Tải bản đầy đủ (.pdf) (23 trang)

SKKN cách ra đề văn nghị luận xã hội trong trường trung học phổ thông

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (319.96 KB, 23 trang )

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

ĐỀ TÀI:
“CÁCH RA ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI TRONG TRƢỜNG
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG”


MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1. CỞ SỞ LÍ LUẬN:
Nghị luận xã hội là một trong hai kiểu bài nghị luận trong nhà trường phổ thông.
Nếu nghị luận văn học giúp học sinh nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm văn học, đưa ra
những ý kiến đánh giá về các vấn đề văn học để từ đó bồi đắp thế giới tâm hồn, tình cảm
của mình thì nghị luận xã hội lại giúp học sinh khả năng đưa ra ý kiến, suy nghĩ của bản
thân mình trước những hiện tượng đời sống, trước các vấn đề xã hội, những tư tưởng đạo
lý để từ đó hình thành ý thức công dân và nhân cách con người. Chất lượng của việc dạy
và học làm văn nghị luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với chất lượng giáo dục
đạo đức học sinh trong nhà trường. Muốn việc dạy và học làm văn nghị luận xã hội trong
nhà trường có chất lượng, cần phải rất quan tâm đến việc ra đề thi và kiểm tra. Đề thi và
kiểm tra là thước đo đồng thời là kim chỉ nam định hướng cho việc dạy và học. Đề thi và
kiểm tra nghị luận xã hội sáng tạo, có tính giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh, phát
huy tính chủ động, độc lập suy nghĩ của học sinh mới mong việc dạy và học làm văn nghị
luận xã hội trong nhà trường đạt hiệu quả.
2. CƠ SỞ THỰC TIỄN:
Học sinh ngày nay phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Sự phát
triển của kinh tế, khoa học, công nghệ dẫn đến những thay đổi về giá trị, quan điểm, lối
sống, đạo đức. Chính vì thế, đề văn nghị luận xã hội cũng phải đề cập được những vấn đề
mới mẻ, phức tạp thường xuyên xuất hiện trong đời sống nói chung và đời sống, tình cảm
của học sinh nói riêng để các em được bày tỏ suy nghĩ, quan niệm của mình. Mỗi thời
đại, mỗi thế hệ thậm chí là mỗi ngày lại có những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới trong công
tác giáo dục học sinh. Điều đó đòi hỏi người giáo viên dạy văn phải ra được những đề


văn nghị luận theo sát với xã hội và phản ánh kịp thời những tâm tư, suy nghĩ của thế hệ
học sinh.
Việc ra đề văn nghị luận xã hội ở nhà trường trung học nói chung và ở trường
THPT Phù Cừ nói riêng đã được quan tâm nhưng chất lượng đề nói chung còn hạn chế.
Chính vì thế tôi chọn vấn đề “Cách ra đề văn nghị luận xã hội trong trường THPT” làm
đề tài sáng kiến kinh nghiệm của mình.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
Nghiên cứu đề tài này, tôi muốn bản thân mình có được những kỹ năng cần thiết để
ra được những đề thi và kiểm tra về nghị luận xã hội phù hợp với học sinh, thúc đẩy việc


dạy và học nghị luận xã hội ở trường THPT Phù Cừ, đồng thời muốn chia sẻ kinh nghiệm
với bạn bè, đồng nghiệp gần xa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Ngữ văn
nói chung trong nhà trường THPT.
III. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
Đề tài nghiên cứu của tôi giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Tìm hiểu thực trạng việc ra đề thi và kiểm tra nghị luận xã hội hiện nay ở trường
THPT Phù Cừ.
- Những yêu cầu cần thiết của một đề thi, đề kiểm tra nghị luận xã hội
- Các bước đề thi và kiểm tra về nghị luận xã hội.
- Giới thiệu một số đề thi và kiểm tra nghị luận xã hội.
IV. PHƢƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Phƣơng pháp nghiên cứu lí luận: Đọc tài liệu, giáo trình có liên quan đến các
vấn đề cần nghiên cứu. Nghiên cứu sách giáo khoa, sách tham khảo và các nguồn tư liệu.
2. Phƣơng pháp thực nghiệm: Tiến hành ra các đề thi và kiểm tra để sử dụng
trong các bài thi và kiểm tra, làm đáp án, hướng dẫn chấm cho các đề đã ra.
3. Phƣơng pháp tổng kết rút kinh nghiệm
4. Phƣơng pháp thống kê toán học: Thu thập, xử lý, đánh giá kết quả khi áp dụng
đề tài



NỘI DUNG
I. KHÁI QUÁT VỀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI:
1. Khái niệm văn nghị luận:
Văn nghị luận là loại văn trong đó người viết (người nói) trình bày những ý kiến
của mình bằng cách dùng lí luận bao gồm cả lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ một vấn đề
thuộc về chân lí nhằm làm cho người đọc (nghe) hiểu, tin, đồng tình với những ý kiến của
mình và hành động theo những điều mà mình đề xuất.
2. Vai trò, vị trí của văn nghị luận :
Văn nghị luận đã hình thành từ xa xưa và phát triển cùng với sự phát triển của tư tưởng,
văn hóa nhân loại và góp phần vào sự phát triển ấy. Ngày nay, văn nghị luận càng phát
triển mạnh mẽ. Nó thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đới sống xã hội. Nó là vũ khí khoa
học và vũ khí tư tưởng sắc bén , giúp cho con người nhận thức đúng đắn các lĩnh vực của
đời sống xã hội và hướng dẫn, thúc đẩy hoạt động thực tiễn của con người.
Do đó, học làm văn nghị luận là một công việc, một yêu cầu rất trọng yếu của việc học
văn trong nhà trường. Văn nghị luận đặt ra những vấn đề tư tưởng và học thuật đòi hỏi
người học sinh phải giải quyết, từ đó giúp cho các em vận dụng tổng hợp các tri thức đã
học được từ tự nhiên đến xã hội, rèn luyện khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, khả năng tư
duy logic khoa học, nghĩa là có phương pháp tư duy đúng để tìm hiểu đúng vấn đề và có
thái độ đúng trước các sự việc sảy ra trong cuộc sống. Từ đó góp phần tích cực vào việc
xây dựng và hoàn thiện nhân cách của người học sinh. Vì vậy, văn nghị luận ngày càng
chiếm một vị trí, giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống.
II. THỰC TRẠNG VIỆC RA ĐỀ THI VÀ KIỂM TRA NGHỊ LUẬN XÃ HỘI MÔN
NGỮ VĂN Ở TRƢỜNG THPT
Từ năm 2006, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thay sách giáo khoa môn Ngữ văn, nghị
luận xã hội đã được chú trọng hơn trước đây. Nhiều bài kiểm tra trong chương trình có
nội dung là nghị luận xã hội. Các giáo viên trong tổ đã có ý thức cao trong việc thực hiện
việc ra đề thi và kiểm tra về nghị luận xã hội. Tuy nhiên công việc này vẫn tồn tại những
hạn chế sau:
- Chủ yếu các đề thi và kiểm tra được các giáo viên sử dụng đều là các đề đã có

trong sách giáo khoa hoặc trong sách giáo viên. Điều này dẫn đến việc lặp đi, lặp lại của
các đề thi và kiểm tra. Nhiều đề đã có đáp án, có bài mẫu trong các sách tham khảo và
trên Internet nên khi kiểm tra, thi cử, học sinh đã tìm cách để quay cóp, sao chép, không
phát huy được tính tích cực, độc lập của học sinh.


