1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết và ý nghĩa của đề tài
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt trong thập kỷ cuối cùng
của thế kỷ XX, quan hệ kinh tế quốc tế đã có nhiều thay đổi trên cả phương
diện tư duy lý luận lẫn thực tiễn. Hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện
chính sách mở cửa, thúc đẩy thương mại và đầu tư nước ngoài phát triển.
Đồng thời, tăng trưởng kinh tế của phần lớn các quốc gia trên thế giới ngày
càng phụ thuộc vào thương mại quốc tế. Đặc biệt, từ đầu những năm 1980
đến nay, nhiều nước đang phát triển đã chuyển chiến lược công nghiệp hóa từ
thay thế nhập khẩu sang mở cửa, hướng ngoại và thúc đẩy xuất khẩu. Những
thực tế này về cơ bản đều bắt nguồn từ những thay đổi chủ yếu trong nhận
thức về vai trò của các quan hệ kinh tế quốc tế nói chung và ngoại thương nói
riêng đối với phát triển kinh tế.
Ngay từ thập kỷ 80, Trung Quốc đã nổi lên như là một quốc gia thương
mại năng động nhất trên thế giới, bất chấp các thách thức trong quá trình mở
cửa nền kinh tế ra thế giới bên ngoài. Chính sách tự lực cách sinh theo tư tưởng
của chủ nghĩa Mao đã nhường chỗ cho chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước
ngoài, xây dựng các đặc khu chế xuất ven biển, khuyến khích phát triển ngoại
thương và sử dụng các khoản vay của nước ngoài để mở rộng đầu tư và đổi
mới kỹ thuật. Kết quả là, kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn đầu tư nước ngoài
và tổng sản phẩm quốc nội đều tăng trưởng với tốc độ cao chưa từng có trong
nhiều năm liên tục. Điều này đã và đang mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi
ích trước mắt và lâu dài, nhưng cũng đặt những thách thức to lớn đòi hỏi nền
kinh tế phải được điều chỉnh về mặt cơ cấu trong hàng loạt lĩnh vực như nông
nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ viễn thông, công nghiệp sản xuất ô tô...
Những bài học thành công và thất bại của Trung Quốc sẽ góp phần
làm rõ hơn lý thuyết về vai trò của ngoại thương với phát triển kinh tế, đồng
2
thời là những kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia khác trong tiến trình mở
cửa và phát triển kinh tế.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển có nhiều điểm tương đồng
với Trung Quốc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và trong những năm qua
cũng đang thực hiện đường lối đổi mới và mở cửa. Những bài học kinh nghiệm
của Trung Quốc sẽ là những đóng góp quan trọng cho việc hoạch định các chính
sách kinh tế nói chung và chính sách ngoại thương nói riêng của Việt Nam.
2. Tình hình nghiên cứu
Vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế là một trong những
đề tài chủ yếu của kinh tế học phát triển trong suốt nửa cuối của thế kỷ XX.
Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa ngoại thương và
phát triển kinh tế, nhưng có thể nói những nghiên cứu này chưa đủ để khẳng
định tính quy luật về mối quan hệ của hai yếu tố nói trên. Các công trình
nghiên cứu khác nhau đã rút ra những kết luận khác nhau về mối quan hệ giữa
ngoại thương và phát triển kinh tế. Một số công trình nghiên cứu đã chứng
minh đó là mối quan hệ cùng chiều. Trong khi đó, một số công trình nghiên cứu
khác lại chứng minh ngược lại hoặc cho rằng các đại lượng trên không có mối
quan hệ với nhau. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự không thống
nhất này là các nhà nghiên cứu khác nhau đã dựa vào các nguồn tài liệu khác
nhau và sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài
nước về sự phát triển của ngoại thương và kinh tế Trung Quốc từ khi cải cách,
mở cửa đến nay. Trong đó đáng chú ý là các công trình: Viên Văn Kỳ:
Nghiên cứu mô hình phát triển mậu dịch đối ngoại Trung Quốc; Nicolas R.
Lardy: Ngoại Thương và cải cách kinh tế ở Trung Quốc 1978- 1990; Nguyễn
Minh Hằng: Quan hệ kinh tế đối ngoại Trung Quốc thời kỳ mở cửa; Nguyễn
Thế Tăng: Quá trình mở cửa đối ngoại của cộng hòa nhân dân Trung Hoa;
Lý Thành Luân: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc 1996-
3
2050; Lưu Lực: Toàn cầu hóa kinh tế lối thoát của Trung Quốc là ở đâu...
Những công trình này chủ yếu nghiên cứu tác động của các chính sách cải
cách và mở cửa đến sự phát triển của ngoại thương và kinh tế Trung Quốc, mà
chưa trực tiếp bàn đến vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế
Trung Quốc.
Về vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc
từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, đặc biệt từ khi nền
kinh tế được cải cách và mở cửa đến nay, có rất nhiều bài nghiên cứu hết sức
công phu và có giá trị to lớn cả về lý luận lẫn thực tiễn. Một phần trong số những
bài viết này đã được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho luận án. Tuy nhiên,
mỗi bài viết nêu trên thường chỉ tập trung tìm hiểu vai trò của ngoại thương đối
với một, hoặc một vài khía cạnh cụ thể của phát triển kinh tế như: tăng
trưởng, cơ cấu ngành, cơ cấu sở hữu, cán cân thanh toán, việc làm, phân phối
thu nhập... trong một giai đoạn cụ thể của tiến trình phát triển kinh tế Trung
Quốc.
Cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách đầy đủ và
hệ thống vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc
trong thời kỳ cải cách, mở cửa nền kinh tế. Đặc biệt, chưa có công trình nghiên
cứu nào của các học giả Việt Nam về vấn đề này nhằm góp phần vào tiến
trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế của nước ta. Vì vậy, có thể nói đề tài của
luận án là hoàn toàn mới mẻ.
3. Mục đích và đối tượng nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là: (1) Khái quát những lý thuyết về
vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế trong điều kiện của các
nước đang phát triển và phân tích vai trò của ngoại thương trong một số chiến
lược chủ yếu nhằm phát triển kinh tế. (2) Rút ra các bài học kinh nghiệm của
Trung Quốc cho việc hoạch định các chủ trương chính sách phát triển ngoại
thương và kinh tế Việt Nam trong tiến trình đổi mới và mở cửa.
4
Với mục đích trên đây đối tượng nghiên cứu của luận án là: Vai trò
của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc. Luận án chỉ tập
trung nghiên cứu một chiều của mối quan hệ giữa ngoại thương và phát triển
kinh tế của Trung Quốc. Tuy vậy, chiều ngược lại, tức là tác động của phát
triển kinh tế đến ngoại thương sẽ luôn được xem xét trong chừng mực có thể
nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu của luận án.
4. Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian: Vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của
Trung Quốc là vấn đề gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, luận án chỉ tập trung nghiên cứu vai trò của ngoại thương từ khi
nền kinh tế Trung Quốc được cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài, tức
là từ năm 1978 đến nay. Đây là giai đoạn cả ngoại thương lẫn kinh tế Trung
Quốc đều phát triển hết sức mạnh mẽ dưới tác động của các chính sách cải
cách và mở cửa.
