Tải bản đầy đủ (.doc) (114 trang)

nghệ thuật truyện ngắn di li

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (515.34 KB, 114 trang )

1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, nhưng mọi người thường biết tới
cô với cái tên Di Li - bút danh của nữ nhà văn với nhiều cuốn sách best-seller
của Việt Nam. Cô ham đọc văn chương từ rất sớm: 8 tuổi đã đọc Nam Cao,
Nguyễn Công Hoan trong tủ sách của cha, 12 tuổi (khi theo cha mẹ đi công
tác ở Lạng Sơn), cô đã đọc hết bộ sử thi Ấn Độ Ramayana với 48.000 câu thơ
khó đọc mua ở hiệu sách Lạng Sơn. Có lẽ văn chương thấm vào cô từ đó.
Nhưng cô đến với nghiệp văn hơi muộn so với những bạn văn cùng thời
(Trang Hạ, Phong Điệp, Hoàng Anh Tú), vì sau khi tốt nghiệp đại học cô mới
sáng tác.
Năm 2000 truyện ngắn Hoa mộc trắng được đăng báo. Đó là một
chuyện tình lãng mạn vùng sơn cước thoáng màu sắc liêu trai. Sau đó các
truyện ngắn của cô cũng được đăng rải rác trên các báo và được tập hợp lại
trong hai tập truyện ngắn Tầng thứ nhất (2007), Điệu Valse địa ngục (2007).
Năm 2009, Trại hoa đỏ ra đời. Với tiểu thuyết này, Di Li được coi là
người đầu tiên của Việt Nam khai mở một thể loại văn học mới kết hợp giữa
trinh thám và kinh dị. Trại hoa đỏ được bạn đọc yêu thích và trở thành cuốn
sách best-seller của Việt Nam. Báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản đánh giá cao Di
Li như là một trong những nhà văn nữ hàng đầu Việt Nam của thời đương đại.
Cũng năm 2009, Di Li ra mắt tập truyện ngắn 7 ngày trên sa mạc và tập
bút ký du lịch Đảo thiên đường. Hai cuốn này cũng thuộc những cuốn sách
best-seller. Từ năm 2010 đến 2012, Di Li liên tục xuất bản 8 cuốn: Cocktail
thị thành, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, Đôi khi tình yêu vẫn hay đi
lạc đường, Chiếc gương đồng, Nhật ký mùa hạ, San hô đỏ, Chuyện làng văn,
The Black Diamond (tập truyện ngắn do chính tác giả và một số dịch giả khác
dịch sang tiếng Anh). Và năm 2013, Di Li có cuốn Tôi PR cho PR. Đó không



2

phải tập truyện ngắn, ký tiểu thuyết mà là thể loại sách kiến thức chuyên
ngành. Trong sách, tác giả nêu những quan điểm ứng xử đối với truyền thông
và dư luận công chúng. Cuốn sách này cũng tạo ra cơn sóng trong dư luận
giới "chính khách văn chương".
Điều đáng nói ở đây Di Li không chỉ viết hay về trinh thám, kinh dị, mà
ở những thể loại truyện lãng mạn, truyện hài hước, phiến đàm văn chương
hay du ký, v.v… cũng rất lôi cuốn độc giả. Đúng như nhà văn Đỗ Bích Thúy
nhận xét: “Di Li viết cái gì cũng đọc được”. Người đọc có cảm giác Di Li viết
văn như chơi, con chữ cứ thế ào ạt tuôn chảy. Theo cách nói của nhiều nhà
phê bình thì trữ lượng văn chương của Di Li còn rất dồi dào.
Với thể tài truyện ngắn ở thế kỷ XXI, Nguyễn Văn Thọ (trên Văn nghệ
Công an) cho rằng: có ba nhà văn nữ khá sắc sảo. Phía Bắc có Đỗ Bích Thúy.
Như một cô gái miền sơn cước Tây Bắc, Đỗ Bích Thúy đã mang tới cho bạn
đọc nhiều điều thú vị từ âm thanh mà mọi người chưa được nghe thấy bao giờ
sau những hàng rào đá. Phía Nam có Nguyễn Ngọc Tư. Truyện ngắn của cô
mở ra cho thiên hạ biết cõi trời mênh mông, bao la trên những cánh đồng
vàng bất tận và những khuất ẩn rất vụn vặt, rất đời thường của con người. Còn
ở eo miền Trung - Huế với dải lụa buồn có Trần Thùy Mai, và người ta có thể
tìm ở đó, trong nhiều áng văn của chị, những cung bậc khác nhau của người
miền Trung, có khi thăm thẳm buồn, có khi một thoáng vui lãng mạn bâng
khuâng. Nhưng vui hay buồn, truyện của Trần Thùy Mai cũng mang kiểu kiều
nữ với sắc màu tím Huế.
Người con gái đẹp Di Li sinh ra ở Hà Nội, song dường như cô không
thuộc vào miền đất nào cả. Trừ cuốn hồi ký Nhật ký mùa hạ là những câu
chuyện cô viết về tuổi thơ của mình ở những mái trường cấp 2 - 3, chủ yếu
gắn với phố Đại Cồ Việt, còn lại hầu hết các cuốn sách khác đều ít mang dấu
tích phong rêu của một Hà Nội thực là Hà Nội. Di Li là một điển hình của sự



3

pha trộn văn chương ngôn ngữ Việt ở thời hội nhập, thời mà chính cô, một
phụ nữ ra khỏi nhà, đi đến nhiều châu lục với vốn tiếng Anh xuất sắc. Những
tập truyện của cô đã được xuất bản: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7
ngày trên sa mạc hay Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng với những truyện
ngắn kinh dị như Khách lạ và người lái taxi, Chiếc gương đồng; truyện chiến
tranh Bướm trắng về trú mưa; truyện tâm lý xã hội như Nghĩa địa của những
người sống, Món quà Giáng sinh, Ám, Cơn mưa qua nhanh; chuyện tình lãng
mạn như San hô đỏ, Giao thừa trắng… Rồi cả một truyện cực ngắn Tình yêu
là như thế. Những truyện ngắn đó ít có dấu ấn Hà Nội, mà những mảng sống
bề bộn của xã hội hiện đại bây giờ. Một đời sống luôn xê dịch, thoắt ẩn thoắt
hiện đây đó. Một đời sống chen lấn giữa thực và ảo. Một đời sống đa dạng từ
tình yêu con trẻ hồn nhiên đến những đúc kết cay đắng của tình đời, tình
người. Một đời sống có tất cả từ lam lũ lập nghiệp đến vương giả tận hưởng.
Một đời sống có thù hận, chán chường đến si mê cuồng dại. Một đời sống ta
có thể đã sống đã gặp nhưng cũng có thể chỉ trong giấc mơ, trong khát vọng.
Tất cả những tập truyện của cô người ta đều tìm đọc. Hết sách. Lại phải đặt
hàng. Lại chờ sách tái bản. Chính vì những cuốn sách best-seller như thế,
chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài Nghệ thuật truyện ngắn Di Li. Chúng tôi
muốn khám phá vẻ đẹp tiềm tàng trong những truyện ngắn Di Li, chủ yếu đi
sâu vào nghệ thuật viết truyện ngắn của cô, hy vọng phần nào lý giải được
nguyên do vì sao truyện của Di Li lại có sức hấp dẫn đến như thế.
2. Lịch sử vấn đề
Di Li mới xuất hiện trên văn đàn năm 2006 với tác phẩm đoạt giải
Cocktail và Ma học trò, vài năm sau cô nổi tiếng với Trại hoa đỏ. Từ đó, dấu
ấn của một đời văn bắt đầu. Cô góp thêm cho văn đàn một giọng văn lạ, hiện
đại với chất ma mị. Có một số bài báo, ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê



4

bình văn chương, điện ảnh, một số hội thảo và có cả những buổi ra mắt sách
đã dành cho nữ nhà văn xinh đẹp Di Li.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng (trên tờ Văn nghệ Trẻ) có bài “Khi Di Li
xuất hiện” đã viết:
Tôi cho rằng Di Li có thể viết nhiều thể loại, nhưng có lẽ truyện
ngắn là hợp với sở trường sở đoản của Di Li hơn cả…Vậy truyện
ngắn Di Li có gì đặc sắc? Nếu theo quan niệm thông thường thì ta sẽ
thấy truyện ngắn của cây bút trẻ này không gắn gì với cái gọi là hiện
thực - cái hiện thực có thể nhìn thấy, có thể kiểm tra, đối chiếu, so
sánh theo nguyên tắc phản ánh đời sống như bản thân nó vốn có của
chủ nghĩa hiện thực. Dường như khi viết Di Li chỉ tuân thủ một
nguyên tắc duy nhất - bịa đặt. Đọc truyện ngắn Di Li sẽ thấy cây bút
trẻ này có một sức tưởng tượng hết sức phong phú, mãnh liệt. Những
câu chuyện được Di Li kể nhiều khi mang màu sắc ma mị, huyễn
hoặc, thường là li kì rắc rối. Nhiều người cho rằng Di Li giỏi bịa
đặt, bản thân tác giả cũng tự nhận là minh không thích viết về những
chuyện có thực. Tác giả trẻ này tạo ra một cách viết rất riêng - theo
cách nói của các nhà lí luận không nệ thực [64].
Năm 2007, tập truyện ngắn kinh dị Tầng thứ nhất xuất bản, Hà Linh
trong bài “Di Li và tập truyện ngắn kinh dị” đã viết: “Tập truyện này bao gồm
16 truyện ngắn được xem là hay nhất và mới nhất của Di Li vào thời điểm bấy
giờ. Và quả thực, truyện nào trong sách này cũng có cái để đọc, để ngẫm nghĩ
bởi một lối viết khá mới mẻ về những đề tài mang đậm chất huyền hoặc, thậm
chí là ma quái” [60]. Trong bài viết này, Hà Linh cũng nhận xét về nghệ thuật
truyện Bức tranh và ngôi nhà cổ:
Cách hành văn của Di Li trong câu chuyện kinh dị này với
một nhịp độ nhanh hơn bình thường; cuộc thám hiểm căn hầm bí



5

mật, các nhân vật chính phải đối phó với kẻ sát nhân xảo quyệt…
những lối đi sâu, cầu thang dốc và xoáy hình trôn ốc, những pho
tượng với khuôn mặt nhăn nhúm, khổ sở với đôi mắt hoặc đang
kinh hoàng, hoặc đang ai oán, là những chi tiết nghệ thuật được
tác giả sử dụng rất có hiệu quả nhằm tăng tính tư tưởng chủ đề cho
tác phẩm [60].
Hoặc bài viết: “Di Li từ Tầng thứ nhất đến Điệu Valse địa ngục”, nhà
báo quân đội Nguyễn Đình Xuân đã cho rằng:
Ở những truyện “Điệu Valse địa ngục”, “Vong hồn trên
những cánh đồng chết”, Di Li viết sâu sắc và tự làm chủ ngòi bút
của mình khi không sa vào những chi tiết, mô tả sự giết chóc hãi
hùng. Những truyện có hơi hướng kinh dị là những truyện đẹp bởi
hình ảnh, khung cảnh và cả nhân vật được Di Li miêu tả bằng
những đoạn văn rất hình ảnh và trau chuốt [80].
Sự nổi tiếng của Di Li (sau Trại hoa đỏ năm 2007 và những tập truyện
ngắn Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc) đã dẫn đến một
hội thảo ngày 26/6/2009 do Hội nhà văn tổ chức. Trong đó, nhiều ý kiến đã
đánh giá về Di Li. Đó là ý kiến của nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Di Li là người
khai mở đề tài trinh thám, kinh dị sau nhiều năm thể tài này bị lãng quên. Ý
kiến nhà phê bình Văn Giá: trong tập 7 ngày trên sa mạc, mối quan tâm lớn
nhất của Di Li là hiện thực về một thế giới thượng lưu thời hiện đại. Đọc Di
Li có cảm giác người viết am tường đời sống, phải có một số ưu thế nhất định
nào đó mới có thể xông vào vùng hiện thực này được. Văn Giá đánh giá rất
cao mảng hiện thực này trong truyện ngắn Di Li: “Ở Việt Nam trước đây và
hiện nay chưa có một nhà văn nào lại dành tâm huyết để quan tâm tới vùng
hiện thực này. Di Li là người đầu tiên công phá vào nó... Tôi cho rằng Di Li

là người có công khai phá một vùng gần như bỏ trắng trong văn học hiện nay”


6

[17]. Cũng trong hội thảo đó, nhà văn Nguyên An nhận xét một khía cạnh gần
giống Văn Giá: truyện của Di Li chắc trong cách dựng truyện về cuộc sống đô
thị, dường như Di Li có vốn liếng thật phong phú, cô tuy trẻ nhưng đã cảm
nhận, trải nghiệm và quản lý được chúng. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
ấn tượng với Di Li về lối văn không rườm rà, phù hợp cách đọc hôm nay qua
truyện ngắn Cocktail đoạt giải của tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà văn Phạm
Ngọc Tiến cho rằng đối với Ban công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam,
Di Li là một phát hiện trong nhiệm kỳ này, truyện của cô lạ, cuốn hút, đặc biệt
Di Li luôn có ý thức tự làm mới mình và với sự lao động nghiêm túc, Di Li sẽ
đi hết đường văn của mình.
Về tập truyện 7 ngày trên sa mạc, Thoại Hà cũng có bài viết “Rùng
mình với 7 ngày trên sa mạc của Di Li”. Trong bài viết này, sau khi đã phân
tích về nội dung về bút pháp một số truyện kinh dị trong 7 ngày trên sa mạc,
tác giả có một nhận xét khá hóm hỉnh:
Sau thành công với tiểu thuyết trinh thám và kinh dị Trại hoa
đỏ và những truyện ngắn kinh dị, cái tên Di Li vô tình gắn liền hình
ảnh cô gái có khả năng "nhát ma" người đọc. Càng ngày Di Li
càng chứng tỏ sự chuyên nghiệp của ngòi bút ở chỗ có thể khiến
độc giả không nhàm chán qua những câu chuyện hư cấu mang
nhiều phong vị [19].
Năm 2010, sau khi Nhà xuất bản Công an nhân dân in cuốn tiểu thuyết
Trại hoa đỏ,tác phẩm đoạt giải ba của Bộ Công an và Hội Nhà văn, nhiều
người đọc tiếp tục khen ngợi. Trên một trang web, nhà văn Trần Thị Trường
đã viết: “Không thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa đọc xong. Lôi cuốn từ tình
tiết đến cách dẫn dắt trong một bố cục thật chặt, điều này chỉ có những người

có đẳng cấp viết truyện tưởng tượng mới làm nổi” [18].


