MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và việc tổ chức lực lượng,
phương tiện bảo vệ CQANBG là mối quan tâm hàng đầu của bất cứ quốc
gia nào trên thế giới. Tính chất, nhiệm vụ và việc xây dựng tổ chức lực
lượng chuyên trách bảo vệ CQANBGQG phải luôn luôn phù hợp với tình
hình chính trị và đường lối đối nội, đối ngoại của mỗi quốc gia trong từng
giai đoạn lịch sử cụ thể.
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới phức
tạp và chứa đựng những yếu tố không ổn định. Đất nước ta bước vào thời
kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh những
thuận lợi cơ bản, cũng còn không ít những thách thức và nguy cơ mới: các
mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp; các thế lực
thù địch vẫn luôn coi Việt Nam là một mục tiêu chống phá, hòng xóa bỏ
chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta.
Biên giới nước ta có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính
trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trên các tuyến biên giới đất liền và
vùng biển hiện đang trong xu thế hòa hoãn, hữu nghị, hợp tác nhưng vẫn
còn chịu nhiều sự tác động, xâm nhập, phá hoại của các loại đối tượng, các
lực lượng thù địch trong và ngoài nước. Lợi dụng đường lối đổi mới và
chính sách mở cửa của Đảng của Nhà nước ta, chủ nghĩa đế quốc cùng các
thế lực thù địch đẩy mạnh xâm nhập về kinh tế hòng làm chuyển hóa về
chính trị; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để tấn công vào nội bộ ta
phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định trên các tuyến biên giới.
Tình trạng tranh chấp chủ quyền biên giới đất liền, trên biển diễn
biến hết sức phức tạp. Do lịch sử để lại, việc giải quyết các mâu thuẫn tồn
tại trên biên giới đất liền, trên biển còn kéo dài, vừa hợp tác vừa đấu tranh
1
và chưa thể loại trừ hành động mở rộng lấn chiếm bằng vũ lực từ bên kia
biên giới.
Tình hình nêu trên đang đặt ra yêu cầu mới cho sự nghiệp bảo vệ
CQANBG ,nói chung và cho việc xây dựng, phát triển lực lượng bộ đội
Biên phòng (BĐBP), nói riêng.
BĐBP là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, một lực
lượng vũ trang của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, là lực lượng
nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ CQANBGQG; là lực lượng thành
viên của các khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới. Từ ngày thành lập
đến nay, BĐBP đã phấn đấu khắc phục nhiều khó khăn, chịu đựng nhiều hy
sinh gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ CQANBGQG; tích
cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị và thực hiện các chương trình kinh
tế-xã hội, góp phần đoàn kết đồng bào các dân tộc xây dựng và bảo vệ biên
giới của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.
Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ
nghĩa (XHCN) ở nước ta hiện nay, nhiều vấn đề mới và phức tạp đang đặt
ra cả về nhận thức cũng như hành động cần phải giải quyết trên lĩnh vực
bảo vệ CQANBGQG gắn với việc củng cố và xây dựng lực lượng BĐBP.
Thực tiễn 40 năm xây dựng và trưởng thành của BĐBP cho thấy, bên cạnh
những ưu điểm, BĐBP còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế: trình độ và năng lực
tổ chức, chỉ huy, lãnh đạo của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu
nhiệm vụ; đời sống cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn; trang thiết bị, kỹ
thuật thiếu thốn, lạc hậu; các văn bản pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và
hoạt động của BĐBP chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa tạo được sự phối
hợp chặt chẽ giữa BĐBP với các lực lượng, các ngành, các địa phương, đặc
biệt là sự phối hợp giữa BĐBP với nhân dân khu vực biên giới, vùng biển,
đảo... Do đó, BĐBP chưa phát huy được cao nhất sức mạnh tổng hợp bảo
vệ CQANBGQG. Hơn nữa, một số khu vực biên giới trên đất liền, trên
2
biển và đảo của nước ta còn đang bị nước ngoài xâm lấn, chiếm giữ. Thời
gian qua còn có những nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn về vai trò của
BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ CQANBGQG.
Trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, với đường lối đổi mới
mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế, vai trò của BĐBP trong sự nghiệp bảo
vệ CQANBGQG càng đặc biệt quan trọng. Vấn đề này cần được tìm hiểu,
nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức
xây dựng lực lượng BĐBP, sao cho phù hợp với những điều kiện mới của
đất nước, khu vực, thế giới và thời đại. Trên cơ sở đó xác định rõ và đúng
đắn vai trò của BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ CQANBGQG để có chủ
trương, phương hướng chiến lược đúng xây dựng BĐBP vững mạnh đáp
ứng đòi hỏi của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ CQANBGQG trong tình hình
mới. Vì thế, đề tài luận án này có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lý luận lẫn
thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Sự nghiệp bảo vệ CQANBG là một nội dung quan trọng của công
cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta, vì thế, vấn đề này đã được
nhiều người nghiên cứu ở các góc độ khác nhau. Trong số đó, đáng chú ý là
một số công trình nghiên cứu: Nguyễn Văn Tấn: "Những luận cứ khoa học
của chiến lược bảo vệ vùng biên giới trong giai đoạn mới", (Đề tài KX 09-06,
Hà Nội, 1994); Đặng Vũ Liêm: "Xây dựng mô hình an ninh cộng đồng ở
biên giới lấy đồn biên phòng làm nòng cốt", (Đề tài cấp bộ - Bộ Nội vụ,
1994); Phạm Hữu Bồng: "Ổn định lâu dài biên giới quốc gia", (Đề tài
KX-XH. 07. 05, 1999); ...
