Tải bản đầy đủ (.doc) (152 trang)

LUẬN án TIẾN sĩ KINH tế đầu tư TRỰC TIẾP nước NGOÀI TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN KINH tế CỘNG hòa dân CHỦ NHÂN dân lào

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (643.43 KB, 152 trang )

5

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hình thức chủ
yếu của quan hệ kinh tế thế giới, là một nhân tố quan trọng hàng đầu
của nhiều nước nhằm hỗ trợ và phát huy lợi thế của mỗi quốc gia để
phát triển. Nhu cầu đầu tư càng trở nên bức thiết trong điều kiện tiến bộ
khoa học kỹ thuật và phân công lao động quốc tế ngày nay. Sẽ không có
sự phát triển hoàn chỉnh, nếu không có sự đầu tư tư bản và kỹ thuật giữa
các nước và khu vực trên thế giới. Đối với các nước đang phát triển thì
đầu tư của nước ngoài là một trong những nhân tố chủ yếu cho sự tăng
trưởng kinh tế. CHDCND Lào tiến hành xây dựng đất nước từ điểm xuất
phát rất thấp, nền kinh tế lạc hậu, tự cung tự cấp, khoa học kỹ thuật, kết
cấu hạ tầng chưa phát triển, năng suất lao động thấp, thu nhập quốc dân
trên đầu người xếp vào loại thấp nhất thế giới. Nhưng CHDCND Lào là
một nước có nhiều tiềm năng kinh tế còn chưa được khai thác một cách
có hiệu quả vì trình độ phát triển kinh tế thấp và thiếu thốn về nhiều
mặt, từ nguồn vốn đầu tư đến nguồn nhân lực, từ cơ sở vật chất - kỹ
thuật đến kinh nghiệm trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh theo
cơ chế thị trường và mở rộng hợp tác quốc tế. Vấn đề đặt ra là phải giải
quyết một trong những khó khăn, thiếu thốn đó. Thu hút vốn đầu tư trực
tiếp nước ngoài đáp ứng yêu cầu tích lũy để phát triển kinh tế là phù
hợp với xu hướng thời đại hiện nay và cũng là một trong những vấn đề
cấp bách hiện nay ở CHDCND Lào. Do đó đề tài nghiên cứu vấn đề
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc phát triển kinh tế Cộng hòa
dân chủ nhân dân Lào", là có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và mang tính
cấp thiết đối với CHDCND Lào hiện nay.



6

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
Vì tính thiết yếu và quan trọng của vấn đề đầu tư nước ngoài, và
vai trò của nó trong nền kinh tế ngày càng tăng, cho nên ngày càng có
nhiều tác giả ngoài nước quan tâm nghiên cứu chủ đề này dưới các khía
cạnh: vấn đề di chuyển vốn và chuyển giao công nghệ, các chính sách biện
pháp nhằm thu hút đầu tư quốc tế, vai trò, tính hai mặt của đầu tư trực tiếp
nước ngoài, mối quan hệ giữa các công ty đa quốc gia với quá trình phát
triển kinh tế của các nước đang phát triển... ở Việt Nam đã có các công
trình nghiên cứu: Những giải pháp chính trị, kinh tế nhằm thu hút có hiệu
quả ĐTTNN vào Việt Nam, của Chu Văn Cấp - Nguyễn Khắc Thân (chủ
biên); ĐTTNN trong việc phát triển kinh tế Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ
của Mai Đức Lộc, 1994; ĐTTNN một bộ phận quan trọng của nền kinh tế
Việt Nam, của Võ Thanh Thu; ĐTTNN thực trạng và giải pháp, của
Nguyễn Mai; và nhiều công trình nghiên cứu khác.
Ở CHDCND Lào, Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ
4 khóa VI năm 1997 đã khẳng định tiếp tục lấy chủ trương chính sách mở
rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài, nhất là với CHXHCN Việt Nam, khai
thác sử dụng tốt nguồn tài nguyên, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài
vào sự phát triển kinh tế, dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng
XHCN. Nhưng ở Lào, đối với việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước
ngoài hiện nay về mặt lý luận và thực tiễn chưa được nghiên cứu một cách
hệ thống và toàn diện.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
3.1. Mục đích
- Phân tích sự tác động của các nhân tố, do hình thức đầu tư trực tiếp
nước ngoài tạo ra đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia hiện nay.
- Phân tích và tổng kết những bài học kinh nghiệm trong việc thu
hút đầu tư và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các



7

nước NICs, ASEAN và của Lào trong thời gian qua. Từ đó, xác định
những điều kiện và những giải pháp chủ yếu để thúc đẩy việc thu hút
nguồn FDI trong việc phát triển kinh tế CHDCND Lào.
3.2. Nhiệm vụ
Để đạt những mục đích trên nhiệm vụ của luận án là:
- Nghiên cứu một số vấn đề lý luận về đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tìm ra mối liên hệ khách quan giữa việc phát triển kinh tế và thu hút vốn
đầu tư nước ngoài.
- Phân tích tác động của FDI trong việc phát triển kinh tế
CHDCND Lào, khái quát những thành tựu cũng như những tồn tại của thu
hút đầu tư nước ngoài, xuất phát từ những phân tích tình hình thực tiễn
luận án đề xuất các phương hướng và những biện pháp chủ yếu nhằm thu
hút có hiệu quả nguồn vốn FDI tại CHDCND Lào.
4. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Đầu tư nước ngoài có nhiều loại, nhiều hình thức khác nhau, song
luận án chỉ tập trung nghiên cứu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong
việc phát triển kinh tế ở Lào.
- Thời gian nghiên cứu từ năm 1988 đến nay trong phạm vi cả
nước.
- Luận án trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về đầu tư
trực tiếp nước ngoài dưới góc độ kinh tế - chính trị với những giải pháp
mang tính định hướng.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở những nguyên lý cơ bản của chủ
nghĩa Mác trong KTCT và triết học. Các quan điểm về phát triển kinh tế ở
CHDCND Lào được thể hiện ở các Văn kiện Đại hội IV, V, VI của Đảng

NDCM Lào và sử dụng lý luận kinh tế học một cách chọn lọc. Nghiên cứu


8

tiếp thu kinh nghiệm thực tế của một số nước, nhất là của Việt Nam trong
lĩnh vực thu hút FDI.
Để giải quyết tốt nhiệm vụ của luận án, tác giả sử dụng phương
pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp khảo sát, phân
tích tổng hợp, khái quát hoạt động thực tiễn đầu tư được sử dụng nhiều
trong nghiên cứu.
6. Những điểm mới về mặt khoa học của luận án
- Phân tích những đặc điểm vận động của dòng đầu tư trực tiếp ở
các nước ASEAN.
- Phân tích sự tác động qua lại của đầu tư trực tiếp nước ngoài với
sự phát triển kinh tế của nước CHDCND Lào.
- Phân tích những bài học kinh nghiệm trong việc thu hút vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài của các nước ASEAN và thực trạng đầu tư trực
tiếp ở Lào trong đó trình bày quan điểm phương hướng và những biện
pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để
thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội CHDCND Lào.
7. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Với những phân tích và kết quả mà luận án đạt được, tác giả hy
vọng qua công trình này góp phần vào việc nhận thức về vai trò, tác dụng
và ý nghĩa của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đề xuất các hướng
triển khai và những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện môi trường đầu tư
nhằm thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài ở CHDCND Lào
hiện nay.
Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên
cứu và giảng dạy cũng như có thể sử dụng vào việc hoạch định chủ trương,

chính sách thuộc lĩnh vực hợp tác và đầu tư nước ngoài ở CHDCND Lào.


