Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

lời đề từ của những người khốn khổ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (70.94 KB, 5 trang )

Tên : Phan Kiều Cát Như
Lớp : 11 Văn
Điểm

Lời phê

Năm 1832, nước Pháp có nhiều biến động chính trị trong gia đoạn Bourbon phục hoàng. Lúc này
Paris sớm đã là một nơi gió cuốn mây trào, phong ba dấy lên tứ phía, khói lửa lịch sử hun ám. Trong cái
bầu không khí hỗn loạn này, có những con người siêu quần xuất chúng đứng giữa trời đất đấu tranh cho
tự do, cho một nền thái bình thịnh thế. Nhưng bên cạnh đó vẫn luôn có những kẻ lợi dụng sự hỗn loạn
của thời đại mà ra sức trục lợi cho bản thân, lại có những người cùng cực bị chèn ép chà đạp đến mức
không thể hít thở. Lấy bối cảnh là Paris năm 1832, tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo đã
làm sống lại một Paris hỗn loạn, nhiều mâu thuẫn và biến động, bao quát nhiều vấn đề xã hội từ chính
trị, tín ngưỡng, xã hội. Khi viết lời đề từ cho tác phẩm của mình, Hugo viết : “Khi pháp luật và phong
hóa còn đầy đọa con người, còn dựng nên những địa ngục ở xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh
nhân tạo chồng thêm thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao
động , sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở
một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất dốt nát và
đói khổ còn tồn tại thì những quyển sách loại này còn có thể có ích”.
Cuộc đời Victor Hugo nằm trong thời kì bão táp của nước Pháp và cả châu Âu. Ông là một nhà
văn tin tưởng vào Chúa toàn năng và suốt đời đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ, tự do, chính nghĩa.
Nhân vật của ông thường có tâm hồn cao thượng, có tấm lòng hy sinh. Trong sự nghiệp văn chương của
mình, tác phẩm “Những người khốn khổ” là tác phẩm lớn nhất trong. Tác giả lên ý tưởng và viết trong
vòng 30 năm. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết này, Victor Hugo đã nói “Tác phẩm này là một trái núi”.
“Một trái núi” khổng lồ không chỉ vì độ dài câu chữ, nhiều vấn đề xã hội, mà còn ca ngợi tự do, nhân
tính, chống lại cường quyền, ngập tràn ánh sáng tư tưởng nhân đạo. Đó là một tiểu thuyết hiện đại, một
thiên anh hùng ca văn xuôi và đồng thời, một bài ca về tình yêu.
Nhìn thẳng vào những vấn đề của xã hội, Victor Hugo chỉ ra rằng “ Phong hóa và pháp luật còn
đầy đọa con người, còn dựng nên những địa ngục ở xã hội văn minh”. Pháp luật vốn là thứ được lập ra
với mục đích bảo vệ chính nghĩa, mang lại công lý cho nhân dân. Nhưng trong thời đại nhiễu nhương
này, những kẻ nắm được pháp luật lại sử dụng chúng như một công cụ đi gieo rắc tai ương và đau khổ


cho kẻ yếu. Pháp luật và tình người vốn dĩ phải cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh cho nhân loại.
Thế nhưng, trong một xã hội tư sản nơi quyền lực và kim tiền nắm vị trí tối cao, tình người và pháp luật
lại mâu thuẫn với nhau gây nên bao tai ương và bất hạnh. Javert tự cho mình là kẻ chấp hành luật pháp


