Tải bản đầy đủ (.doc) (83 trang)

Sự tuân thủ điều trị và kết quả điều trị ARV ở bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại các phòng khám ngoại trú của tỉnh ninh bình, năm 2012

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (499.3 KB, 83 trang )

CỤC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Tên đề tài:
Đánh giá sự tuân thủ điều trị và một số kết quả điều trị ARV
ở bệnh nhân HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú
tỉnh Ninh Bình năm 2012

Chủ nhiệm đề tài

: Bs. CKII. Hoàng Huy Phương

Cơ quan thực hiện

: Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình

Cơ quan quản lý đề tài : Cục Phòng chống HIV/AIDS
Mã số đề tài

:

Năm 2012


CỤC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS

BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Tên đề tài:
Đánh giá sự tuân thủ điều trị và một số kết quả điều trị ARV
ở bệnh nhân HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú
tỉnh Ninh Bình năm 2012



Chủ nhiệm đề tài : Bs. CKII. Hoàng Huy Phương
Cơ quan thực hiện : Trung tâm PC HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình
Cấp quản lý

: Cấp cơ sở

Mã số đề tài

:
Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2012 – 12/2012
Tổng kinh phí thực hiện đề tài : 59.080.000đ
Trong đó: kinh phí SNKH

Năm 2012

: 59.080.000đ


BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI CẤP CƠ SỞ
1. Tên đề tài: Đánh giá sự tuân thủ điều trị và một số kết quả điều trị
ARV ở bệnh nhân HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú tỉnh Ninh
Bình năm 2012.
2. Chủ nhiệm đề tài: Bs. CKII. Hoàng Huy Phương
3. Cơ quan thực hiện đề tài: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh
Ninh Bình.
4. Cơ quan quản lý đề tài: Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
5. Thư ký đề tài: Ths. Tạ Thị Lan Hương.
6. Danh sách những người thực hiện chính:
- Bs.CKII. Hoàng Huy Phương

- Ths. Tạ Thị Lan Hương
- Bs. Ngô Thị Ngọc Lan
- Bs. Ngô Thị Hồng
- Bs. Hoàng Thị Hồng Hạnh
- CN. Nguyễn Thị Nga
7. Thời gian thực hiện đề tài: Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012


MỤC LỤC
BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI CẤP CƠ SỞ.....................................3
1.Tên đề tài: Đánh giá sự tuân thủ điều trị và một số kết quả điều trị ARV ở bệnh
nhân HIV/AIDS tại các phòng khám ngoại trú tỉnh Ninh Bình năm 2012.................3
2.Chủ nhiệm đề tài: Bs. CKII. Hoàng Huy Phương..................................................3
3.Cơ quan thực hiện đề tài: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình......3
4.Cơ quan quản lý đề tài: Cục Phòng, chống HIV/AIDS..........................................3
5.Thư ký đề tài: Ths. Tạ Thị Lan Hương...................................................................3
6.Danh sách những người thực hiện chính:..............................................................3
Bs.CKII. Hoàng Huy Phương....................................................................................3
Ths. Tạ Thị Lan Hương.............................................................................................3
Bs. Ngô Thị Ngọc Lan...............................................................................................3
Bs. Ngô Thị Hồng......................................................................................................3
Bs. Hoàng Thị Hồng Hạnh........................................................................................3
CN. Nguyễn Thị Nga.................................................................................................3
7. Thời gian thực hiện đề tài: Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012..........................3
MỤC LỤC.................................................................................................................. i
DANH MỤC CÁC BẢNG...........................................................................................i
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ....................................................................................ii
Phần A. TÓM TẮT CÁC KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA ĐỀ TÀI.....................................1
Phần B. NỘI DUNG BÁO CÁO CHI TIẾT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.....................3
ĐẶT VẤN ĐỀ............................................................................................................3

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN TÀI LIỆU......................................................................5
CHƯƠNG II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.........................19
3.CHƯƠNG III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU............................................................23
6. KẾT LUẬN..........................................................................................................63
7.KHUYẾN NGHỊ...................................................................................................64
TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................66


i

DANH MỤC CÁC CHỮ VÀ KÝ HIỆU VIẾT TẮT
AIDS

: Acquired Immune Deficiency Syndrome

ARV
BN
CBYT
CLB
ĐTNC
HIV

(Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải)
: Anti Retrovirus (Thuốc kháng retrovirus)
: Bệnh nhân
: Cán bộ y tế
: Câu lạc bộ
: Đối tượng nghiên cứu
: Human Immunodeficiency Virus


NTCH
NC
PKNT
TB
TCD4
TTĐT
TT PC
TTYT
UNAIDS

(Virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người)
: Nhiễm trùng cơ hội
: Nghiên cứu
: Phòng khám ngoại trú
: Tế bào
: Tế bào lympho T mang phân tử CD4
: Tuân thủ điều trị
: Trung tâm phòng chống
: Trung tâm y tế
: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS
(Jont United Nations programme on HIV/AIDS)

DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1. Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu .................................................24
Bảng 2. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia và ma túy theo giới của ĐTNC (n = 375) ............26
Bảng 3. Thông tin về điều trị ARV của ĐTNC ........................................................27
Bảng 4. Thông tin về sự hỗ trợ trong điều trị ARV của ĐTNC ...............................28


ii


Bảng 5. Thông tin về yếu tố cung cấp dịch vụ tại các PKNT ..................................29
Bảng 6. Bảng sử dụng rượu, bia, ma túy liên quan đến TTĐT................................39
Bảng 7. Yếu tố về thuốc và đặc điểm điều trị ARV liên quan đến TTĐT.................40
Bảng 8. Các yếu tố hỗ trợ liên quan đến TTĐT.......................................................41
Bảng 9. Các yếu tố dịch vụ, hỗ trợ và sự hài lòng liên quan đến TTĐT .................42
Bảng 10. Mối liên quan giữa kiến thức điều trị ARV và TTĐT ARV.......................43
Bảng 11. So sánh trung vị số lượng CD4 trước và sau khi điều trị.........................45

DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 1. Số BN AIDS, tử vong mới và số lũy tích BN được điều trị ARV ..............7
Biểu đồ 2. Tỷ lệ đi làm xa nhà và tham gia sinh hoạt CLB theo giới..................25
Biểu đồ 3. Nguyên nhân lây nhiễm HIV của ĐTNC theo giới.................................25
Biểu đồ 4. Tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV trong tuần qua của ĐTNC .........................34
Biểu đồ 5. Tỷ lệ ĐTNC có kiến thức đạt và không đạt về điều trị ARV...................35
Biểu đồ 6. Tỷ lệ không mắc NTCH và có CD4 tăng ở các thời điểm sau điều trị của
ĐTNC...................................................................................................................... 44
Biểu đồ 7. Trung vị số lượng CD4 trước và sau điều trị.........................................45


