BÁO CÁO TỔNG THUẬT HỘI THẢO
“LUẬT DOANH NGHIỆP VÀ LUẬT ĐẦU TƯ 2014 – NHỮNG ĐỔI MỚI
NHẰM HIỆN THỰC HÓA QUYỀN TỰ DO KINH DOANH”
1. Bối cảnh
Nhằm hiện thực hóa và nâng lên tầm cao mới về việc đảm bảo quyền tự do kinh
doanh – một khía cạnh kinh tế quan trọng của nội dung quyền con người được ghi nhận
trong Hiến pháp 2013, Quốc hội đã ban hành hai đạo luật điều chỉnh hoạt động đầu tư
kinh doanh là Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư năm 20141. Hai đạo luật này sẽ
góp phần tạo nên một hàng lang pháp lý để người dân thực hiện quyền tự do đầu tư kinh
doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Trên tinh thần đó, Luật Doanh
nghiệp 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã có những qui định mang tính chất cải cách
sâu rộng và có tính đột phá trên nhiều phương diện và nội dung khác nhau từ thủ tục gia
nhập thị trường, vấn đề quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp cho đến việc nâng cao các
quyền tự chủ khác của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh. Dưới góc độ
khoa học pháp lý, những cải cách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh cần được
kiểm chứng tính hiệu quả thông qua quá trình áp dụng trên thực tiễn và cần có sự nghiên
cứu một cách toàn diện, thấu đáo các luận cứ khoa học có liên quan để đánh giá. Do
vậy, Khoa Luật Thương mại với tư cách là một Khoa chuyên ngành, đảm trách công tác
nghiên cứu khoa học và giảng dạy các môn học có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và
Luật Đầu tư đã tiến hành tổ chức buổi Hội thảo khoa học: “Luật Doanh nghiệp và Luật
Đầu tư 2014 – Những đổi mới nhằm hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh” nhằm
đánh giá một cách toàn diện các cơ sở lý luận và thực tiễn về những cải cách nhằm hiện
thực hóa quyền tự do kinh doanh của hai đạo luật này.
2. Mục tiêu của Hội thảo
Buổi Hội thảo nhằm hướng đến và đạt được các mục tiêu sau đây:
- Một là, Hội thảo hướng đến đi sâu phân tích những điểm mới của Luật Doanh
nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có tính chất cải cách sâu rộng nhìn từ góc độ hiện thực hóa
quyền tự do kinh doanh theo tinh thần Hiến pháp 2013 và đánh giá những tác động đến
môi trường kinh doanh trong thời gian tới từ những điểm đổi mới của hai đạo luật này.
- Hai là, Hội thảo nhằm hướng đến tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học trình
bày và trao đổi với giới luật gia các kết quả nghiên cứu về Luật Doanh nghiệp và Luật
Đầu tư 2014. Trên cơ sở đó, các luận cứ khoa học thu được từ quá trình thảo luận tại
Hội thảo còn góp phần gợi mở các định hướng cho các nghiên cứu tiếp theo về các đạo
luật này trong thời gian tới.
Luật Đầu tư năm 2014 (Luật số 67/2014/QH13) thay thế Luật Đầu tư năm 2005 (Luật số 59/2005/QH11) và Luật
Doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 68/2014/QH13) thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Luật số 60/2005/QH11)
và cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015.
1
- Ba là, Hội thảo hướng đến việc thống nhất các quan điểm khoa học về các nội
dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 nhằm phục vụ cho công tác
giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa Luật thương mại.
- Bốn là, Hội thảo còn hướng đến tìm kiếm và đưa ra các giải pháp pháp lý nhằm
hỗ trợ cho hành trình đưa các luật mới này vào thực tiễn đời sống kinh doanh, đáp ứng
sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh
thông thoáng hơn và hiệu quả hơn.
3. Những cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 dưới góc độ
hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh được bàn luận tại Hội thảo
Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nêu trên, các đại biểu tham dự buổi Hội thảo
đã dành toàn bộ thời gian để cùng nhau bàn bạc, thảo luận, đi sâu phân tích một cách
toàn diện các cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 dưới góc độ hiện
thực hóa quyền tự do kinh doanh theo tinh thần Hiến pháp 2013.