và bảo vệ công lý, nhưng trong mắt người khác hắn chỉ là một tên ác quỷ . Javert đã gây nên bao nỗi
kinh hoàng, bao nhiêu đau khổ cho kẻ khác, chỉ vì niềm tin sắt đá vào thứ công lý mà hắn bảo vệ. Người
ta bảo hắn không có nhân tính, quả thật không phải không đúng. Javert chấp pháp nghiêm khác và tàn
bạo trong lúc thực thi những bản án, nhưng hầu hết những chuyện nhân vật này làm đều không phải cho
mình. Khiến cho người ta sợ hãi, hận thấu xương nhưng không thể phủ nhận, những việc hắn làm đa số
vì hắn tin vào thứ công lý đó sẽ mang lại lợi ích cho con người, không phải không có chính khí. Chúng
ta cần quy tắc và luật lệ để khống chế ác tâm con người, nhưng không phải thứ luật pháp đày đọa, mang
thêm tai ương cho cuộc đời vốn đã nghiệt ngã của những kẻ yếu đuối. Không chỉ Jean Vanjean, Fantine,
… mới bị cái vòng xiềng xích ấy giam cầm hành hạ, cả Javert cũng không thoát khỏi bi kịch đó. Đứng
đầu thế giới này là thiện, nhân tính là thiện, pháp luật cũng là thiện, Javert dùng cả cuộc đời để bảo vệ và
thực thi pháp luật, nhưng cuối cùng lại mắc vào vòng tròn lẩn quẩn giữa nhân tính và luật pháp. Lao
mình xuống dòng nước xiết, Javert kết thúc cuộc sống của mình bằng “những cơn đau kỳ lạ của một
lương tâm bất thình lình được giải phẫu để gỡ bỏ lớp màn đục che khuất”. “Lớp màn đục che khuất”đó
chính là thứ công lý khắt khe tàn nhẫn ngăn trở ánh sáng nhân văn khai sáng nhân sinh quan của hắn. –
Cũng là thứ luật lệ biến người thực thi pháp luật thành nô lệ, biến những người cùng khổ lương thiện trở
thành nạn nhân bị truy đuổi.
Bên cạnh pháp luật hà khắc, con người còn bị đày đọa bởi “phong hóa.” “Phong” trong ngăn
cấm, người Trung Hoa nói “cổ trí tự phong” với ý chê bai những kẻ tự vây hãm mình trong những cái
cũ, những quan niệm, định kiến lạc hậu. Bởi những định kiến xã hội, những suy nghĩ lâu đời, những
hành động sớm đã thành thói quen, theo một nghĩa tiêu cực nhất, đã tạo thành “phong hóa” giam cầm
đôi cánh con người không cho họ thoát khỏi vũng lầy của số mệnh. Giữa cái bầu không khí hỗn tạp này,
Jean Vanjean, Fantine, Cosette… là những đóa hoa, giọt sương thuần khiết nhất, nhưng lại quá mong
manh, bị thứ phong hóa ấy ép phải tan biến. Jean Vanjean hoàn lương, không ngừng nỗ lực xây dựng thị
trấn của mình, cưu mang Fantine, làm bao nhiêu việc thiện, nhưng không chống lại nổi quá khứ tù tội.
Khi Jean đổi tên thành Madeline, ông là một thị trưởng nổi tiếng, nhận được sự tôn trọng từ xã hội,

nhưng với cái tên thật Jean Vanjean, ông chỉ là một tên tù khổ sai bị cả xã hội khinh miệt ghê tởm. Cùng
là một con người, nhưng xã hội không chấp nhận những lỗi lầm của quá khứ, đó không phải là lỗi của
Jean, đó là tác phẩm của những định kiến hà khắc. Fantine vì tình mẫu tử phải bán răng, bán tóc, bán đi
danh dự và nhân phẩm, bị xã hội chà đạp không thương tiếc. Những định kiến xã hội đã biến thành một
cơn gió xoáy tàn khốc giày xéo những cánh hoa thuần khiết nhất. Sức mạnh của chúng quá lớn, tạo nên
những câu chuyện bất hạnh, số phận thê lương, mà bản thân con người lại không thể làm gì để chống lại,
chỉ có thể mặc cho phong hóa đày đọa, đến khi chuyện đã qua thì không còn dấu tích để truy tìm. Dưới
ánh mặt trời rực rỡ nhất, hoàn mỹ nhất cũng hay xảy ra những chuyện xấu xa nhất, đáng sợ nhất.
Sự chi phối của pháp luật và phong hóa đã làm thay đổi vận mệnh con người. Đều nói mỗi người
đến với thế gian đều mang theo một số mệnh được viết sẵn. Thế nhưng trước sau tôi vẫn tin rằng con
người có thể thay đổi vận mệnh, một người nếu muốn thay đổi vận mệnh của mình, chỉ có thể tự lực
cánh sinh. Mọi nỗ lực của Jean Vanjean, Fantine đều trở thành vô nghĩa khi pháp luật và phong hóa
nhúng tay vào số mệnh của họ, “đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh”. Dưới
bàn tay của chúng, hoặc nói đúng hơn là dưới sự điều khiển của những kẻ ban hành pháp luật và lợi


