Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM VỚI NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (207.46 KB, 11 trang )

CHƯƠNG 1
PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG, CHẤT LƯỢNG
NHẰM TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM VỚI NỀN
KINH TẾ THẾ GIỚI
TS. Vũ Văn Diện1

Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chính thức được thực hiện hơn 50 năm ở
nước ta, luôn được nghiên cứu hoàn thiện để phù hợp với cơ chế quản lý từng thời kỳ, nay
đã đi vào nền nếp và hoạt động ngày càng hiệu quả, có những đóng góp tích cực vào sự phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây hoạt động tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng đã có đổi mới cơ bản để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Hàng
loạt các văn bản quy phạm pháp luật từ luật đến các thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành
được ban hành thay thế cho các quy định trước đây không còn phù hợp; hệ thống tổ chức
ngày càng hoàn thiện, bao gồm các cơ quan từ Trung ương tới địa phương; nhiều nhiệm vụ
được triển khai đồng bộ, đạt được kết quả to lớn, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng
bền vững của nền kinh tế, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam;
bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ các lợi ích cộng đồng và
công bằng xã hội, đồng thời góp phần làm thuận lợi hóa thương mại, hạn chế và tiến tới xóa
bỏ các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu và định hướng phát triển kinh tế đất nước đến năm 2020 và nhu
cầu hội nhập kinh tế thế giới đã đặt ra những nhiệm vụ ngày càng cao cho hoạt động tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng. Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng càng trở nên quan
trọng, ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội và góp phần
đáng kể vào quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả,
không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

1

Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam


1


Vì vậy, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cần tiếp tục có những nỗ lực hơn
nữa mới đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong thời gian tới.
1.1. Thực trạng tổ chức quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hiện nay
Cơ sở pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng về cơ bản đã được xây dựng và
đang được tiếp tục hoàn thiện phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội trong giai đoạn
hội nhập kinh tế thế giới của nước ta hiện nay. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, Luật Đo lường 2011 và các Nghị định,
Thông tư hướng dẫn là cơ sở pháp luật cho hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng các Luật trên đã thể hiện sự đổi mới về tổ chức, nội dung,
phương thức hoạt động; đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời tăng cường
xã hội hóa, tính tự chủ của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo yêu cầu hội nhập nhằm tiếp cận và
phù hợp hơn với tập quán và thông lệ quốc tế.
Hệ thống tổ chức tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được thiết lập từ Trung ương đến
địa phương, bao gồm:
 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ
quan đầu mối quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thống nhất trong cả nước, có
một hệ thống tổ chức đồng bộ, với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có
kinh nghiệm và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối mạnh;
 Mạng lưới các cơ quan quản lý và các đơn vị kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực tiêu
chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ cho các đối tượng chuyên ngành tại các Bộ
quản lý chuyên ngành như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ
Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và
Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ
ngành khác;
 Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trực
thuộc Sở Khoa học và Công nghệ;

 Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc các Sở chuyên ngành tại 63 tỉnh, thành phố trên
cả nước.

2


Ngoài ra còn có nhiều tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về tiêu chuẩn,
đo lường, chất lượng; hay các doanh nghiệp cũng tham gia hoạt động tiêu chuẩn, đo lường,
chất lượng. Các cơ quan, tổ chức trên đã hình thành một hệ thống ngành dọc về tiêu chuẩn,
đo lường, chất lượng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đội ngũ những người tham gia
làm công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bao gồm hàng vạn người chuyên trách hoặc
kiêm nhiệm đã đóng góp đáng kể vào thành tích trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng ở nước ta thời gian qua.
Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) gồm hơn 7.000 TCVN đề cập đến hầu hết các
vấn đề/đối tượng hoạt động kinh tế - xã hội và Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
(QCVN) gồm gần 400 QCVN đề cập đến các đối tượng là các sản phẩm, hàng hóa có khả
năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ
ban hành làm cơ sở quan trọng cho việc quản lý, bảo đảm an toàn, vệ sinh, bảo vệ sức khỏe
con người, bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh
tranh, tăng cường xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, ở cấp cơ sở, hàng vạn tiêu
chuẩn cơ sở đã được công bố phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.
Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, trong đó 10 chuẩn đo lường thuộc các lĩnh vực đo
khối lượng, độ dài, thời gian, nhiệt độ, áp suất, độ cứng, công suất, năng lượng điện tần số
công nghiệp, dung tích, lưu tốc thể tích chất lỏng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là
chuẩn đo lường quốc gia, làm cơ sở kỹ thuật bảo đảm tính thống nhất và chính xác của các
hoạt động đo lường trong phạm vi cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số chuẩn đạt
được cấp chính xác khá cao đủ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hiện tại và trong một vài
năm tới; hàng trăm chuẩn, phương tiện đo được nghiên cứu sản xuất trong nước phục vụ
hoạt động đo lường, kiểm định, giúp tiết kiệm ngoại tệ cho Nhà nước. Hàng năm, hàng chục
ngàn phương tiện đo được kiểm định; hàng trăm phòng đo lường, thử nghiệm chất lượng