3.1. Các cải cách liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường
Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh trong thời gian qua còn
tồn tại khá nhiều điểm bất cập, trong đó các qui định của pháp luật về thủ tục gia nhập
thị trường của nhà đầu tư đang được xem là một trong những khâu yếu nhất, tốn kiếm
nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, việc cải cách thủ tục gia nhập thị
trường là vấn đề cốt lõi và trọng tâm khi xây dựng và ban hành Luật Doanh nghiệp và
Luật Đầu tư mới. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã dành phần lớn thời gian để các cử tọa trao
đổi, thảo luận về vấn đề này. Các quan điểm khoa học tại Hội thảo về những cải cách
liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014
tập trung cơ bản vào nhóm các nội dung sau đây:
3.1.1. Nhóm các cải cách về đăng ký doanh nghiệp
Nhóm các cải cách về đăng ký doanh nghiệp được xem là khâu đột phá có tính
chất cơ bản nhất của Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, nhóm các cải cách này bao gồm
các góc độ sau đây:
- Thứ nhất, cải cách nhằm chuyển hướng tiếp cận từ “tiền kiểm” sang “hậu
kiểm” trong thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Việc chuyển hướng tiếp cận này đã được
cụ thể hóa một cách triệt để trong các quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, góp phần
tạo dựng khung pháp lý minh bạch hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của môi trường kinh
doanh. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và
kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của
cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các đại
biểu tham dự Hội thảo cũng có nhiều ý kiến tranh luận về tính hiệu quả trong công tác
hậu kiểm, đặc biệt là công tác hậu kiểm hoạt động của doanh nghiệp hiện nay còn nhiều
qui định chồng chéo, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa cao, đồng
thời chưa có cơ chế xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình
giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, các cải cách này có thể dẫn đến những
rủi ro cao hơn cho môi trường kinh doanh nếu công tác hậu kiểm không phát huy được
vai trò và hiệu quả ở mức độ cần thiết.
- Thứ hai, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ yêu cầu về điều kiện kinh doanh
tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định tách bạch
giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành,
nghề kinh doanh có điều kiện 2. Đa số các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng đây là một
bước cải cách lớn nhất, quan trọng nhất trong thủ tục gia nhập thị trường của doanh
nghiệp. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình
thành lập, hoạt động kinh doanh, minh bạch hóa môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, các
ý kiến tại Hội thảo cũng đưa ra các cảnh báo khi thủ tục thành lập doanh nghiệp trở nên
quá dễ dàng, đặc biệt là trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều này có thể gây
rủi ro cho các đối tác giao dịch, cũng như cho bên thứ ba trong quan hệ với doanh nghiệp.
- Thứ ba, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ việc ghi ngành, nghề đầu tư kinh
doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp3. Để thể chế hóa đầy đủ quyền tự
do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp mới, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chuyển từ
nguyên tắc tự do kinh doanh những gì ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Điều này xét dưới
góc độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh, là một bước cải cách quan trọng nhất, có tính
chất “cách mạng” nhất trong Luật Doanh nghiệp 2014. Quy định này là sự khẳng định
rõ ràng quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được tự do kinh doanh
trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm và doanh nghiệp có quyền chủ động
lựa chọn ngành, nghề, chủ động điều chỉnh ngành, nghề kinh doanh 4.
Tuy nhiên, Hội thảo cũng cho rằng cải cách này là chưa thật sự triệt để, vì khi
đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải kê khai trên Giấy đề nghị đăng ký các
ngành, nghề và mã ngành tương ứng5. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, khi doanh
nghiệp kinh doanh các ngành nghề ngoài các ngành nghề đã đăng ký trước đó, doanh
nghiệp phải thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh6. Do vậy, vấn đề pháp lý đặt ra
khi doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề không thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh
nhưng chưa thực hiện việc thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Các ý kiến tại
Hội thảo đã chỉ ra rằng nếu vấn đề này xảy ra thì chỉ dẫn đến hậu quả pháp lý hành
chính, theo đó doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Còn hợp đồng, giao dịch của doanh
Điều này được thể hiện rõ trong các qui định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ Điều 20 đến Điều 23 của Luật
Doanh nghiệp 2014.
3
Xem Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014
4
Xem Điều 7 khoản 1, 2 Luật doanh nghiệp 2014
5
Xem Điều 24 Luật doanh nghiệp 2014
6
Xem Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014
2
nghiệp xác lập trong phạm vi các ngành, nghề mới đó không dẫn đến hậu quả hợp đồng,
giao dịch vô hiệu7.
