GIÁO SƯ LÊ KHÁNH BẰNG VỚI PHƯƠNG PHÁP HỌC NGOẠI NGỮ BẰNG
“THIỀN”
(trích báo Giáo Dục và Thời Đại)
GS nhà giáo Lê Khánh Bằng được nhiều người biết không chỉ là nhà phương pháp trong
giáo dục học mà còn biết đến bởi sự uyên bác vì ông có thể giảng bài bằng 6 thứ tiếng khác
nhau: Anh, Pháp, La Tinh, Nga, Trung Quốc, Bồ Đào Nha. Điều đáng nói là 6 thứ tiếng
này phần lớn do GS tự học. Có được vốn ngoại ngữ nhiều như vậy chính là nhờ biết cách
học có phương pháp. Vậy những phương pháp đó là gì? Thiền – đây là một phương pháp
dưỡng sinh cổ điển của Ấn Độ, đặc trưng bởi “tập trung tư tưởng” khong cho tạp niệm xen
vào trong quá trình học. Thiền ở đây chỉ được sử dụng ở phương diện là một phương pháp
để phát huy năng lực của người học.
“THIỀN” là gì? “Thiền” là một quá trình tu luyện gồm những biện pháp thể dục tâm lý,
từ gốc là Yoga, được một trường phái phật giáo Trung Quốc kết hợp với phương pháp của
đạo lão áp dụng sau đó truyền sang Việt Nam, Nhật Bản và ngày nay cũng được một số
người Châu Mỹ vận dụng. Khi thiền ta phải ổn định hoạt động tâm thể bằng điều hoà hơi
thở, trên cơ sở ấy, tập trung ý nghĩ vào những bộ phận nào đó của cơ thể, hoặc những giáo
lý cơ bản, những vấn đề mình quan tâm. Khi thiền con người phải hết sức tập trung, làm
cho các kích thích bên ngoài không xen vào được, toàn tâm tập trung vào một ý. Đây là
một kỹ thuật điều khiển tinh thần, giúp con người sử dụng bộ não triệt để, động viên được
những năng lực tiềm ẩn. Có thể về mặt cơ chế, thiền là tập trung tư tưởng cao độ vào một
vấn đề hay một công việc nhất định.
Thiền có thể quy ước phân làm 2 loại: thiền tĩnh và thiền động.
Tĩnh là ngồi yên (có thể nhắm mắt hay mở mắt), tập trung suy nghĩ vào hơi thở (thở sâu,
êm, nhẹ) hoặc vào một vấn đề nào đó (bài học).
Động là tập trung suy nghĩ vào một vấn đề nào đó (một chủ đề, một công việc), đồng
thời có thể dùng các động tác để thể hiện vấn đề đó, như viết, nói, cử động chân tay.
VẬN DỤNG THIỀN ĐỂ TẠO NÊN MỘT VÙNG NGOẠI NGỮ TRONG VỎ NÃO
Đối với học ngoại ngữ, thiền có tác dụng góp phần tạo nên một vùng ngoại ngữ trong vỏ
não. Có thể áp dụng theo công thức 5 bước chuyển vào trong và 5 bước chuyển ra ngoài
5 bước chuyển vào trong như sau:
Bước 1: Sau khi thư giãn và tập trung tư tưởng cao độ, học viên đọc thật to (đúng trọng
âm và ngữ điệu) để tạo nên một khu vực hưng phấn mạnh trong vỏ não và nhằm góp phần
ức chế vùng tiếng mẹ đẻ. Có thể đọc to như vậy 3 đến 5 lần hoặc hơn càng tốt. Lúc này cần
đọc to và đúng chứ chưa cần đọc nhanh.
Bước 2: Đọc to vừa, đúng ngữ điệu, tốc độ có thể nhanh dần lên. Đọc như vậy 3 đến 5
lần hoặc hơn.
Bước 3: Đọc mấp máy môi có âm thanh và ngữ điệu vang lên nho nhỏ. Đọc 3 đến 5 lần,
tốc độ nhanh nhất có thể được. Làm như vậy để cho khu vực hưng phấn mạnh, nhưng rất
khuyếch tán lúc ban đầu nay tập trung dần lại.
Bước 4: Đọc trong óc, còn gọi là đọc liếc hay đọc thầm. Lúc này môi không mấp máy,
âm thanh không phát ra, nhưng người đọc vẫn phải cảm thấy âm thanh và ngữ điệu vang
lên trong óc. Đọc như thế nhiều lần, có thể từ 10 đến 100 lần, cho đến khi thuộc lòng hẳn,
tốc độ ngày càng nâng lên.
