MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỐNG QUAN LIÊU, THAM NHŨNG
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII đã chỉ rõ bốn
nguy cơ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định:
"Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng chỉ ra - tụt hậu xa hơn về kinh tế so với
nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, chệch hướng xã hội chủ nghĩa
(XHCN), nạn tham nhũng và tệ quan liêu, "diễn biến hòa bình" do các thế lực
thù địch gây ra - đến nay vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp, đan xen tác động
lẫn nhau, không thể xem nhẹ nguy cơ nào"(1). Báo cáo Chính trị của Ban chấp
hành Trung ương khóa VIII trình trước Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh:
"Tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin
của nhân dân"(2).
Đảng ta đã thấy rõ thực chất tình trạng quan liêu, tham nhũng và những
nguy hại của nó, đồng thời đã có nhiều chủ trương, biện pháp đấu tranh, ngăn
chặn, đẩy lùi tệ này trong nhiều năm. Bên cạnh những kết quả không nhỏ đã đạt
được trong những năm qua, tình trạng quan liêu, tham nhũng vẫn tồn tại như một
tệ nạn nguy hiểm, là một nguy cơ đối với đất nước. Tình hình quan liêu, tham
nhũng nếu chúng ta không chủ động ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục thì chúng
ta sẽ không những không hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, thậm chí không giữ được độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.
I. QUAN NIỆM QUAN LIÊU, THAM NHŨNG VÀ CÁC NGUYÊN
NHÂN GÂY RA THAM NHŨNG
1. Quan niệm quan liêu, tham nhũng
+ Quan niệm về quan liêu: Theo Hồ Chí Minh thì quan liêu là xa
rời thực tế, xa rời quần chúng, nó đối lập với dân chủ, đối lập với quyền lợi
chính đáng của dân chúng.
, (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, 2001, tr. 15.
(1)
1
Gốc rễ sâu xa của quan liêu và mọi chứng bệnh khác của thể chế
nhà nước là chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ ở những người có chức, có quyền. Hồ
Chí Minh đã phát hiện và đánh giá bản chất của quan liêu không chỉ ở thể
chế, cơ chế mà còn ở đạo đức, phẩm hạnh cán bộ. Nó biểu hiện rõ nhất ở
thái độ và hành động của các quan chức và công chức nói chung đối với
dân chúng.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, vì sao quan liêu? Hồ Chí Minh tự trả
lời: quan liêu là do xa dân, ghét dân, không tin dân, sợ dân, không thương
dân và coi thường dân, đứng trên dân chúng để ra lệnh chứ không hòa mình
vào dân chúng để bàn bạc dân chủ với dân, phát huy sức mạnh của dân,
thuyết phục dân và phục vụ tận tụy dân chúng.
Để đấu tranh chống quan liêu theo Hồ Chí Minh thì phải ra sức phát
huy thực hành dân chủ, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trao dồi đạo
đức cách mạng.
Tham nhũng gắn liền với quan liêu, nhiều khi từ quan liêu dẫn đến
tham nhũng. Bởi trong thực tế không phải cứ quan liêu thì tất sẽ tham nhũng.
+ Quan niệm về tham nhũng:
Tham nhũng có nhiều quan niệm khác nhau, quan điểm được thừa
nhận rộng rãi thì tham nhũng là hành vi của con người có chức vụ, quyền
hạn, đã lợi dụng quyền hạn để tham ô, nhận hối lộ, hoặc cố ý làm trái pháp
luật vì động cơ lợi nhuận, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, tập thể, cá
nhân.
Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ
và giữ vững chế độ, để làm lành mạnh môi trường xã hội, làm trong sạch
thể chế Đảng và Nhà nước, làm cho đạo đức tinh thần và môi trường xã hội
- nhân văn khỏi bị ô nhiễm. Ngày nay, sự ô nhiễm này rất nặng nề và nguy
hiểm, thậm chí có thể dẫn đến mất ổn định và rối loạn chính trị - xã hội.
Tham nhũng là hành vi phản nhân văn, trái đạo lý, một hành vi chống xã
hội được xác định là một tội phạm và phải được nghiêm trị theo pháp luật.
2
Tham nhũng như một vật thể gây bệnh nguy hiểm mà Hồ Chí Minh
gọi là một thứ vi trùng độc hại nhất len lỏi vào cơ thể xã hội làm cho cơ thể
đó mang bệnh, suy yếu, thậm chí có thể chết. Kết cục ấy là sự mục rỗng từ
bên trong rồi đổ vỡ nếu thể chế không có sức đề kháng, ngăn chặn và
chống lại tham nhũng bằng những giải pháp quyết liệt, triệt để và hữu hiệu.
Có quan điểm cho rằng tham nhũng bắt đầu từ quyền lực nhà nước, còn các
hình thức quyền lực chính trị khác thì còn tham nhũng. Mà chống tham
nhũng lại gắn liền với quyền lực nhà nước và Đảng chính trị cầm quyền,
song mức độ của nó lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự quan tâm phòng chống
của từng Chính phủ, vào điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị từng quốc gia.
Nếu Chính phủ nào quan tâm phòng, chống một cách tích cực có hiệu quả
thì hạn chế được nó. Ngược lại nếu không quan tâm rồi buông lỏng kỷ
cương, thiếu biện pháp đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả, đặc biệt là khi tệ
tham nhũng nằm ngay trong cơ quan nhà nước cấp cao thì tệ nạn này phát
triển khôn lường. Một nhà nước có bộ máy và đội ngũ công chức trong
sạch, vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, từ chế định luật lệ đến thi hành
luật lệ, thì ít tạo ra ham muốn và cơ hội tham nhũng, đồng thời có nhiều
giải pháp để ngăn chặn lòng ham muốn và cơ hội tham nhũng nảy nở từ cơ
chế thị trường.
Một nhà nước có nhiều bộ phận yếu kém, bất lực, hư hỏng, thì
không tránh khỏi sự câu kết, móc ngoặc với những yếu tố tiêu cực của thị
trường, khiến cho tham nhũng thêm trầm trọng. Các nhà nghiên cứu diễn
đạt một cách hình ảnh rằng: Nhà nước trong sạch, vững mạnh như bàn tay
hữu hình phát huy sức mạnh mặt tích cực và uốn nắn những lệch lạc, tiêu
cực của bàn tay vô hình của thị trường. Còn nhà nước yếu kém, hư hỏng
như bàn chân vô hình (vô hình vì thường phải lén lút), đưa bàn tay vô hình
của thị trường cùng dẫn vào con đường ma quỷ, với biết bao tệ nạn, trong
đó nổi bật là tệ nạn tham nhũng. Như vậy trong một quốc gia có tệ tham
nhũng thì ai phải chịu trách nhiệm, có lẽ phải nhấn mạnh rằng không phải
chỉ có trách nhiệm của Nhà nước và của thị trường. Ở quốc gia nào có tham
nhũng nặng thì cả dân tộc, trước nhất là bộ phận tinh hoa tiên phong lãnh
3
đạo, đảng chính trị cầm quyền phải chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm
phải ngăn chặn và tiến đến loại trừ tham nhũng.
