Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở nước ta

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (239.46 KB, 15 trang )

Bài viết tham gia Hội thảo quốc gia “Môi trường và Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi
khí hậu” do CRES tổ chức tại Hà Nội, tháng 11/2015
Một số vấn đề về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở nước ta
PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn1
Tóm tắt
Tài nguyên và môi trường (TN&MT) là một yếu tố nền tảng của phát triển bền vững
(PTBV) và nguy cơ suy giảm, suy kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường đang hiện hữu
với xu hướng ngày càng gia tăng, đe dọa tiến trình phát triển bền vững ở nước ta. Biến đổi khí
hậu (BĐKH) trên quy mô toàn cầu mà Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang gánh chịu tác
động ảnh hưởng lớn nhất và rõ rệt của BĐKH, trong đó đối với TN&MT thì tác động của BĐKH
không chỉ là hiện tại mà còn cả trong tương lai trung hạn và thậm chí dài hạn do tính chất và đặc
thù của TN&MT. Các quyết định phát triển và quản lý phát triển trong thời gian tới ở nước ta
được yêu cầu phải tính đến tác động của BĐKH.
Bảo vệ TN&MT cho PTBV là chủ trương và yêu cầu nhất quán trong lãnh đạo và quản lý
quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Bảo vệ TN&MT là vấn đề
rộng và đa chiều. BĐKH lại còn là mới mẻ với cả thế giới và Việt Nam. Bài viết này trong khuôn
khổ Hội thảo khoa học tập trung vào chủ đề bảo vệ TN&MT trong bối cảnh tác động của BĐKH
đang gia tăng ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ ở nước ta, trong đó nêu và thảo luận một số vấn đề lý
luận (chủ yếu là nhận thức) và thực tiễn về bảo vệ TN&MT nhìn từ giác độ tác động của BĐKH.
Với cách đặt vấn đề như vậy, nội dung bài viết được trình bày theo kết cấu 2 phần sau:
 Phần 1 trình bày một số nhận thức mới về bảo vệ TN&MT gắn với bối cảnh BĐKH;
 Phần 2 nêu và thảo luận một số vấn đề thực tiễn đặt ra cho công tác bảo vệ TN&MT trong
bối cảnh BĐKH ở nước ta cùng những hàm ý gợi ý về hướng xử lý, giải quyết.

Đặt vấn đề
Tài nguyên và môi trường (TN&MT) là một yếu tố nền tảng của phát triển bền vững
(PTBV) và nguy cơ suy giảm, suy kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường đang hiện hữu
với xu hướng ngày càng gia tăng, đe dọa tiến trình phát triển bền vững ở nước ta. Biến đổi khí
hậu (BĐKH) trên quy mô toàn cầu mà Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang gánh chịu tác
động ảnh hưởng lớn nhất và rõ rệt của BĐKH, trong đó đối với TN&MT thì tác động của BĐKH
không chỉ là hiện tại mà còn cả trong tương lai trung hạn và thậm chí dài hạn do tính chất và đặc


thù của TN&MT. Các quyết định phát triển và quản lý phát triển trong thời gian tới ở nước ta
được yêu cầu phải tính đến tác động của BĐKH.
1

PGS. TS., Khoa Phát triển bền vững, Học viện Khoa học xã hội, Viện KHXH VN.


Bảo vệ TN&MT cho PTBV là chủ trương và yêu cầu nhất quán trong lãnh đạo và quản lý quá
trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7
BCH TƯ Đảng (khóa XI) số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí
hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xác định “Chủ động ứng phó với
biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát
triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển
kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội”. Bảo vệ TN&MT là vấn đề rộng
và đa chiều. BĐKH lại còn là mới mẻ với cả thế giới và Việt Nam. Bài viết này trong khuôn khổ
Hội thảo khoa học tập trung vào chủ đề bảo vệ TN&MT trong bối cảnh tác động của BĐKH đang
gia tăng ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ ở nước ta, trong đó nêu và thảo luận một số vấn đề lý luận
(chủ yếu là nhận thức) và thực tiễn về bảo vệ TN&MT nhìn từ giác độ tác động của BĐKH. Bài
viết được hình thành và cập nhật, bổ sung trên cơ sở tham luận của tác giả tại Hội thảo “Chủ
động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường - Một số
vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tại Hà
Nội, tháng 12/2012. Kết cấu bài viết được trình bày theo 2 phần:
 Phần 1 trình bày một số nhận thức mới về bảo vệ TN&MT gắn với bối cảnh BĐKH;
 Phần 2 nêu và thảo luận một số vấn đề thực tiễn đặt ra cho công tác bảo vệ TN&MT trong
bối cảnh BĐKH ở nước ta cùng những hàm ý gợi ý về hướng xử lý, giải quyết.
*
*

*


1. Một số nhận thức mới về bảo vệ TN&MT gắn với bối cảnh BĐKH
Nhìn từ giác độ tư duy phát triển, các nghiên cứu gần đây về PTBV đã cho thấy rằng tư
duy về phát triển trên thế giới đã thay đổi từ việc để ý tới các giới hạn của sự tăng trưởng dựa
trên tài nguyên sang các mối quan tâm chung lớn hơn về môi trường sống, đặc biệt là là về
TN&MT trong bối cảnh tác động ngày càng rõ nét và mạnh dần lên của BĐKH.
Về lý luận, có thể nhận thấy rằng BĐKH và tác động ngày càng rõ nét của BĐKH đã đem
lại những bổ sung mới cho các lý thuyết phát triển và quản lý quá trình phát triển cả về nội dung
mới và cả về nhận thức mới, trước hết là liên quan tới PTBV. Trong một số năm gần đây, bên
cạnh PTBV đã xuất hiện những thuật ngữ mới không chỉ trong các tài liệu nghiên cứu khoa học
mà còn cả trong các quyết định quản lý phát triển ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đó là:
tăng trưởng xanh (green growth), kinh tế xanh (green economy), xã hội các bon thấp (low carbon
society), an ninh môi trường (environmental security), an ninh sinh thái (ecological security). Do
mới xuất hiện nên cho đến nay chưa có khái niệm khoa học chuẩn, thống nhất và ở các quốc gia
khác nhau chúng có nội dung rộng hẹp khác nhau trong sử dụng. Tuy vậy, nội hàm các khái niệm

