VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐÀO XUÂN QUYỀN
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT
TỪ THỰC TIỄN TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
TRẺ TÀN TẬT THỤY AN
LUẬN VĂN THẠC SĨ CÔNG TÁC XÃ HỘI
HÀ NỘI, 2016
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐÀO XUÂN QUYỀN
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT
TỪ THỰC TIỄN TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
TRẺ TÀN TẬT THỤY AN
Chuyên ngành : Công tác xã hội
Mã số
: 60.90.01.01
LUẬN VĂN THẠC SĨ CÔNG TÁC XÃ HỘI
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. PHẠM HỮU NGHỊ
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sỹ Công tác xã hội với đề tài “Phục hồi
chức năng đối với trẻ khuyết tật từ thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức
năng trẻ tàn tật Thụy An” là đề tài nghiên cứu của riêng cá nhân tôi. Các kết
quả nghiên cứu và số liệu trong luận văn này là trung thực không trùng lặp
với các đề tài khác.
TÁC GIẢ ĐỀ TÀI
Học viên
Đào Xuân Quyền
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU............................................................................................................ 1
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐỐI
VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT ................................................................................9
1.1. Trẻ em khuyết tật ....................................................................................... 9
1.2. Nhu cầu về phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật....................... 19
1.3. Quan điểm, mục đích, hình thức, phương pháp, quy trình, kỹ năng phục
hồi chức năng đối với trẻ khuyết tật ................................................................ 20
1.4. Thể chế về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ................................... 28
1.5. Các yếu tố tác động đến phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật .............. 36
Chương 2. THỰC TRẠNG TRẺ EM KHUYẾT TẬT VÀ PHỤC HỒI CHỨC
NĂNG CHO TRẺ EM KHUYẾT TẬT TẠI TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC
NĂNG TRẺ TÀN TẬT THỤY AN .......................................................................53
2.1. Đôi nét giới thiệu về Trung tâm ............................................................... 53
2.2. Thực trạng trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật
Thụy An........................................................................................................... 56
2.3. Thực trạng phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi
chức năng trẻ tàn tật Thụy An ......................................................................... 58
Chương 3. ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT TỪ THỰC
TIỄN TRUNG TÂM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẺ TÀN TẬT THỤY AN .73
3.1. Định hướng tăng cường hoạt động phục hồi chức năng đối với trẻ em
khuyết tật từ thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An ... 73
3.2. Giải pháp tăng cường hoạt động phục hồi chức năng đối với TEKT từ
thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An ......................... 74
KẾT LUẬN...................................................................................................... 80
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 81
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
CTXH
: Công tác xã hội
KT
: Khuyết tật
LĐTB&XH
: Lao động - Thương binh và Xã hội
NKT
: Người khuyết tật
NVCTXH
: Nhân viên công tác xã hội
NVXH
: Nhân viên xã hội
PHCN
: Phục hồi chức năng
PHCNDVCĐ
: Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
TKT
: Trẻ khuyết tật
TEKT
: Trẻ em khuyết tật
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Con người, xét về bản chất là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội.
Hoạt động của con người đã hình thành và phát triển xã hội. Nói cách khác
con người là sản phẩm của bản thân nó trong quá trình hoạt động thực tiễn xã
hội và chỉ trong hoạt động ấy con người mới trở thành chính mình. Con người
muốn trở thành con người thực sự thì phải gia nhập xã hội loài người, để có
được sức mạnh của loài người, từ đó con người sống và phát triển. Như vậy,
sự hình thành và phát triển con người gắn liền với sự hình thành và phát triển
của xã hội trong mọi thời đại.
Người khuyết tật nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng cũng là con
người. Do vậy theo quy luật, họ không thể tách rời, cách ly hoặc từ bỏ mọi
hoạt động của con người. Do nhiều nguyên nhân mà họ đã mất đi quyền bình
đẳng về thân thể và trí lực, nhưng đồng loại, những con người bình thường
không thể lãng quên hay bỏ rơi họ, bởi bản thân họ là người chịu nhiều thiệt
thòi về cả thể chất lẫn tinh thần. Xã hội cần phải trợ giúp, thương yêu, hỗ trợ
để họ trở thành con người có ích trong xã hội và phục vụ cho xã hội.
Xã hội càng phát triển, kinh tế càng tăng trưởng đời sống văn hóa tinh
thần ngày càng cao. Do đó, sự đòi hỏi về tự do, bình đẳng và giải phóng cho
mỗi con người ngày càng trở thành những giá trị hiện thực và cao cả. Tại Hội
nghị Nhân quyền thế giới ngày 25/6/1993, quyền của người khuyết tật được
khẳng định: “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, và đều có quyền
sống và phúc lợi, giáo dục và việc làm, sống một cách độc lập và tham gia
tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội. Bất kỳ một sự phân biệt trực tiếp
hoặc đối xử phân biệt tiêu cực khác đối với người khuyết tật đều vi phạm
quyền của người đó”.
