KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH – NGUYỄN THI (tiết
2)
3.3. Nhân vật Chiến
Như nhan đề tác phẩm: Những đứa con trong gia đình, Chiến và Việt là nhân vật chính của truyện
ngắn – hai hình tượng nghệ thuật được nhà văn dụng công khắc họa. Nguyễn Thi đã dành cho họ tất
cả tình cảm mến thương sâu đậm của mình, hình ảnh họ hiện lên trong tác phẩm thật sinh động, đáng
mến đáng yêu qua nghệ thuật miêu tả hết sức tinh tế, sắc sảo của tác giả.
3.3.1. Những nét phẩm chất chung của hai chị em Chiến Việt:
+ Đó là sự trẻ trung, hồn nhiên: Hai chị em ruột suýt soát tuổi nhau và họ còn rất trẻ: năm ghi tên
tòng quân, chị 19 còn em mới 18. Họ là biểu tượng cho lớp người vừa tới tuổi thanh xuân, mới bước
đi những bước đầu tiên trên con đường cách mạng. Họ rất đỗi hồn nhiên, trong sáng và còn cả tính
ngây thơ của trẻ nhỏ: rất hay giành nhau: tranh công bắt được nhiều ếch, giành thành tích tiêu diệt
tàu Mỹ và vào bộ đội cũng giành nhau đi trước...Lần nào chú Năm cũng phải đứng ra phân xử.
Nhưng chị là chị, em là em, bao giờ chị cũng nhường em.
Chiến, Việt và lớp trẻ miền Nam đã đi vào cuộc chiến đấu của dân tộc với tất cả sự trẻ trung,
hồn nhiên. Nhưng họ cũng nhập cuộc với cả lòng căm giận sục sôi đối với quân xâm lược, gan góc
vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất của chiến tranh, quyết hi sinh đến cùng cho cách mạng cùng
tình yêu thương tha thiết với gia đình, chòm xóm, quê hương, đất nước.
+ Giàu lòng yêu thương: Lớn lên trong một gia đình có truyền thống ân nghĩa thủy chung,
những đứa con trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau bằng một tình yêu máu thịt. Từ nhỏ, hai chị em
đã quấn quýt không chịu rời nhau nửa bước. Ba má mất sớm, họ đùm bọc nương tựa vào nhau. Em
yêu thương chị, chị chăm lo, săn sóc, yêu chiều nhường nhịn em. Lớn lên, mỗi người một ngả đường
chiến đấu, họ luôn nhớ về nhau, động viên, cổ vũ nhau. Mặt khác, mặc dù má mất đã lâu, nhưng hình
bóng má luôn ở trong trái tim hai chị em. Không phải ngẫu nhiên mà Chiến giống má, từ vóc dáng,
hình hài đến phẩm chất, tính cách. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Việt nhận ra từng biểu hiện của
má ở người chị của mình. nếu như Chiến bày tỏ lòng hiếu thảo bằng cách càng ngày càng giống tạc
má, thì Việt bộc lộ tình cảm ấy bằng cách nhất nhất nghe theo sự sắp xếp, tính toán của chị mình.
Cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm đã thể hiện cô đọng và cảm
động những tình cảm yêu thương chân thành ấy: “Nào đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi
đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”.
+ Sục sôi căm thù: Càng yêu thương ba má, gia đình, càng gắn bó với quê hương xứ sở, họ càng
căm thù quân xâm lược. Hai chị em ghi xương khắc cốt mối căm giận không đội trời chung với kẻ
thù dân tộc – kẻ đã tàn phá quê hương, đã cướp đi sự bình yên hạnh phúc trong gia đình họ: ông bà,
ba má đã bị sát hại một cách dã man. Mang nặng thù nhà, nợ nước, chị em Việt đều chung một ước
nguyện được cầm súng giết giặc, trả thù cho ba má và quê hương. Bước vào tuổi thanh niên, cả hai
đều náo nức tòng quân. Nguyễn Thi đã miêu tả một cách cụ thể, sinh động cảnh tượng hai chị em
giành nhau trong cái đêm tòng quân ấy
“... anh cán bộ của huyện đội vừa dứt lời cả hai chị em Việt giành nhau chạy lên:
- Tôi tên là Việt, anh cho tôi đi bộ đội với.
Chị Chiến đứng sau Việt thở:
- Đề nghị mấy anh xét cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành...”.
Đoạn văn làm sống lại cái không khí lên đường tòng quân đánh Mỹ sôi nổi ở cả hai miền
Nam Bắc trong những năm tháng quyết liệt của dân tộc. Chiến có thể nhường em trong mọi chuyện
nhưng kiên quyết không nhường Việt trong chuyện này. Còn Việt đã phải khai tăng tuổi để trở thành
chiến sĩ. Và họ đã toại nguyện. Hai chị em đã lên đường với ý chí quyết tâm sắt đá. Ta hãy lắng nghe
một đoạn đối thoại của họ trong cái đêm trước ngày lên đường:
“Chú Năm nói mày với ta đi kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà ráng học chúng học bạn,
thù nhà chưa trả mà bỏ về thì chú chặt đầu.
Việt lăn kềnh ra ván cười khì khì:
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
- Chị có bị chặt đầu thì chặt chớ chừng nào tôi mới bị.
- Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu. Nếu giặc
còn thì tao mất”.
+ Hăng say chiến đấu: Thật giản dị, hồn nhiên mà lại rất kiến quyết, dứt khoát. Trở thành
người lính, họ đã chiến đấu dũng cảm và đều đã trưởng thành: Chiến là tiểu đội trưởng đơn vị bộ đội
nữ địa phương quân Bến Tre, còn Việt – trong trận đánh đầu tiên trong đời người chiến sĩ trẻ ấy – đã
lập công xuất sắc: diệt gọn một xe bọc thép chở đầy Mỹ và sáu thằng Mỹ lẻ.
