Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN: TÌNH THÁI TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (224.15 KB, 25 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
------------

LÊ THỊ TUYẾT

TÌNH THÁI TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN HUY THIỆP

Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 60.20.02.40

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Kim Phượng

HÀ NỘI, 2014


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Là một trong hai thành phần nghĩa quan trọng của câu, nghĩa tình thái luôn là vấn
đề nhận được sự quan tâm tìm hiểu chuyên sâu của giới nghiên cứu ngôn ngữ. Trong hệ
thống từ loại tiếng Việt có một nhóm từ có ý nghĩa rất lớn trong việc thể hiện nghĩa tình
thái, đặc biệt là những nội dung như thái độ, tình cảm, cách đánh giá của người nói đối
với vấn đề được nói tới hoặc đối với người đối thoại, đó là các tình thái từ.
Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học mới lạ trong làng văn Việt Nam
sau 1975. Trong hệ thống ngôn từ được Nguyễn Huy Thiệp sử dụng có sự góp mặt
không nhỏ của các tình thái từ và chúng đem lại những hiệu quả nghệ thuật đặc sắc
và giá trị cho tác phẩm của nhà văn. Từ đó, chúng tôi lựa chọn và tiến hành nghiên
cứu đề tài Tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.


2. Lịch sử vấn đề
Lịch sử nghiên cứu vấn đề tình thái
Vấn đề tình thái nhận được sự quan tâm tìm hiểu của đông đảo các nhà nghiên
cứu trong và ngoài nước. Có thể kể đến các tác giả nước ngoài như B. Gak, C. Bally,
V. Vinogradov, O.B. Xirotinina, N. Chomsky, J. Lyons, F. Palmer… và các tác giả
Việt Nam như Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thị Thìn, Nguyễn Văn
Hiệp, Trần Kim Phượng…
Những nghiên cứu về tình thái từ
Có nhiều tác giả đề cập đến tình thái từ và nghiên cứu chuyên sâu về từ loại
này: Nguyễn Kim Thản [33], Hữu Quỳnh [30], Diệp Quang Ban [3], Lê Biên [4],
Nguyễn Anh Quế [29], Bùi Minh Toán [36], Phan Mạnh Hùng [15], Nguyễn Thị
Lương [20], Phạm Hùng Việt [40]…
Những nghiên cứu về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã được quan tâm và nghiên cứu trên nhiều
phương diện. Ở đây, chúng tôi chỉ điểm lại những bài viết và công trình nghiên cứu
có liên quan đến đề tài luận văn: Nguyễn Văn Đông (2012), Lời văn nghệ thuật
Nguyễn Huy Thiệp, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn
Thành Nam (2006), Ngôn từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Luận văn thạc sĩ
khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội,...

1


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm ra, phân tích đặc điểm của các tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp và chỉ ra vai trò của chúng đối với việc biểu đạt nội dung và nghệ thuật trong
các truyện ngắn của ông.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Thống kê, phân loại, miêu tả các tình thái từ.

- Làm rõ dấu hiệu nhận diện các tình thái từ đối với những trường hợp đa từ loại.
- Phân tích, miêu tả tình thái từ trong việc biểu thị các hành vi ngôn ngữ, trong
mối quan hệ với đối tượng tham gia giao tiếp.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Tình thái từ trong 46 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Chỉ nghiên cứu tình thái từ, không nghiên cứu các từ loại khác.
- Chỉ nghiên cứu tình thái từ trong Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn, Nxb Hội
nhà văn, 2005.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Thủ pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp phân tích, miêu tả ngôn ngữ
- Phương pháp phân tích diễn ngôn
6. Đóng góp của luận văn
6.1. Về mặt lí luận
Làm sáng tỏ vai trò của tình thái từ đối với một văn bản cụ thể.
6.2. Về mặt thực tiễn
Vận dụng các kiến thức ngôn ngữ học để đọc - hiểu một tác phẩm văn học theo
hướng tích hợp.
7. Cấu trúc luận văn
Cấu trúc của luận văn gồm có phần mở đầu, phần nội dung (gồm 3 chương),
kết luận. Ngoài ra, luận văn còn có mục lục, tài liệu tham khảo.

2


CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Vị trí của tình thái từ trong hệ thống từ loại tiếng Việt
1.1.1. Hệ thống từ loại tiếng Việt

1.1.1.1. Thực từ
* Khái niệm: thực từ là những từ có “nghĩa thực”, dùng để gọi tên các sự vật,
hoạt động, đặc điểm, tính chất…
* Đặc điểm của thực từ:
- Về mặt ý nghĩa: thực từ có ý nghĩa từ vựng.
- Về khả năng kết hợp: thực từ có thể làm thành tố chính trong một kết hợp từ
với các từ làm thành tố phụ đứng chung quanh.
- Chức năng: thực từ có thể đảm nhiệm vai trò của thành tố chính và thành tố
phụ trong cấu tạo của cụm từ và của câu.
- Phân loại: Hệ thống thực từ tiếng Việt gồm: danh từ, động từ, tính từ, số từ,
đại từ.
1.1.1.2. Hư từ
* Khái niệm: hư từ là những từ không mang ý nghĩa thực mà có ý nghĩa ngữ
pháp, chúng không có chức năng định danh.
* Đặc điểm:
- Về ý nghĩa khái quát: hư từ bổ sung một ý nghĩa ngữ pháp nào đó cho thực từ.
- Về khả năng kết hợp, hư từ có thể: dùng kèm với thực từ; dùng kết nối các thực
từ; tham gia vào các kiểu kiến trúc cú pháp, làm công cụ diễn đạt mục đích phát ngôn.
- Về chức năng:
(1) Làm thành tố phụ bổ sung ý nghĩa nào đó cho thực từ.
(2) Biểu thị quan hệ giữa các từ, các cụm từ, các câu.
(3) Dùng làm dấu hiệu cho các ý nghĩa tình thái.
- Phân loại: hư từ gồm phụ từ (phó từ), quan hệ từ, tình thái từ.
1.1.2. Tình thái từ tiếng Việt
- Khái niệm: tình thái từ là những từ biểu lộ tình cảm, thái độ, cách đánh giá,
nhận xét của người nói đối với nội dung sự tình được nói tới trong phát ngôn hoặc đối
với người nghe.
3



- Phân loại: tình thái từ gồm: trợ từ, tiểu từ tình thái, thán từ.
1.1.2.1. Trợ từ
* Khái niệm
Trợ từ là những từ dùng để “nhấn mạnh vào từ, cụm từ hay một câu nào đó mà
chúng đi kèm”. [36, 49].
* Phân loại
- Dựa vào chức năng ngữ nghĩa, trợ từ được chia thành:
+ Nhóm 1: Những trợ từ có chức năng thể hiện sự đánh giá về mặt số lượng,
mức độ: đến, tới, ngay, những, mãi, tận, có, độc, chỉ, mỗi…
+ Nhóm 2: Những trợ từ nhấn mạnh vào ý khẳng định: chính, đích, cả, quyết,
tịnh, quả, đích thị, đó, quả thực…
+ Nhóm 3: Những trợ từ nhấn mạnh vào ý phủ định: cóc, cóc khô, chẳng, đếch, qua…
+ Nhóm 4: Những trợ từ có chức năng bộc lộ sắc thái biểu cảm: cứ, lấy, rõ, mới…
- Dựa vào vị trí, trợ từ được chia thành hai nhóm:
+ Nhóm 1: Những trợ từ đi trước thành phần cần nhấn mạnh: ngay, cả, chính,
đến, những, tận,…
+ Nhóm 2: Những trợ từ đi sau thành phần cần nhấn mạnh: đó, đâu, đây, đấy,
qua...
* Đặc điểm:
- Vị trí: trợ từ thường đứng trước thành phần cần nhấn mạnh.
- Đặc điểm cú pháp: không đóng vai trò làm thành phần câu, có thể lược bỏ mà
không ảnh hưởng đến cấu trúc câu.
- Đặc điểm ngữ nghĩa, chức năng: thể hiện sự đánh giá của người nói đối với
nội dung của phát ngôn, người đối thoại hoặc một thực tế được nêu trong phát ngôn.
1.1.2.2. Tiểu từ tình thái
* Khái niệm
Tiểu từ tình thái “là những từ thường làm dấu hiệu chỉ rõ dấu hiệu mục đích
nói của câu (hỏi, ra lệnh, kể, cảm thán…) Chúng đứng ở cuối câu để biểu hiện các
sắc thái nghi vấn, cầu khiến hay cảm thán. Đồng thời chúng cũng bộc lộ thái độ, tình
cảm của người nói, người viết”. [36, 49]