9

8. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các
phụ lục, luận án gồm 3 chương, 7 tiết.


10

Chương 1
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI MỘT NGUỒN LỰC QUỐC TẾ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ
CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

1.1. ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI; MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ
LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1.1. Đầu tư (Investment): Khái niệm và phân loại
* Khái niệm đầu tư
- Đầu tư là việc sử dụng vốn vào quá trình tái sản xuất xã hội nhằm
tạo ra năng lực vốn lớn hơn. Vốn đầu tư là phần tích lũy xã hội của các
ngành, các cơ sở sản xuất kinh doanh, là tiền tiết kiệm của dân và vốn huy
động từ các nguồn khác được đưa vào tái sản xuất xã hội. Trên bình diện
doanh nghiệp, đầu tư là việc di chuyển vốn vào một hoạt động nào đó
nhằm mục đích thu lại một khoản tiền lớn hơn [19, tr. 6].
- Đầu tư là hoạt động sử dụng tiền vốn, tài nguyên trong một thời
gian tương đối dài nhằm thu lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế xã hội. "Đặc điểm
của đầu tư là nó xảy ra trong một thời gian tương đối dài, thường từ 2 năm

trở lên đến 50, 70 năm hoặc lâu hơn nữa. Những hoạt động kinh tế ngắn
hạn thường trong vòng một năm không nên gọi là đầu tư" [10, tr. 11-12].
- Đầu tư kinh tế, là việc bỏ vốn vào một doanh nghiệp, vào một
công trình hay một sự nghiệp bằng nhiều biện pháp như cấp phát ngân
sách, vốn tự do, liên doanh hoặc vay dài hạn để mua sắm thiết bị, xây dựng
mới, hoặc thực hiện việc hiện đại hóa, mở rộng xí nghiệp nhằm thu doanh
lợi hay phát triển phúc lợi công cộng [28, tr. 761].
Dù cách diễn đạt các khái niệm như đã nêu trên có khác nhau song
không có sự khác biệt lớn, theo đó, để xác định một hoạt động được coi là
đầu tư căn cứ vào mấy đặc điểm sau:


11

- Đầu tư là một hoạt động tài chính (bỏ vốn thu lợi nhuận) vốn đầu
tư có thể là tiền hoặc các loại tài nguyên nói chung.
- Đầu tư là hoạt động trong một thời gian tương đối dài.
- Hoạt động đầu tư có tính rủi ro cao và độ rủi ro càng cao khi nhà
đầu tư đưa vốn ra nước ngoài để hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Vậy: "Đầu tư là hoạt động bỏ vốn trong một thời gian tương đối
dài nhằm thu lợi nhuận hoặc các lợi ích kinh tế - xã hội. Vốn đó từ nhiều
nguồn khác nhau như quỹ tích lũy của tái sản xuất xã hội hoặc thu hút từ
nước ngoài dưới nhiều hình thức".
* Phân loại đầu tư
Đầu tư hay hoạt động đầu tư được phân loại theo những tiêu thức
khác nhau tùy theo mục đích của việc phân loại. Chẳng hạn:

• Phân loại theo tính chất của đầu tư thì có:
- Hoạt động đầu tư phát triển.
- Hoạt động đầu tư chuyển dịch mà không làm thay đổi giá trị của

nó (ví dụ chuyển nhượng cổ phần từ người này sang người khác chẳng hạn).

• Phân loại theo hình thức sở hữu vốn: có thể là đầu tư nhà nước,
đầu tư tư nhân hoặc đầu tư của các tổ chức tài chính.
• Phân loại theo quan hệ quản lý của chủ đầu tư: có đầu tư trực tiếp
và đầu tư gián tiếp. Như vậy có nhiều cách phân loại khác nhau, tùy theo
mục đích nghiên cứu mà sử dụng cách phân loại cho thích hợp. Tuy nhiên,
người ta thường phân biệt hai loại đầu tư chính. Đó là đầu tư trực tiếp và
đầu tư gián tiếp. Việc phân loại này có ảnh hưởng đến cách tiếp nhận, cách
quản lý và sử dụng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp là đầu tư mà người bỏ vốn - chủ sở hữu - đồng thời
là người sử dụng vốn (tức là cùng một chủ thể).
Người đầu tư có thể là nhà nước, có thể là tư nhân hoặc sở hữu hỗn
hợp, như thông qua các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (người


12

đầu tư có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lý). Nếu đầu tư trực tiếp bằng
vốn nước ngoài thì phải tuân theo quy định của luật đầu tư nước ngoài.
Đầu tư gián tiếp: là đầu tư mà người bỏ vốn (chủ sở hữu) không
phải là người sử dụng vốn (cơ sở là không cùng một chủ thể).
1.1.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Khái niệm, đặc điểm và xu
hướng vận động
1.1.2.1. Khái niệm
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - một hình thức hợp tác kinh
doanh quốc tế với những đặc thù riêng về sự can thiệp của chủ đầu tư nước
ngoài vào quá trình kinh doanh, sản xuất, về tính chất lâu dài của dự án; về
sự gắn liền với quá trình chuyển giao công nghệ... đòi hỏi được điều chỉnh
bằng một hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, rõ ràng. Tuy nhiên, có thể định

nghĩa một cách khái quát như sau:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình kinh doanh của
nhà đầu tư nước ngoài bỏ một lượng vốn đủ lớn để thiết lập các
cơ sở sản xuất, kinh doanh; nhờ đó cho phép họ trực tiếp tham gia
quản lý, điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư nhằm mục
đích thu được lợi nhuận từ những hoạt động đầu tư đó [12, tr.1213].
Theo luật đầu tư nước ngoài của Lào (1994) thì:
Chính phủ CHDCND Lào khuyến khích cho tư nhân
và pháp nhân nước ngoài đầu tư tại CHDCND Lào dựa trên
nguyên tắc hai bên cùng có lợi và hoạt động theo pháp luật của
CHDCND Lào.
- Người đầu tư nước ngoài được phép thực hiện sự sản
xuất kinh doanh trong các lĩnh vực của nền kinh tế, như: nông


