tiểu thuyết. Bốn bộ
tiểu thuyết nổi tiếng được đánh giá là “tứ đại kì thư”: Tam quốc diễn nghĩa,
Thủy hử, Tây du kí, Hồng lâu mộng. Kế thừa và phát triển truyền thống, Mạc
Ngôn - “Nhân vật khai phá của thế kỉ XXI” cùng một số cây bút tên tuổi của nền
văn học đương đại như: Vương Mông, Giả Bình Ao, Trương Hiền Lượng,
Phùng Ký Tài, Thiết Ngưng, Cao Hiểu Thanh,… đã làm nổi danh tiểu thuyết,
đổi mới và đưa thể loại này lên đỉnh cao, tiến thêm một bước mới, trở thành
trung tâm của việc sáng tác và phê bình, đánh giá. Cao lương đỏ là một tác
phẩm nổi tiếng của Mạc Ngôn. Qua Cao lương đỏ, người đọc trở về với bối
cảnh Trung Quốc năm 1938 - 1939 những năm kháng Nhật cứu nước. Từ Chiếm
Ngao, một thủ lĩnh lãnh đạo 40 tên thổ phỉ, lại có lòng yêu nước, quyết chí đánh
đuổi quân xâm lược cùng với Phượng Liên là những nhân vật ngang tàng, khí
phách phóng túng và tự do, dám phá bỏ mọi ràng buộc của lễ giáo phong kiến.
Cuộc kháng chiến chống Nhật đã giúp họ lột xác trở thành anh hùng đáng khâm
phục của quê hương. Viết Cao lương đỏ Mạc Ngôn đã thể hiện tâm lý chung của
người Trung Quốc lúc bấy giờ sau một thời gian dài tự do cá nhân bị đè nén.
Tác phẩm đã đề xướng, phát huy tinh thần giải phóng cá tính, đó là dám nghĩ,
dám nói, dám làm. Tìm hiểu Cao lương đỏ sẽ giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về
nội dung và nghệ thuật tác phẩm, hiểu rõ hơn tài năng sáng tạo nghệ thuật độc
đáo của Mạc Ngôn.
1.2. Bản thân là một người yêu thích văn học, Cao lương đỏ của Mạc
Ngôn được đánh giá cao về nghệ thuật với cốt truyện hấp dẫn, kết cấu dán ghép
điện ảnh độc đáo, ngôn ngữ sinh động. Sau khi đọc tác phẩm Cao lương đỏ của

Mạc Ngôn, chúng tôi rất khâm phục tài năng sáng tạo nghệ thuật của ông và nảy
ra ý định muốn tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm Cao lương đỏ và tác giả Mạc
Ngôn - người giành giải Nobel Văn học (2012), người đã đưa văn học Trung
1


Hoa sánh ngang với các nền văn chương nổi tiếng Nga, Pháp, Đức, Mĩ... Cao
lương đỏ của Mạc Ngôn làm cho người đọc đắm say với chất lãng mạn, bay
bổng của khung cảnh cao lương “cao lương huy hoàng”, cao lương rực rỡ.
Không gian trong tác phẩm cũng gần gũi quen thuộc: con đường đất ngoài làng,
cây cầu, bờ sông, con đê, ánh trăng đêm hè nơi đồng quê dân dã đưa ta về với
hồi ức tuổi thơ nhất là cảnh Đậu Quan bắt cua với ông La Hán vui tươi, hồn
nhiên ngộ nghĩnh. Cái hấp dẫn của truyện còn ở yếu tố kết cấu đảo ngược thời
gian - không gian không theo trình tự, diễn biến một chiều, trước sau mà như
một bộ phim điện ảnh. Đặc biệt, tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi
về giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn từ đời sống người dân, phong
tục tập quán: bó chân, rước kiệu, cùng tình yêu của hai nhân vật chính đến ngôn
ngữ, nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật và các thủ pháp nghệ thuật khác.
Chọn đề tài nghiên cứu về Cao lương đỏ càng làm tăng thêm tình yêu trong tôi
đối với tác phẩm của Mạc Ngôn nói riêng, tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc nói
chung.
1.3. Mạc Ngôn là một tác giả khá mới với công chúng Việt Nam và văn
đàn thế giới. Đây cũng không phải là tác giả được giảng dạy ở nhà trường Phổ
thông nhưng lại là nhà văn sáng tác theo khuynh hướng mới “hậu hiện đại”,
mang đến “cảm giác mới” cho người đọc. Người viết thiết nghĩ cùng với sự vận
động của thời gian, quy luật đào thải nghiệt ngã của văn học, sự đổi mới căn bản
toàn diện trong giáo dục, tương lai một số tác phẩm sáng tác theo xu hướng hậu
hiện đại sẽ được chọn lọc đưa vào chương trình giảng dạy. Vậy nên việc nghiên
cứu tác phẩm Cao lương đỏ của Mạc Ngôn sẽ là một trong những tài liệu tham
khảo cho các thầy cô ở một vài khía cạnh nhỏ, giúp các em học sinh có thêm

kiến thức về văn học Trung Quốc hiện đại. Hơn nữa, văn học luôn là sự kế thừa
và phát triển, từ việc tìm hiểu tác phẩm Cao lương đỏ của Mạc Ngôn thầy cô so
sánh, liên hệ khi giảng dạy tác phẩm Cố hương, Thuốc của tác giả Lỗ Tấn để các
em thấy được những đổi thay về quan niệm trong sáng tác, đề tài sáng tác có gì
giống và khác nhau giữa họ, thấy được sự chuyển lưu dòng ý thức trong văn học
một cách khái quát nhất.
2


Xuất phát từ sự đam mê tác phẩm Cao lương đỏ cộng với ý thức nghiêm
túc nghiên cứu khoa học, tôi mong muốn tìm hiểu tác phẩm một cách đầy đủ
hơn, hi vọng khóa luận sẽ giúp những ai yêu thích Cao lương đỏ hiểu thêm giá
trị của tác phẩm.
Là sinh viên Khoa Ngữ văn người học tự nhận thấy việc tìm hiểu, nghiên
cứu các tác giả hậu hiện đại sẽ trang bị kiến thức, phục vụ cho công tác giảng
dạy sau này. Vì những lí do trên người viết mạnh dạn chọn tác phẩm Cao lương
đỏ của tác giả Mạc Ngôn làm đề tài nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Tác phẩm của Mạc Ngôn được bạn đọc Việt Nam rất yêu thích. Tuy nhiên
đến nay, công trình nghiên cứu về Cao lương đỏ của Mạc Ngôn không nhiều:
Tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy, Đại học Khoa học Huế với công trình Kết
cấu dán ghép điện ảnh trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn đã xem xét tác phẩm
từ góc độ điện ảnh ở hai phương thức chính: dán ghép biến cố, sự kiện và dán
ghép không gian - thời gian. Tác giả đã viết một cách khái quát về nghệ thuật
của tác phẩm, chú ý vào nghệ thuật xây dựng các sự kiện, tình tiết của truyện:
“Tất cả các sự kiện trong tác phẩm đều không được trình bày theo diễn biến
một chiều, trước sau, nhân - quả mà được phá tan ra từng mảnh rồi ném vào
mỗi chương một vài mảnh” [29; 188]. Đánh giá về cốt truyện - kết cấu tác phẩm
người viết cho rằng: “Giữa cốt truyện và kết cấu tác phẩm có độ lệch pha. Cao
lương đỏ là hồi ức của người kể chuyện xưng tôi về cuộc đời oai hùng của ông