Về nội dung: Vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của
Trung Quốc là một vấn đề rộng lớn và phức tạp có liên quan đến nhiều mặt,
nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Vì vậy, luận án chỉ tập trung vào tác động
của ngoại thương đến tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, các
ngành kinh tế chủ chốt, các doanh nghiệp nhà nước và việc phân phối thu
nhập trong nền kinh tế.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận án, các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nói
chung và kinh tế học nói riêng được sử dụng để nghiên cứu vai trò của ngoại
thương đối với phát triển kinh tế Trung Quốc từ khi cải cách, mở cửa đến nay.
Ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp thống kê kinh tế, tổng hợp thực
tiễn, kết hợp với phân tích so sánh để minh họa cho các luận điểm, rút ra các
nhận xét và tạo cơ sở cho các dự báo về triển vọng phát triển kinh tế. Ngày
5
nay, các vấn đề kinh tế thường chịu tác động của các quan điểm chính trị. Do
đó, luận án còn tiếp cận về chính trị và thể chế để làm sáng tỏ vấn đề nghiên
cứu.
6. Đóng góp của luận án
Thông qua nhận thức về vai trò của ngoại thương đối với phát triển
kinh tế của Trung Quốc từ khi cải cách và mở cửa đến nay, luận án có những
đóng góp mới cơ bản sau:
- Đưa ra một trường hợp nghiên cứu cụ thể, trên cơ sở đó làm rõ hơn
lý thuyết về vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế trong điều kiện
của các nước đang phát triển và trong một số chiến lược chủ yếu nhằm phát
triển kinh tế.
- Nêu lên một kinh nghiệm quốc tế cập nhật, nóng hổi về vai trò của
ngoại thương đối với phát triển kinh tế và một số gợi ý, khuyến nghị cho việc
hoạch định các chủ trương chính sách phát triển ngoại thương và kinh tế Việt
Nam trong tiến trình đổi mới và mở cửa.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án
gồm 4 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò của ngoại thương đối
với phát triển kinh tế Trung Quốc.
Chương 2: Ngoại thương qua các giai đoạn cải cách và mở cửa nền
kinh tế Trung Quốc.
Chương 3: Tác động của ngoại thương đến phát triển kinh tế Trung
Quốc.
Chương 4: Một số kinh nghiệm về sử dụng ngoại thương để phát triển
kinh tế Trung Quốc.
6
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ VAI TRÒ CỦA NGOẠI THƯƠNG
ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRUNG QUỐC
Vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế của Trung Quốc
sau cải cách, mở cửa là vấn đề có bề dày về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Trên thế giới, các ý tưởng về vai trò của ngoại thương đối với phát
triển kinh tế đã xuất hiện từ thế kỷ 16 cùng với những người theo Chủ nghĩa
trọng thương ở châu Âu, sau đó đã phát triển mạnh vào thế kỷ 18 và 19, khi
ngoại thương ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế
của mỗi quốc gia. Các nhà kinh tế học thời đó như Adam Smith, David
Ricardo và John Stuart Mill đã đóng góp nhiều quan điểm sâu sắc mà giờ đây
vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, ngoại thương càng được quan tâm nhiều
hơn vì sự phát triển của giao thông vận tải và thông tin liên lạc hiện đại đã và
đang tạo ra nhiều điều kiện tốt hơn giúp các nước thực hiện thuận lợi các mối
quan hệ kinh tế quốc tế. Đã có những tranh cãi quyết liệt giữa những người
xuất phát từ những lợi ích khác nhau và ủng hộ ngoại thương ở các mức độ
khác nhau.
Ở Trung Quốc, lịch sử phát triển kinh tế nói chung và ngoại thương
nói riêng cũng gắn liền với các quan điểm của nhiều nhà tư tưởng và nhiều nhà
lãnh đạo của đất nước.
1.1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Để nghiên cứu cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa ngoại thương với
tăng trưởng và phát triển kinh tế, trước hết cần hiểu rõ một số khái niệm cơ
7
bản như: ngoại thương, tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và một số khái
niệm khác trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và quan hệ kinh tế quốc tế.
1.1.1. Ngoại thương
Ngoại thương hiểu theo nghĩa phổ biến nhất là phạm trù kinh tế phản
ánh sự trao đổi hàng hóa giữa nước này với nước khác thông qua các hoạt
động bán và mua (gọi là xuất khẩu - nhập khẩu) [57].
Hai điều kiện tiền đề sinh ra ngoại thương là:
- Sự tồn tại, phát triển của kinh tế hàng hóa và tư bản thương nghiệp.
- Sự hình thành nhà nước và sự phát triển phân công lao động quốc tế
giữa các nước.
Trong lịch sử phát triển kinh tế, ngoại thương đã xuất hiện từ các thời
đại cổ xưa, dưới chế độ Nhà nước chiếm hữu nô lệ. Lúc này, do kinh tế tự nhiên,
tự cấp tự túc còn chiếm địa vị thống trị, nên ngoại thương chỉ được thực hiện với
quy mô rất nhỏ, hẹp. Lưu thông hàng hóa quốc tế chỉ chiếm một phần nhỏ tổng
sản phẩm và chủ yếu để phục vụ cho tiêu dùng cá nhân của giai cấp thống trị
đương thời. Chỉ đến thời đại tư bản chủ nghĩa, ngoại thương mới phát triển rộng
rãi và trở thành động lực phát triển quan trọng của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa. Đó là do sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa phát triển với quy mô
ngày càng lớn và mục đích là không ngừng tăng lợi nhuận. Nếu như thời kỳ đầu,
ở các thế kỷ 16 - 17 tham gia vào thương mại quốc tế chỉ có số ít các nước tư
bản chủ nghĩa phát triển, dần dần do sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản
xuất và xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều nước ở
nhiều trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau thuộc nhiều khu vực lãnh
thổ khác nhau cùng tham gia vào thương mại quốc tế. Ngày nay, thương mại
quốc tế đã trở thành hoạt động kinh tế đối ngoại cơ bản, phản ánh tính chất, trình
độ và quy mô mở cửa phát triển nền kinh tế hướng ngoại của mỗi quốc gia trên
thế giới.
8
1.1.2. Tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế là phạm trù kinh tế diễn tả động thái biến đổi về
mặt lượng của nền kinh tế của một quốc gia. Nó phản ánh quá trình gia tăng
giá trị tổng sản lượng hàng hóa dịch vụ của quốc gia đó, cùng với sự gia tăng
giá trị tổng sản lượng trên đầu người.
Các chỉ số về tổng sản phẩm quốc dân (GNP), tổng sản phẩm quốc nội
(GDP), sản phẩm quốc nội thuần túy (NDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI),
thu nhập quốc nội thuần túy (NDI), thu nhập quốc dân thuần túy (NNI) và
tổng sản lượng gộp (GO) được dùng để đo lường kết quả sản xuất xã hội hàng
năm và cũng phản ánh tương đối chính xác về quy mô, tốc độ tăng trưởng
kinh tế hàng năm.
