Tải bản đầy đủ (.pdf) (67 trang)

Con người quê trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (793.65 KB, 67 trang )

LỜI CẢM ƠN

Chúng em xin chân thành cảm ơn phòng Đào tạo Trường Đại học Tây Bắc và quý
thầy cô trong khoa Ngữ Văn đã tạo điều kiện thuận lợi ủng hộ và giúp đỡ chúng em trong
quá trình nghiên cứu và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đề tài.
Đặc biệt, chúng em xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn chu đáo tận tình của cô giáo
- Thạc sĩ Lê Thị Xuân Liên trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện đề tài.
Chúng em chân thành cảm ơn các cán bộ ở Trung tâm thông tin Thư viện Trường
Đại học Tây Bắc đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng em hoàn thành đề tài.
Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn các bạn tập thể lớp K53 ĐHSP Ngữ Văn B
cùng các bạn đã quan tâm động viên, khuyến khích chúng tôi trong khi làm đề tài này.

Nhóm nghiên cứu đề tài
Trần Thị Kim Anh
Hoàng Thị Lan
Lù Thị Ngừng
Lương Thanh Hằng


MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ..................................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................ 2
3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu ................... 5
4. Mục đích nghiên cứu .............................................................................................. 5
5. Phương pháp nghiên cứu ........................................................................................ 6
6. Những đóng góp của đề tài .................................................................................... 6
7. Cấu trúc đề tài ........................................................................................................ 6
CHƢƠNG 1............................................................................................................... 7
KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN BÍNH ...................................................... 7


1.1. Cuộc đời và sự nghiệp ......................................................................................... 7
1.1.1. Cuộc đời ................................................................................................. 7
1.1.2. Sự nghiệp sáng tác ................................................................................. 8
1.2. Nội dung và phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính ...................................... 9
1.2.1. Nội dung thơ Nguyễn Bính..................................................................... 9
1.2.2. Phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính ............................................ 11
CHƢƠNG 2............................................................................................................. 19
CON NGƢỜI QUÊ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH ......................................... 19
2.1. Không gian sống của con người quê ................................................................. 19
2.2. Con người quê vừa “chân quê” lại vừa “hiện đại”............................................ 21
2.3. Con người quê đa dạng, phong phú về lứa tuổi ................................................ 25
2.3.1. Hình ảnh người mẹ .............................................................................. 27
2.3.2. Hình ảnh người chị. ............................................................................. 31
2.3.3. Hình ảnh cô thôn nữ ............................................................................ 35
2.4. Con người quê trong cuộc sống sinh hoạt ......................................................... 40
2.4.1. Con người quê trong nếp sống sinh hoạt thường nhật ........................ 40
2.4.2. Con người quê trong những dịp lễ tết, hội hè...................................... 46


2.5. Đời sống tình cảm cá nhân của con người quê ................................................. 51
2.5.1. Con người quê và nỗi niềm tha hương ................................................ 51
2.5.2. Con người quê trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa ............................. 54
KẾT LUẬN ............................................................................................................. 60
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................... 63


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Chúng tôi chọn đề tài: “Hình ảnh con người quê trong thơ Nguyễn Bính trước
Cách mạng tháng Tám” vì những lí do cơ bản sau đây:

1.1. Nguyễn Bính là một nhà thơ tài năng, có sự cống hiến to lớn cho nền thơ ca
lãng mạn Việt Nam thời kì 1932 – 1945. Tiếng thơ của ông góp vào thi đàn Thơ mới một
phong cách riêng, một cái hay, cái đẹp riêng, có sức hấp dẫn đối với người đọc. Thơ
Nguyễn Bính mang đậm chất chân quê, tình quê.
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã nhận xét về chất “quê mùa” ấy:
“Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của
người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta.
Nhưng - khôn hay dại - chúng ta ngày càng cố lìa xa nếp cũ để hòng đi tới chỗ mà ta gọi
là văn minh” [30; 347]. Nguyễn Bính thì không thế. Ông ở lại với ruộng đồng, với cánh
diều bay, với giàn hoa lý, với bến cũ đò xưa và chắp bút nối cuộc đời ông với thơ, thơ với
làng quê – nơi chôn nhau cắt rốn của những người con đất Việt như chúng ta đây. Thơ
Nguyễn Bính là những hình ảnh bình dị, thân thuộc với đồng quê. “Và thơ Nguyễn Bính
đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta” [30; 347]. Với những vần thơ mang
đậm chất “chân quê” ấy, Nguyễn Bính đã làm hồi sinh trở lại “Thơ mới” trong giai đoạn
cuối cùng của nó. Thơ ông góp một tiếng nói riêng vào cộng đồng chung của thơ ca lãng
mạn đương thời. Đây là một trong những lí do chúng tôi chọn thơ Nguyễn Bính để nghiên
cứu chứ không phải thơ của một nhà thơ mới nào khác.
1.2. Hình ảnh con người quê trong thơ Nguyễn Bính là con người của làng quê
xưa. Họ sinh ra và lớn lên gắn bó với ruộng đồng, bờ tre, gốc lúa. Ở họ luôn toát lên vẻ
đẹp khó tả. Những con người làng quê ấy cứ tần tảo như cái cò, cái vạc trong ca dao. Hơn
thế, họ còn là những người giàu đức hi sinh và giỏi chịu đựng. Tuy nhiên, vào cái thời ấy,
con người quê của Nguyễn Bính cũng như con người quê ở bất cứ nơi đâu trên đất nước
Việt Nam đều “ra tỉnh” ít nhiều, vì thế ở họ cũng có ít nhiều thay đổi chịu ảnh hưởng của
nếp sống thời đại. Con người quê của Nguyễn Bính vừa “chân quê” lại vừa pha chút dáng
dấp “thị thành”. Cho nên, Hoài Thanh đã có lần chê trách nhà thơ: “Kể, một phần cũng lỗi
tại thi nhân. Ai bảo người không nhà quê hẳn”. Với chúng tôi hình ảnh con người quê
trong thơ ông vì thế lại càng trở nên quyến rũ hơn.
1.3. Hình ảnh con người quê trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng lôi cuốn, hấp
dẫn người đọc. Đọc thơ ông: “Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là những hoàn cảnh tự
1



nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”
[30;347-348]. Bằng những hình ảnh, giọng điệu, chất thơ chân tình, thân thuộc, thơ Nguyễn
Bính đã đánh thức tình quê, hồn quê của những đứa con xa xứ hoặc rời làng quê đến chốn
thị thành xô bồ, ồn ã. Nó gợi nhớ, gợi thương đến người thân ở những chốn quê xa.
1.4. Nguyễn Bính là một trong những tác gia có cống hiến to lớn cho nền thơ ca Việt
Nam giai đoạn 1932 – 1945. Song, thời lượng trên lớp chỉ đủ để giới thiệu khái lược và
chưa được đề cập một cách sâu rộng về thơ Nguyễn Bính nên bạn đọc không hiểu hết về
giá trị của thơ ông.
Trên đây là những lí do cơ bản để chúng tôi chọn đề tài “Con người quê trong thơ
Nguyễn Bính trước Cách mạng tháng Tám” để nghiên cứu.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Bính là một trong những hiện tượng khá tiêu biểu và độc đáo trong phong
trào Thơ mới. Thơ Nguyễn Bính mang một phong cách giản dị, dân dã gần gũi với đời sống
của “con người quê” nên từ khi xuất hiện trên thi đàn Thơ ca lãng mạn 1932 - 1945 thơ ông
đã trở thành đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều bạn đọc và giới phê bình nghiên cứu.
Đã có hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị của các nhà văn, nhà lí luận phê bình văn
học nổi tiếng như Hoài Thanh - Hoài Chân, Vũ Quần Phương, Đỗ Đình Thọ, Lê Đình Kỵ,
MãGiang Lân, Hoàng Việt, Đoàn Thị Đặng Hương, Đỗ Lai Thúy… về thơ Nguyễn Bính
cũng như phong cách thơ của ông. Trong các bài viết, các công trình nghiên cứu đó, đã có
một số ý kiến bàn luận về hình ảnh con ngu trong thơ Nguyễn Bính.
Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh - Hoài Chân đã đề cập đến nét độc
đáo trong thơ Nguyễn Bính: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê đã ẩn náu
trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính
tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta” [30;347]. Với nhận xét ngắn
gọn này Hoài Thanh, Hoài Chân đã trở thành người đầu tiên khám phá ra nét “chân quê”
độc đáo của thơ Nguyễn Bính.
Trong cuốn “Thơ và đời Nguyễn Bính” Tô Hoài cũng đã có nhận xét về phong
cách thơ Nguyễn Bính: “Khi nào anh cũng là người của xứ đồng, của cái diều bay, của