1
Người khuyết tật không phải là người tàn phế hoàn toàn mà tùy vào các
mức độ khác nhau của các dạng tật, người khuyết tật bị hạn chế một hay
nhiều hoạt động so với người bình thường. Bên cạnh đó do cơ thể có khả
năng bù trừ các chức năng, nên có rất nhiều NKT có những khả năng, tố chất
rất đặc biệt. Người khuyết tật có khả năng tham gia mọi hoạt động kinh tế,
chính trị, văn hóa xã hội. Đó chính là quyền của người khuyết tật phải được
bảo vệ và trợ giúp, để họ hòa nhập với cộng đồng. Nó có ý nghĩa rất quan
trọng không chỉ đối với bản thân người khuyết tật mà còn đối với toàn xã hội.
Mọi hoạt động trợ giúp về chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho
người khuyết tật đều nhằm giúp họ có khả năng phục hồi chức năng các
bộ phận trong cơ thể, tăng cường về thể lực và trí tuệ. Lịch sử hình thành và
phát triển con người đã chứng minh rằng chính nhờ hoạt động lao động, học
tập mà con người đã dần dần từng bước phát triển, hoàn thiện.
Người khuyết tật do chịu thiệt thòi về bệnh tật nên thường có tâm
lý bị bỏ rơi, bị lãng quên, họ rất khao khát được hoạt động, được làm việc,
được học tập và tham gia các hoạt động khác như người bình thường. Bản
thân họrất muốn được tự lập, tự chủ về kinh tế và bình đẳng về mọi mặt. Do
vậy, nếu chỉ sống dựa vào sự trợ giúp của gia đình và xã hội, không có điều
kiện học tập, sáng tạo, thì quyền bình đẳng của họ khó có thể thực hiện.
Người khuyết tật luôn có nhu cầu, khát khao được tham gia các hoạt
động văn hóa thể thao, vui chơi giả trí. Nếu xã hội định hướng hỗ trợ thì họ sẽ
phát huy được những khả năng, nhân tố đặc biệt của mình trong lĩnh vực này.
Khi xã hội, cộng đồng tạo điều kiện cho họ tham gia mọi hoạt động, chăm lo
về vật chất và tinh thần, sẽ làm nhẹ đi nỗi đau cho các gia đình có người
khuyết tật, giải phóng lực lượng lao động cho xã hội, giúp cho NKT cống
hiến cho xã hội. Hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng
người khuyết tật ở nước ta chiếm tỷ lệ cao. Đây là vấn đề xã hội rất bức xúc
2
và cần phải giải quyết. Chính vì vậy việc trợ giúp chăm sóc, giáo dục, phục
hồi chức năng cho NKT là một tất yếu trong xã hội, là đạo lý, là lương tâm, là
trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và của mỗi người; đồng thời, cũng thể hiện
bản chất tốt đẹp của xã hội với mục tiêu vì hạnh phúc của con người.
Trên thực tế cho thấy phần lớn NKT thường tự ti mặc cảm, có không ít
người khuyết tật tự đặt rào cản cho chính bản thân mình. Hầu hết NKT thiếu
những kỹ năng xã hội cần thiết. Họ không biết cách tiếp cận với các chính
sách hỗ trợ. Bên cạnh đó nhận thức của một bộ phận không nhỏ cá nhân, tổ
chức trong xã hội chưa đúng đắn về NKT, còn có sự kỳ thị, phân biệt.
Chúng ta thường đau đớn và trở nên dễ tổn thương khi trải qua mất mát
hay tổn thất. Những NKT tật sống trong môi trường được đánh giá bằng các
tiêu chuẩn của những người không khuyết tật lại càng phải thường xuyên chịu
đựng những mất mát: Mất đi hình ảnh bản thân, mất đi những cơ hội, vì thế
mất cả hy vọng và ước mơ...Do vậy, người khuyết tật không chỉ cần có những
tổ chức của mình mà còn cần nhân viên xã hội hỗ trợ họ và gia đình họ.
Những điều trình bày trên là lý do mà học viên đã lựa chọn đề tài “Phục
hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức
năng trẻ tàn tật Thụy An” làm luận văn thạc sỹ ngành Công tác xã hội.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Phục hồi chức năng cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật tại Việt
Nam đã có nhiều đề tài, tài liệu nghiên cứu, nhưng phần lớn mới tập trung ở
vấn đề phục hồi chức năng mang tính chuyên sâu ở lĩnh vực, góc cạnh nào đó.
Tài liệu “Hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật tại cộng
đồng” do Sở Y tế Hà Nội thực hiện năm 2007 với mục đích trang bị kiến
thức, kỹ năng cho nhân viên PHCNDVCĐ để hướng dẫn PHCN cho TKT.
Tài liệu này cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản và dễ hiểu nhất đến
mọi đối tượng có thể áp dụng được trong PHCN đối với TKT tại cộng đồng.
3
Tài liệu “Công tác xã hội phục hồi chức năng cho trẻ bại não” do Trần
Văn Lý và các cộng sự thực hiện năm 2012 (tài liệu biên soạn với sự hỗ trợ
của Đề án 32), đây là tài liệu phân tích khá kỹ về trẻ khuyết tật bại não, đặc
biệt là việc thực hiện công tác xã hội với đối tượng này. Tài liệu là chương
trình đào tạo nhân viên xã hội mang tính chuyên sâu trợ giúp cho trẻ bại não.