1.1.3. Phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế là phạm trù kinh tế diễn tả động thái biến đổi về chất
của một nền kinh tế - xã hội. Nếu tăng trưởng kinh tế về cơ bản chỉ là sự gia
tăng thuần túy về lượng của GDP, GDP/đầu người hay GNP, GNP/đầu người,
thì phát triển kinh tế không những bao hàm quá trình gia tăng đó, mà còn
phản ánh rộng lớn, sâu sắc hơn những biến đổi căn bản của nền kinh tế - xã
hội như sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, trình độ phát triển văn minh xã hội (thu nhập thực tế, tuổi thọ trung bình,
tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh, trình độ học vấn, bảo vệ môi trường) và khả năng áp
dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào kinh tế. Xét đến cùng, phát triển
kinh tế chính là quá trình xã hội thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần với
trình độ phát triển hiện có.
1.1.4. Các chỉ số thể hiện vai trò của ngoại thương đối với tăng
trưởng kinh tế
9
Hoạt động xuất nhập khẩu góp phần làm thay đổi các chỉ số cơ bản về
tăng trưởng kinh tế như: tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm quốc
dân (GNP), tổng thu nhập quốc dân (GNI). Vì lí do này, nhiều quốc gia trên
thế giới đã sử dụng các chỉ số dưới đây để thể hiện mức độ mở cửa của nền kinh
tế và vai trò của ngoại thương đối với phát triển kinh tế. Đó là các chỉ số về tỉ
lệ phần trăm của: tổng kim ngạch xuất khẩu trong tổng sản phẩm quốc nội
(XK/ GDP), tổng kim ngạch nhập khẩu trong tổng sản phẩm quốc nội (NK/
GDP), tổng kim ngạch xuất khẩu trong tổng thu nhập quốc gia (XK/ GNI),
tổng kim ngạch nhập khẩu trong tổng thu nhập quốc gia (XK/ GNI). Trong
các trường hợp cán cân thương mại có khả năng đạt mức cân bằng, các chỉ số
như (XK+NK)/ 2 GDP, (XK + NK)/ 2 GNI cũng được dùng để thể hiện vai
trò của ngoại thương đối với tăng trưởng kinh tế.
Các nước đang phát triển thường có cán cân thương mại âm (-) do
nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Vì vậy, ở các nước này chỉ số NK/GDP
thường lớn hơn chỉ số XK/GDP. Điều này không cho phép sử dụng các chỉ số
(XK + NK)/2 GDP, (XK + NK)/ 2 GNI, mà buộc phải sử dụng các chỉ số
XK/ GDP), NK/ GDP, XK/ GNI), XK/ GNI.
Do mức độ mở cửa còn hạn chế nên ở các nước đang phát triển giữa
các chỉ số GDP, GNP và GNI chưa có khác biệt lớn về lượng tuyệt đối. Để đơn
giản cách tính toán và áp dụng các chỉ số nói trên, nhiều quốc gia đã thống
nhất: mức độ mở cửa của một nền kinh tế được tính bằng tỉ lệ phần trăm (%)
của tổng kim ngạch xuất khẩu trong tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia đó
(XK / GDP). Kinh nghiệp phát triển nền kinh tế mở cửa các nước cho thấy:
Hệ số mở dưới 5%:
Nền kinh tế mở cửa rất yếu
Hệ số mở từ 5% đến 10%: Nền kinh tế mở cửa yếu
Hệ số mở từ 11% đến 15%:
Nền kinh tế mở cửa trung bình
Hệ số mở từ 16% đến 20%:
Nền kinh tế mở cửa khá mạnh
10
Các chỉ số trên đây được sử dụng khá phổ biến khi đánh giá vai trò
của ngoại thương và mức độ mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đánh giá chỉ
dựa trên các hoạt động xuất nhập khẩu, nên kết quả chỉ có độ chính xác tương
đối. Để khắc phục hạn chế này, một số năm gần đây Ủy ban kinh tế - xã hội
Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc đề nghị nên kết hợp các chỉ
số nói trên với một số thước đo khác liên quan đến mức độ mở cửa về tài
chính và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Việc tính toán các thước đo này rất
phức tạp. Hơn thế, các số liệu thống kê của Trung Quốc không đủ để thực
hiện các tính toán đó. Vì thế, trong luận án chúng tôi vẫn sử dụng chỉ số
XK/GDP để phân tích mức độ mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc.
1.2. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM TRUYỀN THỐNG VỀ VAI TRÒ CỦA
NGOẠI THƯƠNG
1.2.1. Quan điểm của các nhà kinh tế học trọng thương
Chủ nghĩa trọng thương ra đời vào cuối thế kỷ thứ XV, phản ánh nhu
cầu tích lũy tiền tệ và mở rộng thị trường của các nước Tây Âu trong thời kỳ
chế độ phong kiến tan rã và sản xuất tư bản chủ nghĩa ra đời. Các nhà kinh tế
học trọng thương rất coi trọng tiền tệ và thương nghiệp, đặc biệt là ngoại
thương. Họ cho rằng, ngoài việc khai thác mỏ để lấy vàng, ngoại thương là
nguồn duy nhất để tăng thêm của cải. Do vậy, để tăng thêm của cải của đất
nước, nhà nước phải khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Chủ nghĩa
trọng thương phát triển mạnh vào thế kỷ 16 và 17 với tác phẩm tiêu biểu của
Thomas Mun nhan đề "Sự giàu có của nước Anh là do buôn bán với nước
ngoài" [109, tr. 24-53].
Quan điểm đề cao vai trò của ngoại thương đã có những đóng góp tích
cực cho sự phát triển của kinh tế thế giới trong giai đoạn tư bản thương
nghiệp xuất hiện, trở thành hình thái tồn tại tự do đầu tiên của tư bản nói
11
chung. Lúc này, nhu cầu tích lũy nguyên thủy của tư bản trở nên bức bách
hơn mọi nhu cầu khác.
Tuy nhiên, chủ nghĩa trọng thương còn nhiều hạn chế như: chưa thấy
được nguồn gốc thực sự của của cải bắt nguồn từ lao động và các quốc gia
không thể đồng thời cùng đạt được số dư thương mại. Một quốc gia xuất khẩu
nhiều hơn nhập khẩu chắc chắn sẽ khiến cho một hoặc nhiều quốc gia khác phải
nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Vì vậy, các nhà trọng thương chủ nghĩa đã
biện hộ cho việc quản lý nghiêm ngặt của nhà nước về tất cả các hoạt động
kinh tế, đồng thời tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và luôn luôn
tin tưởng rằng một dân tộc chỉ có thể đạt được lợi ích trong ngoại thương khi
có một hoặc một số dân tộc khác bị mất đi lợi ích đó. Ngày nay, khi nhiều
nước đang tìm cách hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất
trong nước thì chủ nghĩa trọng thương đã bắt đầu xuất hiện trở lại ở một số
khu vực trên thế giới.