2


này có điểm chung là sự ra đời gắn với bối cảnh BĐKH và phục vụ cho mục tiêu ứng phó và
giảm nhẹ các tác động của BĐKH trong PTBV, trong đó bảo vệ TN&MT, giảm phát thải khí nhà
kính là trọng tâm cốt lõi. Hộp 1 nêu một số định nghĩa của quốc tế và Việt Nam về các khái niệm
này.
Nếu xét theo nội hàm của các khái niệm mới như nêu ở Hộp 1 thì có thể thấy là chúng
không thay thế khái niệm PTBV mà là nhấn mạnh yếu tố TN&MT trong các quyết định PTBV
gắn với bối cảnh BĐKH.
Sự hiện diện của các phạm trù phát triển mới, được sử dụng trong thực tiễn quản lý quá
trình phát triển theo hướng bền vững trong bối cảnh BĐKH nói lên 2 điều rằng:
Một là, chúng (các khái niệm mới) là tất yếu và cần được nhận thức đúng, làm cơ sở cho việc
hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển theo hướng bền vững trong bối cảnh

BĐKH. Ở phạm vi quốc tế, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, xã hội/kinh tế các bon thấp đang là
chủ đề được nhiều nước quan tâm không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn cả trong hành
động và phối hợp hành động. Kinh tế xanh đã là một trong 2 nội dung chính được bàn thảo tại
Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về PTBV (gọi tắt là Rio+20) mới diễn ra từ 20 – 22
tháng 6 năm 2012 tại Rio de Janeiro, Brazil. Các thiết chế quốc tế đang được hình thành nhằm hỗ
trợ thúc đẩy và tăng cường các hoạt động phát triển hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế
xanh, kinh tế/xã hội các bon thấp. Một Quỹ tài chính quốc tế do Liên Hợp Quốc đề xuất (với tên
gọi của Quỹ là Quỹ Khí hậu xanh - GCF, trụ sở đặt tại Hàn Quốc) có quy mô khoảng 100 tỷ USD
đang được hình thành với sứ mạng và mục tiêu hoạt động nhằm vào hỗ trợ tăng trưởng và phát
triển trong bối cảnh BĐKH ở các nước, chủ yếu là đang phát triển.

Hộp 1. Một số định nghĩa của quốc tế và Việt Nam về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh,
xã hội các bon thấp
- Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được
kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm
phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải
hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội. (định nghĩa của tổ chức Sáng kiến tăng trưởng
xanh của Liên Hợp Quốc).
- Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam: là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và
hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao
sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cướng đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự
nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm
bảo phát triển kinh tế bền vững. (theo Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh của Việt
Nam, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012).

3


- Nền kinh tế xanh là nền kinh tế tạo ra, phân phối sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi
trường, năng lượng tái tạo, giao thông và nhiên liệu sạch và công trình xanh, giảm mức tiêu

thụ năng lượng, nguyên liệu, nước thông qua chiến lược hiệu quả năng lượng và tài nguyên
và chuyển đổi từ các cấu phần các bon sang không các bon (theo Tổ chức hợp tác kinh tế và
phát triển – OECD).
- Nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã
hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một
cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng
tới công bằng xã hội. (theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP).
- Xã hội các bon thấp là xã hội có mức hiệu quả sử dụng năng lượng cao và sử dụng các
nguồn năng lượng và công nghệ sản xuất các bon thấp (định nghĩa của Mạng lưới nghiên cứu
quốc tế về xã hội các bon thấp – LCSRNet).
- An ninh môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do
sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia.
(theo Dự án Thiên niên kỷ của Hội đồng châu Mỹ của LHQ).
- An ninh sinh thái có nghĩa là không có những đe doạ đối với con người về cuộc sống, sức
khỏe, sự thoải mái, các quyền lợi cơ bản, các nguồn đảm bảo cho cuộc sống, các tài nguyên
cần thiết, hậu quả về xã hội và các khả năng thích nghi với các thay đổi môi trường, v.v., bao
gồm an ninh sinh thái tự nhiên, an ninh kinh tế và an ninh xã hội. (Định nghĩa của Nghiên
cứu Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế của Hoa Kỳ - IIASA).

