Tải bản đầy đủ (.pdf) (29 trang)

Ảnh hưởng của hạt giống lúa có bọc trực tiếp Metaldehyde đến việc chống ốc bươu vàng trong điều kiện kiểm soát tại CLRRI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.5 MB, 29 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG
KHOA NÔNG NGHIỆP – TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

BÁO CÁO THỰC TẬP CHUYÊN NGÀNH

ẢNH HƯỞNG CỦA HẠT GIỐNG LÚA CÓ
BỌC TRỰC TIẾP METALDEHYDE
ĐẾN VIỆC CHỐNG ỐC BƯƠU
VÀNG TRONG ĐIỀU KIỆN
KIỂM SOÁT

TRẦN VĂN TÈO

CẦN THƠ, THÁNG 7 – NĂM 2016


LỜI CẢM ƠN

Trong thực tế không có sự thành công nào mà không gắn liền với sự hỗ
trợ và giúp đỡ dù trực tiếp hay gián tiếp của tất cả mọi người xung quanh.
Trước tiên tôi xin bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đến cha mẹ
đã nuôi dưỡng dạy giỗ, tận tụy vì sự nghiệp và tương lai của con.
Tôi xin cảm ơn Trường Đại học An Giang, Ban chủ nhiệm khoa Nông
nghiệp – Tài nguyên thiên nhiên, bộ môn Khoa học cây trồng và đặc biệt là cô
Văng Thị Tuyết Loan đã tạo mọi điều kiện trong quá trình học tập và hướng
dẫn cho tôi đi thực tập.
Ban Lãnh đạo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và thầy Vũ Tiến
Khang – trưởng bộ môn Kỹ thuật canh tác đã tạo điều kiện cho tôi có nơi thực
tập.
Xin bày tỏ lòng cảm ơn đến chị Võ Thị Thảo Nguyên cùng chị Minh, chị
Tuyền, chị Huệ, chị Liên và các bạn Triệu Anh, Ngọc, Hậu Anh, Huyền… đã


nhiệt tình giúp đỡ thực hiện thí nghiệm trong quá trình thực tập.
Sau cùng, tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đến gia đình, người thân và
bạn bè đã luôn động viên và tạo động lực cho tôi hoàn thành chuyến thực tập
này.

Cần Thơ, ngày 12 tháng 07 năm 2016
Tác giả thực hiện


CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU
1.1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ốc bươu vàng Pomacea canaliculata được du nhập vào Việt Nam để
nuôi làm thực phẩm và xuất khẩu vào khoảng năm 1988. Sau đó, chúng thoát
ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên đã phát triển thành
loài động vật gây hại nghiêm trọng trên lúa ở Việt Nam, đặc biệt những vùng
chuyên canh cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, ốc bươu vàng vẫn
là một trong những loài động vật gây hại bậc nhất trong nền nông nghiệp Việt
Nam do ốc bươu vàng ít có thiên địch trong điều kiện tự nhiên mà có khả năng
sinh trưởng và phát tán nhanh, lại rất khó phòng trừ mà lại sống lâu trong điều
kiện tự nhiên. Ốc bươu vàng đã được liệt vào danh mục đối tượng kiểm dịch
thực vật ở Việt Nam từ năm 1994 (Cục Bảo Vệ Thực Vật, 2000).
Ốc bươu vàng luôn tiềm ẩn một sức phá hại rất lơn đối với cây lúa nếu
điều kiện ngoại cảnh thuận lợi cho chúng, sự gây hại của nó trên lúa có thể
làm giảm năng suất từ 10 – 30% (Dư Quang Tuấn, 2001). Với việc canh tác
lúa 3 vụ quanh năm của Đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay thì đây là
điều kiện hết sức thuận lợi cho ốc bươu vàng sinh sản, phát tán lây lan và gây
hại mạnh cho lúa. Để diệt trừ ốc bươu vàng, biện pháp phổ biến được nông
dân sử dụng rộng rãi hiện nay là sử dụng thuốc hóa học, nhưng nhìn chung
hiệu quả không cao vì sử dụng tràn lan, tùy tiện, chi phí cao và nguy hại đến

môi trường. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng nhiều biện pháp như biện pháp
thủ công, canh tác, sinh học… Tuy vậy, mức độ gây hại của nó trên lúa vẫn rất
đáng kể.
Để diệt trừ ốc bươu vàng một cách hiệu quả thì cần nên tìm ra một biện
pháp phòng trừ một cách chủ động, khoa học, hạn chế ảnh hưởng đến môi
trường, theo nguyên tắc 4 đúng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và có
hiệu quả kinh tế cao... Vì vậy, việc bọc một loại hóa chất lên hạt giống trước
khi gieo xuống ruộng đã được tính đến nên thí nghiệm “Ảnh hưởng của hạt
giống lúa có bọc trực tiếp Metaldehyde đến việc chống ốc bươu vàng
trong điều kiện kiểm soát” đã được thực hiện nhằm mục đích: để đánh giá
hiệu quả của việc bọc trực tiếp Metaldehyde lên hạt giống lúa nhằm kiểm soát
ốc bươu vàng.
1.2. GIỚI THIỆU VỀ ĐỊA ĐIỂM THỰC TẬP
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (Cuu Long Delta Rice Research
Institute hay CLRRI) được thành lập ngày 8 tháng 1 năm 1977 theo quyết định
số 41 NN-TC/QĐ, với tên gọi ban đầu là Trung Tâm Kỹ thuật Nông nghiệp
1


Đồng bằng sông Cửu Long, tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ
với tổng diện tích 366 ha. Đến năm 1985, Viện chính thức đổi tên thành Viện
lúa Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 24/CT ngày 09 tháng 01
năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, Viện lúa
được chuyển về trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo quyết
định số 3533/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển
Nông Thôn.

Hình 1: Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị sự nghiệp khoa học công
lập Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ

và sản xuất kinh doanh về cây lúa và hệ thống nông nghiệp phục vụ cho sự
phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiệm vụ nghiên cứu của Viện cụ thể bao gồm:
Xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao
công nghệ hàng năm, ngắn hạn và dài hạn của vùng Đồng bằng sông Cửu
Long trình Bộ xét duyệt trên cơ sở phương hướng mục tiêu phát triển kinh tế
xã hội, các chương trình khoa học công nghệ về nông lâm ngư nghiệp của Nhà
nước.
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển
kinh tế xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng có điều kiện
tương tự.
Khảo nghiệm giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cùng
các chế phẩm nông nghiệp khác trong hệ thống cây trồng có lúa.

2


Kiểm định, kiểm nghiệm giống lúa, chứng nhận chất lượng lô giống phù
hợp tiêu chuẩn, theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp cho vùng.
Thực hiện hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nghiên
cứu của Viện theo phân cấp và quy định của Nhà nước.
Tư vấn và thực hiện dịch vụ khoa học kỹ thuật, sản xuất kinh doanh, xuất
nhập khẩu thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của Viện theo các quy định hiện
hành; Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp
Việt Nam giao.
Các đơn vị nghiên cứu cụ thể của Viện bao gồm các bộ môn: Di truyền –
Chọn giống, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật canh tác, Khoa học đất – vi sinh,
Cơ cấu cây trồng, Bảo vệ thực vật, Cơ điện nông nghiệp. Các phòng gồm
phòng Thí nghiệm trung tâm và phòng Kiểm nghiệm giống cây trồng.

