Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

HỘI THỀ LŨNG NHAI TRONG KHỞI NGHĨA LAM SƠN Văn bản và Người tham dự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.54 MB, 24 trang )

HỘI THỀ LŨNG NHAI
TRONG KHỞI NGHĨA LAM SƠN
Văn bản và Người tham dự
GS Phan Huy Lê
Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Quá trình phát hiện và nghiên cứu
Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi tổ chức và lãnh đạo có một
nét độc đáo là khởi đầu và kết thúc bằng hai hội thề. Hội thề Lũng Nhai
(Thanh Hóa) năm 1416 của Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín nhất đặt
cơ sở hình thành bộ tham mưu, khởi đầu công việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Hội thề Đông Quan (Hà Nội) năm 1427 giữa Lê Lợi với Vương Thông
kết thúc thắng lợi sự nghiệp bình Ngô, mở đường cho quân Minh rút về
nước. Địa điểm Lũng Nhai được Khâm định Việt sử thông giám cương mục
chú thích: “Lũng Nhai nay đổi là thôn Lũng Mi thuộc xã Lam Sơn, vua Lê
Thái Tổ khởi binh ở đó”1. Vào thời biên soạn bộ sử trên tức thời Tự Đức,
tổng Quảng Thi có 26 xã thôn, trong đó có thôn Lũng Mi và xã Lam Sơn2.
Chú thích phạm sai lầm khi cho rằng thôn Lũng Mi thuộc xã Lam Sơn.
Nhưng kết quả điều tra khảo sát cho phép xác định Lũng Nhai đúng là
vùng thôn Lũng Mi, nay thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh
Thanh Hóa. Nhân dân địa phương vẫn gọi quê hương của mình là Lũng
Mé có nghĩa là làng Mé và ngọn núi ở đây là Pú Mé tức núi Mé. Lũng
trong tiếng Mường là chỉ thôn, làng, nơi tụ cư ở miền núi. Chính từ tên
Lũng Mé phiên âm sang chữ Hán thành Lũng Mi. Tại vùng này còn bảo
tồn khu mộ cổ với những tấm đá dựng, có thể mộ Mường, cùng nhiều
dấu tích và truyền thuyết liên quan đến hoạt động của Lê Lợi những năm
1 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên Q.XV-3b, bản dịch Nxb Giáo dục,
T.I, tr.834.
2 Đồng Khánh địa dư chí, tỉnh Thanh Hóa.

| 193




25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

đầu như Cánh đồng Chó, miếu Bạch Y công chúa được chép trong Lam
Sơn thực lục1…
Hội thề Lũng Nhai không được chép thành một sự kiện vào năm Bính
Thân - 1416 trong các bộ chính sử cũng như trong các tác phẩm sử học thời
phong kiến. Nhưng sự kiện đó lại được xác nhận trong những trường hợp
khác có liên quan.
Đại Việt sử ký toàn thư, năm Mậu Thân - 1428, tháng hai có đoạn: “định
các mức khen thưởng cho những hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột
có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai, gồm 121 người”2.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vào năm Mậu Thân - 1428,
tháng hai, ghi: “Ghi chép công trạng những công thần đã theo khởi nghĩa
ở đất Lũng Nhai”3.
Không thuộc loại chính sử của vương triều, nhưng một bộ sử chép theo
thể loại kỷ truyện rất có giá trị là bộ Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, cũng
chép, vào tháng hai năm Bính Thân - 1428: “quyết định phong chức tước cho
các công thần, các viên hỏa thủ và quân nhân Thiết đột có công siêng năng
khó nhọc ở Lũng Nhai, chia ra các hạng gồm 221 người”4. Những bộ sử biên
niên khác biên soạn về sau đều dựa theo hai bộ chính sử và bộ Đại Việt thông
sử của Lê Quý Đôn. Ví dụ, bộ Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng
chép, vào tháng hai năm Mậu Thân - 1428: ”Xét công lao những người theo
vua từ hồi ở Lũng Nhai (nay là thôn Lũng Mi, xã Lam Sơn, khởi binh ở đó),
ban tước ở mức độ khác nhau, gồm 221 người thuộc quân hiệu Thiết đột ”5.
1 Theo Lam Sơn thực lục, một lần quân Minh xua chó ngao đuổi bắt Lê Lợi. Chạy đến
bên sông, ông thấy một người con gái chết mặc áo trắng và cầu khấn xin cứu giúp,
hứa sẽ báo đền. Ông phải ẩn trốn trong hốc cây đa, bị chó ngao phát hiện. Bỗng nhiên,
một con chồn trắng chạy ra, chó ngao đuổi theo, nhờ đó ông thoát nạn. Sau khi lấy lại

thiên hạ, Lê Lợi phong người con gái gọi là Bạch Y công chúa đó làm Hoàng Hữu đại
vương, cây đa làm Hộ Quốc đại vương.
2 Đại Việt sử ký toàn thư, Q. X-56b, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, T.II,
tr.292. Chép 121 người, sách khác chép 221 người. Nhưng nếu cộng những người
được phong hạng nhất 52 người, hạng nhì 72 người và hạng ba 94 người thì tổng số
là 218 người?
3 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.XV-2a, Sđd, T.I, tr.832.
4 Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.72. Bản
dịch, đoạn cuối chép là “trong trận Lũng Nhai”. Tra lại bản chữ Hán chép “ư Lũng
Nhai” tức “ở Lũng Nhai”, không có chữ “trận” và như thế mới đúng.
5 Đặng Xuân Bảng: Việt sử cương mục tiết yếu, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
2000. Bản dịch in sai Lũng Mi thành Lũng Uy. Tôi đã tra lại bản chữ Hán, ký hiệu VHv
2737 để đính chính.

194 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Ngoài ra, khi viết về tiểu sử các khai quốc công thần thời Lê, Lê Quý Đôn
trong phần Liệt truyện của Đại Việt thông sử và Phan Huy Chú trong phần Nhân
vật chí của Lịch triều hiến chương loại chí, các tác giả ghi rõ một số người đã tham
dự Hội thề Lũng Nhai. Đại Việt thông sử ghi nhận có 5 người tham dự Hội thề
này là: Lê Lai, Lê (Lưu) Nhân Chú, Trịnh Khả, Lê Văn An, Lê (Nguyễn) Thận.
Trong tiểu sử những nhân vật này đều có đoạn gần giống nhau: “Năm Bính
Thân (1416) vua cùng 18 vị tướng thân cận liên danh hội thề, nguyện sống
chết có nhau, ông cùng dự trong số đó”1. Riêng Lê Lai, tác giả còn chép thêm,
năm Thuận Thiên thứ 1 (1428), ông được truy tặng “Suy trung đồng đức hiệp
mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần” và Lê Thận thì “Khi vua cùng 18 người
bề tôi thân cận liên danh hội thề cùng vui cùng lo có nhau, thì tên ông đứng