Bên cạnh các vấn đề pháp lý nêu trên, liên quan đến thủ tục đăng ký doanh nghiệp,
có ý kiến cho rằng cần quy định thêm trường hợp “Doanh nghiệp thực tế”, theo đó cá
nhân, tổ chức có thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không nhất thiết phải
đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quan điểm này dựa vào học thuyết về “Thương nhân
thực tế”. Theo đó, thương nhân thực tế từ lâu đã được pháp luật của nhiều nước thừa
nhận và cũng đã được thừa nhận ở Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn8. Việc thừa
nhận thương nhân thực tế là phù hợp với thông lệ quốc tế và nhất là phù hợp với thực
tiễn hiện nay. Tuy nhiên, đa số ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng đây là quan điểm khoa
học có tính mới cao, cần được xem xét một cách cẩn trọng trong điều kiện thực tế về
kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, ý niệm về
“Doanh nghiệp thực tế” không nên vội vàng áp dụng, có thể dẫn đến những khó khăn
cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư kinh doanh và những rủi ro không
thể lường trước cho môi trường kinh doanh.
3.1.2. Nhóm các cải cách về đăng ký đầu tư
Cùng với các cải cách về đăng ký doanh nghiệp, các cải cách về đăng ký đầu tư
được đánh giá là những cải cách có tính chất tích cực và thông thoáng, góp phần quan
trọng vào công cuộc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các
cải cách về đăng ký đầu tư được các diễn giả đề cập đến tại Hội thảo bao gồm:
- Thứ nhất, Luật Đầu tư 2014 bãi bỏ việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư đối với các dự án của nhà đầu tư trong nước 9. Luật Đầu tư 2014 quy định các dự
án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư10. Hội thảo thống nhất cho rằng đây là một trong những cải cách rất quan trọng
và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của hoạt động đầu tư trong nước. Việc bãi bỏ hoàn
toàn việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này sẽ góp phần to lớn vào việc bảo đảm
và nâng cao hơn nữa việc thực hiện quyền tự do kinh doanh, làm cho hoạt động đầu tư
kinh doanh trở nên linh động, thích ứng với sự thay đổi thường xuyên của nền kinh tế,
qua đó các nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh.
Ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ ra rằng hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Hội
đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án kinh tế, theo đó
“nếu khi ký kết hợp đồng kinh tế, một trong các bên chưa có đăng ký kinh doanh mà trong quá trình thực hiện hợp
đồng kinh tế giữa các bên có phát sinh tranh chấp và đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp, bên chưa có đăng
ký kinh doanh khi ký kết hợp đồng kinh tế vẫn chưa có đăng ký kinh doanh để thực hiện công việc được các bên
thỏa thuận trong hợp đồng, thì hợp đồng kinh tế này… thuộc trường bị coi là vô hiệu toàn bộ” đã không còn giá
trị và cơ sở để áp dụng.
7
Xem: Trần Đại Khâm, Án lệ Vựng tập 1948 - 1967: Dân sự, điền địa, lao động, nhà phố, thương mãi, hình sự,
quân sự, hành chánh, Nhà sách Khai trí, Sài Gòn, 1968, tr. 149.
9
Điều 3 khoản 15 Luật Đầu tư 2014: Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế
không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
10
Điều 36 khoản 2 Luật Đầu tư 2014
8
- Thứ hai, Luật Đầu tư 2014 đã thu hẹp phạm vi cấp Giấy chứng nhận đăng ký
đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư 2014 đã có sự phân
định rất rõ ràng giữa dự án của nhà đầu tư nước ngoài thuần túy theo nguyên tắc quốc
tịch11 và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài12. Theo đó, chỉ các dự án của nhà đầu
tư nước ngoài là những dự án đương nhiên thuộc diện phải được cấp Giấy chứng nhận
đăng ký đầu tư13. Còn dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì tùy từng
trường hợp mà có thể cấp hoặc không cần phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 14.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2014 đã cải cách theo hướng thừa nhận các nhà đầu tư nước
ngoài khi đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp tại Việt
Nam được trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của
pháp luật về doanh nghiệp mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng
ký đầu tư theo Luật Đầu tư15. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ
phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh
có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc việc góp vốn, mua cổ phần,
phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều
23 của Luật Đầu tư 2014 nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế thì nhà
đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
vào tổ chức kinh tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ để nhà đầu tư thực hiện thủ tục thay đổi thành viên/cổ
đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp 16.