13

nghiệp, công nghiệp, khai thác mỏ than, giao thông vận tải, xây
dựng, du lịch, dịch vụ, thương mại.
- Mọi của cải tài sản trong sự đầu tư của nhà đầu tư nước
ngoài ở CHDCND Lào sẽ được giữ gìn và bảo vệ theo nguyên
tắc và pháp luật của CHDCND Lào như: không được trưng thu,
không được giữ lại hay nhường cho nhà nước. Nhưng nếu có
việc sử dụng dưới mọi hình thức vì lợi ích công cộng thì người
đầu tư nước ngoài sẽ được nhận bồi thường lại một cách hợp
tình, hợp lý và theo thực trạng hiện hành [49, tr. 22].
1.1.2.2. Đặc điểm của FDI
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có một số đặc điểm sau:
Một là: về vốn góp của chủ ĐTNN, phải đóng góp một lượng vốn
tối thiểu theo quy định của từng nước, qua đó để họ có quyền được trực

tiếp tham gia điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư:
Các nước phương Tây nói chung, quy định lượng vốn
này phải chiếm trên 10% cổ phần của xí nghiệp nước ngoài thì
mới được xem là đầu tư trực tiếp. Có nước quy định là 25%,
hoặc có nước quy định có cổ phần tuy dưới 25% nhưng nếu có
một trong những điều kiện sau đây đều được xem là đầu tư trực
tiếp: cử nhân viên quản lý hoặc nhân viên kỹ thuật đến xí nghiệp
đầu tư, cung cấp kỹ thuật; cung cấp nguyên liệu; mua sản phẩm
của xí nghiệp, giúp đỡ tiền vốn, cho vay hoặc đầu tư theo hình
thức thương mại có hoàn trả... [6, tr. 200].
Ở Lào, Luật đầu tư nước ngoài cũng đã đưa ra điều kiện quy định
về vốn tối thiểu của nước ngoài phải chiếm ít nhất 30% tổng số vốn pháp
định, đối với phần đóng góp USD phải thanh toán bằng tiền kíp theo tỷ giá
hối đoái của ngân hàng CHDCND Lào (Điều 6 Luật đầu tư nước ngoài tại
Lào - 1994) [49, tr. 21].


14

Hai là: về quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài phụ thuộc vào mức góp vốn. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư
100% vốn thì xí nghiệp đó hoàn toàn do chủ đầu tư nước ngoài điều hành,
có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lý.
Ba là: chia lợi nhuận: Nhà ĐTNN thu được lợi nhuận đầu tư phụ
thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp. Lãi, lỗ được phân
chia theo tỷ lệ góp trong vốn pháp định, sau khi đã trừ đi thuế lợi tức và
các khoản đóng góp cho nước chủ nhà.
Bốn là: về hình thức đầu tư: cơ bản thường được áp dụng dưới các
hình thức sau:
- Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh

(Contractual business Co-Operation). Hình thức này không thành lập pháp
nhân mới.
- Doanh nghiệp liên doanh (Joint Venture enterprise) do một bên
hay các bên nước ngoài góp vốn với một bên hay các bên nước nhận đầu
tư để thành lập nên doanh nghiệp mới.
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu
tư nước ngoài đầu tư 100% vốn (100% Foreign canterise).
- Hợp đồng "xây dựng - kinh doanh - chuyển giao" (Building opeate - transfer viết tắt là BOT). Đây là các văn bản ký kết giữa chính
phủ nước nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng, kinh doanh
các công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định đủ để thu hồi
vốn và lãi; hết thời hạn nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn
công trình đó cho nhà nước sở tại. Những loại hình kinh doanh tương tự
như hình thức BOT còn có hợp đồng "xây dựng - chuyển giao kinh doanh"
BOT; hợp đồng "xây dựng - chuyển giao" (BT)... Cùng với sự gia tăng của
dòng FDI ngày càng xuất hiện nhiều hình thức đầu tư mới đưa lại hiệu quả


15

cho nhà đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư, như đặc khu kinh tế, khu công
nghiệp tập trung hoặc những loại hình kinh tế đặc biệt khác.
1.1.2.3. Bản chất và xu hướng vận động của FDI trên thế giới
* Bản chất của đầu tư nước ngoài
Hoạt động đầu tư nước ngoài, theo quan niệm của V.I.Lênin là xuất
khẩu "tư bản thừa", là hoạt động kinh tế chịu tác động và chi phối của các
quy luật kinh tế. Đầu tư nước ngoài là hoạt động kinh tế mang tính khách
quan, khi quá trình tích tụ và tập trung sản xuất đã đạt đến một trình độ
nhất định, khi lực lượng sản xuất đã phát triển vượt khỏi biên giới quốc
gia. V.I.Lênin đề cập vấn đề xuất khẩu tư bản như một đặc điểm kinh tế cơ
bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Người cho rằng đến giai đoạn chủ

nghĩa tư bản độc quyền, xuất khẩu tư bản trở thành cần thiết đối với chủ
nghĩa tư bản, bởi vì quá trình tích tụ và tập trung tư bản là điều kiện quan
trọng cho sự lớn lên của tư bản và sự "thừa tư bản" như là một tất yếu. "Tư
bản thừa" ở đây có tính chất tương đối, tức là thừa so với lợi nhuận thấp
nếu phải đầu tư trong nước, còn nếu đầu tư ra nước ngoài thì tỷ suất lợi
nhuận sẽ cao hơn. V.I.Lênin cho rằng: "Nếu CNTB chú ý đến phát triển
nông nghiệp, đến việc nâng cao mức sống của nhân dân... thì không thể có
hiện tượng "tư bản thừa". "Chừng nào chủ nghĩa tư bản vẫn còn là CNTB,
thì số tư bản thừa vẫn còn chuyên dùng không phải để nâng cao mức sống
của quần chúng trong một nước nhất định, vì như thế sẽ đi đến kết quả làm
giảm bớt lợi nhuận của bọn tư bản, - mà là để tăng thêm lợi nhuận đó bằng
cách xuất khẩu tư bản ra nước ngoài, vào những nước lạc hậu. Tuy các
nước này, lợi nhuận thường cao, vì tư bản còn ít, giá đất đai tương đối
không là bao, tiền công hạ, nguyên liệu rẻ" [29, tr. 456]. V.I.Lênin cũng đã
đề cập đến hai hình thức xuất khẩu tư bản là: xuất khẩu tư bản cho vay (là
hình thức cho chính phủ hay tư nhân vay nhằm thu lợi tức) và xuất khẩu
tư bản hoạt động (là hình thức xuất khẩu tư bản để xây dựng những xí


16

nghiệp mới, hoặc mua lại những xí nghiệp đang hoạt động ở nước nhận
đầu tư để tiến hành sản xuất ra hàng hóa nhằm mục đích thu lợi nhuận
cao).
Từ đó, V.I.Lênin cho rằng: xuất khẩu tư bản có tác dụng tích cực
và tiêu cực đối với cả nước xuất khẩu và nhập khẩu tư bản, đồng thời nó
cùng với buôn bán là một trong những đặc điểm của thương mại quốc tế
trong thời đại tư bản độc quyền. Trong thời đại tư bản tài chính thống trị,
xuất khẩu tư bản trở thành công cụ bành trướng và thực hiện sự phân chia
thị trường thế giới giữa các tổ chức độc quyền.

