VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HOÀNG THỊ ÁNH TUYẾT
TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH CHƢƠNG,
TỈNH NGHỆ AN: TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ
GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA
Chuyên ngành: Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm
Mã số: 60.38.01.05
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS.TS VÕ KHÁNH VINH
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu riêng của tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trên trong luận văn là trung thực và chưa từng được
ai công bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Tác giả
HOÀNG THỊ ÁNH TUYẾT
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1
CHƢƠNG 1: TÌNH HÌNH TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH
CHƢƠNG, TỈNH NGHỆ AN ....................................................................................... 6
1.1. Phần hiện của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ
An giai đoạn 2011 – 2015 ............................................................................................... 6
1.2. Phần ẩn của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ
An giai đoạn 2011 – 2015` ............................................................................................ 23
1.3. Thực trạng phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương
thời gian qua .................................................................................................................. 26
Chƣơng 2: NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM
TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH CHƢƠNG, TỈNH NGHỆ AN ....................... 31
2.1. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường sống ................................................ 32
2.2. Nguyên nhân và điều kiện thuộc chủ thể hành vi - Nhân thân người phạm tội ...........41
CHƢƠNG 3: DỰ BÁO TÌNH HÌNH TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
THANH CHƢƠNG, TỈNH NGHỆ AN VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA . 50
3.1 Dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
trong những năm tới ...................................................................................................... 50
3.2. Các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm trên đia bàn huyện Thanh Chương............. 52
KẾT LUẬN .................................................................................................................. 70
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................... 72
PHỤ LỤC .........................................................................................................................
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
1. C
: Chương (Quy định trong BLHS)
2. HSST
: Hình sự sơ thẩm
4. TAND
: Tòa án nhân dân
5. UBND
: Ủy ban nhân dân
6. CSĐT
: Cảnh sát nhân dân
7. MTTQ
: Mặt trận tổ quốc
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thanh Chương là một huyện miền núi nằm về phía Tây Nam tỉnh Nghệ An,
với diện tích tự nhiên 112,636 ha, dân số 267.202 người, có 39 xã và 1 thị trấn
(trong đó có 29 xã miền núi và xã vùng cao), cách trung tâm thành phố Vinh 46km.
Phía Đông giáp huyện Nam Đàn; phía Nam giáp huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh;
phía Bắc giáp huyện Anh Sơn, Đô Lương; phía Tây giáp tỉnh Bôlykhăm xay –
Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Huyện có đường biên giới Việt – Lào dài
hơn 50 km. Có con Sông Lam chảy qua với chiều dài hơn 40 km chia huyện Thanh
Chương thành hai vùng; Hữu Ngạn và Tả Ngạn. Giao thông thuận lợi, có quốc lộ 46
nối với thành phố Vinh, đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua, nối với đường đi Cửa
khẩu Thanh Thủy sang nước bạn Lào.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền
địa phương, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã đạt được kết quả đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó với những đặc thù về kinh tế và xã hội của huyện, việc phát
triển nhanh về kết cấu hạ tầng dân số của huyện tăng cơ học ngày càng cao, kéo
theo tệ nạn xã hội phát triển, dân cư nhiều thành phần, trật tự xã hội diễn biến rất
phức tạp, nhiều loại tội phạm hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Trước tình hình đó, huyện Thanh Chương ban hành Nghị quyết chuyên đề về
lãnh đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. UBND huyện có kế hoạch tổ
chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đấu tranh không khoan
nhượng các loại tội phạm trên địa bàn huyện, trong đó lực lượng Công an làm nòng
cốt, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân
dân tham gia tích cực phong trào “ toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” chủ động trong
việc phòng, chống tội phạm.
Tuy có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị của Huyện với quyết
tâm cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; song, trên thực tế tình
hình tội phạm tại huyện Thanh Chương trong những năm gần đây xẩy ra và có diễn
biến phức tạp về cả tính chất và mức độ, với thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi,
1
xảo quyệt, gây bức xúc trong nhân dân và là lực cản lớn cho sự phát triển các mặt
kinh tế - xã hội của Huyện.
Hằng năm Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương đã kiểm sát xét xử hình sự
sơ thẩm khoảng 74 vụ án, 130 bị cáo. Tính chung trong vòng 5 năm qua (từ năm
2011 – 2015) là 373 vụ với 649 bị cáo xét xử hình sự sơ thẩm.
Vậy con số này là lớn hay nhỏ, sự bí ẩn trong những con số này như thế nào,
liệu có mối quan hệ dọc, ngang chằng chịt với các quá trình hiện tượng kinh tế - xã
hội ở phạm vi của một huyện hay không… tất cả những vấn đề đó cần được giải
mã. Nói cách khác, tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương những năm qua cần
được nhìn nhận dưới góc độ tội phạm mới có thể góp phần thiết thực để thực hiện
chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm mà Chính phủ ban hành từ nhiều
năm nay.
Với cách nhìn như vậy và cũng là để góp phần thực hiện thiết thực mục tiêu
Đảng và Chính quyền huyện đã đề ra trong kế hoạch đấu tranh với tình hình tội
phạm; đề tài “Tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; tình hình
nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” đã được lựa chọn để nghiên cứu.
2.Tình hình nghiên cứu đề tài
Để có thể thực hiện được đề tài đang nói ở đây, luận văn không chỉ kế thừa
những công trình nghiên cứu về tình hình tội phạm cụ thể, đã công bố, mà còn phải
tiếp thu có chọn lọc những công trình lý luận về tội phạm học để phát triển nghiên
cứu thực tế những vấn đề cơ bản của đề tài. Vì thế tình hình nghiên cứu đề tài sẽ
được nghiên cứu tiếp thu ở hai nội dung sau:
Tình hình nghiên cứu chung của tội phạm học
- Giáo trình “Tội phạm học” của GS.TS Võ Khánh Vinh, NXB Công an nhân
dân, tái bản năm 2011 – 2013;
- Giáo trình “Tội phạm học” của Trường đại học luật Hà Nội, NXB Công an
nhân dân;
- Giáo trình “Tội phạm học” của Học viện cảnh sát nhân dân, NXB Công an
nhân dân;
2
- Những vấn đề lý luận và phương pháp nghiên cứu tội phạm học ở Việt Nam
hiện nay của GS.TS Võ Khánh Vinh;
-“Một số vấn đề lý luận về tình hình tội phạm ở Việt Nam” của PGS. TS
Phạm Văn Tỉnh, Nxb Công an nhân dân 2007;
- Đấu tranh với tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ ở nước ta
hiện nay, một mô hình nghiên cứu tội phạm chuyên ngành – Phạm Văn Tỉnh, Đào
Bá Sơn, NXB Công an nhân dân 2010;
-Tội phạm học Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn – Phạm Hồng
Hải (Ch.b), Đào Trí Úc, Võ Khánh Vinh...NXB Công an nhân dân, 2000;
- Tội phạm học – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện nghiên cứu Nhà
nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân;
- Tội phạm học Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Viện
nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, tái bản năm 2011, 2013;
- Các bài viết về nguyên nhân điều kiện của tội phạm, nhân thân người phạm
tội, về phòng ngừa tội phạm được đăng tải trên tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Tạp
chí Nhân lực khoa học xã hội, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí
Tòa án nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân.