Yêu thương và căm thù – đó chính là hai nguồn sức mạnh tạo nên tính cách đặc biệt dũng
cảm, ngoan cường trong các nhân vật của Nguyễn Thi. Một nhà phê bình đã có nhận xét đúng: hầu
hết các nhân vật của Nguyễn Thi đều có ít nhiều trong máu mình cái “chất Út Tịch”: say chiến đấu,
mọi suy nghĩ, tình cảm đều hướng về cuộc chiến đấu của dân tộc, trả nợ nước, thù nhà.
3.3.2. Tuy nhiên, mỗi hình tượng nghệ thuật đều phải là một chỉnh thể sinh động có đời
sống riêng, có quy luật tâm lý riêng. Tài năng của Nguyễn Thi bộc lộ ở sự phản ánh một cách tinh
tế, sắc sảo những nét cá tính riêng biệt của hai chị em. Nhà văn đã tỏ rõ biệt tài phân tích tâm lý nhân
vật, dẫn bạn đọc đi sâu vào cái thế giới vốn mông mênh, thăm thẳm là tâm hồn, là cuộc sống bên
trong của con người. Chiến và Việt hiện lên trong tác phẩm vừa có những nét giống nhau về bản chất
những mỗi người một cá tính không ai giống ai... Sự khác biệt ấy chủ yếu do giới tính và vị trí của họ
trong gia đình: sự khác nhau của một người là chị, một người là em, một là gái, một là trai.
* Nét nổi bật ở Chiến là sự kiên trì, gan góc, đảm đang, nhường nhịn và nữ tính
Chiến có cái gan góc riêng của người phụ nữ. Việt dũng cảm trong chiến đấu nhưng chắc
chắn không thể kiên trì ngồi hàng giờ đánh vần quyển sổ- cuốn gia phả thiêng liêng mà chú Năm đã
ghi lại một cách cụ thể, tỉ mỉ những mối thù và những chiến công của các thành viên trong gia đình
như người chị gái.
Là chị nên tuy chưa hết tính trẻ con, có lúc còn giành nhau với em nhưng bao giờ cuối cùng
Chiến cũng nhường nhịn: nhường công bắt ếch, nhường chiến công bắn tàu Mỹ... Duy chỉ có việc
ghi tên tòng quân đánh Mỹ thì Chiến nhất quyết không nhường. Ở đây, lẫn giữa tính trẻ con và niềm
khát khao chiến đấu có lẽ còn là tấm lòng thương em của người chị: lo cho em còn trẻ, muốn giành
phần nguy hiểm về mình. Là chị của một đàn em nhỏ trong hoàn cảnh ba má mất sớm, Chiến tỏ ra
khôn ngoan, già dặn trước tuổi. Cô không chỉ nói in như má, mà còn học được cách nói “trọng trọng”
của chú Năm. Cô đảm đang, tháo vát, lo toan việc nhà trong cương vị người chủ gia đình. Chỉ hơn
Việt một tuổi, nhưng cô thấy trách nhiệm phải dặn dò em: “xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù
cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”. Cái đêm trước ngày lên đường, Chiến không ngủ được
bởi “sắp tới đây còn bao nhiêu chuyện phải lo, ngay bây giờ cũng còn bao nhiêu việc phải nhớ”. Cô
lo lắng việc gửi thằng út cho chú Năm, gửi nhà cửa cho xã làm trường học, ruộng vườn chia cho cô
bác, và lo cả việc gửi bàn thờ má sang nhà chú năm. Chiến sắp xếp việc nhà đâu vào đấy khiến cả
chú Năm phải kinh ngạc khen “Khôn! Việc nhà nó thu xếp được gọn thì việc nước nó mở được rộng
gọn bề gia thế, đặng bề nước non”. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất về Chiến vẫn là quyết tâm sắt đá ở
trong câu nói “nếu giặc còn thì tao mất”, là sự vững vàng, khoẻ khoắn trong hình ảnh “dang cả thân
người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên”. Trong hình ảnh Chiến như có sự
âm vang, cộng hưởng của ý chí chiến đấu của chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”. Phải chăng vì
những phẩm chất ấy mà Việt luôn yêu quý, tự hào, tin tưởng chị, coi chị như báu vật của riêng mình!
Xây dựng nhân vật Chiến, nhà văn có ý thức tô đậm đức tính gan góc, đảm đang, tháo vát mà
cô được kế thừa từ người mẹ. Vận hội mới của cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp
cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề chắc nịch như dao chém đá của mình. Nguyễn
Thi đã xây dựng nhân vật Chiến vừa có cá tính, lại vừa phù hợp với lứa tuổi, giới tính. Dù chỉ hiện
lên qua sự hồi tưởng của Việt, nhưng Chiến đã để lại ấn tượng cho người đọc như là sự tiếp nối đáng
tự hào của truyền thống gia đình, đất nước.
3.4. Nhân vật Việt
*Trong tác phẩm, Việt là nhân vật xuất hiện nhiều lần nhất. Dường như tác giả đã “trao
quyền” cho người lính trẻ này để anh tự viết về mình bằng một ngôn ngữ và giọng điệu riêng.
Bằng cách ấy, Việt đã hiện lên cụ thể sinh động trước mắt bạn đọc, vừa có dáng vẻ của cậu con
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
trai mới lớn vừa gan góc tuyệt vời, rất bình dị, hồn nhiên mà anh dũng vô song của người chiến sĩ
giải phóng quân – con người đẹp nhất thời đại.