- Thứ ba, cải cách về quy trình thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước
ngoài. Luật Đầu tư 2014 (cùng với Luật Doanh nghiệp 2014) đã tách bạch thủ tục đăng
ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà
đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh
theo qui định chung của Luật doanh nghiệp17. Cải cách này đã khắc phục được các hạn
chế và bất cật của quy định “Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh” như trong thời gian trước đây theo quy định của Luật Đầu tư 200518.
3.2. Nhóm các cải cách về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và
điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư 2014
Liên quan tới nhóm các cải cách này, diễn giả được phân công đã trình bày các
kết quả nghiên cứu về quá trình phát triển của các quy định về kinh doanh có điều kiện
Điều 3 khoản 14 Luật Đầu tư 2014: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành
lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
12
Điều 3 khoản 12 Luật Đầu tư 2014: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư
nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
13
Điều 36 khoản 1 Luật Đầu tư 2014
14
Xem thêm Điều 23 và Điều 36 Luật đầu tư 2014
15
Điều 26, khoản 4 Luật Đầu tư 2014
16
Điều 26 khoản 1,3 Luật Đầu tư 2014
17
Điều 22 Luật Đầu tư 2014
18
Điều 50 khoản 1 Luật Đầu tư 2005
11
theo pháp luật Việt Nam như một tiến trình từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật
nhằm bảo đảm quyền con người. Kết quả nghiên cứu này đã lý giải rằng, việc quy định
về điều kiện kinh doanh nhằm giúp xác định ranh giới của quyền tự do kinh doanh, giúp
cho việc thực thi quyền của các chủ thể kinh doanh được thực hiện trong một giới hạn
không làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể khác, từ đó giúp tạo
lập và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bên cạnh đó, Luật đầu tư 2014 được đánh giá đã thực hiện một công việc chưa
có tiền lệ là đã tập hợp và minh thị rõ ràng danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh
có điều kiện19. Ngoài ra, việc liệt kê được các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều
kiện trong một văn bản pháp luật mang tính pháp điển hóa cao, một mặt tạo thuận lợi
cho việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân, mặt khác giúp cho việc kiểm
tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về điều kiện kinh doanh cũng thuận lợi hơn, giúp
bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản của con người như quyền được sống trong một môi
trường lành mạnh, quyền được bảo vệ về an ninh, sức khoẻ, quyền được thông tin, quyền
được đối xử công bằng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 chỉ đưa ra danh mục các ngành
nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện một cách chung chung, do đó tương ứng với mỗi
ngành nghề mang tính chung đó, có thể bao gồm nhiều nhóm ngành, nghề nhỏ có liên
quan, và do vậy trong quá trình áp dụng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 267 ngành, nghề
như qui định trong Luật Đầu tư 2014.
3.3. Nhóm các cải cách về quyền thành lập, quản lý và góp vốn vào doanh
nghiệp
Một trong những yếu tố cấu thành quyền tự do kinh doanh đó là quyền tự do
thành lập, quản lý và góp vốn vào doanh nghiệp, quyền này được quy định tại Điều 18
Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2014 đã cấm người đang bị truy
cứu trách nhiệm hình sự thành lập và quản lý doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này,
nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng nếu nhìn nhận quyền tự do kinh doanh nói chung,
quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nói riêng là một yếu tố của quyền con người
thì việc cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự thực hiện quyền này là không
hợp lý. Người đang trong quá trình bị truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn được xem là
người vô tội, do vậy các quyền con người cơ bản của họ không thể bị tước đoạt.
Liên quan đến quyền góp vốn vào doanh nghiệp, có ý kiến tại Hội thảo cho rằng,
góp vốn thành lập doanh nghiệp (không tham gia quản lý doanh nghiệp) và góp vốn,
mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,
công ty hợp danh xét về bản chất là giống nhau. Trong cả hai trường hợp, chủ thể không
tham gia quản lý doanh nghiệp mà chỉ được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp,
cổ phần được mua. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2014 lại có sự quy định khác nhau
Xem Phụ lục IV – Luật Đầu tư 2014: Số lượng ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện giảm từ khoảng 386
ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xuống còn 267 ngành, nghề.