dây thiên lí, của mưa thưa, mưa bụi giữa công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đấy, là
cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả và cũng là nơi in dấu
vết đời mình” [37;151-152].
Nhận xét, đánh giá về thơ Nguyễn Bính các tác giả Huỳnh Lý, Hoàng Dung,
Nguyễn Hoàng Khung, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Trác trong cuốn Lịch sử văn học
2


Việt Nam tập 5 phần I xuất bản năm 1978 đã khẳng định: “Nguyễn Bính đã tìm đến điệu
thơ dân tộc và có được phần nào cái cái tình tứ duyên dáng mộc mạc của ca dao. Trong
lúc thơ mới đang đầy rẫy những cảm xúc phức tạp của cái tôi được nuôi dưỡng từ văn hóa
Âu Tây, thơ Nguyễn Bính được nhiều người ưa thích và khá phổ biến. Mượn giọng ca
dao, Nguyễn Bính trở lại hình ảnh những giàn bầu, hàng cau, vườn dâu, bến đò nỗi lòng
ngậm ngùi của người con gái lỡ bước sang ngang, của cô lái đò, của cô hàng xóm… và đã
đưa lại trong thơ mới ít nhiều khó khăn của quê hương xa xưa” [21;122].
Lê Đình Kỵ trong Tạp chí văn nghệ số 4 /1980 đã nhận xét: “Nguyễn Bính làm thơ
nhiều, nhiều lắm… Nhưng với tài thơ bẩm sinh, với tâm hồn dễ rung động như của
Nguyễn Bính, chắt lọc lại, chỉ giữ một tỉ lệ rất nhỏ… Nguyễn Bính đến với người đọc
không phải như một thợ thơ mà bằng “Tâm hồn tôi”, một tâm hồn dễ rung động trước
những vui buồn quen thuộc xưa và nay, và giống như ca dao nó có sức lắng đọng và vấn
vương ở người đọc” [33; 173].
Trong bài viết “Đóng góp của thơ Nguyễn Bính” đăng trên báo Giáo viên nhân
dân, số báo đặc biệt 7/1989 in trong tuyển tập Nguyễn Bính tác phẩm và lời bình, Vũ
Quần Phương đã đưa ra nhận định sâu sắc về hồn thơ Nguyễn Bính “Đó là tài năng của
anh. Giọng anh vừa cất lên, người ta đã nhận ngay ra hình bóng quê hương làng mạc.
Cách ăn nói nghĩ ngợi của bà con làng xóm đã thấm vào Nguyễn Bính.” [33;150].
Trong cuốn “Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Vũ Đình Liên” của nhà xuất bản giáo dục
năm 1998, tác giả Tô Hoài đưa ra ý kiến lý giải tại sao Nguyễn Bính lại trở thành nhà thơ
của làng quê và những con người quê: “Những lịch lãm, những trải biết, con người tất bật
giữa cuộc sống bon chen với những lăn lội từ tấm bé đã làm cho Nguyễn Bính thành con

người như mọi người, con người của làng xóm cả đời trong lũy tre, nằm mơ có quyển
sách ước gối đầu, mà những điều ước to tát nhất cũng chỉ là ba gian nứa lá, giàn đỗ ván,
cái chuôm, tháng chạp chuôm cạn nước thì cấy cần (…). Sức mạnh sáng tạo của Nguyễn
Bính cũng từ nơi đồng đất trắng trời trắng đất này” [1;17-18].
Tác giả Hà Minh Đức trong bài viết “Hình ảnh quê hương – cảnh vật con người
trong thơ Nguyễn Bính” in trong cuốn ThơNguyễn Bính và lời bình nhà xuất bản Văn hóa
thông tin 2003 đã có những so sánh với những nhà thơ cùng viết về đề tài làng quê như
Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ: “Thơ Nguyễn Bính không có nhiều những bức tranh quê cụ thể
Anh Thơ, hoặc tỉ mỉ với cảnh, với người như Đoàn Anh Cừ nhưng lại khơi gợi nhiều thế
giới nội tâm, ở tình đời, tình người… Đồng quê xứ Bắc gây nhiều cảm hứng cho nhiều
nhà thơ. Nhưng mỗi nhà thơ xúc cảm một cách riêng. Nguyễn Bính nhà quê hơn cả nên
3


chỉ ưa sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê. Anh Thơ không nhà quê một tí nào.
Anh Thơ là một người thành thị đi du ngoạn nên chỉ thấy cảnh quê. Bàng Bá Lân gần Anh
Thơ hơn gần Nguyễn Bính…” [36;53].
Nguyễn Bính là nhà thơ “chân quê”, con người của tình quê, hồn quê. Thơ ông đã
dựng lên những bức tranh quê về làng quê đầy đủ những nét đặc sắc. Nhà phê bình Đoàn
Đức Phương trong bài viết “hoài niệm quê hương trong thơ Nguyễn Bính” in trong cuốn
Nguyễn Bính tác phẩm và lời bình có viết: “Dù sao cái hồn quê, cái chân quê thấm sâu
nhất, hiện hình rõ nhất không phải ở cảnh quê, ở những nét văn hóa làng quê, mà ở những
người quê. Trong thơ Nguyễn Bính, thôn quê là cái gì đó bất biến trong không gian và
thời gian, do đó ngay hình ảnh những người quê đương thời như cũng mang nét điển hình,
tiêu biểu cho người quê ở mọi thời” [33;201].
Tác giả Chu Văn Sơn trong “Ba đỉnh cao thơ mới Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn
Mặc Tử” (2003) đã nhận xét: “Nguyễn Bính là làn mưa xuân rắc mình lên chốn hương
thôn, là lá dâu xanh dập dờn bướm vàng cuối bãi. Nguyễn Bính là chiếc lá lìa cành đầu
ngõ, là chiếc mo cau rụng vội góc vườn… Nguyễn Bính là nỗi đoái trông của mỗi vườn
cam, mái gianh. Nguyễn Bính là đôi mắt đau đáu trong thẳm sâu lòng người xa xứ...

