Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (831.25 KB, 127 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

BÙI THỊ VIỆT ANH

CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Hà Công Tài

HÀ NỘI, 2013


LỜI CẢM ƠN
Với tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn
PGS. TS. Hà Công Tài - Người thầy đã trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá
trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thầy cô giáo trong tổ Lí
luận văn học đã giảng dạy, dìu dắt và bồi đắp cho tâm hồn chúng tôi tình yêu
đối với văn học.
Tôi xin cảm ơn Khoa Ngữ văn, Phòng Sau đại học đã tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho chúng tôi trong suốt quá trình học tập tại Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2.
Tôi cũng xin gửi tới Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội, Ban Giám hiệu
Trường THPT Yên Lãng, các thầy cô giáo trong nhà trường và những người
thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… lòng biết ơn sâu sắc vì đã tạo mọi
điều kiện, động viên, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua để tôi hoàn thành
luận văn này.


Hà Nội, tháng 6 năm 2013
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Bùi Thị Việt Anh


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu độc lập của tôi.
Những số liệu trong phạm vi nghiên cứu do tôi trực tiếp thống kê, không
sao chép bất cứ nguồn tài liệu nào. Những trích dẫn tài liệu đã sử dụng trong
luận văn là đúng sự thật và được trích dẫn từ các tài liệu, tạp chí, công trình
nghiên cứu đã được xuất bản, công bố. Các giải pháp nghiên cứu nêu trong
luận văn được rút ra từ cơ sở lý luận và nghiên cứu thực tiễn trong quá trình
học tập và giảng dạy.
Hà Nội, tháng 6 năm 2013
TÁC GIẢ LUẬN VĂN

Bùi Thị Việt Anh


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU

1

1. Lí do chọn đề tài

1


2. Lịch sử vấn đề

2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

5

4. Mục đích nghiên cứu

6

5. Phương pháp nghiên cứu

6

6. Đóng góp của luận văn

6

7. Cấu trúc của luận văn

7
NỘI DUNG

8

CHƯƠNG 1. CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ SỰ NGHIỆP THƠ
LƯU QUANG VŨ


8

1.1. Khái niệm cái tôi trữ tình

8

1.2. Các hình thức biểu hiện cái tôi trữ tình trong thơ

14

1.3. Sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ

16

CHƯƠNG 2. CÁI TÔI TRỮ TÌNH LƯU QUANG VŨ TRONG THƠ

19

2.1. Cảm nhận quê hương, đất nước, con người

19

2.1.1. Đất nước

19

2.1.2. Tổ ấm chở che

23


2.1.3. Những tuổi thơ đã chết

28

2.2. Những trải nghiệm chiến tranh

31

2.2.1. Niềm lạc quan, tin tưởng

31

2.2.2. Những đau đớn, bi kịch và tổn thất của chiến tranh

34

2.2.3. Những lời chất vấn bỏng rát

39

2.3. Tình yêu, duyên phận
2.3.1. Những cảm xúc trong trẻo tuổi học trò

42
44


2.3.2. Hạnh phúc ngắn ngủi

45


2.3.3. Những năm tháng đau xót và hy vọng

48

2.3.4. Anh yêu em và anh tồn tại

50

2.4. Những khắc khoải, đơn côi

54

2.4.1. Nghèo đói và những dự cảm về tương lai

54

2.4.2. Khát vọng sống và khát vọng sáng tạo mãnh liệt

59

2.4.3. Cái tôi cô đơn, nhân hậu

63

CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ

3.1. Giọng điệu


67
67

3.1.1. Giọng trẻ trung, trong sáng, nồng nàn

68

3.1.2. Giọng tâm tình, ngợi ca

73

3.1.3. Giọng buồn, xót xa cay đắng

75

3.1.4. Giọng ưu tư, chiêm nghiệm

80

3.2. Thể thơ

83

3.2.1. Thể tự do

83

3.2.2. Một số thể thơ khác

88

92

3.3. Ngôn ngữ
3.3.1. Ngôn ngữ thuần Việt

93

3.3.2. Ngôn ngữ giàu sắc thái biểu cảm

96

3.3.3. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình

98

3.4. Hình ảnh biểu tượng

103

3.4.1. Giới thuyết về biểu tượng

103

3.4.2. Hình ảnh biểu tượng trong thơ Lưu Quang Vũ

105

KẾT LUẬN

116


TÀI LIỆU THAM KHẢO

119


1

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tµi
1.1. Cái tôi trữ tình có một vị trí đặc biệt trong sáng tạo thơ ca, trong việc
tổ chức các phương thức nghệ thuật và vật chất hoá thế giới tinh thần của nhà
thơ thành tác phẩm. Nghiên cứu cái tôi trữ tình, vì thế đem lại sự hiểu biết
không chỉ về đặc trưng sáng tạo và giá trị nghệ thuật tinh tế của thơ, mà còn là
cơ sở nắm bắt quy luật vận động và tiến trình của một hiện tượng thơ, một
nền thơ.
1.2. Lưu Quang Vũ là một tài năng đặc biệt thành công trên nhiều lĩnh
vực: Kịch, thơ, truyện ngắn, hội họa, phê bình văn học. Anh đã khởi đầu từ
thơ và kết thúc rực rỡ ánh hào quang ở kịch. Bên cạnh đó, các truyện ngắn
của Lưu Quang Vũ, những bài bình luận sân khấu của anh cũng tạo được bản
sắc riêng, để lại những dư vị khó quên trong lòng bạn đọc.
Từ những năm 80 của thế kỉ XX, Lưu Quang Vũ được biết đến như một
hiện tượng của sân khấu kịch nói nước nhà. Hơn 50 vở kịch (viết trong vòng
8 năm) của anh được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt, được lưu
diễn trên khắp cả nước, trong số đó có nhiều tác phẩm đã đạt huy chương
vàng trong các hội diễn sân khấu toàn quốc. Với những đóng góp đó, anh trở
thành “Nhà viết kịch lớn nhất thế kỉ này của Việt Nam” (Thế kỉ XX - Phan
Ngọc), là “Moliere ở Việt Nam”. Kịch của Lưu Quang Vũ là “những trăn trở
về lẽ sống lẽ làm người". Với những đóng góp to lớn, tháng 9 - 2000, Lưu
Quang Vũ đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuât.