Ngoài ra, còn một số công trình, bài viết đề cập ở những khía cạnh
khác nhau của đề tài như: Nguyễn Đức Châu - Nguyễn Tuấn Chung: "Ông
cha ta bảo vệ biên giới quốc gia ", (Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà
Nội, 1994); Bộ Tư lệnh BĐBP: "Lịch sử bộ đội Biên phòng tập I, II", (Nhà
3
xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 1990; Đỗ Mười: "Trách nhiệm của
chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau là bảo vệ vững chắc độc lập chủ
quyền của Tổ quốc", (Báo Quân đội nhân dân, ngày 21-3-1994, tr.4); Trần
Đức Lương: "Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng trong khai thác thế
mạnh vùng biển và thềm lục địa", (Báo Quân đội nhân dân, ngày 20-31994, tr.1); Đinh Văn Tuy: "Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
về bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia", (Tạp chí Công an nhân dân, số 31985); "Mấy vấn đề về biên giới Việt Nam", (Tạp chí Nghệ thuật quân sự,
số 4-1997); Lò A Ngân: "Đoàn kết một lòng đấu tranh bảo vệ CQANBG",
(Tạp chí Công an nhân dân, số 3-1995); Trịnh Trân: " Tăng cường công tác
quản lý bảo vệ CQANBG Tổ quốc phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước",
(Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 3-1995); Phạm Hữu Bồng: "Tư tưởng
Hồ Chí Minh về công tác biên phòng", (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân,
Hà Nội, 1999); Đặng Vũ Liêm: "Bảo vệ biên giới quốc gia chống Diễn
biến hòa bình", (Tạp chí Nghiên cứu Lý luận số 5-1994), "Bộ đội Biên
phòng với việc xây dựng điểm sáng văn hóa trên biên giới, hải đảo", (Tạp
chí Quốc phòng toàn dân, số 7-1998); Tăng Huệ: "Bộ đội Biên phòng trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", (Tạp chí Nghệ thuật quân sự, số 21996) v.v...
Ngoài các đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ; một số cuốn sách, các bài
viết đăng trên các tạp chí, báo đã công bố, một số tác giả đã chọn lĩnh vực
bảo vệ CQANBGQG làm đề tài cho các luận án tiến sĩ, phó tiến sĩ như:
Đặng Vũ Liêm: "Vai trò nhân dân các dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ
quyền an ninh biên giới quốc gia phía Bắc nước ta hiện nay", (Luận án
PTS Triết học, Hà Nội, 1997); Tăng Huệ: "Nghiên cứu phương pháp đấu
tranh của bộ đội Biên phòng phòng chống lấn chiếm biên giới tuyến biên
giới đất liền phía Bắc", (Luận án PTS khoa học Quân sự, Hà Nội, 1996);
Hoàng Minh Hiểu: "Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra đảng viên chấp
4
hành Điều lệ Đảng ở các đảng bộ bộ đội Biên phòng hiện nay", (Luận án
TS khoa học Quân sự, Hà Nội, 1997); Bùi Xuân Hoàn: "Cơ sở tâm lý - xã
hội của việc củng cố nâng cao uy tín cán bộ chính trị đơn vị cơ sở BĐBP",
(Luận án TS khoa học Quân sự, Hà Nội, 1998), v.v..
Như vậy, vấn đề biên giới quốc gia và lực lượng BĐBP đã được một
số tác giả quan tâm nghiên cứu. Song, cho đến nay, trên những công trình
đã được công bố, ở nước ta chưa có công trình nào ở cấp độ luận án tiến sĩ,
đi sâu đề cập một cách tập trung, cơ bản, có hệ thống về vai trò, nhiệm vụ
của BĐBP trong việc quản lý, bảo vệ CQANBGQG. Chọn đề tài: "Bộ đội
Biên phòng Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên
giới quốc gia hiện nay", tác giả luận án hy vọng góp phần nhỏ vào việc
giải quyết vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách ở nước ta hiện
nay.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Dưới góc độ chính trị - xã hội, luận án có mục đích làm rõ những
căn cứ lịch sử, lý luận, thực tiễn của quá trình hình thành, phát triển và vai
trò của BĐBP do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo trong sự nghiệp bảo vệ
CQANBGQG. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản, khả thi để xây dựng
lực lượng BĐBP vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc CQANBG trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.
Để đạt mục đích trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ
sau đây:
+ Trình bày một cách khái quát những vấn đề liên quan và tác động
trực tiếp đến việc xác định vai trò của BĐBP trong thời kỳ mới, như: khái
niệm "bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới", những bài học lịch sử về bảo vệ
biên giới quốc gia, đặc điểm của BĐBP với tính cách là một bộ phận của
lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
+ Nêu lên những nét cơ bản nhất về thực trạng của BĐBP nước ta
5
hiện nay, xác định, phân tích làm sáng rõ vai trò to lớn của BĐBP trong sự
nghiệp bảo vệ CQANBG, nhất là trong thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
+ Xác định phương hướng cơ bản và những giải pháp chủ yếu để xây
dựng BĐBP Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ
CQANBG trong thời kỳ mới.
4. Cơ sở lý luận và thực tiễn; phương pháp và phạm vi nghiên
cứu của đề tài
- Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng cộng sản Việt
Nam; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng cục
Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; các tác phẩm của các đồng chí lãnh
đạo Đảng, Nhà nước, quân đội liên quan trực tiếp đến đề tài. Luận án có sử
dụng tài liệu của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài
nước, các tài liệu thống kê, báo cáo sơ kết, tổng kết có liên quan đến đề tài.
- Cơ sở thực tiễn của luận án là những thành tựu và hạn chế trong
lịch sử bảo vệ biên giới của ông cha ta; thực trạng biên giới, BĐBP trong
những năm qua và yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ CQANBGQG trong thời
kỳ mới ở nước ta.
- Luận án được tiến hành trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy
vật biện chứng, duy vật lịch sử, kết hợp với phương pháp lịch sử - lôgíc và
sử dụng các phương pháp của xã hội học (điều tra, khảo sát, nghiên cứu
thực tiễn, phân tích tổng hợp, tham khảo chuyên gia,...) trong đó phương
pháp lịch sử - lôgíc được đặc biệt chú ý.
- Phạm vi nghiên cứu của luận án là các đơn vị BĐBP tuyến biên
giới đất liền, tuyến biên giới biển, đảo trong phạm vi cả nước; quá trình
hình thành và phát triển của lực lượng BĐBP Việt Nam từ năm 1959 đến
nay.
6
5. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
- Dưới góc độ chính trị - xã hội, luận án đã hệ thống hóa những vấn đề
lý luận và thực tiễn cơ bản liên quan đến lực lượng BĐBP và sự nghiệp bảo
vệ CQANBGQG.
- Trên cơ sở đó, luận án phân tích rõ phương hướng xây dựng BĐBP
Việt Nam trong tình hình mới và một hệ giải pháp cơ bản có tính khả thi
tác động để lực lượng này phát triển vững mạnh, toàn diện theo hướng cách
mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng được yêu cầu
bảo vệ vững chắc CQANBG nước ta hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án cũng góp phần cung cấp một số luận cứ làm cơ sở khoa
học cho việc lãnh đạo và chỉ huy BĐBP trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ
CQANBG nước ta hiện nay.
- Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên
cứu về BĐBP và giảng dạy nghiệp vụ công tác biên phòng ở các cấp học
đại học, trung học thuộc hệ thống đào tạo của lực lượng BĐBP.
7. Kết cấu luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án
gồm 3 chương 6 tiết.
7
8
Chương 1
BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG - LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT,
CHUYÊN TRÁCH QUẢN LÝ, BẢO VỆ
CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA
1.1. CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI VÀ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ CHỦ
QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI Ở NƯỚC TA
1.1.1. Khái niệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia
Khái niệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia có nội dung
phong phú, toàn diện, liên quan đến nhiều vấn đề: lãnh thổ quốc gia, chủ
quyền lãnh thổ quốc gia, biên giới quốc gia, an ninh biên giới quốc gia, v.v..
Lãnh thổ quốc gia là một phần của quả đất, bao gồm vùng đất, vùng
nước, vùng trời và lòng đất giới hạn bởi biên giới quốc gia và thuộc chủ
quyền của một quốc gia, trong đó, nhà nước có thể áp đặt một chế độ pháp
lý cho việc quản lý các hoạt động kinh tế, chính trị-xã hội. Lãnh thổ quốc
gia có thể to, nhỏ khác nhau, tỉ lệ giữa vùng đất, vùng nước, vùng trời có
thể khác nhau, nhưng không thể thiếu ba thành phần cơ bản này. Theo luật
pháp và các điều ước quốc tế, lãnh thổ quốc gia còn bao gồm phần lãnh thổ
đặc biệt như trụ sở ngoại giao ở nước ngoài, tàu biển, phương tiện bay, tàu
và trạm vũ trụ, xe cộ mang quốc kỳ hoặc các dấu hiệu phân biệt của các
quốc gia đó, đường dây cáp, ống dẫn... thuộc quốc gia nằm ngoài lãnh thổ
của quốc gia [72, 456].
Lãnh thổ quốc gia xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước. Khi
các quốc gia đầu tiên xuất hiện, lãnh thổ quốc gia chỉ là những vùng đất
nhỏ hẹp được giới hạn trên mặt đất, những vùng đó thường có điều kiện địa
lý thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự phát triển của các
hệ thống chính trị - xã hội và khoa học kỹ thuật, lãnh thổ quốc gia dần dần
9
được mở rộng ra biển, lên không trung và sâu xuống tầng ngầm của trái
đất. Lãnh thổ quốc gia là một trong ba yếu tố cơ bản hợp thành quốc gia
(lãnh thổ, dân cư, nhà nước). Trong đó, lãnh thổ là điều kiện vật chất, là môi
trường sống, sinh tồn và phát triển của mỗi quốc gia. Bàn về vấn đề này,
nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận xét rằng: "Của báu của một nước không
gì quí bằng đất đai, nhân dân, của cải từ đó mà ra" [14, 25]. Vì vậy, việc
bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia,
dân tộc.
Lãnh thổ quốc gia là những bộ phận nhạy cảm nhất của quyền lợi
giai cấp, dân tộc; là một trong những đối tượng có thể bị xâm hại và cần
được chú trọng bảo vệ đầu tiên. Lãnh thổ quốc gia có mối liên hệ hữu cơ
với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bởi vì, một khi đã xác định một khu vực
nào đó là lãnh thổ của một quốc gia thì tất yếu sẽ dẫn tới sự cần thiết phải
xác định chủ quyền của quốc gia đó đối với lãnh thổ của mình.
Chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ một cách độc lập, toàn vẹn và
đầy đủ về mọi mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp của một quốc gia trong
phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Mỗi quốc gia đều thể hiện chủ quyền của
mình trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao... Tất cả các nước,
không tính đến qui mô lãnh thổ, dân số, chế độ xã hội, đều có chủ quyền
quốc gia [72, 195]. Chủ quyền quốc gia là đặc trưng chính trị và pháp lý thiết
yếu của một quốc gia độc lập, được thể hiện trong hoạt động của các cơ
quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Tôn trọng chủ quyền
quốc gia là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hiến chương Liên
hợp quốc khẳng định nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia.
Không một quốc gia nào được can thiệp hoặc khống chế, xâm phạm chủ
quyền của một quốc gia độc lập. Trong những nội dung về chủ quyền quốc
gia thì chủ quyền về lãnh thổ là một nội dung có tầm quan trọng đặc biệt.
Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là quyền tối cao và tuyệt đối của nhà nước
10
đối với lãnh thổ quốc gia. Nhà nước là chủ sở hữu, quản lý, sử dụng và bảo
vệ lãnh thổ của mình. Đó là quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không
một tổ chức, một cá nhân nào từ bên ngoài được áp đặt với quyền này. Một
nhà nước có bản lĩnh thực sự là giữ được tính độc lập cao của mình đối với
chủ quyền lãnh thổ quốc gia, không chia sẻ quyền này cho bất kỳ một thế lực
nào.
Trong chế độ phong kiến, lãnh thổ quốc gia được coi là vật sở hữu
của Triều đình. Vua chúa có toàn quyền đối với lãnh thổ, có thể đem
nhượng bán, làm của hồi môn, làm quà " phong thưởng " cho các quan lại...
Trong thời đại ngày nay, chủ quyền tối cao và tuyệt đối của nhà nước
đối với lãnh thổ được thực hiện theo nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết về
lãnh thổ. Quyền tối cao đối với việc định đoạt lãnh thổ là thuộc về nhân
dân sống trên lãnh thổ đó. Trong quan hệ quốc tế, nhà nước là người đại
diện tối cao, hợp thức cho quyền lợi của dân tộc và cũng là người chủ sở
hữu duy nhất về lãnh thổ quốc gia.
Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một trong những cơ sở đảm bảo cho
việc thực hiện chủ quyền quốc gia, là yếu tố hàng đầu để ghi nhận chủ
quyền quốc gia và là dấu hiệu trước hết của chính nhà nước. Về vấn đề này,
Ph.Ăngghen đã viết: "So với tổ chức thị tộc trước kia thì đặc trưng thứ nhất
của nhà nước là ở chỗ nó phân chia thần dân của nó theo địa vực". Về địa
vực- tức lãnh thổ, Người còn giải thích thêm rằng: "Như chúng ta đã biết,
những liên minh thị tộc cũ, do quan hệ dòng máu tạo thành và duy trì đều
đã trở nên không thích hợp nữa, phần lớn là vì chúng đòi hỏi các thành viên
của chúng phải gắn liền với một địa vực nhất định, và vì từ lâu những mối
quan hệ ấy không còn nữa. Địa vực vẫn còn đó, nhưng người đã trở nên di
động. Cho nên, người ta lấy việc phân chia địa vực làm điểm xuất phát và
người ta để cho những công dân thực hiện những quyền lợi và những nghĩa
vụ xã hội của họ tại nơi cư trú, không kể họ thuộc thị tộc nào, bộ lạc nào,
11
cách tổ chức những công dân của nhà nước theo địa vực họ cư trú như thế,
là một đặc điểm chung của tất cả các nhà nước" [53, 253].
Chủ quyền lãnh thổ không được bảo đảm thì các mặt chủ quyền khác
không thể, hoặc khó có thể thực hiện đầy đủ. Chủ quyền về lãnh thổ nếu
không được giữ vững và khai thác hiệu quả thì trực tiếp làm giảm vai trò
của bản thân nhà nước cũng như hạn chế đối với sự phát triển quốc gia và
lợi ích dân tộc.
Tôn trọng quyền tối cao và tuyệt đối của nhà nước về lãnh thổ là
nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế. Theo đó, một mặt, các quốc
gia có quyền định đoạt sử dụng, giữ gìn lãnh thổ của mình, quản lý cư dân
trong lãnh thổ; mặt khác, nghiêm cấm các quốc gia tiến hành bất cứ hành
động xâm phạm đến lãnh thổ của các quốc gia khác. Chủ quyền lãnh thổ
của một quốc gia bao giờ cũng tồn tại trong một giới hạn nhất định, giới
hạn đó là biên giới quốc gia.
Biên giới quốc gia là ranh giới (đường và mặt thẳng đứng) xác định
phạm vi chủ quyền của một quốc gia đối với vùng đất và lòng đất phía
dưới; vùng biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và khoảng không tiếp
liền vùng đất và vùng biển đó [72, 42]. Theo định nghĩa này thì biên giới
quốc gia là đường phân chia lãnh thổ quốc gia của một quốc gia này với
một quốc gia khác hoặc với vùng biển thuộc chủ quyền tài phán của quốc gia
đó. Trên cơ sở các bộ phận cấu thành lãnh thổ, biên giới quốc gia bao gồm:
biên giới trên đất liền, biên giới trên biển và biên giới trên không.
Biên giới quốc gia trên đất liền được thành lập trên cơ sở thỏa thuận
giữa các quốc gia có liên quan trên cơ sở lịch sử hình thành và có thể có
những ghi nhận của quốc tế. Thông thường, các thỏa thuận về biên giới
quốc gia gồm hai nội dung chính: một là, hoạch định đường biên giới (xác
định vị trí đường biên giới và thể hiện đường biên giới đó trên bản đồ kèm
12
theo điều ước hoạt động biên giới); hai là, phân giới cắm mốc (xác định
đường biên giới trên thực địa bằng các dấu hiệu biên giới - hệ thống mốc
giới). Trong thực tiễn, biên giới quốc gia trên đất liền tùy theo hoàn cảnh
cụ thể của các quốc gia liên quan có thể thỏa thuận dựa vào các yếu tố địa
hình (sông, hồ, núi, thung lũng...), thiên văn (kinh tuyến, vĩ tuyến) hoặc
hình học (bằng những đường thẳng nối liền các điểm qui ước) để thiết lập
đường biên giới.
Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài của lãnh hải do
quốc gia ven biển thiết lập phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Đối
với đảo của một quốc gia nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia này,
biên giới quốc gia là đường ranh giới phía ngoài của lãnh hải bao quanh
đảo. Biên giới quốc gia trên biển giữa các quốc gia kế cận hoặc đối diện
nhau có lãnh hải chồng lấn nhau được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận giữa
các quốc gia có liên quan, và được thể hiện bằng điều ước và hoạch định
trên biển.
Biên giới trên không là mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới quốc
gia trên đất liền, trên biển.
Biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ quốc tế của
các quốc gia. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia xảy ra hầu hết
xoay quanh việc xác định vị trí đường biên giới. Vì vậy, sau khi hoạch định
đường biên giới quốc gia, nghĩa là sau khi được mô tả cụ thể hướng đi trên
bản đồ địa hình, phải tiếp tục được xác định rõ và cố định chắc chắn trên
thực địa bằng quá trình phân giới, cắm mốc.
Biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Đó là một nguyên tắc cơ
bản của pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế [72, 43]. Trong thực tế,
biên giới quốc gia bao giờ cũng là đối tượng dễ bị xâm hại bằng bạo lực.
Do đó, bất cứ quốc gia độc lập có chủ quyền nào cũng phải tổ chức lực
lượng vũ trang chuyên trách quản lý và bảo vệ biên giới của mình.
13
Trong lịch sử thế giới, sự ra đời và phát triển của biên giới quốc gia
gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của lãnh thổ quốc gia, là một
bộ phận hợp thành gắn bó với sự ra đời và phát triển của nhà nước. Khi các
quốc gia cổ đại đầu tiên ra đời, giữa các quốc gia còn có phần lãnh thổ vô
chủ, thường là những chướng ngại vật tự nhiên như núi rừng, sa mạc, sông
ngòi, v.v.. Phần lớn những phần được xem như vô chủ đó được gọi là miền
biên thùy hay miền biên giới. Hình thức sơ khai của biên giới quốc gia là
biên giới vùng. Khi nghiên cứu về vấn đề này, V.I.Lênin đã viết: "Hồi đó,
núi, sông, biển là những trở ngại lớn hơn bây giờ nhiều, và nhà nước cũng
hình thành trong những biên giới địa lý nhỏ hẹp hơn nhiều. Bộ máy nhà
nước, rất kém về mặt kỹ thuật, lúc đó phục vụ cho một quốc gia có biên
giới tương đối nhỏ hẹp và có phạm vi hoạt động hạn chế" [38, 85].
Cùng với việc hình thành nhà nước phong kiến, các quốc gia không
ngừng củng cố và mở rộng lãnh thổ của mình, lãnh thổ vô chủ bị hẹp lại,
lãnh thổ các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau, biên giới vùng chuyển
sang hình thức biên giới đường.