Từ thực tế của các nước và kết luận của nhiều công trình nghiên
cứu, có thể thấy rằng không nhất thiết hễ là nước phát triển thì tham nhũng
ít và hễ là nước đang phát triển, trình độ kinh tế kém hơn, thì tham nhũng
nhiều. Hoặc cũng không phải độc đảng (không có đối trọng) thì tham
nhũng trầm trọng hơn, bởi sự độc quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tiễn
cho thấy trước khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô sụp đổ, lúc đó chỉ
có một đảng, tham nhũng cũng là quốc nạn. Nay đa đảng tham nhũng còn
gay go hơn, phức tạp hơn. Bài học nước Nga cho thấy không phải đa đảng
là ngăn chặn được tham nhũng.
Tham nhũng giống như mọi hiện tượng xã hội khác đều có nguyên
nhân sâu xa trong đời sống kinh tế - xã hội của một quốc gia. Ngay cả các
quốc gia đã công nghiệp hóa hiện nay cũng không hề miễn dịch trước tham
nhũng. Tuy nhiên tham nhũng dường như xâm hại nhiều hơn đối với các
nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi.
Thực tế, nếu xem lại lịch sử của bất kỳ nước công nghiệp phát triển
hiện được xem là "khá sạch sẽ" thì đều có thể thấy rằng trong quá khứ, tất
cả các nước đó đều đã từng phải đấu tranh chống lại tình trạng tham nhũng
nghiêm trọng. Các nước XHCN và các nước trước đây là XHCN hiện có
nền kinh tế đang chuyển đổi, nói chung còn ở trong tình trạng "tranh tối
tranh sáng" công cuộc cải cách còn dở dang, cái cũ chưa qua hết, cái mới
chưa đến đủ, còn hẫng hụt nhiều tiền đề, chưa qua trường học dân chủ tư
sản. Do đó tổng thể xã hội mới, nền kinh tế mới là như thế nào và xuất hiện
ra sao còn những chỗ về quan điểm chưa sáng tỏ, về thực tế chưa định
hình. Trong tình hình đó, cũng rất có thể diễn ra một kiểu "đục nước béo
cò", những khuyết tật và căn bệnh của cái cũ cộng vào với những chuệch
choạc và lệch lạc của quá trình tạo lập cái mới, gây nên một tệ nạn tham
nhũng nghiêm trọng. Khi chủ trương về biện pháp cải cách phạm sai lầm
thì tham nhũng lan tràn rộng và tác hại nặng nề.
4
Tham nhũng là một bệnh trầm trọng của xã hội. Để chữa khỏi bệnh
đó phải thấy rõ nguyên nhân đâu là sự yếu kém, sơ hở của quản lý, của cơ
chế chính sách, đâu là sự tha hóa biến chất của cán bộ, đảng viên có chức,
có quyền, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, đâu là vai trò kiểm tra giám
sát phát hiện, đấu tranh của nhân dân, đâu là trách nhiệm điều tra nghiên
cứu, xét xử của các cơ quan thi hành pháp luật. Tìm đúng nguyên nhân, siết
chặt cơ chế, tổ chức, bộ máy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân sẽ từng
bước ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tham nhũng. Sau đây là một số
nguyên nhân cơ bản:
2. Nguyên nhân của nạn tham nhũng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, có thể nêu ra một số
nguyên nhân sau đây:
Một là, về công tác cán bộ: Việc tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ,
đảng viên trong tình hình hiện nay và sự giúp đỡ lẫn nhau của cán bộ, đảng
viên trong các tổ chức đảng còn yếu. Sinh hoạt chi bộ ở một số nơi còn qua
loa, đại khái, chiếu lệ, hình thức. Công tác tổ chức cán bộ còn bộc lộ nhiều
yếu kém.
Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muốn việc
thành công hay thất bại là có cán bộ tốt hay kém. Công việc huấn luyện cán
bộ là công việc gốc của Đảng. Do vậy, đào tạo, quy hoạch, tuyển dụng, bố
trí cán bộ là vô cùng quan trọng, nó quyết định sự thành bại của Đảng ta.
Theo Hồ Chí Minh thì do bệnh chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh
quan liêu, kềnh càng, kiêu ngạo, chậm chạp làm cho qua chuyện. Ham
chuộng hình thức. Muốn tẩy sạch bệnh ấy thì phải: thực hành tự phê bình
và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê
bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa
chữa. Đồng thời phê bình phải khéo. Hồ Chí Minh nói: Bánh ngọt thì ai
cũng muốn ăn nhưng nếu "nhét" vào mồm thì không ai ăn được. Tự phê
bình là trước hết phải nêu khuyết điểm của mình sau đó là ý kiến đóng góp
5
của người khác. Còn phê bình là nêu khuyết điểm của người khác nhưng
phải đúng, thậm chí còn phải đúng lúc, đúng chỗ. Phê bình trên tình yêu
thương đồng chí để cùng nhau tiến bộ.
Hai là, về kinh tế: Các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chủ yếu
của tham nhũng chính là sự tìm kiếm đặc lợi kinh tế. Việc các cá nhân,
doanh nghiệp tìm kiếm đặc lợi bằng cách thiết lập những hạn chế giả tạo về
nguồn cung là một trong những nguyên nhân tham nhũng. Các chính sách
hạn chế thương mại, kiểm soát giá cả, kiểm soát tỷ giá hối đoái, các chương
trình đầu tư, trợ cấp chi tiêu và mua sắm của Chính phủ... đều có những
mặt trái, có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới sự tìm kiếm đặc lợi và tham
nhũng. Đồng thời động cơ vụ lợi của hoạt động kinh doanh cũng là nguồn
gốc của tham nhũng, hay ít nhất thì kinh doanh cũng là một bên tham gia
trong sự lạm dụng quyền lực công để thu đặc lợi tư. Nhà nghiên cứu Paolo
Mauro đã nhận xét rằng "ngày qua ngày, các doanh nghiệp tư nhân tiêu
hàng đống tiền để thuyết phục các nhà lập pháp dành cho họ vị trí độc
quyền hoặc nếu không thì hạn chế cạnh tranh để một số ngành hoặc cá
nhân có thể hưởng một đặc quyền. Trên khắp thế giới, các công chức nhà
nước đang không mệt mỏi dùng mưu mẹo nhằm tự đặt mình vào một vị thế
độc quyền cỡ nhỏ để có thể nhận hối lộ khi cấp một giấy phép, thông qua
một khoản chi tiêu hoặc chứng nhận chuyển hàng qua biên giới...".
Kinh tế thị trường có mặt tạo ra ham muốn và cơ hội cho tham
nhũng, là diều mà các nhà nghiên cứu đã vạch ra từ hai thể kỷ nay. Cố biện
hộ rằng kinh tế thị trường không hề có trách nhiệm gì về tham nhũng. Đó
không phải là thái độ khoa học và thực tiễn. Nhưng nêu lên như thế không
phải là trút hết tội lỗi về tham nhũng cho kinh tế thị trường. Đã làm kinh tế
thị trường thì phải nhận biết và ngăn cản (hoặc ít nhất là hạn chế) được ham
muốn và cơ hội tham nhũng do cơ chế thị trường gây nên.