1.3. Nếu kịch là trách nhiệm của công dân Lưu Quang Vũ với xã hội thì
thơ là trách nhiệm của Vũ với chính mình. Vũ làm thơ là khát vọng muốn
được bày tỏ, muốn được thể hiện tâm hồn mình với thế giới xung quanh,
muốn được tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của đời sống, được trao gửi và


2
dâng hiến. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã từng đánh giá về thơ anh: có cảm
giác anh viết kịch để sống với mọi người và làm thơ để sống với riêng mình...
Tôi thấy thơ mới là nơi anh kí thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh
sẽ thắng được thời gian.
Với hồn thơ nồng nàn, đắm đuối mà vô cùng chân thành, giản dị đã lôi
cuốn người yêu thơ ngay từ những bài thơ đầu tay. Anh đã gửi gắm vào thơ từ
cảm xúc trong trẻo đầu đời đến những đau khổ dằn văt của sự đổ vỡ và cả
niềm tin yêu vào cuộc đời. Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng Lưu Quang Vũ thuộc
loại “chân thi sĩ”. Có nghĩa là anh đau gì cũng tận cùng, vui buồn gì cũng tận
cùng, không giả dối cũng không thỏa hiệp điều gì khi cầm bút làm thơ. Thể
hiện những điều ấy trong thơ, Lưu Quang Vũ đã tạo nên một phong cách
riêng, một giọng điệu riêng, một cái tôi riêng, giàu sức ám ảnh trong thơ ca
Việt Nam hiện đại.
1.4. Lưu Quang Vũ viết thơ là “sống cho riêng mình…" thơ là những gì
để lại tinh túy nhất của chàng. Dường như chàng thi sĩ này đã thấu suốt cả và
đã kịp làm hết cả những gì chàng có thể dâng tặng cho "Đời” (Nguyễn Thị
Minh Thái). Vì vậy, thơ Lưu Quang Vũ xứng đáng được quan tâm, nghiên
cứu một cách hệ thống, toàn diện để thấy được những đóng góp to lớn của
nhà thơ đối với nền văn học nước nhà.
Chọn đề tài Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi mong
muốn đưa ra cái nhìn trọn vẹn hơn, có hệ thống hơn về gương mặt thơ độc
đáo, một cá tính thơ mạnh mẽ, riêng biệt, một phong cách thơ sắc nét trong
thơ ca Việt Nam hiện đại. Từ đó giúp người đọc hiểu hơn về “Tài năng thơ

bẩm sinh” Lưu Quang Vũ.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Trên thi đàn Việt Nam, Lưu Quang Vũ xuất hiện với một phong
cách thơ riêng biệt, độc đáo đôn hậu, hiền hòa và thiết tha tình nghĩa. Chính vì


3
thế, thơ anh dễ đi vào lòng người, gây được cảm tình cho độc giả. Với Lưu
Quang Vũ, thơ luôn là một phần của tâm hồn, của cuộc đời, của lẽ sống, của
tình yêu.
Chặng đường thơ của Lưu Quang Vũ trải dài từ những năm kháng chiến
chống Mĩ đến những năm tháng thời kỳ đất nước đổi mới và dừng lại khi anh
qua đời năm 1988.
Người đọc biết đến Lưu Quang Vũ ngay từ tập thơ đầu tay in chung với
Bằng Việt, tập Hương cây - Bếp lửa. Ngoài 20 bài thơ trong tập này, Lưu
Quang Vũ chưa được chú ý nhiều mặc dù cảm xúc tràn đầy anh vẫn sáng tác
thơ bên cạnh kịch và truyện ngắn. Rồi những năm 80 đầy những dự cảm và
biến đổi lớn lao trong đời sống dân tộc, Lưu Quang Vũ ào ạt cho ra đời hàng
loạt vở kịch. Chỉ hơn 8 năm, anh đã có hơn 50 vở kịch mà nhiều vở đã đạt
giải cao, được công chúng đón nhận nhiệt tình. Và người đọc đã có phần lãng
quên Lưu Quang Vũ - nhà thơ. Nhưng sau sự ra đi đột ngột của anh và người
bạn đời là thi sĩ Xuân Quỳnh, thơ anh được công bố rộng rãi với nhiều tập thơ
được in: Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), và một
số tập thơ đã tương đối hoàn chỉnh: Cuốn sách xếp lầm trang, Cỏ tóc tiên, gần
đây nhất, năm 2008, cuốn Di cảo Nhật kí - thơ cũng vừa được ấn hành.
2.2. Mỗi vần thơ của Lưu Quang Vũ càng đọc càng thấy hấp dẫn bởi sự
nhẹ nhàng mà sâu lắng. Và cũng bởi thơ anh không theo một khuôn khổ,
không chịu một sự ràng buộc, gò bó nào. Anh đã trải hồn mình vào thơ, đã
sống thật với thơ không hề dấu diếm. Từ đây gương mặt thơ Lưu Quang Vũ
được nhìn nhận, đánh giá một cách đầy đủ và rõ nét hơn.

Cuốn Lưu Quang Vũ thơ và đời do Lưu Khánh Thơ biên soạn, xuất bản
năm 1997, được coi là cuốn sách tổng hợp đầy đủ về thơ Lưu Quang Vũ.
Người đọc chú ý đến số phận trắc trở với những chặng đường gian truân,
không bằng phẳng của một tài năng nghệ thuật. Đồng thời hiểu được phần