- Đêm trước ngày nhập ngũ: Là em,Việt có nét dễ mến của cậu con trai lộc ngộc, hồn
nhiên, vô tư, hiếu động và rất trẻ con. Người lính trẻ ấy mới hôm nào còn giành phần hơn với chị
khi đi bắt ếch, lúc đánh tàu giặc trên sông Định Thủy và khi ghi tên tòng quân còn phải khai tăng
tuổi. Mọi việc trong nhà, Việt đều phó thác cho chị. Cái đêm trước ngày lên đường nhập ngũ, trong
lúc chị bàn bạc, lo toan thu xếp chu đáo công việc gia đình thì cậu vô tư “lăn kềnh ra ván cười khì
khì”, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay” rồi “ngủ quên lúc nào không
biết”.
- Bị thương nặng, cái chết kề bên, điều mà Việt ao ước là được trở lại tuổi thơ, gặp lại má,
được má xoa đầu, đánh thức dậy và lấy xoong cơm đi làm đồng ở dưới xuồng lên cho Việt ăn. Việt
muốn gặp lại anh Tánh, níu chặt lấy anh mà khóc như thằng Út em vẫn níu chân chị Chiến. Việt
không sợ chết nhưng lại rất sợ ma. Trong bóng đêm lạnh lẽo, vắng lặng nơi chiến trường, Việt hình
dung ra cái “con ma cụt đầu vẫn ngồi trên cây xoài mồ côi và thằng chỏng thụt lưỡi hay nhảy nhót
trong những đêm mưa ngoài vòm sông... Việt nằm thở dốc...”.
Bằng những chi tiết chọn lọc một cách tinh tế, Nguyễn Thi đã khắc họa đậm nét chất hồn
nhiên, đáng yêu của anh chiến sĩ trẻ. Đó cũng là đặc điểm của lớp người cầm súng thời đánh Mỹ. Họ
ra trận với tất cả sự trẻ trung, hồn nhiên của lứa tuổi mới trưởng thành, đang bước những bước đầu
tiên trên con đường cách mạng. Và họ cũng đã bước vào văn học thời ấy với tất cả vẻ đẹp đáng yêu
đó.
- Nhưng hồn nhiên, tươi trẻ mà anh dũng vô song. Ở Việt, tính gan góc đã hình thành từ
khi còn nhỏ. Lần cùng má và chị Chiến đi đòi đầu ba, Việt cứ “nhè cái thằng vừa liệng mà đá”. Lớn
lên, Việt cùng chị bắn cháy tàu địch trên sông Định Thủy. Trận chiến đấu tiên trong cuộc đời chiến
sĩ, Việt đã lập chiến công xuất sắc: dùng thủ pháo diệt một xe bọc thép chở đầy lính và sáu thằng Mỹ
lẻ. Trận đánh kết thúc, Việt bị thương nặng và lạc đồng đội, phải nằm lại một mình trên chiến trường
còn khét mùi khói súng và ngổn ngang xác giặc. Nhà văn đã miêu tả trung thực cái cảm giác trống
vắng, đơn độc, lo lắng của anh chiến sĩ trẻ. Nhưng khi nghe thấy một loạt đạn súng lớn dội đến, Việt
lập tức thoát khỏi những cảm giác ấy. Anh chiến sĩ trẻ đã có thể phân biệt được đâu là tiếng pháo của
giặc, đâu là tiếng súng của ta. Nghe tiếng đạn nổ, Việt có thể hình dung diễn biến của trận đánh. Việt
không thể nào chấp nhận thực tế là mình đang ở bên ngoài trận đánh ấy. Anh không còn nghĩ đến
tình cảnh thực tại của mình, chỉ còn khao khát được hướng về phía trước, nơi đồng đội anh đang đổ
lửa lên đầu thù….Mặc dù bị trọng thương, nhưng Việt không rời xa tiếng súng. Ngược lại, “trận
đánh đang gọi Việt đến. Phía đó là sự sống. Tiếng súng đem lại sự sống cho đêm vắng lặng. Ở đó có
các anh đang chờ Việt, đạn ta đang đổ lên đầu giặc Mĩ”
Khao khát ấy đã tiếp cho anh sức mạnh tinh thần vô giá, để giữ vững tư thế sẵn sàng chiến
đấu: chỉ còn một ngón tay nhúc nhích được, Việt đặt vào cò súng: một viên đạn đã lên nòng. Và bằng
một nghị lực phi thường, một niềm tin sắt đá “Việt đã bò được một đoạn, cây súng đẩy đi trước, hai
cùi tay lôi người theo...”. Bởi vì, Việt đã có thể xác định phương hướng cho mình. ở nơi ấy, có
những đồng đội thân yêu của anh, ở nơi ấy, anh có thể góp phần mình vào chiến thắng.
Có thể nói: trẻ trung, hồn nhiên, mà chiến đấu vô cùng dũng cảm... là những phẩm chất đẹp
đẽ của Việt cũng là phẩm chất chung của người lính những năm đánh Mỹ. Và hành động giết giặc để
trả thù nhà, đền nợ nước đã trở thành một trong những thước đo quan trong nhất về phẩm cách con
người trong sáng tác của Nguyễn Thi. Họ chính là “hoa mùa xuân Nam Bộ” – một bài thơ viết như
để dành riêng cho Việt và cả một thế hệ của anh: Họ như hoa mùa xuân thắm ngọt trên cành/ Hoa
nở đầu môi ánh sáng cười trong mắt/ Tuổi mười chín áo chưa sờn đã chật/ Bước vụng về nhưng
rắn chắc hăng say/ Đánh giặc chưa quen chỉ biết cuốc cày/ Ra trận lần đầu đã xung phong đuổi
giặc...Vậy thì đâu là cội nguồn cho những phẩm chất anh hùng ấy?