bà nội mình. Hồi ức ấy đầy xáo trộn, tạo nên sự lệch pha giữa thời gian cốt
truyện và thời gian kết cấu. Trật tự của các chương (kết cấu) không trùng khít
với trật tự của các sự kiện (cốt truyện). Về phương diện dán ghép không gian thời gian Nguyễn Thị Tịnh Thy chỉ ra: “Không gian bất biến của cao lương lại
trở lên đa biến khi được can thiệp bằng thủ pháp dán ghép điện ảnh. Khi dòng
hồi ức của nhân vật trỗi dậy, cao lương của ngày xưa, của hôm qua và hôm nay
cùng hiện hữu, rách rời, chắp vá, chồng chéo vào nhau. Cánh đồng, bờ sông,
khoảng sân, công trường, chiến trường, từng mảnh vỡ của chúng được vãi tung
tóe một cách cố ý trong tác phẩm” [29; 191]. Cứ như thế càng lúc càng khắc sâu
3


trong độc giả vẻ đẹp của hình tượng không gian, quả là không sai khi nói rằng
không gian cũng là “một tín chỉ thẩm mĩ”. Cùng với không gian đa biến thì sự
hiện diện của thời gian nghệ thuật cũng không đơn giản là bị trôi ngược từ hiện
tại trở về quá khứ, từ quá khứ đến tương lai mà “Bị bẻ gãy, xáo trộn bởi dòng
hồi ức của người kể chuyện và nhân vật. Vì vậy, quá khứ xa, quá khứ gần, hiện
tại, tương lai, cứ ngược xuôi đan dệt vào nhau, khiến thời gian nghệ thuật của
tác phẩm không còn là dòng thời gian nữa mà là mạng thời gian” [29; 188].
Cuối cùng người viết đi đến kết luận: “Cao lương đỏ được kết cấu theo kĩ thuật
dán ghép điện ảnh thông qua ba dòng hồi ức của ba thế hệ, tác giả đã tạo nên
một chuỗi hình tượng phức hợp về nhân vật, sự kiện, điểm nhìn, giọng điệu,
không gian và thời gian” [29; 188]. Từ những nghiên cứu ở góc độ kết cấu theo
phương thức dán ghép điện ảnh, biến cố - sự kiện cho chúng ta cái nhìn khá toàn
diện về phương diện nghệ thuật của tác phẩm.
Tác giả Ngô Bồi trong bài viết Carnaval kiểu Trung Quốc - luận về đặc
trưng phong cách tiểu thuyết trường thiên của Mạc Ngôn đã chỉ ra điểm nhìn
trần thuật, người kể chuyện trong tác phẩm: “Gia tộc cao lương đỏ là tác phẩm
kết thúc kiểu tự sự của văn học Trung Quốc thập niên 80. Sự ra đời của tác
phẩm này về cơ bản đã thay đổi cách viết tiểu thuyết, sự thay đổi đó lại bắt đầu
bằng điểm nhìn tự sự kiểu Mạc Ngôn - điểm nhìn trẻ thơ” [30; 75]. Điều này

hoàn toàn đúng, đối với một tác phẩm nổi tiếng như Cao lương đỏ. Nếu như đọc
tác phẩm thì ngay từ đầu, người kể chuyện là một người đàn ông trung niên, để
dựng gia phả cho dòng họ, anh ta đã về tận quê hương Đông Bắc Cao Mật để
điều tra trận chiến đấu nổi tiếng mà bố mình từng tham gia. Vậy mà “Trong quá
trình kể chuyện, người đàn ông trung niên của “cái tôi kể chuyện” đã bị “cái tôi
được kể” (bố tôi - Đậu Quan) chi phối hoàn toàn bằng điểm nhìn trẻ thơ. Điểm
nhìn ấy đã làm trẻ hóa người kể chuyện, tạo cho người đọc cảm giác người kể
chuyện là một cậu bé. Vì vậy, bên cạnh những trường đoạn thấm đẫm đau
thương, chồng chất căng thẳng lại có những tình tiết dí dỏm mà chỉ có đôi mắt
hồn nhiên của trẻ thơ mới nhìn thấy được” [30; 76]. Chính điểm nhìn trẻ thơ tạo
ra sự linh hoạt trong việc kể chuyện, trần thuật. Chọn điểm nhìn trẻ thơ là một
4


sự sáng tạo, nhãn quan tinh tường của người sáng tác. Tác giả mới chỉ dừng lại ở
nhận định ban đầu về cách viết tiểu thuyết, điểm nhìn của người kể chuyện trong
tác phẩm tự sự nhưng đây là những gợi ý cần thiết giúp người viết khi đi sâu vào
thực hiện công trình nghiên cứu của mình về điểm nhìn trần thuật, ngôi kể,
giọng điệu.
Dịch giả Lê Huy Tiêu trong lời giới thiệu về Cao lương đỏ - Mạc Ngôn đã
nhận định: “Nhân vật Từ Chiếm Ngao trong Cao lương đỏ xuất thân từ một tên
thổ phỉ vô cùng ngang tàng vẫn chỉ huy được dân binh chống lại quân Nhật.
[31; 8]. Đánh giá của tác giả mới chỉ nhìn nhận ở góc độ nhân vật nam chính,
nhân vật ấy đã có ý thức trong việc bảo vệ quê hương, một “tên thổ phỉ” lại dám
chỉ huy dân binh chống Nhật mà chưa được sự cho phép của chính quyền.
Người viết cũng chỉ ra được nét mới trong các nhân vật khi xem xét từ góc độ
chính trị, địa vị xã hội. Những con người nhỏ bé - người nông dân lại làm nên kì
tích, luôn muốn báo thù: “Xưa nay người ta quen từ góc độ chính trị, giai cấp
để quy định diện mạo, tính cách của người nông dân, nhưng Mạc Ngôn đã nhìn
họ ở trạng thái bản năng, tả họ là những người vô tổ chức, mang ý thức dân tộc

tự phát, thậm chí mù quáng, lúc nào cũng chỉ muốn báo thù. Trong nhân tính
của họ có sự kết hợp kì diệu của cái đẹp và cái xấu” [31; 8]. Đấy cũng chính là
sự hạn chế của họ bởi ý thức chưa cao, tổ chức còn chưa chặt chẽ, nhân tài thiếu,
tầm nhìn hạn hẹp. Nhận xét này của Lê Huy Tiêu cho chúng ta cái nhìn khởi đầu
về nhân vật trong tác phẩm.
Trong bài viết Tự sự trong Cao lương đỏ của Mạc Ngôn, tác giả Phan Thị
Nga đã nhận xét về nghệ thuật của tác phẩm. Hình thức kết cấu của nó không
giống với cốt truyện truyền thống vốn có: “Vẫn có cốt truyện nhưng cốt truyện
Cao lương đỏ khác tiểu thuyết truyền thống ở chỗ không hoàn chỉnh, không đầy
đủ các thành phần chính như: thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút mà chỉ là cái
khung truyện. Cái khung truyện ấy lại chứa đựng trong nó nhiều câu chuyện
nhỏ. Cốt truyện Cao lương đỏ không có những sự kiện, tình tiết li kì, gây cấn và
các sự kiện, tình tiết được tái hiện cũng không theo trật tự thời gian mà có sự
đan cài, lồng ghép vào nhau trong chín chương được đánh số từ 1 đến 9. Diễn
5