Tài liệu “Tập huấn chăm sóc người tàn tật” do TS. Nguyễn Hải Hữu
và các cộng sự thực hiện năm 2007 đây là kết quả hợp tác giữa Bộ LĐTBXH
và tổ chức Caritas Cộng hòa liên bang Đức. Tài liệu chủ yếu hướng dẫn về
nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc NKT cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở BTXH
Tài liệu“Về chính sách trợ giúp người khuyết tật, quyền và quy trình
thực thi quyền của người khuyết tật” do Hội trợ giúp người khuyết tật Việt
Nam (VNAH) hợp tác với Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người khuyết
tật Việt Nam (NCCD) và các chuyên gia thực hiện năm 2015. Tài liệu đề cập
chủ yếu đến quyền của người khuyết tật và việc đảm bảo các quyền của người
khuyết tật, mục tiêu của tài liệu là nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ trợ
giúp NKT, các tổ chức của NKT và bản thân NKT về chính sách, pháp luật
liên quan, các quyền của NKT và quy trình thực thi các quyền đó.
Giáo trình “Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật” do Trần Thị Thiệp,
Hoàng Thị Tho và Trần Thị Minh Thành thực hiện năm 2014, giáo trình phục
vụ cho việc giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên giáo dục đặc biệt.
Giáo trình đề cập đến nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức can thiệp
sớm ở lĩnh vực giáo dục cho TKT...
Như vậy ta thấy các nghiên cứu trên tập trung khai thác ở những góc
cạnh cụ thể như: phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; phục hồi chức năng
ở một dạng khuyết tật nào đó; trợ giúp trong việc chăm sóc cho NKT; việc
thực thi quyền của NKT... chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng
thể về phục hồi chức năng, hay nói cách khác là chưa có nghiên cứu nào
4
mang tính tổng quát, phục hồi chức năng toàn diện, khép kín. Nghiên cứu
theo phương pháp của công tác xã hội sẽ hiểu rõ hơn vấn đề phục hồi chức
năng mang tính toàn diện, giải quyết được các vấn đề của người khuyết tật, trẻ
khuyết tật trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Trước thực trạng vấn đề nêu trên, luận văn sẽ tìm hiểu sâu hơn mô hình
phục hồi chức năng toàn diện, khép kín tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ
tàn tật Thụy An, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác phục hồi chức
năng cho người khuyết tật, trẻ khuyết tật tại Trung tâm và cộng đồng.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích
Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về phục hồi chức năng cho trẻ
khuyết tật ở Việt Nam và thực tiễn công tác này tại Trung tâm Phục hồi chức
năng trẻ tàn tật Thụy An trong những năm qua, từ đó đề xuất giải pháp nâng
cao hiệu quả, từng bước chuyên nghiệp hóa công tác phục hồi chức năng cho
trẻ khuyết tật tại Trung tâm này nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
3.2. Nhiệm vụ
Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về trẻ em khuyết tật, nhu cầu của trẻ
khuyết tật; lý luận về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Đánh giá thực trạng hoạt động chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng
của trẻ khuyết tật hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân, những kết quả và hạn
chế trong hoạt động này.
Nêu định hướng, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao
hiệu quả phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Mô hình phục hồi chức năng toàn diện, khép kín cho trẻ em khuyết tật
tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.
5
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Công tác phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật tại Trung tâm
Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An trong 39 năm qua.
5. Phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận: Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương
pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phương pháp
luận của bộ môn Công tác xã hội.
Lý thuyết hệ thống:
Các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội có thể xem xét ở nhiều phần
khác nhau, mỗi một sự kiện, hiện tượng, quá trình, các vấn đề xã hội đều có
cách tiếp cận khác nhau ở tiếp cận này hay ở tiếp cận khác, về góc độ này hay
góc độ khác. Lý thuyết hệ thống chỉ ra sự tác động của các tổ chức, chính
sách, cộng đồng và các nhóm ảnh hưởng đến cá nhân [17, tr.123].
Người làm công tác xã hội phải hiểu rõ bản chất và những tác động của
các hoạt động trên, giúp người khuyết tật giải quyết được hàng loạt các vấn đề
có liên quan đến cá nhân trong cuộc sống, trong đó có lĩnh vực PHCN
Lý thuyết hệ thống sinh thái:
Lý thuyết hệ thống sinh thái trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho trẻ
khuyết tật sẽ giúp người làm công tác xã hội phân tích được mối tương tác
giữa trẻ và hệ thống sinh thái môi trường xã hội mà trẻ đang sống và ảnh
hưởng đến hành vi của trẻ trong đời sống xã hội. Lý thuyết này liên quan đến
nhiều yếu tố tác động đến cá nhân trẻ và gia đình như: họ hàng, cơ quan, bạn
bè, làng xóm, đoàn thể, tôn giáo, trường học, khu vui chơi giải trí, dịch vụ y
tế, chính quyền địa phương, an sinh xã hội...