Hai là, gắn liền với bối cảnh phát triển mới (cụ thể ở đây là BĐKH) là cách tiếp cận mới
về phát triển và quản lý quá trình phát triển cùng các công cụ quản lý mới đang được hình thành
và phát triển nhằm không chỉ thực hiện các ý tưởng mới (tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh
tế/xã hội các bon thấp) mà còn làm cho việc bảo vệ TN&MT trở nên hiệu quả hơn do trong tiếp
cận phát triển và quản lý phát triển mới này TN&MT được đặt vào vị trí trung tâm, mà theo nhận
xét của tôi, còn cao hơn, thậm chí trong những trường hợp cần thiết còn tác động điều chỉnh cả
lĩnh vực kinh tế, xã hội (thí dụ như giảm hay hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế, thay đổi, chuyển
đổi cơ cấu kinh tế, ngành nghề, sinh kế, …, thậm chí hình thành và phát triển một lĩnh vực hoạt
động kinh tế - xã hội mới tạo việc làm, đem lại doanh thu lớn không kém các ngành kinh tế khác
như kinh tế môi trường/dịch vụ môi trường, công nghệ môi trường).
Như đã nói ở trên, tiếp cận có tính chất xanh không thay thế cho PTBV mà là một cách

thức thực hiện PTBV, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh TN&MT. Tăng trưởng xanh,
kinh tế xanh tuy được diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng đều có chung một tiêu điểm là
TN&MT được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị,
đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Điểm chung này có phần khác hơn (đúng hơn là sự
điều chỉnh gắn với bối cảnh BĐKH) so với khái niệm PTBV, ở chỗ trong nền kinh tế xanh, thay

4


vì nhấn mạnh sự kết hợp hài hòa 3 trụ cột của PTBV là kinh tế, xã hội và môi trường, đặt sử dụng
tiết kiệm, thông minh TN&MT là trung tâm, mang tính chất quyết định đối với các quyết định
phát triển. Điều này cũng có nghĩa là bền vững về TN&MT được coi là tâm điểm của kinh tế
xanh.
Cũng với tiếp cận mới đặt TN&MT vào tâm điểm của các cân nhắc và quyết định về tăng
trưởng, phát triển thì các công cụ quản lý quá trình tăng trưởng, phát triển cũng được điều chỉnh
tương ứng. Sự điều chỉnh này diễn ra theo 2 hướng: (i) các công cụ quản lý hiện có được tăng
cường sử dụng với yêu cầu hướng mạnh vào bảo vệ TN&MT một cách hợp lý, thông minh, bền
vững trong bối cảnh BĐKH; và (ii) tạo dựng và đưa vào sử dụng các công cụ quản lý mới cho
bảo vệ TN&MT trong bối cảnh phát triển mới.
Đối với việc tăng cường sử dụng các công cụ quản lý hiện có gắn với yêu cầu hướng
mạnh vào bảo vệ TN&MT một cách bền vững trong bối cảnh BĐKH, có 2 điểm đáng chú ý: một
là, các công cụ về bảo vệ TN&MT được tăng cường cả về địa vị pháp lý, cả về tổ chức thực hiện
để bao quát nhiều hơn, rộng hơn các mặt, các khía cạnh của TN&MT, thí dụ như các sắc thuế,
phí, quỹ, phạt, … liên quan tới TN&MT hay tăng cường bộ máy tổ chức, năng lực quản lý về
TN&MT hoặc tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ TN&MT,
tăng cường sự tham gia của các cộng đồng, các tổ chức xã hội trong bảo vệ TN&MT, … Hai là,
một số công cụ quản lý được gắn thêm tính từ “xanh” để thể hiện sự tăng cường chú ý tới bảo vệ
TN&MT, thí dụ như thuế xanh, quỹ xanh hay lối sống xanh, tiêu dùng xanh, mua sắm công xanh,
đô thị xanh, sản phẩm xanh, …
Đối với việc tạo dựng và đưa vào sử dụng các công cụ quản lý mới, trong những năm gần

đây đã xuất hiện một vài công cụ quản lý mới đối với TN&MT trong thực tiễn quản lý ở không ít
các quốc gia phát triển và đang phát triển gắn với bối cảnh BĐKH, như tín chỉ các bon và thị
trường mua bán tín chỉ này (thị trường các bon); chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES); bồi
hoàn đa dạng sinh học; … Các công cụ này hiện mới đang ở bước đi ban đầu trong sử dụng và
đang tiếp tục được hoàn thiện và mở rộng phạm vi áp dụng. Trong bối cảnh hệ sinh thái và đa
dạng sinh học trên thế giới đang diễn biến theo chiều hướng suy giảm ngày càng nhiều hơn dưới
tác động của BĐKH, cuối năm 2010 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã thiết lập Diễn đàn Chính
sách Khoa học Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và Các dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES) và đưa
ra cách tiếp cận mới về giá trị kinh tế của hệ sinh thái, được thử nghiệm thông qua một dự án
nghiên cứu quốc tế có tên gọi là “Kinh tế học về Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học (The
Economics of Ecosystems and Biodiversity – TEEB). Tiếp cận mới này nhấn mạnh lợi ích kinh tế
của các dịch vụ hệ sinh thái và đánh giá những tổn thất khi tính đa dạng sinh học bị mất đi và hệ
sinh thái bị xuống cấp. Giữa năm 2011 Việt Nam đã đăng cai Hội nghị khu vực Đông Nam Á về
Kinh tế học của Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái hướng tới nền kinh tế xanh với sự tham gia
của 11 nước và vùng lãnh thổ (tổ chức tại Hà Nội, 28-29/06/2011). Trong bối cảnh BĐKH nhiều
quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hiện đang cố gắng đưa vào áp dụng tiếp cận thích

5


ứng dựa vào hệ sinh thái (Ecosystem-based Adaptation) và hiện thực hóa vào trong các quyết
định phát triển. Thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái là cách tiếp cận đã được xác định
trong Công ước về Đa dạng sinh học (CBD, 2009), theo đó thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh
thái (EbA) là “sử dụng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái như một phần tổng thể của chiến
lược thích ứng giúp cho con người ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH”.
Nhìn chung, xu hướng hiện nay là các quốc gia đều cố gắng hướng tới PTBV với sự điều
chỉnh cách tiếp cận phát triển phù hợp với bối cảnh BĐKH, trong đó tuy vẫn lấy phát triển kinh tế
- xã hội làm nền tảng nhưng sự phát triển này được yêu cầu đảm bảo bảo vệ một cách bền vững
vốn tự nhiên. Vốn tự nhiên cũng là một khái niệm mới (Hộp 2) và việc thừa nhận nó (vốn tự
nhiên) có nghĩa là nó phải được ứng xử như là một phạm trù của kinh tế, ít ra trên 2 khía cạnh sử

dụng, là: bảo tồn vốn gốc và có lãi (được phát triển). Hiện tại, vốn tự nhiên đã chính thức được
đưa vào chính sách quản lý TN&MT ở nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng
(khóa XI) số 24-NQ/TW đã xác định “Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự
nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá
trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết
kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh tài
nguyên”.