19
về vấn đề này theo khoản 2 và khoản 3 Điều 18 là đều chưa hợp lý và thuyết phục, vô
hình chung đã làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân.
3.4. Nhóm các cải cách về con dấu của doanh nghiệp và về người đại diện
theo pháp luật của doanh nghiệp
3.4.1. Cải cách về con dấu của doanh nghiệp
Một trong những cải cách nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2014 là việc cải cách
về con dấu của doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung được thảo luận sôi nổi
tại Hội thảo, trong đó vấn đề được quan tâm tranh luận nhiều nhất là về tính hiệu quả
của các cải cách về con dấu, cũng như liệu rằng doanh nghiệp có thể không cần có con
dấu hay không. Các diễn giả đều cho rằng cơ chế quản lý nhà nước đối với con dấu
doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 đã thay đổi theo hướng cởi mở, tạo điều
kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp20. Sự thay đổi về quyền của doanh nghiệp đối với
con dấu là phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhằm tạo ra một môi trường kinh
doanh cởi mở, thông thoáng hơn, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của doanh
nghiệp.
Tuy nhiên, các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn
còn những điểm chưa rõ ràng, có thể làm hạn chế mục tiêu của việc cải cách về con dấu
của doanh nghiệp. Có quan điểm cho rằng, quyền quyết định về số lượng con dấu của
doanh nghiệp được hiểu là quyền quyết định không sử dụng con dấu hay không cần có
con dấu. Tuy nhiên, đa số các ý kiến tại Hội thảo đã chỉ ra quyền của doanh nghiệp được
tự quyết về số lượng con dấu không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được quyền
không có con dấu. Quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép doanh nghiệp
tự quyết định về số lượng con dấu chứ không quy định doanh nghiệp có quyền tự quyết
có con dấu hay không. Ngay quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014
cũng đã bao hàm nội dung doanh nghiệp phải có con dấu. Bên cạnh đó, nhiều quy định
khác trong Luật doanh nghiệp 2014 cũng minh thị rõ rằng doanh nghiệp phải có con
dấu.
3.4.2. Cải cách quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Trong những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 phải kể đến các quy định
về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH và công ty cổ phần. Việc mở rộng
quyền tự do cho doanh nghiệp trong vấn đề quyết định số lượng, quyền hạn, trách nhiệm
của người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH và công ty cổ phần được coi là
một bước đột phá, thể hiện tư duy thông thoáng về quyền của doanh nghiệp dưới góc độ
tự do kinh doanh.
Về số lượng người đại diện theo pháp luật, theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh
nghiệp 2014 thì công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại
20
Xem Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014
diện theo pháp luật. Về chức danh quản lý của người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ
công ty cũng có toàn quyền quy định. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng trao
cho doanh nghiệp quyền quyết định quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp
luật tại Điều lệ. Có nghĩa rằng Điều lệ công ty có thể giới hạn thẩm quyền đại diện cho
từng chức danh quản lý là người đại diện theo pháp luật, và người đó chỉ chịu trách
nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của mình. Việc giới hạn này được hiểu là có giá trị
trước pháp luật và người thứ ba giao dịch với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ý kiến tại Hội thảo đã chỉ rõ rằng, sẽ không chính xác nếu cho rằng
đây lần đầu tiên pháp luật doanh nghiệp Việt Nam quy định một doanh nghiệp có thể có
nhiều người đại diện theo pháp luật, bởi vì ở công ty hợp danh đã được quy định từ Luật
Doanh nghiệp năm 1999 thì mỗi thành viên hợp danh đều là một người đại diện theo
pháp luật của công ty. Và nếu cho rằng quy định như vậy là trái với chế định pháp nhân
hiện hành, vì theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì người đại diện theo pháp
luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân (Điều 91, 141) với hàm ý chỉ duy nhất
một người, thì điều này đã có tiền lệ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định công ty
hợp danh có tư cách pháp nhân.
3.5. Nhóm cải cách về quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao quyền tự chủ
của doanh nghiệp
3.5.1. Cải cách về mô hình quản trị công ty
Đối với công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ, thì công ty được chủ
động lựa chọn tổ chức quản lý theo một trong hai mô hình: có Hội đồng thành viên, hoặc
có Chủ tịch công ty21. Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2014 quy định giới hạn thành viên
Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm gồm từ 03 đến 07
thành viên. Ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc giới hạn số người đại diện này là không
hợp lý, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của chủ sở hữu công ty. Về bản chất, đây
là quan hệ ủy quyền nên việc cử bao nhiêu người là quyền của người ủy quyền, tức chủ
sở hữu.