* Phân loại tiểu từ tình thái:
- Theo chức năng sử dụng:
4


+ Tiểu từ tình thái chuyên dụng: à, ư, nhỉ, nhé, đâu, đấy…
+ Tiểu từ tình thái lâm thời: với, đã, cho, xem..
- Theo cấu tạo hình thức:
+ Tiểu từ tình thái là một từ đơn: ấy, thôi, nhỉ, nhé…
+ Tiểu từ tình thái là từ ghép: cơ chứ, cơ mà, ấy thế…
- Theo vị trí trong câu:
+ Tiểu từ tình thái đứng ở đầu câu: đấy, này, ấy, thế…
+ Tiểu từ tình thái ở cuối câu: à, ư, nhỉ, nhé…
+ Tiểu từ tình thái đứng đầu hoặc cuối câu: ấy, đấy, thế, thôi…
- Theo mục đích nói:
+ Tiểu từ tình thái cầu khiến: thôi, nhé, với, đi…
+ Tiểu từ tình thái cảm thán: thay, thế, nhỉ…
+ Tiểu từ tình thái nghi vấn: hả, hử, sao…
+ Tiểu từ tình thái tường thuật: đâu, ấy, đấy…
- Theo ngữ nghĩa:
+ Tiểu từ tình thái hiện thực: đi, cả, này, đâu…
+ Tiểu từ tình thái quan hệ: nhỉ, nào, chứ… [9, 28 - 29]
* Đặc điểm của tiểu từ tình thái
- Cấu tạo: bao gồm các tiểu từ tình thái có cấu tạo là một âm tiết: à, ấy, chứ…
và các tiểu từ tình thái có cấu tạo từ hai âm tiết trở lên: ấy chứ, chứ lị, cơ đấy, chứ
sao, đấy ạ, chứ gì, kia ạ, kia mà,…
- Vị trí: các tiểu từ tình thái thường đứng đầu hoặc cuối phát ngôn.
- Đặc điểm ngữ nghĩa - chức năng:
+ Chức năng tạo kiểu câu
+ Chức năng biểu thị thái độ đánh giá của người nói

+ Chức năng biểu thị hành động nói.
+ Chức năng định hướng lập luận.
1.1.2.3. Thán từ
* Khái niệm
Thán từ “là những từ dùng để bộc lộ trực tiếp xúc cảm của người nói. Chúng
không thể dùng làm tên gọi cho xúc cảm được mà chỉ làm dấu hiệu cho những xúc
5


cảm mà thôi. Chúng không thể làm thành phần cho cụm từ hay câu nhưng lại có thể
tách riêng khỏi câu để làm thành một câu riêng biệt”. [36, 50].
* Phân loại
- Các thán từ dùng để gọi đáp: ơi, vâng, dạ…
- Các thán từ dùng để bộc lộ cảm xúc: trời ơi, chao ôi…
* Đặc điểm:
- Thán từ không có mối liên hệ hình thức với những từ đi trước và đi sau,
không tham gia vào một cấu trúc ngữ, không làm thành tố của một ngữ và không làm
thành phần câu.
- Về mặt hình thức: thán từ có thể tách riêng để tạo câu.
- Đặc điểm ngữ nghĩa - chức năng: thán từ có chức năng dẫn xuất biểu hiện
cảm xúc, biểu lộ trực tiếp thái độ, tình cảm chủ quan của chủ thể phát ngôn.
1.2. Nghĩa tình thái của câu
1.2.1. Khái niệm nghĩa tình thái
1.2.1.1. Quan điểm của các nhà nghiên cứu nước ngoài
Bally định nghĩa: “Tình thái là thái độ của người nói được biểu thị đối với sự
việc hay trạng thái diễn đạt trong câu”. [Dẫn theo 20, 10].
1.2.1.2. Quan điểm của các nhà nghiên cứu Việt Nam
Nguyễn Thị Thìn quan niệm: tình thái “là thành phần nghĩa thể hiện mối quan
hệ giữa người nói với điều được nói tới trong câu, giữa người nói với người nghe. Vì
vậy nó mang đậm sắc thái chủ quan, đối lập với thông tin trí tuệ - thông tin phản ánh

hiện thực khách quan”. [34, 29]
Có thể đưa ra một nhận định khái quát nhất về phạm trù này như sau: tình thái
là thái độ đánh giá của người nói đối với nội dung thông báo của phát ngôn, đối với
hoàn cảnh phát ngôn, đối với hiện thực và đối với người nghe.
1.2.2. Các loại ý nghĩa tình thái
Quan điểm phân chia các loại ý nghĩa tình thái giữa các nhà nghiên cứu rất
khác nhau. V.N Bondarenko khẳng định chỉ có hai nhóm ý nghĩa tình thái là tình thái
khách quan và tình thái chủ quan; Cao Xuân Hạo chủ trương phân biệt hai loại tình
thái: tình thái của hành động phát ngôn và tình thái của lời phát ngôn;...
1.2.3. Các phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái
6


1.2.3.1. Phương tiện ngữ âm
Cách phát âm khác nhau sẽ cho ta những kiểu câu khác nhau với ý nghĩa tình
thái khác nhau.
1.2.3.2. Phương tiện từ vựng
- Các vị từ ngôn hành: ra lệnh, xin, đề nghị, yêu cầu…
- Các vị từ và tổ hợp có tính đánh giá: may là, may sao, chẳng may…
- Các động từ tình thái: muốn, ước, toan, định, tin, mong…
- Ngữ cố định:
+ Thành ngữ: xấu như ma, mẹ tròn con vuông…
+ Quán ngữ: có người cho rằng, nói tóm lại, tựu chung là…
+ Các phụ từ tình thái: đã, đang, vẫn, không, chưa, chẳng…
+ Các thán từ: trời ơi, chao ôi, ái, ôi, ối, ồ…
+ Các tiểu từ tình thái: à, ư, nhỉ, nhé…
+ Các trợ từ: đến, ngay, chính, cả, những, chỉ, mỗi…
+ Quán ngữ tình thái: có thể, hình như, chắc chắn, có lẽ, chẳng lẽ…
1.2.3.3. Phương tiện ngữ pháp
Có thể kể đến phương thức đảo trật tự từ, thay đổi cấu trúc câu, hoặc một số

kiểu câu như: X ơi là X (trời ơi là trời, tiền ơi là tiền…), động từ + cả + danh từ (điên
cả người, bực cả mình…),…
1.3. Vài nét về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
- Nguyễn Huy Thiệp hướng tới một mô hình văn học bình dân, thông tục với
nội dung triết lí về con người và lịch sử.
- Truyện của Nguyễn Huy Thiệp là tiếng nói thực của cuộc sống.
- Chủ thể kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường là người
“đứng ngoài” nhưng đóng vai trò như một “người biết hết”, dẫn dắt bạn đọc vào thế
giới nhân vật, sự kiện.
- Về phương diện ngôn từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có thể thấy
một số đặc điểm sau:
+ Lời văn của Nguyễn Huy Thiệp thường hết sức ngắn gọn, cô đúc.
+ Phát ngôn của nhân vật chứa nhiều câu nói, câu hát dân gian.
+ Ngôn ngữ mang tinh thần “giải thiêng”, “gây hấn” với cách sử dụng ngôn từ
khá “tục”.
7


