Miên man về sự lương thiện
(Miên man tùy bút của Lý Lan, NXB Văn Nghệ)
TT - Vào đầu sách, Lý Lan viết: “Cái này không phải là tự truyện”, nhưng khi đọc hết 250
trang sách thì thấy “cái này” như là... tự truyện của tác giả - nhà giáo, nhà văn Lý Lan.
Quê nội Lý Lan ở Quảng Tây,Trung Quốc; quê ngoại ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Chị sinh ra tại
quê ngoại, lớn lên ở Chợ Lớn, rồi làm cô giáo, viết văn, làm thơ và dịch sách. Chị đã nhận bằng
cao học văn chương tại Mỹ (Lý Lan nhận được học bổng Fulbright).
Nhân vật xoay quanh tác giả, người miên man kể chuyện là những người máu mủ ruột rà, là
người thân, là thầy cô, là học trò, là bạn bè, là những người tình cờ gặp nhau hay chỉ nhìn thấy,
cảm thấy trên những chuyến ngao du chưa biết mệt mỏi của mình.
Mẹ mất sớm, lúc nhỏ Lý Lan sống với ngoại. Ông ngoại suốt ngày cùng con trâu cày xới loanh
quanh miếng ruộng ngập nước. Còn bà ngoại thì gánh rau ra chợ bán với đôi bàn chân đất nứt
nẻ, hai vai chai sần. Người cha cũng suốt đời đi bộ. Ông là người bán hàng rong, không đọc
được chữ Việt ngoại trừ việc nhận mặt chữ tên họ của mình và các con.
Lý Lan không miên man kỷ niệm buồn vui. Chị miên man bởi cảm xúc và ghi lại những điều
được lưu giữ trong lòng. Điều trở đi trở lại trong thiên tùy bút của Lý Lan vẫn là việc dạy và học,
vẫn là người dạy và người học. Bà ngoại là người thầy đầu tiên với những ứng xử giàu lòng
nhân ái từ những việc nho nhỏ; khi thấy cô cháu gái qua cầu rơi mất dép, bà bảo cháu bỏ luôn
chiếc còn lại để ai đó lượm được chiếc kia thì thấy luôn chiếc này và được cả đôi để mang.
Người cha thì dạy con bằng chính cuộc đời cần lao lương thiện của mình. Đến lớp là hình ảnh
cô Minh dạy văn.
Chị viết: “Vì yêu cô mà tôi thích môn học này và vì thích môn học này mà tôi yêu tất cả các giáo
sư dạy tôi môn đó trong suốt bảy năm trung học”. Rồi những giờ dạy quên phắt giáo án của
thầy D. ở giảng đường đại học. Lý Lan cũng không còn nhớ thầy dạy những gì nhưng điều quan
trọng nhất là chị đã học được từ thầy sự sáng tạo đầy hứng thú trong nghề dạy học. Lý Lan viết:
“Chất lượng bài học thầy dạy mang tính sinh tử đối với đứa học trò. Và “đứng lớp” đối với thầy
cũng là một lao động sinh tử”.
Một đứa học trò ở Cần Giuộc lặng lẽ đạp xe “hộ tống” cô giáo mấy chục cây số trong gió mưa
tầm tã, đến khi cô thấy được ánh sáng đèn điện rồi em mới lặng lẽ quay về. Cũng chính với
những học trò như thế mà Lý Lan đã quay lại và trụ lại bục giảng suốt ngần ấy năm...
Với Miên man tùy bút, sự lương thiện nơi con người còn được thể hiện bằng thái độ sống, bằng
nỗ lực để tự vấn, để có thể lắng nghe được tiếng nói ray rứt của lương tâm.
BÍCH NGÂN
Hội Văn học Nghệ thuật VN tại LB Nga
Nhà văn Lý Lan: Người Việt, viết bằng tiếng Việt sẽ nhiều
độc giả
18.03.2008 21:42
Là người Việt gốc Hoa, bây giờ còn là công dân Mỹ nhưng nhà văn Lý Lan luôn tâm
niệm: Gần cả cuộc đời gắn bó với Việt Nam, ý thức, văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào
máu thịt, vào từng thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Cất bước theo chồng về đất Mỹ, không còn bị xé lẻ, phân tán bởi những bận rộn mưu
sinh của cả nghề báo lẫn nghề giáo, nhiều bạn bè và ngay cả bản thân nữ nhà văn Lý Lan
cũng đều ngỡ rằng cuộc sống nơi xứ người sẽ giúp chị có điều kiện tập trung cho công
việc viết văn nhiều hơn, sáng tác tốt hơn. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, chị đã lại trở về, bận
rộn hơn với những chuyến đi về, với hàng loạt các kế hoạch mới ngõ hầu đưa hình ảnh
Việt Nam, văn học Việt Nam đến với nhiều độc giả nước ngoài.
Sau "Nơi bình yên chim hót", "Chút lãng mạn trong mưa", "Chiêm bao thấy núi", "Đất
khách", "Lệ Mai"… độc giả quen thuộc của chị lại thấy một Lý Lan mới hơn, đa dạng
hơn. Bên cạnh vai trò dịch giả của Harry Potter, nhà thơ Lý Lan, còn có một Lý Lan của
hàng loạt tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết khác: "Người đàn bà kể chuyện", "Miên man
tùy bút", "Tiểu thuyết đàn bà"…
Phóng viên (PV): Chào chị Lý Lan! Lần này chị về Việt Nam lâu không?