Các công trình đã nêu không thể thiếu được cho việc thực hiện đề tài Luận
văn. Trong đó chứa đựng lý luận tội phạm học về các vấn đề cơ bản mà đề tài Luận
văn cần giải quyết, chỉ dẫn cho việc xác định phương pháp luận nghiên cứu đề tài.
Tình hình nghiên cứu thực tế cụ thể
Để phục vụ công tác nghiên cứu đề tài Luận văn, cần tham khảo một số tài
liệu, công trình sau:
- Luận văn thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Hữu Huỳnh: Đấu tranh
phòng chống các tội hoạt động tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Học viện
khoa học xã hội;
- Luận văn thạc sĩ luật học của tác giả Nguyễn Trung Hiếu:tội phạm trên địa
bàn quận Đống Đa, thành phố Hà Nội,tình hình nguyên nhân và giải pháp phòng
ngừa, Học viện khoa học xã hội;
3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là làm sáng tỏ tội phạm trên địa bàn
huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An về tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng
ngừa.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục đích nghiên cứu đề tài, luận văn cần thực hiện 3 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, làm sáng tỏ tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương,
tỉnh Nghệ An
Thứ hai, xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trên địa
bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong thời gian qua
Thứ ba, dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương và các
giải pháp phòng ngừa tội phạm trong thời gian tới.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Luận văn tập trung nghiên cứu “bức tranh” tội phạm trên địa bàn huyện
Thanh Chương, tỉnh Nghệ An từ năm 2011 đến năm 2015. Làm sáng tỏ thực trạng
công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn huyện trong những năm qua. Từ đó, xác
định nguyên nhân và điều kiện của THTP ở huyện Thanh Chương. Đưa ra các dự
báo về THTP, đề xuất các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn huyện trong
thời gian tới.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Xét về mặt nội dung, đề tài của Luận văn nghiên cứu trong phạm vi tội phạm
học thuộc chuyên ngành tội phạm học;
Về cấp xét xử, đề tài tập trung nghiên cứu cấp xét xử hình sự sơ thẩm;
Về thời gian, đề tài tập trung nghiên cứu trong vòng 5 năm, từ năm 2011 2015 bao gồm số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân huyện
(hai trăm) bản án hình sự sơ thẩm;
Về không gian, đề tài luận văn được thực hiện trên phạm vi huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An.
4
5. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác –
Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống các quan điểm của Đảng cộng sản Việt
Nam và của Nhà nước ta về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc
gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài luận văn sử dụng phép biện chứng của triết học Mác – xít vừa với tính
cách là phương pháp luận, vừa với tính cách của một phương pháp nghiên cứu.
Ngoài ra, đề tài còn áp dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: so sánh, lịch sử,
thống kê; hệ thống; nghiên cứu hồ sơ, các phương pháp chuyên biệt khác của tội
phạm.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lí luận
Đề tài luận văn là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu tình hình tội phạm
dưới góc độ tội phạm học trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Kết quả
nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu học tập và nghiên cứu tội phạm học.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị như một tài liệu hướng dẫn thực tế
cho hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm trên địa bàn
huyện Thanh Chương nói riêng.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận
văn được chia làm 3 chương. Cụ thể như sau:
Chương 1: Tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trên địa bàn
huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
Chương 3: Dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương,
tỉnh Nghệ An và các biện pháp phòng ngừa
5
CHƢƠNG 1
TÌNH HÌNH TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THANH CHƢƠNG,
TỈNH NGHỆ AN
Tình hình tội phạm là đối tượng nghiên cứu cơ bản của tội phạm học, đó là
một chỉnh thể thống nhất gồm hai mặt là mặt bản chất và mặt biểu hiện. Với tư cách
là hiện tượng tâm lý – sinh lý – xã hội tiêu cực, tình hình tội phạm đồng thời cũng
mang tính lịch sử, tính pháp lý hình sự, tính giai cấp, tính cụ thể, được biểu hiện
thông qua toàn bộ các hành vi phạm tội cùng với các chủ thể đã thực hiện các hành
vi đó trong đơn vị không gian và thời gian xác định. Như vậy, tình hình tội phạm và
tội phạm là mối quan hệ giữa tổng thể và bộ phận, giữa cái chung và cái riêng,
nhưng không có nghĩa tình hình tội phạm là “phép cộng” đơn thuần của các tội
phạm, mà nó được thể hiện trong mối tương quan chặt chẽ giữa các thông số định
lượng và định tính.
Để có cái nhìn khách quan và toàn diện nhất về tình hình tội phạm ở huyện
Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong Chương I, tác giả thu thập và phân tích các số
liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự, báo cáo tổng kết cũng như các bản án hình sự
sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương trong giai đoạn từ năm 2011
đến năm 2015, từ đó làm sáng tỏ phần hiện và phần ẩn của tình hình tội phạm trên
địa bàn huyện trong những năm gần đây.
1.1. Phần hiện của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chƣơng, tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015
Nghiên cứu phần hiện của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An cần thiết phải làm rõ các thông số về mức độ, động thái
(diễn biến), cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm.
1.1.1. Mức độ của tình hình tội phạm
Mức độ (hay còn gọi là tình trạng) là đặc điểm định lượng của tình hình tội
phạm, thể hiện toàn bố số người phạm tội và số tội phạm mà người đó thực hiện
trong một đơn vị không gian và thời gian xác định. Theo đó, cần thiết làm sáng tỏ
6
ba mức độ của tình hình tội phạm là mức độ tổng quan, mức độ nhóm và mức độ
hành vi.
a). Mức độ tổng quan
Mức độ tổng quan của tình hình tội phạm được thể hiện ở hai hình thức là
tuyệt đối và tương đối.
a.1. Mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương
Mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương
được mô tả thông qua tổng số vụ và bị cáo xét xử HSST so sánh với mức độ này
trên phạm vi tỉnh Nghệ An trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Sự so sánh
này được thể hiện thông qua Bảng 1.1 (và các biểu đồ 1.1.1; 1.1.2 kèm theo).
Bảng 1.1 phản ánh cả hai hình thức mức độ tổng quan của tình hình tội phạm
ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015.