Khi đề ra chính sách kinh tế mới (1921), V.I.Lênin đặt vấn đề là
phải sử dụng kinh tế tư bản nhà nước, vì kinh tế tư bản nhà nước đã đạt
đến trình độ phát triển cao, làm xuất hiện các nhân tố với tư cách là tiền đề
cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì nếu không có kỹ thuật của tư bản
được xây dựng trên những phát minh của khoa học hiện đại, không có một
tổ chức nhà nước mạnh có năng lực quản lý nền kinh tế vĩ mô thì không
thể nói đến CNXH được. V.I.Lênin chỉ ra một số hình thức của kinh tế tư
bản nhà nước, như: Tô nhượng, cho tư bản thuê tài sản của nhà nước Xô
Viết, Công ty hợp doanh... Thông qua những hình thức này để thu hút vốn,
kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài để xây dựng
CNXH. Người Viết: Khi du nhập chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình
thức tô nhượng, chính quyền Xô viết tăng cường được nền đại sản xuất đối
lập với nền tiểu sản xuất, nền sản xuất tiên tiến đối lập nền sản xuất lạc
hậu... và lực lượng sản xuất phát triển, số lượng sản phẩm tăng lên ngay
hoặc trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong đó (nhà tư bản), họ kinh
doanh theo phương thức tư bản để lấy lợi nhuận cao hoặc để có được
nguyên liệu... mà họ không thể tìm được hoặc khó tìm được bằng cách
khác. Như vậy ngay trong điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới


17

lúc bấy giờ (những năm 20 của thế kỷ XX), Lênin cho rằng, đầu tư trực
tiếp nước ngoài đã là nhân tố có khả năng đóng vai trò động lực thúc đẩy
sự phát triển nói chung và phát triển nền sản xuất xã hội nói riêng của các
bên liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài:
Cần nhấn mạnh và lưu ý rằng, trước chiến tranh thế giới thứ 2, đầu
tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu từ các nước tư bản phát triển sang các
nước kinh tế lạc hậu và thuộc địa, thì sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhất
là vào những năm cuối thập niên 80 đến nay (cách mạng khoa học và công

nghệ phát triển như vũ bão, xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa nền
kinh tế...) luồng đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi. Đã xuất hiện sự đầu
tư lẫn nhau giữa các nước tư bản phát triển, xuất hiện những nước vừa là
nơi cung cấp nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, vừa là nơi tiếp nhận đầu tư
nước ngoài. Đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phân
công lao động và quốc tế hóa đời sống kinh tế của nhiều nước; là một
trong những nhân tố quan trọng tác động từ bên ngoài vào làm cho quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các nước nhận đầu tư phát triển
nhanh chóng. Song cũng phải nhận thấy rằng đầu tư nước ngoài (xuất
khẩu tư bản) vẫn để lại cho các quốc gia nhập khẩu tư bản, nhất là các
nước đang phát triển, những hậu quả nặng nề. Nhưng điều này tùy thuộc
một phần rất lớn vào vai trò quản lý của Nhà nước ở nước nhận đầu tư.
Tranh thủ mặt tích cực của đầu tư nước ngoài nhiều nước đã mở rộng việc
tiếp nhận đầu tư để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở
nước mình.Vấn đề đặt ra là phải biết vận dụng mềm dẻo, linh hoạt nguyên
tắc cùng có lợi, lựa chọn phương án thiết thực để khai thác có hiệu quả
nguồn lực quốc tế này.
Tóm lại, có thể khái quát bản chất (thực chất bên trong) của đầu tư
trực tiếp nước ngoài là sự gặp gỡ nhau về nhu cầu và lợi ích của một bên là
nhà đầu tư và một bên là nước nhận đầu tư.


18

* Xu hướng vận động của FDI trên thế giới
Dòng FDI trên thế giới đã xuất hiện và được xác định vào những
năm cuối thế kỷ 19, trước hết dưới hình thức thiết lập các nhà máy, xí
nghiệp ở nước ngoài gần nơi tiêu thụ với mục đích tránh chi phí vận
chuyển hàng hóa. Hình thức này được phát triển mạnh mẽ nhất là từ sau
chiến tranh thế giới thứ II đến nay.

Sự xuất hiện và gia tăng dòng FDI trên thế giới là một tất yếu kinh
tế gắn liền với sự phát triển lực lượng sản xuất trên thế giới. Trong quá
trình phát triển của CNTB, khi mà lực lượng sản xuất phát triển hết sức
mạnh mẽ cùng với sự ra đời của các tổ chức độc quyền thì hoạt động đầu
tư ra nước ngoài (xuất khẩu tư bản) đã ra đời và có xu hướng phát triển
mạnh. Trong tác phẩm nổi tiếng "Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng
của chủ nghĩa tư bản" [29, tr. 383; 541], Lênin cũng đã chỉ rõ việc xuất
khẩu giá trị nhằm thu được giá trị thặng dư ở ngoài biên giới quốc gia
(xuất khẩu tư bản) đã trở thành một đặc trưng kinh tế của CNTB khi bước
sang giai đoạn CNTB độc quyền. Hoạt động ĐTNN đã trở nên sôi động và
đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với nền kinh tế thế giới nói
chung cùng với người chuyên chở" nó là các công ty xuyên quốc gia
(TNCs) hoạt động ở hầu khắp các nước trên thế giới.
Sự hình thành FDI là do các nguyên nhân dưới đây:
Thứ nhất: sự phát triển không đều về lực lượng sản xuất trên thế giới
khiến cho chi phí sản xuất ra cùng một loại sản phẩm hàng hóa ở các nước
khác nhau, do đó việc đầu tư để sản xuất hàng hóa ở các nước có chi phí thấp
do gần nguồn nguyên liệu và nguồn sức lao động rẻ càng trở nên bức thiết.
Chẳng hạn tiền lương của các công nhân Mỹ làm việc tại ngành công nghiệp
lắp ráp máy tính ở Hoa Kỳ từ 2.000-2.500 USD/tháng thì với công việc
tương tự ở các công ty con của chúng ở Thailand và Malaysia chỉ bằng 1/5
con số trên [1, tr. 35]. Cho đến nay, chi phí lao động rẻ vẫn là yếu tố hấp


