Tải bản đầy đủ (.pdf) (121 trang)

Nghiên cứu cổ nhân ngôn hành lục của đặng xuân bảng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.22 MB, 121 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

NGÔ THỊ THANH THỦY

NGHIÊN CỨU CỔ NHÂN NGÔN HÀNH LỤC
CỦA ĐẶNG XUÂN BẢNG

LUậN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Hán Nôm

Hà Nội - 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------

NGÔ THỊ THANH THỦY

NGHIÊN CỨU CỔ NHÂN NGÔN HÀNH LỤC
CỦA ĐẶNG XUÂN BẢNG

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm
Mã số: 60 22 01 04

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh

Hà Nội - 2016



LỜI CAM ĐOAN
Chúng tôi xin cam đoan:
1. Những nội dung trong Luận văn này là do chúng tôi thực hiện dưới sự
hướng dẫn trực tiếp của PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh.
2. Mọi tham khảo dùng trong Luận văn đều được trích dẫn rõ ràng tên tác giả,
tác phẩm, thời gian địa điểm công bố.
3. Mọi sao chép không hợp lệ, vi phạm quy chế đào tạo, chúng tôi xin chịu
hoàn toàn trách nhiệm.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô
trong Bộ môn Hán Nôm tạo điều kiện để tôi học tập và hoàn thành tốt khóa học.
Đặc biệt, tôi xin được gửi lời biết ơn sâu sắc đến thầy giáo – PGS.TS Trịnh Khắc
Mạnh đã trực tiếp hướng dẫn chúng tôi thực hiện Luận văn này.
Mặc dù, chúng tôi đã cố gắng hoàn thiện Luận văn này bằng tất cả sự nhiệt
tình và năng lực của mình, tuy nhiên không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong
nhận được những đóng góp quý báu của Quý thầy cô và các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2016.
Học viên

Ngô Thị Thanh Thủy


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU .................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................. 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................... 2
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu ........................................................................ 4
4. Phương pháp nghiên cứu .................................................................................. 5
5. Đóng góp của đề tài ......................................................................................... 5

6. Cấu trúc của luận văn ....................................................................................... 5
PHẦN NỘI DUNG ................................................................................................ 7
Chương 1 ĐẶNG XUÂN BẢNG VÀ TÁC PHẨM CỔ NHÂN NGÔN HÀNH
LỤC ........................................................................................................................ 7
1.1. Thân thế và sự nghiệp Đặng xuân Bảng ........................................................ 7
1.1.1. Bối cảnh xã hội ....................................................................................... 7
1.1.2. Quê hương, dòng họ và gia đình Đặng Xuân Bảng ............................... 10
1.1.3. Thân thế và sự nghiệp Đặng Xuân Bảng ............................................... 12
1.2. Trước thuật của Đặng Xuân Bảng ............................................................... 14
1.2.1 Các tác phẩm của Đặng Xuân Bảng ...................................................... 14
1.2.2. Tình hình văn bản Cổ nhân ngôn hành lục............................................ 16
1.2.3. Xác định bản tin cậy tác phẩm “Cổ nhân ngôn hành lục” .................... 20
Tiểu kết ................................................................................................................ 21
Chương 2 NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ TÁC PHẨM CỔ NHÂN NGÔN HÀNH
LỤC ...................................................................................................................... 23
2.1. Giá trị nội dung tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄 ................... 23
2.1.1. Gây dựng phẩm chất cá nhân ............................................................... 24
2.1.2. Thận trọng trong lời ăn tiếng nói .......................................................... 36
2.1.3. Dạy bảo con cái .................................................................................... 47
2.2. Giá trị văn hóa, giáo dục của tác phẩm ........................................................ 57
2.3. Giá trị nghệ thuật của tác phẩm ................................................................... 59
Tiểu kết ................................................................................................................ 60
KẾT LUẬN .......................................................................................................... 62
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 65
PHỤ LỤC


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đặng Xuân Bảng là một học giả, một nhà giáo lỗi lạc, một danh sĩ nổi tiếng

triều Nguyễn. Sự nghiệp trước tác của Đặng Xuân Bảng rất rộng, bao trùm nhiều
lĩnh vực, số lượng công trình của ông dù đã thất lạc nhưng vẫn còn khoảng trên 10
tác phẩm. Trước tác của của Đặng Xuân Bảng đa dạng, thuộc nhiều chuyên môn
bao gồm: sử học, địa lý, thiên văn học, văn học, ngôn ngữ học, triết học, giáo dục
học, y dược và thơ ca. Đặng Xuân Bảng được biết đến nhiều bởi các công trình viết
về lịch sử, đặc biệt là với tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu 越史綱目節要.
Ngoài sử học, Đặng Xuân Bảng còn rất tâm huyết với vấn đề đạo đức, mà theo ông
nhấn mạnh là “Khuyên răn con cháu trong nhà”, nổi bật trong các tác phẩm về đạo
đức của ông có tập Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄.
Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄 là tác phẩm chữ Hán được Đặng Xuân
Bảng 鄧春榜 biên tập, Đặng Vương Toản 鄧王鑽 bình điểm, Đặng Xuân Hồn
鄧春渾 hiệu đính, in năm Thành Thái thứ 7 (1895). Nội dung của sách ghi lại
những lời nói hay, hành vi đẹp của danh nhân các đời trong lịch sử Trung Quốc.
Sách chia thành ba quyển, mỗi quyển mang một nội dung xung quanh các vấn đề
đạo đức ứng xử trong gia đình xã hội, từ giáo dục con cái, vợ chồng; đến lời ăn
tiếng nói, đến cả việc chi tiêu tiết kiệm, thận trọng trong việc giữ chức vụ. Nội dung
của sách có giá trị đối với mọi thời đại, mọi chế độ, lại càng có ý nghĩa hơn trong
thời đại ngày nay, khi mà nước ta đang từng bước phát triển hội nhập đổi mới,
nhiều giá trị đạo đức đang bị mai một cần được củng cố lại. Cổ nhân ngôn hành lục
古人言行錄 là một trong những tác phẩm hay, thế nhưng tập sách này chưa ai dịch
và chú giải, công bố, hoặc có chăng đi nữa cũng chỉ dừng lại ở khảo qua một vài
chương, chưa nêu được toàn bộ ý nghĩa và giá trị nội dung của tác phẩm.
Nghiên cứu tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục có thể thấy tấm lòng của Đặng
Xuân Bảng truyền lại cho thế hệ sau, để thế hệ sau được tắm trong suối nguồn của
đạo đức, được chảy trong dòng chảy của khuôn phép. Cổ nhân ngôn hành lục
古人言行錄 mang nhiều giá trị nội dung phong phú, tốt đẹp dạy con người ta phân