Ba là, về luật pháp: Luật pháp không đồng bộ và hoàn chỉnh, các
quy định phức tạp và thường xuyên thay đổi và quyền được tùy tiện quyết
6
định của các quan chức chính quyền khi diễn giải luật pháp và quy định đó
chính là cơ hội dẫn tới tham nhũng. Do đó tham nhũng dễ bùng phát ở
những quốc gia mà luật pháp phức tạp, thường xuyên thay đổi và các nhà
hoạch định chính sách công, nhất là những quan chức cấp thấp trong chính
quyền có quyền tùy tiện thực thi lớn. Ở nước ta luật pháp chưa hoàn thiện,
không đồng bộ, công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả chưa cao. Nạn
sách nhiễu, tham nhũng tạo nên rào cản trong mọi lĩnh vực của đời sống xã
hội. Trong quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách, luật pháp, nhất là những
cơ chế, chính sách có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh tế còn thiếu,
chưa đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Cơ chế "xin cho" tồn tại trong nhiều năm
không những là rào cản của sự phát triển trong nhiều lĩnh vực mà còn là
mảnh đất cho tệ tham nhũng, sách nhiễu, cửa quyền phát triển.
Bốn là, về tiền lương: Tiền lương của công chức trong dịch vụ công
thấp hơn tương đối so với khu vực tư nhân cũng tạo cho công chức tham
nhũng. Ở nước ta cho đến nay, chính sách tiền lương chưa có sự thay đổi
đáng kể, vẫn còn nặng về giải pháp tình thế, chắp vá, chưa có chiến lược về
chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó
cũng là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tình trạng tham nhũng, tiêu
cực, lãng phí và các tệ nạn khác.
Năm là, về công tác kiểm tra: Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát,
giám sát còn yếu, không định rõ trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, dẫn đến tình
trạng. Hoặc kiểm tra không nghiêm, không thực hiện đúng chức năng thanh
tra. Bởi vì thanh tra lành mạnh ngoài chức năng buộc tội, xử lý, chấn chỉnh ra
còn có chức năng định hướng, giúp đỡ. Nhưng ít khi định hướng và giúp
đỡ.
Sáu là, về văn hóa, đạo đức dân tộc: Nạn tham nhũng xuất hiện còn
do truyền thống văn hóa và quan niệm đạo đức. Trong truyền thống của
nhiều quốc gia đang phát triển, thường coi lợi ích của gia tộc cao hơn lợi
ích quốc gia, tình trạng lợi dụng chức quyền tạo điều kiện cho người thân
vơ vét tài sản công là phổ biến và không bị coi là trái đạo đức. Ở các nước
7
đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi, đời sống xã hội
đứng trước nhiều quan niệm cũ và mới, các giá trị đạo đức cũ bị phá vỡ, giá
trị đạo đức mới chưa được xác lập đã tạo thành quan niệm đạo đức hỗn tạp,
phát sinh dao động trong quan niệm đạo đức dẫn đến suy giảm đạo đức và
tạo điều kiện cho nạn tham nhũng tràn lan.
3. Các loại hình tham nhũng và hậu quả của tham nhũng ở
nước ta
3.1. Các loại hình tham nhũng
Các hành vi tham nhũng và các thủ đoạn tham nhũng hết sức đa
dạng và đã được nêu rõ trong pháp lệnh chống tham nhũng. Việc nhận diện
tham nhũng là rất khó, có người ví tham nhũng như đám mây nhìn xa thì
thấy, lại gần thì chẳng thấy đâu. Nhưng chúng ta vẫn có cách để phân loại
nhằm nhận diện tham nhũng để có cách phòng chống hữu hiệu hơn.
- Phân loại tham nhũng theo cách quan hệ giữa tiền và quyền mối
quan hệ đặc trưng của tham nhũng là mối quan hệ giữa quyền và tiền. Ở
đây quyền là tên gọi chung cho quyền lực nhà nước các cấp và các quyền
kinh doanh (thương quyền), tiền là tên gọi tóm tắt của mọi lợi ích tư nhân.
Theo mối quan hệ giữa quyền và tiền thì người có quyền bán quyền để
kiếm tiền. Tất nhiên như vậy phải có những người có tiền mà không có
quyền hay không đủ quyền. Họ bỏ tiền ra để mua quyền. Trong nhiều
trường hợp còn phải có những người làm trung gian cho "giao dịch mua,
bán quyền". Người bán quyền là người nhận hối lộ, người mua quyền là
người đi hối lộ, người trung gian là môi giới hối lộ.
- Phân loại tham nhũng theo quan hệ với pháp luật:
Thứ nhất, loại tham nhũng rõ ràng vi phạm pháp luật, được gọi là
tham nhũng đen.
Thứ hai, loại tham nhũng do thủ đoạn xảo quyệt, khôn khéo của kẻ
tham nhũng, có tính chất nhập nhằng, không thể coi là hợp pháp, nghiêm
8
chỉnh, đúng pháp luật, song cũng khó kết luận là bất hợp pháp hoặc là vi
phạm pháp luật, loại tham nhũng này được gọi là tham nhũng xám.
Pháp luật càng nhiều sơ hở và lỗ hổng, mơ hồ hiểu thế nào cũng
đúng thì tham nhũng xám càng sinh sôi nảy nở.
- Phân loại tham nhũng theo các khâu của quá trình xây dựng và
thực hiện pháp luật:
Thứ nhất, tham nhũng trong quá trình thi hành pháp luật. Đây là
loại thông thường nhất.
Thứ hai, tham nhũng theo kiểu tam giác quyền lực, giới chủ câu kết
với nhóm soạn thảo văn bản, quyết định và ban hành pháp luật, từ những
đạo luật đến sắc lệnh, Nghị định, chỉ thị, nghị quyết, thông tư... ở cấp quốc
gia và cấp dưới. Khi cố ý tạo ra những chỗ hở để tham nhũng thì mức độ
tham nhũng này là cực kỳ nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến đảo lộn xã hội
- mất ổn định chính trị, đe dọa đảng cầm quyền.
- Phân loại tham nhũng theo mức độ nghiêm trọng.
Thứ nhất, giai đoạn một của tham nhũng là tham nhũng có tính chất
bộ phận, nhỏ lẻ, mỗi vụ không lớn, ít người tham gia, số vụ tham nhũng
chưa nhiều.
Thứ hai, giai đoạn hai của tham nhũng là tham nhũng có tính chất hệ
thống, có tổ chức chỉ huy, có những vụ tham nhũng lớn và rất lớn, có
những đường dây tham nhũng do những người có chức quyền cao cầm đầu,
móc nối cả trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên tham nhũng này chưa có
tính chất phổ biến, lan tràn khắp nước và ở mọi lĩnh vực, với số người tham
gia đông.
Thứ ba, giai đoạn ba, giai đoạn này nặng nhất của tham nhũng là
loại tham nhũng đã trở thành đặc tính của cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã
hội, lôi cuốn nếu không phải tất cả thì cũng hầu hết hoặc phần lớn công
chức và doanh nhân, lôi cuốn cả một bộ phận quan trọng các gia đình và cá
9
nhân, hình thức thủ đoạn rất đa dạng, từ những đường dây và những vụ
tham nhũng lớn, đến những chuyện tham nhũng lặt vặt hàng ngày, khiến
cho tham nhũng gần như trở thành một thứ văn hóa, một thứ tập quán diễn
ra không chỉ che giấu mà nhiều khi công khai, thậm chí trắng trợn.