Đối với bộ môn Kỹ thuật canh tác là đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện
lúa Đồng bằng sông Cửu Long, có chức năng nghiên cứu và phát triển về các
giải pháp kỹ thuật canh tác lúa và hệ thống canh tác trên nền lúa hiệu quả và
bền vững.
Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho cây
trồng; Nghiên cứu khoa học cỏ dại.
Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật.
Đào tạo ngắn hạn và dài hạn theo chuyên ngành tại Đồng bằng sông
Cửu Long, thực hiện hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ của bộ môn kỹ thuật canh tác là: hoàn thiện quy trình canh tác
lúa và một số cây trồng chính đáp ứng mục tiêu nông nghiệp chất lượng cao,
giảm giá thành, tiết kiệm nước tưới và nâng cao chất lượng nông sản.
Nghiên cứu các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho
cây trồng, các giải pháp kỹ thuật tổng hợp để gia tăng thu nhập cho nông dân.
Thiết kế và thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật và hệ thống hỗ trợ ra
quyết định cho quản lý cỏ dại tổng hợp trên những hệ thống canh tác nền lúa.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới nhất cho nông dân về kỹ thuật sản xuất
các loại cây trồng cạn trên nền đất lúa và quản lý cỏ dại tổng hợp trên lúa và
các loại cây trồng khác.
Tham gia đào tạo cán bộ khoa học có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ và cán bộ
khuyến nông, và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên
ngành.
Thực hiện hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực phân bón và kỹ thuật canh
tác với các tổ chức trong và ngoài nước.
3


CHƯƠNG 2
LƯỢC KHẢO TÀI LIỆU
2.1. TỔNG QUAN VỀ CÂY LÚA

Lúa là loài thực vật sống một năm, có cơ thể cao tới 1 – 1,8 m, với các lá
mỏng, hẹp bản và dài từ 50 – 100 cm. Các hoa nhỏ thụ phấn nhờ gió mọc
thành những cụm hoa phân nhánh cong hay rủ xuống, dài 30 – 50 cm. Hạt
thuộc loại quả thóc dài 5 – 12 mm, dày 2 – 3 mm.
Cây lúa rất thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới và chịu ảnh hưởng của
khí hậu gió mùa. Loại thảo mộc này có thể phát triển mạnh trong nhiều vùng
sinh thái khác nhau, đặc biệt trong nước ngập, nước mặn, đất phèn mà nhiều
loại hoa màu thực phẩm không thể sống được.
Trồng lúa ra ruộng chủ yếu bằng hai phương pháp sạ thẳng và cấy. Trong
điều kiện thâm canh tốt thì sạ thẳng và cấy đều cho năng suất tương đương
nhau. Tuy nhiên, với những giống lúa ngắn ngày, nở bụi kém trong điều kiện
tham canh tốt, chủ động được nước, đất ít cỏ thì sạ thẳng có nhiều ưu điểm
hơn cấy, sạ đỡ tốn công làm mạ và bảo quản được số bông trên đơn vị diện
tích, thời gian sinh trưởng của một giống lúa có thể rút ngắn hơn 4 – 5 ngày so
với lúa cấy. Có 5 kiểu sạ thẳng hiện nay được áp dụng ở Đồng bằng sông Cửu
Long là sạ ướt, sạ khô, sạ ngầm, sạ chay và sạ gởi. Sạ ướt có thể áp dụng cho
tất cả các vụ Hè Thu, Thu Đông hay Đông Xuân (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008). Để
đạt hiệu quả và năng suất lúa cao nhất thì cần phải chú ý nhiều yếu tố khác
nhau trong quá trình canh tác như thời tiết mùa vụ, kỹ thuật canh tác, làm đất,
quản lý nước, phân bón, quản lý tình hình sâu bệnh hại.
2.1.1. Chuẩn bị đất
Vụ Đông Xuân: đất phải được cày ải để diệt cỏ, diệt mầm sâu bệnh và
ngăn sự bốc phèn, bốc mặn lên tầng mặt đất. Sau đó tiến hành bừa trục cho đất
tơi nhuyễn ra, dọn sạch cỏ, đánh rãnh thoát nước đặc biệt những chỗ trũng.
Vụ Hè Thu: sau khi thu hoạch Đông Xuân xong cần cày vùi rơm rạ, cỏ
dại rồi trục một lần cho đất nhuyễn ra, xong ngâm nước ít nhất hai tuần cho
rơm rạ, xác cỏ dại phân hủy ra không làm hại rễ lúa non sau này. Đến khi sạ,
tiến hành trục lại cho đất thật nhuyễn có một lớp bùn mềm dầy ở trên mặt. Sau
đó rút cạn nước, đánh rãnh, san bằng mặt đất và sạ lúa (Nguyễn Ngọc Đệ,
2008).

2.1.2. Chuẩn bị hạt giống lúa

4


Giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng, phát
triển và năng suất của cây lúa. Hạt giống cần phải phơi khô, sạch lép lửng, hạt
cỏ, ngâm trong nước sạch 12 giờ, ủ 36 – 48 giờ. Trong quá trình ngâm, cần
thay nước ít nhất một lần để loại nước chua. Cần giữ nhiệt độ đống ủ ở khoảng
27 – 370C, tưới nước thường xuyên để giữ ẩm cho đống ủ (Nguyễn Ngọc Đệ,
2008).
2.1.3. Gieo sạ
Lượng hạt giống cần cho mỗi hecta tùy loại đất, giống lúa, tỷ lệ nảy mầm
của hạt và mùa vụ gieo trồng, trung bình từ 150 – 180 kg/ha đối với sạ thua.
Hiện nay giống lúa cao sản ngắn ngày sạ hàng được khuyến cáo là khoảng 120
kg/ha. Có thể sạ vãi bằng tay hoặc sạ hàng bằng công cụ sạ hàng (Nguyễn
Hoàng Lâm, 2013).
2.1.4. Bón phân
Theo Trung tâm Khuyến Nông Cần Thơ thì công thức bón phân cho vụ
Đông Xuân và Hè Thu như sau:
Bảng 1: Các công thức bón phân cho lúa vụ Đông Xuân và Hè Thu
(kg/ha)
Thời vụ

N

P2O5

K2O


Đông Xuân

90 – 120

30 – 40

30 – 50

Hè Thu

80 – 100

40 – 60

30 – 50

Ngoài ra còn có thể sử dụng một trong các công thức sau để bón phân
cho 1 ha lúa:
Bảng 2: Các công thức bón phâ cho 1 ha lúa (kg/ha)
Đợt bón

Urê

Super Lân

DAP

16 – 16 – 8

Kali


1

200

-

100

-

50

2

220

300

-

-

50

3

120

-


50

200

25

Các thời điểm bón và công thức bón cho cây lúa:
Bón lót: toàn bộ phân lân đơn hoặc 1/2 DAP (1 – 2 ngày trước sạ).
Bón thúc lần 1: bón 1/3 phân Ure và 1/3 phân Kali (7 – 10 ngày sau sạ).
Bón thúc lần 2: bón 1/3 phân Ure, 1/2 DAP và 1/3 phân Kali (20 – 25
ngày sau sạ).
Bón thúc lần 3: bón 1/3 phân Ure và 1/3 phân Kali còn lại (42 – 45 ngày
sau sạ).
5