biến của cốt truyện không liên tục, liền mạch theo trật tự các chương, bản thân
từng chương cũng bao chứa trong nó một số câu chuyện” [17; 2]. Tác giả cũng
đề cập đến nghệ thuật xây dựng nhân vật: “Cao lương đỏ như một bức tranh có
nhiều chân dung nhân vật, mỗi nhân vật là một mảnh đời riêng, có mối dây liên
quan nhất định với nhau cùng tạo nên bức tranh hiện thực sinh động về câu
chuyện của nhiều con người, của nhiều cuộc đời, trọng tâm là “ông tôi”, “bà
tôi”, bố tôi, Lưu La Hán, Từ Đại Nha, Phó chỉ huy Nhiệm. Tác giả không tái
hiện nhiều tình tiết, sự kiện mà chỉ tập trung vào một số tình tiết, biến cố có tính
chất nhất định trong cuộc đời nhân vật để qua đó làm rõ các tính cách cũng như
xung đột xã hội” [17; 3]. Không dừng lại ở nhận định về cốt truyện, nhân vật mà
ngôn ngữ trong Cao lương đỏ cũng được tác giả nhắc tới, đó là ngôn ngữ: “thiên
biến vạn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình, giản dị và mộc mạc,
gần gũi với người nông dân” [17; 4].

Tác giả Mạc Ngôn trong Vì sao tôi viết Cao lương đỏ đã tâm sự: “Điều tôi
cảm thấy hài lòng với Cao lương đỏ vẫn là thủ pháp thuật chuyện. Trong các bộ
tiểu thuyết trước đây có ngôi xưng hô thứ nhất, ngôi xưng hô thứ hai và ngôi
xưng hô thứ ba, nhưng trong tiểu thuyết Cao lương đỏ ngay từ chương mở đầu
đã là nhân vật “bà nội tôi”, “ông nội tôi” vừa có ngôi xưng hô thứ nhất, lại vừa
có góc độ toàn diện. Khi viết đến đại từ “tôi” là ngôi xưng hô thứ nhất và khi
viết đến “bà nội tôi” thì lại từ góc độ “bà nội tôi”, nội tâm của bà có thể bày tỏ
một cách rất trực tiếp, khi thuật chuyện hết sức tiện lợi. Như vậy, sẽ phong phú
hơn rất nhiều, rộng thoáng hơn rất nhiều so với góc độ ngôi xưng thứ nhất một
cách đơn giản của nhân vật” [21; 5]. Lời tâm sự trên đã cho ta thấy được thủ
pháp thuật chuyện, quan điểm của tác giả về chính ngôi kể. Việc chọn điểm nhìn
người kể chuyện phù hợp đã bao quát toàn bộ được diễn biến câu chuyện, tạo ra
sự linh hoạt cho ngôi kể. Bằng cách kể như vậy, người đọc cũng thấy được sự
hợp lí khi theo dõi mọi sự kiện của truyện.
Qua việc khảo sát những công trình nghiên cứu đã trình bày ở trên, chúng
tôi thấy rằng những công trình ấy chủ yếu đưa ra những nhận định có tính chất
khái quát. Các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở một vài phương diện tiêu biểu
6


về nghệ thuật của tác phẩm mà chưa chú trọng nhiều về nội dung tác phẩm.
Trong những tài liệu mà tôi bao quát được, hiện chưa có một công trình nào đi
sâu tìm hiểu về nội dung và nghệ thuật Cao lương đỏ một cách đầy đủ, cụ thể,
chi tiết. Mặc dù vậy, những công trình trên vẫn là những ý kiến, nhận định hết
sức đáng quý, đáng trân trọng, sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình thực
hiện khóa luận. Chắc chắn đó sẽ là những điểm tựa vững chắc, tạo cơ sở, định
hướng cho những nghiên cứu của tôi.
3. Đối tượng, phạm vi, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là tác phẩm Cao lương đỏ của Mạc

Ngôn.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện khóa luận người viết tiến hành nghiên cứu một
số nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm Cao lương đỏ. Văn bản khảo
sát là Cao lương đỏ và những truyện khác - Tuyển tập truyện vừa, truyện ngắn
Trung Quốc, Lê Huy Tiêu dịch và giới thiệu - NXB Văn học, Hà Nội năm 2003.
3.3. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện nghiên cứu, người viết mong muốn chỉ ra được những nội dung
cũng như nghệ thuật chủ yếu của tác phẩm Cao lương đỏ, nhằm tăng cường hiểu
biết cho chính mình và giúp cho sinh viên Khoa Ngữ văn có cái nhìn đúng hơn,
đầy đủ hơn khi tìm hiểu tác phẩm Cao lương đỏ của tác giả Mạc Ngôn.
3.4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Khóa luận có nhiệm vụ phát hiện và phân tích một số nét cơ bản về nội
dung và nghệ thuật của tác phẩm Cao lương đỏ. Từ đó, thấy được những thành
công cũng như khẳng định tài năng nghệ thuật của Mạc Ngôn.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê
Đây là phương pháp cần thiết được người viết tiến hành trong quá trình
thực hiện khóa luận nhằm minh chứng cho những nhận định, đánh giá về tác
phẩm. Phương pháp này cho phép chúng tôi tập hợp, phân loại được hệ thống
7


dẫn chứng, những chi tiết có giá trị nghệ thuật cao, các hình ảnh, nhân vật cụ
thể, qua đó, làm sáng tỏ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Cao lương đỏ.
4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp, bình giảng
Phương pháp này được xem là chủ đạo và mang tính chất quyết định trong
quá trình nghiên cứu. Nó được tích cực sử dụng nhằm làm sáng rõ những vấn đề
mà người viết quan tâm. Phương pháp này giúp phân biệt một cách rạch ròi và
làm sáng tỏ các luận điểm lớn, nhỏ rồi từ đó đi sâu vào từng chi tiết cụ thể, từng

yếu tố nội dung và nghệ thuật tác phẩm, cho chúng ta thấy được tài năng sáng
tạo nghệ thuật và mục đích sáng tác của tác giả.
4.3. Phương pháp so sánh
So sánh sự tương đồng, khác biệt, so sánh đồng đại - lịch đại, đặt đối
tượng nghiên cứu trong mối quan hệ đối chiếu nhau để bổ sung, hỗ trợ làm nổi
bật các khía cạnh mà người viết muốn nhấn mạnh. Đồng thời so sánh để thấy
được sự khác biệt, thấy được bước tiến so với các tác giả đương thời hay với hệ
thống cùng đề tài sáng tác của nhà văn.
5. Đóng góp của khóa luận
Khóa luận đã chỉ ra một cách chi tiết, cụ thể một số nét tiêu biểu trong nội
dung và nghệ thuật Cao lương đỏ. Chúng tôi hi vọng khóa luận sẽ giúp bạn đọc
có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về tác phẩm này. Khóa luận sẽ là một trong
những tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai yêu thích Cao lương đỏ của tác
giả Mạc Ngôn.
6. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, khóa luận gồm 2 chương:
Chương 1: Nội dung Cao lương đỏ.
Chương 2: Nghệ thuật Cao lương đỏ.