- Không chỉ gan góc kiên cường, Việt còn có một trái tim giàu tình cảm yêu thương. Bị
trọng thương, nằm lại giưa chiến trườg khói lửa, hình ảnh quê hương, gia đình trở đi trở lại trong nỗi
nhớ tình thương của Việt. Đặc biệt là cảnh hai chị em khiêng bàn thờ má gửi bên nhà chú Năm. Việt
đã thầm hứa trước vong linh má “Nào, con đưa má sang ở tạm nhà chú. Chúng con đi đánh giặc trả
thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về”. Việt trò chuyện, tâm tình với má
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
như với người đang sống. Má vẫn sát cánh cùng hai chị em trong ngày ra trận, và vẫn sống trong
niềm tin của hai chị em vào ngày toàn thắng trở về. Phải chăng, con người VN đang chiến đấu với cả
sức mạnh của những người đang sống và cả những người đã khuất? Có phải ngẫu nhiên khi trong
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, NĐC viết: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp
cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”, thì trong “Đất nước”, nhà thơ NĐT viết: “Đêm đềm rì
rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”, còn trong “Lá thư Bến Tre”, nhà thơ Tố
Hữu viết: “Người chết đi cùng người sống đây, thuỷ chung một dạ trả thù này”….
- Con người, khi ở những bước ngoặt trọng đại, thường ngỡ ngàng vì những thức ngộ trong
lòng mình, vì những nhận thức mà trước đó mới chỉ tồn tại hồn nhiên, tự nhiên trong tâm thức, chưa
có sự định hình của lí trí. Nếu như đêm hôm trước, Việt còn như một chú bé, vô tư đến vô tâm trước
những lo toan bộn bề của người chị, thì lúc này đây, trong tâm hồn người chiến sĩ ấy đã có những
chuyển biến mạnh mẽ. Nghe tiếng bước chân bịch bịch của chị Chiến, tiếng bước chân mạnh mẽ của
người chị dường như sinh ra là để chống chọi, để gánh vác, lần đầu tiên, Việt nhận thấy rõ ràng tình
cảm yêu thương của mình dành cho chị. Càng yêu thương chị, Việt càng thấm thía mối thù với thằng
Mĩ. Cảm xúc ấy dường như đã chuyển hoá từ lĩnh vực tinh thần sang lĩnh vực vật chất, từ vô hình
thành hữu hình. Nó không còn chung chung, trừu tượng mà đã hiện thành hình, thành khối, có trọng
lượng cụ thể, có thể rờ thấy được vì nó đang đè nặng ở trên vai. Phải chăng đó cũng là cảm giác mà
nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ “Việt Bắc”: “Mình về rừng núi nhớ ai... Miếng cơm chấm muối,
mối thù nặng vai”? Đoạn văn diễn tả thành công sự trưởng thành về nhận thức của Việt trước khi đi
chiến đấu.
- Con đường sang nhà chú Năm là con đường quen thuộc, men theo chân vườn, nhưng hôm
nay để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng Việt. Nó thoang thoảng mùi hoa cam hay chính là hương
thơm của tình người, hương thơm của đất đai vườn tược quê hương. Con đường này má từng đi. Con
đường này hôm nay Việt và Chiến đưa bàn thờ má sang nhà chú Năm để đi ra trận. Hình ảnh con
đường đã góp phần thể hiện một chân lí của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam: Đó là sự
chuyển giao giữa các thế hệ:“Ta lại viết bài thơ trên báng súng/ Con lớn lên đang viết tiếp thay cha /
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”. Và như thế,
phải chăng, nhà văn muốn nói với chúng ta: mỗi nẻo đường ra trận đều bắt nguồn từ mỗi mái nhà với
bao yêu thương, với những tình cảm gia đình tốt đẹp? Những câu văn xúc động, thiêng liêng đã khái
quát về cuộc chiến đấu của dân tộc ta: có yêu thương và căm thù, có mất mát và vĩnh hằng, có yếu tố
hành động và yếu tố tâm linh, có quá khứ và hiện tại. Cũng như chị, Việt đã nêu cao truyền thống
cách mạng của gia đình. Việt là hiện thân cho tinh thần tranh đấu quả cảm, cho khí phách anh hùng,
cho sức trẻ tiến công của thời đại.
3.3.3. Kết bài: Qua những điểm giống và khác nhau của các nhân vật ta thấy rõ tài năng
nghệ thuật của Nguyễn Thi. Trang viết của ông đầy những điều kì thú, bất ngờ, nhiều chi tiết cụ thể
có sức nặng chứ không sa vào vụn vặt, dài dòng, kể lể. Tác giả đã khéo lồng hiện tại với quá khứ tạo
nên sức hấp dẫn cho thiên truyện. Đặc biệt là việc sử dụng lời nửa trực tiếp, lời độc thoại nội tâm và
đối thoại trong diễn tả tâm lí, khắc họa tính cách, cá tính nhân vật. Điều này được thể hiện rất rõ ở
nhân vật Việt. Qua những dòng hồi tưởng đứt đoạn làm hiện lên hình ảnh rõ nét cả một gia đình cách
mạng, đặc biệt là hình ảnh hai chị em. Mỗi người một vẻ, họ bổ sung và gắn bó với nhau, tạo thành
vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn và tính cách.
Từ hai nhân vật này, Nguyễn Thi ca ngợi và khẳng định những phẩm chất cao đẹp của một
lớp người mới được sinh ra và lớn lên trong khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Anh dũng
vô song mà lại hồn nhiên, bình dị, nhà văn ca ngợi nhưng không thần thánh hóa nhân vật. Chiến và
Việt vừa tươi mới những phẩm chất thời đại lại vừa ẩn chứa trong mình những giá trị vững bền của
truyền thống cha anh. Như nhà thơ Tố hữu đã có lần khẳng định: Lớp cha trước lớp con sau- Đã
thành đồng chí chung câu quân hành. Họ đã kế tục xứng đáng sự nghiệp giải phóng dân tộc của
lớp người đi trước và đã thúc đẩy sự nghiệp đó bằng chính sự gan góc quả cảm, sự thông minh, sung
sức của thế hệ mình.
