Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Tội phạm về tiền giả và một số kiến nghị trong công tác phòng, chống tội phạm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102.25 KB, 9 trang )

Tội phạm về tiền giả và một số kiến nghị trong công tác phòng, chống
tội phạm
1. Tình trạng tiền giả ở nước ta thời gian qua
Tiền giả trong thực tế đã có một quá khứ tồn tại khá lâu đời. Nhiều người
nói “tiền là căn nguyên của mọi tội ác” và tất nhiên là tiền giả không nằm ngoài
điều ám chỉ ấy. Càng ngày thì bọn tội phạm càng biết áp dụng những công nghệ
hiện đại để làm ra tiền giả khiến cho Chính phủ các nước phải vất vả ngăn chặn.
Tiền giả làm giảm sút kinh tế, gây rối loạn thị trường và rất nhiều thiệt hại khác
không thể kể hết. Chính vì thế, tội phạm tiền giả thường bị xử rất nặng khi bị bắt
quả tang đang lưu hành, lưu trữ và buôn bán tiền giả trên thị trường.
Ở nước ta, song song với việc làm giả tiền Việt Nam đồng, thì các loại ngoại
tệ, séc, thẻ tín dụng giả xuất hiện ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy, tiền
Việt Nam đồng giả được in chủ yếu ở nước ngoài. Tiền được làm giả chủ yếu theo
phương pháp thủ công như vẽ, khắc và in lưới. Chúng tách đôi tờ tiền thật rồi dán
từng mặt vào một tờ giấy khác. Tờ giấy này được phun màu điện tử giống y chang
tiền thật. Cách làm giả này chủ yếu được các đối tượng trong nước sử dụng. Còn
các tổ chức làm bạc giả ở nước ngoài lại “ưa thích” phương pháp in offset hoặc
photo màu. Sản phẩm được tạo ra từ cách làm này có độ tinh xảo rất cao, mắt
thường khó phát hiện được đâu là tiền giả. Đặc biệt với loại mệnh giá 100.000
đồng, chúng đã vô hiệu hóa tác dụng của máy kiểm tra tiền.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì số lượng tiền giả
ngày một tăng, mỗi năm ngân hàng thu vào hàng chục tỷ tiền Việt Nam đồng giả,
chủ yếu là các loại có mệnh giá cao. Đây là số tiền giả do các ngân hàng, kho bạc
phát hiện và thu giữ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thì trên thực tế, số lượng tiền
giả đang lưu hành trên thị trường còn lớn hơn rất nhiều. Ngoài 2 loại tiền giả phổ
biến có mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 đồng, các đối tượng buôn bán tiền giả
đang “đầu tư” vào loại 20.000 đồng.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc
tế, thì việc mở rộng giao lưu kinh tế với Trung Quốc và các quốc gia láng giềng là
điều tất yếu, nên đã có nhiều cửa khẩu quốc tế mới được thông thương, các khu



kinh tế mở giáp biên giới, chợ đường biên, khách du lịch tham quan, mua bán,
người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm thân nhân cũng lợi dụng đem tiền
giả về Việt Nam tiêu thụ. Phần lớn nguồn tiền giả được vận chuyển từ nước ngoài
về Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, nhiều nhất là qua cửa khẩu Lạng Sơn. Để
lưu hành tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng lúc thiếu ánh sáng, đông người...
để kẹp tiền giả vào tiền thật nhằm lừa bịp người người tiêu dùng. Một cách khác là
chúng sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, với mục đích
thu về tiền thật. Tội phạm nước ngoài vào Việt Nam còn nhúng tiền giả vào hóa
chất là cho tờ bạc chuyển sang màu sẫm, tạo cảm giác tiền cũ đã được lưu thông từ
lâu. Cách này cũng “qua mặt” được máy kiểm tra tiền của ngân hàng và các doanh
nghiệp.
2. Tội phạm về tiền giả và một số nguyên nhân chủ yếu
Tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công
trái giả (sau đây gọi tắt là “tội phạm về tiền giả”) là loại tội phạm xâm phạm trật tự
quản lý kinh tế, tính chất mức độ của nó gây ra không những ảnh hưởng đến chính
sách tiền tệ của Nhà nước ta, trực tiếp phá hoại nền kinh tế của đất nước mà còn
gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng nhân dân. Thời gian qua, do có
lợi nhuận cao, dễ thực hiện nên loại tội phạm này không ngừng gia tăng với thủ
đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn gây không ít khó khăn cho công tác phòng
chống tội phạm này. Tội phạm về tiền giả không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố,
thị xã, mà bọn tội phạm còn lợi dụng các địa bàn như vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc, các chợ buôn bán tiền ở vùng biên giới để thực hiện tội phạm.
Đặc biệt, bọn tội phạm đã lợi dụng một số người không có công việc làm, những
người nghèo, người già, trẻ em tham gia vào hoạt động phạm tội để kiếm sống làm
cho tình hình tội phạm về tiền giả diễn biến ngày càng phức tạp. Trong khi đó,
quan hệ phối hợp phòng, chống tội phạm về tiền giả giữa các quốc gia còn nhiều
hạn chế, bất cập, cho nên cuộc đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này sẽ gặp
nhiều khó khăn.
Theo Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 1999, tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu

hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả được quy định: “Người nào làm, tàng
trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3


năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt từ 5 năm đến
12 năm. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có
thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ
tài sản”.
Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền
giả, ngân phiếu giả, công trái giả thể hiện: Về khách thể, tội làm, tàng trữ, vận
chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả xâm phạm quyền quản lý
tài chính của Nhà nước thông qua việc phát hành tiền giả. Mặt khách quan của tội
phạm, làm tiền giả là hành vi làm tiền giống tiền thật nhằm trốn tránh sự phát hiện
của cơ quan chức năng để đưa ra thị trường lưu hành. Tội phạm được coi là hoàn
thành kể từ khi thực hiện hành vi trên. Chủ thể của tội phạm là người từ đủ 16 tuổi
(khoản 1) hoặc từ 14 tuổi trở lên (khoản 2, 3) có năng lực trách nhiệm hình sự. Về
mặt chủ quan, tội phạm được thực hiện do cố ý. Người phạm tội biết hành vi làm
tiền giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố tình thực hiện tội phạm.
Về hình phạt, ngoài ba khung hình phạt, có thể kèm theo hình phạt bổ sung được
quy định tại điều luật.
Đặc điểm của các vụ án làm tiền giả là loại án truy xét, có vật chứng và phổ
biến phát hiện ở khâu lưu hành. Trong khi đó, tàng trữ, lưu hành tiền giả là loại án
thường liên quan tới nhiều tỉnh thành trong cả nước và có liên quan đến nước
ngoài. Qua khảo sát sơ bộ các vụ án làm tiền giả, chưa phát hiện vụ án nào làm tiền
giả ở trong nước. Hầu hết các đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả đều khai nhận
nguồn gốc tiền giả được đưa từ Trung Quốc, Đài Loan xâm nhập vào Việt Nam
qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là cửa khẩu Lạng Sơn), tuy nhiên, đa phần các
vụ án chỉ làm rõ được mảng trong nước, còn mảng ở nước ngoài chưa tiến hành
được. Để tránh sự phát hiện của Công an Việt Nam, các đối tượng làm tiền giả có

nhiều thủ đoạn đối phó rất tinh vi và thường không trực tiếp thực hiện tội phạm.
Chúng mua bán, giao nhận tiền giả theo phương thức một người với một người,
chủ yếu sử dụng điện thoại di động để liên lạc, hạn chế gặp mặt nên không biết
nhau. Những đặc điểm này càng gây khó khăn cho công tác truy bắt đối tượng làm
tiền giả, nhất là khi chúng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Thêm vào đó, việc kiểm soát