1

Phần A. TÓM TẮT CÁC KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA ĐỀ TÀI
1. Kết quả nổi bật của đề tài
Nghiên cứu đánh giá được mức độ tuân thủ điều trị ARV, các yếu tố
ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị và một số kết quả sau điều trị ở bệnh nhân
đang điều trị ARV tại Ninh Bình - những kết quả này là thực sự cần thiết để
địa phương có những căn cứ nhằm xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả
chương trình chăm sóc và điều trị trong thời gian tới.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong vòng một tuần trước thời điểm

phỏng vấn, 7,5% bệnh nhân cho biết đã bỏ ít nhất một liều thuốc ARV, 31,7%
bệnh nhân uống thuốc sai giờ trên 1 tiếng ít nhất một lần và 5,1% bệnh nhân
đã uống thuốc ARV không đúng cách ít nhất một lần theo chỉ định của bác sỹ.
Kết hợp cả 3 điều kiện trên, tỷ lệ tuân thủ điều trị ARV của bệnh nhân trong
vòng 1 tuần trước thời điểm phỏng vấn là 65,1%.
Những yếu tố cản trở đối với việc tuân thủ điều trị ARV là: đi làm xa
nhà, có sử dụng rượu và còn đang dùng ma túy.
Những yếu tố tăng cường việc tuân thủ điều trị ARV bao gồm: sống
cùng vợ hoặc chồng, phác đồ điều trị đơn giản, có biện pháp nhắc nhở uống
thuốc và có kiến thức tốt về tuân thủ điều trị ARV. Nghiên cứu cũng tìm hiểu
các yếu tố có liên quan tới kiến thức về điều trị ARV của BN, kết quả cho
thấy nữ giới,người đang tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ/nhóm giáo dục
đồng đẳng, người được tập huấn trước điều trị đầy đủ thì có kiến thức tốt hơn.
94,9% BN không có NTCH sau 6 tháng điều trị cao hơn nhiều so với tỷ
lệ BN không có NTCH trước điều trị (57,8%) (p<0,05). Tỷ lệ không có
NTCH sau các thời điểm điều trị từ 12 tháng cho đến 48 tháng cũng đạt >
94%.
Hầu hết BN (>94%) có số lượng tế bào miễn dịch CD4 sau điều trị tăng
so với trước điều trị. Trung vị số lượng tế bào CD4 trước và sau điều trị 6
tháng tăng lên 105 tế bào/mm3, sau 12 tháng tăng lên 176 tế bào/mm 3, sau 24
tăng 277 tế bào/mm3, sau 36 tháng tăng 311 tế bào/mm 3 và sau 48 tháng tăng
334 tế bào/mm3 so với thời điểm trước điều trị (p<0,001).


2

2. Áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội
Kết quả nghiên cứu trên sẽ được áp dụng vào việc xây dựng các hoạt
động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương trong thời gian tới như:
- Phát triển mạng lưới các câu lạc bộ/nhóm giáo dục đồng đẳng cho

người nhiễm HIV để nâng cao hiểu biết và hỗ trợ tuân thủ điều trị ở bệnh
nhân;
- Tăng cường hoạt động giám sát, hỗ trợ chuyên môn và đào tạo về kỹ
năng tư vấn, điều trị cho các phòng khám ngoại trú, đặc biệt là tuyến huyện.
- Tăng cường hoạt động tập huấn, tư vấn hỗ trợ bệnh nhân trong việc
xây dựng kế hoạch điều trị, chú trọng những bệnh nhân đi làm xa, nghiện ma
túy… Đồng thời đánh giá kết quả điều trị toàn diện, đầy đủ hơn ở bệnh nhân
để thấy được hiệu quả điều trị ARV.
3. Đánh giá thực hiện đề tài
Nghiên cứu đảm bảo đúng tiến độ về thời gian theo đề cương nghiên
cứu đã được phê duyệt, đạt được ba mục tiêu nghiên cứu đề ra, các kết quả
nghiên cứu đầy đủ như trong dự kiến của bản đề cương.
Việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng tiến độ, định mức chi tiêu được
thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và hợp đồng trách nhiệm đã ký
kết.
4. Ý kiến đề xuất
Tăng cường hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan quản lý đối
với đơn vị thực hiện đề tài, đặc biệt trong quá trình phân tích số liệu và viết
báo cáo kết quả của đề tài.
Chuyển kinh phí thực hiện đề tài sớm hơn cho đơn vị thực hiện để đảm
bảo việc thanh quyết toán đúng tiến độ quy định.


3

Phần B. NỘI DUNG BÁO CÁO CHI TIẾT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
ĐẶT VẤN ĐỀ
Dịch HIV/AIDS vẫn là một thảm hoạ chưa từng có của loài người, gây
ra sự tổn thất to lớn cho các quốc gia, các cộng đồng và các gia đình trên toàn
thế giới, hơn 30 triệu người đã chết vì AIDS; 34 triệu người đang sống với

HIV, hơn 7.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, 6 triệu người đang điều trị ARV tại
các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình [58].
Ở Việt Nam, chưa từng có dịch bệnh nào lây lan rộng khắp và kéo dài
như dịch HIV/AIDS [2]. Tính đến 30/6/2012, cả nước có 204.019 người
nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo, trong đó có 58.569 bệnh nhân AIDS
còn sống và đã có 61.856 người chết do AIDS [10]. Dịch vẫn đang tiếp tục
lây lan trên đất nước ta với trên 10.000 người nhiễm mới mỗi năm; hơn 75%
số xã, phường; 98% quận, huyện; 100% tỉnh, thành phố báo cáo có người
nhiễm HIV [2], [32].
Với sự gia tăng nhanh chóng của số người nhiễm HIV và số người
chuyển sang giai đoạn AIDS, công tác chăm sóc, điều trị người nhiễm
HIV/AIDS ngày càng trở nên cấp thiết. Cho đến nay, phương pháp điều trị
bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) vẫn là phương pháp hiệu quả nhất giúp
người nhiễm HIV/AIDS nâng cao sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ, giảm tử vong,
giảm các bệnh NTCH và giảm sự lây truyền HIV cho người khác. Những
nghiên cứu gần đây đã cho thấy điều trị ARV cho người nhiễm HIV là liệu
pháp dự phòng tốt, đây là quá trình liên tục kéo dài suốt cuộc đời và đòi hỏi
sự tuân thủ điều trị tuyệt đối [5]. Tuân thủ điều trị là uống đúng thuốc, đúng
giờ, đúng liều lượng thuốc, đúng cách được chỉ định và uống đều đặn suốt đời
[4]. Tuân thủ điều trị giúp duy trì nồng độ thuốc ARV trong máu nhằm ức chế
tối đa sự nhân lên của HIV, đủ thời gian cho phép hệ miễn dịch được phục
hồi, từ đó phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện chất lượng sống
cho người bệnh và tăng tỷ lệ sống sót [5], [12]. Nếu không tuân thủ sẽ dẫn
đến việc nồng độ thuốc trong máu thấp, làm xuất hiện các đột biến của HIV
kháng thuốc và thất bại điều trị [3], [27].