19

dẫn các nhà đầu tư; điều đó giải thích vì sao đầu tư của Mỹ vào Trung
Quốc, vào ASEAN tăng nhanh trong vài năm qua. Nói cách khác các nhà
đầu tư tìm kiếm sự đầu tư ở bên ngoài do lợi dụng sự chênh lệch về chi phí
giữa các nước, qua đó kiếm được lợi nhuận cao hơn nhờ "tối thiểu hóa chi

phí".
Thứ hai: Tỷ suất lợi nhuận ở các nước công nghiệp TBPT có xu
hướng giảm xuống, bởi quá trình tăng tích lũy tư bản đi liền với sự tăng
cấu tạo hữu cơ của tư bản. Cấu tạo hữu cơ trong CNTB ngày càng tăng là
xu hướng không thể thay đổi, nhưng nhà đầu tư tư bản có thể thay đổi tỷ lệ
về lượng trong công thức P = m: c + v nhờ giảm v bằng cách thuê lao động
rẻ hơn ở các nước đang phát triển khác. Mặt khác, do các ngành, các lĩnh
vực "béo bở" trong các nước TBPT đã được đầu tư hết nhưng các nhà tư
bản không muốn đầu tư vào các lĩnh vực cần vốn lớn, lợi nhuận thấp mà
tìm cách đầu tư ra nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn
của họ. Đó chính là hiện tượng "thừa tương đối" tư bản các nước TBPT
trong khi các nước đang phát triển lại rất cần vốn đầu tư để thực hiện công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Kết quả khơi thông dòng chảy vốn
FDI là nhờ nhà đầu tư đã "tối đa hóa" được lợi nhuận.
Thứ ba: do xu thướng bảo hộ mậu dịch ở các nước ngày càng gia
tăng với những hàng rào thuế và phi quan thuế. Chẳng hạn, Mỹ đánh thuế
tới 40% đối với xe ô tô nguyên chiếc nhập từ Nhật nhưng sẽ chỉ đánh thuế
VAT đối với xe cùng loại nếu nó được lắp ráp tại Mỹ với mức thuế này chỉ
bằng 25% giá trị xe mà thôi. Chính vì thế mà các nước gia tăng đầu tư ra
nước ngoài sản xuất để tránh hàng rào thuế quan, tiếp cận thị trường rộng
lớn bên ngoài...
Thứ tư: sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và
công nghệ trên thế giới, cũng như sự lên giá của đồng tiền trong nước,
cùng với giá đất đai và chi phí bảo vệ môi trường tăng cao... cũng được coi


20

là những nguyên nhân thúc đẩy dòng FDI trên thế giới gia tăng nhanh
trong những năm gần đây, kể cả đầu tư ra nước ngoài để sản xuất rồi nhập

trở lại cái mình cần cũng trở nên khá phổ biến vì nó có lợi cho chủ đầu tư;
tăng sức mạnh cạnh tranh do giảm giá bán ở thị trường trong nước [12, tr.
35].
* Sự vận động của dòng FDI trên thế giới
Cho đến nay, sự vận động của FDI trên thế giới có thể phân ra hai
giai đoạn [11, tr. 8] trước và sau chiến tranh thế giới thứ II - 1945.
+ Giai đoạn I (trước năm 1945): Cho thấy dòng chảy chính của FDI
từ các nước TBPT nhất (Anh, Pháp, Mỹ, Đức) sang các nước đang phát triển.
Đặc trưng của giai đoạn này là sự xuất hiện "tư bản thừa" do quy
mô tích lũy tư bản ở các nước TBPT đã đạt được một trình độ nhất định.
Cũng trong thời điểm đó, ở các nước chậm phát triển, do giá đất đai tương
đối thấp, nhân công hạ, nguyên liệu dồi dào và giá rẻ... nhưng lại rất thiếu
vốn. Mặt khác, không loại trừ việc xuất khẩu tư bản tới các nước chậm
phát triển còn được coi là ưu tiên chiến lược của các cường quốc đế quốc,
để khống chế về kinh tế, chính trị lâu dài các nước này; thực hiện sự phân
chia thế giới về mặt kinh tế - chính trị, giữa các nước TBCN.
+ Giai đoạn II (từ sau 1945 đến nay): Xu hướng vận động FDI trên
thế giới đã có sự thay đổi. Về cơ bản đó là sự chuyển hướng của dòng FDI
trở về các nước TBPT; sự xuất hiện các lĩnh vực mới thu hút mạnh mẽ
dòng đầu tư, sự xuất hiện nhiều trung tâm đầu tư mới và đặc biệt là các
công ty xuyên quốc gia trở thành những chủ đầu tư thực sự chiếm vị trí
ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới...
Sự thay đổi của dòng FDI trên thế giới trong mấy thập kỷ vừa qua
bị chi phối bởi các xu hướng sau đây:
Một là: dòng FDI tập trung vào các nước TBPT.


21

Theo thống kê, nếu vào những thập kỷ 50, 60; tỷ lệ FDI đầu tư vào

các nước ĐPT chiếm 70% tổng số FDI toàn thế giới, thì sang đầu thập kỷ
90, tỷ lệ này chỉ còn chiếm khoảng dưới 30% thậm chí chỉ còn 16,8% [13].
Theo "Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế" (OECD) tổng số FDI
toàn thế giới năm 1994 là 196 tỷ USD tăng 11% so với năm 1993, trong đó
Mỹ là nước đầu tư trực tiếp lớn nhất, chiếm 58,4 tỷ so với 57,9 tỷ USD vào
năm 1993. Nếu như Nhật chủ yếu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì Mỹ lại
nhận FDI từ bên ngoài vào lớn hơn dòng chảy ra: con số này năm 1994 là
60,1 tỷ USD với 10 tỷ vào năm 1992. Do dòng FDI có xu hướng đổ vào
các nước TBPT khiến tình trạng "đói vốn" ở các nước đang phát triển càng
trở nên trầm trọng.
Sở dĩ dòng FDI tập trung đầu tư lẫn nhau giữa các nước TBPT là
do mấy nguyên nhân sau:
Do sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công
nghệ dẫn đến sự ra đời của các ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao,
tiêu tốn ít năng lượng và nguyên liệu, sử dụng ít nhân công nhưng có giá
trị gia tăng cao, hứa hẹn một tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn. Những công ty
"hồi hương" trở về chính quốc thuộc dạng này.
Do chính sách bảo hộ mậu dịch ở các nước gia tăng, bằng các hàng
rào thuế và phí quan thuế nên đầu tư trực tiếp vào các nước để sản xuất là
cách hữu hiệu nhất xâm nhập thị trường ở các nước TBPT. Chỉ tính riêng
năm 1996, nước Anh đã thu hút được 23,8 tỷ USD vốn FDI từ EU, còn
trong giai đoạn 1991 - 1995 Anh cũng đã thu hút được 81 tỷ USD vốn FDI
và đầu tư nước ngoài lớn thứ hai sau Mỹ (với số vốn là 43,7 tỷ USD cùng
kỳ [30, tr. 3].
Do chính sách cắm nhánh của công ty XQG để sản xuất tiêu thụ ở
bên ngoài, (như trường hợp các TNC của Nhật, EU đầu tư mạnh mẽ vào
Mỹ từ nửa cuối thế kỷ 60 đến nay, còn trước đó trong kế hoạch Mácsan,
các TNC của Mỹ đã cắm nhánh khá sâu rộng ở các nước này rồi.