Đối với công ty cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2014 đề cập đến 3 mô hình tổ chức
quản lý trong công ty. Bao gồm:
Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám
đốc/Tổng giám đốc. Trong mô hình này việc thành lập Ban kiểm soát với tư
cách là cơ quan kiểm tra giám sát độc lập là bắt buộc.
Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám
đốc. Trong mô hình này, có hay không có Ban kiểm soát là do công ty quyết
định. Mô hình này chỉ áp dụng cho công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và
các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty.
21
Xem Điều 78 Luật doanh nghiệp 2014
Mô hình 3: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám
đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là
thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị
Như vậy có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2014 đã cho phép công ty cổ phần tự
do lựa chọn hình thức tổ chức quản lý công ty theo mô hình "đơn hội đồng" hoặc "đa
hội đồng" theo cách thức quản trị công ty của các dòng họ pháp luật tiêu biểu trên thế
giới.
3.5.2. Cải cách về mở rộng quyền quyết định cho Điều lệ doanh nghiệp
Về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy quản lý công ty, về cơ
bản được Luật Doanh nghiệp 2014 quy định theo hướng mở. Theo đó, bên cạnh những
thẩm quyền đã được Luật định, công ty có thể quy định thêm những quyền và nghĩa vụ
khác phù hợp với nhu cầu quản lý của mình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, mặc dù
Luật Doanh nghiệp 2014 giành quyền tự chủ cho công ty rất lớn trong việc tổ chức bộ
máy quản lý cũng như quy định các vấn đề về chức năng, quyền và nhiệm vụ của các
cơ quan quản lý trong công ty nhưng không phải tất cả các nội dung liên quan đến tổ
chức, hoạt động của những cơ quan này. Có một số vấn đề vì lợi ích của chủ thể khác
nhau, Luật không dành cho công ty quyền được tự quyết mà đặt quyền của doanh nghiệp
trong một khuôn khổ nhất định như vấn đề về thủ tục thông qua giao dịch có khả năng
tư lợi, điều kiện để được giữ các chức danh quản lý trong công ty...
3.5.3. Cải cách về cơ chế thông qua quyết định của công ty
Cơ chế thông qua các quyết định của công ty là một trong những nội dung quan
trọng nhất của vấn đề quản lý, điều hành công ty. Việc thông qua các quyết định của
công ty phải đảm bảo được hai yêu cầu: tạo sự chủ động, linh hoạt cho hoạt động cho
công ty bởi vì những quyết định này, đặc biệt là các quyết định liên quan đến hoạt động
kinh doanh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, lợi ích của công ty nhưng đồng thời phải
bảo vệ được quyền lợi của chính các thành viên, cổ đông, đặc biệt là các thành viên, cổ
đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp 2014 đã giảm các tỷ lệ họp hợp lệ, tỷ lệ thông qua
quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông so với Luật Doanh nghiệp
2005 để phù hợp hơn với thực tiễn, thông lệ quốc tế.22
Đa số các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo môi
trường pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, thành viên
công ty. Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép các công ty tự chủ hơn trong việc lựa chọn
mô hình tổ chức quản trị cũng như quy định các nguyên tắc quản trị cụ thể phù hợp với
thực tế hoạt động của từng công ty.
4. Những bất cập, hạn chế trong các cải cách của Luật doanh nghiệp và Luật
đầu tư 2014 nhìn dưới góc độ hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh và những
22
Xem các Điều 59, 60, 141, 144 Luật Doanh nghiệp 2014.
khuyến nghị
Những cải cách của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 mang nhiều tính
đột phá, góp phần to lớn vào quá trình đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên,
những cải cách này còn bộc lộ một số điểm bất cập và hạn chế sau đây mà qua quá trình
thảo luận tại Hội thảo đã chỉ ra, có thể kể đến như sau:
- Một là, đối với ngành, nghề kinh doanh. Như đã trình bày, Luật Doanh nghiệp
2014 quy định nếu doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề ngoài phạm vi các ngành,
nghề đã kê khai trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải làm thủ
tục thông báo đến Cơ quan đăng ký kinh doanh. Hội thảo cho rằng các qui định này là
không thật sự cần thiết, gây thêm nhiều thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp và do vậy cải
cách về ngành, nghề kinh doanh chưa thật sự triệt để. Từ đó, các ý kiến tại Hội thảo đều
thống nhất rằng để việc cải cách này được thật sự triệt để, đảm bảo hiện thực hóa tối đa
quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2014 nên bãi bỏ qui định về kê khai ngành,
nghề kinh doanh trên Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và trên Điều lệ doanh nghiệp.