1.2.2. Thương mại dựa trên lợi thế tuyệt đối: quan điểm của Adam
Smith
Adam Smith [69] đã bắt đầu công việc nghiên cứu của ông từ một sự
thật đơn giản: Hai quốc gia chỉ tự nguyện buôn bán với nhau khi cả hai quốc
gia đó đều có lợi. Nếu không có lợi hoặc bị thua thiệt, chắc chắn các quốc gia
sẽ từ chối quan hệ thương mại với nhau. Câu hỏi đặt ra là quan hệ buôn bán
đôi bên cùng có lợi đã diễn ra như thế nào và do đâu mà các nước tham gia
thương mại cùng đạt được lợi ích?
Theo Adam Smith, buôn bán giữa hai nước dựa trên lợi thế tuyệt đối
của mỗi nước. Khi một nước có lợi thế tuyệt đối lớn hơn so với một nước
khác trong việc sản xuất một loại sản phẩm nào đó, nhưng kém lợi thế hơn
trong việc sản xuất một loại sản phẩm khác, cả hai nước đều có thể đạt được
lợi ích bằng cách mỗi nước chỉ tập trung nguồn lực để sản xuất loại sản phẩm
12
mà nước đó có lợi thế tuyệt đối và trao đổi một phần sản phẩm của họ với
nước thứ hai để đổi lấy loại sản phẩm mà họ không có lợi thế tuyệt đối. Theo
quá trình này, các nguồn lực được tập trung một cách có hiệu quả nhất và số
lượng sản phẩm của cả hai loại hàng hóa được sản xuất ra đều tăng lên. Số
lượng sản phẩm tăng thêm đó chính là lợi ích đạt được nhờ chuyên môn hóa
sản xuất. Chúng được chia cho mỗi nước thông qua ngoại thương.
Như vậy, trong khi những người theo chủ nghĩa trọng thương tin rằng,
một quốc gia chỉ có thể đạt được lợi ích nhờ có sự hy sinh lợi ích của một
quốc gia khác, thì Adam Smith và nhiều nhà kinh tế học cổ điển khác lại tin
rằng, mọi quốc gia đều có thể đạt được lợi ích từ tự do thương mại, vì nó tạo
điều kiện để mọi nguồn lực trên thế giới đều được sử dụng một cách hiệu quả
nhất. Quan điểm này dường như không phản ánh đúng tình hình thế giới hiện
nay khi nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tự do
thương mại. Các biện pháp này được sự ủng hộ của một số ngành nghề trong
nước đang chịu sự cạnh tranh của các hàng hóa nhập khẩu, nhưng lại khiến
nhiều người phải mua hàng hóa được sản xuất trong nước với giá cao hơn so
với các hàng hóa được nhập khẩu tự do. Nói cách khác, quan điểm của Adam
Smith về lợi thế tuyệt đối chỉ giải thích được một phần quan hệ buôn bán hiện
nay trên thế giới. Đó là quan hệ giữa các nước phát triển và các nước đang
phát triển. Hầu hết các quan hệ buôn bán trên thế giới, đặc biệt là quan hệ
giữa các nước phát triển, đều không thể giải thích được bằng quan điểm này.
1.2.3. Thương mại dựa trên lợi thế so sánh: Quan điểm của Ricardo
Năm 1817 Ricardo [77] cho xuất bản tác phẩm của ông nhan đề "Các
nguyên lý của kinh tế chính trị và thuế", trong đó ông trình bày các quy luật
về lợi thế so sánh. Đây là một trong các quy luật quan trọng nhất của kinh tế
học. Theo quy luật này, thậm chí một nước kém hiệu quả hơn so với một
nước khác trong việc sản xuất các loại hàng hóa, nước đó vẫn có lợi trong
quan hệ buôn bán với nước thứ hai. Quốc gia này nên tập trung vào việc sản
13
xuất và xuất khẩu loại hàng hóa có bất lợi tuyệt đối ít hơn và nhập khẩu hàng
hóa có bất lợi tuyệt đối lớn hơn.
Năm 1951 và 1952 mô hình ngoại thương của Ricardo lần đầu tiên đã
được MacDougall kiểm nghiệm lại bằng cách so sánh một số ngành của Mỹ
với những ngành tương tự của Anh trong năm 1937. Kết quả cho thấy, ngành
nào có năng suất lao động cao hơn sẽ có tỉ lệ hàng xuất khẩu lớn hơn. Kết
luận này đã được Balassa và Stern khẳng định lại một lần nữa bằng những
kiểm nghiệm mới có sử dụng các số liệu của năm 1950 và 1959.
Lý thuyết về lợi thế so sánh khuyên các quốc gia phải tính toán hiệu
quả kinh tế trước khi quyết định phát triển một mặt hàng nào đó. Tuy nhiên,
trên thực tế, hầu hết các nước đang phát triển không được quyền lựa chọn, mà
phải chấp nhận phân công lao động quốc tế. Theo đó, những nước này có thể
tiếp tục là nguồn cung cấp nguyên liệu, nông phẩm, khoáng sản, đồng thời là
nơi tiêu thụ hàng công nghiệp cho các nước phát triển.
1.2.4. Lý thuyết tân cổ điển về tự do thương mại
Lý thuyết lợi thế so sánh của các nhà kinh tế học cổ điển về tự do
thương mại là một mô hình tĩnh, chỉ dựa trên chi phí lao động để giải thích lợi
thế so sánh của mỗi quốc gia. Theo lý thuyết này, giá trị hoặc giá cả của một
hàng hóa hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng lao động được sử dụng để sản
xuất hàng hóa đó. Như vậy lao động được coi là yếu tố duy nhất của sản xuất
và chúng được sử dụng với cùng một tỉ lệ nhất định trong việc sản xuất tất cả
các hàng hóa. Điều này không đúng trên thực tế và vì vậy không thể lấy nó
làm cơ sở cho lý thuyết về lợi thế so sánh.