4
nào mối duyên nợ của anh với thơ, hiểu được vì sao anh vẫn thường xuyên
sáng tác thơ ngay cả những lúc anh tỏa sáng trên sân khấu và thơ anh bị coi là
“lạc điệu”.
Cuốn Lưu Quang Vũ tài năng và lao động nghệ thuật cũng do Lưu
Khánh Thơ sưu tầm và biên soạn, xuất bản năm 2001, ra đời nhân dịp Lưu
Quang Vũ được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Cuốn
sách đã giới thiệu rất nhiều bài viết, bài phê bình của nhiều tác giả như Phạm
Xuân Nguyên, Anh Ngọc, Bích Thu, Hoàng Sơn, Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ,
Vũ Quần Phương,... Những bài viết này đã cho thấy sự đánh giá của giới phê
bình về thơ Lưu Quang Vũ từ nhiều góc độ.
2.3. Một số bài nghiên cứu đều khẳng định Lưu Quang Vũ trước hết và
trên hết là một nhà thơ tài hoa.
Ngay khi những bài thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ được đăng ,lập tức
chúng “lọt mắt xanh” của Hoài Thanh .Tác giả của “Thi nhân Việt Nam” đã
nhiệt tình khẳng định Lưu Quang Vũ là “một cây bút trẻ, có nhiều triển
vọng”, “đúng nó là vàng thật, đúng nó là thơ”.
Nguyễn Thị Minh Thái trong bài viết Thơ tình Lưu Quang Vũ cũng đã
cảm nhận được rằng: “Trong tính cách sáng tạo của con người tài hoa trẻ
trung Lưu Quang Vũ thì thơ là hồn cốt thâm hậu nhất” [48, tr.92], và “Đi
suốt chiều dài đời thơ Lưu Quang Vũ, tôi có cảm giác như đi vào kho báu. Ở
những câu thơ ta nhặt vô tình nhất cũng óng ánh một vẻ đẹp riêng, không hiểu
sao chỉ có ở thơ Lưu Quang Vũ - một vẻ đẹp trong vắt của thi ca” [48, tr.95] và
chỉ rõ thơ Lưu Quang Vũ còn rất nhiều điều cần khám phá.

Vũ Quần Phương trong bài Đọc thơ Lưu Quang Vũ đã nhận xét “Tôi
thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét nổi trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi
trộm nghĩ, về lâu dài sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về
kịch” [48, tr.33].


5
Tác giả Anh Ngọc cũng cho rằng, chỉ chiếm phân nửa trong tập Hương
cây - Bếp lửa cũng đủ để Lưu Quang Vũ: “Có một vị trí vững vàng, bởi một
hồn thơ dào dạt, một tài thơ sắc sảo với vẻ hồn nhiên đến như là ngẫu hứng,
với một mạch nguồn hình ảnh và từ ngữ đầy trực cảm và đột biến tuôn ra
dường như bất tận” [48, tr.109].
- Nhiều bài nghiên cứu, phê bình cũng đã đi sâu vào tìm hiểu các
phương diện thể hiện trong thơ Lưu Quang Vũ.
+ Các tác giả như Phạm Xuân Nguyên, Vũ Quần Phương đều thống nhất
trong đánh giá nhận xét về cảm hứng dân tộc trong thơ Lưu Quang Vũ: Quan
tâm đến vẻ đẹp đất nước, “Ngợi ca tầm vóc vĩ đại và sự hi sinh cao cả của
người dân” [48, tr.49].
+ Nhiều bài đi sâu tìm hiểu cách thức thể hiện trong thơ Lưu Quang Vũ.
Một yếu tố được các nhà phê bình rất chú ý đó là những biểu tượng của
thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ. Yếu tố thứ hai về cách thức biểu hiện
trong thơ Lưu Quang Vũ được nói đến khá tập trung là giọng điệu.
Hoài Thanh đã nhận thấy “Câu thơ Lưu Quang Vũ thường ngọt ngào hiền
hậu”. Lưu Khánh Thơ, Bích Thu cũng dùng từ “đắm đuối” để nói về giọng
điệu thơ Lưu Quang Vũ.
2.4. Trên đây là một số những phương diện tiêu biểu, tập trung nhất mà
các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thường hay đề cập đến khi viết về thơ
Lưu Quang Vũ. Bên cạnh đó, còn rải rác có những ý kiến, những phát hiện
khác nhau tùy thuộc vào góc độ soi chiếu của từng tác giả về thơ Lưu Quang
Vũ. Chúng tôi nhận thấy các bài viết, các ý kiến trên thực sự là những gợi mở

hết sức quý báu, có giá trị to lớn cho hướng khai thác và xây dựng luận văn
Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu Lưu Quang Vũ qua những tác phẩm:
- Hương cây - Bếp lửa (in chung với Bằng Việt - 1968).


6
- Mây trắng của đời tôi (1989).
- Bầy ong trong đêm sâu (1993).
- Lưu Quang Vũ - Thơ và đời (1997).
- Lưu Quang Vũ - Di cảo (2008).
4. Mục đích nghiên cứu
Luận văn tập trung nhằm làm sáng tỏ những vấn đề sau:
- Tìm hiểu về cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ và nghệ thuật thể
hiện để thấy được sự đóng góp của một gương mặt thơ rất riêng, giàu cá tính.
- Góp phần làm sáng tỏ phong cách thơ Lưu Quang Vũ và những đóng
góp của thơ Lưu Quang Vũ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn phối hợp vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó
chủ yếu sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu theo lí thuyết thi pháp học
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp so sánh đối chiếu
- Phương pháp phân tích, thống kê, tổng hợp
6. Đóng góp của luận văn
- Với luận văn Cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ, chúng tôi
mong muốn bước đầu đem lại một cái nhìn hệ thống trên nhiều phương diện
về đường thơ Lưu Quang Vũ - Chặng đường thơ thăng trầm như chính cuộc
đời anh.

- Luận văn cũng góp một tiếng nói để khẳng định diện mạo, phong cách
riêng, vị trí không thể thiếu và đặc biệt là sự thành công cái Tôi trữ tình của
tác giả Lưu Quang Vũ trong thơ Việt nam nói riêng và nền văn học Việt Nam
hiện đại nói chung.


