TƯ TƯỞNG VỀ PHÊ BÌNH CHO ĐÚNG TRONG TÁC PHẨM
“SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CỦA HỒ CHÍ MINH
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động
lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để cuộc vận động đạt
được mục tiêu đề ra thì giải pháp hàng đầu là tiến hành phê bình, tự phê bình mà điểm
then chốt của nó là phải phê bình cho đúng như Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách đây 60
năm ở trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”.
“Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm có giá trị rất lớn về nhiều mặt, trong đó
tự phê bình và phê bình là nội dung xuyên suốt. Tư tưởng nổi bật của Hồ Chí Minh về
tự phê bình và phê bình thể hiện trong tác phẩm này là “trị bệnh cứu người”, vì sự
tiến bộ của đội ngũ đảng viên, cán bộ và sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng ta.
Vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù thời gian cầm
quyền của Đảng ta chưa nhiều nhưng cũng đã bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm ở
một bộ phận đảng viên, cán bộ. Là một đảng viên và trên cương vị lãnh tụ cao nhất
của Đảng, Hồ Chí Minh đã kiên quyết chỉ rõ những khuyết điểm của Đảng cũng như
của đảng viên, cán bộ, đồng thời, đặt vấn đề phải tiến hành tự phê bình và phê bình
trong Đảng.
Vì sao phải phê bình, tự phê bình?
Trước những ý kiến cho rằng, tiến hành tự phê bình và phê bình là vô hình
trung vạch rõ khuyết điểm của Đảng, của Chính phủ, của mình cũng như đồng chí
mình, và như vậy kẻ địch sẽ lợi dụng để phá hoại Đảng, Hồ Chí Minh lập luận: làm
người khó ai tránh khỏi lỗi lầm, thiếu sót. Đảng ta là một tổ chức chính trị tiên phong
của giai cấp công nhân, tập hợp những chiến sĩ trung kiên, thông minh, dũng cảm…,
nhưng Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, không phải “trên trời rơi xuống” nên không
tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót. Người chỉ ra nhiều lý do khách quan, chủ quan dẫn
tới nhiều thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí sai lầm của cán bộ, đảng viên. Điều đó là lẽ
bình thường, quan trọng là thái độ của những người cộng sản ra sao trước những lỗi
lầm mắc phải. Nếu “sợ mất oai tín và thể diện”, không quyết tâm sửa chữa sai lầm,
khuyết điểm, đó là điều bất bình thường. Người khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm
khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm
1
của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh
ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một
Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (1). Hồ Chí Minh cho rằng: khuyết
điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình thì giống như uống thuốc. Nếu sợ phê bình thì
cũng khác nào là có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Như vậy thì bệnh
tình lại càng nặng thêm, không chết “cũng la lết quả dưa ”. Do vậy, đối với đảng viên,
cán bộ mà “nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi
hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang
mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì
khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”(2).
Đặt vấn đề như vậy, rõ ràng Hồ Chí Minh không “siêu nhân hoá” con người
cán bộ, đảng viên mà xét họ trong môi trường sống cụ thể và nêu quan điểm tự phê
bình và phê bình chính là thang thuốc “xổ bệnh” rất có hiệu nghiệm để tẩy trừ những
khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ đảng viên, nhằm làm cho họ sống cao đẹp hơn,
phục vụ cho nhân dân được nhiều hơn.
Phê bình cho đúng
Để phê bình và tự phê bình đạt được kết quả mong muốn, điều có ý nghĩa then
chốt là phải “phê bình cho đúng”. Phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm
thể diện, uy tín của người bị phê bình, trái lại, còn làm cho sức mạnh, uy tín của Đảng
và cán bộ đảng viên tăng lên. Muốn phê bình cho đúng, trước hết phải xác định đúng
mục đích và đối tượng phê bình. Phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm,
làm việc cho tốt hơn, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất nội bộ. Phê bình mình cũng như
phê bình người khác không phải là dịp để công kích lẫn nhau, nói xấu và bôi nhọ
danh dự của nhau. Bản thân mình khi phê bình người khác không phải là soi mói,
“bới lông tìm vết” của đồng chí mình để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau. Hồ Chí Minh
chỉ rõ rằng, cần phải tránh triệt để hiện tượng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng,
không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng,
trả thù, tiểu khí”(3). Người xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không
phải phê người. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khuyết
2
điểm dù đó là của cá nhân hay của tổ chức, dù đó là đảng viên bình thường hay là cán
bộ cấp cao đều phải được phê bình một cách kiên quyết và “phải lập tức sửa chữa”.
Người nhấn mạnh: Đối với cơ quan lãnh đạo cũng như đảng viên giữ cương vị lãnh
đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể phải hết sức gương mẫu trong việc
thực hiện tự phê bình và phê bình, tuyệt đối không được “phùng mang trợn mắt” làm
thui chột tinh thần của đảng viên, quần chúng nhân dân trong đấu tranh phê bình, tự
phê bình.