- Các dạng đề thi và kiểm tra về nghị luận xã hội chưa đa dạng, phong phú, chưa
hấp dẫn với học sinh.
- Việc ra hướng dẫn chấm chủ yếu vẫn là một chiều, ít có đất để học sinh bày tỏ ý
kiến riêng đặc biệt là những ý kiến trái chiều.
III. YÊU CẦU CỦA MỘT ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
1. Đề nghị luận xã hội phải có tính giáo dục có tính giáo dục
Nếu nghị luận văn học giúp học sinh nâng cao năng lực cảm thụ tác phẩm văn học,
đưa ra những ý kiến đánh giá về các vấn đề văn học để từ đó bồi đắp thế giới tâm hồn,
tình cảm của mình thì nghị luận xã hội lại giúp học sinh khả năng đưa ra ý kiến, suy nghĩ
của bản thân mình trước những hiện tượng đời sống, trước các vấn đề xã hội, những tư
tưởng đạo lý để từ đó hình thành ý thức công dân và nhân cách con người. Chính vì thế,
yêu cầu đầu tiên của một đề văn nghị luận xã hội là phải mang tính giáo dục cao. Đề văn
nghị luận xã hội phải định hướng giáo dục cho học sinh những tình cảm cao đẹp như tình
yêu con người, yêu cuộc sống, yêu quê hương, cội nguồn, gia đình; bồi đắp cho học sinh
nhân cách đẹp với các phẩm chất như lòng vị tha, sự dũng cảm, tính trung thực, lòng tự
trọng; hướng học sinh đến lý tưởng sống, mục đích sống có ý nghĩa trong cuộ đời, những
lối sống trong sáng, lành mạnh…Điều tưởng như tất yếu này nhưng đôi khi, vì cách suy
nghĩ chưa thấu đáo hoặc do kỹ thuật của người ra đề mà đề văn nghị luận xã hội chưa
đảm bảo được tính giáo dục, thậm chí còn phản giáo dục. Năm 2013 vừa qua, trong đề thi
học sinh giỏi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có đề văn nghị luận xã hội như sau:
“Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà
ăn à?". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một
trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu
quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền” (theo Vietnamnet). Từ những hiện tượng

trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ
đại gia của cô gái trẻ". Đề văn trên lập tức gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều nhà văn, nhà giáo không ngần ngại khẳng định đây là một đề văn vô tình cổ xúy
cho cái xấu, cho lối sống vật chất tầm thường của một bộ phận giới trẻ. Điều đáng trách
của người ra đề là cẩu thả trong việc nêu luận đề nghị luận “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại
gia của những cô gái trẻ”. Cách nêu luận điểm như thế vô hình chung khiến người đọc
hiểu rằng lối sống buông thả, thực dụng của các nhân vật trên chính là ước mơ chính
đáng của những cô gái trẻ trong một xã hội tiến bộ.
2. Đề văn nghị luận xã hội phải có tính thiết thực, phù hợp với học sinh.
Đối tượng của các đề thi nghị luận xã hội chính là các em học sinh THPT độ tuổi từ
15 đến 18. Chúng ta ra đề để các em được nói nên những suy nghĩ, mong muốn, ý kiến


của mình đồng thời chính chúng ta cũng muốn tác động, giáo dục, định hướng cho các
em. Muốn vậy thì đề thi phải thiết thực, gần gũi và phù hợp với các em như mối quan hệ
thầy trò, bạn bè, tình yêu tuổi học trò, ước mơ về nghề nghiệp trong tương lai, khát vọng
sống của tuổi trẻ, những tấm gương tuổi trẻ, những biểu hiện tiêu cực trong giới trẻ, trong
nhà trường…Đừng nghĩ các em là các nhà chính trị, các học giả uyên bác, các nhà xã hội
học mà ra cho các em những đề văn quá trừu tượng, đòi hỏi sự tư duy, suy nghĩ vượt tuổi.
Đã có thời câu nói của Gớt- nhà thơ, nhà triết học vĩ đại của Đức “ Lý thuyết chỉ một
màu xám xịt. Còn cây đời mãi mãi xanh tươi” hay câu nói của Herriot– nhà khoa học và
chính khách, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp “Văn hóa là cái còn lại khi ta quên tất cả, là cái
còn thiếu khi ta đã học tất cả” được sách giáo khoa và nhiêu giáo viên lụa chon làm đề
kiểm tra cho học sinh. Thú thực, chính bản thân tôi thấy những đề văn ấy còn quá sức với
mình huống chi là với học sinh. Hiểu thì hiểu được nhưng triển khai thành bài văn nghị
luận xã hội với các thao tác cần có không phải là một điều đơn giản với những câu nói
trên. Hàn lâm quá, triết lý sâu xa quá so với lứa tuổi học trò từ 15 đến 18 tuổi. Năm 2012,
trong kỳ thi tuyển vào Đại học FPT có đề văn nghị luận xã hội như sau:
“ Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Xưa nay trong đạo đàn bà

Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh
Và chính ông cũng lại viết:
Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu
Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đỗ vỡ, người vợ bị
đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa
quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân.
Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà
chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có
còn trinh hay không?”
Nói thực, với tôi thì đề này có quá nhiều điều để nói về kỹ thuật làm đề nhưng cơ
bản nhất là đề văn này không phù hợp với một kỳ thi tuyển vào một trường đại học. Nó
động chạm một vấn đề khá tế nhị không đúng lúc đồng thời nó còn khiến người ta hiểu
sai lệch về quan niệm của Nguyễn Du về trinh tiết của người phụ nữ thời phong kiến.
Chữ trinh mà Nguyễn Du bàn đến là đức hạnh, phẩm cách của người phụ nữ nói chung
trong đó có ẩn ý bao hàm về trinh tiết của người phụ nữ nhưng đề bài này đặt vấn đề một


cách rất thô thiển về “cái màng trinh” và quan điểm “tình dục trước hôn nhân”. Thậm chí
đề còn hỏi “có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết” giống như một gợi ý cho người viết bày
tỏ quan điểm “không nhất thiết”. Tôi không phải kiểu người cổ hủ nhưng không hiểu sao
khi đọc đề văn này, tôi thấy gai hết cả người.
3. Đề văn nghị luận xã hội phải có tính thời sự:
Tính thời sự nghĩa là vấn đề nghị luận đang là vấn đề được xã hội quan tâm hoặc
nó là những hiện tượng vừa mới diễn ra và có tác động mạnh đối với mọi người. Có
những vấn đề luôn giữ được tính thời sự, luôn là điều cần thiết phải giáo dục cho giới trẻ
nhưng có những vấn đề nó chỉ mang tính thời sự trong một thời điểm nhất định nào đó.
Chẳng hạn vấn đề về môi trường, về tai nạn giao thông luôn là những vấn đề thời sự
trong đời sống hiện đại. Trong đề thi tốt nghiệp năm 2013 có đề nghị luận xã hội về em