dụng phong hóa, những kẻ nắm quyền lực, tất cả phấn đấu của kẻ yếu, số mệnh của họ đều là một trò
đùa. Xã hội vô tình, trời đất bất nhân, mỗi cuộc đời đều bị xem như cỏ rác. Con người chưa bao giờ có
thể chống lại thế lực đen tối đó, chỉ có thể bất lực chiều theo sự tàn nhẫn của nó. Trong một nơi gọi là
“xã hội văn minh”, lại có những số phận như vậy, những nỗi thống khổ như vậy, thực sự vốn không có
cái gọi là chính nghĩa, vốn dĩ trong cái xã hội mà tư sản tàn bạo nắm quyền, mỗi người đều đang sống
trong một địa ngục trần gian.
Trong chốn địa ngục đó, tác giả chỉ ra ba vấn đề lớn : “ sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao
động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm”, hay nói một cách bao quát,
hàm súc hơn, đó là vấn đề “ đói khổ và dốt nát”. Jean Vanjean vì lo cho những đứa cháu đang đói mà
đánh liều đi cướp bánh mì. Chính những chiếc bánh mì ấy lại biến thành một khúc ngoặt nghiệt ngã cho
cuộc đời của Jean, là chín năm tù tội, là vòng tròn tội lỗi,là bi kịch quẩn quanh không lối thoát. Còn
Fantine vì yêu con, vì nợ nần mà dần mất đi tất cả, rồi tự nhủ “đành bán nốt vậy”, và cuối cùng trở thành
một cô gái điếm bị bọn quý tộc giày vò, bị xã hội đày đọa. Con của nàng, Cosette ban đầu đẹp như một
tiên đồng, nhưng từ khi rời khỏi vòng tay mẹ đi ở cho nhà Thenardier, cô bé “chịu đựng lắm bất công

nên con bé hoá ra cảu nhảu, đói khổ quá nó hoá ra xấu xí...”, “con bé không lớn hơn con chim, run lẩy
bẩy, lúc nào cũng sợ sệt, giật mình...”. Nghèo đói, dốt nát đã giam hãm họ trong một chiếc lồng sắt, đó
là khởi nguồn cho tất cả những bi kịch mà họ phải đối mặt. Thực chất, đói nghèo không đáng sợ, điều
đáng sợ là bóng tối của nó sẽ lấp đi tất cả ánh sáng nhân tính của con người. Trong cái bóng tối của
nghèo đói, con người thường mất đi phương hướng, đi lầm đường và tạo ra những tai ương của vận
mệnh. Không chỉ nước Pháp, không chỉ Paris 1832, mà cả thế giới, có nơi nào không tồn tại đói nghèo
hay sao? Người ta vẫn chưa thể hoàn toàn xóa đi nghèo đói, mà chỉ tạm thời khống chế bóng tối của nó
đến mức thấp nhất, nhưng những bi kịch mà đói nghèo gây ra vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nghèo đói,
dốt nát, đó quả thực là những kẻ thù đáng sợ nhất của con người.
Tác phẩm chỉ ra những vấn đề lớn của xã hội Pháp đương thời : sự bất công của luật pháp, sự
khắc nghiệt của phong hóa, sự tối tăm của dốt nát và nghèo đói, chúng đang đồng thời hoành hành trên
một nơi mà người ta gọi là “xã hội văn minh”. Đặt tên tác phẩm là “Những người khốn khổ”, Victor
Hugo sử dụng những mảnh đời bất hạnh để đòi lại nhân quyền cho những người cùng cực, lên án một xã
hội bất nhân. Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết đều có bi kịch riêng : Javert mắc kẹt giữa sự lựa chọn bảo
vệ công lý hay tin vào nhân tính, Jean Vanjean đấu tranh cả đời nhưng không thoát được quá khứ,
Fantine, Cosette… vì nghèo đói mà đối mặt bao nhiêu bão táp, ngay cả những kẻ nắm quyền, những
nhân vật phản diện, đều bị dục vọng của mình hành hạ : dục vọng kim tiền, dục vọng quyền lực, dục
vọng hư vinh, … tất cả tai họa và khổ nạn của nhân loại chẳng phải đều bắt nguồn từ những dục vọng
đó? Trong cuốn tiểu thuyết này, tất cả nhân vật đều chỉ là “những người khốn khổ” đang giãy dụa trong
vũng lầy của vận mệnh.
Không chỉ dừng lại ở việc lên án phong hóa, pháp luật; gióng lên một hồi chuông cảnh báo về
vấn đề đói nghèo và tăm tối, Victor Hugo còn hy vọng nơi đâu những vấn đề đó còn tồn tại, tác phẩm
của ông vẫn còn có thể “có ích”. “Những người khốn khổ” là một bài thánh ca về tình yêu, ngập tràn ánh
sáng của niềm tin vào sự thiện lương trong nhân tính con người. Hugo tạo ra nhân vật tu sĩ Myriel, với
lòng từ bi của Chúa, đã cứu rỗi tâm hồn của Jean Vanjean trong thời khắc tăm tối nhất của cuộc đời. Ở


