Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ TÔN TẠO DI TÍCH LỊCH SỬ, DANH LAM THẮNG CẢNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (202.54 KB, 18 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA NÔNG NGHIỆP & SINH HỌC ỨNG DỤNG



BÁO CÁO:

QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ TÔN TẠO
DI TÍCH LỊCH SỬ, DANH LAM THẮNG CẢNH
Cán bộ hướng dẫn: VƯƠNG TUẤN HUY
Nhóm thực hiện:
1. Lê Thị Tố Mai

3113647

2. Lê Quốc Thành

3113669

3. Nguyễn Ngọc Cẩm

3113676

4. Trần Hoàng Khiêm 3113638
5. Diệp Thị Hồng Gấm

3113628

6. Hồ Vũ Trường Giang

3113629



7. Nguyễn Thị Cẩm Thúy

3113676

Cần Thơ, 20.03.2014
1


I.

Đặt vấn đề

Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh luôn được xem là "những
trang sử sống" ghi lại những dấu tích về những biến động, thăng trầm của nhiều
thời kỳ lịch sử. Hơn thế, với những giá trị lưu dấu trên những di tích văn hóa vật
thể, di tích văn hóa giúp chúng ta xác định được bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho
thế hệ sau biết được ông cha ta là ai…
Đấy là chưa nói, đa số di tích đều gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng
cho thấy chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước qua nhiều thời kỳ… Thế
nhưng, trong bất kỳ giai đoạn nào, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh lại
là thực thể mong manh, rất dễ bị xâm phạm. không ít những di tích lịch sử và danh
lam thắng cảnh ngày một xuống cấp thế nên việc quy hoạch bảo vệ, tôn tạo di tích
lịch sử và danh lam thắng cảnh đang là vấn đề cấp thiết đang được quan tâm.

II.

Hiện trạng quy hoạch bảo vệ, tôn tạo di tích văn hóa và danh lam thắng
cảnh ở nước ta
Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa nói chung,

di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh nói riêng ngày càng được nâng cao.
Bảo vệ di tích, phát huy giá trị của di tích phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước, đấu tranh chống vi phạm đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của toàn
Đảng, toàn dân. Hàng ngàn di tích được xếp hạng và tu bổ trong mấy chục năm qua
đã thể hiện những nỗ lực to lớn của toàn xã hội chăm lo và bảo vệ di tích. Về cơ bản
hệ thống di tích của đất nước đã được bảo vệ, chăm sóc và tu bổ bảo đảm khả năng
tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, do trải qua hàng chục năm chiến tranh, chúng ta chưa có
nhiều điều kiện chăm lo, bảo vệ di tích nên đến nay, mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn
còn nhiều di tích bị vị phạm chưa được giải tỏa. Phần lớn các vi phạm này đã diễn ra
từ nhiều chục năm nay nên việc giải quyết cần có quyết tâm và sự phối hợp của nhiều
ngành, nhiều cấp.
Các di tích lịch sử tiêu biểu của đất nước đều từng bước đã được đầu tư tu bổ. Tuy
nhiên, cũng còn nhiều di tích đang ở trong tình trạng xuống cấp. Nhưng việc tu bổ di
tích hiện nay mới chỉ tập trung vào di tích chính nổi tiếng, hầu như chưa có di tích
nào được đầu tư tu bổ hoàn chỉnh từ kiến trúc tới hạ tầng, từ nội thất tới ngoại thất.
Bên cạnh đó, chất lượng tu bổ di tích, nhất là những hạng mục được thi công bằng
nguồn vốn do nhân dân đóng góp còn chưa đạt yêu cầu về chuyên môn. Tăng cường
quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, nghệ nhân, công nhân...
phục vụ tu bổ di tích là vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay.
2


Trong những năm qua, nhiều di tích đã được phát huy giá trị một cách tích cực dưới
các mức độ khác nhau. Các chương trình festival ở di tích Cố đô Huế, Đêm rằm Phố
cổ Hội An, Hành trình du lịch về nguồn (các di tích cách mạng ở miền Bắc, miền
Trung)... đã thu hút thêm nhiều khách tham quan và dần trở thành những ngày hội văn
hóa lớn của cả nước
Các di tích lớn, nhất là đối với các di tích sau khi được ghi vào danh mục di sản
văn hóa và thiên nhiên thế giới, đều trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút
một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Điều đó đưa đến kết quả nguồn thu

từ bán vé tham quan tại di tích và những sản phẩm dịch vụ khác không ngừng tăng
lên, tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần biến đổi cơ cấu kinh tế của địa
phương. Nhiều di tích có nguồn thu lớn như: di tích Cố đô Huế thu từ bán vé năm
2006 đã đạt mức 55 tỷ đồng, Vịnh Hạ Long 30 tỷ đồng; đền Ngọc Sơn, Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, Di tích Cố đô Hoa Lư, Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thu được 3
đến 4 tỷ đồng/năm..
Nhìn chung, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn bộc lộ những thiếu
sót cơ bản là:
Mặc dù nhận thức của các ngành, các cấp và của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa
của di tích và trách nhiệm của toàn xã hội đối với di sản văn hóa đã được nâng cao
nhưng chưa sâu sắc và toàn diện và cũng chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế
hoạch và chương trình cụ thể.
Chúng ta còn lúng túng trong việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo
tồn và phát triển, chưa nhận thức thật sâu sắc vị trí, vai trò của di tích trong quá trình
đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, cá biệt có nơi, có lúc vẫn tồn tại xu thế thương
mại hóa di tích, đặt các mục tiêu, dự án phát triển kinh tế cao hơn các mục tiêu về bảo
vệ di tích, thậm chí có những dự án về phát triển kinh tế được triển khai tại khu vực
có di tích nhưng dự án không hề đề xuất bất cứ biện pháp nào để bảo tồn di tích.
Công tác quản lý di tích vẫn cần tiếp tục được củng cố, còn nhiều di tích cần phải giải
tỏa sự vi phạm.
Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu định
hướng, thiếu những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các
tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực do dân đóng góp chưa được qui tụ dưới sự quản lý
của cơ quan nhà nước, nên không được định hướng để sử dụng có hiệu quả.
Nhiều dự án tu bổ di tích được thực hiện nhưng vẫn thiếu sự đầu tư đồng bộ cho di
tích, từ tu bổ kiến trúc, nội thất tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu
sáng, phòng chống cháy, trộm, cải tạo hệ thống đường đi lối lại trong và xung quanh
di tích, xây dựng các khu quản lý và dịch vụ... Cơ sở hạ tầng tại các di tích còn yếu,
hệ thống giao thông đến di tích không phải đã hoàn toàn thuận lợi, thậm chí với nhiều
di tích còn rất khó khăn trong việc tiếp cận, nhất là các di tích ở miền núi.
Việc giới thiệu, tổ chức khai thác ở di tích còn đơn điệu, chưa có sự kết hợp tốt

giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động tổ chức
giới thiệu tại di tích chưa được làm một cách khoa học, bài bản.Chưa có sự kết hợp
chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại di tích.
3