Nguyễn Văn Nam, một học sinh ở Đô Lương - Nghệ An. Đề thi yêu cầu viết một bài văn
ngắn khoảng 400 từ bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn
Nam khi lao xuống dòng nước cứu sống 5 học sinh rồi bị dòng nước cuốn trôi khi kiệt
sức. Đây là một đề thi mang tính thời sự lúc ấy vì sự kiện em Nam dũng cảm cứu 5 học
sinh rồi tử nạn vừa mới diễn ra cách thời điểm đó không lâu. Đề văn ấy đã có tính giáo
dục và tác động sâu sắc trong giới trẻ và dư luận nhờ tính thời sự cao.
4. Đề văn nghị luận xã hội phải mới mẻ và hấp dẫn
Cái hay của một đề nghị luận xã hội đúng nghĩa là ở chỗ nó không có sẵn như
những đề nghị luận văn học nên tránh được việc học sinh quay cóp, sao chép, giúp học
sinh độc lập tư duy, suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu các thầy cô không ra được đề mới mà sử
dụng những đề đã quen thuộc thì cũng không khác gì đề văn nghị luận văn học. Những
vấn đề cần nghị luận thì khó có thể mới nhưng ngữ liệu và cách hỏi thì phải mới, phải
khác mới tạo được sự hứng thú và kích thích được sự suy nghĩ riêng của học sinh. Điều
đáng tiếc là rất ít thầy cô tự ra đề mới cho học sinh từ đề kiểm tra bài viết đến thi học kỳ,
thi thử Đại học. Gần đây, nếu bạn quan tâm đến các đề nghị luận xã hội của các trường
hẳn bạn sẽ bắt gặp những câu nghị luận xã hội đại loại như: Hãy viết bài văn trình bày
suy nghĩ của anh chị về câu nói “Bàn tay tặng hoa hồng luôn phảng phất hương thơm”
hay “Tôi đã khóc khi không có giầy để đi cho đến khi nhìn thấy người không có chân để
đi giày” …Nếu bạn gõ những câu ấy vào Google hoặc tìm trong các sách tham khảo về
nghị luận xã hội bạn sẽ bắt gặp nhan nhản những bài văn mẫu. Thực ra những đề ấy là rất
hay, nhưng nó chỉ hay khi mới xuất hiện thôi, còn khi nó đã được các thầy cô dạy như
luyên thi thì không nên đưa vào làm đề kiểm tra và thi cử nữa. Không có đề nào là mới
mãi cả vì thế giáo viên muốn dạy văn nghị luận xã hội tốt phải không ngừng tìm tòi, sáng
tạo để ra được những đề bài mới và hay.


IV. CÁC BƢỚC RA ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
1. Chọn ngữ liệu làm đề thi:
Bất kỳ đề làm văn nào cũng phải có ngữ liệu. Nếu Đề nghị luận văn học lấy ngữ
liệu từ những tác phẩm văn học có trong chương trình thì ngữ liệu của nghị luận xã hội

không có một giới hạn nào. Bạn có thể lấy từ rất nhiều nguồn tư liệu cả trong và ngoài
chương trình miễn là ngữ liệu ấy chứa đựng được vấn đề nghị luận đúng đắn, sâu sắc và
đảm bảo được những yêu cầu của một đề văn nghị luận xã hội. Ngữ liệu cho đề văn nghị
luận xã hội rất phong phú, đa dạng nhưng tôi thường khái quát thành những dạng cơ bản
sau:
a. Ngữ liệu là một câu nói hàm súc:
Giáo dục đạo đức, nhân cách cho con người là vấn đề của muôn đời. Những nhà
hiền triết, những nhà văn hóa, những danh nhân thế giới và cả nhân dân muôn đời cũng
đã quan tâm giáo dục nhân cách con người qua những triết lý cô đọng hàm súc. Biết bao
nhiêu tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ của các nước trên thế giới ẩn chứa những bài học sâu
sắc. Những câu nói nổi tiếng của các danh nhân như những kim chỉ nam cho suy nghĩ,
hành động của con người. Muốn ra được đề nghị luận xã hội hay, người giáo viên phải
thuộc được nhiều câu châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ, phải đọc, sưu tầm nhiều từ các
sách lời hay ý đẹp, từ các trang website danh ngôn cuộc sống. Điều chú ý là khi sưu tầm,
tìm kiếm, chúng ta cần sắp xếp theo từng lĩnh vực để sau này ta dễ sử dụng theo mục đích
của đề thi và kiểm tra. Chẳng hạn, ta có thể sắp xếp như sau:
Danh ngôn về lý tƣởng sống
- Muốn đi tới mục tiêu lớn phải bắt đầu từ mục tiêu nhỏ. Lenin (Nga)
Trong đời người, có hai con đường bằng phẳng không trở ngại: một là đi tới lý tưởng,
một là đi tới cái chết. Lev Tolstoy (Nga)
- “Thân thể khỏe mạnh” và “tư tưởng lành mạnh” là hai điều hạnh phúc lớn nhất
trong cuộc sống. Horace (La Mã)
- Con người có vật chất mới có thể sinh tồn, có lý tưởng mới nói đến cuộc sống.
Bạn muốn hiểu sự khác nhau giữa sinh tồn và sống? Động vật thì sinh tồn, con người thì
sống. Hugo (Pháp)
- Trong cuộc đời có 2 mục tiêu: một là theo đuổi lý tưởng, hai là thực hiện lý
tưởng, hưởng thụ thành quả. Chỉ có người sáng suốt mới đạt được mục tiêu thứ 2. Smith
(Anh)