Mức độ tổng quan tuyệt đối là số nguyên và là số liệu cơ bản về lượng của tình hình
tội phạm trên địa bàn huyện. Từ năm 2011 đến năm 2015, TAND huyện Thanh
Chương đã xét xử HSST 373 vụ với 649 bị cáo. Trung bình mỗi năm có khoảng 74
vụ với gần 130 bị cáo. Mức độ tổng quan tương đối là tỷ lệ tội phạm trên địa bàn
huyện Thanh Chương, tính trên cơ sở mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội
phạm trên phạm vi tỉnh Nghệ An: 3,29% về số vụ và 2,96% về số bị cáo. Tỉnh Nghệ
An có 1 thành phố, 3 thị xã và 17 huyện. Như vậy, với 21 đơn vị hành chính, xét
một cách tương đối, mỗi đơn vị có tỉ lệ trung bình là 5,4% về số vụ và 10,43% về số
bị cáo. Nếu so sánh có thể thấy, tỉ lệ tội phạm ở huyện Thanh Chương thấp hơn khá
nhiều so với tỉ lệ trên, tuy nhiên, đây cũng là những con số đáng báo động.
a.2. Mức độ tổng quan tương đối của tình hình tội phạm ở huyện Thanh
Chương. Nghiên cứu mức độ tổng quan tuyệt đối là cơ sở quan trọng để xác định
mức độ tổng quan tương đối – với các khái niệm trong tội phạm học như: tỷ lệ tội
phạm (đã trình bày ở mục a.1); cơ số tội phạm, mật độ tội phạm và tỷ lệ đồng phạm.
Thứ nhất, về cơ số tội phạm hàng năm ở huyện Thanh Chương
Cơ số tội phạm là một trong những chỉ số cơ bản nhất về mức độ của tình
hình tội phạm đối với một đơn vị h ành chính lãnh thổ xác định, trong khoảng thời
gian một năm, được tính bằng số tội phạm hoặc số người phạm tội trong 10.000
7
hoặc 100.000 dân. Đó là “một đại lượng được tính bằng tỷ lệ giữa số vụ phạm tội
xảy ra trên các đơn vị dân cư đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở một địa
bàn”[26,tr74]. Như vậy, để xác định cơ số tội phạm trên địa bàn huyện Thanh
Chương trong từng năm, cần căn cứ vào số vụ và số bị cáo đã xét xử HSST tương
ứng của năm đó giới hạn trong 10.000 dân, phù hợp với đơn vị hành chính cấp
huyện. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả đã thu thập được số liệu thống kê của
Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thanh Chương (tính toán tương đối
với giả thiết số dân trên địa bàn huyện đều đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự), cụ
thể: Năm 2011 khoảng 248.434 người, năm 2012 có khoảng 252.459 người, năm
2013 có khoảng 260.041 người, năm 2014 có khoảng 264.121 người, năm 2015 có
khoảng 267.202 người. Những số liệu này cùng với số vụ và số bị cáo xét xử HSST
là căn cứ để xác định cơ số tội phạm trên địa bàn huyện trong 5 năm gần đây, thể
hiện tại Bảng 1.2 (và các biểu đồ 1.2.1; 1.2.2 kèm theo).
Có thể thấy rằng, cơ số tội phạm ở huyện Thanh Chương có sự chênh lệch
không lớn, mức độ tội phạm phổ biến trong dân cư thấp, khoảng 2 vụ phạm tội với
4 bị cáo trong 10.000 dân / một năm.
Thứ hai, về tỷ lệ đồng phạm ở huyện Thanh Chương
Tỷ lệ giữa bị cáo và số vụ còn có thể gọi là tỷ lệ đồng phạm. Tỷ lệ này được
thể hiện tại Bảng 1.3 (và biểu đồ 1.3.1 kèm theo).
Tính bình quân, tỷ lệ chênh lệch giữa số bị cáo với số vụ án trong 5 năm (2011 2015) trên địa bàn huyện Thanh Chương là 174%, ở tỉnh Nghệ An là 193,2%.
Trong tội phạm học, đây là trường hợp được gọi là “đồng phạm đơn tội”, có
sự chênh lệch giữa số bị cáo lớn hơn số vụ án. Ở huyện Thanh Chương, mức độ
đồng phạm đơn tội trung bình không vượt quá 2 bị cáo/ vụ, (649 bị cáo/ 373 vụ),
thấp hơn so với mức độ đồng phạm đơn tội ở tỉnh Nghệ An (21914 bị cáo/11340
vụ). Đây là những con số biểu hiện tính nguy hiểm của tình hình tội phạm trên địa
bàn huyện Thanh Chương trong thời gian qua.
b). Mức độ nhóm
8
Mức độ tổng quan được phân bổ thành từng nhóm khác nhau cũng là biểu
hiện của đặc điểm định lượng của tình hình tội phạm. Mức độ nhóm của tình hình
tội phạm ở huyện Thanh Chương được thể hiện qua Bảng 1.4 và Bảng 1.5.
Như vậy, có thể thấy ở mức độ nhóm cũng có hai hình thức biểu hiện là tuyệt
đối (Bảng 1.4) và tương đối (Bảng 1.5). Trong năm năm, từ năm 2011 đến năm
2015, theo số liệu của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương, trên địa bàn huyện
đã xảy ra 8 nhóm tội trong tổng số 11 nhóm tội phạm được nghiên cứu (từ Chương
12 đến Chương 22 BLHS 1999). Đây là những con số thể hiện cơ số nhóm tội phạm
ở huyện Thanh Chương. Cơ số này ở tỉnh Nghệ An cũng như trên toàn quốc phải
lớn hơn.
Tỷ phần của từng nhóm tội phạm có “đời sống” thực tế ở huyện Thanh
Chương được thể hiện tại Bảng 1.5. Cụ thể: C14 – Các tội xâm phạm sở hữu có 132
vụ/ 373 vụ, chiếm 35,39% (tỷ phần cao nhất về số vụ) với 208 bị cáo/ 649 bị cáo
chiếm 32,05%. Tiếp đến là C18 – Các tội phạm về ma túy có 111 vụ/ 373 vụ chiếm
29,76% với 140 bị cáo/ 649 bị cáo chiếm 21,57%. C19 - Các tội xâm phạm an toàn
công cộng, trật tự công cộng có 70 vụ/ 373 vụ chiếm 18,77% với 212 bị cáo/ 649 bị
cáo chiếm 32,67% (tỷ phần cao nhất về số bị cáo). C12 - Các tội xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có 37 vụ/ 373 vụ chiếm 9,92%
với 52 bị cáo/ 649 bị cáo chiếm 8,01%. C20 - Các tội xâm phạm trật tự quản lý
hành chính có 15 vụ/ 373 vụ chiếm 4,02% với 22 bị cáo/ 649 bị cáo chiếm 3,39%.
C21 - Các tội phạm về chức vụ có 4 vụ/ 373 vụ chiếm 1,07% với 8 bị cáo/ 649 bị
cáo chiếm 1,24%. C16 - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 3 vụ/ 373 vụ
chiếm 0,8% với 6 bị cáo/ 649 bị cáo chiếm 0,92%. C 17 - Các tội phạm về môi
trường có 1 vụ/ 373 vụ chiếm 0,27% với 1 bị cáo/ 649 bị cáo chiếm 0,15%.
Tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương trong 5 năm qua chủ yếu tập
trung vào 4 nhóm là C12, C14, C18, C19 (khoảng 93%). Bốn nhóm tội này có mức
độ phạm tội cao. 4 nhóm là C16, C17, C20, C21 có mức độ phạm tội thấp hơn
(khoảng 7%). Còn lại nhóm C13 - Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công
dân, C15 - Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, C22 - Các tội xâm phạm
hoạt động tư pháp không xảy ra ở huyện Thanh Chương trong năm năm vừa qua.
9
Đây cũng là đặc điểm riêng biệt của tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương
trong giai đoạn 2011 – 2015.
Nghiên cứu 4 nhóm tội có mức độ phạm tội cao (C12, C14, C18, C19) có
thể thấy:
Một là, đối với nhóm C12 - Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm,
danh dự của con người có số vụ và số bị cáo thấp nhất trong 4 nhóm tội có mức độ
phạm tội cao. Số vụ và số bị cáo tăng, giảm không đồng đều qua các năm. Tăng mạnh
từ 2011 đến năm 2012 nhưng có xu hướng giảm từ năm 2013 đến năm 2015.
Hai là, đối với nhóm C14 - Các tội xâm phạm sở hữu, chiếm tỷ phần lớn
nhất về số vụ, gấp hơn 3,5 lần so với số vụ của nhóm C12. Nhìn chung, có xu
hướng giảm từ năm 2011 đến năm 2013, tuy nhiên lại tăng vào năm 2014, 2015,
tăng mạnh về số bị cáo vào năm 2015.
Ba là, đối với nhóm C18 - Các tội phạm về ma túy có số vụ cao thứ 2 trong 4
nhóm tội có mức độ phạm tội cao. Số vụ và số bị cáo tăng, giảm không đồng đều
qua các năm. Đặc biệt năm 2014 tăng mạnh (tăng 12 vụ so với năm 2012).
Bốn là, đối với nhóm C19 - Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự
công cộng có tỷ phần số bị cáo cao nhất. Có xu hướng tăng trong cả giai đoạn 2011
– 2015, tăng mạnh vào năm 2015, gấp hơn 2,6 lần về số vụ so với năm thấp nhất
(2011). Năm 2014 gấp hơn 2 lần về số bị cáo so với năm 2011. Đây là những con số
đáng lưu ý trong công tác phòng, chống tội phạm ở huyện Thanh Chương trong thời
gian tới.
c). Mức độ hành vi
Ngoài mức độ tổng quan, mức độ nhóm khi nghiên cứu tình hình tội phạm
cần thiết phải làm sáng tỏ mức độ hành vi để xác định cơ số hành vi phạm tội, mức
độ phạm tội đối với từng tội danh.
Trong tội phạm học, cơ số hành vi phạm tội là “tổng số tội danh có đời sống
thực tế, là số tội danh tòa án đã dùng để tuyên phạt trong một đơn vị thời gian và
không gian nhất định”. Mức độ hành vi phạm tội đối với một tội danh là “số lần tội
danh đó được tòa án các cấp áp dụng để tuyên phạt các bị cáo trong một đơn vị
thời gian và không gian nhất định” [15,tr134]
10
Nghiên cứu tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương từ năm 2011 đến năm
2015 cho thấy 28 tội danh có đời sống thực tế, cụ thể được thể hiện ở Bảng 1.6.
Cơ số hành vi phạm tội là một chỉ số để đánh giá về mức độ phù hợp giữa
Luật hình sự với thực tế xã hội. Theo quan điểm của tội phạm học Việt Nam, nếu
tội danh có mức độ phạm tội từ hai con số trở lên thì xếp vào nhóm tội danh có mức
độ phạm tội cao hơn cả. Trên địa bàn huyện Thanh Chương, 9 tội danh có mức độ
phạm tội cao hơn cả được thể hiện qua Bảng 1.7.
Như vậy, 9 tội danh đã chiếm 91, 06% (591/649 bị cáo) tổng số bị cáo mà
Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương đã xét xử từ năm 2011 đến năm 2015. Mức
độ cao nhất là tội đánh bạc (176 bị cáo), tiếp đến là tội trộm cắp tài sản (153 bị cáo),
sau đó là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (xét một cách
tương đối quy định tại Điều 194 BLHS 1999, điều luật quy định 4 tội phạm). Các
tội phạm này đều có mức độ phạm tội là 3 con số. Còn lại 6 tội là: tội cố ý gây
thương tích, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội vi
phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và tội chống người
thi hành công vụ có mức độ phạm tội bằng 2 con số.
Như vậy, ở mức độ hành vi, tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương trong
giai đoạn 2011 – 2015 có 3 hành vi phạm tội chủ yếu là:
Thứ nhất, tội đánh bạc chiếm tỷ lệ 29,78%
Thứ hai, tội trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ 25,89%
Thứ ba, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy chiếm tỷ lệ
23,68%.
Nghiên cứu mức độ của tình hình tội phạm là cơ sở quan trọng để nhận thức
đặc điểm định lượng tiêu biểu của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh
Chương, tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.
1.1.1.2. Động thái của tình hình tội phạm
Động thái của tình hình tội phạm là sự phản ánh xu hướng tăng, giảm hoặc
ổn định của hiện tượng này trong khoảng thời gian và không gian nhất định. Để làm
sáng tỏ động thái của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh Chương tỉnh
Nghệ An trong 5 năm qua, trước hết cần dựa trên sự vận động của tình hình tội
11
phạm xét theo mức độ tổng quan tuyệt đối. Trong luận văn, tác giả sử dụng phương
pháp so sánh định gốc và theo giai đoạn 3 năm để làm rõ nội dung này, thể hiện
trong Bảng 1.8.
Bằng phương pháp so sánh định gốc theo năm, kết quả cho thấy xu hướng cơ
bản của tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương trong thời gian qua: nhìn chung
có xu hướng gia tăng từ năm 2011 đến năm 2015 cả về số vụ và số bị cáo. Nếu xét
theo giai đoạn 3 năm như trên, có thể thấy xu hướng tăng 29,53% về số vụ và
32,83% về số bị cáo.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Thanh
Chương có xu hướng gia tăng. Điều này một phần là do điều kiện kinh tế xã hội,
dân cư - địa lý: là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Nghệ An,
cách thành phố Vinh 46 km. Phía Tây Nam giáp tỉnh Bolykhamxay- Nước cộng hòa
dân chủ nhân dân Lào; phía Đông giáp huyện Đô Lương và Nam Đàn; phía Tây Bắc
giáp huyện Anh Sơn; phía Đông Bắc giáp huyện Đô Lương; phía Nam giáp huyện
Hương Sơn. Vì vậy, cư dân tương đối phức tạp. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa,
tái định cư, có sự giáp ranh cửa khẩu Thanh Thủy dẫn tới gia tăng các dịch vụ, yếu
kém trong quản lý hành chính, hộ khẩu hộ tịch… đó là những lý do dẫn tới sự gia
tăng của tình hình tội phạm trên địa bàn huyện trong thời gian qua.