7
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận,Tài liệu tham khảo, nội dung của luận
văn được triển khai trong 3 chương:
Chương 1. Cái tôi trữ tình trong thơ và sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ
Chương 2. Cái tôi trữ tình Lưu Quang Vũ trong thơ
Chương 3. Nghệ thuật thể hiện cái tôi trữ tình trong thơ Lưu Quang Vũ


8

NỘI DUNG
Chương 1
CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ SỰ NGHIỆP THƠ LƯU QUANG VŨ
1.1. Kháí niệm cái tôi trữ tình
* Cái tôi
Khái niệm cái tôi là một khái niệm có nội hàm rộng đến nỗi khó xác định
được toàn bộ ý nghĩa của nó. Chúng tôi xin dừng lại ở một số quan niệm triết
học về cái tôi có liên quan trực tiếp hoặc gần gũi với việc tìm hiểu cái tôi trữ
tình.
Các nhà triết học duy tâm là những người đầu tiên chú ý đến cái tôi khi
đề cao ý thức, lí tính trong quan hệ vật chất - ý thức, chủ quan - khách quan,
cá nhân - xã hội.
Theo Descartes (1596 - 1650), cái tôi thể hiện ra như một cái thuộc về

thực thể biết tư duy, như căn nguyên của nhận thức duy lí và do đó, cái tôi thể
hiện tính độc lập của mình với định nghĩa nổi tiếng “Tôi tư duy là tôi tồn tại”.
Theo Kant (1724 - 1850), cái tôi bao hàm hai phương diện.
Thứ nhất, cái tôi với tư cách chủ thể tư duy, chủ thể nhận thức thế giới.
Thứ hai, cái tôi với tư cách là khách thể của chính nhận thức. Như vậy,
với Kant, cái tôi cũng bắt đầu sự tự kỷ ý thức; bản thân nó cũng chính là một
đối tượng để khám phá, tìm hiểu. Sự phân đôi cái tôi này là một bước tiến của
nhận thức về cái tôi phong phú và bí ẩn của con người. Đồng thời, Kant cũng
nhấn mạnh tuyệt đối khả năng nhận thức của cái tôi: "Tính thống nhất của tự
nhiên không phải ở trong tính vật chất của nó, mà ở trong tính thống nhất của
chủ thể nhận thức của cái tôi"…
Hégel (1770 - 1831), một mặt, coi cái tôi như là sự tha hoá của “Ý niệm
tuyệt đối”, một mặt nhấn mạnh vao trò to lớn của cái tôi: cái tôi như là trung


9
tâm của tồn tại, cái tôi có khả năng, khát vọng và sức mạnh để thể hiện mình
trong hiện thực.
Bergson (1858 - 1941) đã chú ý đến cái tôi thuần tuý trong ý thức khi
nhấn mạnh đến đời sống bên trong cá nhân. Theo ông, trong con người có hai
cái tôi; đó là cái tôi bề mặt và cái tôi bề sâu. Trong đó cái tôi bề mặt là các
quan hệ của con người đối với xã hội. Cái tôi bề sâu là phần sâu thẳm của ý
thức. Đó mới chính là đối tượng của nghệ thuật.
Husserl (1859-1938) nhấn mạnh vai trò cái tôi với tư cách chủ thể.
Hesserl cho rằng, khách thể là cái cớ để chủ thể suy tư về chính mình, bộc lộ
tâm tư và tình cảm của mình. Chủ thể được toàn quyền ban bố cho khách thể
một ý nghĩa nào đó, tuy theo chủ quan của mình. Từ đó Husserl kết luận: Con
người không cần ràng buộc gì với khách quan - tự thân nó là một chủ thể sáng
tạo đầy ắp và hoàn toàn tự do.
Các quan điểm duy tâm và cái tôi đã khẳng định: Cái tôi là phương diện

trung tâm của tinh thần con người, là cốt lõi của ý thức có khả năng chi phối
hoạt động và là sự khẳng định nhân cách con người trong thế giới. Tuy vậy,
các quan điểm trên đã tách cái tôi khỏi con người xã hội sinh động, chưa nhìn
thấy cơ sở lịch sử cụ thể và tính tích cực chủ động của cái tôi.
Đối lập với những quan điểm tuyệt đối hoá cái tôi cá nhân, tách nó ra
khỏi các mối quan hệ hiện thực xã hội, triết học Marx xác định giá trị con
người cá nhân từ bản thân con người với tư cách là chủ thể và khách thể của
các mối quan hệ xã hội. Marx cho rằng: mỗi cá nhân có ý nghĩa như là một
“bộ mặt xã hội” của con người, như là kết quả của việc xã hội hoá cá thể con
người. lí tưởng về giải phóng cá nhân của triết học Marx là tự do cho mỗi cá
nhân trong tự do của tất cả mọi người. Đồng thời, vai trò của cái tôi cũng
được khẳng định: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính
con người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và với chính bản thân mình”.


10
* Cái tôi trữ tình
Trong tác phẩm tự sự, cái tôi nghệ thuật bộc lộ gián tiếp qua hình tượng
khách quan nhưng trong tác phẩm trữ tình nó bộc lộ một cách trực tiếp. Do
đó, theo tác giả Lê Lưu Oanh: “Cái tôi trữ tình là một giá trị cụ thể của cái tôi
nghệ thuật. Cái tôi trữ tình là thế giới chủ quan, thế giới tinh thần của con
người được thể hiện trong tác phẩm trữ tình bằng phương tiện của thơ trữ
tình”[26, tr.58]. Cuộc sống được nhận thức, được lí giải, đánh giá, ước mơ,
cảm xúc bằng chính nhân vật trữ tình.
Thơ trữ tình là tiếng nói trực tiếp biểu lộ những cảm xúc suy tư, chiêm
nghiệm:“Tính chất cá thể hoá của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hoá của sự
thể hiện là dấu hiệu cơ bản của thơ trữ tình”. Với thơ, thi sĩ giãi bày những tư
tưởng, những cung bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm của mình.
Cái tôi trữ tình là sự thể hiện một cách nhận thức và cảm xúc đối với
thế giới và con người thông qua lăng kính cá nhân của chủ thể và thông qua

việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình, tạo ra một thế giới tinh thần
riêng biệt độc đáo mang tính thẩm mĩ, nhằm truyền đạt tinh thần đến người đọc.
Bản chất của cái tôi trữ tình là một khái niệm tổng hòa nhiều yếu tố hội
tụ theo quy luật nghệ thuật, bao gồm cả ba phương diện: bản chất chủ quan cá
nhân, đây là mối quan hệ giữa tác giả và cái tôi trữ tình được thể hiện trong
tác phẩm; bản chất xã hội của cái tôi trữ tình là mối quan hệ giữa cái tôi trữ
tình và cái ta cộng đồng; bản chất thẩm mĩ của cái tôi trữ tình là trung tâm
sáng tạo và tổ chức văn bản.
Cả ba phương diện: cá nhân, xã hội và thẩm mĩ đều nằm trong hình
thức thể loại trữ tình.
Cái tôi trữ tình khác về chất so với cái tôi nhà thơ. Đó là sự khác nhau
giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện thực,
giữa nguyên mẫu và điển hình, giữa “gốc rễ” và những “cành lá” nảy nở