- Lý tưởng là suối nguồn của lịch sử, cái nôi của trí tuệ, cờ chiến của xung phong,
kiếm sắc để chặt gai.Gorky (Nga)
- Hoạt động của con người nếu không có sự cổ vũ của lý tưởng thì sẽ biến thành
trống rỗng và nhỏ bé.Chernyshevsky (Nga)
- Thanh niên ta rất hăng hái. Ta biết kết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng
đắn thì thanh niên sẽ thành một lực lượng rất mạnh mẽ.
Danh ngôn về đạo đức
- Đạo đức chân chính giống như dòng sông, càng sâu càng vô thanh.
- Đạo đức không gì hơn là lòng tôn kính cuộc sống.
Albert Schweitzer
- Tôi sẽ cho anh định nghĩa về đạo đức: Luôn tốt khi duy trì và nuôi dưỡng cuộc
sống, luôn xấu khi gây thương tổn và phá hủy cuộc sống.
Albert Schweitzer
- Hạnh phúc, cho dù dưới chế độ chuyên quyền hay dân chủ, cho dù trong sự nô lệ
hay tự do, không bao giờ đạt được nếu ta không có đạo đức.
John Adams
- Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao
động thay vì hình thức và lạc thú, đó là cách để trở nên hữu dụng, và nhờ vậy, có được
hạnh phúc. John Adams
- Người đàn bà đẹp đạt được thành công dễ dàng hơn người đàn bà thông minh. Chỉ
đơn giản là những người đàn ông mù thì ít, bù lại những người đàn ông ngốc nghếch lại
quá nhiều. X. Lôren
- Hỏi rằng, có khi nào trong đời, con người ta lại thôi thúc tiến lên hơn là lúc đứng
trước đèn đỏ giao thông. H. D. Suyt
- Người cao thượng là người không bao giờ làm một điều gì để hạ thấp người khác.
A. N. Casơn
- Nếu chỉ loại hôn nhân vì tình yêu mới là đạo đức thì loại hôn nhân mà trong đó
tình yêu tiếp tục tồn tại mới là đạo đức. F.Engels
Đóng góp bởi candylove
- Đạo đức và tài nghệ có thể làm cho một người bình thường trở thành bất hủ.

Shakespeare (Anh)


- Đạo đức cao thượng nhất của nhân loại là gì? Đó chính là lòng yêu nước.
Napoleon (Pháp)
Sau khi đọc, tìm tòi, giáo viên lựa chọn những câu nói mình tâm đắc nhất làm
đề thi. Theo tôi, nên chọn những câu nói vừa sâu sắc, vừa có tính giáo dục, vừa phù hợp
với học sinh, vừa mới mẻ (chưa hoặc ít xuất hiện trong các đề thi và kiểm tra trước đó),
vừa có tính hình tượng. Không phải câu châm ngôn nào cũng hội tụ tất cả những yêu cầu
đó. Có khi đọc mấy chục câu châm ngôn mới tìm được một câu ưng ý. Chẳng hạn, với
tôi, trong những câu châm ngôn về đạo đức trên đây thì câu nói “Đạo đức chân chính
giống như dòng sông, càng sâu càng vô thanh” là câu nói làm được đề thi hay hơn cả.
b. Ngữ liệu là một mẩu chuyện, một đoạn thơ, bài thơ.
Những mẩu chuyện về đạo đức, về lối ứng xử giữa con người với con người, những
đoạn thơ, bài thơ có giá trị tư tưởng, đạo lý, chứa đựng những bài học triết lý về lẽ làm
người cũng là những ngữ liệu hấp dẫn của đề văn nghị luận xã hội. Giáo viên cũng phải
đọc và sưu tầm rất nhiều từ các kênh thông tin khác nhau như sách, báo, tạp chí, các trang
website có uy tín về giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống. Bộ sách “Hạt giống tâm hồn”
cũng là nguồn tư liệu rất phong phú. Mẩu chuyện sau đây trong bộ sách này là một mẩu
chuyện chứa đựng rất nhiều thông điệp về lòng yêu thương, sự tha thứ và hối hận mà giáo
viên có thể sử dụng làm đề thi:
“Tại một thị trấn nhỏ ở Tây Ban Nha, có một người đàn ông tên Jorge vừa cãi vã dữ
dội với cậu con trai Paco của mình. Ngày hôm sau, ông phát hiện giường của Paco trống
không- cậu bé đã bỏ nhà đi. Vượt qua cảm giác ăn năn, hối hận về những điều đã xảy
đến, Jorge nhìn lại mình và nhận ra rằng, với ông, cậu con trai quan trọng hơn tất cả.
Với mong muốn bắt đầu lại, Jorge đến một cửa hiệu nổi tiếng ở trung tâm thị trấn và dán
một tấm giấy lớn có dòng chữ: “Paco, con hãy trở về nhà. Bố yêu con. Hãy gặp bố ở đây
vào sáng ngày mai, con nhé!”. Sáng hốm sau, khi Jorge đến cửa hiệu, thì không chỉ có
một, mà có đến bảy cậu bé cùng tên Paco bỏ nhà ra đi đã đứng đợi ở đấy...”
Hay bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh cũng là một bài thơ có tác động mạnh với học sinh

về lẽ sống của con người nếu được lấy làm đề thi:
Tôi hỏi đất:
-Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước:
-Nước sống với nước như thế nào?


- Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Tôi
hỏi
- Người sống với người như thế nào?

người:

Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tuy nhiên, dạng đề văn nghị luận xã hôi rút ra từ một mẩu chuyện, một đoạn thơ,
bài thơ là một yêu cầu khó với học sinh đại trà. Dạng này phù hợp với đối tượng là học
sinh giỏi bởi nó đòi hỏi người viết phải có kỹ năng đọc hiểu và sự cảm thụ văn học tốt.
Điều đáng lưu ý là giáo viên nên chọn những mẩu chuyện những đoạn thơ, bài thơ có
dung lượng ngắn, tập trung vào một khía cạnh của đời sống, tránh những ngữ liệu có
nhiều vấn đề tản mạn hoặc gây tranh cãi. Nếu trong một câu chuyện có nhiều vấn đề
được đề cập thì cần phải chú ý cách đưa ra yêu cầu trong đề thi mà tôi sẽ bàn ở phần sau.
C. Ngữ liệu là một mẩu tin hoặc những hiện tƣợng trong đời sống

Trong cuộc sống hiện đại, chẳng mấy ngày không có hiện tượng cần bàn bạc, suy
nghĩ. Tuy nhiên cần chọn lựa những hiện tượng phù hợp với học sinh. Những hiện tượng
đó được đăng tải trên báo mạng, báo viết báo hình rất phong phú. Là giáo viên dạy văn
không thể thiếu những thông tin về đời sống. Trong quá trình cập nhật thông tin, thấy sự
kiện nào ấn tượng, phù hợp cần phải nắm bắt kịp thời và đưa vào các đề văn nghị luận xã
hội. Hiện nay, giơi trẻ phải đối mặt với rất nhiều hiện tượng đời sống đáng báo động như
hiện tượng bạo lực học đường, nghiện Internet, chat, game, tội phạm học đường, các tệ
nạn xã hội, lối sống buông thả …Những mẩu tin có ý nghĩa giáo dục như gương người
tốt, việc tốt, những tấm lòng nhân ái rất thiết thực đối với các đề nghị luận xã hội. Chẳng
hạn trên báo Tuổi trẻ online ngày 18/11/2014 có mẩu tin sau:
Khoảng 8g sáng 18-11, trong lúc đi chơi, hai em Khiêm và Khởi tình cờ phát hiện
và nhặt tại bụi cây ven đường một chiếc ví da màu đen, bên trong có 2 triệu đồng, 10,5
chỉ vàng 24K, giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Văn Hòa (51 tuổi, trú xã
Phước Thắng, huyện Tuy Phước).