- Hai là, về việc nộp Phiếu lý lịch tư pháp và vấn đề cấm người đang bị truy
cứu trách nhiệm hình sự góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp. Luật Doanh
nghiệp 2014 qui định khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong một số trường hợp, Cơ
quan đăng ký kinh doanh có thể yêu cầu người đăng ký nộp Phiếu lý lịch tư pháp 23. Về
vấn đề này, nhiều thành viên tham gia Hội thảo cho rằng qui định “lập lờ” như vậy có
thể tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước sẽ tùy tiện áp dụng, gây thêm nhiều khó khăn,
rối rắm cho người thành lập doanh nghiệp. Do vậy, khuyến nghị của Hội thảo là qui định
này cần được bãi bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho quá trình gia nhập thị
trường của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc suy đoán vô tội, việc Luật
Doanh nghiệp 2014 cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự góp vốn thành lập
và quản lý doanh nghiệp rõ ràng là hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Từ đó, Hội
thảo cũng khuyến nghị rằng Luật Doanh nghiệp 2014 cần sớm bãi bỏ qui định cấm này
nhằm nâng cao và bảo đảm hơn nữa quyền tự do kinh doanh của công dân.
- Ba là, các cải cách về con dấu doanh nghiệp chưa thiệt sự triệt để, mặt khác
có thể gây ra những rắc rối mới về việc sử dụng con dấu trên thực tế. Việc Luật Doanh
nghiệp 2014 yêu cầu trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con
dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia
về đăng ký doanh nghiệp. Quá trình này làm mất thêm nhiều thời gian và chi phí gia
nhập thị trường của doanh nghiệp. Hội thảo khuyến nghị rằng Luật Doanh nghiệp 2014
cần hướng đến bãi bỏ hẳn việc sử dụng con dấu, và trao quyền hoàn toàn tự quyết cho
doanh nghiệp. Qua đó bãi bỏ thủ tục thông báo và cấp Giấy chứng nhận mẫu dấu như
hiện nay.
23
Xem khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014
- Bốn là, cải cách quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp 2014 trao quyền tự chủ rất cao cho Điều lệ doanh nghiệp quy định
về người đại diện theo pháp luật. Nếu như Điều lệ không được quy định rõ ràng, cụ thể
thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của đối tác và bên
thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp, dẫn đến việc các doanh nghiệp có thể lợi dụng,
cố tình quy định về phạm vi thẩm quyền không rõ ràng giữa những người đại diện theo
pháp luật để giải thích theo hướng có lợi cho mình, gây thiệt hại cho bên thứ ba. Bên
cạnh đó, nếu Điều lệ không quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người đại diện, tức
không làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng người đại diện thì có thể dẫn đến sự “đấu
đá”, tranh giành quyền lực trong công ty. Do vậy, khuyến nghị của Hội thảo là Luật
Doanh nghiệp cần có cơ chế kiểm soát, quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh
nghiệp đối với bên thứ ba, đặc biệt là khi bên thứ ba ngay tình không thể biết các ràng
buộc về phạm vi đại diện của từng người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp.