sản phẩm hàng hóa được xây dựng với các trang thiết bị đầy đủ phục vụ sản xuất - kinh
doanh trong cả nước thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Hoạt động đánh giá sự phù hợp, bao gồm công nhận, chứng nhận, giám định, thử
nghiệm ngày càng đi vào nề nếp. Hàng trăm phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn, tổ chức giám
định, tổ chức chứng nhận đã được công nhận phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hệ thống các
phòng thử nghiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các cơ quan quản lý
chuyên ngành có khả năng thử nghiệm được nhiều chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh an toàn của
3


nhiều loại sản phẩm hàng hóa như thực phẩm, cơ khí, điện-điện tử, cao su, nhựa, vải sợi,
giấy, xăng dầu, vật liệu xây dựng và công trình, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc thú y,
chất bảo quản và phòng trừ dịch hại, cây trồng, môi trường... với các trang thiết bị tin cậy,
chính xác, nhiều thiết bị thuộc loại thế hệ mới, tiên tiến ngang với trình độ quốc tế, trong đó
có hơn 600 phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn đã được công nhận theo TCVN ISO 17025 ở cấp
độ quốc gia, một số phòng thử nghiệm về điện-điện tử được thừa nhận là phòng thí nghiệm
của ASEAN. Hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn,
công bố hợp quy được triển khai theo quy định mới. Hàng nghìn sản phẩm, hàng hóa được
chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy phù hợp với TCVN, QCVN.
Hoạt động công nhận các phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận,
tổ chức giám định trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế cũng được tiến hành trên phạm vi cả
nước, nhằm nâng cao độ tin cậy của các kết quả đo lường, thử nghiệm, chứng nhận, giám
định do các phòng thí nghiệm, tổ chức chứng nhận, giám định cung cấp, đặc biệt là chuẩn bị
điều kiện để hội nhập và thừa nhận lẫn nhau các kết quả chứng nhận, thử nghiệm. Cho đến
nay, Văn phòng Công nhận Chất lượng Việt Nam (VILAS) đã công nhận hơn 600 phòng
thử nghiệm và hiệu chuẩn, hàng chục tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận. VILAS được
thừa nhận là thành viên tham gia thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau APLAC - MRA với các lĩnh
vực công nhận phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn và giám định.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh và ngày càng có hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức

kiểm tra chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa trọng điểm lưu thông trên thị trường,
góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn vệ sinh môi trường và quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt
động kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu đã có sự phối hợp với các cơ quan hải quan, thuế và
quản lý thị trường, xử lý những vụ việc liên quan đến chất lượng và hợp đồng, chống thất
thu thuế, phát hiện nhiều vụ vi phạm hợp đồng hoặc khai gian dối, thu hồi hoặc tiết kiệm
hàng tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến được đưa vào
áp dụng. Đến nay, cả nước có hàng vạn doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các hệ thống quản
lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến khác nhau, trong đó có khoảng hơn
8.000 doanh nghiệp, tổ chức được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO
9001 (với khoảng 2.500 cơ quan hành chính nhà nước); hàng nghìn doanh nghiệp áp dụng
4