4

Ninh Bình là tỉnh có số người nhiễm HIV tăng nhanh, số bệnh nhân

chuyển sang giai đoạn AIDS và có nhu cầu điều trị ARV cũng gia tăng nhanh
trong các năm trở lại đây [29]. Đến ngày 20/11/2012, số người nhiễm HIV
còn sống của tỉnh là 2.304 người, trong đó số bệnh nhân AIDS còn sống là
807 người; hiện đã có 595 người tử vong do AIDS, tổng số bệnh nhân đang
điều trị ARV tại tỉnh là 519 người (tăng gấp 18 lần so với năm 2007) [28],
[29].
Với số lượng bệnh nhân điều trị ngày một tăng và ở rải khắp các địa
bàn trong tỉnh, nhiều bệnh nhân vẫn thường xuyên đi lao động ở tỉnh ngoài,
trong khi đó điều trị ARV chỉ tập trung tại 2 phòng khám, điều đó gây không
ít trở ngại cho người bệnh trong việc tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị [26],
[29]. Kết quả điều tra năm 2010 của Cục PC HIV/AIDS và tiểu ban điều trị
cho thấy: tỷ lệ còn sống và tiếp tục duy trì sau điều trị của tỉnh Ninh Bình
thấp hơn so với tỷ lệ chung của các địa phương khác trong cùng nghiên cứu:
tỷ lệ còn sống và tiếp tục duy trì điều trị sau 24 tháng là: 79,5% (tỷ lệ chung
là: 85%), điều này đặt ra câu hỏi về thực trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân
[13]. Tại tỉnh, hiện vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về việc theo dõi, giám sát,
đánh giá tuân thủ điều trị, kết quả điều trị ARV của bệnh nhân và chưa có
nghiên cứu đánh giá thực trạng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng không tuân
thủ điều trị từ khi chương trình triển khai cho đến nay.
Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đánh giá
sự tuân thủ điều trị và một kết quả điều trị ARV của bệnh nhân HIV/AIDS
tại các phòng khám ngoại trú tỉnh Ninh Bình năm 2012” với các mục tiêu
sau:
1. Đánh giá mức độ tuân thủ điều trị ARV của bệnh nhân điều trị tại các
phòng khám ngoại trú của tỉnh Ninh Bình năm 2012.
2. Xác định một số yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị ARV ở bệnh
nhân đang điều trị tại các phòng khám ngoại trú của tỉnh Ninh Bình năm
2012.
3. Mô tả một số kết quả sau điều trị ARV ở bệnh nhân điều trị tại các
phòng khám ngoại trú của tỉnh Ninh Bình năm 2012.



5

CHƯƠNG I. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1. Tình hình dịch HIV/AIDS và chương trình chăm sóc, hỗ trợ, điều trị
HIV/AIDS trên thế giới, khu vực Châu Á và tại Việt Nam
1.1. Trên thế giới
Kể từ ca nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại Mỹ từ năm 1981, cho
đến nay loài người đã trải qua 30 năm đối phó với một đại dịch quy mô lớn,
phức tạp; theo UNAIDS tính đến cuối năm 2010, có 34 triệu người đang bị
nhiễm HIV, riêng năm 2010 ước tính có 2,7 triệu ca nhiễm HIV mới và 1,8
triệu người tử vong do AIDS. So sánh với năm 1999, số người nhiễm mới
HIV đã giảm 22%. Hiện có hơn 6 triệu người đang điều trị ARV tại các nước
có thu nhập thấp và trung bình [8], [58].
Năm 1987, thử nghiệm điều trị đầu tiên với thuốc AZT
(Azydothimidine) được thực hiện.
Năm 1989 người ta đưa ra các hướng dẫn điều trị AZT cho những người
nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS trên cơ sở số lượng tế bào TCD4 của người
bệnh.
Đến năm 1996, thế giới bắt đầu sử dụng phác đồ điều trị phối hợp ít nhất
ba loại thuốc (HAART). Chương trình điều trị thuốc ARV từ đó đã làm giảm
đáng kể các trường hợp tử vong do AIDS, ước tính từ năm 1996 đến hết năm
2009 đã có khoảng 14,4 triệu năm tuổi thọ được cứu sống nhờ điều trị ARV
[33].
Khu vực cận Sahara Châu Phi tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả
nặng nề hơn của dịch AIDS toàn cầu. Gần hai phần ba (63%) tổng số người
lớn và trẻ em đang sống với HIV trên toàn cầu là những người sống ở cận
Sahara Châu Phi. Tại khu vực này, 70% số người nhiễm HIV đang còn sống,
gần 37% người có đủ tiêu chuẩn điều trị đã được tiếp cận với ARV [33].

Tỷ lệ bao phủ của chương trình tiếp cận điều trị thuốc ARV ngày càng
được mở rộng. 8 nước là Botswana, Campuchia, Croatia, Cuba, Guyana,
Namibia và Rwanda đã đạt tỷ lệ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn được điều trị thuốc


6

ARV từ 80% trở lên. 11 nước trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Indonexia, Bờ
biển Ngà, Nam Phi… có tỷ lệ bao phủ dưới 40% [33].
Tháng 7/2011 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp
phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đã khởi xướng Sáng
kiến tiếp cận điều trị 2.0 nhằm giảm những bất cập, thách thức hiện nay của
chương trình điều trị như: sự tuân thủ điều trị, chi phí điều trị, tiếp cận điều
trị, hệ thống cung cấp dịch vụ… Điều trị 2.0 là một sáng kiến về điều trị mới
bao gồm những vấn đề về chuyên môn, tổ chức triển khai và quản lý nhằm
đơn giản hóa cách điều trị HIV hiện nay và tăng cường việc tiếp cận tới thuốc
điều trị. Chiến lược này là một quá trình gồm 5 lĩnh vực: Tối ưu hóa phác đồ
điều trị; cung cấp dịch vụ chẩn đoán tại cơ sở chăm sóc và điều trị tiện ích;
giảm chi phí điều trị; củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ bằng lồng ghép chặt
chẽ vào hệ thống y tế cơ sở hiện có; tăng cường sự tham gia của cộng đồng,
của người nhiễm và người có hành vi nguy cơ cao [14], [33]. Ngay khi Sáng
kiến tiếp cận điều trị 2.0 được khởi xướng vào tháng 7/2011, có 5 nước trên
thế giới (trong đó có Việt Nam) đã đăng ký triển khai thí điểm Sáng kiến này
[14].
1.2. Tại châu Á
Ước tính có khoảng 4,9 triệu người đang bị nhiễm HIV. Hầu hết dịch
tại các quốc gia đã có dấu hiệu chững lại. Thái Lan là nước duy nhất trong
khu vực có tỷ lệ hiện nhiễm gần 1%, tỷ lệ hiện nhiễm HIV ở người trưởng
thành của nước này là 1,3% trong năm 2009. Tại Campuchia, tỷ lệ hiện nhiễm
ở người trưởng thành giảm xuống còn 0,5% trong năm 2009, giảm 1,2% trong

năm 2011. Song tỷ lệ hiện nhiễm HIV lại đang gia tăng ở những quốc gia vốn
có tỷ lệ hiện nhiễm thấp như Bangladesh, Pakistan (nơi tiêm chích ma túy là
hình thái lây truyền HIV chính) và Philippin. Hình thái lây truyền HIV tại
châu Á vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm người tiêm chích ma túy, người bán
dâm, khách làng chơi và nam quan hệ tình dục đồng giới [8].
Ở Châu Á, số người đang được điều trị bằng thuốc ARV đã tăng gấp
chục lần kể từ năm 2003. Thái Lan là nước có cam kết và nhiều hành động
mạnh mẽ trong điều trị bằng thuốc ARV với hiệu quả về chi phí và kết quả