thứ ba sau Lê Lai”2. Lịch triều hiến chương loại chí ghi 3 người tham dự Hội
thề Lũng Nhai là Lê (Đinh) Liệt “có công đầu trong số những người theo từ
Lũng Nhai”, Lê (Lưu) Nhân Chú “năm Bính Thân (1416), Thái Tổ cùng các
tướng liên danh thề ước cùng vui cùng lo có nhau, ông cũng được dự”, Trịnh
Khả “năm Bính Thân (1416), vua cùng 18 người bề tôi thân tín liên danh thề
nguyện ước cùng vui cùng lo có nhau, ông cũng được dự”3.
Trên cơ sở hai bộ chính sử và những bộ sử cổ trên đây, đã cho phép xác
nhận trước khi phát động khởi nghĩa vào đầu năm Mậu Tuất - 1418, Lê Lợi đã tổ
chức một Hội thề ở Lũng Nhai với sự tham dự của 18 người bạn thân tín nhất.
Sự thật lịch sử này còn được tiếp tục khẳng định trong nhiều tư liệu được bảo
tồn trong dòng họ một số khai quốc công thần như gia phả và một số văn bản
quý như Lam Sơn thực lục, trong đó đặc biệt có văn bản Hội thề Lũng Nhai.
Người đầu tiên phát hiện và công bố văn bản Hội thề Lũng Nhai là GS
Hoàng Xuân Hãn. Năm 1943 khi theo học sinh trường Bưởi (nay là trường
Chu Văn An, Hà Nội) tản cư vào Thanh Hóa, ông có nhiều dịp đến thăm đền
Vua Lê ở Kiều Đại (gần Cầu Bố nên còn gọi là đền vua Lê ở Cầu Bố, thành phố
Thanh Hóa hiện nay) và được “cụ Từ” giữ đền cho xem một cuốn sách cổ ghi
là “thừa sao” vào ngày 13 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 6 (1931). Trong cuốn sách
cổ đó, ông phát hiện ba bài văn thề của Lê Lợi: hai bài chữ Nôm với tiêu đề do
ông đặt là “Lời gọi công thần cùng thề nhớ Lê Lai” và “Lời thề cùng tướng sĩ
1 Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd. Lê Lai: tr. 156, Lê Nhân Chú: tr. 204; Trịnh Khả: tr. 208,
Lê Văn An: tr. 219, Lê Thận: tr. 290.
2 Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr.157, 221.
3 Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Nxb Sử học, Hà Nội,
1960, T.I, tr. 253, 260, 261.

| 195


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH


quân nhân”, một bài văn thề bằng chữ Hán mang tên “Thệ văn”. GS Hoàng
Xuân Hãn đã giới thiệu những văn bản này trong bài khảo cứu rất công phu
Những lời thề của Lê Lợi trên tập san Sử Địa số 1 và 2 năm 19661. Cuối bài có ghi
“Paris mùa đông năm 1965” cho biết tác giả viết xong từ mùa đông năm 1965.
Đó là lần đầu tiên một văn bản Hội thề Lũng Nhai được phát hiện và công bố.
Năm 1966 trong thời gian sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là
Thái Nguyên), Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức khảo sát
để viết lịch sử địa phương, một tổ công tác do GS Đặng Nghiêm Vạn dẫn đầu
đã phát hiện gia phả và một số tư liệu chữ Hán tại dòng họ Lưu ở xã Vân Yên.
Trong gia phả họ Lưu ghi lại nguồn gốc, gia thế của Lưu Trung cùng con là Lưu
Nhân Chú và con rể là Phạm Cuống trong quá trình đi vào Thanh Hóa tham gia
khởi nghĩa Lam Sơn và chép bài văn thề Lũng Nhai. GS Đặng Nghiêm Vạn đã
công bố phát hiện này trong bài Tài liệu xung quanh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Tìm
thấy gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 105, 12-1967.
Trong bài, mục I: Gia phả thực lục dòng họ Lưu Nhân Chú, là bản dịch tiếng Việt
đoạn liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn do cụ Trần Lê Hữu dịch, cụ Chu Thiên
hiệu đính. Gia phả cho biết, ngày 20 tháng giêng năm đầu Thuận Thiên (1428),
Lê (Lưu) Trung cùng Lê (Lưu) Nhân Chú, Lê (Phạm) Cuống “họp các người
đồng liêu lại ghi chép sự tích làm bản gia phả thực lục để truyền lại mãi mãi về
sau”2. Như vậy gia phả họ Lưu lập rất sớm, nhưng văn bản còn lại đến nay chắc
chắn không phải nguyên bản vì sao chép cả sắc phong và văn bản thời Lê sơ, Lê
Trung hưng và cả thời Nguyễn. Trong gia phả chép lại bài văn thề Lũng Nhai.
GS Đặng Nghiêm Vạn là nhà khoa học thứ hai đã phát hiện và công bố bài văn
thề Lũng Nhai căn cứ theo gia phả họ Lưu Nhân Chú vào năm 1967.
Tôi và GS Phan Đại Doãn, trong Khởi nghĩa Lam Sơn lần xuất bản năm
1969, đối chiếu bản văn thề Lũng Nhai trong gia phả Lưu Nhân Chú với bản
văn thề chép trong Lam Sơn sự tích lịch đại đế vương, thấy trong hai văn bản
có ít khác biệt, có ba nhân vật khác nhau3. Văn thề Lũng Nhai trong Lam Sơn
1 Hoàng Xuân Hãn: Những lời thề của Lê Lợi, tập san Sử Địa số 1, tr. 3-22 và số 2, tr. 11-28.

Bài khảo cứu này được in lại trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Nxb Giáo dục, T.II,
tr. 599-633.
2 Đặng Nghiêm Vạn: Tài liệu xung quanh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Tìm thấy gia phả họ Lưu
Nhân Chú, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 105, 12-1967, tr. 43. Tác giả phát hiện ngày tháng
ghi không đúng vì Lê Lợi lên ngôi, đặt niên hiệu Thuận Thiên vào ngày 15-4 năm
Mậu Thân.
3 Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn và phong trào đấu tranh giải phóng dân
tộc vào đầu thế kỷ XV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr. 106-107.

196 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

sự tích lịch đại đế vương là văn bản thứ 3 được phát hiện. Đây là sách chữ Hán
mang ký hiệu VHv.1305 lúc đó bảo quản tại Thư viện Khoa học trung ương,
nay thuộc Thư viện Viện nghiên cứu Hán-Nôm.
Năm 1971, nhà sử học Nguyễn Diên Niên được một thày giáo trường
Phổ thông cấp II xã Định Hải tặng một cuốn sách chữ Hán tìm thấy trong
nhà thờ họ Lê Sát. Sau khi cộng tác với nhà Hán học Lê Văn Uông, nghiên
cứu kỹ, các tác giả xác định trong cuốn sách cổ này có bản sao chép Lam Sơn
thực lục do Lê Lợi soạn, cuối sách có Thệ văn tức bài văn thề Lũng Nhai. Theo
các tác giả, cuốn sách của dòng họ Lê Sát được sao chép lại vào khoảng đầu
thế kỷ XVIII, có thể khoảng năm 1715. Năm 1976, công trình khảo cứu công
phu này được công bố trong sách mang tên Lam Sơn thực lục, bản mới phát
hiện1. Cũng trong cuốn sách này, các tác giả đối chiếu thêm với một văn bản
hội thề Lũng Nhai tìm thấy trong Lam Sơn sự tích lịch đại đế vương chép trong
gia phả của dòng họ Đỗ Bí. Cuốn sách này cùng tên và nội dung với Lam Sơn
sự tích lịch đại đế vương tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm. Như vậy là đến năm
1976, nhà sử học Nguyễn Diên Niên đã bổ sung thêm một văn bản Hội thề