Sự quan tâm của xã hội đối với trẻ khuyết tật không thể thiếu được các
cơ quan quản lý, các đoàn thể, các dịch vụ và mạng lưới an sinh xã hội. Theo
lý thuyết này, tất cả hệ thống sinh thái đều ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực
6
đến hành vi của trẻ. Hệ thống quản lý các công việc về người khuyết tật nhiều
cấp, nhiều khía cạnh, đảm bảo nhu cầu cho TKT, một dạng đối tượng cần sự
quan tâm đặc biệt [17, tr.129]
Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ TKT trong lĩnh vực phục hồi chức
năng cần phân tích được mối tương tác giữa trẻ, gia đình trẻ và các mối quan
hệ ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ và gia đình.
Nhân viên công tác xã hội cung cấp cho TKT, gia đình những thông tin
liên quan đến tâm lý xã hội và phục hồi chức năng, tham vấn giúp họ lên kế
hoạch, tận dụng tối đa những nguồn lực đã có, các nguồn lực trợ giúp từ bên
ngoài để trẻ được tiếp cận dịch vụ PHCN, can thiệp càng sớm càng tốt.
Thuyết hành vi:
Nhân viên công tác xã hội có thể tham gia cùng trẻ và gia đình trong
tiến trình giải quyết vấn đề, phải hiểu biết về lý thuyết hành vi [17, tr.130].
Công tác xã hội với TKT cần phải hiểu tâm lý, động viên khuyến khích
trẻ, và một điều quan trọng là luôn tôn trọng, tạo cơ hội cho trẻ nói ra những ý
kiến của mình mà không cảm thấy bị áp đặt, luôn dành cho chúng những tình
cảm yêu thương vì chúng rất cần sự yêu thương của mọi người.
Nhân viên công tác xã hội có trách nhiệm không chỉ thay đổi hành vi
của TKT và gia đình mà còn có trách nhiệm thay đổi hành vi của các thành
viên trong cộng đồng, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được tham gia vào tất cả
các dịch vụ xã hội, nhất là trong lĩnh vực phục hồi chức năng.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu, phân tích tài liệu: Các tài liệu được thu thập
nghiên cứu đó là các văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến người
khuyết tật; các báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chương trình, đề
án trợ giúp người khuyết tật của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và
các bộ, ngành liên quan.
7
Báo cáo tổng kết 35 năm, báo cáo tổng kết hàng năm của Trung tâm
Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; dựa trên kết quả nghiên cứu điều tra
thực tế trước đây của cán bộ Trung tâm (tác giả là thành viên) trong việc xây
dựng tài liệu Công tác xã hội phục hồi chức năng cho trẻ bại não (2012), đề
án xây dựng mô hình can thiệp, phục hồi chức năng trẻ tự kỷ (2013)
Phương pháp quan sát: Quan sát sự thay đổi của trẻ khuyết tật trong
quá trình phục hồi chức năng tại Trung tâm, phân tích nhận định tác động của
phục hồi chức năng đối với trẻ khuyết tật.
Phương pháp xử lý số liệu: Các số liệu, thông tin thu thập được xử lý
bằng phương pháp thống kê và phương pháp phân tích
6. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn
Đề tài góp phần làm rõ vai trò của các bộ phận trong hệ thống chính trị
XHCN từ Trung ương tới địa phương trong việc thực hiện chăm sóc, phục hồi
chức năng cho trẻ em khuyết tật. Do vậy, nó có thể trở thành tài liệu tham
khảo trong việc hoạch định chính sách cũng như hoạt động phục hồi chức
năng đối với trẻ em khuyết tật.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn được kết cấu thành 3 chương.
Chương 1: Những vấn đề lý luận về phục hồi chức năng đối với trẻ em
khuyết tật.
Chương 2: Thực trạng trẻ em khuyết tật và công tác phục hồi chức năng
cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An.
Chương 3: Định hướng, giải pháp tăng cường hoạt động phục hồi chức
năng đối với trẻ em khuyết tật từ thực tiễn Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ
tàn tật Thụy An.
8
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
ĐỐI VỚI TRẺ EM KHUYẾT TẬT
1.1. Trẻ em khuyết tật
1.1.1. Khái niệm trẻ em khuyết tật
* Khái niệm trẻ em:
Thuật ngữ “trẻ em” nhằm chỉ một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi
nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người1.
Tại Điều 1 Công ước quốc tế quyền trẻ em định nghĩa: “Trẻ em là
người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên
sớm hơn”.
Trong các văn bản pháp luật của Việt Nam khái niệm trẻ em chưa được
quy định thống nhất. Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2005
của Việt Nam: “Trẻ em qui định trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16
tuổi”. Theo Bộ luật Dân sự 2005 thì trẻ em là những người dưới 15 tuổi.
Theo pháp luật liên bang của Hoa Kỳ thì “trẻ em là người dưới 18 tuổi”
Nhìn chung mỗi nước có qui định khác nhau về độ tuổi để được coi là
trẻ em. Việc qui định độ tuổi ở mỗi quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển về
thể chất, tâm sinh lý của trẻ em ở mỗi quốc gia. Do đó có những quốc gia qui
định độ tuổi thành niên sớm hơn hoặc trễ hơn 18 tuổi như được xác định trong
Công ước về quyền trẻ em.