Các đường biên giới đầu tiên thường nằm trùng với ranh giới các
công xã, làng mạc, thành phố, con suối, vách đá,... Đó là mốc chủ yếu để
phân chia lãnh thổ trên mặt đất, cùng với sự phát triển của lãnh thổ quốc
gia ra biển, lên không trung và xuống sâu lòng đất, biên giới đường đã dần
dần chuyển sang hình thức biên giới mặt.
Trong xã hội có giai cấp đối kháng, đấu tranh giai cấp không chỉ diễn
ra trong nội bộ quốc gia mà đôi khi còn diễn ra ở ngoài quốc gia. Mỗi nhà
nước có chính sách đối nội, đối ngoại để thu hút những nguồn lợi chính của
giai cấp thống trị. Do đó, từ xưa đến nay, vấn đề lãnh thổ, biên giới quốc
gia thường là ngòi nổ gây ra các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh xâm
lược nhằm tranh giành, chiếm đoạt lãnh thổ của nhau. Khi cần thiết, mọi
quốc gia phải thực hiện các cuộc đấu tranh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ
14
biên giới của mình. Hiến chương của Liên hợp quốc đã ghi rõ: "Trong quan
hệ quốc tế, các quốc gia Liên hợp quốc không được có hành động đe dọa
bằng vũ lực hay dùng vũ lực để chống lại quyền bất khả xâm phạm về lãnh
thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ nước nào, bằng cách này hay cách
khác làm trái với mục đích của Liên hợp quốc" [12, 10]. Luật pháp quốc tế
cũng đã xác định những nguyên tắc cơ bản về biên giới: "Đó là tính bất khả
xâm phạm của biên giới quốc gia" [72, 43]. ổn định biên giới quốc gia, tôn
trọng biên giới quốc gia của nước khác chính là điều kiện tiên quyết cho sự
ổn định trong quan hệ quốc tế.
Lịch sử phát triển biên giới của các nước trên thế giới cho thấy, ở
nhiều nơi, giai cấp bóc lột nắm quyền thống trị, vì lợi ích ích kỷ của mình
đã đưa ra một số lý thuyết không xác đáng và vô lý về biên giới. Các lý
thuyết đó đã trở thành cơ sở để biện minh cho hành động xâm lược lãnh thổ
các quốc gia khác:
Lý thuyết thứ nhất, thường khoác áo tôn giáo, lấy lý do thần thánh
khác nhau, mang tính cực đoan cuồng tín: "Do ý muốn của Thượng đế",
"nghĩa vụ thiêng liêng đi tìm mộ Chúa", "vì ý Chúa", "diệt trừ tà giáo", v.v.
để phân chia biên giới quốc gia. Ngày nay, ở một số nước, giai cấp thống
trị vẫn tuyên truyền cho việc lấy biên giới tôn giáo làm biên giới quốc gia,
nếu như điều đó có lợi cho quyền thống trị của chúng.
Lý thuyết thứ hai, thường giương cao chiêu bài "tự do - văn minh",
"truyền bá ánh sáng văn hóa, văn minh phương Tây", "khai hóa các dân tộc
lạc hậu" của chủ nghĩa thực dân cũ, hoặc "giúp đỡ các quốc gia chậm phát
triển", "cộng đồng trách nhiệm bảo vệ thế giới Tự do", v.v. của chủ nghĩa
thực dân mới nhằm xâm chiếm, thôn tính lãnh thổ của các quốc gia độc lập
khác.
Lý thuyết thứ ba, thường kích động tinh thần chủng tộc, sắc tộc, lợi
dụng các mối quan hệ "cùng tiếng nói, dòng máu, màu da" để xác định lại
15
biên giới quốc gia hiện có, đòi lập nên các biên giới quốc gia theo chủng
tộc, nhằm thôn tính lãnh thổ các quốc gia khác.
Lý thuyết thứ tư, thường nêu cao lý do "vì lợi ích lâu dài của quốc
phòng". Thực chất, đó là loại lý thuyết của chủ nghĩa đế quốc, bành trướng,
dựa trên sức mạnh quân sự để quyết định biên giới quốc gia, nhằm tìm cho
quốc gia mình một biên giới vượt ra ngoài biên giới hiện có.
Lý thuyết thứ năm, thường lấy sức mạnh kinh tế, văn hóa, ngoại
giao, sinh thái để xác định biên giới quốc gia. Đây là một hình thức bành
trướng biên giới của một số quốc gia nhằm mở rộng không gian sinh tồn,
là"biên giới mềm", tức biến đối phương thành thuộc địa kinh tế, thuộc địa
thông tin, thuộc địa sinh thái, thuộc địa văn hóa của mình.
Những lý thuyết nêu trên, dù màu sắc khác nhau, đã được nảy sinh
trong từng thời kỳ lịch sử nhất định, nhưng đều phục vụ đắc lực cho lợi ích
ích kỷ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dân tộc sô-vanh nhằm mê hoặc quần
chúng nhân dân để xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia khác. Trong hoàn
cảnh không thể lợi dụng được các chiêu bài trên, thì giai cấp thống trị ở
một số nước ngang nhiên phát động chiến tranh xâm lược, xâm chiếm lãnh
thổ các nước khác. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu đối với mọi quốc gia có
chủ quyền là cùng với việc phê phán, đấu tranh với các loại lý thuyết phản
động, phản khoa học về biên giới, đồng thời phải tổ chức tiến hành cuộc
chiến tranh chống xâm lược, chống xâm chiếm lãnh thổ và thường xuyên
hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới của mình.
An ninh biên giới quốc gia là trạng thái ổn định của tình hình chính
trị - xã hội ở khu vực biên giới.
ở
mọi quốc gia, an ninh biên giới là một
trong những nội dung quan trọng của an ninh quốc gia, là một nhân tố
mang tính chất quyết định đến việc giữ vững và củng cố hòa bình đất nước.
Nội dung của an ninh biên giới, bao gồm: an ninh chính trị, an ninh xã hội,
an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, trong đó, điều quan trọng là giữ
16
vững ổn định về chính trị - tinh thần của nhân dân, xây dựng ý thức, tình
cảm thiêng liêng của công dân với nền độc lập của dân tộc và sự toàn vẹn
lãnh thổ của biên giới quốc gia, thái độ tôn trọng pháp luật về biên giới,
tích cực tham gia vào sự nghiệp bảo vệ CQANBGQG.