Nguyễn Bính là tiếng trở mình của rặng tre trong lòng kẻ tha hương. Nguyễn Bính còn là
cái Tiếng Việt trong lòng đứa con xa đất mẹ… Ai đó nói, trong mỗi chúng ta đều có một
người nhà quê”[26;126]. Tác giả đã thâu tóm được toàn bộ những bước đi của Nguyễn
Bính với những hình ảnh mang đầy tính nghệ thuật.
Nhà phê bình nghiên cứu Đoàn Thị Đặng Hương trong cuốn Nguyễn Bính tác
phẩm và lời bình nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2013 đã có nhận xét: “Đọc những
trang thơ Nguyễn Bính, chúng ta nhìn rõ cái tâm hồn quê của nàng thơ của ông từ trong
bản chất của tư duy thơ ông. Nàng thơ của Nguyễn Bính không chỉ “quê nhà” ở dáng vẻ
bên ngoài mà nàng làm chúng ta say bởi cái tình quê chân thật, bẽn lẽn, và trinh nguyên ở
nàng. Những bài thơ của Nguyễn Bính có một dáng hình riêng, mà đến những năm cuối
của thế kỉ này nhìn nhận lại thì có thể nói rằng trên thi đàn của thế kỉ XX này chỉ mình
Nguyễn Bính mới có được… Thơ ông có một đời sống riêng, một vị trí riêng trong một
góc nhỏ sâu kín nhất của đời sống tâm linh Việt Nam” [33;255].
Có thể nhận thấy, trong hầu hết các công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Bính đều
khẳng định: “chân quê” là phong cách nghệ thuật riêng của nhà thơ. Nguyễn Bính được đánh
giá là nhà thơ “chân quê” nhất trong số các nhà thơ viết về đề tài thôn quê. Trong số các bài
viết đó ít nhiều đề cập tới “con người quê” trong thơ Nguyễn Bính. Tuy nhiên, đó mới chỉ là
4


những nhận xét, những đánh giá riêng lẻ, ngắn gọn khi nói về phong cách “chân quê” của
nhà thơ mới này. Trên thực tế, chưa có công trình nghiên cứu nào về“con người quê” trong
thơ Nguyễn Bính một cách hoàn chỉnh, trọn vẹn. Các ý kiến nói trên đã giúp chúng tôi có
một định hướng chuẩn mực khi triển khai nghiên cứu đề tài: “Con người quê trong thơ
Nguyễn Bính trước Cách mạng tháng Tám”.
3. Đối tƣợng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là bảy tập thơ của nhà thơ Nguyễn Bính
sáng tác trước Cách mạng tháng Tám:
- Lỡ bước sang ngang (1940)

- Tâm hồn tôi (1940)
- Hương cố nhân (1941)
- Một nghìn cửa sổ (1941)
- Người con gái ở lầu hoa (1942)
- Mây tần (1942)
- Mười hai bến nước (1942)
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài của chúng tôi không nghiên cứu về mọi phương diện của thơ Nguyễn Bính,
mà chỉ tập trung khảo cứu về những đặc trưng của“con người quê” trong thơ Nguyễn
Bính trước Cách mạng tháng Tám.
3.3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài“Con người quê trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng tháng Tám”,
chúng tôi tập trung vào một số vấn đề sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bính
- Khảo cứu và tìm hiểu về “Con người quê trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng”.
4. Mục đích nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu của chúng tôi hướng tới mục đích sau: Tìm hiểu về nét riêng,
đặc sắc của “con người quê” trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng. Qua đó, hiểu thêm
về phong cách chân quê trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng cùng những đóng góp
đáng quý của nhà thơ này vào phong trào Thơ mới Việt Nam những năm 1932 – 1945.

5


5. Phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp khảo sát thống kê
Ở đề tài này, phương pháp khảo sát, thống kê được chúng tôi sử dụng để khảo sát
thực trạng nghiên cứu thơ Nguyễn Bính, thống kê những sáng tác thơ của Nguyễn Bính,
những ý kiến đánh giá về thơ của ông. Từ đó có cơ sở ban đầu nhằm định hướng và phát
triển hướng nghiên cứu đề tài.

5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp
Đề tài nghiên cứu của chúng tôi sử dụng phương pháp này trong quá trình nghiên
cứu con người quê trong thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng tháng Tám.
5.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Trong quá trình nghiên cứu về con người quê trong thơ của Nguyễn Bính, chúng
tôi có sự đối chiếu, so sánh giữa thơ của ông với thơ của các nhà thơ khác trong phong
trào Thơ mới như Hàn Mặc Tử, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… để làm nổi bật
lên nét đặc sắc, độc đáo, đặc trưng về những hình ảnh người quê trong thơ của Nguyễn
Bính.
Ngoài những phương pháp trên, trong quá trình nghiên cứu, phân tích, chúng tôi còn
kết hợp với các phương pháp khác nhằm hoàn thiện đề tài nghiên cứu một cách tốt nhất.
6. Những đóng góp của đề tài
Đề tài của chúng tôi góp thêm một tiếng nói khẳng định giá trị của thơ Nguyễn
Bính cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam; để những ai yêu thơ Nguyễn Bính hiểu thêm về
thơ và có cái nhìn toàn vẹn về vị trí của ông trong nền văn học Việt Nam.
7. Cấu trúc đề tài
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung của đề tài gồm hai chương:
- Chương 1: Khát quát về tác giả Nguyễn Bính
- Chương 2: Con người quê trong thơ Nguyễn Bính.

6


CHƢƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN BÍNH
1.1. Cuộc đời và sự nghiệp
1.1.1. Cuộc đời
Nguyễn Bính sinh ngày 13 tháng 2 năm 1918 tức mùng 3 Tết năm Mậu Ngọ tại
xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Hội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh
Nam Định. Tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đồ

nho. Ông thân sinh là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, tính tình hiền lành, chất phác,
trọng người tài hoa, nghĩa khí hơn vật chất tầm thường. Ông từng nói rằng:
Nhà ta coi chữ hơn vàng
Coi tài hơn cả giàu sang trên đời
(Con nhà nho cũ)
Bà thân sinh là Bùi Thị Miện, con gái của một gia đình khá giả. Ông bà sinh được ba
người con đó là: Nguyễn Mạnh Phác (Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính. Bà
qua đời khi Nguyễn Bính mới vừa được ba tháng tuổi. Có lẽ do sớm thiếu vắng sự chăm sóc
yêu thương của người mẹ nên Nguyễn Bính luôn khát khao tình mẹ. Điều này ít nhiều chi
phối đến tâm hồn thơ của Nguyễn Bính, lí giải vì sao ông viết nhiều về người mẹ với sự trân
trọng nâng niu:
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm trời đày làm thơ
Mấy năm sau đó cha Nguyễn Bính cưới bà Phạm Thị Duyên làm kế mẫu và sinh
được hai người con gái và hai người con trai. Nguyễn Bính không được đến trường học
mà được cha kèm cặp và dạy chữ Nho. Sau đó, ông và hai người anh được bà Giần - chị
ruột của mẹ cùng cậu ruột Bùi Trình Khiêm đón về nuôi dạy, ăn học. Nguyễn Bính biết
làm thơ từ bé nên được cậu khen và chiều chuộng hơn.
Năm 13 tuổi Nguyễn Bính đã giải nhất cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng
và nổi tiếng là thần đồng thơ của làng Thiện Vịnh. Khi người anh cả Trúc Đường đỗ
thành chung vào loại giỏi ở Hà Nội, dạy học ở một trường tư thục ở Hà Đông, bắt đầu viết
văn và làm thơ. Ông đón Nguyễn Bính lên và truyền đạt cho Nguyễn Bính văn học Pháp.
Cuộc đời của Nguyễn Bính gắn bó với Trúc Đường cả về văn chương và đời sống.
7


Năm 1932 - 1933 Nguyễn Bính lên Đồng Hỷ (Thái Nguyên) dạy học. Những năm
đầu thập niên 1940- 1943, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào miền Nam. Lúc này ông
đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết, trong thời gian này ông gặp Đông Hồ, Kiên Giang và bắt
đầu sáng tác. Khi các bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ đó về đây được đăng