của các lực lượng tại cửa khẩu chưa thật chặt chẽ, nên tiền giả đưa về
Việt Nam vẫn có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tội phạm về tiền giả ở nước ta có thể chỉ
ra là:
Thứ nhất, về nhận thức, tội phạm về tiền giả là một loại tội phạm có quá
trình hình thành, phát triển với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, phức tạp,
không chỉ liên quan đến các tổ chức, ổ nhóm tội phạm trong nước, mà còn liên
quan đến các tổ chức tội phạm ở nước ngoài, nhưng việc sơ kết, tổng kết kinh
nghiệm, đánh giá hoạt động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của tội
phạm về tiền giả của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên.
Các lực lượng trong Ngành Công an tuy đã đạt được một số kết quả nhất định
trong phòng, chống tội phạm về tiền giả, nhưng do nhận thức ở mỗi đơn vị, địa
phương khác nhau, thậm chí, chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ tình hình và tác hại
của tội phạm, nên còn có những lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch phòng,
chống tội phạm về tiền giả, có hiện tượng đùn đẩy hoặc né tránh trách nhiệm...
Thứ hai, về tổ chức thực hiện, các mặt công tác nghiệp vụ như điều tra cơ
bản, sưu tra tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm chưa được triển khai hoặc có làm
nhưng không sâu. Một số địa phương đã xác lập, điều tra một số chuyên án, nhưng
chỉ là giai đoạn vận chuyển, tiêu thụ tiền giả giới hạn trong một địa phương hoặc
mở rộng ra một vài địa phương khác.
Công an một số địa phương giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm
về tiền giả còn chồng chéo, không thống nhất như phân công của Bộ Công an nên
hiệu quả không cao, như có nơi giao cho cả lực lượng an ninh và lực lượng cảnh

sát, có nơi giao lực lượng an ninh kinh tế chủ trì (thường trực) trong công tác
phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm về tiền giả, các lực lượng khác
có trách nhiệm phối hợp nhưng một số địa phương khác lại giao cho lực lượng
cảnh sát. Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong Ngành Công an cũng như việc
áp dụng và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ trong hoạt động
của lực lượng công an như biện pháp quần chúng, hành chính, trinh sát, điều tra...
còn nhiều hạn chế, nhất là chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời, công tác phối
hợp đấu tranh chưa chặt chẽ, đã phần nào ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ


huy và tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tiền giả trên phạm vi toàn
quốc.
Bên cạnh đó, theo quy định của khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự và khoản 1
Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ điều tra các vụ
án có mức án từ 15 năm trở lên. Với các khung hình phạt của tội phạm về tiền giả,
thẩm quyền điều tra thuộc cả cơ quan điều tra cấp tỉnh và cảnh sát điều tra cấp
quận huyện. Từ ngày 01/10/2004, thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự,
Công an một số địa phương đã giao điều tra các vụ án tiền giả cho cơ quan an ninh
điều tra cấp tỉnh. Nhưng trên thực tế, cơ quan an ninh điều tra cấp tỉnh không phải
cấp trên của cảnh sát điều tra cấp huyện. Do vậy, việc phối hợp chưa thực sự nhịp
nhàng, gây ra nhiều khó khăn, trùng dẫm trong công tác chỉ đạo, tổ chức điều tra,
theo dõi thống kê, đánh giá tình hình tội phạm…, thậm chí làm hạn chế ý chí tấn
công tội phạm, vì cảnh sát điều tra cấp huyện chỉ điều tra các vụ án có mức án từ
15 năm trở xuống.
Mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng công an với các ngành chức năng
như Ngân hàng, Kho bạc, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Kiểm sát, Toà án cũng còn
nhiều hạn chế, bất cập. Một số ngân hàng, kho bạc khi phát hiện tiền giả còn lúng
túng chưa có hướng xử lý, chỉ dừng ở mức thu giữ mà không thông báo kịp thời
cho cơ quan công an để điều tra truy tìm làm rõ tổ chức tội phạm, làm rõ đối tượng
chủ mưu, cầm đầu...

Thứ ba, về pháp luật, một số văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến công
tác phòng, chống tội phạm về tiền giả chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với
tình hình thực tiễn. Do tội phạm làm tiền giả chủ yếu ở ngoài lãnh thổ Việt Nam,
đầu mối cung cấp tiền giả thường là người nước ngoài, nên việc triển khai các biện
pháp để phát hiện, làm rõ và xử lý các đối tượng làm tiền Việt Nam đồng giả bên
ngoài lãnh thổ Việt Nam là cực kỳ khó khăn. Chỉ tính riêng việc áp dụng pháp luật
đối với tội phạm làm tiền giả ở nước ngoài, Công an các địa phương cũng chưa
được hướng dẫn cụ thể, điển hình là: (i) Theo quy định của khoản 2 Điều 6 Bộ luật
Hình sự: “Người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt
Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự Việt Nam trong
những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà


XHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Liên quan vấn đề này, Điều 340 Bộ luật
Tố tụng hình sự quy định: “Trong trường hợp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam
chưa ký kết hoặc chưa gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác
quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại
nhưng không trái pháp luật nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, pháp luật quốc tế và
tập quán quốc tế”; (ii) Về hoạt động tương trợ tư pháp, theo Điều 341 Bộ luật Tố
tụng hình sự: “Khi thực hiện tương trợ tư pháp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của nước Cộng hoà XHCN Việt
Nam áp dụng những quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng
hoà XHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và quy định của Bộ luật này”; (iii) Theo
hướng dẫn liên ngành về điều tra các vụ án tiền giả cũng nêu: “Đối với vụ án có bị
can, bị cáo là người nước ngoài hoặc có sự móc nối với người nước ngoài, thì cơ
quan bảo vệ pháp luật địa phương phải báo cáo các cơ quan bảo vệ pháp luật ở
trung ương để có sự hướng dẫn áp dụng pháp luật cho thống nhất”...
Việc phát hiện bắt giữ các vụ án về tiền giả do phải truy xét “nóng”, mất rất
nhiều công sức. Thêm vào đó chưa có sự hướng dẫn cụ thể về các điều ước quốc tế
mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, các nước đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp

với Việt Nam, những trường hợp cụ thể áp dụng nguyên tắc “có đi có lại”… làm
cho các hoạt động điều tra ở địa phương đối với án tiền giả nói chung không tránh
khỏi lúng túng, phá án làm tiền giả vì vậy gần như chưa có hiệu quả. Bên cạnh đó,
tình hình tiền giả ở Việt Nam chủ yếu được làm (sản xuất) từ nước ngoài, cho nên
muốn phòng, chống tội phạm về tiền giả có hiệu quả thì cần phải có sự hợp tác
quốc tế, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của các quốc gia (nhất là
các quốc gia có chung đường biên giới). Nhưng thực tế cho thấy, khi có yêu cầu
phối hợp điều tra, xử lý tội phạm về tiền giả thì có quốc gia thường né tránh.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội
phạm về tiền giả
Tội phạm về tiền giả là loại tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu trực
tiếp đến trật tự xã hội và quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như đời
sống của nhân dân. Do vậy, yêu cầu đặt ra là tăng cường và chủ động trong công
tác nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng hoạt động của tội phạm, tham mưu kịp


thời để tổ chức các biện pháp phòng ngừa xã hội, nghiệp vụ và pháp luật. Tất cả
các vụ việc liên quan đến tội phạm về tiền giả phải nhanh chóng được phát hiện và
xử lý nghiêm minh, không để tội phạm tiếp tục lưu thông và xâm nhập vào hệ
thống kho, quỹ của các ngân hàng, kho bạc, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.
Trong quá trình phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm liên quan đến tiền giả phải đạt
được mục tiêu tìm ra tổ chức làm tiền giả, đường dây, ổ nhóm vận chuyển, tiêu thụ
để mở rộng điều tra, xử lý. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm
về tiền giả, trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần phải quan tâm một số giải pháp
sau đây:
Một là, Chính phủ cần có kế hoạch ký kết các văn kiện về phối hợp đấu
tranh phòng, chống tội phạm về tiền giả với các nước, đặc biệt là với Trung Quốc,
Lào, Căm-pu-chia để loại trừ những cơ sở làm tiền giả từ nước ngoài. Bên cạnh đó,
Chính phủ tạo điều kiện để Bộ Công an thường xuyên trao đổi thông tin và phối
hợp điều tra tội phạm với Công an Trung Quốc và các nước khác. Cho phép Bộ

Công an (Tổng cục Cảnh sát) chủ động làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc,
Căm-pu-chia, Lào tại Việt Nam và các cơ quan Bộ An ninh, Bộ Công an và
Interpol của các nước này để phối hợp chỉ đạo Công an các tỉnh, huyện giáp biên
giới Việt Nam cùng tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm làm, vận
chuyển tiền giả. Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin tình hình tội phạm liên quan
tiền giả giữa Công an Việt Nam và Công an Trung Quốc, Căm-pu-chia và Lào.
Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể, đồng bộ giữa lực lượng Công an,
Biên phòng các tỉnh biên giới của Việt Nam với các lực lượng của Trung Quốc,
Căm-pu-chia và Lào trong trao đổi thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát không
để các đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, địa hình phức tạp
để vận chuyển tiền giả vào Việt Nam tiêu thụ. Đề nghị Công an Trung Quốc tăng
cường công tác đấu tranh, điều tra khám phá, bóc dỡ triệt để các tổ chức tội phạm
làm, tàng trữ, vận chuyển tiền giả nói chung trong đó có tiền Việt Nam đồng giả;
tiến hành bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã là người Việt Nam
liên quan sản xuất, mua bán tiền giả hoạt động, lẩn trốn trên lãnh thổ Trung Quốc
về nước để xử lý theo pháp luật.