1



biệt phải trái, đúng sai. Đó chính là lý do chúng tôi chọn đề tài “Nghiên cứu Cổ
nhân ngôn hành lục của Đặng Xuân Bảng” làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Nghiên cứu, giới thiệu về tác gia Đặng Xuân Bảng và trước tác
Đặng Xuân Bảng là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, được nhiều nhà nghiên cứu
quan tâm. Nhiều bài viết, chuyên khảo và luận văn, luận án nghiên cứu về tác phẩm,
tác gia Đặng Xuân Bảng, có thể kể đến như:
Từ những năm 1897, khi Đặng Xuân Bảng bước vào tuổi gần đất xa trời, con
rể ông là Nguyễn Xuân Chức 阮春職 đã biên soạn cuốn Hành Thiện Đặng công
hành trạng (行善鄧功行狀) nói về công danh sự nghiệp và các tác phẩm của ông.
Năm 1925, con trai Đặng Xuân Bảng là Đặng Xuân Viện 鄧春院 (bút danh
Đặng Nguyên Khu 鄧元軀) đã hoàn thành cuốn sách Hy Long di thặng (希龍移乘)
gồm 23 hồi, tác phẩm đã kể lại đầy đủ và khá chi tiết lịch sử cuộc đời Đặng Xuân
Bảng làm tấm gương sáng cho người đời cùng soi.
Năm 1995, TS. Hoàng Văn Lâu, công bố 2 bài viết về tác gia, tác phẩm của
Đặng Xuân Bảng: 1/ Bài “Việt sử cương mục tiết yếu – vài nét về tác gia tác phẩm”,
in trên Tạp chí Hán Nôm số 3 năm 1995. Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu của
luận án Tiến sĩ và cập nhật những thông tin về tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu,
tác giả đưa ra những nhận xét về tác phẩm và tác gia Đặng Xuân Bảng. 2/ Bài
“Bước đầu kiểm kê lại những tác phẩm của Đặng Xuân Bảng trong kho sách Hán
Nôm” in trên Tạp chí Hán Nôm số 4 năm 1995. Bài viết đã kiểm kê toàn bộ tác
phẩm của Đặng Xuân Bảng trong kho sách Hán Nôm, đã đem lại cho giới nghiên
cứu cái nhìn toàn diện về trước tác của Đặng Xuân Bảng.
Năm 1996, Hoàng Văn Lâu đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài:
Khảo sát văn bản bộ “Việt sử cương mục tiết yếu” của Đặng Xuân Bảng. Như mọi
người đã biết, tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng là một
trong ba bộ sử lớn ghi chép về lịch sử thời kỳ phong kiến ở nước ta. Cho đến nay
tác phẩm này bị xem là tàn khuyết và chưa được dịch công bố. Bởi vậy, luận án của
Hoàng Văn Lâu nhằm giới thiệu và khôi phục văn bản bộ Việt sử cương mục tiết


2


yếu rất giá trị khoa học đối với ngành Hán Nôm và Sử học. Tác giả luận án đã bỏ
nhiều công sức để tìm kiếm các nguồn tài liệu và đã tập hợp được 7 văn bản khác
nhau có liên quan đến bộ Việt sử cương mục tiết yếu. Qua phân tích, đối chiếu và
vận dụng thành thạo tri thức văn bản học, tác giả luận án đã bước đầu khôi phục
được diện mạo văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu gồm 8 quyển với 1.200 trang.
Kết quả nghiên cứu này thực sự có giá trị. Từ nay chúng ta có được bộ Việt sử
cương mục tiết yếu đầy đủ của Đặng Xuân Bảng, một tác phẩm sử học giá trị để
phiên dịch, công bố và sử dụng.
Năm 2000, TS.Hoàng Văn Lâu đã nghiên cứu văn bản tác phẩm, dịch toàn bộ
và công bố tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng, do Nhà xuất
bản Khoa học xã hội ấn hành.
“Khảo sát tài liệu Hán Nôm về dư địa chí hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu
Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (94) 2009; tr. 11-28 của PGS.TS. Trịnh Khắc
Mạnh. Bài viết tổng hợp lại những tác phẩm còn lưu trữ được tại Viện nghiên cứu
Hán Nôm viết về Địa chí, trong đó có Nam quốc địa dư của Đặng Xuân Bảng.
“Gia huấn, nữ huấn và giáo dục phụ nữ dưới thời phong kiến qua một số tác
phẩm về giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng”, Việt Nam học và Tiếng Việt- Các
hướng tiếp cận, TS. Đặng Thị Vân Chi, Nxb. KHXH, 2011. Nội dung bài viết rút ra
ra từ việc đọc các tác phẩm giáo dục gia đình của Đặng Xuân Bảng, tổng kết lại để
nói đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Trong Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày mất danh nhân Đặng Xuân
Bảng do Hội sử học Hà Nội tổ chức ngày 21/12/2010 tại Văn Miếu Quốc tử giám
các báo cáo khoa học về Đặng Xuân Bảng được biết đến như:
- Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng - vị học giả uyên bác, nhà sử học xuất sắc của Việt
Nam nửa cuối thế kỷ XIX của PGS.TS Nguyễn Minh Tường
- Đặng Xuân Bảng , nhà sử học lớn thời cận đại của PGS.TS Chương Thâu.
- Đặng Xuân Bảng, nhà sử học lớn cuối thế kỷ XIX của PGS.TS Tạ Ngọc Liễn.

- Sử quan và phương pháp làm sử của Đặng Xuân Bảng - Tiếp cận từ lời bình
trong Việt sử cương mục tiết yếu của PGS.TS Vũ Văn Quân và Th.s Vũ Đường Luân.

3


- Quan điểm sử học tiến bộ của Đặng Xuân Bảng qua bộ Việt sử cương mục
tiết yếu của TS Nguyễn Hữu Tâm
- Những đóng góp của Đặng Xuân Bảng về quan chế qua sách Sử học bị khảo
báo cáo của TS. Đặng Kim Ngọc.
- Đặng Xuân Bảng với giáo dục gia đình của TS. Đặng Thị Vân Chi.
- Vài nét về quan điểm giáo dục của Đặng Xuân Bảng của Th.s Đỗ Danh Huấn.
- Đặng Xuân Bảng- cuộc đời và sự nghiệp qua thơ văn của GS. AHLĐ Vũ Khiêu.
- Tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm của Đặng Xuân Bảng văn bản và dịch
thuật của PGS.TS Đinh Khắc Thuân.
- Tìm hiểu giá trị khoa học trong tác phẩm ‘Nam phương danh vật bị khảo’
của Đặng Xuân Bảng của PGS.TS Nguyễn Tá Nhí.
2.2. Nghiên cứu, giới thiệu về tác phẩm “Cổ nhân ngôn hành lục”
Theo hiểu biết của chúng tôi, hiện có ít bài viết nghiên cứu và giới thiệu về tác
phẩm Cổ nhân ngôn hành lục của Đặng Xuân Bảng. Có chăng chỉ là những bài viết
về giá trị của tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục trong giáo dục nếp sống và sinh hoạt
gia đình, như:
- Bài “Đôi điều thu hoạch từ Cổ nhân ngôn hạnh lục của Đặng Xuân Bảng về
giáo dục gia đình” của PGS.TS Nguyễn Hải Kế và CN Vũ Thị Minh Nguyệt. Đây là
bài báo cáo khoa học được trình bày trong ngày kỷ niệm 100 năm ngày mất của
Đặng Xuân Bảng do Hội sử học tổ chức tại Văn miếu Quốc tử giám năm 2010. Nội
dung của báo cáo này chủ yếu giới thiệu về những chương mục và giá trị giáo dục
của tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục.
Có thể thấy về mảng viết sử, tác phẩm của Đặng Xuân Bảng có nhiều khảo
cứu đánh giá chuyên sâu có giá trị, về mảng giáo dục cũng rất được quan tâm tìm

hiểu. Tuy nhiên, tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục cũng đã có người bình điểm,
nhưng chỉ dừng lại ở chỗ khảo lược, đi sâu vào tác phẩm khảo cứu và phiên dịch thì
chưa có ai thực hiện.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là văn bản tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục
古人言行錄 hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