` + Ngôn ngữ giản lược tối đa.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày một số cơ sở lí luận của đề tài:
* Tình thái từ thuộc lớp hư từ, có vai trò to lớn trong việc thể hiện thái độ của
người nói đối với hiện thực được nói tới và đối với người nghe. Tình thái từ bao gồm:
trợ từ, tiểu từ tình thái, thán từ.
* Nghĩa tình thái là một phạm trù hết sức đa dạng, phức tạp, khó có thể có
được sự đồng nhất giữa các nhà nghiên cứu.
* Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn cá tính, có sức sáng tạo dồi dào. Truyện
ngắn của ông đem đến cho độc giả những trải nghiệm thú vị trên cả hai phương diện
nội dung và nghệ thuật.
Những cơ sở lí luận này được chúng tôi vận dụng để tiếp tục tìm hiểu chương 2

và chương 3 của luận văn.
CHƯƠNG 2. TÌNH THÁI TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP NHÌN TỪ BÌNH DIỆN NGỮ PHÁP VÀ NGỮ NGHĨA
2.1. Trợ từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.1.1. Miêu tả trợ từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo cấu tạo
Khi xem xét cấu tạo của các trợ từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
chúng tôi sẽ phân chia thành hai nhóm:
- Trợ từ có cấu tạo là một âm tiết (tương đương một từ đơn).
- Trợ từ có cấu tạo từ hai âm tiết trở lên (tương đương một tổ hợp trợ từ).
2.1.1.1. Trợ từ có cấu tạo là từ đơn
- Trợ từ có cấu tạo là từ đơn gồm 36 trợ từ với tần số xuất hiện rất cao 1438
lượt, chiếm tới 91,59% số lần xuất hiện của trợ từ. Đó là các trợ từ: mãi, cả, ngay,
chỉ, đến, thật, chính, tận, cái, độc, đã, mỗi, kể, thì…
- Những trợ từ có tần số xuất hiện cao nhất là: chỉ (454 lượt), cả (222 lượt),
thật (130 lượt). VD:
(1) Tôi chỉ sợ nó làm lỡ việc của anh. (Những người thợ xẻ, 98)
Trợ từ chỉ được sử dụng để biểu thị phạm vi được hạn định duy nhất hoặc biểu
thị ý nghĩa đánh giá về lượng là ít so với mức thông thường.
8


- Một số trợ từ có tần số xuất hiện thấp: cóc (1 lượt), được (1 lượt), mà (3
lượt), nữa (3 lượt),…
2.1.1.2. Trợ từ có cấu tạo là tổ hợp trợ từ
- Có 37 tổ hợp trợ từ nhưng tần số xuất hiện rất thấp, 132 lượt, chiếm 8,41%.
Các tổ hợp trợ từ tiêu biểu: đến tận, quả thật, thật là, đến nỗi,…
- Một số tổ hợp được tạo ra bằng cách kết hợp hai trợ từ đơn lại với nhau nhằm
tăng cường ý nghĩa nhấn mạnh như đến tận, đến cả, đến ngay, ngay chính… VD:
(2) Đề Thám vừa nói với bà Ba Cẩn vừa đội lên đầu chiếc khăn xếp trứ danh
thửa mãi tận phố Hàng Lọng, Hà Nội... (Mưa Nhã Nam, 186)

- Có trường hợp tổ hợp trợ từ được tạo ra bằng cách kết hợp ba trợ từ đơn lại
với nhau: đến ngay cả, mãi đến tận.
- Những tổ hợp trợ từ có tần số xuất hiện cao nhất là đến nỗi (17 lượt) , đến thế
(13 lượt), thật là (13 lượt)…
- 17 tổ hợp có tần số xuất hiện 1 lượt như nhất là, những là,cả đến, cả ngay,
chỉ đến,…
2.1.2. Miêu tả trợ từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo vị trí
2.1.2.1. Trợ từ đứng trước thành phần cần nhấn mạnh
- Có 1509 lần trợ từ đứng trước thành phần cần nhấn mạnh, chiếm 96,11% và
xảy ra ở hầu hết các trợ từ: những, cả, tận, thật, cái, đã, có, tự, ngay, đúng, đúng là,
thật là…
- Thành phần cần nhấn mạnh đứng sau trợ từ có thể là: danh từ/cụm danh từ,
động từ, tính từ.
+ Khi đứng trước danh từ/cụm danh từ, trợ từ nhấn mạnh đối tượng được nói đến.
(3) Không còn ngờ vực gì nữa, thằng khốn nạn và ghê gớm ấy chính là thằng
con trai tôi. (Thổ cẩm, 455)
Ở phát ngôn (3), trợ từ chính nhấn mạnh ý khẳng định: đó là con trai tôi chứ
không phải ai khác.
+ Đứng trước kết hợp số từ + danh từ, trợ từ biểu thị ý đánh giá về lượng
(nhiều hay ít).
(4) Đám đông lên tới 25000 người. (Thương cả cho đời bạc, 348)
Trợ từ tới nhấn mạnh số lượng 25000 người là nhiều.
+ Khi đứng trước danh từ chỉ địa điểm, nơi chốn, trợ từ biểu thị ý đánh giá về
mức độ xa - gần của không gian.
9


(5) Vợ chồng ông An có cô con gái tên là Xuân đang học đại học ở tận dưới
xuôi, mùa hè thường ghé về nhà. (Những người muôn năm cũ, 461)
Trong phát ngôn (5), trợ từ tận nhấn mạnh việc Xuân đi học ở dưới xuôi là xa.

+ Đứng trước động từ, trợ từ nhấn mạnh vào hành động của chủ thể ở ngay
phía sau.
(6) Thiên hạ làng nước ghét ông, nó thấy ông cứ trần lực, ông cóc cần gì ai cả, ông
cứ lầm lũi lạnh lùng xuyên lên như dao xuyên thịt. (Chút thoáng Xuân Hương, 273)
Trong phát ngôn (6), trợ từ cóc nhấn mạnh ý phủ định: ông không cần ai.
+ Khi đứng trước tính từ, trợ từ nhấn mạnh đặc điểm, tính chất nào đó của đối
tượng được nói đến.
(7) Kìa, đôi chân con công di chuyển nhẹ nhàng về phía bên phải, cái đuôi xòe
thành đường tròn lại dịch về phía bên trái, cái ánh xanh gay gắt trên túm lông đầu của
nó mới rực rỡ làm sao! (Con thú lớn nhất, 202)
Ở phát ngôn (7), trợ từ mới nhấn mạnh vẻ đẹp rực rỡ của túm lông trên đầu
con công với thái độ trầm trồ khen ngợi, thích thú.
2.1.2.2. Trợ từ đứng sau thành phần cần nhấn mạnh
- Số lượng các trợ từ đứng sau thành phần cần nhấn mạnh rất ít, chỉ có 13 trợ
từ với 61 lượt xuất hiện, chiếm 3,89%. Đó là các trợ từ: quái, trời, thật, nữa, là, đến
nỗi, đi, hết, cóc khô, cả, đây, đâu, đến thế.
- Trời (14 lượt), đến thế (13 lượt) là những trợ từ có tần số xuất hiện cao nhất.
- Thành phần cần nhấn mạnh đứng trước trợ từ có thể là: cụm danh từ chỉ thời
gian, động từ, tính từ.
+ Khi đứng sau thành phần cần nhấn mạnh là cụm danh từ chỉ thời gian, trợ từ
biểu thị ý nhấn mạnh thời gian kéo dài.
(8) Một sự kiện nhỏ xảy ra có thể khiến người ta bàn tán cả tháng trời. (Tội ác
và trừng phạt, 340)
+ Khi đứng sau thành phần cần nhấn mạnh là động từ, trợ từ nhấn mạnh hoạt
động, trạng thái do động từ biểu thị.
(9) Sợ thật, ông thấy gai người. (Chút thoáng Xuân Hương, 274)
Ở phát ngôn (9), trợ từ thật nhấn mạnh trạng thái không yên lòng của ông.
+ Khi đứng sau thành phần cần nhấn mạnh là tính từ, trợ từ thể hiện ý nhấn
mạnh tính chất, đặc điểm của nội dung sự tình được nói đến.
10