các hệ thống quản lý tiên tiến khác (TCVN ISO 14001, 22001, 27001, TQM, HACCP,
GMP...), cũng như nhiều công cụ nâng cao năng suất, chất lượng khác nhau (5S, QCC,
Kaizen, Lean 6 Sigma, 7 công cụ thống kê...) góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt
động của các doanh nghiệp, tổ chức, giúp hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường
khó tính như Mỹ, EU, Nhật.
Phong trào năng suất, chất lượng bước đầu được hình thành trong phạm vi cả nước, tác
động tích cực đến nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề tiêu chuẩn, đo lường, chất
lượng, tạo động lực cho các doanh nghiệp phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng
hóa và dịch vụ. Các hoạt động trên bước đầu góp phần làm cho chất lượng sản phẩm, hàng
hóa của Việt Nam được cải thiện rõ rệt.
Hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm, mở rộng. Việt Nam là thành viên của 18 tổ
chức quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, ngày càng tham gia tích cực
và có tiếng nói quan trọng, thể hiện được những lợi ích của quốc gia trên các diễn đàn quốc
tế và khu vực, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ và ủng hộ của các tổ chức này nhằm
thúc đẩy hoạt động thương mại đa phương và song phương.
Với những đóng góp như vậy, bức tranh chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam

hiện nay có nhiều chuyển biến và đạt những tiến bộ vượt bậc. Thị trường hàng hóa Việt
Nam ngày càng dồi dào, đa dạng, đáp ứng đáng kể những nhu cầu rất đa dạng của người
tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Chất lượng nhiều hàng hóa và dịch vụ ngày càng được
cải thiện; chủng loại, kiểu cách, mẫu mã ngày càng phong phú hơn, bao bì đẹp hơn, hấp dẫn
hơn. Nhiều loại sản phẩm trước đây chất lượng yếu kém nay được cải thiện rõ rệt và được
người tiêu dùng chấp nhận. Một số mặt hàng trước đây bị hàng ngoại lấn át, nay đã cạnh
tranh được với hàng ngoại, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Chất lượng hàng
xuất khẩu cũng được cải thiện đáng kể, tỷ trọng mặt hàng chế biến tăng, kim ngạch xuất
khẩu không ngừng tăng, thị trường xuất khẩu được mở rộng, sản phẩm hàng hóa chế tạo tại
Việt Nam đã có mặt trên 150 nước trên thế giới. Nhiều sản phẩm hàng hóa có mức chất
lượng ngang với sản phẩm cùng loại của nhiều nước trong khu vực và có khả năng cạnh
tranh cao trên thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và Bắc
Mỹ. Khoảng 1.500 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam
(trước đây là Giải thưởng Chất lượng Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng;

5


gần 30 doanh nghiệp Việt Nam được trao Giải thưởng Chất lượng Châu Á – Thái Bình
Dương (IAPQA).
Mặc dù đạt được những tiến bộ rõ rệt, việc tổ chức quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo
lường, chất lượng ở nước ta hiện nay còn có những tồn tại cần khắc phục. Bức tranh tổng
thể về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, nhưng tình hình
chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhìn chung chưa cao, chủng loại nhiều mặt hàng còn đơn
điệu. Nhiều sản phẩm, hàng hóa mặc dù đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, nhưng đòi
hỏi phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng để trụ vững thị trường. Mặt khác, nhiều
sản phẩm, hàng hóa có chất lượng kém đòi hỏi phải có biện pháp nâng cao chất lượng nhằm
tránh bị loại khỏi thị trường. Sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm, hàng hóa thật sự chưa cao.
Hệ thống pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng về cơ bản được hoàn thiện.
Tuy nhiên, do Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

