Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Tạp văn nguyễn việt hà từ góc độ thể loại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (987.14 KB, 113 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN THỊ KIM OANH

TẠP VĂN NGUYỄN VIỆT HÀ TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

HÀ NỘI, THÁNG 11/2014

1


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN THỊ KIM OANH

TẠP VĂN NGUYỄN VIỆT HÀ TỪ GÓC ĐỘ THỂ LOẠI

CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. Tôn Thảo Miên

HÀ NỘI, THÁNG 11/2014


2


Lời cam đoan
Tôi xin cam đoan Luận văn tốt nghiệp với đề tài Tạp văn Nguyễn Việt
Hà từ góc độ thể loại là công trình nghiên cứu thực sự của cá nhân tôi được sự
hướng dẫn khoa học của PGS.TS Tôn Thảo Miên. Những vấn đề trình bày trong
Luận văn chưa từng được công bố dưới bất cứ hình thức nào trước khi trình, bảo
vệ Luận văn.
Một lần nữa, tôi xin khẳng định về sự trung thực của lời cam đoan trên

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2014

Nguyễn Thị Kim Oanh

3


Lời cảm ơn
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo khoa Văn học
– Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã
dạy dỗ, cho tôi nhiều kiến thức quý báu trong quá trình học tập cũng như những
góp ý cho tôi trong khi hoàn thành luận văn.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo – PGS.TS Tôn Thảo
Miên, giáo viên hướng dẫn, người đã trực tiếp giúp đỡ, chỉ bảo cho tôi lựa chọn
đề tài, hướng giải quyết đề tài, cung cấp những tài liệu quý báu và động viên
tinh thần để tôi hoàn thành luận văn này.
Cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã động viên tôi trong suốt thời
gian qua.


Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2014

Nguyễn Thị Kim Oanh

4


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................ 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 6
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................ 8
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu ................................................... 10
4. Phương pháp nghiên cứu............................................................................. 10
5.Cấu trúc luận văn .......................................................................................... 10
Chương 1: TẠP VĂN VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC TẠP VĂN CỦA
NGUYỄN VIỆT HÀ ........................................................................................ 11
1.1.Tạp văn – Những vấn đề lý thuyết về thể loại .............................................. 11
1.1.1.Về khái niệm tạp văn ............................................................................ 11
1.1.2. Những tiền đề phát triển ...................................................................... 14
1.1.3. Những đặc trưng cơ bản của tạp văn.................................................... 18
1.2. Nguyễn Việt Hà và quan niệm về thể loại tạp văn........................................ 20
1.2.1. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp phát triển của Nguyễn Việt Hà ............. 20
1.2.2. Con đường đến với tạp văn của Nguyễn Việt Hà ................................. 24
1.2.3. Quan niệm về thể loại tạp văn và cái “Tôi” trong tạp văn Nguyễn Việt
Hà ................................................................................................................. 27
Tiểu kết ............................................................................................................ 32
Chương 2: BỨC TRANH HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG TRONG TẠP VĂN
NGUYỄN VIỆT HÀ ........................................................................................ 33
2.1. Chân dung nhân vật và đời sống đô thị ....................................................... 34
2.1.1. Thế giới nhân vật ................................................................................. 34

2.1.2. Đời sống đô thị .................................................................................... 50
2.2. Những vấn đề thời sự ................................................................................. 54
2.3. Về sinh hoạt đời thường………………………………………………....58
Tiểu kết ............................................................................................................ 71
Chương 3: NGHỆ THUẬT VIẾT TẠP VĂN CỦA NGUYỄN VIỆT HÀ 72
3.1. Điểm nhìn ................................................................................................... 72
3.1.1. Khái niệm điểm nhìn ........................................................................... 72
3.1.2. Điểm nhìn trần thuật trong tạp văn Nguyễn Việt Hà ............................ 73
3.2. Ngôn ngữ ................................................................................................... 78
3.2.1. Ngôn ngữ bình dân .............................................................................. 79
3.2.2. Ngôn ngữ vay mượn ............................................................................ 84
3.2.3. Một số kiểu câu, cụm từ đặc biệt ......................................................... 88
3.3. Giọng điệu .................................................................................................. 90
3.3.1. Giọng điệu hài hước, giễu nhại ............................................................ 92
3.3.2. Giọng điệu triết lí ................................................................................ 97
3.3.3. Giọng điệu đay nghiến, sát phạt......................................................... 100
Tiểu kết. .......................................................................................................... 106
KẾT LUẬN .................................................................................................... 107
TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................. 110

5


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Xuất phát từ sự đòi hỏi phải nắm bắt nhanh nhạy, kịp thời những biến
đổi không ngừng của hiện thực cuộc sống và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí
cũng như nhu cầu thưởng thức của độc giả, tạp văn không chỉ là một thể loại
phong phú về nội dung, chứa nhiều thông tin, gắn liền với cuộc sống mà còn
hiện đại về hình thức thể hiện. Trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương

đại, thể loại tạp văn đang phát triển, biến đổi đa dạng và mới mẻ, góp phần vào
quá trình hiện đại hóa văn học. Sở dĩ thể loại này được nhiều độc giả ưa thích,
đón nhận bởi người đọc dễ dàng nắm bắt hàm ý tác giả, nội dung chắt lọc, diễn
biến nhanh gọn, kết thúc bất ngờ. Đó là nhu cầu tìm hiểu tri thức mới của con
người hiện đại. Có lẽ vì thế mà tạp văn ngày càng được ưa chuộng.
1.2. Trong văn học Việt Nam đương đại, sự nở rộ của tạp văn những năm
đầu thế kỷ XXI được đánh dấu với sự xuất hiện của nhiều tác giả và sự ra đời
của rất nhiều tập tạp văn. Nguyễn Ngọc Tư với những lời giãi bày tâm sự hết sức
chân thành, mộc mạc, chất chứa nhiều day dứt trong Tạp văn (2005), Sống chậm
thời @ (2006), Ngày mai của những ngày mai (2007), Biển của mỗi người
(2008), Yêu người ngóng núi (2009). Phan Thị Vàng Anh gây tiếng vang với tập
tạp văn Nhân trường hợp chị Thỏ bông (2004). Họa sĩ Đỗ Phấn ghi dấu ấn với
các tập tạp văn: Chuyện vãn trước gương (2005), Ông ngoại hay cười (2011).
Nữ đạo diễn Việt Linh cũng trình làng các cuốn tạp văn, tạp bút: Chuyện mình,
chuyện người (2008), Chuyện và truyện (2012). Hay dịch giả Lý Lan hơn mười
năm trước đã làm mê hoặc độc giả Việt với Harry Porter nay trải lòng mình với
tạp văn Ở ngưỡng cửa cuộc đời… Với những nỗ lực đáng ghi nhận, họ thực sự
đã tạo ra cho mình những “lối nẻo riêng”. Nói đến tạp văn, nói về những cây bút
viết tạp văn sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến tác giả Nguyễn Việt Hà. Điều đặc
biệt là Nguyễn Việt Hà sau khi thành công vang dội trên lĩnh vực truyện ngắn