7

Tháng 9 năm 2012, tập truyện San hô đỏ ra đời, trên báo Thể thao & Văn
hóa có bài “Di Li tiếp tục viết truyện “đỏ”. Nhưng đáng chú ý là ý kiến của
Phạm Ngọc Tiến trên tờ VNExpress ngày 7.10.2012:
San hô đỏ được cô viết ra vẫn bằng những khao khát sống như
những gì cô đã thể hiện bấy nay. Một lối viết sinh động, tiết chế
được từ ngữ, làm chủ được cảm xúc, biết thao túng hoàn cảnh, dẫn
dắt độc giả vào những trải nghiệm rất riêng của mình bằng trí
tưởng phong phú trên cái nền vững chắc của học vấn và kiến thức.
Rất hấp dẫn [6].
Trên Văn nghệ Công an, tác giả Nguyễn Văn Thọ đưa bài “Di Li:
người đẹp viết đẹp”, tác giả đưa ý kiến, Di Li là người đầu tiên thuộc thế hệ
hiện đại làm cầu nối sống dậy thể tài trinh thám, kinh dị với không khí mới,
hiện đại, nó khác hẳn với văn phong của thể tài này vào những năm trước
1945.
Tạp chí Văn học nghệ thuật tháng 8 năm 2010 có đăng cuộc phỏng vấn
giữa nhà báo Mặc Lâm (phóng viên đài RFA) trong đó có nhận xét ở phần
“giới thiệu”: “Dưới mắt nhìn của nhiều nhà phê bình, Di Li xuất hiện như một
ánh sao lạ. Vừa bí hiểm vừa sáng lên thứ ánh sáng ma quái, huyễn hoặc. Di Li
chọn cho mình một hướng đi khá xa với những cây viết đồng trang lứa. Di Li
thử sức trên mảnh đất ít người dám đặt bút vào, đó là truyện trinh thám và
kinh dị” [28].
Với cuốn tản văn Chuyện làng văn và bút ký Đảo thiên đường cũng có
một số ý kiến khen ngợi. Sau buổi họp báo ra mắt tác phẩm Chuyện làng văn
của nhà văn Di Li diễn ra chiều 27/6/2013 do Nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên dẫn chương trình, nhà báo Hà An viết bài tường thuật đánh giá: “Viết

chân dung khó, viết cho ra chân dung càng là điều chưa bao giờ dễ. Ấy thế mà,


8

qua hàng chục bài ký và phỏng vấn trong cuốn Chuyện làng văn, Di Li đã gẩy ra
được cái thần và khẩu khí của hơn 50 nhân vật thuộc giới văn chương” [1].
Cũng nhà báo Hà Linh trong bài “Đảo thiên đường, những chuyến đi để
mang về của Di Li” nhận xét:
Những chuyến đi trong Đảo thiên đường, dù ngắn ngày, tác giả
vẫn có thể mang đến cho người đọc một thiên bút ký tỉ mỉ, chi tiết và
rất giàu thông tin… Không quá tài hoa, nhưng với tầm tri thức về văn
hóa, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc của một người ham hiểu biết, Di Li đã
nắm bắt được những nét gần như đặc sắc nhất của những miền đất xa
lạ [41].
Ngoài ra trên báo Thể thao & Văn hóa ngày 8/3/2013 có giới thiệu cuốn
tản văn của Di Li Adam & Eva luận bàn về đàn ông, đàn bà, trong đó có trích
một số ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng, MC Thảo Vân, họa sĩ Lê Thiết Cương,
nhà văn Phan Hồn Nhiên. Nhìn chung những ý kiến này đều khen qua tập sách
Di Li thể hiện kiến thức rộng, vốn sống dày dặn, cái nhìn tinh nhạy, lối viết vừa
nghiêm trang vừa hóm hỉnh, tươi trẻ.
Bên cạnh các ý kiến phê bình trong nước, còn có những nhận xét của một
số nhà nghiên cứu nước ngoài. Nhận xét về The Black Diamond (tập hợp một số
truyện ngắn của Di Li dịch sang tiếng Anh), nhà văn Walter Mason (Australia),
tác giả của best-seller Destination Saigon nói rằng:
Những câu chuyện của Di Li đã phản ánh hình ảnh một Việt
Nam chưa từng được biết đến trong hình dung của người phương
Tây. Thế giới hư cấu của cô cân bằng giữa vẻ tinh tế, gợi cảm, quyến
rũ của sự hiện đại và cả những bóng ma, những nỗi ám ảnh luôn gợi
lên trong người đọc một đời sống đương đại đầy khắc nghiệt. Tôi đã

bị mê hoặc bởi những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống và cho rằng


9

bất cứ người nào muốn tìm hiểu về một Việt Nam ở thế kỷ 21 đều nên
đọc Di Li [76].
Còn Charles Waugh, nhà văn Mỹ và đồng thời là giáo sư văn học của
trường ĐH Utah bình luận: “Di Li đã bắt mạch được xã hội Việt Nam. Với một
nhận thức sắc bén về những truyền thống xưa cũ, các câu chuyện của cô đã phản
ánh một cách tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở một thế giới hiện tại bằng phong
cách viết điềm tĩnh, lạnh lùng, châm biếm và không kém phần hồi hộp” [76].
Còn trong những hướng nghiên cứu có tính hệ thống vấn đề, có thể chú ý đến
luận văn thạc sĩ: Yếu tố trinh thám và kinh dị trong sáng tác của Di Li - tác giả
Trần Thị Thuận (ĐH Quy Nhơn). Theo Trần Thị Thuận:
Truyện trinh thám, kinh dị của Di Li là một minh chứng cho nỗ
lực đổi mới về nghệ thuật tự sự. Mỗi câu chuyện không chỉ hấp dẫn ở
nội dung phản ánh hiện thực, mà còn lôi cuốn người đọc bởi cách xây
dựng cốt truyện trinh thám, nhuốm màu sắc kinh dị độc đáo… Không
dừng ở đó, một kết cấu mang nhiều yếu tố bất ngờ, chặt chẽ, lôgic
khiến truyện của tác giả luôn đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác cho
đến kết thúc [66, tr.105].
Như vậy, qua những bài báo cũng như những ý kiến của giới phê bình, có
thể tóm tắt như sau: có một số ý kiến nhận xét chung về Di Li, về tiểu thuyết
Trại hoa đỏ, nhìn chung là đánh giá cao; có một số ý kiến về bút ký Đảo thiên
đường, tạp văn Chuyện làng văn, Adam & Eva,… Riêng về mảng truyện ngắn có
một số ý kiến về nội dung, về kỹ thuật viết của Di Li. Đó là Di Li khai mở đề tài
trinh thám, kinh dị bị đứt đoạn ở Việt Nam từ trước 1945 đến nay. Di Li cũng có
công khai phá một vùng gần như bỏ trắng trong văn học hiện nay (hiện thực về
giới thượng lưu hiện đại ở Việt Nam). Cách viết truyện ngắn của cô sinh động,

tiết chế được từ ngữ, làm chủ được cảm xúc, lối văn không rườm rà, phù hợp với
cách đọc của thời đại mới. Nhưng trong khuôn khổ bài báo, bài phê bình đăng