8


CHƯƠNG 1: NỘI DUNG CAO LƯƠNG ĐỎ
Cao lương đỏ được hoàn thành vào năm 1998 và ngay năm ấy được trao
giải nhất của hội nhà văn Trung Quốc. Trong tác phẩm nổi tiếng này, Mạc Ngôn
nhà văn trở về và vượt qua truyền thống đã không ngần ngại khi đưa mọi sự vui,
buồn, những điều tốt đẹp nhất và cả những cái xấu xa nhất lên trang văn của
mình. Trong chương này, sau khi nêu khái niệm nội dung tác phẩm văn học,
chúng tôi sẽ đề cập đến những nội dung cơ bản nhất trong Cao lương đỏ của
Mạc Ngôn: Phản ánh cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc,

phản ánh khát vọng tự do trong tình yêu và những tập tục của nông thôn Trung
Quốc đương thời.
1.1. Khái niệm nội dung tác phẩm văn học
Nội dung của tác phẩm văn học bắt nguồn từ mối quan hệ giữa văn học
với hiện thực. Đó là một mối quan hệ nhất định của con người đối với hiện
tượng đời sống đã được phản ánh, đó vừa là cuộc sống được ý thức vừa là sự ý
thức cảm xúc - đánh giá đối với cuộc sống đó.
Theo nhà dân chủ cách mạng Nga Sécnưsepxki, có ba khía cạnh nội dung
của văn học là:
a. Tái hiện các hiện tượng thực mà con người quan tâm
b. Giải thích cuộc sống làm sao cho nó tốt hơn
c. Đề xuất phán xét đối với các hiện tượng được mô tả
[13; 249]
Lý tưởng văn học Trung Hoa từ thời cổ cũng đã rất coi trọng nội dung
khách quan của văn học. Lưu Hiệp viết trong thiên Vật sắc của Văn tâm điêu
long: “Nhà thơ cảm xúc trước sự vật, liên tưởng đến các loại khôn cùng. Trong
các cảnh bao la muôn vàn hình tượng, nhà thơ trầm ngâm, nghe, ngắm, tả lại
khí chất, vẽ lại dung mạo của chúng. Nhà thơ theo sự vật mà gửi tâm trí, lại còn
thêm sắc thái, gợi âm thanh, tâm trạng cũng vì thế mà bồi hồi” [13; 250].
Nguyễn Dưỡng Hào đề tựa Phong trúc tập của Ngô Thế Lân cũng viết: “Trúc
không có ý với gió, nhưng gió đến thì trúc động mà sinh ra tiếng, lòng người ta
không chứa cảnh vật, nhưng tiếp xúc với cảnh vật, lòng người cảm xúc mà thành
9


thơ. Trong các sự vật như chim bay, cá nhảy đều có thể trở thành cái chốt của
cảm xúc lòng người” [13; 250].
Theo GS. Phương Lựu cho rằng: “Nội dung tác phẩm văn học là một thể
thống nhất giữa khách quan và chủ quan, trong đó có phần nhà văn khái quát,
tái hiện đời sống khách quan vừa có phần bắt nguồn từ cảm xúc, huyết mạch, lý

tưởng của tác giả” [13; 249].
Quả đúng như vậy, trong cuộc sống có bao nhiêu vấn đề được nói tới sẽ
có bấy nhiêu sự việc được phản ánh trong văn học. Văn học chính là tấm gương
phản chiếu cuộc sống, bắt nguồn từ cuộc sống hay mối quan hệ giữa văn học và
hiện thực. Là nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại Nguyễn Minh
Châu được coi là “người mở đường tinh anh và tài năng” trong sự nghiệp, đổi
mới văn chương nước nhà. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa chính là tấm gương
lớn của cuộc sống. Đưa hình ảnh “chiếc thuyền” và câu chuyện về một gia đình
làng chài ven biển để độc giả đọc và cùng suy ngẫm với nhân vật của mình,
thông điệp mà ông nhắn nhủ hãy nhìn cuộc sống bằng con mắt đa chiều, đa diện
- đa thanh, đa phức chứ không phải phiến diện một chiều. Con thuyền vừa ẩn dụ
cho con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, vừa ẩn dụ cho kiếp người
nheo nhóc, lênh đênh trên đại dương cuộc đời. Hóa ra, cái đẹp của nghệ thuật
cũng không hề trùng khít với cái đẹp của cuộc đời. Đối lập với “cảnh đắt” trời
cho bức tranh sương sớm là bức tranh cuộc đời chua xót, bất hạnh. Do đó, khi
đánh giá sự vật phải nhìn sâu vào bản chất cốt lõi bên trong của hiện tượng chứ
đừng đánh giá cái nhìn chủ quan, bề ngoài sẽ không thấy hết được đối tượng.
Nội dung tác phẩm văn học là cái quan hệ chủ quan - khách quan sống
động được đánh thức dậy trong lòng khi tiếp nhận tác phẩm. Maiacốpxki nói:
“Phải làm sao cho người đọc không phát phiền với các tư tưởng trên sân khấu,
mà là mang theo được những tư tưởng khi rời khỏi nhà hát” [13; 251].
Nội dung đích thực của tác phẩm văn học là cuộc sống được lý giải, đánh
giá, ước mơ, là nhận thức và lý tưởng, nỗi niềm đã hóa thành máu thịt hiển hiện
chứ không phải là khái niệm về hiện thực hay khái niệm về lý tưởng và tình
cảm. Nhà thơ Mai Thánh Du đời Tống (Trung Quốc) đã nói nội dung thơ là cái
10


mà “tác giả cảm thụ trong lòng, người xem hiểu ngầm bằng ý, cơ hồ rất khó nói
ra bằng lời” [13; 251]. Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đã lên án chế độ

phong kiến thối nát, một xã hội “quần ngư tranh thực”, chính xã hội như vậy đã
đẩy con người vào “bước đường cùng” mất hết nhân hình và nhân tính, bi kịch
của một kiếp người sinh ra là người mà không được “làm người”. Đồng thời thể
hiện sự cảm thông xót xa của tác giả đối với người nhân dân và sự phê phán, tố
cáo tầng lớp thống trị phong kiến Việt Nam giai đoạn trước cách mạng.
Những yếu tố cơ bản của nội dung tác phẩm văn học là: đề tài, chủ đề, tư
tưởng tác phẩm.
Như vậy, nội dung của tác phẩm văn học chính là sự nhuần nhuyễn giữa
nhận thức và tình cảm với tư tưởng, là sự thống nhất biện chứng giữa khách
quan và chủ quan.
1.2. Những nội dung cơ bản trong Cao lương đỏ
1.2.1. Phản ánh cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đứng
đầu là thủ tướng Nhật Bản Tanaca (Điền Trung) đã tấu lên Nhật hoàng kế hoạch
chiến lược bốn bước như: đánh chiếm Đông Bắc Trung Quốc, độc chiếm Trung
Hoa, làm chủ Châu Á, bá chủ toàn cầu. Với âm mưu như vậy, đội quân Quan
Đông của Nhật đã xâm lược Trung Quốc, tấn công bất ngờ vào Lư Cầu Kiều,
mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc trên quy mô cả nước. Chiếm
giữ vùng Đông Bắc Trung Hoa, không đầy một tháng sau biến Lư Cầu Kiều,
Bắc Kinh, Thiên Tân, Vũ Hán, Quảng Châu, đều rơi vào tay Nhật.
Quân Nhật dốc toàn lực càn quét những vùng chiếm đóng, chúng đi đến
đâu, tội ác gieo rắc đến đó. Gây nên bao cảnh khốn khổ, khiến đời sống nhân
dân gặp nhiều khó khăn, loạn lạc liên miên, đất nước chia cắt. Trước tình hình
đó, nhân dân Trung Quốc đã vùng lên đấu tranh chống lại quân xâm lược Nhật,
sự hợp tác của Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản tạo thành mặt trận thống nhất
dân tộc chống đế quốc. Văn học luôn có nhiệm vụ phục vụ cuộc sống, cổ vũ
chiến đấu, phản ánh hiện thực đang diễn ra. Nhiều tác phẩm văn học Trung
Quốc đã phản ánh cụ thể, chân thực hiện thực xã hội Trung Quốc giai đoạn
11