một khía cạnh nào đó, vị tu sĩ này có lẽ chính là hóa thân của Chúa toàn năng đi siêu độ cứu thoát con
người giữa thế sự hỗn tạp. Còn Jean Vanjean sau khi được cứu rỗi, đã hoàn lương và làm nhiều việc
thiện mong chuộc lại lỗi lầm của mình khi xưa. Fantine dù phải bán đi danh dự, nhân phẩm, thân xác

của bản thân, nhưng vẫn vẹn nguyên là một người mẹ với tình yêu con vô bờ bến, mang tấm lòng của
Đức Mẹ. Cosette phải lăn lộn trong cái xã hội bất nhân đó từ rất nhỏ, nhưng vẫn mạnh mẽ sống tiếp, đẹp
như một loài hoa dại. Trong một xã hội tàn nhẫn đến đáng sợ đó, không cần viên mãn, chỉ cần không
thẹn với lòng.Vận mệnh, pháp luật, phong hóa dồn họ vào đường cùng nhưng họ vẫn giữ lại được nhân
tính của bản thân. Trong một sát na sinh tử tồn vong, cái tâm đạo đức tiềm ẩn tận đáy lòng đột nhiên
chiến thắng dục vọng ích kỷ. Tác phẩm bên cạnh việc hướng thiện con người, còn thể hiện tính nhân đạo
của tác giả, cuối cùng những con người lương thiện khi nếm đủ mọi tai ương đã có một kết thúc có hậu.
Ngay cả với Javert, sau bao nhiêu điều tàn bạo mà hắn đã làm, cuối cùng Hugo đã cho hắn một sự giải
thoát, dù là giải thoát bằng cái chết. Kết thúc tác phẩm không thể nói là hoàn toàn viên mãn, nhưng cũng
không hẳn là không vừa ý, không hẳn không đẹp.
Một triết gia nào đó đã nói rằng : “ Tiểu thuyết là phương tiện giải thoát cho những linh hồn uất
ức”. Tác phẩm “Những người khốn khổ” là một thiên tiểu thuyết với nội dung và giá trị đồ sộ, là tiếng
nói đòi lại nhân quyền, là sự vạch trần những thế lực đen tối đang thao túng xã hội, là lời cảnh tỉnh con
người trước bóng tối của nghèo đói, dốt nát. Victor Hugo nói rằng : "Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một
trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình".
Có lẽ Hugo đã phần nào khiêm tốn , bởi tác phẩm này không chỉ là tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp
cầm bút của bản thân Hugo, mà còn là một trong những kiệt tác, thiên tiểu thuyết bất hủ trong nền văn
học thế giới.
Câu chuyện về nước Pháp năm 1832 đã trôi qua, nhanh như một cái chớp mắt. Nhưng năm tháng
không thật sự ra đi, một khi những câu chuyện, những cuộc đời bất hạnh vẫn lặp lại và tiếp diễn, hiện tại
và quá khứ vốn không khác biệt nhau. Trong thế kỉ XXI, đã chắc gì không tồn tại “những người khốn
khổ”, nếu không nói là còn nhiều hơn, bi kịch hơn? Mọi người đều cầu mong một cuộc sống như nước
chảy mây trôi, tìm kiếm một kết cục an lành, nhưng trên con đường nhân sinh đầy gian truân này, điều
đó giống như một giấc mơ xa xôi diệu vợi. Kỳ thực, nhân loại luôn lặp lại, gặp lại những câu chuyện
giống nhau, những bi kịch, số phận giống nhau, cũng như trong tác phẩm đã viết:
“Người nơi đây yên nghỉ
Thân thế lắm đắng cay
Vẫn cam sống bấy chầy…
Thiên thần một sớm bay,
Người chết. Đơn giản lắm

Như đêm nối tiếp ngày”
Tuế nguyệt không ngừng tàn khốc và tang thương, nhân sinh bạc bẽo nối tiếp nhau, bình minh đến chia
cắt ngày và đêm, chỉ có những giá trị nhân văn, giá trị yêu thương là bất biến. Đem sự khoan dung sâu


sắc, ánh sáng nhân tính của mình đi cảm hóa, xoa dịu tội lỗi con người trong kiếp nhân sinh, “Những
người khốn khổ” là một tác phẩm vĩ đại, không bao giờ đánh mất giá trị của nó.



×