Vào giai đoạn 55 – 60 ngày sau sạ, có thể phun Kali Nitrat trước và sau
trổ một tuần với liều lượng 1 – 2% (450 g/bình 25 lít), phun 1 – 2 bình cho
một công 1000 m2.
2.1.5. Chăm sóc
Điều chỉnh nước ruộng: sau khi sạ 5 ngày xử lý cỏ xong, đưa nước vào
và nâng mức nước dần tới 10 cm để khống chế cỏ và giúp lúa sinh trưởng tốt,
giữ nước đến khoảng 1 tháng sau khi sạ, rút nước phơi ruộng 5 – 7 ngày nhằm
tăng cường lượng oxi trong đất giúp rễ ăn sâu, hạn chế chồi vô hiệu, cây lúa
cứng cáp khỏe mạnh hơn (Nguyễn Hoàng Lâm, 2013).
Phòng trừ cỏ dại: phòng trừ cỏ dại tốt nhất bằng biện pháp canh tác như
cày ải sớm, hạn chế thời gian rút nước lộ ruộng. Thời kỳ sau không để ruộng
mất nước. Hiện nay đã có nhiều loại thuốc trừ cỏ trên ruộng lúa, tùy loại cỏ
trong ruộng mà dùng thuốc thích hợp. Có thể kết hợp làm cỏ bằng tay và phun

thuốc trừ cỏ dại (Nguyễn Đình Giao và ctv., 1997).
Phòng trừ sâu bệnh: cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời
và phòng trừ đúng mức. Biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp – IPM cần được
đặc biệt chú ý trong công tác bảo vệ lúa (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008).
2.2. ỐC BƯƠU VÀNG
2.2.1. Nguồn gốc và ký chủ
Ốc bươu vàng có tên khoa học là Pomacea canadiculata Lamarck
thuộc họ Ampullariidae, bộ Mesogastropoda, lớp Gastropoda, ngành Mollusca
được Lamarck mô tả đầu tiên năm 1822 (Dư Quang Tuấn, 2001). Theo Cowie
(1997), ốc bươu vàng có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ, phổ biến ở Brazil,
Argentina, Bolivia, Paraguay và Uraguay. Sau đó tiếp tục lan rộng sang các
nước Châu Âu và Châu Á, ốc bươu vàng du nhập vào Việt Nam vào năm 1988
(Cục Bảo Vệ Thực Vật, 2000).
Theo Nguyễn Văn Huỳnh và Lê Thị Sen (2011) ốc bươu vàng có thể ăn
được nhiều loại cây cỏ tươi khác nhau sống trong nước cũng như trên cạn như
rong, tảo, bèo, lúa…ưa thích nhất là rau muống, lá đu đủ, lá khoai mì và nhiều
loại rau. Ốc bươu vàng là đối tượng dịch hại nguy hiểm trên lúa hiện nay do
lúa được trồng trên diện tích rộng trong điều kiện ngập nước, nhất là trong
ruộng sạ thẳng. Theo cục Bảo vệ Thực vật, năm 1995 diện tích nhiễm ốc bươu
vàng là 22.717 ha lúa, 460 ha rau muống và 1.147 km kênh gạch. Năm 1999,
chỉ riêng trên lúa tại các tỉnh miền Nam, diện tích nhiễm ốc bươu vàng đã là
136.575 ha.

6


2.2.2. Đặc điểm và cách gây hại của ốc bươu vàng
Vỏ ốc: có dạng hình cầu, không bóng, màu vỏ thay đổi từ vàng đến nâu,
có vân hoặc không có vân tùy theo điều kiện sống. Vỏ ốc có 5 vòng xoắn
thuận, rãnh xoắn sâu, các vòng xoắn trên thấp nên tháp ốc lùn. Kích thước tối

đa từ 30 – 60 cm chiều cao.
Nắp miệng vỏ: bằng chất sừng, con cái trưởng thành có nắp miệng vỏ
lõm, con đực có nắp vỏ lồi.
Cơ thể: thịt ốc có màu thay đổi từ kem vàng, vàng nâu đến đen lợt. Ống
thở có những đốm vàng, dài gấp hai lần rưỡi chiều cao của vỏ ốc.
Trứng: sau khi giao phối 1 – 2 ngày, ốc bắt đầu đẻ trứng, cứ 3 – 4 ngày
đẻ một lần. Trứng được đẻ trên bất cứ vật thể nào trên mặt nước và độ cao của
ổ trứng thay đổi từ 26,83 cm khi đẻ trên cọc tre đến 51,93 cm khi ốc đẻ trên
những cây lớn xung quanh động (Vũ Bá Quan, 2003). Trứng của OBV mới đẻ
có màu hồng sáng, sau đó nhạt dần sang màu trắng khi sắp nỡ. Thời gian đẻ
trứng đến nở của ốc bươu vàng ở Đồng bằng sông Cửu Long là 10 ngày, tỉ lệ
nở của trứng ốc bươu vàng là 85% (Dư Quang Tuấn, 2001).
Ấu trùng nhỏ: ốc bươu vàng non khi mới nở rơi xuống nước, vỏ ốc mềm
nhưng vỏ sẽ cứng lên sau khi nở 2 ngày và đạt kích cỡ 2 – 5 mm chúng bò đi.
Vào khoảng 20 ngày tuổi thì ốc bắt đầu thời kỳ ăn mạnh nhất (Phan Nhật
Long, 1991).
Ấu trùng lớn: thời kỳ này từ 26 – 59 ngày.
Trưởng thành: ốc bươu vàng bắt đầu có khả năng bắt cặp đẻ trứng khi
được 60 ngày tuổi. Ốc bươu vàng có thể sống từ 2 – 6 năm với khả năng sinh
sản cao (FAO, 1989).
Ốc bươu vàng là loài sinh sản hữu tính, có ốc đực và ốc cái riêng, chỉ
thành công khi có sự giao phối giữa con đực và con cái. Sự bắt cặp của ốc
bươu vàng xảy ra nơi có nước ngập vỏ. Sự bắt cặp và đẻ trứng chiếm khá
nhiều thời gian: thời gian bắt cặp kéo dài từ 10 đến 20 giờ và con đực nhịn đói
trong suốt thời gian này, trong khi con cái cần đến 5 giờ để đẻ một ổ trứng. Sự
đẻ trứng của ốc bươu vàng thường xảy ra lúc sáng sớm, chiều mát và nhiều
nhất là vào ban đêm khoảng 24 giờ đến 15 ngày sau khi giao phối. Trứng được
đẻ trên bất cứ vật thể nào trên mặt nước. Trứng của chúng đều được bao phủ
bằng một lớp vỏ calcium carbonat, lớp vỏ này có thể được hoặc không sử
dụng như nguồn cung cấp calcium cho phôi (Vũ Bá Quan, 2003).