4


3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là đi sâu nghiên cứu giá trị tác phẩm Cổ nhân
ngôn hành lục. Từ việc nghiên cứu giá trị nội dung tác phẩm để thấy được tấm lòng
của Đặng Xuân Bảng về vấn đề giáo dục đạo đức, đến giá trị nghệ thuật, giá trị văn
hóa giáo dục của tác phẩm và ý nghĩa xã hội của tác phẩm đối với xã hội hiện nay
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
Phương pháp văn bản học, nhằm mô tả văn bản, so sánh, đối chiếu, phân tích
dị văn giữa các văn bản, đưa ra nhận xét về bản đáng tin cậy để phiên dịch, công bố
và nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu văn học: thông qua phương pháp này chúng tôi tiến
hành tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật văn chương của tác phẩm.
Ngoài ra chúng tôi cũng áp dụng nghiên cứu liên ngành để đáp ứng được yêu
cầu đề tài đặt ra.
5. Đóng góp của đề tài
- Góp phần giới thiệu thân thế và sự nghiệp Đặng Xuân Bảng trong hệ thống
danh nhân nước nhà nói chung và danh nhân thế kỷ XIX nói riêng, với những thông
tin cập nhật.
- Nghiên cứu vấn đề về văn bản tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄,

xác định bản đáng tin cậy, góp phần xử lý văn bản học Hán Nôm nói chung.
- Nghiên cứu giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật tác phẩm Cổ nhân ngôn
hành lục 古人言行錄 của Đặng Xuân Bảng, góp phần xã hội hóa di sản Hán Nôm.
- Giới thiệu ý nghĩa xã hội của tác phẩm trong việc giáo dục phẩm cách con
người xưa và nay, góp phần nghiên cứu con người Việt Nam.
- Tuyển dịch nội dung tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận, Tài liệu tham khảo và phần Phụ lục phiên
âm dịch nghĩa văn bản Cổ nhân ngôn hành lục古人言行錄 ra, luận văn được chia
ra làm 2 chương:

5


Chương 1: Đặng Xuân Bảng và tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục
Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cũng như các trước tác của Đặng Xuân
Bảng. Tiếp đến tiến hành khảo sát, đối chiếu các dị bản của văn bản và xác định bản
đáng tin cậy tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục 古人言行錄 để biên dịch và công bố.
Chương 2: Nghiên cứu giá trị tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục
Nghiên cứu ý nghĩa xã hội của nội dung tác phẩm và giá trị nghệ thuật tác phẩm,
từ đó nêu lên giá trị tác phẩm trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam xưa và nay.

6


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
ĐẶNG XUÂN BẢNG VÀ TÁC PHẨM CỔ NHÂN NGÔN HÀNH LỤC
1.1. Thân thế và sự nghiệp Đặng xuân Bảng
1.1.1. Bối cảnh xã hội

Đặng Xuân Bảng sống vào giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, thời kỳ xã
hội Việt Nam có nhiều biến động, chỉ trong khoảng thời gian Đặng Xuân Bảng sống
(1828 - 1910) đã thay đổi đến 10 đời vua. Có thể liệt kê từ Thánh Tổ Nhân Hoàng
Đế Nguyễn Phúc Đảm, niên hiệu Minh Mệnh (1820 - 1841); Hiển Tổ Chương
Hoàng Đế Nguyễn Phúc Miên Tông, niên hiệu Thiệu Trị (1841 - 1847); Dực Tông
Anh Hoàng Đế Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, niên hiệu Tự Đức (1847 - 1883); Cung
Tông Huệ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Ưng Ái, niên hiệu Dục Đức (1883); Nguyễn
Phúc Hồng Dật, niên hiệu Hiệp Hoà (1883); Giản Tông Nghị Hoàng Đế Nguyễn
Phúc Ưng Đăng, niên hiệu Kiến Phúc (1883 - 1884); Nguyễn Phúc Ưng Lịch, niên
hiệu Hàm Nghi (1884 - 1885); Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế Nguyễn Phúc Ưng Kỷ,
niên hiệu Đồng Khánh (1885 - 1889); Nguyễn Phúc Bửu Lân, niên hiệu Thành Thái
(1889 - 1907), Nguyễn Phúc Vĩnh San, niên hiệu Duy Tân (1907-1916). [2, 5]
Nếu thế kỷ XV chế độ phong kiến Việt Nam phát triển cực thịnh, thì sang thế
kỷ XVI - XVII chế độ này đã bộc lộ những dấu hiệu của sự suy yếu và mầm mống
cho một cuộc khủng hoảng nội bộ đã xuất hiện. Ðến nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa
đầu thế kỷ XIX thì sự suy yếu này không còn là dấu hiệu nữa, chế độ phong kiến
Việt Nam đã bước vào thời kỳ khủng hoảng, suy vong trầm trọng, chuẩn bị cho sự
sụp đổ toàn diện của nó vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Sự khủng hoảng đó
được bộc lộ trên nhiều phương diện nhưng nổi bật nhất là sự suy thoái trong toàn bộ
cơ cấu của chế độ phong kiến. Kinh tế đình đốn, sản xuất hàng hóa bị kìm hãm,
chính trị hỗn loạn. Giai đoạn này nhân dân vùng lên khởi nghĩa có lúc giành thắng
lợi nhưng rồi lại thất bại. Lịch sử dân tộc ta giai đoạn này là lịch sử đau thương
nhưng quật khởi, có bi kịch nhưng cũng có anh hùng ca. Giai cấp thống trị sụp đổ,
tan rã kèm theo đó là sự suy thoái của kỷ cương, của lễ giáo phong kiến, của bộ máy
quan liêu và nói chung là của toàn bộ cơ cấu xã hội.

7


Thực dân Pháp đã có ý đồ xâm chiếm nước ta từ lâu, cuối thế kỷ XVIII nhưng

âm mưu này chưa thực hiện được. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp lấy cớ
triều đình nhà Nguyễn đã bắn giết các giáo sĩ và ngăn chặn thông thương nên đã
chính thức xâm lược Việt Nam. Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị
nhân dân theo phong cách Nho giáo. Triều đình không có chủ trương đối phó triệt
để với phương Tây ngoài việc cấm đạo. Đầu năm 1858, Đô đốc hải quân Pháp
Charles Rigault de Genouilly tiến quân đánh chiếm Đà Nẵng, chính thức mở màn
kế hoặch xâm lược An Nam. Tháng 2 năm 1861 Thực dân Pháp mở rộng việc
chiếm đóng quanh Gia Định và Mỹ Tho. Triều đình nhà Nguyễn không chống đỡ
nổi phải miễn cưỡng chịu ký Hoà ước nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Được
thể quân Pháp không nhân nhượng tiếp tục đánh chiếm, kết quả là tháng 7 năm
1867, 6 tỉnh Nam Kỳ đã biến thành thuộc địa của Thực dân Pháp. Không dừng lại ở
đó, năm 1873 quân Pháp mở cuộc tấn công Bắc Kỳ, chẳng bao lâu sau Hà Nội thất
thủ, tiếp đến là Nam Định, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình... Năm 1885, phái chủ
chiến trong triều đình nổi dậy tấn công Pháp ở kinh đô Huế nhưng thất bại. Vua
Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chạy lên vùng núi Quảng Trị ra chiếu Cần Vương
kêu gọi người Việt nổi dậy đánh giặc cứu nước. Thực dân Pháp phải mất gần 40
năm mới đặt ách thống trị trên đất nước ta và non một thế kỷ nhân dân ta phải sống
dưới sự cai trị của Pháp. Trong điều kiện xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX thì
sự kiện Pháp xâm lược Việt Nam là sự kiện quan trọng, nổi bật, chi phối các sự kiện
khác và có ảnh hưởng rất lớn đến mọi tầng lớp người trong xã hội.
Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta đấu tranh chống Pháp
quyết liệt. Giai cấp phong kiến lúc đầu còn chống đối nhưng ngày càng yếu ớt và
cuối cùng thì nhượng bộ, thỏa hiệp, đầu hàng thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa
nổ ra khắp nơi. Phong trào đấu tranh yêu nước của các sĩ phu, các lãnh binh đã lãnh
đạo nhân dân chống Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương cũng nổ ra rầm rộ kéo dài từ
Bình Ðịnh, Quảng Bình ra đến Hưng Yên, Thái Bình, Tây Bắc. Phong trào chống
Pháp tuy sôi nổi, đều khắp nhưng không có lực lượng hậu thuẫn làm nòng cốt nên
cuối cùng phong trào đấu tranh chống Pháp bị thất bại. Trước những biến cố lớn
lao, xã hội có sự phân hóa giai cấp sâu sắc. Mỗi tầng lớp bị phân hóa đều mang sắc