Tuy độ tuổi được coi là trẻ em ở mỗi quốc gia khác nhau nhưng nhìn
chung trẻ em ở tất cả các quốc gia đều có các đặc điểm sau:
1
Khái niệm “Trẻ em” đã được đề cập trong Tuyên bố Giơnevơ (1924) và Tuyên bố của LHQ về quyền trẻ
em (1959), Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (1968), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính
trị (1966), Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá 1966, Công ước LHQ về Quyền trẻ em
(1990), Công ước 138 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tuổi tối thiểu làm việc (1976), v.v...
9
Thể chất và trí tuệ chưa trưởng thành.
Cần có sự chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội cả về
mặt pháp lý.
Ngoài ra trong các qui phạm pháp luật Việt Nam còn xuất hiện các khái
niệm “người thành niên”, “người chưa thành niên”. Như vậy vấn đề đặt ra là
phân biệt giữa các khái niệm trên và khái niệm “trẻ em”.
Theo pháp luật Việt Nam:
Người thành niên: là người trên 18 tuổi
Người chưa thành niên: là người dưới 18 tuổi
Như vậy khái niệm người chưa thành niên rộng hơn khái niệm về trẻ em,
người chưa thành niên bao gồm cả trẻ em và những người từ 16 đến 18 tuổi.
* Khái niệm trẻ em khuyết tật:
Cho đến nay đã có khá nhiều định nghĩa đưa ra nhằm trả lời một câu
hỏi thế nào là người khuyết tật (trong đó có trẻ em khuyết tật)? Theo tổ chức
y tế thế giới OMS thì người khuyết tật là người bị khiếm khuyết 1 hay nhiều
bộ phận cơ thể chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, khiến cho
khả năng hoạt động, sinh hoạt, học tập, làm việc gặp nhiều khó khăn. Tùy
từng mức độ khác nhau các dạng tật mà người bị khuyết tật bị hạn chế một số
hoạt động, chức năng so với người bình thường.
Theo Công ước về quyền của người khuyết tật ngày 06 tháng 12 năm
2006 thì Người khuyết tật bao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần
kinh, trí tuệ hay giác quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với
hàng loạt những rào cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của
người khuyết tật vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.
Theo Luật Người khuyết tật thì NKT được hiểu là “người bị khiếm
khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu
hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
10
1.1.2. Đặc điểm của trẻ em khuyết tật
* Các dạng trẻ khuyết tật
Theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, khuyết tật được
phân loại theo các dạng sau:
Khuyết tật vận động: là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động
đầu cổ, chân, tay, thân hình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
Khuyết tật nghe nói: là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói
hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong
giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
Khuyết tật nhìn: là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm
nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi
trường bình thường.
Khuyết tật thần kinh, tâm thần: là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ,
cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành
động bất thường.
Khuyết tật trí tuệ: là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư
duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật,
hiện tượng, giải quyết sự việc.
Khuyết tật khác: là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cơ thể khiến
cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các
trường hợp được quy định tại các dạng trên.
Trong PHCN, khắc phục hậu quả khuyết tật chủ yếu thực hiện ở cộng
đồng. Để dễ nhận biết và dễ thực hiện cũng như để tạo thuận lợi cho
NKTchấp nhận tình trạng khuyết tật của mình, tăng cường khả năng hợp tác
của NKT, người ta phân loại khuyết tật như sau:
Người có khó khăn về vận động.
11
Người có khó khăn về học hành.
Người có khó khăn về nhìn.
Người có khó khăn về nghe, nói.
Người có hành vi xa lạ.
Người bị động kinh.
Người bị mất cảm giác.
Các dạng tật khác
* Các nguyên nhân và yếu tố dẫn đến tình trạng KT ở Việt Nam
Thứ nhất: Về nguyên nhân
Do bệnh, tuổi cao, tai nạn, tật bẩm sinh.
Bản thân khuyết tật tạo ra tàn tật.
Thái độ sai của xã hội, đối xử thiếu công bằng gây ra khuyết tật hoặc
làm cho khuyết tật trầm trọng hơn. Xã hội càng ít chú ý đến nhu cầu, khả
năng của người khuyết tật càng tạo ra nhiều tàn tật hơn.
Nền y học phát triển chậm, chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa tốt, nhiều
người bệnh mang nhiều di chứng thương tật thứ cấp do điều trị không đầy đủ,
không kịp thời. Y học tiên tiến cũng có thể gây nên khuyết tật nhiều vì nhiều
bệnh nhân nặng được cứu sống mà trước đây không làm được [19, tr.14].
Ngành PHCN phát triển yếu kém là một nguyên nhân gây ra tàn tật.
Theo ước tính Tổ chức Y tế thế giới 10% dân số bị khuyết tật. Riêng
các nước khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 100 triệu người khuyết
tật, 75% trong số họ chưa được chăm sóc, phục hồi. Ở Việt Nam hiện nay có
khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, trong đó 28,3 % NKT là trẻ em, có 3
triệu NKT có nhu cầu phục hồi chức năng [3].