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH – NGUYỄN THI (tiết 3)
4. Tính sử thi
4.1. Giới thiệu chung
4.2. Khái niệm
- Một trong những đặc điểm của văn học Việt Nam 1945- 1975 là có khuynh hướng sử thi,
NĐCTGĐ không ngoài đặc điểm đó.
- Sử thi vốn là một thuật ngữ chỉ một thể loại xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học nhân loại. Có
người gọi nó là anh hùng ca. Chúng ta từng biết đến những sử thi nổi tiếng như…còn khi nói một tác
phẩm hiện đại có tính sử thi nghĩa là nói đến việc tác phẩm đó có những đặc điểm thường thấy trong
sử thi. Cụ thể là:
+ Tác phẩm viết về những vấn đề, những sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao, gắn với lợi ích sống còn
của cộng đồng, dân tộc.
+ Nhân vật chính tiêu biểu cho cộng đồng, dân tộc, mang lí tưởng chung của cộng đồng và kết tinh
những phẩm chất cao đẹp của cộng đồng.
+ Nhà văn đứng ở tầm bao quát lịch sử dân tộc để miêu tả.
+ Lời văn mang tính chất ca ngợi, trang trọng và sôi nổi, hào hùng.
+ Hình ảnh, hình tượng chói lọi, hoành tráng.
4.3. Chất sử thi trong “Những đứa con trong gia đình”
- Tuy âm hưởng sử thi tron truyện không dễ nhận ra như trong tác phẩm Rừng xà nu, nhưng nếu suy
ngẫm kĩ, ta vẫn thấy rõ tính sử thi đậm nét
4.3.1. Thứ nhất là đề tài, chủ đề, sự kiện, vấn đề nêu ra qua NĐCTGĐ có ý nghĩa lịch sử, gắn với
vận mệnh cộng đồng, với vận mệnh dân tộc Việt Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Bao trùm lên toàn
bộ tác phẩm là không khí chiến trận, không khí đấu tranh giữa nhân dân Nam Bộ với bọn xâm lược
cùng bè lũ tay sai của chúng. Những con người dường như sinh ra để đấu tranh với bọn xâm lược,
giành lại tự do cho quê hương đất nước. Đấu tranh như cơm ăn nước uống, như công việc hàng ngày.
Những nhân vật chính là con một gia đình, nhưng tất cả hành động của họ đều là chiến đấu vì độc lập
dân tộc, họ hi sinh vì độc lập dân tộc.
4.3.2. Thứ hai, các nhân vật mang lí tưởng chung của dân tộc, kết tinh những phẩm chất chung
của dân tộc, đại diện cho dân tộc, con người mang bổn phệt, anh ận công dân (ba, má, Chiến, Việt,
anh Tánh, đồng đội, chú Năm...). Đặc biệt là ở Việt. Ở chàng trai này, tuy tính trẻ con song ý thức
công dân, trách nhiệm với cộng đồng rất rõ ràng. Việt tranh đi tòng quân với lí lẽ rất gọn và chắc: bộ
mình chị biết đi trả thù à? Cảm động thay lời thì thầm của Việt với má...Ngay lúc ấy, Việt cảm thấy
mối thù thằng Mĩ có thể rờ thấy được”. Chính lòng căm thù ấy khiến Việt không sợ chết. Ngay lúc bị
thương, mắt không nhìn thấy, Việt vẫn sẵn sàng nổ súng vào quân thù. Niềm vui của Việt là niềm vui
chiến thắng. Gặp đồng đội, Việt không than thở kêu đau mà phấn khởi hỏi dồn: “Mình diệt nó hết rồi
hả anh?”. Lập công lớn và muốn viết thư cho chị, nhưng lại thấy công lao của mình chưa thấm gì với
đồng đội và chưa chắc đã đáp ứng nguyện vọng của.
4.3.3. Thứ ba, nhà văn miêu tả tầm bao quát lịch sử dân tộc, thời đại, nghĩa vụ công dân, ý
thức chính trị. Thời đại chống xâm lược, cả nước hành quân ra tuyến lửa, lớp cha trước lớp con sau,
chồng hi sinh, vợ tiếp bước; mẹ bị giặc giết, các con lên đường đánh giặc; tụ nguyện nhập ngũ khi
chưa đủ tuổi, chú bảo lãnh cháu để cháu ra chiến trường, trốn nhà đi bộ đội, không hề có cái cá nhân
len lỏi vào những con người này, chỉ thấy họ là đất nước, là dân tộc, là thời đại đánh Mĩ. Nếu có tình
cảm riêng tư thì gác lại, như hai chị em mang bàn thờ ba má sang gửi nhà chú. Không ai nghĩ đến
hạnh phúc cá nhân, vì còn thằng Mĩ thì không ai có hạnh phúc nổi cả.
4.3.4. Thứ tư, lời văn trong tác phẩm trang trọng hào hùng, hình ảnh kĩ vĩ, giọng điệu ngợi ca.
Nếu Rừng xà nu có âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên làm nền cho tác phẩm thì ở NĐCTGĐ lại là
cái dài rộng của dòng sông đất nước. Việt là một thiếu niên bình dị, nhưng chiến công thì được miêu
tả hào hùng, theo những dòng suy nghĩ của Việt, ta thấy hình ảnh Việt thật lớn lao, phi thường, gan
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
góc từ nhỏ, bị thương khắp người đang rỉ máu, ngất đi tỉnh lại nhiều lần, hai mắt không nhìn được,
vẫn bò trong bãi chiến trường. Một loạt súng văng vẳng...Việt vẫn còn đây, nguyên tại vị trí này, đạn
đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ sugs. Thật là một ý chí thép, một tư tưởng lớn lao phi
thường, không khác nào tinh thần của những nhân vật sử thi xưa.