1.1.1.3. Cơ cấu của tình hình tội phạm
“Cơ cấu của tình hình tội phạm là đặc điểm định tính tiêu biểu của tình hình
tội phạm, là tổng thể của các hệ thống cấu trúc bên trong của tình hình tội phạm,
cho biết về kết cấu cũng như tỷ lệ tương quan giữa các kết cấu đó từ tổng quan đến
chi tiết, phản ánh về các mối liên hệ của tình hình tội phạm với các hiện tượng, quá
trình kinh tế - xã hội khác, vì thế nó giữ vai trò là cơ sở cho việc đánh giá tính chất
của tình hình tội phạm, làm cơ sở xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình
tội phạm”[21,tr.94] Vì vậy, để làm sáng tỏ bức tranh tội phạm trên địa bàn huyện
Thanh Chương, cần thiết nghiên cứu cơ cấu của tình hình tội phạm.
a). Cơ cấu theo đơn vị hành chính – lãnh thổ của huyện
Huyện Thanh Chương có 40 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: thị trấn
Thanh Chương và 39 xã: Cát Văn, Đồng Văn, Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Ngọc Sơn,
12
Phong
Thịnh, Thanh
An, Thanh
Chi, Thanh
Đồng, Thanh
Đức, Thanh
Dương, Thanh Giang, Thanh Hà, Thanh Hòa, Thanh Hưng, Thanh Hương, Thanh
Khai, Thanh Khê, Thanh Lâm, Thanh Liên, Thanh Lĩnh, Thanh Long, Thanh
Lương, Thanh Mai, Thanh Mỹ, Thanh Ngọc, Thanh Nho, Thanh Phong, Thanh
Sơn, Thanh Thịnh, Thanh Thủy, Thanh Tiên, Thanh Tùng, Thanh Tường, Thanh
Văn, Thanh Xuân, Thanh Yên, Võ Liệt, Xuân Tường.
Để làm rõ tình hình tội phạm ở từng đơn vị hành chính cấp xã cần sử dụng
phương pháp xác định hệ đặc điểm chuyên biệt. Tuy nhiên, trong phạm vi luận văn,
tác giả sử dụng số liệu thống kê của TAND huyện Thanh Chương để xác định nhóm
tội phạm xảy ra trong từng xã, thể hiện ở Bảng 1.9
Bảng 1.9 cho thấy tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương xảy ra trên
toàn địa bàn huyện, tại 39 xã, 1 thị trấn, có sự tập trung ở thị trấn Thanh Chương và
một số xã như Thanh Long, Thanh Lương, Võ Liệt, Thanh Hưng, Thanh An. Chiếm
tỉ lệ lớn nhất là số tội phạm xảy ra ở thị trấn Thanh Chương với 14%. Xã Thanh
Long chiếm 7, 8%. Xã Thanh Lương và Võ Liệt cùng chiếm 5,4%. Xã Thanh Hưng
và Thanh An chiếm 3,8%. Cụ thể:
Tại thị trấn Thanh Chương xảy ra các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe con
người như cố ý gây thương tích…, các tội xâm phạm sở hữu như trộm cắp tài sản,
cướp tài sản, cướp giật tài sản… các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công
cộng như tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội
đánh bạc… Bên cạnh đó, các tội phạm về ma túy diễn ra ở thị trấn cũng tương đối
nhiều. Điều này, có thể là do sự tác động của các yếu tố kinh tế - xã hội, là nơi tập
trung đông dân cư trong huyện với nhiều thành phần phức tạp, có nhiều tụ điểm vui
chơi, giải trí… vì vậy tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Xã Thanh Long xảy ra nhiều nhất là các tội xâm phạm sở hữu như tội trộm
cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản… Xã cách TP Vinh khoảng 40 km, nằm
ở Hữu ngạn Sông Lam phía Tây và phía Bắc Giáp Xã Võ Liệt, phía Nam giáp xã
Thanh Hà, phía Đông giáp Sông Lam. Vì vậy, các đối tượng phạm tội có thể lợi
dụng trà trộn từ các khu vực khác nhau trong huyện Thanh Chương cũng như tỉnh
Nghệ An để ẩn náu, thực hiện hành vi phạm tội.
13
Xã Thanh Lương và Võ Liệt cùng có tỷ lệ số vụ phạm tội như nhau (5,4%).
Tuy nhiên, tại Thanh Lương tập trung chủ yếu vào nhóm tội xâm phạm sở hữu
(C14), còn Võ Liệt lại là trọng điểm ma túy lớn của huyện Thanh Chương.
Xã Thanh Hưng, Thanh An cũng có tỷ lệ số vụ phạm tội tương đối nhiều,
đều chiếm 3,8%. Tuy nhiên ở Thanh Hưng chủ yếu là nhóm tội xâm phạm sở hữu
(C14), còn ở Thanh An là nhóm tội phạm về ma túy (C18).
b). Cơ cấu theo loại tội
Căn cứ vào phân loại tội phạm tại khoản 3 Điều 8 BLHS 1999 và theo quy
định của luật tố tụng hình sự về việc phân cấp xét xử, thực tế, trên địa bàn huyện
Thanh Chương có 3 loại tội phạm là: Tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất
nghiêm trọng.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015 trên địa bàn huyện Thanh
Chương, nhìn chung các loại tội phạm đều gia tăng qua các năm. Trong đó, tội ít
nghiêm trọng chiếm tỉ lệ lớn nhất là 49,15%, tội nghiêm trọng chiếm tỉ lệ 28,35%,
thấp nhất là tội rất nghiêm trọng 22,5%. Số liệu cụ thể biểu hiện ở Bảng 1.10 (kèm
theo biểu đồ 1.10.1)
c). Cơ cấu theo phương thức thực hiện tội phạm
Cơ cấu theo phương thức thực hiện tội phạm là một trong những cơ cấu lớn,
phức tạp khi nghiên cứu tình hình tội phạm
c.1.) Cơ cấu theo các bước của phương thức thực hiện tội phạm
Trong luận văn, tác giả nghiên cứu 200 vụ án trên địa bàn huyện Thanh
Chương trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015. Kết quả cho thấy: 113 vụ
(chiếm 56,5%) đối tượng có sự chuẩn bị để thực hiện tội phạm. Còn lại, 87 vụ
(chiếm 43,5%) đối tượng không có sự chuẩn bị trước - tội phạm xảy ra ngay tại thời
điểm phát sinh mâu thuẫn giữa đối tượng và nạn nhân.