Hạn chế trên đây của lý thuyết về lợi thế so sánh đã được khắc phục
vào đầu thế kỷ XX. Đó là nhờ kết quả nghiên cứu của Eli Hecksher và Beril
Ohlin, hai nhà kinh tế học người Thụy điển [81], [71]. Trong lý thuyết của
mình, hai ông đã tính đến sự tham gia với những tỉ lệ khác nhau của các yếu
14
tố sản xuất như đất đai, lao động và máy móc, thiết bị vào việc sản xuất sản
phẩm khác nhau. Lý thuyết của Hecksher-Ohlin hay còn gọi là lý thuyết tân
cổ điển về ngoại thương có thể giúp chúng ta phân tích được ảnh hưởng của tăng
trưởng kinh tế đến các hình thức ngoại thương và ngược lại, ảnh hưởng của
ngoại thương đến cơ cấu kinh tế trong nước và đến mức chi phí của các yếu tố
sản xuất khác nhau. Trong mô hình lý thuyết của mình, các nhà tân cổ điển đã
giả định các nước đều có trình độ kỹ thuật như nhau trong việc sản xuất mọi
hàng hóa. Nếu giá cả của các yếu tố sản xuất là như nhau, thì các nước sẽ sử
dụng các phương pháp sản xuất giống nhau và vì thế sẽ có sự giống nhau về tỉ lệ
giá cả của các hàng hóa trong nước. Như vậy, cơ sở của ngoại thương không
phải là sự khác biệt về năng suất lao động giữa các nước, mà là sự khác biệt về
các yếu tố sản xuất sẵn có ở mỗi nước. Sự khác biệt đó đã dẫn đến sự khác
biệt giữa các nước về giá cả của cùng một yếu tố sản xuất, cũng như của cùng
một loại hàng hóa nào đó. Trong việc sản xuất những hàng hóa cần sử dụng
nhiều lao động, các nước có nguồn lao động dồi dào sẽ có lợi thế hơn về giá
thành so với các nước khan hiếm lao động. Vì vậy, những nước có ưu thế về
lao động nên chuyên vào việc sản xuất các sản phẩm cần sử dụng nhiều lao
động, sau đó xuất khẩu một phần sản phẩm được sản xuất ra. Đồng thời nhập
khẩu các hàng hóa đòi hỏi sử dụng nhiều vốn hơn (tức là các hàng hóa đòi hỏi
sử dụng nhiều hơn các yếu tố sản xuất như đất đai và máy móc, thiết bị). Trái
lại, những quốc gia có nguồn vốn dồi dào sẽ có lợi thế về giá thành trong việc
sản xuất các sản phẩm đòi hỏi nhiều vốn hơn so với lao động. Những quốc gia
này sẽ có lợi nếu họ chuyên vào việc sản xuất các sản phẩm chế tạo đòi hỏi
nhiều vốn, sau đó xuất khẩu một phần sản phẩm làm ra, đồng thời nhập khẩu
sản phẩm cần nhiều lao động từ các nước có lao động rẻ. Ở đây, ngoại thương
đã trở thành phương tiện để một quốc gia có thể phát huy được lợi thế về
những nguồn lực sẵn có bằng cách tập trung vào việc sản xuất và xuất khẩu
các sản phẩm đòi hỏi nhiều nguồn lực sẵn có đó, đồng thời giảm bớt tình
15
trạng thiếu những nguồn lực khan hiếm, bằng cách nhập khẩu các hàng hóa
đòi hỏi phải sử dụng một lượng lớn các nguồn lực khan hiếm đó mới có thể
sản xuất được.
Tóm lại, lý thuyết tân cổ điển đã dựa trên hai tiền đề quan trọng.
Một là, các sản phẩm khác nhau đòi hỏi các yếu tố sản xuất phải được
kết hợp theo những tỉ lệ tương đối khác nhau. Thí dụ, tỉ lệ lao động trên vốn
của các sản phẩm nông nghiệp thường lớn hơn so với tỉ lệ đó của các sản
phẩm chế tạo. Trong khi đó, việc sản xuất các sản phẩm chế tạo lại đòi hỏi
thời gian sử dụng máy của mỗi công nhân nhiều hơn so với thời gian gian sử
dụng máy để sản xuất các sản phẩm thô.
Hai là, các nước có những thế mạnh khác nhau về các yếu tố sản xuất.
Một số quốc gia, như Mỹ, có số vốn bình quân đầu người rất lớn, vì vậy được
coi là quốc gia có ưu thế về vốn. Những nước khác như Ấn Độ, Ai Cập,
Colombia có ít vốn nhưng lại nhiều lao động, vì vậy được coi là những quốc
gia có thế mạnh về lao động. Nhìn chung, các nước phát triển là những nước
có thế mạnh về vốn, trong khi đó phần lớn các nước đang phát triển lại là
những nước có ưu thế về lao động.
Lý thuyết tân cổ điển tiếp tục lập luận rằng, các quốc gia có ưu thế về
vốn sẽ có xu hướng tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm như ô tô, máy
bay, các sản phẩm điện tử viễn thông, máy tính... Đó là các sản phẩm đòi hỏi
sử dụng nhiều vốn trong công nghệ sản xuất. Những quốc gia này sẽ xuất
khẩu một phần sản phẩm của mình để đổi lấy những sản phẩm sử dụng nhiều
lao động hoặc đất đai hơn như lương thực, vật liệu thô, khoáng sản được sản
xuất ở những quốc gia có ưu thế về lao động và đất đai. Lý thuyết này cũng
khuyến khích các quốc gia đang phát triển tập trung vào việc sản xuất và xuất
khẩu các sản phẩm thô đòi hỏi sử dụng nhiều lao động hoặc đất đai. Lí do là,
16
nhờ trao đổi các sản phẩm thô lấy các sản phẩm chế tạo, các nước đang phát
triển có thể biến các lợi ích tiềm năng to lớn thành hiện thực.
Kết luận chính của lý thuyết tân cổ điển về tự do thương mại là: Mọi
quốc gia đều có lợi nhờ ngoại thương và tổng sản phẩm hàng hóa trên thế giới
cũng nhờ đó mà tăng lên. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất, càng nhiều nguồn lực trong nước được huy động để sản
xuất một hoặc một số loại sản phẩm nào đó, thì chi phí cơ hội của việc sản
xuất đó sẽ càng lớn. Vì vậy, chuyên môn hóa một cách tuyệt đối sẽ không
diễn ra trên thực tế giống như đã được mô tả trong mô hình lý thuyết về lợi
thế so sánh.
Thứ hai, giả định các nước trên thế giới có trình độ kỹ thuật sản xuất
như nhau, khi đó sự ngang bằng giữa tỉ giá hàng hóa trong nước và tỉ giá hàng
hóa được mua bán tự do trên thế giới sẽ có xu hướng tạo ra sự ngang bằng
giữa các nước về giá cả của các yếu tố sản xuất. Thí dụ, trong các nước có ưu
thế về lao động, tiền lương sẽ tăng lên nếu càng ngày càng cần thêm lao động
để sản xuất thêm các sản phẩm nông nghiệp. Trong khi đó giá cả của các yếu
tố như đất đai và máy móc thiết bị sẽ ngày càng giảm xuống, cùng với sự
giảm xuống của việc sản xuất các sản phẩm chế tạo. Trái lại, trong các nước
có ưu thế về vốn, giá cả của các yếu tố sản xuất như đất đai và máy móc thiết
bị sẽ tăng lên khi chúng được huy động với số lượng ngày càng lớn vào việc
sản xuất các sản phẩm chế tạo.
Với những kết luận trên đây, lý thuyết tân cổ điển đã tiên đoán rằng:
mức tiền lương thực tế và các mức chi phí sản xuất khác sẽ có xu hướng
ngang bằng giữa các nước trên thế giới. Đây cũng là một trong những nhược
điểm lớn nhất của lý thuyết này, vì những gì đang diễn ra trên thực tế hoàn
toàn trái ngược với những lời tiên đoán đó.