7

điều trị. Một số nước khác thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương (bao gồm
Cam-pu-chia, Trung Quốc, Pa-pua Niu Ghinê) cũng đã xây dựng chương
trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS làm nền tảng cho việc mở rộng
điều trị thuốc kháng HIV với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về chỉ đạo,
tài chính và sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong xã hội
[33].
1.3. Ở Việt Nam
Số bệnh nhân AIDS và số ca tử vong có xu hướng giảm từ năm 2006,
do giai đoạn này số người được điều trị ARV tăng lên nhanh chóng.
Người

Năm

Biểu đồ 1. Số BN AIDS, tử vong mới và số lũy tích BN được điều trị ARV
tại Việt Nam từ năm 2004-2010 [13], [32]

Hệ thống chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng đã
được khởi động từ năm 1996, khi đó phạm vi chương trình điều trị ARV mới

chỉ tập trung tại tuyến Trung ương. Năm 2003 tại Viện Y học lâm sàng các
bệnh nhiệt đới điều trị ARV cho 60 bệnh nhân, tại Bệnh viện Nhiệt đới thành
phố Hồ Chí Minh là 100 bệnh nhân, trong khi đó nhu cầu điều trị là rất lớn,
Bộ Y tế ước tính số lượng người nhiễm HIV cần được điều trị ARV sẽ gia
tăng từ 42.480 người năm 2006 lên 72.970 người vào năm 2010 [32].


8

Trước tính cấp thiết của công tác điều trị, năm 2000 và 2005, Bộ Y tế
đã ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS”, quy định về
chuyên môn trong hoạt động điều trị người nhiễm. Ngày 19/01/2007, Bộ Y tế
ban hành quyết định về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về
chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV đến năm 2010. Ngày
19/8/2009, Bộ Y tế ban hành quyết định 3003/QĐ-BYT về việc ban hành
“Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS” lần thứ 3 có sửa đổi, bổ sung.
Ngày 2/11/2011, quyết định số 4139/QĐ-BYT được Bộ Y tế ban hành tiếp
tục sửa đổi, bổ sung một số điều trong hướng dẫn kèm theo của quyết định
3003/QĐ-BYT cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 03/4/2012, Bộ Y tế có
Quyết định số 1039/QĐ-BYT về việc ban hành “Mô hình thí điểm tiếp cận
điều trị 2.0” nhằm thí điểm thực hiện Sáng kiến 2.0 của WHO và UNAIDS
trước khi nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Ở Việt Nam, hệ thống điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ngày càng tiếp tục
được mở rộng. Tính đến tháng 12/2011, trên toàn quốc có 318 cơ sở điều trị
HIV/AIDS, trong đó có 4 cơ sở thuộc tuyến Trung ương, 155 cơ sở tuyến
tỉnh, 159 cơ sở tuyến huyện, chưa có cơ sở nào được triển khai tại tuyến xã;
63/63 tỉnh, thành phố đều có cơ sở điều trị bằng thuốc ARV. Tổng số người
nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV là trên 60.000 người, tăng 25 lần so
với cuối năm 2005 [14], [32].
1.4. Tại Ninh Bình

Đến ngày 20/11/2012, số người nhiễm HIV còn sống của tỉnh là 2.304
người, trong đó số bệnh nhân AIDS còn sống là 807 người, phân bố trên cả
8/8 huyện, thị xã, thành phố; 140/146 xã, phường (chiếm 95,9% số xã
phường) phát hiện có người nhiễm. Huyện có lũy tích số người nhiễm HIV
cao nhất là huyện Kim Sơn (879 người), tiếp đến là huyện Hoa Lư (549 người
nhiễm) và TP Ninh Bình (495 người nhiễm) [28], [29].
Kết quả giám sát cho thấy, dịch HIV/AIDS ở Ninh Bình vẫn đang trong
giai đoạn dịch tập trung, tuy nhiên HIV bắt đầu lây lan ra cộng đồng, dịch có
xu hướng chững lại không tăng nhanh như những năm trước nhưng về cơ bản
chưa khống chế được dịch. Nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS được cải


9

thiện, số người tự nguyện đến tư vấn, xét nghiệm và đăng ký điều trị nhiễm
trùng cơ hội, ARV ngày một tăng, đến tháng 10/2012 số bệnh nhân AIDS
được điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú là 519 người (tăng gấp 18
lần so với năm 2007) [26], [29].
Từ năm 2005, Ninh Bình bắt đầu triển khai chương trình chăm sóc, hỗ
trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Số bệnh nhân được tiếp cận điều trị với
thuốc ARV ngày càng tăng, năm 2006 có 30 người, năm 2008 là 100 người,
năm 2010 là 310 người, năm 2012 là 519 người. Hiện chương trình điều trị
ARV được triển khai chủ yếu ở 2 phòng khám ngoại trú tại Trung tâm PC
HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Kim Sơn [26].
Chương trình điều trị tuy mới được triển khai ở Ninh Bình, nhưng đã
nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng và gia đình người nhiễm do hiệu
quả điều trị mang lại. Tuy nhiên, công tác điều trị còn gặp nhiều khó khăn do
cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho phòng chống AIDS nói chung và cho
chương trình điều trị HIV/AIDS nói riêng còn hạn chế [26].
2.2. Những nghiên cứu về tuân thủ điều trị, kết quả điều trị và các yếu tố

liên quan trên thế giới và ở Việt Nam
2.2.1. Các nghiên cứu trên thế giới
Nhiều tác giả trên thế giới đã tiến hành các nghiên cứu đánh giá về sự
tuân thủ điều trị, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến TTĐT, các rào cản
TTĐT và đề xuất các biện pháp giúp tăng cường TTĐT.
Nghiên cứu về mức độ tuân thủ điều trị ARV:
Tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS tuân thủ điều trị ARV qua một số nghiên
cứu trên thế giới có sự dao động khoảng từ 25% đến 75%.
Nghiên cứu của Chesney (2000) tại Mỹ cho thấy ước lượng có khoảng
50-70% bệnh nhân không tuân thủ điều trị [41].
Cũng tại Mỹ năm 2009, Mellins CA và cộng sự nghiên cứu trên 1138
người nhiễm HIV/AIDS ở New York có rối loạn tâm thần và rối loạn do
thuốc gây nghiện cho kết quả: 45% BN đã không uống đủ thuốc ARV trong
vòng 3 ngày tính đến thời điểm trả lời phỏng vấn [51].