Từ phân loại tham nhũng như trên có thể giúp chúng ta phân tích và
nhận diện tình hình tham nhũng ở một quốc gia, một ngành hay một địa
phương từ đó có thể có giải pháp chống tham nhũng hiệu quả cao, nhằm
giữa vững sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.
3.2. Hậu quả của tham nhũng
Tham nhũng là vật cản lớn nhất của tiến trình phát triển xã hội là
nguy cơ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của Nhà nước của đảng cầm
quyền, nó sinh ra hàng loạt tác hại cho xã hội. Theo các phương tiện thông
tin đại chúng hàng ngày, chúng ta thấy tham nhũng có thể xảy ra ở tất cả
các ngành, nhưng tập trung vào một số ngành trọng điểm như ngân hàng,
dự trữ quốc gia, tài chính, thương mại, xuất nhập khẩu, cấp quota, xây
dựng, giao thông, hợp tác đầu tư với nước ngoài. Đây là những ngành có
chức năng trực tiếp quản lý tiền, hàng, vật tư của Nhà nước và đóng vai trò
hết sức quan trong trong nền kinh tế quốc dân. Cho nên tính chất của các
vụ tham nhũng trong các ngành này là hết sức nguy hiểm đối với sự nghiệp
xây dựng đất nước. Tham nhũng là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của
dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng
dân chủ và văn minh. Kẻ thù này nguy hiểm không kém và có phần phức
tạp hơn giặc ngoại xâm.
Hậu quả của tham nhũng có sức tàn phá khốc liệt:
Một là, đối với kinh tế:
- Theo thời báo kinh tế Việt Nam số 185 ngày 19/11/2003, tỷ lệ thất
thoát trong đầu tư và xây dựng chiếm khoảng 30% giá trị đầu tư, tương ứng
khoảng 20 - 25 ngàn tỷ đồng mỗi năm. Một công trình đầu tư "nhầm" địa chỉ,
một chiếc cầu xây xong bị lún gẫy, một nhà máy khi vận hành không thể đạt
10
công suất thiết kế, sự lãng phí, tham ô, ăn cắp tài sản của công trình trong quá
trình đầu tư xây dựng đều được coi là thất thoát hay "móc túi" của Nhà nước.
Thời báo kinh tế Việt Nam số 18 ngày 31/01/2004 đưa tin, qua
10.133 cuộc thanh tra được tiến hành và kết thúc năm 2003 đã phát hiện sai
phạm về kinh tế 4.907,071 tỷ đồng, 26,5 triệu USD, 1.780 tấn lương thực,
trên 31 nghìn ha đất và nhiều tài sản giá trị khác.
Cũng theo thời báo này số 26 ngày 14/02/2004 đưa tin thanh tra
phát hiện sai về thu là 242,963 tỷ đồng, về chi là 40,769 tỷ đồng.
- Trong 4 năm (từ 1997 - 2001) thanh tra nhà nước đã phát hiện xử
lý các vụ tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước là 2.891 tỷ đồng, 1.434
ngàn USD, 4.200 ha đất và nhiều tài sản khác, cán bộ công chức bị xử lý là
20.093 người, trong đó xử lý cả đối với cán bộ cấp cao như Phó thủ tướng,
một số Bộ trưởng, Thứ trưởng và ủy viên Trung ương về trách nhiệm. Truy
cứu trách nhiệm hình sự 1.872 người. Nhà nước đã tiến hành thanh tra tại
cơ sở đối với 3.698 xã (chiếm 35,4% số xã trong toàn quốc) phát hiện tình
trạng vi phạm pháp luật trong thu, chi ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng
đất đai, quản lý xây dựng cơ bản, thu chi tiền huy động, đóng góp của nhân
dân... đã xử lý thu hồi cho nhà nước và tập thể hoặc công dân 106 tỷ 325 triệu
đồng, 1.610 tấn thóc, 3.011 ha đất và một số tài sản khác, đã xử lý kỷ luật
2.854 cán bộ và xử lý hình sự 200 đối tượng, gần đây nhất là các vụ án lớn
gây bức xúc xã hội như vụ án Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Phương
"Vicarrent"... Điều đó có thể nói rằng tham nhũng gây tổn hại to lớn về mặt
kinh tế, cho sự phát triển, kéo lùi sự phát triển tùy theo quy mô và mức độ
gây thiệt hại của nó.
Ở nước ta hiện nay, tham nhũng trở thành quốc nạn, tệ nạn quan
liêu, lãng phí cũng trầm trọng không kém. Nhiều công trình đầu tư thuộc
Trung ương hay của địa phương quản lý chưa đạt hiệu quả cao, hoặc đầu tư
chưa đúng lúc, nhiều công trình đầu tư dở dang, kéo dài, rất tốn kém và
hiệu quả còn thấp. Hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng là làm kinh tế
11
theo phong trào, kiểu ganh đua chính trị. Tỉnh anh có xi măng thì tỉnh tôi
cũng phải có vật liệu xây dựng, tỉnh anh có nhà máy đường thì tỉnh tôi cũng
phải có đường làm từ mía... Cái kiểu làm ăn chụp giật, mì ăn liền... có lẽ
đây là lãng phí lớn nhất của mọi lãng phí. Tệ tiêu tiền chùa mua sắm xe
xịn, xây công sở hoành tráng đồ sộ... Tất cả những cái đó đang diễn ra như
cái thùng không đáy. Như một nguy cơ có thể nuốt chửng đất nước nếu như
không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt ngăn chặn nó.
Hai là đối với thu hút đầu tư.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài kêu ca, phàn nàn về tệ quan liêu,
tham nhũng ở nước ta, những lời phàn nàn ấy làm mất sức hấp dẫn, gây nản
chí các nhà đầu tư. Trong khi đó chúng ta đang cần vốn, cần khoa học công
nghệ của họ, trong hoạt động kinh doanh lấy được niềm tin đã khó nhưng
để mất niềm tin lấy lại còn khó hơn nhiều. Nếu chúng ta không ngăn chặn,
đẩy lùi và khống chế được nạn quan liêu, tham nhũng thì chúng ta sẽ tiếp
tục tụt hậu xa hơn về kinh tế, công cuộc CNH, HĐH của chúng ta sẽ gặp
muôn vàn khó khăn, mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân
chủ và văn minh khó thực hiện được.
Có nhà nghiên cứu cho rằng quy mô tham nhũng tỷ lệ nghịch với
mức đầu tư và tăng cường kinh tế, có nghĩa là tham nhũng càng nhiều thì
đầu tư càng ít và tăng trưởng kinh tế càng chậm. Cụ thể là, nếu chỉ số tham
nhũng được cải thiện thêm một độ lệch tiêu chuẩn so với chỉ số "bình
thường" thì tỷ lệ đầu tư tăng thêm 4% và tỷ lệ tăng trưởng GDP/đầu người
tăng 0,5%.
Nạn tham nhũng tràn lan sẽ là lực cản lớn nhất ngăn cản dòng vốn
đầu tư trực tiếp của nước ngoài, thu hút tài trợ, viện trợ quốc tế, lao động
xuất nhập khẩu, quan hệ tín dụng quốc tế... Nguy hại hơn là hệ thống uy tín
quốc tế đối với đất nước.