4.3.5. Hình ảnh, hình tượng chói lọi: Thể hiện qua cuốn sổ của gia đình với truyền thống yêu nước,
căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương.
+ Cuốn sổ là lịch sử gia đình mà qua đó thấy lịch sử của một đất nước, một dân tộc trong cuộc chiến
chống Mĩ.
+ Số phận của những đứa con, những thành viên trong gia đình cũng là số phận của nhân dân miền
Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt. Mỗi nhân vật trong truyện đều tiêu biểu cho truyền
thống, đều gánh vác trên vai trách nhiệm với gia đình, với Tổ quốc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ
đại.
+ Truyện của một gia đình dài như dòng sông còn nối tiếp. "Trăm dòng sông đổ vào một biển, con
sông của gia đình ta cũng chảy về biển, mà biển thì rộng lắm…, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả
nước ta…". Truyện kể về một dòng sông nhưng nhà văn muốn ta nghĩ đến biển cả. Truyện về mọt
gia đình nhưng ta lại cảm nhận được cả một Tổ quốc đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra
từ những đau thương.
4.3.6. Đánh giá khái quát
- Miêu tả con người theo khuynh hướng sử thi là một đặc điểm nghệ thuật nổi bật của các tác phẩm
thời kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Những tác phẩm đó đã bồi dưỡng cho con người Việt Nam thời
kì ấy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cũng như giúp các thế hệ tương lai hiểu hơn về giá trị của hòa
bình, độc lập, tự do.
- Nếu như Nguyễn Trung Thành xây dựng “Rừng xà nu” trên chất nền Tây Nguyên hùng tráng và có
phần gân guốc thì Nguyễn Thi lại mang đến một không khí Nam Bộ gần gũi, chân chất, bộc trực đến
từng lời nói qua tác phẩm. Ở đó, nhà văn khắc họa hình ảnh những con người bình dị của quê hương
sông nước mà chất anh hùng hòa lẫn với vẻ thuần phác, tự nhiên. Tất cả xuất phát từ sự kế thừa và
phát huy truyền thống anh hùng của cha ông. Trên dòng sông gia đình ấy, họ đã ghi tên mình ở mỗi
chặng và ra sức bồi đắp cho dòng sông những chiến tích đầy tự hào. Họ là những khúc sông trong
trẻo góp nên dòng chảy con sông gia đình đồng thời hòa vào dòng chảy của dân tộc để cùng chiến
đấu. Có lẽ chính sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu Tổ quốc, giữa truyền thống gia đình
với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn, vĩ đại của con người Việt Nam và cả dân tộc
Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Tính hiện thực và trữ tình trong tác phẩm, vì vậy
càng hài hòa, gắn bó hơn. Không chỉ dừng lại ở đó mà qua ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ trong tác
phẩm, âm điệu huyền thoại sử thi trở nên phóng khoáng và đa dạng hơn.
III. Đặc sắc nghệ thuật
1. Tình huống truyện dẫn đến nghệ thuật trần thuật theo điểm nhìn nhân vật.
2. Khắc họa tính cách nhân vật (Chất Nam Bộ, những nét chung, riêng).
3. Trần thuật hấp dẫn với những chi tiết được chọn lọc một cách nghiêm ngặt.
4. Ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, giàu giá trị tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
IV. Kết luận: “Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi là một tâm hồn nghệ sĩ hiểu theo nghĩa đẹp nhất của
từ đó. Nhưng trước hết trong anh là một chiến sĩ và phải chăng đó cũng là đặc điểm của một lớp
người cầm bút thế hệ Nguyễn Thi” (Nguyên Ngọc). Nguyễn Thi có mặt tại Nam Bộ khi cuộc kháng
chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết liệt nhất. Vốn sống phong phú cùng với sự quan sát công
phu, tinh tế, tài năng phân tích sắc sảo và tấm lòng của một nghệ sĩ sâu nặng tình đời đã giúp nhà văn
thành công trong những trang viết của mình mà “Những đứa con trong gia đình” là một trong những
đỉnh cao nghệ thuật của văn học chống Mĩ.
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
NHỮNG ĐỨA CON TRONG GIA ĐÌNH – NGUYỄN THI (tiết 4)
DẠNG ĐỀ 1: Phân tích nhân vật
1. Phân tích nhân vật Việt
Ý 1: Việt là một chàng trai có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và trẻ con:
- Hay tranh giành với chị : từ việc soi ếch đến việc ghi tên tòng quân.
- Là một chiến sĩ giải phóng quân, cầm súng tự động, đánh Mĩ bằng lê mà cái ná thun vẫn nằm gọn
trong túi.
- Bị thương nặng đến ngày thứ hai, trong bóng đêm vắng và lạnh lẽo, Việt không sợ chết mà sợ bóng
đêm và sợ ma.
Ý 2: Tình thương yêu gia đình sâu nặng:
- Việt rất thương chị: lúc khiêng bàn thờ má sang gởi nhà chú Năm, Việt thấy thương chị lạ. Vào bộ
đội, Việt giấu chị như giấu của riêng.
- Rất thương chú Năm: nhớ câu hò của chú…
- Lúc bị thương, hình ảnh ba má hiện về chập chờn trong hồi ức Việt.
Ý 3: Tính cách người anh hùng, tinh thần chiến đấu dũng cảm:
- Dòng máu trong người Việt là dòng máu anh hùng: Dòng máu ấy chảy qua nhiều thế hệ từ ông bà,
cha mẹ đến thế hệ Việt và Chiến. Chính truyền thống gia đình là động lực tình cảm, tinh thần thúc
đẩy Việt chiến đấu.