Hai là, Bộ Công an phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án
nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ
luật Hình sự về xử lý tội phạm sản xuất, tàng trữ, buôn bán tiền giả. Kiến nghị với
cơ quan có thẩm quyền sửa Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự theo hướng giao cơ
quan an ninh điều tra tiến hành điều tra tất cả các vụ án về tiền giả mà không cần
phân biệt cấp xét xử của Tòa án như hiện nay. Có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với
các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương việc áp dụng những quy định chung về
hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự đối với các vụ án về tiền giả nhằm
nâng cao hiệu quả công tác này, đặc biệt đối với việc trấn áp, kiềm tỏa tội phạm
làm tiền giả.
Ba là, Ngành Ngân hàng cần làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, giáo dục tinh
thần trách nhiệm, đồng thời trang bị kiến thức đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn

việc làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, nhận biết tiền thật, tiền giả đối
với cán bộ thu ngân, kho quỹ tuyệt đối không để tội phạm lợi dụng móc nối đưa
tiền giả vào Ngân hàng, Kho bạc. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các ngành
chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người
dân nắm được kỹ năng phân biệt tiền thật, tiền giả. Đồng thời hướng dẫn người dân
nâng cao nhận thức, nâng cao cảnh giác, phát hiện, tố cáo đối tượng buôn bán, lưu
hành tiền giả và có kế hoạch trang bị các phương tiện kiểm tra tiền ở nơi công cộng
để nhân dân phát hiện tiền giả và đấu tranh với loại tội phạm này. Trên thực tiễn,
Nhà nước chưa có văn bản chính thức nào về việc cho tuyên truyền phòng, chống
tiền giả trong nhân dân, mặc dù về mặt xã hội, tội phạm về tiền giả có thể tạo ra
tâm lý bất ổn trong hoạt động lưu thông tiền tệ, gây hoang mang trong quần chúng.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ngoài việc nâng cao năng lực và hiệu quả
hoạt động của các lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm, đã đến lúc cần
mở rộng và tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình và kết quả đấu tranh
chống tội phạm về tiền giả như các tội phạm có tính chất quốc tế khác (hoạt động
rửa tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy…). Làm tốt công tác tuyên truyền, người
dân cảnh giác khi giao dịch bằng tiền mặt sẽ hạn chế điều kiện hoạt động của tội
phạm về tiền giả. Kết hợp với biện pháp này, Nhà nước cần mở rộng và khuyến
khích các hình thức giao dịch không sử dụng tiền mặt. Ngoài ra, cần tổ chức các


phiên xét xử lưu động, xử lý nghiêm khắc tại địa bàn các huyện vùng biên giới
giữa hai nước đối với các bị cáo phạm tội tiền giả nhằm đẩy mạnh công tác giáo
dục, răn đe đối với loại tội phạm này, nâng cao nhận thức của người dân trong
công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về tiền giả.
Bốn là, lực lượng công an cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức
năng để phát hiện, ngăn chặn hoạt động vận chuyển tiền giả từ biên giới cũng như
quá trình tiêu thụ trong nội địa. Đối với các ngành được giao nhiệm vụ quản lý
biên giới, cửa khẩu cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở
các cửa khẩu, tuyến biên giới cả ở trên đất liền, trên biển và luôn luôn đề cao cảnh

giác để nhanh chóng phát hiện các hành vi vận chuyển tiền giả Việt Nam đồng vào
nước ta.
Trong tương lai, tội phạm về tiền giả sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp với
chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có sự nhận thức đúng và phối hợp chặt chẽ giữa
các ngành chức năng cũng như quan hệ quốc tế để tạo ra các điều kiện thuận lợi
cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặt khác, cần thường xuyên tổng
kết rút ra bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót đang tồn
tại, xác định đúng nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm về tiền giả để hạn
chế và xóa bỏ tình trạng này
Hoàng Diệu Thúy
Bộ Công an



×