Tại một số di tích còn có hiện tượng sử dụng các “hướng dẫn viên không chuyên”,
tranh giành giới thiệu di tích để áp đặt thù lao bất hợp lý, dẫn đến làm mất đi một
phần tình cảm tốt đẹp của du khách và ảnh hưởng tới việc thu hút khách tham quan
tới di tích.Việc sản xuất đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan chưa được chú ý, chủ
yếu mang tính tự phát, do dân nghĩ, dân làm nên thiếu định hướng, thiếu bàn tay
chuyên môn (họa sỹ, kiến trúc sư chẳng hạn). Do đó, sản phẩm lưu niệm thường rất
xấu, ít đổi mới, thiếu sự đa dạng, vật liệu mau hỏng và không thể hiện được đặc trưng
gắn bó với di tích. Giá trị dịch vụ trong khai thác di tích còn chiếm một tỷ trọng rất
thấp
Công tác tuyên truyền về di tích chưa được chú trọng, thông tin về di tích hạn chế.
Thiếu những cuốn sách cẩm nang về di tích để phục vụ du khách. Công tác giáo dục,
đào tạo cán bộ cơ sở, người khai thác hoạt động du lịch chưa được coi trọng.

III.

Các vấn đề trong quy hoạch và bảo vệ, tôn tạo di tích văn hóa và danh
lam thắng cảnh.

Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu cần xác định khu vực bảo tồn di tích trên cơ sở khảo
sát hiện trạng, tổng hợp tư liệu để xác định ranh giới các khu vực bảo vệ di tích; xác định
các khu vực xây dựng mới phục vụ mục đích tôn vinh, quản lý di tích và tổ chức dịch vụ;
xác định các khu vực cảnh quan thiên nhiên; xác định mức độ hạn chế xây dựng từng khu
vực.
Bên cạnh đó, lập danh mục các công trình di tích cần can thiệp và xác định mức độ bảo

tồn đối với từng hạng mục di tích; xác định nguyên tắc và giải pháp cơ bản bảo tồn, tu bổ,
phục hồi di tích; xác định các biện pháp xử lý đối với các công trình chưa được xếp hạng
di tích. Đề xuất loại bỏ các hạng mục công trình có khả năng ảnh hưởng đến giá trị và
không gian di tích.
Đồng thời, cần xác định các tuyến giao thông liên kết giữa các khu vực với quy mô, mật
độ giao thông phù hợp với nhu cầu sử dụng và cảnh quan khu di tích...Về định hướng tổ
chức không gian kiến trúc, cảnh quan, bảo tồn di tích và xây dựng công trình phục vụ
phát huy giá trị di tích, đối với khu vực bảo tồn di tích, không bố trí, xây dựng các công
trình kiến trúc mới có quy mô lớn trong khu vực này; thiết lập các không gian hỗ trợ cho
việc phát huy giá trị di tích. Nghiên cứu sử dụng cây xanh, màu sắc, ánh sáng phù hợp
với di tích và khung cảnh chung.
Với khu vực xây dựng công trình phục vụ phát huy giá trị di tích, cần xác định tầng cao
trung bình, chiều cao tối đa của công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; xác định
hình thức kiến trúc, kết cấu, vật liệu xây dựng phù hợp với ý nghĩa, giá trị của di tích và
khung cảnh chung; nghiên cứu, tổ chức không gian để phục vụ các hoạt động sinh hoạt
tập thể, biểu diễn nghệ thuật.
4


Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ di tích lịch sử nhằm tôn tạo, phục hồi khu di tích lịch
sử này trở thành một địa điểm tôn vinh truyền thống đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ
quốc; địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cộng đồng; địa điểm thu
hút khách du lịch, tạo nguồn thu, góp phần phát huy giá trị khu di tích.

1. Quy hoạch bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh
Để bảo đảm cho việc quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên ở nước ta ngày một tốt
hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở từng giai đoạn phát triển của
đất nước, Đảng và Chính phủ đã có nhiều quyết sách để hoàn thiện hệ thống quản lý di
sản và tăng cường hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Do nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, trong đó có di sản văn hóa, nên ngay

từ năm 1943, tức là khi chưa giành được chính quyền từ tay đế quốc, phong kiến, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã ban hành bản Đề cương văn hóa trong đó nêu rõ quan điểm Dân
tộc-Khoa học và Đại chúng trong đường lối văn hóa của Đảng. Ngày 23 tháng 11 năm
1945, tức là chỉ hơn hai tháng sau khi Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam
Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 2 tháng
9, tuy đang phải đối phó với những khó khăn do nạn đói, thù trong, giặc ngoài, vận nước
đang “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số
65/SL về việc Bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam. Sau 9 năm kháng chiến chống thực
dân Pháp (1945-1954), hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã
ký ban hành Nghị định 519/TTg ngày 29/10/1957 về việc Bảo vệ và sử dụng di tích lịch
sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau khi đất nước thống nhất 1975, đến năm 1984
Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh
Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tiếp đó, trong quá
trình Đảng và Chính phủ thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập, để việc bảo vệ
di sản văn hóa được toàn diện, đầy đủ và phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng những
yêu cầu của thời kỳ lịch sử mới, năm 1998 Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị
quyết Trung ương 5, khóa VIII về việc Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc. Bốn năm sau, Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã
thông qua, Chủ tịch nước ký lệnh ban hành Luật di sản văn hóa năm 2001, Luật có hiệu
lực từ 1/1/2002.
Những văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
nêu trên, qua từng thời kỳ lịch sử, cái sau có giá trị pháp lý cao hơn và đầy đủ hơn cái
trước, đã cho thấy tính nhất quán trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn
hóa và thiên nhiên của Đảng và Chính phủ ta, thể hiện nguyện vọng, ý chí chung của toàn
dân tộc trong sự nghiệp cao cả, đầy khó khăn thử thách này. Hiện nay, các văn bản đó đã
và đang đi dần vào cuộc sống và phát huy hiệu lực.
Để thực hiện Luật di sản văn hóa, Chính phủ ta cũng đã ban hành một số văn bản
khác như: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa
5