Ốc bươu vàng là loài ăn thực vật rất phàm, chúng ăn rất khoẻ, liên tục cả
ngày đêm. Ốc bươu vàng có thể sử dụng các loài thực vật thủy sinh, rong tảo,
xác bã động thực vật để làm thức ăn. Các loại thức ăn được ưa thích và ăn
nhiều nhất là cây thức ăn gia súc, lá đu đủ, rau trai, rau mác và lúa. Khi cỡ ốc
7


10 mm thì bắt đầu ăn cây mạ non và cỡ ốc 40 mm là loại phá hoại mạnh nhất
trên mạ và lúa mới cấy.
Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non khi lúa hai
tuần lễ đầu sau khi cấy hoặc 4 tuần lễ đầu sau khi gieo thẳng, hoạt động chủ
yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm. Đây là giai đoạn thiệt hại nặng nhất.
Trên ruộng lúa, các dấu hiệu nhận thấy ốc bươu vàng gây hại là: mất cây - làm
cho lá, thân cây lúa nổi trên mặt nước hoặc cây lúa đứt ngang thân.
Khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao có thể làm ruộng mất trắng,
làm thiệt hại về giống, phải sạ lại nhiều lần, ruộng lúa sinh trưởng không đồng
đều khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Các nghiên cứu cho thấy, một con ốc bươu vàng gây hại trong giai đoạn 3 – 20
ngày sau sạ sẽ làm giảm 15 – 20% năng suất lúa. Nếu mật độ 6 – 10 con/m2 thì
ruộng lúa sạ sẽ mất trắng sau một ngày đêm (Nguyễn Văn Đĩnh, 2005).
2.2.3. Một số yếu tố ngoại cảnh tác động đến ốc bươu vàng
Theo tài liệu của Cục Bảo vệ thực vật (2000) cho biết:
Ốc bươu vàng rất mẫn cảm với nước phèn, không sống được trong nước
chua (pH < 4).
Nhiệt độ và độ ẩm ảnh hưởng đến tỷ lệ nở của trứng ốc bươu vàng. Điều
kiện thích hợp nhất là ở nhiệt độ 25 – 30oC, ẩm độ 80 – 90%. Trứng không nở
được nở được ở nhiệt độ 39oC và ẩm độ 100%.
Trứng ốc bươu vàng có thể giảm tỷ lệ nở nếu ngâm trong nước một ngày
trở lên. Vì vậy, tìm cách lưu giữ nước vài ba ngày sẽ làm giảm được tỷ lệ nở
trứng của ốc bươu vàng.

Ốc bươu vàng không sống được trong nước bùn đục và trong nước mặn
(độ mặn > 8 ppt).
Theo tài liệu của Vũ Bá Quan (2003), ốc bươu vàng có tỷ lệ chết cao khi
nhiệt độ nước cao trên 30oC, khi nhiệt độ xuống 0oC thì ốc bươu vàng chỉ sống
sót được 15 – 20 ngày.
2.2.4. Biện pháp phòng trừ
Phòng trừ ốc bươu vàng bằng các biện pháp canh tác và thủ công như:
đốt đồng, cày ải phơi đất hoặc xới đất kỹ trước khi sạ, điều chỉnh rút cạn nước
trong 2 – 3 tuần đầu sau sạ để giảm thiệt hại của ốc gây ra, làm cỏ vệ sinh
đồng ruộng sạch sẽ để ốc ít có nơi đẻ trứng, bắt ốc bằng tay hay ngăn chặn
không cho ốc xâm nhập vào ruộng bằng lưới, cước ở cống, bộng dẫn nước vào
ruộng.
Biện pháp phòng trừ bằng cách thả vịt vào ruộng để ăn ốc và trứng ốc
hay sử dụng một số thuốc thảo mộc từ cây có chất độc như vỏ cây bàm bàm
8


(Entada phaseikaudes), lá cây từ bi (Blumea báiamifera), lá cây thuốc lá
(Nicotiana tabacum), lá cây hạnh (Citrus microcarpa) (Cruz và Joshi, 2001).
Sử dụng một số thảo mộc như cây trúc đào, hạt xoan và rễ dây thuốc cá khi
mực nước trong ruộng khoảng 3 – 5 cm để diệt ốc và chế phẩm chiết xuất từ
cây xoan là SHOX hoặc chế phẩm thảo mộc CB-02 cũng diệt ốc khá hiệu quả.
Cuối cùng là sử dụng thuốc hóa học để diệt ốc, một số thuốc phổ biến
được sử dụng như Snail 700WP, Sạch Ốc 860WP, Cửu Châu 15GP, Helix
10GP… khi thật sự cần thiết lúc đầu vụ theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Các hoạt chất thường dùng trong những loại thuốc diệt ốc là metaldehyde,
niclosamide, cartap hydrochloride và isazophos (Nguyễn Hữu Huân và ctv,
2002).
Để quản lý ốc bươu vàng một cách hiệu quả nhất thì cần kết hợp nhiều
biện pháp phòng trừ lại với nhau tùy từng điều kiện cụ thể của mỗi vùng sao

cho thích hợp nhất. Theo Cục Bảo Vệ Thực Vật (2000) thì biện pháp phòng
trừ tổng hợp đối với ốc bươu vàng có thể tóm tắt như sau:
Bắt ốc bươu vàng khi làm đất, trước khi sạ hoặc cấy lúa. Đặt lưới chặn
nagy đầu dòng nước, không cho ốc vào ruộng và bắt ốc. Cắm cọc tre ven bờ
và trong ruộng lúa để ốc đẻ trứng rồi tiến hành thu gom trứng để tiêu diệt.
Thả cá trắm đen, cá chép, cá trê lai… vào ruộng lúa, ao hồ, mương ngòi
để cá ăn ốc. Thả vịt vào ruộng để ăn ốc ở các giai đoạn trước khi sạ, sau khi
cấy 60 ngày và sau khi thu hoạch.
Dùng thuốc hóa học và thuốc thảo mộc trừ ốc bươu vàng theo nguyên tắc
4 đúng và sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương.
2.2.5. Chính sách quản lý và phòng trừ ốc bươu vàng của Nhà nước
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, các ngành, đặc biệt
là ngành nông nghiệp, hàng loạt các văn bản ra đời để đáp ứng được các
phong trào toàn dân ốc bươu vàng:
Ngày 31 tháng 3 năm 1994, Bộ Nông Nghiệp và Công Nghệ Thực Phẩm
(nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) công bô danh sách đối
tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, trong đó có ốc bươu vàng.
Ngày 29 tháng 9 năm 1995, Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị sô 151/TTg
về việc tập trung lực lượng nhằm nhanh chóng diệt trừ ốc bươu vàng.
Kế hoạch thực hiện được đặt ra với các cấp, các ngành từ Trung ương
xuống cơ cở. Đã tổ chức nhiều chiến dịch bắt và diệt ốc bươu vàng, thu gom
trứng trong toàn quốc, tập trung vào biện pháp bắt bằng tay, đã thu hút mọi
tầng lớp nông dân, học sinh, sinh viên, quân đội… tham gia phong trào.

9


Tổ chức nhiều lớp tập huấn IPM phòng trừ tổng hợp ốc bươu vàng trên
lúa cho nông dân. Nhiều tỉnh đã đặt ra chính sách thu mua ốc và trứng bươu
vàng để tiêu hủy.

2.3. METALDEHYDE
Theo kết quả nghiên cứu của nghiên cứu của Dư Quang Tuấn (2001) cho
thấy sử dụng thuốc Deadline Bullets 4% (liều lượng 0,24 kg a.i./ha), Padan
95SP (nồng độ 0,4%) có hiệu quả diệt ốc bươu vàng cao và bảo vệ cây lúa đạt
năng suất tương đương với điều kiện không nhiễm ốc bươu vàng.
Theo kết quả nghiên cứu của nghiên cứu của Lý Yến Minh và Trương
Vũ Linh (2007) cho thấy hiệu quả của một số loại nông dược đối với ốc bươu
vàng như sau: Yellow K 10BR hoạt chất Metaldehyde ở liều lượng 5 kg/ha
cho hiệu quả tốt đến 69,25% tại thời điểm 72 giờ, đối với thuốc Mossade
700WP hoạt chất Niclosamide ở liều lượng gấp đôi khuyến cáo 720 g/ha có
hiệu quả tốt 69,29% tại thời điểm 72 giờ.
Trên thị trường có rất sản phẩm sử dụng hoạt chất Metaldehyde để diệt
ốc bươu vàng. Metaldehyde là chất rắn dạng bột tinh thể, màu trắng, mùi
aldehyde.
Tên hóa học: 2, 4, 6, 8 - tetramethyl - 1, 3, 5, 7 - tetraoxycyclo - octane.
Công thức phân tử: C8H16O4, khối lượng phân tử: 176,2.