Nguyễn Bính được mệnh danh là “thi sĩ giang hồ”.
Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam,
năm 1954, tập kết ra Bắc được bố trí phục vụ trong Hội Nhà Văn ở Hà Nội một thời gian.
Năm 1956, ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Trăm Hoa của nhóm Nhân văn – Giai
phẩm. Năm 1958, Nguyễn Bính về cư trú tại Nam Định và công tác ở Ty văn hóa thông
tin Nam Định dưới sự kèm cặp của nhà văn Chu Tấn và quan chức địa phương. Mùa thu
năm 1965, ông theo cơ quan văn hóa sơ tán vào huyện Lý Nhân.
Ngày 20 tháng 1 năm 1966 Nguyễn Bính mất đột ngột trong lúc đang dạo chơi
trong khu vườn của một người bạn ở phủ Lý Nhân. Lúc này Nguyễn Bính mới được 48
tuổi, ông ra đi để lại sự nghiệp dang dở cùng với sự thương tiếc của bạn đọc.
Năm 2000, Nguyễn Bính đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật.
Có thể thấy: Cuộc đời Nguyễn Bính chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về mặt tình
cảm săn sóc yêu thương của người mẹ, nhưng lại bù đắp nhiều về học vấn, chữ nghĩa, văn
chương. Chính những điều ấy đã tạo tiền đề thuận lợi cho từng bước vào nghề văn và trở
thành một nhà thơ nổi tiếng sau này.
1.1.2. Sự nghiệp sáng tác
Nguyễn Bính đến với thơ văn từ rất sớm, khi ông mới 13 tuổi. Trong hơn 30 năm
sáng tác với nhiều thể loại khác nhau như thơ, kịch, truyện thơ, lý luận sáng tác.
Sự nghiệp sáng tác của ông có thể chia làm hai giai đoạn: Trước CMT8 và sau
CMT8:
Trước cách mạng ông là một nhà thơ lãng mạn thoát ly nổi tiếng vào giai đoạn cuối
cùng của phong trào Thơ mới với phong cách chân quê. Ông đã sáng tác được:
+ 7 tập thơ: Lỡ bước sang ngang, Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Một
nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Mây tần (1942)
+ 2 kịch thơ: Bóng giai nhân (1942), Nguyễn Trãi (1943).
+ 2 truyện thơ: Cây đàn tỳ bà (1944), Cô gái Ba Tư (1940).
+ 3 truyện : Ngậm miệng (1940), Thạch sương bồ, Không đất cắm dùi (1944).
8



Sau cách mạng sáng tác của ông phong phú hơn về mặt thể loại, song thành tựu
xuất sắc nhất được độc giả yêu mến, ưa chuộng nhất là thi ca. Bởi lẽ thơ là mảng sáng tác
kết tụ tài năng và tâm huyết của cuộc đời ông. Ngọn gió cách mạng đã làm thay đổi
khuynh hướng thẩm mĩ và bút pháp trong thơ ông.Từ một nhà thơ lãng mạn thoát ly ông
trở thành nhà thơ hiện thực Xã hội chủ nghĩa.
Các sáng tác gồm:
+ Thơ: Sóng biển cỏ, Ông lão mài gươm (1947), Mừng Đảng ra đời (1953), Trả ta
về (1955), Đồng Tháp Mười (1955), Giếng nước thơi (1957), Tình nghĩa đôi ta (1960),
Đêm sao sáng (1962).
+ Truyện thơ: Trông bóng cờ bay (1957), Tiếng trống đêm xuân (1858).
+ Kịch bản chèo: Cô Son (1961), Người lái đò sông Vị (1964).
+ Truyện: Sáng máu (1947).
+ Lí luận sáng tác: Cách làm thơ lục bát (1955).
Nhìn chung, cuộc đời Nguyễn Bính tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp sáng tác của
ông rất phong phú và đa dạng. Mỗi chặng đường sáng tác của ông có những nét riêng,
nhưng tài năng và tâm huyết của ông đều dồn vào giai đoạn trước cách mạng tháng Tám.
Thơ Nguyễn Bính "chân quê", giản dị, mộc mạc, nhẹ nhàng, trong sáng, và hồn nhiên như
ca dao trữ tình. Ông viết về làng quê qua lăng kính tình cảm lãng mạn, biểu lộ một tình
quê, một hồn quê chân tình và gần gũi. Giáo sư Lê Đình Kỵ có nhận xét về thơ Nguyễn
Bính: "Nổi bật lên ở Nguyễn Bính là ca dao, ở cảm xúc lẫn tư duy, ở cả ý, tình, và
điệu...". Với lối viết giàu chất trữ tình dân gian Nguyễn Bính đã tạo được một gương mặt
riêng tư trong nền văn học Việt Nam.
1.2. Nội dung và phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính
1.2.1. Nội dung thơ Nguyễn Bính
Ở vào thời điểm của 60 năm trước đây có rất ít những nhà thơ có sự tiếp nối truyền
thống văn học dân gian một cách nhuần nhụy, sống động như Nguyễn Bính. Có thể nói
ông là một hiện tượng đặc biệt và độc đáo trên thi đàn nước ta giai đoạn 1930-1945. Thơ
ông mang một giai điệu riêng không thể nào pha trộn trong làng thơ ca thuở ấy. Thơ ông
mới mẻ, đầy sức lôi cuốn song lại thuần khiết đến độ tinh khiết, khồng hề biết đến sự lai

tạp. Và có lẽ, ông cũng là thi nhân đứng đầu về sự phổ cập thơ sâu rộng được quần chúng
mến mộ đón chào với tất cả sự yêu thương, nồng nhiệt, chân tình và đằm thắm của giai
đoạn này.
9


Sinh thời, Nguyễn Bính là người có thiên phú về thơ. Những bài thơ thuộc loại đầu
tay như Mưa xuân, Cô hái mơ, Lỡ bước sang ngang... của ông đã được dư luận hết sức
chú ý. Khi tập thơ Tâm hồn tôi được nhóm Tự lực văn đoàn trao giải năm 1937 (lúc ông
19 tuổi), tên tuổi của ông bắt đầu toả sáng bên cạnh một vài cây bút đặc sắc khác của
phong trào Thơ mới: Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... Có điều, cây bút ấy đi theo một lối
riêng, cần cù, nhẫn nại cầy xới và tiếp nối dòng thơ truyền thống. Ông là một trong số
không nhiều các nhà thơ lầm lũi ngược dòng trở về nguồn cội, đôn hậu, hồn nhiên đến
mộc mạc, thuỷ chung và là điển hình nhất của chất quê thuần phác, lắng đọng và tinh kết
lại, toả sáng nơi đầu ngọn bút.
Nguyễn Bính viết về nông thôn, tạo dựng một bộ mặt nông thôn tương đối toàn
diện trong thơ, khiến thơ ông gần như là cuốn bách khoa toàn thư, đồng thời hướng tới
lượng độc giả đông đảo tuyệt đối của dân tộc. Đó là mảnh đất màu mỡ bậc nhất của văn
chương Việt Nam thuở ấy và vẫn còn tiếp tục là mảnh đất màu mỡ bậc nhất của văn
chương hôm nay.
Thơ ông không chỉ bộc lộ cái tôi thân phận, số phận nhỏ bé, mỏng manh đơn chiếc
của một con người, một cá thể, mà luôn vươn tới một sự khái quát cao, rất cao về một
tầng lớp, một thế hệ, một giai cấp, đặt chúng vận động trong mối quan hệ đa chiều, khăng
khít, liên thông của dòng chảy cuộc đời. Cái gì khiến bài thơ Lỡ bước sang ngang đạt tới
sự phổ cập sâu rộng trong làng dân tộc ở những năm 1930-1940? Phải chăng tiếng thét xé
lòng của người chị - người con gái bạc mệnh, một lần lên xe hoa trong bài thơ ấy cũng
chính là cái nét điển hình nhất, khái quát nhất cho cái bi kịch, đại bi kịch của những người
con gái nông thôn bị ép buộc, bị gả bán, bị phong tục và lễ giáo tước đoạt mất hạnh phúc,
và nhân phẩm, quyền sống quyền làm người?
Trước Cách mạng tình yêu là một đề tài đậm nét nhất trong thơ Nguyễn Bính. Có