Nhà văn Lý Lan (NVLL): Khoảng một năm vì Lý Lan có rất nhiều kế hoạch cần thực hiện.
Ngay sau khi ra mắt "Tiểu thuyết đàn bà", tôi sẽ phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội
và Nhân văn tổ chức loạt tọa đàm, hội thảo về lý luận văn học nữ quyền, dịch sách Việt ra
tiếng nước ngoài và ngược lại…
PV: Nhiều nhà văn, nhà thơ của chúng ta không ngớt than phiền về nỗi lo cơm áo chi phối,
không còn nhiều thời gian dành cho sáng tác. Hiện nay chị có dư điều kiện ấy, tại sao không
định cư hẳn bên Mỹ, tập trung cho công việc viết văn mà lại tự làm mình vất vả thêm như thế?
NVLL: Thực ra tôi không hề có ý định đi xa gia đình, bạn bè và đất nước này. Năm 1997, tôi
sang Mỹ học cao học văn chương theo học bổng Fullright, năm 1998 kết hôn. Lấy chồng thì
phải theo chồng. Nếu còn trẻ hơn, có lẽ tôi sẽ háo hức khi đến một thế giới mới, háo hức tìm
kiếm cơ hội mới để phát triển, nhưng Lý Lan đã không còn trẻ nữa.
Gần cả cuộc đời gắn bó với Việt Nam, ý thức, văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào máu thịt, vào
từng thói quen sinh hoạt hằng ngày. Qua xứ người, phải sống trong một môi trường văn hóa
hoàn toàn khác nên có chồng bên cạnh, có những người bạn mới, tôi vẫn thấy mình lạc lõng,
cô đơn, vẫn thấy mình chỉ như người khách lạ. Không có nhiều người Việt định cư bên ấy và
họ ít có thời gian rảnh rỗi để chuyện trò. Ai cũng phải đầu tắt mặt tối vì trừ một số rất ít, đa
phần người Việt vẫn phải kiếm sống khá chật vật.
Riêng về nghề văn, Lý Lan cũng từng nghĩ, cuộc sống an nhàn, sáng tác sẽ tốt hơn nhưng
không hẳn hoàn toàn như thế. Mình là người Việt, viết bằng tiếng Việt, cần có một môi trường
sử dụng tiếng Việt, có những người đọc không đến nỗi quá xa lạ.
PV: Chị có một khả năng ngoại ngữ rất tốt, tại sao không sử dụng để sáng tác và tiếp cận độc
giả nước ngoài?
NVLL: Đúng là với các nhà văn di cư sang Mỹ thì buộc phải dùng ngôn ngữ xứ người để tiếp
cận công chúng mới. Nhưng Lý Lan không chịu sức ép mưu sinh, không bị thúc bách phải viết
kiếm tiền hay cầu danh lợi mà chỉ viết khi có nhu cầu, khi có cảm hứng sáng tạo. Khi viết, tôi
thích sử dụng tiếng Việt, diễn đạt thấy thoải mái hơn.
Vốn sống mấy chục năm qua có thể đủ tư liệu cho tôi sáng tác đến cuối đời nhưng Lý Lan cần
phải trở về, cần sống, được chia sẻ với bạn bè, người thân, cần hít thở bầu không khí này, cần
thêm những trải nghiệm, những va đập của cuộc sống để trang viết sâu hơn và đúng với bản
chất cuộc sống.
Hơn nữa, việc bắt đầu tiếp cận, chinh phục đối tượng công chúng còn xa lạ bằng ngôn ngữ
khác tiếng mẹ đẻ là một hành trình không đơn giản và đầy mệt mỏi. Nhà văn phải bắt đầu lại
từ đầu, kể cả văn hóa. Tôi cũng chưa gặp một nhà văn Việt Nam nào sang đó mà sống được
bằng nghề văn mà đa phần cũng đều phải kiếm sống bằng các nghề khác.
PV: Nhưng trong những chuyến về nước, chị cũng đâu "yên phận" với một công việc viết văn?
NVLL: So với một số đồng nghiệp khác, Lý Lan có điều kiện tiếp cận cuộc sống xã hội ngoài
Việt Nam nhiều hơn. Xã hội ngoài Việt Nam cũng có rất nhiều cái hay, nếu chúng ta có ý thức
tiếp thu một cách có chọn lọc thì sẽ rất có lợi. Cũng không nhất thiết phải sống chết đi ra nước
ngoài cho bằng được.
Công nghệ thông tin, đặc biệt là qua Internet, chúng ta ở Việt Nam nhưng vẫn có thể hiểu biết
nhất định về thế giới. Tuy nhiên, cùng với xu thế toàn cầu hóa, ranh giới về ý thức hệ, về văn
hóa bị phá vỡ rất nhiều. Chúng ta cần tiếp thu cái mới nhưng nếu không có bản lĩnh, không
biết giữ gìn, phát huy bản sắc thì sẽ bị nuốt chửng. Với những người làm văn hóa nghệ thuật,
với các nhà văn thì sự bản lĩnh, tự ý thức về văn hóa lại càng cần thiết hơn ai hết…
Lý Lan là người Việt gốc Hoa, bây giờ còn là công dân Mỹ nữa. Thế nên, bên cạnh hoạt động
sáng tác, Lý Lan sẽ cố gắng đem tất cả những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để cùng vận
động mọi người đang sống trong những nền văn hóa khác nhau xích lại gần nhau, hiểu nhau
hơn.
PV: Xin cảm ơn chị
N.Hoa