Tải bản đầy đủ (.docx) (2 trang)

Chất thơ trong văn xuôi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (61.69 KB, 2 trang )

“Chất thơ” trong văn xuôi
“Chất thơ” trước tiên hiểu theo nghĩa rộng phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp
có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu
trời xanh thẳm, tạo ra cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc, “chất
thơ” cũng có thể tạo ra từ những tình cảm, hành động của con người như:
Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của các điệu múa...
Khi những vật liệu tự thân chứa đựng “chất thơ” được sử dụng trong tác
phẩm văn học thì tác phẩm đó không ít thì nhiều sẽ giàu “chất thơ” hơn
những tác phẩm khác. Tuy nhiên, vật liệu giàu “chất thơ” sẽ mãi bị giới
hạn ý nghĩa và thẩm mỹ nếu như nhà văn không sử dụng các thủ pháp để
sắp xếp vật liệu, tạo ra một chỉnh thể thẩm mỹ để nội dung và hình thức
không thể tách rời.
Xét ở trong thế giới thơ ca, thông thường một tác phẩm thơ ngoài việc sử
dụng những hình ảnh, các từ ngữ giàu “chất thơ” còn cần phải sử dụng
vần điệu, lựa chọn và sắp xếp từ ngữ để gợi cảnh, gợi tình; giúp các vật
liệu phát huy tối đa “chất thơ” sẵn có, làm rung động người đọc.
Ở văn xuôi, tương tự như trong thơ, chất thơ có ở trong nhiều cấp độ.
Đầu tiên là các cấp độ từ ngữ. Những từ ngữ như “mát mẻ”, “nhớ” gợi lại
những cảm giác nhẹ nhàng, êm ái lặp đi lặp lại như trong truyện ngắn
“Dưới bóng hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam. Những từ ngữ như “mát
mẻ”, “nhớ” chỉ thoảng qua mới xuất hiện thì không có ý nghĩa gì, nhưng
khi chúng lại gắn với hình ảnh “cây hoàng lan” và cả gắn với tình cảm
không rõ ràng giữa nhân vật Thanh-người kể chuyện với cô gái hàng xóm
tên Nga; khiến câu chuyện trở nên có chiều sâu tình cảm và chiều rộng
thời gian, dù cho truyện ngắn không hề có cốt truyện kịch tính. Ở đây
chất thơ ngấm vào nội dung câu chuyện trong truyện ngắn “Dưới bóng
hoàng lan”. Đó là chưa kể giọng điệu tác giả sử dụng rất ôn hòa, tiết nhịp
chậm rãi tương ứng với từ ngữ, hình ảnh, nội dung câu chuyện trong
truyện ngắn.
Qua ví dụ về truyện ngắn giàu “chất thơ” bậc nhất văn xuôi Việt Nam
hiện đại là “Dưới bóng hoàng lan”, có thể lấy vô vàn ví dụ các truyện


ngắn giàu “chất thơ” tương tự của các nhà văn trong và ngoài nước như:
“Những vì sao” của nhà văn Pháp An-phông-sô Đô- đê (Alphonse
Daudet 1840-1897), “Nước dòng sông Cái” của nhà văn Nhật Bản Ri-u-


nô-su-kê A-cư-ta-ga-oa (Ryunosuke Akutagawa 1892-1927), “Hương cỏ
mật” của Đỗ Chu, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư...
Trường hợp “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư cũng rất giàu
“chất thơ” nhưng khác xa “chất thơ” trong truyện ngắn “Dưới bóng hoàng
lan” của Thạch Lam. Cốt truyện “Cánh đồng bất tận” khá giàu chi tiết
kịch tính không nên thơ chút nào cả. Nhưng trong truyện ngắn, nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư sử dụng từ “nhớ” khoảng hơn 20 lần; những từ “nhớ”
này gắn với hình ảnh “cánh đồng” và “dòng sông” thể hiện qua giọng
điệu dung dị, có phần buồn bã hoài nhớ về miền đất, con người mà chị
em Điền đã đi qua trong quá trình sống nay đây mai đó. Như vậy, “chất
thơ” trong “Cánh đồng bất tận” không phải là nét chủ đạo mà chỉ đóng
vai phụ làm nên thành công của truyện ngắn “Cánh đồng bất tận”. Mặt
khác, “chất thơ” trong “Cánh đồng bất tận” gợi nhớ những kỷ niệm không
vui, không êm đềm dễ chịu như “Dưới bóng hoàng lan”. Có thể xem,
“chất thơ” trong “Cánh đồng bất tận” mang dáng vẻ của một bài thơ
buồn.
Như vậy, để biết một tác phẩm văn xuôi như truyện ngắn hay một đoạn
văn trong một cuốn tiểu thuyết có giàu “chất thơ” hay không cần phải đọc
kỹ văn bản đó; chú ý sự liên kết các cấp độ trong văn bản có đưa lại một
hiệu ứng thẩm mỹ nào không? Nếu có hiệu ứng như là một khoái cảm
thẩm mỹ trong quá trình đọc thì văn bản văn xuôi đó thực sự giàu “chất
thơ”.
PGS, TS ĐỖ LAI THÚY




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×