8


thái tâm lý riêng, một thái độ chính trị riêng. Trong hàng ngũ giai cấp phong kiến,
giai cấp thống trị cũ của xã hội, thái độ của họ không giống nhau nhưng tâm lý chủ
yếu của tầng lớp này là đầu hàng, thỏa hiệp. Bên cạnh đó có một số sĩ phu, trí thức
phong kiến đã tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, sống gần gũi với nhân
dân nên đã hăng hái cùng với nhân dân chống giặc. Số khác là những nhà thơ, nhà
văn yêu nước đã dùng ngòi bút để chiến đấu, để nói lên tâm tư, nguyện vọng và thái
độ của mình trước cảnh nước mất, nhà tan. Bên cạnh lực lượng Nho sĩ, nhiều tầng
lớp mới xuất hiện như tư sản, tiểu tư sản và vô sản, với những mục đích sống khác
nhau. Tuy nhiên, sáng tác văn học giai đoạn này vẫn thuộc về tầng lớp Nho sĩ là chủ
yếu, nên văn học vẫn chịu sự chi phối của ý thức hệ phong kiến rõ nét.
Triều đình phong kiến tôn sùng Nho học, xem Nho giáo là quốc giáo, lợi dụng
tôn giáo là công cụ để thống trị xã hội… Khổng, Mạnh, Trình… được xem là những
vị thánh. Ngoài Nho giáo thì Ðạo giáo, Phật giáo và các tín ngưỡng khác cũng rất
phát triển. Trước tình hình đó một số sĩ phu có tư tưởng canh tân như Nguyễn Lộ
Trạch, Nguyễn Trường Tộ… có dịp học hỏi khoa học kỹ thuật tiến bộ nên đã nhiều
lần đưa ra những kiến nghị cải cách xã hội. Nguyễn Trường Tộ đả kích lối học từ
chương, hư văn, chủ trương học khoa học kỹ thuật, học thiên văn, địa lý, luật, sinh
ngữ… Học tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm (Tế cấp bát điều).
Ông say sưa với những đề nghị cải cách đất nước thậm chí viết cả trên giường
bệnh. Giống như Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch chủ trương mở rộng giao
thiệp với nước ngoài, trọng việc học kỹ nghệ, nhưng triều đình đã không nghĩ gì
đến vận nước nên nhiều bản điều trần của hai ông bị vùi trong quên lãng. Tư tưởng
con người quay về với nề nếp nho gia, cổ hủ, có ảnh hưởng làm hạn chế sự phát
triển của văn học đương thời.
Giai cấp phong kiến Việt Nam vốn lấy Nho giáo làm ý thức hệ chính thống,
lấy Nho giáo làm quốc giáo, dựa vào Nho giáo để thống trị nhân dân. Trong mấy
thế kỷ trước, khi chế độ phong kiến đang đi lên thì Nho giáo có vị trí của nó. Nhưng

đến thời kỳ này chế độ phong kiến đã bước vào thời kỳ suy vong, khủng hoảng thì
Nho giáo cũng bị đả kích, bị lung lay dữ dội. Những cái được gọi là tam cương,
ngũ thường của Nho giáo đều bị sụp đổ. Sống trong thời đại Nho giáo như vậy, một

9


tầng lớp nhà nho chân chính bị khủng hoảng về mặt lý tưởng. Họ không tìm ra con
đường đi, họ hoang mang trước thời cuộc, một số nhà nho bị bế tắc thực sự, họ mất
hết niềm tin vào chính quyền, vào minh chúa, số đông đã lui về ở ẩn, hoặc đang làm
quan lui về ở ẩn để giữ gìn khí tiết, nhân cách của mình.[2, 5]
1.1.2. Quê hương, dòng họ và gia đình Đặng Xuân Bảng
Nguyên thủy gốc tích làng Hành Thiện xuất phát từ ấp Hộ Xá, làng Giao
Thủy, huyện Hải Thanh (sau được nâng thành phủ). Làng Giao Thủy, có tên Nôm là
làng Keo, là một làng cổ có từ trước thế kỷ thứ X. Cuối đời Lý, phần đất của ấp Hộ
Xá bị sạt lở, một bộ phận dân cư của làng Giao Thủy di cư đến phía Nam vùng Lạc
Quần, lập thành làng Hộ Xá (sau đổi thành Nghĩa Xá), thuộc phủ Hải Thanh (nay
thuộc huyện Nam Trực, Nam Định). Cả 2 làng cùng thờ phụng chung một ngôi
chùa Keo (bấy giờ tên chữ được đổi thành Thần Quang tự). Thời nhà Trần, phủ Hải
Thanh được đổi thành phủ Thiên Trường. Gần làng Nghĩa Xá có một vườn kim quất
(cam ngọt), được các vua nhà Trần thường hay đến chơi, nên lập thành một trang ấp
có tên là Hành Cung trang. [31, 19-24]
Năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy, gây sạt lở cả
làng Nghĩa Xá. Dân làng Nghĩa Xá di dời vào định cư tại trang Hành Cung cũ, bờ ở
hữu ngạn sông Hồng. Dân làng Giao Thủy định cư ở bờ tả ngạn, chếch về phía Tây
Bắc, lập thành trang Dũng Nhuệ. Dân làng cũng cho xây dựng các chùa Keo mới tại
gần trang ấp định cư, từ đó hình thành tên gọi làng Keo Thượng (hay Keo Trên) để
chỉ trang Dũng Nhuệ và làng Keo Hạ (hay Keo Dưới) để chỉ trang Hành Cung.
Trang Dũng Nhuệ, đến thời Tự Đức được đổi tên thành xã Dũng Nghĩa, thuộc phủ
Thái Bình, tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình). Còn trang Hành

Cung từ năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) đã được đổi thành xã Hành Thiện, thuộc phủ
Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Trang Hành Cung đến cuối thời Hậu Lê thì được nâng lên thành xã Hành
Cung. Năm 1823, vua Minh Mệnh cho đổi tên thành Hành Thiện (行善) với ý
nghĩa "nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ tục khả
phong" (美俗可風) với hàm ý khen ngợi. Lời ban tặng này cũng hàm ý khen ngợi
làng Hành Thiện nổi tiếng là làng Nho học từ xưa, đã sản sinh rất nhiều danh nhân.

10


Dân số của làng cao nhất chỉ khoảng 6.000 người nhưng đã nổi tiếng có nhiều
người học hành đỗ đạt.
Trong suốt lịch sử của làng được ghi nhận: Thời Nho học, làng Hành Thiện có
419 người đỗ đạt. Trong đó: 7 đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú
tài. Người khai khoa cho làng là cụ Nguyễn Thiện Sĩ sinh năm 1501, đỗ Cử
nhân năm 1522. Người đỗ cao nhất là cụ Đặng Xuân Bảng đỗ Tam giáp tiến sĩ đệ
nhất danh năm 1856. Làng có 4 người làm Thượng thư; 4 người làm Tuần phủ; 4
người làm Tổng đốc; 23 người làm quan giúp việc triều đình; 69 người làm quan
Tri phủ, Tri huyện; còn lai số người đỗ đạt trên đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp
nơi. Thời học chữ Pháp, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân, trong đó
có Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh) tốt nghiệp cao đẳng Thương mại Đông
Dương. Thời hiện đại, làng Hành Thiện vẫn là ngôi làng có nhiều người học hành
giỏi giang thi cử đỗ đạt nhiều nhất so với mọi ngôi làng trong tỉnh Nam Định với 88
người được phong hàm giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử
nhân. [31, 19-24]
Dòng họ Đặng ở làng Hành Thiện vốn có cụ tổ là Đặng Chính Pháp (còn gọi
là Đặng Đại Lang) là con thứ 9 của Khâm quận công Đặng Thế Khanh, hậu duệ đời
thứ 9 của tổ Trần Văn Huy (Đặng Hiên). Ngài từ huyện Chương Mỹ (nay thuộc
thành phố Hà Nội) về làng Hành Thiện, Nam Định từ năm 1650. Tổ sinh ra 3 người