kháng Nhật gây được tiếng vang lớn như: Vở kịch bảo vệ Lư Câu Kiều, Trận
huyết chiến Đài Nhi Trang, Đài Nhi Trang bị hủy diệt, Trận tuyến giao thông
ban đêm, Cao lương đỏ,... Cao lương đỏ của Mạc Ngôn đã phản ánh tội ác quân
Nhật và cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc thời kì bấy giờ.
1.2.1.1. Tội ác của quân Nhật
Sau khi chiếm được Lư Cầu Kiều, Nhật tiếp tục mở rộng cuộc chiến
tranh xâm lược toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa. Trong những năm bị Nhật chiếm
đóng đời sống nhân dân Trung Quốc hết sức khó khăn. Quân Nhật khi tràn vào
Trung Quốc, gây nên bao cảnh trái ngang, chúng thi hành chính sách bắt phu,
tàn sát người vô tội, hủy hoại môi trường sống, cướp vật nuôi, phá hoại hoa
màu,... Tội ác của chúng vô cùng lớn, không thể dung tha. Trong Cao lương đỏ,
Mạc Ngôn đã phản ánh tội ác tày trời của quân Nhật ở một số phương diện sau:
Tội ác đầu tiên của quân xâm lược Nhật được phản ánh trong Cao lương
đỏ là chúng thi hành chính sách bắt phu. Tác giả miêu tả số lượng người bị bắt
đi phu rất lớn. Chỉ riêng ở các làng Cao Mật, Bình Độ, huyện Giao đã bắt tổng
cộng “bốn mươi vạn lượt người, đắp một con đường cái Giao Bình” [19; 31].
Chúng dùng các xe lớn, xe nhỏ, chở toàn đá và cát vàng đến bờ sông phía Nam.
Để thực hiện mục đích xâm lược, quân Nhật xây dựng một chiếc cầu đá lớn và
bọn chúng đã bắt phu làm công việc hết sức nặng nề, “người phu phải đến công
trường chuyển đá từ bờ Nam sang bờ Bắc đi qua một cái cầu gỗ lắc la lắc lư,
tựa hồ có thể đổ bất cứ lúc nào” [19; 35]. Công việc cực nhọc, rất vất vả, khó
khăn cho người phu bị bắt, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Người phu bị bắt làm việc vất vả, nặng nề như vậy còn bị bọn Nhật bắt
phải cống nạp vật phẩm nếu không có là chúng hành hạ. Cảnh bọn đốc công
đánh đập dân phu diễn ra liên tục: “Đứng ở bên bờ Nam, chừng là đốc công,
dùng chiếc roi mây màu đỏ sẫm chọc vào đầu ông La Hán, máu trên đầu chảy
xuống làm ướt cả lông mày,... Trên đầu máu vẫn chảy, ông La Hán ngồi thụp
xuống, bốc nắm đất đen, dịt vào vết thương, cơn đau nặng nề ở trên đầu nhức
xuống tận mười đầu ngón chân, ông thấy đầu mình như bửa làm đôi,... Tên đốc

công cầm roi đứng nguyên chỗ cũ, ông La Hán khuân đá, sợ sệt đi qua trước
12


mặt hắn. Đốc công quất một roi vào cổ ông La Hán. Ông chúi người về phía
trước, ôm lấy hòn đá, ngã khuỵu xuống đất. Hòn đá đập nát tay ông, cằm va vào
đá máu lại tóe ra” [19; 37]. Bọn đốc công hách dịch, thị oai, nếu không có gì
cống nạp cho chúng liền bị đánh đập dã man. Chính ông La Hán là nạn nhân, chỉ
vì mới đến công trường để chuyển đá từ bờ Nam sang bờ Bắc không đút cho hắn
vài đồng, chẳng có gì biếu xén nên bị đánh tới tấp không cần lí do. Ban đầu, đốc
công dùng roi mây màu đỏ sẫm chọc vào đầu ông La Hán khiến “máu trên đầu
chảy xuống làm ướt cả lông mày, ông vác hòn đá vừa vừa, từ bờ Nam đi sang bờ
Bắc” [19; 36]. Đây chỉ là tín hiệu ám chỉ để cho ông cống nạp nhưng khốn nỗi là
người mới đến, không hiểu được ý ngầm cho nên ông La Hán vẫn cứ thản nhiên
làm khiến hắn “cầm roi mây như hồn ma lượn đi lượn lại trên công trường.
Đám dân phu thấy ông La Hán đi trên công trường đầu chảy máu dấp dính họ
kinh ngạc đến nỗi con ngươi mắt họ cứ đảo lên đảo xuống. Ông La Hán vừa vác
đá đi được mấy bước, bỗng thấy sau lưng có ngọn đá vút qua rồi thấy ran rát ở
lưng. Ông ném hòn đá xuống, nhìn tên đốc công đang cười mình. Ông La Hán
nói: Bẩm quan lớn, có chuyện gì thì cứ nói, sao lại giơ tay đánh người? Tên đốc
công mỉm cười không đáp, lại giơ roi mây, quất vào lưng ông. Ông La Hán cảm
thấy chiếc roi mây như cắt mình thành hai đoạn, nước mắt nóng cay từ trong
hốc mắt trào ra. Máu bốc lên đỉnh đầu, miếng đất đắp trên đầu như rung lên tựa
hồ như muốn vỡ toác ra. Ông La Hán quát:
- Bẩm quan!
Tên đốc công lại quất một roi nữa. Ông La Hán nói:
- Bẩm quan, đánh tôi vì tội gì?
Tên đốc công rung chiếc roi mây trong tay, cười sằng sặc:
- Cho mày mở mắt ra đồ chó chết” [19; 37].
Đoạn trích trên đã cho thấy tội ác của đốc công Nhật đối với dân phu.

Người phu phải làm cực nhọc, bị thực dân bóc lột về sức khỏe lại bị hành hạ dã
man khiến con người rơi vào cảnh thật đáng thương. Ông La Hán chỉ là một nạn
nhân tiêu biểu nhất trong số nhiều nạn nhân bọn xâm lược.