6


(Thiền giả, Của rơi) và tiểu thuyết (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn) đã bắt
tay vào thể loại mới tạp văn với các tác phẩm như: Đàn bà uống rượu, Nhà văn
thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Con giai phố cổ. Mỗi khi tác phẩm của Nguyễn
Việt Hà được xuất bản lại có những hiệu ứng đa chiều của độc giả về Nguyễn
Việt Hà và những đứa con tinh thần của ông. Người khen, kẻ chê, lại có cả
những ý kiến lưỡng chiều. Lý giải cho tâm lý đó có lẽ xuất phát từ cách hành văn

của ông. Mặc dù “không mong mình quá mới” [19], nhưng lối viết của ông
dường như đang đánh đố người đọc. Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà luôn khiến
cho người đọc phải giật mình, suy nghĩ về mỗi câu chuyện ông viết ra. Các tác
phẩm của ông xoay quanh những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày đã có từ lâu
mà tưởng như mới, bởi cái tài xây dựng ngôn ngữ, giọng điệu của nhà văn.
Chúng cho thấy một sự quan sát, phân tích sâu sắc đời sống xã hội, nhạy bén
phản ánh những sự kiện xã hội bằng một ngòi bút sắc sảo. Một tác phẩm ra đời
chỉ nhận được toàn lời khen ngợi thì chưa hẳn đã là một tác phẩm đáng chú ý.
Ngược lại, một tác phẩm bị nhận nhiều lời chê cũng chưa hẳn là một tác phẩm
bỏ đi. Điều đó chỉ chứng tỏ nó thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, mà
với một nhà văn, đó lại là một trong những điều tối quan trọng. Đọc tạp văn
Nguyễn Việt Hà, người đọc yêu thích sự hài hước, dí dỏm, bình dị của người
viết, đặc biệt là cách trích dẫn theo lối “nói có sách, mách có chứng” của ông và
ta sẽ nhận ra, tìm thấy, học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm sống.
1.3. Tạp văn là một thể loại văn xuôi hiện đại, cho đến những năm đầu của
thế kỷ XXI, trong tinh thần chung của sự đổi mới, tạp văn mới bắt đầu thu hút
được sự chú ý của dư luận. Hiện nay chưa có một công trình nghiên cứu nào
mang tính tổng quát, tìm hiểu sâu về thế giới của tạp văn. Những gì giới nghiên
cứu quan tâm cho tạp văn gần đây chỉ là những bài giới thiệu, nhận xét nhỏ trên
các trang báo mạng. Trước thực tế đó, chúng tôi nghĩ, không nên dừng lại ở
những bài giới thiệu nhỏ mà cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá một cách
nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc hơn. Với hứng thú tìm hiểu thể loại tạp văn trong

7


văn học Việt Nam đương đại, chúng tôi chọn “Tạp văn Nguyễn Việt Hà từ góc
độ thể loại” làm đề tài nghiên cứu của mình. Luận văn xác lập một cái nhìn khái
quát về thể loại tạp văn, bước đầu đề xuất một hướng tiếp cận thể loại này, đồng
thời khẳng định những đóng góp của nó trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Qua đó thấy được nét riêng độc đáo của nhà văn Nguyễn Việt Hà trong dòng
chảy văn xuôi Việt Nam nói chung và tạp văn đương đại nói riêng. Chúng tôi hy
vọng đề tài này sẽ là một đóng góp nhỏ trong nghiên cứu khoa học, đồng thời có
thể làm cơ sở để gợi ra những hướng nghiên cứu mới cho các công trình sau.
Bên cạnh mục tiêu học thuật, công trình nghiên cứu này cũng có ý nghĩa như
một tài liệu mang tính hệ thống cho những người yêu mến Nguyễn Việt Hà, tìm
đến và hiểu hơn về ông, về thế giới của tạp văn.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tạp văn là thể loại đã có mặt từ lâu trong văn học thế giới. Nhiều học giả
đánh giá cao về thể loại này và thừa nhận viết tạp văn không phải dễ, chỉ những
ai có đủ vốn sống và kiến thức sâu rộng, bút lực dồi dào, văn chương tinh tế, ý
tưởng sáng rõ uyên thâm mới có thể thành công ở thể loại này. Trên thực tế, hoạt
động sáng tạo và tiếp nhận văn học không thể tách rời với sự nhận thức về mặt
thể loại. Thể loại không chỉ là một phương thức tiếp cận hiện thực mà còn giới
hạn “tầm đón đợi” của độc giả khi tiếp xúc với văn bản và liên quan đến hành vi
sáng tạo văn bản của nhà văn. Tạp văn thường được các nhà văn lựa chọn khi
muốn phản ánh những vấn đề chính trị - xã hội có tính thời sự, ghi nhanh
những hiện tượng, những suy nghĩ, những sự kiện khi đưa lên báo, bài viết, có
thể gây tác động trực tiếp đến suy nghĩ của người đọc một cách nhanh nhất.
Nhìn một cách khách quan và bao quát, chúng ta có thể thấy tạp văn đòi
hỏi ở người viết một tầm hiểu biết sâu rộng, một tư duy nhạy bén và một nguồn
cảm hứng dồi dào. Dường như việc tạo được phong cách với thể loại này không
chỉ phụ thuộc vào “tay nghề” của nhà văn, cách quan sát của nhà văn mà phần
nhiều phụ thuộc vào tố chất thiên bẩm, vào cái “duyên” đưa đẩy, cái “tạng” của

8


từng người. Với Nguyễn Việt Hà, tạp văn là “một thứ mạng xã hội riêng của
anh, đủ thành phần, từ đám đàn ông, những gã khờ và mưu sĩ, rồi những nàng

thơ của họ, đến những chuyện tình ái đọc lên sực nức đùa giễu” [16, 5].
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, chúng tôi gặp phải một vài khó khăn,
những tài liệu viết về tạp văn, nhất là những định nghĩa tìm hiểu thể loại tạp văn
thì còn rất hạn chế, thậm chí có những từ điển không có mục này. Đây đó người ta
có nhắc đến tạp văn Việt Nam đương đại nhưng chủ yếu là để điểm sách, giới
thiệu những tập mới được xuất bản hoặc lời tựa, bạt,... một cách ngắn gọn, vắn tắt
và đa số mang màu sắc chủ quan. Mặt khác, tạp văn với tư cách là một thể loại có
nguồn gốc từ phương Tây nên có những tài liệu nước ngoài liên quan đến đề tài
mà chúng tôi không có điều kiện để khảo sát được đầy đủ.
Nghiên cứu về tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà thì đã có nhiều công trình.
Trong những năm gần đây, một số luận văn tốt nghiệp đại học, cao học đã đi vào
khám phá tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà trên nhiều phương diện. Một số công
trình nghiên cứu như: Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà, Luận văn
Thạc sĩ khoa học Lý luận văn học của Lê Thị Loan, Nghệ thuật tự sự trong tiểu
thuyết Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, Khóa luận tốt nghiệp đại học Khoa
học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội của Nguyễn Hoài Thu, Tiểu thuyết
Nguyễn Việt Hà – Từ Cơ hội của Chúa đến Khải huyền muộn, Khóa luận tốt
nghiệp đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội của Nguyễn Thị
Hoa. Tuy nhiên, nghiên cứu về tạp văn Nguyễn Việt Hà, trong quá trình khảo sát
vấn đề, chúng tôi vẫn chưa có cơ hội bắt gặp một công trình khoa học nào
nghiên cứu một cách có hệ thống về thể loại tạp văn nói chung và tạp văn
Nguyễn Việt Hà nói riêng từ góc độ thể loại. Một số bài viết chỉ là một vài bài
nhận xét về tác giả, tác phẩm, những bài phỏng vấn tác giả Nguyễn Việt Hà trên
một số trang báo mạng như: bài phỏng vấn trên báo Lao động, diễn đàn sách
xưa.net/froum/index.php.Việt Nam, diễn đàn Đàn ông, Vietnamthuquan.net,…