Cả hai em (là anh em con cô cậu ruột) cùng nhau đem ví da với đầy đủ tiền, vàng đến
nhà trả lại cho ông Hòa. Nhận lại tài sản, ông Hòa rất cảm động và cảm ơn hai em nhỏ.
Cách đây 6 tháng, trên đường đi ăn đám cưới về, ông Hòa đánh rơi chiếc ví trên nhưng
tìm mãi không thấy.
Hoặc mẩu tin dưới đây trên báo VOV ngày 31/3/2014 cũng là một bản tin có thể
đưa vào đề văn nghị luận xã hội:
Khoảng 18 giờ chiều ngày 31/3, tại sông Trường, đoạn chảy qua thôn 2, xã Trà
Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một vụ đuối nước làm 3 nữ sinh
lớp 8 chết thảm.
Sau khi học hết tiết học cuối buổi chiều, nhóm bạn nữ chơi rất thân gồm Hồ Thị Hoa, Hồ
Thị Ngọc Linh (trú thôn 1); Lê Hoàng Sương, Trần Thị Hiền, Võ Thị Mây (trú thôn 2),
đều sinh năm 2000 và học lớp 8, trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ, xã Trà Giang đã
rủ
ra

nhau
ra
sông
Trường
tắm.
Do không biết bơi nên Hoa, Sương, Hiền khi tắm ở khu vực nước sâu, bị uống nước, rồi
chìm dần và chết đuối. Hai em Linh và Mây, tắm ở khu vực nước cạn thấy bạn bị nạn, đã
tức tốc chạy đến khu dân cư gần nhất tìm người đến cứu nhưng không kịp.
2. Đƣa ra yêu cầu của đề thi
Có hai cách để đưa ra yêu cầu của đề thi
Cách thứ nhất là: Trình bày suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc mẩu chuyện, mẩu tin
hay câu nói trên. Cách này khá phổ biến và tránh được những đáng tiếc về các cách hiểu
khác nhau. Nhưng nếu đưa yêu cầu như vậy thì đáp án hoặc hướng dẫn chấm phải có lối
mở để khuyến khích được những phát hiện riêng của học sinh.
Cách thứ hai là: Từ mẩu chuyện, mẩu tin, câu nói trên, anh chị rút ra bài học gì cho
mình về một khía cạnh nào đó (chẳng hạn như lòng nhân ái, khát vọng sống…). Nghĩa là
vạch sẵn một hướng đi, nêu ra một luận điểm khá rõ ràng. Cách này tránh được cách viết
tản mạn, không tập trung nhưng dễ có “tai nạn”. Trở lại với đề Văn học sinh giỏi của Hải
Phòng năm 2013:
“Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà
ăn à?". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một
trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu
quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền” (theo Vietnamnet). Từ những hiện tượng
trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ
đại gia của cô gái trẻ”.


Thực ra, trong đề văn nghị luận xã hội có thể lấy những hiện tượng tiêu cực làm
ngữ liệu nhưng phải đặt ra yêu cầu rõ ràng để người viết không lầm lẫn. Vẫn ngữ liệu
trên nhưng chúng ta chỉ cần thay câu lệnh: Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết

một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”
thành câu lệnh mới: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về lối sống của một bộ phận giới trẻ
như Ngọc Trinh và bà Tưng. Câu lệnh của đề văn này vô hình chung khiến người đọc
hiểu rằng lối sống buông thả, thực dụng của các nhân vật trên chính là ước mơ chính
đáng của những cô gái trẻ trong một xã hội tiến bộ.
3. Ra đáp án, hƣớng dẫn chấm cho đề thi
Hướng dẫn chấm của một bài văng nghị luận xã hội vừa đảm bảo yêu cầu của một
bài văn nói chung, vừa phải đảm bảo các thao tác làm văn nghị luận xã hội nói riêng. Với
mỗi dạng bài lại có hướng ra đáp án khác nhau
a. Với dạng đề là một câu nói, một đoạn thơ, một mẩu chuyện
Bƣớc thứ nhất
Bước thứ nhất là phải giải thích được mẩu chuyện, đoạn thơ, câu nói ấy muốn nói
tới vấn đề gì. Muốn giải thích được phải trả lơi câu hỏi:
- Nói nhƣ thế nghĩa là thế nào?( giải thích)
Tuỳ theo từng yêu cầu cụ thể mà mức độ và cách giải thích có thể khác nhau. Có
những đề bài, khâu giải thích có thể làm rất gọn gàng, đơn giản nhất là khi trong yêu cầu,
nhận định không có những khái niệm phức tạp, khó hiểu hay những hình ảnh có khả năng
khơi gợi những tư tưởng sâu xa nhưng lại có những đề bài, khâu giải thích rất công phu,
phải giải thích cả nghĩa đen rồi sau đó suy ra nghĩa bóng.
Ví dụ: Anh, chị suy nghĩ như thế nào về câu nói sau: “Con tàu rất an toàn khi neo
đậu ở cảng, nhƣng ngƣời ta đóng tàu không phải vì mục đích đó”( Grace Hopper) .
Đề bài này yêu cầu phải giải thích được nghĩa đen, nghĩa bóng của câu nói.
- Nghĩa đen: Con người đóng tàu là để khám phá đại dương và thực hiện những
mục đích lớn lao. Giá trị con tàu chỉ được khẳng định khi nó vượt qua phong ba, bão tố để
thực hiện những mục đích ấy. Con tàu neo đậu ở bến cảng sẽ an toàn nhưng không có giá
trị, không có ý nghĩa về sự tồn tại.
- Nghĩa bóng: Câu nói khẳng định con người chỉ có giá trị, có ý nghĩa khi dám đối
mặt với khó khăn, thử thách để thực hiện những mục đích, hoài bão, khát vọng lớn lao
của mình. Đây chính là vấn đề cần nghị luận.
Bƣớc thứ hai