Theo Bác, có thái độ đúng với những khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương
pháp phê bình thích hợp là điểm có ý nghĩa mấu chốt trong nâng cao hiệu quả của tự
phê bình và phê bình trong Đảng. Người cũng nghiêm khắc lên án thái độ, cách xử lý
không đúng đắn trước những khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức đảng hay cán bộ,
đảng viên. Khi có người mắc phải sai lầm, khuyết điểm, thái độ đúng của cán bộ,
đảng viên, tổ chức đảng là không “đao to búa lớn”, vội vàng chụp mũ cho họ là “cơ
hội chủ nghĩa” rồi đi đến cảnh cáo “khai trừ” một cách áp đặt. Muốn cho họ thành
tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của
mình để vui lòng sửa chữa. Để làm được điều đó, “phải biết cách phê bình sáng suốt,
khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của
mình, để tự mình sửa chữa” (4). Phê bình “khôn khéo” ở đây, theo Hồ Chí Minh, là
phải đồng thời vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm, tránh dùng những lời mỉa mai, chua
cay đâm thọc, không được hữu khuynh “a dua”, “tâng bốc” mà phải phê, tự phê một
cách “ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang thêm bớt”.
Sự “khôn khéo” còn thể hiện ở chỗ tiến trình tự phê bình và phê bình phải được
đặt trong khuôn khổ của tổ chức, có sự lãnh đạo chặt chẽ. Lãnh đạo, chỉ huy phải khơi
dậy được tinh thần dân chủ không chỉ trong Đảng mà cả trong quần chúng nhân dân.
Làm như thế mới tránh được hiện tượng đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân
dù có ý kiến cũng không dám nói, không dám đấu tranh phê bình. Hồ Chí Minh cho
rằng: Họ không dám nói không phải họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ: nói ra cấp
trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là đằng khác. Do không dám nói
ra nên họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản, sinh thói không nói trước mặt,
3
chỉ nói sau lưng, “ trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm” sinh ra thói “thậm
thà thậm thụt” và những thói xấu khác. Người nêu bật kinh nghiệm: “cơ quan nào mà
trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái
không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà
bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”(5).
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: phê bình phải được tiến hành một cách thường xuyên
liên tục. Làm được như vậy, theo Người: các sai lầm khuyết điểm sẽ được rửa sạch
ngay khi nó mới phôi thai. Còn “nếu để sai lầm, khuyết điểm trở nên to tát rồi mới
đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin,
người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng” (6), như thế là
không thực hiện đúng mục đích của tự phê bình, phê bình, không vì sự tiến bộ mà còn
mất dần đảng viên, cán bộ.
Những ý kiến về phê bình cho đúng của Hồ Chí Minh vừa nói lên tính Đảng,
vừa nói lên tính nhân văn, văn hoá của người phê bình. Muốn sửa chữa sai lầm khuyết
điểm đi đến sự tiến bộ thì phải dựa vào lòng tự giác của đảng viên, cán bộ và dùng
biện pháp giải thích, thuyết phục. Điều đó là hết sức cần thiết nhưng như thế không có
nghĩa là không giải quyết bằng con đường tổ chức. Người chỉ ra lỗi lầm cũng có “việc
nhỏ, việc to”, nếu không dùng biện pháp xử phạt thì kỷ luật của Đảng cũng trở nên
lỏng lẻo, và điều đó cũng là sự mở đường cho bọn cố ý dễ dàng phá hoại Đảng ta. Do
vậy, để tự phê bình và phê bình được tăng thêm hiệu quả thì phải kết hợp chặt chẽ với
biện pháp tổ chức, soi xét kỹ lưỡng từng trường hợp để có hình thức xử lý thích hợp.
Là một chiến sĩ cộng sản đã lăn lộn, từng trải, dày dạn kinh nghiệm, với nhãn
quan chính trị hết sức nhạy bén, Hồ Chí Minh sớm nhìn thấu được nguy cơ của một
đảng cầm quyền là dễ vấp phải những sai lầm, khuyết điểm. Người đã chỉ ra một cách
cụ thể và đồng thời bốc trúng thang thuốc “xổ bệnh” có hiệu quả cao là tiến hành phê
bình trong Đảng. Phê bình cho đúng được Hồ Chí Minh luận giải trong tất cả các đề
mục của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đều toát lên tư tưởng của Người về tình yêu
thương con người, vì sự tiến bộ của mỗi đảng viên, cán bộ. Người cỗ vũ và chỉ rõ cho
4
mỗi đảng viên, cán bộ con đường tự giải thoát và giúp nhau giải thoát khỏi mọi chứng
bệnh, vượt lên mọi cám dỗ thấp hèn, thực sự là con người mới xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động
lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Để cuộc vận động đạt
được mục tiêu đề ra thì giải pháp hàng đầu là tiến hành phê bình, tự phê bình mà điểm
then chốt của nó là phải phê bình cho đúng như Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách đây 60
năm ở trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Phê bình cho đúng cũng chính là một
biểu hiện của sự thấm sâu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi
chúng ta.
(1)
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 261.
(2)
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 261.
(3)
Hồ Chí Minh Toàn tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 258.
(4)
Hồ Chí Minh Toàn tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 244.
(5)
Hồ Chí Minh Toàn tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 244.
(6)
Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tr. 282
5