9


Với đề tài luận văn Tạp văn Nguyễn Việt Hà từ góc độ thể loại, chúng tôi

nghĩ sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm diện mạo của thể loại này trong sự nghiệp
sáng tác của nhà văn cũng như phân biệt được cá tính riêng của Nguyễn Việt Hà
so với những nhà văn khác khi viết tạp văn, đem đến một cái nhìn sơ lược về
những nét độc đáo, cách tân mới lạ mà tác giả đã đạt được và những điều còn
hạn chế trong tác phẩm mà tác giả chưa làm được.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Ở đây chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề tiêu biểu, cốt lõi nhất trong tạp
văn của Nguyễn Việt Hà mà qua đó có thể nhận diện thể loại này một cách rõ
ràng. Nguyễn Việt Hà đã ghi dấu ấn ở thể loại tạp văn khi khai thác những vấn
đề thời sự, sinh hoạt đời thường, chân dung nhân vật và đời sống đô thị. Bên
cạnh đó là nghệ thuật tái hiện đời sống được thể hiện qua các yếu tố: Ngôn ngữ,
giọng điệu và điểm nhìn trần thuật.
Phạm vi nghiên cứu:
Nguyễn Việt Hà, Đàn bà uống rượu, Nxb Văn học, H, 2010.
Nguyễn Việt Hà, Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Tạp văn
tuyển chọn, Nxb Văn học, H, 2011.
Nguyễn Việt Hà, Con giai phố cổ, Nxb trẻ, Tp. HCM, 2013.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi ứng dụng thi pháp học thể loại kết hợp lý
thuyết tự sự học trong nghiên cứu văn học để tiếp cận đối tượng. Các phương
pháp này được hỗ trợ bởi các thao tác: Thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh,
khảo sát…
5.Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mực tài liệu tham khảo, luận văn
được triển khai trong ba chương:
Chương 1: Tạp văn và tác giả Nguyễn Việt Hà
Chương 2: Tìm hiểu tạp văn Nguyễn Việt Hà trên phương diện nội dung

10



Chương 3: Nghệ thuật viết tạp văn của Nguyễn Việt Hà
Chương 1
TẠP VĂN VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC TẠP VĂN CỦA
NGUYỄN VIỆT HÀ
1.1.Tạp văn – Những vấn đề lý thuyết về thể loại
1.1.1.Về khái niệm tạp văn
Tạp văn là một thể loại văn học độc đáo, có nhiều điểm tương đồng với
tản văn, bút ký, tạp bút, tạp cảm. Tuy nhiên đây là một thể loại văn học khá đặc
biệt, không thuần nhất nên có rất nhiều nhà nghiên cứu, các nhà lý luận văn học,
các học giả đưa ra những định nghĩa khác nhau về tạp văn. Định nghĩa về khái
niệm tạp văn thực sự đa dạng, phong phú và có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí
là có những ý kiến trái chiều.
Theo Từ điển Tiếng Việt của Bùi Quang Tịnh (NXB Văn hóa thông tin, tr
842) giải thích: “Tạp văn: Nhiều loại văn lẫn lộn”.
Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (Nxb Văn hóa Thông tin, tr.
1495) giải thích: “Tạp văn gồm nhiều thể tài linh hoạt như đoản thiên, tiểu
phẩm, tùy bút”.
Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (Nxb Đà Nẵng, tr. 892) định nghĩa:
“Tạp văn loại văn có nội dung rộng, hình thức không gò bó, bao gồm những loại
bình luận ngắn, tiểu phẩm tùy bút…”.
Từ điển thuật ngữ văn học, (NXB ĐHQG, 2000, tr 247) định nghĩa:
“Tạp văn là những áng văn tiểu phẩm có nội dung chính trị, có tác dụng chiến
đấu mạnh mẽ. Đó là một thứ văn vừa có tính chính luận sắc bén, vừa có tính
nghệ thuật cô đọng, phản ánh và bình luận kịp thời các hiện tượng xã hội”.
Từ điển văn học (tập 2), NXB KHXH.HN 1984) lại có tới hai định nghĩa
về tạp văn:
Định nghĩa 1: “Tạp văn là những bài văn nghị luận có tính nghị luận.
Phạm vi của tạp văn rất rộng, bao gồm tạp cảm, tùy bút, tiểu phẩm, bình luận


11


ngắn... Đặc điểm nổi bật là ngắn gọn” (Tập thể tác giả, Từ điển văn học, Tập 2,
NXB KHXH.HN 1984, tr 333).
Định nghĩa 2: “Tạp văn là một bộ phận lớn của nhà văn Trung Quốc Lỗ
Tấn, viết theo một thể loại đặc biệt bao gồm những bài cảm nhỏ, luận văn, tùy
bút, hồi ức…” (Tập thể tác giả, Từ điển văn học, Tập 2, NXB KHXH.HN 1984,
tr 333).
Trương Chính trong lời giới thiệu Tạp văn tuyển tập cho rằng: “Tạp văn
là một thành tựu đặc biệt của Lỗ Tấn trong ba mươi năm hoạt động văn học của
ông, nhưng thật ra không phải là một thể loại mới. Xét nguồn gốc và phong cách
của nó thì tạp văn chính là kế thừa và phát triển hình thức tản văn trong văn học
cổ điển Trung Quốc” (Tạp văn tuyển tập, Tập 1, NXB Văn học, HN 1963, tr 6).
Lê Xuân Vũ có cách định nghĩa tương tự như Trương Chính, ông viết:
“Tạp văn là một hình thức văn học mới, nảy mầm từ cách mạng văn học và tư
tưởng Ngũ Tứ, là thành tựu đặc biệt của Lỗ Tấn trong văn nghệ, là kết tinh của
ba mươi năm chiến đấu văn học của ông. “Tạp văn” hoặc “tạp cảm” là tên do
chính Lỗ Tấn đặt cho nó” (Lê Xuân Vũ, Lỗ Tấn “Chủ tướng của cách mạng văn
hóa Trung Quốc”, Nxb Văn hóa, H, 1959, tr 143).
Lương Duy Thứ thì cho rằng: “Tạp văn là một thể loại văn học nảy sinh từ
cuộc cách mạng văn hóa Ngũ Tứ, là thành tựu đặc biệt của Lỗ Tấn qua hai mươi
năm hoạt động văn nghệ”. (Lương Duy Thứ, Giáo trình văn học Trung Quốc,
NXB GD, HN 1997, tr 208).
Dương Tấn Hào cũng đưa ra cách hiểu của mình về tạp văn như sau:
“Theo nghĩa đen thì hai chữ “Tạp văn” dùng để chỉ những thể văn đoản thiên
không đồng một thể với các tập thi ca, tản văn, tiểu thuyết và bi kịch đã thịnh
hành từ xưa. Ngày nay bản chất thứ tạp văn đã biến tướng và danh từ đó hiện giờ
đã chuyên chỉ lối văn đoản thiên những thiên tạp trở nên giàu về tính cách tranh
đấu” (Đặng Thai Mai, Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay, NXB

Mới, 1945, tr 21).