CQANBGQG là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia. Bất
cứ quốc gia nào trong lịch sử muốn phát triển, trước hết phải giữ được
trạng thái ổn định trên các mặt. Đây là yếu tố khách quan. Trong sự ổn định
chung đó, sự ổn định về chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia là một trong
những yếu tố rất quan trọng. Sự vững vàng về khả năng quốc phòng và an
ninh biên giới quốc gia là điều kiện đảm bảo thường xuyên cho sự phát
triển chung của đất nước.
Từ việc tìm hiểu những vấn đề liên quan trên, có thể nhận thức được
rằng, bảo vệ CQANBG ở nước ta là bảo vệ quyền tối cao của Nhà nước đối
với mọi vấn đề trong phạm vi lãnh thổ khu vực biên giới quốc gia, duy trì,
giữ gìn đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, giữ vững an ninh
chính trị và trật tự xã hội ở khu vực biên giới; là bảo vệ quyền làm chủ của
Nhà nước đối với mọi lĩnh vực ở khu vực biên giới quốc gia. Quyền làm
chủ ở đây không chỉ là sự quản lý, bảo vệ biên giới mà còn bao gồm một
loạt chủ trương xây dựng toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã
hội ở khu vực biên giới, từng bước ổn định và phát triển. Đồng thời, đó
cũng là quá trình chống lại tất cả các trào lưu, những quan điểm tư tưởng,
những hành động làm mất ổn định, trái với đường lối của Đảng, chính sách,
pháp luật của Nhà nước ở khu vực này. Bảo vệ CQANBGQG là một công
tác vừa có tính chất đối nội, vừa có tính chất đối ngoại. Đó là nhiệm vụ của
toàn Đảng, toàn dân, trong đó, BĐBP là lực lượng chuyên trách và nòng
cốt. Việc bảo vệ CQANBGQG phải tuân thủ các điều ước quốc tế, pháp
luật của Nhà nước, qui chế khu vực biên giới của Chính phủ và hệ thống
17
điều lệnh, điều lệ qui định.
Sự nghiệp bảo vệ CQANBG trở thành một nội dung quan trọng trong
tiến trình bảo vệ Tổ quốc, nhiều khi được coi là đồng nghĩa với công cuộc
bảo vệ Tổ quốc XHCN [43, 16].
1.1.2. Những bài học kinh nghiệm về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền
an ninh biên giới ở nước ta trong lịch sử
Việt Nam là một trong những nước nằm trên bán đảo Đông Dương,
thuộc Đông - Nam châu Á, có vị trí chiến lược quan trọng cả về địa lý, kinh
tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Từ xưa đến nay, Việt Nam luôn là một mục
tiêu, là đối tượng nhòm ngó của các thế lực xâm lược, bành trướng. Do
vậy, một đặc điểm nổi bật có tính qui luật trong lịch sử phát triển của dân
tộc Việt Nam là, dựng nước đi đôi với giữ nước. Trong quá trình dựng
nước và giữ nước đó, ông cha ta luôn coi biên giới là "phên dậu" trọng yếu
của đất nước, nên đã không tiếc tiền của và sức lực, mồ hôi và xương máu
để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Qua đó, ông cha ta cũng đã để lại
nhiều bài học quí báu cho chúng ta kế thừa, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ
CQANBGQG ngày nay. Có thể rút ra những bài học cơ bản sau đây:
Một là, bảo vệ CQANBG luôn gắn liền với việc giữ vững độc lập
dân tộc, thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Ý chí bảo toàn nền độc lập chủ quyền đối với đất đai, sông, núi, biển,
trời của Tổ quốc là nền móng tư tưởng quan trọng, là cội nguồn tinh thần
để các thế hệ ông cha ta liên tục đánh bại mọi mưu đồ và hành động xâm
lược, nô dịch của ngoại bang, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, cương vực
của Tổ quốc.
Ngay từ thời dựng nước, tuy chưa tìm thấy tài liệu nào nói về cách
thức tổ chức biên phòng của thời Văn Lang- Âu Lạc, nhưng các cuộc
18
kháng chiến chống quân xâm lược Tần và Triệu Đà ở vùng biên cương phía
Bắc, cho thấy, việc phòng giữ, bảo vệ các miền biên giới thời kỳ này đã
được đặc biệt chú trọng. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầu
tiên trong lịch sử của dân tộc ta cũng còn là sự khẳng định ý chí độc lập
dân tộc, hình thành ý thức quốc gia, quốc giới của dân cư Âu - Lạc ở các
miền biên giới tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc [13, 17].
Trong thời kỳ Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Hoa tăng
cường sự quản lý chặt chẽ đất đai, dân cư, tìm mọi cách đồng hóa dân tộc
ta, nhưng chúng đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các thế hệ người
Việt Nam, trong đó có những cuộc đấu tranh rất điển hình về tinh thần độc
lập dân tộc với việc giữ gìn, khẳng định một biên giới, lãnh thổ rõ ràng.
Năm 40, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị)
nổ ra và giành thắng lợi. Một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Trung Bộ đến Hợp
Phố được giải phóng khỏi ách thống trị của nhà Hán. Trưng Trắc xưng Vương
để khẳng định nền độc lập và tự chủ. Nguy cơ ngoại xâm chưa hết, nền độc
lập non trẻ còn đang bị đe dọa, công việc phòng thủ các miền biên giới trọng
yếu được Trưng Vương coi trọng và cử nhiều tướng tài ra đảm nhiệm [13,
21].
Năm 248, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã tiến
hành bền bỉ trong gần ba năm. Nghĩa quân đã đánh đuổi quân giặc và làm
chủ nhiều vùng rộng lớn. Nữ tướng Triệu Thị Trinh khẳng định ý chí độc
lập dân tộc với việc giành lại toàn vẹn đất nước: "Tôi muốn cưỡi cơn gió
mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô,
giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ" [46, 84].
Thời nhà Lý (thế kỷ XI), ý chí bảo vệ độc lập của dân tộc được
khẳng định rõ tính chất tối cao, tuyệt đối bất khả xâm phạm về chủ quyền
lãnh thổ biên giới quốc gia. Trong khí thế vươn lên của cả dân tộc để chiến
đấu và chiến thắng kẻ xâm lược, Lý Thường Kiệt đã viết lên bài thơ "thần"
19
bất hủ - "Nam quốc sơn hà":
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" [46, 181].