(11/11/2002), Chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích và
ngăn chặn đào bới, trục vớt trái phép cổ vật trong di chỉ khảo cổ học (18/2/2002), Quy
hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh
đến năm 2020 v.v..
Song song với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã có
những quyết sách cụ thể để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa như việc xếp hạng
các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo vệ di sản.
Một số di sản được lập hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa và thiên
nhiên thế giới. Từ năm 1994, Chính phủ cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia
chống xuống cấp và tôn tạo di tích. Thông qua Chương trình này, Chính phủ đã cấp ngân
sách chống xuống cấp và tôn tạo hơn 1000 di tích và thực hiện 378 dự án điều tra, sưu
tầm, lưu trữ di sản văn hóa phi vật thể với kinh phí đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng Việt
Nam .v.v. Trong đó, có những di tích được đầu tư không chỉ nhằm chống xuống cấp mà
còn cải thiện cả môi trường cảnh quan của di tích. Hàng năm, Chính phủ và một số địa
phương cũng đã dành một số ngân sách và quỹ đất cho việc di dời một số công trình xây
dựng xâm phạm, lấn chiếm đất đai của di tích, để tạo cho di tích có môi trường cảnh quan
tốt hơn. Chính phủ cũng đã quyết định đình chỉ hoặc cho điều chỉnh quy mô xây dựng
một số công trình có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến di tích, nhằm bảo vệ môi trường di
tích.
Nhà nước cũng đã chú ý hoàn thiện dần bộ máy tổ chức quản lý di tích từ trung
ương đến địa phương và cơ sở. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhân viên, nghệ nhân cũng
đã được tập trung đào tạo, số lượng ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, chúng ta còn phải cố
gắng trong nhiều năm nữa mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo tồn và phát
huy giá trị di sản.
Qua phần trình bày ở trên có thể thấy, nếu chúng ta không cố gắng phấn đấu cho
cho sự phát triển bền vững thì khuynh hướng ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ nổi
trội, lấn át khuynh hướng bảo tồn di sản. Tại các nước phát triển, để đạt được sự cân bằng
giữa bảo tồn và phát triển đã khó, tại các nước đang phát triển (các nước nghèo) công
việc này còn khó gấp bội. Gánh nặng này, không chỉ đặt trên vai các nhà làm công tác

bảo tồn di sản mà còn nằm ngay trong ý thức của các nhà hoạch định chính sách ở trung
ương và địa phương, ở những người có hoạt động liên quan đến di sản trong cộng đồng.
Vì vậy, trong tương lai, môi trường di sản ít nhất có hai hoặc ba khuynh hướng phát triển
sau đây:
- Khuynh hướng thứ nhất là, nếu các quốc gia không tăng cường đầu tư cho công
tác bảo tồn di sản, từ việc xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đủ mạnh,
có hiệu lực trong thực tiễn, đến việc xây dựng được một hệ thống tổ chức quản lý có
quyền lực thực sự và đào tạo một đội ngũ cán bộ, nhân viên đảm bảo về số lượng và chất
lượng, cùng những chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn kinh phí đầu tư đảm bảo và
được cộng đồng ủng hộ, thực hiện nghiêm túc, thì môi trường của di sản sẽ không những
6


không được cải thiện mà ngày càng bị xâm phạm nhiều hơn, di sản sẽ mất dần môi
trường tự nhiên và xã hội vốn có của nó.
- Khuynh hướng thứ hai ngược lại với khuynh hướng trên, nếu chúng ta đáp ứng
được tất cả các yêu cầu về nguồn lực và các điều kiện để bảo vệ di sản, công việc của
chúng ta được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng, thì môi trường di sản văn
hóa sẽ không những được giữ vững mà còn có thể được cải thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là
mơ ước vì điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn để có thể khắc phục tình trạng
xuống cấp của di tích, cần những quỹ đất lớn để di chuyển các công trình xây dựng của
các tổ chức, cá nhân ra khỏi các khu vực bảo vệ và khu vực đệm của di tích, cộng thêm
vào đó là cần phải có kinh phí để tôn tạo lại cảnh quan môi trường di tích. Hơn thế nữa,
cần phải có một lực lượng nhân lực dồi dào, đầy đủ tri thức, kinh nghiệm và tinh thần
trách nhiệm trong tất cả các công đoạn của việc quản lý và phát huy giá trị di tích như:
Các đơn vị tư vấn thiết kế, các đơn vị giám sát thi công, đội ngũ thợ lành nghề, đủ đảm
đương một khối lượng công việc khổng lồ hiện nay. Trên thực tế, đây chỉ là nguyện
vọng, mong muốn của những người làm công tác bảo vệ di sản, điều ước này không khả
thi đối với chúng ta hiện nay.
- Khuynh hướng thứ ba, đó là sự dung hòa giữa hai khuynh hướng trên, trước hết

cố gắng ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng xâm phạm môi trường cảnh quan di tích
trên phạm vi cả nước, không để di tích bị xâm phạm thêm nữa; tiếp đến từng bước giải
quyết việc vi phạm không gian di tích theo trình tự ưu tiên căn cứ vào mức độ giá trị của
di tích và khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước và quỹ đất để giải tỏa vi phạm. Theo
quan điểm đó, trên thực tế sẽ tùy từng di tích cụ thể để đề ra phương án phù hợp nhằm
bảo vệ cảnh quan môi trường di tích một cách khả thi. Đối với các di sản thế giới và các
di tích cấp quốc gia đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư kinh phí để đảm bảo có môi trường cảnh
quan tốt ở cả khu vực bảo vệ và khu vực đệm của di sản.
Trên thực tiễn những năm qua, chúng ta đã và đang triển khai công tác bảo vệ di
sản theo khuynh hướng thứ ba nêu trên, trong tương lai chúng ta cần thực hiện một cách
triệt để hơn, rộng rãi hơn. Để làm được điều này, chúng ta cần nhận thức rõ những hạn
chế/ bất cập, những nỗi lo hiện nay của chúng ta trên các khía cạnh: Hệ thống tổ chức, cơ
cấu bộ máy quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nguồn nhân lực, tài chính và
nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Những tồn tại đó
cộng với những khó khăn do quá khứ để lại quá nặng nề nên không thể trong một thời
gian ngắn và chỉ một ngành, một cấp có thể khắc phục được. Vậy nên, cần phải có lộ
trình/ có sự liên kết/ phối hợp liên ngành để bảo tồn và phát huy giá trị di sản thích hợp
với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.
Trước mắt, chúng ta cần tăng cường tổ chức phổ biến, tuyên truyền vận động thực
hiện Lụật di sản văn hóa, để Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực trong thực tế, nhằm
ngăn chặn việc vi phạm di sản, giữ nguyên hiện trạng của di sản, không để di sản tiếp tục
bị xâm phạm, xuống cấp thêm nữa.
7