Hộp 2. Một định nghĩa về vốn từ nhiên
Vốn tự nhiên là đất đai, không khí, nước, các sinh vật sống và dạng sống trong sinh quyển
cung cấp cho con người các hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái cần thiết để tồn tại. (Định
nghĩa của Viện Quốc tế về PTBV)
Cách tiếp cận mới như trình bày ở trên đòi hỏi một mô hình phát triển mới, khác với mô
hình kiểu cũ. Sự khác biệt này thể hiện ở những điểm sau:
(i) Sự xuất hiện và có trọng số ngày càng tăng của các giá trị TN&MT. TN&MT được lượng
giá và được đưa vào tính toán, không chỉ như là yếu tố chi phí đầu vào mà còn như là yếu
tố bị hao mòn (hữu hình, vô hình) cần được bù đắp, khôi phục, bảo tồn và phát triển. Sự
có mặt của các giá trị TN&MT trong các tính toán về phát triển có tác dụng làm cho các
quyết định về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội được duy trì, thực hiện lâu dài.
(ii) Sự tham gia/tham dự của cộng đồng là điều kiện tiên quyết, quan trọng. Khác với mô
hình phát triển kinh tế truyền thống trước đây chủ yếu dựa vào sự phân công, chuyên môn
hoá và hợp tác lao động ở các khâu của quá trình sản xuất nhằm mục tiêu lợi nhuận tối đa,
hiệu quả kinh tế tối đa, mô hình PTBV dựa vào sự tích hợp (integration) tất cả các khâu
của quá trình sản xuất với sự lôi kéo tham gia của tất cả các bên liên quan (stakeholders)

6


nhằm không chỉ mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn cả hiệu quả về TN&MT. Mô
hình PTBV đã đưa hệ thống sinh thái tự nhiên vào trong các yếu tố cấu thành của mình.

Mà hệ thống sinh thái này liên quan trực tiếp tới mọi người, không phân biệt và phụ thuộc
vào giới hạn của phân công, chuyên môn hoá của quá trình sản xuất. Sự tham gia/tham dự
của các cộng đồng (doanh nghiệp, dân cư, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, …)
chính là cách thức thể hiện mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa hệ thống kinh tế - xã hội và
hệ thống sinh thái - tự nhiên.
(iii)Mô hình PTBV dựa trên cơ sở những khái niệm mới như sản xuất sạch (Clean
production), công nghệ sạch/thân thiện môi trường (Clean/Environmentally sound
Technologies), tổng sản phẩm quốc dân/tổng sản phẩm quốc nội xanh (Green GDP/GNP),
tiêu dùng xanh (Green consumtion), năng suất xanh (Green productivity), … Những khái
niệm mới của PTBV ngày càng được chú ý đưa vào trong chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch, chương trình, dự án phát triển. Đã có những dự báo rằng trong một tương lai gần,
các khái niệm mới này sẽ dần thay thế cho các khái niệm truyền thống.
(iv) Việc quản lý quá trình PTBV theo đuổi mục tiêu phát triển mới. Mô hình PTBV kết hợp
trong mình nhiều yếu tố hợp thành, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. Mục
tiêu của việc quản lý như vậy không chỉ đơn thuần nhằm vào tăng trưởng kinh tế và tiến
bộ xã hội mà còn cả vào mục tiêu sinh thái-tự nhiên, điều mà trong mô hình quản lý phát
triển truyền thống trước đây không có hoặc ít được chú ý.
2. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra cho công tác bảo vệ TN&MT trong bối cảnh BĐKH ở
nước ta
Như đã nói ở trên, xu hướng trong lãnh đạo, quản lý quá trình PTBV trong bối cảnh
BĐKH ở các quốc gia trên thế giới hiện nay là hướng vào tăng trưởng, phát triển xanh. Thực
trạng phát triển ở nước ta cho đến nay về thực chất vẫn còn là mang tính chất “nâu” (theo cách
phân loại phát triển của quốc tế), nghĩa là sự phát triển mà trong đó tăng trưởng, phát triển kinh tế
dựa nhiều vào khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường vượt quá ngưỡng tự phục
hồi của tự nhiên, ngưỡng tiếp nhận chất thải của môi trường, gây tổn hại, ô nhiễm, suy thoái môi
trường. Đã một thập niên trôi qua kể từ khi Chương trình nghị sự 21 về PTBV của Việt Nam
được ban hành thực hiện (2004) nhưng bức tranh về TN&MT trong PTBV ở nước ta cho đến nay
nhìn chung còn ít được cải thiện, thậm chí so với lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội thì lại còn
xuất hiện thêm những mảng tối, làm cho bức tranh chung về PTBV của đất nước ít sáng sủa.
Nhận định của 10 năm trước đây liên quan đến TN&MT trong Chương trình nghị sự 21 về PTBV

của Việt Nam đến nay vẫn còn đúng là “phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta vẫn còn dựa nhiều
vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô
hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải... Nhiều