12


Dương Ngọc Dũng cho rằng: “Tạp văn là một thuật ngữ rất tạm thời vì
chính bản thân tác giả không biết dùng cụm từ nào để mô tả những bài viết đăng
rải rác trên báo Tuổi trẻ chủ nhật, Nguyệt san pháp luật, Sài Gòn tiếp thị”. Tác
giả nhận định thêm: “Tạp văn chỉ là những đoản văn đọc cho vui, ngắn gọn, dễ
hiểu, hơi gây sốc một chút nếu cần, không phải là những chuyên luận đăng trên
tạp chí chuyên ngành. Chủ đề thì không có gì nhất định, lan man từ những mẩu
chuyện vụn vặt có thật trong đời sống xã hội Mỹ, đến một tiểu phẩm tưởng
tượng hoàn toàn, hay các bình luận thoáng qua về Shakespesre, cổ sử Trung
Quốc. Độc giả có thể mở sách ra, thích đâu đọc đấy, không cần phải quá bận tâm
về “độ chính xác” hay hàm lượng thông tin của bài viết” (Trương Đăng Dung
(2004), Tác phẩm văn học như một quá trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội).
Giáo sư Lý Hà Lâm trong công trình Lỗ Tấn – thân thế - tư tưởng –
sáng tác khẳng định: “Tạp văn là một hình thức do Lỗ Tấn sáng tác, vì Lỗ Tấn
đã phát triển hình thức này đến đỉnh cao nhất của nó, hơn nữa lại có những đặc
điểm độc đáo của bản thân ông. Nói tới nguồn gốc và phương pháp của tạp văn
thì tạp văn của Lỗ Tấn chính là kế thừa và phát triển hình thức tản văn của văn
học truyền thống Trung Quốc”.
Trong cuốn Khái niệm và thuật ngữ lý luận văn học Trung Quốc, Phạm
Thị Hảo, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, cho rằng: “tạp văn là
một loại tản văn, bao gồm nhiều hình thức: Tạp cảm, tạp đàm, tạp luận... loại
này yêu cầu phải có sự quan sát tìm hiểu và phân tích sâu sắc cuộc sống xã hội,
phải nhạy bén phản ánh những sự kiện xã hội và khuynh hướng xã hội, bằng
ngòi bút sắc sảo, lão luyện, đánh trúng vào những chỗ yếu của sự việc. Loại văn
này, tác phẩm ngắn, thường mang tính tư tưởng cao, giàu tính chiến đấu đồng
thời giàu tính nghệ thuật. Ở thời Chiến quốc, loại văn này khá phổ biến. Thời

hiện đại Lỗ Tấn đã khiến “Tạp văn” phát huy được nhiều tác dụng phê phán xã
hội, châm biếm những tệ nạn đương thời. Cho đến nay thể loại tạp văn vẫn phát
triển với diện mạo và nội dung ngày càng phong phú”.

13


Nghiên cứu về thể loại tạp văn, chúng ta có thể dựa vào nhiều nguồn tư
liệu, mỗi nguồn tư liệu có đặc điểm ưu việt riêng. Tạp văn là một loại văn bản
nghị luận, ở đó tác giả có thể trực tiếp trình bày tư tưởng tình cảm về những vấn
đề thuộc nhiều phương diện của đời sống chính trị, xã hội và văn học. Tuy nhiên
đây là một thể loại văn học khá đặc biệt, không thuần nhất, vì vậy như chúng tôi
đã trình bày, có rất nhiều các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận văn học, các học
giả… cố gắng đưa ra những định nghĩa của riêng mình về tạp văn. Tất cả các
định nghĩa, các cách hiểu về tạp văn như đã trình bày ở trên đều gọi đúng tính
chất và đặc điểm cơ bản nhất, khái quát nhất về thể loại tạp văn nói chung.
Nhưng chúng tôi cho rằng định nghĩa ngắn gọn nhất, dễ hiểu nhất, sâu sắc nhất
về tạp văn phải kể tới định nghĩa của Lỗ Tấn: “Thật ra “tạp văn” không phải là
hàng mới bây giờ, trước kia đã có rồi. Phàm là văn chương, nếu xếp loại, thì có
loại để mà xếp, bất kể thể gì, mọi thể đều xếp vào một chỗ cả, thế là thành
tạp”(Trương Chính, Tạp văn tuyển tập (tập 3), NXB Văn học, H, 1963, tr 229).
Đây là một lời giải thích hay nhất về tạp văn của Lỗ Tấn. Căn cứ vào đó mà xét
chữ “tạp” trong “tạp văn” là một sự kết hợp tuyệt vời, hài hòa, nhuần nhuyễn
giữa nhiều thể loại khác nhau. Đó không phải là một sự gán ghép gượng ép,
khập khiễng, cũng không phải là sự xào xáo “một mớ hổ lốn” khác nhau mà là
sự kết nối chặt chẽ các gam màu, đường nét trong một bức tranh mang tính nghệ
thuật cao. Có lúc ông gọi tạp văn là “tạp cảm”, rồi lại gọi là “tiểu phẩm văn
học”, sau đó tiếp thu cách nói truyền thống văn học Trung Quốc, đổi tên thành
“tạp văn”. Ông đặc biệt đề cao vai trò tạp văn bút ký chính luận, ông xem tạp
văn là loại “ngôn chí hữu vật”.

1.1.2. Những tiền đề phát triển
Trong văn học phương Tây
Ở Pháp, vào thế kỷ XVI, với ý thức chống lại thứ văn chương kinh viện,
giáo điều của nhà thờ, nhà văn M.E.Môngtenhơ (1533 - 1592) đã khai sinh ra thể
loại tản văn. Năm 1580, ông xuất bản tập Essais. Từ đó tản văn được nhiều nhà

14


văn, nhà triết học sử dụng, trở thành một thể loại quan trọng của văn học hiện
đại. Đặc biệt, sự xuất hiện của truyền thông báo chí ở thế kỷ XVIII đã giúp tản
văn phát huy tính năng động tiềm ẩn và nhanh chóng khẳng định vị thế bằng
những thành tựu rực rỡ. Không chỉ ở Pháp, Anh mà ở Mỹ cũng đã xuất hiện
nhiều nhà tản văn nổi tiếng.
Trong văn học Trung Quốc
Ở Trung Quốc, thời cổ trung đại, “tản văn” có nghĩa là văn xuôi, phân biệt
với “vận văn” - văn vần và “biền văn” - văn biền ngẫu. Đó là cách phân loại đơn
thuần dựa vào hình thức câu văn. Vì thế những sáng tác không phải là thơ, từ,
phú, khúc... đều được gọi là tản văn. Cuốn Khái yếu lịch sử văn học Trung
Quốc của Nxb Đại bách khoa toàn thư của Trung Quốc đã nói rõ: “Trong quan
niệm văn học truyền thống của Trung Quốc, còn có một thể văn quan trọng: tản
văn - văn xuôi; cũng là văn học chính tông xếp ngang hàng với thơ từ”. Diệp
Thánh Đào trong bài Về sáng tác tản văn (Lý luận tản văn hiện đại Trung Quốc)
cũng quan niệm: ngoài tiểu thuyết, thơ ca, hý kịch ra còn lại đều là tản văn. Từ
cách hiểu như trên mà việc một số từ điển tiếng Việt giải nghĩa từ “tản văn” là
văn xuôi là có thể lý giải được.
Đến đầu thế kỷ XX (thời kỳ Ngũ Tứ), tản văn theo hình thức phương Tây
mới được du nhập vào nhằm chống lại thứ văn chương giáo điều, công thức đang
thống trị trên văn đàn lúc bấy giờ. Tản văn hiện đại Trung Quốc phát triển trên cơ
sở hấp thụ trào lưu tư tưởng bên ngoài và tiếp nhận truyền thống, hình thức phong