11
sinh động của nó. Cái tôi trữ tình không chỉ là cái tôi nhà thơ, nó còn là cái tôi
thứ hai hoặc cái tôi được khách thể hóa, được thăng hoa trong nghệ thuật và
bằng nghệ thuật. Nó có quan hệ chặt chẽ với cái tôi nhà thơ. Nhưng từ cái tôi
nhà thơ đến cái tôi trữ tình còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Cái tôi trữ tình chính là trung tâm sáng tạo và tổ chức văn bản trữ tình.
Nếu quan niệm một tác phẩm trữ tình là một hệ thống với các cấp độ, các yếu
tố thì có thể nói mọi thành tố cấu tạo nên bài thơ, từ các biện pháp tu từ cho
đến thể thơ, nhịp và vần điệu... đều nằm trong ảnh hưởng của một trung tâm
quy chiếu là cái tôi trữ tình. Đó cũng là cơ sở để có thể nói đến các loại hình
với tư cách những đặc điểm hình thức tiêu biểu tương ứng với các kiểu cái tôi
trữ tình.
Văn chương không chỉ là bức tranh đời sống mà còn là bức chân dung
tinh thần của chủ thể sáng tạo. Chủ thể không chỉ là người sáng tạo ra những
giá trị tinh thần mà còn là đối tượng miêu tả biểu hiện, chủ thể không chỉ

được xem như là một yếu tố tạo nên nội dung tác phẩm mà còn được xem như
là một phương tiện bộc lộ nội dung của tác phẩm, là một thành tố của thế giới
nghệ thuật do tác phẩm tạo ra. Ở những nhà thơ có cá tính sáng tạo độc đáo,
dấu ấn của chủ thể còn in đậm trong từng từ, từng hình ảnh, từng dòng thơ,
bài thơ...
Vấn đề cần giới thuyết ở đây là mối quan hệ giữa chủ thể với hình
tượng nhân vật trữ tình, là những hình thức biểu hiện của chủ thể với tư cách
là hình tượng trung tâm của tác phẩm thơ trữ tình. Để thấy rõ mối quan hệ
này, cần thiết phải phân biệt chủ thể và cái tôi, cái tôi của nhà thơ và cái tôi
trữ tình trong tác phẩm. Chủ thể là một phạm trù được xem xét trong mối
quan hệ với khách thể, là phạm trù đối lập với khách thể ở tính tích cực, thể
hiện ở ý thức, ý chí và khả năng nhận thức, chiếm lĩnh hiện thực khách quan.
Cái tôi là yếu tố của chủ thể làm cho chủ thể ý thức được chính mình, là chức
năng tự nhận thức của chủ thể.


12
Cái tôi của nhà thơ có mối quan hệ trực tiếp và thống nhất với cái tôi
trữ tình trong thơ. Nhà thơ là nhân vật chính, là hình bóng trung tâm, là cái tôi
bao quát trong toàn bộ sáng tác. Những sự kiện, hành động, tâm tình và kí ức
trong cuộc đời riêng cũng in đậm nét trong thơ. Cái tôi của nhà thơ có lúc thể
hiện trực tiếp qua những cảnh ngộ riêng, trực tiếp giãi bày những nỗi niềm
thầm kín. Cái tôi của nhà thơ còn hiện diện qua các cách nhìn, cách nghĩ, qua
tình cảm thái độ trước thế giới. Tuy nhiên, cái tôi trữ tình trong thơ và cái tôi
của nhà thơ không hề đồng nhất. Cái tôi của nhà thơ ngoài đời thuộc phạm trù
xã hội học, còn cái tôi trữ tình trong thơ thuộc phạm trù nghệ thuật. Cái tôi trữ
tình là cái tôi nhà thơ đã được nghệ thuật hóa và trở thành một yếu tố nghệ
thuật phổ quát trong thơ trữ tình, là một thành tố trong thế giới nghệ thuật của
tác phẩm.
* Nhà thơ và cái tôi trữ tình trong thơ

Thơ trữ tình nào cũng dựa vào sự rung động của cái tôi cá nhân mang
phận, cá tính riêng tư trong các tình huống trữ tình. Sự khác biệt của các thời
đại thi ca suy cho cùng chính là ở quan niệm về cái tôi và các dạng thức của
cái tôi trữ tình. Thơ trữ tình với đặc trưng thể loại là những cảm xúc và suy tư
của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể
hiện một cách trực tiếp. Dấu hiệu tiêu biểu của nó là tính chất cá thể hóa của
cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện. Vì vậy, thơ trữ tình
thường mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ. Tư duy trong thơ trữ
tình là sự thể hiện cái tôi trữ tình, cái tôi đang cảm xúc, cái tôi đang tư duy.
Tuy nhiên cái tôi trữ tình không đồng nhất với tác giả nhưng hoàn toàn thống
nhất bởi con người thi sĩ, tâm hồn thi sĩ, là cơ sở trực tiếp nhất sáng tạo nên
thi ca. Cái tôi trữ tình trong thơ được bộc lộ dưới nhiều dạng thức khác nhau.
Có khi là dạng trực tiếp của một tình cảm riêng tư, một câu chuyện, một cảnh
ngộ, một sự việc gắn với cuộc đời riêng của người viết. Trong trường hợp