đều mới được triển khai thực hiện trong 5 năm trở lại đây nên còn gặp một số khó khăn.
Luật Đo lường vừa mới được ban hành và đưa vào thực hiện. Hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia
của Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chuẩn cần thiết, chưa đồng bộ về loại, chưa được nhiều
doanh nghiệp tham gia trong việc xây dựng và áp dụng. Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật mới
bước đầu được hình thành, còn thiếu nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Cơ sở vật chất
kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản
lý cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hoạt động đánh giá sự phù hợp đang bước đầu
triển khai theo quy định mới. Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa đạt
hiệu quả mong muốn và yêu cầu quản lý. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng
cao năng suất, chất lượng tiên tiến chưa được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm. Phong
trào năng suất, chất lượng chưa trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước, chưa thu hút
được sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là:
 Công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng mặc dù có những đổi mới cơ bản
theo hướng ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng thật sự vẫn đang được
tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; nhiều nội dung, phương thức hoạt động lần đầu được
đưa vào áp dụng; việc phân công trách nhiệm và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, các
cấp trong nhiều trường hợp còn chưa rõ ràng, hợp lý; chưa lôi cuốn được nhiều tổ
chức, cá nhân tham gia (xã hội hóa các hoạt động khác nhau), nên chưa tạo được cơ
6


sở vật chất và năng lực kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đáp ứng yêu cầu;
cơ sở pháp luật, kỹ thuật nghiệp vụ đang trong giai đoạn đầu triển khai và trong một
số lĩnh vực vẫn đang tiếp tục hoàn thiện; hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam vừa mới
được chuyển đổi từ hệ thống ba cấp tiêu chuẩn (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn ngành,
tiêu chuẩn Việt Nam) sang hệ thống hai cấp (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia);
hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, các cơ sở vật chất kỹ thuật thử nghiệm nhìn chung
còn thiếu, không đồng bộ, nhiều trang thiết bị thử nghiệm lạc hậu, không đáp ứng
nhu cầu ngày càng cao của quản lý và sản xuất, kinh doanh.

 Nhận thức về vai trò, vị trí và nội dung quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của
nhiều Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp chưa đúng tầm, nhiều
khi còn coi nhẹ và đặc biệt vẫn chịu ảnh hưởng của nếp nghĩ, cách làm cũ. Năng lực
quản lý, trình độ kỹ thuật nghiệp vụ còn yếu, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, chậm
đổi mới, cải tiến.
 Trình độ hiểu biết, nhận thức và đòi hỏi của bộ phận lớn người tiêu dùng về chất
lượng, vệ sinh, an toàn, môi trường chưa cao.
Trong thời gian tới cần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn,
đo lường, chất lượng theo hướng hội nhập sâu rộng với quy định và thông lệ quốc tế, nhằm
tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, nâng
cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy thương mại, góp phần
tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1.2. Những định hướng cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng giai
đoạn từ nay đến 2020
Để thực thi Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 về lĩnh
vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Quyết định số 418/QĐ-TTg, ngày 11/4/2012 của Thủ
tướng Chính phủ), hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong giai đoạn từ nay đến
2020 cần được triển khai theo các định hướng chính như sau:
(1) Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất
lượng sản phẩm hàng hóa 2007, Luật Đo lường 2011, các Nghị định và Thông tư
hướng dẫn các Luật trên. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật cho hoạt động tiêu

7


chuẩn, đo lường, chất lượng. Xây dựng mới, thay thế các văn bản không còn phù hợp;
bổ sung đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
(2) Triển khai hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản
phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Quyết định số 712/QĐTTg, ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ)
 Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội,

cập nhật tiến bộ của khoa học và công nghệ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế (xây
dựng mới khoảng 6.000 TCVN, đảm bảo đồng bộ các TCVN cho các sản phẩm, hàng
hóa chủ lực của nền kinh tế; 60% TCVN của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa
với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực). Xây dựng đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô
nhiễm môi trường. Phổ biến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
 Xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; phù hợp tiêu
chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Tăng cường năng lực của các tổ
chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế. Đầu tư xây dựng các phòng thử
nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đạt trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu đánh giá
phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực.
Triển khai hoạt động thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật ở các cấp độ.
 Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất
lượng. Đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất và chất lượng tại các
Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng
suất và chất lượng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động trong các doanh
nghiệp. Đưa nội dung năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các
trường dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ…
 Tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng; xây
dựng phong trào năng suất và chất lượng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ;
áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng. Tổ
chức áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất và chất
lượng tối ưu cho một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế.
8