Bài thơ ngắn gọn, nhưng đã nói lên khí phách, tư thế và quyết tâm
của dân tộc ta, tuyên bố khẳng định chủ quyền độc lập thiêng liêng và
quyền bình đẳng của dân tộc, cảnh cáo nghiêm khắc kẻ ngoại xâm. Bài thơ
đã được ghi vào lịch sử như bản "tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của dân tộc
ta sau hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Thời Lê (thế kỷ XV), ngay sau khi đất nước giải phóng khỏi ách đô
hộ của nhà Minh, chế độ phong kiến ở nước ta phát triển đến giai đoạn cực
thịnh, đất nước hùng cường, công cuộc biên phòng vẫn chiếm một vị trí
quan trọng trong quốc sách xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguyễn Trãi viết
"Bình Ngô đại cáo", một lần nữa khẳng định lại những giá trị tư tưởng
thiêng liêng về sự vẹn toàn biên cương, lãnh thổ của đất nước:
"Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc - Nam cũng khác,
Trải... Đinh, Lý, Trần, Lê nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu" [46, 257].
Ở "Bình Ngô đại cáo", ý thức biên phòng đã phát triển đến đỉnh cao.
20
Ngoài việc khẳng định núi, sông bờ cõi riêng, bản anh hùng ca này còn xác
định rõ giá trị vật chất, tinh thần của một dân tộc độc lập, đó là nền "văn
hiến", là "hào kiệt", là thế đối xứng lịch sử các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê
của Đại Việt với Hán, Đường, Tống, Nguyên của Trung Hoa. Những nhân
tố có chiều sâu lịch sử ấy đã tạo nên sức mạnh của dân tộc ta, một dân tộc
độc lập trên một lãnh thổ thống nhất, có chủ quyền.
Cũng như vậy, sau này, Nguyễn Huệ - Quang Trung (thế kỷ XVIII) đã
tuyên bố: "Trong khoảng vũ trụ, trời nào, sao đấy đã phân định rõ ràng,
phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị, một thước đất, một người
dân, bốn bề giáp ranh những đâu, đã có sách chép rõ" [6, 221]. Điều khẳng
định ấy đã biểu hiện rõ quan điểm về sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của ông
cha ta.
Trong lịch sử bảo vệ CQANBG của dân tộc ta, ý chí độc lập, sự toàn
vẹn lãnh thổ còn là thước đo giá trị của các triều đại, các nhân vật lịch sử
trước vận mệnh của dân tộc. Ông cha ta cho rằng, người nào quan tâm đến
việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới là có công
lớn. Và ngược lại, để mất đất hoặc mất dân vì hám lợi riêng bị coi là trọng
tội. Lý Nhân Tông, trong tờ biểu gửi cho vua Tống đòi thu hồi đất đai bị
lấn chiếm đã nêu ra một nguyên tắc bất di bất dịch: Mặc dù đất ấy chỉ nhỏ
hơn hòn đạn nhưng vẫn khiến lòng tôi đau xót, luôn nghĩ đến cả trong giấc
mộng. Vua Lê Thánh Tông, trong lời dụ bảo Lục khoa Lê Cảnh Huy trước
khi đi sứ sang nhà Minh để giải quyết biên sự vào cuối năm 1471, có viết:
"Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tùy tiện vứt bỏ đi được? Phải
kiên quyết để tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo, còn
có thể sai sứ sang tận triều đình của họ biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu kẻ nào
đem một thước núi, một tấc đất đai của Thái Tổ làm mồi cho giặc, tội phải
chu di" [14, 180].
21
Tiếc thay, một số tập đoàn phong kiến vì quyền lợi ích kỷ của dòng
họ, đã đang tâm cắt một phần đất cho nước ngoài (như Mạc Đăng Dung dâng
biểu nộp cho nhà Minh một vùng đất biên cương rộng lớn...). Đây cũng là bài
học lịch sử - bài học phản diện, cho thấy việc giữ gìn toàn vẹn biên cương
phải gắn liền với sự ổn định chính trị quốc gia và thống nhất đất nước.
Hai là, nhiệm vụ bảo vệ biên giới là nhiệm vụ chung của cả dân tộc,
là công việc của Triều đình, của từng người dân, công cuộc biên phòng
phải dựa vào sức mạnh toàn diện của đất nước.
Lịch sử phát triển của dân tộc cũng như lịch sử giữ gìn biên cương
đất nước đã ghi nhận vai trò to lớn của nhân dân cả nước. Đó chính là sức
mạnh to lớn của yếu tố con người trong sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc
gia, nói riêng và phát triển dân tộc, nói chung. Điều mà ông cha ta đã từng
đúc kết: "Dân cường, nước thịnh". Trước khi lâm chung, Trần Quốc Tuấn
khuyên vua Trần Anh Tông: "Phải khoan thứ sức dân để làm kế bền gốc,
sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước" [46, 25]. Đầu thế kỷ thứ XV, Lê Lợi và
Nguyễn Trãi đã biết: "Sức dân như nước", "Chở thuyền là dân mà lật
thuyền cũng là dân" [73, 87].
Nhân dân Việt Nam với truyền thống đoàn kết, yêu nước, với khả
năng tài trí vô tận đã sáng tạo ra lịch sử đất nước và giữ gìn nền độc lập dân
tộc. Đặc biệt, nhân dân các dân tộc vùng biên giới là những "phên dậu"
kiên cố nơi cửa ngõ của đất nước. Đó là các bộ tộc vốn cư trú lâu đời ở miền
biên cương, những người dân đến khai hoang, sinh cơ lập nghiệp, trải qua
quá trình đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước, họ ngày càng sống đoàn
kết, hòa hợp với nhau và hòa nhập với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhân dân vùng biên cương là chủ nhân trực tiếp của đất đai, rừng núi, sông
biển tiếp giáp với các nước láng giềng; thường xuyên đối diện với âm mưu,
hành động xâm lấn, quấy rối của người nước ngoài đối với quê hương của
22
họ và là khu vực biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua những
cuộc đấu tranh ấy, tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức quốc gia của nhân dân
được tôi luyện, thử thách, góp phần tạo nên sự bền vững cho cương vực đất
nước.