Bước thứ hai là, xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, ưu
tiên cải thiện điều kiện của di sản thông qua việc tiến hành bảo quản, tu bổ và phục hồi
các di sản.
Bước thứ ba là, tổ chức tôn tạo cải thiện môi trường cảnh quan của di sản, bao
gồm cả việc cải tạo, di dời một số công trình xây dựng, nhà ở nằm trong vùng bảo vệ và

vùng đệm của di sản.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, để làm được những việc đó không phải dễ, cần có sự
phân loại và xác định thứ tự ưu tiên đối với từng di sản theo mức độ giá trị của mỗi di
sản.
Để huy động nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản,
ngoài ngân sách của Nhà nước, trước đây chúng ta đã thực hiện phương châm “ Nhà
nước và nhân dân cùng làm”, ngày nay chúng ta thực hiện “ xã hội hóa “ trong hoạt động
bảo vệ di sản nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ
chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để bảo vệ được nhiều di sản hơn. Qua sự tham gia,
đóng góp của các lực lượng xã hội, ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng sẽ dần được nâng
lên.
Bên cạnh những biện pháp hành chính, cũng cần tăng cường các hoạt động
chuyên môn, vì công tác quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ, nhất
là ở các giai đoạn chiến tranh, khó khăn thiếu thốn, nhiều di sản đã được xếp hạng di tích
quốc gia mà còn chưa có hồ sơ khoa học đầy đủ, nhiều di sản chưa có khu vực đệm.
Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là kiểm tra lại các hồ sơ di sản, bổ sung hoàn thiện lại
hệ thống hồ sơ pháp lý, những di sản nào chưa có khu vực đệm cần bổ sung thêm. Tăng
cường nâng cấp, hoàn thiện hồ sơ tư liệu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quản lý hồ
sơ tư liệu bằng các phương tiện hiện đại.
Do chưa có đủ nguồn tài chính để chu cấp cho việc bảo vệ toàn bộ các di sản trên
cả nước, nên chúng ta đã lập nên một danh sách các di sản văn hóa đặc biệt quan trọng để
ưu tiên tập trung đầu tư chống xuống cấp và tôn tạo, các di sản thế giới nhận được sự
quan tâm đặc biệt. Các di sản này đều được lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy
giá trị. Các quy hoạch tổng thể này, ngoài việc chú ý đến công tác tu bổ di tích, những
hoạt động để bảo vệ cảnh quan môi trường di sản thế giới đã được quan tâm và đã có
những tiến bộ rõ rệt. Trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của thị xã Hội An, của
thành phố Huế đều dành ra những khu đất để thực hiện việc dãn dân trong các di sản thế
giới - ngoài việc di chuyển một phần dân trong các khu di sản ra bên ngoài, vấn đề kiểm
soát việc tăng dân số sinh học và cơ học trong các khu di sản cũng được quan tâm. Việc
bảo vệ môi trường cảnh quan di sản được thực hiện bằng nhiều hình thức, ví dụ ở tỉnh

Quảnh Ninh, Vịnh Hạ Long đã được sự trợ giúp của tổ chức JICA Nhật Bản, Bộ Văn
hóa- Thông tin, Bộ Khoa học- Công nghệ … hoàn thành Dự án Quản lý môi trường Vịnh
Hạ Long. Khu di tích Đền Hùng ( Phú Thọ) đã triển khai kết hợp giữa dự án bảo tồn di
8


tích và các dự án trồng rừng, cải thiện môi trường. Nhờ những nỗ lực đó, môi trường
cảnh quan của nhiều di sản đã được cải thiện một bước. Trước đây việc bảo vệ di sản ở
quần thể kiến trúc cố đô Huế chỉ mới được đặt vào các cụm công trình kiến trúc cụ thể.
Tuy nhiên, do những nỗ lực của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường của khu di sản, nên
Tại phiên họp lần thứ 28 của Uỷ ban Di sản thế giới từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 7 tháng
7 năm 2004 tại Tô Châu, Trung Quốc, Uỷ ban Di sản thế giới đã đề nghị Việt Nam mở
rộng sự quan tâm ra cảnh quan của đôi bờ sông Hương ở phía Nam kinh thành Huế,
nhằm tạo ra một mối liên kết giữa kinh thành Huế và các kiến trúc phụ cận, đồng thời tạo
thêm vùng đệm bảo vệ cho quần thể di tích kiến trúc cố đô Huế. Chúng ta hy vọng, với
sự nỗ lực của mình cộng với sự trợ giúp có hiệu quả của quốc tế, chúng ta sẽ hạn chế
được tác động tiêu cực của quá trình phát triển đến mức thấp nhất.
Trong quá khứ, nhiều di sản của chúng ta bị các yếu tố tự nhiên và xã hội tàn phá.
Nhiều di sản đã bị xóa sổ trong chiến tranh, đến khi hòa bình lập lại (1954), thống nhất
đất nước (1975), với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trên nền móng cũ, nhiều công
trình (ngôi đình thờ thành hoàng làng, ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ những người có
công với dân với nước v.v...) được phục hồi để bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần
truyền thống của cộng đồng. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa phi vật thể truyền thống
được hồi sinh.
Ngày nay, trong một thế giới phát triển mạnh mẽ và đầy biến động, nhiều giá trị
mới sinh ra song song với sự mất đi của một số giá trị truyền thống, nhiệm vụ của chúng
ta là phải bảo tồn các giá trị truyền thống và phát hiện, giữ gìn các giá trị mới. Trong bối
cảnh đó, muốn bảo vệ được các di sản, ngoài những việc làm nêu trên, theo tôi, chúng ta
vẫn cần tập trung tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cập nhật
cùng với sự phát triển chung của thế giới và mỗi dân tộc trong các thời kỳ lịch sử, cần có

lộ trình để đưa các văn bản quy phạm pháp luật đó phát huy hiệu lực trong cuộc sống.
Cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật do cấp tỉnh và
địa phương ban hành.
Song song với việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có sự
tăng cưòng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia, thợ lành nghề có trình độ chuyên môn cao,
đảm bảo cả số lượng và chất lượng, đủ đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi nghiệp vụ bảo
quản, tu bổ, tôn tạo đối với di sản văn hóa vật thể, đủ năng lực để nghiên cứu lập hồ sơ
lưu trữ và hoạt động bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là một vấn đề rất
quan trọng cho tương lai. Nếu chúng ta không có đủ nguồn nhân lực hoặc sử dụng nguồn
nhân lực một cách không hiệu quả thì rất dễ dẫn đến tình trạng có kinh phí cũng không
thể giải ngân vì các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản không triển khai kịp theo quy
định tiến độ thời gian hoặc không đảm bảo chất lượng. Có dự án rồi mà thiếu cán bộ chỉ
đạo và giám sát thi công có trình độ chuyên môn vững, tinh thần trách nhiệm cao, và đặc
biệt là đội ngũ thợ lành nghề, làm việc có ý thức, thì các dự án đầu tư có khi sẽ trở nên
9