 Tập trung triển khai Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật”
(Quyết định số 1041/QĐ-TTg, ngày 01/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và Dự án

“Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” (Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày
22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và các Dự án khác thuộc Chương trình.
(3) Thực hiện hiệu quả Đề án Triển khai thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong
thương mại (TBT) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giai đoạn 2011-2015
(Quyết định số 682/2006/QĐ-TTg ngày 10/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ ) nhằm
đáp ứng kịp thời các nghĩa vụ về thông báo và hỏi đáp của nước thành viên khi Việt
Nam chính thức gia nhập WTO, đảm bảo thi hành các nghĩa vụ thực thi Hiệp định
TBT ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại phát
sinh giữa các nước thành viên với Việt Nam và Việt Nam với các nước thành viên
nhằm giúp sản phẩm, hàng hóa trong nước thuận lợi tiếp cận thị trường thế giới, góp
phần ngăn chặn hàng kém chất lượng, mất an toàn xâm nhập thị trường trong nước,
với các nhiệm vụ chủ yếu sau:
 Hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống các biện pháp kỹ thuật trong thương mại góp
phần kiểm soát chất lượng hàng hóa sản xuất và nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho
người, động vật, thực vật, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
 Nâng cao năng lực Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, mạng lưới
các cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong
thương mại và năng lực quản lý, kỹ thuật của các cơ quan, tổ chức liên quan.
 Nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, tuyên truyền về vai trò và tác động của hàng
rào kỹ thuật trong thương mại đối với sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm,
hàng hóa.
(4) Thực hiện Đề án Nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và
Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012),
trong đó tập trung vào các nội dung: các dự án đầu tư mới trụ sở, nhà xưởng, phòng
thí nghiệm và các trang bị kỹ thuật; các dự án đầu tư bổ sung, nâng cấp, cải tạo
phòng thí nghiệm và các trang bị kỹ thuật; dự án kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, kỹ thuật

9



viên Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương.
(5) Tăng cường hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị
trường, trong đó:
 Tổ chức thực hiện và phân công, phối hợp với các cơ quan kiểm tra chất lượng sản
phẩm, hàng hóa của các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra chất
lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, hàng hóa lưu thông trên thị trường.
 Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hệ thống thông tin
cảnh báo trong nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết nối với hệ thống cảnh báo
quốc tế.
 Kiện toàn hệ thống tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng phân
công, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống cơ
quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng từ trung ương đến địa
phương, giải quyết về cơ bản hiện trạng chồng lấn về chức năng nhiệm vụ, không rõ
tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm đối với các lĩnh vực, đối tượng quản lý cụ thể, đặc
biệt là chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị
trường; hình thành đội ngũ kiểm soát viên chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương;
tăng cường năng lực kỹ thuật hỗ trợ kịp thời hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm,
hàng hóa lưu thông trên thị trường.
(6) Tăng cường hoạt động đo lường, trong đó:
 Phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch được Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt; nâng cao độ chính xác và mở rộng phạm vi đo của hệ thống chuẩn
hiện có; tăng cường năng lực kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo.
 Xây dựng, soát xét và ban hành mới các quy định về đo lường theo hướng hài hòa với
quy định của Tổ chức Đo lường Hợp pháp Quốc tế (OIML); tập trung xây dựng đủ,
hoàn thiện các quy trình phê duyệt mẫu, thử nghiệm, kiểm định các phương tiện đo;
tăng cường năng lực thử nghiệm mẫu phương tiện đo phục vụ công tác phê duyệt
mẫu phương tiện đo.

(7) Tiếp tục triển khai Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng
Chính phủ quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO
10


9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định
số118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg.
(8) Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, trong đó:
 Phát triển hệ thống thông tin tuyên truyền để phổ biến nhanh chóng các kiến thức về
tiêu chuẩn, đảm bảo đo lường và các kiến thức mới về chất lượng, quản lý chất
lượng; xây dựng ngân hàng dữ liệu về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hỗ trợ cho
các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.
 Thiết lập các kênh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến kiến
thức về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng nhằm nâng cao nhận thức chung
cho toàn xã hội.

11



×