13
này, cái tôi trữ tình thường rất gần hoặc chính là cái tôi của tác giả và nhà thơ
thường dùng cách bộc lộ từ "tôi" và "ta".
Cũng có khi cảnh ngộ, sự việc trong thơ không phải cảnh ngộ riêng của
tác giả mà nhà thơ chỉ nói lên cảm nghĩ của mình về những sự việc mình đã
trải qua hoặc mình đã chứng kiến. Ở trường hợp này, cái tôi trữ tình là nhân
vật trữ tình chủ yếu và sáng tác. Còn trường hợp nữa là có những bài thơ trữ
tình viết về một loại nhân vật nào đó, có thể là những điển hình có thực ngoài
đời. Đó là nhân vật trữ tình của sáng tác tồn tại bên cái tôi trữ tình nhà thơ.
Trong trường hợp này cái tôi trữ tình là loại nhân vật ít xác định cụ thể.
Như vậy cái tôi trữ tình của nhà thơ không bộc lộ trực tiếp nhưng qua
sáng tác vẫn bộc lộ cái tôi trữ tình. Cái tôi trữ tình là cái tôi tác giả được nghệ
thuật hóa và là nhân vật trữ tình quan trọng trong thơ. V. Huygo cho rằng, nhà
thơ chân chính luôn có mặt cùng một lúc trong tác phẩm. Sự hiện diện này

bộc lộ ở cốt cách và bản sắc của một lối cảm nghĩ sâu xa hơn chính là nội
dung tiếng hát tâm hồn. Từ cảm hứng chủ đạo đến giọng điệu thi ca, nhà thơ
luôn cần phải hiện diện. Nói tóm lại qua cái tôi trữ tình, người đọc không chỉ
thấy được cá tính, bản sắc riêng của mỗi nhà thơ mà còn thấy âm vang tiếng
nói của thời đại, lịch sử, dân tộc.
Bản chất của thơ trữ tình là tính chủ quan. Mục đích trữ tình là bộc lộ
chủ thể. Người trữ tình tự cảm thấy mình, nhận thức mình qua những cảm xúc
của mình và tự miêu tả mình. Cho nên sự thống nhất giữa nhà thơ và cái tôi
trữ tình là hình tượng cái tôi - cá nhân cụ thể, cái tôi - tác giả tiểu sử với
những nét rất riêng tư.
Qua những trang thơ của Nguyễn Trãi, chúng ta thấy hiện lên một con
người suốt đời lo cho dân cho nước. Trong 20 năm cùng với Lê Lợi chống
giặc Minh, lúc nào Nguyễn Trãi cũng đau đáu mong đất nước được bình yên,
mong sao “Khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu”. Dù


14
trong hoàn cảnh nào Nguyễn Trãi cũng luôn là cây trúc hiên ngang, cương
trực giữa chốn “vườn quỳnh”, đầy rẫy những kẻ xu nịnh hiểm độc.
Từ những điều trên, có thể thấy cái tôi trữ tình là “sự thể hiện một cách
nhận thức và cảm xúc đối với thế giới và con người thông qua lăng kính cá
nhân của chủ thể và thông qua việc tổ chức các phương tiện của thơ trữ tình,
tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo, mang tính thẩm mỹ, nhằm
truyền đạt năng lượng tinh thần ấy đến người đọc” [1, tr.32].
1.2. Các hình thức biểu hiện cái tôi trữ tình trong thơ
Cái tôi trữ tình là hiện tượng tổng hợp các phương diện cá nhân, xã hội,
thẩm mỹ. “Bản thân những yếu tố cấu thành nó luôn trong trạnh thái biến
đổi, tác động và đặt cái tôi trữ tình trong một thế vận động thường xuyên và
liên tục” [1, tr.55]. Vì vậy, trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử
xã hội, thời đại, lịch sử của cá thể, ý thức về cái tôi trữ tình trong lịch sử văn học

cũng có sự khác nhau.
Trong ca dao dân ca, cái tôi trữ tình là cái tôi tìm thấy tiếng nói chung
của tập thể. Cái tôi ở đây không bộc lộ như một cá nhân riêng biệt mà có thể
chìm đi, biểu hiện cái tôi xã hội, cái tôi tập thể.
Cái tôi trữ tình dân gian về cơ bản là cái tôi phi cá thể hóa. Hình thức
của loại hình văn học dân gian là diễn xướng và truyền miệng. Thời gian và
không gian mang tính ước lệ, làm cho thời gian cá thể hóa của cái tôi tác giả
mờ nhạt hẳn đi. Không gian có thể thay đổi, chẳng hạn từ địa danh này sang
địa danh khác vì thế làm mất đi cá tính cụ thể của một hoàn cảnh cụ thể. Diện
mạo duy nhất của cái tôi dân gian là cái chung.
Trong văn học cổ nói chung, bản chất con người bắt nguồn từ quan hệ
cộng đồng, giá trị cá nhân nằm trong giá trị tập thể. Văn học chủ yếu phát
ngôn trên tư cách siêu cá nhân, với những vấn đề của gia đình, dòng họ, giai
cấp và của dân tộc. Điều đó tạo nên kiểu nhà thơ cổ điển “phi ngã”.


15
Trong thơ trung đại ý thức về cá nhân cá tính có xuất hiện nhưng tồn tại
trong những quy tắc luật lệ khuôn mẫu mà ta gọi là tính quy phạm. Cái tôi trữ
tình chủ yếu là cái tôi vũ trụ. Cái tôi cá tính đã khách thể hóa vũ trụ. Mỗi sự
việc, mỗi khung cảnh đều mang một ý nghĩa triết lí về quan hệ giữa con người
và vũ trụ. Do không tách mình khỏi vũ trụ, để từ những bí ẩn của vũ trụ gián
tiếp bộc lộ những bí ẩn của tâm hồn, vì thế biểu hiện tình cảm xã hội là gián
tiếp, kín đáo. Cái nhà thơ luôn đi tìm là sự hài hòa giữa cái hữu hạn và vô
cùng, giữa nhất thời và vĩnh cửu, giữa quá khứ và thực tại, giữa cái thực và
cái hư, giữa cái động và cái tĩnh.
Trong thơ lãng mạn nằm ở cách cảm, cách nghĩ, sự biểu hiện thế giới và
con người một cách đặc thù. Đó chính là cái tôi nằm ở trung tâm cảm nhận,
làm nguyên tắc thế giới quan. Thơ lãng mạn là thơ của tâm hồn, tâm hồn ấy
đã thoát ra khỏi tính quy phạm và nó đã bộc lộ hết mình, để “tâm hồn tiếp xúc