10

Một nghiên cứu tại Thái Lan do Mannheimer và cộng sự tiến hành trên
149 bệnh nhân điều trị ARV qua báo cáo tuân thủ của bệnh nhân trong vòng
30 ngày qua, cho thấy tỷ lệ tuân thủ thay đổi từ 25% đến 100%. Phần lớn
bệnh nhân (114 người, chiếm 77%) tuân thủ tốt (>95%) với kết quả tải lượng
HIV ≤ 50 phiên bản/ml máu [50].
Nghiên cứu trên 181 bệnh nhân ở vùng nông thôn Trung Quốc cho kết
quả có 81,8% bệnh nhân báo cáo có tuân thủ điều trị thuốc ARV trong 3 ngày
qua [35].
Nghiên cứu khác thực hiện trên 1306 bệnh nhân ở 10 nước Châu Á
(bao gồm Căm-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Thái Lan, Việt Nam,
Malaysia, Nepal, Singapore, Myanmar) cho kết quả: 18% BN đã bỏ thuốc
ARV trong tháng, riêng những người tiêm chích ma túy đã quên trung bình

khoảng 1,24 liều thuốc ARV trong tháng qua [40].
Nghiên cứu về kết quả điều trị ARV:
Tsertsvadze và cộng sự (2009) ở Geogia tiến hành nghiên cứu kết quả
điều trị ARV trên 594 BN cho kết quả: 55/594 trường hợp thất bại điều trị,
trong đó 47 trường hợp thất bại về vi rút học, 7 trường hợp thất bại về miễn
dịch, 1 trường hợp thất bại về lâm sàng; trong những trường hợp thất bại về vi
rút học thì có 72% là do kháng thuốc tự nhiên và 28% là do không tuân thủ
điều trị [57].
Tác giả Paterson và cộng sự nghiên cứu trên 81 bệnh nhân cho thấy
việc tuân thủ liên quan có ý nghĩa với kết quả về vi rút học (p<0,001). Thất
bại về vi rút học ghi nhận được trên 22% bệnh nhân có mức tuân thủ ≥ 95%,
61% ở BN tuân thủ mức 80% đến 94,9%, và 80% BN tuân thủ dưới 80%. Sự
thay đổi số lượng CD4 có sự khác biệt rõ rệt giữa nhóm BN tuân thủ từ 95%
trở lên (trung bình tăng 83 TB/mm 3) và nhóm BN tuân thủ dưới 95% (trung
bình chỉ tăng 6 TB/mm3) (sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p=0,006) [54].
Nghiên cứu tại Botswana do Bussmann và cộng sự tiến hành trên 650
bệnh nhân được điều trị thuốc kháng vi rút ARV: sau 1 năm điều trị, số lượng
tế bào CD4 tăng trung bình 137 TB/mm 3 và sau 2 năm con số này là 199
TB/mm3; tỷ lệ bệnh nhân còn sống sau điều trị 1 năm là 96,6% và sau 2 năm
là 95,4%. 120/650 (18,2%) bệnh nhân phải đổi phác đồ do tác dụng phụ của


11

thuốc. Các tác dụng phụ hay gặp của các thuốc ARV là: rối loạn phân bố mỡ,
thiếu máu, giảm bạch cầu … [37].
Nghiên cứu về các yếu tố liên quan tuân thủ điều trị ARV:
a, Các yếu tố cá nhân liên quan đến tuân thủ điều trị:
• Yếu tố nhân khẩu học: giới, tuổi, học vấn, nghề nghiệp
Nghiên cứu của Chesney tại Mỹ ở trên cũng đưa ra kết luận: các yếu tố

cá nhân ảnh hưởng đến TTĐT ARV kém là giới tính nam, trẻ tuổi, học vấn
thấp, không thay đổi về tình trạng sức khỏe, người da màu [41].
Talam và cộng sự nghiên cứu trên 384 BN tại Kenya năm 2008 thì cho
kết quả: các yếu tố về nghề nghiệp là yếu tố chính ảnh hưởng tới tuân thủ điều
trị, đó là: tính chất công việc hay phải đi xa nhà hay do công việc quá bận rộn
[56].
Một nghiên cứu khác tại Ấn Độ do Cauldbeck MB và cộng sự thực
hiện năm 2009 về các yếu tố ảnh hưởng tới TTĐT đã đi tới kết luận: các yếu
tố làm tăng tuân thủ bao gồm: bệnh nhân cao tuổi, nữ giới, đã được điều trị
NTCH từ trước; còn các yếu tố: học vấn, thu nhập, khoảng cách tới phòng
khám … không ảnh hưởng tới việc TTĐT [38].
• Kiến thức về thuốc và điều trị ARV:
Với giả thiết sự thiếu hiểu biết về thuốc ARV có thể dẫn tới việc dùng
thuốc không đúng, nghiên cứu tại Brazil của Almeida và cộng sự (2009) cho
kết quả: chỉ có 43,1% BN biết phải uống thuốc suốt đời, có 55,4% BN không
biết cơ chế tác dụng của thuốc. Về xử trí quên thuốc, chỉ có 14,4% trả lời
đúng là phải uống ngay khi nhớ ra nếu chưa quá gần với thời gian uống liều
kế tiếp, 30,3% cho rằng uống liều đó ngay khi nhớ ra bất kể lúc nào, và
35,9% cho rằng phải đợi đến liều tiếp theo. Về hậu quả của việc điều trị bị
gián đoạn, 18,5% cho rằng thúc đẩy các bệnh khác, 20% cho rằng tăng số
lượng vi rút, 22,1% cho rằng họ sẽ chết và bệnh trầm trọng hơn. BN biết tác
dụng của thuốc không nhiều: hoa mắt, chóng mặt 29,2%, buồn nôn 24,6%, ác
mộng 22,6%, thiếu máu 21,5%, tiêu chảy 19%, nôn 17,9% [36].
Nghiên cứu của Golin và cộng sự trên 140 BN đang điều trị ARV cho
kết quả: có 80% cho rằng ARV giúp người bệnh kéo dài cuộc sống, 73%
đồng ý thuốc ARV giúp nâng cao chất lượng sống của họ, 77% không đồng