phú đa dạng, có thể là tạp cảm, bình luận ngắn, tùy bút, du ký, thư từ, nhật ký…
Các nhân tố vốn có của tản văn là sự giao thoa nghị luận, trữ tình và tự sự. Nội
dung của tản văn chứa đựng tính hiện thực rất dồi dào. Về nghệ thuật, nổi bật là
tính điển hình, tính hình tượng sinh động. Những đặc điểm của tản văn trong suốt
trường kỳ của văn học cổ điển Trung Quốc đã được văn hào Lỗ Tấn kế thừa và
phát huy. Về sự kế thừa này, chính Lỗ Tấn đã nói: “Kỳ thực tạp văn cũng không
phải là món hàng mới mẻ gì của ngày nay, mà ngày xưa cũng đã có rồi” [6, 768].

15


Lỗ Tấn tỏ ra hào hứng và tin tưởng sâu sắc về tương lai đầy hứa hẹn của tạp văn:
“Tôi là một người thích đọc tạp văn, và hơn nữa còn biết rằng thích đọc tạp văn
không chỉ có mình tôi... Tôi càng vui mừng với sự phát triển của tạp văn, ngày
ngày được xem sự rạng rỡ của nó. Thứ nhất, là làm cho giới trước tác Trung Quốc
càng hoạt bát, náo nhiệt. Thứ hai, làm cho những lũ không ra trò ra trống gì phải
thụt đầu. Thứ ba, là làm cho những tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật, qua sự so
sánh với tạp văn, sẽ lộ ra cái tướng mạo sống dở chết dở của nó” [25]. Với mảng
tạp văn đồ sộ của Lỗ Tấn với hơn 650 văn bản, được viết trong 30 năm, tạp văn
hiện đại đã có bước định hình và phát triển đáng kể trong lịch sử văn học Trung
Quốc, đúng như lời nhận xét của giáo sư Đặng Thai Mai: “Tạp văn Lỗ Tấn quả có
một ý nghĩa tiêu biểu cho cả một hình thức văn học và cả một thời đại” [41, 188].
Bên cạnh Lỗ Tấn còn có thể kể đến những tên tuổi viết tạp văn, tản văn nổi tiếng
của Trung Quốc như Chu Tự Thanh, Lý Đại Chiêu, Cù Thu Bạch, Quách Mạt
Nhược, Lâm Ngữ Đường, Chu Tác Nhân, Điền Hán, Mao Thuẫn,...
Trong văn học Việt Nam
Ở Việt Nam, thể loại tạp văn, tản văn được hình thành khá sớm và phát
triển vào khoảng thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX với sáng tác của Tản Đà,
Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Trác, Đạm Phượng, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất
Tố... Trong số đó, Tản Đà được coi là người đi tiên phong, đặt nền móng cho thể

loại tản văn ở Việt Nam. “Người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ” ấy trong khi
“nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” đã bứt phá ra khỏi hệ thống thể loại cũ gò
bó, xơ cứng. Tản Đà đã tự đi tìm cho mình một hình thức biểu đạt phù hợp với
đời sống tinh thần và gu thẩm mỹ của con người buổi giao thời. Những tìm tòi
thể nghiệm ấy có trong thơ, tiểu thuyết và đặc biệt là trong tản văn. Chẳng thế
mà Phan Khôi đã nhận xét: “Anh Quỳnh, anh Vĩnh chỉ viết theo sách, theo tư
tưởng phương Tây, chứ đến thằng cha này (Tản Đà), hắn viết ra tư tưởng của
hắn, chính hắn mới là tay sáng tạo”.

16


Ngày nay thể loại văn học tạp văn đang nhận được sự quan tâm của độc
giả. Trên các tờ báo xuất hiện ngày càng nhiều các chuyên mục tản văn, tạp
văn… Có nhiều tác phẩm ra mắt bạn đọc với sự góp mặt của nhiều thế hệ nhà
văn như: Nguyễn Khải, Đỗ Chu, Thảo Hảo, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư.
Tuy có số lượng đông đảo các tác giả hướng đến thể loại tạp văn, nhưng
để đạt đến thành công nhất định, làm nên một phong cách văn chương của tác
giả thì không phải là nhiều. Tiêu biểu có thể kể đến tạp văn Nguyễn Khải bao
gồm những bài báo bàn về các vấn đề đạo đức, lối sống, những tự truyện, những
mẩu chuyện liên quan đến nhiều khía cạnh của đời sống hiện thực, song nhìn
chung là xoay quanh những suy nghĩ về cuộc đời và nghề văn. Ông khai thác
những đề tài có phần hẹp nhưng tác phẩm của ông vẫn đạt đến mức độ khái quát
cao, đó là những câu chuyện nhỏ nhặt hàng ngày nhưng lại có sức chuyển tải
những câu chuyện lớn hơn…
Nhắc đến Nguyên Ngọc, người ta thường nghĩ ngay đến những Đất nước
đứng lên, Rừng xà nu, Rẻo cao, …, những tác phẩm đã làm nên tên tuổi Nguyên
Ngọc một thời. Thế nhưng, trong những năm gần đây, Nguyên Ngọc thường
xuyên xuất hiện trên báo với những bài viết ngắn gọn, súc tích, đầy tâm huyết về
những vấn đề nóng hổi đang diễn ra trong cuộc sống, mà đặc biệt nhất là các vấn

đề về văn hóa, giáo dục và phát triển bền vững ở Tây Nguyên – những vấn đề
bức xúc mà ông cho là không thể làm thinh được.
Trong hệ thống tác phẩm của Tạ Duy Anh, tạp văn tuy không chiếm số
lượng áp đảo, nhưng tạp văn đã tạo nên một phong cách, một cá tính riêng không
thể trộn lẫn của văn chương Tạ Duy Anh. Trong tạp văn Tạ Duy Anh, có những
trang viết ngọt ngào về ký ức tuổi thơ, những suy ngẫm trầm tư trước thế sự, và
những lo lắng băn khoăn trăn trở về nghề viết. Khác với một Tạ Duy Anh đầy
hiện thực, gai góc trong các tiểu thuyết và truyện ngắn. Đọc tạp văn Tạ Duy Anh
để đến với những gam màu trầm lắng trong tâm hồn nhà văn. Qua đó, cũng có
thể thấy được những đóng góp quan trọng của Tạ Duy Anh cho thể loại tạp văn,