Hình 2: Hạt và mổ phỏng dạng cầu của Metaldehyde
Độ bền: Bền ở điều kiện thường. Độ hòa tan (ở 200oC) trong: Nước,
methanol, toluene.
Hoạt chất Metaldehyde trong thuốc diệt ốc: thuộc nhóm thuốc trừ ốc,
nhóm độc II (WHO), thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc và thuốc phá huỷ tế
bào nhầy làm ốc bị mất nước và chết.

10


CHƯƠNG 3

PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

3.1. PHƯƠNG TIỆN
3.1.1. Địa điểm và thời gian thí nghiệm
Thí nghiệm được thực hiện ngoài đồng tại lô 1A khu thí nghiệm Viện lúa
Đồng bằng sông Cửu Long
Thời gian bắt đầu tham gia thực hiện thí nghiệm từ ngày 14/06/2016 đến
ngày 14/07/2016.

3.1.2. Vật liệu
Giống lúa sử dụng trong thí nghiệm là OM 5451. Nguồn gốc giống lúa
OM 5451 được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM2490.
Thời gian sinh trưởng: 88 - 95 ngày, chiều cao cây: 90 - 100 cm.
Chất lương gạo: gạo trong, ngon cơm, ít bạc bụng, mềm cơm, có hàm
lượng vi chất dinh dưỡng sắt trong gạo khá cao. Trọng lượng 1000 hạt khoảng
25 - 26 g, gạo dài 7,1 mm. Hàm lượng Amylo 22 - 24%.
Sâu bệnh: chống chịu rầy nâu và bệnh đạo ôn khá, chống chịu bệnh vàng
lùn – lùn xoắn lá khá. Trổ tập trung, có dạng hình đẹp, tương đối cứng cây, khả
năng đẻ nhánh khá, bông đóng hạt dầy, tỉ lệ lép thấp, thoát cổ 4 - 8 cm, lá đòng
lớn, hạt thẳng, chịu phèn và mặn khá.
Đất thí nghiệm: thuộc vùng đất phù sa tây sông Hậu và thuộc vùng khí
hậu nhiệt đới – gió mùa.
Phân bón sử dụng cho thí nghiệm là Urea (46% N), DAP (18% N – 46%
P2O5 – 0% K2O), KCl (60% K2O).
Nông dược: sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật.
Nguồn ốc bươu vàng thu ở ruộng xung quanh.
Lưới bao quanh các ô vuông để che chắn không cho ốc di chuyển ra vào.
Ngoài ra, còn các vật liệu khác trong thí nghiệm như thước, tre gỗ, cân…

11



Hình 3: Cân điện tử

Hình 4: Khung đếm số chồi

3.2. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
3.2.1. Bố trí thí nghiệm
Kiểu bố trí: thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu
nhiên gồm 4 lần lặp lại với 10 nghiệm thức.
Diện tích mỗi ô thí nghiệm là 1 m2. Tổng diện tích thí nghiệm là 500 m2
Các nghiệm thức trong thí nghiệm được bố trí như bảng 3:
Bảng 3: Kiểu bố trí thí nghiệm


Nghiệm thức

Liều a.i. hoặc công thức
sản phẩm

Mật độ sạ
(kg/ha)

A

ĐC - ốc (hạt trần)

Không ốc

150

B


ĐC + ốc (hạt trần)

0

150

C

Metaldehyde

1,2 kg/ha

150

D

Metaldehyde

1,8 kg/ha

150

E

Snailwise 8

8 g a.i./kg hạt (L-200: 0%)

150


F

Snailwise 8

8 g a.i./kg hạt (L-200: 50%)

150

G

Snailwise 8

8 g a.i./kg hạt (L-200: 100%)

150

H

Snailwise 12

12 g a.i./kg hạt (L-200: 0%)

150

I

Snailwise 12

12 g a.i./kg hạt (L-200: 50%)


150

J

Snailwise 12

12 g a.i./kg hạt (L-200: 100%)

150
(ĐC: Đối chứng)

Những nghiệm thức Metaldehyde là rãi trực tiếp hoạt chất lên ô thí
nghiệm còn những nghiệm thức Snailwise là được bọc trực tiếp Metaldehyde
lên hạt giống nhưng với những liều a.i. và công thức khác nhau.

12


10 m
1m
1m

G2

J3

D4

B1


J2

H3

F4

C1

E2

G3

I4

D1

I2

A3

B4

E1

H2

I3

G4


F1

D2

B3

C4

G1

F2

E3

A4

H1

B2

D3

J4

I1

C2

F3


H4

J1

A2

C3

E4

27 m

A1

Hình 5: Sơ đồ bố trí thí nghiệm

Hình 6: Sơ đồ bố trí một ô nghiệm thức
13


Hình 7: Bố trí thí nghiệm thực tế ngoài ruộng
3.2.2. Kỹ thuật canh tác
Ngâm ủ hạt giống: cân hạt giống của từng nghiệm thức cho vào hộp
nhựa, những hạt giống được bọc trực tiếp Metaldehyde sẽ được ngâm trước và
cho lượng nước vừa đủ vào ngâm trong 24 giờ. Sau đó vớt đem ủ trong 24 giờ.
Chuẩn bị đất sạ và đắp ô thí nghiệm: dọn sạch cỏ, trục đánh bùn và san
bằng mặt ruộng, sau đó tháo nước cạn và tiến hành phân ô đắp bờ ngăn cho
từng ô không cho nước, phân tràn từ ô này sang ô khác. Giữa các ô đều được
đắp bờ cao 25 cm, ngang 30 cm. Dùng lưới để bao xung quanh ô để ngăn cản

việc ốc di chuyển ra vào, lưới được âm xuống đất với độ sâu 20 cm, cao
khoảng 1 m.

Hình 8: Chuẩn bị đất và đắp ô thí nghiệm

14


Các ô được loại bỏ hoàn toàn ốc có trong ô. Sau khi sạ lúa 7 ngày thì cho
nước vào ruộng với độ sâu trong ô là 3 cm, luôn duy trì với mực nước này
trong ruộng suốt quá trình thí nghiệm và thả mỗi ô 5 con ốc.
Phương pháp là sạ lan với mật độ sạ là 150 kg/ha tương đương 15 g/m2.
Bón phân theo công thức 90 – 60 – 40. Trong thí nghiệm này, phân được
chia cho 3 lần bón như sau: 30% Urea + 50% DAP + 50% KCl, lần 2 thì bón
với lượng 40% Urea + 50% DAP và lần 3 là 30% Urea + 50% KCl.
Bảng 4: Liều lượng các loại phân ở các thời kỳ sinh trưởng trên lúa của
thí nghiệm (kg/ha)
Ngày sau sạ

Loại
phân

Liều lượng
(kg/ha)

10

20

38


Urea

145

43,5

58

43,5

DAP

130

65

65

-

KCl

66,7

33,35

-

33,35


Bảng 5: Liều lượng các loại phân ở các thời kỳ sinh trưởng trên lúa của
thí nghiệm (g/m2)
Ngày sau sạ