13


Chúng bắt người dân lao động khổ sai, cực nhọc ấy vậy mà miếng cơm
cũng không được ăn no, gạo để nấu thì mốc xanh mốc đỏ khiến cái dạ dày quen
ăn cao lương của ông La Hán cứ “muốn đẩy ra”. Hình ảnh miếng ăn càng đau
đớn vô cùng khi người tạp dịch, bọn dân phu mệt nhoài, uể oải đi đến đứng
quanh chiếc xe đưa cơm xúm xít ăn một cách ngấu nghiến “ăn như hổ đói”, nếu
“chẳng có đũa thì nhất loạt dùng tay bốc” [19; 40]. Họ ăn vẫn chưa no và khi
chiếc xe chuẩn bị lăn bánh “bọn dân phu liếm môi, mắt nhìn chằm chằm vào
những hạt cơm còn dính ở trong thùng” [19; 40], ánh mắt hiện lên niềm tiếc
nuối “nhưng không ai dám động đậy” [19; 40].
Khi mọi việc đã hoàn tất, cơm chiều đã ăn xong thì dân phu bị lùa vào
một cái lán “to như chuồng ngựa” làm bằng mấy cái cột gỗ, trên lợp bằng mảnh
vải bạt, trước cửa lán đều có lính đi tuần tra và chó béc - giê. Mùi hôi thối bốc
lên, mùi nước đái của la ngựa cạnh lán đưa tới. Quân giặc đối xử tàn bạo với
người dân phu từ việc làm, miếng ăn đến giấc ngủ. Chúng coi những người dân
phu chẳng khác loài vật, chúng canh phòng cẩn mật, nghiêm ngặt sợ họ bỏ trốn.
Vùng quê Cao Mật của Mạc Ngôn rất nghèo khổ. Trong Cao lương đỏ
cuộc sống sinh hoạt của người dân không hiện lên một cách trực diện nhưng chỉ
qua lời của người kể chuyện người đọc có thể hình dung con người nơi đây có
cuộc sống thế nào. Người dân hay lam, hay làm, chịu thương, chịu khó nhưng
lại phải sống trong cảnh đói nghèo, vất vả. Cả cuộc đời họ gắn liền với mảnh
ruộng mà quanh năm vẫn không đủ ăn, thức ăn đơn sơ đạm bạc không có gì
khác ngoài “cây cao lương” - một loại giống như kê trồng ở vùng Đông Bắc
Trung Quốc có thể nấu ăn, có thể nấu rượu. Đời sống người dân vốn cực khổ

nay càng điêu đứng hơn khi quân Nhật tràn vào. Chúng áp bức người dân, phá
hoại nền kinh tế, cướp đất đai, cướp gia súc, vật nuôi, hủy hoại vô số hoa màu.
Khi làm con đường cái Giao Bình, khắp cánh đồng cao lương “trải dài bảy mươi
dặm, rộng sáu mươi dặm mêng mông như sóng xanh chỉ mới cao đến thắt lưng
người, biết bao công sức của dân, mồ hôi nhỏ ròng ròng xuống đất mới được
những ruộng cao lương đẹp đẽ, tràn đầy sức sống đã bị những chiếc xe chở đá
xéo nát hai vạt cao lương bên đường. La, ngựa đều có người dắt, đi đi lại lại
14


trên ruộng cao lương. Dưới móng sắt, cao lương bị gẫy nát, nằm rạt, lại bị trục
đá lăn đi lăn lại đè dí xuống, các con lăn đều biến thành màu xanh, nhựa cao
lương thấm ướt cả con lăn” [19; 35]. Con đường được dân chúng đắp nên “dưới
làn roi và lưỡi lê của bọn Nhật và tay sai” [19; 24]. Lúc giao tranh với Nhật,
dưới trận mưa đạn bắn xối xả, cao lương trên đầu anh Câm, Đậu Quan bị đứt
rụng rào rào, những cây cao lương thân bị bắn tơi bời tung lên trời, tứ phía.
Không chỉ hành hạ dân phu, cướp đất đai, phá hoại cây lương thực, bọn
Nhật còn dẫn quân ngụy đến thôn, xóm, bắt lừa, la, ngựa của dân. Nhà Đậu
Quan bị “hai tên Nhật mặc áo vàng tay lăm lăm cầm súng sắp sẵn lưỡi lê đứng
giữa sân. Hai người Trung Quốc mặc áo đen cũng có súng, định cởi chạc hai
con la đen buộc ở gốc cây thu. Ông La Hán nhiều lần lao đến tên lính ngụy nhỏ
bé đang cởi chạc la, nhưng lần nào cũng bị tên lính ngụy to lớn dùng nòng súng
cản lại” [19; 32]. Ông La Hán can ngăn đều bị chửi “cút đi, còn la hét tao sẽ giết
cái mạng mày” [19; 33] cởi không được, con la không chịu đi, chúng lại chĩa
nòng súng vào ông quát: “Lão già khốn khiếp, mày phải tự dắt ra công trường”
[19; 33]. Bọn chúng buộc la, ngựa vào mấy chục cây cọc cách lán công trường
không xa.
Như vậy, với người dân nơi đây đất đai bị giặc Nhật lấy mất, cây cối
lương thực bị hủy hoại, vật nuôi vốn là thực phẩm - phương tiện đi lại, chuyên
chở cũng bị chúng tước đoạt. Trong lòng người dân “biết bao đau khổ khi nghe

tin quân Nhật Bản sắp làm đường trên cánh đồng, mọi người trong làng đều lo
lắng không yên, sốt ruột sốt gan chờ đợi tai họa giáng xuống” [19; 32]. Còn gì
khổ bằng khi phải tự đem những vật mà mình bỏ công sức làm ra, rất thân thiết,
yêu quý để cống nạp chúng. Người dân mất hết mọi thứ, rơi vào cảnh cùng
đường mạt vận, đói khát, không việc làm. Đây chính là một nguyên nhân sâu xa
của những cuộc đấu tranh chống lại quân Nhật của nhân dân Trung Quốc.
Chiến tranh thế giới thứ hai sắp tới hồi kết thúc, Nhật tăng cường quân
vào các nước Đông Dương. Quân Nhật khi vào Việt Nam, đời sống nhân dân ta
vốn khổ cực khi bị thực dân Pháp chèn ép nay lại bị Nhật bóc lột, đất nước chịu
cảnh “một cổ hai tròng”, nhân dân ta “đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ
15


cho Nhật”. Chúng thi hành chính sách phá hoại kinh tế “nhổ lúa trồng đay”, bắt
nhân dân ta phải tự tay nhổ hết lúa rồi trồng cây cao su, xây cảng, nhà máy, để
phục vụ chúng. Chúng còn “cưỡng bức người sản xuất bán thực phẩm, trước hết
là lúa gạo với giá rẻ mạt, một phần để tích trữ chuẩn bị chiến tranh, phần khác
để cung đốn cho Nhật. Từ năm 1940 - 1945, Pháp đã cung cấp cho Nhật trên 3
triệu 50 vạn tấn gạo, 20 vạn tấn ngô. Trong khi nhân dân ta thiếu ăn, thì chúng
dùng gạo để nấu rượu cồn thay xăng, đốt thóc thay than, chạy máy ở miền Nam”
[7; 161], khiến đất nước điêu đứng, đời sống người dân khốn khổ, đẩy dân tộc
Việt Nam vào nạn đói khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước nhà, hơn hai
triệu đồng bào ta chết đói. Vợ nhặt - Kim Lân miêu tả bóng những người đói
“dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma” [12; 24], chết chóc hiện diện ở khắp
mọi thôn cùng ngõ hẻm. Những con người “đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu
nhau lên, xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ.
Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm
đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường, không khí bao
quanh vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người” [12; 24].
Đói tới mức người ta có thể “nhặt” được vợ như nhặt cái rơm, cái rác nơi đầu