Ba là, đối với bản sắc văn hóa dân tộc.
12
Làm vẩn đục bản sắc văn hóa dân tộc, băng hoại đạo đức của công
chức nhà nước (kể cả cấp cao), của doanh nhân và một bộ phận nhân dân,
nêu gương xấu cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, có một số cán bộ sống buông thả,
thực dụng, coi tiền hơn tình, gây bức xúc trong xã hội.
Bốn là, làm mất lòng tin của Đảng cầm quyền.
Tham nhũng làm giảm sút, mất lòng tin của nhân dân đối với đảng
cầm quyền với bộ máy và viên chức nhà nước, triệt tiêu động lực cơ bản
nhất của sự phát triển có thể gây đảo lộn xã hội. Điều này đã được Lênin
cảnh tỉnh: "Nếu có cái gì có thể tiêu diệt được CNXH, thì đó chính là tham
nhũng quan liêu". Tham nhũng làm tổn hại và phá hoại uy tín của Chính
phủ của đảng cầm quyền, làm dao động lòng tin của nhân dân vào pháp
luật và các thể chế chính trị, gây bất bình và phẫn nộ trong nhân dân, có thể
dẫn đến mất ổn định và rối loạn chính trị - xã hội. Hậu quả của tham nhũng
là rõ ràng. Tuy nhiên từ sự quan sát thực tế, một nhà nghiên cứu đã vạch ra
rằng: cũng có những trường hợp tham nhũng (ở mức độ và hình thức không
nặng) lại có tác dụng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả
nền kinh tế, chứ không phải chỉ cho những kẻ tham nhũng. Trong những
trường hợp ấy, có người xem tham nhũng là "tra dầu bôi trơn", chứ không
phải "đổ cát làm tắc guồng máy kinh tế chung". Nhưng đó chỉ là trường
hợp quá độ, không nên và không thể kéo dài, không nên lấy ngoại lệ để bao
che cho tham nhũng, không được để tham nhũng trở thành quốc nạn.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta rất bất bình trước những hiện
tượng tham nhũng ngày càng gia tăng và khả năng đấu tranh, ngăn chặn,
đẩy lùi lại rất hạn chế. Vấn đề càng trở nên bức xúc cùng với tâm lý bất
bình, sốt ruột đòi hỏi phải đấu tranh dập tắt ngay nạn tham nhũng, thậm chí
thiếu tin tưởng vào khả năng chống tham nhũng thành công của Đảng. Có
người đặt vấn đề phải đánh tan bọn tham nhũng ngay trong một thời gian
ngắn bằng mọi sức mạnh quyền lực của Đảng và Nhà nước ta. Có người lại
cho rằng tham nhũng là thuộc tính vốn có gắn liền với mọi loại hình nhà
13
nước, do đó nhà nước còn thì tham nhũng còn phải chấp nhận sống chung
với nó. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội phức tạp, là hành vi của
người có chức, có quyền, lợi dụng chức quyền để tham ô của cải, tài chính,
hạch sách, nhũng nhiễu dân để vụ lợi cho cá nhân và gia đình mình. Tham
nhũng gắn liền với quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ
máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế. Việc lựa chọn,
sử dụng, quản lý, giám sát người trong các bộ máy của hệ thống chính trị,
các tổ chức kinh tế là vấn đề có tính quyết định để chống tham nhũng.
Tham nhũng là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ, tham
lam, ham làm giàu, thu lợi bất chính của người đã bị tha hóa, biến chất.
Đảng ta nói rõ tham nhũng gắn liền với sự "suy thoái về tư tưởng, chính trị,
đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên". Từ sự suy
thoái biến chất về chính trị, tư tưởng dẫn đến suy thoái về đạo đức lối sống.
Sự suy thoái đó làm mất đi phẩm chất, ý thức trách nhiệm, lương tâm của
người cán bộ, đảng viên. Cho nên tham nhũng không chỉ là phạm trù kinh
tế mà là cả phạm trù đạo đức. Không những thế những người tham nhũng
lại nằm trong bộ máy của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế. Hành vi
tham nhũng của họ làm cho nhân dân giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của
Đảng, khả năng quản lý của Nhà nước. Vì vậy tham nhũng còn thuộc phạm
trù chính trị. Kẻ thù đang lợi dụng triệt để những hiện tượng tiêu cực, tệ
nạn tham nhũng để thổi phồng, bôi đen chế độ, nói xấu cán bộ, xuyên tạc
bản chất tốt đẹp của chế độ ta, nhằm lật đổ vai trò của Đảng Cộng sản.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH CHỐNG QUAN LIÊU, THAM
NHŨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc chống quan liêu, lãng phí,
tham ô
Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm giáo dục đạo đức, lý tưởng cách
mạng cho toàn dân mà Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc xây dựng,
phẩm chất, lối sống con người mới XHCN, phê phán nạn tham ô, lãng phí,
14
quan liêu. Hồ Chí Minh nói: "Tham ô, lãng phí, quan liêu là bạn đồng minh
của thực dân phong kiến, nó là kẻ thù của chúng ta, một loại kẻ thù không
mang gương mang súng nhưng rất nguy hiểm. Vì vậy, chống tham ô, lãng
phí và quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc ngoài mặt
trận.
Hồ Chí Minh đặt vấn đề chống quan liêu, lãng phí, tham ô đi liền
với thực hành tiết kiệm, coi đó là những việc làm thường xuyên để xây
dựng chế độ mới. Hồ Chí Minh coi quan liêu, lãng phí, tham ô là những thứ
giặc nội xâm. Đấu tranh gạt bỏ nó không chỉ cần một nền pháp luật nghiêm
minh, một Chính phủ (hành pháp) hành động vì dân, một nhà nước và chế
độ dân chủ thực sự là của dân, dựa hẳn vào dân và sức mạnh của pháp
quyền mà còn cần đến sức mạnh phổ biến của đạo đức cách mạng, trước
hết là trong cán bộ, đảng viên, công chức. Trong đổi mới, Đảng ta xác định
một trong những nguy cơ phải vượt qua, đó là quan liêu tham nhũng, không
chống được quan liêu tham nhũng thì không thể giữ được ổn định chính trị,
tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội, không thể đảm bảo được định hướng
XHCN và thắng lợi của đổi mới. Hồ Chí Minh nói: Phải tẩy sạch nạn tham
ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Theo Người: Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ
cho sạch, nếu không thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa
bị cỏ dại át đi. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm
cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và
bệnh quan liêu. Hồ Chí Minh cho rằng tham ô là trộm cướp, lãng phí tuy
không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho
đảng cầm quyền, cho Chính phủ. Có khi tác hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn
tham ô, lãng phí vì có bệnh quan liêu. Người mắc bệnh quan liêu có mắt
mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ
đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí,
thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.
15
Hồ Chí Minh nói: tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của
nhân dân, chống quan liêu, tham ô, lãng phí là cách mạng, chống quan liêu
tham ô, lãng phí là dân chủ.
Vì quan liêu, tham ô, lãng phí có hại cho nhân dân, cho Chính phủ,
cho đoàn thể, cho kháng chiến và kiến quốc. Nếu không tẩy được căn bệnh
đó thì có hại cho cách mạng. Hồ Chí Minh coi quan liêu, tham ô, lãng phí,
là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh
thi đua sản xuất và tiết kiệm.