- Bị thương ở trận địa, lạc đồng đội, người đầy thương tích, lúc tỉnh lúc mê, Việt vẫn ở tư thế sẵn
sàng chiến đấu.
- Tỉnh dậy lần thứ tư giữa đêm sâu thẳm, nghe tiếng súng đồng đội, Việt vẫn cố bò về hướng đó
“Chính trận đánh đang gọi Việt đến”
Ý 3: Đánh giá:
- Nguyễn Thi đã miêu tả nhân vật một cách sắc nét từ tính tình, tình cảm đến tinh thần chiến đấu
bằng những hình ảnh chân thực, hồn nhiên đầy cảm động.
- Ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ, phát huy tối đa lời đôc thoại nội tâm, những hồi ức khi đứt nối
tưởng chừng rời rạc nhưng thật chặt chẽ, truyện đã khắc hoạ hình tượng của một nhân vật anh hùng,
đại diện cho thế hệ trẻ miền nam thời kì chống Mĩ. Tác phẩm dạt dào cảm hứng sử thi.
2. Phân tích nhân vật Chiến
Ý 1: Vẻ đẹp của một cô gái đời thường:
- Cô 18 tuổi, đôi lúc tính khí còn trẻ con (Tranh công bắt ếch, vết đạn bắn tàu giặc) song có cái duyên
dáng của thiếu nữ mới lớn (Bịt miệng cười khí chú Năm cất giọng hò, chéo khăn hờ ngang miệng,
thích soi gương
- đi đánh giặc còn cái gương trong túi, ...). - Thương em, biết nhường nhịn em; biết tính toán việc
nhà.
- Thương cha mẹ (tâm trạng cô khi khiên bàn thờ má gửi trước ngày tòng quân...).
- Chăm chỉ: đọc chưa thạo nhưng chăm chỉ đánh vần cuốn sổ gia đình. Chiến là hình ảnh sinh động
của cô gái Việt Nam trong cuộc sống đời thường những năm chiến tranh chống Mỹ.
Ý 2 : Vẻ đẹp của phẩm chất người anh hùng:
- Gan góc: có thể ngồi lì suốt buổi chiều để đánh vần cuốn sổ ghi công gia đình của chú Năm. - Dũng
cảm: cùng em bắn cháy tàu giặc.
- Quyết tâm lên đường trả thù cho ba má: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi
thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à".
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
- Những phẩm chất đẹp đẽ của Chiến luôn được nghệ thuật miêu tả trong sự soi rọi với hình tượng
người mẹ. Nhưng nếu câu chuyện của gia đình Chiến là một "dòng sông" thì Chiến là khúc sông sau
- cô giống mẹ nhưng cũng rất khác mẹ ở hành động quyết định vào bộ đội, quyết định cầm súng đi
trả thù cho gia đình, quê hương.
Ý 3: Đánh giá: Chiến mang trong mình vẻ đẹp người con gái Việt Nam thời chống Mỹ: trẻ trung,
duyên dáng nhưng cũng rất mực anh hùng. Cô tiếp nối và làm rạng rỡ truyền thống đánh giặc cứu
nước của gia đình và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật thành công trong việc
xây dựng hình tượng nhân vật nữ anh hùng thời chống Mỹ.
3. Phân tích những điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật Việt và Chiến
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, học sinh
biết cách chọn, phân tích những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật điểm giống và khác nhau của hai
nhân vật Việt và Chiến. Bài viết có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu bật những ý
chính sau:
Ý1/ Những điểm giống nhau của nhân vật Chiến và Việt: - Là con của một gia đình cách mạng, giàu
truyền thống anh hùng: Ông bà, ba má đều bị giặc sát hại. - Cả hai đều rất yêu thương, kính trọng và
tự hào về cha mẹ mình: hai chị em cùng ước nguyện lên đường đánh giặc trả thù cho ông bà, ba má
“giành nhau đi bộ đội”. - Tuổi đời còn rất trẻ, cái hồn nhiên, ngây thơ vẫn còn in đậm trong mỗi nhân
vật: Tranh nhau việc bắt ếch, tranh nhau thành tích bắn tàu chiến trên sông Định Thuỷ, tranh nhau
ghi tên tòng quân. - Dũng cảm, gan góc và từng lập nhiều chiến công: nhận thức về thù nhà nợ nước,
về nghĩa vụ đánh giặc để giải phóng miền Nam vô cùng sâu sắc.
Ý2/ Những điểm khác nhau của nhân vật Chiến và Việt:
- Cơ bản nhất là hai nhân vật khác nhau về giới tính, Chiến lại là chị của Việt nên tính cách, cư xử
cũng khác nhau:
+ Chiến giống má ở tính gan góc, tháo vác, biết lo toan thu xếp việc nhà đâu vào đấy. Là gái, Chiến
cần mẫn, chăm chỉ, kiên nhẫn trong mọi việc còn Việt thì nôn nóng, hiếu động.
+ Là chị, Chiến rất thương em, hầu như mọi chuyện tranh giành cuối cùng chị đều nhường nhịn (trừ
việc ghi tên tòng quân).
+ Chiến hầu như đã trưởng thành còn Việt thì vẫn còn tính trẻ con: Việt hiếu thắng, hay tranh giành
với chị, việc nhà phó mặc cho chị. Việt thích đánh giặc, dũng cảm trong chiến trận nhưng rất trẻ con:
Bị thương không sợ chết mà sợ ma, là anh giải phóng quân bắn súng tự động mà trong túi vẫn mang
theo cái ná thun.