12


tình với quan điểm “có thể chống lại HIV mà không dùng thuốc”, 80% đồng ý
rằng nếu không uống ARV đúng liều lượng và đủ >95% thì HIV có thể kháng
lại thuốc [42].
Để nâng cao hiểu biết cho bệnh nhân, Wong IY và cộng sự đã xây
dựng một chương trình giáo dục cho bệnh nhân bằng cách sử dụng băng
video nhằm tăng sự hiểu biết của bệnh nhân về nguy cơ kháng thuốc ARV và
uống thuốc đúng cách, từ đó BN có ý thức tuân thủ uống thuốc tốt hơn. Kết
quả đánh giá sau khi xem băng video, hầu hết bệnh nhân đã nắm được cách sử
dụng thuốc và tác dụng phụ của thuốc. Tác giả cũng khẳng định đây là nền
tảng để giúp tăng cường sự tuân thủ của người bệnh [59].
• Sử dụng rượu bia, ma túy:
Nghiên cứu về các rào cản tuân thủ, tác giả Kalichman SC và cộng sự
đã nghiên cứu về sự liên quan giữa tuân thủ điều trị và việc sử dụng rượu bia
trên 145 BN điều trị ARV cho kết quả: 40% có sử dụng rượu bia trong quá
trình điều trị, trong đó 25% đã ngừng sử dụng thuốc kháng vi rút ARV khi họ
sử dụng rượu bia. Kết quả phỏng vấn cho thấy, mặc dù người bệnh biết việc
sử dụng rượu bia với ARV có thể dẫn tới bị ngộ độc, nhưng họ không thể cai
được rượu bia nên đã ngừng thuốc khi dùng rượu bia. Qua đây các tác giả
khuyến cáo rằng, thầy thuốc cần phải thường xuyên giáo dục cho BN hiểu
rằng, họ cần phải tiếp tục uống thuốc ARV ngay cả khi họ vẫn đang sử dụng
rượu [45].
Lopez E và cộng sự tiến hành nghiên cứu năm 2007 so sánh sự tuân thủ
ARV giữa 2 nhóm: đang sử dụng thuốc gây nghiện và không sử dụng chất
gây nghiện cho kết quả: sự tuân thủ ở nhóm không sử dụng chất gây nghiện
tốt hơn so với nhóm kia [48].
Nghiên cứu của nhiều tác giả khác trên thế giới cũng đưa ra kết luận: sử
dụng rượu bia, ma túy có liên quan với sự tuân thủ điều trị ARV kém ở người
nhiễm HIV [39], [42], [43]. Theo các tác giả, những người uống rượu, ma túy
có khả năng hay quên thuốc ARV hơn, điều này dẫn tới việc giảm nồng độ
thuốc và giảm sự tuân thủ điều trị.

b, Các yếu tố về thuốc liên quan đến tuân thủ điều trị:


13

Nghiên cứu tại Ấn Độ của Cauldbeck MB và cộng sự ở trên đưa ra mối
liên quan giữa tuân thủ điều trị và không có tác dụng phụ của thuốc ARV
[38].
Chesney MA đưa ra kết luận tương tự: các yếu tố về thuốc ARV như
hơn 2 liều mỗi ngày, gánh nặng về thuốc, loại thuốc, không sẵn có thuốc khi
đi xa, nhu cầu thực phẩm không đủ khi uống thuốc, tác dụng phụ của thuốc ...
liên quan có ý nghĩa tới sự tuân thủ điều trị ARV kém ở người bệnh [41].
Tác giả Minzi OM và cộng sự xuất phát từ quan điểm, tác dụng phụ
của thuốc ARV là một thách thức trong quá trình điều trị và ảnh hưởng tới
việc tuân thủ của bệnh nhân, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá
yếu tố này và cho kết quả là: thiếu máu, nhiễm độc gan, phát ban trên da và
bệnh lý thần kinh ngoại biên… là các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc
ARV ở BN không tuân thủ tại Tanzania [52].
Nghiên cứu của Addy Chen và cộng sự tại 10 nước Châu Á cũng cho
kết quả: 66% những bệnh nhân nữ ngừng thuốc ARV là do bị tác dụng phụ
của thuốc [40].
c, Yếu tố về dịch vụ y tế và sự hỗ trợ liên quan đến tuân thủ điều trị:
Hai tác giả Krain và Fitzgerald tiến hành nghiên cứu tại Haiti (2005) đã
tìm ra một số rào cản của tuân thủ điều trị ARV có liên quan đến các dịch vụ
y tế, đó là: hệ thống cung ứng thuốc chưa tốt, nhiều nhân viên y tế chưa được
đào tạo [47].
Cũng với giả thiết rằng nhân viên y tế đóng vai trò chính trong tuân thủ
điều trị của bệnh nhân, năm 2005 Malta và cộng sự tiến hành phỏng vấn sâu
40 nhân viên y tế làm việc tại 6 trung tâm y tế ở Rio de Janeiro (Brazil) đã
thấy rằng: nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân HIV/AIDS,

có mối quan hệ tốt và kỹ năng nói chuyện với bệnh nhân, phát hiện các rào
cản của bệnh nhân, có kỹ năng tư vấn tuân thủ tốt và hiệu quả của các dịch vụ
sẵn có - là những yếu tố tích cực làm tăng cường khả năng tuân thủ của bệnh
nhân [49].
Chesney MA cũng đưa ra kết luận tương tự: mối quan hệ không tốt với
người cung cấp dịch vụ; hệ thống y tế không đáp ứng được nhu cầu hiện tại


14

của bệnh nhân... là những yếu tố liên quan có ý nghĩa tới sự tuân thủ điều trị
ARV kém ở bệnh nhân HIV/AIDS [41].
2.2.2. Nghiên cứu tại Việt Nam
Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ BN tuân thủ điều trị ARV
trung bình khoảng 60%, dao động tùy từng nghiên cứu và đối tượng nghiên
cứu. Nhiều yếu tố có mối liên quan đến TTĐT đã được các nghiên cứu kết
luận như các yếu tố về nhân khẩu học, yếu tố về kiến thức và hành vi cá nhân,
gia đình, người hỗ trợ, cộng đồng...
Nghiên cứu về mức độ tuân thủ điều trị:
Kết quả nghiên cứu trên 163 bệnh nhân tại 8 quận của Hà Nội năm
2007 tìm hiểu sự tuân thủ uống thuốc ARV bằng phương pháp phỏng vấn trực
tiếp bệnh nhân nhớ lại hành vi uống thuốc trong vòng 1 tháng, 3 tháng và 6
tháng vừa qua cho kết quả: trong vòng 6 tháng tỷ lệ quên hoặc uống muộn là
58,3%, tỷ lệ này trong vòng 3 tháng là 54%, trong vòng 1 tháng là 46% [18].
Nghiên cứu tương tự tại quận 10 TP Hồ Chí Minh năm 2009, phỏng
vấn trực tiếp 400 bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên hệ thống từ danh sách
bệnh nhân đang điều trị tại PKNT quận 10 cho kết quả tỷ lệ tuân thủ điều trị
trong vòng 1 tháng qua là 67% [15].
Nghiên cứu của Võ Thị Năm và cộng sự năm 2009 trên 267 bệnh nhân
đang điều trị ARV được từ 6 tháng trở lên tại 5 PKNT tại TP Cần Thơ cho kết

quả 77% bệnh nhân đã tuân thủ điều trị trong vòng một tháng vừa qua [25].
Cũng đo lường sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân trong vòng 1 tháng
qua, nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Trang tại tỉnh Thanh Hóa năm 2010
phỏng vấn trực tiếp 220 bệnh nhân mới vào điều trị ARV được từ 6 tháng đến
1 năm cho kết quả có 40,5% bệnh nhân báo cáo đã quên uống thuốc trong
vòng 1 tháng qua, trong đó 76,7% quên từ 1-3 lần/tháng, 23,3% quên trên 3
lần/tháng và có 13,3% bệnh nhân quên uống thuốc ngày hôm qua [27].
Nghiên cứu tại tỉnh Sơn La năm 2011 trên 110 bệnh nhân mới bắt đầu
điều trị được từ 6 tháng đến 12 tháng cho kết quả có 23,6% bệnh nhân quên