Lũng Nhai từ trong tư liệu tìm thấy trong dòng họ Lê Sát.
Khởi nghĩa Lam Sơn in lần thứ 3 năm 1977, các tác giả bổ sung thêm văn
bản Hội thề Lũng Nhai trong gia phả họ Đinh ở Trung Chính (Nông Cống,
Thanh Hóa), gia phả họ Nguyễn ở Thịnh Mỹ (Thọ Xuân, Thanh Hóa) tìm
thấy trong đợt khảo sát khoảng năm 1973. Bản dịch bài văn thề trong sách
tái bản năm 1977 căn cứ theo văn bản họ Lưu ở Vân Yên, họ Đinh ở Trung
Chính kết hợp đối chiếu với văn bản ở đền vua Lê tại Kiều Đại. Đến lần
in thứ 4 năm 2005, các tác giả Khởi nghĩa Lam Sơn tổng hợp được 6 văn bản
Hội thề Lũng Nhai đã được công bố và nghiên cứu trong gia phả họ Đinh
ở Trung Chính, họ Lưu ở Vân Yên, họ Nguyễn ở Thịnh Mỹ, trong tư liệu ở
đền vua Lê ở Kiều Đại, Lam Sơn thực lục của họ Lê ở Định Hải và Lam Sơn
sự tích lịch đại đế vương ở họ Đỗ Bí và Viện nghiên cứu Hán-Nôm2.
Như vậy là cho đến năm 2005, Hội thề Lũng Nhai không những được
khẳng định sự tồn tại như một sự kiện quan trọng của khởi nghĩa Lam
Sơn, mà một số văn bản của hội thề đó đã được phát hiện, nghiên cứu và
công bố.
1 Lam Sơn thực lục, bản mới phát hiện, Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1976.
2 Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn: Khởi nghĩa Lam Sơn, Bản in lần thứ 3, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 133-134. Bản in lần 4, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2005,
tr. 130-132

| 197


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

2. Văn thề Lũng Nhai
Căn cứ vào những công trình nghiên cứu đã xuất bản, cho đến năm
2005, đã biết đến 6 văn bản Hội thề Lũng Nhai:
-


Trong sách tại đền vua Lê ở Kiều Đại (thành phố Thanh Hóa), viết
tắt Bản KĐ.

-

Trong Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú tại Vân Yên (Đại Từ, Thái
Nguyên), viết tắt Bản LNC.

-

Trong sách của dòng họ Lê Sát ở Định Hải (Yên Định, Thanh Hóa),
viết tắt Bản LS.

-

Trong tập sách chữ Hán kèm theo Gia phả dòng họ Đinh Liệt ở Trung
Chính (Nông Cống, Thanh Hóa), viết tắt Bản ĐL.

-

Trong Gia phả họ Nguyễn Thận ở Thịnh Mỹ (Thọ Xuân, Thanh Hóa),
viết tắt Bản NT.

-

Trong sách Lam Sơn lịch đại đế vương sự tích tại Thư viện Viện nghiên
cứu Hán-Nôm và bản chép trong Gia phả họ Đỗ Bí ở Thanh Hóa, viết
tắt Bản LSST.


Ngoài 6 văn bản trên, gần đây tôi được Ban Quản lý di tích thuộc Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, cung cấp thêm một bản:
- Trong Gia phả dòng họ Lê Văn An tại xã Thọ Lâm (Thọ Xuân, Thanh
Hóa) viết tắt Bản LVA1.
Nhà sử học Nhật Bản Takao Yao, trong quá trình nghiên cứu về thời
Lê sơ, đã khảo sát nhiều nơi và thu thập được một số gia phả các Khai quốc
công thần thời Lê, trong đó có một bản văn thề Lũng Nhai:
-

Trong Gia phả họ Trịnh Khả mang tên Trịnh tộc gia phả, tại làng Cự
Đà, xã Cự Đà, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà
Nội, viết tắt Bản TK2.

Tổng số văn bản Hội thề Lũng Nhai được phát hiện cho đến nay là 8
bản. Các văn bản có nguồn gốc khác nhau, phần lớn đều được lưu giữ trong
các dòng họ Khai quốc công thần triều Lê và tình trạng văn bản cũng không
giống nhau, có văn bản đã bị sờn rách hay bị thất lạc.
1 Xin cảm ơn Ban Quản lý di tích lịch sử thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Thanh Hóa, Trưởng ban TS Phạm Tuấn cùng các nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hải,
Phạm Tấn.
2 Nhà sử học Yao Takao nay là GS trường Đại học Hiroshima. Ông đã tặng tôi ảnh chụp
các gia phả đó, xin cảm ơn.

198 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Bản KĐ do GS Hoàng Xuân Hãn phát hiện năm 1943, khoảng năm 1973,
tôi và GS Phan Đại Doãn còn tìm thấy và ghi chép nội dung. Nhưng tháng

6 năm 2013, khi tôi cùng Ban Quản lý di tích tỉnh Thanh Hóa về thăm đền
vua Lê ở Kiều Đại thì người giữ đền không còn biết tập sách cổ nữa. May GS
Hoàng Xuân Hãn đã chép lại đầy đủ bài văn thề Lũng Nhai này và công bố
ảnh chụp bản chép tay của tác giả trên tập san Sử Địa số 1 (1966)1. Theo tác
giả, đây là bản sao chép lại năm Bảo Đại thứ 6 (1931).

Bản KĐ: bản sao chép của GS Hoàng Xuân Hãn năm 1943

Bản LNC từ sau phát hiện và công bố của GS Đặng Nghiêm Vạn năm 1967,
vẫn còn được bảo quản tốt tại dòng họ Lê Nhân Chú ở xã Vân Yên (Đại Từ,
Thái Nguyên). Một bản sao năm 1966 hiện nay còn được lưu giữ tại Phòng tư
liệu Khoa lịch sử trường Đại học Tổng hợp, nay là trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, ký hiệu HV.67 và một bản chụp do Thư viện trung ương
thực hiện, không rõ nay bảo quản ở đâu. Trong bài này, tôi sử dụng bản chụp
từ nguyên bản đang bảo quản tại dòng họ Lưu Nhân Chú ở Vân Yên, do PGS
1 Hoàng Xuân Hãn: Những lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ XV), tập san Sử Địa số
2-1966, Sđd, tr.15. Trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Sđd, văn bản này đã được
đánh máy lại, không còn là bản chụp văn bản chép tay của tác giả, tr.621.

| 199


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Nguyễn Đức Nhuệ cung cấp1. Theo xác minh của GS Đặng Nghiêm Vạn, Bản
LNC được sao chép vào khoảng thời Nguyễn, sau năm 1810 và trước năm 1923.