đường xó chợ mà không cần cưới xin theo phong tục. Người con gái dám bỏ qua
cả danh dự, nhân phẩm để theo không một người đàn ông mới chỉ gặp có hai
lần. Chỉ vài ba câu bông đùa ỡm ờ mà anh cu Tràng có được vợ. Tất cả cũng chỉ
vì “đói”, chính quân xâm lược đã gây tội ác, biến giá trị của con người, thân
phận con người trở nên rẻ rúng không bằng đồ vật.
Bọn Nhật không chỉ phá hoại kinh tế, cướp của, mà chúng còn thẳng tay
giết người Trung Quốc. Tác giả không dành nhiều trang viết cho cảnh đầu rơi
máu chảy, cảnh chết chóc diễn ra như thế nào, nhưng chỉ qua vài dòng ngắn
ngủi người đọc vẫn hình dung, như đang tận mắt nhìn thấy cuộc tàn sát đẫm
máu mà người dân Cao Mật phải trải qua khi quân xâm lược kéo đến. Chúng
thẳng tay chém giết đồng loại một cách không thương tiếc. Khi tư lệnh Từ dắt
tay “bố tôi” đi trong cánh đồng cao lương, “hơn ba trăm xác đồng bào nằm
ngổn ngang, người mất tay kẻ cụt chân, máu chảy thấm cả một dải cao lương
16


rộng lớn, biến đất đen dưới gốc cao lương thành một lớp bùn nhày nhụa, khiến
họ phải thụt chân không dám bước nữa” [19; 16]. Cảnh người chết như ngả rạ,
trôi nổi, ngổn ngang cho thấy sự độc ác, thú tính của bọn Nhật. Chưa hết, chúng
còn mượn tay giết người càng cho thấy thủ đoạn thâm độc, coi mạng sống con
người như cỏ rác, không bằng con vật. Chúng bức chủ hàng bán thịt chó dùng
dao lột da cụ La Hán đe dọa mọi người. Chủ cửa hàng ấy là Tôn Ngũ, “người
thấp bé, mình nung núc những thịt, bụng như cái trống, đầu trọc long lóc, mặt
mũi đỏ lừ. Khoảng cách giữa hai con mắt ti hí rất ngắn, mắt chìm sâu ở hai bên
mũi. Tay trái hắn cầm con dao bầu, tay phải xách thùng nước lã, lẩm bẩm đi tới
trước mặt ông già La Hán” [19; 66]. Anh ta chững lại không làm gì liền bị tên
thông ngôn dọa nạt: “Róc cho khéo, róc không khéo sẽ cho chó béc - giê cắn
mày” [19; 67]. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan Tôn Ngũ tiến hành công việc
xẻ thịt ông già. Hành động trên được Mạc Ngôn miêu tả chi tiết: “Tôn Ngũ cầm
lấy dao, tiếp tục lột da bắt đầu từ vết thương trên đầu ông lột xuống, tiếng dao

kêu soàn soạt, hắn lột rất tỉ mỉ. Da đầu ông La Hán tụt xuống. Lộ ra từng tảng
thịt” [19; 70].
Đọc những trang sách của Mạc Ngôn, người đọc không khỏi rùng mình
trước tội ác của quân Nhật. Chiến tranh, bom đạn Nhật không bỏ qua một ai, cả
người lớn - trẻ nhỏ. Gia đình Vương Văn Nghĩa có ba đứa con. Ba đứa con nuôi
bằng cao lương lớn như thổi, đầu to, tai cũng to. Một hôm, hai vợ chồng đi làm
đồng, “ba đứa con ở nhà chơi trong sân, một chiếc máy bay Nhật kêu ù ù, bay
qua xóm. Máy bay “đẻ trứng” rơi trúng sân nhà xé tan ba đứa con ra thành
từng mảnh, mỗi đứa bay về một phía, đứa bị quẳng lên xà nhà, đứa treo lên
ngọn cây đứa còn lại dính chặt vào tường nhà...” [19; 117].
Đội quân của Từ tư lệnh chiến đấu quả cảm nhưng cũng bị Nhật giết hại:
“Trên bờ đê hai bên đường, trong ruộng cao lương, xác người và binh lính nằm
ngổn ngang. Lưu Đại Hiệu vẫn thổi kèn liên tục, máu đỏ chảy ra từ mép, từ lỗ
mũi của anh” [19; 141]. Anh Câm, người dũng cảm nhất, đạt thành tích giết
được hai tên Nhật đã bị ngã “đít bệt xuống mui xe, trên ngực có mấy tia máu
phun ra”, rồi hai anh em nhà họ Phương, Phương Lục trong lúc cúi xuống châm
17


dây dẫn hỏa khẩu súng cối “bụng bị trúng đạn, một mẩu ruột xanh từ từ lòi ra
ngoài”, mặt anh cũng bị “trúng đạn, sống mũi bị bắn dập nát, máu bắn cả vào
mặt bố” [19; 133]. Lưu Đại Hiệu chân bị thương lết những bước khó nhọc. Giết
được mười mấy tên giặc thì thi thể các đội viên cũng “nằm la liệt trên đê, dưới
đê”, đội viên “bị thương nằm rên rỉ trong ruộng cao lương” [19; 134].
Nhân vật nữ Phượng Liên anh dũng chống Nhật cùng vợ Vương Văn
Nghĩa gánh bánh khao quân đã hi sinh nơi chiến trường: “Nhật bắn xuống một
làn đạn dày đặc, ba khẩu súng máy của bọn chúng bắn trên mui xe. Bố nhìn
thấy ngực bà tôi thủng mấy lỗ. Bà kêu lên một tiếng, đầu gục xuống, đòn gánh
rơi đè lên người bà [19; 113]. “Chẳng mấy chốc máu ở ngực bà đã làm ướt cả
đầu, cả cổ bố. Chiếc ngực trắng trẻo của bà bị nhuộm xanh, rồi lại nhuộm đỏ