nhà nghiên cứu đã nói rằng: Toàn bộ bảy tập thơ ông viết đều có thể thu gọn trong một
chữ yêu. Con người thơ đa tài và đa tình ấy, luôn mang trong trái tim mình một tình yêu
cháy bỏng. Vì thế, có người đã nhận xét "thơ Nguyễn Bính đầy những tương tư". Đề tài
vĩnh cửu có tầm nhân loại này, chiếm một khối lượng áp đảo trong thơ ông, làm nên vẻ
đẹp lung linh riêng, đằm thắm, đắm đuối, nồng nàn, là phần đóng góp quan trọng bậc nhất
của ông với làng thơ.
Thơ ông là sự đan quyện, hoà hợp một cách tài hoa của hai yếu tố siêu và thực.
Trong bài Chân quê, anh chàng tình nhân, sau khi đã ra đến "mãi con đê đầu làng" để đón
người yêu đi tỉnh trở về, đã thực sự khổ sở, day dứt trước cái ma lực thị thành đang từng
10


bước làm biến đổi cô gái quê, chí ít là ở ngoại hình:
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi
(Chân quê)
Xót xa đến bàng hoàng, đến ngỡ ngàng, chàng trai chỉ còn biết hạ mình, đau đớn:
Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa.
(Chân quê)
Tương tự, cũng tâm thái ấy, trong bài Đêm cuối cùng, anh con trai si tình nọ lại
thảng thốt khi thấy người yêu mình xem diễn Nhị Độ Mai một cách quá hồn nhiên vô tư
giữa các chàng trai lạ, đến nỗi không kìm nén được, chàng trai đành trách: Sao em lại
đứng với người đi xem ? Trách đấy, mà cũng là yêu quá đấy thôi, là ghen quá đấy thôi!
Khi tác giả kết thúc bài thơ Chân quê bằng hai câu thơ :
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
"Thực chất đã vươn tới cái siêu, đã khái quát lên thành một nhận xét có tính quy
luật. Sự không cưỡng lại được của nông thôn trước sức tấn công và cám dỗ của nền văn
minh công nghiệp thành thị. Mọi vẻ dường như bình yên, tĩnh lặng, êm đềm nơi thôn dã

đang từng giờ từng phút tích tụ trong lòng nó những mâu thuẫn nội tại. Nhất định cái thời
điểm bùng nổ để biến đổi ấy sẽ đến" [29; Nguyễn Bính cây đàn độc huyền trong dàn thi
ca 1930-1945 – Trần Đăng Thao, google]
Trước Nguyễn Bính chừng 30 năm, thi hào Tú Xương cũng đã từng chứng kiến cảnh
đời dâu bể như thế, cũng đành thở dài bất lực như thế. Dẫu không là người cùng thời song
trên bình diện cảm hứng tâm trạng, thơ của hai ông có phần giống nhau. Điều khác nhau
căn bản là ở chỗ: Tú Xương là nhà thơ thành thị, còn Nguyễn Bính là thi sĩ của chân quê.
1.2.2. Phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính mang đến cho người đọc sự nhẹ nhàng, mộc mạc, hồn nhiên. Đọc
thơ Nguyễn Bính ta như được thâm nhập vào hồn quê chân chất mộc mạc ấy và thơ
Nguyễn Bính sẽ còn mãi với thời gian. Ông đã rất thành công khi đã có những khám phá
nghệ thuật hết sức độc đáo, sử dụng nhuần nhuyễn ca dao, dân ca. Tình quê, hồn quê vào
thơ Nguyễn Bính một cách tự nhiên, không trau chuốt, không dàn dựng mà nguyên sơ,
mộc mạc nhưng lại vô cùng sâu sắc.
11


Nghệ thuật thơ Nguyễn Bính nổi bật với phong cách“chân quê”từ không gian,
thời gian nghệ thuật, cách sử dụng ngôn từ, thể thơ cũng như thi tứ trong các sáng tác của
ông. Nguyễn Bính đã tạo cho mình lối đi nghệ thuật riêng, cày xới và ươm trồng cho
mình một vườn thơ mang đậm chất “nhà quê” hiện đại đặc sắc từ đó khẳng định được
phong cách thơ độc đáo của riêng mình.
1.2.2.1. Không gian nghệ thuật làng quê cổ truyền
Không gian trong thơ Nguyễn Bính chính là không gian làng quê ở đồng bằng Bắc
Bộ. Không gian ấy được gói gọn trong những ruộng dâu, ao bèo, cây đa, giếng nước, sân
đình… Tất cả được ông cụ thể hóa trong từng chi tiết.
Lợn không nuôi đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

(Qua nhà)
Không gian trong thơ Nguyễn Bính mang màu sắc lãng mạn, đó là không gian tâm
tưởng vừa mộng, vừa thực, vừa ảo lại mang tính ước lệ dân gian quen thuộc: “mưa thưa,
mưa bụi”của mùa xuân, “hương sen” của mùa hạ, “giời cao gió cả trăng như ban ngày”
của mùa thu.
Không gian mùa xuân đã trở thành không gian nghệ thuật mang tính ước lệ chất
chứa bao nhiêu cảm xúc. Nói đến cảnh xuân quê nhà, Nguyễn Bính thường nói đến đường
làng, đồng lúa, con đê, hoa bưởi, hoa xoan, hoa cam… Những hình ảnh ấy rất chân thực,
rất thường nhưng rất có hồn ấy lại là cái chỗ để Nguyễn Bính khác người và hơn người.
“Lúc này, không gian nghệ thuật trở về gần hơn với cuộc sống của con người, phản
ánh cuộc sống khổ của những con người lao động, những số phận kém may mắn” [16;
http:/yume.vn].
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
(Hoa và rượu)
Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
(Mưa xuân)
Đi vào thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Bính có thể thấy mưa xuân là cái hồn vía
của mùa xuân. Và có thể hoàn toàn gọi Nguyễn Bính là thi sĩ của mùa xuân.
12


“Trong thi pháp, không gian nghệ thuật hết sức quan trọng, là hình thức tồn tại của
hình tượng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật không những cho thấy cấu trúc nội tại, các
ngôn ngữ đặc trưng mà còn cho thấy những quan niệm về thế giới, chiều sâu thụ của tác giả
hay một giai đoạn văn học” [16;http:/yume.vn/]. Và nó trở thành phương thức để nhà thơ
chuyển tải những thông điệp, tư tưởng, tình cảm của mình.
Trước cách mạng không gian nghệ thuật thơ Nguyễn Bính mang tính chất ước lệ
tượng trưng: hình ảnh thôn Đoài, hàng cau, giàn trầu… được thi vị hóa trở thành những
biểu tượng của làng quê Việt Nam. Còn sau cách mạng, không gian hiện thực được hiện