Bản LNC: chụp từ Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú tại Vân Yên
(Bản photo: Nguyễn Đức Nhuệ)


Bản LS đã được nhà sử học Nguyễn Diên Niên và nhà Hán học Lê Văn
Uông nghiên cứu kỹ, xác định niên đại sao chép vào khoảng năm 1715. Đây
là văn bản có niên đại sớm nhất trong số các văn bản phát hiện cho đến nay.

Bản LS: chụp từ sách Lam Sơn thực lục, Nxb KHXH, 2006
1 Xin cảm ơn PGS Nguyễn Đức Nhuệ. Bản năm 1966 do tộc trưởng là cụ Lưu Sĩ Sinh giữ.

200 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Bản ĐL kèm theo Gia phả họ Đinh tại Trung Chính, tháng 6 năm 2013,
tôi nhờ Ban Quản lý di tích lịch sử Thanh Hóa kiểm tra lại, thì nay chỉ còn
bản Gia phả, tập giấy tờ kèm theo trong đó có chép bản Văn thề Lũng Nhai
thì không còn nữa. Rất tiếc khi khảo sát năm 1973, tôi và GS Phan Đại Doãn
chỉ ghi chép tóm tắt nội dung, không chép lại toàn bộ văn bản. Văn bản
này coi như thất lạc. Gần đây trong họ Đinh lưu hành một bản dịch tiếng
Việt bản gia phả họ Đinh Liệt, được biết chép từ một bản chữ Hán tìm thấy
ở Quảng Đông (Trung Quốc). Tôi có đọc bản dịch này nhưng chưa được
tiếp xúc với bản chữ Hán và chưa biết xuất xứ bản gốc nên chưa sử dụng
trong bài nghiên cứu này.
Bản NT tức bản chép trong gia phả dòng họ Nguyễn Thận, do tôi và GS
Phan Đại Doãn tìm thấy trong lần khảo sát khoảng năm 1973. Gần đây tôi
nhờ Ban Quản lý di tích tỉnh Thanh Hóa kiểm tra lại thì không tìm thấy. May
trong lần khảo sát khoảng năm 1973, tôi còn ghi chép và chụp ảnh một số tờ
cần thiết, trong đó có tờ chép văn thề Lũng Nhai. Gia phả mang tên Nguyễn
tộc gia phả, chép trong cuốn Nguyễn Mậu tộc phả ký, đóng chung trong một
tập sách chữ Hán cùng với một số tài liệu về các khai quốc công thần khác.
Lúc đó, gia phả do ông Nguyễn Mậu Kê ở Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên, huyện

Thọ Xuân giữ. Theo ghi chép của tôi, gia phả còn chép bài Tục sao sao gia phả
tự, cho biết gia phả được sao năm Tự Đức thứ 17 (1864) từ một bản cổ. Trong
gia phả có hai chỗ ghi địa điểm hội thề: trước văn thề chép Lê Lợi họp ở “xứ
Linh Sơn [thuộc] Giao Lão” với ghi chú “nay thuộc tổng Thiện Thổ”1 và lần
phong thưởng 221 công thần Lũng Nhai đầu năm 1428, ghi chú “Lũng Nhai:
tức nay thôn Lũng Mi”.

1 Tổng Thiện Thổ theo Đồng Khánh địa dư chí lược, thuộc châu Lang Chánh gồm 5 xã:
Thịnh Nang, An Thổ, Trí Nang, Trị Thổ và Thiện Giao. Ông Cầm Bá Huyến, cán bộ
huyện Thường Xuân, cho biết hiện nay: Thịnh Nang, An Thổ thuộc xã Giao An; Trị
Thổ, Thiện Giao thuộc xã Giao Thiện; xã Trí Nang vẫn để nguyên.

| 201


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Bản NT: chụp từ Nguyễn tộc gia phả (Ảnh: tác giả)

Bản TK chép trong Trịnh tộc gia phả của một chi họ Trịnh ở Cự Đà (Thanh
Oai, Hà Nội). Gia phả chép cả lệnh chỉ cấp ruộng năm Cảnh Hưng 28 (1768),
Cảnh Hưng 44 (1784), Tự Đức 7 (1854). Đây là văn bản sao chép vào thời
Nguyễn sau năm 1854.

Bản TK: chụp từ Trịnh tộc gia phả ở Cự Đà (Ảnh: Yao Takao)

Bản LVA nằm trong Gia phả của dòng họ Lê Văn An được lưu giữ tại
đền thờ ở xã Thọ Lâm (Thọ Xuân, Thanh Hóa), bản photo của Ban Quản lý
di tích tỉnh Thanh Hóa. Gia phả là bản sao chép được xác nhận, trong đó có
chữ ký của Cai tổng Nguyễn Duy Thặng và ghi ngày 21 tháng 5 năm Tự Đức

202 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

17 (1864). Rất tiếc bản photo có chỗ bị mờ, có chữ rất khó đọc và nguyên bản
tại xã Thọ Lâm chưa tìm thấy.

Bản LVA: chụp từ bản photo của Ban Quản lý di tích tỉnh Thanh Hóa

Bản LVL nằm trong Gia phả Lê - Trần của dòng họ Lê Văn Linh ở Hải
Lịch, nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Đây là bản phiên
âm chữ Hán và bản dịch tiếng Việt ghi rõ người dịch từng phần. Theo gia
phả, Lê Văn Linh vốn họ Trần, tên là Trần Văn Linh, sau được vua Lê Thái
Tổ ban quốc tính nên mang họ tên Lê Văn Linh. Cuối gia phả còn một đoạn
cho biết rõ xuất xứ của bản gia phả Lê - Nguyễn. Dòng họ Lê Văn Linh phát
đạt và phân chi ở nhiều nơi, mỗi chi có đền thờ và gia phả riêng. Chi họ Lê
công thần ở Phù Lưu (Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) giữ được ba bản gia phả chữ
Hán sao chép lại:
Lê tộc gia phả sao chép năm Kiến Phúc thứ 1 (1884)
Lê thị gia phả sao chép năm Đồng Khánh thứ 3 (1888)
Lê gia phả sao chép năm Khải Định thứ 8 (1923)
Năm 1932 ba gia phả chữ Hán trên đã được dịch ra tiếng Việt, ghi rõ
tên và quê quán của 7 người dịch. Trên cơ sở đó, lập thành Gia phả Lê - Trần,
tức gia phả họ Lê gốc Trần. Văn thề Lũng Nhai tuy không có văn bản chữ

| 203


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH


Hán, nhưng bản dịch ghi rõ do Nguyễn Trọng Hàn dịch năm 1968 kèm
theo bản phiên âm Hán - Việt. Trong lúc chưa tìm ra bản chữ Hán, từ văn
bản phiên âm và bản dịch, đối chiếu với những văn bản chữ Hán đã có,
tôi khôi phục lại văn bản chữ Hán của văn thề chép trong gia phả Lê Văn
Linh. Vài ba chữ phiên âm khi đánh máy bị sai lạc, tôi chỉnh sửa lại, còn tên
người để nguyên tuy rằng có tên có thể do viết nhầm như Lê Thẩm (chắc
là Lê Lôi) và có vài tên rất lạ như Lê Trữ, Lê Long, có thể là do nhầm lẫn
trong phiên âm hoặc sao chép? (nhưng không có cơ sở để đính chính nên
tôi tạm để nguyên) .