bởi chính máu của mình [19; 119]. Sau khi Phượng Liên ngã xuống “thì đầu vợ
Vương Văn Nghĩa cũng chảy ra một thứ nước vừa vàng vừa đỏ, nước bắn rõ
thật xa, bắn cả xuống cao lương dưới chân đê. Bố nhìn thấy người đàn bà nhỏ
nhắn ấy bị trúng đạn, lùi một bước, ngã xuống bờ Nam đê, rồi lăn xuống lòng
sông. Gánh canh đậu xanh của chị, thùng thứ nhất đổ, thùng thứ hai cũng đổ,
nước canh lênh láng như máu người anh hùng” [19; 114]. Đi trên đê, Vương
Văn Nghĩa tay cầm cây súng bắn chim, mắt trừng, miệng há, đau khổ vô cùng,
cất tiếng gọi vợ, vừa dứt lời “mấy chục viên đạn xuyên vào bụng làm thủng một
mảng lớn. Những viên đạn có dính ruột bay vun vút qua đầu tư lệnh Từ. Vương
Văn Nghĩa chúc đầu xuống mặt đê, rồi cùng lăn xuống lòng sông, chỗ cách vợ
anh một cái cầu” [19; 116].
Lịch sử đã sang trang, song những nỗi đau mà quân phát xít gây ra đối với
loài người vẫn còn đó. Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, tội ác của quân
phát xít Đức với người Nga cũng rất tàn bạo, mất nhân tính. Tác phẩm Khoa học
căm thù đã viết về tội ác của quân Đức như sau: “Những xóm làng bị đốt trụi,
hàng trăm đàn bà, trẻ em, người già bị bắn chết” [25; 234]. Rồi cảnh: “Trên
những cành cây mọc ở bờ khe, treo lủng lẳng những thân hình đẫm máu không
chân không tay bị lột gần hết da... ở dưới đáy khe có tám người bị giết chất
thành một đống,... một đống thịt lớn bị chặt vụn” [25; 235].
18


Về bản chất tội ác của quân xâm lược là giống nhau. Sự thú tính, giết chết
đồng loại một cách dã man làm dấy lên nỗi đau xót, nhức nhối mãi trong lòng
người đọc.
Như vậy, Cao lương đỏ của Mạc Ngôn đã miêu tả tội ác tày trời của quân
Nhật đối với nhân dân Trung Quốc. Miêu tả tội ác của Nhật, tác giả đã thể hiện
thái độ lên án chiến tranh. Chỉ vì mục đích mở mang bờ cõi, đem tài nguyên của
các nước về làm giàu cho chính quốc mà bọn phát xít Nhật đã gây ra bao cảnh
trái ngang, đau khổ, chết chóc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng tội ác mà quân phát

xít Nhật, Đức và đồng bọn của chúng gây ra cho người dân Trung Quốc, người
Nga và cho toàn nhân loại là không thể tha thứ. Tội ác của chúng khiến trời
không dung, đất không tha. Nhà văn A. Tônxtôi đã từng viết: “Máu đã chảy vì
vẻ đẹp của thế giới. Vẻ đẹp ấy không phải là trò vui chơi, không phải là cái mà
ta vui thích và không phải là bộ áo ngày hội. Vẻ đẹp đó là sự tái tạo và xây dựng
lại thiên nhiên hoang dã với bàn tay và tài năng của con người. Vì cái đó mà ta
đáng sống và đấu tranh” [5; 742]. Vì thế, với tinh thần yêu nước và lòng căm
thù giặc sâu sắc nhân dân Trung Quốc đã vùng lên, đoàn kết một lòng đấu tranh
chống lại quân xâm lược.
1.2.1.2. Cuộc đấu tranh chống Nhật
Trước tội ác cùng hành động tàn bạo của Nhật, người dân nơi đây không
thể nhắm mắt cho qua, “con giun xéo lắm cũng quằn”, họ đã đứng dậy chống lại
quân xâm lược. Cao lương đỏ của Mạc Ngôn đã phản ánh quá trình đấu tranh
chống quân Nhật của nhân dân Trung Quốc thời bấy giờ. Nhân dân Cao Mật
Đông Bắc đã nhất tề đứng lên đập tan âm mưu của địch làm nên cuộc “đại cách
mạng” đưa họ lưu danh muôn đời. Từ những người bình thường thuộc nhiều
tầng lớp khác nhau, chiến tranh xảy ra họ bỗng chốc trở thành anh hùng “tận
trung báo quốc”. Cuộc chiến đấu chống lại quân địch rất khó khăn, gian khổ bởi
họ chỉ là người nông dân quen việc đồng ruộng, chưa được tập luyện công phu,
nhưng với lòng yêu nước và ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược, họ đã bảo vệ
được tấc đất của quê hương.

19


Tinh thần yêu nước của người dân được thể hiện ở mọi tầng lớp, mọi lứa
tuổi không kể người già, em nhỏ, nông dân, binh lính, đội viên, “đoàn quân của
tư lệnh Từ, kể cả người điếc, người câm, người què chỉ có bốn mươi người,
nhưng họ đóng lại ở trong làng làm náo động gà bay, chó nhảy, tựa hồ cả làng
đều là lính” [19; 28]. Tinh thần ấy thấm sâu vào máu thịt của mọi người, ngay

cả người bị thương tật, dị dạng, ốm đau. Đội quân của Từ Chiếm Ngao là những
con người như thế: Bạn cũ của tư lệnh Từ là một người câm - một chân ông bị
thọt ngay từ khi lọt lòng mẹ, đi lại lắc la lắc lư, có cả người điếc, người què. Vợ
chồng Vương Văn Nghĩa có ba đứa con bị máy bay Nhật thả bom giết chết.
Mang trong mình nỗi đau, hai vợ chồng đã xin Từ Chiếm Ngao được gia nhập
đội quân chống Nhật. Đậu Quan - cha “tôi” gia nhập đội quân khi còn ở độ tuổi
thiếu niên. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ gia nhập đội quân
với mục đích chung là chiến đấu chống lại quân Nhật.
Người dân Trung Quốc chiến đấu chống lại quân thù bằng vũ khí thô sơ,
đơn giản: Súng, cái ngắn, cái dài, cả “súng bắn chim”, “kiếm”, có “súng cối”
bắn được viên đạn to bằng quả cân và cả những nông cụ như “răng bừa bằng
sắt”, “cuốc”, “đao”,... Vũ khí mộc mạc thô sơ có gì dùng nấy bởi người dân còn
nghèo nàn, lạc hậu, kinh tế chưa phát triển, đời sống khó khăn. Loại vũ khí được
xem là mạnh nhất, mới nhất và hiện đại nhất là khẩu súng lục Brô - ninh của Từ
tư lệnh thì “đã cũ, nước thép tôi đã hết” [19; 52]. Trái lại, đối thủ của họ được
trang bị toàn những vũ khí tối tân, hiện đại: máy bay thả bom, ô tô gắn súng máy
“đạn bắn ra thành chiếc quạt lửa khổng lồ” [19; 115], lúc hướng về phía Đông
con đường, lúc hướng về phía Tây con đường, những tia đạn bắn vun vút “đạn
xuyên vào đê, từng vòng bụi vang bốc lên, kêu bục cục” [19; 116]. Súng bắn
hiện đại, xe còn hiện đại hơn, Đậu Quan phát hiện những chiếc ô tô “lao vun vút
như sao sa. Phía sau xe là cái đuôi màu vàng dài, trên đầu xe phát ra tia sáng
trắng lia quét lối đi” [19; 110], tiếng động cơ phành phạch nghe như tiếng gió
trước khi trời đổ mưa. Như vậy, so sánh về phương tiện chiến đấu, tương quan
lực lượng đã có sự không cân sức, đội quân của Từ Chiếm Ngao quá ít ỏi “bốn
mươi người”, có người vốn làm ở xưởng rượu cao lương, ngoài ra còn có dân
20


×