con, tính đến nay truyền được 18 đời: Tổ Đặng Nhất Lang tự Phúc Lâm, Tổ Đặng
Nhị Lang tự Kỳ Lão, Tổ Đặng Tam Lang tự Phúc Huệ từ 3 cụ trên đến nay đã sinh
ra nhiều chi họ Đặng có đệm khác nhau: Đặng Huy…, Đặng Xuân…, Đặng Đức…,
Đặng Ngọc…, Đặng Văn…, Đặng Hữu…Ngoài ra ở Hành Thiện còn có 1 chi Đặng
Vũ xuất phát từ cụ Vũ Thiên Thể (lấy họ bố nuôi cũng là bố vợ sau này, còn họ Vũ
của mình lấy đệm để không quên gốc họ cũ). Do chính biến của lịch sử, do điều
kiện sinh sống nên họ Đặng làng Hành Thiện đã đi lập nghiệp nhiều nơi trong nhiều
tỉnh thành trong cả nước và ở nước ngoài. Có thể thấy Đặng Xuân là chi thứ 4, chi
Đặng Xuân có nhiều người đỗ đạt cao nổi tiếng như Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, nhà
hoạt động cách mạng Đặng Xuân Khu (Trường Chinh). [31, 19-24]

11


1.1.3. Thân thế và sự nghiệp Đặng Xuân Bảng
Đặng Xuân Bảng 鄧春榜 tự là Hy Long 希龍, hiệu Thiện Đình 善亭 và Văn
Phủ 文甫, sinh năm Mậu Tý (1828). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống
Nho học tại làng Hành Thiện. Ông nội ông là Đặng Nguyên Quế (còn gọi là Xã
Quế), là nhà Nho chuyên nghề dạy học. Cha ông là Đặng Viết Hòe còn gọi là Mền
Hòe (1808-1877), một nhà Nho đỗ tới nhiều khoa Tú tài. [17, 21-25]
Từ nhỏ Đặng Xuân Bảng đã rất nổi tiếng với trí thông minh, chỉ học từ cha
trong cảnh bần hàn, bữa đói bữa no mà tài học vẫn hơn người. Năm 18 tuổi, Đặng
Xuân Bảng thi đỗ Tú tài. Năm 22 tuổi, Đặng Xuân Bảng thi đỗ Cử nhân, ông liền
được bổ chức Giáo thụ Ninh Giang (Hải Dương) bên cạnh việc dạy học ông cũng
hết sức trau dồi sự học.
Năm 1856, Đặng Xuân Bảng thi đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (cùng khóa với
ông Đình nguyên Thám hoa Ngụy Khắc Đản) với bài luận can gián vua về Thanh
sắc và Tuần du. Sau khi đỗ Tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng được vào làm việc ở Nội các,
tham gia chỉnh lý bộ sách Khâm định nhân sự kim giám 欽定人事金監, bàn về đạo
trị nước của các bậc đế vương.

Năm 1860, Đặng Xuân Bảng được bổ làm Tri phủ Yên Bình. Thời gian này
ông soạn Tuyên Quang tỉnh phú 宣光省賦.
Năm 1861, Đặng Xuân Bảng được điều về Huế làm Giám sát Ngự sử, trong
thời gian này ông có nhiều kiến nghị dâng lên triều đình, như can vua Tự Đức
không nên sai Phan Thanh Giản đi “chuộc lại” ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã rơi
vào tay quân Pháp; dâng sớ trình bày các việc về tài chính, quân chính và dân chính.
Trong bài sớ, ông phân tích nguyên nhân của tình trạng tài chính thiếu hụt, quân lực
suy yếu, dân tình náo động... và nêu những biện pháp khắc phục.
Năm 1863, Đặng Xuân Bảng giữ chức Chưởng ấn ở Lại khoa.
Năm 1864, Đặng Xuân Bảng điều ra làm Án sát sứ Quảng Yên, theo Trương
Quốc Dụng đi đánh dẹp bọn giặc biển.
Năm 1868, Đặng Xuân Bảng làm Bố chính sứ Tuyên Quang, theo Nguyễn Bá
Nghi đi đánh dẹp bọn thổ phỉ, ông có dâng sớ về triều đình, trình bày kế sách giữ
gìn vùng biên cương đất nước.

12


Năm 1869, Đặng Xuân Bảng làm Bố chính sứ Thanh Hóa, xin phép về quê
thăm gia đình không được, xin rước cha mẹ đến nhiệm sở cũng không được, liền
xin từ chức về quê phụng dưỡng cha mẹ, nên được đổi giữ chức Bố chính Hà Nội,
vài tháng sau lại đổi giữ chức Bố chính Sơn Tây.
Năm 1870, Đặng Xuân Bảng được cử làm Tuần phủ Hưng Yên.
Năm 1872, Đặng Xuân Bảng được đổi làm Tuần phủ Hải Dương. Ông dâng
biểu về triều đình, xin mở cửa sông Cấm làm nơi buôn bán, mời các nước phương
Tây sang thông thương để giữ thế chủ động giao thiệp với nước ngoài, nhưng bị Tự
Đức bác bỏ.
Cuối năm 1873, Hải Dương mất vào tay quân Pháp, Đặng Xuân Bảng bị gọi về
Kinh đô Huế chờ xử tội.
Năm 1876, Đặng Xuân Bảng bị đày ra Hưng Hóa, theo Hoàng Kế Viêm đi mở

đồn điền để chuộc tội. Thời gian này, ông biên soạn tác phẩm Nam phương danh
vật bị khảo 南方名物備考.
Năm 1886, theo lời đề nghị của Phan Đình Phùng, Đặng Xuân Bảng được cử
làm Đốc học Nam Định.
Năm 1888, Đặng Xuân Bảng được lệnh về Kinh thăng chức, nhưng ông lấy cớ
già yếu, xin về an dưỡng. Từ đó, đến khi mất (ngày 7 tháng 12 năm 1910) ông ở
nhà dạy học, viết sách và tổ chức khắc in nhiều tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm.[17,
21-25]
Đặng Xuân Bảng là người ham đọc sách, say mê nghiên cứu. Lúc làm quan
cũng như khi bị biếm truất, ông luôn có tác phong của một nhà khảo cứu nghiêm
túc: “Mỗi khi gặp sự vật gì, thì đều cho kiểm chính lại, rồi thuận tay cầm bút ghi
lại” [17, 21-25] .Ông nghiên cứu rộng, ở nhiều lĩnh vực, như thiên văn, địa lý, chính
trị, sử học, văn học, ngôn ngữ, quân sự… Ở chức vụ nào ông cũng hoàn thành tốt
đẹp nhưng có lẽ công việc phù hợp với sở thích của ông là dạy học và nghiên cứu
học thuật. Khác với nhiều người sớm vui thú điền viên, Đặng Xuân Bảng coi dạy
học là nhiệm vụ của kẻ sĩ, nhằm nâng cao dân trí, ít nhất là tại vùng quê của ông,
học trò của ông nhiều người đỗ Cử nhân.