phản tác dụng, di sản không những không được bảo tồn tốt mà trái lại, còn có thể bị phá
huỷ do nguồn nhân lực của chúng ta không đáp ứng yêu cầu chuyên môn và tinh thần
trách nhiệm.
Một điều có ý nghĩa quyết định đến tương lai của di sản là sự ủng hộ của cộng
đồng, trong đó có vai trò của nhân dân địa phương và các cấp các ngành có trách nhiệm
ra những quyết định liên quan đến di sản văn hóa. Bởi vì, nếu chỉ với sự nỗ lực của
những nguời làm công tác bảo vệ di sản thì chưa đủ và cũng không thể bảo vệ di sản nếu
như các cấp, các ngành, nhân dân vẫn đưa ra những quyết định gây bất lợi cho di sản.
Chúng ta cần lưu tâm để ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản của công chúng được nâng cao
hơn hoặc chí ít là ngang bằng với tình cảm tín ngưỡng-tôn giáo của họ đối với các di tích
có yếu tố tín ngưỡng - tôn giáo.
Việc phân cấp quản lý di sản là một chủ trương đúng đắn, nhưng làm sao để việc

phân cấp thực hiện tốt mà các chuẩn mực chung quốc gia về khoa học bảo tồn di sản vẫn
được tuân thủ và giữ vững trong bối cảnh đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn của chúng
ta vẫn còn thiếu và yếu - ngay cả ở tuyến trung ương chứ chưa nói gì đến cấp tỉnh và ở
các cấp thấp hơn, cũng cần có một lộ trình qua nhiều năm với những tiêu chí, điều kiện
cụ thể cho việc phân cấp đi đôi với quy hoạch đào tạo cán bộ.

2. Quy hoạch tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh
Tu bổ di tích không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc
cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt
chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất v.v... Công tác
tu bổ di tích phải đáp ứng được các nhu cầu: Giải phóng, tước bỏ khỏi di tích tất cả các
lớp bổ sung xa lạ, gây ảnh hưởng xấu tới các mặt giá trị của di tích; giữ lại tối đa những
yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy khôi phục lại một cách
chính xác những yếu tố đã bị thiếu hụt, mất mát trong quá trình tồn tại của di tích; trả lại
cho di tích hình dáng vốn có của nó; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn
tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, cũng như thử
thách của thời gian.Cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa xây dựng mới và sửa chữa
công trình với công tác tu bổ và bảo quản di tích. Như chúng ta đã biết công tác tu bổ di
tích chỉ đạt được hiệu quả cao khi các kiến trúc sư thiết kế và thi công tu bổ di tích tuân
thủ các nguyên tắc khoa học

***** Thông thường chúng ta vẫn sử dụng các hình thức tu bổ di tích như
- Tu bổ quy mô lớn với mục tiêu phục hồi và tái tạo lại toàn bộ hay từng phần di
tích đã bị mất đi, bị làm sai lệch hay biến đổi hình dáng. Trong đó phục hồi di tích đặt ra
nhiệm vụ tước bỏ những lớp bổ sung sau này làm sai lệch hình dáng ban đầu, làm giảm
các mặt giá trị của di tích (trừ trường hợp những lớp bổ sung sau này nếu có giá trị thẩm
10


mỹ trở thành bộ phận hữu cơ của di tích thì cần được trân trọng). Còn tái tạo di tích có

nghĩa là phục dựng lại những yếu tố, các bộ phận di tích đã bị mất, hoặc chỉ còn lại
những chi tiết đơn lẻ. Ngoài ra có thể tái định vị các bộ phận di tích đã bị sụp đổ hoặc vùi
lấp trong các phế tích kiến trúc.
- Tu bổ mang tính chất sửa chữa nhỏ, có nhiệm vụ bảo vệ và gia cường về mặt kỹ
thuật để cho di tích luôn được giữ trong trạng thái bảo quản ổn định mà không làm thay
đổi hình dáng lịch sử vốn có của nó, như: Bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ cho di
tích, nhằm kiểm tra về mặt kỹ thuật, phát hiện, ngăn chặn hoặc loại trừ nguyên nhân gây
hại cho di tích; sửa chữa nhỏ (mái dột, hệ thống máng nước, thoát nước, sơn cửa, quét
vôi).
- Bảo quản cấp thiết: Khi phát hiện di tích đang ở trong tình trạng bảo quản không
tốt, có khả năng đe doạ sự toàn vẹn và hoàn chỉnh của nó, hoặc có nguy cơ bị biến dạng,
sụp đổ thì phải áp dụng ngay các biện pháp bảo quản cấp thiết. Đối với những di tích sau
khi được công nhận nếu chưa có khả năng tu sửa lớn, chưa làm xong các khâu chuẩn bị
khoa học cho công tác tu bổ, người ta cũng áp dụng biện pháp bảo quản cấp thiết hoặc di
tích bị hư hỏng đột xuất do thiên tai gây ra. Nhưng phổ biến nhất là áp dụng biện pháp
gia cố, tạo hệ thống khung chống đỡ các cấu kiện chịu tải trong di tích.
- Bảo quản phòng ngừa bằng biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoặc triệt tiêu
các nguyên nhân gây hại cho di tích, có thể áp dụng biện pháp kỹ thuật để bảo quản từng
phần di tích, bảo quản toàn bộ di tích, tạo lớp cách ly chống thấm nước, chống ẩm, phun
thuốc phòng và diệt mối, mọt, ngâm tẩm xử lý hoá chất cho các cấu kiện cũ và mới trước
khi lắp dựng lại.
Trong công tác bảo tồn di tích, bảo quản mang tính chất phòng ngừa là biện pháp
thích hợp cần được ưu tiên nhưng cũng đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật rất
phức tạp.
- Cải tạo di tích để sử dụng vào các chức năng mới, là biện pháp chỉ được áp dụng với
điều kiện không được làm tổn hại, giảm giá trị lịch sử và thẩm mỹ của di tích.
Các khuynh hướng khác nhau trong việc áp dụng các hình thức tu bổ di tích cần
phải căn cứ vào điều kiện lịch sử, khả năng kinh tế và đặc thù văn hoá của từng quốc gia
mà vận dụng các hình thức tu bổ di tích phù hợp.