Dù có sự chuẩn bị trước hay không thì các đối tượng phạm tội cũng gây ra
những hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như:
Tối ngày 8/7/2013, sau khi uống bia, Trần Quốc Trung rủ Võ Minh Điền,
Trần Anh Hùng, Phạm Văn Lưu (SN 1985, trú tại xã Thanh Giang, Thanh Chương)
đến khách sạn Đ.V để đánh Lê Việt Anh (SN 1988, trú tại thị trấn Thanh Chương) –
14
con trai chủ khách sạn. Trung đưa cho Điền và Hùng mỗi người một con dao. Khi
thuê taxi đến cổng khách sạn thì các đối tượng gặp Trần Văn Phương. Do có mâu
thuẫn từ trước nên Điền xách dao đuổi chém Phương nhưng vết chém chỉ sượt vào
tay. Lúc này, Việt Anh cũng vừa đi tới, xuống xe nói chuyện với nhóm của Trung.
Điền bỏ Phương quay lại chém Việt Anh nhưng Việt Anh bỏ chạy được nên vết
chém chỉ sượt vào lưng. Thấy cậu chủ bị chém, nhân viên bảo vệ của khách sạn là
Nguyễn Bá Hòa (SN 1992, trú tại xã Thanh Hương, Thanh Chương) cầm dao, kiếm
xông ra đánh nhau với nhóm của Trung. Hùng và Lưu cầm vũ khí đánh trả. Hòa chỉ
chịu rút lui khi bà chủ gọi vào sau khi đã gây thương tích cho Lưu. Lưu tự gọi xe đi
băng bó vết thương còn Trung, Điền tiếp tục hò hét, đòi chém giết Việt Anh. Trong
cơn “hăng máu” Điền dùng dao đập phá chiếc xe của Việt Anh và vỡ kính xe của
khách gửi tại khách sạn. Khi mẹ của Việt Anh chạy ra thì Điền dùng dao chém vào
trán gây thương tích cho bà này. Lê Sỹ Hiệp (cậu Việt Anh), Nguyễn Bá Hòa, Lê
Vũ Trọng Hiếu (cháu của Hiệp) mang dao, kiếm đuổi đánh nhóm của Trung. Hòa,
Hiếu, Hiệp dùng dao chém nhiều nhát vào người Điền gây thương tích 54%. Mặc
dù được bố ôm lại can ngăn nhưng Lê Việt Anh vẫn cố vùng vẫy thoát ra, cùng với
Hiệp và Hiếu chém Trung bị trọng thương. Sự việc chỉ dừng lại khi lực lượng công
an có mặt. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Thanh Chương đã tuyên phạt các bị
cáo từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 33 tháng tù về tội cố ý gây thương tích và
hủy hoại tài sản. Trong đó, Võ Minh Điền bị tuyên phạt 24 tháng tù giam về tội cố ý
gây thương tích, 6 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Nguyễn Bá Hòa 33 tháng tù
giam, Lê Việt Anh 9 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích. Riêng Phạm Văn
Lưu bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo [trích bản án số
29/2012/HSST ngày 23/4/2012 TAND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An]
c.2.) Cơ cấu theo thời gian phạm tội
Nghiên cứu 200 bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương
có thể thấy thời gian thường xảy ra tội phạm nhiều nhất là từ 10h sáng đến 22h
chiếm 68%, từ 22h đến 5h chiếm 20%, còn lại từ 5h đến 10h chiếm 12%. Số vụ
phạm tội xảy ra vào khoảng thời gian từ 10h đến 22h chiếm tỉ lệ cao nhất vì đây
là thời điểm hoạt động chủ yếu của các dịch vụ vui chơi, giải trí. Buổi chiều đến
15
22h các đối tượng thời lợi dụng thời điểm nhá nhem, đêm tối để dễ bề hoạt động,
lẩn trốn, tránh bị phát hiện. Lúc sáng sớm và nửa đêm vẫn xảy ra các vụ phạm
tội, mặc dù ít hơn vì nhiều trường hợp manh động, bất chấp để thực hiện hành vi
phạm tội, mặt khác thời điểm này các đối tượng thường nhận thức được công tác
tuần tra canh gác được tăng cường nên hạn chế ít nhiều hành vi phạm tội. Thể
hiện tại Biểu đồ c.1.2
c.3). Cơ cấu theo địa điểm phạm tội
Khảo sát 200 bản án HSST mà Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương xét xử
từ năm 2011 đến năm 2015, cho thấy số vụ án diễn ra nhiều nhất tại nơi công cộng
chiếm 39%, nhà của nạn nhân chiếm 31%, các nơi khác như hàng quán, dịch vụ
30%. Thể hiện tại Biểu đồ c.3.1
Ví dụ như vào hồi 17h ngày 16/2, Tổ công tác Phòng CSĐTTP về TTXH
Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Thanh Chương bắt quả tang 23 đối tượng
đang đánh bạc bằng hình thức chơi xóc đĩa tại một phòng thuộc quán karaoke do Hà
Văn Hải (SN 1984) ở xóm 6, xã Thanh Liên, Thanh Chương làm chủ. Hay vụ án
xảy ra tại nhà riêng: Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 24/12/2015, tổ công tác thuộc Đội
Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế - Ma túy do Đại úy Nguyễn Mạnh Hà, Đội phó
trực tiếp chỉ đạo đã ập vào nhà thị Thủy, bắt quả tang đối tượng đang ghi lô, đề cho
Trần Văn Trung (SN 1986) trú tại xóm 1, xã Thanh An.
Nghiên cứu cũng cho thấy, số vụ phạm tội xảy ra tập trung ở thị trấn Thanh
Chương và một số xã như Thanh Long, Thanh Lương, Võ Liệt, Thanh Hưng, Thanh
An. Đây là những địa bàn tập trung dân cư, có nhiều tụ điểm về tệ nạn xã hội…
c.4). Cơ cấu theo công cụ, phương tiện, đối tượng tác động hành vi phạm tội
Không phải tội phạm nào cũng sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội. Tuy
nhiên, nhiều trường hợp, công cụ, phương tiện phạm tội quyết định phương thức
thực hiện hành vi phạm tội cũng những tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.
Nghiên cứu 200 bản án HSST của TAND huyện Thanh Chương có thể thấy,
công cụ, phương tiện gây án rất đa dạng, tùy thuộc từng loại đối tượng và nhóm tội
phạm hay tội phạm cụ thể. Có vụ án, đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm để
phạm tội như: 14 giờ ngày 26/12, Lê Huy Sơn (SN 1988) trú tại xã Hạnh Lâm,
16
huyện Thanh Chương cùng 1 người bạn trú tại xã Hạnh Lâm đi xe máy từ TP Vinh
về xã Hạnh Lâm. Do trước đó Sơn có sử dụng ma túy đá nên khi 2 người đi đến
xóm 9, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, Sơn bị ảo giác và cho
rằng bạn đi cùng muốn giết mình. Sơn yêu cầu người bạn dừng xe rồi chạy vào một
bãi mía, sau đó đi vào nhà một người dân gần đó lấy 1 con dao rồi chạy thẳng lên
QL533. Lúc này, chị Lương Thị Huyến đang điều kiển xe máy BKS 37V3-3931
chở chị Trương Thị Nhung (SN 1990) cùng trú tại xóm 6, xã Thanh Mỹ, huyện
Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đi hướng thị trấn Thanh Chương về xã Thanh Mỹ.