10

báo, những nhận xét trên mới là bước đầu chung sơ. Dầu vậy, đó cũng là những
gợi ý sắc sảo giúp chúng tôi tiến hành đề tài Nghệ thuật truyện ngắn Di Li một
cách thuận lợi. Do đó, luận văn vừa tiếp thu ý kiến của những người đi trước,
vừa là một công trình chuyên biệt nghiên cứu nghệ thuật viết truyện ngắn của Di
Li. Hy vọng chúng tôi sẽ góp một cái nhìn để tiếp tục khẳng định tài năng của Di
Li trong mảng truyện ngắn.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Xuất phát từ yêu cầu của đề tài, chúng tôi có tham khảo gần như toàn bộ
sáng tác của Di Li, nhưng tập trung chủ yếu vào những tập truyện ngắn tiêu biểu
của cô như: Tầng thứ nhất (2007), Điệu Valse địa ngục (2007), 7 ngày trên sa mạc
(2009), Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (2010), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi
lạc đường (2010), Chiếc gương đồng (2010), San hô đỏ (2012).
Luận văn tập trung nghiên cứu nghệ thuật truyện ngắn của Di Li trên các
phương diện: Đề tài, cốt truyện, kết cấu, hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi sử dụng chủ yếu các phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu tác gia văn học: Chủ yếu là có được một cái nhìn
bao quát về đời tư, cá tính, quan điểm sáng tác,… của nhà văn để từ đó soi chiếu
vào trong tác phẩm.
- Phương pháp khảo sát thống kê phân loại: Nhằm khảo sát, thống kê và
phân loại tác phẩm, đưa ra các thông tin phục vụ cho nhu cầu khai thác nghệ thuật
truyện ngắn Di Li.
- Phương pháp phân tích tác phẩm: Nhằm phân tích, làm rõ các giá trị và
khái quát được nghệ thuật truyện ngắn Di Li.

- Phương pháp so sánh - đối chiếu: Nhằm tìm ra những nét mới mẻ, riêng
biệt về nghệ thuật truyện ngắn Di Li.


11

5. Đóng góp của luận văn
Đề tài góp phần tìm ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn
Di Li, hy vọng khẳng định vẻ đẹp văn chương Di Li trong trào lưu văn học hiện đại,
nhất là sự tiếp nối của cô về mạch ngầm truyện ngắn hiện nay.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung của luận văn được triển khai
thành ba chương:
Chương 1: Quan niệm văn chương và vị trí của Di Li trong văn học Việt Nam
đương đại
Chương 2: Hệ thống đề tài, cốt truyện, kết cấu trong truyện ngắn Di Li
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu trong truyện
ngắn Di Li


12

Chương 1
QUAN NIỆM VĂN CHƯƠNG VÀ VỊ TRÍ CỦA DI LI
TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Vài nét về Di Li
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh ngày 3/9/1978 tại Hà Nội.
Thuở nhỏ học tại trường PTTH Việt Đức, sau học đại học tại Trường ĐH
Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội), Cử nhân tiếng Đức và Cử nhân tiếng
Anh. Cô đã có bằng Thạc sĩ Quản lý giáo dục. Công việc hiện tại của cô từ

năm 2000 đến nay: giảng viên văn hóa Anh - Mỹ, trường Cao đẳng Thương
mại & Du lịch Hà Nội, giảng viên PR, trường ĐH Hoà Bình, Hà Nội, chuyên
viên tư vấn quảng cáo & PR, MC. Ngoài ra, cô còn tham gia viết văn, viết báo
và dịch thuật.
Tác phẩm:
- Truyện ngắn: Tầng thứ nhất (NXB Hội nhà văn - 2007), Điệu Valse địa
ngục (NXB Hội nhà văn - 2007), 7 ngày trên sa mạc (NXB Văn học - 2009),
Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng (NXB Văn học - 2010), Đôi khi tình yêu
vẫn hay đi lạc đường (NXB Phụ nữ - 2010), Chiếc gương đồng (NXB Phụ nữ
- 2010), San hô đỏ (NXB Văn học - 2012).
- Tiểu thuyết: Trại hoa đỏ (NXB Công an Nhân dân - 2009).
- Bút ký: Đảo thiên đường (NXB Công an Nhân dân - 2009).
- Hồi ký: Nhật ký mùa hạ (NXB Văn học - 2011).
- Ký sự chân dung: Chuyện làng văn (NXB Văn học - 2012).
- Tản văn: Cocktail thị thành (NXB Phụ nữ - 2011), Adam & Eva (2013).
- Sách chuyên ngành: Giáo trình Tiếng Anh chuyên ngành Thương mại (NXB
Hà Nội - 2007), Giáo trình Kỹ năng viết trong quan hệ công chúng (NXB
Dân trí - 2011), Tôi PR cho PR (NXB Văn hóa Thông tin - 2013).


13

- Truyện dịch sang tiếng Anh: The Black Diamond (NXB Thế giới - 2012)
- Truyện dịch: Người yêu dấu (Tiểu thuyết - Tác giả Sara Zarr, Mỹ) - 2008,
Người làm chứng (Tiểu thuyết - Tác giả Tami Hoag, Mỹ) - 2009, Giết người
đưa thư (Tiểu thuyết - Tác giả Tami Hoag, Mỹ) - 2009, Bóng đêm bao trùm
(Tập truyện ngắn thế giới) - 2009, Rừng Răng-Tay (Tiểu thuyết - Tác giả
Carrie Ryan, Mỹ) - 2010, Xác chết dưới nước (Tiểu thuyết - Tác giả Patricia
Cornwell, Mỹ) - 2012.
- Thể loại sáng tác chủ đạo: Trinh thám kinh dị và hài hước.

Giải thưởng và Danh dự:
- Giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc
và bình yên cuộc sống 2007 - 2010” do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà
văn tổ chức - tiểu thuyết Trại hoa đỏ.
- Giải Ba cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” do báo Kinh tế & Đô thị và Hội
Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức.
- Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2005-2006 Truyện ngắn Cocktail và Ma học trò.
- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 2010).
- Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội (từ 2011).
- Hội viên Hội Nhà văn Châu Á - Thái Bình Dương (từ 2012).
1.2. Quan niệm văn chương của Di Li
Tìm hiểu tầm vóc và đóng góp của một nhà văn đối với nền văn học
của một dân tộc, một thời đoạn lịch sử nào đó không thể không tìm hiểu quan
niệm nghệ thuật của họ, vì quan niệm nghệ thuật là phạm vi ý thức của văn
học, là “hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống” [53, tr.229]. Do đó,
tìm hiểu quan niệm văn chương của một nhà văn, thực chất là tìm hiểu sự
năng động, sáng tạo của họ trong việc phản ánh hiện thực, lý giải con người
bằng các phương tiện nghệ thuật phù hợp như thế nào, khả năng thâm nhập,