- Năm là, các cải cách về quản trị công ty và vấn đề tự do hợp đồng trong hoạt
động của doanh nghiệp. Hội thảo khuyến nghị rằng, việc Luật Doanh Nghiệp 2014 trao
quá nhiều quyền cho Điều lệ công ty quy định theo hướng tự do, kể cả quy định về tỷ lệ
thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông có thể ảnh
hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên/cổ đông thiểu số. Bởi lẽ, Điều lệ
công ty dễ dàng bị chi phối và xây dựng theo ý chí của các thành viên/cổ đông lớn. Do
vậy, pháp luật về quản trị công ty bên cạnh việc tạo sự chủ động, tự do cho các nhà đầu
tư bằng việc tôn trọng những thỏa thuận của họ về việc tổ chức, quản lý nội bộ công ty
nhưng đồng thời cũng cần có những hạn chế nhất định cho sự tự chủ đó bằng những giới
hạn Luật định nhằm bảo đảm lợi ích của thành viên/cổ đông thiểu số cũng như của các
chủ thể khác có thể bị ảnh hưởng từ việc quản lý, điều hành công ty. Bên cạnh đó, ý
kiến tại Hội thảo còn chỉ ra rằng nhiều điểm mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu
tư 2014 cũng có tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến các vấn đề pháp lý của
hợp đồng giữa các doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải biết cách sử dụng chúng
đúng cách để có thể có được lợi ích mà các Luật này mong muốn đem lại cho doanh
nghiệp.
- Sáu là, Luật Đầu tư 2014 có xu hướng giảm nhẹ thủ tục cho các nhà đầu tư
trong nước nhưng lại gia tăng thêm sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các dự án của
nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các diễn giả nhấn mạnh rằng quy định mọi dự án của
nhà đầu tư nước ngoài đều phải thông qua thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
là không cần thiết. Theo đó, chỉ những dự án đầu tư có điều kiện, chúng ta mới cần gia
tăng tính kiểm soát thông qua thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, còn những
dự án còn lại nên để nhà đầu tư nước ngoài tự do thực hiện trong khuôn khổ Luật Doanh
nghiệp và các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó nên bỏ hẳn thủ tục thông báo theo
Luật Đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức
kinh tế, mà nên áp dụng thống nhất thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông theo
Luật Doanh nghiệp cho tất cả các trường hợp đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn
góp vào tổ chức kinh tế. Có như vậy chúng ta mới đảm bảo tối đa quyền tự do kinh
doanh và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
- Và cuối cùng, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư còn quá phức tạp và kéo
dài. Theo đó không chỉ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà cả UBND cấp tỉnh cũng có
quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, số lượng các dự án thuộc diện chấp
thuận chủ trương còn quá nhiều 24, và hồ sơ, trình tự còn quá phức tạp, do nhiều bộ,
ngành liên quan tham gia thẩm định 25, thời gian thẩm định kéo dài. Do đó, Hội thảo
khuyến nghị rằng nên giảm bớt số lượng và thời gian thực hiện thủ tục thẩm định chấp
thuận chủ trương đầu tư nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận
lợi cho các nhà đầu tư.
5. Kết luận
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực với cải cách thông thoáng,
có tính chất mạnh mẽ và sâu rộng không chỉ về thủ tục hành chính liên quan đến đăng
ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư, mà còn liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động
của doanh nghiệp cả về ngành nghề, điều kiện kinh doanh, vấn đề quản trị công ty, tái
cấu trúc doanh nghiệp. Với tinh thần cải cách mạnh mẽ đó, hai đạo luật này được kỳ
vọng sẽ tạo ra cú hích to lớn thúc đẩy môi trường kinh doanh phát triển, qua đó hiện
thực hóa quyền tự do kinh doanh, quyền con người trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên,
mọi cải cách đều không thể tránh khỏi những trở ngại, bất cập. Những cải cách trong
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 vẫn chưa đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng
thật sự của môi trường kinh doanh. Do vậy, thiết nghĩ trong thời gian tới cần có những
bước sửa đổi, bổ sung thông qua công tác nghiên cứu và tổng kết các đánh giá từ thực
tiễn kinh doanh để hai đạo luật này thật sự đáp ứng nhu cầu về một môi trường kinh
doanh thông thoáng, minh bạch và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc thực thi những quyền
tự do kinh doanh theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và các đạo luật này trong thực tế
cũng đòi hỏi sự thay đổi mang tính đột phá trong quan điểm và cách làm việc của cơ
quan nhà nước, đặc biệt là các cán bộ có thẩm quyền trong quá trình thực hiện công tác
quản lý nhà nước về doanh nghiệp. Chính điều này là một nhân tố quyết định việc hiện
thực hoá các quy định mới tiến bộ của các đạo luật này, góp phần bảo vệ và nâng cao
các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực kinh tế./.
(Bài: Từ Thanh Thảo – Bùi Thị Thanh Thảo)
24
25
Xem Điều 30,31,32 Luật Đầu tư 2014
Xem Điều 33,34,35 Luật Đầu tư 2014