15

uống thuốc trong vòng 1 tháng vừa qua, số bệnh nhân quên uống thuốc trên 3
lần trong tháng chiếm tỷ lệ là 13,6% [30].
Nghiên cứu của Đỗ Mai Hoa và cộng sự (2011) về tuân thủ điều trị trên
615 bệnh nhân HIV/AIDS tại một số PKNT ở Hà Nội và Hải Dương bằng
phương pháp phỏng vấn có trợ giúp của máy tính gắn với thiết bị nghe nhìn
(ACASI) cho kết quả: có tới 24,9% BN không tuân thủ đúng liều trong tháng
qua và 29,1% BN không tuân thủ đúng giờ trong 4 ngày qua [44].
Nghiên cứu về kết quả điều trị ARV:
Nghiên cứu về thực trạng điều trị ARV tại tỉnh Đắc Lắc (2009) cho kết
quả: hầu hết BN tiếp cận với ARV khi đã ở giai đoạn lâm sàng 3, 4; bệnh
nhân có tiến triển về cân nặng rất rõ rệt, sau 24 tháng đạt được cân nặng trung
bình của một người Việt Nam khỏe mạnh; nữ giới duy trì điều trị tốt hơn nam
1,99 lần; bệnh nhân vào điều trị ở giai đoạn lâm sàng 1-2 kết quả điều trị tốt
hơn 2,35 lần. Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cần tăng cường tư vấn và hỗ trợ
tại nhà để bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn [34].
Kết quả phân tích hồ sơ bệnh án của 1072 bệnh nhân tại một số tỉnh ở
Việt Nam do Nguyễn Văn Kính và cộng sự thực hiện năm 2008-2009 cho kết

quả: cân nặng trung bình của bệnh nhân so với thời điểm bắt đầu điều trị tăng
2 kg; tỷ lệ bệnh nhân duy trì phác đồ bậc 1 sau 12 tháng là 89,8%, sau 24
tháng là 87,1%; số lượng tế bào CD4 tăng nhanh theo khoảng thời gian được
sử dụng thuốc: số lượng tế bào CD4 trung bình khi bắt đầu điều trị là 131,7
TB/mm3 máu, sau 6 tháng điều trị tăng lên là 245 TB/mm 3 máu, sau 12 tháng
là 274 TB/mm3 máu, sau 18 tháng là 371 TB/mm 3 máu, sau 24 tháng là 395
TB/mm3 máu [22].
Trong một nghiên cứu khác tại 30 phòng khám ngoại trú được lựa chọn
ngẫu nhiên tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam do Cục PC HIV/AIDS thực
hiện năm 2010 đưa ra kết luận: tỷ lệ duy trì điều trị ARV tương đối tốt sau 12
tháng nhưng thấp hơn ở nhóm nghiện chích ma túy, sau 6 tháng trung vị CD4
tăng thêm 91 tế bào/mm3 máu, sau 12 tháng tăng thêm 137 tế bào, sau 24
tháng tăng 206 tế bào; phần lớn BN ít có biểu hiện tác dụng phụ, tuy nhiên có
thể do việc ghi chép theo dõi tác dụng phụ chưa được thường quy [13].


16

Nghiên cứu tại Thanh Hóa năm 2010 ở trên cũng đưa ra kết quả: sau 6
tháng điều trị, 85,2% bệnh nhân đã hết nhiễm trùng cơ hội, trung bình cân
nặng tăng 3,1kg; trung vị số lượng TCD4 tăng 153 TB/mm3. 67,2% bệnh
nhân đã cho kết quả điều trị tốt: tăng cân, không có nhiễm trùng cơ hội, tăng
số lượng TCD4 [27].
Nghiên cứu đánh giá kết quả chương trình điều trị ARV tại huyện Mai
Sơn, tỉnh Sơn La giai đoạn 2009-2010 cho kết quả: 73% BN có cân nặng tăng
sau 6 tháng điều trị và duy trì ở tỷ lệ 73% tại thời điểm sau 12 tháng điều trị;
87,3% BN không còn biểu hiện NTCH sau 6 tháng điều trị và duy trì tỷ lệ
87,3% tại thời điểm sau 12 tháng điều trị; tỷ lệ BN có số lượng tế bào CD4
tăng sau 6 tháng điều trị là 93,7%, sau đó giảm nhẹ tại thời điểm sau 12 tháng
điều trị 88,9% [30].

Một nghiên cứu khác được thực hiện tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ năm
2011 cho kết quả: Hiệu quả điều trị đạt thấp ở 6 tháng đầu điều trị (44,7%) và
tăng dần sau 12 tháng (72,7%) và 24 tháng là 77,3%; chỉ số tăng cân đạt thấp
nhất ở cả 3 thời điểm: 6, 12 và 24 tháng (tương ứng 70,2%, 77,3%, 81,8%)
[16].
Nghiên cứu về các yếu tố liên quan đến tuân thủ điều trị ARV:
a, Các yếu tố cá nhân
• Trình độ học vấn: Nghiên cứu tại Cần Thơ tìm thấy mối liên quan giữa
trình độ học vấn với tuân thủ điều trị ARV ở BN, những BN có trình độ học
vấn thấp (≤cấp 2) thì tuân thủ kém hơn những người có trình độ học vấn cao
hơn (từ cấp 3 trở lên) [25]. Một số nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận
tương tự về mối tương quan này [16], [30], [34].
• Tình trạng hôn nhân: Nghiên cứu của Võ Thị Năm tại TP Cần Thơ ở
trên cũng đưa ra kết luận những người có gia đình thì tuân thủ điều trị thấp
hơn những người độc thân [25]. Tuy nhiên nghiên cứu khác tại Đắc Lắc lại
cho kết quả ngược lại, những người chưa lập gia đình tuân thủ điều trị tốt hơn
những người đã có gia đình [34].
• Nghề nghiệp và thu nhập: Nghiên cứu định tính trên nhóm BN điều trị
ARV là người NCMT tại Từ Liêm – Hà Nội (2010) cho thấy khó khăn đối với