lên. Đó là hình ảnh quê hương trong thời đại mới, hướng tới không gian của đời sống
rộng lớn mang những cảm xúc âm hưởng sử thi. Không gian hiện thực gắn liền với tâm
trạng con người trong thời đại mới:
Quê tôi đó, bạn ơi, là thế đó
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao, bỗng một ngày: có Đảng
(Bài thơ quê hương)
1.2.2.2. Thời gian nghệ thuật mang màu sắc dân dã.
Trần Đình Sử đã có những lí giải, nhận xét về thời gian nghệ thuật: “Thời gian nghệ
thuật là cái thời gian được cảm nhận bằng tâm lí, qua chuỗi liên tục các biến đổi có ý
nghĩa thẩm mỹ xảy ra trong thế giới nghệ thuật…” [28;63]
Thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính mang đậm sắc thái dân gian. Đó là
thời gian của tâm tưởng, thơ ông rất hay dung các từ: thuở ấy, thuở trước, năm xưa, ngày
xưa, cái ngày, một buổi… để nói về thời gian. Chúng luôn làm trạng ngữ tạo hoàn cảnh.
Thời gian nghệ thuật là một thứ trộn lẫn xưa và nay. Nơi thôn xóm dân dã, tâm hồn con
người không chịu ràng buộc bởi những tính toán chi li về thời gian:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
(Mưa xuân)
Cái ngày cô chửa có chồng.
(Qua nhà)
Có những lúc thời gian nghệ thuật trong thơ ông lại mang tính chính xác cao, thời
gian làm thay đổi chính các sự vật:
Nàng hãy vui đi dẫu một ngày
Dẫu phần ba phút, góc tư giây.
13


Và:

Một buổi sớm mai đến Sài Gòn

Thân em chẳng khác con chim con.

Hay:

Sáng nay sau một cơn mưa lớn
Hà Nội bừng lên những nắng vàng

Sau khi đi theo cách mạng, ý thức cái tôi cá nhân thay đổi chuyển sang ý thức cái
tôi công dân ngòi bút của ông mang đậm tính hiện thực.Và thời gian được cảm nhận một
cách thật chính xác:
Kể mùa đã hết mùa xuân
Kể năm đã hết một phần tư năm
1.2.2.3. Thể thơ truyền thống
Nói đến chất nghệ thuật dân gian trong thơ Nguyễn Bính chúng ta không thể không
nói đến thể thơ lục bát – thể loại điển hình nhất của ca dao dân ca. Thơ lục bát đã có
truyền thống lâu đời với sự tuần hoàn đều đặn của hai câu sáu tám, với vần chân và vần
lưng bao giờ cũng hiệp vần theo thanh bằng, rất thích hợp với giọng kể lể, lời tâm sự.
Nguyễn Bính đã phát huy kế thừa thể loại lục bát với phong cách thơ mộc mạc đã mang
đến vẻ đẹp hồn nhiên tươi thắm cho chất trữ tình đồng quê trong thơ Nguyễn Bính. Trong
những sáng tác trước cách mạng thì thể lục bát chiếm số lượng lớn gần một nửa trong số
những sáng tác của ông. Khi lựa chọn thể thơ lục bát Nguyễn Bính đã phát huy cao độ đặc
trưng của thể thơ này (uyển chuyển, nhẹ nhàng, giàu nhạc điệu kết hợp với phong cách
thơ mộc mạc, dịu dàng trong thơ ông để tạo nên những vần thơ hết sức riêng, độc đáo.
Ông thường dùng kiểu ngắt nhịp truyền thống (nhịp chẵn) mang âm hưởng buồn, tha
thiết, hài hòa như ca dao truyền thống:
Em ơi / em ở / lại nhà
Vườn dâu em đốn / mẹ già em thương.
(Lỡ bước sang ngang)
Cũng là thôi / cũng là đành
Sang sông lỡ bước /riêng mình chị sao.

(Lỡ bước sang ngang)
Đó là nhịp 2/2/2 - 4/4 - 3/3 thường thấy của ca dao.
Nhưng cũng có những bài thơ phá cách về quy luật thanh điệu tạo tiết tấu mới.
Hôm nay / dưới bến / xuôi đò
14


Thương nhau / qua cửa tò vò / nhìn nhau
Anh đi đấy / anh về đâu?
(Không đề)
Thơ lục bát của Nguyễn Bính rất tự nhiên, mượt mà không gò ép. Dường như nó
đã thấm nhuyễn vào hồn thơ Nguyễn Bính. Theo thi sĩ Mộng Tuyết thì Nguyễn Bính làm
thơ lục bát rất dễ dàng: “Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi” [34; 52]. Đọc thơ Nguyễn
Bính ta như được thưởng thức những khúc nhạc êm dịu của ca dao.
Tình tôi là giọt thủy ngân
Dù nghiền chẳng nát dù lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa đơn
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn.
(Tình tôi)
Những bài thơ lục bát của ông của thường có một thi pháp hết sức độc đáo.
“Nguyễn Bính đã kế thừa và vận dụng những sự thay đổi trong giới hạn mà luật thơ cho
phép. Có thể nói ông là một trong những nhà cách tân lớn của thể thơ cả nội dung lẫn
hình thức; kết hợp chặt chẽ với thi pháp dân gian trong ông mở rộng sức thể hiện của nó.
Với ông, thể thơ dân tộc đã phát triển tới đỉnh cao của nó trong thi đàn hiện đại” [33;264]:
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
(Không đề)
Ông mở ra một hướng mới hết sức sáng tạo được thể hiện trong vần, có sự thay đổi
nhịp thơ, tiết tấu.
Thơ lục bát gần với ca dao lấy ca dao làm điểm tựa. Thơ Nguyễn Bính không đóng

khung tình cảm trong câu chữ mà thơ ông là một dòng chảy của tình cảm ngôn từ. Chính
thể thơ truyền thống ấy đã góp phần làm nên thành công của Nguyễn Bính.
Bên cạnh thể thơ mang dấu ấn dân tộc còn yếu tố khiến thơ Nguyễn Bính mang
đậm màu sắc cốt cách người Việt đó chính là cách lựa chọn ngôn ngữ.

15


1.2.2.4. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị theo lối dân gian
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính là ngôn ngữ trong sáng, giản dị, rất giàu màu sắc hình
ảnh, không cầu kì khuôn sáo mà gần gũi, chân thành. Nhà thơ đã biểu hiện thế giới tình
cảm thông qua những sự vật cụ thể gần gũi và thân quen:

Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn
Có đàn trâu trắng lội qua sông
Có cô thơ nhuộm về ăn tết
Sương gió đường xa rám má hồng.
(Không đề)
Ngôn ngữ thơ ông còn giàu nhạc điệu, chất chứa tâm trạng:
Đây tình duyên của đôi ta
Đến đây là…đến đây…là thế thôi
Nguyễn Bính còn làm tăng sức biểu hiện của thơ bằng việc sử dụng thành thạo các
biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ… Trong thơ Nguyễn Bính khi nói về tình yêu ông
hay sử dụng hình ảnh sóng đôi, như “hoa-bướm”; “cau-trầu”; “bến-đò”. Ông đã tạo ra
những hình ảnh so sánh ví von hết sức chân thực tạo nên những hình ảnh thơ sống động.
Ngôn từ trong thơ nguyễn Bính diễn tả đơn vị theo thời gian lối nói của người dân
quê: tầm tầm (Tầm tầm trời xứ đổ mưa); năm tao bảy tuyết(Năm tao bảy tuyết anh hò
hẹn); eo óc (Thôn gà eo óc ngoài xa)…
Nguyễn Bính còn sử dụng rất nhuần nhuyễn các thành ngữ dân gian: chín nhớ
mười mong, một nắng hai sương, cách trở đò ngang… Ngoài ra, ông còn rất tài tình trong

việc sử dụng số đếm trong thơ:
Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba quả núi, cách đôi cánh rừng.
(Xa cách)
Các đại từ “tôi”; “ta”; “anh”; “em”; „mình”… tạo ra vùng mở của ngữ nghĩa rất
tự nhiên, đậm chất quê khó xac định đối tượng là ai.
Có thể thấy, ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính rất gần với thơ ca dân gian, gần với lối
cảm, lối nghĩ của “con người dân quê”. Kể cả ở những sáng tác sau cách mạng vẫn mang