Loại
phân

Liều lượng
(g/m2)

10

20

38

Urea

14,5

4,35

5,8

4,35

DAP

13


6,5

6,5

-

KCl

6,67

3,335

-

3,335

3.2.3. Chỉ tiêu theo dõi
Giai đoạn 10, 21 và 28 ngày sau khi cho nước vào (tức 17, 28 và 35 ngày
sau sạ) thì đếm số cây lúa không bị hư hại trong khung 0,25 m2, đối với khung
1 m2 thì theo dõi các chỉ tiêu ước tính tỷ lệ thiệt hại trên mỗi ô thí nghiệm, đo
chiều cao tối đa của 5 cây, đếm số ốc còn sống, đã chết và số lượng các ổ
trứng trong từng ô nghiệm thức.
3.2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm Excel

15


CHƯƠNG 4

KẾT QUẢ THẢO LUẬN
4.1. GHI NHẬN TỔNG QUÁT
Thí nghiệm được thực hiện trong vụ Hè Thu tại Viện lúa Đồng bằng
sông Cửu Long. Với điều kiện khí hậu như hiện tại thì thích hợp cho sự sinh
trưởng và phát triển của cây lúa. Giai đoạn đầu cây lúa sinh trưởng tốt, do hạt
lúa giống đã được ngâm ủ kỹ kết hợp với biện pháp xử lý đất tốt trước khi sạ
nên tỉ lệ cây con mọc và sống tương đối đồng đều. Về cỏ dại, nhìn chung trong
suốt vụ lúa không bị cạnh tranh bởi cỏ dại do đã được xử lý thuốc trừ cỏ tiền
nảy mầm ngay sau khi sạ và tiến hành làm cỏ khi cỏ xuất hiện. Về bệnh hại,
chỉ thấy xuất hiện rãi rác một vài cây bị bệnh đạo ôn do xuất hiện mưa nhưng
chỉ ở mức độ nhiễm nhẹ nên không làm ảnh hưởng đến năng suất. Sâu hại, qua
quan sát thấy có sự xuất hiện của sâu cuốn lá, sâu đục thân nhưng đã được
phát hiện và xử lý kịp thời nên không ảnh hưởng đến thí nghiệm.
4.2. CÁC CHỈ TIÊU THEO DÕI
4.2.1. Phần trăm cây bị hại
Bảng 6: Phần trăm trung bình cây bị hại qua các giai đoạn sau khi cho
nước vào lúa trong thí nghiệm



Nghiệm thức

Phần trăm trung bình cây bị hại (%)
10 NSCN

21 NSCN

28 NSCN

A


ĐC - ốc (hạt trần)

0

0

0

B

ĐC + ốc (hạt trần)

13,8

10,0

6,3

C

Metaldehyde 1,2 kg/ha

4,0

2,5

1,3

D


Metaldehyde 1,8 kg/ha

2,0

0

0

E

Snailwise 8 (L-200: 0%)

8,4

5,0

5,0

F

Snailwise 8 (L-200: 50%)

15,0

8,0

4,3

G


Snailwise 8 (L-200: 100%)

12,8

18,0

10,0

H

Snailwise 12 (L-200: 0%)

13,8

7,5

6,3

I

Snailwise 12 (L-200: 50%)

15,0

15,0

3,0

J


Snailwise 12 (L-200: 100%)

12,4

11,8

8,4

(ĐC: Đối chứng; TB: Trung bình; NSS: Ngày sau cho nước)

16


Từ bảng 6 cho thấy được, nghiệm thức C và D có xử lý rải trực tiếp
Metaldehyde và nghiệm thức A đối chứng không thả ốc ít bị hại nhất chỉ
khoảng 4% trở lại qua các giai đoạn và đặc biệt giai đoạn lúa 28 ngày sau cho
nước thì hầu như không bị thiệt hại của ốc. Các nghiệm thức G, H, I, J bị thiệt
hại từ 10 – 15%, so với nghiệm thức B đối chứng có thả ốc cũng thiệt hại gần
tương đương nhau. Từ đó cho thấy việc xử lý bọc Metaldehyde cũng không có
sự khác biệt nhiều so với không xử lý, các nghiệm thức còn lại chỉ thiệt hại
trung bình từ 5 – 15% qua các giai đoạn lúa. Phần trăm cây bị thiệt hại giảm
qua các giai đoạn là do cây lúa đẻ nhánh lấp vào những phần ốc đã ăn nên từ
đó phần trăm thiệt hại gần như không còn nữa.
4.2.2. Số chồi
Đẻ chồi hay đẻ nhánh là một đặc tính sinh học của cây lúa, liên quan chặt
chẽ đến quá trình hình thành số bông và năng suất cây lúa. Thường khi ra lá
đầu tiên thì mầm nách ở mắt ra lá bắt đầu phân hoá, trong quá trình ra các lá
tiếp theo thì cũng tương tự như vậy ở các chồi tiếp theo và theo quy luật thì
khi lá thứ 4 xuất hiện thì lá thứ nhất kết thúc thời kỳ phân hoá và khi ra lá thứ

5 thì nhánh thứ 2 xuất hiện. Thời gian đẻ nhánh của cây lúa được tính từ khi
lúa bén rễ đến khi làm đòng (Nguyễn Ngọc Đệ, 2008). Số chồi trung bình của
nghiệm thức được lấy từ số chồi của 4 lần lặp lại mỗi nghiệm thức, số chồi
được đếm từ khung 0,25 m2, số liệu theo dõi được ghi nhận ở bảng 7.
Bảng 7: Số chồi trung bình qua các giai đoạn sau khi cho nước vào lúa
trong thí nghiệm


Số chồi trung bình (chồi/0,25m2)

Nghiệm thức

10 NSCN

21 NSCN

28 NSCN

A

ĐC - ốc (hạt trần)

119

171

185

B


ĐC + ốc (hạt trần)

92

169

174

C

Metaldehyde (1,2 kg/ha)

109

177

187

D

Metaldehyde (1,8 kg/ha)

113

186

194

E


Snailwise 8 (L-200: 0%)

83

147

162

F

Snailwise 8 (L-200: 50%)

97

162

170

G

Snailwise 8 (L-200: 100%)

95

157

177

H


Snailwise 12 (L-200: 0%)

97

171

182

I

Snailwise 12 (L-200: 50%)

80

164

170

J

Snailwise 12 (L-200: 100%)