Theo Hồ Chí Minh: tham ô là lợi dụng chức quyền để ăn cắp của
công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, chi ít mà khai
nhiều, lợi dụng của chung, của Chính phủ để làm của riêng cho địa phương
mình, đơn vị mình cũng là tham ô, lãng phí bao gồm nhiều mặt như lãng
phí sức lao động, lãng phí thời gian, của cải vật chất, tài nguyên của nhân
dân, của đất nước do trình độ còn non kém, thiếu kiến thức chuyên môn
nghiệp vụ, chuyên quyền độc đoán đưa ra những quyết định sai lầm gây tổn
thất công quỹ nhà nước, "ném tiền qua cửa sổ", coi của công là "của chùa",
biếu xén tiêu xài hoang phí, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song
kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ có khi còn tai hại hơn
nạn tham ô.
Bệnh quan liêu hình thành từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp.
Hồ Chí Minh giải thích rằng: CNXH như một cơ thể cường tráng
đầy sức sống tốt đẹp, tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa của xã hội
cũ để lại, nó như một cái ung nhọt còn sót lại trên cơ thể. Công khai và
mạnh dạn gọt bỏ những ung nhọt đó thì cơ thể sẽ khỏe mạnh thêm. Cho
nên vạch những tệ hại nói trên để sửa chữa, chúng ta không sợ kẻ địch lợi
dụng để tuyên truyền.
Để chống lại bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí cần có sự nỗ lực phấn
đấu của tất cả mọi người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đánh giá
tình hình cán bộ, công nhân trong sự nghiệp cách mạng, tại hội nghị cán bộ
16
cao cấp của Đảng và Nhà nước ngày 24/7/1962 Người nhận xét: "Cần phải
dứt khoát rằng số đông cán bộ và công nhân ta đều tận tụy và trong sạch.
Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích to lớn trong công cuộc xây
dựng CNXH. Nhưng vẫn còn một số người không tốt, còn phạm sai lầm
tham ô, lãng phí và mang nặng bệnh quan liêu, ảnh hưởng xấu đến công
cuộc xây dựng kinh tế của nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết
chống lại những tệ nạn ấy". Về lãng phí, Người cho rằng: "hiện nay có
những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn,
hàng chục vạn". Chính vì vậy, mà Người nhắc nhở mọi người, trong lúc
dân ta còn thiếu thốn, công cuộc kiến thiết đất nước đang cần vốn cho đầu
tư vào những công trình kinh tế, bệnh viện, trường học... do vậy cần phải
chấm dứt nạn phô trương hình thức ấy.
Với quan điểm lấy xây dựng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng
viên, nâng cao sức chiến đấu của Đảng là chính, Người nhắc nhở các cơ
quan đơn vị rằng, trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, lấy
giáo dục là chính, trừng phạt là phụ, chống tham ô lãng phí, quan liêu phải
dựa vào quần chúng, phát động quần chúng tham gia đấu tranh thì chắc
chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ,
mau chóng. Tai mắt nhân dân tinh tường, mọi hành vi của những kẻ tham
nhũng, quan liêu đều không sao thoát khỏi "lưới trời nhân dân". Nhiệm vụ
của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí,
quan liêu - một thứ "giặc ở trong lòng". Nếu chúng ta ra sức chống giặc ngoại
xâm, mà quên đi chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ
của mình. Vì vậy chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.
Thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí và
quan liêu, không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những tác hại nguy hiểm, những
triệu chứng và nguồn gốc sinh ra nó mà người còn vạch cho ta con đường
đấu tranh đúng đắn, có hiệu quả cao nhất. Tất cả những tư duy và hành
động của người về chống quan liêu, tham nhũng bắt nguồn từ việc tiếp thu
có chọn lọc những quan điểm của Mác, Ăngghen và Lênin về chống quan
17
liêu, tham nhũng. Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển những quan
điểm đó vào thực tiễn điều kiện cách mạng Việt Nam, nhằm làm trong sạch
bộ máy Đảng, Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và
Nhà nước ta.
2. Quá trình chống quan liêu, tham nhũng của Đảng và Nhà
nước ta
Tiếp tục sự nghiệp cách mạng, vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh
về chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ nội bộ Đảng, chính quyền
Nhà nước. Đảng ta chủ trương: Nghiêm trị những kẻ tham nhũng, vô trách
nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng, người lãnh đạo cơ quan để xảy ra tham
nhũng cũng phải bị xử lý về trách nhiệm. Bảo vệ những người kiên quyết
đấu tranh chống tham nhũng, khen thưởng người phát hiện đúng những vụ
tham nhũng. Đồng thời Đảng ta cũng đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm
ngăn chặn tham nhũng quan liêu như: Nước ta vừa ký công ước chống
tham nhũng. Đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính,
kiên quyết chống cửa quyền sách nhiễu, đang từng bước xóa bỏ cơ chế "xin
- cho" và sự tắc trách, nhũng nhiễu trong công việc. Thực hiện những điều
cấm đối với cán bộ, công chức, đảng viên. Tăng cường quản lý kiểm tra,
kiểm soát, ngăn chặn lãng phí, tham nhũng tiền và tài sản công. Thực hiện
quy chế một cửa, thực hiện quy chế dân chủ và công khai tài chính ở cơ sở
và các cấp chính quyền. thực hiện chế độ kê khai tài sản đối với cán bộ
lãnh đạo các cấp, các ngành. Phát huy vai trò các đoàn thể nhân dân và các
phương tiện thông tin đại chúng. Cải cách chế độ tiền lương đi đôi với tăng
cường giáo dục và kiểm tra thực hiện công vụ của cán bộ công chức.
Cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, thật không đơn giản,
nó vô cùng gay go và phức tạp, về phương pháp luận trong chống tham
nhũng, chúng ta cần phải chú ý đó là: Phải quyết liệt chống tham nhũng và
thẳng tay trị những kẻ tham nhũng là đúng, nhưng đó là cuộc đấu tranh lâu
dài, giành thắng lợi từng bước, chứ không thể giành thắng lợi ngay được.