Bình luận được vấn đề cần nghị luận được gửi gắm trong câu chuyện, đoạn thơ, câu
nói. Muốn thao tao này được tốt phải trả lời được câu hỏi:
- Nói nhƣ thế đúng hay sai? Tại sao đúng? Tại sao sai?
Vẫn với đề bài trên, đến bước hai này chúng ta có thể có những ý trong hướng dẫn
chấm như sau
Ý kiến trên là đúng vì:
+ khi phải đối mặt với khó khăn, con người sẽ bộc lộ được những khả năng, những
giá trị còn tiềm ẩn.
+ Dám đối mặt với thử thách, con người mới đạt được những mục đích lớn, vì
những mục đích lớn thường không dễ dàng thực hiện.
+ Không dám đối mặt với gian khổ, con người sẽ có cuộc đời êm ả những cũng
chẳng thực hiện được những điều gì lớn lao, cuộc sống sẽ tẻ nhạt, vô vị.
Bƣớc thứ ba
Cần phải chứng minh được tính đúng đắn hoặc sai lầm của vấn đề cần nghị luận.
Phải trả lời được câu hỏi:
Cơ sở nào chứng minh cho điều đó?
Thao tác này yêu cầu phải lấy được những dẫn chứng xác thực để chứng minh cho
luận điểm của mình. Bài viết phải đưa ra được những dẫn chứng thì mới thuyết phục
được người đọc.Tuỳ từng đề bài mà có cách lấy dẫn chứng khác nhau: có thể lấy dẫn
chứng trong thực tế cuộc sống, trong các tác phẩm văn học, có thể chứng minh trực tiếp,
có thể chứng minh bằng phản đề…
Với đề bài trên yêu cầu học sinh lẫn dẫn chứng về những con người đã dám đối mặt
với khó khăn thử thách để khẳng định giá trị của bản thân.
Bƣớc thứ tƣ
Bước này yêu cầu người viết phải rút ra cho mình bài học từ vấn đề cần nghị luận.
Với đề bài trên, bài học cần rút ra là:
+ Không ngại khó, ngại khổ để vươn lên trong cuộc sống
+ Phê phán những người tìm lối sống hưởng thụ, an nhàn vô nghĩa

b. Với dạng đề về một hiện tƣợng đời sống
Để ra được hướng dẫn chấm cho dạng đề này cần trả lời một số câu hỏi sau đây:
- Hiện tƣợng đó là gì?


Để trả lời được câu hỏi này các em phải nêu được khái niệm các hiện tượng. Đây là cơ sở
quan trọng để các em có thể trình bày quan điểm của mình theo đúng yêu cầu mà đề bài
đặt ra. Có những hiện tượng diễn ra hàng ngày, rất quen thuộc với học sinh thì các em sẽ
dễ dàng nêu được khái niệm.Ví dụ: hiện tƣợng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi
trƣờng, nghiện internet, bạo lực học đƣờng…
- Hiện tƣợng đó đang diễn ra trong cuộc sống ra sao?
Tương ứng với câu trả lời này là việc nêu thực trạng của vấn đề. Đây là phần việc
đòi hỏi học sinh phải có kiến thức xã hội sâu rộng để có thể nhận diện được thực trạng
vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống như thế nào. Đối với các hiện tượng tiêu cực trong
đời sống như tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trƣờng, gian lận trong thi cử…, giáo
viên có thể hướng dẫn học sinh “mô típ” của việc nêu thực trạng là: hiện tượng đó đang
diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, ngày càng phổ biến, đáng báo động và là nỗi quan tâm lo
lắng của toàn xã hội.
Câu hỏi tiếp theo là:
- Nguyên nhân của hiện tƣợng đó?
Nêu được thực trạng của vấn đề thì phải giải thích được các nguyên nhân dẫn đến
thực trạng đó. Có đưa ra được những nguyên nhân mới chứng tỏ được sự hiểu biết của
mình về vấn đề một cách cặn kẽ, bài viết mới có sức thuyết phục.
Sau khi đưa ra các nguyên nhân, bài viết cần làm sáng tỏ vấn đề bằng cách trả lời
câu hỏi sau:
- Hậu quả hay tác dụng của hiện tƣợng đó?
Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa
ra hậu quả của hiện tượng. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được tác dụng
của hiện tượng.
Từ việc nêu hậu quả hay tác dụng của hiện tượng, bài viết cần đưa ra được các giải

pháp qua việc trả lời câu hỏi thứ năm:
- Giải pháp để ngăn chặn hay đẩy mạnh hiện tƣợng đó?
Nếu vấn đề cần nghị luận là hiện tượng tiêu cực của đời sống thì bài viết phải đưa
ra giải pháp để ngăn chặn. Ngược lại, nếu là hiện tượng tích cực phải nêu được giải pháp
để thúc đẩy. Có thể căn cứ vào các nguyên nhân để nêu ra giải pháp.
Như ở trên tôi đã nói, mục đích của kiểu bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
là tìm ra ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức của hiện tượng nên bài viết cần trả lời câu hỏi tiếp
theo:


- Suy nghĩ và hành động của bản thân với hiện tƣợng đó?
Phần này yêu cầu học sinh phải nêu được cảm nghĩ riêng của mình về hiện tượng
đã nêu. Có thể sử dụng một số phép tu từ và yếu tố biểu cảm để phần liên hệ được sâu
sắc, thấm thía.
IV. GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐỀ VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
ĐỀ SỐ 1:
Bạn hãy bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình. – Joubert.
Trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.
HƢỚNG DẪN CHẤM
Để làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong câu nói của Joubert, các ý cơ bản cần
có:
- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích : +Bao dung là rộng lượng, dễ dàng bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót
hoặc lỗi lầm của người khác.
+ Ý nghĩa của cả câu: Cần rộng lượng với người khác song phải thật
nghiêm khắc với bản thân.
- Làm sáng tỏ “bao dung với tất cả mọi người”:
+ Mọi người ai cũng có lúc thiếu sót, sai lầm, nếu chấp trách sẽ khiến các mối quan
hệ trở nên căng thẳng.
+ Bỏ qua những lỗi lầm của người khác thì lòng mình sẽ được nhẹ nhàng, thanh

thản và con người sống gần nhau hơn.
+ Trong cuộc sống có rất nhiều tấm lòng bao dung, độ lượng.
- Làm sáng tỏ “trừ chính mình”:
+ Không thể dễ dàng bỏ qua, tha thứ cho những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân.
+ Nếu dễ dàng tha thứ cho bản thân, con người sẽ coi những lỗi lầm là chuyện bình
thường nên dễ dàng phạm lại và khó có thể tiến bộ, thậm chí sẽ phạm phải những sai lầm
nghiêm trọng.
+ Nghiêm khắc với bản thân, con người sẽ cẩn trọng trong hành vi ứng xử và ít
phạm phải những sai lầm đáng tiếc.