17


và khẳng định vị trí của tạp văn trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Tạp văn
của Nguyễn Ngọc Tư đặc biệt quan tâm đến mọi mặt trong đời sống của người
dân Nam Bộ. Tác giả chú ý đến đề tài chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn,
nhằm khắc họa hình ảnh người dân Nam Bộ lam lũ cực nhọc, gặp nhiều khó
khăn khi đối diện với nền kinh tế thị trường. Nhưng họ là những con người thật
thà, hiền lành, chất phác, biết yêu thương chia sẻ với nhau và luôn mang trong
mình một tinh thần lạc quan hướng về tương lai, về một ngày mai tươi sáng.
Trong khi đó, tạp văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của Phan Thị Vàng Anh
với cái nhìn sắc lẻm và sức mạnh biện giải, mang đến những gam màu đặc sắc
cho thể loại tạp văn. Nguyễn Việt Hà với tuyển tập: Đàn bà uống rượu, Nhà văn
thì chơi với ai, Mặt của đàn ông, Con giai phố cổ với số lượng bài viết khá lớn
cung cấp cho người đọc cái nhìn mới đa thanh, đa diện về con người và cuộc
sống.
1.1.3. Những đặc trưng cơ bản của tạp văn
Thứ nhất: Đa dạng về đề tài.
Tạp văn là thể loại có ưu thế về dung lượng ngắn gọn, cô đọng, linh hoạt,

nhạy bén trong phản ánh cuộc sống, tâm tư con người và khái quát được những
vấn đề lớn mang tính chất chính trị xã hội. Đề tài tạp văn vô cùng phong phú đa
dạng hầu như đề cập đến mọi vấn đề trong xã hội. Trong đó đề tài về văn hóa,
phát triển và giáo dục được nhiều tác giả quan tâm chú ý nhất. Ở đó bức tranh
toàn cảnh của xã hội Việt Nam với những bức xúc đang làm nhiều người lo
lắng. Các tác giả dựa vào tính thời sự, chính luận của tạp văn để công kích bài
trừ cái xấu, nói lên suy nghĩ của mình một cách trực tiếp. Sự rộng lớn về đề tài
của tạp văn vượt qua tất cả các thể loại văn học khác, do đó người ta gọi tạp văn
là “viện bảo tàng của cuộc sống”. Văn học trong quá trình khám phá cuộc sống
luôn hướng tới đề tài chứa đựng những triết lí sâu xa, những giá trị nhân bản
vĩnh hằng. Đồng thời qua đó chúng ta cũng thấy được triết lí nhân sinh cũng như
cách nhìn nhận của tác giả về cuộc đời, về xã hội. Tạp văn có cơ hội đi sâu bàn

18


về những vấn đề trong cuộc sống một cách cụ thể, trực tiếp, ngắn gọn nhanh hơn
những thể loại khác.
Trong những trang viết của thể loại tạp văn, chúng ta nhận ra văn hóa có
vai trò rất to lớn trong sự tồn tại và phát triển kinh tế xã hội. Không những thế,
sự đổi mới còn được các tác giả viết tạp văn ngày nay dẫn kê một cách linh hoạt,
đả kích, bài trừ cái xấu một cách mạnh mẽ.
Thứ hai: Tạp văn – một thể văn tự do phóng túng.
Kết cấu của tạp văn rất tự do. Kết cấu của tạp văn không chú ý vào “khai,
thừa, chuyển, hợp” như thơ ca, không phân cảnh phân hồi như kịch, mà có lúc
gần lúc xa, lúc trước lúc sau, hiện thực và lịch sử, tự nhiên và xã hội có sự giao
thoa, triết lí sâu sắc có thể biểu hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày, tình cảm
nồng nàn được thể hiện thông qua tưởng tượng của cá nhân, thậm chí trên trời
dưới đất đều có thể liên kết vào một điểm. Đặc điểm tự do trong kết cấu này của
tạp văn khiến người đọc có cảm giác tản mạn, nhưng cái “tản” này không phải là

lộn xộn, không có trật tự, không có tính văn chương, mà là trong cái tản mạn có
trật tự, trong cái tản mạn có văn chương. Cái trật tự ở đây là chỉ tác giả đã căn
cứ vào ý đồ sáng tác của mình và nhu cầu biểu hiện, đem toàn bộ sự tổ chức có
trật tự chứ không hề lộn xộn rối ren làm cho nó có “thần”.
Thứ ba: Ngôn ngữ tạp văn trong sáng, súc tích, tươi mới, tự nhiên.
Tạp văn miêu tả nhân vật phải sinh động như cuộc sống, rõ ràng như đang
hiện ra trước mắt, tình cảm biểu hiện thì phải chân thực, thiết tha, tế nhị, thuyết
lí nghị luận phải vừa trang trọng, vừa hài hước, thú vị.
Chủng loại của tạp văn rất phong phú đa dạng, bất kể từ góc độ nào, căn
cứ nào đều có thể chia tạp văn thành rất nhiều loại. Thông thường thì người ta
căn cứ vào đối tượng và hình thức thể hiện để chia tạp văn thành ba loại: tạp văn
tự sự, tạp văn trữ tình, tạp văn nghị luận.
Chúng ta có thể so sánh tạp văn với truyện ngắn và tiểu thuyết sẽ thấy
được thể loại này có những dị biệt, tương đồng riêng. Sự khác nhau về đặc trưng

19


ngôn ngữ và cách phản ánh hiện thực của thể loại kéo theo nhiều sự khác nhau
nữa. Chẳng hạn, trong truyện ngắn và tiểu thuyết thường xây dựng một hệ thống
nhân vật, có những nhân vật điển hình, trở thành những hình tượng nhân vật
chuyển tải những ý tưởng sâu xa của tác giả. Còn trong tạp văn, nhân vật thường
gần gũi xung quanh tác giả, những ý nghĩ tình cảm, thái độ được tác giả bộc lộ
khá thẳng thắn, rõ ràng chứ không quá sâu xa ẩn ý như truyện ngắn. Trong tạp
văn thường không có cốt truyện, hoặc cốt truyện mờ nhạt, thường thì tạp văn xây
dựng theo lối kết cấu - liên tưởng. Bởi “truyện ngắn viết ra bắt buộc phải có nội
dung, còn các ý tưởng mênh mông không rõ ràng, đó là bút kí hoặc tạp văn chứ
không phải truyện ngắn”.
Nếu như tiểu thuyết viết về những sự việc của người khác thì tạp văn lại
là viết về những sự việc của chính mình, cho dù có viết về người khác thì trên

thực tế cũng là viết về chính mình. Trên một ý nghĩa nào đó, cái mà tiểu thuyết
viết là cái ngoài bản thân, nhưng phần lớn cái mà tạp văn viết lại là sự việc trong
tim của tác giả, tiểu thuyết rất dễ chạm đến, tạp văn lại khó gặp, nó cơ hồ là sự
phân thân của nhà văn, ghi lại rất thật sự hư cấu ngay trong bản thân nhà văn.
Đối với sáng tác tạp văn, đề tài là cái có thể gặp nhưng không thể cầu, tạp văn
muốn bám vào chính con người, cho nên tất yếu sẽ phải dựa vào tình cảm chân
thành, thể nghiệm độc đáo trong cuộc sống và kinh nghiệm nghệ thuật tương
đương.
1.2. Nguyễn Việt Hà và quan niệm về thể loại tạp văn
1.2.1. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp phát triển của Nguyễn Việt Hà
Nguyễn Việt Hà, tên thật là Trần Quốc Cường sinh ngày 12 tháng 7 năm
1962 tại Hà Nội. Ông từng là nhân viên Ngân hàng Công thương Hà Nội, vì niềm
đam mê với văn chương, ông đã từ bỏ công việc của một công chức nhà nước.
Bởi vậy mới nói: Cái nghiệp văn chương đến với ông như một “duyên nợ”.
Nguyễn Việt Hà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và được đông đảo độc giả
yêu mến. Ông chính thức bước vào hoạt động nghệ thuật năm 1993. Truyện ngắn