7


nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường
thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động”.
BĐKH đang tác động làm gia tăng rõ rệt những tổn hại, tổn thất về tự nhiên và môi
trường, buộc các quốc gia phải điều chỉnh chiến lược và chính sách phát triển để thích ứng, thích
nghi, ứng phó.
Tính chất “nâu” trong tăng trưởng, phát triển hiện nay ở nước ta đã được định hướng
chuyển dần sang tính chất “xanh” và bền vững thông qua điều chỉnh định hướng chiến lược tăng
trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 đã
xác định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững và theo chiều
sâu, trong đó “gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”. Chiến lược
quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành tháng
9/2012) ngay sau khi có Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã xác định quan
điểm “Tăng trưởng xanh là một nội dung của PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả,
bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH”. Tuy vậy, bên cạnh
những thuận lợi, cơ hội thì sự chuyển (tuy là dần) sang tính chất “xanh” và bền vững này đang
đứng trước nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Báo cáo quốc gia của Việt Nam “Thực hiện PTBV
ở Việt Nam” tại Hội nghị cấp cao LHQ về PTBV (RIO+20) họp ở thành phố Rio de Janeiro,
Brazil, 20-22/5/2012, đã nhận định “Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều mặt yếu kém; tài
nguyên thiên nhiên vẫn đang bị khai thác lãng phí và sử dụng kém hiệu quả, các vấn đề môi
trường như ô nhiễm môi trường nước, không khí; suy giảm đa dạng sinh học; tỷ lệ thu gom chất
thải rắn chưa đạt yêu cầu, khai thác khoáng sản bừa bãi gây bức xúc trong nhân dân” và lưu ý
rằng “Trong tương lai, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất
của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và thường xuyên bị thiên tai, làm cho việc đảm bảo

môi trường bền vững đòi hỏi nỗ lực hơn nhiều trong thời gian tới. Việc đảm bảo bền vững về môi
trường là thách thức lớn đối với Việt Nam ở tất cả các khía cạnh về môi trường”. Báo cáo quốc
gia này, bên cạnh khẳng định những kết quả, thành tựu trong thực hiện các mục tiêu PTBV đã
cam kết, cũng đã xác định 5 thách thức chính đối với PTBV ở Việt Nam, trong đó hầu hết đều
liên quan đến TN, MT và BĐKH, là:
- Tác động của khủng hoảng tài chính, biến động giá lương thực và năng lượng
- Biến đổi khí hậu
- Tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt
- Ô nhiễm môi trường
- Sản xuất và tiêu dùng còn nhiều lãng phí và không hiệu quả.
Đánh giá tổng quát chung về kết quả thực hiện MDGs và các mục tiêu chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn hơn 1 thập niên qua (từ 2001 đến nay) là đạt kết quả
tốt trên lĩnh vực kinh tế và xã hội nhưng không tốt trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Xét
theo khả năng đạt các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) về PTBV đã cam kết với quốc tế ở mốc

8


năm 2015 Báo cáo quốc gia “Thực hiện PTBV ở Việt Nam” tại Hội nghị cấp cao LHQ về PTBV
(RIO+20) họp cuối tháng 6 năm 2012 nhằm đánh dấu 20 năm chặng đường thực hiện PTBV từ
sau Hội nghị RIO năm 1992, đã nhận định rằng tới cuối chặng đường thực hiện các MDGs (năm
2015) Việt Nam có khả năng và cố gắng đạt 7/8 mục tiêu (về kinh tế và về xã hội), riêng mục tiêu
về môi trường (mục tiêu MDG số 7 “Đảm bảo bền vững về môi trường” thì được đánh giá là
“Khó đạt, còn nhiều khó khăn” (Bảng 1).
Bảng 1. Đánh giá tình hình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của
Việt Nam

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ

Khả năng đạt vào 2015


1 MDG1: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói
Đạt chắc chắn
2 MDG2: Phổ cập giáo dục tiểu học
Đạt chắc chắn
3 MDG3: Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho Đạt chắc chắn
phụ nữ
4 MDG4: Giảm tử vong ở trẻ em
Có khả năng đạt
5 MDG5: Tăng cường sức khỏe bà mẹ
Cố gắng đạt
6 MDG6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác
Còn khó khăn, phấn đấu
đạt
7 MDG7: Đảm bảo bền vững về môi trường
Khó đạt, còn nhiều khó
khăn
8 MDG8: Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển
Đạt ở một số nội dung
Nguồn: Nước CH XHCN Việt Nam, Thực hiện PTBV ở Việt Nam, Báo cáo quốc gia tại Hội nghị
cấp cao LHQ về PTBV (RIO+20), tháng 5-2012, Phụ lục 2.
Nếu như trong chặng đường phát triển giai đoạn tới xu thế này vẫn tiếp tục diễn ra, cụ thể
là lĩnh vực kinh tế và xã hội vẫn tiếp tục có những kết quả, thành tựu tốt, thậm chí “về đích” sớm,
còn lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn tiếp tục tụt hậu ngày càng xa so với các lĩnh vực kinh
tế và xã hội, thậm chí không đạt các mục tiêu môi trường đặt ra thì bức tranh PTBV của đất nước
chắc chắn sẽ không còn là bền vững mà thậm chí còn ngược lại, có thể là “thảm cảnh”. Giới quản
lý và khoa học nêu nguyên nhân khác nhau của thực trạng này: có ý kiến cho rằng chỉ tiêu môi
trường đặt ra quá cao, không phù hợp với khả năng, nguồn lực thực hiện; có ý kiến cho rằng lý do
đích thực nằm ở tư duy, nhận thức, ý thức không đầy đủ, không đúng, thậm chí lệch lạc về bảo vệ
TN&MT. Tôi nghiêng về nhận định lý do nằm ở tư duy, nhận thức và chính tư duy, nhận thức

