Xin ba đừng cấm con học văn
(Bài làm của Trần Bích Ngọc
Trường THPT chuyên Bắc Ninh)
Ba!
Chắc ba sẽ rất ngạc nhiện khi đọc những dòng này của con. Đứa con
gái hàng ngày ba vẫn đưa đi học, vẫn yêu chiều, nâng niu, bỗng viết thư cho
ba. Vâng vì lúc này, cả con, cả ba mẹ đều đang băn khoăn trong việc chọn
cho con một môn chuyên, một khối học hợp lí ở trường THPT. Ba mẹ mong
con thi vào chuyên Toán hay chuyên Anh - những môn học thời thượng và
đảm bảo tương lai. Nhưng ba ơi, thế kỉ XXI đâu chỉ cần Toán, Ngoại ngữ,
Tin học. Xin ba đừng cấm con học văn! Vì văn học, với con là niềm say mê
lớn.
Con còn nhớ ba đã vui thế nào khi nhận món quà sinh nhật là chiếc
khăn tay con tự đan. Những mũi đan tuy thô mộc, vụng về nhưng nó chứa
đựng cả tình yêu thương và sự kính trọng của con, Và mẹ cũng đã từng mỉm
cười hạnh phúc khi một ngày làm việc mệt mỏi, trở về, thấy nhà đã sạch và
mâm cơm sẵn sàng. Ba mẹ nói, ba mẹ rất vui khi thấy con trưởng thành từng
ngày, có trách nhiệm với bản thân, biết quan tâm đến mọi người. Ba biết
không? Đó là những điều đầu tiên mà văn học, thầy giáo và những trang
sách giáo khoa dạy con. Văn chương dẫn con người vào một thế giới mà sự
cho đi không đòi hỏi đáp lại. Văn chương chân chính dù ở thời đại nào cũng
đều đề cao tình yêuthương, lòng nhân ái, sự công bằng. Học văn, con nhận
thấy thế giới này sẽ đẹo hơn nhiều từ những điều giản dị như: nụ cười của
mẹ hay niềm vui của ba.
Ba cùng con xem một chương trình truyền hình về con sông Đà. Ba đã
rất ngạc nhiên khi con biết khá nhiều về một con sông xa lạ, những điều
vượt khỏi tầm của một cô bé 15 tuổi. Có gì đâu ba ơi! Văn học đã dạy con
điều đó. Ba cứ đọc tùy bút sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân sẽ thấy. Với
văn học, con chỉ cần ngồi một mình trong phòng mà có thể đi khắp thế gian,
quay về quá khứ, đến tương lai, lên trời hay xuống biển, bước vào thế giới
cổ tích. Bởi vì “sách mở ra trước mắt ta những chân tời mới”, hay như một
nhà tỉ phú đã nói “Nếu không thể tặng cho con một tấm vé máy bay, hãy đưa
cho con một cuốn sách”.
Ba mẹ mua cho con máy vi tính, nhà mình nối mạng internet. Con có
thể nói chuyện với những người bạn ở khắp năm châu. Nhưng thật kì lạ là
những người nước ngoài lại thích ngôn ngữ Việt dù rằng “Phong ba bão táp
không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Học văn, yêu văn, con càng trân trong
tiếng mẹ đẻ. Và dù rằng có thể lướt web, gõ bàn phím bằng mười đầu ngón
tay, nhưng sẽ ra sao nếu con quên cách cầm bút? Quen với “chát” với e-mail
rồi liệu sẽ còn ai viết những bài thơ, những lá thư tình như ngày xưa ba viết
cho mẹ? Con yêu vô cùng những chữ o tròn, chữ ô đội mũ. Văn học đã dạy
con biết yêu quý tiếng nói dân tộc mình, đất nước mình, đó là nguồn cội phải
không ba?
Ba ơi!, vì sao ba thích học Toán? Vì sao ba yêu mẹ? Đó có phải là
niềm say mê không? Với văn chương, con cũng có một niềm say mê lớn,
niềm say mê không thể lí giải vì đâu. Chỉ biết khi đọc văn, con thấy thanh
thản trong tâm hồn, thấy “yêu đời, yêu người và lớn hơn một chút”.
Ba vẫn nói về thế XXI hội nhập toàn cầu, Toán, Tin học, Ngoại ngữ quan
trọng hơn bao giờ hết; văn chương không có tính ứng dụng, tương lai của
con sẽ không chắc chắn. Ba khuyến khích con học toán, tin học, Ngoại ngữ,
con nghĩ ba đúng vì đó là những hành trang cần thiết của con người hiện đại.
Không phủ nhận rằng học toán thì tương lai con sẽ ổn định hơn. Nhưng như
thế,cả cuộc đời con sẽ phải gắn bó với thứ mà mình không yêu thích, không
say mê,con sẽ buồn, sẽ sống nhạt nheo lắm đấy! Chắc chắn là ba không
muốn con sống mờ nhạt đơn điệu phải không ba?
Văn chương là sự yêu thích, là ước mơ của con. Ba có biết anh chàng
ca sĩ mà con yêu thích không? Anh ấy học rất giỏi, từng làm lớp trưởng một
lớp chuyên hóa và đi du học ở Đức. Nhưng anh ấy yêu ca hát, và quyết định
theo đuổi đến cùng ước mơ trở thành ca sĩ. Con muốn giữ lấy ước mơ của
mình, sống cho chính ước mơ ấy, như con chim trong cuốn tiểu thuyết Tiếng
chim hót trong bụi mận gai, thà chịu đau đớn để cất tiếng hót tuyệt diệu,
khiến thượng đế cũng phải mỉm cười, còn hơn suốt đời sống trong im lặng…
Ngày nay cuộc sống cứ lao về phía trước. dường như sự tĩnh lặng
trong từng con chữ, sự sâu sắc của những trang văn đã gúp con nhìn lại
mình, có những khoảng bình yên trước khi bước tiếp. Trong cuộc sống, mọi
loại văn bản, mọi thứ ngôn ngữ, mọi lời giao dịch cũng đều có cái gốc chung
là tâm tư con người, là văn chương đấy thôi?
Ba vẫn bảo con là đứa con gái quá nhạy cảm, quen được ba mẹ bao
bọc. Nếu để con rời ba mẹ lại quá say mê trong thế giới văn chương thì con
sẽ phải chịu nhiều sóng gió. Con biết, ba mẹ làm tất cả chỉ vì quá thương
con. Nhưng con gái bé bỏng của ba có thể nói rằng: nếu được sống với bản
thân mình, với những thứ mình yêu, thì dẫu sóng gió cũng là hạnh phúc.
Ba còn nhớ không? Năm con học lớp 6, con trượt kì thi HSG môn
toán, ba đã tặng con cuốn sách: Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Chưa bao giờ
con lại thấy những trang văn trong cuốn sách ấy lại kì diệu đến thế. Văn
chương đã sưởi ấm, nâng đỡ, cổ vũ con người. Con đã yêu văn từ ngày ấy…
Nhà thơ Nguyễn Công trứ từng có câu:
Đã trót vướng vào duyên bút mực
Cả đời mang lấy số long đong
Con học văn đã lâu, ba mẹ đã thấy con có chút “ long đong” nào chưa
nhỉ?
Còn con, con thấy mình lớn hơn, biết yêu thương, biết quan sát, biết
lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn. Ba đã từng nói, sự trưởng thành của con là
niềm vui của ba mẹ.
Vậy ba ơi! Xin ba đừng cấm con học văn!
(Báo Văn học và tuổi trẻ số tháng 8( 145)/ 2007)