(10) Văn học nước mình rôm rả thật. (Những người thợ xẻ, 100)
Ở phát ngôn (10), trợ từ thật nhấn mạnh ý khẳng định về đặc điểm phong phú,
sôi nổi của nền văn học nước nhà.
2.1.3. Miêu tả trợ từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo tần số sử
dụng trong một câu
Khi xem xét tần số sử dụng của trợ từ trong một câu, với một số tổ hợp trợ từ được tạo
bởi hai hoặc ba trợ từ đơn như ngay cả, chỉ có, đến cả… chúng tôi sẽ tách riêng thành hai, ba
trợ từ, mỗi trợ từ sẽ hoạt động độc lập, bổ sung và tăng cường ý nghĩa cho nhau. Khảo sát 46
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thu được 1686 lượt trợ từ/tổng số 1487 câu.
2.1.3.1. Câu có một trợ từ: có số lượng rất lớn với 1305 câu, chiếm 87,76%
tổng số câu có trợ từ.
(11) Đám rước dâu bên nhà trai có đến hơn ba chục người. (Lòng mẹ, 383)
2.1.3.2. Câu có hai trợ từ
Câu có hai trợ từ gồm 169 câu, chiếm 11,37%, trong đó có 44 trường hợp hai
trợ từ đi liền nhau và 125 trường hợp hai trợ từ xuất hiện cách quãng nhau. VD:
(12) Mãi đến nửa đêm tôi mới thiếp đi, có lẽ vì tôi hoàn toàn kiệt sức. (Những
người thợ xẻ, 108)
(13) Cún nghe thấy tiếng nói của cô Diệu đâu đó và Cún hiểu rằng Cún vừa trải
qua một điều gì đấy thật ghê gớm, thật to lớn. (Cún, 38)
2.1.3.3. Câu có ba trợ từ
Có 11 trường hợp câu có ba trợ từ, chiếm 0,74%, chúng có thể đi liền hoặc
ngắt quãng. VD:
(14) Mãi đến tận mờ sáng tôi mới lần về đến rìa làng. (Thương nhớ đồng quê, 176)
2.1.3.4. Câu có năm trợ từ
Chúng tôi thống kê được 2 trường hợp, chiếm 0,13%. VD:
(15) Chàng hiểu cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường
cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON
NGƯỜI… (Chút thoáng Xuân Hương, 281)

2.2. Tiểu từ tình thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.2.1. Miêu tả tiểu từ tình thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo cấu tạo
2.2.1.1. Tiểu từ tình thái có cấu tạo là từ đơn
- Có 29 tiểu từ có cấu tạo là từ đơn nhưng tần số sử dụng lại rất cao với 885
lượt, chiếm 82,71% tổng số lần xuất hiện của tiểu từ tình thái: à, ạ, thôi, nhé, đi, kia,
vậy, đấy, đâu, sao… VD:
11


(16) Cô yêu nó à? (Truyện tình kể trong đêm mưa, 409)
- Những tiểu từ có tần số sử dụng cao nhất là đi (122 lượt), đấy (119 lượt), thôi
(103 lượt)… VD:
(17) Cảm ơn ông. Ông về làm việc đi. (Giọt máu, 263)
Tiểu từ tình thái đi thường đứng ở cuối phát ngôn. Đi biến một phát ngôn trần
thuật thành một phát ngôn cầu khiến với nhiều sắc thái: yêu cầu, ra lệnh, khuyên,
giục…
- Một số tiểu từ có tần số sử dụng thấp như chắc (2 lượt), hở (3 lượt), kia (3
lượt),…
2.2.1.2. Tiểu từ tình thái có cấu tạo là một tổ hợp tình thái
- Có 71 tổ hợp tình thái song tần số sử dụng thấp, 185 lượt, chiếm 17,29%: thế
này, mà thôi, cơ mà, chứ gì, hay sao, thôi à, này nhé… VD:
(18) Sẽ thanh thản hay sao? (Mưa, 296)
- Các tổ hợp tình thái phần nhiều được tạo ra bằng sự kết hợp của các tiểu từ
tình thái đơn âm tiết: đấy à, đấy thôi, đấy nhá, đâu nhé, thế kia…
(19) Anh Chỉnh bảo: “Ăn một bát cháo này giá trị bằng cả một lạng cao hổ cốt
đấy nhé”. (Những người thợ xẻ, 117)
- Tổ hợp tình thái có tần số xuất hiện cao nhất là thế này (18 lượt), mà thôi (16
lượt), cơ mà (13 lượt)… VD:
(20) Sao lại có máu thế này? (Đưa sáo sang sông, 422)
Thế này nhấn mạnh tính xác định, cụ thể của nội dung sự tình gắn với hiện

thực, kèm theo thái độ ngạc nhiên của người nói.
- Một số tổ hợp tình thái có tần số sử dụng rất thấp: ấy à, ấy chứ…
2.2.2. Miêu tả tiểu từ tình thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo vị trí
2.2.2.1. Các tiểu từ tình thái đứng ở vị trí đầu phát ngôn
- Tần số sử dụng các tiểu từ tình thái ở vị trí đầu phát ngôn rất thấp, chỉ có 92
lượt, chiếm 8,59% tổng số lượt xuất hiện của tiểu từ tình thái: thôi, sao, chứ, thế mà,
thế đấy, đấy, hả…
- Các tiểu từ tình thái khi đứng đầu phát ngôn có thể đi liền với nòng cốt câu
hoặc tách biệt với nòng cốt câu bằng dấu phẩy. VD:
(21) Kìa, cẩn thận con dao! (Không có vua, 43)
12


(22) Thôi con ạ, mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là
người. (Những bài học nông thôn, 128)
- Đứng đầu phát ngôn thường là các tiểu từ tình thái đơn âm.
- Các tiểu từ tình thái đứng đầu phát ngôn có thể biểu thị các sắc thái tình cảm khác
nhau của người nói như ngạc nhiên, trách móc, chấp nhận ít nhiều miễn cưỡng…
2.2.2.2. Các tiểu từ tình thái đứng ở vị trí cuối phát ngôn
- Tần số sử dụng các tiểu từ tình thái ở vị trí cuối phát ngôn rất cao với 978
lượt, chiếm 91,41%: nhé, nhỉ, đi, thôi, à, đâu, đấy, chứ…
- Các tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn không có sự ngăn cách với thành phần câu,
góp phần tham gia hoàn thiện câu, tạo kiểu câu và biểu thị tính tình thái của phát ngôn.
(23) Chương ơi, hôm nay cày chân ruộng Gò mả ngụy nhé! (Con gái thủy thần, 69)
- Tiểu từ tình thái đứng cuối phát ngôn có tần số xuất hiện cao nhất là đi với
122 lượt, tiếp đến là đấy 115 lượt, thôi 69 lượt .
- Đứng cuối phát ngôn, ngoài các tiểu từ tình thái đơn âm tiết còn có các tổ hợp
tình thái được tạo thành do sự kết hợp của 2, 3 hoặc 4 tiểu từ tình thái đơn âm tiết.
Nghĩa của các tổ hợp tình thái khi đứng cuối phát ngôn là sự tổng hợp nét nghĩa của
từng tiểu từ. VD:

(24) Mình xin lỗi, miếng võ này ông cụ dạy thêm nên Biền không biết đấy thôi.
(Những người thợ xẻ, 107)
Tiểu từ tình thái đấy nhấn mạnh tính chất xác định, đích xác của sự việc: miếng
võ này ông cụ dạy thêm nên Biền không biết, tiểu từ tình thái thôi nhấn mạnh điều
vừa khẳng định để thuyết phục người đối thoại không nên băn khoăn, đắn đo. Sử
dụng tổ hợp tình thái đấy thôi, người nói vừa khẳng định, nhấn mạnh sự việc, vừa
gián tiếp chỉ ra nguyên nhân thua cuộc của Biền.
- Ý nghĩa của các tiểu từ và tổ hợp tình thái đứng cuối phát ngôn rất phong phú.
Chúng có thể biểu thị ý khẳng định, phủ định/bác bỏ, nhắc nhở/khuyên can hoặc thái độ
gần gũi/thân tình, băn khoăn/hoài nghi, bực tức/không hài lòng… của người nói.
2.2.3. Miêu tả tiểu từ tình thái trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo
tần số sử dụng trong một câu
2.2.3.1. Câu có một tiểu từ tình thái
Số lượng câu có sử dụng một tiểu từ tình thái rất lớn với 937 trường hợp,
chiếm 93,79%.
13


2.2.3.2. Câu có hai tiểu từ tình thái
Có 57 trường hợp, chiếm 5,71%, trong đó có 43 trường hợp câu có 2 tiểu từ
tình thái đơn âm tiết, 1 trường hợp câu có hai tổ hợp tình thái, 13 trường hợp câu sử
dụng 1 tiểu từ tình thái đơn âm tiết và 1 tổ hợp tình thái.
(25) Anh ơi, anh buông ra đi. (Đưa sáo sang sông, 423)
(26) Sao cái thân tôi nhục nhã thế này? (Không có vua, 51)
2.2.3.3. Câu có ba tiểu từ tình thái: có ba trường hợp, chiếm 0,3%
(27) Ta là Diêu đây, là Lan đây, là Thiều Hoa đây. (Giọt máu, 269)
2.2.3.4. Câu có bốn tiểu từ tình thái : có một trường hợp, chiếm 0,1%
(28) Đi đi… cút đi… xéo đi… xéo đi. (Đưa sáo sang sông, 421)
2.2.3.5. Câu có sáu tiểu từ tình thái: có một trường hợp, chiếm 0,1%
(29) Tôi hỏi bà cụ về cuộc đời bà cụ trải qua, bà cụ kể lể không biết bao nhiêu

những điều cơ cực nhọc nhằn xảy ra trong cuộc đời mình: nào người chồng tính nết
dở hơi thô bạo, nào đói kém, nào con, nào cháu, nào bệnh tật, nào chiến tranh…
(Mưa Nhã Nam, 195)
2.3. Thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
2.3.1. Miêu tả thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo cấu tạo
2.3.1.1. Thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có cấu tạo là từ đơn
- Có 21 thán từ đơn âm tiết với tần số sử dụng rất cao 351 lượt, chiếm 84,17% tổng
số lượt xuất hiện của thán từ. Đó là các thán từ: ơi, này, thưa, vâng, ừ, chết, ôi, hỡi, dạ…
- Những thán từ có tần số sử dụng cao nhất là ơi (114 lượt), này (55 lượt), thưa
(52 lượt)…VD:
(30) Anh ơi, anh buông ra đi. (Đưa sáo sang sông, 423)
Ơi kết hợp với các danh từ hoặc đại từ nhân xưng tạo thành thành phần hô ngữ,
có tác dụng làm người nghe chú ý tới cuộc giao tiếp. Nó là thành phần dùng để gọi,
cùng nhóm với này, à… Nhưng nếu này, à chỉ gọi đối tượng ở gần thì ơi có thể gọi
đối tượng ở gần hoặc xa.
- Có một số thán từ đơn âm tiết có tần số sử dụng rất thấp: chà, dạ, khiếp, lạy, ối, ơ…
- Thán từ đơn tiết chủ yếu là thán từ gọi đáp: ơi, này, vâng, ừ,…
2.3.1.2. Thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có cấu tạo là một tổ hợp từ
- Có 27 tổ hợp thán từ với tần số sử dụng rất thấp, chỉ có 66 lượt, chiếm
15,83%: trời ơi, chao ôi, ơi hời, chết thật, thôi chết, a ha, dào ôi…
14


- Những tổ hợp thán từ có tần số sử dụng cao nhất là trời ơi (9 lượt), chao ôi (6
lượt), ơi hời (5 lượt)… VD:
(31) Trời ơi, Cún đã làm cho cô Diệu thích. (Cún, 35)
- Có tới 16 tổ hợp chỉ có một lượt sử dụng: à ơi, chúa ơi, dạ thưa, eo ôi, ê hê…
- Các tổ hợp thán từ bộc lộ cảm xúc (trời ơi, chao ôi, ơi hời…) chiếm số lượng
lớn, các tổ hợp thán từ gọi - đáp (tâu lạy, dạ thưa, này này, ừ ừ…)
chỉ được sử dụng 7 lượt.

2.3.2. Miêu tả thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo hình thức
biểu hiện
2.3.2.1. Thán từ độc lập tạo phát ngôn: có 28 trường hợp thán từ độc lập tạo
phát ngôn.
(32) Gớm! Cứ ăn chơi lắm thì liệu có được 5 năm không? (Giọt máu, 261)
2.3.2.2. Thán từ đi cùng thành phần câu
Thán từ có thể đứng đầu phát ngôn hoặc đứng cuối phát ngôn.
* Thán từ đứng đầu phát ngôn: có 259 lượt.
- Qua khảo sát của chúng tôi, vị trí đầu phát ngôn là vị trí của hầu hết mọi tổ
hợp thán từ. VD:
(33) Dào ôi, cậu Thiềm (Thiềm là tên tôi), xin cậu bịt tai lại. (Những người
muôn năm cũ, 458)
- Một số thán từ có tần số xuất hiện cao ở vị trí đầu phát ngôn: thưa (50 lượt),
này (39 lượt).
- Ý nghĩa của các thán từ khi đứng đầu phát ngôn rất phong phú. Chúng có thể
được dùng để: gọi người đối thoại ngang hàng hoặc hàng dưới một cách thân mật,
suồng sã; đáp lại lời người đối thoại một cách lễ phép, tôn kính; biểu thị thái độ ngạc
nhiên hoặc thái độ trách móc, phản đối.
* Thán từ đứng cuối phát ngôn có 149 trường hợp.
- Thán từ đứng cuối phát ngôn có vai trò như những yếu tố đưa đẩy, nhấn
mạnh tiếng gọi hoặc trạng thái cảm xúc của người nói.
- Ơi là thán từ có tần số xuất hiện ở cuối phát ngôn cao nhất với 112 lượt.
- Đứng cuối phát ngôn phần lớn là các thán từ gọi - đáp, các thán từ bộc lộ cảm
xúc ít hơn.
15


2.3.3. Miêu tả thán từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp theo tần số sử
dụng trong một câu
2.3.3.1. Câu có một thán từ: có số lượng lớn với 383 trường hợp, chiếm