22

Xét trên bình diện kỹ thuật, do hạn chế riêng của các nước nghèo,
kém phát triển, nên dù muốn, các nước này cũng khó có thể đáp ứng các yếu
tố về kết cấu hạ tầng phụ trợ cho các hoạt động trên của các nước TBPT,
nhất là ở các lĩnh vực mà các nước TBPT muốn xuất khẩu tư bản để thu được
lợi ích dưới hình thức chuyển giao công nghệ, như sản xuất xe hơi, hàng
không, dầu lửa... Đồng thời chính trong thời gian này, tính ổn định tương đối
của môi trường kinh tế - chính trị - xã hội ở các nước TBPT cao hơn ở các
nước ĐPT cũng là yếu tố thu hút các nước TBPT đầu tư lẫn nhau nhiều hơn
vào các nước ĐPT.
Hai là: lĩnh vực công nghiệp chế biến và dịch vụ thu hút đầu tư
mạnh nhất. Đây cũng là hệ quả của sự phát triển kinh tế thế giới dưới tác
động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, theo đó tạo ra các ngành và
phân ngành để liên kết, hợp tác trên các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh
tế. Dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ sản xuất và dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu
cầu con người) phát triển ngày càng trở thành tất yếu đối với các cuộc
sống hiện đại, đồng thời là ngành "công nghiệp không khói" cho lợi nhuận
cao khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành này tăng rất nhanh.
Ba là: sự xuất hiện thêm nhiều trung tâm đầu tư mới, như Nhật,
Tây Âu và gần đây là sự xuất hiện các nhà đầu tư mới của các NIEs châu
Á. Ngoài ra hiện tượng nhiều chủ đầu tư cùng đầu tư vào một dự án cũng
có xu hướng tăng nhanh. Sở dĩ có xu hướng trên là do sự phát triển nhanh
chóng của các trung tâm kinh tế mới sau chiến tranh thế giới thứ II. Theo
báo cáo của chính quyền Hồng Kông, tính đến tháng 3/1997 trong số 10
quốc gia, khu vực lãnh thổ có số dự trữ ngoại tệ lớn nhất thì Nhật đứng
thứ nhất đạt 219,4 tỷ USD; Đài Loan đứng thứ 3: 88,6 tỷ USD và
Singapore đứng thứ 5: 71,4 tỷ USD. Hai nước đứng thứ 2 và thứ 4 là
Trung Quốc và Đức với sự dự trữ ngoại tệ là 110,3 tỷ và 85,2 tỷ. Hồng
Kông đứng thứ 7 với dự trữ ngoại tệ 63,4 tỷ USD [48, tr. 13], tỷ lệ tiết

kiệm và dự trữ ngoại tệ lớn hơn so với nhu cầu đầu tư trong nước là


23

nguyên nhân thúc đẩy đầu tư trực tiếp ra bên ngoài. Do sự phân công,
hợp tác quốc tế trong điều kiện mới và do sự phân tán rủi ro đầu tư giữa
các nhà đầu tư cũng được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gia tăng
các nhà đầu tư nước ngoài.
Bốn là: các công ty xuyên quốc gia (TNC) trở thành chủ đầu tư
thực sự.
Sự xuất hiện các công ty xuyên quốc gia phổ biến vào những năm
50, 60 trở thành xu hướng vận động mới của các tổ chức độc quyền và chủ
nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Theo thống kê, các công ty xuyên quốc
gia đang nắm giữ 40% sản xuất công nghiệp, 60% ngoại thương 80% kỹ
thuật mới của thế giới tư bản và từ thập kỷ 80 đến nay các công ty xuyên
quốc gia đã kiểm soát 90% đầu tư trực tiếp trên thế giới. Do vậy, vấn đề
đặt ra đối với các nước muốn thu hút FDI là cần chú trọng vào các công ty
xuyên quốc gia. Trong số các nước ASEAN, Singapo là nơi có số lượng
công ty xuyên quốc gia tới hơn 3000 công ty trong đó có 700 tham gia vào
lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, số còn lại hoạt động trong các lĩnh
vực tài chính, ngân hàng, thông tin, tư vấn quản lý [31, tr. 17].
Vào những năm cuối thế kỷ XX, đứng trước sức ép cạnh tranh, làn
sóng tự do hóa và sự mở ngỏ lĩnh vực đầu tư mới... Các Công ty xuyên quốc
gia đang bắt đầu hình thành các "liên minh chiến lược kiểu mới" thông qua
nhiều hình thức liên kết. Chẳng hạn thông qua việc thôn tính và mua lại để
thuế lập ở nước ngoài các cơ sở sản xuất nhằm bảo vệ, củng cố và tăng
cường năng lực cạnh tranh của mình. Theo báo cáo tham luận tại tọa đàm bàn
tròn về tác động của toàn cầu hóa đối với các nước đang phát triển và chuyển
đổi, Hà Nội 20/8/1999 thì trong năm 1997 và nửa đầu 1998 đã diễn ra nhiều

cuộc sáp nhập hoặc liên kết giữa các công ty lớn ở châu Âu và châu Mỹ
thành những đại công ty có vốn khổng lồ. Công ty liên doanh giữa Anh và
Hà Lan "Royal Duteh Shell" 191,7 tỷ USD. NOVOTIS của Thụy Sĩ 109,9 tỷ


24

USD. Trong ngành dầu lửa, gần đây cũng diễn ra một làn sóng sáp nhập giữa
các Công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Công ty BP ký liên minh với
Mobil và sau đó với Amoco để hình thành một tập đoàn có số vốn 48 tỷ
USD. Tập đoàn Exxon mua Mobil với số tiền 75 tỷ USD và trở thành tập
đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới. Tập đoàn dầu lửa Total của Pháp cũng mua
tập đoàn Petrofina của Bỉ.
Làn sóng sáp nhập và mua bán các Công ty hiện nay không chỉ là
một biểu hiện đặc trưng của xu thế toàn cầu hóa mà còn là một yếu tố tác
động làm tăng thêm sức mạnh của các Công ty Xuyên quốc gia.
Ngoài mấy xu hướng vận động của dòng FDI trên thế giới như đã
trình bày, cùng với quá trình toàn cầu hóa dòng FDI ngày càng gia tăng
mạnh mẽ. Thể hiện:
Thứ nhất: tốc độ gia tăng dòng FDI khá cao.
Theo thống kê, nếu như trong thập kỷ 70, lượng FDI bình quân
toàn thế giới hàng năm khoảng 25 tỷ USD thì ở giai đoạn 1980 - 1985
con số tương ứng là 50 tỷ USD. Từ năm 1986 lượng FDI của toàn thế giới
hàng năm lần lượt là: 73 tỷ USD (1986); 133 tỷ USD (1987); 159 tỷ USD
(1988); 195 tỷ USD (1989); 184 tỷ USD (1990); 149 tỷ USD (1991); 168 tỷ
USD (1992); 195 tỷ USD (1993) [14, 91]. Riêng sang năm 1995 đến nay con
số tăng vượt lên 325 tỷ USD (hơn năm 1994 tới 103 tỷ USD); còn năm
1996 là xấp xỉ 400 tỷ USD [15, tr. 48], đạt trên 400 tỷ vào năm 1997.
Trong hai năm 1998 - 1999, mặc dù nền kinh tế thế giới chịu những tác
động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, song dòng vốn FDI