17
Thứ ba, lý thuyết tân cổ điển tiên đoán: Ngoại thương sẽ góp phần cải
thiện bất bình đẳng về thu nhập trong mỗi quốc gia. Lí do là, ngoại thương đã
tạo điều kiện để các nguồn lực sẵn có được sử dụng nhiều hơn. Nhờ đó thu
nhập của những người chủ các nguồn lực sẵn có sẽ tăng lên nhanh hơn so với
thu nhập của những người chủ các nguồn lực khan hiếm. Thí dụ, trong các
nước đang phát triển, nơi mà lao động được coi là nguồn lực sẵn có, thu nhập
của người lao động sẽ tăng lên nhanh hơn so với thu nhập của những người
chủ đất đai hoặc máy móc thiết bị. Kết quả là khoảng cách về thu nhập giữa
những người chủ các nguồn lực khác nhau đó sẽ dần được thu hẹp lại.
Cuối cùng, ngoại thương được coi là nhân tố kích thích tăng trưởng
kinh tế, vì nó tạo điều kiện để các quốc gia có thể mở rộng khả năng tiêu thụ
sản phẩm của mình, đồng thời mua được các yếu tố sản xuất từ các nước khác
với giá rẻ hơn trong nước.
1.2.5. Lý thuyết về ngoại thương trong điều kiện của các quốc gia
đang phát triển
Như phần trên đã trình bày, quan điểm truyền thống dựa trên lý thuyết
cổ điển và tân cổ điển về ngoại thương cho rằng: Ngoại thương là động lực
của tăng trưởng kinh tế vì nó cho phép các nước có thể đẩy mạnh sản xuất cả
hàng tiêu dùng lẫn tư liệu sản xuất nhờ chuyên môn hóa và phân phối nguồn
lực một cách có hiệu quả. Vì vậy, thay vì hạn chế các hoạt động ngoại
thương, các nước đang phát triển cần tiến hành tự do thương mại thông qua
việc sản xuất các sản phẩm các nước này có lợi thế so sánh [72]. Lý thuyết
này cũng lập luận rằng, tự do thương mại sẽ góp phần làm giảm giá cả hàng
hóa và dịch vụ, nhờ đó mức sống của người dân được nâng cao.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lý thuyết cổ điển và đặc biệt là
lý thuyết tân cổ điển đã bị nhiều lý thuyết khác về ngoại thương phê phán.
18
Thứ nhất, người ta đặt ra nhiều câu hỏi về tính thích hợp của lý thuyết
ngoại thương truyền thống trong bối cảnh của các nước đang phát triển. Các
kết luận của lý thuyết này đã được rút ra từ một loạt giả thiết không chính
xác, thậm chí trái ngược với những điều kiện thực tế của các mối quan hệ
kinh tế quốc tế hiện nay. Vì vậy, những kết luận đó thường xa lạ với các hoạt
động ngoại thương đã và đang được thực hiện bởi nhiều quốc gia đang phát triển
[100]. Thể hiện:
(1) Hạt nhân của toàn bộ lý thuyết truyền thống về ngoại thương và tài
chính là giả thiết cho rằng, nguồn lực của mỗi quốc gia là cố định về số lượng
và không khác nhau về chất lượng. Chúng được huy động một cách đầy đủ và
có tác dụng như nhau trong việc sản xuất các sản phẩm giống nhau. Trong khi
đó trên thực tế, các yếu tố sản xuất luôn thay đổi cả về số lượng lẫn chất lượng.
(2) Giả thiết cho rằng, không có các dòng chảy của các yếu tố sản xuất
từ nước này sang nước khác. Điều này không phản ánh các quá trình chu
chuyển vốn giữa các nước phương Tây thế kỷ 19 và sự ra đời của các tổ chức
đa quốc gia khổng lồ trong hai thập kỷ qua.
(3) Giả thiết cho rằng, giữa các quốc gia không có sự khác biệt về kỹ
thuật sản xuất là hoàn toàn không đúng, vì trên thực tế các nước phát triển
đang là chủ sở hữu của hầu hết các kỹ thuật sản xuất tiên tiến và điều này đã
ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động ngoại thương của nhiều quốc gia đang
phát triển. Chẳng hạn, hơn 20 năm qua các vật liệu thay thế cho các sản phẩm
tự nhiên như cao su, gỗ, bông, đay, da... đã được sản xuất với số lượng ngày
càng tăng. Điều này khiến cho thị phần của các nước đang phát triển về các
sản phẩm tự nhiên đã giảm xuống đáng kể.
(4) Giả thiết cho rằng, các quốc gia có thể điều chỉnh cơ cấu kinh tế
phù hợp với những thay đổi về thị trường và giá cả trên thế giới là một điều
rất khó thực hiện trên thực tế, đặc biệt là trong các nền kinh tế đang phát triển.
Thật vậy, đa số các nền kinh tế đang phát triển là những nền kinh tế bị phụ
19
thuộc nhiều vào việc xuất khẩu một số sản phẩm thô. Ở đây, phần lớn các
khoản vốn đều được đầu tư vào các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu (như các
đồn điền và các nông trang nhỏ vừa sản xuất vừa tiêu thụ sản phẩm) và cơ sở
hạ tầng (bao gồm đường bộ, đường sắt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống
điện, nước, ngân hàng... được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động xuất
khẩu) Số vốn này rất khó được chuyển sang cho các hoạt động sản xuất khác.
Vì vậy, quốc gia nào càng bị phụ thuộc vào việc xuất khẩu một số sản phẩm
thô, cơ cấu kinh tế của quốc gia đó càng trở nên cứng nhắc và ít khả năng
thích ứng với những thay đổi bất thường trên thị trường quốc tế. Trên thực tế,
nhiều nước đang phát triển đã cố gắng điều chỉnh cơ cấu ngành, mở rộng sản
xuất sang các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và có chi phí sản
xuất thấp như ngành dệt, giầy dép, dụng cụ thể thao, túi sách... Nhưng các sản
phẩm này thường rất khó xuất khẩu sang các nước phát triển, vì gặp phải các
hàng rào thuế quan mậu dịch và phi mậu dịch. Theo ước tính của Ngân hàng
thế giới, hàng năm các nước đang phát triển phải chi khoảng 75 tỉ đô la cho
các khoản thuế xuất khẩu hàng hóa [89].
Thứ hai, ở các nước đang phát triển, cơ cấu cứng nhắc và sự không
hoàn hảo của thị trường đã khiến cho cơ chế giá cả được đưa ra trong lý
thuyết tân cổ điển không thể phát huy tác dụng đúng như mô hình lý thuyết
của nó.
Thứ ba, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tự do thương mại không phải lúc
nào cũng làm tăng phúc lợi kinh tế, trái lại trong một số hoàn cảnh có thể tạo
ra tình trạng bần cùng hóa. Từ đó các nhà kinh tế đề nghị nên có sự can thiệp
nhất định của nhà nước [90].
Thứ tư, những người theo chủ nghĩa cấp tiến hay còn gọi là các nhà
mác-xít mới (như Baran, 1957; Leys 1975; Cardoso và Faletto, 1979; Do Santot,
1973) đã lập luận rằng trong thời kỳ thuộc địa, hầu hết các hoạt động liên
20
quan đến thương mại ở nhiều nước đang phát triển đều nhằm phục vụ cho lợi
ích của tư bản nước ngoài. Nói cách khác, buôn bán giữa các nước đang phát
triển và các nước phát triển đã được sử dụng như một công cụ để chuyển giá
trị thặng dư từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Trong lịch
sử, các nước đang phát triển đã xuất khẩu nhiều nguyên, nhiên, vật liệu thô
sang các nước phát triển (và hầu hết các hàng hóa này được sản xuất tại
những cơ sở sản xuất của người nước ngoài), đồng thời nhập khẩu các sản
phẩm chế tạo. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ thuộc của các nước
thuộc địa vào các nước chính quốc. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến như
Colman, Nixon (1986) và Palma (1978) chứng minh rằng: Tình trạng phụ thuộc
này đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các nước đang phát triển.