95,75%.
(34) Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. (Những người thợ xẻ, 119)
2.3.3.2. Câu có 2 thán từ: có 17 trường hợp, chiếm 4,25%.
(35) Ừ thì con bà xinh, ừ thì con bà đẹp… (Những người muôn năm cũ, 462)
2.4. Nhận diện tình thái từ trong phát ngôn
Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có nhiều hiện tượng đa từ loại. Để tránh
nhầm lẫn, chúng tôi tiến hành nhận diện tình thái từ với 12 trường hợp tiêu biểu: có,
đã, đấy, đến, độc, mới, những, nào, này, thế, thôi, trời. Trong khuôn khổ luận văn
tóm tắt, chúng tôi chỉ trình bày 2 trường hợp nhận diện sau:
2.4.1. Có: có thể xuất hiện với tư cách động từ, phó từ hoặc trợ từ
- Có - động từ:
(36) Được cái việc nặng Sinh không phải làm, có Tốn giúp đỡ. (Không có vua, 42)
Dấu hiệu nhận diện có - động từ: kết hợp với danh từ ở phía sau, trước nó
không có động từ nào khác, biểu thị trạng thái tồn tại. Mô hình cơ bản của có - động
từ là S có P.
- Có - phó từ
(37) Nhà nó có xa hay không?
Dấu hiệu nhận diện có - phó từ: có kết hợp với không tạo thành cặp phó từ nghi
vấn. Mô hình cơ bản là có + động từ/tính từ + không?
- Trợ từ:
Trường hợp 1:
(38) Buổi chiều thấy gây gây sốt, ăn có nửa bát cơm rồi bỏ mứa. (Giọt máu, 254)
Trước có là một động từ, sau có là một cụm danh từ chỉ lượng, biểu thị ý nghĩa
đánh giá về lượng (chỉ đến thế, không hơn không kém); có thể thay thế bằng trợ từ:
mỗi. Mô hình cơ bản là P1 có P2.
Trường hợp 2:
(39) Đừng có lãng mạn viển vông gì cả… (Sống dễ lắm, 438)
Có xuất hiện trong mô hình phó từ (phủ định/mệnh lệnh) + có + động từ để
nhấn mạnh sắc thái khẳng định trong lời khuyên ngăn hoặc lời phủ nhận.
16



Trường hợp 3:
(40) “Quang minh chính đại” có mà mất xơi… (Đưa sáo sang sông, 421)
Kết hợp có mà + động từ nhấn mạnh về giả thiết hoặc điều phỏng đoán.
2.4.2. Nào vừa có thể xuất hiện với tư cách là đại từ, tiểu từ tình thái và
thán từ
- Nào - đại từ:
(41) Cái nào cũng được.
(42) Hôm nay bạn nào trực nhật?
Là đại từ, nào đứng sau danh từ chung, được dùng để chỉ một cái bất kì hoặc
cần xác định cụ thể trong tập hợp những cái cùng loại.
- Nào - tiểu từ tình thái:
Trường hợp 1:
(43) Để tao thử xem nào. (Cún, 37)
Nào thường đứng cuối câu, có tác dụng nhấn mạnh đề nghị vừa nêu ra. Mô
hình cơ bản là P nào.
Trường hợp 2:
(44) Tôi hỏi bà cụ về cuộc đời bà cụ trải qua, bà cụ kể lể không biết bao nhiêu
những điều cơ cực nhọc nhằn xảy ra trong cuộc đời mình: nào người chồng tính nết
dở hơi thô bạo, nào đói kém, nào con, nào cháu, nào bệnh tật, nào chiến tranh…
(Mưa Nhã Nam, 195)
Nào xuất hiện trong mô hình nào P1, nào P2, nào P3… để nhấn mạnh tính
chất tập trung của những sự việc được liệt kê.
- Nào - thán từ:
(45) Nào, xin mời chư tướng. (Không có vua, 58)
Là thán từ, nào đứng đầu phát ngôn, phân tách với thành phần câu bằng dấu
phẩy, để gọi người đối thoại, có ý thúc giục.
Chúng tôi nhận thấy khả năng kết hợp là tiêu chí giúp phân định trợ từ một cách
thuận tiện nhất, tiêu chí vị trí giúp dễ dàng nhận ra được tiểu từ tình thái và thán từ.

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Ở chương 2, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê, miêu tả các tiểu loại tình thái
từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên bình diện ngữ pháp và ngữ nghĩa:
17


- Về cấu tạo: các tình thái từ chủ yếu có cấu tạo đa âm tiết nhưng tần số sử
dụng lại thấp hơn hẳn so với các tình thái từ đơn âm tiết.
- Về vị trí: trợ từ thường đứng trước thành phần cần nhấn mạnh, tiểu từ tình
thái chủ yếu đứng cuối phát ngôn, thán từ có vị trí rất linh hoạt.
- Về tần số sử dụng của tình thái từ trong một câu: đa phần các câu chỉ sử dụng 1 2 tình thái từ, có những trường hợp sử dụng 4 - 5 tình thái từ nhưng số lượng rất ít.
- Tiêu chí khả năng kết hợp giúp phân biệt trợ từ với các từ đồng âm một cách
dễ dàng nhất. Tiêu chí vị trí xuất hiện giúp nhận diện tiểu từ tình thái, thán từ một
cách đơn giản và chính xác nhất.
CHƯƠNG 3. TÌNH THÁI TỪ TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP NHÌN TỪ BÌNH DIỆN NGỮ DỤNG
3.1. Tình thái từ trong việc biểu thị tình thái đánh giá sự việc trong phát ngôn
3.1.1. Đánh giá về lượng
3.1.1.1. Đánh giá về lượng nhiều hơn mức bình thường
(1) Trợ từ
* Trợ từ đánh giá về lượng nhiều hơn mức bình thường có thể kể đến là những,
đến, tới, mãi, tận, đến thế…
- Những, đến, tới nhấn mạnh mức độ số lượng được đề cập đến là nhiều, là cao,
là nặng so với mức thông thường. VD:
(46) Sơ sơ, Hạnh nhẩm chi phí lên tới chục nghìn. (Huyền thoại phố phường, 234)
- Mãi, tận, đến mãi… thiên về đánh giá mức độ dài của thời gian hoặc độ cao,
xa của không gian. VD:
(47) Nàng đang đi đào củ mài mãi trong nguồn nước. (Nàng Sinh, 222)
* Khi đánh giá về lượng nhiều so với mức thông thường, người nói thường bày tỏ
thái độ, cảm xúc của mình, có khi là ngạc nhiên, bất ngờ, có khi đó là sự đau đớn, xót xa.

(2) Tiểu từ tình thái
* Các tiểu từ tình thái đánh giá về lượng nhiều hơn mức bình thường là cơ đấy,
rồi, thế, đâu, kia cơ… VD:
(48) Khéo nó còn sống để chôn tôi với anh cơ đấy. (Giọt máu, 255)
* Khi biểu thị sự đánh giá về lượng nhiều, các tiểu từ tình thái và trợ từ có xu
hướng kết hợp lại với nhau để nhấn mạnh hơn nữa ý nghĩa đánh giá.
18