20


Sếp và tôi và… là tác phẩm đầu tiên được tác giả lấy bút danh Nguyễn Việt Hà.
Tác phẩm này đã đạt giải nhì truyện ngắn do Tạp chí Sông Hương tổ chức ngày
23 tháng 11 năm 1993. Truyện ngắn Sếp và tôi và… được viết khi Nguyễn Việt
Hà đang loay hoay, thảng thốt với mối tình đầu trong trắng có nguy cơ rạn nứt.
Nhà văn tâm sự: “sự rạn nứt ở đây không xuất phát từ chủ quan của hai cá thể yêu
nhau mà là hệ lụy của xã hội thời mở cửa, con người vô tình đánh mất nhau trước
bão táp cuộc đời, trước cơ chế thị trường đầy nghiệt ngã”. Câu chuyện Sếp và tôi
và… không chỉ là sự cay đắng của số phận nhà văn mà còn là chuyện kể về
những mặt trái của cơ chế thị trường nước ta những năm đầu thập kỷ 90 của thế
kỷ XX.

Năm 1998, Nguyễn Việt Hà ra mắt độc giả tập truyện ngắn Thiền giả. Tập
truyện bao gồm 11 truyện ngắn xuyên suốt bốn mảng đề tài lớn: Đề tài viết về đô
thị, đề tài viết về tình yêu, đề tài viết về trí thức trẻ, đề tài viết về tôn giáo. Theo
tác giả, nhan đề của tập truyện Thiền giả được lấy từ chính tên của một truyện
ngắn có trong tập truyện. Thiền giả được khoác lên mình hai ý nghĩa. Một là:
Thiền tức là thiền luận, giả tức là học giả. Ở lớp nghĩa này, tác giả muốn nhấn
mạnh đến lớp độc giả ưu tú của thiền luận, tức là những người có trí thức có khả
năng đạt tới cảnh giới để bàn, luận về thiền. Hai là: Thiền giả là một bộ phận
người trí thức có học vấn tự làm tha hóa chính mình và cố tình làm tha hóa cả
những người “trong trắng ngây thơ”, lừa lọc giả dối trắng trợn mà lại giống như
không lừa lọc giả dối. Một sự tha hóa “siêu đẳng” của bộ phận giới trí thức. Nói
như nhà văn thì sự “giả dối của trí thức là một thứ đẳng cấp, tinh hoa của mọi tinh
hoa”.
Cũng trong năm 1998, Nguyễn Việt Hà hoàn thành tập truyện ngắn Của
rơi, nhưng đến năm 2004, tập truyện ngắn Của rơi (NXB Phụ nữ) mới ra mắt.
Tập truyện ngắn lại một lần nữa mang đến sự hứng thú và lôi cuốn người đọc. Tập
truyện chưa đầy 300 trang xuyên suốt 19 truyện. Sau tập truyện ngắn Thiền giả,
Của rơi tiếp tục là những suy tư, trăn trở của nhà văn về cuộc sống thành thị,

21


thanh niên và giới trí thức. Vẫn với ngôn ngữ kể chuyện sắc bén, Nguyễn Việt Hà
đưa đến cho người đọc cái nhìn mới về giới trí thức và thanh niên trước những ồn
ào của cuộc sống đô thị, loay hoay tìm lối đi trong sự nghiệp, trong tình yêu, vô
tình bị tha hóa, biến chất để rồi cố gắng đi tìm sự cứu rỗi ở một thế giới siêu hình.
Nhà văn đã từng bộc bạch: “Ở một mức độ nào đó, người trí thức là một thứ của
rơi nhặt được và sử dụng nó như thế nào lại là một vấn đề” [19]. Truyện ngắn Mãi
không tới núi, trích trong tập truyện ngắn Của rơi của Nguyễn Việt Hà đã được
dịch ra tiếng Pháp và được đọc bằng song ngữ trong buổi giao lưu văn hóa tại

trung tâm văn hóa Pháp L’Espace. Truyện ngắn Mãi không tới núi ra đời là kết
quả của những ám ảnh dai dẳng về lý tưởng của giới trí thức của Nguyễn Việt Hà.
Tác giả từng tâm sự: “Mãi không tới núi là khát vọng thiêng liêng và trong sạch
dần bị bào mòn và dung tục hóa trong đời sống thường ngày. Quá trình đó không
chỉ diễn ra ở một nhân vật mang tên Vọng mà thường trực trong mỗi chúng ta”
[21].
Theo D.Gronopxki: “Truyện ngắn là một thể loại muôn hình muôn vẻ, biến
đổi không ngừng”. Cùng quan điểm trên, Nguyễn Việt Hà cho rằng: “Truyện ngắn
là bản nháp của tiểu thuyết, tiểu thuyết là bản nháp của cuộc sống. Truyện ngắn
trong tiểu thuyết không bao giờ có kết thúc cũng như cuộc sống không bao giờ có
thể lý giải đến tận cùng”. Tác giả đã mang đến cho thể loại truyện ngắn những
hình ảnh vừa cũ, vừa mới, vừa lạ, vừa quen, thể hiện rõ rệt sự đổi mới trong tư
duy và cách viết.
Luôn tìm kiếm lối viết mới, với sự xuất hiện nối tiếp nhau của hai cuốn tiểu
thuyết Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn, cây bút Nguyễn Việt Hà đã từng
làm xôn xao dư luận một thời, gây nhiều tranh cãi. Có thể nói tiểu thuyết của
Nguyễn Việt Hà rất kén độc giả. Những tác phẩm của ông luôn đầy ắp những ưu
tư, suy nghĩ về con người, về giá trị của con người trong cuộc sống hiện đại, vì thế
nó rất sát với đời sống hiện nay. Dưới những trang viết tưởng chừng như chỉ tái
hiện hiện thực đời sống với những vỏ ngoài hào nhoáng của những con người có