vẫn tăng cao. Theo báo cáo của UNCTAD: FDI của thế giới năm 1998 tăng
40% so với năm 1997 và năm 1999 tăng 25% so với năm trước, đạt gần
800 tỷ USD. Luồng vốn quốc tế đã ngày càng mở rộng, FDI đã trở thành
hiện tượng quan trọng trên thế giới. Theo đó tỷ lệ tăng giảm được tính
theo bảng sau:


25

Bảng 1.1: Tình hình gia tăng FDI trên thế giới (1986-1999)
Năm

1986 1987 1988 1989 1990 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999

Tổng số FDI
(tỷ USD)

73

133 159 195 184 149 168 195 222 325 400 446 644 800

Tỷ lệ tăng
(%)

-

82,1 19,5 22,6 5,6 19,1 12,7 16,0 13,8 46,3 23,0 10,0 40,0 25,0

Nguồn: Báo Đầu tư ngày 6-13/2/1997, tr. 48 và tổng hợp từ nhiều
tài liệu.

Ghi chú: Tỷ lệ % năm trước coi là 100
Từ đây cho ta nhận xét: chỉ trừ 3 năm 1990 đến 1992 có giảm sút
còn nhìn chung FDI của thế giới đều tăng cả về tỷ lệ lẫn giá trị tuyệt đối.
Theo thống kê, 10 năm qua (1986-1996) thương mại thế giới tăng từ 575 tỷ
USD lên 5000 tỷ USD/năm: tăng 9 lần, còn chu chuyển vốn FDI tăng từ
25 tỷ USD lên 325 tỷ USD/năm: tăng 13 lần, nghĩa là vượt xa mức tăng
trưởng trung bình hàng năm của thương mại thế giới trong cùng thời kỳ
(chỉ tính xuất khẩu) [3]. Điều đáng chú ý là sự gia tăng trở lại của FDI vào
các nước ĐPT trong thời kỳ gần đây. Theo thống kê kinh tế, luồng FDI
đều vào các nước ĐPT lại có chiều hướng gia tăng mạnh từ 12,6 tỷ USD
trung bình hàng năm giai đoạn 1980 - 1985 lên đến 51,8 tỷ USD trong các
năm 1992 - 1993. Con số năm 1994 là 70 tỷ còn năm 1995 tăng thêm 15%
so với 1994; năm 1996 là 135 tỷ, 1997 là 172, 1998 là 166 và 1999 là 178
tỷ USD, và trong đó 2/3 tổng số vốn đầu tư trên vẫn là vào các nước ĐPT
châu Á. Năm 1996, FDI vào các nước ĐPT đạt tới 129 tỷ USD, tăng gần
30 tỷ USD so với năm 1995. Trong đó FDI vào các nước châu Á là 81 tỷ,
riêng Trung Quốc thu hút được 42 tỷ USD [5]. Nếu tính tỷ lệ thì FDI mà
các nước ĐPT nhận được trong các năm 1992 - 1993 đã chiếm tới 32%
tổng số FDI toàn thế giới so với con số tương ứng khoảng 20% vào thời
điểm nửa đầu những năm 80 thì sự tăng lên cả về con số tuyệt đối và tỷ


26

trọng trong tổng số ĐTNN được coi là sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân
như:
- Kinh tế thế giới TBCN đã qua khỏi giai đoạn suy thoái: đi vào
phục hồi và phát triển.
- Nhiều nước có nền kinh tế ĐPT có bước tăng trưởng nhanh và
lành mạnh trong nhiều năm liền.

- Môi trường đầu tư ở các nước ĐPT ngày càng hoàn thiện, khiến
FDI tăng vọt, trong khi các hình thức khác của ĐTNN giảm xuống (viện
trợ chỉ còn chiếm 1/4 tổng số, tín dụng thương mại gần như biến mất các
đầu tư chứng khoán tăng nhanh, nhưng không ổn định) [32, tr. 51].
Thứ hai, các nước đang phát triển vẫn chi phối chủ yếu thị trường
FDI thế giới và sự vượt lên mạnh mẽ của các nhà đầu tư thuộc các nền
kinh tế mới công nghiệp hóa ở châu Á (NIES). Theo số liệu thống kê, sự
tăng trưởng nhanh của FDI vào cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, tập
trung chủ yếu vào các nước phát triển (chiếm khoảng 75%, tổng số vốn
đầu tư thế giới). Theo thời báo kinh tế Việt Nam, kinh tế 2000 -2001 Việt
Nam và thế giới, tr. 78 thì 10 nước tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài nhiều nhất trong 2 năm 1998 - 1999 (đơn vị tính: tỷ USD) như sau:
TT