17

việc điều trị ARV của họ chủ yếu là do thất nghiệp, công việc và thu nhập
không ổn định [23]. Đánh giá của Nguyễn Văn Kính và cộng sự tiến hành
năm 2008 – 2009 tại 8 tỉnh nước ta cũng cho thấy khó khăn mà BN gặp phải
trong quá trình điều trị là không ổn định về địa chỉ cư trú và việc làm, khó
khăn về tài chính [22].
• Kiến thức về điều trị và tuân thủ điều trị:
Kết quả nghiên cứu trên 163 BN tại 8 quận của TP Hà Nội năm 2007

cho thấy: phần lớn BN nắm được các nguyên tắc phối hợp thuốc và tác dụng
phụ của thuốc. Hầu hết BN biết nguyên tắc uống thuốc đúng giờ. Tác hại do
không TTĐT là: “gây chủng kháng thuốc”: 62,6%, “không ức chế sự tăng
sinh vi rút”: 57,1%. Gần 98% BN biết cần phải uống thuốc 2 lần/ngày và
khoảng cách giữa 2 lần uống là 12 tiếng. Nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng
có ý nghĩa về mối liên quan giữa tuân thủ điều trị với kiến thức tốt về điều trị
và tuân thủ điều trị ARV (p<0,01) [18].
Nghiên cứu tại quận 10 TP Hồ Chí Minh (2009) cho kết quả: tỉ lệ bệnh
nhân có kiến thức đúng về tuân thủ điều trị ARV là 69% và tỉ lệ bệnh nhân có
thực hành chung đúng về tuân thủ điều trị là 94%. Bệnh nhân có kiến thức
đúng về tác dụng phụ thì tuân thủ điều trị ARV cao hơn bệnh nhân có kiến
thức chưa đúng (p=0,02) [15]. Nhiều nghiên cứu khác ở nước ta cũng tìm ra
mối tương quan thuận giữa kiến thức tốt về điều trị với tuân thủ điều trị ARV
ở bệnh nhân HIV/AIDS [18], [24], [27] .
• Sử dụng rượu, bia, ma túy:
Nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho thấy sử dụng
ma túy và uống rượu, bia là một trong các nguyên nhân chính khiến bệnh
nhân quên uống thuốc trong thời gian vừa qua [21].
Nghiên cứu của Đỗ Mai Hoa tại Hà Nội và Hải Dương cũng tìm thấy
mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa việc sử dụng rượu và ma túy với
không tuân thủ điều trị: những người có sử dụng rượu và ma túy thì không
tuân thủ đúng liều gấp 5,04 lần những người khác, qua đó nghiên cứu đưa ra
khuyến nghị cần thực hiện các biện pháp giảm tình trạng uống nhiều rượu, bia
để tăng cường việc tuân thủ uống thuốc đúng giờ, đúng liều ở bệnh nhân [44].


18

Nghiên cứu khác tại Thanh Hóa đưa ra kết luận: không còn tiêm chích
ma túy là yếu tố tăng cường thực hành TTĐT ARV ở bệnh nhân [27].

Nghiên cứu của Cục PC HIV/AIDS năm 2009 cũng đưa ra khuyến nghị
cần có các giải pháp hỗ trợ tuân thủ điều trị đặc biệt ở nhóm BN sử dụng ma
túy vì đây là nhóm tuân thủ điều trị kém hơn và kết quả điều trị cũng không
tốt bằng nhóm bệnh nhân không sử dụng ma túy [13].
b, Các yếu tố về thuốc
• Phác đồ điều trị: Một nghiên cứu tìm hiểu tỷ lệ tuân thủ điều trị và các
yếu tố liên quan ở nhóm bệnh nhân là trẻ em được thực hiện ở Bệnh viện Nhi
Trung ương năm 2011 cho kết quả: phác đồ điều trị có mối liên quan tới tuân
thủ điều trị, những bệnh nhân điều trị theo phác đồ bậc 2 tuân thủ tốt hơn
những bệnh nhân điều trị theo phác đồ bậc 1 (p<0,05) [24].
• Phản ứng phụ của thuốc: Nghiên cứu tại 8 quận Hà Nội năm 2007 ở
trên cũng đưa ra kết luận: việc gặp tác dụng phụ của thuốc có liên quan tới
hành vi tạm nghỉ thuốc của bệnh nhân trong tháng vừa qua [18]. Một số
nghiên cứu khác cũng cho kết quả một trong các lý do khiến BN bỏ không
uống thuốc hoặc uống thuốc muộn là do lo sợ sẽ gặp phải các tác dụng phụ
của thuốc ARV [25], [27], [31].
c, Các yếu tố về dịch vụ y tế và sự hỗ trợ
• Tư vấn và hỗ trợ của cán bộ y tế:
Nghiên cứu tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội (2009) đưa ra kết luận việc
phối hợp tốt với cán bộ y tế sẽ làm tăng mức độ tuân thủ điều trị ARV ở
những bệnh nhân HIV/AIDS [31].
Nghiên cứu tại huyện Từ Liêm, TP Hà Nội (2010) cũng cho thấy công
tác tư vấn hỗ trợ điều trị còn nhiều hạn chế là một trong các rào cản đối với
việc tiếp cận điều trị và tuân thủ điều trị ở bệnh nhân [23].
Nghiên cứu tại tỉnh Thanh Hóa thì cho kết quả những bệnh nhân được
cán bộ y tế tư vấn đầy đủ trước điều trị sẽ có kiến thức và thực hành tuân thủ
điều trị tốt hơn những người không được tập huấn và tư vấn đầy đủ [27].
• Sự hỗ trợ tích cực từ người nhà:



19

Nghiên cứu tại Thanh Hóa cho kết quả những bệnh nhân có sự hỗ trợ
tích cực từ phía người nhà trong quá trình điều trị sẽ tuân thủ tốt hơn 2,9 lần
những người không được hỗ trợ tích cực (p<0,001) [27].
Nghiên cứu tại Cần Thơ đưa ra kết luận những người có vợ hoặc chồng
là người hỗ trợ điều trị tại nhà thì thực hành tuân thủ điều trị tốt hơn những
người không có người hỗ trợ hoặc người hỗ trợ điều trị là những người khác
(anh, chị, em, họ hàng, con...) [25].
Nghiên cứu tại quận 10 TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra kết luận tương tự:
bệnh nhân có người trợ giúp thì tuân thủ điều trị cao hơn bệnh nhân không có
người trợ giúp (p=0,03) [15].
• Biện pháp nhắc nhở uống thuốc:
Nghiên cứu tại 8 quận của Hà Nội năm 2007 cho thấy có khoảng 95%
bệnh nhân dùng biện pháp thích hợp để nhắc uống thuốc [18]; tỷ lệ này trong
nghiên cứu tại Thanh Hóa là 90,5% [27], nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh là
94% [15]. Các nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng khẳng định mối liên quan
có ý nghĩa thống kê giữa việc có sử dụng các biện pháp nhắc nhở uống thuốc
với việc không quên thuốc trong tháng vừa qua [15], [18], [27].
• Hỗ trợ của các câu lạc bộ/nhóm đồng đẳng:
Năm 2008, tác giả Nguyễn Văn Kính đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả
mô hình quản lý, chăm sóc và tư vấn cho người nhiễm HIV dựa vào cộng
đồng tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh cho thấy:
hoạt động của câu lạc bộ người nhiễm gắn với hoạt động của các phòng khám
ngoại trú đã mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc hỗ trợ, tuân thủ điều
trị ARV ở bệnh nhân [20].
Trong một số nghiên cứu khác có tìm hiểu các nhu cầu của người
nhiễm HIV giúp tăng cường tuân thủ điều trị và hiệu quả điều trị ARV cũng
cho thấy: được tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ và được các thành viên trong
nhóm hỗ trợ, tư vấn thường xuyên tại nhà là một trong những mong muốn

chính của bệnh nhân đang điều trị ARV [23], [27].
CHƯƠNG II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu


×