22


nhan sắc, có tiền tài, có địa vị trong xã hội lại chứa đựng bên trong ngồn ngộn
những điều “bậy bạ”, “nhố nhăng”. Những vấn đề mà ông đặt ra có lẽ cũng chính
là những trăn trở của chính chúng ta, những câu hỏi mà mỗi chúng ta đang cố đi
tìm lời giải đáp.
Nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của độc giả ngày một thay đổi, Nguyễn Việt
Hà một cây bút sẵn sàng nhập cuộc với những cách tân nghệ thuật mới, khám

phá về thể loại, nhân cách con người và cuộc sống để xác lập cho mình hướng đi
riêng. “Cố gắng để khỏi bị chìm đi của Nguyễn Việt Hà là một cố gắng khác
thường của một cây bút có tài và thực sự bản lĩnh [53]. Sau sự thành công của hai
cuốn tiểu thuyết Khải huyền muộn và Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà sáng
tác khá nhiều tạp văn. Đây là những tác phẩm văn học có ý nghĩa và có sức
truyền cảm nghệ thuật cao. Là một nhà văn có sự nhạy cảm đặc biệt trước những
vấn đề của xã hội, Nguyễn Việt Hà đã đúng đắn khi chọn cho mình thể loại tạp
văn để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm của mình về xã hội, những mong
ước về một sự tác động kịp thời, ý nghĩa từ văn chương làm cho xã hội và cuộc
sống tốt đẹp hơn. Những tác phẩm của ông bao giờ cũng là sự chắt lọc ngôn từ
kỹ càng, sự đúng đắn với từng con chữ, tích lũy trong suốt quá trình sáng tác.
Văn học luôn là tấm gương phản ánh hiện thực xã hội. Nguyễn Việt Hà
viết về xã hội với quan niệm hoàn toàn mới, đánh giá nó tương quan với chủ thể
sáng tác, nhìn nhận sự việc trong sự biến đổi lôgic của cuộc sống với những
phân mảnh, lắp ghép không có hồi kết. Đây là cách đánh dấu một bước trưởng
thành của văn học, chứng tỏ được năng lực bao quát đời sống và sự từng trải
cùng trình độ nhận thức sâu sắc của nhà văn trong một thời đoạn lịch sử nhất
định. Đọc văn Nguyễn Việt Hà, người đọc nhận thấy chân dung hiện thực cuộc
sống luôn đầy ắp những ưu tư, suy nghĩ về con người, về giá trị của con người
trong cuộc sống hiện đại, vì thế, nó rất sát với đời sống hiện nay. Có những điều
tưởng chừng đơn giản, thoáng qua trong trang viết của ông đôi khi lại khiến
chúng ta bị ám ảnh, day dứt.

23


1.2.2. Con đường đến với tạp văn của Nguyễn Việt Hà
Cuộc sống ngày nay có nhiều thay đổi, văn học cũng có những bước
chuyển không ngừng để đáp ứng nhu cầu của người đọc. Sự vận động của văn
học thời kỳ đổi mới là hệ quả tất yếu của điểm nhìn mang tính đối thoại và nhu

cầu cá thể hóa. Nó cho thấy người cầm bút đã ý thức sâu sắc về vai trò cũng như
quyền năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Gián cách đặt ra yêu cầu rất cao ở tư
chất nghệ sĩ của nhà văn và trí tuệ người đọc. Gián cách đòi hỏi người cầm bút
phải tìm cách viết khác, người đọc phải hình thành một thị hiếu khác, phê bình
phải hình thành một bậc thang giá trị khác. Việc tác giả bước vào công cuộc thể
nghiệm lối viết văn mới, lựa chọn thể loại văn mới là cách đi thường thấy của
những nhà văn giàu tính sáng tạo, để xây dựng cho mình một quan niệm mới về
văn học, về người nghệ sĩ. Đứng trước những thách thức của thời đại, Nguyễn
Việt Hà có cơ hội được hưởng luồng sinh khí của sự đổi mới dân chủ trong văn
học. Sự đổi mới này cho phép nhà văn có quyền nhìn thẳng vào sự thật và nói
lên những điều mình nghĩ trên cơ sở hiện thực cuộc sống. Vì thế, nhân vật trong
tác phẩm của ông hiện lên như là những con người đương thời được soi chiếu từ
nhiều góc độ, những giá trị thiêng liêng, những điều trăn trở cùng bao bí ẩn xoay
quanh tâm hồn họ, tạo nên một dòng chảy bất tận. Đọc tạp văn của Nguyễn Việt
Hà: Đàn bà uống rượu (2010), Nhà văn thì chơi với ai, Mặt của đàn ông (2011)
và gần đây nhất là Con giai phố cổ (2013), người đọc bị cuốn theo những chi tiết
bất ngờ, những kiến thức uyên thâm và những lý giải thú vị.
Nguyễn Việt Hà đã dần cho người đọc thấy được sự trở về của người sáng
tác đúng với vai trò của mình trong bầu không khí tự do, dân chủ. Những nhân
vật trong tác phẩm Nguyễn Việt Hà hết sức gần gũi và thân thiện như những con
người đâu đó xung quanh chúng ta. Đó là những đàn ông, đàn bà, thiếu nữ, diễn
viên, văn sĩ, thương gia, thầy giáo… Với cách viết, cách xây dựng nhân vật của
mình, tác giả đã để cho nhân vật sống thật với mình, với những lo toan bộn bề
của cuộc sống, với những dòng hồi ức xen lẫn hiện tại, giữa thực và ảo, giữa

24


hiện thực với những điều họ mơ ước và khát khao. Từ đó bày ra bộ mặt của một
đô thị nhốn nháo, ngược xuôi giá trị, nhiều nghịch lý và đâu đó vẫn còn những

cái cao thượng ít ỏi. Nguyễn Việt Hà dựng, xoay, ngắm nghía chuyện người,
chuyện mình với đa góc nhìn. Đặc biệt cái giọng giễu cợt đặc trưng qua cách
dùng từ ngữ linh hoạt như gieo vần, đảo tính từ nhấn mạnh, cách kết thúc bằng
câu kết mở, một kiểu khẩu văn lai thơ đậm chất dân gian đương đại. Không chỉ
là sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy logic với tư duy hình tượng, sự cộng hưởng của
kết cấu linh hoạt và cách diễn đạt cô đọng, súc tích, tạp văn còn đòi hỏi người viết
phải thể hiện được phong cách, lối viết của mình qua từng trang viết. Càng đọc
càng thấy tạp văn Nguyễn Việt Hà đậm hơn, giễu cợt hơn và sâu sắc hơn.
Nguyễn Việt Hà quan niệm rằng: “Viết văn với tôi là một đam mê. Vì thế,
các tác phẩm của tôi quan tâm đến sáng tạo, trong đó viết là một chủ đề văn
học”. Chính vì coi “viết là một chủ đề văn học”, Nguyễn Việt Hà đã đưa văn học
trở về đúng vị trí của nó, coi tác phẩm như một công trình thể nghiệm khả năng
sáng tạo của mình, viết những điều mình muốn gửi đến người đọc, những tâm
huyết với nghề. Tự nhận mình là một tay “tán nhảm lắm mồm” nhưng Nguyễn
Việt Hà vẫn đang miệt mài, nghiêm túc lao động trên những trang văn.
Tạp văn của Nguyễn Việt Hà không phải là văn chương nhung lụa, cao
siêu. Nó gần gũi, đơn giản và chân thật như cuộc sống vậy. Câu từ thường dí
dỏm, có phần trào lộng về những việc mắt thấy tai nghe đời thường, lại có phần
“bảo thủ” cố hữu, rất tình. Cứ lãng đãng như sương mù Hồ Gươm và thong dong
như phố cổ giấc giữa trưa. Nói thế bởi tác giả yêu Hà Nội một cách cuồng điên,
đến ngây dại. Con giai phố cổ (NXB Trẻ) là điển hình như thế. “Bọn họ thong
thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi
dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu
là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự
nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội…” (Con giai phố cổ) [16,
27].

25



×