Trong những thời điểm khó khăn của đất nước, Triều đình phong
kiến suy yếu, thiếu chăm lo công việc biên phòng thì nhân dân các dân tộc
vùng biên giới đã chủ động đấu tranh chống lại những hành động xâm lấn,
quấy phá biên giới của kẻ thù. Nhiều phong trào đã dựa vào địa bàn và
nhân dân các dân tộc vùng biên giới để tập hợp, xây dựng lực lượng, tổ
chức đánh giặc cứu nước. Điều này phản ánh rõ nét sự phát triển của ý thức
về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia của nhân dân ta, trong đó có nhân
dân các dân tộc vùng biên giới.
Để phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ biên
giới, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách dân
tộc, trong đó có những chính sách tiến bộ, nhằm phát huy nguồn lực con
người vào công cuộc biên phòng của dân tộc: dùng quan tước, bổng lộc, hôn
nhân; nuôi dạy con cái của các tù trưởng để kết thân thủ lĩnh địa phương
miền núi biên giới, vốn là nòng cốt trong nhân dân các dân tộc ở vùng biên,
v.v..
Việc dùng hôn nhân để ràng buộc các biên thần là một nét đặc trưng
trong chính sách dân tộc dưới thời phong kiến ở nước ta. Điển hình là thời
Lý, theo sử sách để lại, có đến chín lần gả các công chúa cho những tù
trưởng vùng biên giới. Như vậy, công cuộc biên phòng đất nước đã vượt
lên khỏi ranh giới của sự kỳ thị dân tộc, dòng họ. Biện pháp này tạo ra một
tầng lớp "ngoại thích" ở biên cương, là cơ sở đáng tin cậy nhất cho việc bảo
vệ biên giới quốc gia.
Nhiều tù trưởng được Triều đình phong cho tước trọng, ban cho
23
quyền cao đã hết lòng tổ chức nhân dân giúp Nhà nước trung ương bảo vệ
lãnh thổ biên giới. Thời Lý, vua phong cho Lưu Kỷ làm quan Sát sứ ở vùng
Quảng Nguyên; người họ Nùng ở Cao Bằng được phong chức Thái Bảo
(chức dành cho quan Đại thần), v.v.. Thời Lê Sơ, một số tù trưởng ở Mộc
Châu được hưởng đặc ân của vua Lê Thái Tổ là được mang họ vua. Hình
thức này gọi là "ban quốc tính", thể hiện sự tin cậy, tạo động lực và lòng
trung thành cho các tù trưởng nơi biên cương.
Các Triều đình phong kiến Việt Nam, nhất là trong giai đoạn tiến
bộ, đã có sự quan tâm nhất định đến đời sống của nhân dân, trong đó có
đồng bào các dân tộc thiểu số. Vào những thời điểm khó khăn đã giải quyết
những vấn đề có tính chất chính sách xã hội đối với nhân dân. Thông qua
họ, các triều đình đã nắm được dân, được đất, thắt chặt hơn mối quan hệ
thân tộc, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của triều đình tới miền
biên giới xa xôi.
Ba là, các Triều đại phong kiến Việt Nam đã phát huy được vai trò
to lớn của Nhà nước trong trong sự nghiệp bảo vệ CQANBGQG.
Nếu nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh của đất nước và sức
mạnh biên phòng thì sự thành công hay thất bại của công cuộc biên phòng
lại lệ thuộc một phần không nhỏ vào vai trò của Nhà nước, tùy thuộc trình
độ nhận thức, những phương lược, kế sách biên phòng và đường lối ngoại
giao của mỗi triều đại.
Nhà nước là đại diện cho chủ quyền dân tộc, là người tập hợp và
phát huy sức mạnh nhân dân, tổ chức và thực hiện mọi hoạt động bảo vệ
chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh khu vực biên giới. Trong lịch sử
dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ở mỗi thời kỳ lịch sử nhất định đều có
những nét riêng trong kế sách biên phòng. Các cuộc kháng chiến chống
xâm lược Tần của quân Triệu Đà ở vùng biên cương phía Bắc cho thấy việc
phòng giữ, bảo vệ miền biên giới thời Âu Lạc đã được đặt ra một cách thực
24
tế.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược đầu tiên trong lịch sử nước ta thời
Âu Lạc đồng thời cũng là sự khẳng định ý chí độc lập dân tộc, hình thành ý
thức quốc gia, quốc giới của cư dân Âu Lạc ở các miền biên giới tiếp giáp
với lãnh thổ Trung Quốc. Nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc đã đặt những
"viên gạch" đầu tiên trong sự nghiệp biên phòng của nước ta. Đến thế kỷ
thứ X, Triều Tiền Lê đã định hình được những nét cơ bản cho công cuộc
biên phòng. Các Vua Lý đã chú trọng thu phục cư dân biên giới để củng cố và
bảo vệ cương vực đất nước. Nhà Lê Sơ duy trì kỷ cương trong lực lượng
làm nhiệm vụ biên phòng nên biên cương được yên ổn, lãnh thổ được vẹn
toàn.
Vai trò to lớn của nhà nước trong công cuộc biên phòng, trước hết
phải kể đến vai trò to lớn của các nhà vua thuộc các triều đại phong kiến.
Nhà vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp, có quyền lực tối cao.
Trong lịch sử bảo vệ biên giới quốc gia, thời kỳ nào các vị vua quan tâm
đến quyền lợi dân tộc, chú ý phát triển đất nước về mọi mặt, thường xuyên
chăm lo bảo vệ biên giới thì thời kỳ đó biên phòng mạnh, hoạt động bảo vệ
CQANBG có hiệu quả. Thời kỳ nào vua chúa xem nhẹ quyền lợi dân tộc,
sao nhãng việc biên phòng thì thời kỳ đó chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị
xâm phạm, nhân dân biên giới, ven biển bị cướp bóc, quấy phá. Nhiều vị
vua, không những chỉ đạo giải quyết từng biên sự cụ thể, mà còn trực tiếp
đi kinh lý khảo sát biên giới, trực tiếp cầm quân đánh giặc bảo vệ biên giới
nước nhà.
Công việc biên phòng là mối quan tâm thường xuyên, là nhiệm vụ
cực kỳ quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của nhiều vị vua
nước ta. Vua Lê Hoàn được nhà sử học Phan Huy Chú gọi là " ông vua cẩn
thận về biên phòng" [14, 159]. Vua Lý Anh Tông đã thân chinh đi xem xét
kỹ càng biên giới và soạn ra sách "Nam - Bắc phân giới địa đồ". Sách này
25