13


Ở làng Tả Hành (thuộc Vũ Thư, Thái Bình), Đặng Xuân Bảng được thờ làm
Thành hoàng. Ngã ba Xuân Bảng ở địa đầu của thị trấn Xuân Trường chính là được
đặt theo tên Đặng Xuân Bảng. Hình ảnh cụ Bảng đã khắc đậm vào ký ức dân gian,
thành huyền thoại, thành thơ ca, thành niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.
[31, 19-24]
Tổng đốc Cao Xuân Dục, một danh sĩ cùng thời, đánh giá: “Ông là người xuất
thân khoa giáp, học vấn uyên bác, đức hạnh thuần khiết, làm quan trong kinh, ngoài
trấn 30 năm, đi đến đâu đều có thành tích tốt ở đó.” [17, 21-25]
1.2. Trước thuật của Đặng Xuân Bảng

1.2.1 Các tác phẩm của Đặng Xuân Bảng
Khảo cứu tại kho sách Hán Nôm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện
Quốc gia, các tác phẩm của Đặng Xuân Bảng còn được lưu trữ lại gồm có:
1. Nam phương danh vật bị khảo 南方名物僃考, in năm Thành Thái Tân Sửu
(1901), 2 bản in, 158 trang; ký hiệu A.155 khổ 28,5x14cm, VHb.288 khổ
20x14,5m. Là sách Từ điển song ngữ Hán Nôm do Đặng Xuân Bảng soạn, chia
thành các mục: thiên văn, địa lý, thời tiết, thân thể, bệnh tật, nhân sự, nhân luân,
nhân phẩm, quan chức, ẩm thực, phục dụng, cung thất, thuyền xe, vật dụng, lễ nhạc,
ngũ cốc, cư xử, cung thất, rau quả, thảo mộc, cầm thú, côn trùng.
2. Nam quốc địa dư 南國地轝, 1 bản, 112 trang, khổ 28,5x16cm, ký hiệu
VHv.2742. Là sách địa lý Việt Nam gồm: vị trí, hình thể, núi sông, cửa biển, khí
hậu thành phố, phủ, huyện, xã, thông trong cả nước. Trong sách này có một bản đồ
toàn quốc, một bản đồ Bắc Kỳ, một bản đồ Nam Định và các bài: Đông Dương đại
thế 東洋大世, Đại Nam nhất thống chí 大南一統至, Toàn quốc tổng luận
全國總論.
3. Nhị Độ Mai truyện 二 度 梅 傳 (Cải dịch Nhị Độ Mai truyện 改 譯 二 度 梅
傳), 1 bản viết, 72 trang, khổ 25x15cm, ký hiệu AB.419. Bản dịch Nôm thể 6-8
truyện Nhị Độ Mai bằng chữ Hán của Trung Quốc.
4. Sử học bị khảo 使學僃考, sách chép tay, ký hiệu A.1490 và A.8. Khảo cứu
về lịch sử Việt Nam.

14


5. Cổ nhân ngôn hành lục 古 人 言 行 錄, 3 quyển, 350 trang, khổ 19x13 cm,
ký hiệu A.1058, VHb.185/1-3, VHb.121/q3. Nội dung ghi chép những lời nói hay,
việc làm đẹp của nhân dân các đời trong lịch sử Trung Quốc.
6. Cư gia khuyến giới tắc 居家勸戒則, in năm Thành Thái thứ 13 (1901), 1
bản in (3Q), 442 trang, khổ 29x12, ký hiệu A. 166. Gồm những câu danh ngôn
trong lịch sử Trung Quốc dùng làm khuôn mẫu răn dạy con cháu trong nhà giữ đạo

luân thường, bỏ thói hư tật xấu
7. Thánh tổ hạnh thực diễn âm ca 聖祖行實演音歌, 1 bản viết, 30 trang, khổ
24 x 14cm, ký hiệu VHv.2388. Là bài ca lục bát nói về sự tích Thánh Không Lộ
(huý là Minh Nghiêu, tên là Minh Không). Ông sinh tại Giao Thủy, Xuân Trường,
Nam Định, từng cùng Nguyễn Giác Hải và Từ Đạo Hạnh sang Tây Trúc học đạo và
đều đắc đạo thành tài. Khi trở về nước, gặp vua Lí Thần Tông hoá hổ, ông cùng
Giác Hải chữa bệnh cho vua. Ngoài ra sách mang nội dung cha mẹ dạy con về luân
thường đạo nghĩa; bài ca dạy con gái về công, dung, ngôn, hạnh. Bao gồm: Thánh
tổ hạnh thực diễn âm ca 聖祖行實演音歌, Ca huấn nữ tử ca 歌訓女子歌, Cổ huấn
nữ ca 古訓女歌.
8. Thiện Đình Khiêm Trai văn tập 善亭謙齋文集, 1 bản viết, 174 trang, khổ
28x14cm, ký hiệu VHv.1600. Nội dung gồm ba phần: 1/ Bài phú nói về việc xây
cầu Long Biên, bài văn tế Nguyễn Tri Phương do nhân dân Nghệ An soạn (tr. 1-20).
2/ Câu đối, trướng, chúc thọ, mừng thi đại, viếng tang (tr. 21-82). 3/ Thơ văn hợp
tuyển, bao gồm: Mai Sơn hợp toản thi tập 梅山合纂詩集 (tr.82-130), thơ của Mai
Sơn Nguyễn Thượng Hiền, phần nhiều là những bài đề vịnh các nơi cảnh thắng, di
tích lịch sử của đất nước, có một số bài thơ nói lên chí hướng của tác giả. Ngu Sơn
văn tập 愚山文集 (tr.130-174), văn của Ngu Sơn (Vũ Phạm Khải), gồm bia văn chỉ
các làng, bia từ đường, văn tế tướng sĩ chết trận nãm Minh Mệnh thứ 15 (1834) và
một số câu đối, trướng ở các đình chùa.
9. Thông giám tập lãm tiện độc 通鑑輯覽便讀, 1 bản in năm Thành Thái thứ 9
(1897), 2426 trang, khổ 27 x 16, ký hiệu AC.241/1-6. Nội dung nói về lịch sử Trung

15


Quốc từ khởi thủy đến hết nhà Minh, soạn theo bộ Tập lãm 輯覽 của Trung Quốc đời
Thanh Càn Long và bộ Thiếu vi tiết yếu 少微節要của Bùi Huy Bích.
10. Việt sử cương mục tiết yếu 越使剛目節要 ( Việt sử tiết yếu 越使節要), 2
bản in, 2 bản viết; ký hiệu VHv.1888, 140 trang, 26 x 15cm, in; VHv.1889, 128 trang,

26 x 15cm, in; A.1592/1 - 2, 609 trang, 31 x 20, viết; VHv.161/1, 4, 5, 6: 556 trang,
17.5 x 15, viết (thiếu Q2, Q3). Nội dung: lược sử Việt Nam từ Hùng Vương đến
Tây Sơn: 1/Từ Hùng Vương đến Mười hai Sứ quân (Tiền biên). 2/Từ Đinh Tiên
Hoàng đến Lê Hiển Tông (Chính biên).
11. Huấn tục quốc âm ca訓 俗 國 音 哥, soạn năm Thành Thái thứ 7 (1895),
in năm 1895, 1 bản in, 34 trang, khổ 18, 5 x 13, 5cm, ký hiệu AB. 287. Nội dung: 4
bài ca Nôm khuyên dạy con cái và người đời: 1/ Huấn tử Quốc âm ca : bài ca Nôm
thể 6-8, do Thiện Đình (Đặng Xuân Bảng) soạn, dạy con cái ăn ở hiếu kính với cha
mẹ, hòa thuận với anh em và đối xử tốt với mọi người. 2/ Khuyến hiếu diễn âm ca:
bài ca Nôm do Phạm Đình Toái ở Viện Sơn Tập, Quỳnh Đôi, soạn, khuyên ăn ở có
hiếu với cha mẹ. 3. Bát phản diễn âm ca : bài ca Nôm do Thiện Đình nhuận sắc;
gồm 8 điều khuyên xét lại mình. 4/ Thái Thượng cảm ứng thiên Quốc âm ca: bài ca
Nôm do Thiện Đình (Đặng Xuân Bảng) soạn, khuyên làm điều thiện để được hưởng
phúc, chớ làm điều ác mà bị trừng phạt.
Trong các trước tác của Đặng Xuân Bảng, tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu
越使剛目節要 được Đặng Xuân Bảng giành nhiều thời gian và công sức nhất, ông
mất đến 40 năm đi khắp nơi thu thập tài liệu và mất đến gần 20 năm để hoàn thành
tác phẩm, gồm 8 quyển, 1200 trang viết tay, viết xong thì được người bạn chí cốt
của ông là Cao Xuân Dục tặng 20 lạng vàng giúp việc thuê in ấn lưu lại cho muôn
đời [10, 310].
1.2.2. Tình hình văn bản Cổ nhân ngôn hành lục
Tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục của Đặng Xuân Bảng, theo khảo sát của
chúng tôi, cho đến nay vẫn chưa có bản dịch sang chữ Quốc ngữ. Các dị bản đều là
bản in bằng chữ Hán, theo lối chữ chân. Do vậy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi
trong luận văn này là các dị bản chữ Hán của Cổ nhân ngôn hành lục, hiện đều đang