Bản LVL: văn bản chữ Hán khôi phục từ bản phiên âm Hán - Việt

Bản LSST là bản văn thề Lũng Nhai trong sách Lam Sơn sự tích lịch đại đế
vương tại dòng họ Đỗ Bí và Viện nghiên cứu Hán-Nôm. Tôi sử dụng bản bảo
quản tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán-Nôm, ký hiệu VHv.1305. Tên sách
đầy đủ là Lam Sơn sự tích lịch đại đế vương sở ký, được sao chép vào năm Bảo
Đại thứ 19 (1944)1. Sách gồm một số tư liệu về nhà Lê như danh mục kèm
1 Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Viễn Đông bác cổ Pháp: Di sản Hán Nôm Việt Nam,
thư mục đề yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, T.2, tr. 109-110.

204 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

miếu hiệu, ngày giỗ, phần mộ các hoàng đế, hoàng hậu triều Lê, kể cả thời
Lê Trung hưng; các công thần khai quốc triều Lê; văn thề Lũng Nhai, một số
sự tích khởi nghĩa Lam Sơn, bài thơ lục bát về Lê Lợi và cả một số tư liệu về
ruộng đất, gia phả họ Nguyễn, họ Hồ... Sách biên soạn có phần hỗn tạp, tôi

sử dụng bài văn thề Lũng Nhai như một văn bản đối chiếu, so sánh.

Bản LSST: chụp từ VHv.1305 Viện nghiên cứu Hán-Nôm

Tất cả có 8 văn bản Hội thề Lũng Nhai đã được phát hiện và nghiên cứu
cho đến nay. Năm 1980, GS Hoàng Xuân Hãn đã đem bản KĐ đối chiếu và
khảo dị với hai bản LS và Đỗ Bí (bản LSST) để “hợp thái” thành một bản văn
thề Lũng Nhai. Sau đây là kết quả khảo dị và văn bản “hợp thái” của tác giả
đã công bố trên tập san Khoa học xã hội Paris số 7, tháng 10-19801.
Trên cơ sở văn bản “hợp thái” đó, tôi tiếp tục công việc so sánh, đối chiếu
và khảo dị với 5 văn bản còn lại. Bản khảo dị của GS Hoàng Xuân Hãn đánh
số theo chữ cái a, b, c..., tôi theo chữ số (1), (2), (3)... Riêng danh sách những
người tham gia hội thề Lũng Nhai, tôi tách ra để lập bảng thống kê và xác
minh ở mục sau.

1

Hoàng Xuân Hãn: La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, T.II, Sđd, tr.636.

| 205


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

(1) LVA: tam nguyệt, Nhị nguyệt mới đúng, phù hợp với ngày giờ theo can chi.
(2) LVL: sóc Kỷ Mão; TK: Tân Mão sóc. Đúng là Kỷ Mão sóc
(3) LVL: thiếu chữ “việt”; LVA: thiếu “việt thập nhị nhật”.
(4) LVL: hoàng đế. Các bản: thượng đế. Đúng: thượng đế
(5)LVL: địa kỳ; LVA, NT: hoàng địa kỳ. Thường dùng: hoàng địa kỳ.
(6) NT: không có chữ “Kỵ”

206 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

(7) LVL: không có “thượng, trung hạ đẳng”.
(8) LVL: giao hữu chi tín. Các bản khác: giao lạc chi tín. Giao lạc đúng với điển
tích của Luận ngữ.
(9) LVL: Trương Chiến đẳng; LVA, NT: dữ thập bát nhân đẳng.
(10) LVL: tính danh tuy dị, chí khí tương đồng, như vinh hiển chi hữu thù, nguyện
bằng hữu chi tình bất dị; LVA, NT, TK: nghĩa kết đồng nhất thân liên chi.
(11) LVL: phận
(12) LVL: hữu
(13) LVL, LVA, NT: bàng hữu chi tình
(14) Đây là câu có nhiều dị biệt và khó hiểu nhất trong văn bản.
LS, TK: bằng đảng xâm tiếm, lỗ Trần lược Hồ, quá quan vi hại
KĐ: bằng đảng dĩ xâm tiếm, lự Trần lãng Hồ quá quan vi hại
LSST: bằng đảng xâm tiếm, lự Trần lãng Hồ, quá quan vi hại
LNC: Ngô khấu chi xâm tiếm, lỗ Trần, lược ..., quá quan vi hại
Bản LNC chép rõ “Ngô khấu”, các bản khác chép “bằng đảng”. Chữ “bằng
đảng” không rõ nghĩa, chữ “Ngô khấu” (giặc Ngô) là cụm từ quen dùng thời
chống Minh. Vì vậy dùng bản LNC kết hợp với bản LS, TK, chỉnh sửa lại “Ngô
khấu xâm tiếm, lỗ Trần, lược Hồ, quá quan vi hại” (bỏ chữ chi, bổ sung chữ Hồ).
(15) LVL: hãn thủ, cùng nghĩa.
(16) LVL: phận
(17) LVL: đoan thệ. Cùng nghĩa nhưng phần lớn văn bản khác đều chép “đan thệ”
(18) LVL: thần đẳng
(19) LVL : thiên địa thần kỳ
(20) LVL: chiếu giám
(21) LVL: tử tính tông diệu. Các bản khác đều “tông diệu tử tính”.

(22) LVL: quân
(23) LVL: không có chữ “thần”

Hiện nay không có hi vọng tìm được bản gốc của văn thề Lũng Nhai,
nhưng qua các văn bản còn bảo tồn đến nay, bằng phương pháp văn bản
học, chúng ta có thể khảo dị để khôi phục một văn bản gần với bản gốc.
Trong 8 văn bản, bản LS có niên đại sớm nhất và qua khảo dị cũng thấy là
văn bản chữ viết rõ ràng và tương đối đầy đủ nhất. Tôi lấy bản LS làm cơ sở
và dựa vào kết quả khảo dị để lập bản “hợp thái” hay “hợp hiệu” mà tôi sẽ
trình bày sau khi khảo sát danh sách những người dự lễ thề.

| 207


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

3. Người tham dự
Trước hết tôi lập bảng thống kê theo danh sách trong 8 bản văn hội thề:
THỐNG KÊ NHỮNG NGƯỜI THAM DỰ HỘI THỀ LŨNG NHAI
Sách


Lợi


Lai


Thận


1. LS
2. KĐ
3. LNC
4. TK
5. LSST
6. LVA
7. LVL
8. NT

x
x
x
x
x
x
x
x
8

x
x
x
x
x
x
x
x
8

x

x
x
x
x
x
x
x
8

Sách

Trịnh

x

1. LS
2. KĐ
3. LNC
4. TK
5. LSST
6. LVA
7. LVL
8. NT

Phạm
Lôi
x

x
x


x

3

x
x
x
5


Văn
An
x
x
x
x
x
x
x
x
8


x
x
x
x
x
x

x
x
8


Văn
Linh
x
x
x
x
x
x
x
x
8

Trịnh
Khả

Trương
Lôi


Liễu

x
x
x
x

x
x
x
x
8

x
x
x
x
x
x
x Thẩm
x
8

x
x
x
x
x
x
x
x
8

Đinh Trương
Lan Chiến
x
x

x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
7
8

Đinh
Liệt

Lưu
Trung

Bùi


Quốc Nanh Kiệm
Hưng
x
x
x

x
x
x
x Hiểm
x
x
x
x
x
x
x
x Hiểm
x
x
x
x Hiểm
8
4
7

Phạm
Cuống

x

Trịnh
Đồ

x
x

x
x
x
x
x
x
8

Trữ

Nguyễn Lưu
Trãi
Nhân
Trú
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
8
5