Ý 3: Đánh giá :
- Miêu tả nhân vật tự nhiên, ngôn ngữ mang đậm chất Nam Bộ phù hợp với hoàn cảnh, tính cách
nhân vật. - Vận dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật liên tưởng, hồi ức đã phản ánh chân thực tính cách,
hành động của Việt và Chiến – người dân Nam Bộ, đã góp phần lí giải mối tương quan giữa cái bình
thường và cái phi thường của họ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Ý 4: Truyền thống nào đã gắn bó những con người trong gia đình với nhau trong tác phẩm “Những
đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi).
- Họ là những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ gắn bó với nhau bởi có chung truyền
thống yêu nước, căm thù giặc và khao khát chiến đấu, son sắt với cách mạng.
- Sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền
thống dân tộc đã làm nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến
chống Mĩ cứu nước.
- Truyền thống ấy được thể hiện qua cuốn sổ gia đình được chú Năm giữ gìn và phát huy.
Ý 5: Ý nghĩa biểu tượng của chi tiết hai chị em Việt khiêng bàn thờ má sang gởi nhà chú Năm.
- Hình ảnh chị em Việt khiêng bàn thờ má sang gởi nhà chú Năm: Có tình cảm ruột thịt thiêng liêng
(lần đầu tiên Việt nhận rõ lòng mình là thương chị lạ), có linh hồn má, có mối thù thằng Mĩ đang đè
nặng trên vai, có niềm tin ngày chiến thắng sẽ đưa má trở về.
- Ý nghĩa : Hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng thể hiện sự trưởng thành của hai chị em có thể gánh vác
việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa,
thế hệ sau cứng cáp, trưởng thành và có thể đi xa hơn thế hệ trước.
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98
KHÓA CHUYÊN ĐỀ LTĐH – Cô NGUYỄN THANH MAI
DẠNG 2: Phân tích đoạn văn
Đề: Cảm nhận của anh (chị) khi đọc đoạn kể hai chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ má sang
gửi bên chú Năm trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi. Trên cơ
sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Thi và truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, học sinh biết
cách phân tích đoạn kể hai chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ má sang gửi bên chú Năm.
Bài viết có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu bật những ý chính sau:
Ý 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Thi là nhà văn có biệt tài phân tích tâm lí sắc sảo. Ngôn ngữ của ông góc cạnh và đậm chất
Nam Bộ.
- “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi.
- Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người dân Nam Bộ
- những con người giàu lòng yêu nước, gắn bó với quê hương mà tiêu biểu nhất là Việt và Chiến. Ý
2. Cảm nhận về đoạn kể hai chị em Việt và Chiến khiêng bàn thờ mà sang gửi bên chú Năm Lối kể
chuyện tự nhiên làm nổi bật tính cách nhân vật:
- Chị Chiến: Vừa giống má vừa tỏ ra mạnh mẽ, cứng cỏi, trưởng thành: hai bắp tay tròn vo, thân
người to và chắc nịch, nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên.
- Nhân vật Việt:
+ Có quyết tâm đánh giặc trả thù cho ba má và có niềm tin “chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba
má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”
+ Có lòng căm thù giặc sâu sắc: từ nhỏ đã nung nấu lòng căm thù, lúc này khi khiêng bàn thờ má.
Việt càng cảm nhận rõ: “mối thù thằng giặc Mỹ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng trên vai”
+ Sắp xa chị Chiến, Việt thấy thương chị nhiều hơn: Việt thấy chị giống y như má, nhất là khi nghe
tiếng chân chị “bịch bịch phía sau”. Lúc này Việt thấy rõ lòng mình và ý thức được mục đích đi bộ
đội của mình. Lối kể chuyện lôi cuốn có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ qua hình ảnh hai chị em
khiêng bàn thờ má trên “con đường hồi trước má vẫn đi”. Đó là con đường thân quen “men theo
chân vườn thoảng mùi hoa cam”, gợi hình ảnh má đã tần tảo “ lội hết đồng này sang bưng khác”.
Trong tâm hồn Việt và Chiến, tình cảm đối với gia đình và quê hương là động lực để họ ra đi chiến
đấu.
Ý 3: Đánh giá:
- Đoạn văn đã khắc hoạ được vẻ đẹp trong tâm hồn, tình cảm của Việt và Chiến – những con người
giàu lòng yêu quê hương đất nước. Chính sự hoà quyện giữa tình cảm gia đình và đất nước đã tạo
nên sức mạnh tinh thần to lớn cho con người Việt Nam.
- Nhà văn đã chọn lọc chi tiết tiêu biểu, giọng văn tự nhiên giàu cảm xúc.
DẠNG 3: So sánh
1. So sánh sự giống nhau và khác nhau cơ bản của hai tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung
Thành và "Những đứa con trong gia đình"của Nguyễn Thi.
2. Chất sử thi qua hai tác phẩm: Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia
đình – Nguyễn Thi.
3. So sánh: Chiến và Việt
4. Cụ Mết và chú Năm
5. Chiến và Mai, Việt và Tnú
DẠNG 4 : Phân tích tác phẩm làm rõ một khía cạnh đặc sắc thuộc nội dung, nghệ thuật.
1. Qua đoạn trích Những đứa con trong gia đình, hãy chứng minh rằng Nguyễn Thi là nhà văn của
người nông dân Nam Bộ.
2. Hình tượng cuốn sổ gia đình trong Những đứa con trong gia đình.
3. Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi viết: “Chuyện gia đình ta nó cũng
dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó”
Hãy phân tích và chứng minh rằng, trong truyện ngắn nói trên đã có một dòng sông truyền thống gia
đình liên tục chảy từ những thế hệ cha anh đến đời chị em Chiến Việt.
MOON.V N
- hotline: 04.32.99.98.98