Nước

Năm 1998

Năm 1999

Tổng cộng

1

Anh

117,1

246,2


363,3

2

Mỹ

132,8

145,7

278,5

3

Đức

60,4

93,0

153,4

4

Pháp

36,5

83,0


119,5

5

Hà Lan

39,1

52,1

91,2

6

Canađa

42,3

16,3

58,6

7

Nhật Bản

15,6

20,4


36,0

8

Italia

15,6

14,4

30,0

9

Thụy Điển

14,0

10,8

24,8

10

Bỉ

2,1

17,5


19,6


27

Hơn thế nữa các nước tư bản phát triển gần như độc chiếm cả hai
phương diện vừa thu hút vốn đầu tư trực tiếp, vừa đầu tư trực tiếp ra nước
ngoài gắn với tiềm lực ngày càng lớn của các công ty xuyên quốc gia. Đó
còn là hệ quả của những tiến bộ kinh tế đã đạt được của các nước và các
vùng lãnh thổ từ những năm 80 lại đây. Đối tượng đầu tư của "các con
rồng châu Á" khi đưa vốn ra đầu tư trực tiếp ở nước ngoài thời gian qua
tập trung chủ yếu vào Mỹ, EU và các nước ĐPT ở khu vực Đông Á, như
Trung Quốc, ASEAN, Việt Nam... mặc dù chính họ đang rất cần thu hút
vốn ĐTNN. Theo nhận xét của Toshio Wantanabe - giáo sư kinh tế Học
viện Công nghệ Tokyô thì kể từ năm 1990, các con hổ châu Á "đã thực
hiện khối lượng đầu tư vào các nước châu Á lớn hơn khối lượng do Nhật
Bản hoặc Mỹ thực hiện" [33, tr. 1].
Cũng theo nguồn trên, Hồng Kông là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung
Quốc, Indonesia; Đài Loan là nhà đầu tư lớn nhất Malaysia và đầu tư vào
Trung Quốc còn lớn hơn cả Mỹ rất nhiều. Ở Việt Nam, sau 8 năm liền dẫn
đầu thì đến hết năm 1996 Đài Loan vẫn là nhà đầu tư lớn thứ hai nhường
vị trí thứ nhất cho Singapore với hơn 4 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt
Nam. Đối với Lào từ năm (1988-1997) trong 10 năm, Thái Lan là nhà đầu
tư số 1 với 2,622,879,931 USD, thứ hai là Mỹ với 1.483.382.717 USD đầu
tư trực tiếp vào Lào. Theo báo cáo về tình hình đầu tư thế giới của liên
hiệp quốc 1994 cho biết kim ngạch đầu tư của Hồng Kông và nước ngoài
đạt 29,6 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Anh, Pháp. Lĩnh vực đầu tư
chủ yếu của Hồng Kông là sản xuất, xây dựng nhà xưởng. Nguồn vốn chủ
yếu lấy từ lãi trong kinh doanh bất động sản và vay ngân hàng.
Thứ ba: Đông Á và Đông Nam Á trở thành khu vực hấp dẫn FDI.

Mặc dù dòng FDI trên thế giới phần lớn vẫn tập trung vào các nước TBPT;
song trong số các nước ĐPT khu vực Đông Nam Á lại trở nên hấp dẫn FDI
từ các nhà ĐTNN. Đó là do mấy nguyên nhân:


28

- Sự ra đời các khối liên kết kinh tế trên thế giới, làm cho lưu lượng
hàng hóa trao đổi và hoạt động đầu tư sôi động thêm.
- Yếu tố sức lao động rẻ mạt và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn
định từ các nước trong khu vực, trở thành những thuận lợi cho việc hạ giá
thành sản phẩm, đặc biệt là tiềm năng thị trường rộng lớn cùng với cơ sở
vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trong khu vực ngày càng được cải
thiện phù hợp để phát huy các tố chất, nhân tài kinh doanh và áp dụng các
ngành nghề, ở lĩnh vực các hàm lượng khoa học công nghệ cao cũng khiến
FDI vào khu vực này tăng lên nhanh chóng.
- Do nền kinh tế Mỹ phục hồi đã gia tăng đầu tư, giành lại ảnh
hưởng ở Đông Nam Á. Chỉ tính nguồn FDI của Mỹ với những đặc điểm,
tính chất và trình độ của công nghệ cao cũng đã tạo nên sự quan tâm
không chỉ của các nước TBPT mà còn là "niềm mơ ước" của các nước
ĐPT trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á; đương nhiên các nước có
công nghệ của Mỹ thì cũng phải đáp ứng tốt hơn lợi ích của tư bản Mỹ.
Riêng khu vực ASEAN trong những năm 80, đầu tư của Mỹ tăng gấp đôi
từ 4.700 triệu USD tăng lên đến 9.968 triệu USD. Đầu tư của Mỹ và NIEs
cùng kỳ còn cao hơn: vào Đài Loan tăng 4 lần, vào Hàn Quốc và Hồng
Kông mỗi nơi tăng khoảng 3 lần. Sang thập kỷ 90 đầu tư của Mỹ vào khu
vực này vẫn tăng lên nhanh chóng: năm 1991; 1993 tăng 16% so 1992...
chỉ riêng 8 nước khu vực bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và 5
nước ASEAN đã nhận tới 83% tổng đầu tư của Mỹ vào các nước ĐPT ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương [22, tr. 22; 25]. Tuy nhiên, ngay trong

số 8 nước nêu trên thì các NIEs được quan tâm đầu tư nhiều hơn
ASEAN, cũng không ngoài nguyên nhân lợi ích kinh tế của tư bản Mỹ.
Trong điều kiện mới, với tầm vóc ngày càng lớn và sự năng động của châu
Á đang phát triển, sự xuất hiện của các quốc gia hấp dẫn đầu tư như Trung
Quốc, Việt Nam, Lào thực sự khiến khu vực này ngày càng trở nên quan


29

trọng đối với các công ty xuyên quốc gia, bởi tiềm năng cho phép khai
thác tốt hơn các nguồn tài nguyên hữu hình và vô hình cần thiết cho sự
phát triển của các nước thế giới TBCN.
Ngoài các nguyên nhân như đã phân tích ở trên như đa dạng hóa
nguồn đầu tư của các nhà ĐTNN, sự nỗ lực của chính các nước tiếp nhận
đầu tư... thì nhân tố Hồng Kông trở về Trung Quốc, nhân tố các TNC châu
Á, gia tăng đầu tư vào châu Á, các công ty xuyên quốc gia châu Á sau một
thời gian gián đoạn, nay đang quay trở lại thị trường năng động ở châu Á,
hay các NIEs châu Á và cả các nước ASEAN đang trở thành những nhà
đầu tư quan trọng... cũng góp phần tạo nên sự năng động kinh tế nói chung
và sự hấp dẫn đầu tư nói riêng trong toàn khu vực.
Tóm lại: Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhất
là từ sau thời kỳ "chiến tranh lạnh" đến nay, nền kinh tế quốc tế đã xuất
hiện những xu hướng mới: đẩy mạnh quá trình tự do thương mại, gia tăng
mạnh mẽ đầu tư quốc tế, thúc đẩy cạnh tranh - hợp tác trên phạm vi toàn
cầu... Chính xu hướng vận động mới đó của nền kinh tế thế giới lại quyết
định sự tùy thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc, chưa từng có trong lịch sử.
Sự gia tăng của dòng FDI một cách nhanh chóng, mạnh mẽ với người
chuyển tải khổng lồ là công ty xuyên quốc gia trên khắp thế giới đã đem
lại những cơ hội mới, cho cả những nước đầu tư và những nước tiếp nhận
đầu tư. Mặc dù hình thức vận động, xu hướng vận động của FDI trong hai

thập kỷ qua vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nước TBPT trên cả hai
phương diện, song sự xuất hiện các nhà đầu tư mới ở các NIEs châu Á, và
các nước ASEAN cũng là những nhân tố quan trọng, đánh dấu sự vươn lên
trong thu hút đầu tư và đầu tư ra nước ngoài của các nước đang phát triển
này.


×