Khi thấy 1 nam thanh niên cầm dao phía trước, chị Huyến đã nhanh chóng quay xe
lại rồi chạy theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, Sơn đã nhanh chóng đuổi theo và nắm
áo chị Nhung kéo lại rồi bắt cả 2 người dừng xe. Sau đó, hắn dùng dao đập vào mũ
bảo hiểm mà chị Nhung đang đội rồi quay ngang con dao đập vào vai chị Huyến và
nói: “Đưa xe máy cho tao về, không tao giết!”. Quá hoảng sợ, chị Huyến và chị
Nhung đã bỏ lại xe máy rồi bỏ chạy. Sau đó, Sơn điều khiển xe máy chạy theo
hướng về thị trấn Thanh Chương. Khi đi được 6 m, Sơn quay xe lại, chạy về hướng
xã Thanh Liên. Đến khu vực xóm Liên Yên, xã Thanh Liên, Sơn thấy ông Nguyễn
Hữu Hồ (SN 1953) trú tại xóm Liên Yên đang đứng trên đường. Sơn cho rằng ông
Hồ định đánh mình nên đã dùng dao chém ông này một nhát vào lưng. Sau đó, một
số người dân gần đó đã chạy ra can ngăn. Tuy nhiên, do vẫn bị ảo giác nên Sơn tiếp
tục dùng dao chém một nhát vào lưng ông Nguyễn Văn Liên (SN 1965) và 1 nhát
vào tay anh Hồ Sỹ Hưng (SN 1983) trú tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương,
tỉnh Nghệ An. Đây cũng là một vụ án thể hiện sự tác động nghiêm trọng của ma túy
đến việc thực hiện hành vi của các đối tượng phạm tội [Bản án số 23/2014/HSST
ngày 27/2/2014 TAND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An]
d). Cơ cấu theo hình phạt chính
Để đánh giá đầy đủ hơn về cơ cấu tình hình tội phạm, cần thiết nghiên cứu
hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo. Bảng 1.11 mô tả kết quả nghiên cứu như sau:
Bảng 1.11 cho thấy loại hình phạt chính được áp dụng nhiều nhất đối với bị
cáo là tù có thời hạn 36.98%, trong đó được hưởng án treo chiếm tỉ lệ 21.73%, còn
lại 15.25% tù giam dưới 3 năm. Tù trên 3 năm đến 7 năm chiếm tỉ lệ 28.35%. Tù
17
trên 7 năm chiếm tỉ lệ 18.64%. Phạt tiền chiếm 12.94%. Cải tạo không giam giữ
chiếm 2.94% và cảnh cáo là 0.15%. Nghiên cứu ở trên cho thấy, tội phạm xảy ra
trên địa bàn huyện Thanh Chương chủ yếu là tội trộm cắp, đánh bạc, tội tàng trữ,
vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy… Điều này phản ánh đúng tính chất,
mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do các bị cáo thực hiện cũng như nhân thân
của bị cáo.
đ). Cơ cấu theo đặc điểm nhân thân bị cáo
Nghiên cứu số liệu thống kê của TAND huyện Thanh Chương có thể thấy
được nhân thân bị cáo. Thể hiện ở Bảng 1.12
đ.1). Cơ cấu theo giới tính của bị cáo
Nghiên cứu số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự của TAND huyện Thanh
Chương từ năm 2011 đến năm 2015 có số nữ giới chiếm tỷ lệ 26.2% thấp hơn so
với nam giới 73.8%. Nữ giới chủ yếu phạm tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện nữ giới phạm
tội đang có xu hướng gia tăng, như vụ án: Ngày 28/8, Công an huyện Thanh
Chương (Nghệ An) đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Thị Hòa (SN
1989), quê quán xóm 4, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, hiện trú tại thôn
Kim Thanh, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài
sản. Cụ Nguyễn Văn T. (85 tuổi) ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương cho biết
ngày 25/8, cụ và cụ bà đang ở nhà thì thấy một phụ nữ vào nhà và giới thiệu là con
của một người mà gia đình cụ đều biết, nói chuyện một lúc thì 2 cụ cứ ngỡ là con
cháu mình thật. Lúc đã nhận ra "họ hàng", người phụ nữ bắt đầu trình bày về hoàn
cảnh của mình, nói là bố bị ốm nặng đang điều trị tại bệnh viện huyện, lúc đi gia
đình không mang theo tiền nên nhờ 2 cụ giúp đỡ. Nghe hoàn cảnh tội nghiệp, đồng
thời là "con cháu" nhà mình, nên 2 cụ sẵn lòng giúp đỡ, lấy 4,5 triệu đồng đưa cho
người phụ nữ mà không tỏ vẻ nghi ngờ. Cầm tiền xong, người phụ nữ ra về kèm
theo một lời cảm ơn và lời hứa ngày hôm sau sẽ về nhà lấy tiền để trả cho 2 cụ.
Cũng trong ngày 25/8, cụ ông Hoàng Đình B. (87 tuổi) ở xã Thanh Hưng cũng
bị một đối tượng nữ giới lừa và chiếm đoạt số tiền 2,5 triệu đồng với thủ đoạn
tương tự, lần này “nữ quái” lấy lý do là cần tiền để chuộc xe máy do bị Công an
18
huyện xử phạt. Mãi đến ngày hôm sau, thấy nghi ngờ, các cụ mới đem chuyện nói
với con cháu để xác minh thì mới biết mình đã bị lừa.
đ.2). Cơ cấu theo độ tuổi của bị cáo
Nghiên cứu số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự của TAND huyện Thanh
Chương từ năm 2011 đến năm 2015 cho thấy, độ tuổi của bị cáo từ 30 đến 45 tuổi
chiếm đa số 34.36%, cùng xấp xỉ là độ tuổi trên 45 chiếm 33.28%. Từ 18 đến 30
tuổi chiếm 22.96%, còn lại trong độ tuổi chưa thành niên (từ đủ 14 đến dưới 18
tuổi) chiếm tỉ lệ thấp nhất 9.4%. Bên cạnh đó, số bị cáo đang có xu hướng trẻ hóa.
Đây là hiện tượng đáng báo động.
đ.3). Cơ cấu theo đặc điểm tái phạm và tái phạm nguy hiểm
Nghiên cứu số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự của TAND huyện Thanh
Chương từ năm 2011 đến năm 2015 cho thấy số bị cáo tái phạm, tái phạm nguy
hiểm chiếm khoảng 1/3 tổng số bị cáo, tỷ lệ 29.12%, có xu hướng tăng trong thời
gian gần đây.