14

chiếm lĩnh đời sống của một hệ thống nghệ thuật ra sao. Nhìn chung, quan
niệm nghệ thuật như là cánh cửa dẫn dắt người đọc bước vào thế giới nghệ
thuật của họ. Từ việc xem xét những biểu hiện cụ thể như hiện thực được
phản ánh, hệ thống đề tài, nhân vật, cách xử lý các biến cố với nhân vật… ta
sẽ có một cái nhìn bao quát về chân dung tinh thần và chiều sâu tư tưởng nghệ
thuật của nhà văn, cho dù nó hiện diện trong ý thức của nhà văn một cách tự ý
thức hay vô thức. Mỗi nhà văn thực tài bao giờ cũng có một nhãn quan riêng
về thế giới. Với nữ nhà văn trẻ Di Li, quan niệm văn chương của cô bộc lộ

trên hai phương diện: từ những tác phẩm nghệ thuật và ở cả những lần được
phỏng vấn trực tiếp.
1.2.1. Gặp Di Li, ai cũng thấy đó là một phụ nữ trẻ trung, năng động,
đa tài. Cô là giảng viên đại học, làm báo, chuyên viên PR và là một dịch giả
tiếng Anh. Nhưng cô lại đam mê văn chương và cái tên Di Li đã trở thành
một thương hiệu sau năm 2010 (khi tiểu thuyết Trại hoa đỏ đoạt giải ba từ
cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ
Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn tổ chức).
Di Li xuất hiện trên làng văn lúc đầu với truyện ngắn Hoa mộc trắng
(2000). Theo sau là hàng loạt truyện ngắn khác lần lượt được đăng tải. Tất cả
những truyện đó được tập hợp và in trong tập Tầng thứ nhất (2007). Với dòng
cảm xúc dạt dào tuôn và sức trẻ bền bỉ, Di Li viết tiếp Điệu valse địa ngụcgồm 10 truyện ngắn sáng tác cùng năm. Rồi sau đó, trong vòng một thời gian
ngắn, cô tung ra làng văn 8 cuốn sách: Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường,
Cocktail thị thành, Tháp Babel trên đinh thác Ánh trăng, Chiếc gương đồng,
Nhật ký mùa hạ, Chuyện làng văn, San hô đỏ, The Black Diamond (tập truyện
ngắn được chính tác giả và các dịch giả khác phối hợp dịch sang tiếng Anh).
Nhìn vào số lượng đầu sách của cô, nhiều người hỏi tại sao Di Li lại
“ham viết” và “viết khỏe” như thế? Liệu Di Li có sống chết với nghề văn


15

không? Di Li đã trả lời:
Tôi vẫn cho rằng, sống được bằng nghề viết là sang trọng
nhất, đáng tự hào và hạnh phúc nhất. Tôi không phải người bất tài,
nhưng khi tôi cầm 50 triệu đồng từ nghề khác không sướng bằng
cầm 50 triệu đồng từ nhuận bút hay một cuốn sách. Đến giờ khi đã
ra nhiều sách, tôi vẫn không ngừng tham vọng để viết những cuốn
sách hay, để sống bằng nghề viết chứ không mơ giàu có. Bởi trên
thế giới này giàu có bằng nghề viết chỉ có vài người [20].

Có người phỏng vấn Di Li sao có thể viết nhiều và viết nhanh như thế?
Di Li chia sẻ rằng cô thích nhất là được đi là để viết. Và cô cũng hay đi, khi
thì đi bằng tiền công tác, có khi là tiền túi của mình. Đi để tích lũy vốn sống,
để nhả hạt, gieo mầm. “Những chuyến đi xa là cảm xúc vô tận và kỳ ảo. Khi
đắm chìm trong nó, tôi mới được thấy mình thực sự là mình” [47]. Cô đi
nhiều, và sau mỗi chuyến đi “lại có cái để mang về”. Dường như Di Li đi miệt
mài từ Đông sang Tây, từ Campuchia, Lào, Brunei, Singapore, Thái Lan,
Indonesia, Trung Quốc, Macau, Hong Kong, Hàn Quốc, đến Pháp, Đức, Thụy
Điển, Hà Lan, Nga, Phần Lan… Khi có dịp, cô bao giờ cũng sẵn sàng đi, sẵn
sàng xếp lại mọi thứ để lên đường.
Đi rất nhiều, nhưng điều khiến Di Li tự hào, có lẽ không phải là số
lượng những quốc gia cô từng đặt chân đến, mà là những gì cô đã tìm hiểu, đã
trải nghiệm được trên những chuyến đi ấy. Vậy nên, các truyện ngắn của cô
không lộ cái cảm giác "tôi đã đến đây" mà nó gây chú ý bởi sự thể hiện "tôi
đã hiểu gì về nơi đây". Di Li tâm sự, trước mỗi hành trình, cô đã tìm hiểu rất
kỹ, rất cụ thể nơi mà mình sẽ đến. Cô thậm chí còn hình dung trước về nó. Vì
thế đọc những truyện Viên kim cương đen, Vong hồn trên những cánh đồng
chết, 7 ngày trên sa mạc, Hai người trên hoang đảo…, độc giả luôn có cảm
giác bị dẫn dắt bởi một người vừa như là nhà báo, vừa như là một hướng dẫn


16

viên du lịch lành nghề, vừa như một thám tử. Bởi Di Li rất chịu khó quan sát,
rất chịu khó hỏi. Người ta thường nói, nhà văn sinh ra để quan sát còn nhà
báo sinh ra để hỏi. Ở Di Li kết hợp được cả hai yếu tố đó.
1.2.2. Tuổi đời còn trẻ mà Di Li có sự trải nghiệm cuộc sống khá nhiều.
Đọc Đảo thiên đường, dù chuyến đi ngắn ngày, tác giả vẫn có thể mang đến
cho người đọc một thiên bút ký tỉ mỉ, chi tiết và rất giàu thông tin: từ những
chuyện nhỏ nhặt như cách đi nhà ga, tàu điện; cách đối phó với thủ đoạn móc

túi… đến cái nhìn rất khái quát về những nơi cô đặt chân tới. Với khả năng tư
duy tổng hợp sắc sảo, Di Li đã nắm bắt được những nét gần như đặc sắc nhất
của những miền đất xa lạ. Cô viết về Thái Lan với điểm đến 3S: Sea (Tắm
biển), Shopping (Mua sắm) và Sex (Tình dục); Amsterdam với Tự do tình dục
và ma túy; Trung Quốc với nghệ thuật bán hàng lừa bịp và những chiêu chèo
kéo khách của người buôn bán… Xen giữa những quan sát rất sắc sảo, Di Li
đôi lúc khiến người đọc bật cười bởi những nhận xét hài hước: "Ở một đất
nước mà đạo Phật là quốc giáo nhưng có một điều mâu thuẫn, ấy là đi 10m lại
có một ngôi chùa nhưng cũng 10m lại có một cô gái làm nghề quán bar" [67]
(Điểm đến ba chữ S - Thái Lan) v.v… Nhưng khi đọc các tập truyện San hô
đỏ, Tầng thứ nhất, Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng, v.v.. thì người ta có
cảm giác trái ngược với Đảo thiên đường. Có vẻ như Di Li không tuân thủ
một chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt như lâu nay vẫn từng quan niệm. Có lẽ
cô là người khá năng động trong cách thể hiện hiện thực, và ở cô hình thành
một quan niệm nghệ thuật riêng. Hầu như các truyện ngắn của cây bút trẻ này
ít gắn với cái gọi là hiện thực - một hiện thực có thể nhìn thấy, có thể kiểm
tra, đối chiếu, so sánh theo nguyên tắc phản ánh đời sống như bản thân nó vốn
có của chủ nghĩa hiện thực. Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Di Li
cũng nói rằng cô không thích viết về những chuyện có thật trong đời sống, chỉ