102

175

185

(ĐC: Đối chứng; NSCN: Ngày sau cho nước)
17



Qua kết quả của bảng 7 cho thấy, số chồi qua các giai đoạn 10, 21, 28
ngày sau khi cho nước đều đẻ chồi bình thường. Giai đoạn lúa 10 ngày sau cho
nước thì số chồi nhiều nhất là ở nghiệm thức A, đây là nghiệm thức đối chứng
hạt trần không ốc đạt với số chồi là 119 do không có ốc gây hại. Nghiệm thức
C và D cũng có số chồi tương đối cao do được xử lý rải trực tiếp Metaldehyde
nên đã làm giảm sự gây hại của ốc. Các nghiệm thức còn lại có số chồi thấp
hơn là do ảnh hưởng của ốc gây hại nhưng không đáng kể. Giai đoạn lúa 21 và
28 ngày sau khi cho nước thì lúa tiếp tục nảy chồi bình thường và đạt 194
chồi/0,25m2 ở nghiệm thức D có xử lý rải trực tiếp Metaldehyde, tương tự
nghiệm thức C cũng đạt 187 chồi/0,25m2. Còn ở các nghiệm thức có số chồi
tương đối thấp thì đến giai đoạn này cũng đẻ chồi mạnh từ 157 – 171
chồi/0,25m2 giai đoạn 21 ngày sau cho nước và từ 170 – 182 chồi/0,25m2
không chênh lệch nhiều so với nghiệm thức đối chứng.
Ở nghiệm thức I số chồi trung bình qua các giai đoạn 10 ngày sau khi
cho nước tương đối thấp so với các nghiệm thức còn lại. Ở giai đoạn này thì số
chồi trung bình chỉ đạt được 80 chồi/0,25m2 là do trong nghiệm thức này có
lần lặp lại lúa đẻ nhánh hạn chế.
4.2.3. Số ốc sống, số ốc chết và ổ trứng
Trên ruộng lúa, ốc thường ăn mất từng đám lúa, tập trung ở các ruộng
trũng, các ruộng lúa mới cấy, các ruộng lúa gieo thẳng. Giai đoạn dễ bị hại
nhất là lúc lúa mới sạ đến 30 ngày. Khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ cao
nhiều ruộng bị hại mất trắng hoàn toàn chỉ sau một ngày đêm. Ốc bươu vàng
có tốc độ sinh sản rất nhanh, chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 –
300 trứng trong khoảng 3 giờ, mỗi chu kỳ đẻ của chúng gồm 10 – 12 ổ trứng.
Sau 7 – 15 ngày, trứng sẽ nở thành ốc non. Ốc bươu vàng gây hại làm thiệt hại
về giống, tốn công cấy dặm lại, ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều khó
khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Theo dõi chỉ tiêu ốc sống và ổ trứng được tiến hành lúc sáng sớm vì lúc

này ốc hoạt động mạnh dễ quan sát hơn và ghi nhận ở bảng 8.
Số ốc chết không có ở tất cả các nghiệm thức chứng tỏ thuốc đã hết tác
dụng trong giai đoạn này (không trình bày ở bảng 8).

18


Bảng 8: Số ốc sống và ổ trứng trung bình qua các giai đoạn sau khi cho
nước vào lúa lúa trong thí nghiệm


10 NSCN

21 NSCN

28 NSCN

OS

OT

OS

OT

OS

OT

Nghiệm thức


A

ĐC - ốc (hạt trần)

0

0

0

0

0

0

B

ĐC + ốc (hạt trần)

5

5

5

6

6


10

C

Metaldehyde 1,2 kg/ha

0

0

0

0

0

0

D

Metaldehyde 1,8 kg/ha

0

0

0

0


0

0

E

Snailwise 8 (L-200: 0%)

5

7

5

7

5

4

F

Snailwise 8 (L-200: 50%)

5

8

5


9

5

4

G

Snailwise 8 (L-200: 100%)

5

7

5

10

5

6

H

Snailwise 12 (L-200: 0%)

5

6


5

9

5

5

I

Snailwise 12 (L-200: 50%)

5

7

5

6

6

2

J

Snailwise 12 (L-200: 100%)

6


4

5

2

7

4

(ĐC: Đối chứng; OS: Ốc sống; OT: Ổ trứng; NSCN: Ngày sau cho nước)

Từ kết quả bảng 8 cho thấy, số ốc sống vẫn còn và tiếp tục sinh sản, số
ốc sống cao nhất là ở nghiệm thức J với Snailwise 12 g a.i./kg hạt (L-200:
100%) bọc Metandehydyde thì trung bình là 6 con và 4 ổ trứng cho mỗi
nghiệm thức lặp lại vào giai đoạn lúa 10 ngày sau khi cho nước và sau đó lúc
giai đoạn 28 ngày sau khi cho nước thì ốc sống lại tăng lên 7 con nhưng số ổ
trứng lại giảm xuống còn trung bình là 4 ổ trứng cho mỗi nghiệm thức do một
số ổ trứng đã nỡ. Giai đoạn 21 ngày sau khi cho nước có một số nghiệm thức
vẫn giữ nguyên số ốc là con do lượng ốc vẫn duy trì và không có ốc nào sinh
sản thêm.
Tại nghiệm thức C và D có xử lý rải trực tiếp Metaldehyde thì không còn
ốc cũng như ổ trứng ở giai đoạn 10, 21, 28 ngày sau khi cho nước, từ đây cho
ta thấy hiệu quả của việc xử lý rải trực tiếp Metaldehyde nhưng việc bọc
Metaldehyde lên hạt giống thì chưa hiệu quả. Các nghiệm thức còn lại trung
bình xuất hiện từ 4 – 5 con ốc và trung bình từ 3 – 10 ổ trứng.
4.2.4. Chiều cao cây lúa
Chiều cao cây là khoảng cách từ gốc sát mặt đất đến ngọn của lá cao
nhất, ngoài ra chiều cao còn là một trong những yếu tố quyết định đến năng

suất của cây lúa, khi các giống lúa có lóng ngắn, thành lóng dài, bẹ lá ôm sát
thân thì thân lúa sẽ cứng và khó đỗ ngã, còn đối với những giống có thân yếu,
lóng dài cùng với việc cung cấp đạm nhiều sẽ làm cho lúa dễ đỗ ngã. Khi đó
19


sự hấp thu dinh dưỡng từ thân lá đến hạt sẽ giảm nên hạt sẽ không đầy đủ tinh
bột, lép nhiều và ảnh hưởng đến năng suất đến năng suất cũng như chất lượng
hạt nên cũng cần chú ý đến chỉ tiêu chiều cao cây trong quá trình canh tác để
điều chỉnh lượng phân bón cũng như mực nước cho thích hợp (Nguyễn Ngọc
Đệ, 2008).
Chiều cao cây được đo từ mặt đất đến chóp lá cao nhất ở thời điểm đo,
chiều cao trung bình của nghiệm thức được lấy từ chiều cao cây của 4 lần lặp
lại mỗi nghiệm thức và lấy 5 cây trong mỗi nghiệm thức lặp lại đó.
Bảng 9: Chiều cao trung bình qua giai đoạn sau khi cho nước vào lúa
trong thí nghiệm (cm)


Chiều cao trung bình (cm)

Nghiệm thức

10 NSCN

21 NSCN

28 NSCN

A


ĐC - ốc (hạt trần)

37,67

54,41

69,99

B

ĐC + ốc (hạt trần)

38,72

53,89

72,28

C

Metaldehyde (1,2 kg/ha)

36,74

55,95

75,17

D


Metaldehyde (1,8 kg/ha)

35,94

54,89

72,16

E

Snailwise 8 (L-200: 0%)

37,45

54,95

71,52

F

Snailwise 8 (L-200: 50%)

36,37

51,05

71,35

G


Snailwise 8 (L-200: 100%)

38,32

52,99

71,95

H

Snailwise 12 (L-200: 0%)

37,83

51,69

71,18

I

Snailwise 12 (L-200: 50%)

37,34

53,41

72,80

J


Snailwise 12 (L-200: 100%)

39,17

54,75

70,53

(ĐC: Đối chứng; NSCN: Ngày sau cho nước)