3. Vấn đề quản lý và thực thi các dự án đầu tư tu bổ và phát huy di tích
Công tác quản lý nhà nước đối với quá trình xây dựng và thực thi các dự án tu bổ, tôn
tạo và phát huy di tích có những yêu cầu cơ bản như: Nội dung các dự án phải phù hợp
với các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, phục vụ lợi ích
cộng đồng và các nhu cầu do xã hội đề ra; phải xây dựng dự án theo đúng những định
11


hướng cơ bản đã được phê duyệt trong quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy di
tích. Ngoài ra dự án phải đề xuất những cơ chế thích hợp nhằm huy động và sử dụng có
hiệu quả cao nhất các nguồn vốn đầu tư trong nước và quốc tế.
• Các dự án đầu tư được chia thành ba nhóm chính
- Nhóm A là các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn đòi hỏi phải có quyết định phê
duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
- Nhóm B do cơ quan chủ quản đầu tư phê duyệt sau khi có ý kiến thoả thuận
của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.
- Nhóm C do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành và Chủ tịch ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt với tư cách là cơ quan chủ
quản đầu tư.
Trong thực tế, để tránh các thủ tục thẩm định, phê duyệt phức tạp..., các địa
phương thường chỉ hạn chế các “Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích” vào khuôn khổ
của nhóm C với tổng dự toán đầu tư thấp để thuận tiện trong quá trình phê duyệt. Nhưng,
đối với di tích có giá trị đặc biệt quan trọng với quy mô lớn và những đặc thù của hoàn
cảnh lịch sử Việt Nam, mà nguồn vốn đầu tư quá thấp, sẽ hạn chế việc xây dựng và thực
thi cho một dự án hoàn chỉnh. Đại bộ phận các trường hợp cụ thể số vốn đầu tư theo
nhóm C chỉ đủ tu bổ, chống xuống cấp cho các hạng mục chính trong di tích. Vốn đầu tư
cho việc tôn tạo xây dựng hạ tầng cơ sở, môi trường, cảnh quan sân vườn, cấp thoát
nước, đường giao thông từ các điểm giao thông tới di tích, đường nội di tích, điện chiếu
sáng v.v... và một số dịch vụ khác hầu như không được tính tới. Do đó chúng ta sẽ không
bao giờ có một sản phẩm văn hoá hoàn chỉnh, một sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn.

Cũng vì thế chúng ta không có khả năng thực hiện định hướng cơ bản là đưa di tích hoà
nhập vào đời sống cộng đồng, thực hiện phương châm xã hội hoá hoạt động bảo tồn di
tích.
Thiết nghĩ rằng, khi xây dựng dự án đầu tư, cần xem xét toàn diện với cách nhìn tổng thể
mang tính liên ngành mà không phụ thuộc vào thủ tục và việc phân loại nhóm dự án.
• Muốn thực hiện tốt việc quản lý nhà nước trong việc xây dựng và thực thi các dự
án đầu tư tu bổ tôn tạo và phát huy di tích, trước hết phải xây dựng tổ chức có đủ
năng lực quản lý dự án. Quan trọng hơn là yếu tố nguồn lực con người được đào
tạo chuyên sâu, có khả năng hoạt động độc lập và chuyên nghiệp.
Ở nước ta hiện nay ba yếu tố cơ bản quyết định chất lượng công tác quản lý nhà nước
đối với các dự án, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích đều chưa ổn định và còn bộc lộ
các nhược điểm:
• Thứ nhất, chưa có cơ chế phân cấp triệt để và cụ thể giữa cơ quan quản lý nhà
nước và ủy ban nhân dân các cấp. Hội đồng thẩm định dự án đã được thành lập
với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được xác định, gồm các thành viên là
những chuyên gia có uy tín trong ngành và các cơ quan hữu quan, nhưng hoạt
động vẫn chưa thật hiệu quả.
• Thứ hai, cơ quan quản lý dự án ở các cơ sở chưa đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ
được giao, nhiều khi còn bị chi phối bởi các cơ quan liên quan (bên B). Hiện tại
12









các Sở Văn hoá - Thông tin đều có Ban quản lý dự án chung thực thi và quản lý

các dự án có nguồn vốn xây dựng cơ bản. Thường thì giám đốc sở kiêm nhiệm
hoặc một phó giám đốc được uỷ nhiệm. Kế toán trưởng của sở kiêm nhiệm kế toán
của ban quản lý. Như vậy, vô tình các giám đốc bảo tàng, ban quản lý di tích ở địa
phương là những người có hiểu biết chuyên môn đều đứng ngoài. Họ chỉ có mặt
trong buổi nghiệm thu về mặt hình thức mà thôi.
Thứ ba, chúng ta còn thiếu hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh và đồng bộ về
tu bổ di tích làm cơ sở cho việc xây dựng và quản lý việc thực thi các dự án. Hiện
nay Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ mới ban hành được Quy chế tu bổ, tôn tạo di tích
và định mức dự toán tu bổ di tích. Tu bổ di tích là hoạt động có tính chất đặc thù
chuyên ngành chắc chắn cần có quy chế riêng khác với quy chế quản lý xây dựng
cơ bản đối với các công trình xây dựng mới.
Theo chúng tôi, lược đồ quản lý dự án bảo tồn, tu bổ di tích gồm các bước
Xây dựng dự án là bước khởi đầu quan trọng, cần được giao cho các cơ quan
chuyên môn có uy tín làm tư vấn và các chủ dự án có kinh nghiệm thực tế lâu
năm. Cho nên việc chỉ định thầu cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích cần được áp
dụng rộng rãi (trừ các hạng mục hạ tầng cơ sở kỹ thuật)
Khảo sát thực địa nhằm: Thu thập các tư liệu và thông số cơ bản; xác định giá trị
và hiện trạng di tích có ý nghĩa quan trọng để thiết kế và thi công tu bổ di tích. Do
đó trong nguồn kinh phí chuẩn bị đầu tư rất cần có phần kinh phí độc lập cho việc
nghiên cứu, khảo sát thực địa tại di tích mà không bị lệ thuộc vào kinh phí xây
dựng dự án và thiết kế kỹ thuật.
 Lập thiết kế sơ bộ và các phương án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di
tích
- Căn cứ vào hiện trạng di tích, tư liệu lịch sử, lời kể của nhân chứng, xây dựng
bản vẽ tu bổ, phục hồi trung thực các yếu tố nguyên gốc ban đầu.
- Căn cứ vào nguyên tắc bảo tồn và quy chế tu bổ di tích mà đưa ra các phương
án tu bổ, tôn tạo thích hợp.
- Sau khi bản thiết kế sơ bộ và các phương án tu bổ được phê duyệt, chúng ta
mới bắt tay vào việc thiết kế kỹ thuật chi tiết và tổng dự toán kinh phí đầu tư.
Nhiều trường hợp địa phương làm gộp cả thiết kế sơ bộ, phương án tu bổ với

giai đoạn thiết kế kỹ thuật chi tiết. Do đó sẽ gặp trở ngại trong việc thẩm định.
Bởi vì chỉ cần một trong các phương án tu bổ không được chấp nhận, lập tức
thiết kế kỹ thuật chi tiết sẽ phải thay đổi hoàn toàn, lúc đó buộc phải làm lại từ
đầu.
 Thẩm định dự án của cấp có thẩm quyền cũng có vai trò rất lớn trong
việc quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư. Bởi vì nếu thẩm định
không chính xác sẽ dẫn đến sai sót trong thi công, gây biến dạng di
tích.
Trong thực tế, các dự án gửi về Bộ Văn hoá - Thông tin rất chậm nên
việc xem xét các bản thiết kế và dự toán chưa kỹ càng. Cán bộ địa
phương từ xa về Hà Nội, ở lại lâu, sẽ gây phiền hà tốn kém thời gian và
13