+ Trong cuộc sống có rất nhiều người nghiêm khắc với bản thân, có ý thức sửa
chữa sai lầm để sống tốt đẹp hơn.
- Từ đó rút ra cho mình bài học: sống bao dung với mọi người nhưng cần thật
nghiêm khắc với bản thân.
ĐỀ SỐ 2:
Thiên nhiên ban cho ta cuộc sống không lâu dài, nhưng kí ức về một cuộc sống
đẹp thì còn lại mãi mãi - M. Cicero
Trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên.
HƢỚNG DẪN CHẤM
Để làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong câu nói của M. Cicero các ý cơ bản cần
có:
- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích ngắn gọn câu nói : Thiên nhiên ban cho ta cuộc sống không lâu dài,
nhƣng kí ức về một cuộc sống đẹp thì còn lại mãi mãi : Cuộc đời của mỗi con người là
hữu hạn nhưng những ai có một cuộc sống có ý nghĩa thì dù đã chết, họ vẫn sống mãi
trong kí ức của những thế hệ mai sau.
- Nhận xét, đánh giá về ý nghĩa của câu nói : Câu nói của M. Cicero đúng đắn và có
ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống của con người. Người có cuộc sống đẹp là con người đem lại
cho cuộc đời những giá trị nhất định nào đó, đem đến cho con người những niềm vui và

hạnh phúc. Họ sẽ được người đời sau mãi nhớ đến với tình cảm ngưỡng mộ, biết trân
trọng, yêu mến. Tên tuổi họ mãi tồn tại như một chân lí bất diệt ; sức sống của họ vượt
lên thời gian mà họ được sống.
- Thực tế cuộc sống đã có những con người, những cuộc đời bất tử.
- Từ đó thí sinh cần rút ra bài học cho bản thân về cuộc sống : hãy biết trân trọng
thời gian ngắn ngủi mà tạo hoá ban tặng để sống có ý nghĩa, có giá trị ; phê phán những
kẻ sống vô nghĩa, bỏ phí thời gian được sống trên đời bằng những việc vô bổ.
ĐỀ SỐ 3:
Trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn” của NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh năm
2008 có mẩu chuyện sau:
“Hai người bạn cùng đi qua sa mạc. Trong chuyến đi, giữa hai người có xảy ra
một cuộc tranh luận và một người nổi nóng không kiềm chế được mình đã nặng lời


miệt thị người kia. Cảm thấy bị xúc phạm, anh không nói gì, chỉ viết lên cát: “Hôm
nay, người bạn tốt nhất của tôi đã làm khác đi những gì tôi nghĩ”. Họ đi tiếp, tìm thấy
một ốc đảo và quyết định đi bơi. Người bị miệt thị lúc nãy bây giờ đuối sức và chìm
dần xuống. Người bạn kia đã tìm cách cứu anh. Thoát khỏi vũng lầy, anh lấy một
miếng kim loại khắc lên đá: “Hôm nay, người bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.
Người bạn kia hỏi: “Tại sao khi tôi xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại
khắc lên đá?”...”.
Anh, chị hãy lí giải điều mà người bạn kia thắc mắc.
HƢỚNG DẪN CHẤM
* Cần lí giải thấu đáo điều mà anh bạn trong mẩu chuyện thắc mắc: Tại sao khi tôi
xúc phạm anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại khắc lên đá ?
* Bài viết có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau :
- Thấy được ý nghĩa sâu sắc của mẩu chuyện .
- Lí giải khi bị xúc phạm thì viết lên cát :
+ Khi bị xúc phạm con người sẽ bị tổn thương, đau khổ và dễ sinh lòng thù hận.
+ Viết những điều đó nên cát để nỗi đau và lòng thù hận dễ nguôi ngoai và dần

được xoá nhoà theo thời gian.
+ Tìm cách quên đi nỗi đau và lòng thù hận, tâm hồn con người sẽ trở nên thanh
thản và cao thượng hơn.
+ Trong cuộc sống đã có nhiều người biết vượt lên nỗi đau và lòng thù hận để sống
có ý nghĩa.
- Lí giải khi đƣợc cứu sống thì khắc lên đá
+ Khi được cứu sống, con người thường có tình cảm biết ơn với người cứu giúp.
+ Khắc những điều đó lên đá để nhủ lòng mình không bao giờ được quên ân tình,
ân nghĩa.
+ Tìm cách khắc ghi trong lòng sự biết ơn, con người sẽ nâng cao được tâm hồn và
nhân cách của bản thân.
+ Trong cuộc sống có rất nhiều người biết sống nghĩa tình, biết tri ân với những
người giúp đỡ mình những lúc khó khăn.


- Từ đó, phê phán những kẻ luôn gây thù chuốc oán và bội nghĩa vong ân ; rút ra
cho mình bài học : biết học cách quên nỗi đau và lòng thù hận, học cách nhớ những ân
nghĩa ân tình trong cuộc sống để con người gần nhau hơn.
ĐỀ SỐ 4:
Trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn” của NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh
năm 2008 có mẩu chuyện sau:
“Một buổi sáng, khi đang dùng điểm tâm, tôi vô tình nghe được câu chuyện của hai
bác sĩ điều trị bệnh ung thư. Một bác sĩ tâm sự:
- Anh biết không, tôi thật chẳng hiểu nổi. Cả anh và tôi cùng cho bệnh
nhân uống một thứ thuốc giống nhau, cùng một liều như nhau, cùng một phác đồ
điều trị và cùng một tiêu chuẩn nhập viện. Vậy mà kết quả của tôi chỉ đạt 22% còn
anh lại lên tới 74%. Một kết quả chưa từng thấy đối với bệnh ung thư di căn. Làm thế
nào anh có thể thành công được như vậy?
Vị bác sĩ đồng nghiệp nhẹ nhàng trả lời:
- Cả hai chúng ta đều dùng loại thuốc Etoposide, Platinum, Oncovin và

Hydroxyurea phải không? Anh gọi tắt các thuốc này là EPOH. Nhưng tôi lại nói với
các bệnh nhân của mình là họ đang dùng loại thuốc HOPE (nghĩa là hi vọng)…”.
Đọc mẩu chuyện trên, anh (chị) có suy nghĩ gì?
HƢỚNG DẪN CHẤM
Làm sáng tỏ được vấn đề nghị luận trong mẩu chuyện. Các ý cơ bản cần có:
- Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận.
- Giải thích được nguyên nhân dẫn đến thành công của người bác sĩ điều trị bệnh
ung thư trong mẩu chuyện: đó là biết gieo vào lòng những bệnh nhân niềm hi vọng, niềm
tin được sống nhờ cách gọi tên các loại thuốc.
- Thấy được sức mạnh kì diệu của niềm tin trong cuộc sống. Niềm tin và hi vọng
tiếp cho con người nghị lực và sức mạnh để vượt lên hoàn cảnh dù là những hoàn cảnh
nghiệt ngã nhất.
- Trong cuộc sống đã có nhiều người biết vượt lên nghịch cảnh bằng niềm tin và hi
vọng.
- Từ đó rút ra bài học cho bản thân: biết nuôi dưỡng niềm tin và hi vọng trong bất
cứ hoàn cảnh nào, biết gieo niềm tin cho những người xung quanh bạn.
- Thấy được ý nghĩa sâu sắc của mẩu chuyện.