18
Vì tham nhũng gắn liền với quyền lực nhà nước. Đấu tranh chống tham
nhũng đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải quyết tâm và có đường lối chính trị
đúng đắn, phù hợp, chống quyết liệt nhưng phải giữ được sự ổn định chính
trị - xã hội. Đấu tranh chống tham nhũng nhưng không dẫn đến mất ổn định
chính trị - xã hội. Lịch sử đấu tranh chống tham nhũng trên thế giới cho
thấy đấu tranh chống tham nhũng có tính rủi ro nhất định, nếu không có
chính sách hợp lý, các lực lượng đối lập lợi dụng có thể chống Chính phủ
với quy mô lớn, thậm chí lật đổ Chính phủ và gây ra rối loạn chính trị - xã
hội.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta còn nhiều hạn chế và
kết quả chưa cao. Bằng chứng là các hiện tượng tham nhũng có chiều
hướng gia tăng. Thực tế chúng ta thường nghĩ tham nhũng tiêu cực là một
hiện tượng đồi bại về phẩm chất, nhưng chưa nghĩ tới mức nó là lưỡi hái
của thần chết. Chúng ta chưa nghĩ tới mức coi tham nhũng là sự bóc lột phi
đạo đức nhất và đáng ghê tởm nhất của mọi sự bóc lột. Vì thế trong thực tế
thiếu sự chuyên chính đủ mức đối với nó, đấu tranh chống tham nhũng
chưa trở thành phong trào sâu rộng của mọi tầng lớp nhân dân. Nếu không
đẩy lùi tiến tới chấm dứt việc cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phá hoại
luật pháp thì làm sao có thể duy trì được phép nước. Những kẻ tham nhũng
chính là những tên đầu trò trong việc làm tê liệt pháp luật, làm cho Nhà
nước trở thành đối lập và là gánh nặng cho công dân. Bằng giả, phong bì,
chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội... là những biểu hiện khác nhau
của cái lưỡi hái chết người và sự bóc lột khốn nạn này. Rõ ràng tham
nhũng tất yếu dẫn đến phá hoại đội ngũ cán bộ Nhà nước, phá hoại sự trong
sạch của Đảng, của hệ thống chính trị XHCN làm cho bộ máy Nhà nước trở
thành quan liêu, những kẻ tham nhũng lợi dụng chức quyền sẽ tăng cường
đưa thêm kẻ xấu vào bộ máy vào triệt hại đội ngũ viên chức tốt, người tốt.
Những kẻ tham nhũng là những kẻ phá hoại từ bên trong hệ thống lập pháp,
hiến pháp, tư pháp, làm cho quyền lực chính trị vận hành méo mó không
thực sự vì dân mà ngược lại là ức hiếp dân. Với những thủ đoạn cực kỳ tinh
19
vi: "bắn tỉa", "hạ gục" nhau, ném đá giấu tay, chiến tranh qua tay người
khác... làm thế nào? phải có thiết chế thế nào để cán bộ, đảng viên, người
có chức có quyền càng không được tham gia vào trò chơi bẩn thỉu này.
Làm thế nào để một dân tộc mà tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì dân
tộc ấy có thái độ coi những thứ như vậy là sự khốn nạn nhất. Đạt được
trạng thái nhận thức này sẽ có phong trào sâu rộng và quyết tâm cao trong
hành động hiện thực. Nếu không, ngược lại nó sẽ là nhân tố gây mất ổn
định xã hội, chính trị.
Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham
nhũng, lãng phí đã đạt được những kết quả đáng kể. Nhận thức và quyết
tâm chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng từ Trung ương đến cơ
sở và của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Không chỉ dừng ở nhận thức,
quyết tâm, mà bằng cả hành động thiết thực, cụ thể. Tuy chưa tiến công
một cách tổng lực, trên khắp các địa bàn, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã
hội, nhưng có thể khẳng định rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu
cực, lãng phí đã vào thế tiến công. Sức tiến công ngày càng mạnh hơn, đã
có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng
phí. Đấu tranh chống tham nhũng có tác dụng tích cực tới cuộc vận động
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt được những kết quả nhất định, bước
đầu huy động được sức mạnh để chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo
đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung
dân chủ trong sinh hoạt Đảng được coi trọng hơn, gắn liền với việc thực
hiện đổi mới công tác cán bộ và thực hiện quy chế Dân chủ ở cơ sở đã tạo
được bước chuyển trong nhận thức về tư cách, đạo đức của người cán bộ
trong điều kiện mới. Nhìn chung, nhiều người trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo,
quản lý các cấp đã hạn chế được bệnh quan liêu, lối sống thực dụng, vun vén
cá nhân, nhờ đó đã củng cố được lòng tin của nhân dân. Việc phát hiện và đưa
ra xét xử một số vụ án kinh tế - xã hội lớn, thái độ kiên quyết, nghiêm khắc
của Đảng, của Nhà nước, kể cả những người giữ cương vị lãnh đạo cao
20
trong hệ thống chính trị đã có tác dụng cảnh tỉnh, nhắc nhở... góp phần
củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật của
Nhà nước.
Việc xử lý kỷ luật không nghiêm minh và công bằng trong Đảng và
bộ máy nhà nước ta là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng
chống tham nhũng không có hiệu lực. Đảng phải thật sự dân chủ, nhưng
phải hết sức nghiêm minh về kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề
tham nhũng. Quy chế cán bộ trong bộ máy nhà nước phải hết sức chặt chẽ,
phải chú ý ngay từ khi tuyển dụng và kiểm tra thường xuyên trong quá
trình làm việc thì bộ máy mới được trong sạch. Quần chúng vừa qua có
nhiều ý kiến không đồng tình với nhiều vụ việc tham nhũng hoặc liên quan
đến tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, nhưng không được xử lý nghiêm minh
và công bằng theo pháp luật. Một vụ việc vi phạm ngang nhau nhưng kỷ
luật đối với cán bộ, đảng viên lại nhẹ hơn, vì đồng chí ấy là cấp ủy, là cán
bộ lãnh đạo... Hình thức kỷ luật của Đảng và Nhà nước không tương xứng
với vi phạm, thậm chí có đồng chí bị kỷ luật rồi còn được trọng dụng hơn
đồng chí khác, hoặc được điều đi bố trí cương vị lãnh đạo chỗ này chỗ
khác. Đó là chưa nói đến một số vụ án có dính líu đến cán bộ lãnh đạo cấp
này, cấp khác tham nhũng thì lại xử án kéo dài. Từ đó quần chúng nghi ngờ
và mất lòng tin đối với Đảng. Tình trạng này tồn tại sẽ làm suy yếu kỷ
cương của Đảng và Nhà nước. Cần đề cao kỷ luật về trách nhiệm hơn nữa
đối với cán bộ lãnh đạo các cấp, các địa phương, đơn vị, cơ quan, chính
quyền, đoàn thể khi xảy ra những vụ tham nhũng, lãng phí lớn. Những vụ
việc gây thiệt hại lớn về tài chính, tài sản của nhà nước và nhân dân thì cán
bộ chủ chốt của cấp ủy, đơn vị, cơ quan đó phải tự phê bình công khai trước
nhân dân, tự nguyện nhận hình thức kỷ luật. Các cơ quan chức năng của
Đảng và Nhà nước phải kiểm tra, có quyết định và công bố kịp thời các
hình thức kỷ luật. Làm được như vậy thì chắc chắn sẽ đem lại lòng tin của
Đảng đối với nhân dân.
21
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu phải được tiến hành
thường xuyên, liên tục, tránh hình thức; có như vậy cuộc đấu tranh chống
tham nhũng, quan liêu, lãng phí mới có hiệu quả.
Từ nguyên nhân, kết quả trong công cuộc chống quan liêu, tham
nhũng, lãng phí ở nước ta. Để khắc phục tình trạng trên chúng ta cần thực
hiện một số giải pháp sau:
3. Giải pháp cơ bản chống quan liêu, tham nhũng ở nước ta
3.1. Kinh nghiệm chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới
Trong những năm gần đây, tham nhũng đã thật sự trở thành một
nạn dịch, cản trở sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, là những thách
thức nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển ở nhiều nước. Vì vậy, ở những
quốc gia đó đã đề ra một số giải pháp chống tham nhũng mà chúng ta có
thể tham khảo.