không đầy đủ, không đúng trong xã hội, cả trong quản lý và cả trong hành động về phát triển nên
không huy động được một cách tương xứng các nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về
TN&MT. Có không ít những minh chứng cho nhận định này, nhưng ở đây tôi muốn lưu ý tới
khía cạnh mà bài viết này mong muốn là cần có nhiều hơn những nghiên cứu đầy đủ và toàn diện
về những thiệt hại về tài nguyên và môi trường và được lượng giá để thấy rằng thiệt hại về
TN&MT to lớn đến mức nào nếu cứ để xu hướng diễn biến TN&MT ngày càng xấu đi như các
báo cáo môi trường quốc gia hàng năm và 5 năm đã cảnh báo. Con số thiệt hại về TN&MT ở

9


Việt Nam hay được viện dẫn, nhắc tới thường là vài phần trăm so với GDP (khoảng 3 – 5%),
nhưng đó là của các chuyên gia quốc tế. Cũng có một số nghiên cứu định lượng thiệt hại do các
chuyên gia Việt Nam tiến hành nhưng thường là cho một hoặc một vài đối tượng/lĩnh vực nhất
định (gỗ trong lâm nghiệp, thủy hải sản, …) hay cho khu vực (vùng đất ngập nước, khu bảo tồn,
vườn quốc gia, …) với các con số kết quả tính toán giá trị thiệt hại gây nhiều tranh cãi hơn là
thừa nhận vì nhiều lý do, trong đó có lý do liên quan tới xác định các giá trị cho các thành phần
môi trường, sản phẩm môi trường không phản ánh sát thực hay không phù hợp với thực tế có thể
cảm nhận bằng trực quan. Thực tế phổ biến ở nhiều địa phương là người ta chấp nhận chịu nộp
phạt cho hành vi làm tổn hại môi trường hơn là tránh hay không thực hiện hành vi này. Trên
phương diện quản lý nền kinh tế thị trường thì thực tế này phản ánh đã cung cấp các tín hiệu
không sát thực, thậm chí sai lệch, cho các quyết định hành động. Trong Báo cáo về Phát triển
Việt Nam năm 2010 (VDR 2010) có tiêu đề “Quản lý tài nguyên thiên nhiên” do các chuyên gia
của Ngân hàng Thế giới thực hiện và công bố tháng 12 năm 2010 cũng đưa ra cảnh báo rằng “nếu
tăng trưởng kinh tế đặt “mức chi phí bằng 0” cho các tác động môi trường thì thị trường và những
người ra quyết định sẽ nhận được những dấu hiệu sai, và do đó sẽ phá hỏng những ích lợi từ quá
trình phát triển” và cho rằng một trong những việc cần làm để đạt được sự bền vững môi trường ở
Việt Nam là “gán các giá trị cho môi trường”2. Lời khuyên này là hoàn toàn đúng và đội ngũ
chuyên gia Việt Nam có khả năng thực hiện được việc này và khi làm công việc này cũng đồng
thời có nghĩa rằng Nhà nước phát đi tín hiệu mọi hoạt động tăng trưởng kinh tế phải tính đến chi

phí môi trường.
Cũng có một lưu ý khác nữa là có thể cảm nhận rằng việc thực hiện và giám sát thực hiện
cũng như sự đầu tư xã hội cho các mục tiêu về kinh tế và xã hội được quan tâm nhiều hơn rất
nhiều so với các mục tiêu về TN&MT. Thậm chí, có không ít các gói “giải cứu” trong thời gian
qua đã được tung ra để cứu nguy cho nguy cơ diễn biến xấu về kinh tế hay về xã hội nhưng lại
chưa có gói “giải cứu” tương tự cho các nguy cơ diễn biến xấu về TN&MT, mặc dù các nguy cơ
này, nhìn từ giác độ PTBV, không kém phần nghiêm trọng. Đã nhiều năm nay các cơ quan quản
lý môi trường (trung ương, địa phương) gặp không ít khó khăn trong việc huy động nguồn lực
phát triển cho bảo vệ môi trường với nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước (chi thường xuyên
và chi đầu tư phát triển) trong nhiều năm qua chỉ dao động xung quanh mức 1 - 2% tổng chi ngân
sách, tức khoảng 0,5 - 1% GDP, còn huy động từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước (hay từ nguồn
xã hội hóa) được đánh giá là không nhiều và không ổn định, chắc chắn. Nếu đem so sánh tỷ lệ
đầu tư cho môi trường (giả định tổng cộng các nguồn là 1% GDP) thì so với mức thiệt hại môi
trường hàng năm (cho rằng là 3 – 5% GDP như nêu ở trên) thì có thể thấy rõ ràng là càng tăng
trường kinh tế (tăng GDP) thì thiệt hại môi trường tích lũy càng lớn (vì không được bù đắp hàng
năm) và do vậy sự phát triển của đất nước càng trở nên không bền vững.

2

Cụ thể có thể tham khảo tại: Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010, Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Chương 1.