đ.4). Cơ cấu theo đặc điểm thành phần dân tộc của bị cáo
Nghiên cứu cho thấy, đa số bị cáo là người dân tộc Kinh. Bị cáo là người dân
tộc thiểu số chiếm tỷ lệ không nhỏ 23.88%. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện
Thanh Chương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tôn giáo, tín ngưỡng.
đ.5). Cơ cấu theo đặc điểm nghiện ma túy
Số bị cáo nghiện ma túy chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số bị cáo, 27.58%.
Chủ yếu các bị cáo này thực hiện các tội phạm về ma túy, cố ý gây thương tích,
trộm cắp tài sản… số bị cáo nghiện ma túy tăng từ 2011 đến 2014, giảm vào năm
2015. Vì vậy, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cần đẩy mạnh hơn nữa
công tác đấu tranh chống tội phạm cũng như các tệ nạn xã hội.
đ.6). Cơ cấu theo trình độ học vấn của bị cáo
Cơ cấu của tình hình tội phạm ở huyện Thanh Chương cho thấy sự ảnh
hưởng của giáo dục đối với tình hình tội phạm. Hầu hết, các bị cáo có trình độ học
vấn không cao. Trong đó, những bị cáo mù chữ chiếm 3.08%, tiểu học 14.33%,
trung học cơ sở 24.19%, phổ thông trung học chiếm tỉ lệ cao nhất 43.61%, còn lại từ
cao đẳng trở lên chiếm 14.79%. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của giáo dục.
19
Những bị cáo phạm tội thường do thiếu hiểu biết về phạm luật, hạn chế về trình độ
học vấn, lười lao động, học tập… Ngoài ra, trong số 649 bị cáo, có 8 bị cáo là Đảng
viên, chiếm tỉ lệ rất nhỏ 1.23%, ở các tội phạm về chức vụ 1 vài trường hợp phạm
tội đánh bạc.
đ.7). Cơ cấu theo đặc điểm nghề nghiệp của bị cáo
Thực tế cho thấy, người có việc làm, nghề nghiệp, môi trường làm việc lành
mạnh, thu nhập ổn định thì ít phát sinh mâu thuẫn hoặc có mâu thuẫn cũng biết điều
chỉnh xử sự hợp lý. Nghiên cứu trong 649 bị cáo trên địa bàn huyện Thanh Chương
cho thấy có 311 đối tượng không nghề nghiệp chiếm 47.92%, lao động tự do 259
chiếm 39.91%, còn lại là học sinh, sinh viên 54 bị cáo, chiếm 8.32% và cán bộ,
công chức 25 bị cáo, chiếm 3.85%. Như vậy, đối tượng phạm tội không nghề
nghiệp và lao động tự do chiếm tỉ lệ lớn 87.83%, chứng tỏ tình trạng thất nghiệp,
lao động tự do, thiếu sự quản lý có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật
tự của địa phương.
đ.8). Cơ cấu theo đặc điểm động cơ gây án
Động cơ là động lực bên trong, thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi phạm tội,
thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hay nhóm tội phạm cụ thể.
Trong luận văn, tác giả nghiên cứu 200 bản án mà Tòa án nhân dân huyện
Thanh Chương xét xử hình sự sơ thẩm với 85 bản án về tội xâm phạm sở hữu, 75
bản án về các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, 40 bản án tội
phạm về ma túy, có các động cơ phạm tội chủ yếu sau:
+ Nhóm tội xâm phạm sở hữu: Trong 85 bản án có nhiều hơn là tội trộm cắp
tài sản, 55 vụ, chiếm 64,7%, còn lại tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản… Động
cơ phạm tội chủ yếu của nhóm tội phạm này là vì vụ lợi, thỏa mãn nhu cầu của cá
nhân. Nhiều đối tượng không có nghề nghiệp, lười lao động dẫn tới phạm tội, trộm
cắp tài sản của người khác rồi bán tiêu xài cá nhân, cá độ đá bóng…
+ Nhóm tội phạm về ma túy: Trong 40 bản án chủ yếu là tội vận chuyển,
mua bán trái phép chất ma túy. Nhiều đối tượng nghiện hút để thỏa mãn cơn nghiện,
có tiền tiêu xài cá nhân, đã vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.
20
Đặc biệt trong số đó, nhiều đối tượng bất chấp tác hại khôn lường của ma túy vẫn
cố ý phạm tội.
+ Nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng
Nghiên cứu trong 75 bản án về nhóm tội phạm này, có nhiều nhất là tội đánh
bạc, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội chứa
mại dâm. Động cơ chủ yếu của nhóm tội này là các đối tượng lười lao động, sinh ra
cờ bạc, muốn nhanh chóng kiếm lời nên đã đánh bạc, chứa mại dâm, thỏa mãn nhu
cầu ăn chơi. Mặt khác, 1 số đối tượng ngang nhiên không chấp hành quy định điều
khiển giao thông đường bộ do ngông nghênh, có thái độ bất chấp, thích thể hiện, coi
thường các quy định pháp luật…
đ.9). Cơ cấu theo đặc điểm về mối quan hệ giữa bị cáo với người bị hại (nạn nhân)
Người bị hại hay nạn nhân của tội phạm là những đối tượng phải gánh chịu
thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, có thể là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về thể
chất, tinh thần, tài sản hoặc các lợi ích hợp pháp khác. Nạn nhân và đối tượng phạm
tội không phải trong mọi trường hợp đều quen biết. Giữa 2 chủ thể này có thể có
mối quan hệ huyết thống, hôn nhân, thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp… Nghiên cứu
mối quan hệ giữa nạn nhân và đối tượng phạm tội sẽ góp phần tìm ra được thủ
phạm, xác định nguyên nhân của tội phạm từ đó đề xuất các biện pháp phòng ngừa
tội phạm.
Trên địa bàn huyện Thanh Chương trong thời gian qua, có thể thấy nạn nhân
và đối tượng phạm tội có mối quan hệ rất đa dạng. Ví dụ như vụ án Nguyễn Văn
Cường (1985, trú khối 2, TT Thanh Chương, H. Thanh Chương) đã thực hiện hành
vi trộm cắp tài sản. Cường khai nhận, bản thân là tài xế nên rất thông thạo việc mở
khóa ô-tô bằng nhiều cách khác nhau. Trước đây, Cường từng thuê ô-tô tự lái của
gia đình anh Nguyễn Văn Tám (1969, trú khối 11, TT Thanh Chương, H. Thanh
Chương) và nảy sinh ý định trộm xe. Vì vậy, Cường đã “nhân bản” thêm một chiếc
chìa khóa, chờ cơ hội thuận lợi sẽ trộm xe. Đêm 11-3-2015, khi đi ngang qua nhà
anh Tám thì thấy chiếc xe đậu trên vỉa hè, không có người trông coi nên Cường
mừng như bắt được vàng. Lập tức, Cường chạy về nhà lấy chiếc chìa khóa, đến mở
cửa, mở khóa xe chạy đi. Nghĩ nếu mang cầm ở các hiệu cầm đồ gần nhà sẽ bị lực
21