Bước 5: Bước quan trọng và quyết định nhất. Đọc thuộc lòng trong óc nhiều lần để hằn
sâu vào trong vỏ não, để đặt được một viên gạch vào vùng ngoại ngữ mới xây dựng. Bước
này có thể tiến hành theo trình tự, nhẩm đọc trong óc, lúc đầu từ từ sau đó tăng dần lên đến
mức nhanh nhất có thể được (ví dụ một bài khoá khoảng 130 từ: 15 – 30 giây), nếu chưa
đạt được tốc độ như thế phải luyện tập tiếp.
5 bước chuyển ra ngoài gồm:
Bước 1: Đọc trong óc.
Bước 2: Đọc mấp máy môi.
Bước 3: Đọc to vừa, tốc độ nhanh và rất nhanh.
Bước 4: Đọc thật to đúng trọng âm, đúng ngữ điệu với tốc độ nhanh nhất có thể được,
nhưng không được sai sót.
Bước 5: Tập trung tư tưởng cao độ, vừa đọc thầm, vừa viết ra giấy với tốc độ nhanh
nhất
Khi đã có vùng ngoại ngữ trong đầu, người học có thể duy trì nó và dễ dàng tiếp nhận
thêm những ngoại ngữ khác. Khái quát lại như GS Bằng nói: “đột phá một điểm, khai
thông toàn diện. Với phương pháp này không chỉ giúp chúng ta vận dụng vào dạy và học
ngoại ngữ mà còn học tốt các môn khoa học khác”.
HỌC - MỘT KHÁI NIỆM “TỰ HỢP ĐỒNG”
VÀ “RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SUY NGHĨ BẰNG NGOẠI NGỮ”
Cũng theo GS Lê Khánh Bằng, đối với việc dạy và học hiện nay phải thống nhất một
khái niệm: thày với trò là bạn, người học được xem là trung tâm và học theo cách tự hợp
đồng. Đây là sự giao ước của chính bản thân người học. Hợp đồng dài hạn thì tuân thủ
theo đúng bản thiết kế của quá trình tự học. Hợp đồng ngắn hạn tuân thủ đúng các mục tiêu
đề ra như thuộc bài khoá trong bao lâu, tốc độ đạt được… Người học phải tự nhắc nhở
mình, tự kiểm tra và đánh giá. Ở đây thày giáo chỉ đóng vai trò người hướng dẫn còn về
phương pháp lĩnh hội và tạo điều kiện hiệu quả là do người học quyết định. Chính vì thế,
không ít người đặt câu hỏi: Tại sao mình học ngoại ngữ rất chăm chỉ miệt mài trong 2, 3
năm mà kết quả không cao? Phải chăng học ngoại ngữ được phải có năng khiếu? Thực ra
không hoàn toàn như vậy. Mấu chốt của vấn đề là học phải có phương pháp, không chỉ
riêng việc học ngoại ngữ mà cả các môn khác. Nếu có phương pháp đúng sẽ giúp người
học nhận thức nhanh hơn và nhớ lâu hơn. Với học ngoại ngữ, trước hết người học phải có
khả năng suy nghĩ bằng ngoại ngữ. Suy nghĩ bằng ngoại ngữ là năng lực hình dung được
ngoại ngữ đó trong đầu mà không phải trải qua giai đoạn lịch sử tiếng mẹ đẻ. Không có
khả năng này, người học khi học phải chuyển từ tiếng nước ngoài sang tiếng mẹ đẻ mới
hiểu (nghe), rồi mới có thể trả lời bằng tiếng mẹ đẻ, sau lại dịch ra tiếng nước ngoài để trả
lời. Việc đó vừa chậm vừa làm giảm khả năng sử dụng ngoại ngữ như một công cụ giao
tiếp. GS Lê Khánh Bằng đã khái quát hoá quá trình học ngoại ngữ bằng một sơ đồ công
thức: 3T, 5B, 5C, 2H, 3V. (3T là thiền, tần số và tốc độ; 5B là 5 bước chuyển vào trong và
ngược lại; 5C là 5 chỉ tiêu của chất lượng học ngoại ngữ: nghe, nói, đọc, viết, suy nghĩ
bằng ngoại ngữ; 2H là 2 chỉ tiêu của hiệu quả; 3V là 3 vùng ngoại ngữ: tối thiểu, cơ bản và
chuyên ngành). Để biến tất cả những yêu cầu phương pháp thành hiện thực thì quá trình tự
học vẫn là then chốt của thành công