10


Trong tầm nhìn một vài thập kỷ tới, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh là cách thức phát triển
được Đảng và Nhà nước ta lựa chọn để thực hiện PTBV đất nước trong bối cảnh BĐKH. Sự lựa
chọn tăng trưởng xanh, kinh tế xanh cũng thể hiện sự điều chỉnh, thay đổi tư duy quản lý phát
triển ở Việt Nam. Đó là, như đã nói ở trên, khi lựa chọn tăng trưởng xanh, kinh tế xanh thì tất yếu
là các vấn đề TN&MT sẽ phải được đặt vào vị trí trung tâm trong các quyết định phát triển, chứ
không chỉ là lồng ghép chúng (các vấn đề TN&MT) vào trong các quyết định phát triển.

Có vẻ và dường như ở nước ta cho đến nay trong suy nghĩ và hành động, trong đó có cả ở
bộ phận không nhỏ những người hoạch định và quyết định chính sách phát triển, vẫn còn coi tăng
trưởng kinh tế mới là mục tiêu đích thực cần được ưu tiên nhằm vào trước hết, còn TN&MT chỉ
là phương tiện cho việc đạt mục tiêu kinh tế. Sự doãng ngày xa giữa tăng trưởng, phát triển kinh
tế và bảo vệ TN&MT thời gian qua ở nước ta như đã nói ở trên cũng cho thấy sự ưu tiên cho lĩnh
vực kinh tế, phản ánh tư duy phát triển theo kiểu “kinh tế trước, môi trường sau” mà trong Nghị
quyết số 41 của Đảng đã nhận xét rằng “chưa bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo
vệ môi trường, thường chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế mà ít quan tâm việc bảo vệ môi
trường”3. Ở đây, cũng lưu ý một điều rằng sự thay đổi tư duy thường không dễ dàng và sự điều
chỉnh, thay đổi tư duy và hành động “kinh tế trước, môi trường sau” sang tư duy và hành động
đặt các vấn đề TN&MT vào vị trí trung tâm của các quyết định phát triển chắc chắn sẽ không
kém phần khó khăn và trở ngại so với việc lồng ghép. Có nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng có lẽ
khó khăn và trở ngại lớn nhất và cơ bản ở đây, theo tôi, là ở nước ta vẫn còn đang thịnh hành suy
nghĩ rằng chi phí bảo vệ TN&MT chủ yếu thuộc loại chi phí “tiêu tốn” mà chưa phải là loại chi
phí “sinh lợi”, nghĩa là chúng “giúp” cho quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội mà
chưa phải là đem lại giá trị gia tăng cho quá trình này. Hệ quả là người ta thường hạn chế hay tiết
giảm chi phí bảo vệ TN&MT hơn là tăng chúng. Hạn chế hay tiết giảm nói ở đây là về tương đối,
nghĩa là so với các chi phí khác (kinh tế, xã hội) thì mức tăng chi phí cho bảo vệ TN&MT thường
ít hơn, chậm hơn. Đầu tư (bao gồm từ nguồn nhà nước và xã hội hóa) trong lĩnh vực TN&MT ở
nước ta được đánh giá là thấp hơn nhiều không chỉ trong so sánh với quốc tế, khu vực hay so với
yêu cầu, nhu cầu thực tế mà còn cả trong so sánh với các lĩnh vực khác (kinh tế, xã hội, giáo dục
– đào tạo, KH&CN, …). Việc cần làm và nên được coi là quan trọng, cấp bách để thay đổi tư duy
phát triển gắn với kinh tế xanh ở Việt Nam, theo tôi, là có được các chứng cứ, minh chứng cho
tính chất sinh lợi của các chi phí cho bảo vệ TN&MT. Đây cũng là một nội dung của việc “gán
các giá trị cho môi trường” đã nói ở trên và là sứ mệnh, nhiệm vụ của cộng đồng KH&CN và
quản lý Việt Nam đối với PTBV nói chung và phát triển nền kinh tế xanh của đất nước.
Ngoài ra cũng có điều cần lưu ý nữa là, như đã biết, bản chất của PTBV là sự kết hợp hài
hòa các lĩnh vực, các trụ cột của tăng trưởng và phát triển là kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường,
chính trị - thể chế và kinh tế xanh như là cách thức thực hiện PTBV, đặt sử dụng tiết kiệm, thông
3


Nguồn: Nghị quyết của Bộ Chính trị số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh
CNH, HĐH đất nước.

11


minh tài nguyên và môi trường là trung tâm, mang tính chất quyết định đối với các quyết định
phát triển. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển sang chú trọng chiều sâu
với PTBV là yêu cầu xuyên suốt trong các quyết định phát triển. Đại hội lần thứ XI của Đảng
CSVN vừa qua đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước để hướng nhiều hơn, mạnh
hơn vào đáp ứng các yêu cầu PTBV và tăng trưởng xanh là một nội dung của Chiến lược PTBV
Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trong mô hình tăng trưởng và phát triển trước đây và trong
nhiều năm qua, kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội lại không/ít
được cải thiện, thậm chí còn doãng xa; còn môi trường, chất lượng các thành phần môi trường lại
xấu đi và suy giảm, suy kiệt. Đây là mô hình phát triển được thế giới cảnh báo là không nên theo
đuổi mặc dù các thành tựu, kết quả rõ rệt, nhanh chóng, đầy ấn tượng trong ngắn hạn và trung
hạn nhưng phải trả giá trong phát triển dài hạn vì thành công của mô hình này dựa trên sự khai
thác thô bạo, tàn phá thiên nhiên, hủy hoại môi trường và như vậy đồng thời cũng hủy hoại luôn
tương lai phát triển của chính mình. Các nhà khoa học đã tính toán rằng nếu cả thế giới đi theo
mô hình phát triển chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên và tiêu dùng kiểu như ở các nước tư
bản phương Tây thì phải cần tới vài hành tinh như trái đất của chúng ta mới đáp ứng đủ nhu cầu
về TN&MT. Rất tiếc là cho đến nay và trong tầm nhìn của cả thế kỷ 21 chưa có hy vọng tìm ra
một hành tinh nào như trái đất của chúng ta. Những hy vọng về triển vọng của mô hình phát triển
nói trên rằng sự khôn khéo, thông minh của con người, sự tiến bộ KH&CN cùng với sự hoàn
thiện các thị trường sẽ giúp tìm ra giải pháp cho PTBV đang ngày càng trở nên xa vời với sự hiện
hữu ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ tác động của BĐKH, của khan hiếm tài nguyên, nguồn năng
lượng cùng với sự gia tăng của các xung đột xã hội, xung đột vũ trang, thậm chí chiến tranh mà
trong số các nguyên nhân sâu xa có nguyên nhân về nguồn tài nguyên, năng lượng và môi
trường. Những lời cảnh báo về bẫy phát triển thu nhập trung bình, về lời nguyền tài nguyên, lời