Long

x
x

x

x

2


Bồi


Uy

x
x
x
x
4

1

2

x
x
x

3

x

x

1

1

Ghi chú
19
19
19
18 thiếu 1
19
19
18 thiếu 1
19

Bản NT chép các dòng của văn thề bị sai lệch nên cần chỉnh lại. Trong
8 bản, chỉ có bản TK và LVL chép 18 người, thiếu 1 người. Trương Lôi trong
bản LVL phiên âm là Trương Thẩm 張 審, có lẽ là Trương Lôi 張 雷 bị chép
hay phiên âm nhầm vì hai chữ Lôi và Thẩm, tự dạng gần nhau. Lê Kiệm 黎
儉 và Lê Hiểm 黎 險 cũng có bản chép lẫn lộn và hai chữ này cũng có tự
dạng gần nhau. Lê Nanh 黎 獰 trong vài công trình đã công bố, có tác giả
phiên là Lê Ninh 黎 寧, nhưng xem kỹ lại các văn bản thì đều chép là Lê
Nanh. Chữ Lê Lợi cũng có bản chép theo lối kiêng húy (bản LS, NT, LVA,
LSST), chữ Lai có bản thêm bộ thảo (bản LS), hai nhân vật Lê Văn An, Lê Văn
Linh, có bản chép Văn An, Lê Linh (bản NT, LVA), nhân vật Lưu Nhân Chú

có bản chép Lê Nhân Chú (bản KĐ).
Mấy nhận xét:
- Có 13 nhân vật có tên trong cả 8 văn bản là: (1) Lê Lợi, (2) Lê Lai,
(3) Lê Thận, (4) Lê Văn An, (5) Lê Văn Linh, (6) Trịnh Khả, (7) Trương Lôi,
(8) Lê Liễu, (9) Bùi Quốc Hưng, (10) Vũ Uy, (11) Nguyễn Trãi, (12) Lê Lý,
(13) Trương Chiến. Riêng trường hợp Nguyễn Trãi, các bản đều chép thống
208 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

nhất là 阮 廌, riêng bản TK chép 阮 豸 tức khác chữ nhưng vẫn cùng âm.
Trong Lam Sơn thực lục xuất bản lần thứ nhất năm 1976 cũng chép và phiên
âm đúng là Nguyễn Trãi. Tôi ngạc nhiên là đến lần tái bản năm 2006, chữ
Nguyễn Trãi kể cả trong nguyên bản được chụp in vào sách và phiên âm lại
chuyển thành Nguyễn Tiến 阮 薦 và có chỗ ghi chú "bản in đầu đọc là Trãi"
hay "Nguyễn Trãi [薦đọc là Tiến]"1. Chữ Trãi 廌 và Tiến 薦 tuy tự dạng gần
giống nhau nhưng là hai chữ khác nhau, có âm và nghĩa khác nhau, không
thể tùy tiện khi đọc là Trãi, khi đọc là Tiến. Hơn nữa, cụ Lê Văn Uông là một
nhà Hán học có trình độ và nghiêm túc, không thể có sự nhầm lẫn phiên
âm sai một nhân vật lịch sử trọng yếu như vậy trong lần xuất bản thứ nhất.
Sự thay đổi khi tái bản thì cụ Lê Văn Uông đã mất trước đó và không thuộc
trách nhiệm của cụ.
- Sau đó, có 2 nhân vật có tên trong 7/8 văn bản là:
- Lê Kiệm (hay Lê Hiểm) có tên trong các bản LS, KĐ, LNC, TK, LSST,
LVA, NT (thiếu tên trong bản LVL).
- Đinh Lan có tên trong các văn bản LS, KĐ, LNC, TK, LSST, LVA, NT
(thiếu tên trong bản LVL).
Hai nhân vật này đều thiếu tên trong bản LVL mà đây là bản dịch và
phiên âm nên tôi ngờ có sự sao chép hay phiên âm nhầm lẫn. Rất tiếc là đến

nay vẫn chưa tìm thấy bản chữ Hán hay bản gốc để xác minh.
Như vậy 15 nhân vật có tên trong 8/8 hay 7/8 văn bản, tôi nghĩ là có cơ sở
để xác định là những người đã cùng Lê Lợi dự Hội thề Lũng Nhai.
- Còn 4 nhân vật cùng tham dự Hội thề Lũng Nhai thì kết quả thống
kê hơi phức tạp.
Người có tên trong 5 văn bản là:
- Lưu Nhân Chú có tên trong văn bản LS, KĐ, LNC, TK, LSST.
- Phạm Lôi có tên trong văn bản LS, TK, LVA, LVL, NT.
Những người có tên trong 4 văn bản là:
- Lê Nanh có tên trong văn bản LS, LSST, LVA, NT.
- Lưu Trung có tên trong văn bản LNC, LVA, LVL, NT.
Nếu chỉ dựa vào kết quả thống kê thì có thể chọn đủ 19 người theo thứ
tự trên xuống dưới và theo nguyên tắc này thì có thể bổ sung 4 người có tên
1 Lam Sơn thực lục, Nguyễn Diên Niên khảo chứng, Lê Văn Uông chú dịch, bản 2006
Sđd, tr. 388, 164, 212.

| 209


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

trong 5 hay 4 văn bản là: Lưu Nhân Chú, Phạm Lôi, Lê Nanh, Lưu Trung.
Nhưng phân tích Gia phả Lưu Nhân Chú thì thấy ngoài Lưu Nhân Chú,
đưa thêm cha là Lưu Trung, con rể là Phạm Cuống nên phải gạt ra hai nhân
vật khác là Lê Nanh, Phạm Lôi. Có thể do con cháu muốn nâng cao uy thế
của dòng họ khai quốc công thần nên đã hành xử như vậy. Gia phả có giá trị
nhưng có mặt hạn chế không chỉ do qua nhiều lần sao chép bị nhầm lẫn mà
có khi còn do động cơ tôn vinh của con cháu.
- Như vậy, căn cứ vào gia phả có thể xác lập được danh sách 15 nhân vật
có tên trong 8/8 hay 7/8 văn bản là tương đối chắc chắn, còn 4 nhân vật còn