trực tiếp với ngoại giới”. Đồng thời thơ lãng mạn cũng lấy tâm hồn làm trung
tâm, nó không ưa cõi thực tầm thường mà thích những cái gì cá biệt khác
thường, cái phi thường. Cái tôi trữ tình vượt lên hoàn cảnh bằng những tưởng
tượng khác thường, bằng mộng ảo, hoài niệm, bằng tôn giáo, lịch sử... chỉ với
mục đích là tự khẳng định mình, khẳng định sự tự do của mình. Tuy thế đã là
một con người tự do thì sẽ tồn tại những mặt mạnh mặt yếu, vừa có sự kiêu
hãnh nhưng cũng không tránh khỏi sự yếu đuối, bơ vơ, buồn rầu, cô đơn, làm
cho tâm hồn vừa phong phú, phức tạp và cũng rất tinh tế trong sáng tạo nghệ thuật.
Thơ cách mạng là thơ của cái tôi mới, cái tôi cộng đồng. Chủ thể không
còn là cái tôi riêng mà là một phạm trù đa thức. Đó là một cá nhân không lặp
lại hoặc là một nhóm người cùng chung ý chí, nguyện vọng có thể là toàn bộ
xã hội nói chung. Trong cái tôi mỗi người có cả một hệ thống cái tôi khác
nhau, trong quá trình tự nhận thức trước cuộc sống, cái tôi nào đó được lựa
chọn, vượt lên tự khẳng định. Cái tôi lúc này là cái tôi công dân xã hội, hướng
về tình cảm chung của cộng đồng, cái tôi hòa hợp với cái ta trong cộng đồng


16
mà khi giao tiếp thường được xưng là ta, chúng ta. Nó khác với cái tôi cá
nhân phân biệt người này với người khác. Cái tôi khẳng định sự chung sức
chung lòng cho sự nghiệp đánh giặc cứu nước.
Về vận động của cái tôi trữ tình giai đoạn 1945-1975 ở Việt Nam, theo
tác giả Vũ Tuấn Anh: cái tôi trữ tình kiểu mới ra đời sau 1945, gắn với sự
hình thành nền thơ trữ tình cách mạng và kháng chiến. Nếu như Phong trào
Thơ mới gắn với cái tôi lãng mạn đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca,
đưa nền thơ dân tộc bước vào qũy đạo hiện đại, thì với sự ra đời của cái tôi
trữ tình cách mạng và kháng chiến, nó tiếp tục mở ra một giai đoạn mới,
“Đưa thơ thẳng trung tâm của đời sống tinh thần dân tộc trong những biến
động lịch sử to lớn” [1, tr.63].
Và chính cái tôi trữ tình này đã “đem đến những tính chất mới của nền

thơ hiện đại, đặc biệt là tinh thần chiến đấu, nhập cuộc của thơ trước xã hội,
tính hiện thực, khả năng bao quát và thâm nhập đời sống từ vấn đề lớn của
thời đại đến các khía cạnh sinh tồn của đời thường, tính đại chúng và tinh
thần dân chủ của thơ ca: thơ trở thành sinh hoạt của quần chúng, môi trường
cộng đồng” [1, tr.72].
Sau 1975 xuất hiện thêm cái tôi thế sự và đời tư. Nguyên nhân của nó do
sự thức tỉnh của những nhu cầu xã hội và cá nhân, sự triết lý về tồn tại trên
những chủ đề vĩnh cửu về con người, nhân dân, thiên nhiên.
1.3. Sự nghiệp thơ Lưu Quang Vũ
Lưu Quang Vũ sinh ngày 17 tháng 4 năm 1948, tại Phú Thọ. Quê gốc
của anh ở Đà Nẵng. Suốt cuộc đời Lưu Quang Vũ sống và gắn bó với Hà Nội.
Là con đầu lòng của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, Lưu Quang Vũ
chịu ảnh hưởng tích cực của người cha tài hoa. Ở con người ấy, năng khiếu
hội họa và cốt cách của một thi sĩ đã sớm được bộc lộ.
Năm mười ba tuổi, cậu bé Vũ đã giành được giải thưởng của thành phố
về cả văn và họa.


17
Năm mười bảy tuổi, Lưu Quang Vũ nhập ngũ, được biên chế về binh
chủng phòng không không quân. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi trong
cuộc đời anh. Anh sáng tác rất nhiều thơ. Chùm thơ đầu tay: Gửi tới các anh,
Lá bưởi lá chanh, Đêm hành quân được in trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Và
đặc biệt, bằng sự xuất hiện trên văn đàn với phần thơ Hương cây in chung với
Bằng Việt trong tập Hương cây - Bếp lửa khi anh tròn hai mươi tuổi thì Lưu
Quang Vũ nhanh chóng được biết đến với tư cách là một nhà thơ trẻ tài năng
đầy triển vọng.
Lưu Quang Vũ đã sống trong lòng bạn đọc yêu thơ bằng những câu thơ,
bài thơ “không thể thay thế”. Độc giả như tìm thấy một cảm xúc rất riêng tư,
một cá tính rất độc đáo qua các tập thơ:

1. Hương cây - Bếp lửa - Tập thơ (in chung), Nxb Văn học, 1968.
2. Mây trắng của đời tôi - Tập thơ, Nxb Tác phẩm mới, 1989.
3. Bầy ong trong đêm sâu - Tập thơ, Nxb Tác phẩm mới, 1993.
Ngoài ra, Lưu Quang Vũ có 12 tập thơ đã được đặt tên, có những tập đã
hoàn chỉnh: Cuốn sách xếp lầm trang, Cỏ tóc tiên,… và những tập thơ còn
dang dở.
Phần lớn các bài thơ của anh sau này đã được tập hợp trong cuốn Lưu
Quang Vũ thơ và đời, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1997. Và mới đây nhất là
cuốn Lưu Quang Vũ - Di cảo, Nxb Lao động, 2008. Với thơ, anh đã có được
giọng điệu riêng, ổn định một bản sắc thơ nhất quán. Đọc thơ Lưu Quang Vũ,
chúng ta mới hiểu hết vì sao người ta lại nói: với thơ, anh đã được sống cho
riêng mình. Đó là tấm lòng của một thi nhân nhiều trắc ẩn. Nếu như thơ và
kịch đã ghi tên Lưu Quang Vũ trong lòng bạn đọc bao thế hệ thì khi nhắc đến
anh chúng ta cũng không thể không nhắc đến những sáng tác truyện ngắn giàu
chất thơ và kịch. Truyện ngắn được xem là nhịp cầu nối liền trong hành trình
nghệ thuật của người nghệ sĩ.