Theo Công ước của OECD về chống tham nhũng, theo những quy
định của phòng thương mại quốc tế về tống tiền, hối lộ và những nguyên
tắc chỉ đạo chống tham nhũng do Bộ Tư pháp Mỹ soạn thảo thì sự tham
nhũng của 3 giới chức: Các quan chức công, các doanh nghiệp, các nhân
viên an ninh và tư pháp là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với những
giá trị và nguyên tắc cơ bản của Chính phủ, làm xói mòn lòng tin của nhân
dân đối với Chính phủ và đe dọa phá hoại nền pháp quyền.
Thứ nhất: Đối với quan chức công.
Quan chức công được định nghĩa, bao gồm các quan chức ở tất cả
các ngành của Chính phủ, do chỉ định hay được bầu ra.
Chức năng phục vụ công cộng bao gồm mọi hoạt động vì lợi ích
công chúng, do Chính phủ giao phó. Công ước về chống tham nhũng trong
đó đặc biệt nhấn mạnh: Các quốc gia thành viên phải hình sự hóa việc hối
lộ các quan chức công. Các biện pháp cần thiết mà Công ước này đòi hỏi là
các quốc gia thành viên phải có khả năng bắt giữ hay tịch thu tiền hối lộ và
22
tiền lãi, hoặc tài sản có giá trị tương đương, hoặc áp dụng những hình phạt
tiền tệ có hiệu quả tương đương.
Một nguyên tắc có thể áp dụng để xây dựng lòng tin của công
chúng đối với quan chức công được đề xuất là:
+ Thiết lập các nguyên tắc ứng xử về mặt hành chính bao gồm cấm
tranh giành quyền lợi, bảo đảm rằng các nguồn tài nguyên công cộng được
sử dụng đúng đắn và khuyến khích mọi người đạt đến mức cao nhất về tính
chuyên nghiệp và phẩm chất trung thực. Các hành động có hiệu quả gồm:
•
Cấm hoặc hạn chế các quan chức đương quyền tham gia vào các
công việc chính quyền mà trong đó, họ trực tiếp hoặc gián tiếp có mối lợi
tài chính đáng kể.
•
Cấm hoặc hạn chế các quan chức tham gia vào các vấn đề mà
trong đó, những người hoặc những tổ chức mà họ đàm phán để tuyển dụng
có mối lợi về tài chính.
•
Cấm hoặc bạn chế việc nhận quà cáp.
•
Cấm việc cá nhân lạm dụng tài nguyên và tài sản của Chính phủ.
+ Thiết lập các điều luật hình sự và các hình thức trừng phạt để
ngăn cấm một cách có hiệu quả nạn hối lộ, lạm dụng công sản, và các hình
thức lạm dụng uy tín cơ quan để thu lợi cá nhân.
Thứ hai: Đối với các doanh nghiệp
"Doanh nghiệp" là bất cứ cá nhân hay thực thể nào tham gia vào
mục đích kinh doanh, dù được tổ chức vì lợi nhuận hay không, kể cả mọi
thực thể do nhà nước hoặc các phân khu lãnh thổ của nước đó kiểm soát, nó
bao gồm công ty mẹ hoặc công ty con. Năm 1996, ICC thông qua quy định
chống tống tiền và hối lộ. Một số quy định cơ bản được tóm tắt như sau:
- Không được trực tiếp hay gián tiếp đòi hay nhận hối lộ.
23
- Hối lộ và "lại quả".
- Các doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ về tên tuổi và thời hạn làm
việc của tất cả những nhân viên được doanh nghiệp trả tiền để giao dịch với
các cơ quan công lập hoặc các doanh nghiệp nhà nước để có thể kiểm soát
dễ dàng.
Thứ ba: Đối với các nhân viên an ninh và tư pháp.
Một trong những thành tố quan trọng quyết định sự minh bạch
trong các cơ quan giám sát pháp luật và tư pháp là sự trung thành và tận tụy
của các nhân viên an ninh và tư pháp. Những nhân viên này, thông qua quá
trình điều tra và tiến hành giám sát các hoạt động của các doanh nghiệp,
các quan chức, có thể gây áp lực đòi đưa nhận hối lộ. Do vậy, cần có những
nguyên tắc để bảo toàn giáo dục của các nhân viên an ninh và tư pháp. Một
số biện pháp có hiệu quả được Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất như:
- Tuyển dụng công khai, vô tư, có hiệu quả, tuyển dụng các nhân
viên có phẩm chất trung thực và năng lực cao nhất.
- Thông qua các biện pháp quản lý công cộng tích cực thúc đẩy và
duy trì phẩm chất trung thực của các nhân viên an ninh và tư pháp.
- Bảo đảm rằng các điều tra viên, các công tố viên và các nhân viên
tòa án đủ vô tư để thực thi luật pháp công bằng và có hiệu quả trong chống
tham nhũng.
3.2. Một số giải pháp nhằm chống quan liêu tham nhũng ở nước ta
Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng", vừa "chuyên"
Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là gốc của mọi công việc, muốn việc
thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Do đó cần làm trong
sạch đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên".
Tiêu chuẩn về đạo đức chuyên môn phải được xác định cụ thể. Quan tâm
đến chiến lược đào tạo con người. Xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát
24
cán bộ, có cơ chế cụ thể bố trí cán bộ. Quy định cụ thể và rõ ràng hơn trách
nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Khâu bố
trí, sắp xếp và đề bạt cán bộ của chúng ta chưa thật sự tốt, có ý kiến nói
rằng có ông Thứ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi
còn làm giám đốc công ty, một số người đã phải vào tù, nhưng ông vẫn lên
thứ trưởng. Thực tế chỉ ra rằng, nếu người đứng đầu cơ quan của Đảng,
Nhà nước, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp mà có đủ phẩm chất, trình độ,
năng lực, trách nhiệm vì dân, vì nước, gương mẫu trong sáng thì công việc
ở đó chắc chắn sẽ rất tốt.
Hai là, cần xây dựng quy chế dân chủ, nhất là dân chủ cơ sở.
Làm điều này là để nhân dân được dân chủ thực sự, quyền lực thực
sự thuộc về nhân dân, từ trước tới nay chúng ta thường nói nhiều đến dân
chủ, đến nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhưng khách quan mà nói
chúng ta làm chưa được bao nhiêu, đây đó nhân dân vẫn còn bị trù dập, ức
hiếp, oan ức... chưa tìm được ai bảo vệ hoặc bảo vệ dở dang... Do vậy có ý
kiến đề xuất trong thời gian tới, Đảng cần xây dựng, ban hành quy chế dân
chủ trong Đảng.
Ba là, xây dựng nhà nước pháp quyền.
Để mọi người được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật,
phải quản lý nhà nước theo pháp luật, lấy pháp luật là tối thượng, mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật bất kể người đó là ai, có tội phải xử
như nhau, tránh trường hợp "trên nhẹ, dưới nặng". Tiếp tục hoàn thiện cơ
chế, chính sách để khắc phục sơ hở trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham
nhũng, tiêu cực, lãng phí như: lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng
đất đai, quản lý tài chính... Xóa bỏ cơ chế "xin cho". Đồng thời khẩn
trương đưa luật chống tham nhũng vào cuộc sống.
Bốn là, cần đổi mới hệ thống chính sách trong đó có chính sách
tiền lương.
25