16


được lưu giữ tại Nghiên cứu Hán Nôm, gồm có 4 bản: A.1058, VHb.285/1-3,

VHb.121 (chỉ có Q3), VHb.122 (chỉ có Q3).
Các dị bản này có đặc điểm chung là đều là bản in, mỗi trang có 11 dòng chữ
to, mỗi dòng có tối đa 21 chữ to, chữ nhỏ là chú thích, giải thích kèm theo, dòng
chữ nhỏ in chen vào giữa hai dòng chữ to.
Dưới đây chúng tôi xin miêu tả cụ thể những đặc điểm về hình thức và nội
dung của từng dị bản:
1.2.2.1. Mô tả các dị bản
Bản A.1058, Cổ nhân ngôn hành lục 古 人 言 行 錄
Gồm 3 tập đóng thành một quyển, khổ 19x13cm, 125 tờ = 350 trang (chưa tính
trang bìa, gồm 2 tờ bìa trắng), in mộc bản, màu giấy trắng. Trang đầu sách đề bốn
chữ to theo hàng dọc từ trên xuống dưới là: 古人言行錄 (Cổ nhân ngôn hành lục),
dòng phía bên phải từ trên xuống dưới đề năm chữ là: 成泰七年鐫 (Thành Thái
thập niên thuyên), phía bên phải thấp hơn có đề hai chữ ngang từ phải sang trái là:
行善 (Hành Thiện), phía dưới hai chữ 行善 (Hành Thiện) là dòng chữ viết từ trên
xuống to đề 二聖祠藏板 (Nhị Thánh từ tàng bản).
Tiếp theo là đến một bài tựa khắc in ngay sau bìa gồm 2 trang, dòng đầu tiên
bên phải từ trên xuống đề: 古人言行錄 (Cổ nhân ngôn hành lục), mỗi trang có 11
dòng chữ to, mỗi dòng tối đa 21 chữ, có chấm câu, có khuyên. Cuối bài tựa ghi:
成泰十年九月初六日善亭居士鄧春榜書于瀨池之學堂。(Thành Thái thập niên
cửu nguyệt sơ lục nhật. Thiện Đình cư sĩ Đặng Xuân Bảng thư vu Lại Trì học
đường.).
Nối tiếp là 1 mục lục, đề là: 古人言行錄目錄 (Cổ nhân ngôn hành lục mục lục),
gồm 12 dòng , mỗi dòng cung cấp thông tin về các quyển và tên chương.
Phần nội dung chia thành 3 quyển lần lượt là:
- Quyển 1: 立人品 (Lập nhân phẩm), 32 trang. 孝父母 (Hiếu phụ mẫu), bên
dưới có dòng chữ nhỏ 父母繼母孝婦養父母附 (Phụ mẫu kế mẫu hiếu phụ dưỡng
phụ mẫu phụ), 33 trang. 友兄弟 (Hữu huynh đệ), bên dưới có 2 dòng chữ nhỏ đề

17



兄弟異 母兄弟夫兄弟 (Huynh đệ dị mẫu huynh đệ phu huynh đệ), 35 trang.
睦尊族 (Mục tôn tộc), 12 trang. 謹夫婦 (Cẩn phu phụ), bên dưới có hai dòng chữ
nhỏ đề 夫婦夫道婦道婚姻適庶附 (Phu phụ phu đạo phụ đạo hôn nhân thích thứ
phụ), 24 trang.
- Quyển 2: 教子女 (Giáo tử nữ), dưới có hai dòng nhỏ đề 教子教女父教母教
(Giáo tử giáo nữ phụ giáo mẫu giáo), 11 trang. 謹家範 (Cẩn gia phạm), 19 trang.
勤生業 (Cần sinh nghiệp), 20 trang. 節才用 (Tiết tài dụng), 18 trang,
- Quyển 3: 愼言語 (Thận ngôn ngữ), 20 trang. 馭奴僕 (Ngự nô bộc), phía
dưới có hai dòng chữ nhỏ đề 男仆女仆土作人附 (nam bộc nữ bộc thổ tác nhân
phụ), 16 trang. 和鄉黨 (Hòa hương đảng), 10 trang. 信朋友 (Tín bằng hữu), 12
trang. 愼官守 (Thận quan thủ), 47 trang.
Bản VHb.185/1-3, Cổ nhân ngôn hành lục 古 人 言 行 錄, khổ 19x13cm, in
thành 3 quyển tách rời nhau.
- Quyển 1, 70 tờ = 140 trang, gồm 1 tựa, 1 mục lục, (chưa tính trang bìa, gồm 2
tờ bìa trắng), in mộc bản, chất giấy trắng. Trang đầu sách đề bốn chữ to theo hàng
dọc từ trên xuống dưới là: 古人言行錄 (Cổ nhân ngôn hành lục), dòng phía bên phải
từ trên xuống dưới đề năm chữ là: 成泰七年鐫 (Thành Thái thập niên tuyên), phía
bên phải thấp hơn có đề hai chữ ngang từ phải sang trái là: 行善 (Hành Thiện), phía
dưới hai chữ 行善 (Hành Thiện) là dòng chữ to viết từ trên xuống đề 二聖祠藏板
(Nhị Thánh từ tàng bản). Tiếp theo là đến một bài tựa khắc in ngay sau bìa gồm 2
trang, dòng đầu tiên bên phải từ trên xuống đề: 古人言行錄 (Cổ nhân ngôn hành
lục), mỗi trang có 11 dòng chữ to, mỗi dòng tối đa 21 chữ, có chấm câu, có khuyên.
Cuối bài tựa ghi: 成泰十年九月初六日 善亭居士鄧春榜書于瀨池之學堂。(Thành
Thái thập niên cửu nguyệt sơ lục nhật. Thiện Đình cư sĩ Đặng Xuân Bảng thư vu Lại
Trì học đường.). Nối tiếp là 1 mục lục, đề là: 古人言行錄目錄 (Cổ nhân ngôn hành
lục mục lục), gồm 12 dòng , mỗi dòng cung cấp thông tin về các quyển và tên
chương.