lại cần thẩm định thêm. Trong những nhân vật còn lại thì Lưu Nhân Chú,
Phạm Lôi có tên trong 5/8 văn thề cũng có nhiều khả năng, còn Lê Nanh
(4/8), Lưu Trung (4/8), Trịnh Vô (3/8), Trịnh Đồ (3/8), cần xem xét kỹ hơn,
nhất là trong mối quan hệ giữa Lưu Trung với Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô với
Trịnh Đồ. Thêm vào đó trường hợp Đinh Lễ tuy chỉ có tên trong 2/8 văn thề
(KĐ, LSST), nhưng lại được Lịch triều hiến chương loại chí chép là “có công đầu
trong số những người theo từ Lũng Nhai”1. Đấy là những khó khăn trong
việc xác định các nhân vật này.
Ngoài tư liệu của văn thề Lũng Nhai, có hai tư liệu có thể dùng để tham
khảo đối chiếu, xác minh thêm.
Sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi thành lập một đội quân làm nòng cốt
cho lực lượng khởi nghĩa gọi là quân Thiết đột. Sau khi khởi nghĩa thắng
lợi, vương triều Lê thành lập, nhà Lê vinh phong đầu tiên cho những người
theo vua từ khi khởi binh ở Lũng Nhai và các Hỏa thủ, quân nhân của quân
Thiết đột. Lam Sơn thực lục chép danh sách 35 người do “vua đề tên” (ngự
danh) “là những Hỏa đầu, Thiết kỵ đột quân khi mới khởi nghĩa, đều được
ban quốc tính”2. Trong số 35 công thần này bao gồm đủ 18 người cùng Lê Lợi
dự Hội thề Lũng Nhai theo bản LS. Tháng 2 năm Mậu Thân - 1428, nhà Lê
phong thưởng cho những “Hỏa thủ và quân nhân quân Thiết đột có công
siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai”, chia làm ba hạng, gồm 221 người3. Hỏa
1 Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, Sđd, T.I, tr. 261.
2 Lam Sơn thực lục, Xb 1976, Sđd, tr. 199-201. Văn bản chữ Hán chép “giai do sơ khởi
nghĩa vi hỏa đầu thiết kỵ đột quân”. Đại Việt sử ký toàn thư Q.X-56b, trong lần phong
thưởng tháng 2 năm Mậu Tuất - 1428, chép “Hỏa thủ Thiết đột quân nhân” có lẽ đúng
hơn. Hỏa thủ là chức chỉ huy của quân Thiết đột. Tham khảo Toàn thư nên chữa lại là:
“những Hỏa đầu và quân nhân quân Thiết đột”.
3 Đại Việt sử ký toàn thư Q. X, 56b chép 121 người, các sách khác chép 221 người.

210 |



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

đầu hay Hỏa thủ là những chức chỉ huy trong quân Thiết đột. Như vậy
“công thần khởi nghĩa” hay “công thần Lũng Nhai” đông hơn nhiều so với
18 người cùng Lê Lợi dự Hội thề Lũng Nhai, nhưng những người dự Hội thề
Lũng Nhai chắc phải có tên trong những danh sách phong thưởng này (dĩ
nhiên do vua Lê Thái Tổ phong thưởng nên không có tên vua).
Danh sách thứ hai là những người cùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở
Lam Sơn vào ngày đầu tháng giêng năm Mậu Tuất - 1418. Danh sách này
được ghi lại trong Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn 51
người, không kể Lê Lợi. So sánh hai danh sách cũng có dăm người khác
nhau. Đối chiếu với danh sách 19 người theo văn bản LS, ngoài Lê Lợi và 2
người mà tất cả các văn thề đều có tên là Lê Lai, Trương Chiến (thường viết
là: từ Lê Lai đến Trương Chiến), có 13 người có tên trong danh sách những
người tham dự khởi nghĩa, cộng 16 người, thiếu 3 người là Lê Kiệm, Lưu
Nhân Chú, Phạm Lôi, đồng thời lại có tên 3 người khác trong văn bản KĐ
hay LNC, LSST, LVA, LVL, NT, là Lưu Trung, Phạm Cuống, Lê Bồi theo Lam
Sơn thực lục hay 2 người là Lê Bồi, Lê Cuống theo Đại Việt thông sử1. Những
người cùng Lê Lợi dựng cờ nghĩa đông hơn nhiều so với những người dự
Hội thề Lũng Nhai và cũng không nhất thiết phải gồm đủ những người dự
Hội thề Lũng Nhai vì có thể có người đang đảm nhiệm nhiệm vụ nào đó nên
không thể có mặt trong ngày khởi nghĩa.
Trong lúc còn một số nhân vật cần thẩm định thêm, tôi lấy bản LS làm cơ
sở kết hợp với danh sách “công thần khởi nghĩa”, tạm lập danh sách những
người tham dự Hội thề Lũng Nhai như sau:
1. Lê Lợi 黎 利
2. Lê Lai 黎 來

11. Nguyễn Trãi 阮 廌


3. Lê (=Nguyễn) Thận 黎 慎

12. Lê Lý 黎 理

4. Lê Văn An 黎 文 安

13. Trương Chiến 張 戰

5. Lê (=Trần) Văn Linh 黎 文 靈

14. Lê Kiệm 黎 儉 (hay Hiểm 險)

6. Trịnh Khả 鄭 可

15. Đinh Lan 丁 蘭

7. Trương Lôi 張 雷

16. Lưu Nhân Chú 劉 仁 澍

8. Lê Liễu 黎 柳

17. Phạm Lôi 笵 雷

9. Bùi Quốc Hưng 裴 國 興

18. Lê Nanh 黎 獰

10. Vũ Uy 武 威


19. Trịnh Vô 鄭 無

1 Lam Sơn thực lục, Xb 1976, Sđd, tr. 176. Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 35

| 211


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Danh sách 19 anh hùng Lũng Nhai, 15 người đầu tương đối chắc chắn,
kể thêm 2 người có nhiều khả năng (có tên trong 5-8/8 văn bản) và có tên
trong danh sách 35 “công thần khởi nghĩa”. Còn 2 người sau tuy cũng có
tên trong 35 “công thần khởi nghĩa”, nhưng chỉ có tên trong 2-4/8 văn thề,
nên cần nghiên cứu xác minh thêm. Đó là trường hợp Lê Nanh, Lưu Trung,
Trịnh Vô, Trịnh Đồ và cả trường hợp Đinh Liệt. Đi sâu vào nguồn gốc, gia
thế và công lao từng nhân vật, quan hệ giữa một số nhân vật như Nguyễn
Thận, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Linh lại còn không ít vấn đề phải
nghiên cứu kỹ hơn nữa, nhưng trong bài khảo cứu này tôi chưa đề cập đến.