(49) Chết, ta thỏa thuận với nhau những hai mươi tấn cơ mà. (Giọt máu, 259)
3.1.1.2. Đánh giá về lượng ít hơn bình thường
(1) Trợ từ
* Có thể kể đến các trợ từ chỉ, có, độc, có mỗi, chỉ có, mỗi… VD:
(50) Làm gì được 600… chỉ có ngót nghét 500 thôi. (Đưa sáo sang sông, 421)
* Đánh giá về lượng ít mà các trợ từ hướng tới thường là những cái cụ thể có
thể cân, đo, đong, đếm được. VD:
(51) Chú nghé tơ có độc chiếc răng. (Chăn trâu cắt cỏ, 369)
* Khi biểu thị sự đánh giá về lượng ít, người nói kèm theo đó là thái độ ngạc
nhiên, ngượng ngịu, thất vọng, chán nản… VD:
(52) Hóa ra cũng chỉ có khoảng hai chục con ếch. (Thương nhớ đồng quê, 176)
(2) Tiểu từ tình thái:
* Các tiểu từ tình thái biểu thị sự đánh giá về lượng ở mức độ ít: thôi, mà thôi,
thôi à…
* Các trợ từ cũng có xu hướng kết hợp với các tiểu từ tình thái để góp phần
nhấn mạnh sự đánh giá về số lượng ít và qua đó bày tỏ thái độ đối với người đối
thoại. VD:
(53) Chỉ có ông thôi, ông trẻ ạ. (Đưa sáo sang sông, 416)
* Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy trợ từ chỉ thường kết hợp với tiểu từ tình
thái thôi (tần số xuất hiện rất cao) để nhấn mạnh ý nghĩa duy nhất. VD:
(54) Chỉ có con đường lấy vợ giàu thôi. (Không có vua, 53)

Không còn con đường nào khác.
3.1.2. Đánh giá tính chân ngụy của sự tình
(1) Đánh giá về tính hiện thực, phi hiện thực của sự tình
* Tình thái từ biểu thị tính hiện thực của sự tình: thật, thực, quả, đấy, đấy thôi,
thật đấy … VD:
(55) Thời giờ thật chật chội quá. (Huyền thoại phố phường, 239)
Trợ từ thật nhấn mạnh mức độ eo hẹp của thời gian.
* Tình thái từ biểu hiện tính phi hiện thực: chắc, chăng… VD:
(56) Con mẹ này là phù thủy chắc? (Giọt máu, 255)
Tiểu từ tình thái chắc vừa cho thấy thái độ ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ của
Phong vừa cho thấy nội dung sự tình này không phải là sự thật.
19


(2) Đánh giá về tính tích cực, tiêu cực của sự việc
* Tình thái từ đánh giá tính tích cực của sự việc: được, đúng, đấy, nhá, chứ … VD:
(57) Đúng kẹo thực, mà kẹo chanh. (Tâm hồn mẹ, 228)
Trợ từ đúng đi với nội dung sự tình mang ý nghĩa tốt lành, tích cực: có một cái
kẹo trong lúc đang đói, mệt và sợ hãi khi bị lạc.
* Tình thái từ biểu thị tính tiêu cực của sự việc: đến nỗi, rõ, thế mà, ấy thế mà,
mất thôi… VD:
(58) Ấy thế mà sao năm nay giáp tết thằng Bột lại lên cơn điên là cớ thế nào?
(Đưa sáo sang sông, 415)
Ấy thế mà đánh giá tính bất thường của nội dung sự tình mang tính tiêu cực:
thằng Bột bất ngờ lên cơn điên giữa những ngày giáp tết.
3.2. Tình thái từ trong việc biểu thị tình thái hành động nói
3.2.1. Hành động biểu hiện
Các trợ từ và các tiểu từ tình thái có thể giúp người nói dễ dàng thực hiện hành
động biểu hiện dưới dạng phủ định, khẳng định, đánh giá, nhận xét,…
3.2.1.1. Hành động khẳng định: chính, ngay, cả, rồi đấy, đấy,…

(59) Ông biết đấy chính là điều ông vẫn hằng khao khát mong tìm. (Đất quên, 213)
Chính khẳng định đích xác cảm xúc trong lòng ông Pành: đó là hạnh phúc ông
khát khao tìm kiếm cả cuộc đời.
3.2.1.2. Hành động phủ định: cóc, quái, đâu, đâu nhé,… VD:
(60) Từ hôm nay đừng cho mẹ Cả ăn nữa, 82 tuổi rồi, sống làm quái gì. (Giọt
máu, 255)
Trợ từ quái nhấn mạnh ý phủ định, bác bỏ của Phong: không cần phải sống
tiếp khi đã 82 tuổi.
3.2.1.3. Hành động đánh giá, nhận xét: kể, là, trời, nhỉ, thế… VD:
(61) Cái ông Thuyết trông kinh nhỉ. (Những người thợ xẻ, 102)
Nhỉ vừa nhấn mạnh nhận xét của Ngọc về ông Thuyết vừa tìm sự đồng tình từ
những người xung quanh.
3.2.2. Hành động điều khiển
Các tình thái từ (đặc biệt các tiểu từ tình thái) tham gia tích cực vào biểu thị
hành động điều khiển.
3.2.2.1. Hành động yêu cầu, đề nghị: đi, xem… VD:
20


(62) Cút đi! Anh mà đụng vào cô ấy là tôi chém liền. (Không có vua, 51)
Đi biểu thị yêu cầu có phần gay gắt cùng thái độ giận dữ của Đoài.
3.2.2.2. Hành động khuyên: đâu, đấy, mất thôi, chứ…
Sử dụng tình thái từ khiến cho lời khuyên nhẹ nhàng và có sức thuyết phục
hơn. VD:
(63) - Hãy để thằng San qua tuổi mười ba là tuổi ma bắt. Hãy biết sợ rừng, cho
nó vào rừng sớm quá là không tốt đâu. (Sói trả thù, 209)
Tiểu từ tình thái đâu đứng cuối phát ngôn nhấn mạnh vào lời khuyên của các
bô lão: không nên cho San vào rừng quá sớm.
3.2.2.3. Hành động nhắc
(64) Em có rồi. Mai anh làm nhé! (Thương nhớ đồng quê, 167)

Tiểu từ tình thái nhé biểu thị ý nhấn mạnh vào lời nhắc nhở, dặn dò của cái Mị.
3.2.3. Hành động bộc lộ
Tình thái từ (tiêu biểu là các thán từ) tham gia biểu thị một cách đa dạng và
phong phú những trạng thái cảm xúc của con người.
3.2.3.1. Thán từ biểu thị hành động biểu cảm
* Trạng thái ngạc nhiên, bất ngờ của người nói: ồ, eo ôi… VD:
(65) Ồ, mà sao vị ngọt bùi cũng nhạt vậy à? (Con gái thủy thần, 88)
* Trạng thái lo lắng của người nói: chết, ơi trời, chết thật… VD:
(66) Ôi trời! Thiếu phụ gác chèo và lại chỗ anh. Chết thật! Khéo què thì khốn.
(Chút thoáng Xuân Hương, 285)
* Trạng thái tâm lý vui mừng của người nói: a, a ha… VD:
(67) A ha! Hạnh tự nhủ, y rất có thể nhồi vào hai tâm hồn ấy một ngọn lửa nhỏ
cho nó bùng lên. (Huyền thoại phố phường, 237)
3.2.3.2. Thán từ biểu thị hành động trách móc, than thở : trời ơi, chao ôi,…
(68) - Chao ôi, sao không đi khen ta lương thiện mà chỉ đi khen ta thông minh
sắc sảo mà thôi? - Vũ tê tái nghĩ. (Bài học tiếng Việt, 431)
3.2.4. Hành động kết ước
Các tiểu từ tình thái có tham gia biểu thị một số hành động thuộc nhóm kết
ước : giao hẹn, cam đoan.
3.2.4.1. Hành động giao hẹn: đấy nhá, đây, nhé… VD:
21


(69) Tao cho chú mày lên thuyền nhưng tao bảo gì chú mày phải nghe đấy nhá.
(Chảy đi sông ơi, 7)
3.2.4.2. Hành động cam đoan
(70) - Không có chuyện ấy đâu nhé! (Những người muôn năm cũ, 459)
Đâu nhấn mạnh vào ý phủ định: không có chuyện ấy còn nhé nhấn mạnh thêm
với ý thân mật, gần gũi. Từ đó bà Hinh cam đoan, khẳng định rằng dù thế nào bà vẫn
làm tốt công việc của mình.

Trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu tồn tại bốn loại hành
động nói: biểu hiện, điều khiển, bộc lộ, kết ước theo quan điểm của Searle. Nhóm
hành động tuyên bố hầu như không xuất hiện.
3.3. Tình thái từ trong mối quan hệ liên cá nhân
3.3.1. Tình thái từ thể hiện mối quan hệ giữa người nói với người nghe
- Tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tham gia tích cực vào việc
thiết lập, duy trì, phát triển mối quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp. Tình thái từ có
khả năng biểu thị mức độ gần gũi hay xa lạ giữa các nhân vật giao tiếp. VD:
(71) - Thế nào hôm rằm cũng đến ăn cơm với cô, cháu nhé! (Huyền thoại phố
phường, 236)
Tiểu từ tình thái nhé biểu thị thái độ thân mật, gần gũi của bà Thiều với Hạnh.
3.3.2. Tình thái từ thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp
3.3.2.1. Tình thái từ làm giảm thiểu mức độ áp đặt, đe dọa thể diện của người nghe
Một số tiểu từ và tổ hợp tình thái có khả năng góp phần giảm thiểu mức độ áp
đặt, đe dọa thể diện người nghe trong các phát ngôn thuộc nhóm điều khiển.
* Tiểu từ tình thái ạ: thể hiện thái độ kính trọng đối của người nói với người
nghe. Trong các phát ngôn nghi vấn, dùng ạ, lời yêu cầu thường nhẹ nhàng hơn.
* Tiểu từ tình thái nhé: được sử dụng để nhấn mạnh vào lời đề nghị, dặn dò,
bảo ban, giao hẹn một cách thân mật, gần gũi, nhẹ nhàng.
* Tiểu từ tình thái chứ: thường thường đứng ở cuối phát ngôn, có tác dụng xác
định thêm về điều mình đã ít nhiều khẳng định hoặc tạo điều kiện cho người nghe có
cơ hội lựa chọn mà không cảm thấy bị áp đặt.
* Tiểu từ tình thái xem: giúp giảm mức độ áp đặt, ép buộc của đề nghị, người
nghe cảm nhận đó như một lời chỉ bảo ân cần của người có kinh nghiệm cho mình.
3.3.2.2. Tình thái từ thể hiện sự khéo léo, tế nhị của người nói với người nghe
Lối nói gián tiếp có kết hợp dùng tình thái từ giúp lời nói ý nhị, khéo léo hơn
mà vẫn có sức thuyết phục cao.
22



(72) Anh phải nhắm mắt lại, phải buông xuôi tay dần đi… (Đưa sáo sang sông, 423)
Gián tiếp chối từ, cô gái khéo léo đưa ra một lời khuyên: Anh phải nhắm mắt
lại, phải buông xuôi tay dần đi. Tiểu từ tình thái đi giảm nhẹ sắc thái mệnh lệnh, bộc
lộ lời khuyên nhủ thiết tha chân thành của cô gái.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Ở chương 3, chúng tôi đi sâu tìm hiểu về tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn
Huy Thiệp trên bình diện ngữ dụng với ba phương diện:
- Tình thái từ trong việc biểu thị tình thái đánh giá sự việc trong phát ngôn:
+ Tình thái đánh giá về lượng: đánh giá về lượng ở các mức nhiều hoặc ít hơn
so với mức bình thường.
+ Tình thái đánh giá về tính chân nguỵ của sự tình.
- Tình thái từ trong việc biểu thị tình thái hành động nói: trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu xuất hiện 4 nhóm hành động: biểu hiện, điều khiển, bộc
lộ, kết ước. Tình thái từ tham gia đắc lực vào việc biểu hiện những hành động này.
- Các tình thái từ có vai trò quan trọng trong việc biểu thị mối quan hệ giữa
người nói với người nghe và góp phần thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp.
KẾT LUẬN
Qua quá trình đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu Tình thái từ trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi đi đến một số kết luận sau:
1. Tình thái từ là một trong những phương tiện đắc lực tham gia biểu đạt ý
nghĩa tình thái. Tình thái từ gồm: trợ từ, tiểu từ tình thái, thán từ.
- Về mặt cấu tạo: các tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu
có cấu tạo gồm hai âm tiết trở lên nhưng tần số xuất hiện của chúng lại thấp hơn hẳn
so với các tình thái từ có cấu tạo đơn âm tiết.
- Về vị trí xuất hiện của các tình thái từ:
+ Vị trí của trợ từ phụ thuộc vào thành phần được nhấn mạnh và chủ yếu trợ từ
đứng trước thành phần được nhấn mạnh.
+ Tiểu từ tình thái chủ yếu đứng cuối phát ngôn.
+ Thán từ có thể đứng đầu, cuối, giữa phát ngôn thậm chí có thể độc lập tạo
phát ngôn.

- Về tần số sử dụng tình thái từ trong một câu: thông thường trong câu chỉ có
1-2 tình thái từ, khả năng kết hợp nhiều tình thái từ trong một câu là khá hạn chế.
23


- Để nhận diện tình thái từ có thể dựa vào những tiêu chí như khả năng kết hợp,
vị trí, chức năng, ý nghĩa…, trong đó tiêu chí khả năng kết hợp giúp nhận diện trợ từ
một cách dễ dàng nhất, tiêu chí vị trí xuất hiện giúp nhận diện tiểu từ tình thái và thán
từ đơn giản, chính xác nhất.
2. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tình thái từ có khả năng biểu thị một
số kiểu ý nghĩa đánh giá của người nói đối với nội dung của phát ngôn và đối với
người nghe: đánh giá về lượng, về độ, về tính chân ngụy, về vị thế xã hội, tuổi tác, độ
thân tình… của các nhân vật giao tiếp. Đánh giá của tình thái từ là kiểu đánh giá
ngầm ẩn, nhờ đó mà chủ thể có thể biểu thị được nhiều hơn những gì muốn nói, có
thể dễ dàng nói được những điều tế nhị mà người đối thoại không mấy khó khăn để
nhận ra. Từ những đánh giá này mà phát ngôn chứa các tình thái từ có thể dẫn tới
những hiệu lực ở lời khác nhau. Điều này tạo nên khả năng sử dụng phong phú, đa
dạng của tình thái từ vào mục đích đánh giá.
3. Tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có khả năng làm dấu hiệu
ngữ vi cho hành động ở lời của phát ngôn. Nghĩa là nhờ các tình thái từ mà phát ngôn
được xác định là hành động nói gì (biểu hiện, cảm thán, hỏi…). Với các tình thái từ,
người nói hướng người nghe tới việc thực hiện hành động nói nào theo mong muốn
của người nói hay người nói tự ràng buộc chính mình vào hành động nói đó.
4. Tình thái từ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một phương tiện đắc
lực để diễn đạt tình thái giảm nhẹ hay nhấn mạnh nhằm tôn vinh thể diện hoặc cố tình
đe dọa thể diện của người đối thoại tùy theo mục đích của người nói. Trong các phát
ngôn điều khiển, người nói có nguy cơ đe dọa cao đến thể diện người nghe. Sử dụng
tình thái từ (chủ yếu là tiểu từ tình thái), mức độ áp đặt không những được giảm thiểu
mà người nói còn có thể thể hiện tình cảm, thái độ, suy nghĩ của mình một cách tự
nhiên, tế nhị, khéo léo, đạt hiệu quả giao tiếp.

Với việc sử dụng khá nhiều và linh hoạt các tình thái từ trong truyện ngắn của
mình, Nguyễn Huy Thiệp đã xây dựng nên một thế giới nhân vật vô cùng sinh động,
phong phú về lời ăn tiếng nói, đa dạng về tính cách, phức tạp về đời sống tâm lý qua
đó ít nhiều gửi gắm những quan niệm, triết lý về cuộc đời và con người.

24


×