tiền bạc. Ngược lại nếu châm chước xét duyệt cho kịp thời gian thì việc
thẩm định sẽ không đạt chất lượng cao. Đặc biệt là cơ quan thẩm định
không có điều kiện cử cán bộ đến xem xét đối chiếu thiết kế tại thực địa
trước khi phê duyệt, phần lớn các trường hợp chỉ xem xét và thẩm định
trên cơ sở dự án và các bản thiết kế kỹ thuật, cho nên mức độ chính xác
chưa cao. Do đó trong quá trình thi công tu bổ thường xuyên xuất hiện
những phát sinh, buộc phải xem xét điều chỉnh thiết kế, dự toán tu bổ.
 Về các giai đoạn thực thi dự án tại hiện trường, trong thực tế các ban
quản lý dự án chưa coi trọng việc giám sát thi công và nghiệm thu từng
phần trong quá trình tu bổ di tích.
- Việc gia công tu bổ các chi tiết kiến trúc và gia công tu bổ bộ phận
chịu lực... Giai đoạn thứ hai này cần phải kiểm soát chặt chẽ và nghiệm
thu nghiêm túc, bởi vì sau giai đoạn này người ta sẽ thực thi phần che
phủ, nhiều bộ phận kết cấu sẽ bị lấp kín không nhìn thấy được. Nếu sau
khi phần che phủ đã hoàn thiện, mà Hội đồng nghiệm thu mới đề ra
những yêu cầu sửa đổi ... dẫn đến phải tháo dỡ công trình, sẽ gây tốn

kém lãng phí vật liệu và tiền bạc.
- Gia công tu bổ phần che phủ gồm, phần mái, tường bao và phần nền.
Đây cũng là giai đoạn hoàn thiện dự án chuẩn bị cho việc tổng nghiệm
thu.
 Nghiệm thu và quyết toán dự án. Trong giai đoạn này, đơn vị thi công
(bên B) phải trình ra tài liệu: Nhật ký thi công, hồ sơ hoàn công và
quyết toán kinh phí.
Tham gia nghiệm thu dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích cần có
các thành phần như: Đại diện Bộ Văn hoá - Thông tin; Ban quản lý dự
án; Sở Văn hoá - Thông tin; Bảo tàng hoặc Ban quản lý di tích; Phòng
Văn hoá thông tin huyện, ủy ban nhân dân xã hoặc phường và đại diện
cộng đồng cư dân địa phương.
Nhưng trong thực tế việc thanh quyết toán làm rất chậm và diễn ra theo
hai hướng:
Thứ nhất, hầu hết các dự án đều có phát sinh vượt dự toán, đôi khi vượt
quá giới hạn cho phép, cho nên rất khó quyết toán dứt điểm.
Thứ hai, Bên A do các điều kiện khách quan không có khả năng thanh
toán ngay cho bên B. Thường bên B bị nợ hoặc bị chiếm dụng vốn khá
lâu. Điều này cũng gây ra những hạn chế nhất định trong việc kiểm soát
cũng như quản lý nguồn vốn cấp phát cho các dự án.
Quá trình xây dựng và triển khai một dự án tu bổ di tích thực chất là
mặt hoạt động mang tính khoa học và kỹ thuật rất cao. Nhưng trong
thực tế các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan tư vấn và thi công tu bổ ít khi
chú ý tới việc tổng kết, báo cáo khoa học kết quả tu bổ các di tích.
Trong quá trình thi công tu bổ di tích nhiều khi chúng ta phải hạ giải
từng phần, có khi tháo dỡ toàn bộ kết cấu kiến trúc gỗ của di tích. Đây
là thời điểm thuận lợi nhất để tiếp cận và nghiên cứu đặc trưng kiến
14



trúc. Nhiều phát hiện mới về giá trị kiến trúc, quá trình biến đổi ở di
tích và hiện trạng kỹ thuật buộc chúng ta phải thay đổi thiết kế ban đầu,
thậm chí còn phải đưa ra các giải pháp tu bổ mới cho phù hợp với tình
hình thực tế tại công trường.
Tất cả diễn biến trong quá trình thi công tu bổ di tích nếu được ghi chép
tỷ mỷ, tổng kết có hệ thống và in ấn thành các tập sách công bố rộng rãi
sẽ là dịp tuyên truyền sâu rộng về di tích, đồng thời cung cấp tư liệu
khoa học, thực sự bổ ích cho việc tu bổ trong tương lai.
Tóm lại, công tác quản lý việc xây dựng và thi công các dự án tu bổ,
tôn tạo di tích là mặt hoạt động có tính chất chuyên ngành có nhiều đặc
điểm khác biệt so với việc quản lý các dự án xây dựng các công trình
mới. Do đó tất yếu phải có cơ chế quản lý mang tính chuyên biệt trên
cơ sở tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật di sản văn hoá và Luật
Xây dựng.

4. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy
giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh
Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng
đầu để trao đổi văn hóa, du lịch là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản
văn hóa, và di sản thiên nhiên và đã thành một phức hợp đóng một vai trò
chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh
thái và thẩm mỹ...đó là mối tương tác giữa du lịch và di sản văn hóa nêu tại
Công ước quốc tế về du lịch văn hóa đã được ICOMOS thông qua tại kỳ
họp Đại Hội Đồng lần thứ 12 ở Mexico năm 1999. Một số mục tiêu đáng
chú ý của Công ước: “Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ngành kinh
doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát
huy di sản và các văn hóa đang tồn tại...”, “Tạo điều kiện thuận lợi và
khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và
những người kinh doanh du lịch nhằm làm họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng
và tính chất mỏng manh dễ hỏng của các tổng thể di sản, các sưu tập, các

văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền
vững cho những di sản đó.”. Công ước đã đưa ra 6 nguyên tắc về du lịch
văn hóa, 6 nguyên tắc này hoàn toàn có thể và cần được áp dụng trong điều
kiện Việt Nam, các nguyên tắc đó là:
+ Tạo ra những cơ hội quản lý tốt và có trách nhiệm cho các thành viên của
cộng đồng, chủ nhà và các khách quan tham gia để họ thấy được và hiểu được
trực tiếp di sản và văn hóa của cộng đồng đó.
15