1.3. VAI TRÒ CỦA NGOẠI THƯƠNG TRONG MỘT SỐ CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Thực tiễn phát triển kinh tế thế giới trong nhiều thập niên vừa qua
luôn đứng trước câu hỏi là nên phát triển kinh tế hướng nội (công nghiệp hóa
hướng nội) hay phát triển kinh tế hướng ngoại (công nghiệp hóa hướng
ngoại). Liên quan trực tiếp đến hai kiểu mô hình này là các chiến lược ngoại
thương khác nhau. Đó là: thay thế nhập khẩu, xuất khẩu sản phẩm thô và sơ
chế, công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu và chiến lược phát triển hỗn hợp
mà thực chất chính là sự kết hợp của hai hay cả ba loại chiến lược đó. Từng
chiến lược có nội dung và tác động khác nhau đến tăng trưởng và phát triển
kinh tế của các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước đang phát triển.
1.3.1. Chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu
Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều nước mới giành
được độc lập như Áchentina, Braxin, Ấn Độ, Keynia, Malawi, Mêhico và
Pakistan đã thực hiện chủ trương công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Vì
21
nhiều lý do kinh tế và chính trị, trong suốt hai thập kỷ sau đó chủ trương thay
thế nhập khẩu tiếp tục được áp dụng ở nhiều quốc gia và đến giữa thập kỷ 60,
đã trở thành chính sách phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển.
Nội dung cơ bản của chiến lược thay thế nhập khẩu là: sử dụng thuế
và các hạn ngạch nhập khẩu nhằm bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước
trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia đang
phát triển thuế xuất nhập khẩu còn là nội dụng chủ yếu của hệ thống tài chính.
Thuế không những được dùng để thay đổi tỉ lệ trao đổi hàng hóa theo hướng
có lợi cho nền kinh tế, mà còn góp phần quan trọng làm tăng số thu ngân sách
nhà nước. Bên cạnh đó, các hạn ngạch quy định đối với các hàng hóa nhập
khẩu như ô tô và các hàng tiêu dùng đắt tiền khác thường là biện pháp hiệu
quả để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa cụ thể. Chính sách công nghiệp hóa
thay thế nhập khẩu dựa trên một niềm tin: Sự phát triển kinh tế của một nước
tùy thuộc vào tiến trình công nghiệp hóa và khả năng tự lực cánh sinh của
nước đó trong việc sản xuất các sản phẩm công nghiệp.
Với chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, trong hai thập
niên 50 và 60, nhiều nước trên thế giới đã khai thác, phát huy được các tiềm
năng, thế mạnh về lao động, tài nguyên để phát triển mạnh mẽ sản xuất các
sản phẩm thay thế nhập khẩu. Nhờ vậy đã đạt được tốc độ cao về tăng trưởng
và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến khích tiêu dùng nội
địa, bảo hộ sản xuất và mậu dịch trong nước bằng hàng rào thuế quan và phi
thuế quan nhằm chống lại sự gia tăng hàng nhập ngoại, nhất là đối với những
hàng xa xỉ đã góp phần đề cao ý thức tự lực, tự cường dân tộc, không phụ
thuộc vào nước ngoài.
Cho đến cuối những năm 1960, người ta mới nhận thấy: chiến lược
công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu có nhiều vấn đề phức tạp gắn liền với
những can thiệp quá mức của nhà nước vào thị trường tự do. Nhà nước điều
22
tiết sản xuất bằng các thủ tục hành chính phức tạp. Đây là nguyên nhân dẫn
đến hệ thống quản lý quan liêu, tham nhũng và tình trạng sản xuất kém hiệu
quả. Ngoài lạm phát và thâm hụt ngày càng tăng trong cán cân thanh toán,
việc bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ đã khiến nhiều quốc gia hoàn toàn
không có khả năng đối mặt với sự cạnh tranh trên thế giới .
Vào đầu những năm 1970, thế giới nhận thấy một cách rõ ràng rằng,
các nền kinh tế đang áp dụng các chính sách khuyến khích xuất khẩu và hướng
ngoại đã có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với các nền kinh tế chủ trương
hạn chế ngoại thương và phát triển các ngành công nghiệp trong nước để thay
thế nhập khẩu. Trong thời gian này, rất nhiều các công trình nghiên cứu đã chỉ
ra những hạn chế chiến lược thay thế nhập khẩu, đồng thời chứng minh vai
trò tích cực của các chính sách khuyến khích xuất khẩu.
Một số người lúc đầu tích cực ủng hộ chủ trương thay thế nhập khẩu
cũng đã tự nhận thấy hạn chế của chủ trương này (Germell, 1987). Quan điểm
phê phán chủ trương công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu đã được các học giả
như Bruton (1970), Baer (1972), Sutcliffe (1971) Gonges (1976) và Nixon
(1982) nêu ra và phát triển. Sau khi phát triển các lập luận về ngoại thương,
các học giả này đã đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy: ở các nước như Ấn Độ,
Trung Quốc sự can thiệp quá mức của chính phủ vào nền kinh tế thông qua
chính sách công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu trong một thời gian dài đã kìm
hãm sự phát triển của hệ thống công nghiệp mang tính cạnh tranh và hiệu quả.
Trong khi đó, chủ trương công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu và các biện
pháp khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân được áp dụng ở các
nước như Hàn Quốc và các con rồng Đông Á khác đã mang lại các thành tựu
kinh tế to lớn.
Có thể kể ra dưới đây một số hạn chế thường gặp trong quá trình thực
hiện chủ trương thay thế nhập khẩu. Vì có hoàn cảnh riêng về địa lý, kinh tế,
chính trị, xã hội, đồng thời kết hợp các công cụ chính sách theo một cách
23
riêng nên mỗi quốc gia có những hạn chế riêng. Tuy nhiên, có những hạn chế
giống nhau đã xuất hiện trong hầu hết các quốc gia thực hiện chủ trương công
nghiệp hóa thay thế nhập khẩu.