17

thích viết những chuyện do mình nghĩ ra. Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng
trong bài viết “Khi Di Li xuất hiện”, đã nhận xét rằng:
Dường như khi viết Di Li chỉ tuân thủ một nguyên tắc duy
nhất- bịa đặt. Đọc truyện ngắn Di Li sẽ thấy cây bút trẻ này có một
sức tưởng tượng hết sức phong phú, mãnh liệt. Những câu chuyện
được Di Li kể nhiều khi mang màu sắc ma mị, huyễn hoặc, thường
là ly kỳ rắc rối. Nhiều người cho rằng Di Li giỏi bịa đặt, bản thân

tác giả cũng tự nhận mình không thích viết về những chuyện có
thực [64].
Như vậy, Di Li đã tạo ra một lối viết riêng, không nệ thực. Tuy vậy, khi
đọc những truyện Thám tử tư, Chiếc ấm nước đặt trên bếp ga, Pizza chiều thứ
sáu, Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, v.v. người ta lại thấy những câu
chuyện đó là cuộc đời. Chẳng hạn, trong Tầng thứ nhất, Di Li kể về cái chết
của một người làm nghề viết báo. Nhà báo này do viết không đúng sự thật,
khi bị ung thư chết, bị đày xuống tầng thứ nhất của địa ngục và bị trừng phạt
bằng cách bị xiên một cái que sắt ngang miệng cho hết tội nói láo. Tuy nhiên
do nhiễm thói quen nói láo khi còn hành nghề viết báo, anh ta dù ở địa ngục
vẫn tiếp tục nói láo. Và mỗi lần nói láo, cái que lại cựa quậy khiến anh ta đau
nhói. Chuyện “bịa” mà như thật vì Di Li đã phê phán thói quen thiếu trung
thực của con người nói chung và trong nghề làm báo nói riêng. Hoặc truyện
Pizza chiều thứ sáu, kể về một đôi trai gái yêu nhau. Họ trốn nhà để thuê
phòng trọ riêng. Chàng trai không muốn cô gái làm bếp hàng ngày như những
cô gái truyền thống (vì bận học hành, vì bận yêu đương, vì sợ cả nhếch nhác).
Họ thỏa thuận mua pizza ăn cả tuần (trừ thứ sáu). “Thật tuyệt vời, dán mắt
vào những bộ phim nóng bỏng và nghiến ngấu những chiếc bánh pizza là sở
thích của chàng và nàng. Họ xem phim không biết chán, ăn pizza không biết
chán và trao cho nhau những nụ hôn dài không dứt” [31, tr.71]. Nhưng rồi


18

chàng trai bắt đầu ngán rồi sợ pizza, thèm những bữa cơm mẹ nấu bình
thường. Hàng tuần chàng ngóng đến thứ 6 để khỏi phải ăn pizza. Rốt cuộc,
anh chàng phải chia tay với tình yêu vì không thể sống với pizza suốt cả tuần,
cả tháng. Có thể câu chuyện là không có thực trong cuộc đời, nhưng ý nghĩa
nhân sinh và bài học rút ra từ câu chuyện tình yêu cho giới trẻ thật sâu sắc. Và
bộc lộ quan niệm của Di Li: thích viết những điều tưởng tượng, nhưng thật ra

Di Li vẫn “hai tay chín móng bám vào đời”.
1.2.3. Trong gia tài văn chương của Di Li, mảng đề tài trinh thám kinh
dị là mảnh đất cô gặt hái được nhiều thành công nhất. Cô rất thích thú với thể
tài này. Có người hỏi cô có phải do cá tính thích phiêu lưu mạo hiểm đã thôi
thúc Di Li đi vào thể tài này hay không? Di Li đã trả lời: “Điều đầu tiên của
người viết là họ viết những điều họ thích nhất. Thực ra trong những công việc
khác thì người ta có thể làm những công việc mà người ta không thích, nhưng
trong nghệ thuật thì điều đầu tiên phải thích đã” [28]. Cô quan niệm: “Phẩm
chất lớn nhất mà nhà văn trinh thám cần có là trí tưởng tượng, vì nhà văn đâu
có bao giờ đi điều tra hay… gây án mạng. Và khi đã tưởng tượng mạnh rồi,
nhà văn lại phải tỉnh táo để không bao giờ bị rơi vào cái bẫy do chính mình tự
bày ra” [22]. Để xây dựng một truyện trinh thám thành công, theo Di Li:
“Khó nhất vẫn là đừng để bạn đọc đoán ra bất cứ điều gì cho đến trang cuối
cùng, sau khi họ đã đọc nghiến ngấu vài trăm trang sách” [79]. Tuy vậy, theo
Di Li tất cả những truyện mà cô viết ra không chỉ đơn thuần mang tính giải trí
giật gân mà nó còn bao hàm giá trị chân thiện mỹ, bởi chính cô cho rằng:
Điều cốt tử nhất là cần phải huy động tối đa trí tưởng tượng
của nhà văn. Nhưng, dù là tưởng tượng bay bổng đến đâu cũng
phải trên một nền tảng hiện thực vững chắc. Cái nền hiện thực ấy
là tổng hợp những gì nhà văn đã sống, đã trải nghiệm, đã chứng


19

kiến, đã nghe kể, đã đọc…, rồi liên tưởng. Chẳng có tưởng tượng
nào mà không bắt đầu từ chân trời hiện thực [63].
Không chỉ ở truyện trinh thám, kinh dị, khi viết những thể tài khác, cô
cũng không nghĩ văn chương là trò chơi vô tăm tích. Cô đã trả lời một phóng
viên rằng: “Khi viết, Di Li luôn đặt một câu hỏi là độc giả họ có muốn đọc
những điều này không? Việc này không chỉ chạy theo thị hiếu của độc giả mà

Di Li nghĩ rằng văn học nghệ thuật phải phục vụ số đông công chúng và đó là
một nhiệm vụ rất quan trọng của tác phẩm văn học và của người viết” [28].
Cho nên ở những truyện ngắn viết về tình yêu (Hai người trên hoang đảo;
Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường; Mối tình khoai tây,…), hay ở những
bài viết có tính phiến đàm in trong Adam & Eva ; Cocktail thị thành; Đảo
thiên đường,… Di Li không chỉ giúp độc giả hiểu thêm những vùng đất mới,
những phong tục tập quán mới, mà còn hài hước nhẹ nhàng về lối sống, về
văn hóa, về cá tính đàn ông, đàn bà, v.v… để trong đời sống người ta có
những ứng xử hay hơn, tốt hơn.
Như vậy, qua nhiều cuộc phỏng vấn của các nhà văn, nhà báo, quan
niệm viết văn của Di Li được thể hiện rõ ràng. Trong bối cảnh hiện nay, cái
lý thuyết văn học phản ánh hiện thực vẫn còn chiếm lĩnh tâm trí các nhà
văn Việt Nam khi cầm bút, thì quan niệm viết văn và những thành công của
Di Li ở các thể tài văn chương có thể xem là một sự khám phá trong sáng
tạo nghệ thuật.
1.3. Vị trí của Di Li trong văn học Việt Nam đương đại
Khi nói đến vị trí của một nhà văn trong tiến trình văn học dân tộc,
người ta thường xem xét nhà văn ấy đã đóng góp những gì cho một giai đoạn,
một chặng đường, một trào lưu, một phương pháp sáng tác của một dòng văn
học nào đó. Người ta thường làm một phép giả định: nếu không có nhà văn
đó, hoặc không có một tác phẩm nổi tiếng của ông ta (chẳng hạn không có