+ Mối quan hệ giữa các địa điểm Di sản và Du lịch là có tính động và có
thể có giá trị xung đột nhau. Phải quản lý mối quan hệ đó một cách bền vững
cho hôm nay vì các thế hệ mai sau.
+ Lên kế hoạch Bảo vệ và Du lịch cho các địa điểm Di sản, phải bảo đảm
cho du khách sẽ cảm nhận được là bõ công, là thoải mái, là thích thú.
+ Các cộng đồng chủ nhà và dân chúng bản địa phải được tham gia vào
việc lập kế hoạch bảo vệ và du lịch.
+ Hoạt động du lịch và bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà.
+ Các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ và phát huy các đặc trưng
của di sản thiên nhiên và văn hóa.
Vì vây, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, tăng tính hấp dẫn của di
tích nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan; tổ chức các hoạt động văn hoá tại di
tích hướng tới mục tiêu phục vụ phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết. Nguồn
tài nguyên di tích cũng sẽ bị cạn kiệt như những nguồn tài nguyên dầu mỏ, than đá... nếu
chỉ khai thác mà không bảo tồn. Bảo tồn và khai thác luôn là hai mặt của một vấn đề, nếu
chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ gây lãng phí tài nguyên, hạn chế việc phát
huy giá trị; nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn thì còn nguy hiểm hơn nữa, điều đó sẽ
gây hủy hoại di tích, hủy hoại môi trường và những hậu quả to lớn khác cho toàn xã hội.
Muốn vậy thì cần phải:
Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy

giá trị di tích.Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tồn và phát huy giá trị
di tích, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư
xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, những người làm công tác bảo vệ di tích ở
cơ sở…
Những yêu cầu để thực hiện tốt các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công
tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.
- Nhà nước cần sớm nghiên cứu và ban hành một cơ chế tổng hợp, có hiệu quả
nhằm khai thác tốt hơn các di tích - tài nguyên du lịch văn hoá như: cơ chế phân công,
phân cấp quản lý di tích; cơ chế định mức và các quy chuẩn về công tác bảo tồn di tích;
cơ chế chính sách thu hút các nghệ nhân, các chuyên gia khoa học trong và ngoài nước
đến làm việc và đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hoá.
- Cần nghiên cứu cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý di
sản văn hoá hiện nay theo một cơ chế tách bạch, rành rọt, thực hiện được ba chức năng
lớn: bảo vệ, trùng tu, khai thác.
- Cần có chính sách hỗ trợ cho người dân và các tổ chức cá nhân trong việc trùng
tu, tôn tạo các di tích thuộc sở hữu tư nhân phục vụ cho phát triển du lịch và bảo tồn các
giá trị văn hoá chung của dân tộc. Có chính sách cụ thể về việc phân chia quyền lợi giữa
tổ chức kinh doanh du lịch với các cộng đồng dân cư.
16


- Bộ máy lãnh đạo các hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di
tích phải có tầm nhìn chiến lược, có “tuệ và tâm”
- Rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại tất cả
các điểm tham quan du lịch, đặc biệt là ở những khu vực có di tích lịch sử văn hoá
thường xuyên có khách đến tham quan. Mọi hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải
theo đúng luật pháp và quy chế hoạt động của điểm đến tham quan.
- Thực hiện nghiêm túc luật Di sản văn hoá, Tài nguyên và Môi trường, chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam gửi các Bộ, các Ngành và các
cấp về tăng cường giữ gìn trật tự, trị an và vệ sinh môi trường tại các điểm tham

quan du lịch.
- Các ngành, các cấp phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nghiên
cứu, biên soạn, đưa nội dung giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hoá trong các
trường học. Cần phải tuyên truyền, giáo dục bằng mọi phương tiện thông tin đại
chúng: ti vi, đài, sách báo, tạp chí, ảnh, phim phóng sự… để cho mọi người dân
thấy được tầm quan trọng và giá trị của các di tích, về bảo vệ môi trường, nâng
cao ý thức trách nhiệm, tự giác đối với việc bảo vệ các di tích, môi trường nói
chung và môi trường du lịch nói riêng.
- Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí nhằm xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin
địa lý GIS một cách đồng bộ, hoàn chỉnh trong quản lý phát triển hoạt động du
lịch cũng như trong công tác quản lý bảo tồn và khai thác các tài nguyên du lịch
văn hoá, bảo vệ môi trường.
Kiên trì công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. Chú
trọng tới đối tượng thanh thiếu niên, triển khai có hiệu quả khẩu hiệu “Di sản nằm trong
tay thế hệ trẻ” của UNESCO. ICOMOS nhấn mạnh tới “một chương trình thông tin đại
cương” cho mọi người, bắt đầu từ trẻ em ở tuổi đến trường.
Sớm hoàn chỉnh hệ thống chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội
hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đặc biệt là những quy định của các Luật
thuế cho phép các doanh nghiệp, cá nhân được giảm một phần thuế kinh doanh, thuế thu
nhập… nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân đó có những đóng góp trực tiếp cho việc tu bổ di
tích, mua di vật, cổ vật hiến tặng bảo tàng nhà nước, tài trợ cho những chương trình
nghiên cứu về di tích.v.v. Thông qua đó nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà
nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hoá
Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, với quan điểm di tích là cái
đang có, cái không thể thay thế, nên vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích cộng đồng, lợi
ích của các thế hệ hôm nay và mai sau thì cái mới, cái xây dựng sau cần phải hết sức tôn
trọng di sản gốc. Từ thực tiễn và những bài học có tính phổ quát trên phạm vi toàn thế
giới, UNESCO, ICOMOS đã ban hành nhiều công ước, hiến chương trong đó có nêu
những nguyên tắc cơ bản để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển như Hiến

chương về bảo vệ thành phố và đô thị lịch sử: “...bảo vệ các thành phố và các đô thị lịch
17


sử khác phải là một bộ phận hữu cơ của hệ thống cố kết các chính sách phát triển kinh tế
và xã hội...”; “Những chức năng mới và các mạng kết cấu hạ tầng do đời sống đương đại
đòi hỏi phải thích hợp với đặc trưng của thành phố lịch sử.”; bảo vệ di tích không có
nghĩa bảo vệ một cách bất di bất dịch, Hiến chương cũng nêu rõ: “Việc đưa các yếu tố
đương đại vào mà hài hòa được với tổng thể khung cảnh là có thể chấp nhận, bởi vì các
yếu tố mới đó có thể góp phần làm cho khu vực thêm phong phú.”

IV.

Kết luận

Di tích có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống
đương đại. Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là nền tảng, là nguồn động lực cho sự
nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi
người và của cả cộng đồng.

Hiệu suất đóng góp của các thành viên trong nhóm:
Trần Hoàng Khiêm
(Tài liệu, hình)
Nguyễn Thi Cẩm Thúy (Tài liệu, hình, powerpoint)
Diệp thị Hồng Gấm
(Tài liệu, chỉnh sửa)
Lê Quốc Thành
(Tài liệu)
Hồ Vũ Trường Giang
(Tài liệu)

Lê Thị Tố Mai
(Tài liệu)
Nguyễn Ngọc Cẩm
(Tài liệu)

90%
100%
90%
90%
90%
90%
90%

18



×