Thứ nhất, hầu hết các nước đang phát triển đã theo đuổi chiến lược
công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu bằng cách tập trung vào sản xuất các mặt
hàng tiêu dùng hiện đang có thị trường tiêu thụ. Kỹ thuật được dùng để sản
xuất các mặt hàng này nói chung ít phức tạp hơn so với kỹ thuật sản xuất các
phụ tùng máy móc thiết bị. Người ta hy vọng rằng, đến một lúc nào đó các
ngành công nghiệp trong nước sẽ ra đời trên cơ sở nhu cầu ngày càng tăng và
quy mô của các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng ngày càng lớn. Tuy nhiên, các
nước đang phát triển rất khó đạt được điều đó. Lí do là: cơ cấu thuế của các
nước đang phát triển đã ra sức bảo hộ các ngành sản xuất hàng tiêu dùng,
nhưng lại ít quan tâm bảo hộ các ngành sản xuất máy móc thiết bị. Điều này
khiến cho nhiều nguồn lực khan hiếm đã không được dùng để sản xuất máy
móc thiết bị, mà được sử dụng để sản xuất hàng tiêu dùng một cách kém hiệu
quả. Kết quả là ngày càng nhiều máy móc, thiết bị phải nhập khẩu. Hơn thế,
về lâu dài ngành chế tạo máy trong nước không thể phát triển được.
Thứ hai, hầu hết các nước đã từng thực hiện chủ trương thay thế nhập
khẩu sau một thời gian nhất định đều có tốc độ tăng trưởng giảm dần vì nhu
cầu nhập khẩu (thường là máy móc thiết bị) để phục vụ cho tăng trưởng đã
không được thỏa mãn đầy đủ.
Thứ ba, một trong nhiều nét nghịch lý của chủ trương thay thế nhập
khẩu là: chủ trương này lúc đầu được thực hiện chỉ vì đất nước muốn thoát
khỏi sự phụ thuộc vào ngoại thương, nhưng kết cục nó đã khiến đất nước đó
phụ thuộc nhiều hơn vào ngoại thương. Cụ thể, việc xây dựng hàng loạt nhà
máy xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước đã tạo ra nhu cầu nhập
khẩu ngày càng tăng về máy móc, thiết bị, bán thành phẩm và vật liệu thô cần
thiết cho hoạt động sản xuất đó. Kết quả là, tiêu dùng không những vẫn bị phụ
24
thuộc vào nhập khẩu, mà thậm chí còn bị phụ thuộc nhiều hơn khi việc làm
cho người lao động cũng bị phụ thuộc vào đó.
Thứ tư, chủ trương thay thế nhập khẩu đã khiến các nhà lập kế hoạch
phải miễn cưỡng chấp nhận chi phí cao để sản xuất tư liệu sản xuất và những
sản phẩm hàng hóa được coi là cần thiết cho tiến trình phát triển. Chi phí cao
trong sản xuất gắn liền với mức độ bảo hộ cao đã khiến cho một số ngành sản
xuất không thể tiếp tục hoạt động được. Có thể nhận thấy giữa các nước áp
dụng chính sách thay thế nhập khẩu và các nước chủ trương khuyến khích
ngoại thương có sự khác nhau rõ ràng về tỉ lệ vốn trên một đơn vị sản phẩm.
Trong giai đoạn 1960 – 1973 tỉ lệ này vào khoảng từ 1,7 đến 2,5 trong các
nước như Hàn Quốc, Singarpore và Đài Loan. Trong khi đó tỷ lệ này vào
khoảng từ 5,5 đến 5,7 trong các nước như Chi Lê và Ấn Độ. Nền kinh tế
Braxin, nhờ có thay đổi ít nhiều về chiến lược ngoại thương nên tỉ lệ vốn trên
một đơn vị sản phẩm đã giảm từ 3,8 trong giai đoạn 1960 – 1966 xuống 2,7
trong giai đoạn 1966 - 1973 [108].
Thứ năm, chủ trương thay thế nhập khẩu đã hạn chế việc nhập khẩu
máy móc, thiết bị cần thiết cho các hoạt động xuất khẩu. Trong hoàn cảnh đó,
quy mô của thị trường hàng tiêu dùng ở các nước nhỏ không thể vượt quá
phạm vi quốc gia. Kết quả là: (a) các cơ sở sản xuất cũng có quy mô nhỏ tới
mức phi kinh tế. Nói cách khác, chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm rất
cao. Ví dụ, người ta ước tính rằng số lượng sản phẩm tối ưu của một nhà máy
sản xuất ô tô vào khoảng 200 ngàn xe một năm. Trong khi đó ở Ấn Độ nhà máy
ô tô lớn nhất cũng chỉ có thể sản xuất được không quá 30 ngàn xe một năm.
Điều này khiến chi phí trên một đơn vị sản phẩm của nhà máy nói trên đã cao
hơn gấp 3 lần so với chi phí sản xuất ở những nhà máy có quy mô tối ưu [88].
(b) Chỉ cần một hoặc hai cơ sở sản xuất chuyên làm ra một loại sản phẩm
hàng hóa nào đó là đủ để cung cấp cho thị trường. Điều này khiến cho nền
25
kinh tế xuất hiện một cơ cấu ngành mang tính độc quyền của các cơ sở sản
xuất trong nước.
Thứ sáu, những khó khăn trong xuất khẩu đi cùng với yêu cầu tăng
cường nhập khẩu để giữ vững và phát triển sản xuất đã dẫn đến tình trạng
khan hiếm ngoại tệ trong nền kinh tế. Trong khi đó, việc sử dụng tỉ giá hối
đoái với giá trị của đồng tiền trong nước được đề cao, các chính sách khuyến
khích nhằm huy động các nguồn lực vào các hoạt động hạn chế nhập khẩu,
các biện pháp hạn chế việc mua nguyên nhiên vật liệu và máy móc, thiết bị
của nước ngoài... tất cả đã ngăn cản các nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế. Ở
một số quốc gia như Hàn Quốc (năm 1960) và Braxin (năm 1967), tình trạng
thiếu ngoại tệ đã được đặt ra như một sức ép chính trị và nhiều yếu tố khác đã
khiến người ta phải quyết định cải cách cơ chế thay thế nhập khẩu.
Thứ bảy, thực tế cho thấy, số lượng lao động trong các ngành công
nghiệp đã tăng tương đối chậm ở hầu hết các nước áp dụng chiến lược thay
thế nhập khẩu. Một mặt, đây là hậu quả của việc áp dụng một tỉ giá hối đoái
với giá trị của đồng tiền trong nước được tính cao hơn giá trị thật và mức thuế
cao đánh vào tư liệu sản xuất nhập khẩu. Mặt khác, theo quy định của nhiều
nước, các cơ sở sản xuất muốn có giấy phép nhập khẩu máy móc, thiết bị
thường phải thuê lao động với giá cao
Hạn chế cuối cùng của cơ chế thay thế nhập khẩu có liên quan đến
mối quan hệ giữa Nhà nước và khu vực sản xuất trong nền kinh tế. Ở những
nước này, cơ chế quản lý được áp dụng nhằm hạn chế nhu cầu nhập khẩu đã
dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa các động cơ cá nhân và các quy định của Nhà
nước. Các cơ sở sản xuất kinh doanh rất muốn thoát khỏi những quy định của
Nhà nước về nhập khẩu. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước lại có lý do để
nghi ngờ các lá đơn xin phép nhập khẩu. Ngoài sự phát triển của khu vực chợ
đen, buôn lậu và giao dịch bất hợp pháp, rất nhiều nguồn lực khan hiếm của
đất nước, trong đó có cả các nhà quản lý và các công nhân kỹ thuật đã bị sử