20

Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Tướng về hưu
của Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, v.v..), thì dòng
văn học ấy, giai đoạn văn học ấy có thiếu đi một cái gì rất quan trọng không?
Thế là vị trí, tầm vóc của nhà văn đó được xác định.
Theo chúng tôi, tiêu chí ấy quả là quan trọng. Nhiều khi một tiểu

thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ cũng đủ để cho một người thành danh.
Bên cạnh tiêu chí chất lượng tác phẩm là số một, cũng phải xét thêm tiêu chí
số lượng tác phẩm nữa. Trong lịch sử văn học Việt Nam cũng như thế giới,
không phải nhà văn nào cũng có khả năng sáng tác nhiều.
Ở Việt Nam, nếu xét về số lượng tác phẩm, Nguyễn Công Hoan được
mệnh danh là “nhà văn lực lưỡng”, Vũ Trọng Phụng là người có “văn nghiệp
đồ sộ”. Điều đó là hiếm hoi. Với Di Li, một nhà văn nữ trẻ tuổi, tuy chưa có
một văn nghiệp đồ sộ để sánh với các bậc tiền nhân, nhưng từ năm 2006 cô
trình làng Cocktail với Ma học trò, cho đến nay (trong vòng 8 năm) cô đã có
khoảng hơn 20 đầu sách với nhiều thể loại. Đó không phải là một tiêu chí xếp
hạng sao?
1.3.1. Nữ nhà văn xinh đẹp “đẻ dày”
Trong thời đại ngày nay, truyền thông đang tung hoành và soán ngôi
làng giải trí, độc giả của văn chương đang có phần ít đi, thì một tâm hồn còn
yêu văn và khả năng viết của một nhà văn là rất đáng nể trọng. Điều đó cũng
là một tiêu chuẩn đánh giá vị trí nhà văn ấy trên diễn đàn. Có một lần trên tờ
Thể thao văn hóa, đăng một ý kiến về Di Li. Đại khái một nhà văn nam đánh
giá: “Đẹp như Di Li không cần phải viết văn mà nên đi thi hoa hậu”. Nhưng
Di Li đã trả lời rằng cô chỉ mê viết văn và thậm chí còn đùa: “Nhiều người
bảo tôi viết như bổ củi, ra sách sòn sòn” [52].
Phải nói rằng Di Li có một sức viết đáng nể. Cô là một phụ nữ đẹp
hiếm có trong làng văn. Nhưng cuộc sống của Di Li có phần không giống như


21

những phụ nữ đẹp khác (đi làm công sở, hết giờ đi shopping mua sắm hoặc đi
spa chăm chút, giũa gọt tỉ mỉ cho vẻ đẹp của mình). Cô bận rộn với rất nhiều
công việc: giảng viên văn học, văn hóa Anh - Mỹ của trường Cao đẳng
Thương mại & Du lịch Hà Nội; giảng viên PR của Đại học Hòa Bình; viết

báo và dịch thuật, phiên dịch. Ngoài ra, cô còn là một chuyên viên tư vấn
trong lĩnh vực quảng cáo & PR. Công việc nhiều như thế, nhưng gặp Di Li,
người ta thấy cô là người biết cách ăn mặc, trang điểm, chăm sóc bản thân
chứ không đơn giản là có gương mặt đẹp. Khi cô xuất hiện trên chương trình
Gia đình Online, phát sóng trên kênh Style TV - VTVcab12 thì nhiều người
ngạc nhiên thấy cô chia sẻ những vấn đề rất phụ nữ, đặc biệt là vấn đề tiền
bạc và chi tiêu trong gia đình:
Việc quản lý tiền bạc để khỏi lạm chi thì chúng ta phải luôn
cân bằng giữa phần cứng và phần mềm. Phần cứng thường là
những phần không thể thay đổi, như tiền thực phẩm, tiền học cho
con, điện nước, chất đốt… Phần chi dùng cho giải trí, ngoại giao,
cá nhân là thuộc về phần mềm và là phần hay vượt chi nhất. Thông
thường, ở những gia đình có thu nhập tương đối tốt, 50% chi tiêu
cho phần cứng, 30% cho cá nhân, 20% dành cho tiết kiệm… Điều
quan trọng đối với chị em phụ nữ làm gì thì chúng ta vẫn phải tiết
kiệm. Buôn tàu buôn bè nhưng không bằng ăn dè hà tiện. Nếu
không có nghị lực kiểm soát bản thân, thì một chiếc túi hàng hiệu,
một cái váy có thể khiến bạn đốt toàn bộ chi tiêu cho cả gia đình
trong một tháng [69].
Nói như thế để thấy rằng Di Li có vẻ “chạy sô” với quá nhiều công việc
bên ngoài, nhưng cũng khá kỹ lưỡng với gia đình bé nhỏ của mình. Biết vậy
nên nhiều người băn khoăn cách chia thời gian như thế nào, cách sắp xếp
công việc phải ra sao để còn cô còn “đi” và “viết”? Cô nói nhiều người bảo


22

rằng cô viết văn “như bổ củi”, mà “củi” của cô là củi trầm, củi hương.
Nguyễn Văn Thọ đã nhận ra điều này và chia sẻ trên Văn nghệ Công an:
Khả năng viết của Di Li rất nhanh nhạy. Có năm tôi đặt cô

viết một truyện ngắn 2000 từ cho báo Tết. Chỉ sau vài ngày cô có
truyện gửi tới… Những truyện ngắn được viết theo“đơn đặt hàng”
như thế, Di Li có không ít, nó tức thời không chỉ cung cấp cho văn
đàn những nhu cầu truyện hay hiện tại, mà còn chứng tỏ cô phịa
rất nhanh và tài [65].
Bây giờ Di Li đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Cô còn có gia đình
với một con gái nhỏ. Hàng ngày cô bận bịu với bao nhiêu công việc: dạy học,
ra mắt sách, tổ chức họp báo, tổ chức sự kiện. Cô cũng không bỏ lỡ những cơ
hội cho tấm visa của mình phát huy tác dụng, để được “lạc nẻo thiên đường”.
Tuy thế, trong tám năm cô đã cho ra hơn 20 đầu sách với nhiều thể loại:
truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, bút ký, hồi ký, sách chuyên ngành, truyện
dịch xuôi, dịch ngược. Gần đây nhất, cô ra mắt cuốn Tôi PR cho PR, một lĩnh
vực ngoài văn chương. Trong buổi ra mắt của cuốn sách này tại Hà Nội, lý
giải thêm về sự ngạc nhiên của mình, Trung tướng nhà văn Hữu Ước cho
rằng, Di Li là một nhà văn nữ xinh đẹp, giỏi nhiều ngoại ngữ, lại đi giảng dạy,
lại viết được nhiều tác phẩm dưới nhiều thể loại, kể cả trinh thám, thế là quá
đủ, cần gì phải sang cả lĩnh vực viết về quan hệ công chúng, một lĩnh vực còn
là rừng rậm hiện nay.
Nói về khả năng viết của cô, người ta đã mệnh danh bằng một cụm từ ưu ái
và cũng rất xác đáng: “Nữ nhà văn xinh đẹp đẻ dày”. Trong thời đại số hóa hiện
nay, khi nhiều người không mặn mà lắm với văn chương, khi truyền hình và
Internet đã soán ngôi “bá chủ” làng giải trí, thì say mê viết văn như Di Li là điều
quý hiếm. Khoan hãy nói đến “quý hồ tinh” mà chỉ “quý hồ đa” cũng là tốt rồi.