nguyền môi trường đã được các nhà khoa học đưa ra trong những năm gần đây đối với các nước
đang phát triển còn đang kỳ vọng và hy vọng nhiều vào sự điều chỉnh, hoàn thiện mô hình kinh tế
thị trường, rằng các kỳ vọng và hy vọng ấy tuy là chính đáng nhưng lại là vô vọng vì trung tâm
của mô hình kinh tế thị trường là dựa vào sự gia tăng, sự kích thích và thỏa mãn tối đa lợi ích
kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của con người. Và để thỏa mãn tối đa nhu cầu tiêu dùng của con
người với mục tiêu thu lợi nhuận tối đa thì càng phải khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi
trường. Do vậy, lời khuyên được đưa ra là các quốc gia đang phát triển nên chú ý nhiều hơn tới
củng cố và duy trì nền tảng vững chắc, lâu dài, bền vững cho quá trình tăng trưởng và phát triển
của mình là tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của mình. Cụ thể là đặt tài nguyên thiên
nhiên và môi trường vào trung tâm của các quyết định phát triển, tức là “xanh hóa” quá trình phát
triển, từ tư duy cho đến hành động.
*
*

*

12


BĐKH với các tác động ngày càng rõ rệt và to lớn là tác nhân quan trọng cần được tính
đến cả trong các quyết định phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việt Nam là quốc gia chịu
tác động của BĐKH mạnh và trên phạm vi ngày càng rộng. TN&MT của đất nước cũng chịu sự
tác động rõ rệt và mạnh mẽ của BĐKH. Con người chỉ có thể thích nghi, thích ứng và giảm nhẹ
tác động của BĐKH thông qua các quyết định phát triển bằng cách khai thác, sử dụng tài nguyên
thiên nhiên một cách thông minh, tiết kiệm, hiệu quả và thải bỏ chất thải ra môi trường trong giới
hạn khả năng tiếp nhận của môi trường. Bối cảnh phát triển mới đòi hỏi phải đặt TN&MT vào vị
trí trung tâm của các quyết định phát triển mà không phải lồng ghép chúng. Chi tiêu xã hội cho
bảo vệ TN&MT không phải là tiêu tốn mà là để sinh lợi, để phát triển. TN&MT cần được “gán
các giá trị” (tức lượng giá) sao cho chúng phản ánh được lợi ích hiện tại và cả lợi ích tương lai và
việc khai thác lợi ích tương lai cần được đặt trên cơ sở tư duy vay mượn TN&MT của thế hệ

tương lai và cần được trả lại cả gốc lẫn lãi. Đó là những thông điệp mà bài viết này muốn gửi
gắm và trao đổi.

13


Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 về BVMT trong thời kỳ
đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
2. Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thực hiện PTBV ở Việt Nam, Báo cáo quốc gia tại Hội nghị cấp
cao LHQ về PTBV (RIO+20), tháng 5-2012.
3. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa XI) số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ
động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Ngân hàng Thế giới, Báo cáo Phát triển Việt Nam 2010, Quản lý tài nguyên thiên nhiên,
2010.
Abstract
Some issues of environment and natural resources protection in context of climate change
in Vietnam
By Nguyen Danh Son4
Environment and natural resources is a basic factor of sustainable development (SD) and a risk of
natural resources degradation and environmental pollution is being available with a growing
tendency and is threatening SD process in Vietnam. Climate change (CC) happens in a world
scale and Vietnam is a country who have biggest and clear impact of CC. In the area of the
environment and natural resources the CC impact is not only at present but also in mid-term and
even in long-term future because of environment and natural resources characters. Development
decisions and management in coming time in Vietnam are requested to consider CC impacts.
Environment and natural resources protection for SD is a consistent policy and requirment in
leadership and management of socio-economic development process in Vietnam. Environment
and natural resources protection is a wide and multidimensional issue. CC is a new for the world
and Vietnam. This paper in the scientific workshop framework is focusing on some issues of

environment and natural resources protection in context of CC impacts that are growing clearer
and stronger in Vietnam. The paper raises and discusses some theoritical (mainly awareness) and
practical issues of environment and natural resources protection from point of view of CC
impacts. The paper structure encompasses 2 parts:
- Part 1 presents some new awarenesses of environment and natural resources protection in
context of CC;
- Part 2 discusses some practical posed for environment and natural resources protection in
context of climate change in Vietnam with policy recommendations.
4

Lecturer, Sustainable development Faculty, Graduate Academy of Social Sciences (GASS), Vietnam Academy of
Social Sciences (VASS).

14


15



×