18



- Quyển 2, khổ 19x13, 55 tờ = 110 trang. Trang đầu tiên bên phải trang có
dòng chữ nhỏ 古人言行錄卷之二 (Cổ nhân ngôn hành lục quyển chi nhị), bên dưới
có dòng chữ 善亭進士鄧春榜編輯 (Thiện Đình Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng biên tập),
kế tiếp hàng tiếp theo có dòng chữ 教子女 (Giáo tử nữ). Nội dung bao gồm: 教子女
(Giáo tử nữ), dưới có hai dòng nhỏ đề 教子教女父教母教 (Giáo tử giáo nữ phụ
giáo mẫu giáo), 11 trang. 謹家範 (Cẩn gia phạm), 19 trang. 勤生業 (Cẩn sinh
nghiệp), 20 trang. 節才用 (Tiết tài dụng), 18 trang,
- Quyển 3, khổ 19x13, 52 tờ = 104 trang. Trang đầu tiên bên phải có dòng chữ
古人言行錄卷之三 (Cổ nhân ngôn hành lục quyển chi tam), bên dưới có dòng chữ
善亭進士鄧春榜編輯 (Thiện Đình Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng biên tập), kế tiếp hàng
tiếp theo có dòng chữ 愼言語 (Thận ngôn ngữ). Nội dung bao gồm: 愼言語 (Thận
ngôn ngữ), 20 trang. 馭奴僕 (Ngự nô bộc), phía dưới có hai dòng chữ nhỏ đề
男仆女仆土作人附 (nam bộc nữ bộc thổ tác nhân phụ), 16 trang. 和 鄉黨 (Hòa
hương đảng), 10 trang. 信朋友 (Tín bằng hữu), 12 trang. 愼官守 (Thận quan thủ),
47 trang.
Bản VHb.121/q3, Cổ nhân ngôn hành lục 古 人 言 行 錄, chỉ còn lại quyển 3,
104 trang, khổ 19x13cm, in thành 1 quyển, trang đầu tiên bên phải có dòng chữ
古人言行錄卷之三 (Cổ nhân ngôn hành lục quyển chi tam), bên dưới có dòng chữ
善亭進士鄧春榜編輯 (Thiện Đình Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng biên tập), kế tiếp hàng
tiếp theo có dòng chữ 愼言語 (Thận ngôn ngữ). Nội dung đề cập đến các mục
愼言語 (Thận ngôn ngữ), 20 trang. 馭奴僕 (Ngự nô bộc), phía dưới có hai dòng
chữ nhỏ đề 男仆女仆土作人附 (nam bộc nữ bộc thổ tác nhân phụ), 16 trang.
和 鄉黨 (Hòa hương đảng), 10 trang. 信朋友 (Tín bằng hữu), 12 trang. 愼官守
(Thận quan thủ), 47 trang.
Bản VHb.122/q3), Cổ nhân ngôn hành lục 古 人 言 行 錄chỉ còn lại quyển 3,
104 trang, khổ 19x13cm, in thành 1 quyển, Trang đầu tiên bên phải có dòng chữ
古人言行錄卷之三 (Cổ nhân ngôn hành lục quyển chi tam), bên dưới có dòng chữ


19


善亭進士鄧春榜編輯 (Thiện Đình Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng biên tập), kế tiếp hàng
tiếp theo có dòng chữ 愼言語 (Thận ngôn ngữ). Nội dung đề cập đến các mục
愼言語 (Thận ngôn ngữ), 20 trang. 馭奴僕 (Ngự nô bộc), phía dưới có hai dòng
chữ nhỏ đề 男仆女仆土作人附 (nam bộc nữ bộc thổ tác nhân phụ), 16 trang.
和 鄉黨 (Hòa hương đảng), 10 trang. 信朋友 (Tín bằng hữu), 12 trang. 愼官守
(Thận quan thủ), 47 trang.
Bảng 1.1: Tổng hợp thông tin từ các dị bản
STT

Ký hiệu sách

Kích

Số trang Số tập

Quyển

Tựa

Mục lục

thước
1

A.1058

19 x 13


355

1

1, 2, 3

1

1

2

VHb.185/1-3

19 x 13

355

3

1, 2, 3

1

1

3

VHb.121/q3


19 x 13

104

1

3

0

0

4

VHb.122/q3

19 x 13

104

1

3

0

0

1.2.2.1. So sánh, nhận xét các dị bản

Qua quá trình khảo sát kỹ lưỡng 4 bốn dị bản của văn bản Cổ nhân ngôn hành
lục chúng tôi nhận thấy: Trong 4 bản, bản A.1058 và VHb.158/1-3 là đầy đủ có tựa,
có mục lục, có chấm câu, có khuyên tròn. Bản VHb.121 và VHb.122 chỉ còn lại
quyển 3, không có tựa, không có mục lục, văn bản được khuyên tròn, chấm câu đầy
đủ. Về nội dung bốn bản đều tương đồng.
1.2.3. Xác định bản tin cậy tác phẩm “Cổ nhân ngôn hành lục”
1.2.3.1. Xác định bản đáng tin cậy
Sau khi tiến hành khảo sát kỹ lưỡng bốn dị bản Cổ nhân ngôn hành lục được
lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi nhận thấy bản A.1058 và
VHb.158/1-3 là bản tốt nhất, đầy đủ tựa, mục lục, chấm câu, khuyên tròn. Nhưng
bản A.1058 rõ ràng và dễ đọc hơn. Căn cứ vào các nguyên tắc công bố một văn bản
Hán Nôm, chúng tôi chọn bản A.1058 làm bản nền nghiên cứu và công bố cho luận
văn Nghiên cứu Cổ nhân ngôn hành lục của Đặng Xuân Bảng các bản VHb.158/1-3
, VHb.121 và VHb.122 dùng để đối chiếu tham khảo.

20


1.2.3.2. Tóm lược nội dung của tác phẩm
Đặng Xuân Bảng thường nói: “Cái gốc của giáo viên là sự rèn luyện tư cách,
phẩm chất cá nhân, là giáo dục gia đình, dòng họ và làng xóm” và cũng từ nỗi lo
lắng “Con cháu sinh trưởng trong cảnh phú quý, quen tính kiêu căng, lười biếng có
khi làm truỵ lạc cả cơ nghiệp tiền nhân”, ông biên tập Huấn tục quốc âm ca, Cổ
huấn nữ ca, Cư gia khuyền giới tắc, Cổ nhân ngôn hành lục... Trong đó Cổ nhân
ngôn hành lục khác với Cư gia khuyến giới tắc - tác phẩm chép lại danh ngôn trong
thư tịch cổ Trung Quốc làm khuôn mẫu nhằm khuyên răn con cháu giữ đạo luân
thường, bỏ thói hư tật xấu; Cổ nhân ngôn hành lục chép những lời hay ý đẹp việc
làm tốt của người xưa được ghi lại trong các sách giáo dục nổi tiếng của Trung
Quốc, tác giả Đặng Xuân Bảng muốn nhắc nhở con em những nết tốt, việc làm hay
để rèn luyện bản thân, tu tập đạo đức.

Sách được chia thành nhiều môn loại:
Quyển 1: Trau dồi phẩm chất (Lập nhân phẩm), Hiếu kính với cha mẹ (Hiếu
phụ mẫu), Thân ái trong anh em (Hữu huynh đệ), Hoà thuận trong họ hàng (Mục tôn
tộc), Giữ gìn tình chồng vợ (Cẩn phu phụ).
Quyển 2: Giáo dục con cái (Giáo tử nữ), Giữ khuôn phép gia đình (Cẩm gia
phạm), Siêng năng trong nghề nghiệp (Cần sinh nghiệp), Tiết kiệm trong chi tiêu
(Tiết tài dụng).
Quyển 3: Thận trọng khi nói năng (Thận ngôn ngữ), Răn dạy đầy tớ (Ngự nô
bộc), Chan hòa trong xóm làng (Hoà hương đảng), Giữ chữ tín với bè bạn (Tín
bằng hữu), Thận trọng trong chức vụ (Thận quan thủ).
Tiểu kết
Đặng Xuân Bảng là một học giả, một nhà giáo lỗi lạc, một danh sĩ nổi tiếng
triều Nguyễn, Sự nghiệp trước tác của Đặng Xuân Bảng phong phú, bao trùm nhiều
lĩnh vực, bao gồm: Sử học, Địa lý, Thiên văn học, Văn học, Ngôn ngữ học, Triết
học, Giáo dục học, Y dược và thơ ca. Tổng đốc Cao Xuân Dục, một danh sĩ cùng
thời, đánh giá: “Ông là người xuất thân khoa giáp, học vấn uyên bác, đức hạnh
thuần khiết, làm quan trong kinh, ngoài trấn 30 năm, đi đến đâu đều có thành tích
tốt ở đó.”[17, 21-25]

21


×