23

Mai này Di Li có tiếp tục viết nữa không? Bùi Việt Thắng trên tờ Văn
nghệ Trẻ đã viết về điều đó:
Đoán định đường đi nước bước của một cây bút trẻ là chuyện

không hoàn toàn dễ dàng. Là bởi trong thời hiện đại, quan niệm về
văn chương đã không như trước nữa. Có người coi văn chương chỉ
là một cuộc chơi, hay chỉ là một trò chơi vô tăm tích. Lại có người,
vì nhiều lý do, giữa đường đứt gánh, rẽ sang lối khác và chỉ nghĩ
đến văn chương như một thời vang bóng. Không ai dám quả quyết
rằng Di Li sẽ đi trọn con đường văn chương của mình mãi mãi, cho
đến tận cùng. Đường đi nước bước của một nhà văn, có lẽ chỉ có
người ấy biết rõ mà thôi. Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, Di
Li đã viết, đang viết và sẽ viết [64].
1.3.2. Những cuốn sách best-seller
Lịch sử văn học thế giới và Việt Nam thỉnh thoảng có những nhà văn
kiệt xuất và có những tác phẩm “bom tấn” làm rung chuyển đời sống văn học.
Văn học Việt Nam đã có tác phẩm mở đầu cho một trào lưu văn học, đã tái
bản đến 1003 lần (trường hợp Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng). Đó cũng là
một tiêu chí đánh giá vị trí của một nhà văn, một tác phẩm trong tiến trình văn
học dân tộc. Tuy nhiên cũng phải thấy một điều này: có những tác phẩm sống
đến muôn đời vì nó nói được nhu cầu căn bản nhất của con người ở mọi thời
đại (Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chiến tranh và hòa bình của Lep Tonxtoi,
v.v…) Song, cũng có những tác phẩm được một lớp công chúng nào đó ái
mộ, vì nó phù hợp và kích hoạt được thị hiếu thời đại. Khi thời đại đó qua đi,
thị hiếu đó không còn, tác phẩm đó cũng làm xong nhiệm vụ lịch sử của nó.
Tác phẩm của Di Li chưa phải là “bom tấn”, nhưng quả thật tám năm
nay, các nhà sách trên thị trường luôn “cháy sách” của cô. Di Li bắt đầu “thử
bút” với Hoa mộc trắng đăng báo năm 2000. Một câu chuyện tình nhẹ nhàng,


24

xa xôi, lãng mạn chưa có gì ấn tượng với độc giả. Nhưng trong câu chuyện
đầu tiên này, lối viết của Di Li đã thoáng chút hư thực, có sắc màu liêu trai,

như là dự cảm một lối viết mới. Sự nghiệp của cô thực sự “lên hương” từ
2006 với hai truyện ngắn Cocktail và Ma học trò, đoạt giải Ba cuộc thi truyện
ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Những truyện ngắn này góp thêm
cho văn đàn một giọng văn mới đầy chất ma mị, thể hiện rõ sở trường của Di
Li là viết truyện trinh thám, kinh dị và chuyện hài hước. Do đó những cuốn
sách best-seller của cô hầu hết thuộc thể tài này.
Năm 2007, Di Li cho xuất bản 2 tập truyện ngắn Tầng thứ nhất và
Điệu Valse địa ngục do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Hai tập sách
này làm xôn xao bạn đọc và cộng đồng mạng. Hai tập gồm 26 truyện,
trong đó có 10 truyện ma quái, kinh dị. Di Li mới mẻ và hấp dẫn bạn đọc
ở những truyện này: Hoa mộc trắng, Ma học trò, Bức tranh và ngôi nhà
cổ, Bộ tóc giả, Bến cuối, Điệu Valse địa ngục, Vong hồn trên những
cánh đồng chết”. Những câu chuyện hơi hướng kinh dị này diễn ra trong
những bối cảnh hết sức ngẫu nhiên (những thứ ngẫu nhiên luôn là cái cớ
tốt nhất để tác giả dẫn dắt câu chuyện). Từ một câu chuyện cái xác bị
“giam cầm” chục năm trong hầm của một căn nhà ở khu phố cổ không
được đem chôn được phát hiện khi một người có trong tay bức tranh vẽ
phố cổ đó luôn được trả giá cao nhưng tất cả những ai có ý định mua nó
đều bị chết (Bức tranh và ngôi nhà cổ),… cho đến câu chuyện đầy ma
quái khi một phóng viên nước ngoài muốn tự mình sang Campuchia
không qua con đường chính ngạch mà muốn đi bằng cách vượt biên trái
phép với hy vọng thấu thị được những điều mình muốn. Không ngờ cuộc
phiêu lưu này đầy mạo hiểm và luôn có khả năng bị đe dọa giết chóc, thủ tiêu.
Anh ta thoát chết nhưng được chứng kiến một sự thật khủng khiếp: hàng vạn
người đã chết trong một cuộc chiến tranh do Khơ me đỏ gây ra trước đó


25

(Vong hồn trên những cánh đồng chết), v.v. Đó là những truyện ngắn được

xem là hay nhất và mới nhất của Di Li vào thời điểm bấy giờ. Và quả thực,
những truyện trong sách này làm người đọc bị cuốn hút bởi một lối viết khá
mới mẻ mang đậm chất huyền hoặc, thậm chí là ma quái.
Di Li thật sự nổi đình đám với cuốn tiểu thuyết Trại hoa đỏ (2009).
Một cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị với hương khí mới, tốc độ mới của
thời hiện đại. Cuốn sách được vinh danh giải Ba trong cuộc thi tiểu thuyết
2007 - 2010 do Bộ Công an và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức. Sau khi xuất
hiện, với 35 chương, người ta thấy:
Đây là một cuộc làm mới đầy hứng khởi và nhiệt tâm của tác
giả, nhất định chọn lối viết "kinh dị", khiến người đọc bị thôi thúc
vì tò mò, bị lạc lối vào mê lộ. Độc giả được cuốn vào cuộc thường
ngoạn: luôn phải mong ngóng, đón đợi, luôn phải hồi hộp nghiệm
sinh hy vọng và tuyệt vọng. Thất bại của độc giả khi không đoán
được kết cuộc đã chính là thành công của cuốn tiểu thuyết mang
màu hoa đỏ rực này [68].
Hội Nhà văn đã mở cuộc tọa đàm về cuốn tiểu thuyết gây sự chú ý ấy,
và nhiều người đã có ý kiến rất sâu sắc: “Trinh thám đòi hỏi bản lĩnh và sự
tính toán chi li, người không bản lĩnh chỉ lừa độc giả được vài quãng. Di Li
lừa được độc giả cho đến khi kết thúc. Nói theo một hình tượng trong tác
phẩm, Di Li là người giỏi chơi ma trận và đã chơi thắng” (Trần Thanh Hà)
[68].
Không thể bỏ cuốn sách xuống khi chưa đọc xong. Lôi cuốn từ
tình tiết đến cách dẫn dắt trong một bố cục chặt, điều này chỉ
những người có đẳng cấp viết truyện tưởng tượng mới làm nổi. Có
lẽ đây là cuốn sách đầu tiên về thể loại này với người viết là nữ ở
Việt Nam. Một ưu điểm nữa, đó là người viết có vẻ như giấu được


×