4. Quá trình lưu chuyển văn bản, ý nghĩa lịch sử của Hội thề Lũng Nhai
Tổng hợp kết quả khảo chứng văn bản và xác lập danh sách những
người tham gia lễ thề Lũng Nhai, tôi đưa ra một văn bản Hội thề Lũng Nhai
mang tính đúc kết mà trong văn bản học thường gọi là bản “hợp thái” hay
“hợp hiệu” sau đây:
Bản chữ Hán

212 |



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Bản dịch tiếng Việt

| 213


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Niên hiệu Thiên Khánh cùng ngày, tháng theo can chi và những tên
đất như A Nam quốc, lộ Khả Lam, GS Hoàng Xuân Hãn đã khảo cứu kỹ
trong bài nghiên cứu trên tập san Sử Địa năm 1966, tôi không nhắc lại.
Mục tiêu của bài khảo cứu này là nhằm xác lập một Văn thề Lũng Nhai
và Danh sách những người tham dự lễ thề lịch sử đó. Trên cơ sở những tư
liệu được phát hiện và nghiên cứu cho đến nay, việc xác định trên mang ý
nghĩa tương đối.
Cuối bài văn thề, bản KĐ và bản LS chép một phụ chú rất quan trọng.
Phụ chú cho biết ngày 17 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 tức năm Kỷ
Dậu - 1429, Nguyễn Trãi theo lệnh vua viết (phụng thư) văn thề vào sách,
cất giữ trong hòm (quỹ: hòm hay rương). Đến ngày 16 tháng 2 năm Hồng
Đức thứ 12 tức năm Tân Sửu - 1481, vua Lê Thánh Tông tự tay viết chiếu
(thủ chiếu) cấp cho công thần mỗi nhà một bản để biết “sơn hà chi thệ”
(lời thề núi sông) của Hoàng Tổ tức vua Lê Thái Tổ. Cùng thời điểm đó,
Tư lệ giám đồng tri Nguyễn Đôn phụng chỉ sao gửi cho các tằng tôn họ
Lê1. Đại Việt thông sử, truyện Lê Lai cũng ghi nhận năm 1429, vua sai
Nguyễn Trãi viết hai bản văn thề trước (tức bài văn thề Lũng Nhai và bài
văn thề với các tướng) cùng lời thề nhớ công Lê Lai, cất vào hòm vàng
(kim quỹ)2. Năm 1481 lần đầu tiên văn thề Lũng Nhai được nhà vua cho
sao chép, ban cấp cho con cháu công thần tức đi vào các dòng họ khai
quốc công thần, thường được chép vào gia phả để lưu truyền. Lam Sơn

thực lục do Lê Lợi soạn cũng chép ba bài văn thề: lời thề Lũng Nhai, lời
thề với các tướng, lời thề nhớ công Lê Lai. Thời Thuận Thiên, sách này
được cất giữ trong hòm vàng (kim quỹ), đến năm Cảnh Thống thứ 3 tức
năm Canh Thân - 1500, Thượng thư Bộ Lễ Đàm Văn Lễ được chép một
bản từ trong hòm vàng và “phụng ban”. Đồng thời Đàm Văn Lễ lập thêm
danh sách khai quốc công thần đã có tên và chưa có tên trong Lam Sơn
thực lục, sao lục danh sách Lũng Nhai công thần và lập danh sách truy
tặng công thần trận vong. Đây là kênh thứ hai lưu truyền văn thề Lũng
1 Hoàng Xuân Hãn: tập san Sử Địa số 2-1966, Sđd, tr. 28; Lam Sơn thực lục, Xb 1976, tr.
202. Văn bản chép bồi tụng Nguyễn Trãi. Rõ ràng chức quan Bồi tụng đến thời Lê
Trung Hưng mới xuất hiện. Hoặc do sao chép bị sai lệch, hoặc hiểu theo nghĩa chung
là bầy tôi hầu việc vua như giải thích của Hoàng Xuân Hãn.
2 Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 157.

214 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Nhai, văn thề được chép trong Lam Sơn thực lục1 và cùng lưu truyền với
Lam Sơn thực lục. Rõ ràng bản gốc văn thề Lũng Nhai cất giữ trong hòm
vàng đầu đời Thuận Thiên (1428-1433) thì đã bị mất hay tiêu hủy qua
những lần thay đổi vương triều và chiến tranh tại kinh thành mà ngày
nay chúng ta không có hi vọng tìm lại. Các bản sao chép và lưu truyền
trong gia phả hay trong Lam Sơn thực lục của các họ khai quốc công thần
thì văn bản sớm nhất còn lại đến nay là đầu thế kỷ XVIII, phần lớn là thời
Nguyễn thế kỷ XIX. Trong tình trạng văn bản như thế, chúng ta chỉ có thể
bằng phương pháp văn bản học để khôi phục một bản gần với bản gốc
một cách tương đối.
Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ vào đầu xuân năm 1418 nhưng đã được

chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm trước đó và Hội thề Lũng Nhai là
một cột mốc, một sự kiện trọng đại. Lê Lợi cùng 18 người bạn cùng chí
hướng và thân tín nhất đã uống máu ăn thề, nguyện sống chết có nhau
trong cuộc đấu tranh cứu dân cứu nước. Hạt nhân của bộ tham mưu, bộ
chỉ huy khởi nghĩa đã bước đầu hình thành. Trong số 18 người dự lễ thề,
hầu hết là người xứ Thanh, nhất là vùng hương Lam Sơn, nhưng cũng
có một số người từ xa tìm về tụ nghĩa như Bùi Quốc Hưng là một hào
trưởng quê vùng Chương Mỹ (Hà Nội), Lưu Nhân Chú là dòng dõi phụ
đạo vùng phiên trấn Thái Nguyên, Nguyễn Trãi là một trí thức vừa thoát
khỏi vòng giam lỏng của quân Minh ở thành Đông Quan (Hà Nội). Từ
trong hạt nhân đầu tiên này đã thấy công việc chuẩn bị khởi nghĩa một
mặt dựa vào cơ sở vững chãi của quê hương Lam Sơn - Thanh Hóa, mặt
khác quy tụ một số nhân tài từ nhiều vùng của đất nước, biểu thị tính dân
tộc của cuộc khởi nghĩa. Sau lễ thề, công việc chuẩn bị được tiến hành bí
mật nhưng khẩn trương. Một số người được cử về các vùng để vận động
nhân dân, xây dựng cơ sở. Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung, anh
rể là Phạm Cuống được cử về vùng các trấn miền núi phía Bắc lo bí mật
chiêu tập quân lính (Gia phả Lưu Nhân Chú). Bùi Quốc Hưng về miền
đồng bằng xứ Đông (Gia phả Bùi Quốc Hưng) chuẩn bị cơ sở. Lê Lợi và
những người ở lại Lam Sơn lo chiêu tập binh mã, hình thành đội quân
nòng cốt của lực lượng vũ trang gọi là quân Thiết đột. Công việc chuẩn bị
1 Trong Lam Sơn thực lục, nhà sử học Nguyễn Diên Niên đã khảo cứu và đưa ra thế hệ
lưu truyền văn bản Lam Sơn thực lục từ bản Thuận Thiên=bản Đàm Văn Lễ rồi đến
bản Anh Tông = bản thế kỷ XVIII. Xem Lam Sơn thực lục, Xb 1976, tr. 52-53.

| 215


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH


lương thảo, cơ sở hậu cần lâu dài được gây dựng mà trang trại Lam Sơn
của Lê Lợi do Ngô Kinh, Ngô Từ trông nom (Gia phả họ Ngô) là cơ sở
quan trọng. Như vậy, Hội thề Lũng Nhai đã hình thành hạt nhân của bộ
chỉ huy và định hướng cho công việc chuẩn bị một khởi nghĩa vũ trang
mang tính dân tộc và nhân dân sâu sắc. Đó là một sự kiện trọng đại trong
quá trình hình thành, phát triển và thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, bao
quát trong đó những tư tưởng và định hướng ban đầu nhưng rất cơ bản
cho một cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc
quy mô cả nước.

216 |



×