ĐỀ SỐ 5:
“Hào Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ chia tay và có gia đình mới,
em sống với mẹ. Tháng 8/2009, Hào Anh được mẹ đưa vào trại tôm giống Minh Đức
để làm việc và hi vọng học nghề. Tại đây, em bị vợ chồng chủ trại hành hạ dã man: đổ
nước sôi vào người, bẻ răng, đánh đập, dùng dao rạch lưng đổ formol…Chính quyền
địa phương và hàng xóm đều không hay biết để can thiệp. Mãi đến cuối tháng 4, hàng
xóm đưa Hào Anh đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thương tích đầy mình, vụ
việc mới vỡ lở. Vợ chồng chủ trại bị bắt cùng hai người làm công. Lãnh đạo chính
quyền địa phương nhận kỷ luật. Phiên toà sơ thẩm vụ án hành hạ Hào Anh được tổ
chức lưu động ngày 29/6, thu hút hàng nghìn người dân. Vợ chồng chủ trại phải nhận
mức án tù mỗi người 23 năm.”

Tiến Thuỳ
(Theo VnExpress – Tin nhanh Việt Nam)
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về nạn bạo hành trẻ em sau khi đọc mẩu tin trên.
HƢỚNG DẪN CHẤM
Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản
sau :
- Cần chỉ ra được hiện tượng trong mẩu tin chính là thưc trạng của nạn bạo hành trẻ em
trong đời sống xã hội hôm nay. Hiện tượng này đang có nguy cơ gia tăng trong thời gian
gần đây.
- Chỉ ra được nguyên nhân của nạn bạo hành.
+ Do thiếu sự quan tâm, yêu thương của gia đình mà trẻ em sớm phải dấn thân vào chốn
mưu sinh với rất nhiều nguy cơ bị xâm hại.
+ Do những ông chủ, bà chủ tham lam, độc ác, vô nhân tính, coi rẻ mạng sống của trẻ
thơ.
+ Do thái độ sống thờ ơ, vô cảm của những người xung quanh, sự thiếu trách nhiệm của
chính quyền địa phương.
- Thấy được hậu quả của nạn bạo hành trẻ em.
+ Gây tổn thương nghiêm trọng đến thể xác và tâm hồn trẻ em.
+ Phá hoại giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
+ Gây bất bình, hoang mang, lo sợ trong cộng đồng.
- Từ đó, thí sinh bày tỏ suy nghĩ thái độ của mình trước nạn bạo hành.


+ Xót thương, cảm thông, chia sẻ với trẻ em bị đánh đập, hành hạ, bị bóc lột sức lao
động.
+ Lên án, bất bình với những kẻ chà đạp, xâm hại trẻ em.
+ Phê phán thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của những người xung quanh và chính quyền
địa phương.
+ Mở rộng tấm lòng để quan tâm, chia sẻ với những trẻ em có cảnh ngộ bất hạnh quanh
mình, sớm phát hiện những biểu hiện của nạn bạo hành và báo cho cơ quan chức năng

hoặc những người xung quanh.
+ Đề xuất những giải pháp để bảo vệ trẻ em.


KẾT QUẢ ĐẠT ĐƢỢC
Với việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này trong quá trình giảng dạy về nghị luận
xã hội và trong kiểm tra, đánh giá, tôi thấy mình đã thu được những kết quả sau:
- Những giờ học về nghị luận xã hội khá sôi nổi, hào hứng.
- Các bài kiểm tra, bài thi về nghị luận xã hội có kết quả khá cao.
- Đa phần học sinh nắm được các thao tác làm bài và tích cực làm bài. Bài viết có
màu sắc riêng của học sinh
Đội tuyển học sinh giỏi do tôi bồi dưỡng, giảng dạy nhiều năm đạt kết quả cao
trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tiêu biểu là đội tuyển lớp 12 năm học 2008-2009 đứng
thứ 2 tỉnh Hưng Yên
Về bản thân mình, tôi được nhà trường, đồng nghiệp tín nhiệm và giao cho nhiều
công việc chuyên môn quan trọng như dạy lớp chọn văn, bồi dưỡng đội tuyển, dạy các
lớp ôn thi đại học, cao đẳng. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã ra nhiều đề nghị luận xã
hội. Các đề bài của tôi đã được sử dụng trong nhiều kỳ thi các cấp
Kết quả đạt được của tôi thực sự còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với tình yêu công việc
dạy văn, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để có thêm nhiều đóng góp cho công việc dạy văn nói
chung và việc dạy văn nghị luận xã hội nói riêng.


KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
Dạy văn thì nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ. Đã theo nghề thì đâu có ngại những gian
khổ của nghề. Chính nỗi nhọc nhằn, vất vả của nghề tạo nên niềm vui, hạnh phúc và ý
nghĩa cao cả của một giáo viên dạy văn. Văn chương thì vô bờ, nghề dạy học thì thầm
lặng, cuộc sống thì bộn bề, sôi động với bao nhiêu thăng trầm, toan tính. Cái tâm của
người thầy dạy văn là cốt lõi, là nên tảng của mọi kinh nghiệm dạy học. Khi yêu bằng
một tình yêu đủ lớn, người ta có muôn ngàn cách vượt qua những trở ngại để giữ gìn và

bồi đắp tình yêu ấy.
Một số kinh nghiệm về việc ra đề văn nghị luận xã hội mà tôi vừa trình bày trên
đây, thiết nghĩ chỉ như một vài hạt muối bé nhỏ ném vào lòng đại dương thăm thẳm của
nghiệp dạy văn. Dù bé nhỏ, ít ỏi là thế nhưng nếu góp được chút mặn mòi nào đó cho
công việc của những người dạy văn tôi đã cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
Tôi biết, còn nhiều các thầy cô dạy văn, tâm huyêt, giỏi nghề, giàu kinh nghiệm
giảng dạy. Rất mong được các thầy cô góp ý cho sáng kiến kinh nghiệm của tôi và chia
sẻ thêm những kinh nghiệm của bản thân để công việc dạy văn của chúng ta hiệu quả và
bớt phần nhọc nhằn hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!

Ngƣời viết

Nguyễn Văn Song



×