Thứ hai: Nhóm yếu tố nguy cơ
Nhóm nguy cơ thứ nhất: Do điều kiện tự nhiên.
Đất nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm thường phải gánh chịu
những hậu quả do thiên tai để lại. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 10
12
trận bão lớn nhỏ đổ bộ vào. Ngoài bão ra còn có các thiên tai cục bộ như lốc,
mưa đá, lũ quét, lũ ống, hạn hán... Hậu quả thiên tai, sự tàn phá của nó đã gây
ra những thiệt hại về kinh tế, làm thất thoát hàng tỉ đồng về tài sản, hoa màu
kể cả tính mạng con người; trong đó có bộ phận đã trở thành khuyết tật. Việt
Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng
và phát triển của động, thực vật, nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho sự
phát triển bệnh tật, nhất là ở trẻ em.
Nhóm nguy cơ thứ hai: Do hậu quả chiến tranh.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Đế quốc Mỹ đã rải xuống
hầu khắp các tỉnh Miền Nam và Miền Trung, nhất là Quảng Bình - Quảng Trị
một khối lượng khá lớn chất độc hóa học hủy diệt, để lại nhiều hậu quả
nghiêm trọng cho trẻ em Việt Nam hôm nay và kể cả mai sau.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của Bộ LĐTB&XH, nước ta có trên tám
mươi ngàn người chịu hậu quả trực tiếp và hơn một trăm ngàn người chịu hậu
quả gián tiếp của chất độc màu da cam như hiện tượng quái thai, dị dạng, dị
tật và các bệnh nan y khác. Một số gia đình có ba, bốn con đều bị dị tật.
Hậu quả của chiến tranh vẫn và sẽ còn kéo dài cho nhiều thế hệ. Đây là
nỗi đau cho gia đình, là gánh nặng cho toàn xã hội; đối tượng phải gánh chịu
trực tiếp là những TEKT.
Nhóm nguy cơ thứ ba: Nguyên nhân về kinh tế.
Sự đói nghèo được coi là nguyên nhân bao trùm dẫn tới hậu quả ở nước
ta số người khuyết tật chiếm số lượng khá đông. Đói nghèo ở nước ta diễn ra
trên diện rộng. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa (mấy năm gần đây công tác
xóa đói giảm nghèo ở nước ta đã mang lại nhiều hiệu quả khá thiết thực, được
cộng đồng thế giới thừa nhận). Do đói nghèo nên nhiều gia đình không có
điều kiện để chăm sóc chu đáo về y tế, không quan tâm tới vệ sinh an toàn
thực phẩm, không đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cho con cái, và cũng
chưa chú ý phòng chống, chữa bệnh kịp thời cho trẻ em.
13
Tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa cơ sở hạ tầng yếu kém, nước
sạch không đủ để dùng, dịch bệnh thường phát sinh, dễ gây bệnh tật dẫn đến
KT ở trẻ em, bởi trẻ em có sức đề kháng kém, dễ mẫn cảm, dễ mắc bệnh, việc
cấp cứu bệnh nhân không kịp thời nên số trẻ em khuyết tật thường có tỉ lệ cao
hơn những vùng khác.
Nhóm nguy cơ thứ tư: Những tai nạn rủi ro và bệnh nghề nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, cùng với xu thế mở cửa hội nhập, trong nền kinh tế nhiều thành
phần, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang tạo ra đà phát
triển về kinh tế, gia tăng mạnh mẽ các phương tiện giao thông, xây dựng các
nhà máy, xí nghiệp. Điều đó đang từng bước nâng cao mức sống của nhân
dân, tạo điều kiện cho các gia đình và xã hội chăm sóc con cái được tốt hơn,
nhưng mặt trái của nó là các thiết bị công cụ, nguyên liệu, vật tư, hóa chất
chưa được sử dụng,bảo quản theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật, nên đã
gây nhiễm độc thai nghén, dẫn tới không ít phụ nữ sinh con dị tật, dị dạng.
Trong nền kinh tế thị trường, do chạy theo lợi nhuận, nên có nhiều
phương tiện giao thông chưa đảm bảo các thông số an toàn cùng với sự kém
hiểu biết về luật giao thông của một số chủ phương tiện, tình trạng dùng chất
kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông đã dẫn đến những tai nạn rủi
ro làm cho một bộ phận trẻ em trở nên khuyết tật.
Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, quản lý thị trường của Nhà
nước còn lỏng lẻo, một bộ phận thương nhân sử dụng những hóa chất, phẩm
màu bị cấm trong thực phẩm, hay không tuân theo những quy định vệ sinh
trong các mặt hàng ăn uống đã gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người tiêu
dùng, đó là một trong những nguyên nhân gây ra khuyết tật.
Nhóm nguy cơ thứ năm: Khuyết tật do ô nhiễm môi trường.
14
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề toàn cầu hiện nay. Ô nhiễm môi
trường đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam. Nguồn nước, không khí ở nước
ta ngày càng ô nhiễm, điều đó cũng làm gia tăng bệnh tật.
Ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người Việt Nam còn chưa cao, làm
cho các ổ dịnh bệnh phát triển và lan rộng, dẫn tới những hậu quả khuyết tật ở
trẻ em. Mặt khác sự thiếu chất dinh dưỡng, thiếu các cơ sở dịch vụ chăm sóc
thai nghén, thiếu kiến thức phòng ngừa bệnh tật cho thai nhi trong quá trình
lao động của nhiều bà mẹ. Sự chăm sóc trẻ sơ sinh của một số gia đình chưa
tốt, cũng như việc chạy chữa không kịp thời làm cho số lượng trẻ em khuyết
tật gia tăng.
Khái quát trong sơ đồ sau:
Nguyên nhân khuyết tật
Bệnh và các vấn đề về môi trường xã hội
Khiếm khuyết
(Impairment)
Bản thân
Giảm chức năng
(Disabled)
Gia đình
Tàn tật
(Handicapped)
Xã hội
1.1.3. Các nhu cầu của trẻ em khuyết tật
Trẻ khuyết tật cũng có nhu cầu giống như trẻ bình thường và người
bình thường như: ăn, mặc, ở, chăm sóc, bảo vệ, xã hội, tự thể hiện mình…
15
Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người
(Abraham Maslow, 1908- 1970)
Nhu cầu cơ bản (basic needs):
Nhu cầu này cũng được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu
cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản như: ăn, uống,
ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,
đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người [17, tr. 53].
Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện
trừ khi những nhu cầu cơ bản được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ
chế ngự, hối thúc một người hành động khi nhu cầu cơ bản chưa đạt được
Chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng điều này khi cơ thể không khỏe
mạnh, đói khát hoặc bệnh tật, lúc ấy, các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu.
Đối với TKT, do gặp nhiều khó khăn trong việc tự đáp ứng các nhu cầu
cơ bản. Để thỏa mãn được các nhu cầu này, trẻ cần sự hỗ trợ của người khác.
Nhu cầu về an toàn (safety needs):
Khi con người được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, nghĩa là các nhu cầu
này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp
16
theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an
toàn được thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần [17, tr. 53].
Nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn
cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai, gặp thú dữ… Trẻ
khuyết tật thường hay biểu lộ sự thiếu cảm giác an toàn khi bứt rứt, khóc đòi
cha mẹ, mong muốn được vỗ về.
Ở trẻ khuyết tật, việc đi lại, di chuyển, cử động khó khăn; tinh thần
thường cảm thấy bất an. Việc tự bảo vệ của trẻ lại càng khó khăn, trẻ thường
nhút nhát, tự ti, thường ngại tiếp xúc với người khác, đôi khi sợ sệt.
Để tiếp xúc với TKT, người làm công tác PHCN và công tác xã hội phải
thật sự gần gũi, cảm thông với trẻ, tạo cho trẻ cảm giác yên tâm như đang
được tiếp xúc với người thân trong gia đình, giúp trẻ yên tâm luyện tập, học
tập, vượt qua khó khăn về bệnh tật, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Nhu cầu về xã hội (social needs):
Nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài
người từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù Maslow xếp nhu cầu này sau
2 nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được
thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần
kinh. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con
người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế giới này
với lý do: “Những người xung quanh, không có ai hiểu con!” [17, tr. 54].
Để đáp ứng nhu cầu thứ 3 này, nhiều cơ sở Bảo trợ xã hội đã tổ chức cho
trẻ các buổi cắm trại ngoài trời, tham quan các khu danh lam thắng cảnh, cùng
chơi chung các trò chơi tập thể, áp dụng các phương pháp hoạt động theo
nhóm,các tổ chức Đoàn, Đội được giao trách nhiệm tập hợp các em, định
hướng các em vào những hoạt động bổ ích. Kết quả cho thấy: các hoạt động
trên đem lại kết quả tốt cho tinh thần và hiệu suất học tập, PHCN.
17
Kinh nghiệm cho thấy: phần lớn trẻ (cả trẻ bình thường và trẻ khuyết tật)
sống trong các gia đình hay bất hòa, bố mẹ mâu thuẫn, lục đục, thiếu quan
tâm, thiếu tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như
các em học sinh khác, tình trạng sức khỏe và tinh thần của trẻ không tốt.
Nhu cầu được tôn trọng (esteem needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó
thể hiện 2 cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các
thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, tôn trọng chính bản thân, danh
tiếng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu
này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn [17, tr. 54].
Một số TKT thường bị hạn chế những thế mạnh của bản thân. Vì vậy,
nếu chúng ta chỉ nhìn vào những hạn chế đó mà có những hành động, lời nói
mang tính chỉ trích, chê bai sẽ làm cho tâm lý của trẻ bị suy sụp, trẻ sẽ càng tự
ti, sống khép mình, ngại giao tiếp với người khác.
Để khắc phục tình trạng đó, mọi người tiếp xúc với trẻ đều phải có sự
tác động tích cực, đưa ra lời khen hoặc tán thưởng khi trẻ đạt được bất cứ
thành quả gì, dù là lớn hay nhỏ. Điều đó sẽ làm cho trẻ cảm thấy mình được
tôn trọng, hình thành lòng tự trọng cho trẻ, làm thay đổi cách nghĩ và hành
động của trẻ, giúp trẻ hợp tác hơn, tích cực trong học tập và PHCN.
Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs):
Maslow mô tả nhu cầu này là: “nhu cầu của một cá nhân mong muốn
được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm””. Nói một
cách đơn giản, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng
của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.
Nhu cầu này cũng chính là mục tiêu cao nhất mà giáo dục hiện đại nhắm
đến. Trong báo cáo của Unesco Learning: the Treasure Within, vấn đề học tập
đó được mô tả qua 4 trụ cột của giáo dục (The Four Pillars of Education):
18
1. Học để biết (Learning to know).
2. Học để làm (Learning to do).
3. Học để chung sống (Learning to live together).
4. Học để tự khẳng định mình (Learning to be)
Đối với trẻ khuyết, tuy sự khẳng định mình thể hiện qua vị trí không cao
như trẻ bình thường, người bình thường, nhưng nhu cầu này rất mạnh mẽ.
Ví dụ: Chỉ đơn giản như việc trẻ tự đi lại rất khó khăn nhưng trẻ luôn có
nghị lực rất tốt để cố gắng đứng dậy và đi (có thể chỉ đi được 1 - 2 bước rồi
ngã), việc đó hình thành trong tâm trí trẻ sự phấn đấu và nghị lực cao hơn.
1.2. Nhu cầu về phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật
1.2.1. Khái niệm phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là một thuật ngữ trong y khoa, là một trong 3 lĩnh
vực của y học gồm phòng bệnh - chữa bệnh - phục hồi chức năng.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một khái niệm đầy đủ về PHCN như
sau: Phục hồi chức năng bao gồm các biện pháp y học, kinh tế, xã hội, giáo
dục hướng nghiệp và kỹ thuật phục hồi nhằm làm giảm tác động của giảm khả
năng và tàn tật, đảm bảo cho người tàn tật hội nhập xã hội, có những cơ hội
bình đẳng và tham gia đầy đủ các hoạt động của xã hội [19, tr.17].
Phục hồi chức năng là trả lại các chức năng bị giảm hoặc bị mất cho
người khuyết tật hoặc là giúp họ xử trí tốt hơn với tình trạng khuyết tật của
mình khi ở nhà hoặc ở cộng đồng. Phục hồi chức năng không chỉ huấn luyện
NKT thích nghi với môi trường sống mà còn tác động vào môi trường và xã
hội tạo nên khối thống nhất cho quá trình hội nhập của NKT.
1.2.2. Nhu cầu về phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật
TKT có những nhu cầu đặc thù để có thể tham gia vào các loại hình hoạt
động khác nhau. Chẳng hạn trong học tập: trẻ khó khăn về nhìn cần phương
tiện trợ thị lực hoặc cần được tiếp nhận thông tin qua các giác quan khác
19
nhau, đặc biệt là xúc giác và thính giác. Chữ Braille và các sơ đồ, mô hình nổi
giúp trẻ khiếm thị lĩnh hội tri thức; trẻ khó khăn về nghe cần các phương tiện
trợ thính và môi trường nghe - nói thuận lợi, hoặc các hình thức giao tiếp qua
kênh thị giác thay thế ngôn ngữ nói thuần túy; trẻ khó khăn về vận động cần
một môi trường không vật cản để có thể di chuyển một cách dễ dàng; cần
được củng cố kiến thức, kỹ năng, hành vi nhiều hơn mức thông thường;trẻ
khó khăn về nói cần được giúp sửa lỗi phát âm hoặc hướng dẫn các hình thức
biểu đạt thay thế… Vì vậy nhu cầu về PHCN đối với TKT là rất quan trọng:
TKT cần được chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt để tồn tại và phát triển.
Cần được an toàn về tư tưởng và thể chất.
Cần được khám chữa bệnh, phục hồi chức năng.
Cần được yêu thương, hoà nhập cộng đồng.
Cần được học hòa nhập, được vui chơi với trẻ cùng lứa tuổi.
Cần được tôn trọng, đánh giá, được khuyến khích và động viên.
Cần được giúp đỡ để phát triển và hoàn thiện dần.
Trẻ khuyết tật thường có năng lực bù trừ và tính sáng tạo.
1.3. Quan điểm, mục đích, hình thức, phương pháp, quy trình, kỹ
năng phục hồi chức năng đối với trẻ khuyết tật
1.3.1. Quan điểm phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật
Phục hồi chức năng sớm, toàn diện và hiệu quả.
Đánh giá cao vai trò của TKT, gia đình và cộng đồng.
Phục hồi chức năng tối đa các khả năng bị giảm hoặc bị mất để giảm
hậu quả của khuyết tật đối với cá nhân, gia đình và xã hội [19, tr19].
PHCN dự phòng là nguyên tắc chiến lược trong phát triển ngành PHCN
1.3.2. Mục đích phục hồi chức năng đối với trẻ em khuyết tật
Trước đây nhiều thầy thuốc chỉ chú trọng đến phòng, chữa bệnh mà
không chú trọng đến tình trạng bệnh sau khi chữa bệnh, ngày nay người ta
20