18
Đã từng làm thơ, làm báo, lại có duyên với văn xuôi, Lưu Quang Vũ đã
chuẩn bị một vốn liếng văn học và nghề nghiệp nhất định trước khi bước vào
lĩnh vực sân khấu. Ngay từ vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17 đã đem lại vinh
quang cho anh khi anh được trao tặng huy chương vàng tại hội diễn sân khấu
toàn quốc năm 1980. Đó là một sự động viên, tạo niềm tin cho anh, để anh
miệt mài sáng tạo cho đến trước khi mất (1988). Hơn 50 vở kịch đã ra đời làm
thay đổi hẳn diện mạo của nền sân khấu nước nhà: từ tư duy của người diễn,
người xem cho đến người phê bình. Giờ đây nhắc đến anh có lẽ không ai quên
được: Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nàng Sita, Tôi và
chúng ta, Lời thề thứ 9,…
Trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời, Lưu Quang Vũ đã kịp

để lại cho đời nhiều tác phẩm có dấu ấn ,là một trong số những kịch gia lớn
nhất của Việt Nam thế kỉ XX. Tuy vậy, trước hết anh vẫn là một nhà thơ. Bởi
với thơ, anh đã được sống cho riêng mình. Sinh thời niềm say mê lớn nhất của
anh là: vẽ tranh, viết nhật kí và làm thơ. Thơ có thể không mang lại cho anh
những thành công rực rỡ, huy hoàng như kịch nhưng “Thơ chính là nơi ẩn
náu cuối chót của chàng thi sĩ buồn này. Thơ - với Lưu Quang Vũ là tất cả
sự hàm ơn, và trang trải riêng của tâm hồn chàng với đời sống” (Nguyễn
Thị Minh Thái). Thơ Lưu Quang Vũ vì thế mang nhiều tính chất tự thuật,
nó giống như những dòng nhật kí chia sẻ với anh những khi anh đau khổ,
vui sướng và hạnh phúc trong cuộc đời.


19
Chương 2
CÁI TÔI TRỮ TÌNH LƯU QUANG VŨ TRONG THƠ
2.1. Cảm nhận quê hương, đất nước, con người
2.1.1. Đất nước
Quê hương, đất nước từ xưa đến nay vốn là nguồn cảm hứng không bao
giờ vơi cạn trong thơ. Quê hương, đất nước là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi
thấm đượm biết bao kỉ niệm, là nơi ta gửi gắm tình cảm sâu đậm. Thơ
Nguyễn Đình Thi tha thiết: Việt nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu
trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rợp rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm
chiều. Thơ Giang Nam êm đềm, sâu lắng: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến
trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.Với thơ Lưu Quang Vũ, ta
cũng cảm thấy những cảm xúc trong sáng, nồng nàn, da diết khi viết về quê
hương, đất nước.
Thơ Lưu Quang Vũ luôn đầy ắp thiên nhiên. Bởi với Lưu Quang Vũ,
thiên nhiên luôn đồng nghĩa với quê hương đất nước. Cảm xúc của nhà thơ
luôn thiên về việc đi tìm chất thơ qua hương vị đất đai, sông nước, hoa lá quê nhà
Thoảng mùi hoa thiên lí cửa nhà ai

Một tiếng chim khuya gọi mùa vải đỏ
Nghe đất thở luống cày hồn hậu lạ
Ta muốn thành hạt cốm uống hương đêm.
(Đêm hành quân)
Tình yêu ấy không phải vì những cái gì lớn lao, mà gắn với những điều
giản dị, nhỏ bé, mộc mạc nhất. Nói như Erenbua: "Lòng yêu nước ban đầu là
yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ
đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu, hay mùa cỏ thảo
nguyên có hơi rượu mạnh". Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng đất nước là


20
những cái gì gần gũi nhất xung quanh ta và vì thế tình yêu đất nước cũng bắt
đầu từ câu chuyện mẹ kể, công việc say, giã, giần sàng lam lũ vất vả của mẹ
cha. Cũng với cảm xúc ấy nhà thơ Lưu Quang Vũ bộc lộ tình yêu quê hương
đất nước với những hình ảnh gần gũi: Cây lá nơi này, cây lá quê hương/ Ôi
những mẹ những em ta hiền hậu/ Những cô gái cùng ta chiến đấu/Giống như
người con gái hôm xưa (Lá bưởi lá chanh). Với Lưu Quang Vũ, quê hương là
nơi có mẹ, có em ta, có những khuôn mặt hiền hậu, có những cô gái cùng ta
chiến đấu. Tất cả hiện lên thật gần gũi và đằm thắm...
Hình hài đất nước hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ còn là hình ảnh của
thôn Chu Hưng, nơi lưu giữ những kỉ niệm tươi đẹp, là ngọn nguồn của yêu
thương, của sáng tạo thi ca .
Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Đường ven suối quả vả vàng chín mọng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao.
(Thôn Chu Hưng)
Mỗi một vùng đất, mỗi một miền quê đều để lại trong lòng nhà thơ
những ấn tượng khó phai bởi tình cảm gắn bó sâu nặng. Song lung linh và

sống động nhất là Hà Nội - Trái tim Tổ quốc, thủ đô của "Niềm tin yêu và hy vọng":
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em nhỏ của ta
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắn
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi
(Vườn trong phố)


×