Qua kết quả thì nghiệm ở bảng 9 cho thấy, ở giai đoạn 10 ngày sau khi
cho nước thì chiều cao cây trung bình của các nghiệm thức dao động từ
khoảng 35 cm đến 40 cm. Sau đó cây tiếp tục tăng trưởng đến các lúa giai
đoạn 21, 28 ngày sau khi cho nước thì cây cao từ khoảng 70 cm đến 76 cm,
chiều cao trung bình cao nhất ở giai đoạn lúa 10 ngày sau cho nước là 39,17
cm ở nghiệm thức J và đến giai đoạn lúa 28 ngày sau cho nước thì cao nhất là
75,17 cm ở nghiệm thức C rải trực tiếp Metaldehyde. Nhìn chung, chiều cao
trung bình các nghiệm thức là tương đương nhau, chênh lệch khoảng 3 – 5 cm.
Vì vậy, để đạt được chiều cao tốt thì cần tạo điều kiện cho cây lúa phát
triển tốt, đồng thời ở thí nghiệm này thì việc sử dụng hoạt chất Metaldehyte
lên hạt giống không làm ảnh hưởng đến chiều cao cây lúa. Chiều cao của cây
lúa vào các giai đoạn này thì sinh trưởng bình thường so với đối chứng.
20


CHƯƠNG 5
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. KẾT LUẬN
5.1.1. Kết luận về thí nghiệm thực hiện
Việc bọc trực tiếp hoạt chất Metaldehyde không làm ảnh hưởng đến

chiều cao cây lúa qua các giai đoạn 10, 21 và 28 ngày sau khi cho nước hay
giai đoạn 17, 28 và 35 ngày sau sạ.
Khi bọc hoạt chất Metaldehyde cho hạt giống cũng không làm ảnh
hưởng đến đến khả năng nảy chồi của cây lúa từ lúc gieo hạt, cây vẫn phát
triển và đẻ nhánh bình thường.
Việc xử lý trực tiếp hoạt chất Metaldehyde có hạn chế đến sự gây hại của
ốc bươu vàng, ốc sẽ chết nên không gây hại và đẻ trứng được nữa. Kết quả thí
nghiệm cho ta thấy, việc xử trực tiếp hoạt chất Metaldehyde có hiệu quả hơn
so với các nghiệm thức đối chứng thả ốc và các nghiệm thức có bọc trực tiếp
hoạt chất Metaldehyde cho hạt giống.
Việc bọc trực tiếp hoạt chất Metaldehyde cho hạt giống chưa thấy ảnh
hưởng của nó đến việc chống ốc bươu vàng.
5.1.2. Kết luận về quá trình thực tập
Sau một quá trình thực tập, tuy thời gian thực tập không dài chỉ có một
tháng nhưng tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế và kiến thức bổ
ích cho bản thân:
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là nơi nghiên cứu, lai tạo và chuyển
giao kỹ thuật giống lúa hàng đầu cả nước và bộ môn Kỹ thuật canh tác là để
thực hiện các thí nghiệm về kỹ thuật canh tác lúa và hệ thống canh tác mới để
tìm ra phương pháp sản xuất lúa hiệu quả nhất.
Biết cách bố trí thí nghiệm khối hoàn toàn ngẫu nhiên trên đồng ruộng.
Biết được thêm về quy trình kỹ thuật canh tác lúa từ làm đất, ngâm ủ hạt
giống, gieo sạ đến chăm sóc lúa. Biết thêm cách nhận biết về bệnh đạo ôn,
cháy bìa lá, biết về sâu cuốn lá, sâu đục thân và cách phòng trị của từng loại
dịch hại trên đồng ruộng.
Biết được cách lấy chỉ tiêu về đo chiều cao cây, số chồi cây lúa và đánh
giá được phần trăm thiệt hại ốc bươu vàng gây hại cho lúa.
Hiểu rõ thêm về đặc tính sinh trưởng, sinh sản cũng như đặc điểm gây
hại của ốc bươu vàng và cách phòng trừ hiệu quả.
Biết thêm các đặt tính của lúa giống OM 5451 và biết được hoạt chất

Metaldehyde sử dụng để kiểm soát ốc bươu vàng.
21


5.2. KIẾN NGHỊ
Đối với thí nghiệm thì cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian dài hơn,
trên nhiều vùng đất khác nhau, kéo dài nhiều vụ khác nhau và với những hoạt
chất mới, công thức, liều lượng khác nhau để có kết luận chính xác hơn và sau
đó đem ứng dụng thực tế ngoài đồng ruộng của nông dân. Cần thực hiện xem
xét thêm hoạt chất Metaldehyde có ảnh hưởng đến cá trong môi trường để biết
rõ độ độc của hoạt chất này.
Đối với bản thân thì bên cạnh việc học lý thuyết trên lớp, tôi hi vọng nhà
trường sẽ luôn tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên được tiếp xúc thực tế
nhiều hơn như đợt thực tập vừa qua, bởi vì chính đợt thực tập này mà tôi đã
học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ cuộc sống đến công việc
thực tập.

22


NHẬT KÝ CÔNG VIỆC
Ngày

Buổi

Nội dung công việc
+ Phân công vào bộ môn.

Sáng


+ Ra ruộng đếm mật độ lúa và cỏ trong từng ô nghiệm
thức. Thực hiện theo hướng dẫn tiến hành đếm lúa
và cỏ trong khung 0,25 m2 của 20 ô nghiệm thức,
mỗi nghiệm thức bố trí ngẫu nhiên 5 khung.
+ Lấy mẫu đất từ các ô nghiệm thức.
+ Đếm số hạt cho vào túi lưới (mỗi túi 100 hạt), hoàn
thành 50 túi.

14.06.2016

Chiều

15.06.2016

Cả
ngày

Sáng
16.06.2016

+ Ra ruộng lô đất số 4 chôn mỗi túi đựng giống xuống
từng nghiệm thức, chôn ngẫu nhiên mỗi ô nghiệm
thức 10 túi giống.
+ Lấy chỉ tiêu lúa, cây lúa được 12 ngày. Cách lấy chỉ
tiêu chiều cao cây lúa, đo chiều cao 5 cây trong mỗi
nghiệm thức. Chia thành 3 thí nghiệm.
+ Không có công việc, được nghĩ
+ Lấy chỉ tiêu chiều cao cây lúa, thực hiện 30 nghiệm
thức với 3 lần lặp lại, mỗi nghiệm thức đo chiều cao
30 cây và nhổ lên 5 cây lúa giữ cho rễ không bị đứt.

Vào phòng bộ môn rửa sạch rễ lúa, đo chiều dài rễ
từng cây, đem cân trọng lượng tươi sau đó cho vào
tủ sấy.
+ Ra ruộng trồng lúa lô 4, đậy các nghiệm thức chôn
hạt giống.

17.06.2016

Chiều

+ Cân phân, vận chuyển ra ruộng bón vào thí nghiệm.

Sáng

+ Ra ruộng lấy chỉ tiêu: đo chiều cao cây lúa, đếm số
chồi trong khung trong từng ô nghiệm thức. Mỗi
nghiệm thức đo chiều cao 5 cây, đếm số chồi trong
khung (mỗi ô nghiệm thức có 2 khung). Thí nghiệm
nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá, bố trí ngẫu
nhiên nhiên 36 nghiệm thức làm thành 6 dãy.

Sáng

+ Tìm thông tin về các thí nghiệm và tìm tên thuốc
diệt ốc bưu vàng tại phòng bộ môn.

Chiều

+ Ra lô 4 lấy mẫu giống được chôn dưới ô nghiệm
thức lên, sau đó đếm những hạt nảy mầm để tính

được tỉ lệ nảy mầm.

20.06.2016

23


×