16


màu sắc dân gian mộc mạc, giản dị, lời nói hàng ngày rất dân gian mà không quê kệch.
Các biện pháp tu từ không còn mang tính chất ước lệ khuôn sáo mà gắn bó với đời sống:
Sông đỏ phù sa, nước lớn rồi
Nhà bè khói bếp lững lờ trôi
(Chiều thu)
Trong thơ Nguyễn Bính luôn mang sắc thái dân gian. Cái mạnh của Nguyễn Bính
trong thơ là trong âm điệu.
1.2.2.5. Về cách sử dụng thi liệu, thi tứ.
Nguyễn Bính là người chân quê chính vì vậy mà ông thổi vào các sự vật cái hồn quê
của mình. Thi liệu trước cách mạng trong thơ ông mang sắc thái dân gian gần gũi với thôn
quê, đó là vào mùa xuân gợi sự nhớ nhung, nỗi niềm của người con gái, chờ đợi tình yêu:
Xuân đã đem nhớ mong trở về
Lòng cô lái ở bến sông kia
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước
Trên bến cùng ai đã nặng thề.
(Cô lái đò)
Giọng điệu thường mang âm hưởng buồn da diết, những từ ngữ gợi sự cô đơn
Quê nhà xa lắc, xa lơ đó

… Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc.
(Hành phương nam)
Giọng thơ tự sự mang đậm chất cái tôi “trữ tình” trong Thơ mới. Nhưng nếu như
hồn thơ Thế Lữ thật mở rộng với Cây đàn muôn điệu, mãnh liệt rắn rỏi với Nhớ rừng…
Đặc biệt Xuân Diệu đã mang tới một nguồn sống dạt dào để “yêu”, nồng nàn với cuộc
sống với những tác phẩm mang đậm dấu ấn cái tôi của “nhà thơ mới nhất trong những
nhà thơ mới”… Còn Nguyễn Bính cái tôi trữ tình độc đáo ấy lại là sự “quê mùa”. Những
ai đã từng nghe thơ Nguyễn Bính không thể không rung động khi nghe những khúc nhạc
tâm hồn của “người quê”. Giọng thơ cất lên, người ta thấy ngay cái hồn của làng mạc,
vườn tược, ruộng đồng …
Sau cách mạng, thơ ông chuyển sang bút pháp tái hiện những sự kiện lịch sử tác
động mạnh mẽ đến dân tộc vào trong sáng tác của mình.
17


Khi có giặc những tre làng khắp nước
Đều xả thân làm ngọn mác mũi chông.
(Bài thơ quê hương)
Như vậy, bút pháp lãng mạn trữ tình trong thơ mới chuyển sang bút pháp tự sự trữ
tình sau cách mạng và cũng đạt được một số thành công nhất định.
Nguyễn Bính nhà thơ của hồn quê, chân quê. Trong thơ Nguyễn Bính sử dụng
thông thạo điêu luyện thể thơ lục bát thông qua một số hình ảnh quen thuộc gợi lên tình
cảm quê hương, cách ví von so sánh gần với dân ca, cảm xúc trữ tình nhuần nhuyễn trong
nghệ thuật. Thơ ông mang màu sắc riêng và ở đâu ông cũng làm dấy lên được cái hồn
quê. Hồn quê là sự hòa điệu của nhiều yếu tố nội dung và hình thức nhưng nổi bật là điệu
quê, lối nói quê và lời quê.
Tiểu kết
Trong các nhà Thơ mới, Nguyễn Bính đã đem hồn thơ của mình mà giao hoà cùng
hồn quê và hồn dân tộc. Thơ ông có sự tích hợp và phát huy độc đáo những truyền thống

thơ ca, văn hoá dân gian với tiếng thơ hiện đại, đã tạo ra một phong cách thơ không trùng
lă ̣p với ai t ạo nên một sức sống mới mang đậm chất “chân quê” với hồn quê mộc mạc,
bình dị. Nguyễn Bính đã cống hiếncho thi ca Việt Nam những trang thơ đầy tâm huyết,
rất chân thành, giản dị, lắng đọng, sâu xa.Thơ ông có một giọng riêng không lẫn vào vào
với các nhà thơ khác, luôn đổi mới, muôn màu muôn vẻ với kiểu kết hợp hòa âm kì diệu
của thể lục bát đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Ông viết về đề tài thôn quê với cảnh thiên
nhiên, con người quê với kết tinh nghệ thuật đặc sắc được tạo nên bởi không gian, thời
gian, ngôn ngữ, giọng điệu… thể hiện rõ phong cách giản dị chân quê của thi sĩ. Cả bảy
tập thơ vẫn chung một mạch thơ rất gần với ca dao, dân ca, gần với những sinh hoạt văn
hóa dân gian, gần với cảnh quê, cách nói, cách cảm, cách nghĩ của những “con người
quê” chất phác nơi thôn xóm bình dị ở vùng quê Bắc Bộ. Chính vì vậy, thơ ông dễ đi vào
lòng người.
Tài năng của nhà thơ Nguyễn Bính đã được ghi nhận, tôn vinh bằng những đánh
giá đầy trân trọng của bạn thơ, các nhà phê bình văn học và chính xác hơn hết là lòng yêu
mến của bạn đọc nhiều thế hệ. Trải qua thời gian với biết bao thay đổi, những vần thơ của
ông vẫn được nhắc đến bởi nó bồi đắp cho mỗi chúng ta lòng yêu thương, gợi nhắc chúng
ta không quên quê hương, nguồn cội.

18


CHƢƠNG 2
CON NGƢỜI QUÊ TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH
Con người quê là những người sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn họ là những
người nông dân sống cuộc đời bình dị - gắn bó với công việc làm ăn vất vả,lao động cần
mẫn. Họ mang những nét cảm nét nghĩ rất đời thường, văn hóa tư tưởng theo lối bình
dân.Nhịp sống của họ diễn ra bình lặng, không ồn ào, không vội vã, không bon chen như
chốn thị thành.
Con người quê còn có thể là những người sinh ra ở làng quê nhưng rời làng ra tỉnh,
đến những vùng đất khác. Nhưng ở họ vẫn giữ nét đẹp trong lối sống, văn hóa truyền

thống của người dân quê.
2.1. Không gian sống của con ngƣời quê
Con người quê trong thơ Nguyễn Bính chủ yếu sống ở làng quê, trong một không
gian êm đềm thơ mộng. Một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, gắn với công việc quen
thuộc nơi thôn dã.
Trong thơ Nguyễn Bính, không gian làng quê rất đẹp, rất thơ mộng và trữ tình. Nó
không chỉ mộc mạc chân chất như trong ca dao mà còn ít nhiều được chau chuốt mang
sắc màu thi vị. Ở nơi đó cảnh sắc thiên nhiên đẹp như trong thế giới cổ tích nhưng rất đỗi
thân thuộc, con người hòa đồng với thiên nhiên mang dáng nét một thế giới của cuộc sống
êm đềm lí tưởng.
Thôn Vân có biếc có hồng
Biếc trong nắng sớm, hồng trong vườn chiều
Đê cao có đất thả diều
Giời cao lắm lắm có nhiều chim bay
Quả lành nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen.
(Anh về thôn cũ)
Những hình ảnh trong bài thơ không phải là hình ảnh nhà thơ tự tô vẽ hay tưởng
tượng ra mà là hình ảnh thực của thôn Vân – quê ngoại nhà thơ - một mảnh đất sum suê
cây trái và đủ các loại hoa: “Hoa lan, hoa huệ, hoa cúc, hoa từ tiên, hoa hồng quế… mặt
nước ao ngòi luôn có những hoa sen, hoa súng, hoa ấu và hoa chanh… Những vùng bờ ao
um tùm những những cây dâu quả thắm chen những gốc cam, ổi, táo, chay, nhãn, vải, dừa
cũng không thiếu. Trước cửa nhà thấp thoáng những giàn đỗ biển, giàn nho, giàn thiên lí
19


riêng biệt” [37;279]. Tuy nhiên, trong cái vẻ đẹp thơ mộng của thôn Vân ấy, bạn đọc cũng
dễ dàng nhận ra cái nhìn riêng đầy thi vị và chất chứa tình quê của nhà thơ.
Trong thơ Nguyễn Bính, không hề có hình ảnh làng quê lam lũ với những con
người vất vả một nắng hai sương mà là hình ảnh một làng quê thanh bình êm ả nên thơ,

đẹp như một bức tranh lụa:
Xứ mình lắm bướm nhiều hoa
Bờ tơ là lộc tay ngà vin xanh
Mưa nhè nhẹ nắng thanh thanh
Nên thơ! Ôi cả xứ mình nên thơ.
(Xuân về nhớ cố hương)
Nhà thơ ít nhiều đã thi vị hóa không gian làng quê của mình trên nền cảnh thực của
chốn quê xưa để nói về khát vọng của chính mình về một chốn quê vừa đẹp đẽ lại bình yên
mà trong thực tại lúc bấy giờ không có được. Nhưng dù thế nào thì Nguyễn Bính cũng đã
tạo ra một không gian làng quê vừa quen lại vừa lạ, nó vừa như là của thời điểm lúc bấy
giờ, vừa như là của riêng nhà thơ mà cũng vừa như của tất cả mọi người.
Trên nền cảnh bức tranh thiên nhiên làng quê ít nhiều đã được thi vị hóa ấy,
Nguyễn Bính khắc họa hình ảnh con người quê gắn bó hòa hợp với không gian thiên
nhiên cảnh sắc mộc mạc nơi thôn dã. Một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, gắn bó với
ruộng đồng, với mảnh vườn, với ao bèo, với rau cần, rau muống, với mái nhà gianh, với
công việc đồng áng, dệt vải chăn tằm…
Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
(Tương tư)
Nhà tôi có một vườn dâu
Có dàn đỗ ván, có ao rau cần.
(Nhà tôi)
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.
(Người hàng xóm)
Ở nơi ấy, người và cảnh vật như hòa chặt vào nhau khó tách bạch, đầy ắp tâm
trạng của con người:
20



Lợn không nuôi đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cá ba gian nắng chiều
(Qua nhà)
Một thửa vườn hoang bên cạnh ao
Xương rồng cỏ bãi lẫn rau sam
Vườn này ngày nhỏ anh còn nhớ
Đã nhảy qua vườn bẻ trộm cam.
(Vườn xưa)
Có thể thấy rằng cuộc sống của người dân quê trong thơ Nguyễn Bính ít nhiều bị
thi vị hóa nhưng vẫn giữ được những nét thân thuộc gần gũi của cuộc sống con người ở
chốn ruộng đồng ta xưa. Ta hiểu đó chính là cuộc sống trong hoài niệm và trong khát
vọng của nhà thơ. Trở về với kí ức và hoài niệm có thể xem như đó là một cách để nhà
thơ thoát li thực tại.
2.2. Con ngƣời quê vừa “chân quê” lại vừa “hiện đại”
Vào cái thời Nguyễn Bính làm thơ, xã hội Việt Nam đang dần đô thị hóa. Những
sinh hoạt đô thị làm nảy sinh nhiều vấn đề. Lúc này, làng quê không còn được bao bọc
trong sương mai mà nó chan chứa cái thi vị của đời sống thành thị - tức đời sống hiện đại.
Vì thế, con người quê trong thơ Nguyễn Bính ít nhiều chịu ảnh hưởng của phong trào Âu
hóa đang thịnh hành khắp nước ta lúc bấy giờ làm thay đổi cách ăn mặc phục sức đến lối
cảm, lối nghĩ và cách sống của con người nơi thôn dã. Ngay cả chính nhà thơ cũng bị
cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống văn minh chốn thị thành ấy.
Nguyễn Bính tuy không sinh ra trong một gia đình nông dân làm ruộng nhưng
sống chủ yếu ở nông thôn nên ông cũng là một “thôn dân”, một người nhà quê, kẻ quê
theo cái nghĩa đối lập với thị dân, kẻ chợ. Nhưng Nguyễn Bính cũng ra tỉnh nhiều lần
như những người dân quê lúc bấy giờ, hơn nữa ông còn có những khoảng thời gian vui
với cái thú giang hồ ở chốn thị thành. Cuộc sống thị dân hiện đại vốn lạ lẫm ấy đã tác
động đến tâm hồn và cả nếp sống, nếp cảm của nhà thơ. Ông ít nhiều bị lai căng không
còn mang bản chất “chân quê” chính gốc nữa. Tuy nhiên, Nguyễn Bính “chỉ là kẻ quá

giang, người lái đò qua lại giữa hai bến bờ nông thôn và thành thị, Đông và Tây trên khúc
sông của buổi giao thời” [33; 210]. Chính vì thế, thơ ông là những “con sóng vỗ về cả hai
21


phía vừa mang màu sắc chân quê vừa hiện đại”. Và hình ảnh con người quê hiện ra trong
thơ Nguyễn Bính cũng vừa quen thuộc như người quê trong ca dao, vừa mới mẻ mang
bóng dáng thành thị lúc bấy giờ.
Những con người quê ấy vẫn mang những dáng nét chân quê cổ truyền từ cách ăn
mặc đến lối cảm, lối nghĩ.
Họ chủ yếu vẫn ăn mặc theo lối cổ truyền với áo tứ thân, quần nái đen, yếm lụa
sồi, khăn mỏ quạ, dây lưng đũi, áo nâu… mà đây đó trong thơ Nguyễn Bính đã ghi nhận:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
(Xuân về)
“Yếm đỏ”, “khăn thâm” đây là những trang phục rất điển hình của những cô gái thôn
quê trong những dịp lễ hội. Còn đây lại là những trang phục của cô gái khi đi lấy chồng được
cha mẹ sắm cho nào là “quần lĩnh tía”; “áo đồng lầm”, nào “gương, lược, hoa tai”.
Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía
Này gương, này lược, này hoa tai.
(Lòng mẹ)
Song cũng có khi người quê trong thơ Nguyễn Bính ăn theo lối tân thời của thị
thành và sự thực ấy được nhà thơ ghi lại trong bài Chân quê:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi
Tuy nhiên, ta phải thừa nhận rằng: Con người quê trong thơ Nguyễn Bính mặc dù
có thay đổi về lối ăn mặc, phục sức theo lối tỉnh thành nhưng căn bản vẫn giữ nếp sống,
thói quen, suy nghĩ của con người chân quê. Họ đo đếm thời gian theo mùa, cảm nhận
thời gian theo bóng nắng, ánh trăng, tiếng gà gáy, hoặc theo nếp sinh hoạt có tính qui luật
rất gần với con người quê trong ca dao.

Người xưa trong ca dao thường đo đếm thời gian theo qui luật bốn mùa hoặc cảm
nhận thời gian theo bóng nắng, ánh trăng, tiếng gà gáy…
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi dệt vải những trông ngóng chàng
(Ca dao)

22


×